LỊch sử phong trào công nhâN, viên chứC, lao đỘng và HỌat đỘng công đÒan bà RỊa vũng tàu giai đỌan 1930-2006


Chương V: CÔNG NHÂN - LAO ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN BÀ RỊA – VŨNG TÀU TRONG C ÔNG CUỘC XÂY DỰNG



tải về 1.88 Mb.
trang11/17
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích1.88 Mb.
#2068
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17

Chương V: CÔNG NHÂN - LAO ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN BÀ RỊA – VŨNG TÀU TRONG C ÔNG CUỘC XÂY DỰNG

VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (1975-2006)

I. Tổ chức lại đội ngũ công nhân và lao động, xây dựng tổ chức công đoàn, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội (1976-1979)

1. Hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội

Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước Việt Nam. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Bà Rịa – Vũng Tàu hân hoan chào đón chế độ mới, xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ bóc lột tàn dư phong kiến, thực dân. Tuy nhiên nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ba mươi năm chiến tranh tàn khốc để lại những hậu quả rất nặng nề. Kinh tế què quặt, văn hóa đồi trụy, tệ nạn trộm cướp, nghiện ngập, cờ bạc, mại dâm...

Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh và Thành ủy thành phố Vũng Tàu đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là “ổn định tình hình, tập trung giải quyết đời sống cho nhân dân” giải quyết từng bước những nhiệm vụ cấp bách trước mắt: nhanh chóng xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, trấn áp bọn phản cách mạng; ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và mở rộng sản xuất; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Bộ máy chính quyền, Mặt trận đoàn thể được thành lập và đi vào hoạt động với niềm tin tưởng của nhân dân trước thắng lợi của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Chính quyền cách mạng đã bắt tay xây dựng bộ máy chuyên chính vô sản dựa trên cơ sở khối đại đoàn kết dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Ở thị xã Vũng Tàu, quá trình phấn đấu khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chế độ mới cũng hết sức khẩn trương. Công nhân Nhà đèn đã bước vào sản xuất ngay từ ngày giải phóng đầu tiên. Với tinh thần lao động quên mình anh em công nhân vừa chạy máy phát điện, vừa tham gia vào công việc thu nhặt xe cộ, máy móc, thiết bị... giặc bỏ lại ngổn ngang khắp thị xã. Bộ phận công nhân đường dây đã khẩn trương dựng cột, kéo dây đưa điện sang thị xã Bà Rịa, kịp thời phục vụ việc ổn định sinh hoạt, đời sống nhân dân Bà Rịa trước ngày 19-5-1975.

Nhà Đèn, nhà Máy Nước là nơi thành phố Vũng Tàu đã xây dựng được cơ sở, tổ chức công nhân làm chủ nhà máy, đảm bảo điện nước ngay trong thời điểm giải phóng. Nhà đèn khi đó có 6 máy phát điện với tổng công suất 9.900kw; có 64 công nhân, trong đó có 12 thợ vận hành, 6 thợ bảo trì, 15 thợ sửa đường dây. Theo sự chỉ đạo của Thành ủy, anh em công nhân đã nổi dây làm chủ nhà máy từ ngày 27-4-1975, giữ vững dòng điện cho thành phố Vũng Tàu trong ngày giải phóng. Toàn bộ công nhân nhà đèn đều ở lại phục vụ liên tục theo yêu cầu của cách mạng. Trước đó, cơ sở Trần Văn Mười đã bố trí hợp lý lịch nhập dầu, chứa đầy các bồn chứa, cho đến thời điểm giải phóng, còn trữ được 550.000 lít dầu, 1.000 lít xăng, 50 phuy nhớt, đủ chạy máy trong 02 tháng. Ngay sau khi thành phố im tiếng súng, anh em công nhân nhà đèn đã khắc phục sự cố đường dây bị hư hỏng do chiến sự. Ngay trong ngày 1-5-1975, toàn bộ thành phố Vũng Tàu đã được cung cấp điện bình thường, cung cấp điện phục vụ các cơ sở kinh tế, quân sự quan trọng như Hãng Tôm đông lạnh, Hải Đăng (Núi Nhỏ), Vi Ba (Núi Lớn), căn cứ Hải quân Cát Lở, Sân bay Vũng Tàu,...

Tại Nhà Máy nước, ông Nguyễn Văn Hảo được Thành ủy giao nhiệm vụ đã tổ chức anh em công nhân làm chủ nhà máy, đảm bảo cung cấp nước thông suốt, phục vụ sinh hoạt cho thành phố ngay trong ngày giải phóng. Việc đảm bảo điện nước đã góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, đời sống và tâm lý của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trong thời điểm quân quản có nhiều nảy sinh phức tạp. Cán bộ nhân viên các ngành Y tế, Giáo dục cũng có nhiều nỗ lực tổ chức bộ máy ổn định tình hình, phục vụ nhân dân.

Ngày 30-4- 1975, thành phố Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng, lực lượng Quân - Dân y được phân công vào tiếp quản các cơ sở y tế ở thành phố Vũng Tàu gồm có Ty Y tế Vũng Tàu cùng các cơ sở trực thuộc là Bệnh viện Lê Lợi và Phòng y tế công cộng; tiếp quản hệ thống cơ sở quân y gồm Quân y viện Nguyễn Văn Nhứt, Bệnh viện Tê liệt và 4 Bệnh xá của Trường Thiếu Sinh quân (nay là trụ sở của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro), Trường Truyền Tin (Ngã tư Giếng nước), Trung tâm huấn luyện Cảnh sát quốc gia (Rạch Dừa), Trung tâm huấn luyện Cán bộ Xây dựng nông thôn (Chí Linh), mỗi bệnh xá qui mô 20 giường.

Trong những ngày đầu giải phóng, Ủy ban Quân quản thành phố Vũng Tàu đã đón tiếp 3.700 cán bộ chiến sĩ Đoàn Chiến Thắng Côn Đảo trở về. Rất nhiều người mắc các chứng bệnh nan y, do quá trình bị giam cầm đày ải nghiệt ngã lâu ngày tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo. Thành uỷ và Ủy ban Quân quản thành phố Vũng Tàu chỉ đạo huy động tối đa các phương tiện y tế, thuốc men, nhân lực để điều trị, chăm sóc sức khoẻ cho Đoàn chiến sĩ Chiến Thắng từ Côn Đảo trở về. Trong điều kiện khó khăn nhiều mặt khi vừa được giải phóng, đội ngũ y bác sỹ vừa tiếp quản đã dành tất cả tình thương và những phương tiện vật chất tốt nhất để chăm lo khôi phục sức khoẻ cho cán bộ chiến sĩ Đoàn Chiến Thắng Côn Đảo. Sau một thời gian an dưỡng, được các nhân viên y tế chăm sóc tận tình, bình phục sức khỏe và ổn định tổ chức, Ủy ban Quân quản thành phố Vũng Tàu đã tổ chức các đoàn xe đưa cán bộ chiến sĩ Đoàn Chiến Thắng Côn Đảo về tận quê hương.

Ở Bà Rịa, Đội Phẫu thuật tiền phương tỉnh Bà Rịa – Long Khánh do bác sĩ Phạm Hải phụ trách tiếp quản Bệnh viện Phạm Hữu Chí (Bệnh viện Bà Rịa) và Ty Y tế tỉnh Phước Tuy. Ngay trong thời điểm tiếp quản, Đội Phẫu thuật tiền phương phải bắt tay vào công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, trong đó có bệnh nhân cũ và một số ca bị thương trong thời điểm giao tranh. Bệnh viện Phạm Hữu Chí được đổi thành Bệnh viện tỉnh Bà Rịa-Long Khánh, khi đó bệnh viện qui mô 165 giường bệnh. Các khoa được hình thành theo tổ chức của bệnh viện gồm các khoa và bộ phận: Khoa ngoại, Khoa Nội, Khoa Sản, Khoa Nhi, Nha khoa, Phòng Xét nghiệm, Phòng X Quang, Bộ phận văn phòng với 150 giường, tổng số cán bộ công nhân viên từ chiến khu về tiếp quản cùng với số y bác sỹ từ miền Bắc tăng cường và số nhân viên y tế của Bệnh viện cũ có 126 cán bộ nhân viên. Trong 6 tháng đầu tiên kể từ khi giải phóng, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên dưới 150 bệnh nhân, trong đó ¾ trường hợp phải cấp cứu ngoại khoa mà nguyên nhân chính là do súng đạn và chất nổ; tổng cộng có 167 trường hợp đại phẫu, 62 trường hợp trung phẫu, phần lớn là những ca mổ phức tạp, thuộc loại đa thương kết hợp từ sọ não đến ngực bụng và tứ chi, mạch và huyết áp thường khó xét, gây mê gặp nhiều khó khăn.

Ty Y tế tỉnh Bà Rịa - Long Khánh phân công cán bộ tiếp quản cơ sở y tế của chế độ cũ tại các chi khu – quận lỵ Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Đức Thạnh, Phú Mỹ, tổ chức khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Tình trạng phổ biến khi đó là các cơ sở y tế hình thành trước năm 1975 hầu hết đều tập trung ở thị xã, thị trấn. Tại các vùng nông thôn, nhân dân lao động thiếu cơ sở, phương tiện để hưởng thụ các dịch vụ về y tế và văn hóa. Vì thế, việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ở vùng nông thôn rất khó khăn. Cán bộ nhân viên ngành y tế đã kêu gọi các lương y hành nghề tư nhân hợp tác, mở rộng việc sản xuất và khám chữa bệnh bằng thuốc Nam, phục vụ nhân dân.

Ty Giáo dục thông báo cho giáo chức dưới chế độ cũ ra đăng ký trình diện, tổ chức cho anh chị em giáo viên học tập chính trị, nghiệp vụ để xem xét sử dụng, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để tổ chức khai giảng năm học mới 1975-1976 theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục. Cùng với việc tuyên truyền vận động giáo viên ra trình diện để chuẩn bị cho năm học mới, chính quyền cách mạng còn vận động các cơ sở thờ tự có trường học trong khuôn viên hiến cơ sở vật chất cho Chính quyền cách mạng quản lý để tăng cường cơ sở vật chất, tổ chức dạy học cho con em nhân dân. Trong một thời gian ngắn, trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, Ban Tuyên huấn kết hợp với chính quyền cách mạng và các đoàn thể vận động được hầu hết các cơ sở thờ tự hiến trường học cho chính quyền cách mạng quản lý, đảm bảo đủ trường lớp cho học sinh trong độ tuổi đều được đến trường.

Đội ngũ cán bộ giáo dục trong kháng chiến từ chiến khu về tiếp quản kết hợp với hàng chục cán bộ, giáo viên được Bộ Giáo dục điều về sau 30-4-1975… kịp thời tổ chức bộ máy, củng cố cơ sở vật chất, khai giảng năm học mới trong tháng 9 năm học 1975-1976. Với sự chuẩn bị từ trước khi vào tiếp quản, cán bộ của Tiểu ban Giáo dục đã tổ chức ngay một lớp sư phạm đào tạo giáo viên bậc tiểu học, bổ sung kịp thời cho đội ngũ giáo viên với chương trình giáo dục của chính quyền cách mạng. Hệ thống các ngành học cũng đã có những thay đổi đáng kể. Trước giải phóng ngành giáo dục mầm non không được coi là ngành học. Sau một thời gian củng cố, khôi phục mạng lưới giáo dục phổ thông đã phát triển ngành giáo dục mẫu giáo xuống tận phường, khóm.

Chính quyền cách mạng đã phát động phong trào bình dân học vụ xóa mù chữ trong nhân dân và duy trì các lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ và nhân viên các cơ quan đơn vị. Ty Giáo dục tổ chức lực lượng giáo viên (8 người) triển khai xuống tất cả các phường mở các lớp bình dân học vụ, thanh toán nạn mù chữ. Trong năm 1976, Vũng Tàu đã tổ chức được 240 lớp bổ túc văn hóa và xóa nạn mù chữ, thu hút đông đảo cán bộ và quần chúng tham gia. Phong trào bình dân học vụ đã được nhân dân tích cực tham gia, có một em nhỏ ở phường Phước Thắng bị cụt cả hai tay phải viết bằng chân nhưng vẫn nhiệt tình đến lớp đầy đủ. Đây là một tấm gương điển hình trong phong trào xoá nạn mù chữ trên địa bàn Vũng Tàu. Chỉ trong vòng 3 năm, đến năm 1978, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Vũng Tàu đã hoàn thành xoá mù chữ cho nhân dân theo quy định của Bộ Giáo dục163.

Ở các cơ sở sản xuất, dịch vụ khai thác như Bưu điện, Hoa tiêu, Hải đăng, bến cảng, bến xe, giao thông thủy bộ, bệnh viện,... anh chị em công nhân, viên chức và lao động đều tham gia vào công cuộc khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Ngành Bưu điện nỗ lực đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc. Chiều 27-4-1975, thị xã Bà Rịa được giải phóng, lực lượng của Ban Giao bưu vận tỉnh tiếp quản Ty Bưu Điện tỉnh Phước Tuy, phòng Viễn thông của chế độ cũ. Thành phố Vũng Tàu được giải phóng ngày 30-4-1975, lực lượng của Ban Giao bưu vận tiếp quản phòng viễn thông của địch (đặt cạnh Toà thị chính Vũng Tàu), và tiếp quản Ty Bưu Điện Vũng Tàu, tiếp quản đài Duyên Hải trên Núi Nhỏ và Trung tâm viễn thông liên kết của Mỹ - ngụy đặt trên Núi Lớn. Theo lời kêu gọi của Uỷ ban Quân quản Bà Rịa - Long Khánh và thành phố Vũng Tàu, các sĩ quan, binh lính và công nhân viên chức của chế độ cũ trong đó có ngành Bưu chính Viễn thông đã lần lượt ra trình diện và làm thủ tục bàn giao toàn bộ thiết bị, cơ sở vật chất cho ta quản lý. Ban Thông tin khu miền Đông đã cử một số cán bộ tăng cường cho tỉnh để nhanh chóng khôi phục hoạt động của các Trung tâm Bưu chính viễn thông tại Bà Rịa, Vũng Tàu và Long Khánh, phục vụ công tác quân quản cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tại các huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc phong trào công nhân và lao động tham gia khôi phục kinh tế, văn hóa, xây dựng chính quyền cách mạng đều đạt được những thành tích đáng kể. Mặc dù những khó khăn phức tạp trong đời sống và an ninh, trật tự xã hội vẫn tồn tại, nhưng cuối 1975, nhân dân lao động các huyện đã xác lập được vai trò làm chủ của mình trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội.



2. Bước đầu xây dựng tổ chức công đoàn

Trước ngày giải phóng, giai cấp công nhân và lao động thành thị đã đoàn kết đấu tranh theo cương lĩnh của tổ chức công đoàn giải phóng, một thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Do điều kiện chiến tranh cách mạng tổ chức công đoàn giải phóng chưa lập được bộ máy lãnh đạo các cấp, chưa xây dựng được tổ chức cơ sở rộng khắp. Phong trào công nhân và lao động do Đảng lãnh đạo trực tiếp thông qua cán bộ công vận hoặc cấp ủy Đảng cơ sở. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể, phong trào công nhân phát triển với nhiều hình thức, trong đó có cả hình thức sử dụng tổ chức công đoàn hợp pháp để đoàn kết công nhân và lao động đấu tranh theo sự chỉ đạo của cán bộ, đảng viên cộng sản. Giai cấp công nhân và các tầng lớp lao động kể cả viên chức nhà nước, cán bộ đảng viên làm việc trong các cơ quan của Đảng, trí thức... đều tham gia tổ chức công đoàn xã hội chủ nghĩa.

Hoạt động của tổ chức công đoàn đã thay đổi về cơ bản, với tư cách là một thành viên của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, là tổ chức của công nhân viên chức được quyền tham gia vào các hoạt động của chính quyền, cơ quan chuyên môn và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngoài ra “Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản“.

Xuất phát từ nhiệm vụ mới của giai cấp công nhân và lao động thành thị thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, từ khi mới thành lập tỉnh Đồng Nai, Tỉnh ủy đã chú trọng xây dựng và kiện toàn bộ máy công đoàn tỉnh, trong đó có công đoàn thị xã Vũng Tàu, các huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc và Công ty Cao su.

So với các huyện trong tỉnh, Vũng Tàu là nơi có mật độ công nhân viên chức và lao động thủ công đông hơn cả. Vào thời điểm cuối năm 1976 ngoài công nhân viên chức thuộc biên chế cơ quan, xí nghiệp còn gần 10.000 lao động các loại, trong đó lao động nghề cá chiếm khá đông, khoảng 4.000 người. Sau 30-4-1975 tổ chức công đoàn chưa chính thức thành lập ở thị xã và ba huyện, nhưng Đảng đã có chủ trương lập Ban công vận để tập hợp lực lượng công nhân và lao động thành thị. Ban Công vận thị xã Vũng Tàu gồm 5 cán bộ do đồng chí Nguyễn Văn Trí (Ba Trí), Trưởng ban; đồng chí Hai Thái là Phó Ban và các cán bộ Trần Tấn, Trần Thị Đào, anh Hai Chánh. Hoạt động của Ban công vận bước đầu đã được anh chị em và lao động ở các cơ sở sản xuất tín nhiệm, gây cơ sở nòng cốt ở Nhà máy Điện, Xưởng sửa chữa tàu thuyền Bến Đá, Xưởng sữa chữa Ô tô, Trung tâm cấp nước Vũng Tàu, Hãng tôm Đông lạnh, Nhà máy Bột cá Phát Cô; Ty Bưu điện, Ty Giáo dục, Bệnh viện Lê Lợi, Ty Công chánh....

Ở khu vực đồn điền cao su, tổ chức công đoàn các cấp ra đời khá sớm. Ngay sau ngày giải phóng, Đảng và chính quyền cách mạng chủ trương khôi phục sản xuất, nhanh chóng giải quyết công ăn việc làm cho công nhân, củng cố tổ chức Đảng, bộ máy quản lý sản xuất, tổ chức công đoàn... Vấn đề cấp bách sau ngày giải phóng đối với công nhân cao su là giải quyết nạn đói đang hoành hành, giá gạo lên cao mà các gia đình công nhân cao su lại không có tiền mua. Để thực hiện giành quyền làm chủ đồn điền, Thường vụ Khu ủy miền Đông đã không chấp nhận đơn xin khôi phục sản xuất của Công ty SIPH (tư bản nước ngoài), quyết tâm chuyển 200 tấn gạo dự trữ ở căn cứ Chiến khu Đ về phân phát, cứu đói. Quần chúng vô cùng phấn khởi, hăng hái tham gia vào công tác xã hội, chuẩn bị phục hồi sản xuất cao su.

Giữa tháng 5-1975, Khu ủy miền Đông cử đồng chí Lê Sắc Nghi (Bảy Nghi), Thư ký Ban chấp hành Công đoàn khu Đông nam Bộ cùng một đoàn cán bộ xuống vùng các đồn điền, triệu tập toàn bộ số chủ đồn điền cao su lại, công bố quyền làm chủ ngành cao su của đội ngũ công nhân cao su Việt Nam. Trước lý lẽ và ý chí vững vàng của các đại biểu công nhân, bọn chủ Tây buộc phải từ bỏ quyền sở hữu những cánh rừng cao su bạt ngàn bao năm nay làm giàu cho giới tư sản thực dân. Sau khi các chủ đồn điền người Pháp ra đi, Khu ủy triệu tập Hội nghị đại biểu công nhân cao su ở An Lạc, bàn biện pháp khôi phục sản xuất. Sáng 17-5-1975, 81 đại biểu công nhân các đồn điền cao su đã về dự hội nghị, thảo luận các phương án hoạt động của ngành.

Ngày 2-6-1975 toàn thể cán bộ, công nhân cao su ra quân bước vào sản xuất theo tinh thần làm chủ. Ở các đồn điền cao su Bình Ba, Xà Bang, Xuân Sơn.... nhiều năm chiến tranh ác liệt, rừng cao su bỏ hoang, nhà máy chế biến, nơi làm việc, nhà ở hư hỏng. Đảng ủy và cán bộ công nhân đã tạo mọi điều kiện giúp anh chị em công nhân tại các đồn điền ổn định nơi ăn, chốn ở, tháo gỡ bom mìn, khôi phục sản xuất. Đến cuối 1975 phong trào lao động sản xuất, cải thiện đời sống, củng cố bộ máy quản lý và công đoàn của công nhân cao su đã đạt được những thành quả lớn. Hàng ngàn héc ta cao su đã đưa vào khai thác và những tấm mủ cao su đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đã thành hiện thực. Công nhân cao su khẳng định vai trò tiên phong của mình trong giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Giữa năm 1975 Trung ương quyết định thành lập Tổng công Ty quốc doanh cao su Đông Nam Bộ, số lượng cán bộ, công nhân gần 5.000 người với hơn 10 nông trường cao su thuộc các tỉnh miền Đông, trong đó có Nông trường cao su Bình Ba ở huyện Châu Thành (trên địa bàn các xã Bình Ba, Xà Bang, Xuân Sơn). Mỗi nông trường cao su có một tổ chức công đoàn cấp 2 trực thuộc công đoàn Tổng công Ty, công đoàn nông trường có hệ thống công đoàn cơ sở.

3. Tổ chức và hoạt động của Công đoàn thị xã Vũng Tàu và các huyện Long Đất, Xuyên Mộc, Châu Thành

Theo quyết định của Trung ương, tháng 1-1976, ba tỉnh cũ (thời kỳ chống Mỹ) là Biên Hòa, Bà Rịa - Long khánh, Tân Phú và thành phố Vũng Tàu được sáp nhập thành tỉnh Đồng Nai; thành phố Vũng Tàu (thành lập ngày 8-4-1975) trở thành thị xã; thị xã Bà Rịa trở thành thị trấn, sáp nhập với huyện Châu Đức lấy tên là huyện Châu Thành. Như vậy, địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay bao gồm thị xã Vũng Tàu và các huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngay từ buổi đầu, Tỉnh ủy Đồng Nai đã chú trọng xây dựng tổ chức công đoàn các cấp, đồng thời quan tâm đến việc ổn định trật tự, cải thiện đời sống quần chúng lao động.



Công đoàn thị xã Vũng Tàu

Ngày 4-12-1976, Ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn tỉnh Đồng Nai quyết định thành lập Ban chấp hành Công đoàn thị xã Vũng Tàu, chỉ định đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Thường vụ Liên hiệp Công đoàn tỉnh, Thư ký công đoàn ngành cao su làm Thư ký Ban Chấp hành công đoàn thị xã Vũng Tàu; đồng chí Lưu Công Chánh nguyên ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn tỉnh Đồng Nai đảm nhận cương vị Phó Thư ký. Hệ thống tổ chức công đoàn cơ sở ở thị xã Vũng Tàu nhanh chóng hình thành và đi vào hoạt động. Đến ngày 31-12-1976 toàn thị xã có 8 tổ chức công đoàn cơ sở, 5 Ban công vận, 4 tổ chức công đoàn bộ phận và 1 tổ công đoàn trực thuộc công đoàn thị xã với tổng số 300 đoàn viên. Trong nhiệm kỳ 1977 đến năm 1979, Ban chấp hành công đoàn thị xã Vũng Tàu gồm các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Thư ký (năm 1978 đồng chí Ba Thanh đi học, đồng chí Mã Tuyết Mai làm Thư ký); đồng chí Hai Chương, Phó Thư ký và các Ủy viên Nguyễn Thị Trang, Trần Tấn, Ngô Gia Sang, Hai Vinh.

Hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở ở thị xã Vũng Tàu đã cổ vũ cán bộ, công nhân, viên chức hăng hái tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất, bảo vệ an ninh chính trị, đồng thời tổ chức thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, BHXH.... Trong đó có chế độ trợ cấp cho công nhân viên chức chế độ cũ nay làm việc cho chính quyền cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Bà Rịa – Vũng Tàu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống. Chỉ gần hai năm sau ngày giải phóng, đội ngũ công nhân trí thức đã tăng về số lượng và chất lượng. Riêng Vũng Tàu, số công nhân viên chức mới tuyển dụng gần 2.000 người; ngoài ra còn có hàng trăm cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý chuyên môn, nghiệp vụ... của Trung ương và các tỉnh, thành phố phía Bắc được điều động tăng cường bổ sung, hỗ trợ.

Một số ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương đã có sự tăng trưởng lớn như ngành du lịch, dịch vụ, đánh cá, đông lạnh... Các ngành y tế, giáo dục, văn hóa được cải tạo, quốc hữu hóa, lấy mục tiêu phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân lao động làm mục tiêu hàng đầu. Công tác cải tạo tư bản, tư doanh được tiến hành từng bước trong các ngành du lịch, dịch vụ, thương nghiệp, giao thông vận tải, sản xuất hàng tiêu dùng.

Những chuyển biến về chất từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng đã làm thay đổi cơ cấu đội ngũ công nhân, viên chức và lao động thành thị ở Bà Rịa, Vũng Tàu. Số lượng công nhân, viên chức trong khu vực biên chế nhà nước tăng gấp nhiều lần. Hầu hết là đoàn viên công đoàn và đại đa số có trình độ giác ngộ, trình độ lý luận, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ.

Cùng với sự tăng trưởng của các ngành kinh tế, dịch vụ, nghiệp vụ, quản lý theo địa phương, ở địa bàn Bà Rịa,Vũng Tàu đã xuất hiện thêm nhiều ngành nghề, cơ sở quản lý theo ngành dọc từ Trung ương xuống. Tuy nhiên hoạt động của tổ chức công đoàn ở các ngành này vẫn gắn liền với tổ chức công đoàn địa phương, đồng thời là một bộ phận của phong trào công nhân và lao động Bà Rịa, Vũng Tàu. Công Ty Cao su, một số xí nghiệp Hải sản, Bưu điện, Lâm trường.... là những cơ sở kinh tế do Trung ương quản lý.

Ngay sau ngày giải phóng, công tác thăm dò dầu khi đã sớm được triển khai. Nhiều đoàn cán bộ địa chất đã được cử vào Nam tiếp nhận hồ sơ của chế độ cũ về dầu khí. Thực hiện Nghị quyết số 224/NQTW ngày 9-8-1975 của Bộ Chính trị về việc triển khai thăm dò dầu khí trong cả nước, ngày 3-9-1975, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam, với nhiệm vụ thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí164. Liên đoàn 36 địa chất, Đoàn Địa vật lý 36F thuộc Tổng cục Địa chất, Đoàn nghiên cứu thí nghiệm 36B và một số cán bộ ở Tổng cục Hóa chất được chuyển giao cho Tổng cục Dầu khí.

Tháng 10-1975, Công ty dầu khí Nam Việt Nam được thành lập165. Vùng thềm lục địa Vũng Tàu là một trong những địa bàn hoạt động của Công ty non trẻ mà có tầm cỡ đặc biệt quan trọng này. Công ty dầu khí Nam Việt Nam có ba đơn vị trực thuộc là Đoàn dầu khí 1 (ông Lê Quang Trung là Đoàn trưởng) đóng ở Vũng Tàu, Đoàn dầu khí 2 (ông Trương Minh là Đoàn trưởng) đóng ở Cần Thơ và Trường công nhân kỹ thuật Bà Rịa (anh Vinh là Hiệu trưởng). Đoàn dầu khí 2 sau được tách ra làm nhiệm vụ thăm dò dầu khí trên đất liền, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bộ phận còn lại của Công ty dầu khí Nam Việt Nam được tổ chức lại thành Công ty dầu khí 2 làm nhiệm vụ quản lý các hoạt động tìm kiếm, thăm dò vùng thềm lục địa166.

Tổng cục Dầu khí đã đàm phán và ký hợp đồng với các Công ty Agip (Italia), Deminex (Tây Đức), Bowvaley (Canađa). Vũng Tàu được chọn làm căn cứ dịch vụ dầu khí. Công ty dầu khí Nam Việt Nam chuyển về Vũng Tàu, trụ sở đặt tại số 4 đường Hoàng Diệu, khu Lam Sơn, thị xã Vũng Tàu. Khi đàm phán với các công ty tư bản, một trong những yêu cầu mà các đối tác đưa ra là phải sử dụng toàn bộ dịch vụ từ Singapore, vì hiện tại, ta chưa có cảng dịch vụ dầu khí. Vấn đề xây dựng cảng dịch vụ dầu khí trở thành một yêu cầu cấp bách.

Ông Nguyễn Ngọc Sớm, Quyền Giám đốc Công ty dầu khí 2 được cử đi Singapore khảo sát, nghiên cứu phương án xây dựng cầu cảng dịch vụ cho tàu 10.000 tấn vào Vũng Tàu. Một công ty dịch vụ dầu khí của Pháp đã đưa ra mức giá 25.000.000 đôla cho cầu cảng và một số cơ sở dịch vụ trên bờ. Đó là số ngoại tệ quá lớn mà ta chưa có khả năng đầu tư. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, với lý là Việt Nam chưa đủ trình độ, không có khả năng chỉ đạo thi công trong một thời gian ngắn một cầu cảng có tầm cỡ quốc tế. Hải Phòng làm cảng Chùa Vẽ cho tàu 10.000 tấn phải mất 5 năm. Là người quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí Đinh Đức Thiện với cương vị là Bộ trưởng phụ trách dầu khí, đã đề xuất phương án Chính phủ đầu tư để ta tự lực làm cảng và sớm xây dựng một đội ngũ cán bộ ngành dầu khí Việt Nam, và giao cho ông Nguyễn Ngọc Sớm tổ chức làm cầu cảng dịch vụ cho tàu 10.000 tấn vào Vũng Tàu. Ông Thiện còn chỉ thị cho Công ty dầu khí Nam Việt Nam xây dựng một phương án khai thác tại khu mỏ Bạch Hổ, nơi Công ty Mobil đã phát hiện có dầu từ năm 1973 để ta tự làm. Đây là một quyết định quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển ngành dầu khí Việt Nam.

Theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng đặc trách chỉ đạo dầu khí Đinh Đức Thiện, Vụ trưởng xây dựng cơ bản của Tổng cục Nguyễn Sâm, cùng kỹ sư Nguyễn Hậu đã vào cùng Giám đốc Nguyễn Ngọc Sớm khảo sát, lập phương án xây dựng cảng dịch vụ dầu khí với ba giai đoạn; giai đoạn 1: Xây dựng cầu cảng, giai đoạn 2: Mở rộng căn cứ dịch vụ phía hạ lưu, giai đoạn 3: Mở rộng cảng hạ lưu về phía Bến Đình với tổng kinh phí 75.000.000 đồng Việt Nam, một con số quá khiêm tốn so với 25.000.000 đôla. Thời gian thi công hạn định trong 100 ngày, để xây dựng một cầu cảng dài 150m cho tàu 10.000 tấn.

Binh đoàn 318 được điều về Rạch Dừa xây dựng cảng dịch vụ dầu khí Vũng Tàu. Nguyễn Ngọc Sớm - Người chiến sĩ biệt động Sài Gòn thời đánh Pháp, từng bị tù Côn Đảo, từng theo học nhiều năm nghề dầu khí ở Liên Xô được cử làm chỉ huy trưởng công trường xây dựng cảng dầu khí đầu tiên. Số người trực tiếp tham gia xây dựng ở công trường Rạch Dừa lên tới 2.000 người. Ngoài các chiến sĩ, bộ đội thời chống Mỹ còn có nhiều chuyên gia, cán bộ khoa học kỹ thuật từ nhiều vùng đất nước. Công trình xây dựng cảng Rạch Dừa (cảng dầu khí) vô cùng sôi nổi. Những chiến sĩ từng lăn lộn đánh Mỹ, lại một lần nữa thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt mọi khó khăn, gian khổ, làm việc ngày đêm. Được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự chi viện của Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và các ngành các cấp, đúng 100 ngày, cầu cảng dịch vụ dấu khí khánh thành ngày 31-9-1977. Cầu cảng dịch vụ dầu khí Vũng Tàu đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu phục vụ công tác thăm dò và khai thác dầu khí. Đây là một thành tựu quan trọng trong bước khởi đầu ngành công nghiệp dầu khí của đất nước.

Công cuộc thăm dò dầu khí ngoài khơi được thúc đẩy mạnh mẽ kéo theo nhiều dịch vụ liên quan. Cùng với công tác dịch vụ về kỹ thuật, các dịch vụ khác phục vụ công tác thăm dò và khai thác dầu khí cũng được triển khai. Tháng 4-1977 Thủ tướng chính phủ ký quyết định thành lập Công ty Du lịch phục vụ dầu khí ở Vũng Tàu làm chức năng kinh doanh, phục vụ chuyên gia và công nhân nước ngoài làm công việc thăm dò, khai thác dầu khí. Cán bộ, công nhân viên Công ty Du lịch phục vụ dầu khí Vũng Tàu - Côn Đảo (OSC) buổi đầu chỉ có hơn 100 người, phần lớn là học sinh miền Bắc mới ra trường, chưa có trình độ nghiệp vụ cao, chưa quen thời tiết, nhưng đã khắc phục mọi trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ.

Đối tượng quan hệ công tác của Công ty Du lịch phục vụ dầu khí chủ yếu là chuyên gia dầu khí nước ngoài. Bấy giờ ở vùng thềm lục địa phía Nam có 3 Công ty tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Đó là Công ty Deminex của Tây Đức, Agip của Ý và Bowaley của Canađa. Từ năm 1979 nhà nước CH Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức ký hiệp định hợp tác dầu khí với Liên Xô, Công ty OSC đã nhanh chóng hoàn thành những cơ sở mới, kịp thời phục vụ cán bộ, chuyên gia và công nhân kỹ thuật Liên Xô. Với tinh thần chủ động, tích cực cán bộ, công nhân OSC đã cùng với nhân dân lao động Vũng Tàu cải tạo và xây dựng hàng ngàn mét vuông diện tích nhà ở, các công trình văn hóa, tiện nghi sinh hoạt... đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, sinh hoạt cho hàng ngàn cán bộ, công nhân, chuyên gia Liên Xô ăn ở làm việc.

Ở các huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, Côn Đảo số lượng công nhân viên chức không nhiều nhưng tổ chức công đoàn cấp huyện và cơ sở cũng bắt đầu được hình thành từ cuối năm 1976 và đi dần vào nề nếp hoạt động, nhất là cơ sở công đoàn cơ quan cấp huyện.

Công đoàn huyện Châu Thành

Sau giải phóng (1975) bà Nguyễn Thị Sa (Năm Sa) là Cán bộ Công vận tập hợp lực lượng công nhân, viên chức, lao động của huyện Châu Thành dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Châu Thành để tiến tới thành lập tổ chức công đoàn trên địa bàn huyện. Đến năm 1977 Công đoàn huyện Châu Thành (lâm thời) được thành lập; đồng chí Nguyễn Thị Sa được bầu làm Thư ký. Qua các nhiệm kỳ Đại hội (1979 - 1990) đã bầu ra Ban Chấp hành và các chức danh Thư ký và Phó Thư ký: đồng chí Lê Văn Tiên là Thư ký (1979); Phó Thư ký là đồng chí Tạ Tấn Lực (1979-1991); đồng chí Nguyễn Đình Thao là Uỷ viên Thường vụ; Năm 1980 đồng chí Vũ Hiền là Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành về làm Thư ký thay đồng chí Lê Văn Tiên chuyển công tác khác; Năm 1983-1985: Đại hội II, đồng chí Nguyễn Văn Rụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành được bầu làm Thư ký; Phó Thư ký là đồng chí Tạ Tấn Lực và Nguyễn Đình Thao; Năm 1986 - 1994 đồng chí Nguyễn Đình Thao là Thư ký; đồng chí Mã Hồng Trung là Phó Thư ký (đến cuối năm 1988 chức danh Thư ký được đổi thành Chủ tịch) cho đến khi thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ năm 1994- 2000, đồng chí Mã Hồng Trung là Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Bà Rịa. Từ năm 2000 – 2006 đồng chí Yên Thanh Bản là Chủ tịch (thay đồng chí Mã HồngTrung chuyển công tác)

Từ khi mới thành lập (cuối năm 1975) Công đoàn huyện Châu Thành có 20 công đoàn cơ sở, đến cuối năm 1976 tăng 22 công đoàn cơ sở, chủ yếu là ở các cơ quan hành chính sự nghiệp như: Văn phòng Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận, Công ty Vật tư, Công ty Thương nghiệp, Xây dựng, Giáo dục.v.v...

Sau 15 xây dựng và phát triển (1975- 1990) Công đoàn huyện Châu Thành đã lên tới 41 công đoàn cơ sở, với trên 3.000 công nhân, viên chức, lao động, trong đó có hơn 2.000 đoàn viên công đoàn.

Cùng với sự phát triển của huyện hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở ở Châu Thành đã cổ vũ cán bộ, công nhân, viên chức hăng hái tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất, bảo vệ an ninh chính trị, đồng thời tổ chức thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, BHXH.... Trong đó có chế độ trợ cấp cho công nhân viên chức chế độ cũ nay làm việc cho chính quyền cách mạng.

Tại thị xã Bà Rịa, các dịch vụ điện, nước, giao thông, chợ được hồi phục và hoạt động bình thường, đảm bảo ổn định cuộc sống của nhân dân. Chính quyền cách mạng đã xuất hàng trăm tấn gạo cứu đói cho đồng bào tỵ nạn và huy động hàng trăm chuyến xe đưa đồng bào về quê cũ làm ăn.

Với mục tiêu “ổn định tình hình, tập trung giải quyết đời sống cho nhân dân là trọng tâm”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền huyện, các cấp Công đoàn đã động viên cán bộ công nhân, viên chức, lao động yên tâm sản xuất, ổn định đời sống; chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích cho các đoàn viên.

Là một huyện nông nghiệp nên huyện Châu Thành đã chủ trương phát triển kinh tế xã hội theo hướng xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, là mục tiêu số một nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống mà trước mắt là đối phó với tình hình thiếu lương thực một cách trầm trọng. Các cấp công đoàn cùng chính quyền đã tổ chức phong trào khai hoang phục hóa, đưa dân về vùng đất cũ để sản xuất nông nghiệp, làm thủy lợi nhằm tăng vụ sản xuất được phát động thành một chủ trương và tổ chức - thực hiện một cách nhất quán, liên tục, từ năm 1976 đến năm 1985. Diện tích cây lương thực được mở rộng, sản xuất lương thực bước đầu đạt kết quả tốt. Các công đoàn cơ sở phát huy tinh thần làm chủ đã động viên công nhân viên chức – lao động tham gia với hàng nghìn chục ngày công tích cực đào đắp hàng trăm km kênh mương cấp I, II, xây dựng đập thủy lợi Sông Xoài, Sông Dinh, đê ngăn mặn ở Chu Hải, đắp đường nội đồng, trồng cây gây rừng, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật nuôi trồng, đã đưa diện tích gieo trồng và năng suất, sản lượng lương thực hàng năm tăng lên rõ rệt.

Trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, ngay từ Đại hội I (1979) cho đến khi được sáp nhập trở thành 1 huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, của Công đoàn tỉnh, Công đoàn huyện Châu Thành đã đẩy mạnh phong trào thi đua vào các hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất hướng tới năng suất, hiệu quả kinh tế. Đồng thời chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động. Đội ngũ công nhân, viên chức, lao động luôn gương mẫu đi đầu thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong lao động sản xuất, qua đó càng gắn kết tình nghĩa công nông. Trong phong trào thi đua đã có nhiều đơn vị, công đoàn cơ sở nổi bật được Công đoàn tỉnh tặng cờ và bằng khen là: Công đoàn Đoàn tàu đánh bắt hải sản, Công đoàn Xí nghiệp Ô tô số 1, Công đoàn Xí nghiệp Xây lắp, Công đoàn Xí nghiệp Cầu đường, Công đoàn Xí nghiệp Cơ khí, Công đoàn Bệnh viện Bà Rịa, Xí nghiệp đá Phước Hòa, Nông trường rau quả Hắc Dịch, Trường Bổ túc văn hóa huyện…

Công đoàn huyện Long Đất

Sau giải phóng (1975) Ban Công vận huyện Long Đất có 2 người; ông Hai Cà (Huỳnh Kim Nhung), Trưởng Ban công vận; ông Hai Công Đoàn là cán bộ chuyên trách. Năm 1981 Công đoàn huyện Long Đất có 2 đồng chí là Trần văn Phương, cán bộ phụ trách và đồng chí Võ Văn Thế là nhân viên. Năm 1984 Đại hội lần I bầu đồng chí Dương Sơn Minh (Tư Minh) làm Thư ký; đồng chí Trần Văn Phương là Phó Thư ký. Công đoàn huyện Long Đất có 17 công đoàn cơ sở chủ yếu là các ngành: Hành chính sự nghiệp, Giáo dục,… với hơn 900 công nhân, viên chức, lao động. Tại Đại hội lần II năm 1987 đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Thành là Thư ký; đồng chí Trần Văn Phương là Phó Thư ký. Năm 1990 Đại hội lần III: có 39 công đoàn cơ sở - nghiệp đoàn (trong đó nghiệp đoàn 4) với trên 1.800 công nhân, viên chức, lao động. Đồng chí Nguyễn Thái Hùng là Thư ký; đồng chí Võ Văn Thế là Phó Thư ký. Trong nhiệm kỳ I, II (1993-1998; 1998-2003), đồng chí Nguyễn Thái Hùng là Chủ tịch, Phó Chủ tịch là đồng chí Võ Văn Thế; Nhiệm kỳ III (2003-2008) đồng chí Trần Thanh Sĩ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch là đồng chí Võ Văn Thế.

Nối truyền thống cách mạng trên quê hương chị Võ Thị Sáu anh hùng, ngay những ngày đầu tiên sau giải phóng, Long Đất bắt tay vào việc xây dựng chính quyền cách mạng, ổn định đời sống nhân dân, giải quyết những hậu quả của chiến tranh, phát triển sản xuất. Nhân dân Long Đất bước vào công cuộc tái thiết với nhiều thuận lợi: các cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội chính quyền cách mạng đã tiếp quản gần như trọn vẹn. Quần chúng nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng chế độ mới và dần hòa nhập vào nếp sống mới xã hội chủ nghĩa. Công cuộc tái thiết của Long Đất còn được hỗ trợ bởi một đội ngũ cán bộ địa phương được rèn luyện trong hai cuộc kháng chiến cộng với một lực lượng cán bộ quản lý về kinh tế, có trình độ khoa học kỹ thuật ở miền Bắc vào chi viện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền nhân dân Long Đất đã phát huy mọi khả năng, khắc phục khó khăn, ổn định đời sống nhân dân. Trước hết tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư sản tư doanh, cải tiến lưu thông phân phối, củng cố và xây dựng lại ngành giao thông vận tải, tổ chức quản lý, phát huy khả năng tiểu công nghệ thủ công nghiệp phục vụ cho tiêu dùng, chuẩn bị cho việc điều tra dân số và tiến hành bầu cử. Đến cuối năm 1976, Long Đất đã xây dựng được hơn 10 ban thương nghiệp ở các xã, riêng xã Phước Thạnh đã thành lập được hợp tác xã mua bán.

Là một huyện nông nghiệp, sau giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền, đã vận động được hàng vạn ngày công của nhân dân trong huyện tham gia làm thủy lợi, đắp đập đào mương, sản xuất các vụ mùa, tiến hành khai hoang phục hóa, nạo vét hàng chục kênh mương cũ. Nghề làm muối được xem là một thế mạnh của huyện, chiếm một tỷ lệ lớn trong sản lượng khai thác của toàn tỉnh. Huyện tích cực vận động nhân dân nơi đây mở rộng diện tích ruộng mặn ở những nơi trước đây bị bom đạn phá hoại. Diện tích ruộng muối của huyện ngày càng tăng. Chỉ trong vòng chưa đầy hai năm sau ngày giải phóng, nhân dân Long Đất đã tiếp quản và ổn định vùng giải phóng, phát động các phong trào thi đua sản xuất và thu được nhiều kết quả trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội.

Trong chủ trương phát triển kinh tế, Long Đất đã mạnh dạn đi đầu trong liên doanh liên kết với các đơn vị bạn như thành phố Hồ Chí Minh hợp tác sản xuất về bột cá; hợp tác với Sở điện lực về khai thác đá; liên kết với Sở ngoại vụ, công ty hóa màu thành lập 2 xí nghiệp nước đá phục vụ cho hải sản. Huyện còn liên kết với quận 10 thành phố Hồ Chí Minh để hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra huyện còn trao đổi hàng hóa với các đơn vị bạn như Công ty thực phẩm Đồng Nai, khu công nghiệp Biên Hòa, Công ty rau quả, Công ty chăn nuôi Đồng Nai, Công ty cấp III huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Long Thành... Với chủ trương kết hợp kinh tế trung ương với địa phương, kết hợp giữa các ngành và địa phương, kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, huyện đã liên kết liên doanh với một số cơ sở của Trung ương và tỉnh về sản xuất cũng như phục vụ, đặc biệt là khu du lịch Long Hải với nhiều nhà nghỉ của các cơ quan đơn vị đóng tại đây. Chính qua liên kết, liên doanh với các công ty, tỉnh bạn mà đội ngũ những cán bộ, công nhân, viên chức, lao động của huyện ngày càng lớn mạnh, trưởng thành.

Bước vào giai đoạn đổi mới của cả nước, dưới ánh sáng Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng bộ Huyện Long Đất chủ trương tạo mọi điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế trong địa phương phát triển một cách đa dạng nhằm sản xuất ra nhiều loại sản phẩm phục vụ cho sản xuất và nhu cầu đời sống của nhân dân.

Xuất phát từ lập trường: “Tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động của huyện ra sức phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết nhất trí, chủ động, sáng tạo, nêu cao ý chí tự lực tự cường, vừa tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, vừa tích cực chăm lo, củng cố bảo vệ quốc phòng-an ninh, kiện toàn bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể. Các mặt hoạt động có những bước tiến bộ, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố được lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh. Những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Huyện đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực: Trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo nông nghiệp, nghề Diêm nghiệp,.. Các ngành Bưu điện, Công ty Lương thực và Công ty Thương nghiệp, Công ty Cung ứng vật tư, Công ty dịch vụ kỹ thuật cây trồng, Dịch vụ du lịch, nuôi trồng hải sản … được quan tâm phát triển, từng bước làm ăn ổn định, các đơn vị sản xuất quốc doanh làm ăn có hiệu quả. Một số đơn vị từng bước khắc phục khó khăn, bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, cố gắng vươn lên bằng con đường liên doanh liên kết trong và ngoài tỉnh để huy động nguồn hàng. Ở các điểm du lịch như khu du lịch Hàng Dương (Long Hải), khu vui chơi Lộc An, đèo Nước Ngọt - Cầu Tum, từng bước nâng cao tính hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Song song với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và ổn định đời sống vật chất của nhân dân, sự nghiệp văn hóa-xã hội trên địa bàn huyện cũng không ngừng phát triển, góp phần rất lớn trong việc xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng, các ngành cùng với sự hỗ trợ của huyện cho nên toàn ngành dấy lên phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo tinh thần cải cách giáo dục. Công tác xã hội hóa giáo dục bước đầu phát huy tác dụng. Phong trào xóa mù chữ và bổ túc văn hóa phát triển đều khắp. Đến năm 1990 đã xóa mù 561 người và huy động 579 học viên bổ túc văn hóa ở 3 cấp. Công tác Y tế được củng cố từ huyện đến cơ sở, đặc biệt đội ngũ y bác sỹ từng bước được tăng cường. Đã hình thành mô hình hoạt động 3 khối: tuyến, điều trị và hậu cần, qua đó phát huy hiệu quả hoạt động. Chương trình phòng chống sốt rét và tiêm chủng mở rộng được triển khai rộng rãi, đảm bảo thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia trên địa bàn huyện. Trong công tác nữ công, các cấp Công đoàn vận động chị em thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” “Nuôi con khỏe dạy con ngoan”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp chị em phụ nữ nhận thức đúng đắn về lợi ích của chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình. Riêng hội phụ nữ huyện được Tỉnh đánh giá là đơn vị hoạt động toàn diện.

Ngoài ra Liên đoàn Lao động huyện tham gia cùng chính quyền tổ chức sắp xếp lại lao động và giải quyết việc làm. Động viên công nhân, viên chức, lao động nêu cao tinh thần làm chủ trong lao động, sản xuất, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn. Quan tâm củng cố các tổ chức công đoàn yếu, xây dựng mô hình công đoàn vững mạnh làm hạt nhân phát động phong trào. Liên đoàn Lao động huyện đã giải quyết kịp thời các chính sách, chế độ lao động cho công nhân, viên chức, lao động đặc biệt là chính sách khen thưởng, trợ cấp khó khăn, tạo vốn để công nhân, viên chức, lao động có điền kiện sản xuất, cải thiện cuộc sống. Với 24 công đoàn cơ sở (trong đó có 10 công đoàn quốc doanh) và 893 đoàn viên công đoàn. Hoạt động công đoàn cơ sở ở các Công ty trách nhiệm hữu hạn xây lắp và cơ khí, Công ty dịch vụ hải sản, Khu điều dưỡng thương binh phát triển khá mạnh.

Công tác chính sách - xã hội đã phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công cách mạng, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong 5 năm, huyện xây dựng 126 căn nhà tình nghĩa, xây dựng 81 nhà tình thương và sửa chữa 228 ngôi nhà cho đối tượng chính sách khác; qui tập 42 hài cốt về nghĩa trang liệt sỹ.

Công tác tổ chức và chăm lo đời sống công nhân, viên chức, lao động luôn được đáp ứng kịp thời, thông qua việc đảm bảo thực hiện chính sách và chế độ được Đảng, Nhà nước ban hành. Chương trình xóa đói giảm nghèo được chú trọng, Thực hiện tốt chính sách dân tộc đối với đồng bào Châu Ro (Long Tân) như: tôn hóa 91 nhà ở, hỗ trợ các nguồn vốn, vật chất khác, góp phần nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc.

Đạt được những kết quả trên, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là Liên đoàn Lao động huyện đẩy mạnh củng cố, xây dựng các tổ chức công đoàn các cấp thật sự vững mạnh, hoạt động có chất lượng, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của công nhân, viên chức, tổ chức phong trào thi đua trong các tổ chức công đoàn cơ sở, khơi dậy tinh thần sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và các hoạt động văn hóa, xã hội.

Hàng năm Ủy ban Kiểm tra công đoàn huyện xây dựng chương trình công tác và cụ thể hóa chương trình đó bằng kế hoạch kiểm tra của mình. Ở cấp cơ sở các Ban chấp hành công đoàn cơ sở lên kế hoạch kiểm tra. Ủy ban Kiểm tra công đoàn cơ sở hoặc cán bộ kiểm tra cơ sở tham mưu giúp Ban chấp hành xây dựng kế hoạch kiểm tra. Qua kiểm tra phát hiện những vấn đề cần thiết, bổ ích, bổ sung cho chỉ đạo của Liên đoàn Lao động huyện trong công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh nhất là chọn những khâu then chốt như: Kết quả hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh; công tác của đơn vị cơ sở, thực hiện 3 chức năng của công đoàn cơ sở; trong đó chú trọng chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân, viên chức, lao động, lấy chất lượng sinh hoạt tổ công đoàn - nghiệp đoàn làm trọng điểm để nâng cao chất lượng đoàn viên, chất lượng công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn. Thực hiện công tác kiểm tra trong công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, năm 2002 Liên đoàn Lao động huyện Long Đất có 56 công đoàn cơ sở đạt vững mạnh tăng 19% so với năm 2001, trong đó công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc 25 công đoàn, tăng 15%; kết quả này toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2002 là 708 công đoàn cơ sở vững mạnh, tăng 7% so với năm 2001.

Công đoàn Côn Đảo

Ngày 8-6-1975, Ban Thường vụ Khu ủy Tây Nam Bộ (Khu 9) đã ra quyết định số 269/NQ/TV.75 về việc thành lập tỉnh Côn Đảo. Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn tỉnh Côn Đảo có 6 đồng chí; đồng chí Phạm Thị Hùng (Năm Hùng): Thư ký, đồng chí Trầm: Phó Thư ký.

Tháng 1-1977, Côn Đảo từ tỉnh thành 1 huyện trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Ngày 8-9-1977 Công đoàn huyện Côn Đảo đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, bầu Ban chấp hành gồm 9 đồng chí; đồng chí Phạm Thị Hùng: Thư ký; đồng chí Lưu Thị Trong: Phó Thư ký.

Ngay từ khi mới thành lập Công đoàn Côn Đảo cùng với chính quyền cách mạng Côn Đảo từng bước được kiện toàn, bước đầu đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý, điều hành ở địa phương. Trước hết tập trung lo sắp xếp cho anh chị em tù chính trị lần lượt trở về đất liền. Những người tình nguyện hoặc được cấp trên phân công ở lại để tiếp tục xây dựng và bảo vệ đảo; thực hiện tốt nhiệm vụ truy lùng, trấn áp, cải tạo tàn dư ngụy quân, ngụy quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội đảm bảo giữ vững thành quả cách mạng trên Côn Đảo; tuyên truyền vận động xóa bỏ nền văn hóa giáo dục phản động, lai căng, xây dựng nền văn hóa giáo dục xã hội chủ nghĩa; từng bước ổn định đời sống của nhân dân, từng bước phát triển kinh tế; đồng thời tăng cường nhiệm vụ quản lý, bảo vệ di tích lịch sử.

Với chủ trương là tập trung khai thác tiềm năng đất đai và nguồn lực lao động tại chỗ, đưa nông nghiệp Côn Đảo trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đáp ứng yêu cầu tự túc một phần lương thực, thực phẩm tại chỗ, giải quyết phần nào ách tắc trong lưu thông phân phối giữa đất liền với Côn Đảo. Ngày 28-6-1978, Ban chấp hành Đảng bộ Huyện đã có một Nghị quyết chuyên đề, cụ thể thêm một bước về nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn. Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện, quân và dân Côn Đảo cần phát huy thành tích phát triển nông nghiệp trong những năm qua, tập trung trồng cây tiêu, cây dừa và trồng rau màu phục vụ cho chăn nuôi, cung cấp đủ thịt, trứng, rau xanh cho Côn Đảo. Mục tiêu chung của nông nghiệp Côn Đảo trong thời kỳ này là: “Xây dựng Côn Đảo thành đảo dừa, tiêu, ra sức trồng rau màu, không bỏ đất hoang, xây dựng hoàn chỉnh nông trường quốc doanh và tập đoàn sản xuất nông nghiệp, cố gắng xây dựng đập An Hải và một số con kinh thủy lợi...”.

Với ý thức tự lực tự cường, thấy được tiềm năng vốn có của địa phương, tập trung mọi nỗ lực cho sự phát triển kinh tế, trước hết là ngành kinh tế hải sản và kinh tế nông nghiệp, và chỉ với hai ngành này phát triển, Côn Đảo không chỉ góp phần khai thác tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần tận dụng đa số lực lượng lao động phổ thông hiện có của Huyện, tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, đưa đời sống của nhân dân Côn Đảo ngày càng đi vào thế ổn định, tạo lập được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính quyền trong điều kiện mới của Côn Đảo.



Công đoàn huyện Xuyên Mộc hình thành muộn hơn so với các huyện khác. Sau ngày giải phóng 1975, Xuyên Mộc còn trực thuộc huyện Long Đất. Sau khi thành lập lại Huyện ủy Xuyên Mộc, năm 1979 Huyện ủy Xuyên Mộc mới có quyết định thành lập Ban vận động thành lập công đoàn huyện do đồng chí Tiến Đức Thịnh làm Phó Trưởng ban. Ngày 17-1-1981, Liên hiệp Công đoàn tỉnh Đồng Nai xét và ra quyết định thành lập Công đoàn huyện Xuyên Mộc; Ban chấp hành lâm thời gồm 9 đồng chí, đồng chí Tiến Đức Thịnh giữ chức vụ Thư ký167. Là một huyện miền núi, sau ngày giải phóng là một huyện kinh tế mới, cuộc sống của người dân chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, sản xuất lương thực thực phẩm, công thương nghiệp cũng như thương mại, dịch vụ, cơ sở hạ tầng đều chậm phát triển. Phải đến khi bước vào thời kỳ đổi mới (từ 1986), và nhất là từ khi thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (1991), huyện Xuyên Mộc mới có điều kiện xây dựng lại chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Là cầu nối giữa Đảng và đông đảo quần chúng công nhân và lao động, việc kiện toàn bộ máy tổ chức công đoàn ở Vũng Tàu, Bà Rịa, Côn Đảo, Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, Nông trường cao su Bình Ba là một bước phát triển quan trọng đối với phong trào công nhân và lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau này. Tuy nhiên ở buổi ban đầu tổ chức công đoàn các cấp chưa phát huy cao độ vai trò của mình, nhất là tính chủ động tích cực của phong trào công nhân. Ở một số nơi công đoàn còn nặng về hình thức, chưa quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của những người lao động trực tiếp. Những hạn chế đó có nhiều nguyên nhân khách quan, những nguyên nhân chính là do đội ngũ cán bộ chuyên trách chưa có kinh nghiệm và năng lực cần thiết để tiến kịp với những bước phát triển nhảy vọt của lịch sử phong trào công nhân.



II. Tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và Công đoàn các huyện Châu thành, Long Đất, Xuyên Mộc trong giai đoạn 1979-1991

1. Thành lập Công đoàn đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo

Sự phát triển của ngành dầu khí đã tác động đến toàn bộ cơ cấu hạ tầng cũng như bộ máy điều hành, quản lý hành chính và đội ngũ công nhân và lao động ở Vũng Tàu. Đội ngũ công nhân có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài sẽ tập trung về đông hơn. Những yêu cầu mới về công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế, dịch vụ, văn hóa xã hội trở nên cấp bách.

Căn cứ vào tính chất và yêu cầu của công cuộc thăm dò và khai thác, phát triển ngành dầu khí, ngày 30-4-1979, tại kỳ họp thứ 4 (Quốc hội khóa 6) Nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định thành lập: Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Địa bàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo gồm thị xã Vũng Tàu, xã đảo Long sơn, quận Côn Đảo ngoài khơi. Diện tích phần đất liền 249,36 km2; dân số 136.000 người168. Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo tương đương cấp tỉnh, trực thuộc Trung ương.

Sau khi Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo ra đời, ngày 26-11-1979 Tổng Công đoàn Việt Nam ra quyết định lập Liên hiệp Công đoàn đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo các cấp công đoàn trong đặc khu làm nhiệm vụ tập hợp tất cả công nhân, viên chức, cán bộ các cơ quan Đảng và chính quyền địa phương phấn đấu thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ, đồng thời tổ chức phong trào thi đua lao động xã hội chủ nghĩa, xây dựng nếp sống mới, cải thiện đời sống công nhân, viên chức, trí thức và người lao động.

Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (lâm thời) có 17 ủy viên, bao gồm lực lượng cốt cán của thị xã Vũng Tàu, đại biểu của các ngành chủ chốt và cán bộ biệt phái của Tổng Công đoàn. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh được chỉ định làm Thư ký; đồng chí Lại Thành Mai, Phó Thư ký (cán bộ tăng cường) là Ủy viên Thường vụ Thường trực.

Do yêu cầu xây dựng một trung tâm du lịch, dịch vụ và dầu khí, Vũng Tàu đã thu hút hàng ngàn công nhân kỹ thuật, cán bộ khoa học, kỹ thuật nghiệp vụ trên cả nước. Nếu tính từ ngày 1-5-1975 đến 1-10-1979 có 7.773 người tới Vũng Tàu làm việc trong đó có 2.673 người là cán bộ, công nhân kỹ thuật điều động đến. Theo điều tra của Chi cục thống kế, trong số 10.000 cán bộ, công nhân, viên chức đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo số có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm 6%, là một tỉ lệ khá cao so với nhiều tỉnh trong thời điểm đó.

Công cuộc thăm dò và chuẩn bị các phương tiện vật chất, kỹ thuật khai thác dầu khí ở Vũng Tàu ngày càng khẩn trương và đạt được hiệu quả cao. Sau khi Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo thành lập, Đảng bộ và Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy công cuộc thăm dò dầu khí. Liên hiệp Công đoàn Đặc khu thường xuyên quan tâm tuyên truyền giác ngộ ý thức làm chủ cho cán bộ, công nhân, phát động phong trào thi đua, đăng ký, tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước giao cho. Năm 1981 toàn Đặc khu có 12/22 đơn vị sản xuất, kinh doanh hoàn thành kế hoạch.

Ngày 7-11-1981 Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô thành lập, trụ sở đặt ở Vũng Tàu. Cũng trong tháng 11-1981 Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định 136-HĐBT cho phép Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô chính thức hoạt động.

Đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật dầu khí ngày càng tăng lên. Không khí thi đua trên tinh thần hữu nghị Việt - Xô, sôi nổi trên các công trường. Các công trình dầu khí liên tiếp hoàn thành, Cảng dầu khí số 1, số 2, bãi lắp ráp chân đế giàn khoan số 0, số 1, kho lạnh 1.000 tấn, Xưởng sửa chữa cơ khí trung tâm, Trạm điện 4,2MW, Trung tâm dịch vụ khoan....

Quá trình hình thành lực lượng công nhân dầu khí ở Vũng Tàu gắn liền với sự xuất hiện và trưởng thành của Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt - Xô. Đó cũng là nét đặc sắc trong lịch sử phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại. Những thành quả mà công nhân dầu khí Việt - Xô đạt được đã chứng tỏ trình độ kỹ thuật, tác phong làm việc, phong cách quản lý của cán bộ, công nhân Việt Nam đủ sức hòa nhập với trình độ quốc tế.

Sự ra đời của ngành dầu khí ở địa bàn Bà Rịa, Vũng Tàu nhất là sự xuất hiện của Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt - Xô là một bước ngoặt có tính nhảy vọt của phong trào công nhân và lao động. Cơ cấu kinh tế xã hội đã thay đổi căn bản. Bà Rịa- Vũng Tàu không chỉ là trung tâm du lịch, nghỉ mát với các ngành kinh tế mũi nhọn là nông nghiệp, dịch vụ du lịch, khai thác thủy sản mà còn là trung tâm khai thác dầu khí của Việt Nam và Đông Dương. So với các tỉnh trong cả nước, Vũng Tàu đã trở thành địa bàn tập trung lực lượng công nhân kỹ thuật và phương tiện kỹ thuật hiện đại ở mật độ cao. Mặt khác nơi đây cũng trở thành điểm giao lưu, hội tụ cán bộ, công nhân kỹ thuật của tất cả các tỉnh thành trong cả nước, trong đó có hàng ngàn công nhân, cán bộ kỹ thuật nước ngoài.

Cơ cấu kinh tế, dân cư thay đổi tất yếu sẽ dẫn đến sự biến đổi về phong cách sinh hoạt, văn hóa, lối sống. Phong trào công nhân và lao động Vũng Tàu, Côn Đảo và các huyện Châu Thành, Xuyên Mộc, Long Đất đã phát triển và đi vào nề nếp hoạt động theo chức năng một đoàn thể quần chúng nòng cốt của Đảng, một bộ phận không thể thiếu của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo và Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, tổ chức công đoàn ở Vũng Tàu, Côn Đảo và ba huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc không ngừng được củng cố bộ máy chuyên trách các cấp, tăng cường vai trò công đoàn trong công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và các mặt đời sống, xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động của tổ chức công đoàn ba huyện Châu Thành, Xuyên Mộc, Long Đất có những nét đặc thù khác với Liên hiệp Công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Đối tượng chủ yếu của công đoàn ba huyện chủ yếu là cán bộ nhân viên các cơ quan Đảng, nhà nước, bệnh viện, trường học... số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở còn ít, lại phân tán.

Mặc dù điều kiện hoạt động chưa thuận lợi, tổ chức công đoàn các huyện vẫn phát huy vai trò trong phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa. Trong các năm 1980, 1981, 1982... đã củng cố được bộ máy công đoàn cơ sở ở các cơ quan, xí nghiệp.. và tiến hành đại hội thường kỳ với kết quả tốt đẹp. Tổ chức công đoàn các huyện động viên, giáo dục công nhân viên chức hoàn thành nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ, hướng vào mục tiêu, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên toàn huyện.

Hoạt động của Liên hiệp Công đoàn đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo chủ yếu bám vào nhiệm vụ chính trị của Đặc khu, tập hợp và động viên quần chúng lao động phát huy truyền thống cách mạng, trung thành với Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và nhà nước giao phó. Đội ngũ công nhân và lao động đã nêu cao vai trò tiên phong, chủ động sáng tạo trong công tác quản lý sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả lao động, có ý thức bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, sẵn sàng hoàn thành nghĩa vụ chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước đã diễn ra sôi nổi ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Năm 1981 toàn đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo có 12/22 đơn vị được công nhận hoàn thành kế hoạch nhà nước giao cho trong đó có 7 đơn vị hoàn thành vượt mức. Xí nghiệp quốc doanh đánh cá Côn Đảo và Công ty Du lịch phục vụ Dầu khí đã được Hội đồng Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động và nhận cờ luân lưu đơn vị tiên tiến trong cả nước.

Phong trào đăng ký phấn đấu trở thành tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa tuy mới xuất hiện năm 1981, đến năm 1983 toàn đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo đã có 352 tổ đội được công nhận đạt danh hiệu Tổ, Đội lao động xã hội chủ nghĩa. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, thực hành tiết kiệm được cán bộ, công nhân sôi nổi hưởng ứng. Trong ba năm phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước (1981, 1982, 1983) gần 1.000 sáng kiến được công nhận, làm lợi cho nhà nước hàng chục triệu đồng.....

Cùng với các hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bảo vệ an ninh chính trị, Liên hiệp Công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và ba huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc còn tích cực tham gia công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác xây dựng nếp sống mới, cải thiện đời sống người lao động, công tác kiểm tra, thanh tra chống lãng phí, tiêu cực; công tác nữ công; bảo hiểm xã hội, công tác xây dựng Đảng và bồi dưỡng cán bộ công đoàn.... Tuy còn một số mặt non kém và hạn chế nhưng tổ chức công đoàn đã trưởng thành về mọi mặt, góp phần đáng kể vào quá trình hoàn thành nhiệm vụ trung tâm của Đặc khu thời kỳ này là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tháng 6-1983, Ban chấp hành lâm thời Liên hiệp Công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo quyết định triệu tập Đại hội đại biểu công đoàn lần thứ nhất để tạo điều kiện củng cố bộ máy công đoàn chuyên trách các cấp; đồng thời tổng kết kinh nghiệm hoạt động công đoàn sau 4 năm thành lập Liên hiệp Công đoàn Đặc khu.

Hơn 100 đại biểu đại diện cho 13.203 đoàn viên công đoàn Đặc khu về dự đại hội. Sau khi tổng kết những thành tích của phong trào công nhân, viên chức Đặc khu, chỉ ra những mặt thiếu sót, phân tích sâu sắc nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng yếu kém ở một số lĩnh vực hoạt động công đoàn, báo cáo của Ban Chấp hành lâm thời Liên hiệp công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo kết luận: Chỉ mới hơn 3 năm, kể từ ngày thành lập Liên hiệp Công đoàn Đặc khu... phong trào công nhân viên chức và hoạt động công đoàn đã có một bước chuyển biến đáng kể. Đại bộ phận công nhân viên vẫn vững vàng trước những khó khăn, thử thách, đã bước đầu phát huy tinh thần làm chủ tập thể xã hội Chủ nghĩa, khắc phục mọi khó khăn, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ngày càng đi dần vào các khâu khoa học kỹ thuật. Phong trào phát huy sáng kiến, tiết kiệm; phong trào đăng ký phấn đấu giành danh hiệu “Tổ, Đội lao động xã hội Chủ nghĩa” và các danh hiệu khác đã góp phần vào nhiệm vụ trung tâm của Đặc khu là tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội...

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ của công đoàn Đặc khu trong ba năm (1983-1985) như sau: “Vận động toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức phát huy quyền làm chủ tập thể, khai thác mọi tiềm năng của địa phương, dấy lên phong trào thi đua xã hội Chủ nghĩa thật sôi nổi, liên tục và đều khắp, đẩy mạnh sản xuất, tích cực thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phục vụ các dịch vụ về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, thực hành tiết kiệm nghiêm ngặt, chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ công nhân viên chức, chống tiêu cực, chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động công đoàn các cấp, làm cho hoạt động của công đoàn thật sự có tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Đặc khu, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đặc khu lần thứ I".

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Liên hiệp Công đoàn Đặc khu nhiệm kỳ I, gồm 22 uỷ viên. Đồng chí Huỳnh Thị Phượng, Uỷ viên Thường vụ Đặc Khu uỷ được bầu làm Thư ký. Đại hội đại biểu Liên hiệp Công đoàn lần thứ nhất đánh dấu bước phát triển mới, vững chắc của phong trào công nhân và lao động địa phương. Liên hiệp Công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo thực sự trở thành tổ chức cách mạng đoàn kết, tập hợp tất cả lực lượng lao động tiên tiến trên địa bàn Vũng Tàu – Côn Đảo phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vì quyền lợi, hạnh phúc của người lao động.

So với thời kỳ Đặc khu mới thành lập, tổ chức công đoàn các cấp đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng. Năm 1979 toàn Đặc khu có 10.089 đoàn viên công đoàn, sinh hoạt ở 454 tổ công đoàn thuộc 108 cơ sở đoàn trực thuộc. Năm 1983 tổng số đoàn viên công đoàn Đặc khu 13.203 người (tăng hơn 3.000 người). Số công đoàn cơ sở trực thuộc được biên chế lại thành 73 cơ sở, trong đó có 1 công đoàn ngành, 1 công đoàn quận Côn Đảo. Công đoàn quận Côn Đảo trực thuộc Công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Do điều động sắp xếp bố trí cán bộ của trên và thuyên chuyển công tác, phụ trách Công đoàn Côn Đảo trong thời kỳ Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (1979-1991) luôn có sự thay đổi. Lúc mới thành lập Đặc khu, phụ trách Công đoàn Côn Đảo là đồng chí Nguyễn Thị Hồng Tuyết, Phó Thư ký; tiếp theo Phan Thị Thanh Xuân (Út Loan), Thư ký (1983); Nguyễn Thị Ni, Thư ký (1985); Ngô Cẩm Hồng, Thư ký (1986); đồng chí Lê Đức Trung, Thư ký (1987-1989).

Như vậy, hình thức tổ chức công đoàn cơ sở nhiều cấp bắt đầu ra đời, đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của phong trào công nhân và lao động trên địa bàn Đặc khu. Sau Đại hội đại biểu Liên hiệp Công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo lần thứ nhất, không khí lao động, thi đua xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức đã có những chuyển biến lớn về chiều sâu. Hoạt động công đoàn cơ sở được các cấp uỷ quan tâm kiện toàn bộ máy chuyên trách, tạo điều kiện để công đoàn tham gia vào quản lý sản xuất, giáo dục tư tưởng chính trị cho quần chúng lao động.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, hậu quả của mấy chục năm chiến tranh, lại phải đối phó với âm mưu phá hoại nhiều mặt của bọn phản động, đội ngũ công nhân, viên chức phải đương đầu với những thử thách phức tạp của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở bước đi ban đầu. Khó khăn lớn nhất lúc này là tình trạng thiếu tiền vốn, thiếu vật tư, nguyên liệu, trang thiết bị kỹ thuật... Trong khi đó đời sống người lao động càng ngày càng khó khăn bởi giá cả biến động, tiền lương không đủ sống, nạn khan hiếm hàng hoá, nạn đầu cơ và hậu quả của chế độ bao cấp trì trệ. Tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, công nhân, viên chức và các tầng lớp lao động đã kiên trì chịu đựng thiếu thốn, đấu tranh chống tệ nạn tiêu cực, quyết tâm vượt qua mọi cản trở khó khăn về đời sống, hăng hái lao động sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao cho.

Tổ chức công đoàn đã tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng, công tác xây dựng Đảng, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước... Liên hiệp Công đoàn Đặc khu chủ động chỉ đạo công đoàn cơ sở mở hội nghị công nhân viên chức ký kết hợp đồng tập thể giữa chính quyền và công đoàn. Phát động phong trào phát huy sáng kiến, tiết kiệm, phong trào an ninh bảo vệ Tổ quốc và trật tư an toàn xã hội, phong trào liên kết thi đua quốc tế xã hội chủ nghĩa giữa công nhân kỹ thuật, chuyên gia Liên Xô với cán bộ và công nhân Việt Nam ở ngành dầu khí. Ngoài ra tổ chức công đoàn còn quan tâm bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động nữ, chế độ bảo hộ lao động, bảo hiểm, tiền lương, chính sách lao động nữ....

Hoạt động sôi nổi của tổ chức công đoàn và phong trào công nhân, viên chức 1983 đến đầu năm 1988 (giữa 2 kỳ đại hội) đã góp phần tạo nên những thành tựu lớn ở đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa, xã hội. Lực lượng công nhân, viên chức trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Năm 1983 số lượng công nhân, viên chức toàn Đặc khu 13.000 người, trong đó số có trình độ trung học chuyên nghiệp và Đại học chiếm 6 %, năm 1988 số lượng công nhân viên chức trên 23.000 người, 14% trình độ từ trung cấp kỹ thuật trở lên. Trong đó cán bộ có trình độ đại học và trên đại học 1.000 người; công nhân kỹ thuật bậc cao 1.500 người.

Phong trào phát huy sáng kiến ở các đơn vị sản xuất kinh doanh đã thu hút đông đảo quần chúng hưởng ứng. Tính đến năm 1987 toàn Đặc khu có gần 800 sáng kiến hiệu quả về kinh tế được công nhận, làm lợi cho nhà nước 38.360.200 đồng. Có 512 cán bộ, công nhân được tặng thưởng về thành tích có nhiều sáng kiến hiệu quả, trong đó ngành dầu khí đạt kỷ lục cao nhất 171 sáng kiến, ngành Xây dựng 129, ngành Hải sản 106, ngành Giáo dục 162, ngành Du lịch 62 sáng kiến.

Phong trào liên kết thi đua Quốc tế xã hội chủ nghĩa diễn ra sôi nổi ở ngành dầu khí, có 11 đơn vị thi công xây lắp, thăm dò, khai thác và phục vụ công tác dầu khí tham gia. Cả 4 năm liền (1984-1987) Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô được Tổng Công đoàn Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc. Năm 1987 Xí nghiệp Kết cấu thép được nhận cờ SEV; Xí nghiệp Công trình 6-7 được tặng cờ của Đại sứ quán Liên Xô. Ngoài ra còn hàng trăm cá nhân, tập thể sản xuất thuộc Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô được Hội đồng Bộ trưởng, Tổng Công đoàn Việt Nam, Đại sứ quán Liên Xô - Khối SEV khen ngợi, tặng thưởng huy chương, huy hiệu, bằng khen và nhiều tặng phẩm khác.

Cũng từ phong trào thi đua này đã dẫn đến mối quan hệ Quốc tế giữa Công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo với Trung ương Công đoàn Adecbaidan (Bacu). Đoàn đại biểu Trung ương Công đoàn Adecbaidan do đồng chí Agusênôp, Chủ tịch Công đoàn Trung ương Adecbaidan đã sang thăm Công đoàn Đặc khu và trồng cây đa hữu nghị cạnh hội trường Công đoàn Đặc khu. Nhận lời mời của Công đoàn bạn, đoàn đại biểu Công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (bao gồm đại diện công đoàn các ngành OSC, Y tế…) do đồng chí Huỳnh Ngọc Dung, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Đặc khu dẫn đầu sang thăm Công đoàn Adecbaidan và ký kết bản ghi nhớ giữa hai Công đoàn.

Ngày 26-6-1985 tàu khoan di động M. Mirchink đã tìm thấy dòng dầu công nghiệp ở mỏ Bạch Hổ. Đây là một sự kiện nổi bật trong lịch sử ngành dầu khí Việt Nam, có sự đóng góp lớn lao của công nhân, viên chức và nhân dân Vũng Tàu. Tiếp theo đó, nhịp độ triển khai xây dựng các giàn khoan cố định trên vùng mỏ Bạch Hổ ngày càng khẩn trương. Công việc khai thác dầu được tiến hành năm 1987 với 7 giếng khoan hoạt động ngày đêm. Cuối năm 1987: 280.355 tấn dầu thô được khai thác trên thềm lục địa Việt Nam.

Cùng với các hoạt động thi đua sản xuất, giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo vệ an ninh, chính trị cải thiện đời sống.... Liên hiệp Công đoàn đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo còn tích cực tham gia vào công tác quản lý kinh tế, quản lý nhà nước. Ban thường vụ công đoàn đã cùng các ngành chức năng xây dựng kế hoạch của ngành đi sâu, tiếp cận trực tiếp với hoạt động sản xuất và đời sống công nhân ở các cơ sở sản xuất trọng điểm. Thông qua đội kiểm tra công nhân, công đoàn đã góp phần phát hiện một số vụ việc vi phạm pháp luật, vi phạm quyền dân chủ khá nghiêm trọng ở một số cơ sở sản xuất.



2. Rèn luyện bản lĩnh đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, xây dựng đất nước trong thời kì đổi mới (1986-1991)
Tình hình của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động

Cùng với sự hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đội ngũ công nhân lao động cũng đã được đa dạng hóa về ngành nghề và thành phần kinh tế. Một bộ phận công nhân lao động từ khu vực quốc doanh đã chuyển sang các thành phần kinh tế khác. Nhiều ngành kinh tế trở thành mũi nhọn như (dầu khí, tin học, điện tử, bưu chính viễn thông, dịch vụ du lịch, công nghiệp...)

Số cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân có trình độ trung cấp, đại học và trên đại học được đào tạo từ trong nước, nước ngoài tiếp thu khoa học công nghệ nhanh, bổ sung ngày càng đông cho đội ngũ quản lý và công nhân lao động. Do cạnh tranh, quá trình sàng lọc trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật, trình độ tay nghề, bậc thợ được nâng lên nhanh. Ý thức trau dồi nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ thể hiện rõ. Tính tổ chức kỷ luật có nhiều tiến bộ. Công nhân lao động tỏ ra năng động, sáng tạo, lo cho sản xuất kinh doanh nhiều hơn. Do đó mà năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc khá hơn trước.

Tuy vậy trong cơ chế thị trường, công nhân lao động cũng bộc lộ những nhược điểm yếu kém mang đậm dấu ấn của sản xuất nhỏ, thụ động, có phần xa lạ với sự cạnh tranh kinh tế. Trình độ tay nghề, sức khỏe, tác phong lao động công nghiệp của không ít công nhân, nhất là chị em nữ chưa thích ứng kịp với yêu cầu đòi hỏi của thị trường sức lao động.

Do phải sắp xếp lại sản xuất cho hàng ngàn công nhân lao động trong khu vực quốc doanh phải nghỉ việc hoặc thiếu việc làm phải đổi nghề, chuyển nghề, đời sống hết sức khó khăn. Trong nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhất là khu vực sản xuất tư nhân, hợp tác xã, điều kiện lao động còn rất thiếu. Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn nghiêm trọng trong lúc chế độ chính sách bảo hộ lao động chưa được người sản xuất và người quản lý doanh nghiệp coi trọng, thực hiện nghiêm túc.

Sự phân hóa giàu nghèo trong công nhân lao động ngày càng thể hiện rõ. Một số ít làm việc trong các ngành, các đơn vị có lợi thế về sản xuất, kinh doanh có vốn đầu tư lớn, mua sắm thêm nhiều thiết bị mới, biết làm ăn, thu nhập tăng cao. Số đông công nhân lao động, viên chức thu nhập thấp, tiền lương ít thì đời sống khó khăn, nhất là chị em nữ và những người đã về hưu. Tâm trạng của công nhân lao động là lo không có việc làm ổn định, lo đời sống khó khăn kéo dài, lo ốm đau không đủ tiền thuốc thang, lo học hành và tương lai của con cái... Công nhân lao động mong muốn công đoàn sớm đổi mới tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, ngày càng thể hiện tính độc lập, đi sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của quần chúng, dựa vào luật và làm theo luật để hoạt động phù hơp với cơ chế thị trường, mang lại lợi ích chính đáng, hợp pháp cho công nhân lao động.

Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đề ra đường lối đổi mới đất nước, phải đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, kiên quyết xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thiết lập và hình thành đồng bộ cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, nhằm tạo ra động lực thúc đẩy các đơn vị kinh tế và quần chúng lao động hăng hái phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Trong xu thế đổi mới, vai trò của tầng lớp công nhân và lao động giữ vị trí quan trọng. Công nhân, viên chức, lao động hết sức ủng hộ đường lối đổi mới của Đảng, hăng hái tham gia lao động sản xuất, lực lượng lao động nữ ngày càng chiếm số đông tích cực tham gia công tác và đạt được những kết quả trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, dần dần khẳng định được năng lực của mình trong công tác sản xuất, trong nghiên cứu khoa học.

Tháng 8-1988 Đại hội Đại biểu lần thứ II Liên hiệp công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được tổ chức, đã bầu ra Ban chấp hành Liên hiệp công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo gồm 33 người. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh được bầu làm Thư ký; đồng chí Huỳnh Ngọc Dung, Phó Thư ký Thường trực; đồng chí Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Thư ký; và các Ủy viên Ban Thường vụ: Đào Quang Chiêu, Phạm Văn Bé, Nguyễn Trọng Tín, Nguyễn Văn Tam, Nguyễn Phước Lộc, Nguyễn Xuân Tăng.

Tháng 10-1988, Đại hội lần thứ VI công đoàn Việt Nam họp và quyết định đổi tên Tổng công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đại hội đề ra khẩu hiệu hành động là : « Việc làm và đời sống – dân chủ và công bằng xã hội » ; Đây là Đại hội đổi mới, tạo dấu mốc đổi mới trong lịch sử Công đoàn Việt Nam.

Công đoàn các tỉnh, thành phố, quận, huyện thành Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh. Hệ thống công đoàn cơ sở 3 cấp, 4 cấp ngày càng được củng cố và đạt được nhiều thành tích trong các lĩnh vực kinh tế như Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô, Xí nghiệp Liên hợp Xây lắp dầu khí, Công ty xuất nhập khẩu, Công ty Du lịch dịch vụ Vũng Tàu… Cuối năm 1988 Công đoàn Đặc khu chỉ đạo thí điểm 6 đơn vị mở Đại hội công nhân viên chức bầu hội đồng xí nghiệp theo tinh thần Quyết định 217-HĐBT. Qua đại hội quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức được phát huy, tạo điều kiện nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế ở các xí nghiệp, đơn vị kinh doanh.




tải về 1.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương