HÀ NỘI, 2014 BỘ giáo dục và ĐÀo tạo bộ y tế trưỜng đẠi họC y tế CÔng cộNG


Thực trạng hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV



tải về 1.27 Mb.
trang16/21
Chuyển đổi dữ liệu14.07.2016
Kích1.27 Mb.
#1702
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21

4.2. Thực trạng hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV.

4.2.1. Hành vi tình dục.


4.2.1.1. Số lượng bạn tình.

Kết quả nghiên cứu cho thấy số khách lạ cao hơn số khách quen kể cả đường phố hay nhà hàng, sự khác biệt này có ý nghỉa thống kê (p<0,05). Số lượng khách trung bình trong tuần của PNMD là 10,65 người trong đó khách lạ là 6,3 người; cao hơn khách quen, 4,35 người. Kết quả này cao hơn so với nghiên cứu tại Nha Trang của Trần Thị Tuyết Mai (2005), số lượng khách trung bình trong tuần của PNMD là 7,7 người (t=4,696; p<0,001) [50] và so với kết quả IBBS 2009, số lượng khách trung bình trong tuần của PNMD là 8,5 người [14]. PNMD đường phố có số khách trung bình trong tuần là 9,57 người; thấp hơn PNMD nhà hàng, 11,72 người; tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghỉa thống kê (p>0,05). Đối với khách lạ, PNMD đường phố có số khách lạ trung bình trong tuần là 5,49 người cũng thấp hơn PNMD nhà hàng 7,10 người sự khác biệt này có ý nghỉa thống kê (p<0,001). Đối với khách quen, PNMD đường phố có số khách quen trung bình trong tuần là 4,08 người thấp hơn PNMD nhà hàng, 4,62 người; sự khác biệt này có ý nghỉa thống kê; (p<0,01). Qua số liệu trên cho thấy xu hướng khách tập trung nhiều ở nhà hàng, khách sạn do đời sống kinh tế tốt hơn, nhà hàng khách sạn xây dựng nhiều hơn, dịch vụ tụ điểm này cũng thoáng hơn, do đó MDNH có nhiều cơ hội tiếp cận với khách nhiều hơn, cả khách lạ và khách quen. Và cũng có thể MDĐP đã thận trọng hơn khi QHTD với khách trước đại dịch HIV.



4.2.1.2. Sử dụng BCS khi QHTD

- Sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất với các loại bạn tình

Đối với khách nói chung: Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ PNMD sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất giữa tụ điểm là nhà hàng và đường phố khác nhau có ý nghỉa thống kê (p<0,05). Với khách nói chung là 91%, trong đó tụ điểm nhà hàng, 96%; cao hơn tụ điểm đường phố, 86%. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả của Nemoto. T, thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh (2008) tụ điểm nhà hàng, 85%; cao hơn tụ điểm đường phố (68%) [100]. Thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Minh Tâm (2010) tại An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, 96,9%; (p<0,001) [60] và kết quả của Trương Tấn Minh (2008) tại Khánh Hòa, 98,7%); (p< 0,001) [52]. Cao hơn so với nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai ở Nha Trang tỷ lệ PNMD sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất với khách chung là 80,7; (p<0,001); kết quả nghiên cứu của Phan Thị Thu Hương (2012) tỷ lệ PNMD sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất là 89%; (p<0,001) [42], kết quả của Nguyễn Thanh Long (2012) nghiên cứu tại Cà Mau, 64,5%; (p<0,001) [47], kết quả của Nguyễn Văn Khanh (2005) nghiên cứu tại Hà Nội, 73,6%; (p<0,001) [45], kết quả của J.T.F.Lau (2007) nghiên cứu ở Hồng Kông Trung Quốc, 73,3%; (p<0,001) [91], kết quả giám sát trọng điểm HIV lòng ghép hành vi trong nhóm nguy cơ cao ở Việt Nam 2012, 89%; (p<0,001) [27] và cũng cao hơn kết quả kết quả cùa Bộ Y tế 2013 hầu hết tỉnh được điều tra, 90%. Nhìn chung cho thấy sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất là cao và có xu hướng tăng.

Đối với khách lạ: tỷ lệ PNMD sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất là 92%, trong đó tụ điểm nhà hàng, 95%; cao hơn tụ điểm đường phố, 89%; (p>0,05). So với kết quả của Lại Kim Anh ở Cần Thơ (2007) tỷ lệ PNMD sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất với khách lạ là 99%; (p<0,001), thi kết quả này thấp hơn.

Đối với khách quen: tỷ lệ PNMD sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất là 93,5%, trong đó tụ điểm nhà hàng 90% thấp hơn tụ điểm đường phố 97% (p<0,05). So với kết quả của Lại Kim Anh ở Cần Thơ (2007) tỷ lệ PNMD sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất là 96% (χ2=3,25; P>0,05), thi kết quả này là tương đương.

Đối với người yêu, chồng: tỷ lệ PNMD sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất là 23%, trong đó tụ điểm nhà hàng (32%) cao hơn tụ điểm đường phố (14%) (P<0,01). So với kết quả của Lại Kim Anh ở Cần Thơ (2007) MDNH là 23% thì kết quả này cao hơn (χ2=4,57; p<0,05), MDĐP là 30%, thì kết quả này thấp hơn (χ2=12,19; p<0,001).

Tỷ lệ PNMD nhà hàng sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất cao hơn tỷ lệ PNMD đường phố. Trong đó PNMD nhà hàng sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất đối số khách lạ nhiều hơn khách quen, ngược lại PHMD đường phố có số khách quen lại nhiều hơn, những khác biệt trên đều có ý nghỉa thống kê (p<0,05). Cũng tương tự với nghiên cứu của Jess H. Grayman thực hiện ở Khánh Hòa (2005) [90]. Điều này có thể giải thích do nhà hàng khách sạn phát triển nhiều, các dịch vụ thoáng hơn cho nên số lượng khách lạ tăng lên, PNMD ở tụ điểm này họ có công ăn việc làm ít áp lực về kinh tế cho nên họ thận trọng hơn, ngược lại đối với tụ điểm đường phố do chủ yếu khách hàng quen họ mới tìm lại tụ điểm này còn khách lạ họ sẽ chọn tụ điểm nhà hàng an toàn hơn, và khả năng thuyết phục sử dụng BCS với khách quen tốt hơn khách lạ.

So sánh với nghiên cứu của Lại Kim Anh 2007 trên 462 đối tượng PNMD tại Cần Thơ, thì tỷ lệ PNMD sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất với khách quen và khách lạ là 96%, 99% thì tỷ lệ trong nghiên cứu này thấp hơn (93,5%; χ2= 98,9; p<0,001, 92%; χ2=98,33; p<0,01). Cho thấy PNMD sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất với khách lạ có xu hướng giảm.

So sánh với nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai 2005 trên 192 đối tượng PNMD tại Nha Trang, thì tỷ lệ PNMD sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất với khách lạ và khách quen và chồng, người yêu là 90,1%; 60,6%; 8,3% thì tỷ lệ trong nghiên cứu này đối với khách lạ không khác biệt (92%; χ2= 0.80; p>0,05), khách quen và người yêu thì cao hơn; (93,5%; χ2=90,66; p<0,001, 23%; χ2= 56,78; p<0,001). Cho thấy tỷ lệ sử dụng BCS trong QHTD lần gần đây nhất có xu hướng tăng với khách quen và chồng hoặc người yêu.



  • Tỷ lệ PNMD luôn sử dụng BCS trong tháng qua khi QHTD với các loại bạn tình

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ PNMD luôn sử dụng BCS trong tháng qua khi QHTD với các loại bạn tình thấp hơn so với kết quả sử dụng BCS trong QHTD gần đây nhất. Với khách lạ là 72,5%; trong đó tụ điểm là đường phố, 76%; cao hơn tụ điểm nhà hàng, 69%; (p>0,05). Với khách quen là 69,5%; trong đó tụ điểm là đường phố, 78%; cao hơn tụ điểm nhà hàng, 61%; (p<0,01) và với chồng, người yêu là 5,5%; trong đó tụ điểm là đường phố, 6,1%; cao hơn tụ điểm nhà hàng, 5%; (p<0,05). So với kết quả điều tra của Bộ Y tế (2013) thì kết quả này thấp hơn số liệu điều tra tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Vĩnh Long; cao hơn 8 tỉnh còn lại trong nguyên cứu [8]. Cao hơn kết quả của Phạm Thị Vân Anh (2012) [4], kết quả của Hoàng Đức Hạnh (2008); tỷ lệ luôn sử dụng BCS với khách lạ, 68,1%; khách quen, 60,1%; thì kết quả này cao hơn còn chồng hoặc người yêu (81,1%) thì thấp hơn [36]. Thấp hơn các kết quả sau: kết quả của Dương Công Thành (2012) [62], kết quả của Nguyễn Thị Minh Tâm (2005) [120], kết quả của Nguyễn Vũ Thượng (2009) [119], kết quả của Nguyễn Bá Cẩn (2009) là 74,5% [23], kết quả của Nguyễn Thanh Long (2009) tại 7 tỉnh Việt Nam [49].

So với kết quả giám sát kết hợp hành vi và các chỉ số sinh học 2009, thì kết quả này cũng thấp hơn, tuy nhiên tỷ lệ luôn sử dụng BCS khi QHTD thấp dần từ khách lạ, đến khách quen và chồng hoặc người yêu cũng giống với kết quả của IBBS 2009 [14].

So sánh với nghiên cứu của Lại Kim Anh ở Cần Thơ 2007, thì tỷ lệ PNMD đường phố luôn sử dụng BCS trong tháng qua khi QHTD với khách lạ và khách quen là 92%; 91%, thì tỷ lệ PNMD đường phố luôn sử dụng BCS trong tháng qua khi QHTD với khách lạ và khách quen trong nghiên cứu này thi thấp hơn (76%; χ2=628,26; p<0,001, 68%; χ2=581,31; p<0,001). Tỷ lệ PNMD nhà hàng luôn sử dụng BCS trong tháng qua khi QHTD với khách lạ và khách quen là 95%; 89%, thì tỷ lệ trong nghiên cứu này đối với khách lạ và khách quen thì thấp hơn (69%; χ2= 862,31; p<0,001, 71%; χ2= 255,36; p<0,001) [3].

So sánh với nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai 2005 trên 192 đối tượng PNMD tại Nha Trang, thì tỷ lệ PNMD đường phố luôn sử dụng BCS trong tháng qua khi QHTD với khách lạ và khách quen và chồng, người yêu là 80,8%; 60,5%; 9,1% thì tỷ lệ PNMD đường phố luôn sử dụng BCS trong tháng qua khi QHTD với khách lạ trong nghiên cứu này thì thấp hơn, khách quen thì cao hơn (76%; χ2=207,96; p<0,001. 68%; χ2= 62,02; p<0,001) còn đối với chồng, người yêu thì không khác biệt (6,1%; χ2= 1.10; p>0,05). Tỷ lệ PNMD nhà hàng luôn sử dụng BCS trong tháng qua khi QHTD với khách lạ và khách quen và chồng, người yêu là 43,3%; 21,2%; 3,4% thì tỷ lệ trong nghiên cứu này đối với khách lạ, khách quen cao hơn (69%; χ2= 6,16; p<0,05, 71%; χ2= 18,96; p<0,001) còn người yêu thì không khác biệt (5%; χ2= 0.77; p>0,05) [50]. Kết quả trên cho thấy Tỷ lệ luôn sử dụng BCS trong tháng qua khi QHTD là thấp và có xu hướng thấp dần từ khách lạ đến khách quen và người yêu (χ2= 47,76; p<0,001). Điều đó cho thấy PNMD đã có những cân nhắc nhất định về hành vi sử dụng BCS trong QHTD.



  • Thực hành sử dụng BCS trên mô hình

Kết quả thực hành sử dụng BCS trên mô hình cho thấy tỷ lệ PNMD thực hành sai còn cao chiếm 28%. So với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai (2005) thì kết quả này thấp hơn (50,5%; χ2= 24,01; p<0,001) qua đó cho thấy việc thực hành sai có xu hướng giảm. Tuy nhiên tỷ lệ thực hành sai vẫn còn mức cao sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng BCS mà chương trình can thiệp giảm tác hại cần lưu ý [50].

  • Lý do PNMD không sử dụng BCS

Kết quả nghiên cứu cho thấy lý do không sử dụng BCS của PNMD rất đa dạng đối với khách lạ là do đã uống thuốc ngừa thai (7,5%), hoặc là không nghỉa về điều đó (7,5%), cho thấy sự hiểu biết và ý thức về hành vi dự phòng khi sử dụng BCS của PNMD là chưa cao, chủ yếu họ chỉ suy nghỉa dùng BCS chỉ để ngừa thai và như vậy suy nghỉa này tìm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV. Đối với khách quen là không thích dùng (5,5%) hoặc đã uống thuốc ngừa thai (5,5%). Đối với chồng, người yêu lý do là không cho là cần thiết (21,5%), cho thấy yếu tố tình cảm đã chi phối hành vi quyết định có sử dụng BCS hay không và một điều cần lưu ý [83]. Có một tỷ lệ khá cao PNMD trả lời là không có sẵn BCS (21%), cho thấy việc tiếp cận và tính sẵn có của BCS cũng chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng BCS của họ.

Như vậy lý do không sử dụng BCS vì không cho là cần thiết hay không nghỉa về điều đó chủ yếu đối tượng là chồng hoặc người yêu cho thấy yếu tố tình cảm lấn áp hành vi quyết định sử dụng BCS. Lý do không thích dùng chủ yếu đối với khách quen cũng do tác động của tình cảm lên hành vi sử dụng BCS và qua đó cũng cho thấy PNMD rất chủ quan khi QHTD với người quen, lý do bạn tình phản đối tập trung chủ yếu là khách lạ và người yêu cho thấy khả năng thuyết phục sử dụng BCS của PNMD chưa cao.

Qua thực tế phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm cũng cho thấy việc sử dụng BCS hầu hết là do khách hàng quyết định. Tỷ lệ sử dụng BCS thấp, theo kết quả nghiên cứu của Dương Lệ Quyên (2010) 87% [114]. PNMD gần như bị lệ thuộc vào quyết định này do họ cần tiền, một phần do họ không có khả năng thuyết phục khách hàng sử dụng BCS. Thực tế những lý do mà khách hàng quyết định không sử dụng BCS chủ yếu là do hạn chế về nhận thức. Đây là một đặc điểm rất quan trọng cho thấy việc can thiệp trên đối tượng là khách làng chơi, thực tế cũng có nhiều chương trình can thiệp trên đối tượng này nhưng chưa được làm thường xuyên và bài bản. Đồng thời cần có những can thiệp trên PNMD nhằm nâng cao kỹ năng thuyết phục khách hàng sử dụng BCS. Ngoài ra giải pháp can thiệp cũng nhằm nâng cao nhận thực tác dụng của BCS trong việc quan hệ tình dục với người quen, người yêu hoặc chồng của họ, làm cho việc sử dụng BCS trở thành bình thường. Thực tế điều này rất khó giải quyết vì nếu người PNMD dùng BCS khi quan hệ với người yêu hoặc chồng được coi là không chân thành, không chung thủy, gắn bó, mối quan hệ tình cảm đã tác động đến hành vi và hành vi cũng làm thay đổi mối quan hệ tình cảm. Các nghiên cứu tâm lý học về hành vi đã cho thấy “việc không dùng BCS thường gắn với ý nghỉa cảm xúc, hơn nữa các nhận thức về nguy cơ có xu hướng thay đổi theo thời gian của mối quan hệ và sự gắn bó”[117], và như vậy nguy cơ lây nhiễm HIV được bỏ mặc cho những cảm xúc gắn bó này. Đây là mối nguy cơ tiềm tàng làm cho sự lây nhiễm từ đối tượng nguy cơ cao sang gia đình họ và cho cộng đồng. Điều này cho thấy các can thiệp phòng lây nhiễm HIV cần phải xem xét những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề trong bối cảnh mối quan hệ xã hội cụ thể.

4.2.2. Hành vi sử dụng ma túy ở PNMD


4.2.2.1. Tỷ lệ PNMD sử dụng ma túy

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ PNMD có sử dụng ma túy là 14% trong đó chủ yếu là PNMD đường phố chiếm 26%, so với PNMD nhà hàng chỉ chiếm 2%, sự khác biệt này có ý nghỉa thống kê (p<0,001). So với kết quả của IBBS 2009 tỷ lệ PNMD có sử dụng ma túy là 14,3% thì kết quả này không khác biệt (p>0,05) [14], thấp hơn so kết quả của Trần Trung Nam (2010) thực hiện tại Hà Nội (38%); (p<0,001) [121]. Kết quả của Tooru Nemoto thực hiện ở Bangkok Thai Lan (2013) trên MDNH chuyển giới thì tỷ lệ dùng ma túy cao chiếm 32% (p<0.001) [107].

Cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai tỷ lệ PNMD có sử dụng ma túy 7,8%, kết quả của Bộ Y tế 2013 trong 11 tình thành điều tra. Nhìn chung cho thấy việc sử dụng ma tuy có xu hướng tăng ở đối tượng là PNMD ở khu vực phía Nam (χ2= 46,05; p<0,001), đặc biệt là PNMD đường phố [50].


        1. Tình trạng tiêm chích ma túy ở PNMD

Kết quả cho thấy tỷ lệ sử dụng ma túy bằng đường tiêm ở PNMD chiếm 13,1%, Cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai (5,7%; χ2= 281,67; p<0,001) [50], Thấp hơn so với kết quả của IBBS 2009 ở Cần Thơ, 16,7% (χ2=116.71; p<0.001) [14], kết của của Joseph T.F.Lau thực hiện ở Trung Quốc (2012), 16,5%; (χ2=118.49; p<0,001) [98]. Trong số 26 người tiêm chích thì có 12 người sử dụng chung BKT chiếm 46,2%, kết quả này thấp hơn kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai (54,5%; χ2= 6,927; p<0,01) [50].

Trong nhóm MDNH không có ai sử dụng chung BKT, còn MDĐP hành vi sử dụng chung BKT là 12%. So với kết quả nghiên cứu của Lại Kim Anh nghiên ở Cần Thơ (2007) là 10%, thì nghiên cứu này cao hơn (χ2= 37,76; p<0,001) [3]. So kết quả của Phạm Thị Minh Phương là 20% thì kết quả này thấp hơn (χ2= 11,11; p<0,01) [54]. Cho thấy MDĐP có sử dụng ma túy có xu hướng sử dụng BKT chung tăng ở các tỉnh phía Nam, là đối tượng cần quan tâm trong giáo dục tiêm chích an toàn.

Qua phỏng vấn sâu cho thấy việc dùng chung BKT do hoàn cảnh lối cuốn, nếu ở những nơi vui chơi giải trí, nhà nghỉa, khách sạn hoặc ở các tụ điểm có PNMD nghiện chích ma túy khi không có khách, hoặc không có việc làm, thì dễ lôi cuốn người khác sử dụng chung bơm kim tiêm. Có một số PNMD khi lên cơn nghiện không làm chủ được bản thân cũng hay sử dụng chung BKT.

Qua kết quả phỏng vấn sâu cũng cho thấy nếu có PNMD nghiện chích rất dễ lôi cuốn PNMD khác dùng ma túy và dung chung BKT, đặc biệt là khi họ lên cơn. Qua một số nghiên cứu khác cho thấy PNMD nghiện chích ma túy có khách hàng cao hơn PNMD không nghiện chích ma túy. Tỷ lệ dùng BCS ở đối tượng này cũng rất thấp, kết hợp với việc dùng chung BKT thì PNMD nghiện chích ma túy có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Vì vậy việc can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tại cơ sơ vui chơi giải trí, không những có sẵn BCS mà cần có sẵn BKT, và chính vai trò chủ cơ sở rất quan trọng trong việc thay đối hành vi nguy cơ này.

Rỏ ràng một số các chị PNMD sử dụng ma túy mà hai loại thường gặp là thuốc lắc (uống) và heroin (hút/hít), ít chích ma túy. Tuy nhiên trong số có chích thì nhiều người dùng chung BKT, mà lý do các chị liệt kê là do bị công an truy quét, vả nghiện thuốc, thiếu tiền mua BKT. Vì thế hành vi nguy cơ của nhóm PNMD không chỉ có hành vi tình dục không an toàn mà con liên quan đến hành vi sử dụng ma túy, theo điều tra của dự án quỷ toàn cầu 2013 cho thấy tỷ lệ PNMD có TCMT cao nhất ở Vĩnh Phúc (7,6%), Ninh Bình (4,2%) và Hà Nam (3,0%). Kết quả này có thể giải thích cho tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm PNMD tại Hà Nam và Vĩnh Phúc cao hơn các tỉnh còn lại. Tuy nhiên so các tỉnh trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng,Tp. Hồ Chí Minh và Cần Thơ thì tỷ lệ PNMD có TCMT trong điều tra này thấp hơn.


        1. Tình trạng sử dụng ma túy ở khách hàng trong một tháng qua

Kết quả nghiên cứu cho thấy trong số 200 PNMD có khách lạ thì có 6% PNMD cho rằng trong số khách lạ của họ có nghiện ma túy, số PNMD trả lời không biết chiếm 44,5%.

Trong số 200 PNMD có khách quen thì có 4,5% PNMD cho rằng trong số khách quen của họ có nghiện ma túy. So với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai (10,3%) thì kết quả này thấp hơn (χ2= 7,28; p<0,01). Số PNMD trả lời không biết là 14,5% [50].

Trong số 200 PNMD có chồng, người yêu có 9,5% PNMD cho rằng trong số chồng, người yêu của họ có nghiện ma túy, So với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai (13,5%) thì kết quả này tương đương (χ2= 2,66; p>0,05). Số PNMD trả lời không biết là 8,5% [50].

Trong nhóm MDĐP họ cho rằng khách hàng là người có sử dụng ma túy thứ tự như sau: Chồng, người yêu (16%), khách lạ (3%), khách quen (3%). So với kết quả nghiên cứu của Lại Kim Anh (Chồng, người yêu:10%, khách lạ:3%) thì kết quả này với đối tượng chồng, người yêu thì cao hơn (χ2= 4,17; p<0,05), khách lạ thì tương đương. Qua kết quả trên cho thấy khách hàng là Chồng, người yêu sử dụng ma túy có xu hướng tăng có tới 16% có sử dụng ma túy, trong khi tỷ lệ luôn sử dụng BCS ở đối tượng này rất thấp (3%), đối tượng này có khả năng sinh con và nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là đáng lo ngại [3].

So với một số nghiên cứu khác thì tỷ lệ khách lạ, khách quen có sử dụng ma túy ở nhóm PNMD đường phố tại Cần Thơ thấp hơn Thanh Hóa, Nghệ An. Cao hơn Bình Phước, Sóc Trăng. Tỷ lệ chồng, người yêu có sử dụng ma túy của PNMD đường phố ở Cần Thơ cao hơn các tỉnh trong nghiên cứu Dự án cộng đồng cùng hành động [66], [67].

Tình trạng NCMT của chồng và người yêu cao nhất kế đó là khách quen và thấp nhất là khách lạ, kèm theo hành vi không sử dụng BCS khi QHTD ở đối tượng này cần phải triển khai đồng bộ can thiệp về thực hành tình dục an toàn, tiêm chích an toàn và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.


4.2.3. NTLTQĐTD và một số nguy cơ khác


4.2.3.1. Biểu hiện nhiễm trùng LTQĐTD

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ PNMD trả lời có biểu hiện NTLTQĐTD trong 12 tháng qua là 82,5%. Và tỷ lệ trả lời đã từng bị cưỡng bức là 26,5%. So với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai (2005) biểu hiện NTLTQĐTD trong 12 tháng qua là 66,7%, thì kết quả này cao hơn (χ2= 23,55; p<0,001), cũng cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Lý Văn Sơn (2008) tại thành phố Huế, 46,4%; (χ2= 106,68; p<0,001) [59]. và chính đây cũng là yếu tố nguy cơ làm tăng lây nhiễm HIV. Đặc biệt tỷ lệ bị cưỡng bước hoặc không sử dụng BCS khi hành nghề còn cao chiếm khoảng 25%, điều đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV.

Qua thực tế phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm cho thấy việc không đi khám chữa bệnh lây qua đường tình dục là do hầu hết PNMD không hiểu biết biểu hiện của bệnh, và cũng không biết NTLTQĐTD là yếu tố đồng lây nhiễm HIV. Cũng như vai trò của ĐĐV rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của PNMD trong việc phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS. Qua kết quả nghiên cứu của Bùi Thị Chí (2008) tại thành phố Huế cho thấy tỷ lệ NTLTQĐTD rất cao 72,4% và hơn nữa các bệnh NTLTQĐTD là yếu tố nguy cơ tăng lây nhiễm HIV gấp 20 lần [31]. Như vậy việc nâng cao nhận thức của đối tượng này do tác động tuyên truyền của ĐĐV là rất hiệu quả, quản lý bệnh NTLTQĐTD ở các đối tượng này là một trong những giải pháp quan trọng của chương trình phòng chống HIV/AIDS.

4.2.3.2. Tỷ lệ PNMD đã từng có thai ngoài ý muốn khi hành nghề: là khá cao 47,5%. Cao hơn kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai, 31,8%; (χ2= 22,73; p<0,001), điều đó minh chứng rõ hơn tình trạng không sử dụng BCS trong QHTD thực sự đáng lo ngại.

4.3. Một số yếu tố liên quan

4.3.1. Kiến thức, nhận thức về nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS

4.3.1.1. Tự nhận thức về khả năng nhiễm HIV của bản thân

Kết quả nghiên cứu cho thấy PNMD tự nhận thức về khả năng bản thân mình có nguy cơ lây nhiễm HIV thấp, 6,5%; do họ hiểu rõ hành vi không sử dụng BCS khi QHTD và tiêm chích ma túy của mình, còn tự nhận thức về khả năng không có nguy cơ lây nhiễm rất cao, 85,5%; có 8% không biết mình có nguy cơ hay không, so với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai, 6,3% không biết mình có nguy cơ hay không, thì kết quả này không khác biệt (χ2= 0,979; p>0,05) [50]. Cho thấy trong chương trình can thiệp cần cung cấp kiến thức và kỹ năng tự nhận biết hành vi nguy cơ trong nhóm PNMD.


4.3.1.2. Kiến thức phòng lây nhiễm HIV


Dựa vào các câu hỏi đánh giá về đường lây truyền HIV và biết được các dấu hiệu của bệnh NTLTQĐTD. Kết quả cho thấy kiến thức không đạt chiếm 28,3%, thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai, 43,2%; (χ2= 17,95; p<0,001) [50], Cho thấy kiến thức của PNMD ở Cần Thơ về phòng chống HIV có xu hướng tốt hơn.

4.3.2. Tiếp cận chương trình can thiệp

4.3.2.1. Xét nghiệm HIV


Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ PNMD đã từng xét nghiệm HIV là khá cao, 95%. So với kết quả nghiên cứu của Lại Kim Anh, 48,5%; thì kết quả này cao hơn (χ2= 173,13; p<0,001) [3]. Cũng cao hơn so với kết quả IBBS 2006, 32%; (χ2=364,79; p<0,001), 2009, 44%; (χ2=211,12; p<0,001) [16], [14]. So kết quả của Đoàn Chí Hiền, 96,9%; thì kết quả này không khác biệt (χ2=2,40; p>0,05) [40]. Và hình thức xét nghiệm hầu hết là do tự nguyện, 91,5%. Đa số những trường hợp không đi xét nghiệm là do họ không biết nơi làm xét nghiệm, cho thấy việc tiếp cận với các chương trình giáo dục truyền thông là khá tốt. Tuy nhiên cần hướng dẫn địa chỉ nơi làm xét nghiệm chi tiết rõ ràng hơn.

Qua phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm cho thấy đa số PNMD chưa hiểu hết việc đi làm xét nghiệm, cũng như rất lo sợ khi làm xét nghiệm, một bộ phận PNMD chưa bao giờ đi làm xét nghiệm, hoặc chỉ đi xét nghiệm một lần thôi, một số do chủ cơ sở nơi làm việc yêu cầu, Một số PNMD sau khi được đồng đẳng viên cung cấp thông tin, giải thích, họ đã quyết định đi làm xét nghiệm, điều đó cho thấy hoạt động của các ĐĐV tác động có hiệu quả đã làm thay đổi hành vi của PNMD.

Như vậy rào cản lớn nhất làm cho việc tiếp cận với các chương trình can thiệp hầu hết ở PNMD là nhận thức rất thấp về bệnh tật và lợi ích của các chương trình dịch vụ can thiệp phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt có một số PNMD đã đến làm xét nghiệm nhưng công tác tư vấn xét nghiệm chưa được giải thích một cách rõ ràng làm cho họ có những quyết định thay đổi hành vi sai. Trong khi nhận thức về phòng chống HIV của chị em PNMD rất thấp, chính lúc này vai trò chủ các cơ sở vui chơi giải trí rất quan trọng, trong việc thay đổi hành vi của PNMD để tiếp cận với các chương trình can thiệp, nếu các chủ cơ sở hiểu được lợi ích của các can thiệp, cũng như tuân thủ các quy định của nhà nước thì sẽ góp phần rất lớn trong việc thay đổi hành vi của PNMD vì thực tế cho thấy một số phụ nữ tiếp cận với dịch vụ can thiệp là do chủ cơ sở yêu cầu. Đồng thời vai trò của ĐĐV cũng hết sức quan trọng, PNMD có cảm nhận rất tốt về họ, và chính họ đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của PNMD một cách tích cực, rõ ràng và nhanh chóng, họ là một lực lượng hết sức quan trọng trong chương trình can thiệp phòng chống HIV/AIDS.

4.3.2.2. Xử trí khi mắc bệnh NTLTQĐTD


Kết quả cho thấy tỷ lệ PNMD lựa chọn cách xử trí khi mắc bệnh NTQĐTD là đến nhà thuốc mua thuốc là cao nhất chiếm 75,2%, cho thấy tự mua thuốc, lạm dụng thuốc hoặc sử dụng thuốc không an toàn đang vấn đề thực tế hiện nay mà chúng ta cần quan tâm. Kế tiếp là đến khám bệnh ở cơ sở y tế nhà nước, 62,4. Việc tự mình điều trị bằng những kinh nghiệm nhân gian khá cao chiếm 41,4%, cho thấy các bệnh NTQĐTD có nguy cơ sẽ chuyển qua dạng mãn tính là không tránh khỏi. Có tới 37,3% người bị bệnh không xử lý gì, có thể do họ mắc bệnh nhưng không có triệu chứng lâm sàng và trở thành người mang mầm bệnh lây lan cho cộng đồng. Sử dụng BCS khi quan hệ tình dục chiếm 27,8%, ngưng quan hệ tình dục, 20,3% và tỷ lệ thấp nhất là đến khám bệnh ở y tế tư nhân chiếm 5,3%. So với kết quả của Trần Thị Tuyết Mai đều cao hơn lần lượt: Tự mua thuốc, 29,75%; (χ2= 131,80; p<0,001), khám ở cơ sở nhà nước, 53,1%; (χ2= 4,62; p<0,05), tự điều trị, 22,7%; (χ2= 26,37; p<0,001) và không xử lý, 1,6%; (χ2= 1085,55; p<0,001).

Qua phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm cho thấy, việc không đi khám, chữa bệnh lây qua đường tình dục, hầu hết PNMD do không hiểu biết các dấu hiệu bệnh tật, một phần họ cũng không quan tâm sức khỏe của họ, hoặc do cách nhìn nhận bệnh tật và không biết cách phòng bệnh, một số người do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có thời gian khám bệnh . Tuy nhiên, có một số PNMD được ĐĐV cung cấp thông tin nên đã có quan tâm về sức khỏe mình và biết được các dịch vụ khám, chữa bệnh và họ đã đi khám sức khỏe định kỳ.


4.3.2.3. Nhận các hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS


Kết quả nghiên cứu cho thấy PNMD đã từng nhận các hỗ trợ từ các chương trình phòng chống HIV rất cao trên 90%, như nhận BCS cao nhất chiếm 97% và thấp dần theo thứ tự: nhận lời khuyên từ bạn bè, 95%; nhận tờ rơi, 94%; nhận lời khuyên từ ĐĐV, 94%; nhân lời khuyên từ cán bộ y tế, 28; nhân lời giới thiệu sinh hoạt câu lạc bộ, 26% và thấp nhất là nhận lời khuyên từ các cán bộ đoàn thể, 6,5%. So với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai tỷ lệ đã từng nhận hỗ trợ từ chương trình như nhận BCS là 93,8%; (χ2= 3,52; p>0,05), nhận lời khuyên từ ĐĐV là 83,9%; (χ2= 15,10; p<0,001), nhận tờ rơi 35,5%; (χ2= 298,91; p<0,001), nhận lời khuyên từ cán bộ y tế là 20,3%; (χ2= 7,32; p<0,01), thì kết quả nghiên cứu này cao hơn ngoại trừ nhận lời khuyên từ cán bộ y tế thì thấp hơn và tỷ lệ nhận được BCS không khác biệt, cho thấy các chương trình hỗ trợ phòng chống HIV ở Cần Thơ có kết quả cao hơn [50]. Kết quả trên cũng cho thấy sự hổ trợ từ người thân, ĐĐV là rất quan trọng, cũng giống với kết quả của nghiên cứu khác [64], [65].

Nhận xét của PNMD về cung cấp BCS. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6,5% PNMD cho rằng số lượng BCS phát cho họ là chưa đủ sử dụng theo nhu cầu của họ, cho thấy tính sẵn có của chương trình BCS đang là vấn đề cần chú ý [72], [73], [74].


4.3.2.4. Tiếp cận các kênh truyền thông.


Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết PNMD không bao giờ nghe đài chiếm 91%, không xem tivi chiếm 46,5%, nghe đài hàng ngày chỉ chiếm 2%, xem tivi hàng ngày chiếm 22,5%, cho thấy tỷ lệ PNMD tiếp cận với kênh truyền thông đại chúng rất thấp. Hai kênh tiếp cận thông tin mà PNMD thích đó là qua ĐĐV chiếm 96% và xem tivi chiếm 22,5. So với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai tỷ lệ PNMD không nghe đài, 56,8%; (χ2= 186,23; p<0,001), không xem tivi, 10% (χ2= 4420,50; p<0,001), thì kết quả nghiên cứu này cao hơn [50]. Điều này có thể do đối tượng này họ không có thời gian, hoặc áp lực về kinh tế làm cho họ khó tiếp cận với các nguồn thông qua truyền thông đại chúng, mặc dầu xu hướng có tăng nhưng còn thấp cho nên cần có những hình thức truyền thông phù hợp với đối tượng này hơn.

Qua phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm cho thấy, hầu hết PNMD tiếp cận các kênh thông tin chủ yêu từ nhân viên trạm y tế, và từ các ĐĐV tuyên truyền tại các câu lạc bộ, một số chị em PNMD được thông tin trực tiếp từ các ĐĐV, một số chị em PNMD khác tiếp cận thông tin qua kênh truyền thông đại chúng

Như vậy việc tiếp cận thông tin về phòng chống HIV/AIDS chủ yếu qua Câu lạc bộ tại trung tâm phòng chống HIV/AIDS và qua tuyên truyền của ĐĐV. Và một số qua kênh truyền thống. Điều đó cho thấy về hình thức tuyên truyền đã có những chuyển biến rõ rệt từ việc tuyền truyền qua kênh thông tin truyền thống đó là kênh thông tin truyền thông đại chúng như xem tivi, báo, đài, sang tuyên truyền nhóm nhỏ trong các Câu lạc bộ và tuyên tuyền trực tiếp do ĐĐV thực hiện, điều này làm cho thông tín đến với đối tượng đích nhiều hơn. Qua một số kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ PNMD tiếp cận thông tin qua ĐĐV là 79,9% trong khi qua xem tivi là 19%, họ ít thời gian xem báo chí, hay tài liệu, lịch hoạt động của họ, thường sáng 10 giờ ngũ dậy, Ăn uống tắm giặt xong họ đánh bài, một số phê ma túy cho đến chiều, 4-5 giờ chiều lo trang điểm, son phấn rồi đi đến tụ điểm tiếp khách. Thường họ trở lại phòng trọ sau 2 giờ sáng. Như vậy họ không có thời gian xem tivi, xem báo hay đọc các tài liệu tuyên truyền. Một tỷ lệ cao được tuyên truyền do ĐĐV bởi vì ĐĐV đã chủ động tiếp cận họ khi họ đang chờ khách ở tụ điểm hay ở nhà trọ [16].

Rõ ràng can thiệp bằng thông tin, giáo dục, truyền thông cần phải có những chuyển biến phù hợp hơn, để thông tin đến nhiều với đối tượng đích, tăng cường hơn nữa hình thức tuyền truyền trực tiếp, nội dung và hình thức cần đơn giản và trực quan hơn [75], [76].


4.3.3. Phân tích đơn biến

4.3.3.1. Mối liên quan giữa tụ điểm và thực hành sử dụng BCS


Kết quả nghiên cứu cho thấy thực hành sử dụng BCS đúng của PNMD đường phố cao hơn 1,22 lần so với PNMD nhà hàng. So với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai, PNMD đường phố có khả năng thực hành sử dụng BCS đúng cao hơn 2 lần so với PNMD nhà hàng, thì kết quả của nghiên cứu này thấp hơn.

4.3.3.2. Mối liên quan giữa tụ điểm và số lượng bạn tình

Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa tụ điểm với số lượng bạn tình trong tuần. PNMD đường phố có số lượng khách lớn hơn hoặc bằng 10 người trong tuần cao gấp 3,97 lần so với PNMD nhà hàng (OR=3,97; p<0,001). Điều này có thể do giá tiền mỗi lần đi khách của MDĐP được trả rẻ họ phải cố tìm nhiều khách để tăng thu nhập, mặt khác khách hàng của MDĐP bình dân hơn, đa dạng hơn, thời gian tiếp khách cũng thường nhanh hơn. Ngược lại MDNH thường có khách cao cấp hơn sau một thời gian dịch vụ ban đầu như ăn ướng, mát xa, Karaoke… rồi mới cùng khách QHTD nên mất nhiều thời gian hơn nên số lượng khách ít hơn.



4.3.3.3. Mối liên quan giữa nhóm tuổi và kiến thức phòng chống HIV.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa nhóm tuổi và kiến thức, nhóm tuổi nhỏ hơn hoặc bằng 24 có nguy cơ kiến thức không đạt cao hơn 2,19 lần so với nhóm tuổi trên 24 (OR=2,19; p<0,05). Rõ ràng PNMD lớn tuổi thường tiếp cận với các chương trình can thiệp phòng chống HIV nhiều hơn nhóm nhỏ tuổi cho nên kiến thức phòng chống HIV củng cao hơn, ngoài ra PNMD trên 24 tuổi thường họ có nhiều kinh nghiệm sống, đã va chạm thức tế nhiều hơn những người nhỏ tuổi do đó nhận thức của họ tốt hơn PNMD nhỏ tuổi mới hành nghề. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai tại Nha Trang. Qua kết quả hoạt động can thiệp cho thấy đối với nhóm tuổi lớn hơn 24, các hoạt động can thiệp có tác động tốt hơn nhóm tuổi dưới 24.



4.3.3.4. Một số yếu tố liên quan tới sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất

Kết quả nghiên cứu cho thấy những yếu tố sau có ảnh hưởng tới hành vi sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất: Tụ điểm hành nghề, tình trạng sử dụng ma túy. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai tại Nha Trang [50]. Kết quả của Karine M. nghiên cứu tại Armenia việc sử dụng BCS có liên quan đến có kiến thức và thái độ tốt, có khả năng thuyết phục khách hàng [101], cụ thể như sau:

- PNMD nhà hàng không sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất, cao hơn PNMD đường phố 3,9 lần (OR=3,9; p<0,05). Để lý giải điều này là do PNMD đường phố có tuổi nghề cao hơn, kinh nghiệm thực tế nhiều hơn, có nhiều cơ hội tiếp xúc với ĐĐV hơn như lý giải ở trên, cho nên hành vi sử dụng BCS tốt hơn.

- PNMD có sử dụng ma túy không sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất, cao hơn PNMD không sử dụng ma túy gấp 4,88 lần (OR=4,88; p<0,01). Kết quả này cho thấy tiềm ẩn một nguy cơ kép lây nhiễm HIV và đối tượng có sử dụng ma túy muốn thay đổi hành vi nguy cơ của họ là rất khó khăn.



        1. Một số yếu tố liên quan tới luôn luôn sử dụng BCS với khách lạ

Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có một yếu tố ảnh hưởng tới hành vi sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất với khách lạ: Tình trạng có con hoặc không. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai tại Nha Trang. Cụ thể như sau:

  • PNMD chưa có con, luôn sử dụng BCS với khách lạ, cao hơn so với PNMD đã có con gấp 1,88 lần (OR=1,88; p<0,05). Điều này có thể là do những người đã có con họ dùng BCS để tránh thai vì không muốn có con nữa.

        1. Một số yếu tố liên quan tới luôn luôn sử dụng BCS với khách quen

Kết quả nghiên cứu cho thấy có một yếu tố ảnh hưởng tới hành vi sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất với khách quen: Tụ điểm hành nghề. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Mai tại Nha Trang [50]. Cụ thể như sau:

- PNMD nhà hàng, luôn sử dụng BCS với khách quen, cao hơn so với PNMD đường phố gấp 2,26 lần (OR=2,26; p<0,01).


4.3.4. Phân tích đa biến


        1. Yếu tố liên quan hành vi không sử dụng BCS trong QHTD gần nhất

Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có một yếu tố ảnh hưởng tới hành vi sử dụng BCS trong lần QHTD gần đây nhất với khách của PNMD có ý nghỉa thống kê (p<0,001). Yếu tố đó là PNMD đã từng nhận tờ rơi qua các chương trình phòng chống HIV/AIDS. Như vậy PNMD chưa từng nhận tờ rơi có nguy cơ không sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất tăng 21,7 lần so với PNMD có nhận tờ rơi của chương trình phòng chống HIV, Yếu tố trên chi phối biến thiên từ 12% đến 26,4% (Cox & Snell R Square = 0,12 và Nagelkerke R Square = 0,264)[95] của biến số không sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất với khách. Với kết quả trên cho thấy việc PNMD nhận được tờ rơi đóng vai trò quan trọng trong viêc thay đổi hành vi không sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất.

        1. Các yếu tố liên quan hành vi không sử dụng BCS trong QHTD với khách lạ

Kết quả cho thấy có bốn yếu tố ảnh hưởng tới sử dụng BCS thường xuyên trong QHTD với khách lạ của PNMD có ý nghỉa thống kê, yếu tố đó là: Tụ điểm hành nghề của PNMD, thực hành sử dụng BCS đúng, tình trạng thu nhập, tự nhận xét có nguy cơ hay không. Như vậy:

- MDNH có nguy cơ không sử dụng BCS thường xuyên với khách lạ trong lần QHTD gần nhất tăng lên 9 lần so với MDĐP. Điều đó có thể lý giải PNMD đường phố ít di biến động hơn, họ thường hành nghề ở những tụ điểm nhất định, tuổi nghề cao hơn nên họ có nhiều cơ hội tiếp cẩn với ĐĐV để được tư vấn và cung cấp BCS miễn phí, giúp đỡ họ nhiều hơn nên hành vi sử dụng BCS thường xuyên trong QHTD cũng nhiều hơn. Còn PNMD nhà hàng có tính di biến động cao, đặc biệt di chuyển nhiều từ tỉnh này sang tỉnh khác, do vậy họ khó tiếp cận với các chương trình can thiệp thay đổi hành vi hoặc chương trình giảm tác hại và như vậy họ sẽ có nguy cơ không sử dụng BCS thường xuyên khi QHTD cao hơn.

- PNMD có thực hành sử dụng BCS sai có nguy cơ không sử dụng BCS thường xuyên với khách lạ trong lần QHTD gần nhất tăng lên 4,8 lần so với PNMD có thực hành sử dụng BCS đúng. Đây thực tế là một nguy cơ kép lây nhiễn HIV cần phải lưu tâm.

- PNMD có thu nhập trên hoặc bằng 15 triệu mỗi tháng thì nguy cơ không sử dụng BCS thường xuyên với khách lạ trong lần QHTD gần nhất gấp 5 lần so với PNMD có thu nhập dưới 15 triệu mỗi tháng. Có thể lý giải điều này do họ bị áp lực cần tiền để trả nợ, gửi tiền cho gia đình, trang trải cuộc sống cao, họ sẽ bất chấp các hành vi nguy cơ vì vậy nguy cơ không sử dụng BCS thường xuyên trong QHTD tăng là một thực tế khó tránh khỏi.

- PNMD tự nhận xét mình không có nguy cơ lây nhiễm HIV họ có nguy cơ không sử dụng BCS trong lần QHTD gần nhất tăng lên 5,5 lần so với PNMD tự nhận xét mình có nguy cơ lây nhiễm HIV. Có thể do trình độ học vấn thấp họ không nhận ra được những hành vi nguy cơ của mình, hoặc do chương trình can thiệp truyền thông thay đổi hành còn hạn chế chưa phát huy hiệu quả môt cách thực sự, hai khả năng trên cho thấy nguy cơ lây nhiễm HIV đang tồn tại và nếu không có những can thiệp hiệu quả thì nguy cơ này có thể tăng.

Bốn biến số trên chi phối biến thiên từ 18% đến 26% của biến không sử dụng BCS thường xuyên khi QHTD trong tháng với khách lạ (Cox & Snell R Square = 0,18 và Nagelkerke R Square = 0,26) [95]. Trong đó thực hành sử dụng BCS sai và tự nhận xét mình không có nguy cơ lây nhiễm HIV có ảnh hưởng rất quan trọng đến hành vi không sử dụng BCS thường xuyên khi QHTD trong tháng với khách lạ.



        1. Không sử dụng BCS thường xuyên với khách quen của PNMD

Kết quả cho thấy có bốn yếu tố ảnh hưởng tới sử dụng BCS thường xuyên trong QHTD với khách quen của PNMD có ý nghỉa thống kê, yếu tố đó là: Tụ điểm hành nghề của PNMD, hành vi sử dụng ma túy, thực hành sử dụng BCS đúng, hành vi tiếp cận kênh tuyền thông đại chúng: Tivi. Như vậy:

- PNMD nhà hàng có nguy cơ không sử dụng BCS thường xuyên khi QHTD trong tháng với khách quen tăng 13,5 lần so với PNMD đường phố. Lý giải điều này chủ yếu là do yếu tố tình cảm chi phối quyết định sử dụng BCS trong QHTD với khách quen, do quen thân họ tin tưởng nhau cho nên hành vi sử dụng BCS khi QHTD họ ít quan tâm, hoặc cho là không cần thiết và điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV.

- PNMD có sử dụng ma túy có nguy cơ không sử dụng BCS thường xuyên khi QHTD trong tháng với khách quen tăng gần 4 lần so với PNMD không sử dụng ma túy. Và đây cũng tầm ẩn nguy cơ lây nhiễm kép HIV.

- PNMD thực hành sử dụng BCS sai, có nguy cơ không sử dụng BCS thường xuyên khi QHTD trong tháng với khách quen tăng 4 lần so với PNMD thực hành sử dụng đúng BCS. Điều này cũng vậy tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm kép HIV.

- PNMD có hành vi không xem hoặc xem tivi ít hơn một lần trong tuần, có nguy cơ không sử dụng BCS thường xuyên khi QHTD trong tháng với khách quen tăng 2,4 lần so với PNMD có hành vi xem tivi nhiều hơn một lần trong tuần. Do những người xem tivi nhiều họ có thời gian rảnh rỗi hơn, áp lực kinh tế ít hơn, ngoài ra họ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin hơn có tác động làm thay đổi hành vi nguy cơ của họ, là làm giảm nguy cơ không sử dụng BCS thường xuyên khi QHTD.

Bốn yếu tố trên chi phối biến thiên từ 17,8% đến 25,2% của biến không sử dụng BCS thường xuyên khi QHTD trong tháng với khách quen (Cox & Snell R Square = 0,178 và Nagelkerke R Square = 0,252) [95]. Trong đó yếu tụ điểm nơi hành nghề của PNMD đóng vai trò chính, cần lưu tâm hơn PNMD nhà hàng trong quá trình can thiệp truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nguy cơ.



Каталог: sites -> dtsdh.hsph.edu.vn -> files
sites -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung
sites -> KÕt qu¶ ®Ò tµi "nghiªn cøu trång rõng Tr¸m tr¾ng
sites -> Mẫu tkn1 CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
sites -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc ĐĂng ký thất nghiệP
sites -> BỘ TÀi chính —— Số: 25/2015/tt-btc cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
sites -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc TỜ khai của ngưỜi hưỞng trợ CẤP
sites -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO –––– Số: 40
files -> Khung chấM ĐIỂm trình bày luận văN (Định hướng ứng dụng)
files -> MỘt số HƯỚng dẫn viết tổng quan tài liệU

tải về 1.27 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương