Chương XIII: cuộc kháng chiến chống mỹ, CỨu nưỚC



tải về 413.47 Kb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích413.47 Kb.
#13263
  1   2   3   4   5
Chương XIII: CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
Trước thất bại của chiến lược " Chiến tranh đặc biệt" trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược " Chiến tranh cục bộ" và tăng cường các hoạt động quân sự chống phá miền Bắc.

Sau hàng loạt hoạt động khiêu khích quân sự có hệ thống, ngày 05 tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ dựng lên " Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" để đánh lừa dư luận thế giới và trong nước Mỹ, chính thức dùng không quân và hải quân đánh phá, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại với quy mô lớn và tàn bạo đối với miền Bắc, thực hiện nưu đồ ngăn chặn sự chi viện của bạn bè quốc tế vào miền Bắc và từ miền Bắc vào miền Nam, phá hoại tiềm lực quốc phòng - kinh tế và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Để đối phó với hành động khiêu khích chiến tranh của Mỹ - Nguỵ, Tỉnh uỷ đề ra nhiệm vụ cấp thiết cho các ngành, nhất là lực lượng vũ trang về công tác sẵn sàng chiến đấu. Tỉnh đội Quảng Bình triển khai phương án tác chiến, hợp đồng với các đơn vị chủ lực đứng chân trên địa bàn để thống nhất chỉ huy, sẵn sàng đánh địch.

1. Trận đầu đánh thắng không quân Mỹ

Đầu tháng 8 năm 1964, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ thị đi đôi với việc xây dựng và phát triển lực lượng, đẩy mạnh công tác động viên tuyển quân, thực hiện công tác hậu cần tại chỗ, chuẩn bị cơ sở vật chất cho các lực lượng vũ trang hoạt động và chiến đấu...

Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1964, cùng với cả nước, lực lượng vũ trang Quảng Bình luôn luôn theo dõi, bám sát các hoạt động của địch.

Ngày 31 tháng 7, Mỹ - Nguỵ cho máy bay ném bom, bắn phá đồn biên phòng Nậm Cắn ở phía tây Nghệ An ( cách biên giới Việt - Lao 7 ki lô mét) và làng Noọng Dẽ ( cách biên giới Việt - Lào 20 ki lô mét). Cùng ngày, tàu khu trục Ma - đốc mang số hiệu 731 thuộc hạm đội 7 của Mỹ tiến vào vùng biển phía nam đảo Cồn Cỏ và Quảng Bình hoạt động do thám.

Đêm 31 tháng 7, rạng ngày 01 tháng 8 năm 1964, tàu Ma đốc tiến sâu vào vùng biển Quân khu 4, đi qua khu vực Đèo Ngang( Quảng Bình), Hòn Mát ( Nghệ An), Hòn Mê , Lạch Trường ( Thanh Hoá ) để do thám mạng lưới bố phòng, thăm dò lực lượng và cách đối phó của ta.

Đêm 03 tháng 8, được các tàu chiến Mỹ hỗ trợ, tàu biệt kích của quân nguỵ Sài Gòn đã bắn phá vào cửa sông Roòn và khu vực Đềo Ngang.

Chiều ngày 04 tháng 8, tàu sân bay Côn -xten - lây - sơn và 3 tàu khu trục ; Tàu sân bay Ti - cơn - đô - rê - ga và 4 tàu khu trục, 3 tàu khu trục hoạt động độc lập là Ma- đốc, toóc - nơ - gioi và En - la cùng với tàu tuần dương Au - la - hâu - ma - xi - ti và một số tàu đổ bộ của hải quân Mỹ đã tập kết trên vùng biển Việt Nam (A12:100). Ngày 05 tháng 8 năm 1964, Mỹ sử dụng hơn 60 máy bay trinh sát may bay tiêm kích, cường kích AD6, A3J, F8U, F4H... trên hai tàu sân bay Côn -xten - lây - sơn và Ti - cơn - đô - rê - ga bất ngờ tiến công hầu hết các căn cứ , khu trú đậu và lực lượng tàu thuyền của hải quân trên tuyến ven biển miền Bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. từ 12 giờ 30phút đến 17 giờ, thực hiện kế hoạch "Mũi tên xuyên" , không quân Mỹ đã cho cất cánh gần 100 lần chiếc máy bay ,mở 3 đợt tiến công hòng tiêu diệt hải quân ta.

10 phút sau khi cuộc chiến đấu ở vùng biển Cửa Hội,Vinh xẩy ra, nhiều tốp máy bay phản lực Mỹ đã đánh vào Cảng Gianh, cửa sông Roòn. Bộ đội phòng quân, hải quân, bộ đội địa phương , công an nhân dân vũ trang, dân quân - tự vệ kịp thời tổ chức lực lượng, phối hợp đánh trả chúng quyết liệt.

Tại cảng Gianh, khi có lệnh báo động, các tàu hải quân đã nhanh chóng cơ động triển khai chiến đấu. Các tàu 181, 183, thuộc phân đội 7 đã nổ súng kịp thời từ đợt công kích đầu tiên của máy bay Mỹ. Tiếp đó, các tàu 173, 175, 177 và các trận địa súng máy, cao xạ hai bên bờ sông Gianh đều nổ súng đánh trả. 4 giờ sau, 5 chiếc F8U tiếp tục lao vào đánh phá Cảng Gianh. Cuộc chiến đấu diễn ra mỗi lúc một ác liệt. Lực lượng dân quân các xã Quảng Phúc, Quảng Thọ, Quảng Thuận, tự vệ ngư trưởng Sông Gianh... hiệp đồng chiến đấu, chi viện kịp thời cho lực lượng hải quân. Anh chị em dân quân hai bên bờ sông Gianh chèo thuyền, lội sông ra các tàu tiếp đạn. Với tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của các lực lượng vũ trang, kẻ thù đã không thực hiện được ý đồ tiêu diệt các tàu và căn cứ của hải quân ta.

Ở vùng Roòn, từng tốp máy bay Mỹ rà sát mặt biển, luồn lách dọc theo các đồi cát tập kích vào chiếc tàu đo đạc mang số hiệu 527 của hải quân đang làm nhiệm vụ. Thuyền trưởng Bùi Gia Anh chỉ huy đơn vị đánh trả quyết liệt; vừa chiến đấu, vừa cơ động vào gần bờ để tranh thủ hoả lực chi viện của dân quân địa phương. Dân quân xã Cảnh Dương đã nổ sung chi viện kịp thời cho tàu 527. Cùng lúc, các cỡ súng của dân quân hai bên bờ sông Roòn và tàu 527 thi nhau nhả đạn. Chiếc máy bay đi đầu bị bắn bị thương kéo theo một vệt khói đen dài chuồn ra biển. Tối 05 tháng 8 năm 1964, cả nước reo vui đón mừng tin chiến thắng. Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân thông báo chính thức trên làn sóng điện của Đài tiếng nói Việt Nam : " ... Trong các đợt bắn phá và ném bom của máy bay phản lực Mỹ, các đơn vị bộ đội phòng không, hải quân và các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã bắn rơi 8 máy bay địch: Một chiếc rơi ở ngoài khơi cách Cửa Hội 25 ki lô mét về phía đông bắc, một chiếc ở vùng Hà Tu (Quảng Ninh), hai chiếc ở Lạch Trường ( Thanh Hoá) , một chiếc ở vùng Hương Sơn( Hà Tĩnh), một chiếc rơi cách Lý Hoà ( Quảng Bình) 30 ki lô mét về phía đông, một chiếc ở cửa sông Đáy ( Ninh Bình) và bắn bị thương 3 chiếc khác, bắt sống 1 tên trung uý giặc lái Mỹ" (A192).

Chiến thắng ngày 05 tháng 8 đã mở đầu trang sử chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Quảng Bình. Đồng thời chứng minh sự trưởng thành của lực lượng vũ trang địa phương qua 10 năm xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Để động viên khí thế của quân và dân trong tỉnh quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ngày 28 tháng 10, Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh tổ chức lễ mừng công đón Huân chương của Chính phủ, cờ " Chiến công oanh liệt, truyền thống vẻ vang" của Trung ương Đoàn. Đồng thời trao bằng khen của tỉnh cho các đơn vị, cá nhân xuất sắc trong trận đánh ngày 05 tháng 8 năm 1964.

Ngày 16 tháng 10, máy bay Mỹ đánh phá dọc tuyến đường chiến lược miền Tây. Đồn công an nhân dân vũ trang Cà Xèng, Cha Lo và dân quân địa phương đã đánh trả quyết liệt. 15 giờ cùng ngày, chiếc máy bay T28 đi đánh phá về bị thương, buộc phải hạ cánh xuống vùng Thủ Thừ (Quảng Ninh) . Ta thu chiếc máy bay còn nguyên vẹn, bắt sống giặc lái.

Để tăng cường lực lượng phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, ngày 08 tháng 11 năm 1964, tại sân vận động thị xã Đồng Hới, Tiểu đoàn bộ binh 45 được thành lập. Đây là bước chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Sau khi ổn định tổ chức biên chế, Tiểu đoàn đã xây dựng phương án tác chiến, huấn luyện; thực hiện cuộc vận động lớn " Xây dựng Quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại" do Quân uỷ Trung ương phát động. Cùng với việc thành lập Tiểu đoàn bộ binh 45, tỉnh phát triển thêm lực lượng cao xạ, 12,7ly, đặc công, bộ đội địa phương huyện.

Trưa ngày 18 tháng 11 năm 1964, máy bay Mỹ đến bắn phá mục tiêu của đại đội 3 bảo vệ. Lợi dụng núi cao, rừng rậm, từng tốp máy bay Mỹ thay nhau lao xuống ném bom, bắn rốc két vào trận địa. Tiếp theo khẩu lệnh chiến đấu của Đại đội trưởng Lê Hữu Mai, trận địa vang lên lời động viên của chính trị viên Nguyễn Viết Xuân: "Phản lực Mỹ không có gì đáng sợ. Nhằm thẳng quân thù mà bắn!". Các khẩu đội nổ súng giòn giã. Chiếc đi đầu trúng đạn bốc cháy rơi ngay trên đỉnh núi. Nguyễn Viết Xuân bị thương gãy nát đùi bên phải, máu chảy đầm đìa. Anh dựa vào thành công sự để nhìn rõ trận địa và cùng với đại đội trưởng Lê Hữu Mai tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Biết tin Nguyễn Viết Xuân bị thương nặng, cả trận địa hô vang : " Trả thù cho chính trị viên. Nhằm thẳng quân thù mà bắn!".

Kết thúc trận chiến đấu , đại đội 3 cùng với các đại đội trong Tiểu đoàn 14 đã bắn rơi 1 chiếc R.F01 và 2 máy bay T28, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bảo vệ được một mục tiêu trọng điểm trên tuyến giao thông chiến lược ở miền tây Quảng Bình.

Nguyễn Viết Xuân đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho đồng chí, đồng đội tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xả thân hy sinh vì nhân dân, vì Tổ quốc.

Khẩu lệnh chiến đấu của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân đã trở thành mệnh lệnh bắn máy bay Mỹ không những ở trong binh chủng cao xạ mà cả trong các quân, binh chủng, các lực lượng vũ trang cả nước(1). Ngọn cờ Nguyễn Viết Xuân đã tạo một bước phát triển mới của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong toàn quân khu, quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược " Chiến tranh đặc biệt", từ đầu năm 1965 , đế quốc Mỹ đã từng bước đưa lực lượng chiến đấu vào miền Nam; đồng thời mở rộng hoạt động của không quân, hải quân tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. Chúng coi đó là một bộ phận không thể thiếu được, một " biện pháp bổ sung chứ không phải là biện pháp thay thế cho cuộc chiến tranh trên bộ của Mỹ ở miền Nam". Chúng hung hăng đe doạ: " ... Bắc Việt Nam hãy sờ lên gáy, nếu không, chúng ta sẽ ném bom tàn phá tan hoang, đẩy lùi Bắc Việt Nam về thời đại đồ đá. Dưới bom đạn Mỹ, Bắc Việt Nam không chịu nỗi vài tuần"(A35:199).

Thực hiện mưu đồ đó, Mỹ - Nguỵ ngày càng tăng cường các hoạt động khiêu khích trên hai tuyến núi, biển Quảng Bình. Máy bay Mỹ nhiều lần ném bom xuống đường 12A. Số lần máy bay trinh sát xâm phạm không phận ngày càng tăng, tháng 01 năm 1965 lên tới 120 lần/ tốp. Hoạt động gián điệp, biệt kích ngày càng nhiều, cả đường không, đường biển.

Ngày 07 tháng 02 năm 1965, vinh cớ " Trả đũa việc quân giải phóng miền Nam tiến công căn cứ Mỹ ở Plây- cu", đế quốc Mỹ cho 49 máy bay xuất phát từ các tàu sân bay Cô - ran - xin , Hen - côc, Ren - giơ đậu ở ngoài khơi Đà Nẵng, tiến hành chiến dịch " Mũi lao lửa I" đánh phá Quảng Bình, mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc.

Ngay từ phút đầu, đại đội 12 Ra đa của Đoàn Sông Mã ( chốt ở Lộc Đại, Lộc Ninh) đã phát hiện được máy bay địch và thông báo cho Ban Tác chiến Tỉnh đội Quảng Bình. Cùng lúc, trạm quan sát Ngư Thuỷ ( Lệ Thuỷ) cũng phát hiện nhiều tốp máy bay phản lực Mỹ từ biển đông bay vào.

Tại thị xã Đồng Hới, mặc dù địch chọn thời điểm tiến công bất ngờ ( trưa ngày chủ nhật, sau tết), nhưng khi máy bay Mỹ lao xuống trong tầm bắn có hiệu quả thì hoả lực pháo cao xạ , súng máy , súng trường của bộ đội chủ lực, hải quân, bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang, dân quân, tự vệ đã đánh trả kịp thời. Một chiếc máy bay địch trúng đạn bốc cháy lao xuống biển, một chiếc khác nổ tung khi chưa kịp gây tội ác. Lợi dụng khói bom mịt mù, một chiếc máy bay từ biển luồn thấp định đánh lén tàu hải quân. Song chúng không đánh lừa được cán bộ, chiến sỹ tàu 161, 171. Dưới sự chỉ huy của Trung uý phân đội trưởng Đàm Cần, các pháo thủ đã kịp thời quay nòng pháo bắt mục tiêu và đồng loạt nổ súng, buộc chúng phải tháo chạy.

Trận đầu đọ sức với máy bay Mỹ đã xuất hiện nhiềm tấm gương chiến đấu dũng cảm. Đồng chí Lê Ngọc Lễ, Bí thư Chi bộ thôn Phú Xá (Lộc Ninh), Phạm Tín, dân quân xã Nhân Trạch (Bố Trạch), Lê Công Phón, dân quân thôn Phú Hội (Lộc Ninh), hạ sỹ Nguyễn Tiến Đưng (đại đội I công an nhân dân vũ trang) đã lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội bắn máy bay Mỹ.

Hình ảnh mẹ Suốt chèo đò chở bộ đội qua sông, chiến sỹ dân quân Nguyễn Văn Tối và các em bé Bảo Ninh phối hợp chiến đấu, tiếp đạn cho tàu hải quân đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần dũng cảm đánh địch của bộ đội.

Qua hai đợt chiến đấu, Quảng Bình bắn rơi, bắn cháy 4 máy bay Mỹ. Trong số máy bay bị bắn rơi có một chiếc A4D rơi tại biển Nhân Trạch (Bố Trạch) , cách bờ 1.200mét, ở độ sâu 9 - 10 sải nước. Thường vụ Tỉnh uỷ giao cho Tỉnh đội tổ chức vớt xác máy bay, tìm giặc lái.

12 giờ ngày 08 tháng 02, đế quốc Mỹ sử dụng 120 lần chiếc tiếp tục đánh phá thị xã Đồng Hới và các vùng phụ cận. Đồng thời chúng mở rộng diện đánh vào các xã Ngư Thuỷ, Sen Thuỷ ( Lệ Thuỷ). Ngày 08 tháng 02, các lực lượng phòng không ta bắn hạ 3 máy bay Mỹ.

Tối 08 tháng 02, sau cuộc mít tinh tuần hành chào mừng chiến thắng, Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức cuộc họp quán triệt chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Rút kinh nghiệm, bàn kế hoach chuẩn bị đánh lớn, đánh lâu dài, sẵn sàng đối phó với tình huống địch đánh mạnh và mở rộng phạm vi đánh phá. Tinh thần và nhiệm vụ hội nghị đề ra được quán triệt xuống các địa phương, đơn vị, các ngành. Lực lượng dân quân, tự vệ các xã, các ngành tổ chức rút kinh nghiệm về công tác chỉ huy, hợp đồng chiến đấu. Các khu vực trọng điểm được tỉnh soát xét lại lực lượng, tăng thêm trang bị.

Tối 10 tháng 02, nhận được điện của Bộ Quốc phòng, Thường vụ Tỉnh uỷ họp khẩn cấp thông báo âm mưu địch, đề ra nhiệm vụ, bổ sung kế hoạch và quyết định tổ chức sơ tán nhân dân thị xã về các vùng lân cận. Được các lực lượng hỗ trợ, ngay đêm đó, 7.000 dân thị xã và 40 cơ quan cấp tỉnh đã rời khỏi thị xã trước lúc trời sáng.

Lấy cớ " Trả đũa" quân ta tiến công một trại lính Mỹ ở Quy Nhơn, đế quốc Mỹ mở chiến dịch "Mũi lao lửaII"đánh vào Quảng Bình.

13 giờ ngày 11 tháng 02, 60 máy bay Mỹ lại đánh phá Đồng Hới và một số vùng phụ cận thị xã. Rút kinh nghiệm các trận đánh trước, lần này, các lực lượng phòng không phối hợp nhịp nhàng , nổ súng giòn gã. Mấy phút đầu chiến đấu, các lực lượng phòng không đã bắn rơi 1 chiếc F8U, bắt sống thiếu tá Rô - bớt - Su - mếch - cơ , phi công vũ trụ của Mỹ tại đồi Lý Ninh. Tại khu vực phụ cận sân bay, nơi đại đội cơ động công an nhân dân vũ trang đang đóng (doanh trại Trung đoàn 18 cũ), máy bay Mỹ đã trút xuống hàng trăm quả bom các loại. Cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị vẫn kiên cường bám trận địa đánh trả máy bay Mỹ.

Tại cảng Gianh, Đại đội 54, các phân đội súng máy của hải quân, tự vệ ngư trường sông Gianh và dân quân các xã hai bên bờ sông đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Ngày11 tháng 02 năm 1965, quân và dân Quảng Bình lại ghi tiếp chiến công bắn rơi 6 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái.

Ba ngày mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc (7,8 và 11 tháng 02 năm 1965), đế quốc Mỹ đã bị quân và dân Quảng Bình đánh đòn phủ đầu, bắn cháy, bắn rơi 13 máy bay. giặc lái bị tiêu diệt, bắt sống. Chiến công oanh liệt của quân và dân Quảng Bình đã mở đầu hình thức chiến đấu hiệp đồng của lực lượng phòng không ba thứ quân ( bộ đội chủ lực , bộ đội địa phương, dân quân tự vệ). Chiến dịch " Mũi lao lửa" I và II của đế quốc Mỹ bị quân và dân Quảng Bình đánh trả đích đáng.

2. Vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng tiềm lực để chiến đấu lâu dài với đế quốc Mỹ

Sau hàng loạt thất bại trong tháng đầu tiên mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, đế quốc Mỹ tăg cường trinh sát, mở rộng mục tiêu đánh phá chuyển tư chiến thuật tập kích vào các trọng điểm sang đánh lâu dài trên diện rộng.

Cùng với các đợt đánh phá các mục tiêu quân sự, vùng đồng bằng, đế quốc Mỹ đã mở rộng hoạt động lên tuyến núi. Ngày 25 tháng 3 năm 1965, máy bay Mỹ đã tiến hành nhiều đợt ném bom, bắn phá các trọng điểm trên tuyến đường chiến lược 12A miền tây Quảng Bình. Các đơn vị phòng không, dân quân, tự vệ hiệp đồng chặt chẽ, chiến đấu dũng cảm, bắn rơi, bắn cháy 7 máy bay Mỹ. Tại trận địa bảo vệ cầu Ka Tang, Đinh Thị Thu Ngà, công nhân hạt giao thông Minh Hoá, vừa tiếp cơm cho bộ đội, vừa băng bó , chuyển tải thương binh, liệt sỹ. Pháo thủ hy sinh, chị lên thay làm pháo thủ tiếp đạn suốt trận đánh.

Cuối tháng 3 năm 1965, hầu hết các khu doanh trại Quân đội ở Thuận Lý ( Lý Ninh, Quảng Ninh) , sân bay Đồng Hới, Ba Dốc, tây Hoàn Lão, Vạn Trạch, Bắc Khe Nước ( Bố Trạch), Mỹ Sơn, Mỹ Khoa, Bang ( Lệ Thuỷ), Đồng Lê (Tuyên Hoá)... đều bị đánh thiệt hại . Từ ngày 24 đến ngày 31 tháng 3, máy bay Mỹ tập kích trạm ra đa 530 , 550 ( Đèo Ngang) của hải quân, Trạm ra đa đối không của bộ đội phòng không - không quân ở sân bay Đồng Hới , bị lực lượng phòng không bắn rơi nhiều chiếc. Riêng trận ngày 31 tháng 3, Đại đội 24 phối hợp với phân đội súng máy của Trạm ra đa 530 lập công xuất sắc, bắn cháy 5 chiếc , có 2 chiếc rơi tại chỗ.

Ngày 31 tháng 3 năm 1965, một sự kiện chính trị rất vinh dự, tự hào đến với Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình: Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tặng cờ thưởng luân lưu thi đua " Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" cho lực lượng vũ trang tỉnh. Cờ thường của Bác được rước qua hầu hết các huyện trong tỉnh. Từng huyện tổ chức đón và phát động thi đua lập công bắn rơi nhiều máy bay, bắn chìm, bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ.

Từ ngày 25 đến 27 tháng 3 năm 1965, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị đặc biệt lần thứ XI . Hội nghị nhận định: " Với những âm mưu và hành động mới của đế quốc Mỹ, tình hình một nửa nước có chiến tranh, một nửa nước có hoà bình đã biến thành tình hình cả nước có chiến tranh với hình thức và mức độ khác nhau ở mỗi miền..." Hội nghị xác định: " Miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vừa là hậu phương lớn, nhưng nhiệm vụ của miền Bắc là vừa xây dựng, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa chi viện tiền tuyến miền Nam..." . Hội nghị đề ra nhiệm vụ cấp bách ở miền Bắc là phải " Kịp thời chuyển hướng tư tưởng và tổ chức, chuyển hướng xây dựng kinh tế và tăng cường lực lượng quốc phòng cho phù hợp với tình hình mới..."(A35:122-123).

Nghị quyết của Hội nghị đặc biệt đã được quán triệt trong Đảng bộ và cán bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang Quảng Bình. Quân và dân toàn tỉnh khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu.

Ngày 04 tháng 4, hơn 35 máy bay gồm các loại A4, AD6, F8U từ biển đông chia nhiều hướng lao vào bổ nhào ném bom bắn phá thị xã và cầu Dài. Lực lượng bảo vệ cầu nổ súng đánh trả quyết liệt. Nữ dân quân Trần Thị Lý cùng đồng đội chiến đấu rất dũng cảm. Nguyễn Văn Số , công nhân Ty Bưu điện băng qua bom đạn địch, nối dây giữ liền mạch máu thông tin liên lạc. Sau 90 phút chiến đấu, lực lượng bảo vệ cầu bắn rơi 4 chiếc máy bay Mỹ. (Tại Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua chống Mỹ, cứu nước ngày 01 tháng 01 năm 1967, Trần thị Lý và Nguyễn Văn Số được Quốc hội , Chính phủ tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động).

Phán đoán địch tiếp tục đánh phá cầu Lý Hoà ( trên đường quốc lộ 1A), ngay trong đêm 04 tháng 4, Ban chỉ huy Tỉnh đội lệnh choTiểu đoàn 9 Cao xạ và Phân đội 14ly5 đang làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay, cơ động ra Lý Hoà triển khai trận địa đón đánh địch . Trong hai ngày 7 và 14 tháng 4, các lực lượng phòng không bảo vệ cầu Lý Hoà bắn rơi, bắn cháy 6 máy bay Mỹ.

Ngày 16 tháng 4, địch cho máy bay trinh sát các trọng điểm trên tuyến đường chiến lược 12A. Lúc 14 giờ, một tốp F105 từ phía tây đánh vào trận địa. Mặc dù bom đạn địch phá sạt chiến hào, các khẩu đội tập trung hoả lực nhả đạn. Chiếc máy bay bị trúng đạn, bôc cháy đâm xuống phía tây biên giới.

Tối hôm đó, Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin: " Lúc 15 giờ 30 phút ngày 17 tháng 4 năm 1965, Đồn 111 Công an vũ trang nhân dân Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 trên miền Bắc". Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang và Tỉnh uỷ gửi điện chúc mừng. Đơn vị được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng huân chương quân công hạng ba.

Ngày 19 tháng 4, địch cho 20 máy bay đến đánh cầu Mỹ Đức, 3 chiếc bị bắn rơi. Ngày 20 tháng 4, chúng lại tập trung máy bay ném bom, bắn phá, 7 chiếc bị bắn cháy, cầu chỉ thủng 1 lỗ nhỏ. Ngày 22 tháng 4, địch huy động trên 60 máy bay đến đánh phá, 7 máy bay Mỹ bị bắn rơi. Để đánh 1 chiếc cầu dài chưa đầy 30 mét, địch đã huy động tới 120 máy bay phản lực đánh 3 đợt và phải trả giá: 17 máy bay bị bắn rơi, bắn cháy, cầu mới bị sập.

Chiến thắng của các lực lượng phòng không, nòng cốt là Tiểu đoàn 9 cao xạ, đánh dấu một bước trưởng thành về trình độ tổ chức chỉ huy , hiệp đồng chiến đấu, về nghi binh đánh lừa địch. Tích cực cơ động chiến đấu là một hình thức tác chiến ưu điểm trong chiến thuật tạo thế, tạo lực để giành chủ động đánh địch.

Cùng với đánh phá các mục tiêu quân sự, giao thông vận tải, không quân Mỹ đã đánh vào các mục tiêu kinh tế, nhà máy, xí nghiệp, lò vôi, lò gạch, lò ngói, các công trình thuỷ lợi. Hồ chứa nước Cẩm Ly là trọng điểm bị đánh phá liên tục, vô cùng ác liệt .

Ngày 20 tháng 4 năm 1965, địch tập trung 18 máy bay chia nhiều tầng, nhiều hướng cắt bom, bắn phá suốt 8 giờ liên tục. Trận địa Đại đội 3 mịt mù khói lửa bom đạn, nhưng các pháo thủ vẫn bám trận địa chiến đấu đánh trả địch. Đại đội 3 trải qua hàng chục trận chiến đấu dài ngày căng thẳng, số pháo thủ đã được nhiều lần thay đổi, bổ sung, nhưng chiến sỹ ta vẫn gan không núng, chí không sờn. Nguyễn Hữu Ngoãn 5 lần bị thương vào chân, tay vẫn cố gắng chịu đựng, đạp cò nhả đạn vào máy bay Mỹ( Tại Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sỹ thi đua chống Mỹ, cứu nước ngày 01 tháng 01 năm 1967, Nguyễn Hữu Ngoãn được Quốc hội tuyên dương anh hùng LLVT).

20 giờ ngày 20 tháng 4 năm 1965, Tổ tự vệ Công trường Cẩm Ly (Lệ Thuỷ) do đồng chí Trần Quốc Thản chỉ huy, với 27 viên đạn súng trung liên đã bắn tơi tại chỗ chiếc máy bay AD6 - Đây là chiến máy bay đầu tiên của không quân Mỹ bị dân quân - tự vệ dùng súng bộ binh bắn rơi ban đêm trên miền Bắc(A213:145)

Ngày 28 tháng 4, không quân Mỹ tập trung lực lượng đánh phá dữ dội vào các căn cứ hải quân ta dọc đôi bờ sông Gianh. Suốt 8 đợt chiến đấu, nhân dân hai bên bờ sông Gianh thuộc các xã Văn Hoá, Cảnh Hoá, Phù Hoá (Tuyên Hoá), Quảng Thanh, Quảng Thuận, Quảng Phúc ( Quảng Trạch), Thanh Trạch ( Bố Trạch), Tự vệ Ngư trường Thanh Khê, Đồn 122 Công an nhân dân vũ trang, bộ đội hải quân cùng nhân dân Thanh Khê và câc địa bàn phụ cận đã hợp đồng chặt chẽ, vừa đánh địch , vừa chi viện bộ đội. Nhiều tấm gương dũng cảm, tận tuỵ xuất hiện.Chiến đấu trong điều kiện khó khăn, địch lại có ưu thế hoả lực, nhưng cán bộ, chiến sỹ Hải quân sông Gianh đã kiên cường đánh trả địch, cùng các lực lượng phòng không trên bờ bắn rơi 5 máy bay Mỹ; ta bị chìm 3 tàu, 2 tàu hỏng nặng, 37 đồng chí hy sinh, 73 đồng chí bị thương. Trận chiến đấu tại sông Gianh ngày 28 tháng 4 năm 1965 là một hình ảnh sinh động về sự đoàn kết chiến đấu giữa quân và dân. Qua đó giúp cho chỉ huy và lãnh đạo rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá.

Qua thực tế chiến đấu, lưới lửa tầm thấp của phong trào " Tay cày, tay súng", " Tay búa, tay súng" ngày càng phát triển, trình độ tác chiến được nâng cao một bước. Lúc này toàn tỉnh có 74 tổ săn máy bay gồm 628 người và 441 súng ( 72 trung liên, 46 đại liên, 323 súng trường) . Phong trào bắn máy bay Mỹ ở các địa phương, xí nghiệp... đều hơn và xuất hiện nhiều trận đánh hay. Nhiều tổ dân quân, tự vệ đã độc lập chiến đấu bắn rơi máy bay Mỹ.

Ngày 03 tháng 5 năm 1965, Trung ương đã ra Nghị quyết thành lập Hội đồng Quốc phòng Quân khu 4 (A310:55). Hội đồng gồm một số đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân khu, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh , do đồng chí Lê Hiến Mai, Bí thư Quân khu uỷ kiêm chính uỷ Quân khu làm chủ tịch. Ở Quảng Bình, đồng chí Nguyễn Tư Thoan là uỷ viên Hội đồng quốc phòng Quân khu. Phiên họp đầu tiên, Hội đồng quốc phòng thảo luận, bàn kế hoạch triển khai nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về công tác giao thông và vận tải. Hội nghị quyết định chuyển lực lượng vũ trang Quân khu sang thời chiến: " Quyết tâm lấy chiến tranh nhân dân đánh bại chiến tranh phá hoại, bất luận cuộc chiến tranh đó quyết liệt đến mức nào; quyết tâm lấy chiến tranh nhân dân đánh bại chiến tranh cục bộ nếu địch gây ra trong Quân khu. Sẵn sàng nhận và làm tốt nhiệm vụ chi viện và đi chiến đấu ở " B", " C"(chiến trường miền Nam và Cămpu chia); làm tốt nhiệm vụ bảo vệ sản xuất, bảo vệ an ninh, đập tan mọi hoạt động tập kích , biệt kích. Làm tốt công tác phòng không nhân dân, chuyển hướng hoạt động, sản xuất, sinh hoạt của Nhà nước và của nhân dân địa phương thích hợp thời chiến...".

Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng quốc phòng, tháng 5 năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 phối hợp với Bộ Giao thông vận tải mở hội nghị tại Nam Liên ( Nam Đàn, Nghệ An) bàn công tác đảm bảo giao thông vận tải và thống nhất sự chỉ đạo. Thiếu tướng Lê Hiến Mai, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Tường Lân giao nhiệm vụ " ... Dù bất cứ tình huống nào, Quảng Bình, Vĩnh Linh phải giữ được mạch máu giao thông với khẩu hiệu : Địch phá ta sửa ta đi, chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, công tác giao thông vận tải cũng là giao thông vận tải của nhân dân...". Sau Hội nghị, Quảng Bình thành lập Ban bảo đảm giao thông vận tải tỉnh do đồng chí Phó chủ tịch tỉnh làm trưởng ban, thống nhất chỉ huy trên địa bàn; đồng thời thành lập các công trường giao thông:

- Công trường 12A phụ trách đoạn đường từ Tân Ấp, Khe Ve, Cổng Trời đến Đèo Mụ Dạ.

- Công trường 151, phụ trách đoạn đường từ phía Xuân Sơn ( xã Sơn Trạch, Bố Trạch) qua Đá Đẽo, ngầm Khe Rinh ( xã Trung Hoá, Minh Hoá) ra Khe Ve trên đường 15A.

- Công trường 152 phụ trách đoạn đường 15A từ phía phà Xuân Sơn vào Bến Quan ( Vĩnh Linh).

- Tuyến đường quốc lộ 1A do Ban đảm bảo giao thông các huyện, các hạt giao thông quản lý.

Đi đôi với việc thành lập các công trường và các đội cầu 1, 2, 3, các bến phà mở rộng thêm số bến. Mỗi bến phà ít nhất có 2 bến chính và 2 đến 3 bến phụ. Phà Roòn lúc cao điểm có 4 bến. Phà Thác Cốc (Lệ Thuỷ) khắc phục khó khăn đổ đá làm đường ngầm. Các bến phà tổ chức nhiều ca kíp, nhiều bến để giải quyết thông xe.

Ngày 15 tháng 5 năm 1965, Đội thanh niên xung phong "N75" Quảng Bình được thành lập, ngay sau khi thành lập, cùng với các Tổng đội thanh niên xung phong Nam Hà, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và dân công hỏa tuyến, các đơn vị của Đội thanh niên xung phong Quảng Bình đã có mặt ở công trường 16 mở đường thồ từ Làng Ho (Lệ Thuỷ) vào Bắc Sê - Băng - Hiên; cùng với Trung đoàn 10, Tiểu đoàn 25 công binh, Trung đoàn bộ binh 4 và 5 mở đường 20 xuyên Trường Sơn qua Phu - La- Nhích, Lùm - Bùm (Lào).

Công tác đảm bảo giao thông vận tải lúc này trở thành nhiệm vụ trung tâm đột xuất của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình .

Nhằm phá thế " độc đạo", ta mở thêm nhiều đường tránh, đường xế trên các tuyến giao thông. Để hỗ trợ đoạn đường quốc lộ 1A, lực lượng thanh niên xung phong của các tỉnh Hải Hưng, Nam Hà, Thành phố Hà Nội cùng với các địa phương mở đường 22A từ miền tây Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào Bưởi, Rõi( Quảng Hợp) về Mũi Vích (Quảng Tùng). Tiếp đó mở đường 22B từ Quảng Châu ( giáp đường 22A) về Tiên Lương ( giáp sông Gianh). Để phân tán mục tiêu đề phòng địch đánh phá, đoạn quốc lộ 1A từ nam sông Gianh vào Đèo Lý Hoà, ta mở thêm đường Ba Trại từ nam phà Gianh vào giáp đường tỉnh lộ 2, nối với đường 15A. Để tránh 5 cầu (Lệ Kỳ 1, 2, 3, cầu Vĩnh Tuy, cầu Phúc Duệ), ta mở đường "5 khe" ( đường vượt qua 5 khe nước) từ Đồng Hới về Long Đại. Hạn chế việc vận chuyển qua thị xã Đồng Hới, ta mở " Đường Hữu Nghị" từ Chánh Hoà đi Đá Mài, " Đường Sư đoàn" đi Phú Quý. Phòng thiết kế giao thông Quảng Bình và Đội khảo sát đã dũng cảm vượt qua bom đạn , vượt núi băng rừng tìm ra những tuyến đường mới.

Theo yêu cầu chiến đấu, tháng 7 năm 1965, Tiểu đoàn 9 Trường Sỹ quan phòng không bàn giao vũ khí, phương tiện cho Tiểu đoàn 9 bộ đội địa phương Quảng Bình . Tiểu đoàn 9 có 3 đại đội 37 ly, 1 đại đội 14,5ly. Đại đội 1 bảo vệ đập nước Cẩm Ly; Đại đội 2 phụ trách khu vực Đồng Hới; Đại đội 3 và Đại đội 14,5 ly cơ động trên địa bàn Quán Hàu - Lệ Kỳ - Đồng Hới, nam - bắc sông Gianh, Minh Cầm - Roòn đón đánh địch và làm nòng cốt cho phong trào bắn máy bay ở các địa phương.

Để tập trung hoả lực và tạo thế bất ngờ, lực lượng phòng không tổ chức thành từng cụm chốt các bến phà Long Đại, Xuân Sơn, Quán Hàu, sông Gianh; cụm cơ động trên các trục đường chiến lược 15, 12 miền tây Quảng Bình và tuyến goòng Đò Vàng (Tuyên Hoá), bảo vệ các trọng điểm.

Việc tăng cường trang bị, bố trí lại thế trận chiến tranh nhân dân và tổ chức hợp đồng tác chiến giữa các lực lượng đã mang lại hiệu quả to lớn trong các trận chiến đấu đánh trả các cuọc tấn công của máy bay và tàu chiến Mỹ, bảo vệ an toàn tuyến hành lang chi viện chiến trường.

Sau gần một năm trực dện chiến đấu với các llực lượng không quân và hải quâqn Mỹ với cường độ dánh phá vô cùng khốc liệt, quân và dân quảng Bình đã kiên cường dũng cảm đánh thắng địch ngay trận đầu, dẫn đầu phng trào toàn dân đánh giắc của miến Bắc với những kỷ lục phi thường: kiên cường, dũng cảm đối đầu với không quân và hải quân Mỹ giành thắng lợi gay trận đánh đầu tiên; bắn rơi máy bay hiện đại của đế quôc Mỹ bằng vũ khí bộ binh; bắn rơi chiếc máy bay tập kích ban đêm đầu tiên của đế quốc Mỹ,hợp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa các binh chủng của lực lượng bộ đội chính quy, bộ đội địa phươngvà dân quân du kích cùng phong trào toàn dân đánh giặc, bằng hình thức tác chiến và cách đánh thích hợp, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay thứ 200 trên miền Bắc và chiếc thứ 100 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, bắt sống nhiều giặc lái ( phi công Mỹ). Chiến công của quân và dân Quảng Bình trong gần một năm trực diện chiến đấu với đế quốc Mỹ đã khẳng định vị thế vững vàng của mền Bắc hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa, tạo niềm tin to lớn cho toàn quân và toàn dân vững vàng bước vào giai đoạn mới trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.



tải về 413.47 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương