LỊch sử phong trào công nhâN, viên chứC, lao đỘng và HỌat đỘng công đÒan bà RỊa vũng tàu giai đỌan 1930-2006


Công tác tuyên truyền giáo dục đoàn viên, công nhân lao động



tải về 1.88 Mb.
trang12/17
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích1.88 Mb.
#2068
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

Công tác tuyên truyền giáo dục đoàn viên, công nhân lao động


Đồng thời với việc chăm lo bảo vệ lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động, tham gia quản lý Nhà nước, các cấp công đoàn cũng đã cố gắng trong công tác tuyên truyền giáo dục đoàn viên, công nhân lao động. Các đợt sinh hoạt chính trị để nghiên cứu các nghị quyết lớn của Đảng, các chủ trương chính sách của Nhà nước, nhiều công đoàn cơ sở đã triển khai khá tốt. Đặc biệt việc học tập Nghị quyết 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới công tác quần chúng được tiến hành nghiêm túc. Một số cơ sở có điều kiện đã tổ chức báo cáo thời sự giúp công nhân lao động biết thêm tình hình trong nước, ngoài nước, yên tâm, và kiên định hơn con đường đi của dân tộc và công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã phổ biến các văn bản pháp luật, quyết định của Nhà nước, chỉ thị của Tổng Liên đoàn xung quanh việc sắp xếp lại lao động, giảm biên chế - những văn bản có ý nghĩa thiết thực trực tiếp hơn với cuộc sống của công nhân lao động để công nhân lao động hiểu, thực hiện đúng và khi lợi ích bị xâm phạm thì biết tự bảo vệ hoặc biết dựa vào tổ chức kiến nghị lên cấp trên.

Công đoàn các cấp cũng đã thu thập ý kiến của công nhân lao động phản ánh lên cấp trên về những điều thiếu chặt chẽ của một số quyết định như chưa đặt đúng mức vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, vai trò kiểm tra giám sát của tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp Nhà nước. Công đoàn đã kiến nghị lên Tổng Liên đoàn, Bộ Lao động những vấn đề bất hợp lý nảy sinh khi thực hiện một số quy định của Nhà nước. Làm việc này, công đoàn vừa giáo dục ý thức công dân cho đoàn viên, công nhân lao động, vừa phát huy tinh thần làm chủ của họ.

Trong định kỳ nửa năm, cuối năm hoặc khi học tập các Nghị quyết của Trung ương, của địa phương về công tác xây dựng Đảng, công đoàn đã tổ chức cho quần chúng góp ý đảng viên, lấy ý kiến quần chúng xây dựng Đảng, bổ sung chủ trương chính sách của Đảng. Hàng năm có nhiều công đoàn đã giới thiệu cho Đảng nhiều đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp.

Để góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương, các cấp công đoàn đã giáo dục đoàn viên công nhân lao động chấp hành tốt kỷ luật, nội quy của xí nghiệp, cơ quan, tích cực hưởng ứng và động viên nhân dân thực hiện chỉ thị 135/HĐBT, xây dựng đội tự vệ cơ quan lớn mạnh, làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, công tác nghĩa vụ quân sự.

Đứng trước cơ chế mới, hoạt động tuyên truyền giáo dục của các cấp công đoàn đang có nhiêu lúng túng. Mặc dù điều kiện tài chánh có hạn hẹp nhưng vẫn có những đơn vị công đoàn ngành và công đoàn cơ sở như công đoàn Công ty Cấp nước, Công đoàn Hải sản, Liên doanh dầu khí Việt - Xô, Công đoàn huyện Châu Thành, Long Đất v.v... đã tổ chức được một số hoạt động như nói chuyện thời sự, tổ chức hội diễn văn nghệ, tổ chức thi đấu bóng chuyền, bóng bàn hàng năm khá sôi nổi. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng tổ chức được một câu lạc bộ bóng bàn thu hút gần 100 người tham gia.

Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp công đoàn coi trọng công tác hoạt động xã hội, có tác dụng tốt đến giáo dục công nhân lao động về tình cảm giai cấp, lòng nhân ái và đạo lý sống của dân tộc. Hưởng ứng tích cực phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" do Đảng và Nhà nước phát động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đề xuất với Ủy ban Nhân dân và Hội đồng trợ cấp khó khăn tỉnh trích một phần kinh phí xây dựng được 12 căn nhà tình nghĩa, giá trị mỗi căn từ 14 đến 17 triệu đồng; đã tặng 11 sổ tiết kiệm cho các đối tượng là học sinh con em công nhân lao động nghèo, gia đình chính sách với giá trị mỗi sổ từ 250.000đ đến 1 triệu đồng. Công đoàn đã cấp 33 suất học bổng với tổng số tiền 12.150.000 đồng cho học sinh nghèo học giỏi. Đã vận động công nhân lao động ủng hộ trên 640 sổ tiết kiệm cho đối tượng chính sách thương binh, gia đình liệt sĩ với số tiền 114.242.000 đồng. Riêng Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm và tặng quà cho công trình Thủy điện Thác Mơ 11 triệu đồng, ủng hộ 5 triệu đồng xây dựng một phòng học cho con em đồng bào dân tộc ít người Châu Ro…

Công nhân lao động đã góp hàng trăm triệu đồng ủng hộ đồng bào các tỉnh bị bão lụt, ủng hộ nhân dân Cu Ba anh em, mua tín phiếu xây dựng đường dây tải điện Bắc- Nam... Liên đoàn Lao động các huyện và thành phố cũng có các hoạt động xã hội rất đáng khích lệ. Ngoài ra, hàng năm nhân các ngày lễ, Tết, công đoàn cơ sở các địa phương, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đến thăm và tặng quà cho những công nhân lao động bị tai nạn nặng, thăm các cụ dưỡng lão, công nhân viên chức hưu trí, mất sức, thăm các cháu mồ côi, suy dinh dưỡng, thăm trạm xá, trường học vùng sâu, vùng khó khăn, vùng dân tộc ít người... Các hoạt động trên đã góp phần đoàn kết người lao động, tạo sự thông cảm giữa thế hệ đi trước với thế hệ tiếp nối, gắn bó các thành viên với tổ chức công đoàn.

Nhìn chung trong công tác tuyên truyền giáo dục công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có nhiều cố gắng tránh hình thức phô trương, mất thì giờ, gây tốn kém cho công quỹ ; lluôn bám cơ sở để phổ biến chủ trương đồng thời để nắm bắt những điều người lao động thắc mắc, băn khoăn để có biện pháp giải quyết.

Công tác xây dựng củng cố tổ chức công đoàn và nâng cao năng lực cán bộ

Các cấp công đoàn đã dần dần nhận thức được công tác xây dựng, củng cố tổ chức công đoàn phải tập trung trước hết vào việc xây dựng củng cố công đoàn cơ sở vững mạnh, vì cơ sở là nơi mà mọi chủ trương công tác của công đoàn đến với công nhân lao động và chính họ biến nó thành hiện thực trong cuộc sống. Xây dựng công đoàn vững mạnh, trước hết là thông qua hoạt động thực tiễn của từng cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động trên địa bàn cụ thể. Quán triệt tư tưởng đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tập trung chỉ đạo hoạt động này, từ việc làm cho các cấp công đoàn nhận thức đúng mục đích ý nghĩa của công tác này cho đến cách tiến hành từng bước. Liên đoàn Lao động tỉnh hoàn chỉnh phần nội dung các tiêu chuẩn, định điểm hợp lý cho từng thông số, hình thành Ban chỉ đạo triển khai, hướng dẫn việc theo dõi kiểm tra và đánh giá. Từ năm 1988 đến 1992 số lần công đoàn cơ sở đạt vững mạnh là 584 trên tổng số 1.148 số lần công đoàn cơ sở được xét, chiếm tỷ lệ 50,87%, đã có 24 đơn vị được nhận cờ thi đua của Tổng Liên đoàn và Liên đoàn Lao động tỉnh, 213 đơn vị được nhận bằng khen. Năm 1992 con số công đoàn cơ sở đạt vững mạnh cao hơn so với những năm trước, gần gấp đôi năm 1989.

Khi thực hiện các quyết định sắp xếp lại lao động, đã ảnh hưởng đến hoạt động công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo để tạo được sự ổn định và dần dần đưa cơ sở trở lại hoạt động bình thường. Liên đoàn Lao động tỉnh trực tiếp chỉ đạo 94 đơn vị trong đó có 7 công đoàn ngành, 4 công đoàn huyện, 1 công đoàn thành phố và 80 công đoàn cơ sở trực thuộc với 21.878 đoàn viên. Toàn tỉnh có 472 công đoàn cơ sở trực thuộc với 21.878 đoàn viên, hội viên.

Công tác phát triển công đoàn cơ sở ở các thành phần kinh tế khác là một công việc hết sức mới mẽ. Đến tháng 4-1993 đã thành lập được 29 công đoàn cơ sở với tổng số 1.724 đoàn viên. Nội dung hoạt động của loại hình công đoàn này đang dần dần được định hình. Dựa vào những nội dung đó, từ năm 1992 Liên đoàn Lao động tỉnh đã hình thành tiêu chuẩn xây dựng công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn vững mạnh cho các loại hình cơ sở của tổ chức công đoàn.

Để đáp ứng đòi hỏi của hoạt động công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, bán chuyên trách từ cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp công đoàn. Đã cử 75 lượt cán bộ chuyên trách đi học, bồi dướng các lớp chính trị, kinh tế, pháp luật, công tác công đoàn trình độ đại học, trên đại học trong và ngoài nước. Có 329 cán bộ công đoàn cơ sở đã được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn. Ngoài ra hàng năm các ban chuyên đề đều mở các lớp tập huấn ngắn ngày cho mạng lưới cơ sở. Đội ngũ cán bộ công đoàn là 5.690 đồng chí trong đó có 54 cán bộ chuyên trách. Số cán bộ trong thành phần kinh tế ngoài quốc doanh ngày càng đông. Nhiều cán bộ công đoàn đã nêu cao trách nhiệm, tận tụy với hoạt động công đoàn.

Về hoạt động tài chính: Từ năm 1989, công tác tài chính công đoàn đã được đổi mới nhằm tăng quyền chủ động cho cơ sở. Từ đó mà cơ sở có thuận lợi, chủ động thu, chi phục vụ các hoạt động xây dựng công đoàn và nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động. Công tác quản lý tài sản, quản lý thu chi của các cấp công đoàn làm đúng nguyên tắc, không có sai sót đáng kể. Việc kiểm tra đồng cấp, kiểm tra định kỳ làm đúng kế hoạch, chính xác. Có được thành tích hoạt động phong trào, hoạt động chuyên đề hoạt động xây dựng công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn vững mạnh một phần quan trọng có sự đóng góp của công tác tài chánh công đoàn.



Chăm lo bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của công nhân lao động, viên chức và tham gia quản lý Nhà nước:

Thực hiện Quyết định 217/HĐBT về quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, các cấp công đoàn đã tích cực tác động với chính quyền mở đại hội công nhân viên chức, công khai bàn bạc các phương án sản xuất, bầu đại diện của mình tham gia quản lý xí nghiệp. Năm đầu thực hiện chuyển đổi cơ chế kinh tế đã có 46/49 đơn vị sản xuất kinh doanh mở được đại hội, chiếm tỷ lệ 90,8%. Đại diện chính quyền và công nhân lao động đã bàn bạc phương án thực hiện các chỉ tiêu sản xuất, ký kết việc thực hiện chế độ lao động, lập kế hoạch kiểm tra, giám sát phương án tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi xã hội. Vai trò của công đoàn được thế hiện rõ trong tham gia quản lý sản xuất.

Thực hiện Quyết định 176/HDBT «Về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh» và Quyết định 315/HĐBT «Về chấn chỉnh và tổ chức lại sản xuất kinh doanh trong khu vực kinh tế quốc doanh», các cấp công đoàn đã phối hợp với chính quyền nghiêm túc thực hiện, tích cực tác động vào việc sắp xếp lại sản xuất của cơ sở. Thời điểm thực hiện Nghị định 388/HĐBT ban hành quy chế «Về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước» không có vấn đề gì nổi lên đáng quan tâm, duy chỉ có một số công nhân đến Liên đoàn Lao động tỉnh yêu cầu giải quyết việc làm và đã được Liên đoàn Lao động tỉnh can thiệp, đáp ứng đúng yêu cầu của họ.

Trong năm 1992, nhiều công đoàn cơ sở đã cùng với chính quyền các cấp ở địa phương giải quyết cho 1.800 lao động dôi dư có việc làm. Liên đoàn Lao động tỉnh đã đứng ra tổ chức cũng như phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giới thiệu việc làm cho một số lao động nữ vào làm việc ở cơ sở thêu len gia công và Xí nghiệp chế biến hải sản. Trước đời sống khó khăn của công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã cùng với các cơ quan chức năng và với trách nhiệm Thường trực Hội đồng trợ cấp khó khăn của tỉnh, đã dựa vào nguồn trợ cấp của Trung ương và nguồn điều tiết kinh phí dôi dư ở một số đơn vị, trợ cấp cho các đơn vị có nhiều khó khăn. Từ năm 1987 đến năm 1992 đã trợ cấp cho 19.107 lượt người ở các đơn vị với số tiền là 515.930.000 đồng.

Ở các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, Liên đoàn Lao động tỉnh đã cùng Sở Lao động - Thương binh Xã hội tiến hành nhiều đợt khảo sát để nắm tình hình lao động, việc sử dụng lao động, về mối quan hệ giữa chủ - thợ, việc chi trả tiền lương và các phụ cấp xã hội khác, đồng thời xem xét việc ký kết và hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Thông qua kết quả nắm tình hình các đơn vị, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức cuộc tiếp xúc giữa các chủ doanh nghiệp và công đoàn hoặc người đại diện. Việc làm này đã được đánh giá là một việc làm kịp thời, giúp Tổng Liên đoàn nắm bắt tình hình cụ thể ở địa phương để làm việc với Hội đồng Bộ trưởng và các Bộ có liên quan.

Thực hiện chủ trương "Xóa đói giảm nghèo", cuối 1992, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hình thành quỹ trợ vốn cho lao động nghèo. Mục đích của quỹ là trợ giúp người lao động khó khăn có thêm vốn nhỏ ban đầu để tự tổ chức việc làm hoặc tạo thêm việc làm. Quỹ trợ giúp đã quan tâm đến số công nhân, viên chức, lao động đã thôi việc từ xí nghiệp, cơ quan Nhà nước đang gặp khó khăn. Nguồn quỹ có 300 triệu đồng, cho vay với lãi suất 1,5%, tối đa 800.000 đồng cho mỗi suất vay. Từ khi triển khai đến cuối năm 1992 đã có 332 người và 4 đơn vị tập thể vay với số tiền là 261.400.000 đồng. Kiểm tra bước đầu cho thấy những người vay đã phát huy hiệu quả số tiền được vay.

Ngay ở một số công đoàn cơ sở mới thành lập thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh cũng bước đầu chăm lo việc làm đời sống cho công nhân lao động như kiến nghị với các cơ quan chức năng giúp giải quyết bến bãi hoặc trình bày với người đứng của doanh nghiệp quan tâm đến sinh hoạt, điều kiện làm việc hàng ngày, nâng cao tay nghề, dạy thêm ngoại ngữ cho công nhân lao động, cử cán bộ công đoàn dự tập huấn công tác công đoàn...

Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho công nhân lao động, công đoàn các cấp đã thường xuyên quan tâm đến công tác bảo hộ lao động, phối hợp với các sở chức năng từng bước đưa công tác này ở các cơ sở sản xuất đi vào nề nếp, góp phần hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là tai nạn gây thương tật, chết người. Ban Kinh tế Lao động Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn an toàn lao động và phòng bệnh nghề nghiệp cho cán bộ, công nhân lao động khu vực sản xuất kinh doanh, tổ chức mạng lưới an toàn viên hoạt động ở các cơ sở sản xuất gồm 400 người. Ở các xí nghiệp lớn đã có các phòng, ban hoặc tiểu ban kỹ thuật an toàn. Việc kiểm tra trang bị bảo hộ lao động được tiến hành hàng năm và cũng được xem xét bổ sung. Liên đoàn Lao động tỉnh đã đưa công tác bảo hộ lao động vào một nội dung chấm điểm để xét công đoàn cơ sở vững mạnh.

Ngày 30/6/1990 Luật Công đoàn Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa VIII kỳ họp thứ 7 thông qua (thay thế Luật công đoàn ngày 05/11/19570) ; ngày 20/4/1991 Nghị định số 133/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ban hành « Hướng dẫn thi hành Luật Công đoàn », kể từ đây, chức năng, quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn được xác lập, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới.

Từ năm 1990, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với các cơ quan có liên quan, kiểm tra nhiều lần an toàn lao động theo Thông tư 08 của Liên bộ và pháp lệnh Bảo hộ lao động, trung bình từ 20 đến 30 lần mỗi năm ; kiểm tra 72 đơn vị trong và ngoài quốc doanh, tập trung ở các ngành Điện lực, Xây dựng, Dầu khí, Hải sản, Khai thác đá, Cao su... Ở các doanh nghiệp tư nhân và tập thể bước đầu đã được chú ý. Ở các đơn vị chưa có tổ chức công đoàn, công tác này có hạn chế. Các vụ tai nạn lao động chết người là 20 vụ. Năm 1991 và 1992 là 2 năm thấp nhất, mỗi năm 2 vụ. Như vậy số vụ nghiêm trọng càng về sau càng giảm nhưng các vụ vị phạm an toàn lao động lại có chiều hướng tăng lên.

Về bệnh nghề nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh chưa có điều kiện để kiểm tra phát hiện. Tuy vậy qua thanh tra an toàn và vệ sinh lao động, đã cho thấy một số ngành có thể xảy ra mắc bệnh nghề nghiệp như: bệnh bụi phổi ở ngành xây dựng, bệnh nhiễm độc chì ở ngành sản xuất, sửa chữa ắc quy, các bệnh truyền nhiễm ở ngành y tế... đã chú ý công tác vệ sinh trong sản xuất và vệ sinh môi trường. Tham gia trong Hội đông Giám định y khoa của tỉnh, Công đoàn đã góp phần xem xét kỹ từng trường hợp để có kết luận đúng đắn, đỡ thiệt thòi cho người lao động và để đảm bảo thực hiện đúng chế độ chính sách. Qua thực tiễn, công đoàn đã kiến nghị lên cấp trên xem xét lại chính sách bảo hiểm xã hội không còn phù hợp với tình hình thực tế, chủ động đê xuất Tổng Liên đoàn đề nghị sửa chữa bổ sung một số chế độ đối với công nhân lao động mắc bệnh nghề nghiệp.

Liên đòan Lao động tỉnh cũng đã thực hiện chủ trương phân cấp quản lý bảo hiểm xã hội cho cơ sở quản lý 3 chính sách về ốm đau, tai nạn và thai sản. Nhờ phân cấp mà cơ sở đã có những biện pháp nhằm hạ thấp ngày nghỉ ốm, nghỉ thai sản, giải quyết nhanh chóng kịp thời việc chi trả bảo hiểm xã hội, cân đối thu chi và có số kết dư phục vụ cho sự nghiệp bảo hiểm xã hội. Nhiều đơn vị làm tốt như Công ty Xổ số kiến thiết, Ngân hàng Công thương, Công ty Cấp nước, Xí nghiệp Sửa chữa xây lắp, Công ty Vật tư tổng hợp, Công ty sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng v.v...

Do tích lũy được nguồn kinh phí kết dư bảo hiểm xã hội và được sự quan tâm hỗ trợ của Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có điều kiện mua sắm thêm phương tiện đưa đón công nhân lao động, viên chức đi nghỉ dưỡng, đồng thời nâng cấp khu nhà nghỉ ngày càng đủ tiện nghi và khang trang hơn. Từ năm 1988 đến năm 1992, Công đoàn tỉnh đã tổ chức cho 1.365 lượt người đi nghỉ mát, tham quan du lịch một số danh lam thắng cảnh trong nước và nước bạn Campuchia; ngoài ra còn tổ chức trại hè cho con cán bộ công nhân, viên chức, lao động nghỉ dưỡng sức cho cán bộ hưu trí, cán bộ có nhiều tuổi Đảng, cán bộ Hội Cựu chiến binh. Sau khi giao quyền chủ động cho cơ sở tự tổ chức nghỉ ngơi cho công nhân, viên chức, lao động, hầu hết các cơ sở đã cùng chính quyền hằng năm tổ chức cho đơn vị mình đi tham quan du lịch hoặc nghỉ ngơi dưỡng sức. Trong hội nghị tổng kết 12 năm quản lý bảo hiểm xã hội của Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đánh giá cao những thành tích đã đạt trong công tác bảo hiểm xã hội. Hội nghị đã trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 của Nhà nước cho Nhà nghỉ Công đoàn Vũng Tàu. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tặng nhiều bằng khen cho tập thể, cá nhân có nhiều thành tích.

Trong việc bảo vệ lợi ích của công nhân, viên chức, lao động các cấp công đoàn còn phải giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo của công nhân lao động ở các đơn vị có biểu hiện vi phạm quyền làm chủ của người lao động, có hành vị ức hiếp quần chúng, trù dập người nói thẳng, nói thật. Các vụ khiếu nại, tố cáo không chỉ của công nhân lao động mà còn của bà con nông dân, ngư dân, giám đốc các xí nghiệp, công ty, của cán bộ, kỹ sư, tu sĩ, công an, bộ đội.... Trong 5 năm (1987-1992), có 555 đơn, thư khiếu nại, trong đó đơn tố cáo là 106, khiếu nại là 449. Từ năm 1988 - 1990 nội dung đơn thư tập trung nhiều về vấn đề vi phạm quyền làm chủ, vi phạm các pháp lệnh Bảo hộ lao động; từ 1991 đã tập trung nhiều vào vấn đề cho thôi việc, giảm biên chế, đối xử thiếu công bằng do không thực hiện đúng điều luật định. Số đơn khiếu nại, mua bán đất, nhà và hôn nhân gia đình tăng lên, bắt đầu có đơn đề nghị giải quyết về tranh chấp lao động.

Với phương châm: "Trách nhiệm, thận trọng, khách quan, đúng đắn và kịp thời" trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo chặt chẽ Thường vụ công đoàn các cấp giải quyết dứt điểm, có lý có tình mỗi vụ việc. không để tồn đọng đơn thư khiếu nại. Để giúp công nhân lao động nắm hiểu pháp luật và biết tự bảo vệ cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, Liên đoàn Lao động tỉnh đã cùng Đoàn luật sư trong tỉnh thành lập Phòng tư vấn pháp luật. Tuy mới hình thành đầu năm 1991, phòng đã tiếp và giải thích hướng dẫn pháp luật cho hàng trăm lượt người lao động, đã giải quyết 168 vụ việc trong đó miễn phí cho 79 người có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động của Phòng tư vấn pháp luật đã được hỗ trợ giúp đỡ, tạo thuận lợi của các ngành chức năng.

Song song với các hoạt động trên, các cấp công đoàn đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua do chính quyền đề ra. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã cố gắng cải tiến tổ chức thi đua làm cho hoạt động này từng bước đi vào thực chất, có hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Trong những đợt thi đua chào mừng kỷ niệm những ngày lịch sử, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo công đoàn các cấp đăng ký thi đua, thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… xây dựng các công trình. Chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 7 có 48 công trình đăng ký với giá trị 104 tỷ đồng. Chào mừng Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ I có 16 công trình đăng ký với giá trị 3,5 tỷ đồng. Từ năm 1988 đến đầu năm 1992, đã có 294 sáng kiến kỹ thuật, làm lợi cho Nhà nước 849.400.000 đồng.

Tuy có gặp lúng túng trong cơ chế thị trường, nhưng phong trào thi đua liên kết phục vụ nông nghiệp ở 3 huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc bước đầu đã huy động được một số ngành, một số cơ sở phục vụ cho nông nghiệp bằng cung cấp vật tư, cây trồng, con giống, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đến cả việc tiêu thụ, thu mua sản phẩm... Bước đầu phong trào thi đua đã có tác dụng thúc đẩy nông nghiệp phát triển, thắt chặt mối liên kết công nông. Từ 1988 đến 1992 có 19 đơn vị tập thể đã được nhận cờ thi đua của Liên đoàn Lao động tỉnh, 4 đơn vị được nhận cờ của Tổng Liên đoàn, 215 tập thể và 383 cá nhân được nhận bằng khen. Số chiến sĩ thi đua cấp tỉnh đạt 42 người. Có 428 tổ đạt tổ Lao động xã hội chủ nghĩa, trên 1.168 tổ đăng ký, chiếm tỷ lệ 36,7%. Trong thi đua quốc tế xã hội chủ nghĩa, đơn vị Liên doanh dầu khí Việt - Xô đã 3 lần được nhận cờ của Tổng Liên đoàn, 2 lần nhận cờ Đại sứ quán Liên Xô, 59 lần nhận bằng khen của tỉnh và ngành.

Các cấp công đoàn đã có chương trình hoạt động phù hợp với tình hình mới như: giáo dục giới tính, giáo dục dân số và kế hoạch hóa gia đình, giáo dục trách nhiệm làm cha mẹ, xây dựng gia đình văn hóa mới, bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kinh nghiệm làm kinh tế gia đình, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt đã quan tâm động viên chị em nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Các cuộc thi khéo tay, thi công tác nữ công gia chánh, thi làm đồ dùng dạy học, thi hội giảng, thi bé khoẻ bé ngoan được tổ chức khá rầm rộ.

Ngoài ra chị em còn hưởng ứng phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà". Sơ kết 3 năm từ 1988 đến 1990 đã có 1.200 chị đạt danh hiệu cấp cơ sở, 51 chị đạt cấp đặc khu, 2 tập thể và 5 cá nhân được Tổng Liên đoàn tặng bằng khen, 2 cán bộ được Trung ương Hội Phụ nữ tặng huy chương "Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ". Dựa vào mạng lưới nữ công ở các công đoàn cơ sở, Liên đoàn Lao động tỉnh đã nắm và phản ảnh lên Trung ương Hội, Tổng Liên đoàn một số chính sách, chế độ đối với chị em mà trên thực tế thấy không còn phù hợp. Nhìn chung, chức năng bảo vệ lợi ích của công nhân lao động và tham gia quản lý Nhà nước là chức năng quan trọng đã được các cấp công đoàn suy nghĩ, tìm biện pháp giải quyết. Tuy vậy do tình hình chuyển đổi cơ chế và do thiếu kinh nghiệm hoạt động nên các tổ chức công đoàn chưa thể hiện được đầy đủ quyền và chức năng như luật định.

Tuy nhiên việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích cho công nhân lao động chưa hữu hiệu, Luật công đoàn đi vào thực tế cuộc sống, vào công nhân lao động trong khi Luật lao động lại chưa có. Mặt khác các chính sách lao động của Nhà nước ban hành chưa đầy đủ và thiếu kịp thời cũng gây khó khăn không ít cho việc thực hiện nhiệm này. Việc tham gia quản lý Nhà nước trên thực tế, các cấp công đoàn chưa làm được nhiều vì có nhiều nơi về phía chính quyền chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia và trong khi tham gia thì hiệu lực chưa lớn bởi năng lực phát hiện và giải quyết vấn đê của các cấp công đoàn còn bị hạn chế. Cũng do hạn chế về mặt hiểu biết, đặc biệt là hiểu biết về Luật và các chính sách có liên quan đến người lao động, thiếu kinh nghiệm giải quyết những vấn đề mới phát sinh từ nền kinh tế thị trường nên nhiều cán bộ ở các cấp công đoàn ngại va chạm, đôi lúc còn né tránh trước những đòi hỏi của công nhân lao động về giải quyết việc làm, đời sống, thiếu dũng cảm đấu tranh với các tổ chức liên quan để bảo vệ lợi ích của người lao động.



III. Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (1991-2006)

1. Thành lập Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Ngày 12-8-1991, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được thành lập theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9, trên cơ sở sáp nhập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo với ba huyện Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc của tỉnh Đồng Nai. Ngày 2-6-1994 huyện Châu Thành được tách thành 3 đơn vị hành chính gồm: thị xã Bà Rịa, huyện Tân Thành và huyện Châu Đức. Từ đó tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính gồm: thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, các huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Đất và Côn Đảo.

Ngày 15-10-1991, Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo đã họp mở rộng, cử ra Ban Chấp hành lâm thời Liên đoàn Lao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gồm 32 ủy viên. Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ra Quyết định số 706/QĐ ngày 28-10-1991 thành lập Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ; đồng chí Nguyễn Thị Thanh được cử làm Chủ tịch Ban Chấp hành lâm thời; Phó Chủ tịch là các đồng chí Nguyễn Trọng Tín, Đào Quang Chiêu; Ban Thường vụ có các đồng chí: Phạm Văn Bé, Nguyễn Văn Tam, Nguyễn Phước Lộc, Nguyễn Xuân Tăng, Trần Văn Minh, Nguyễn Đình Thao. Liên đoàn Lao động các huyện: Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, Côn Đảo và thành phố Vũng Tàu được thành lập.

Trong tình hình các cấp công đoàn trong tỉnh vừa mới sáp nhập, hoạt động trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình đổi mới từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã gặp không ít khó khăn của buổi đầu chuyển đổi. Trên thế giới, sự tan rã của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô đã tác động đến tâm tư tì́nh cảm của công nhân lao động khiến họ suy nghĩ nhiều đến vận mệnh của đất nước. Tuy vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì sự nghiệp đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân và những người lao động đã cùng với nhân dân toàn tỉnh vẫn ra sức thực hiện các nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và thứ VII.

Ngày 6-4-1992, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ I đã đề ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong những năm 1992 - 1995 nhằm ổn định và phát triển kinh tế, nâng cao dần từng bước đời sống của nhân dân. Phát huy vai trò chức năng của một tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, các cấp công đoàn trong toàn tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hăng hái phấn đấu thực hiện nghị quyết của Đảng bộ và mục tiêu hành động của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI là: “Việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội”.

Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 1993-1998 họp vào 2 ngày 28 và 29/05/1993. Có 250 đại biểu đại diện cho 22.000 đoàn viên Công đoàn về dự. Đại hội bầu ra BCH gồm 29 đồng chí, đ/c Nguyễn Thị Thanh được bầu làm Chủ tịch; đ/c Nguyễn Trọng Tín, đ/c Đào Quang Chiêu được bầu làm phó Chủ tịch.

Sau khi kiện toàn tổ chức và tăng cường chỉ đạo đổi mới các hoạt động công đoàn trong nền kinh tế thị trường, bức tranh về tình hình cơ cấu đội ngũ giai cấp công nhân và hệ thống tổ chức công đoàn trong tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể so với những năm trước. Mặc dù đang ở trong thời kỳ đầu của quá trình hòa nhập với cơ chế quản lý mới có những khó khăn, nhất là chất lượng lao động từ cơ chế cũ chuyển sang đòi hỏi phải đào tạo bồi dưỡng, đổi mới nhiều hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường.

Bộ Luật Lao động được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23/6/1994, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong việc phát triển pháp luật lao động của nước ta ; luật quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động và của người sử dụng lao động, các tiêu chuẩn lao động, các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất. Bộ Luật Lao động ra đời có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và trong hệ thống pháp luật của quốc gia, là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Năm 1993 số công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh là 30.912 người đến năm 1995 đã tăng lên 43.313 người (nơi có tổ chức công đoàn địa phương quản lý). Trong khu vực quốc doanh có 31.831 người, khu vực ngoài quốc doanh có 11.482 người. Trong các doanh nghiệp nhà nước số lượng công nhân lao động không ổn định. Đội ngũ thợ lành nghề, thợ bậc cao, thợ giỏi giảm. Trái lại trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài số công nhân lao động trẻ tuổi có học vấn tay nghề cao đang tăng lên, thu hút cả cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề đào tạo cơ bản; một lực lượng không nhỏ khác chuyển sang các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn. Đội ngũ công chức, viên chức, trí thức có xu hướng tăng lên do nhu cầu của tình hình mới.

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường, quá trình đổi mới công nghệ diễn ra nhanh chóng đã tác động đến chất lượng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động. Trong tổng số công nhân, viên chức, lao động ở các cơ quan, đơn vị do địa phương quản lý có 20,28% công nhân, viên chức, lao động có trình độ trung cấp kỹ thuật, đại học và trên đại học có khả năng thích ứng với cơ chế thị trường, tiếp cận nhanh với khoa học tiến tiến, công nghệ hiện đại. Song đại bộ phận chưa đáp ứng chưa đạt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa: 32,43% có trình độ cấp I và cấp II, 47,08% là lao động phổ thông, sơ cấp kỹ thuật và bậc thợ từ 1 đến 3, trong khi bậc 4 và 5 là 3,67% và bậc 6,7 chỉ có 1,4%.

Đường lối đổi mới của Đảng đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển nên vấn đề việc làm của công nhân lao động nhìn chung tuy đã bớt gay gắt nhưng vẫn còn là điều bức xúc, là nổi lo của công nhân lao động và xã hội. Năm 1996-1997 còn hàng ngàn công nhân thiếu việc làm, hoặc có việc làm không ổn định ở các ngành xây dựng, du lịch, thương mại, thủy sản. Ngay một số doanh nghiệp địa phương làm ăn kém hiệu quả hoặc thua lỗ cũng là nổi lo của hàng ngàn công nhân lao động. Đó là chưa kể đến công nhân em công nhân, viên chức, lao động hàng năm đến tuổi trưởng thành chưa tìm được việc làm.



tải về 1.88 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương