KỲ HỌp thứ TÁM, quốc hội khóa XIII (20/10/2014 – 28/11/2014)



tải về 7.28 Mb.
trang97/101
Chuyển đổi dữ liệu19.07.2016
Kích7.28 Mb.
#2002
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101

Trả lời: Tại công văn số 4729/BGDĐT-VP ngày 29/8/2014

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động tham mưu ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về tài chính và ưu tiên trong tuyển sinh đối với con em đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; chế độ ưu tiên cho đội ngũ giáo viên94.... Đến nay, có thể nói hệ thống chính sách trong giáo dục và đào tạo cho các đối tượng trên đã khá đầy đủ, rộng về diện và có chiều sâu. Hầu hết các chương trình dự án có mục tiêu, cả vốn trong và ngoài nước, đều hướng đến chăm lo việc học hành cho con em đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; kết quả đạt được là rất lớn.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá chính sách để đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung, hoàn thiện chính sách theo hướng trên.

75. Cử tri tỉnh Sóc Trăng kiến nghị: Cử tri cho rằng công tác giáo dục ở nước ta trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng nhưng chưa chuyển biến tích cực, vẫn còn tình trạng chạy trường, chạy lớp ở các cấp học; gian lận trong thi cử; dạy thêm, học thêm…Cử tri đề nghị cần tiếp tục đổi mới trong việc tuyển chọn giáo viên dạy sư phạm thông qua việc kiểm tra năng khiếu, phương pháp giảng dạy đầu vào nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn; tăng cường pháp chế trường học như điều lệ, quy chế nhà trường, thanh tra, kiểm tra thường xuyên giáo viên đứng lớp nhằm đảm bảo chất lượng dạy học; việc thử nghiệm cải cách nội dung, chương trình sách giáo khoa phải được lấy ý kiến nhiều đối tượng, tránh vội vàng đưa vào áp dụng đại trà không hiệu quả.

Trả lời: Tại công văn số 4506/BGDĐT-VP ngày 21/8/2014

1. Về tình trạng chạy trường, chạy lớp, gian lận trong thi cử, dạy thêm, học thêm

Tuy đã có cố gắng trong đổi mới và đạt được những kết quả tích cực, nhưng giáo dục và đào tạo vẫn còn những hạn chế. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn chưa tương xứng so với yêu cầu; nội dung, chương trình giáo dục còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất. Một số hiện tượng tiêu cực trong giáo dục như tình trạng chạy trường, chạy lớp, gian lận trong thi cử, dạy thêm học thêm tràn lan…gây bức xúc trong xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện các nhóm giải pháp như:

- Ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm; Chỉ đạo các Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành Quy định về dạy thêm học thêm áp dụng đối với địa phương mình (đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố ban hành quy định dạy thêm học thêm); Tổ chức thanh tra tại các địa phương; kiến nghị xử lý đối với đơn vị, cá nhân cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm; Tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của cha mẹ học sinh; Tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định dạy thêm học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình, ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào;

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, loại bỏ những phần trùng lặp, hàn lâm, xa rời thực tế; những nội dung chưa cần thiết và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và đảm bảo theo nguyên tắc không làm thay đổi chương trình và sách giáo khoa hiện hành; Giao quyền, hướng dẫn cho nhà trường và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn địa phương;

- Tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới từng bước cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng: Giảm dần yêu cầu học thuộc lòng, chú trọng vận dụng kiến thức tổng hợp bằng cách ra đề thi theo hướng tăng dần các yêu cầu vận dụng sáng tạo, ra đề “mở” gắn với các vấn đề thực tiễn, thời sự của đất nước để học sinh trình bày ý kiến cá nhân trên cơ sở tổng hợp, vận dụng kiến thức được học, qua đó đánh giá đúng chất lượng học tập và năng lực của học sinh; Đổi mới công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hướng tăng cường giao quyền chủ động trên cơ sở nâng cao tinh thần tự chủ và chịu trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo; tạo cơ chế giám sát của xã hội đối với các thành viên của Hội đồng coi thi.

- Thực hiện đổi mới công tác thi đua – khen thưởng; đánh giá đúng thực chất của phong trào thi đua, tôn vinh đúng đối tượng nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua.

2. Việc đổi mới trong việc tuyển chọn giáo viên dạy sư phạm

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến 2020, trong đó có các nội dung về đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo sinh viên sư phạm. Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, việc đào tạo sinh viên sư phạm tiếp tục được nghiên cứu, đổi mới từ khâu tuyển chọn để nâng cao chất lượng đầu vào.

Ngoài ra, để tăng cường tính pháp chế trong nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Điều lệ nhà trường các cấp và Thông tư Hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục.

3. Việc thử nghiệm cải cách nội dung, chương trình sách giáo khoa phải được lấy ý kiến nhiều đối tượng, tránh vội vàng đưa vào áp dụng đại trà không hiệu quả

Chương trình, sách giáo khoa hiện hành cũng như Chương trình, sách giáo khoa mới sau năm 2015 đều được xây dựng và triển khai theo quy trình thống nhất. Trước khi triển khai đại trà, bắt buộc phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức (gửi xin ý kiến trực tiếp, tổ chức hội nghị tham vấn, hội thảo…) và được thực nghiệm đối với các nội dung mới so với Chương trình hiện hành. Việc thực nghiệm có thể tiến hành ngay trong quá trình biên soạn Chương trình, sách giáo khoa và tác giả Chương trình, sách giáo khoa có thể tham gia thực nghiệm...



76. Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri cho rằng, công tác đào tạo ngành Y hiện nay đang có nhiều bất cập, có quá nhiều trường được đào tạo bác sĩ, dược sĩ nhưng không kiểm soát được chất lượng, thực trạng này cũng góp phần gây nên tình trạng khám chữa bệnh kém.

Trả lời: Tại công văn số 4668/BGDĐT-VP ngày 28/8/2014

Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất chú trọng đến các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, đặc biệt đối với các ngành thuộc Nhóm ngành Khoa học Sức khỏe. Bộ Giáo dục và Đào tạo thường xuyên phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất triển khai một số văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục tham gia đào tạo Nhóm ngành này. Để thống nhất một số yêu cầu trong đào tạo, năm 2010 và 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Y tế thành lập các Hội đồng tư vấn xây dựng Chương trình khung cho các ngành đào tạo khối Khoa học Sức khỏe, trong đó có nêu rõ các năng lực mà sinh viên cần đạt được về phẩm chất và trình độ chuyên môn để sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng được các yêu cầu cơ bản đối với cán bộ Y tế mà Bộ Y tế đã đưa ra.

Hiện tại, chỉ có 16/553 cơ sở giáo dục đại học được phép đào tạo bác sĩ, dược sĩ trong đó có 10 cơ sở đào tạo lâu năm có kinh nghiệm như Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Trường Đại học Y Dược Huế (Đại học Huế), Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Học viện Quân Y. Các trường này đã có nhiều khóa sinh viên tốt nghiệp và đang công tác tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Có 06 cơ sở giáo dục mới đang thực hiện Chương trình là Trường Đại học Y khoa Vinh (bắt đầu tuyển sinh từ năm 2011), Khoa Y Dược (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2012, Khoa Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2013, Trường Đại học Võ Trường Toản (năm 2012), Trường Đại học Tân Tạo (năm 2013), Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương (năm 2013).

* Đối với ngành Dược, trước năm 2011, có 7 cơ sở đào tạo gồm Trường Đại học Dược Hà Nội, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Trường Đại học Y Dược Huế (Đại học Huế) và Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh đã có sinh viên tốt nghiệp ra trường. Sau năm 2011, có thêm 15 cơ sở giáo dục khác tham gia đào tạo ngành Dược trình độ đại học nhưng hiện chưa trường nào có sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Việc mở ngành đào tạo của các cơ sở này cũng tuân thủ theo đúng yêu cầu về quy trình mở ngành đào tạo tại Thông tư số 08/2012/TT-BGDĐT và tất cả các cơ sở trong hồ sơ mở ngành cũng có ý kiến của Bộ Y tế về việc nhận xét nhu cầu nguồn nhân lực và khả năng thực hiện chương trình của cơ sở.



77. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Đề nghị quan tâm xem xét điều tiết ngân sách cho giáo dục đại học đảm bảo công bằng trong hệ thống các trường đại học công lập, ví dụ: các trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được cấp kinh phí cao hơn các trường đại học thuộc cấp tỉnh quản lý, hoặc các trường đào tạo về kỹ thuật được cấp kinh phí thấp hơn các ngành khác.

Trả lời: Tại công văn số 4576/BGDĐT-VP ngày 25/8/2014

Hiện nay, việc phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên. Theo quy định này thì việc phân bổ kinh phí sự nghiệp giáo dục và đào tạo phải thực hiện theo quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Mức kinh phí ngân sách cấp chi thường xuyên hàng năm cho các đơn vị đào tạo trên cơ sở yêu cầu các đơn vị phấn đấu nâng mức tự trang trải nhu cầu chi từ nguồn thu phí của mình để dành nguồn ưu tiên bố trí cho những đơn vị hoạt động chủ yếu bằng nguồn ngân sách nhà nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan khác ở Trung ương có trách nhiệm công khai, minh bạch mức kinh phí cấp cho các đơn vị trực thuộc.

Đồng thời theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước thì các trường trực thuộc các Bộ ngành trung ương do ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí hoạt động, kinh phí cấp cho các trường hàng năm do Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ, Quốc Hội xem xét quyết định và giao trong dự toán hàng năm của các Bộ, ngành. Đối với các trường đại học công lập do địa phương quản lý do ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí hoạt động theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.

Như vậy, theo các quy định trên thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không tham gia vào quá trình phân bổ ngân sách chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo cho các trường ở địa phương mà chỉ phân bổ kinh phí cho các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo theo nguyên tắc phân loại đơn vị sự nghiệp công lập theo các loại hình: Đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên; đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động thường xuyên; đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên. Việc phân bổ kinh phí này đảm bảo công khai, minh bạch đúng quy định.

Tuy nhiên, do việc phân bổ kinh phí hiện nay dựa trên tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập chưa đảm bảo công bằng giữa đơn vị được giao tự chủ với đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, đồng thời chưa phù hợp với quy mô, ngành nghề đào tạo.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, đồng thời triển khai Chương trình hành động ban hành kèm theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 9/8/2012 của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định phương thức và tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đại học công lập, trong đó áp dụng phương thức phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục đại học dựa trên các tiêu chí quy mô sinh viên chính quy, ngành nghề đào tạo, chất lượng đào tạo, mô hình tổ chức và theo vùng miền có cơ sở đào tạo...


78. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Cử tri phản ánh công tác nghiên cứu khoa học về các đề tài tại các trường đại học hiện nay rất lãng phí, vì sau khi bảo vệ xong các đề tài không được tiếp thu, ứng dụng (theo quy định nhà nước đảm bảo chi cho công tác này là 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm). Đề nghị quan tâm xem xét.

Trả lời: Tại công văn số 4669/BGDĐT-VP ngày 28/8/2014

Theo Luật Giáo dục đại học 2012, Luật Khoa học và Công nghệ 2013, Điều lệ trường đại học và các văn bản dưới luật thì hoạt động khoa học và công nghệ của các trường đại học nhằm mục tiêu (1) Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năng lực nghiên cứu và khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ của giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý, viên chức; (2) Hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho người học; phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao; (3) Tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp mới để phát triển khoa học và giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Nội dung hoạt động khoa học và công nghệ của các trường đại học bao gồm: (1) Nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục, khoa học công nghệ để tạo ra tri thức và sản phẩm mới; (2) Ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống; (3) Xây dựng các phòng thí nghiệm, các cơ sở nghiên cứu phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, các vườn ươm công nghệ, gắn phát triển công nghệ với tạo sản phẩm mới; (4) Tham gia tuyển chọn, tư vấn, phản biện, thực hiện các nhiệm vụ, hợp đồng khoa học và công nghệ, các nhiệm vụ theo đơn đặt hàng.

Với hình thức chủ yếu là các đề tài/nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp (nhà nước, cấp Bộ, tỉnh, cấp cơ sở) và các hoạt động khác như hội nghị, hội thảo khoa học, công bố kết quả nghiên cứu (trong nước và quốc tế), ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thực hiện các dự án khoa học và công nghệ các cấp và các hoạt động khoa học và công nghệ khác.

Như vậy, hoạt động khoa học và công nghệ của các trường đại học rất đa dạng, tập trung ở mảng đề tài/nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.

Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ khoa học của giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời khẳng định vị thế và uy tín của các trường với xã hội gớp phần vào tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Kết quả của các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ và cấp trường đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề đặt ra của xã hội.

Tuy nhiên, thực tế một số đề tài (kể cả đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ, tỉnh hay cấp cơ sở) của một số trường đại học không có khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Nguyên nhân cơ bản là:

- Công tác quản lý hoạt động NCKH chưa được chú trọng từ xác định vấn đề nghiên cứu, quá trình phê duyệt chưa chú trọng đúng mức tới khả năng ứng dụng của đề tài ứng dụng hoặc định hướng ứng dụng.

- Cơ chế, chính sách về hoạt động khoa học và công nghệ chậm được đổi mới so với yêu cầu.

- Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu và cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm còn quá thấp so với yêu cầu.

- Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trong các trường đại học còn hạn chế cả về chất lượng và số lượng.

- Trong các trường đại học và cao đẳng giảng viên chịu áp lực giảng dạy cao hạn chế thời gian dành cho nghiên cứu khoa học.

- Nghiên cứu cơ bản tại các trường đại học vẫn chưa được phát triển tương xứng với yêu cầu và tiềm năng.

- Công bố quốc tế còn hạn chế, có ít bài báo khoa học được đăng trên những tạp chí khoa học uy tín.

- Ở một số đơn vị, công tác quản lý khoa học và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu, làm ảnh hưởng tới kết quả, hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ của đơn vị nói riêng và của Bộ nói chung.

Để khắc phục thực trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai một số giải pháp cơ bản sau:

- Ban hành Thông tư số 22/2011/TT-BGDĐT ngày 30/5/2011 quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành văn bản quy định về hoạt động khoa học và công nghệ của các trường đại học và cao đẳng trực thuộc Bộ. Nay, Bộ đã quy định hoạt động khoa học và công nghệ của tất cả các trường đại học và cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân95. Đây là sự đổi mới quan trọng của Bộ nhằm thống nhất quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của các trường đại học và cao đẳng trong cả nước.

- Đẩy mạnh sự phối hợp quản lý hoạt động khoa học và công nghệ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ/ngành, địa phương, coi đây là một phương thức mới để quản lý, tổ chức, thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường đại học trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội

- Chỉ đạo các trường bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011-2015 đề xuất và tích cực tham gia tuyển chọn chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, cấp Bộ, tự chủ trong việc xác định, triển khai nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở, huy động các nguồn lực cho nghiên cứu khoa học (nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất) để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động KHCN, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

- Từ năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo không phân cấp cho các đơn vị tuyển chọn, xét chọn đề tài cấp Bộ. Đây là chuyển biến quan trọng theo hướng phân định rõ ràng việc của Bộ, việc của các cơ sở, tạo điều kiện phát huy tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở về hoạt động khoa học và công nghệ.

- Từ năm 2012, quán triệt Nghị quyết XI của Đảng và các nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, Bộ đang triển khai công tác kiện toàn tổ chức khoa học và công nghệ (các viện và trung tâm nghiên cứu), áp dụng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trong việc tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ KHCN, khắc phục tình trạng tồn đọng, lập lại kỷ cương trong nghiên cứu.

- Việc phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ đã được đổi mới triệt để theo các tiêu chí rõ ràng, minh bạch (về tiềm lực KHCN, kết quả, hiệu quả hoạt động KHCN). Các trường đại học và cao đẳng hoàn toàn tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của các trường.

- Tất cả các đề tài cấp Bộ khi nghiệm thu đều phải thực hiện nghiêm túc các cam kết về kết quả, sản phẩm phê duyệt trong Thuyết minh đề tài. Kết quả về đào tạo sau đại học (tiến sĩ và thạc sĩ) được đặc biệt coi trọng.

- Tổ chức giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” giành cho sinh viên và giảng viên trẻ trong các trường đại học tiếp tục xét giải và ngày càng khẳng định uy tín trong sinh viên và giảng viên trẻ

Kết quả báo cáo hàng năm và sơ kết giai đoạn 2011-2014 cho thấy hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011-2015, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển kinh tế xã hội đất nước96.

Thực hiện Luật Giáo dục đại học năm 2012, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục chỉ đạo các trường đại học tăng cường quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các trường đại học tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới nhận thức, tăng cường chỉ đạo, tập trung nguồn lực cho nghiên cứu khoa học; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ để phục vụ trực tiếp cho công tác đào tạo, nâng cao trình độ của giảng viên, sinh viên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước. Gắn kết chặt chẽ hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với công tác đào tạo trong các trường, đặc biệt là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.



79. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Đề nghị sửa đổi điểm b, Khoản 1 của Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học theo hướng quy định mỗi lớp ở các cấp THCS và THPT có không quá 40 học sinh để nâng cao chất lượng dạy và học phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Trả lời: Tại công văn số 4507/BGDĐT-VP ngày 21/8/2014

Mục b, Khoản 1, Điều 15 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định “Mỗi lớp ở các cấp THCS và THPT có không quá 45 học sinh”. Việc quy định số học sinh trong một lớp học ở từng cấp học căn cứ vào điều kiện về cơ sở vật chất nhà trường, đội ngũ giáo viên, nhân viên, tỉ lệ học sinh học lên trung học cơ sở và trung học phổ thông ở từng địa phương. Đây là quy định số học sinh tối đa trong một lớp học, được tính toán trên cơ sở địa bàn cư trú của dân cư trong từng khu vực, từng địa phương. Tùy từng khu vực tuyển sinh mà có số lượng học sinh trong một lớp có thể khác nhau, Bộ chỉ quy định số lượng học sinh nhiều nhất trong lớp học để đảm bảo chất lượng của quá trình dạy và học.



80. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Về việc quy hoạch, đầu tư xây dựng Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên. Hiện nay, có trên 60 hộ dân là cán bộ giáo viên của nhà trường đã nghỉ hưu mua nhà tập thể thanh lý của trường từ năm 1991, 1994 nay đã xuống cấp trầm trọng, nhưng không được cấp GCNQSD đất, không được xây dựng nhà ở vì diện tích đất này thuộc đất của nhà trường quản lý. Cử tri kiến nghị như sau:

Một là: nếu giữ nguyên diện tích đất như hiện nay thì đề nghị Bộ GDĐT khẩn trương chỉ đạo đơn vị lập phương án đền bù cho dân theo quy định nhà nước;

Hai là: nếu không cần thiết thì giao đất lại cho địa phương để quy hoạch cấp đất cho hộ dân xây dựng nhà cửa ổn định cuộc sống.

Trả lời: Tại công văn số 4577/BGDĐT-VP ngày 25/8/2014

Từ năm 1989 đến năm 1991, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên đã thanh lý nhà tập thể cấp 4 và tạm giao đất xung quanh cho 40 hộ dân sử dụng, kèm theo quy định: không cho phép chuyển nhượng, bán nhà (không có đất) khi chưa được sự đồng ý của nhà trường; tất cả tài sản còn lại nằm trên phần đất đã giao cho 40 hộ tạm sử dụng (đường điện, cây xanh....) là tài sản của Nhà trường quản lý; cho đến nay số hộ đã tăng lên là 60 hộ.

Với những kiến nghị, đề xuất của cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo nhà trường liên hệ với các cơ quan chức năng đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý lại nhà, đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 cho phù hợp với quy hoạch nhà trường, địa phương và báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, đề nghị 60 hộ dân nói trên liên hệ và làm việc cụ thể với Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên để giải quyết các vấn đề vướng mắc.

81. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Tháng 8/1997, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể đầu tư bước 1 Đại học Thái Nguyên với diện tích sử dụng đất là 300ha. Đến nay dự án thực hiện quá chậm, các hộ dân vùng dự án gặp rất nhiều khó khăn như: Ô nhiễm môi trường do ngập úng, nhà cửa xuống cấp không được đầu tư xây dựng nhà ở kiên cố, chưa được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư... Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tạo điều kiện cho Đại học Thái Nguyên đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Trả lời: Tại công văn số 4272/BGDĐT-VP ngày 12/8/2014

Đại học Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể và đầu tư bước 1 tại Quyết định số 600/TTg ngày 01/8/1997 với diện tích sử dụng đất là 300ha. Tổng mức đầu tư thực hiện dự án là 74,8 tỉ đồng, trong đó đền bù giải phóng mặt bằng là 6,5 tỉ đồng. Ngày 15/11/2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định số 6480/QĐ-BGDĐT phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư bước 1 cải tạo và xây dựng Đại học Thái Nguyên, trong đó, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng được điều chỉnh tăng lên 18 tỉ đồng.

Công tác giải phóng mặt bằng là một công việc khó khăn và phức tạp, đòi hỏi có sự phối hợp của các cơ quan nhà nước, có sự ủng hộ của nhân dân và nguồn kinh phí lớn. Để đẩy mạnh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phê duyệt dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư tại Quyết định số 5939 QĐ/BGDĐT ngày 20/10/2006 với tổng mức đầu tư hơn 90 tỉ đồng. Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cố gắng bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước và bằng nguồn vốn tự bổ sung của Đại học Thái Nguyên để đền bù giải phóng được 37ha, còn 210 ha chưa được đền bù giải phóng. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thái Nguyên đã tận dụng mọi nguồn lực để từng bước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nảy sinh nhiều vấn đề nên kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Các khó khăn đó là:

- Chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư tuy đã ban hành tương đối cụ thể, song vẫn còn nhiều văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng dẫn đến có những quan điểm khác nhau giữa các cơ quan thực hiện công tác bồi thường và người dân trong khu vực quy hoạch.

- Bị chi phối bởi cơ chế thị trường, giá cả biến động, nhu cầu ở và sinh hoạt của nhân dân tăng lên phát sinh việc mua bán, chuyển nhượng, tách hộ diễn ra phức tạp.

- Bên cạnh đó, còn có một số hộ dân không chấp hành chủ trương chính sách về bồi thường, có ý chây ì không thực hiện.

Để đền bù giải phóng 210ha còn lại cần nguồn kinh phí rất lớn. Hiện nay ngân sách nhà nước đầu tư công nói chung và dành cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng nói riêng là rất hạn hẹp, việc đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn thật sự là khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị 2 phương án:

(1) Chính phủ đồng ý cấp nguồn vốn cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng trong 5 năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo Đại học Thái Nguyên thực hiện dứt điểm.

(2) Trường hợp không đủ nguồn kinh phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn Đại học Thái nguyên làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, đề xuất phương án để Tỉnh bố trí, sắp xếp lại quy hoạch trên địa bàn của tỉnh nhà.



82. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo bổ sung đối tượng giáo viên mầm non tại các trường bán công (trước khi chuyển đổi sang công lập theo đề án chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập) nghỉ hưu giai đoạn 2002-2011 được hưởng phụ cấp thâm niên.


tải về 7.28 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương