Chương XXI: VĂn hoá VẬt chất và VĂn hoá tinh thần di sản tự nhiên và văn hoá


Lễ hội đập trống của đồng bào Macoong



tải về 0.74 Mb.
trang2/8
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.74 Mb.
#12309
1   2   3   4   5   6   7   8

2.2.9 Lễ hội đập trống của đồng bào Macoong


Lễ hội đập trống là một lễ hội truyền thống của người dân tộc Măng - Coong ở xã Thượng Trạch (Bố Trạch).

Theo già làng Đinh Lâm Bình, Lễ hội đập trống của người Măng - Coong có từ rất lâu, từ khi có người Măng - Coong trên đất này. Đầu tiên cái trống không phải của con người mà của con khỉ. Mặc dầu làm lụng vất vả nhưng khi lúa chín thì khỉ lại lấy trống ra đánh và theo tiếng trống lúa cứ về cả nhà của khỉ. người Măng coong tìm cách lấy cho được cái trống của khỉ và tổ chức lễ hội đánh trống vào mùa xuân khi cầu cho bội thu và mưa thuận gió hoà để mùa sau lại được mùa. Khi tổ chức lễ hội cũng là lúc trai gái gặp nhau...và đó là dịp trai gái tỏ tình nên Lễ hội đập trống của người Măng Coong có dấu hiệu của một loại hình nghi lễ phồn thực vốn tồn tại trong nhiều cộng đồng dân cư. Người Măng - Coong quan niệm rằng nếu năm nào đập được trống vỡ nhanh thì năm đó nhất định sẽ được mùa to nhưng không được lấy cây nhọn đâm cho thủng trống mà phải lấy những thân mây làm dùi trống để đập. Mục đích chính của lễ hội là cầu cho mùa màng bội thu.

Trước khi diễn ra lễ hội đập trống, người Măng - Coong có lể “thả lưới”. Người Măng - Coong có một khúc sông cấm ở bản Bụt. Mỗi năm một lần chỉ có già làng mới được thả lưới đánh bắt ở khúc sông cấm đó. Cá đánh được sẽ làm đồ cúng lễ và cả làng cùng ăn. Người Măng - Coong còn có lễ hội đâm trâu được tổ chức 7 năm một lần, sau lễ hội đập trống khoảng 15 ngày. Tổ chức các lễ hội trên người Măng - Coong đều cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu cho mùa màng tươi tốt, có nhiều lúa, nhiều ngô...

2.2.10. Lễ hội đâm trâu ở Thượng trạch

Cho đến nay, của bà con các dân tộc ở vùng cao xã Thượng Trạch, Bố Trạch vẫn dựa vào mùa lúa rẫy. Để cầu cho mưa thuận gió hoà, các già làng bàn nhau tổ chức lễ hội đâm trâu cúng tạ ơn trời, thần đất cầu yên cho bản làng. Bước vào lễ, một thanh niên khoẻ mạnh, nhanh nhẹn được già làng chọn ra dùng giáo và chỉ 3 nhát anh đã đâm trúng tim con trâu gục xuống. Nhóm thanh niên nhanh chóng đốt lửa thui rồi cắt đầu, lấy đuôi, 1 đùi thịt và cái dạ dày con trâu đưa lên bàn thờ làm bằng giàn nứa và mời hai già làng đại diện cho các bản khấn cầu trời đất phù hộ dân bản khoẻ mạnh, mùa rẫy tốt tươi. Phần thịt cúng này dành để mời quan khách, phần lớn thịt con trâu chia cho dân các bản về dự. Bà con dự lễ đều đem theo cơm và gia vị tự tổ chức nấu ăn tại chỗ theo bản và phải ăn hết không được mang thịt đi nơi khác. Một bữa tiệc dưới các lùm cây bên con suối Cà Roòng rất vui vẻ, chan hoà càng thêm gắn bó tình đoàn kết keo sơn các dân tộc anh em.

3. CÁC TRÒ CHƠI DÂN GIAN.

Trò chơi là một loại hình văn hoá dân gian rất phổ biến ở các làng quê Quảng Bình. Trò chơi thường được tổ chức vào các dịp lễ tết, hội hè, những lúc nông nhàn, ngư rảnh. Trò chơi không chỉ dùng để giải trí, thư giãn tinh thần sau một ngày lao động, mà còn giúp con người thắt chặt thêm tình cảm cộng đồng, hoà nhập với thiên nhiên, thậm chí nó là một phần của lễ hội, do vậy rất được nhiều người yêu thích.Trò chơi dân gian Quảng Bình chia thành hai bộ phận: các trò chơi có yếu tố thể thao , các trò chơi có yếu tố văn nghệ và các trò chơi trẻ em. Nhìn chung, các trò chơi có yếu tố thể thao ở Quảng Bình ảnh hưởng nhiều các trò chơi loại này ở các làng quê miền bắc; và ngược lại, các trò chơi có yếu tố văn nghệ lại mang rõ dấu ấn các làng xã phía nam. Còn các trò chơi trẻ em lại rất phong phú. Nó không chỉ được tổ chức trong các dịp lễ tết mà còn xảy ra ngay trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, trong gia đình, ngoài làng xóm, trên đồng nội, kèm theo bài hát hoặc không có bài hát, rất đa dạng.

Trò chơi dân gian Quảng Bình phong phú về chủng loại, đa dạng về hình thức. Điều này cho thấy tính chất giao thoa văn hoá ở Quảng Bình là có thực và rất độc đáo, cần được quan tâm nghiên cứu. Dưới đây xin giới thiệu một số trò chơi tiêu biểu ở Quảng Bình.

3.1 MỘT SỐ TRÒ CHƠI DÂN GIAN CÓ YẾU TỐ THỂ THAO.



3.1.1. Đánh đu

Đánh đu có mặt hầu như ở khắp các miền quê Quảng Bình, từ miền biển, đồng bằng đến miền núi. Tuy mỗi nơi tổ chức chơi có khác nhau chút ít nhưng không đáng kể. Thường người ta tổ chức đánh đu vào dịp tết Nguyên Đán, ở sân đình làng, hoặc tại một bãi đất rộng trong làng, bởi đây là một hoạt động dân gian rất hấp dẫn, có sức thu hút cộng đồng rất lớn. Hàng năm, cứ đến ngày 25-27 tháng chạp là dân làng bắt đầu khởi dựng đu. Đu được dựng bởi 8 cây tre cao 6-8m, vừa tầm không già, không non để đảm bảo độ cứng và độ dẻo cần thiết (có nơi chỉ làm bằng 7,6 hoặc 4 cây). Phần trên của những cọc tre được liên kết nhau bằng một cây tre dùng để gắn dây đu. Dây đu được làm bằng dây tre xoắn, hoặc hai thân tre, có độ dài khoảng 2,5m. Bàn đạp đu được làm bằng gỗ, đủ chỗ cho hai người đứng đánh đu và được gắn vào đầu còn lại của dây đu.

Sáng mồng một tết, trước khi chơi, dân làng tập trung nghe ông trưởng làng nói lời chúc tết, làm lễ khai đu, rồi mới được chơi. Lễ khai đu thường do một đôi nam thanh nữ tú là con cái của những người chức sắc, hoặc do một người song toàn về đạo đức, sức khoẻ lên đánh thử rồi sau đó mọi người mới được tham gia. Đánh đu có thể một người, hoặc hai người, nhưng vui nhất và đẹp nhất vẫn là một cặp nam nữ cùng đánh đu với nhau. Nhìn đôi trai gái dan díu với chiếc áo the thâm của chàng trai, đôi giải yếm lụa của cô gái quấn quýt lấy nhau thật tình tứ và mạnh mẽ. Đôi này xuống, đôi khác lên, cứ thế say sưa từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới tàn cuộc vui. Cũng có nơi người ta treo giải thưởng hoặc bằng tiền, hoặc bằng các hiện vật khác ở độ cao nhất định, mà phải là những đôi có trình độ điệu nghệ, có lòng dũng cảm, đánh đến độ cao ấy mới tự mình dùng tay nhận được phần thưởng . Giá trị phần thưởng không lớn, nhưng giành được sự ngưỡng mộ của cộng đồng là điều quan trọng nhất đối với người chơi. Thường thì đến ngày mồng 7 tết người ta tổ chức làm lễ hạ đu. Đánh đu xuất phát từ ước vọng phồn thực của con người, là trò chơi hữu ích tạo cơ hội thư giãn, nghỉ ngơi, giao lưu, thắt chặt quan hệ cộng đồng sau những ngày lao động mệt mỏi và rèn luyện khí chất mạnh mẽ. Sau Cách mạng Tháng Tám, ở Quảng Bình, một số nơi trò đánh đu được chuyển sang tổ chức vào ngày tết độc lập 2-9. Tuy nhiên, ngày nay, trò chơi này ngày một ít được tổ chức trong các sinh hoạt cộng đồng.

3.1.2. Cướp cù

Cướp cù là trò chơi phổ biến ở hầu khắp các làng quê Quảng Bình, đặc biệt ở các vùng nam bắc sông Gianh. Đây là một trò chơi được các tầng lớp nhân dân ưa thích, vì bên cạnh tính thượng võ, sự náo hoạt, trò chơi còn thể hiện những ước nguyện tâm linh như tưởng nhớ các bậc khai canh, khai khẩn, cầu mùa... . Dụng cụ chơi gồm quả cù hình cầu (bằng gốc chuối, gốc tre quấn vải, đan bằng tre, hoặc sau này là quả bóng cao su) và hai rọ tre treo cao ở hai đầu sân. Trò chơi thường được tổ chức trên một bãi đất rộng bằng phẳng, những người tham gia trò chơi (không hạn chế số lượng) chia thành hai đội (làng Tân Lý 3 đội chơi cùng lúc), tranh cướp quả cầu giành phần thắng. Những người còn lại trong làng tham gia nấu ăn, tiếp nước, cổ vũ đội nhà. Phần thưởng cho các đội chơi thường mang tính chất tượng trưng : một ít tiền cất giấu trong ruột quả cầu, hoặc một con lợn khoảng 50 cân. Phần thưởng lớn nhất là sự đãi đằng, cổ vũ của dân làng, sự hoà hợp cộng đồng, sự giải toả tinh thần sau một chu kỳ lao động mệt nhọc do cuộc chơi đem lại. Có thể chia trò chơi cướp cù ở Quảng Bình ra thành các hình thức chính sau đây: có rọ, không có rọ.



Cướp cù có rọ: hai đầu sân treo hai chiếc rọ tre không đáy trên những cây tre cao 8-10m. Các đội tranh giành quả cầu từ giữa sân, cố gắng bỏ được quả cầu vào rọ của đối phương sẽ giành được phần thắng ( Ở làng Đồng Phú đội thắng cuộc là đội bỏ được cù vào rọ phe mình) . Đây là một việc làm không dễ, vì một mặt hai đội giành giật nhau quả cầu quyết liệt, mặt khác, cử người lắc mạnh cọc tre treo rọ nhằm gây khó khăn cho đối phương. Vì vậy có những trận đấu người chơi nghỉ ngơi ăn uống kéo dài, thậm chí cả ngày mới kết thúc.

Cướp cù không có rọ: Thay vì không treo rọ, mỗi đầu sân chơi hoặc đào một hố nhỏ, hoặc kẻ một vạch giới hạn. Đội nào cướp được cù về bỏ vào hố, hoặc đến được vạch giới hạn là thắng cuộc.

Cũng trò chơi này, ở làng Tân Lý, xã Minh Hoá (huyện Minh Hoá) gọi là trò ném xoan, được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 4 tết tại đồng Cây Tắc. Xoan là một chiếc phễu đan bằng tre có chu vi bằng chiếc nón lá, gắn trên trên đầu hai cọc tre có độ cao khác nhau (8m và10m). Quả cầu được làm bằng gốc cây chuối sứ, hình cầu, vừa tầm tay nắm. Cách chơi: dân làng Tân Lý được chia làm 3 đội cùng chơi, dựa vào ba độ tuổi ( dưới 18 tuổi, 18-45 tuổi, trên 45 tuổi), mỗi đội không hạn chế số lượng. Sau lễ dâng hương bái tổ do vị già làng ( thường là trưởng tộc họ Trương) làm chủ lễ, ông gieo quả cầu vào giữa ba đội chơi. Cả ba đội tranh giành quả cầu và đội nào ném được cầu vào xoan thì sẽ thắng và cuộc chơi dừng laị ngay và được nhận phần thưởng của làng, tuy nhiên để làm được việc này không dễ. Cuộc chơi thu hút rất đông dân của hai tổng Kim Linh và Cơ Sa đến xem và cổ vũ, tuy nhiên chỉ người dân làng Tân Lý được chơi. Bởi vì, ngoài tính thể thao thượng võ, là cơ hội cho mọi người giao lưu, gặp gỡ, cuộc chơi còn là nghi thức tưởng nhớ vị cháu ngoại Thái tổ Lê Lợi tướng Trương Văn Trà khi vào trấn thủ vùng này đã có công mang theo trò chơi này từ Thanh- Nghệ ( Đền thờ ông được dựng ngay ở đồng Cây Tắc, nơi tổ chức cuộc chơi). Theo truyền tụng, năm nào dân làng Tân Lý không tổ chức cuộc chơi thì sẽ bị thiên tai hoặc mất mùa; còn nếu trong cuộc chơi cầu rơi vào xoan cao thì được mùa rẫy, xoan thấp: được mùa ngô.



3.1.3. Đánh cù

Đánh cù là một kiểu chơi bóng bằng gậy, có ở xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch), được tổ chức vào dịp lễ tết và thường giành cho nam thanh niên, vì nó đòi hỏi có sức mạnh và sự bền bỉ. Trò này ở miền bắc gọi là đánh phết. Sân chơi là một khoảnh đất rộng khoảng bằng sân bóng đá, hai đầu sân đặt hai khung gỗ làm gôn. Người chơi được chia thành hai đội, số lượng mỗi đội vào sân thi đấu bằng nhau. Dụng cụ chơi gồm một quả cù hình cầu được đẽo từ gốc tre, to bằng quả bưởi và mỗi người chơi có một cây gậy bằng gỗ đẽo hình chữ L. Khi chơi, đội này dùng gậy đưa, chuyền quả cù về phần sân đội kia và đội nào đưa được cù vào gôn đối phương nhiều hơn thì giành phần thắng. Để chơi giỏi trò này, đòi hỏi người chơi có sức khoẻ dẻo giai, có kỹ thuật chuyền cù, đánh cù chính xác. Đây là trò chơi rèn luyện thể lực, ý chí đoàn kết, rất hấp dẫn, thu hút được nhiêư người đến xem.



3.1.4. Kéo co

Trò chơi này rất phổ biến ở Quảng Bình, thường được tổ chức vào dịp đầu xuân. Sân chơi là sân đình, hoặc một bãi đất rộng trong làng. Giữa sân kẻ một đường ranh giới. Dây kéo là một cuộn dây song, hoặc được bện bằng vỏ cây ngô đồng, được thờ cất trong đình làng. Người chơi chủ yếu là nam thanh niên khoẻ mạnh( hoặc nữ thanh niên) của hai làng, có thể thành lập nhiều đội thi đấu cùng nhau. Mỗi đội có từ 15-20 người. Nếu có nhiều đội, thì ban tổ chức cho bốc thăm đấu loại trực tiếp. Khi chơi, chính giữa sợi dây thừng buộc một khăn vải màu đỏ. Những người chơi nắm chặt sợi dây thừng, khi có hiệu lệnh của trọng tài thì kéo mạnh sợi dây về phía mình. Nếu chiếc khăn đánh dấu sang sân đội nào thì đội đó thắng. Các đội phải thi đấu với nhau ba lần để phân định thắng thua. Cuộc chơi thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai, đoàn kết và diễn ra trong tiếng trống chiêng, tiếng reo hò của người xem, rất vui vẻ.



3.1.5. Đánh vật

Đánh vật là môn thể thao đầy tính thượng võ biểu dương sức mạnh, rèn luyện thân thể được nhiều người ưa thích. Nhiều nơi trong tỉnh có những xới vật nổi tiếng: Phan Long, Quảng Thọ, Quảng Long, Quảng Xuân, Quảng Thanh, Quảng Trường, Phan Xá, Quảng Cư, Lộc An... Trò chơi thường được tổ chức vào dịp tết Nguyên Đán (từ 4-7 tết). Xới vật là một khoảng đất rộng, sân đình. Những ngày thi đấu, nhân dân kéo nhau đến xới vật, ai muốn thi đấu thì bước vào xới đi vài đường quyền để mời đối thủ. Trận đấu có một trọng tài đứng trong vòng đấu điều khiển. Người thua cuộc là người bị vật ngửa, lưng chạm đất. Phần thưởng gồm vài quan tiền, hoặc một giải lụa và những hồi trống, sự tán thưởng của người xem. Riêng ở làng Phan Xá (xã Xuân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) đánh vật không thành ngày hội, không thi đấu quy mô, có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm. Đấu vật ở đây rất độc đáo là thường tổ chức vào dịp vào đầu mùa cày, mùa cấy, mùa gặt, hoặc có đám tang, khi đưa linh cữu về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong đám tang, khi đưa linh cữu từ nhà lên núi Lòi Chiêng, giữa đường thường nghỉ để làm lễ đạo trung ở cồn vật giữa đồng, cách làng 700-800m. Trong lễ này, có cuộc đấu vật của đội âm công và người thắng cuộc được hiếu chủ mơi tặng một cốc rượu, một miếng trầu.



3.1.6. Đánh cờ người

Đánh cờ người có phổ biến ở các địa phương Quảng Bình. Đây thực chất là môn chơi cờ tướng được chơitrên sân rộng với các quân cờ do người thể hiện. Trò chơi tổ chức vào dịp tết Nguyên Đán hàng năm, tại sân đình làng hoặc trên một bãi đất rộng trong làng. Bàn cờ có chu vi khoảng 120m­2, kẻ bằng vôi, trên mỗi nước cờ đặt một chiếc ghế nhỏ ( cả bàn cờ 90 ghế). Quân cờ là những nam thanh, nữ tú có độ tuổi từ 12-16, trang phục truyền thống (ở Hoá Tiến, Tuyên Hoá, tướng nam gọi là tướng ông, trang phục màu đen hoặc xanh; tướng nữ gọi là tướng bà, trang phục màu đỏ). Quân cờ thường có hai kíp để thay phiên nhau, mỗi kíp 32 quân gồm 16 nam và16 nữ, khi chơi, bên nam một phe và bên nữ một phe, mặc áo khác màu nhau, trên đó viết các quân cờ tướng, sỹ tượng... tương ứng với mỗi người thể hiện. Ngoài ra, trên tay mỗi người cầm một thẻ cờ có cán cao khoảng từ 1-1,2m, sơn đỏ vàng có tên quân cờ để giúp cho người chơi và người xem quan sát từ xa. Đấu thủ của mỗi trận đấu chỉ hai người, được quyền đi thẳng vào sân đấu để trực tiếp điều binh khiển tướng. Trước khi chơi, một trọng tài chính dẫn quân vào sân, hai trọng tài khác đi hai bên, ngồi vào chỗ cầm trịch. Quân chơi đi vào bàn cờ thực hiện một điệu múa rồng uốn khúc quanh các nước cờ trông rất đẹp mắt. Khi các quân cờ ngồi vào vị trí, ban tổ chức công bố nội quy cuộc chơi, cho hai đối thủ bốc thăm chọn bên và cuộc chơi bắt đầu. Hai đối thủ phải suy nghĩ và quyết định nhanh nước cờ trong tiếng trống, phèng la và tiếng reo hò của người cổ vũ, và nước đi không được hoãn lại. Hai người cầm trịch ngồi trước một bàn cờ gỗ đặt ngoài sân. Khi người chơi đi quân nào trên sân thì lập tức hai người cầm trịch di chuyển quân tương ứng trên bàn gỗ. Hai cụ là người tuyên bố người thắng thua khi ván cờ kết thúc.

Một số địa phương khác( ở Đồng Hới, Quảng Trạch...) cũng chơi loại cờ này mà không dùng người làm quân cờ, gọi là cờ thẻ. Thay vào mỗi ghế ngồi là một lỗ nhỏ trên đó cắm một thẻ cờ cao 1-1,2m. Người chơi tự mình di chuyển thẻ cờ đẻ thay đổi nước đi.

3.1.7. Đánh bài vụ

Là một loại bài chơi vào ngày tết. Người ta bày ra trên một bàn gỗ chân thấp sát đất 8 hình vẽ của 8 con vật: lợn, trâu, voi, ngựa, rùa, ếch, tôm, cá. Để chơi cần phải có một cái vụ (xúc xắc) tám mặt mỗi mặt vẽ một con vật nói trên. Khi chơi, người cầm cái xoay cái vụ chạy tròn trên một cái đĩa bằng sứ trắngrồi úp cái bát sứ lại. Người chơi đặt tiền vào một, hai, hay ba con vật tuỳ thích trên bàn. Khi con vụ nằm yên, cái bát mở ra, lộ hình con vật nào nằm trên thì người đặt con vật đó trúng thưởng, những người còn lại bị thua. Cái thu tiền về trả cho nười thắng theo tỷ lệ quy định trước.



3.1.8. Thi nấu cơm cần

Hội thi này có nhiều ở Quảng Trạch, Bố Trạch, Tuyên Hoá...Người ta cho rằng hội thi này có nguồn gốc từ cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung, để tưởng nhớ Quang Trung. Cuộc thi thường tổ chức vào dịp tết Nguyên Đán, tại sân đình được khoanh tròn có đường kính khoảng 50m. Mỗi thôn chọn một đội thi 3 người, chủ yếu là nữ. Dụng cụ chơi gồm: nồi (vừ nấu 1 loog gạo), gạo, nước, hai thanh tre lấy lửa, củi, cần (để treo nồi cơm)... do ban tổ chức cung cấp. Khi cuộc chơi bắt đầu, người chơi tự lấy lửa bằng cách cọ xát hai thanh tre, tự lấy nước đặt ở nơi quy định. Nồi cơm được rteo lên cần do một người giữ và di chuyển vòng quanh theo vòng tròn sân chơi. Hai người còn lại đi theo, dùng tay vừa giữ lửa dưới đáy nồi, vừa chăm sóc nồi cơm. Trong một thời gian nhất định phải đưa sản phẩm về cho ban giám khảo chấm. Cơm đội nào chín, ngon dẻo, không ướt, không cháy, sẽ được thắng cuộc và nhận giải thưởng.

Cũng cuộc thi nấu cơm này, ở một số vùng thuộc Bố Trạch không di chuyển khi nấu, mà cuộc chơi mỗi bếp cố định chỉ có một người. Người chơi vừa nấu cơm vừa dùng dao vót tre, ai nấu được cơm chín (ngon) trứoc đồng thời vót được nhiều tre nhất sẽ thắng.

Đây là một cuộc thi khó nhưng rất hấp dẫn và vui vẻ thu hút được nhiều người dến xem và cổ vũ.



3.1.9. Đấu roi

Đấu roi có ở Quảng Trạch ( còn gọi là đâm roi), Tuyên Hoá ( còn gọi là võ gậy), trong đó vùng quê Tiến Hoá là nơi tổ chức thường xuyên nhất. Ở đây, đấu roi có mặt hầu hết trong các ngày lễ hội, đặc biệt không thể thiếu trong dịp tết Nguyên Đán, luôn thu hút người dân tham gia, cổ vũ. Dụng cụ chơi là hai cây gậy, mỗi cây dài khoảng 3m, đầu bịt giẻ có tẩm nhọ nồi hoặc mực tàu. Sân chơi là một bãi đất rộng, bằng phẳng, thường là ở sân đình. Người chơi phải đăng ký trước , mỗi trận đấu gồm hai người. Trước khi thi đấu mỗi người chơi phải đi một bài quyền cho trước, nếu đi không đúng sẽ bị loại. Luật chơi chỉ cho phép dùng gậy đâm đối phương ở phần ngực. Trận đấu bắt đầu và diễn ra trong những hồi trống và lời một người đọc bài thảo dành cho thi đấu. Người thắng cuộc là người đâm trúng vào ngực đối phương trước mà vết nhọ nồi hoặc mực tàu để lại là chứng cứ.



3.1.10. Chạy hoá trang Quảng Xá

Đây là trò chơi dân gian ra đời từ lâu và riêng có của dân làng thôn Quảng Xá (huyện Quảng Ninh). Trò chơi thường được tổ chức vào dịp tết Nguyên Đán, trên một bãi cỏ rộng rãi, bằng phẳng của làng. Trò chơi đơn giản, vui nhộn, lại mang tính tập thể cao, nên thu hút được rất nhiều người chơi, không hạn chế: từ nam nữ thanh niên, các cụ bô lão đến các cháu thiếu niên. Dụng cụ phục vụ trò chơi gồm nhiều bộ quần áo đủ mọi lứa tuổi, mọi giới tính, mọi loại kích cỡ, kiểu cách, màu sắc; được giấu trong những bao nhỏ đặt cách nhau mỗi bao 1m ở giữa sân chơi. Cầm chịch cuộc chơi là một người đàn ông đánh trống, khoẻ mạnh, vui nhộn, thường mặc áo the, khăn đóng. Cuộc chơi bắt đầu bằng những tiếng trống dục liên hồi, ngưòi chơi không kể số lượng, từ vạch xuất phát chạy đến những túi đựng quần áo, chọn một túi bất kỳ mặc vào người khi tiếng trống dừng. Tiếng trống lại nổi lên và mọi người lại chạy tiếp về đích, dù có mặc kịp quần áo hay chưa. Rất nhiều người mặc quần áo khác giới, khác cỡ, hoặc chưa mặc xong đều phải chạy tiếp. Đến phần vừa chạy về đích vừa cởi quần áo, không ít người thi do vội vàng đã cởi “ nhầm “ cả quần áo của mình đang mặc. Gặp những cảnh này, người đánh trống dục mạnh trống, gây sự chú ý của người xem. Toàn bộ sân chơi là một cuộc vui hoạt náo và hồn nhiên, khiến ai cũng muốn tham gia để thể hiện mình và hoà nhập với cộng đồng.

+ Thả diều: Thả diều thường xảy ra vào tháng 5, tháng 6 âm lịch hàng năm. Người tham gia là thanh niên, cụ già và cả trẻ em. Khung diều làm bằng tre già, to nhỏ tuỳ ý, tuy nhiên có khung dài khoảng 10-12m, rộng khoảng 2m. Diều được dán bằng giấy bản mỏng (sau này bằng polyêtilen), trên thân diều gắn 3 chiếc sáo bầu dài ngắn không đều nhau. Thả diều thường ở ngoài đồng hoặc van sông, nơi có nhiều gió. Lúc thả, người chơi cầm dây diều vừa chạy vừa điều khiển diều lên hết tầm cao của dây (20-30m). Ở tầm cao này, diều bay lượn ổn định và vang lên tiếng sáo nghe rất thanh bình. Chơi diều có thể tự phát. Còn trong các cuộc thi thì người ta sẽ chấm độ to, đẹp, cao và tiếng sáo để quyết định người thắng cuộc.

3.1.11. Đi cầu vồng ở Quảng Kim

Đây là trò chơi riêng có của nhân dân xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch, thường được tổ chức vào các dịp tết hoặc lễ hội. Sân chơi là một bãi đất rộng, bằng phẳng. Trên đó, người ta chôn một thân cây tre đực già, sao cho giữa mặt đất và thân cây tre tạo thành một góc 35­0đến 400. Người chơi dùng tay giữ thăng bằng, đi bộ từ gốc lên đến ngọn cây tre, rồi nhảy xuống thì được coi là người thắng cuộc. Trò chơi này khó thực hiện thành công, có phần nguy hiểm, đòi hỏi sự khéo léo, đức tính kiên trì, giữ thăng bằng tốt và lòng dũng cảm, nên hầu như người chơi chủ yếu là nam thanh niên trong làng.

Trò chơi được dân làng hưởng ứng và cổ vũ người chơi rất náo nhiệt.

3.1.12. Đi cà kheo

Thi đi cà kheo được tổ chức bất cứ dịp lễ hội nào trong năm. Đây là một trò chơi vui nhộn, hài hước, nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Cà kheo được làm bằng gỗ hoặc tre cứng, khó gãy, cao từ 1m trở lên. Trên thân cà kheo có bậc đứng chân. Người đi cà kheo phải đặt cả hai chân lên hai chân gỗ, trở nên cao lớn lạ thường. Người nào có cà kheo cao, giữ dược thăng bằng và đi lâu trên cà kheo không ngã thì sẽ thắng cuộc. Trò chơi cà kheo có yếu tố thực tế của nó là phản ánh ước muốn chế ngự lũ lụt, ước muốn đi nhanh hơn, cao hơn của con người.



3.1.13. Ném còn

Ném còn chủ yếu được chơi ở huyện miền núi Minh Hoá. Trò này được tổ chức hàng năm vào dịp tết Nguyên Đán (4/1 âm lịch). Khu vực chơi ngoài trời, rộng thoáng đảm bảo thuận lợi cho cuộc chơi. Quả còn được làm bằng tre đan, giống cái loa, ngoài quấn vải ngũ sắc. Khi bắt đầu cuộc chơi, người đứng đầu của làng (gọi là ông từ) ném quả cầu đầu tiên. Sau đó, mọi người bắt đầu ném. Ai ném xa và trúng đích thì được giải. Đây là trò chơi khó, đòi hỏi sự khéo léo của người chơi. Do vậy, khi đạt được thắng lợi, người chơi và cộng đồng rất vui mừng, vì đã đem đến cho họ niềm tin, và hi vọng sang năm mới tốt lành và thịnh vượng.



3.1.14. Đua thuyền thúng

Đua thuyền thúng thường được tổ chức ở thôn Trung Quán, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh. Thuyền thúng được đan bằng tre, hình tròn như một cái thúng lớn (đường kính khoảng 1,5 đến 2m), trong và ngoài được phết phân bò và nhựa đường để nước không thấm vào. Dụng cụ đi liền thuyền thúng là một mái chèo rời bằng gỗ, dài khoảng 1 đến 1,2m được gọi là chầm. Người điều khiển dùng cả hai tay cầm chầm khoả nước phía trước thuyền, kéo thuyền đi.Thuyền thúng là phương tiện hành nghề, đi lại trên sông nước, có tốc độ di chuyển chậm, vì không có dạng khí động học. Điều khiển thuyền thúng do đó không dễ, vì nếu không khéo léo, thuyền chỉ quay vòng tại chỗ, mà không tiến. Các cuộc đua thuyền thúng thường được tổ chức vào buổi trưa những ngày lễ hội. Các thuyền đua tập kết ở vạch xuất phát, mỗi thuyền đua thường có hai người, một người đua chính và một người tát nước. Đường đua không dài và do đó tính chất đua tranh rất quyết liệt. Dân làng tập trung kín hai bờ sông cổ vũ cho người đua. Cuộc vui chơi đua thuyền thúng diễn ra rất sôi nổi, hấp dẫn. Người giành phần thắng là người có sức mạnh và thể hiện nghệ thuật chèo thuyền thúng điêu luyện.



3.1.15. Chọi trâu

Chọi trâu ở Quảng Bình đang là một trò chơi tự phát, không thành lễ hội lớn, thường được tổ chức vào sau mùa vụ kết thúc (ở huyện Minh Hoá khoảng tháng tám ÂL). Sân chơi là một bãi đất phẳng, giới hạn bởi một đường tròn kích thước không cụ thể. Chủ trâu dắt hai con trâu vào sân đấu và thả cho nó tự giao đấu với nhau. Con trâu nào bị đánh bật hoặc bỏ chạy ra khỏi vòng đấu là bị thua cuộc. Chủ trâu thắng được làng thưởng một khoản tiền, còn trâu thua bị ngả thịt.



3.1.16. Đá gà

Đá gà là một trò chơi lâu đời, có mặt hầu hết các vùng quê Quảng Bình. Đá gà không ấn định vào một thời gian cụ thể nào, tuy nhiên, vào các dịp lễ hội, tết Nguyên Đán thường được tổ chức nhiều nhất. Để có gà hay, thi đấu chuyên nghiệp, đòi hỏi người chơi phải lựa chọn, xem tướng gà rất kỹ lưỡng từ khi gà mới ra đời đến quá trình chăm sóc, theo những tiêu chuẩn riêng của giới chơi gà chọi. Chính vì vậy, ở Tiến Hoá có câu nói về kinh nghiệm chọn gà: Đầu cuông, mắt ếch, cánh vẩy trai; quản ngắn, đùi dài chọi chẳng thua ai. Chơi chị gà có thể riêng lẽ, hoặc nhiều người lập lại thành nhóm, gọi là “trường gà”, ăn thua lớn. Sân chơi là bãi đất phẳng, hai con gà sẽ đấu nhau ở đó. Nếu đấu giao hữu (gọi là đấu lèo) thì trận đấu kéo dài 5 hiệp (gọi là hồ), mỗi hiệp15-20 phút. Còn đấu chính thức thì trận đấu diễn ra trong 7 hồ. Thời gian nghỉ giữa hai hiệp đấu (gọi là khuya hồ): 3-5 phút. Trận đấu có thể kết thúc ngay trong hồ đầu, hoặc sau nhiều hồ, nếu có con gà bỏ cuộc (kỳ tẩu), hoặc chết tại trận (lày tử). Người có gà thắng cuộc được nhận giải thưởng, tuy nhỏ nhưng đó là một niềm tự hào lớn lao.

3.2 MỘT SỐ TRÒ CHƠI CÓ YẾU TỐ VĂN NGHỆ



tải về 0.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương