LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU


+ XIN ĐỪNG ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ



tải về 1.5 Mb.
trang12/19
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.5 Mb.
#13722
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   19

+ XIN ĐỪNG ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ
Cách thức lời cầu xin này diễn đạt làm nhiều người giật mình: Chắc chắn Thiên Chúa không dẫn chúng ta vào trong cám dỗ. Đúng thế, thánh Giacôbê nói với húng ta rằng: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói: ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’, vì Thiên Chúa không thể cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai” (Gc 1:13).

Chúng ta được giúp cho một bước xa hơn khi chúng ta nhớ lại những từ ngữ của Tin Mừng: “Bấy giờ, Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4:1). Cám dỗ đến từ ma quỷ, nhưng một phần trách nhiệm thiên sai của Đức Giêsu là chống lại những đại cám dỗ đã lôi kéo nhân loại ra khỏi Thiên Chúa và vẫn còn tiếp tục lôi kéo. Như chúng ta đã thấy, Đức Giêsu phải chịu đau khổ qua những cám dỗ này cho đến chết trên cây Thập giá. Đây là cách thức Ngài mở con đường cứu rỗi cho chúng ta. Vì thế, không chỉ sau cái chết của Ngài, nhưng nhờ vào cái chết của Ngài và trong toàn bộ cuộc đời của Ngài, Đức Giêsu “đi vào hỏa ngục”, như đã xảy ra, đi vào trong phạm vi của những cám dỗ và thất bại của chúng ta, để nắm tay chúng ta và đem chúng ta lên cao. Thư gởi cho Do thái nhấn mạnh cách đặc biệt chiều kích này, trình bày một bộ phận quan trọng trong con đường của Đức Giêsu. “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2:18). “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nổi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4:15).

Một cái nhìn sơ lược về sách ông Job, sách này nói trước về mầu nhiệm Đức Kitô trong rất nhiều khía cạnh. Sách này có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ hơn. Xatan chế giễu con người để chế giễu Thiên Chúa: Tạo vật của Thiên Chúa, mà Người đã dựng nên trong hình ảnh của Người, là một tạo vật đáng thương hại. Những gì có vẻ tốt về tạo vật, lại thật sự là cái mã bên ngoài. Sự thật là con người, từng cá nhân, chỉ quan tâm một điều duy nhất là lợi lộc riêng của họ. Đây là phán đoán của Xatan, kẻ mà sách Khải huyền gọi là “Kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa” (Kh 12:10). Trong giai đoạn cuối cùng, sự vu khống nhân loại và tạo vật là sự vu khống Thiên Chúa, lời xin lỗi vì từ bỏ Người.

Satan muốn chứng minh trường hợp của nó qua người công chính Job: Xatan nói rằng hãy lấy đi tất cả của ông, và ông ta cũng sẽ buông rơi lòng đạo đức của ông. Thiên Chúa ban cho Satan tự do để thử thách Job, dù chỉ qua những ranh giới xác định: Thiên Chúa không từ bỏ nhân loại, nhưng Người để cho con người bị thử thách. Đây là một thoáng nhìn hết sức huyền ảo, tìm ẩn, nhưng rất thực về mầu nhiệm thay thế nhận lấy một tiểu sử quan trọng trong Isaiah 53: Những đau khổ của Job phục vụ cho người công chính. Qua đức tin của ông, đã minh chứng qua đau khổ, ông phục hồi vinh dự con người lại. Vì thế, đau khổ của ông Job là việc báo trước những đau khổ trong hiệp thông với Đức Kitô, Đấng phục hồi vinh dự lại cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa và chỉ cho chúng ta con đường không bao giờ đánh mất đức tin trong Thiên Chúa, cho dù giữa tối tăm sâu thẳm nhất.

Sách Job có thể giúp cho chúng ta hiểu được sự khác biệt giữa gian nan và cám dỗ. Để có thể trưởng thành, để có thể tiến bộ thật sự trên con đường dẫn đi từ lòng sùng mến bề ngoài đến việc nên một sâu xa với ý Chúa, con người cần phải cố gắng. Cũng như để cho nước nho lên men trở thành rượu nho ngon, cũng thế, con người cần nhiều thanh luyện và nhiều biến đổi. Những cuộc thanh luyện và biến đổi này nguy hiểm với con người, vì chúng đưa ra cơ hội làm cho con người sa ngã, thế nhưng, rất cần sự thanh luyện và biến đổi như những con đường mà con người đến với chính họ và đến với Thiên Chúa. Tình yêu luôn luôn là một tiến trình liên quan đến nhiều thanh luyện, nhiều từ bỏ, và nhiều biến đổi chính mình cách đau thương. Và đó là, thế nào là một hành trình trưởng thành. Nếu Phanxicô Xavier có thể cầu nguyện cùng Thiên Chúa, nói rằng “Con yêu Chúa, không phải vì Chúa có quyền ban thiên đàng hay hỏa ngục, nhưng chỉ vì Chúa là Chúa, Vua của con và Chúa của con”, chắc chắn kế đó, thánh nhân cần đến một con đường dài qua thanh luyện nội tâm để đạt tới sự tự do tối hậu như thế, một con đường qua những chặng đường trưởng thành, một con đường vây quanh bởi cám dỗ và nguy hiểm của sa ngã, nhưng trái lại, một con đường cần thiết.

Giờ đây, chúng ta đứng trong vị thế để giải thích lời cầu xin thứ sáu trong kinh Lạy Cha theo cách thức thực tế hơn. Khi chúng ta cầu nguyện điều này, chúng ta đang nói với Thiên Chúa: “Con biết rằng con cần gian nan để cho bản tính tự nhiên của con có thể được thanh luyện. Khi Chúa quyết định gởi cho con những gian nan này, khi Chúa cho sự dữ một số cơ hội để diễn tập, như Chúa đã làm với ông Job, như thế, xin Chúa nhớ cho rằng sức mạnh của con chỉ đi đến mức này. Xin đừng đánh giá khả năng của con quá cao. Xin đừng đặt biên giới quá rộng trong đó, con có thể bị cám dỗ, và xin ở gần bên con với đôi tay bảo vệ của Người khi nào cám dỗ quá sức con”. Trong nghĩa này, thánh Cyprian đã giải thích lời cầu xin thứ sáu. Thánh nhân nói rằng khi chúng ta cầu nguyện “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”, chúng ta đang diễn đạt ý thức “rằng kẻ thù không thể làm gì được chúng ta trừ khi Thiên Chúa cho phép nó trước, như thế nỗi lo sợ của chúng ta, lòng sùng mến và thờ phượng của chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa, bởi vì Kẻ Dữ không được phép làm bất cứ điều gì trừ khi được phép” (De dominica oratione 25; CSEL III, 25, tr. 285 tt).

Và kế đó, suy nghĩ về mô thức tâm lý của cám dỗ, thánh nhân giải thích rằng có hai lý do khác nhau tại sao Thiên Chúa cho Kẻ Dữ sức mạnh có giới hạn. Đó có thể là việc đền tội cho chúng ta, để đánh mất sự kiêu ngạo của chúng ta, để chúng ta có thể tái kinh nghiệm sự nhỏ bé của đức tin, đức cậy và đức mến của chúng ta và tránh đi việc có ý kiến quá cao về chính chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ đến người Pharisêu tính toán nhhững việc làm riêng tư của họ với Thiên Chúa và tưởng tượng rằng họ không cần ân sủng. Đáng tiếc, Cyprian không giải thích cách chi tiết về các loại gian nan khác làm sao, cám dỗ mà Thiên Chúa đặt trên chúng ta ad gloriam, để vinh danh Người. Nhưng chúng ta có nên nghĩ rằng Thiên Chúa đã đặt gánh nặng cám dỗ đặc biệt trên vai những cá nhân gần gũi với Người, các đại thánh nhân, từ Antôn trong hoang địa đến Térésa thành Lisieux trong thế giới đạo đức của đan viện Carmêlô của thánh nhân không? Có thể nói rằng các vị thánh cao cả bước theo Job. Họ đưa ra một biện hộ cho con người mà đồng thời cũng là sự bảo vệ của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, họ hưởng được một sự hiệp thông đặc biệt với Đức Giêsu Kitô, Đấng đau khổ những cám dỗ của chúng ta cho đến tận cùng cách quyết liệt. Các vị thánh cao cả được mời gọi chống lại những cám dỗ của thời đặc biệt trong địa vị riêng của họ, như đã là, và trong linh hồn của riêng họ. Họ được kêu mời chịu đựng các cám dỗ cho đến cùng cho chúng ta, những linh hồn bình thường, và giúp cho chúng ta kiên trì trên con đường đến với Đấng đã nhận lấy cho chính mình gánh nặng của tất cả chúng ta.

Khi chúng ta cầu nguyện lời cầu xin thứ sáu của kinh Lạy Cha, vì thế, chúng ta phải, một mặt, sẵn sàng nhận lấy cho chính chúng ta gánh nặng của những thử thách chia phần cho chúng ta. Mặt khác, đối tượng của lời cầu xin là xin Thiên Chúa đừng chia quá nhiều hơn khả năng chúng ta có thể gánh nỗi, đừng để chúng ta tuột ra khỏi tay Người. Chúng ta dùng lời cầu xin này trong chắc chắn tin tưởng mà thánh Phaolô đã giải thích cho chúng ta. “Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1Cor 10:13).



+ NHƯNG CỨU CHÚNG CON CHO KHỎI MỌI SỰ DỮ
Lời cầu xin cuối cùng trong kinh Lạy Cha dùng lại lời cầu xin trên đây một lần nữa và cho lời cầu xin này một thay đổi tích cực. Vì thế, hai lời cầu xin nối kết với nhau cách chặt chẽ. Trong cả hai lời cầu xin, cái không làm thành âm thanh trổi vượt hơn cả (đừng cho Kẻ Dữ thêm cơ hội để lừa chúng con hơn chúng con có thể chịu đựng). Trong lời cầu xin cuối cùng, chúng ta đến trước Chúa Cha với niềm hy vọng ngay tại trung tâm: “Xin cứu chúng con, xin cứu rỗi chúng con, xin cho chúng con tự do!” Trong phân tích cuối cùng, đây là lời van xin cứu độ. Chúng ta muốn được cứu thoát khỏi điều gì? Bản dịch kinh Lạy Cha của tiếng Đức nói đến “vom Bösen”, vì thế bỏ ngỏ ý nghĩa của “sự dữ” hay “Kẻ Dữ”. Cuối cùng, cả hai không thể tách rời nhau. Đúng thế, chúng ta nhìn thấy một con rồng trước chúng ta mà sách Khải huyền đề cập tới (x. chương 12 và 13). Gioan diễn tả “thú vật đứng lên từ biển cả”, từ trong sâu thẳm của sự dữ, với các biểu tượng của quyền lực đế quốc Roma, và vì thế, thánh nhân nói đến một bộ mặt rất cụ thể về sự đe dọa đang đối diện với người Kitô thời của ngài: Toàn thể yêu sách đặt trên con người do sự sùng kính hoàng đế và sự nâng cao kết quả của sức mạnh chính trị-quân sự-kinh tế đến đỉnh cao kết quả của sức mạnh chính trị-quân sự-kinh tế đến đỉnh cao của quyền lực tuyệt đối, đến việc nhân cách hóa sự dữ hăm dọa ăn tươi nuốt sống chúng ta. Điều này đi chung với sự xói mòn những nguyên tắc đạo đức bởi một hình thức yếm thế hoài nghi và giác ngộ. Vì thế rơi vào tình trạng nguy hiểm, người Kitô hữu trong thời bị bắt bớ kêu gọi Thiên Chúa như quyền năng duy nhất có thể cứu thoát họ: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

Tuy đế quốc Roma và các ý thế hệ của nó đã tan rã, nhưng ngày nay, điều này vẫn còn duy trì! Ngày nay, một mặt, đó là những quyền lực của thị trường tiêu thụ, buôn bán vũ khí, mua bán ma quý, và buôn bán con người, tất cả những quyền lực này đè nặng trên thế giới và gài bẫy con người không thể nào cưỡng lại nỗi. Ngày nay, mặt khác, đó là những ý thức hệ về thành công, về hạnh phúc, nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa chỉ là tiểu thuyết, Người chỉ cướp đoạt thời gian và sự thư giãn cuộc đời của chúng ta. Đừng làm phiền Người! Cố gắng vắt cho hết cuộc đời như bạn có thể”. Dường như không thể nào tránh khỏi những cám dỗ này. Nói chung, kinh Lạy Cha và đặc biệt, lời cầu xin này đang cố gắng nói với chúng ta rằng chỉ khi nào bạn mất Thiên Chúa, bạn cũng mất chính bạn. Như thế, bạn không hơn gì một sản phẩm tình cờ của tiến hóa. Như thế, “con rồng” thật sự đã chiến thắng. Bao lâu con rồng không thể giật Thiên Chúa ra khỏi bạn, hữu thể sâu thẳm nhất của bạn vẫn bình yên vô sự, cả giữa tất cả sự dữ đang hăm dọa bạn. Vì thế, bản dịch của chúng tôi chính xác khi nói: “Xin cứu chúng con khỏi sự dữ”, với sự dữ số ít. Sự Dữ (số nhiều) có thể cần thiết để thanh luyện chúng ta, nhưng sự dữ (số ít) tàn phá. Như thế, đây là lý do tại sao chúng ta cầu xin từ tận trong sâu thẳm của linh hồn chúng ta để đức tin chúng ta khỏi bị tước đoạt, đức tin giúp chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa, đức tin nối kết chúng ta với Đức Kitô. Trong lo âu của chúng ta về điều tốt lành, đây là lý do tại sao chúng ta cầu nguyện để chúng ta khỏi đánh mất chính Sự Thiện hảo. Ngay cả khi đối diện với mất mát sự tốt lành, chúng ta cũng không mất Sự Thiện hảo, đó là Thiên Chúa, để chúng ta khỏi đánh mất chính chúng ta: Xin cứu chúng con khỏi sự dữ!

Cá nhân vị giám mục tử đạo đã chịu đựng hoàn cảnh được sách Khải huyền nói đến, một lần nữa, Cyprian đã tìm ra cách tuyệt vời để đem tất cả điều này lại như sau. “Khi chúng ta nói ‘xin cứu chúng con khỏi sự dữ’, như thế không còn lại gì cả cho chúng ta xin. Một khi chúng ta đã xin và nhận được sự bảo vệ chống lại sự dữ, chúng ta ẩn náu cách an toàn chống lại tất cả sự dữ và thế gian cố bày mưu tính kế. Làm sao thế gian có thể làm cho bạn sợ hãi nếu bạn được bảo vệ trong thế giới của chính Thiên Chúa?” (De dominica oratinoe 19, CSEL III, 27, tr. 287). Điều này chắc chắn dưỡng nuôi các vị tử đạo, điều này làm cho họ vui vẻ và tin tưởng trong một thế giới tràn ngập đau buồn, và điều này “cứu” họ ngay tại tâm hữu thể của họ, giải phóng họ cho tự do đích thật.

Cùng một lòng tin tưởng này đã được thánh Phaolô đặt thành lời cách tuyệt vời. “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?... Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?... Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ mọi cứ mọi loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:31-39).

Theo nghĩa này, lời cầu xin cuối cùng dẫn chúng ta trở lại với ba lời cầu xin đầu tiên: Trong khi xin cho được giải thoát khỏi quyền lực sự dữ, cuối cùng chúng ta đang xin Nước Chúa, để hiệp nhất với ý Người, và để thánh hóa tên Người. Qua nhiều thời đại, mặc dù lời cầu nguyện của con người đã giải thích lời cầu xin này trong nghĩa rộng. Ngay giữa những cùng cực của thế gian, con người cùng nài xin Thiên Chúa giới hạn lại sự dữ đang tàn phá thế gian và cuộc đời chúng ta,

Chính cách thức rất người này giải thích lời cầu xin đã đi vào phụng vụ: Trong mỗi một phụng vụ, ngoại trừ độc nhất Byzantine, lời cầu xin cuối cùng trong kinh Lạy Cha nối dài vào trong một lời nguyện riêng biệt. Trong phụng vụ Roma cũ, lời nguyện này như sau: “Lạy Chúa, xin giải thoát chhúng con khỏi mọi sự dữ, quá khứ, hiện tại và tương lai. Qua lời cầu bầu… của tất cả các thánh, ban bình an trong thời chúng con. Xin lòng thương xót của Người đến giúp chúng con để cho chúng con được giải thoát khỏi tội lỗi và được bảo vệ khỏi rối loạn”. Chúng ta cảm nhận những khó khăn trong thời chiến, chúng ta nghe thấy tiếng khóc để cho toàn thể cứu rỗi. Sự “nghẽn mạch” này, mà phụng vụ làm nổi bật lời cầu xin cuối cùng trong kinh Lạy Cha, cho thấy nhân tính của Hội thánh. Đúng thế, chúng ta có thể và cũng nên xin Chúa giải thoát thế gian, chính chúng ta, và nhiều cá nhân và dân tộc đang chịu đau khổ khỏi những thống khổ làm cho cuộc đời hầu như không thể chịu nổi.

Chúng ta có thể và chúng ta nên hiểu việc kéo dài lời cầu xin cuối cùng này trong kinh Lạy Cha cũng như việc lượng định lương tân cách trực tiếp đến chính chúng ta, như lời kêu gọi cộng tác trong việc bẻ gãy sự thống trị của “các sự dữ”. Nhưng để cho tất cả điều này, chúng ta không được nhắm mắt trước trật tự riêng biệt của các điều tốt lành và của nối kết với các sự dữ với “sự dữ”. Lời cầu xin của chúng ta không được chìm vào trong vẻ bề ngoài. Cả trong cách chú giải này của lời cầu xin trong kinh Lạy Cha, tâm điểm vẫn là “để chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi”, để chúng ta nhận ra “sự dữ” như tinh túy của “các sự dữ”, và để cái nhìn của chúng ta không bao giờ bị trệch ra khỏi Thiên Chúa hằng sống.
CHƯƠNG VI : CÁC MÔN ĐỆ
Tất cả giai đoạn nằm trong hoạt động của Đức Giêsu mà chúng ta đã nghiên cứu trên đây, trở nên rõ ràng là Đức Giêsu nối kết cách gần gũi với cái “chúng ta” của gia đình mới mà Ngài đã tụ họp lại qua lời loan báo và hành động của mình. Trên nguyên tắc, điều trở nên hiển nhiên là cái “chúng ta” có ý mục đích trở thành phố quát: Cái “chúng ta” không còn hệ tại vào dòng dõi, nhưng vào sự hiệp thông với Đức Giêsu, Ngài chính là Torah hằng sống của Thiên Chúa. Cái “chúng ta” của gia đình mới không phải là vô định hình. Đức Giêsu gọi một nhóm hạt nhân nội bộ mà Ngài chọn cách đặc biệt. Họ tiếp tục sứ mạng của Ngài và đem lại cho gia đình mới này trật tự và hình dạng. Đó là lý do tại sao Đức Giêsu đã thành lập nhóm Mười Hai. Nguyên thủy, danh xưng “tông đồ” vượt ra ngoài nhóm này, nhưng sau đó, càng ngày càng được giới hạn lại cho nhóm Mười Hai. Ví dụ, trong Luca luôn đề cập đến Mười Hai Tông đồ, cách thực tế, cụm từ này đồng nghĩa với nhóm Mười Hai. Ở đây không cần đi sâu vào những vấn đề đã được bàn thảo cách sâu rộng liên quan đến việc triển khai cách dùng từ “tông đồ”. Các đơn giản, chúng ta hãy lắng nghe những bản văn quan trọng nhất cho thấy về sự hình thành cộng đoàn các môn đệ thân cận nhất của Đức Giêsu.

Bản văn trọng điểm cho vấn đề này là Máccô 3:13-19. Bản văn bắt đầu bằng cách nói rằng Đức Giêsu “lên núi và gọi đến với Ngài những kẻ Ngài muốn. Và các ông đến với Ngài” (Mc 3:13). Các biến cố dẫn đến việc này đã xảy ra bên bờ hồ và bây giờ, Đức Giêsu đi lên “núi”, nghĩa là nơi Ngài hiệp thông với Thiên Chúa, nơi đỉnh cao nhất, trên mọi công việc và hành động trong cuộc sống hằng ngày. Luca tập trung vào điểm này nhưng còn sôi nổi hơn trong trình thuật song song của thánh nhân. “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Ngài kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông đồ” (Lc 6:12 tt).

Việc kêu gọi các môn đệ là một biến cố cầu nguyện. Dường như các môn đệ được sinh ra từ trong cầu nguyện, trong sự thân mật với Chúa Cha. Việc gọi nhóm Mười Hai, còn sâu xa hơn chỉ là chức năng, mang lấy một ý nghĩa thần học cách sâu xa: Việc gọi nhóm Mười Hai nảy sinh từ cuộc đối thoại của người Con với Chúa Cha, và được neo chặt tại đây. Điều này cũng là điểm khởi đầu cần thiết để hiểu những lời của Đức Giêsu, “Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9:38): Chúng ta không thể chọn thợ gặt cách giản đơn cho cánh đồng của Thiên Chúa cùng một cách như một người chủ tìm nhân công. Phải luôn luôn cầu xin Thiên Chúa cho họ và chính Người chọn họ cho công tác này. Tính chất thần học này được củng cố trong câu sau của Máccô. “Đức Giêsu đã gọi những ai Ngài muốn”. Bạn không thể làm cho bạn trở thành một môn đệ. Đây là một biến cố chọn lựa, một quyết định tự do thuộc về ý muốn Chúa, mà, ngược lại, lại gắn chặt trong sự hiệp thông của Ngài với ý muốn của Cha.

Kế đến, bản văn tiếp tục: “Và Ngài chỉ định [nghĩa đen: đã làm thành] nhóm Mười Hai, Ngài gọi họ là các tông đồ, để các ông ở với Ngài và để Ngài sai các ông đi rao giảng” (Mc 3:14). Việc đầu tiên để suy nghĩ là thành ngữ “Ngài đã làm thành nhóm Mười Hai”, nghe lạ tai đối với chúng ta. Trong thực tế, cụm từ này của Tác giả Phúc Âm dùng lại thuật ngữ Cựu Ước trong việc chỉ định tư tế (x. IV 12:31, 13:33) và vì thế, biểu thị đặc điểm chức vụ tông đồ như mục vụ tư tế. Hơn thế nữa, những ai được chọn đã được liên kết tên cá nhân họ với các Ngôn sứ của Israel, những người mà Thiên Chúa đã gọi đích danh. Vì thế, Máccô trình bày mục vụ tông đồ như là sự hòa hợp các sứ mạng ngôn sứ và tư tế (Feuillet, Études, tr. 178). “Ngài đã làm thành nhóm Mười Hai”: Mười Hai là con số biểu tượng của Israel, con số các con trai của Jacob. Từ nơi họ, mười hai chi tộc của Israel bắt nguồn, cho dù thực tế, chỉ có chi tộc Giuđa vẫn còn sau cuộc Lưu đày. Theo nghĩa này, con số mười hai là việc quay trở lại nguồn gốc của Israel, nhưng cùng lúc ấy, đây là một biểu tượng hy vọng: Toàn thể Israel được lập lại và mười hai chi tộc được tụ họp lại cách mới mẻ.

Mười hai, con số các chi tộc, đồng thời cũng là con số vũ trụ diễn đạt tính toàn diện của Dân Chúa được tái sinh cách mới mẻ. Con số mười hai đại diện cho các tộc trưởng của dân phổ quát này được lập trên các Tông đồ. Trong cái nhìn về thành Giêrusalem mới tìm thấy trong Khải huyền, biểu tượng mười hai được trau chuốt vào trong hình ảnh lộng lẫy (x. Kh 21:9-14) giúp cho Dân hành hương của Chúa hiểu được hiện tại của họ trong ánh sáng tương lai và làm sáng tỏ điều này với tinh thần hy vọng: Quá khứ, hiện tại, và tương lai trộn lẫn vào nhau khi nhìn trong chiều kích Mười Hai.

Đây cũng là bối cảnh đúng đắn để tiên báo về Đức Giêsu ban cho Nathanael một thoáng nhìn về bản chất thật của ông. “Các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1:51). Tại đây, Đức Giêsu mạc khải Ngài ra như một Jacob mới. Vị tộc trưởng mơ thấy một chiếc thang được dựng lên bên cạnh đầu ông ta, lên tới trời và trên đó, các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống. Giấc mơ này đã trở thành một thực tại với Đức Giêsu. Chính Ngài là “cửa trời” (St 28:10-22). Ngài là Giacóp thật, “Con Người”, vị tộc trưởng của Israel cuối cùng.

Chúng ta hãy trở lại bản văn của Máccô. Đức Giêsu chỉ định nhóm Mười Hai với hai nhiệm vụ: “Ở với Ngài và để Ngài sai các ông đi rao giảng”. Họ phải ở với Ngài để có thể biết được Ngài, để có thể đạt được sự hiểu biết tường tận về Ngài mà không thể ban cho “dân chúng”, những người này chỉ thấy Ngài bên ngoài và cho rằng Ngài là một tiên tri, một vĩ nhân trong lịch sử các tôn giáo, nhưng không thể nhận ra tính độc nhất của Ngài (x. Mt 16:13 tt). Nhóm Mười Hai phải ở với Ngài để có thể nhận ra tính duy nhất của Ngài với Chúa Cha và vì thế, trở thành các chứng nhân về mầu nhiệm của Ngài. Cũng như Phêrô sẽ nói trước việc chọn lựa Mátthêu, họ phải hiện diện trong thời gian mà “Đức Giêsu ngự xuống trên anh em” (Cv 1:8, 21). Người ta có thể nói rằng họ phải vượt từ ngoài vào trong hiệp thông với Đức Giêsu. Tuy nhiên, đồng thời, họ ở đó để có thể trở nên những người đại diện của Đức Giêsu, “các Tông đồ”, không kém hơn, những người mang sứ điệp của Ngài đến cho thế gian, trước tiên cho con chiên lạc của Nhà Israel, nhưng sau đó “cho đến tận cùng trái đất”. Dường như, thoạt tiên việc ở lại trong Đức Giêsu và được Ngài sai đi loại trừ lẫn nhau, nhưng rõ ràng chúng lại thuộc về nhau. Các Tông đồ phải học để ở lại trong Ngài để Ngài giúp cho họ, cho dù họ đi đến tận cùng trái đất, họ vẫn ở lại trong Ngài. Ở lại trong Ngài bao gồm năng động truyền giáo qua chính bản chất của điều này, vì toàn thể con người của Đức Giêsu là truyền giáo.

Bản văn nói gì về chuyện họ được sai đi? “Đi rao giảng với quyền trừ quỷ” (Mc 3:14 tt). Mátthêu diễn tả cách chi tiết hơn về nội dung của sứ vụ này. “Để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10:1). Nhiệm vụ đầu tiên là rao giảng: Cho dân chúng ánh sáng của lời, sứ điệp của Đức Giêsu. Trước tiên, các Tông đồ là những Nhà Truyền giáo, cũng như Đức Giêsu, họ rao giảng Triều đại Thiên Chúa và vì thế, tụ họp dân chúng vào trong gia đình mới của Thiên Chúa. Nhưng việc giảng dạy Nước Chúa không bao giờ đơn thuần là lời, không bao giờ đơn thuần là hướng dẫn. Đây là một biến cố, cũng như chính Đức Giêsu là một biến cố, Lời Chúa trong con người. Qua việc loan báo Ngài, các Tông đồ dẫn dắt những ai nghe họ hội ngộ với Ngài.

Vì thế gian bị các quyền lực sự dữ cai trị, lời giảng dạy này đồng thời cũng là cuộc chiến với những quyền lực này. “Đi theo Đức Giêsu, các sứ giả của Ngài phải trừ quỷ, thành lập một hình thức mới về cuộc sống trong Chúa Thánh Thần là Đấng giải thoát những ai đang bị cầm giữ” (Pesch, Markusevangelicum, I, tr. 205). Và cách đặc biệt, như Henri de Lubac đã cho thấy, đúng thế, thế giới thời xưa đã kinh nghiệm sinh nhật của Kitô giáo như việc giải thoát khỏi sự sợ hãi ma quỷ, cho dù còn nghi ngờ và giác ngộ, đã thâm nhập vào thời đó. Ngày nay cũng xảy ra như thế, bất cứ khi nào Kitô giáo thay thế cho các tôn giáo cổ thuộc bộ lạc, biến đổi và tích hợp các yếu tố tích cực của nó vào trong chính mình. Chúng ta cảm thấy sự va chạm cực mạnh của cú nhảy này hướng về điều Phaolô nói: “Cũng chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất. Thật thế, mặc dầu người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất, quả thực, thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều, nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1Cor 8:4 tt). Nhưng lời này ám chỉ một quyền lực giải thoát tuyệt vời, lời trừ quỷ cao cả thanh luyện thế gian. Dù có bao nhiêu chúa trong thế gian đang tự do chăng nữa, chỉ có Thiên Chúa là Đấng duy nhất, Đấng duy nhất là Chúa. Nếu chúng ta thuộc về Người, tất cả mọi điều khác sẽ mất đi quyền lực của chúng. Chúng mất đi sức quyến rũ thần linh.

Giờ đây, thế gian được xem như một điều gì lý trí: Thế gian xuất thân từ lý trí vĩnh cửu, và lý trí sáng tạo này là quyền lực thật duy nhất trên thế gian và trong thế gian. Đức tin vào Thiên Chúa duy nhất là điều duy nhất thật sự giải thoát thế gian và làm cho thế gian “lý trí”. Khi đức tin biến mất, thế gian chỉ có vẻ lý trí hơn. Trong thực tế, giờ đây những quyền lực thay đổi vô định đòi nợ. “Học thuyết hỗn độn” xảy ra bên cạnh chiều sâu trong cấu trúc lý trí của vũ trụ, đối diện con người với những tối tăm mà họ không thể giải quyết và đặt ra giới hạn cho tính hữu lý của thế gian. “Trừ quỷ” thế gian, triển khai điều này dưới ánh sáng của ratio (lý trí) đến từ lý trí sáng tạo vĩnh cửu và các sự thiện hão của lý do này và đem chúng ta trở lại. Đó là nhiệm vụ chính yếu và cố định của các sứ giả của Đức Giêsu Kitô.

Một lần nữa, trong thư gởi cho Êphêsô, thánh Phaolô diễn tả đặc tính “trừ quỷ” này của Kitô giáo với một quan điểm khác. “Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Hãy mang toàn bộ binh giáo vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6:10-12). Hình ảnh về cuộc chiến đấu Kitô, mà ngày hôm nay chúng ta tìm ra cách ngạc nhiên, hay cả đến phiền toái, Heinrich Schlier đã giải thích như sau. “Các kẻ thù không phải là người này hay kẻ kia, hay cả chính bản thân tôi. Chúng không có xương thịt và máu. … Cuộc xung đột sâu xa hơn. Cuộc xung đột là cuộc chiến đấu chống lại ông chủ nhà của những kẻ thù luôn luôn chạy đến. Không thể nào ghim chặt chúng xuống và chúng không có tên riêng, chỉ là các giáo phái gộp chung lại. Chúng cũng bắt đầu với sự thuận lợi trên con người, và đó là vì vị thế cao cấp của chúng, vị thế của chúng “trên chốn trời cao” của hiện hữu. Chúng cũng cao cấp vì vị thế của chúng không thể dò được và không thể tấn công được. Cuối cùng, vị thế của chúng là “bầu quyển khí” hiện hữu, mà chính chúng thiên vị về chúng và sinh sôi nảy nở chung quanh chúng. Cuối cùng, những kẻ thù này cực kỳ tràn ngập ác tâm ngay tận trong bản chất (Brief an die Epheser, r. 291).

Ai mà không thấy chỗ này một diễn đạt về thế giới của chúng ta, trong đó, người Kitô bị đe dọa bởi bầu khí quyển vô danh, bởi “cái gì đó trong không khí” muốn làm cho đức tin có vẻ như lố bịch và vô lý đối với họ? Và ai mà không thấy sự nhiễm độc về bầu khí tinh thần trên toàn thể thế gian đang hăm dọa nhân phẩm con người, đúng thế, đến cả chính hiện hữu của họ? Từng cá nhân và cả những cộng đoàn con người, hình như vô vọng nhờ vào lòng thương xót của các quyền lực như thế. Người Kitô hữu biết rằng họ không thể làm chủ sự đe dọa này bởi những nguồn riêng của họ. Nhưng trong đức tin, trong hiệp thông với Đức Chúa duy nhất và chân thật của thế gian, họ được ban cho “khiên thuẫn của Thiên Chúa”. Khiên thuẫn này giúp cho họ, trong hiệp thông với toàn thể thân thể Đức Kitô, chống lại các quyền lực này, biết rằng ân sủng đức tin của Thiên Chúa tái lập lại hơi thở tinh khiết của cuộc sống: Hơi thở của Đấng Sáng Tạo, hơi thở của Chúa Thánh Thần, Đấng duy nhất có thể đem lại sức khỏe cho thế gian.

Bên cạnh mệnh lệnh trừ quỷ, Mátthêu thêm vào sứ vụ chữa lành. Nhóm Mười Hai được sai đi để “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10:1). Chữa lành là một chiều kích quan trọng của sứ mạng tông đồ và đức tin Kitô nói chung. Eugen Biser còn đi xa hơn khi gọi Kitô giáo là “tôn giáo chữa bệnh”, một tôn giáo chữa lành (Einweisung). Khi hiểu được chiều kích sâu xa thích đáng, điều này diễn đạt toàn thể nội dung của “cứu độ”. Thẩm quyền xua đuổi ma quỷ và giải thoát thế gian khỏi sự đe dọa đen tối của chúng, vì lợi ích của Thiên Chúa duy nhất chân thật, cũng là thẩm quyền loại trừ bất cứ cách hiểu ma thuật nào về chữa lành qua những cố gắng lạm dụng các quyền lực bí nhiệm này. Chữa lành theo kiểu ma thuật luôn luôn nối kết với nghệ thuật đem sự dữ vào trong một người nào đó và bố trí cho “ma quỷ” chống lại họ. Sự thống trị của Thiên Chúa, Triều đại của Thiên Chúa, chính xác nghĩa là, việc lấy đi quyền năng của những sức mạnh này bởi sự can thiệp của Thiên Chúa duy nhất, Đấng Tốt Lành, chính sự Tốt Lành. Quyền lực chữa lành của các sứ giả của Đức Giêsu Kitô chống lại các thần linh ma thuật. Nó cũng trừ quỷ thế gian cũng như trong các thuật ngữ y tế. Trong những phép lạ chữa lành do Chúa và nhóm Mười Hai thực hiện, Thiên Chúa bày tỏ quyền năng nhân từ của Người trên thế gian. Những phép lạ này là “những dấu chỉ” thực thụ hướng đến chính Thiên Chúa và phục vụ để đặt con người trong chuyển động hướng tới Thiên Chúa. Chỉ trở nên-một với Thiên Chúa mới có thể là tiến trình thật trong việc chữa lành con người.

Đối với chính Đức Giêsu và đối với những ai đi theo Ngài, vì các phép lạ chữa lành là một yếu tố phụ trong toàn thể phạm vi hoạt động của Ngài, nhấn mạnh đến một điều sâu xa hơn, không gì khác hơn là “Triều đại Thiên Chúa”: Ngài trở nên-Chúa trong chúng ta và trong thế gian. Cũng như việc trừ quỷ đuổi sự sợ hãi ma quỷ ra khỏi và dấn thân cho thế gian, đến từ lý do của Thiên Chúa, cũng đến từ lý do nhân loại nữa, chữa lành bởi quyền năng Thiên Chúa vừa là sự mời gọi đức tin vào Thiên Chúa và vừa là lời mời gọi dùng những quyền năng lý trí để phục vụ việc chữa lành. Dĩ nhiên, ở đây “lý trí” có nghĩa rất rộng. Đó là một loại lý trí nhận ra Thiên Chúa và vì thế, cũng nhận ra con người như sự hiệp nhất cả xác và hồn. Người nào thật sự muốn chữa lành con người, họ phải thấy họ trong sự toàn thể của họ và phải biết rằng sự chữa lành cuối cùng của họ chỉ có thể là tình yêu Thiên Chúa.

Chúng ta hãy trở lại bản văn trong Tin Mừng Máccô. Sau khi ghi rõ sứ mạng của nhóm Mười Hai, Máccô liệt kê tên của họ ra. Chúng ta đã thấy rằng đây là việc bắt chước chiều kích ngôn sứ của sứ mạng của họ. Thiên Chúa biết chúng ta và gọi chúng ta bằng tên. Đây không phải là nơi để vẽ lại chân dung của từng nhân vật làm thành nhóm Mười Hai dưới ánh sáng của Sách thánh và truyền thống. Điều quan trọng đối với chúng ta là việc làm thành cả nhóm, và điều này khá phức tạp.

Hai thành viên của nhóm xuất thân từ nhóm Zealot: Simôn mà trong Luca 6:15 gọi là “Zealot” và trong Mátthêu và Máccô gọi là người “Canan”, dựa theo nghiên cứu gần đây cũng có nghĩa như nhau, và Giuđa. Thuật ngữ Iscariot chỉ có thể có nghĩa là “người đàn ông đến từ Karioth”, nhưng cũng có thể ông được gọi là người Sicarian, biến thể tận căn của nhóm Zealot. Lòng nhiệt thành (zelos) về lề luật đã cho phong trào này một cái tên giống như những người “zealot” vĩ đại trong lịch sử Israel để làm thành những người mẫu của họ: Từ Phinehas, họ đã giết một người Israel sùng bái ngẫu tượng trước toàn thể cộng đoàn (Ds 25:6-13), và Êlia, người đã làm cho các thầy tư tế thần Baal bị giết tại núi Carmel (1V 18), cho đến Mattathias, vị tộc trưởng của Maccabees, người khởi động cuộc nổi lên chống vua Hy lạp Antiochus đã cố gắng dập tắt đức tin Israel bằng cách giết người tuân thủ sửa soạn hy tế cách công khai cho các vị thần theo sắc chỉ của vua (1Mcb 2:17-28). Những người Zealot nhìn chuỗi lịch sử này của các “zealot” vĩ đại như một di sản làm cho họ dấn thân đấu tranh chống lại những người xâm lược Roma trong thời của họ.

Một cực điểm khác trong nhóm Mười Hai mà chúng ta tìm thấy là Levi-Mátthêu, như một người thu thuế, đã tham gia kín vào trong thế lực và đã bị liệt kê như kẻ tội lỗi công khai vì chỗ đứng trong xã hội của ông. Nhóm chính trong nhóm Mười Hai bao gồm những ông đánh cá từ hồ Ghenesareth, Simon, người mà Chúa gọi tên là Cephas (Phêrô), “đá”, có vẽ là người đầu của tập thể đánh cá (x. Lc 5:10), trong đó ông làm việc bên cạnh người anh lớn của ông là Andrê và những người con trai của Zêbêđê, Gioan và Giacôbê, những người mà Chúa tên riêng là “Boanerges”, những đứa con trai của sấm sét. Một số học giả lý luận rằng tên này cũng chỉ đến việc liên kết với phong trào Zealot, nhưng có thể điều này không đúng. Đó là cách thức Chúa nói về tính khí bão tố của họ, mà cũng xuất hiện khá rõ trong Tin mừng Gioan. Cuối cùng, có hai người đàn ông với tên Hy lạp, Philipphê và Andrê, là những người mà người Do thái nói tiếng Hy lạp nói đến trong Chúa nhật lễ Lá vào lúc lễ hội Vượt qua, để liên hệ với Đức Giêsu (x. Ga 12:21 tt).

Chúng ta có thể giả định rằng tất cả Mười Hai đều là những người Do thái có đức tin và tuân giữ đã chờ đợi sự cứu độ cho Israel. Nhưng bằng những quan niệm của riêng họ, của riêng tư duy của họ về cách thức Israel được cứu độ, họ là một tập thể cực kỳ đa dạng. Điều này giúp cho chúng ta hiểu khi mới bắt đầu họ lại dần dần vào trong cách thức bí nhiệm mới của Đức Giêsu khó khăn như thế nào, một loại căng thẳng phải chiến thắng. Ví dụ, cần có bao nhiêu lòng nhiệt thành của những người Zealot trước khi có thể được hiệp nhất với “lòng nhiệt thành” của Đức Giêsu, mà Gioan đã kể cho chúng ta (x. Ga 2:17)? Lòng nhiệt thành của Ngài đạt tới hoàn tất trên Thập giá. Cách chính xác, trong phạm vi rộng của nhiều quá trình, nhiều tính khí, và nhiều cách tiếp cận, nhóm Mười Hai cá vị hóa Hội thánh trong mọi thời và nhiệm vụ khó khăn về thanh luyện của mình và hiệp nhất những người đàn ông này lại vào trong lòng nhiệt thành của Đức Giêsu Kitô.

Chỉ có Luca kể cho chúng ta rằng Đức Giêsu làm thành nhóm môn đệ thứ hai, bao gồm bảy mươi (hay bảy mươi hai) và đã sai đi với sứ mạng giống như nhóm Mười Hai (x Lc 10:1-12). Cũng như con số mười hai, con số bảy mươi (hay bảy mươi hai, nhiều bản chép tay ghi lại cách này hay cách kia) là con số biểu tượng. Đặt nền tảng trên việc kết hợp giữa Đệ Nhị luật 32:8 và Xuất hành 1:5, bảy mươi được coi như con số các dân tộc của thế gian. Theo Xuất hành 1:5, bảy mươi là con số dân tộc đồng hành với Jacob vào trong Ai cập. “Dòng giống Jacob tính tất cả là bảy mươi người”. Một biến thể gần đây của Đệ Nhị Luật 32:8 đã trở thành phiên bản được nhận chung, như sau “khi Đấng Tối Cao định phần cho muôn nước, và khiến loài người khắp ngả chia tay, thì Người vạch biên cương cho từng dân tộc theo số những người con của Israel”. Đây là điểm tham khảo cho bảy mươi thành viên của nhà Jacob vào thời di cư tới Ai cập. Bên cạnh mười hai người con, những người biểu hiện trước Israel, có bảy mươi, đại diện cho toàn thế giới và vì thế, cũng được coi như có một vài nối kết với Jacob, với Israel.

Truyền thống này cũng làm thành hậu cảnh của truyền thuyết được truyền lại được gọi là lá thư cho Aristeas, dựa theo bản dịch Hy lạp về Cựu Ước được viết vào thế kỷ thứ ba trước Đức Kitô, đã được bảy mươi học giả sản xuất (hay bảy hai, với sáu đại diện cho từng mười hai chi tộc của Israel) dưới sự linh ứng đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Truyền thuyết là một cách để giải thích bản dịch này như việc mở đức tin Israel ra cho đến các quốc gia.

Và đúng thế, bản Septuagint đóng vai trò quyết định trong hướng dẫn nhiều linh hồn tìm kiếm trong thời xa xưa hướng đến Thiên Chúa của Israel. Những thần thoại trước đó đã mất chữ tín của chúng. Độc trần triết lý không đủ để đem dân chúng đến một tương quan sống động với Thiên Chúa. Vì thế, nhiều người học thức đã tìm tiếp cận mới tới Thiên Chúa trong độc thần của Israel, mà không được thai nghén cách triết lý, nhưng được ban cho từ trên trong một lịch sử đức tin. Nhiều thành phố đã nhìn thấy sự hình thành của vòng tròn “sợ hãi-Thiên Chúa”, của “các tà thần” sốt mến, họ không có thể hay cũng không muốn trở thành những người Do thái “đủ lông cánh”, nhưng tham dự vào trong phụng vụ hội đường và vì thế, trong đức tin Israel. Chính trong vòng tròn này mà lời rao giảng truyền giáo đầu tiên của người Kitô tìm được chỗ đứng đầu tiên và đã bắt đầu mở rộng. Cuối cùng, giờ đây những người đàn ông này có thể thuộc hoàn toàn về Thiên Chúa của Israel, vì chính Thiên Chúa này, dựa theo giảng dạy về Phaolô của Phaolô, thật sự trong Đức Giêsu đã trở nên Thiên Chúa của mọi người. Giờ đây, cuối cùng, bằng cách tin vào Đức Giêsu như Con Thiên Chúa, họ có thể hoàn toàn trở nên thành viên trong Dân Chúa. Khi Luca nói về nhóm bảy mươi bên cạnh nhóm Mười Hai, ý nghĩa rõ ràng là: Họ trở thành lời báo trước về đặc tính phổ quát của Tin Mừng, có nghĩa là cho mọi dân tộc trên trái đất.

Ngay điểm này, có thể thích hợp để nhắc đến một mục khác riêng biệt với Luca. Trong những câu mở đầu của chương 8, Luca ghi lại cho chúng ta rằng Đức Giêsu, trong khi Ngài đi với nhóm Mười Hai và giảng dạy, cũng được những người phụ nữ đồng hành. Luca nhắc đến ba tên và sau đó thêm vào “Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8:3). Sự khác biệt giữa cuộc đời làm môn đệ của nhóm Mười Hai và cuộc đời làm môn đệ của các bà khá hiển nhiên. Nhiệm vụ được giao cho từng nhóm rất khác nhau. Nhưng Luca làm cho rõ, và những Tin Mừng khác cũng cho thấy điều này trong nhiều cách khác nhau, mà “nhiều” bà thuộc về cộng đoàn của những tín hữu khá gần gũi và việc đi theo của họ tràn ngập-đức tin là một yếu tố quan trọng của cộng đoàn này, như đã được làm sáng tỏ cách sống động ngay dưới chân Thập giá và Sống lại.

Ngay lúc này, có thể cũng là điều hay nếu chú ý đến một vài chi tiết đặc biệt khác đối với Tác giả Phúc Âm Luca. Cũng như Luca rất nhạy cảm cách đặc biệt với ý nghĩa về phụ nữ, thánh nhân cũng là Nhà Truyền giáo của người nghèo, và không thể nào lầm lẫn được “chọn lựa ưu tiên người nghèo” của ngài.

Một lần nữa, Luca cho thấy sự hiểu biết đặc biệt đối với người Do thái. Những say mê đã gây ra sự chia rẽ mới chớm nở giữa Đền thờ và Hội thánh mới phôi thai, đã để lại dấu ấn trên Mátthêu và Gioan, không có một chỗ nào trong Luca. Tôi tìm thấy ý nghĩa đặc biệt về cách thức Luca kết luận câu chuyện rượu mới và bầu da cũ hay mới. Trong Máccô, chúng ta tìm thấy “cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất, mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới” (Mc 2:22). Bản văn giống như thế trong Mátthêu 9:17. Luca chuyển tải cho chúng ta cùng một câu nói, nhưng thánh nhân thêm vào phần cuối: “Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: ‘Rượu cũ ngon hơn’”. Dường như chỗ này có cơ sở tốt để chú giải điều này như một lời để hiểu về những ai vẫn muốn ở lại với “rượu cũ”.

Cuối cùng, đối với chủ đề về các nét đặc trưng đặc biệt của Luca, chúng ta đã thấy nhiều lần Tác giả Phúc Âm này chú ý hoàn toàn cách đặc biệt đến lời cầu nguyện của Đức Giêsu như là nguồn giảng dạy và hành động của Ngài. Luca chỉ cho chúng ta rằng tất cả những lời nói và việc làm của Đức Giêsu chảy đi từ sự trở nên một với Cha cách nội tại, từ cuộc đối thoại giữa Cha và Con. Nếu chúng ta có lý do đúng đắn để thuyết phục rằng các Sách thánh “linh ứng”, rằng các Sách thánh trưởng thành trong nghĩa đặc biệt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, như thế, chúng ta cũng có lý do đúng đắn để thuyết phục rằng chính các chiều kích đặc biệt này của truyền thống Luca bảo tồn những nét đặc trưng quan trọng của nhân vật Đức Giêsu gốc cho chúng ta.


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương