LỜi giới thiệu suy tư ban đẦu về MẦu nhiệm giêSU


+ TORAH CỦA ĐẤNG THIÊN SAI



tải về 1.5 Mb.
trang8/19
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích1.5 Mb.
#13722
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   19

+ TORAH CỦA ĐẤNG THIÊN SAI
Anh em đã nghe nói rằng… còn Tôi, Tôi bảo anh em biết…”

Người ta mong chờ Đấng Thiên Sai đem đến một Torah đổi mới, Torah của Ngài. Có lẽ Phaolô ám chỉ đến điểm này trong thư gởi cho cộng đoàn Galát khi đề cập về “Lề luật Đức Kitô” (Gl 6:2). Sự biện hộ sôi nổi và cao vời của thánh nhân về tự do khỏi Lề luật lên tới đỉnh điểm trong nhận định sau đây trong chương 5. “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa” (Gl 5:1). Nhưng khi Phaolô tiếp tục lập lại trong câu 13 khẳng định rằng “Anh em đã được gọi để hưởng tự do”, thánh nhân còn thêm “có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5:13). Giờ đây, Phaolô giải thích tự do là gì, nghĩa là, tự do trong phục vụ điều tốt lành, tự do để cho Thần Khí Thiên Chúa dẫn dắt chính tự do. Hơn thế nữa, cách chính xác là để cho Thần Khí Thiên Chúa dẫn dắt chính cá nhân, mà họ trở nên tự do đối với Lề luật. Ngay sau khi đó, Phaolô trình bày cách chi tiết về tự do Thần Khí thật sự bao gồm những gì và những gì không thích hợp với tự do.

“Lề luật của Đức Kitô” là tự do. Đây là nghịch lý trong sứ điệp của Phaolô trong thư gởi cho Galát. Kế đó, tự do này có nội dung, có hướng đi, và vì thế, tự do này đối lập với những gì có vẻ giải phóng con người, nhưng thực ra, lại biến con người thành nô lệ. “Torah của Đấng Messiah” thì hoàn toàn mới và khác biệt, nhưng qua chính cách này, “Torah của Đấng Messiah” hoàn tất Torah của Môsê.

Phần quan trọng hơn trong Bài giảng Trên núi (x. Mt 5:17-7:27) được dành cho cùng một chủ đề: Sau lời giới thiệu mang tính chương trình trong hình thức các Mối phúc, phần này tiếp tục trình bày, nếu muốn nói như thế, Torah của Đấng Messiah. Cả đến những người nhận và những chủ đích thật sự của bản văn, có cùng một loại suy với thư gởi cho Galát: Phaolô viết điều đó cho những người Kitô Do Thái. Họ đã bắt đầu tự hỏi có phải tiếp tục giữ toàn thể Lề luật Torah như được hiểu cho đến lúc này, đúng thế, cuối cùng có cần thiết hay không?

Trước hết, sự hoài nghi này đã ảnh hưởng đến phép cắt bì, các lề luật liên quan đến thức ăn, tất cả lãnh vực phong tục liên quan đến việc thanh tẩy, và làm sao giữ ngày sabát. Phaolô thấy các tư tưởng này như việc quay trở lại tình trạng trước cuộc cách mạng messiah, việc trở lại mà trong đó nội dung chính của cuộc cách mạng này bị đánh mất. Nghĩa là, sự phổ quát hóa dân Chúa, như là kết quả mà bây giờ, Israel nhận lấy tất cả các dân tộc của thế gian. Thiên Chúa của Israel thật sự được đem tới cho các dân tộc, theo lời hứa, và bây giờ đã cho thấy rằng Người là Thiên Chúa của tất cả, Thiên Chúa duy nhất.

Thân xác, dòng dõi thể lý từ Ápraham, không còn là vấn đề nữa. Đúng hơn, đó là Thần Khí: Thuộc về si sản đức tin và đời sống của Israel qua sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô, Đấng “thánh hóa” Lề luật, và khi làm như thế, làm thành con đường dẫn đến cuộc sống cho tất cả. Trong Bài giảng Trên núi, Đức Giêsu nói với dân Ngài, với Israel, như nói với người đầu tiên mang lời hứa. Nhưng khi ban cho họ Torah mới, Ngài mở họ ra, để khai sinh một gia đình cao cả mới của Thiên Chúa được lấy ra từ Israel và dân ngoại.

Mátthêu đã viết Tin Mừng của mình cho người Kitô Do thái, và nói rộng hơn, cho thế giới Do thái, để đổi mới lực đẩy cao cả mà Đức Giêsu đã khởi động. Qua Tin mừng của mình, Đức Giêsu nói với Israel theo cách thức mới mẻ và tiếp nối. Trong bối cảnh lịch sử mà Mátthêu viết, Đức Giêsu nói với người Kitô Do thái trong cách thức khá đặc biệt. Qua đó, người Kitô Do thái nhận ra tính mới mẻ và sự tiếp nối lịch sử mà Thiên Chúa liên hệ với nhân loại, bắt đầu với Ápraham và trải qua cuộc cách mạng với Đức Giêsu. Trong cách thức này, họ tìm thấy con đường sự sống.

Nhưng Torah của Đấng Thiên Sai thật sự giống như cái gì? Ngay từ lúc bắt đầu là một nhận định luôn làm chúng ta ngạc nhiên. Nhận định này giống như một loại chữ khắc và chìa khóa chú giải. Nhận định này làm cho sự trung thành của Thiên Chúa với chính Người và sự trung thành của Đức Giêsu với đức tin Israel trở thành rõ ràng không thể nào nhầm lẫn được. “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các Ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề luật, cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5:17-19).

Mục đích không phải là bãi bỏ, nhưng để kiện toàn, và việc kiện toàn này đòi hỏi sự thặng dư, không phải sự thiếu hụt, về công chính, như ngay sau đó, Đức Giêsu nói tiếp. “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20). Như thế, phải chăng điểm này chỉ làm tăng lên sự lo sợ trong việc giữ luật hay không? Sự công chính nào cao cả hơn nếu không phải là điều này?

Đúng thế, ngay từ khởi điểm của “việc đọc lại” này, cách đọc mới về những phần quan trọng của Torah, có một điểm nhấn trên sự trung thành triệt để và sự tiếp nối không gián đoạn. Nhưng khi chúng ta nghe thêm nữa, chúng ta bị đánh động bởi việc Đức Giêsu trình bày về tương quan giữa Torah của Môsê với Torah của Đấng Messiah trong một loạt những phản đề. “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng… Còn Tôi, Tôi bảo cho anh em biết…” Thuật ngữ “Tôi” của Đức Giêsu phù hợp với tình trạng mà không một thầy dạy Luật nào có thể cho phép chính họ cách hợp pháp. Đám đông cảm nhận điều này, Mátthêu kể cho chúng ta cách rõ ràng rằng dân chúng “bị báo động” về cách giảng dạy của Đức Giêsu. Ngài dạy dỗ không như vị rabbi dạy, nhưng như Đấng có “thẩm quyền” (Mt 7:28; x. Mc 1:22; Lc 4:32). Hiển nhiên, điều này không ám chỉ đến phẩm chất hùng biện trong diễn thuyết của Đức Giêsu, nhưng đúng hơn là loan báo công khai rằng, chính Ngài ở trong cùng một đẳng cấp cao trọng như Đấng Ban luật, như Thiên Chúa. Sự báo động của dân chúng (buồn thay bản dịch RSV hạ thấp giọng xuống thành “ngạc nhiên”) cách chính xác về sự kiện một con người dám cả gan lên tiếng với thẩm quyền của Thiên Chúa. Một là người này chiếm lộn vẻ oai nghiêm của Thiên Chúa, nếu thế, thật là kinh hoàng. Hai là, điều này hầu như không thể hiểu thấu được, người ấy thật sự đứng trên cùng một cấp bực cao cả như Thiên Chúa.

Như thế, làm sao chúng ta hiểu được Torah này của Đấng Messiah? Torah này chỉ đến con đường nào? Torah này nói cho chúng ta điều gì về Đức Giêsu, về Israel, về Hội thánh? Torah này nói gì về chúng ta, và cho chúng ta? Trong khi tìm kiếm câu trả lời, cuốn sách mà tôi đã đề cập đến trên đây do học giả Do thái Jacob Neusner đã giúp đỡ tôi rất nhiều.
+ MỘT THẦY RABBI NÓI CHUYỆN VỚI ĐỨC GIÊSU
Neusner là một tín hữu Do thái và là một thầy Rabbi, lớn lên với các bạn Công giáo và Tin lành, dạy học chung với các thần học gia Công giáo tại đại học, và trân trọng đức tin của các đồng nghiệp Kitô của mình cách sâu xa. Tuy nhiên ông vẫn xác tín cách sâu xa về giá trị trong sách chú giải Sách thánh của Do thái. Lòng kính trọng của ông về đức tin Kitô và lòng trung thành của ông đối với Do thái giáo thúc đẩy ông tìm cách đối thoại với Đức Giêsu.

Trong cuốn sách này, ông đứng vào chỗ giữa đám đông của các môn đệ của Đức Giêsu trên “núi” tại Galilê. Ông lắng nghe Đức Giêsu nói và so sánh lời nói của Đức Giêsu với lời của Cựu Ước và với những truyền thống rabbi như được ghi lại trong Mishnah và Talmud. Trong các công trình này, ông nhận ra truyền thống truyền khẩu trở về từ thuở ban đầu, nhờ đó cho ông chìa khóa để chú giải Torah. Ông lắng nghe, so sánh và nói chuyện với chính Đức Giêsu. Ông bị đánh động bởi sự cao cả và tinh tuyền về những gì đã nói, nhưng cùng lúc ấy, ông lại băn khoăn bởi sự xung khắc tột cùng mà ông tìm thấy tại tâm điểm của Bài giảng Trên núi. Kế đó, ông đi theo Đức Giêsu trên hành trình của Ngài đến Giêrusalem và lắng nghe khi lời Đức Giêsu trở lại cùng một tư tưởng và triển khai rộng ra. Ông luôn luôn cố gắng để hiểu. Ông luôn cảm động vì sự cao cả của Đức Giêsu. Nhiều lần, Ngài nói chuyện với ông. Nhưng cuối cùng, ông quyết định không đi theo Đức Giêsu. Theo cách ông nói, ông đã ở lại với “Israel vĩnh cửu”.

Cuộc đối thoại của thầy Rabbi với Đức Giêsu cho thấy đức tin trong lời Chúa trong các Sách thánh tạo nên một quan hệ cùng thời, nhưng lại vượt qua mọi thời: Khởi đi từ Sách thánh, thầy rabbi có thể đi vào “ngày hôm nay” của Đức Giêsu, cũng như Đức Giêsu, bắt đầu với Sách thánh, có thể đi vào trong “ngày hôm nay” của chúng ta. Cuộc đối thoại này được chỉ đạo với sự trung thực cao cả. Cuộc đối thoại làm nổi lên những khác biệt trong tất cả sự trí tuệ của cả hai, nhưng cũng xảy ra trong tình yêu cao quý. Thầy Rabbi chấp nhận sự khác biệt trong sứ điệp của Đức Giêsu, và bỏ đi mọi hiềm thù. Sự ra đi này, hoàn tất trong sự chính xác của chân lý, luôn quan tâm đến sức mạnh hòa giải của tình yêu.

Chúng ta hãy đưa ra những điểm trọng yếu trong cuộc đối thoại này để biết Đức Giêsu và để hiểu người anh em Do thái của chúng ta tốt hơn. Dường như đối với tôi, tâm điểm được mạc khải cách tuyệt vời từ một trong những cảnh tượng xúc động nhất mà Neusner trình bày trong cuốn sách của ông. Trong cuộc đối thoại nội tâm, Neusner đi theo Đức Giêsu cả ngày, và bây giờ, ông nghỉ ngơi để cầu nguyện và học hỏi Torah với người Do thái trong một thành phố, để bàn luận với thầy rabbi tại chỗ này. Một lần nữa, ông đang tư duy theo kiểu cùng thời vượt qua cả thiên niên kỷ, tất cả những gì mà ông đã nghe. Thầy rabbi trích dẫn từ Talmud Babylon. “Thầy Rabbi Simelai giải thích: ‘Sáu trăm mười ba điều răn được ban cho Môsê, ba trăm sáu mươi lăm điều răn tiêu cực tương ứng tới số ngày theo lịch mặt trời, và hai trăm bốn mươi tám điều răn tích cực tương ứng với những bộ phận trong thân thể con người.

“Đavít đã đến và giảm chúng xuống thành mười một

“Isaiah đã đến và giảm chúng xuống thành sáu

“Isaiah đã trở lại và giảm chúng xuống thành hai

“Sau đó, Habacúc đã đến và đặt chúng trên một, như đã chép: “Còn người công chính thì sẽ được sống” (Hab 2:4).

Kế đó, Neusner tiếp tục cuốn sách với mẫu đối thoại sau. “Như thế, vị thầy dạy nói rằng: ‘Đó có phải là những gì người thông thái, Đức Giêsu, đã phải nói phải không?’

“Tôi: ‘Không chính xác, nhưng cũng gần đúng’.

“Ông ta: ‘Đấng ấy để lại cái gì?’

“Tôi: ‘Không có gì cả’.

“Ông ta: ‘Như thế, Đấng ấy thêm cái gì vào?’

“Tôi: ‘Chính Đấng ấy’.” (tr. 107-108). Đây là tâm điểm mà người tín hữu Do thái Neusner kinh nghiệm cách hoảng hốt về sứ điệp của Đức Giêsu, và đây là lý do chính khiến ông không muốn đi theo Đức Giêsu, nhưng vẫn ở lại với “Israel vĩnh cửu”: Tâm điểm của “cái tôi” của Đức Giêsu trong sứ điệp của Ngài đã cho tất cả một hướng đi mới. Ngay tại điểm này, Neusner trích dẫn như chứng cứ về những lời “thêm vào” của Đức Giêsu đối với anh thanh niên giàu có. “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh, … Rồi hãy đến theo tôi” (x. Mt 19:21; Neuster, tr. 109, thêm vào điểm nhấn). Hoàn thiện là tình trạng thánh thiện như Thiên Chúa là Đấng Thánh (x. Lv 19:2; 11:44), như Torah đòi buộc, giờ đây, bao gồm cả trong việc đi theo Đức Giêsu.

Chỉ với lòng trân trọng và kính trọng cao cả này mà Neusner đề cập tới căn tính bí nhiệm của Đức Giêsu và Thiên Chúa được tìm thấy trong những diễn từ của Bài giảng Trên núi. Vả lại, phân tích của ông cho thấy rằng đây là điểm mà sứ điệp của Đức Giêsu đi trệch hướng cách cơ bản từ đức tin của “Israel vĩnh cửu”. Neusner cho thấy điều này sau khi nghiên cứu đến thái độ của Đức Giêsu về ba điều răn nền tảng: Điều răn thứ bốn (điều răn phải kính trọng cha mẹ), điều răn thứ ba (giữ ngày sabát), và cuối cùng, điều răn phải trở nên thánh như Thiên Chúa là Đấng Thánh (chúng ta vừa đề cập tới trên đây). Neusner đi đến kết luận gây ra khó chịu cho rằng, rõ ràng Đức Giêsu đang cố gắng thuyết phục ông ta ngừng đi theo ba điều răn cơ bản về Thiên Chúa này, nhưng thay vào đó, gắn bó với Đức Giêsu.
CUỘC TRANH LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN NGÀY SABÁT
Chúng ta hãy đi theo cuộc đối thoại giữa rabbi Neusner với Đức Giêsu, bắt đầu với ngày sabát. Đối với Israel, việc giữ ngày sabát cách tỉ mỉ chu đáo nói lên diễn đạt quan trọng của đời sống trong Giao Ước với Thiên Chúa. Ngay cả một người đọc Tin Mừng cách hời hợt cũng nhận ra rằng cuộc tranh luận về những gì phải làm và không làm đối với ngày sabát là tâm điểm của những khác biệt giữa Đức Giêsu với dân chúng Israel thời đó. Cách giải thích quen thuộc là Đức Giêsu đã mở cách thực hành nệ luật và thiển cận này ra và thay vào đó với quan niệm tự do hơn, thông thoáng hơn, và như thế, đã mở cánh cửa để hành động theo lý trí dựa theo hoàn cảnh đưa ra. Đức Giêsu nhận định rằng “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát” (Mc 2:27). Nhận định này được trích dẫn như là chứng cớ, hữu thể tư tưởng mà nhận định này đại diện cho một quan điểm quy nhân về thực tại, từ đó cách giải thích “cấp tiến” về các điều răn theo sau cách tự nhiên. Đúng thế, chính cuộc tranh luận ngày sabát đã trở thành nền tảng về hình ảnh một Đức Giêsu tự do. Như đã đề cập, lời phê bình của Đức Giêsu về Do Thái giáo trong thời của Ngài là một tình yêu-tự do và lời phê bình của con người lý trí về một chủ nghĩa luật pháp đã hóa thành xương, đạo đức giả tận căn và phạm tội lôi tôn giáo xuống cấp độ của hệ thống mù quáng thuộc về những luật buộc hoàn toàn vô lý, đã giam hãm con người lại khỏi phát triển công việc và tự do của họ. Điều này vẫn tiếp tục mà không cần nói rằng giải thích này không thuận lợi cho hình ảnh quen thuộc cách đặc biệt của Do Thái giáo. Dĩ nhiên, lời phê bình hiện đại, bắt đầu với thời Cải cách, đã thấy việc quay trở lại yếu tố giả định “Do thái” này trong Công giáo.

Dù sao chăng nữa, vấn nạn về Đức Giêsu, Ngài thật sự là ai và Ngài thật sự muốn gì, cũng như toàn bộ vấn nạn Do Thái giáo và Kitô giáo thực sự là gì: Đây là điểm đang tranh cãi. Phải chăng trong thực tế, Đức Giêsu là một rabbi cấp tiến, người đi trước chủ nghĩa cấp tiến Kitô? Phải chăng Đức Kitô của niềm tin, và vì thế, của toàn thể đức tin của Hội thánh, chỉ là một sai lầm to lớn?

Khá ngạc nhiên, Neusner nhanh chóng gạt cách chú giải này ra một bên, như ông phải như thế, vì ông lột trần nguyên nhân gây ra tranh chấp khá thuyết phục. Bình luận đến cuộc tranh luận về quyền của các môn đệ được bứt bông lúa mạch, ông viết cách đơn giản. “Chính vì thế, điều tôi khó chịu không phải là các môn đệ không tuân theo một trong các luật của ngày sabát. Điều này không đáng kể và ngoài vấn đề” (tr. 83). Chắc chắn, khi chúng ta đọc cuộc tranh luận về những việc chữa lành trong ngày sabát, và các trình thuật về sự buồn phiền tức giận của Đức Giêsu trước trái tim sơ cứng của những kẻ đã phát biểu để giải thích chiếm ưu thế về ngày sabát, chúng ta thấy rằng, những cuộc tranh luận này liên quan sâu xa tới những vấn nạn về con người và về cách thức chính đáng để tôn vinh Thiên Chúa. Chính vì thế, khía cạnh xung đột này không chỉ đơn thuần là “không đáng kể”. Vả lại, neusner đúng khi nhận diện câu trả lời của Đức Giêsu trong cuộc tranh luận về bông lúa mạch như là trọng điểm của cuộc xung đột được vạch trần ra.

Đức Giêsu bắt đầu biện hộ cách thức các môn đệ thỏa mãn cái đói của họ bằng cách cho thấy Đavít và các thuộc hạ đã vào Nhà Thiên Chúa và đã ăn bánh thánh, “Họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi” (Mt 12:4). Kế đó, Đức Giêsu tiếp tục “Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sabát, các tư tế trong đền thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: Ở đây còn lớn hơn Đền thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế (x. Hs 6:6; 1Sm 15:22), ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát” (Mt 12:5-8). Neusner giải thích: “Ông [Đức Giêsu] và các môn đệ của ông có quyền làm những gì họ làm trong ngày sabát, vì họ đứng trong chỗ của các vị tư tế trong Đền thờ. Nơi thánh đã dịch chuyển, bây giờ được làm thành bởi vòng tròn của vị thầy và các môn đệ của ông” (tr. 83 tt).

Chúng ta cần dừng lại chỗ này một lúc để xem ngày sabát có ý nghĩa gì đối với Israel. Điều này cũng giúp cho chúng ta hiểu những nguy cơ trong cuộc tranh luận. Thiên Chúa nghỉ ngơi ngày thứ bảy, như trình thuật sáng tạo trong Sáng thế kể cho chúng ta. Neusner kết luận đúng “vào ngày này, chúng tôi… cử hành sáng tạo” (tr. 74). Rồi ông thêm “không làm việc trong ngày sabát thay thế hơn là soi mói lễ nghi. Đây là cách thức bắt chước Thiên Chúa” (tr. 75). Vì thế, ngày sabát không chỉ là một vấn đề tiêu cực không thực hiện những hoạt động bên ngoài, nhưng là một vấn đề tích cực của “nghỉ ngơi”, cũng phải được diễn tả trong chiều kích không gian. “Để giữ ngày sabát, người ta phải ở nhà. Chỉ không làm việc thôi, thì không đủ. Người ta cũng phải nghỉ ngơi. Và nghỉ ngơi có nghĩa là, trong một tuần có một ngày để tái lập lại vòng tròn gia tộc và gia đình, mọi người ở nhà và ở chỗ của mình” (tr. 80). Ngày sabát không chỉ là vấn đề đạo đức cá nhân. Ngày sabát là tâm điểm của trật tự xã hội. Ngày này “làm cho Israel vĩnh cửu, một dân tộc mà, như Thiên Chúa trong sáng tạo thế gian, nghỉ sáng tạo vào ngày thứ Bảy” (tr. 74).

Chúng ta có thể ngừng lại chỗ này cách dễ dàng để cân nhắc thật có lợi cho xã hội chúng ta ngày nay biết bao, nếu các gia đình để ra một ngày trong tuần ở chung với nhau và làm cho gia đình của họ thành nơi cư ngụ và trọn vẹn hiệp thông trong nghỉ ngơi của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta hãy để suy tư này lại đây và tiếp tục cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với Israel, mà chắc hẳn cũng là cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với chúng ta và giữa chúng ta với dân Do thái ngày nay.

Theo Neusner, từ chìa khóa nghỉ ngơi, được hiểu như yếu tố thích hợp của ngày sabát, nối kết với lời Đức Giêsu thốt ra ngay trước câu chuyện các môn đệ bứt bông lúa mạch trong Tin mừng Mátthêu. Lời thốt ra này được gọi là Jubelruf (tiếng kêu vui mừng) messiah, bắt đầu như sau. “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11:25-30). Chúng ta đã có thói quen xem hai bản văn này như hai bản văn hoàn toàn khác nhau. Bản văn thứ nhất nói về thần tính của Đức Giêsu, bản văn thứ hai về cuộc tranh luận liên quan đến ngày sabát. Khi đọc Neusner, chúng ta nhận ra cả hai bản văn liên quan chặt chẽ với nhau, vì trong cả hai trường hợp, vấn đề là mầu nhiệm Đức Giêsu, “Con Người”, “người Con” trên hết.

Những câu này đi trước trình thuật sabát như sau. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30). Điều này thường được giải thích theo nghĩa một Đức Giêsu cấp tiến, nghĩa là mang tính đạo đức. Cách hiểu cấp tiến của Đức Giêsu về Lề luật làm cho cuộc sống bớt nặng “chủ nghĩa luật pháp Do thái” hơn. Trong thực tế, cách chú giải này không thuyết phục lắm, cho dù, việc đi theo Đức Kitô không hề thoải mái, và Đức Giêsu cũng chẳng bao giờ nói rằng sẽ dễ hơn.

Theo sau đó là gì? Neusner cho thấy rằng không phải chúng ta đang xử lý một loại chủ nghĩa đạo đức nào đó, nhưng với bản văn thần học cao, hay nói cách chính xác hơn, bản văn Kitô học. Bởi vì bản văn mô tả đề tài nghỉ ngơi, và những đề tài nối kết với lao động và gánh nặng, theo chủ đề, bản văn này thuộc về vấn đề ngày sabát. Phần còn lại nhắm tới ở đây là Đức Giêsu. Giờ đây, giảng dạy của Đức Giêsu về ngày sabát cho thấy hoàn toàn hòa hợp với Jubelruf, tiếng kêu vui mừng, của Ngài và lời Ngài về Con Người là Chúa ngày sabát. Neusner tóm tắt nội dung chung như sau “ách của tôi thì êm ái, tôi cho bạn nghỉ ngơi, đúng thế, con người thực là chúa ngày sabát, vì, giờ đây, con người là sabát của Israel: Làm sao chúng ta hành động như Thiên Chúa” (tr. 86).

Lúc này, Neusner có thể nói cho rõ hơn trước. “như thế, chẳng lạ gì, con người là chúa ngày sabát! Lý do không phải ngài chú giải những hạn chế ngày sabát theo kiểu cấp tiến… Đức Giêsu không phải là một thầy rabbi đang cải tổ lại, để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn cho mọi người… Không, vấn đề không phải là để gánh nặng trở nên nhẹ… Lời tuyên bố về quyền bính của Đức Giêsu là vấn đề” (tr. 85). “Bây giờ, Đức Kitô đứng trên núi, bây giờ Ngài giữ chỗ của Torah” (tr. 87). Cuộc đối thoại giữa người Do thái thực hành và Đức Giêsu đi đến điểm quyết định chỗ này. Sự chuyển đổi cao trọng khiến ông đặt câu hỏi với môn đệ Đức Giêsu, hơn là với chính Đức Giêsu. “Phải chăng thật là thầy của các anh, con người, là chúa ngày sabát hay không?... Tôi hỏi lại, có phải thầy các anh là Thiên Chúa không?” (tr. 88).

Vì thế, vấn đề thật sự nằm ngay tại trọng tâm, cuối cùng được tỏ lộ. Đức Giêsu hiểu chính Ngài như Torah, như lời Chúa trong con người. Lời mở đầu tuyệt vời trong Tin Mừng Gioan “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1), không nói điều gì khác hơn với những gì Đức Giêsu trong Bài giảng Trên núi và Đức Giêsu trong Tin Mừng Nhất Lãm nói. Đức Giêsu trong Tin mừng thứ Bốn và Đức Giêsu trong Nhất Lãm là một và như nhau: Đức Giêsu “lịch sử” đích thật.

Tâm điểm của cuộc tranh luận về ngày sabát là vấn đề về Con Người, vấn đề về chính Đức Giêsu Kitô. Thế nhưng, một lần nữa, chúng ta thấy Harnack và nhóm chú giải cấp tiến theo ông đã quá sai lạc khi nghĩ rằng người Con, Đức Kitô, không thật sự là một phần của Tin Mừng về Đức Giêsu. Sự thật là Ngài luôn luôn ở tại tâm điểm của Tin Mừng.

Dù bây giờ chúng ta cần phải xem xét khía cạnh xa hơn về vấn đề nảy sinh khá rõ trong liên quan đến Điều Răn thứ bốn. Điều làm cho rabbi Neusner khó chịu về sứ điệp của Đức Giêsu liên quan đến ngày sabát không chỉ là chỗ đứng trọng tâm của chính Đức Giêsu. Ông đã làm cho chỗ đứng trọng tâm này nhẹ đi cách rõ ràng, nhưng điều này không phải là nguyên nhân tranh luận tối hậu đối với ông. Đúng hơn, ông quan tâm đến hệ quả về chỗ đứng trọng tâm của Đức Giêsu trong cuộc sống hằng ngày của Israel: Ngày sabát mất đi chức năng xã hội cao cả của mình. Ngày sabát mà một trong những yếu tố chính nối kết Israel lại với nhau. Đặt trọng tâm vào Đức Giêsu làm mở tung cơ cấu thiêng liêng này ra và làm nguy hiểm đến yếu tố cốt lõi thắt chặt sự hiệp nhất Dân Chúa lại.

Lời tuyên bố của Đức Giêsu cho thấy rằng cộng đoàn các môn đệ của Ngài là Israel mới. Làm sao điều này không gây rối rắm cho những ai đã có “Israel vĩnh cửu” tận đáy lòng? Vấn đề Đức Giêsu tuyên bố trở nên Đền thờ và Torah trong con người cũng quan hệ đến vấn đề của Israel, vấn đề về cộng đoàn sống động của dân mà trong dân này, lời Chúa được hiện thực. Neusner dành một phần khá lơn của cuốn sách để chỉ nhấn mạnh đến chiều kích thứ hai này, như chúng ta sẽ thấy sau đây.

Lúc này, vấn nạn nảy ra cho người Kitô là: Phải chăng việc hủy hoại chức năng xã hội cao cả của ngày sabát, phá đổ trật tự thiêng liêng của Israel vì lợi ích để cộng đoàn các môn đệ được định nghĩa, như thể đó là, cách trịnh trọng trong chiều kích của nhân vật Đức Giêsu, là một ý tưởng hay? Câu hỏi này có thể được minh định trong cộng đoàn các môn đệ đang hình thành, Hội thánh. Chúng ta không thể bàn luận chỗ này. Sự Sống lại của Đức Giêsu “vào ngày thứ nhất trong tuần” có nghĩa là đối với người Kitô, chính “ngày thứ nhất” này, lúc khởi đầu tạo dựng, đã trở thành “ngày của Đức Chúa”. Như thế, những yếu tố nền tảng của ngày sabát trong Cựu Ước được chuyển giao cách tự nhiên cho ngày của Đức Chúa trong bối cảnh bàn tiệc thân hữu với Đức Giêsu.

Chính vì thế, Hội thánh cũng phục hồi lại chức năng xã hội của ngày sabát, luôn luôn trong tương quan với “Con Người”. Một dấu chỉ không thể sai lầm về điều này là sự đổi mới của Constantine được Kitô-linh ứng về hệ thống pháp luật đã cho người nô lệ một số tự do trong những ngày Chúa nhật. Vì thế, ngày của Đức Chúa được giới thiệu vào trong hệ thống pháp luật như một ngày tự do và nghỉ ngơi mà giờ đây, được định hình trên các nguyên tắc Kitô. Tôi cực kỳ lo lắng khi thấy các nhà phụng vụ hiện đại muốn bỏ đi chức năng xã hội của ngày Chúa nhật vì coi đó như sự lầm lạc của Constantine, bất kể chức năng này vẫn nối kết với Torah của Israel. Dĩ nhiên, điều này đưa đến toàn bộ vấn nạn về tương quan giữa đức tin và trật tự xã hội, giữa đức tin và chính trị. Chúng ta cần tập trung vào điểm này trong phần kế tiếp.


Каталог: wp-content -> uploads -> downloads -> 2011
2011 -> CÔng đỒng vatican II qua bốn thập niêN
2011 -> TÒa giám mục xã ĐOÀi chỉ nam giáo phận vinh lưỢC ĐỒ TỔng quáT
2011 -> 1. phép lạ thánh thể ĐẦu tiên khoảng năm 700 Tại làng Lanciano, nước Ý (italy)
2011 -> Thiên chúa giáo và tam giáO Đường Thi Trương Kỷ
2011 -> Tác giả Võ Long Tê chưƠng I bối cảnh lịch sử
2011 -> LỊch sử truyền giáo tại việt nam quyển II lm. Nguyễn hồng chưƠng I: MỘt cha dòng têN Ở việt nam tới rôMA
2011 -> Các mẫu thức MẠc khải lm. Lê Công Đức
2011 -> Một lời nói đầu không phải là nơi nhiều chỗđể tóm lược lập luận của một cuốn sách cũng như định vị hoặc phát biểu về sựquan trọng của nó. Đây quả thực là một cuốn sách rất quan trọng
2011 -> Tu luật thánh biểN ĐỨc ngày 1 tháng 1

tải về 1.5 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương