Chương V: Kinh tế



tải về 1.16 Mb.
trang1/9
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích1.16 Mb.
#4477
  1   2   3   4   5   6   7   8   9
Chương V: Kinh tế

1. ĐIỀU KIỆN VÀ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN



1.1. Điều kiện tự nhiên.

Quảng Bình là tỉnh nông nghiệp, có diện tích 8.051,5 km2, 85% diện tích là đồi núi, trung du. Địa hình Quảng Bình hẹp và dốc từ Tây sang Đông. Phía Tây là dãy Trường Sơn, kế tiếp là vùng gò đồi bát úp, dải đồng bằng nhỏ hẹp và vùng cát chạy dài ven biển. Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, dải đất tuy hẹp nhưng Quảng Bình hội tụ đủ các dạng địa hình, có cả rừng núi, gò đồi, có cồn cát ven biển và một số đồng bằng nhỏ nằm rãi đều theo hướng Bắc Nam. Địa hình thấp dần từ Tây sang Đông, trung bình 70. Do chiều ngang Đông-Tây hẹp nên nhìn tổng thể, địa hình Quảng Bình bị cắt xẻ mạnh, mấp mô, lồi lõm, nhiều núi đồi ăn lan ra sát biển.

Theo tính chất địa hình, lãnh thổ Quảng Bình được chia thành 4 khu vực địa hình khác nhau.

- Vùng rừng nhiệt đới ẩm có diện tích 523.616 ha, bằng 65% diện tích đất tự nhiên.

- Vùng bán sơn địa có diện tích 167.896 ha, bằng 19,77% diện tích đất tự nhiên.

- Vùng đồng bằng và thuỷ sản nước ngọt có diện tích 86.690 ha, bằng 10,95% diện tích đất tự nhiên.

- Vùng đới ven bờ có diện tích 35.840 ha, bằng 4% tổng diện tích đất tự nhiên, sinh thái biển có tổng diện tích khu vực đặc quyền kinh tế 200.000 km2.

Quảng Bình lại nằm vào vùng khí hậu nhiệt đới, lắm nắng, nhiều mưa. Lượng nhiệt, ẩm, cán cân bức xạ, lượng mưa... trong năm rất dồi dào, tạo điều kiện cho cây cối phát triển quanh năm. Song khó khăn do thời tiết, khí hậu gây ra cũng không ít.

Từ tháng 4-5 đến tháng 6-7 gió Tây - Nam (thường gọi là gió Lào) rất mạnh, làm cho độ ẩm giảm, hạn hán đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông lâm nghiệp. Từ tháng 8 đến tháng 12 là mùa mưa bão ập đến, làm cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản nước ngọt bị ngập lụt, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế nông thôn.

Khu vực nông thôn và sản xuất nông nghiệp chiếm 91,45% dân số và 80% lao động của toàn tỉnh. Người dân có truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó.

Lực lượng lao động trên điạ bàn Quảng Bình khá đông, do đều kiện kinh tế và môi trường sống ít thuận lợi nên người Quảng Bình có độ tuổi lao động sớm (dưới thời phong kiến, ở nông thôn độ tuổi từ 13 - 14 đã tham gia lao động) đây là động lực lớn làm cho nông nghiệp Quảng Bình phát triển. Tuy nhiên, do tồn tại một thời gian dài trong nền kinh tế tự cung, tự cấp và sau đó là cơ chế quan liêu, bao cấp nên hầu hết nhân lực lao động không được cập nhật kiến thức kịp thời và không tương thích với tính chất và đặc điểm của nền kinh tế trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tình trạng phân bố dân cư không đều, trình độ dân trí ở một số vùng còn thấp, lối sản xuất theo tập tục, lạc hậu đã hạn chế đến khả năng phát triển kinh tế - xã hội nông thôn Quảng Bình nói chung và năng suất, sản lượng nông, lâm nghiệp, thuỷ sản nói riêng. Một tỷ lệ khá cao trong cộng đồng dân cư còn ở diện đói nghèo. Tình trạng này kéo dài hàng thế kỉ qua nhưng chưa giải quyết được.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, người nông dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, được chia ruộng đất và có quyền sở hữu ruộng đất để canh tác. Vì vậy, nền kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp Quảng Bình bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau khi đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại chủ quyền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ, cả nước cùng chung sức thực hiện công cuộc kiến thiết đất nước. Từ khi có đường lối Đổi mới toàn diện nền kinh tế – xã hội của Đất nước và chính sách mở cửa, hội nhập với xu thế chung của khu vực và thế giới, và từ khi có Quyết định của Quốc hội chia tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, tỉnh Quảng Bình tái thiết lập và xây dựng theo địa giới hành chính cũ, Quảng Bình có cơ hội thuận lợi để khai thác nguồn lực và tiềm năng, thúc đẩy phát triển phát triển kinh tế – xã hội.

Từ năm 1990 đến nay, do sự thay đổi của cơ chế sản xuất và các chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, sáng tạo của Đảng như khoán 10, cuộc cách mạng về giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, cùng với chính sách mở cửa, giải phóng sức lao động của nhân dân khỏi những ràng buộc của cơ chế quan liêu, bao cấp, nền kinh tế – xã hội của địa phương nói chung và lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp nói riêng đã có những chuyển biến căn bản.



1.1. Các vùng sinh thái nông, lâm, ngư nghiệp

- Sinh thái rừng

Nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn, Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi một khu vực sinh thái rừng rộng lớn với đa dạng các hình thế địa hình, hình sông thế núi gập ghềnh, eo hẹp, núi cao, suối sâu, dốc đứng, rừng rậm khá hiểm trở đã chứa đựng trong nó một quần thể động thực vật phong phú với nhiều nguồn gen quý hiếm. Thiên nhiên hùng vĩ đã ban tặng cho Quảng Bình hệ thống núi đá vôi hiểm trở với hệ thống hang động tự nhiên kỳ thú. Đi từ Bắc vào, đầu tiên là khối núi Phucôpi cao 2017m, nơi bắt nguồn của sông Gianh, chảy thấp dần về phía Nam và kết thúc ở Đèo Mụ Giạ với độ cao 418m. Tiếp đó là vùng đá vôi Kẻ Bàng - Khe Ngang có sông ngầm là chủ yếu. Sông Troóc và sông Chày đều do nguồn nước Động Phong Nha cung cấp. Sự đa dạng sinh học của khu Phong Nha - Kẻ Bàng được quyết định bởi sự đa dạng về sinh cảnh: núi đá vôi, núi đất, sinh cảnh trong các thung lũng, sinh cảnh hang động mà các nơi khác không thể nào có được.

Vùng núi đá vôi Kẻ Bàng có quá trình karst phát triển mạnh, tạo địa hình đá vôi hiểm trở với diện tích vùng núi rộng nhưng trên mặt lại ít gặp dòng chảy ngầm, vài thung lũng nhỏ được bao bọc bởi các vách núi dựng đứng với độ cao trung bình từ 500-700m. Cấu trúc trên núi đá vôi dựng đứng phức tạp với độ dốc cao từ 15 đến 20 mét. Độ che phủ gần như tuyệt đối.

Tiếp theo khối núi đá vôi dựng đứng là nhóm sinh thái núi đá vôi có độ cao 500-600m. Trong hệ sinh thái này chứa đựng quần thể thực vật sinh trưởng trên lớp phủ bề mặt với mùn thô dày 5-10m và hệ sinh vật sinh trưởng ăn sâu vào hệ thống đứt gãy của khối đá. Động thực vật trong hệ sinh thái này có nhiều loại đặc hữu hẹp tuỳ thuộc độ cao và hình thế của núi đá.

Nhóm sinh thái trên núi đá thấp có độ cao từ 200-400m có địa hình phức tạp, thảm thực vật nhiều tầng, quần thể động vật nhiều chủng loại.

Nhóm sinh thái núi đất có độ cao 300-400m là nhóm có vị trí liền kề hoặc xen lẫn hệ thống núi đá vôi ở khu vực phía Bắc của địa bàn và một số núi đất nằm độc lập thuộc khu vực phía Tây Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ. Hình thế phổ biến của nhóm núi đất này có độ dốc 30-35o, đất có lớp mùn dày 5-7cm. Đây là khu vực có đặc điểm sinh thái thuận lợi cho quần thể động thực vật phát triển.

Nhóm sinh thái trên sườn dốc nằm rải rác khắp các địa bàn trong tỉnh, là khu vực liền kề giữa vùng núi và vùng gò đồi, có độ dốc từ 20-50o, quần thể động thực vật nghèo thành phần.

Nhóm sinh thái các thung lũng có nhiều dạng, nằm rải rác giữa các khối núi, ven sông, suối, có độ cao khác nhau. Đây là khu vực chứa đựng những quần thể nhỏ, thường xuyên biến động.

Nhóm sinh thái trên hệ thống các núi thấp và đất phẳng có bề mặt được che phủ bởi lớp tán rừng có từ 3 đến 4 tầng, quần thể động thực vật phát triển thuận lợi, đa dạng thành phần.

Trong điều kiện đa dạng sinh thái rừng như vậy, với diện tích rừng 486.688 ha, bao gồm rừng tự nhiên 447.837 ha, rừng trồng 38.851 ha, diện tích không có rừng 146.386 ha, rừng Quảng Bình chứa đựng sự đa dạng thực vật gồm có 138 họ, 401 chi, 640 loài, trong đó có nhiều loại gỗ quý như lim, gụ, mun, huỵnh, thông và nhiều loại mây tre, lâm sản quý khác. Quảng Bình là một trong những tỉnh có trữ lượng gỗ cao trong toàn quốc. Hiện nay trữ lượng gỗ là 31triệu m3 và chứa đựng đa dạng động vật gồm 493 loài, 67 loài thú, 48 loài bò sát, 297 loài chim, 61 loài cá, có nhiều loại quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, gấu, hổ, sao la, mang lớn, gà lôi lam đuôi trắng, gà lôi lam mào đen, trĩ…

Khu vực sinh thái rừng đa dạng đã cho Quảng Bình nguồn tài nguyên vô tận để phát triển kinh tế lâm nghiệp.

- Sinh thái gò đồi

Chuyển tiếp từ vùng đá vôi ở phía Tây xuống đồng bằng phía Đông là vùng núi thấp. Đại bộ phận những quả đồi ở vùng đệm này thường có dạng bát úp, độ dốc thấp. Từ xa xưa, rừng già lan tỏa xuống khu vực này nhưng nay chỉ còn cây thấp, nhiều nơi trơ trọi tạo nên vùng sinh thái gò đòi với diện tích 1.677,95 km2, chiếm 19,7% tổng diện tích đất tự nhiên.

Vùng gò đồi có độ cao từ 50-250m, độ dốc trung bình từ 30 trở lên. Vùng gò đồi Quảng Bình nằm trong địa giới 87 xã kéo dài theo chiều dọc của tỉnh. Địa hình vùng gò đồi hẹp và dốc, dòng chảy các sông đều chạy theo hướng cắt ngang địa hình, nhiều dãy núi vươn ra tận bờ biển nên địa hình vùng gò đồi phức tạp và bị chia cắt tương đối mạnh. Do đặc điểm bị chia cắt nên vùng gò đồi Quảng Bình tuy có kết dải nhưng không thuần nhất. Trong từng tiểu vùng đồng thời tồn tại cả khu vực bồi tích và bào mòn. Các tính chất hoá lý của đất chênh lệch nhau rất xa.

Dưới tác động của kiến tạo địa chất và quá trình phong hoá, vùng gò đồi Quảng Bình có thể chia làm 3 khu vực:

+ Khu vực Lệ Thuỷ, Quảng Ninh có đặc trưng vùng bazan thoái hoá, địa hình chia cắt mạnh, tầng đất mỏng và không đều. Sự chênh lệch giữa đồi và núi thấp không đáng kể nhưng sự chênh lệch giữa đồi và đồng bằng khá xa.

+ Khu vực Bố Trạch giới hạn từ tây sông Long Đại đến phía nam sông Gianh bao gồm một phần đất Quảng Ninh, Đồng Hới, Tuyên Hoá, trung tâm là huyện Bố Trạch. Khu vực này có địa hình liền dải, rộng, tầng đất dày, ít chia cắt.

+ Khu vực bắc sông Gianh bao gồm địa hình Quảng Trạch và một phần huyện Tuyên Hoá. khu vực này có 2 tiểu vùng: tiểu vùng Tuyên Hoá đất gò đồi xen núi thấp, tầng dày. Tiểu vùng Quảng Trạch đất liền dải nhưng phong hoá mạnh.

Một số vùng đồi có đất đỏ bazan rất phù hợp với trồng cây công nghiệp.

Trong lịch sử phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Bình, phần lớn diện tích vùng sinh thái gò đồi là vùng hoang hoá, đất đai cằn cỗi, không có khả năng sinh lợi trong điều kiện nền kinh tế tự cung, tự cấp. Ngày nay, vùng sinh thái gò đồi chính là khu vực chứa dựng nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp toàn diện, trong đó dấu hiệu của một nền kinh tế hàng hoá trong nông lâm nghiệp ở vùng gò đồi đã bắt đầu xuất hiện và có cơ hội phát triển, hội nhập vào nền kinh tế thị trường.

- Vùng sinh thái đồng bằng ven biển, ven sông

Vùng sinh thái đồng bằng có tổng diện tích 866,90 km2 chiếm 10,95% diện tích đất tự nhiên.

Vùng đồng bằng ven biển là vùng đất hẹp nằm giữa chân vùng đồi phía tây và động cát ven biển phía đông. Diện tích trồng lúa đã ít lại bị thu hẹp dần do sự tồn tại của các cồn cát di động ven biển. Độ cao trung bình của dải đồng bằng ven sông là 20-30m, tối đa 50-60m so với mặt nước biển. Có nơi như vùng Hạc Hải thuộc địa bàn 2 huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh thấp hơn mặt nước biển tới 2m.

Nhìn chung dải đồng bằng Quảng Bình hẹp, nơi rộng nhất 26 km bề ngang, nơi hẹp nhất khoảng 10 km. Các đồng bằng liền dải chủ yếu là đồng bằng Lệ Thuỷ, Quảng Ninh 248 km2, đồng bằng Quảng Trạch 161 km2.

+ Đồng bằng đồi có độ cao 25-50m chiếm 4% diện tích lãnh thổ, được hình thành trong quá trình san bằng các đá trầm tích hạt thô, bị phong hoá mạnh bởi quá trình ngoại sinh.

+ Đồng bằng ở độ cao dưới 25m tương đối bằng phẳng, chiếm 8% diện tích lãnh thổ được tạo thành bởi bồi tích sông và trầm tích biển, thường gặp ở các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Đồng Hới, Quảng Trạch. Trong đó, vùng đồng bằng ven biển có độ cao dưới 10m phân bố chủ yếu ở hạ lưu các con sông lớn trong tỉnh, tạo thành những bình nguyên và bồn trũng thuộc các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, có tổng diện tích 54.000 ha chiếm 6% diện tích toàn tỉnh. Vùng này bao gồm 2 tiểu vùng:

+ Tiểu vùng đồng bằng phù sa có diện tích khoảng 44.000 ha chiếm gần 80% diện tích dải đồng bằng ven biển, phân bố chủ yếu ở lưu vực trung lưu và hạ lưu các nhánh sông Kiến Giang, Long Đại, sông Gianh tạo nên 2 đồng bằng chính là Lệ Ninh và Nam Quảng Trạch.

+ Tiểu vùng đất nhiễm mặn và phèn nằm ở các cửa sông giáp với biển, có khoảng 10.000 ha chiếm 20% diện tích dải đồng bằng ven biển, một phần diện tích bị nhiễm mặn do thuỷ triều, một phần diện tích nhiễm phèn do vật liệu sinh phèn phát triển trong môi trường yếm khí và mặn mạch, có nhiều ở các vùng thuộc hạ lưu sông Nhật Lệ, sông Gianh và sông Roòn.

Khu vực sinh thái đồng bằng là địa bàn phát triển nông nghiệp chính của người dân Quảng Bình xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử. Đây chính là khu vực chứa đựng toàn bộ nguồn lực nông nghiệp truyền thống, đảm bảo cho sự tồn tại của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình qua nhiều thế hệ. Sinh thái đồng bằng mang lại nguồn lợi chủ yếu cho nền nông nghiệp tự cung, tự cấp, trong đó chủ yếu là sản xuất cây lương thực với đối tượng chính là cây lúa. Một phần diện tích vùng sinh thái đồng bằng được sử dụng để trồng một số cây ngũ cốc khác bổ sung cho nguồn lương thực chính là cây lúa nhưng tỷ trọng không lớn và không có khả năng trở thành hàng hoá. Những diện tích ao hồ và mặt nước trong khu vực sinh thái đồng bằng cũng được tận dụng để nuôi các loại thuỷ sản nước ngọt và nước mặn – lợ nhưng cũng chỉ đủ để cung cấp cho đời sống hàng ngày của người dân, không có khả năng trở thành hàng hoá.

Từ khi có cơ chế đổi mới chính sách phát triển nông nghiệp toàn diện của Nhà nước, trên vùng sinh thái đồng bằng đã bắt đầu có sự đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, đa dạng hoá ngành nghề và lao động nên kinh tế nông nghiệp trên vùng sinh thái đồng bằng đã bắt đầu có những chuyển biến theo hướng vừa giải quyết an ninh lương thực cho toàn bộ cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, vừa đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện theo mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hoá, từng bước thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.



- Sinh thái biển và đới ven bờ

Vùng ven biển chủ yếu là dải cát nội đồng hình lưỡi liềm hay hình rẽ quạt có tổng diện tích 358,40 km2 chiếm 4% tổng diện tích đất tự nhiên, độ cao từ 3-4m đến 50m, phân phối suốt chiều dài bờ biển của tỉnh.

Vùng cát ven biển có chiều rộng và chiều cao tăng dần từ Bắc vào Nam, ở phía Bắc dải cát hẹp và thấp, có chiều rộng từ 300-400m độ cao từ +5 đến +10m, càng về phía Nam dải cát càng mở rộng (từ 1-6km), có độ cao 17-20m, có đỉnh đạt đến độ cao 50m. Địa hình mặt dải cát rất phức tạp. Có thể phân chia thành 3 vùng chính:

+ Vùng phía Bắc tỉnh, giới hạn từ Mũi Dốc đến sông Gianh, là vùng kém phát triển, bề rộng dải cát từ 600-1.500m, độ cao phổ biến 5m. Địa hình đơn giản, hình sống trâu, dốc về 2 phía.

+ Vùng từ sông Gianh đến Lý Hoà. Bề rộng dải cát khoảng từ 600-1.000m, độ cao phổ biến +10, địa hình dạng sống trâu. Độ dốc có nơi 30-400.

+ Vùng từ cửa Lý Hoà đến Nhật Lệ. Độ rộng tăng dần từ 1.000-1.800m, độ cao phổ biến tăng từ 10-20m. Địa hình, địa mạo khá phức tạp. Có nhiều đồi cát cao và dài, mái dốc 50-600, có nhiều bậc lỡ về phía biển.

+ Vùng từ cửa Nhật Lệ đến giáp Vĩnh Linh. Bề rộng 4-6 km, độ cao 30-40m có đỉnh cao 50m, nhiều dải cát dài nối liền nhau xen lẫn nhiều khối cát cao và bồn trũng. Địa hình phức tạp và thường xuyên biến động do tác động ngoại lực của thời tiết khí hậu.

Sự xuất hiện hệ thống cồn cát ven biển là yếu tố địa hình bất lợi nhiều mặt. Dưới tác động của gió, hiện tượng cát bay, cát chảy đã làm cho các cồn cát tiến dần về phía lục địa, thu hẹp đồng bằng ven biển vốn dĩ đã nhỏ bé lại càng nhỏ bé hơn, làm tăng tình trạng úng lụt vùng cửa sông, nhất là cửa sông Nhật Lệ.

Những cồn cát, đụn cát chảy dọc ven biển là đặc điểm riêng của Quảng Bình so với các tỉnh ven biển trên đất nước ta. Nhờ hệ thống đụn cát này mà tạo ra các vũng vịnh, bàu, đầm ven biển. Dần dần các vũng, vịnh được trầm tích lấp đầy tạo thành đồng bằng màu mỡ như huyện Lệ Thủy. Hiện tượng các trằm, bàu nước ngọt như Bàu Tró, Bàu Khê, Bàu Sen là kết quả sót lại của các trầm tích bàu cổ chưa bị lấp đầy.

Ngoài các vùng sinh thái nói trên, nền kinh tế nông thôn Quảng Bình còn chịu sự tác động sinh thái từ hệ thống sông ngòi xen kẻ trong hầu hết các khu vực sinh thái tự nhiên trên địa bàn. Quảng Bình có sông ngòi nhiều nhưng ngắn và dốc. Tất cả đều bắt nguồn từ hệ thống khe nước và các mạch nước ngầm ở sườn Đông dãy Trường Sơn rồi đổ ra biển. Quảng Bình có 05 con sông với hàng chục chi lưu chủ yếu chảy theo hướng Tây Bắc-Đồng Nam. Từ Bắc vào là sông Roòn, sông Gianh (rộng và dài nhất: 154 km), sông Lý Hòa, sông Dinh (ngắn và hẹp nhất) và sông Nhật Lệ (chảy ngược từ hướng Đồng Nam-Tây Bắc rồi ra biển). Sông ngòi Quảng Bình có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, giao thông và nguồn thủy sản cho con người.

Quảng Bình là địa bàn có nhiều tài nguyên với trữ lượng khá lớn đã khai thác và có khả năng khai thác sử dụng trong các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và phát triển công nghiệp như nguyên liệu cho công nghiệp vật liệu xây dựng, xi măng, sứ, thủy tinh, chế biến gỗ, chế biến hải sản... nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nông nghiệp phong phú, đa dạng đã tạo điều kiện cho cộng đồng cư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phát triển nhiều loại ngành nghề khác nhau, tạo nên bức tranh kinh tế phong phú và đa dạng.

2. CÁC LĨNH VỰC KINH TẾ



tải về 1.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương