Chương XXI: VĂn hoá VẬt chất và VĂn hoá tinh thần di sản tự nhiên và văn hoá



tải về 0.74 Mb.
trang6/8
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.74 Mb.
#12309
1   2   3   4   5   6   7   8

+ Lê Xuân Chính (? - ?)

Không rõ năm sinh và năm mất.Quê: Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Lúc đầu ông làm văn chức Lưu đồn dinh, nhưng về sau, vua Hiển Tôn nghe tin ông là người có học nên triệu bổ vào Văn chức viện. Đỗ giáp đệ, thăng Ký lục Quảng Bình. Sách Đại nam nhất thống chí chép ông nổi tiếng văn học. Tác phẩm chính: Bài phú Bán phàm (Nửa cánh bướm)- Chưa sưu tầm được.

Làm quan nổi tiếng đức độ , liêm khiết. Khi mất, ông được tạng Đại Lý Tự Khanh Tham Nghị.

+ Đề Chít(?-?)

Không rõ năm sinh, năm mất, quê quán và hành trạng của ông. Chỉ biết chung chung ông là người Hai huyện (huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ ngày nay), là nghĩa quân Cần vương được vua Hàm Nghi phong cho chức Đề đốc, cùng với Đề đốc Én ( Đề Én) chỉ huy quân Cần vương chống Pháp tại đồn Kim Sen (nay là xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) tạo lập một vùng căn cứ địa rộng lớn của nghĩa quân ở nguồn Côộc.

Công trạng của Đề Chít ( và cả Đề Én ) chưa thấy có tài liệu nào ghi rõ, nhưng tên tuổi ông vẫn sống mãi trong truyền ngôn, bởi sự dũng cảm và mưu lược khiến quân Pháp phải kinh hồn bạt vía.

+ Trần Văn Chuẩn (1836 - 1885)

Tự Trực Chi, người xã La Hà, tổng Thuận Thị, huyện Minh Chính tỉnh Quảng Bình ( nay là thôn La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh QuảngBình); sinh năm Bính Thân (1836), mất năm Ất Dậu (1885).

Trần văn Chuẩn thi đậu Tiến sỹ khoa Nhâm Tuất năm Tự Đức thứ 15 (1862), khi ông tròn 27 tuổi. Sau khi đỗ đạt, ông được triều đình bổ ngạch Hàn Lâm Viện Biên Tu, làm việc tại Tập Hiền Viện ,Tri phủ tỉnh Thái Bình, rồi Án sát tỉnh Thanh Hoá.

Cuộc đời làm quan của Trần Văn Chuẩn cực kỳ phong phú. Từ Án sát tỉnh Thanh Hoá, ông lĩnh và hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác: Phó sứ đi Yên Kinh (Trung Quốc), Thị Độc Học Sỹ, Tả Thị Lang Bộ Lại, Khâm phái, Tuần Phủ tỉnh Hưng Yên , Tham Tán quân vụ các tỉnh Ninh-Thái-Lạng-Bình, Tổng Đốc An-Tĩnh, Thự Thượng Thư bộ Công quản lý Thương Bạc sự vụ, Bắc kỳ phó khâm sai, Hữu Thị Lang bộ binh quyền lý An Tĩnh...

Bất kỳ ở cương vị nào Trần Văn Chuẩn cũng nêu cao sự thanh liêm, cần mẫn, sự tiết tháo và thái độ làm việc tận tuỵ, vì dân. Năm 1874 đang lúc làm Khâm Phái đi kiểm xét tình hình tỉnh Quảng Binh, xét tình hình thực tế, ông xin triều đình đặt thêm huyện Tuyên Hoá, vua y cho. Năm 1880, khi làm Tổng Đốc An Tĩnh, để đảm bảo an ninh miền biên giớ xa xôi, ông đề nghị đặt đồn sơn phòng Tiên Kỳ (Tân Kỳ) và đồn An Mặc...Năm Giáp thân (1884) ông được phong tước Hồng Lô Tự Khanh, sung làm Doanh điền sứ ở Quảng Bình, ít lâu sau được thăng Hữu Thị Lang Bộ Binh, kiêm Quyền Tổng Đốc An Tĩnh. Đời Hàm Nghi ông được thăng Tham Tri nhưng vẫn giữ chức cũ.
Năm Ất Dậu (1885), ông mất trong biến cố thất thủ Kinh đô , thọ 50 tuổi, được truy thụ chức Tổng Đốc. Ông có viết bộ sách Trần thị ngũ loại di qui nhân lúc đi sứ Trung Hoa (chưa sưu tầm được). Đây là bộ sách được người đương thời đánh giá rất cao.

+ Huỳnh Côn (1850 - 1825)

Tự :Đẩu Tường, sinh ngày 20-2 năm Canh tuất (1850) tại làng Kiên Bính, nay là phường Hải Đình, thị xã Đồng Hới, Quảng Bình.

Thuở nhỏ, Huỳnh Côn thọ học thân sinh của mình, một tú tài, làm nghề thầy thuốc nhân từ đức hạnh. Lớn lên ,ông được mời thầy dạy thêm, năm 1867 thi đậu Tú tài, năm 1868 đậu cử nhân ân khoa và năm Đinh Sửu, Tự Đức thứ 29 (1877) đậu Phó Bảng.

Với tài năng và sự mẫn cán của mình, ông từng được bổ đi làm quan nhiều nơi, từ các tỉnh, hạt đến trong triều, rồi đến Phụ chánh đại thần giúp vua Duy Tân còn nhỏ, thầy phụ giảng văn sách cho Nhà vua. Chức vụ cao nhất của ông là Thượng Thư (Bộ Hộ). Ông có một số cải cách kinh tế đáng chú ý: đề xuất lập ngân sách nhà nước cho Nam triều, quy định và giữ giá đồng quan tiền ( đơn vị tiền tệ đương thời), đề xuất tăng lương cho hệ thống quan lại. Ngoài ra ông còn rất am hiểu về giáo dục, nên được triều đình cử ra Hà Nội tham gia Hội đồng cải cách giáo dục, lập thêm Bộ Học cho Nam triều.

Khi khởi nghĩa Duy Tân thất bại, Khải Định lên ngôi, Huỳnh Côn xin hồi hưu, tự lực sống cuộc đời thứ dân hàn vi, thanh sạch nơi quê nhà. Cuộc đời làm quan của ông có không ít công lao, tuy nhiên hình ảnh một ông quan có cuộc đời hoạn lộ hanh thông, nhưng lại rất liêm khiết, thanh bần khiến mọi người kính trọng hơn cả:"...lời khen ngợi tốt đẹp nhất mà mọi người nói về Huỳnh Côn là ông qua đời trong cảnh sống hết sức thanh bần..." (Jean Lan- B.A.V.H. Số 3-1925- Dẫn theo Vĩnh Nguyên, Nguyễn Tú: Danh nhân văn hoá Quảng Bình, Nxb Thuân Hoá- 1993).

Trong thời gian làm quan và khi hồi hưu, Huỳnh Côn chú tâm vào việc sáng tác văn chương và biên soạn sách. Những tác phẩm chính của ông còn lại đến nay gồm : tập thơ nôm Hà Nguyên thi khảo cùng nhiều bài thơ đăng trên báo Nam Phong từ năm 1914 đến năm 1925, tập biên khảo bằng chữ Hán Chiêm Thành khảo dùng làm giáo trình giảng văn sách cho vua Duy Tân, bộ biên khảo 2 tập Quảng Bình khoa lục về các nhà khoa bảng Quảng Bình từ năm Gia Long thứ 12 (1813) đến năm Duy Tân thứ 14 (1910). Ngoài ra, ông còn biên soạn sách dược học Trung Việt dược tính hợp biên (2 bộ gồm 32 quyển) với đầy dủ công dụng, cách thức điều chế của 1655 vị thuốc Bắc và Nam.

Ông mất ngày 7 tháng giêng năm Ất Sửu (1925). Phần mộ hiện toạ lạc tại thôn Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh.

+ Nguyễn Đăng Cư (1898 - ? )

Ông sinh năm Mậu Tuất (1898) quán xã Phù Chánh, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Đậu Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1918) năm 21 tuổi, đậu Phó bảng khoa Kỷ Mùi năm Khải Định thứ 4 (1919). Được triều đình sơ bổ Bát phẩm bộ Công, rồi Tạm Phái Cơ mật viện. Bổ Thông Phán Bình Thuận, hoán bổ Thông Phán tỉnh Quảng Nam. Về Biên tu Cổ Học Viện, rồi qua Lang Trung Bộ Lại. Năm 1936 làm Tri Phủ huyện Đức Thọ. Năm 1942 thăng Thượng Tá Bình định, và sau đó là Thượng Tá Thanh Hoá. Ông mất năm nào không rõ.

+ Nguyễn Hữu Dật (1603-1681)

Tự: Chiêu Vũ, sinh năm 1603 tại Thăng Long (Hà Nội), là con của vị quan tham chiến Nguyễn Triều Văn (thuộc Triều Lê Anh Tông 1557-1573). Năm 1609, lúc mới lên 6 tuổi, ông đã theo cha vào nhập cư tại xã Phong Lộc, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình do cha ông bất đắc chí vì chúa Trịnh không tin dùng, vào nam phò chúa Nguyễn. Thủa nhỏ, ngay tại miền đất mới, Nguyễn Hữu Dật được cha kèm cặp, rèn dạy văn sách và võ công chu đáo. Cộng với tư chất thông minh, khí chất mạnh mẽ, ông tiếp thu dễ dàng các bài học của thầy, của thân phụ và nhanh chóng trở thành chàng thiếu niên văn võ mưu lược toàn tài, do đó, mới lên tuổi 16 ông đã dược chúa Sãi (1613-1635) bổ nhiệm một chức quan văn trong triều.

Lúc sơ thời, chúa Nguyễn chưa có điều kiện mở trường thi chính quy, chưa có khoa thi tiến sỹ, mà chỉ mở các trường dạy văn chương, với các kỳ thi Chính đỗ hay Hoa văn cho học vị cao nhất thời bấy giờ. Nguyễn Hữu Dật, với khả năng học tập của mình đã thi đỗ rất cao khoá thi Hoa văn và nhờ đó ông được triều đình bổ làm quan sớm.

Trong lúc tại nhiệm, ông được chúa Nguyễn tin dùng cho thống lĩnh quân sỹ trấn giữ ở những miền hiểm địa nhằm ngăn chặn quân Trịnh hoặc làm giáp chiến thay mặt vua để giám sát tình hình chiến sự. Trong vai trò này, ông nhiều lần lập công xuất sắc, đẩy lui các đợt xâm nhập của quân Trịnh, thậm chí đốc quân đánh sâu ra đất Trịnh, góp phần giữ yên bờ cõi Đàng trong một thời gian dài. Chiêu vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật có biệt tài ly tán, thu phục đối phương. Là một võ tướng, nhưng ông không mấy thích sử dụng binh đao nơi chiến trận, mà thường sử dụng một phương pháp khác hiệu quả hơn: dùng trí tuệ, dùng ngọn bút, dùng tài năng văn chương, trên cơ sở nắm vững binh pháp và nhuần nhuyễn thời thế lẫn lòng người để thu phục đối phương. Rất nhiều thư từ, biển văn... sử dụng cho mục đích này của Chiêu Vũ hầu còn tục truyền lại đến ngày nay cho thấy ông chẵng những là một trí tuệ sắc sảo, mà còn là một vị quan công minh và giàu lòng nhân ái. Dưới đây là một đoạn văn chiêu an kêu gọi tướng sỹ Nghệ An ra hàng do ông soạn và cho cắm trên đất Trịnh khi ông thừa thắng:" ...Để nhổ bật kẻ cận thần họTrịnh mang tâm chiếm đoạt ngôi vua, nhiều phen sai cường binh vào xâm phạm, quấy nhiễu bờ cõi, giết hại lương dân, đã có thư từ can gián mà thói cũ không chừa, các đại thần văn võ ở Nam triều xin đem quân đánh dẹp tiểu trừ đảng giặc. Giáo trời đã chỉ, gió lửa bùng lên, oai lường sấm sét, khắp nơi kínhợ, chẳng ai không rụtt đầu lạnh tim, bôn đông chạy bắc hoặc lánh trốn nơi lùm hoang, bãi vắng, nương náu trong chốn núi thẳm hang cùng, ngày qua tháng lại chưa biết dừng đỗ nơi đâu..."(A460-37-38)

Vốn là một vị quan văn võ toàn tài, với nhãn quan chiến lược nhìn xa thấy rộng, cùng Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dực còn góp công hoạch định, xây dựng và hoàn thiện một hệ thống chiến luỹ vững chắc, có quy mô lớn ở phía bắc Đàng trong, nhờ đó mà bờ cõi nhà nguyễn được giữ yên một thời gian dài: hệ thốngLuỹ Đào Duy Từ(2).Sau khi Đào Duy Từ, thiết kế, hiến kế đắp luỹ và được chúa Sãi chuẩn y, năm Tân mùi niên hiệu Đức Long thứ 3(1631), họ Đào cung với Nguyễn Hữu Dật đến dinh phủ Quảng Bình hạ lệnh và đốc suất khởi công đắp luỹ Nhật Lệ (một bộ phận của hệ thống luỹ Đào Duy Từ sau này. Vài năm sau đó, năm 1633, Nguyễn Hữu Dật hiến kế đắp luỹ Trương sa từ cửa biển Nhật Lệ chay dọc làng cát Bảo Ninh đến Vĩnh Linh ngày nay( còn gọi là Trường sa cát luỹ), Sãi vương chuẩn y và cho thi hành. Những năm sau đó, ông không những chỉ trùng tu, mà còn cho xây đắp thêm những luỹ mới: Trấn Ninh và An Náu.

Với những công lao binh bị to lớn ấy, năm Tân sửu (1661),ông được triều đình phong chức Chưởng cơ. Hơn thế nữa, công đức của ông, một vị quan biết chăm lo cho dân, còn được dân gian truyền tụng:



Nguyễn Hữu Dật thừa tướng tri ân

Ban dân cấp ruộng,quân dân tế cờ.

Trong những năm tại vị, Chiêu Vũ hầu không ít lần phải gánh chịu oan trái. Tiêu biểu nhất là năm Canh dần (1650) Nguyễn Hữu Dật thực hiện kế viết thư trá hàng để lập mưu tiêu diệt quân Trịnh, lại bị kẻ xấu xúc xiểm gièm pha làm chúa Nguyễn hiểu lầm, tống giam vào ngục. Buồn bã và oan ức, ở trong tù, ông sáng tác tập Hoa Vân cảo thị , tự ví mình như Anh Liệt Chí đời Minh sơ bên Trung Quốc. Hoa Vân Cảo Thị là tập truyện thơ có lời thơ da diết, trung hậu, kể về mối tình của chàng Hoa Vân tài ba khảng khái và nàng Cảo Thị dịu hiền chung thuỷ. Khi chàng Hoa Vân bị quân giặc chém chết, nàng Cảo Thị một lòng tuẫn tiết cùng chồng, không chịu theo giặc.Câu chuyện về sau là đề tài phóng tác rất thịnh hành và lâu dài cho các đoàn tuồng diễn suốt từ Quảng Bình cho đến Bình Định.

Khi đọc dược tác phẩm này, chúa Hiền biết là mình sai, bãi lệnh tống giam, phục chức cũ cho Nguyễn Hữu Dật vàngày càng sủng ái ông hơn.

Ông lâm bệnh qua đời năm Tân Dậu (1681), được truy tặng: Tán-Trị Tĩnh-nạn Công-thần Đặc trấn phụ quốc, Thượng tướng-quân Cẩm-Y-Vệ Tả-quân đô-đốc Chưởng phủ sự Chiêu quận công, Thuỵ: Cần-Tiết. Các đời vua sau còn ban sắc suy tôn ông. Rất nhiều nơi trong cả nước lập đền thờ ông. Phần mộ Nguyễn Hữu Cảnh hiện toạ lạc ở lòi Lăng, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

+ Lê Duy Di (?-?)

Tự là Trọng Cung, không rõ năm sinh, năm mất, quê huyện Minh Chánh (huyện Tuyên Hoá ngày nay)

Năm Minh Mạng thứ mười tám (1837) làm quan lĩnh chức Hương tiến, sau bổ Tri huyện Thanh Trì, rồi được triệu về Kinh làm Giám sát Ngự sử

Thời gian sau, đi làm Án sát Biên Hoà và Gia Định. Năm Tự Dức thứ ba, ông được bổ làm Chánh sứ tỉnh Quảng Ngãi.

Suốt thời gian làm quan của mình, dù trong trào hay ngoài quận ông đều được quý mến bởi tính tình cương trực, ngay thẳng.

+ Nguyễn Diễn (?-?)

Theo Nguyễn Tú, ông tên là Trần Nguyên Diễn nhưng sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn chép là Nguyễn DIễn. Không rõ năm sinh, năm mất của ông, chỉ biết ông sống trong khoảng đời Lê. Ông người xã Nhân Ái, huyện Lệ Thuỷ, xuất thân giám sinh trường Quốc Tử Giám, tốt nghiệp được cử giữ chức Tri huyện trị nhậm các huyện Mộ Đức Chương Nghĩa, rồi Tri Phủ trị nhậm các phủ Hoài Nhơn, Thăng Hoa.

Do có nhiều chiến công, lại tinh thông võ nghệ nên lại lần lượt đựơc trao các chức Hiến sát Phó sứ Quảng Nam, Tổng binh Thiêm sự, phụ trách Tham chính.

Ông tử trận trong khi đánh giặc Chiêm Thành.

+ Trần Ngọc Diệu (1812-?)

Quê làng Di Luân, xã Quảng Tùng, Quảng Trạch, Quảng Bình. Giai thoại về Trần Ngọc Diệu lưu truyền trong vùng kể rằng ông bắt đầu cuộc đời ứng thí từ năm 15 tuổi, tuy nhiên thi mãi không đỗ. Đến khoa Đinh Mùi (1847) đỗ Cử nhân và liên tiếp một năm sau đó, đỗ Phó bảng ân khoa Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848). Biết việc, Vua Tự Đức ban khen cho ông đôi câu đối:
Nhất cử thành danh thiên hạ hữu

Thập khoa liên trúng thế gian vô.

Đôi câu đối này có người cho là nói về Hoàng Giáp Phạm Duy Đôn. Tuy nhiên đây cũng là giai thoại về Trần Ngọc Diệu đang lưu hành ở địa phương ông.

Ông làm quan đến chức Đồng tri phủ hàm Trước tác. Viết nhiều, nhưng tác phẩm đã thất truyền.



+ Phạm Phi Diệu (?-?)

Sách Ô châu cận lục chép ông là Nguyễn Phi Diệu. Không rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết ông sống vào thời nhà Mạc. Quê Đai Phúc Lộc, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Đỗ đầu khoa thi Hương, xuất thân nho sinh trúng thức. Ông khảng khái không theo bọn nghịch đảng quấy rối triều đình, thủ tiết về nhà mở trường dạy học, học trò theo học rất đông.Viết nhiều, nhưng chỉ còn lại bài Tự thuật. Một câu thơ như một tuyên ngôn sống của ông còn lưu truyền đến ngày nay:



Bảng chiếm dương ngô mai bạch tuyết

Lao tâm lậu bể thảo huyền nhân

Dịch: Chiếm bảng riêng mình mai trắng toát



Nhọc lòng cười khách cỏ đen ngòm

+ Nguyễn Bằng Dực (1806 - ? )

Bia Tiến sỹ triều Nguyễn khắc tên ông là Nguyễn Phùng Dực, quê làng Cảnh Dương, tổng Thuận An, phủ Quảng Trạch, ( naylà xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng bình) . Ông sinh năm Bính Dần (1806), mất năm nào không rõ; đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ Dậu (1849), năm Tự Đức thứ 2, lúc 44 tuổi.

Hành trạng của ông chưa thấy có tài liệu nào ghi chép đầy đủ, chỉ biết ông từng làm đốc học ở Vĩnh Long.

+ Hoàng Trọng Đài (1888 - ? )

Ông sinh năm Mậu Tý (1888), người làng Văn La, huyện Phong Lộc (Quảng Ninh), tỉnh Quảng Bình. Đỗ Phó bảng khoa Canh tuất niên hiệu Duy Tân thứ tư (1910), khi ông vừa 23 tuổi.

Hành trạng của ông chưa thấy có tài liệu nào ghi chép đầy đủ, chỉ biết ông được bổ làm tri phủ An Sơn và mất tại lỵ sở năm nào không rõ.

+ Lê Đại ( 1838 -1885)

Ông sinh năm Mậu Tuất ( 1838), người làng Phan Xá, tổng Xuân Lai, huyện Phong Đăng ( nay thuộc thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.) Năm Đinh Mão (1867), 30 tuổi ông thi đậu cử nhân; năm Kỷ Tỵ(1869), 32 tuổi đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ hai mươi hai (1869).

Ông vốn là Giám sinh trường Quốc Tử Giám. Sau khi đỗ Tiến sỹ làm quan thăng dần đến chức Bố chính tỉnh Hà Tĩnh. Khi vua Hàm Nghi ban hịchCần Vương, nghĩa quân tấn công Hà Tĩnh năm Ât Dởu (1885), ông bị mất trong trận đó. Về sau, ông được truy tặng chức Tuần Phủ.

+ Trần Mạnh Đàn (1882-1950)

Ông sinh năm 1882 tại làng Thuận Bài, một ngôi làng nhỏ nằm phía bắc sông Gianh thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Xuất thân từ một gia đình nho học, bố là một vị túc nho của làng, mẹ là con gái của một vị cử nhân làm quan đến chức án sát,Trần Mạnh Đàn nổi tiếng hay chữ từ sớm: 10 tuổi biết làm thơ, 13 tuổi thông thạo thi, thư, văn, phú...21 tuổi đỗ tú tài và 30 tuổi đỗ cử nhân (1912). Sau đó nhiều năm, ông có tham gia thi hội mấy khoa, nhưng số phận đã không mỉm cười với ông. Tuy không đỗ đạt, nhưng việc những năm theo đường khoa cử vào kinh ra trại, được giao thiệp, tiếp xúc với nhiều hạng người, với nhiều vị nho học uyên thâm, các danh sỹ nổi tiếng nơi chốn kinh thành đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của ông về sau, khi ông ra làm quan.

Đương khi đường khoa cử của ông chưa thành thì triều đình nhà Nguyễn đã bước vào thời kỳ suy tàn, nền giáo dục nho học theo đó đến hồi mạt thời, nhường chỗ cho một nền giáo dục mới, ảnh hưởng tây học. Cũng như những nhà nho đương thời, trào lưu mới đã xâm nhập vào tư tưởng Trần Mạnh Đàn. Ông học chữ quốc ngữ, học tiếng Pháp, tìm đọc các tác phẩm tiến bộ, những mong phù hợp với thời đại. Mặc dù vậy, nền giáo dục nho học vẫn còn đủ sức mạnh đưa đẩy ông đến với con đường hoạn lộ. Ông ra làm quan năm 1918. Trong 15 năm làm quan (1918-1933), ông được điều đi làm quan huyện và tri phủ hết Thanh Hoá, Hà Tĩnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên đến Quảng Ngãi. Về sau, trong lúc đương nhiệm tri phủ Hoằng Hoá, do chống lại viên công sứ Thanh Hoá, ông bị chuyển về thư viện Huế, rồi từ đó hồi hưu.

Bên cạnh là một vị quan tâm huyết với nhân dân như chăm lo xây dựng chợ búa, trường học, mở mang đường sá, phát triển công thương ... nơi mình hành hạt, ông còn là một vị quan rất chú trọng tới phát triển công nghệ. Sau những giờ thăng đường, ông để tâm nhiên cứu chế tác máy móc như máy bơm nước tưới ruộng chạy bằng sức gió, thuyền chuyển động bằng hệ thống chân vịt quay tay, máy kéo sợi...Tuy đó chỉ là những công cụ làm bằng tre, gỗ, giá trị và hiệu quả sử dụng không được lâu dài, nhưng nó thể hiện tư tưởng canh tân đáng quý của một vị quan huyện xưa nay chưa từng có trên đất Quảng Bình. Tiếc thay, tư tưởng này chưa thích ứng với thời đại, ít nhất là tại Quảng Bình thời đó, nên ông chỉ như một người lữ hành cô độc.

Cũng như những vị quan lại nho học đương thời khác, ngoài việc lo tròn bổn phận, ông còn dành thời gian cho thi ca, ngâm vịnh. Thơ, văn Trần Mạnh Đàn không xuất sắc, uyên bác như nhiều tác giả khác trong tỉnh, nhưng ông được ghi nhận là một tác giả có nhiều trước tác nhất, với nhiều đề tài phong phú nhất: sáng tác, biên khảo, sách công cụ, kinh dịch, biên dịch, cơ khí, toán pháp...Có thể nói toàn bộ tác phẩm của ông là những ghi chép trung thực hiện thực cuộc sống mà ông quan sát được về phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh, các sự kiện nơi mình hành hạt. Đó ngoài ra còn là những tài liệu tuyên truyền đạo lý, phổ biến khoa học và cả thể hiện tư tưởng, tình cảm và nguyện vọng của ông trong suốt quãng thời gian làm quan phụ mẫu chi dân:
Tấm lòng cải cách ta ôm sẵn

Khai hoá dân lành phải gắng công

Tác phẩm chính của Trần Mạnh Đàn:

Sáng tác, biên khảo:

- Tuyên Hoá huyện chí- 1923

- Giấc mộng quê hương -1924

- Hương thôn tình tệ kịch -1924

- Can Lộc huyện chí -1929

- Thuận Giang Việt văn thi tập

- Thuận Giang Hán văn thi tập

- Sáu mươi năm tranh đấu (Kịch)

Sách công cụ:

- Địa dư tiện độc -1913

- Sơ học Hán văn khoá bản -1916

- Hán văn bị thế giáo khoa thư

- Cải lương hương chính lệ-1919

- Âm dương lịch tuế sai tân luận-1921

- Bắc lại việt thoại-1931

- Lịch triều khôi nguyên liệt biểu-1931

- Khảo cổ tiện lãm-1931

- Quốc ngữ đính ngoa-1933

- Tam tự kinh diễn nghiã-1933

- Dinh hoàn địa đồ-1934

- Cải lương thái ất bốc pháp-1937

- Tục cải lương hương chính lệ-1939

Sách dịch:



- Đinh hoàn địa dư-1910

- Thường thức tu tri-1940

- Nguyễn Trường Tộ điều trần-1940

- Mặc Tử-1943

- Trung học-1945

- Đặc pháp-1945

- Tỳ bà hành

- Kinh dịch

* Và một số sách về cơ khí và toán pháp khác.

+ Hoàng Công Đán (? - ?)

Không rõ năm sinh, năm mất. Quê: Cổ Bưu, Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Ông thi hương đỗ hai lần, vào học Quốc tử giám (1530). Năm thứ năm niên hiệu Quảng Hoà đời Mạc Phúc Hải (1541-1546) được trao chức Giảng Dụ.Làm quan đến chức tri huyện , trị nhậm ở các huyện Tư Vinh và An Dũng (?). Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An ghi nhận ông văn chương học thuật nổi tiếng trường thi. Tác phẩm: chưa tìm được. Ông là người có chí lớn nhưng không thành đạt.

+ Đặng Đại Độ (?-?)

Không rõ năm sinh, năm mất của ông. Ông quê huyện lệ Thuỷ, không rõ xã nào, là người học rộng, thi đỗ Hương Tiến, bổ Ký lục dinh Bình Khương và dinh Trấn Biên

Ông là người tiết tháo và cương trực, thẳng tay trị tội những kẻ phi pháp, bất kể đó là kẻ cận thị (người chầu bên vua)

Ông được thăng chức Tuần Vũ Gia Định và rồi qua đời tại nơi đó.

+ Phạm Duy Đôn (1811- ?)

Ông người làng Thanh Thuỷ, tổng Thuận Lễ, huyện Minh Chính, phủ Quảng Trạch ( nay là huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình). Phạm Duy Đôn sinh năm Tân Mùi (1811) ( có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1809), đậu Hoàng giáp khoa Nhã sỹ năm Ất Sửu niên hiệu Tự Đức thứ mười tám (1865) khi ông 55 tuổi. Danh tiếng khoa cử của ông được lưu lại trong truyền ngôn của nhân dân đến tận ngày nay:

Văn chiếu bảng vàng ngôi nhị giáp

Võ theo gương sáng cụ Phan đình (1)

(Văn: chỉ Hoàng Giáp Nguyễn Duy Đôn ,Võ: chỉ Tiến sỹ võ Lê Trực, Phan Đình: chỉ cụ Phan Đình Phùng.)

Nguyễn Duy Đôn từng làm quan đến chức Tri phủ, tuy nhiên hành trạng cụ thể và năm mất của ông đến nay chưa được rõ.

+ Nguyễn Đăng Giai (?-?)

Không rõ năm sinh, năm mất của ông. Ông có tự là Toản Phụ, người làng Phù Chánh huyện Lệ Thuỷ, là con của Hiệp Biện Đại học sỹ Nguyễn Đăng Tuân.

Năm Kỷ Dậu (1820), niên hiệu Minh Mạng thứ nhất, ông thi đỗ Hương tiến, được bổ vào Hàn lâm, thăng Lang trung bộ Hộ. Năm 1830 làm Thự Tham tri Hiệp trấn Nam Định, năm 1832 sung chức khảo trường Nghệ An , rồi bổ Bố chính sứ Thanh Hoá.

Do có nhiều tài lược,ông được vua tín nhiệm cử làm quan trải nhiều tỉnh lớn. Tại những nơi ông làm quan ,ông đều lập được nhiều huân công vẻ vang, giữ yên bình nơi trị nhậm. Làm quan ở đâu, ông cho xây cất chùa chiền ở đấy. Chùa Diệc ở Vinh (tỉnh Nghệ An) là do ông trùng tu, tự tay đặt bài và dựng bia đá lớn ở dưới gác chuông

Đến đầu niên hiệu Tự Đức, trong việc bang giao quốc tế, ông có công rất nhiều nên được thăng HIệp Biện Đại học sỹ, sung Hữu kỳ kinh lược Đại sứ, sau lãnh Tổng đốc Hà ,Ninh.

Ông mất lúc tại nhiệm, được thăng Thiếu bảo và đến năm 1858 được đưa vào thờ ở đền Hiền lương do những công lao to lớn của ông.

+ Ngô Đình Giới (?-1827)

Không rõ, ông sinh năm nào. Quê huyện Phong Đăng (nay là huyện Lệ Thuỷ). Là người học rộng, thông minh có tiếng. Đầu niên hiệu Gia Long được trao chức Ký lục ở Bình Định., rồi dần lên đến chức Cần chính điện Đại học sỹ, sung chức Tư giảng (dạy các Hoàng đệ và Hoàng tử)

Mặc dù đã 70 tuổi, ông xin cáo quan hồi hưu nhưng vua không cho, lưu bảo vệ phụ tá 3 năm mới cho về trí sỹ ở quê nhà được lấy nguyên hàm.

Ông mất tại quê nhà năm Minh Mệnh thứ tám (1827), được tặng Binh bộ Thượng thư.

+ Tạ Hàm (1856 - ? )

Ông người xã La Hà, tổng Thuận Thị, huện Tuyên Chính, phủ Quảng Trạch (nay là làng La Hà, xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Tạ Hàm sinh năm Bính Thìn, mất năm nào không rõ, thi đỗ Cử nhân năm Tân Mão (1891), lúc 36 tuổi, và năm sau, khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Thành Thái thứ tư (1892) ông thi đỗ Tiến sỹ.

Tài liệu ghi chép về ông đến nay chưa tìm được nhiều, chỉ biết ông làm quan đến Tham Tá Nội Các.



+ Nguyễn Đăng Hành (1823 - ? )

Ông người làng Phù Chánh, tổng Lệ thuỷ, huyện Lệ Thuỷ phủ Quảng Ninh (nay là xã Hưng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình). Cha ông là Nguyễn Đăng Giai, đỗ Hương Tiến đời Minh Mạng, làm quan trải ba triều vua, giữ những chức vụ trọng yếu hàng đầu. Ông sinh năm Quý Mùi (1823), mất năm nào không rõ.

Năm Quý Mão (1843), 21 tuổi ông thi đỗ Cử nhân; đến năm Mởu Thân, niên hiệu Tự Đức thứ nhất(1848), 26 tuổi đỗ Tiến sỹ.

Ban đầu được nhập Tập Hiền Viện thụ hàm Biên Tu, sau thăng lên hàm Tập Hiền Viện Thị Độc, từ hàm này ông được bổ chức Án Sát Quảng Ngãi. Năm Tân Dậu (1861) Tự Đức thứ 14, ông được thăng Hồng Lô Tự Khanh, bổ làm Bố Chính Khánh Hoà; năm Nhâm Tuất (1862) cử theo việc quân ở các đạo phía nam. Nhưng bấy giờ bọn phỉ quấy phá tại Bắc Ninh, ông được cử giữ chức Thương biện Quân vụ tại Quân thứ Bắc kỳ, là nơi thân phụ ông đã từng trấn nhậm từ trước. Tại đây, ông chỉ huy quân đội đánh thắng được 13 trận . Một lầnông giữ vùng Đông Hồ thuộc phủ Thuận THành thì bị giặc tấn công, không có quân tiếp viện nên thua trận mả bị hai.

Ông được truy thụ hàm Bố Chánh, sau được đưa vào thờ ở đền Trung Nghĩa.

+ Nguyễn Hữu Hào (1646 - 1713)

Tự: Hào Lương Hầu, sinh năm 1646 tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng ninh, tỉnh Quảng Bình, là con của Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật, là anh ruột của lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Là con nhà dòng dõi, cộng với tài năng văn võ của mình, Hào Lương Hầu sớm trở thành tướng quốc danh thần của chúa Nguyễn thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Năm 1689, lúc 43 tuổi, ông giữ chức Cai cơ, coi trấn Cựu Dinh tại Ái Tử.. Là một vị quan uy dũng, cương trực, công minh, mà cũng rất nhân từ, trung hậu, nên uy danh ông lan xa khiến từ tướng sỹ đến nhân dân đều cảm phục, mến mộ; kẻ thù sợ hãi và nể trọng. Tuy nhiên, do sự nhân từ ấy, năm 1690, khi đang làm Thống suất lãnh trách nhiệm bình định phía nam, ông bị kẻ xấu dèm pha cho là do dự bỏ qua cơ hội thắng lớn, nên bị Chúa hiểu lầm, tước sạch quan chức, xuống làm thứ dân. Mặc dù vậy ông vẫn bình thản , an nhàn đọc sách, làm thơ, vãn cảnh chờ thời. Khi chúa Minh lên nối ngôi, xác định đúng công, tội,lại vời Nguyễn Hữu Hào ra làm quan, thăng chức Chưởng Cơ. Năm 1704, ông làm Trấn thủ trấn Quảng Bình, đóng tại Dinh Võ Xá và tại đây ông viết tác phẩm Truyện Song Tinh Bất Dạ bằng chữ Nôm, thể văn vần.

Truyện thơ dài hơn 2000 câu lục bát này được ông phóng tác từ tiểu thuyết Định tình nhân của Trung Hoa kể về đôi tình nhân trai tài, gái sắc trải qua nhiều biến cố, nhưng bằng tình yêu họ đã vượt qua nhiều thử thách cam go và được sống bên nhau hạnh phúc. Sáng tác Truyện Song Tinh Bất Dạ, Nguyễn Hữu Hào muốn gửi gắm chí hướng làm một trang anh hùng qua bao biến cố cuộc đời:



Định tình biết đủ mới an

Trai tường sụ vật mới trang anh hùng

Theo các nhà nghiên cứu, chỉ với một tác phẩm này, Nguyễn Hữu Hào đã có đóng góp rất sớm vào kho tàng văn học nước nhà một tác phẩm quý giá cả về nghệ thuật, nội dung, ngôn ngữ, lẫn nhân sinh quan.


Ngoài ra, Nguyễn Hữu Hào còn để lại mấy bài thơ chữ Hán trong tập Hải ngoại ký sự (chép năm 1694) của nhà sư Trung Quốc Hoà thượng Thạch Liêm, tức Thích Đại Sán và được ông này phê:"Lời lẽ của minh công rất uyển chuyển, ý tứ sâu xa", " Tiến phát người đang giữa tuổi hoa"

Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào mất năm Quý Tỵ (1713) tại Dinh Trấn Võ Xá, hưởng thọ 67 tuổi, phần mộ hiện toạ lạc tại Lòi Lăng, Vạn Ninh, Quảng Bình

+ Trần Văn Hệ (1828 - 1888 )

Ông người làng La Hà, tổng Thuận Thị, huyện Minh Chính, phủ Quảng Trạch (nay là thôn La Hà, xã Quảng Văn, huyện Bố Trạch, Quảng Bình); sinh năm Mậu Tý (1828), mất năm Mậu Tý (1888). Năm Canh Tuất (1850), 23 tuổi ông đỗ Cử nhân; năm Tân Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ tư (1851), 24 tuổi đỗ Tiến sỹ .

Ban đầu ông làm Hàn Lâm Viện Biên tu bổ đi làm Tri phủ Ba Xuyên; sau đó thăng Hàn Lâm Viện Thị Độc, làm việc tại Tập Hiền Viện. Rồi vì bố mẹ già, ông phải xin thôi chức về quê phụng dưỡng.

Năm Ất Sửu (1865) Tự Đức thứ 18, từ hàm Thị Độc chuyển sang làm việc tại Nội Các. Năm Mậu Thìn (1868) Tựk Đức thứ 21, ông được bổ làm Thự Bố Chánh tại Hà Nội. Năm Canh Ngọ (1870) Tự Đức thứ 23, do bị bệnh phải cáo quan về quê tĩnh dưỡng. Năm Mậu dần (1878) Tự Đức thứ 21, ông làm Thương Biện tại Quảng Bình. Ông mất năm Mậu Tý (1888) Đồng Khánh năm thứ 3, thọ 61 tuổi.

+ Nguyễn Quốc Hoan (?-1852)

Ông người làng Lộc Điền Thượng, huyện Bình Chánh (nay là xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch). Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) thi đỗ Hương cống được bổ làm Hành tẩu Bộ công.

Sau đó, do có công lao, ông được bổ đi nắm giữ nhiều chức quan ở nhiều địa phương khác nhau, trong trào ngoài quận: Tri huyện Sơn Dương (1824), Tri phủ Nghĩa Hưng, rồi Học chính Quốc Tử Giám (1828), Giám sát Ngự sử đạo Định An (1834), Án sát tỉnh Thanh Hoá (1835), Án sát Hà Nội , rồi Bố Chính hai tỉnh Hà Nội và Nam Định (1838)... Trải qua nhiều chức quan khác, năm Tự Đức thứ năm (1852), ông được bổ làm Tổng Đốc Ninh Thái. Ông mất tại chức vào năm Tự Đức thứ chín (1856).

Là một vị quan có nhiều công lao, lại nổi tiếng nghiêm nghị và thanh liêm nên được vua Tự Đức ban thưởng cho chiếc Kim khánh đề bốn chữ: Thanh Liêm Cần Cán (thanh sạch, liêm khiết, tận tâm, mẫn cán)

+ Nguyễn Tử Hoan (?-?)

Sách Ô châu cận lục của Dương văn An chép là Nguyễn Khả Hoan. Ông người châu Bố Chánh ( gồm huyện Quảng Trạch và huyện Bố Trạch ngày nay), không rõ xã nào. Không rõ hành trạng của ông, chỉ biết thời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), Nguyễn Tử Hoan được theo giúp. Là người có tài thao lược, thường hiến nhiều kế sách giá trị, nên được vua tin dùng và trao cho chức quân sư. Không rõ năm sinh, năm mất của ông.

+ Trần Khánh Hội (1855 - ? )

Ông người xã Phong Lộc (nay là xã Đại Phong), huyện Lệ Thuỷ. Sinh năm Ất Mão (1855); thi đỗ Cử nhân khoa Quý Dởu (1873) ; đỗ Phó bảng khoa Giáp Thân(1884) niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất năm 30 tuổi.

Trần Khánh Hội làm quan đến chức Kinh Kỳ Đạo Chưởng Ấn, thăng đến Thị Lang thì về hưu. Ông mất tại quê nhà năm nào không rõ.

+ Nguyễn Dương Huy (1813 - ? )

Ông người giáp Thượng, xã Mỹ Hoà, tổng Thuận An huyện Bình Chánh, phủ Quảng Trạch ( nay là xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).Ông sinh năm Quý Dậu (1813) , mất năm nào không rõ.

Năm Nhâm Dần (1842), 30 tuổi ông đỗ Cử nhân; năm Giáp Thìn (1844), niên hiệu Thiệu Trị thứ tư ,ông đỗ Tiến sỹ.

Tài liệu viết về ông không có nhiều nên không rõ hành trạng, chỉ biết ông từng làm quan đến chức Án Sát.

+ Đỗ Đức Huy(? - ?)

Không rõ năm sinh, năm mất. Quê: Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình. Đỗ Sinh đồ khoa Bính tý (1756). Làm quan đến chức tri huyện, sau về dạy học, làm thơ. Tác phẩm: chưa tìm được.



tải về 0.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương