Chương XXI: VĂn hoá VẬt chất và VĂn hoá tinh thần di sản tự nhiên và văn hoá



tải về 0.74 Mb.
trang7/8
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.74 Mb.
#12309
1   2   3   4   5   6   7   8

+ Lê Văn Hy (? - ?)

Không rõ năm sinh, năm mất. Ông quê ở Lộc An, Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Gia phả họ Lê Văn ở Lộc An viết : lúc nhỏ ông không nơi nương tựa, được bên ngoại nuôi. Lên 8 tuổi ông đã biết làm được những đoạn văn ngắn. năm 13 tuổi tinh thông mọi thể văn. Ông đỗ Hương Cống khoa Tân Tỵ (1821) thi hội đỗ Tam trường năm Minh Mạng thứ 3 (1822), làm quan đến chức Tư nghiệp Quốc tử giám.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2 , cuốn2 của Quốc sử quán triều Nguyễn (1821), mục Nhân vật chí chép:" Lê Văn Hy người huyện Phong Đăng, năm Minh Mạng thứ 2 thi hương đỗ Hương Cống. Năm Minh Mạng thứ 3 thi Hội đỗ tam trường, làm quan đến Tư Nghiệp Quốc Tử Giám. Người phóng đạt, nổi tiếng hay thơ, không chịu bó buộc. Sau cáo lão về hưu, sống ở quê. Tác phẩm thất truyền nhiều, chỉ còn lại: bài Lời bạt trong gia phả họ Lê Văn (1855)

+ Phạm Đại Kháng(?- ? )

Người An Chế ,Lệ Thủy.Quảng Bình . Ông thi đỗ đệ tam giáp đồngTiến sỹ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Ninh thứ hai (1525) đời Mạc Mậu Hợp. Làm quan đến chức Giám sát ngự sử.

Không rõ hành trạng, năm sinh, năm mất của ông. Chỉ biết ông tử tiết khi nhà Mạc mất ngôi.

+ Nguyễn Lê Kháng (1845- ? )

Ông sinh năm Ất Tỵ (1845), mất năm nào không rõ; quê xã Thạch Xá Thượng , huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Ông thi đỗ Cử nhân khoa Mậu Dần (1878), đỗ Phó Bảng năm 35 tuổi khoa Kỷ Mão ( 1879), niên hiệu Tự Đức thứ 32.

Làm quan đến chức Ngự Sử.

+Phan Văn Khải (1854- ? )

Ông sinh năm Giáp Dần (1854), mất năm nào không rõ; quê ấp Tả Thắng, tổng Thạch Xá, huyện Lệ Thuỷ, phủ Quảng Ninh, Quảng Bình.

Năm Giáp Thân (1884), 31 tuổi ông đỗ Cử nhân , khoa Kỷ Sửu (1889), niên hiệu Thành Thái thứ nhất, ông đỗ Tiến sỹ năm 36 tuổi.

Không rõ hành trạng của ông. Chỉ biết ông không xuất chính.

+ Nguyễn Khắc Khoan (? - ?)

Không rõ năm sinh,năm mất.Ông quê huyện Lệ Thuỷ, là người giỏi văn chương, tính tình ngay thẳng. Đầu niên hiệu Gia Long được bổ làm Hàn lâm viện, ra làm Hiệp trấn Sơn Nam và Thượng. Ông tử nạn khi kịch chiến với bọn phiến loạn ở Điềm Xá, được vua tặng Hữu phó Đô ngự sử

Ông nổi tiếng văn thơ. Tác phẩm: chưa tìm được.

+ Phạm Khắc Khoan ( ? -?)

Ông người xã Đại Đan, châu Bố Chính (nay là huyện Quảng Trạch). Tính tình ông ngay thẳng và có khí tiết. Lúc đầu ông làm Cai Tri Phủ vụ Quảng Bình, Cung Đại Phu, rồi Tri châu châu Bố Chính. Do đánh giặc có công trạng,nên đến niên hiệu Quảng Hoà(1541-1546) được trao chức Thiên tổng tri vệ Hải Khương. Khi có loạn Nghịch liên, ông giữ tấm lòng trung nghĩa không chịu theo nguỵ, trung thành với triều đình, anh dũng chống lại nghịch loạn nên đến niên hiệu Cảnh Lịch (1548-1553) thăng Tham tướng dinh Thuận Hoá.

Trên đường nhậm chức mới, ông ghé qua tỉnh nhà chiêu mộ thêm anh em cùng nhau đi đánh giặc ở chân núi Nghịch tiết, nhưng binh lực không dủu mạnh nên ông đã anh dũng hy sinh tại trận

Không rõ năm sinh, năm mất của ông.

+ Ngô Khắc Kiệm (1799- ? )

Ông sinh năm Kỷ Mùi (1799), mất năm nào không rõ, ngừơi phường Lộc Điền Thượng, tổng Lũ Đăng, huyện Bình Chính, phủ Quảng Trạch ( nay huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ).

Năm Canh Tý (1840), 25 tuổi ông đỗ Cử nhân; Năm Nhâm Dần (1842) niên hiệu Thiệu Trị thứ hai, ông đỗ Tiến sỹ khi 42 tuổi.

Không rõ hành trạng, chỉ biết ông từng làm quan đến chức Án Sát.



+ Lê Hữu Lệ (1827 - ? )

Bia Tiến sỹ triều Nguyễn khắc tên ông là Lê Hữu Đệ. Ông người làng Cổ Hiền, tổng Trung Cần huyện Phong Lộc, phủ Quảng Ninh (nay là thôn Cổ Hiền, xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Lê Hữu Lệ sinh năm Đinh Hợi ( !827), mất năm nào không rõ.

Năm Đinh Mùi (1847), 27 tuổi ông thi đỗ Cử nhân; qua năm sau, khoa Mậu Thân (1848 ), niên hiệu Tự Đức thứ nhất ông thi đỗTiến sỹ lúc 22 tuổi.

Không rõ hành trạng, chỉ biết ông từng làm quan đến chức Ngự sử.

+ Lưu Trọng Lư (1911 - 1991)

Ông Sinh ngày19-6 -1911 tại làng Cao Lao Hạ (nay là xã Hạ Trạch), huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông lừng danh thi ca từ sớm nhờ tập thơ Tiếng thu (1939), trong đó có bài thơ nổi tiếng cùng tên.


Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu



Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe mùa thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp lên lá vàngkhô?

Người sáng tạo ra hình ảnh con nai vàng ngơ ngác này có một địa vị to lớn trong giai đoạn đầu của văn học thành văn Quảng Bình.

Cống hiến quan trọng của ông là cùng với Phan Khôi, hai trong những người đầu tiên làm cuộc cách mạng thơ cũ, khởi xướng phong trào thơ Mới. Thơ của Lưu Trọng Lư, thơ mới ''nhẹ nhàng như hơi thu, bay bổng như mây rừng và trong veo như dòng suối chảy''(1). Những áng thơ này đã được Hoài Thanh bình luận thoả dáng trong cuốn ''Thi nhân Việt Nam'' : ''Trong thơ Lư nếu có tả chim kêu, màu kia chỉ có ở trong mộng. Mộng! Đó là mối quê hương của Lư... Có những bài thơ cứ vương vất trong trí tôi hàng tháng, lúc nào cũng như văng vẳng bên tai. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hoà theo tiếng thổn thức của lòng ta''.

Bên cạnh thơ, Lưu Trọng Lư còn sáng tạo rất nhiều tiểu thuyết lãng mạn khác : ''Cầu sương điếm cỏ''. ''Gió cây trút lá'', ''Người sơn nhân'' (1933), ''Khói lam chiều'' (1941)...

Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Với những cống hiến văn chương to lớn của mình, tháng 10 năm 1995, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định lấy tên ông để đặt tên giải thưởng văn học của tỉnh: Giải thưởng Lưu Trọng Lư.

Tác phẩm chính:

- Người sơn nhân (Truyện)-1933

- Tiếng thu (Tập thơ)-1939

- Khói lam chièu (Truyện) –1941

- Chiếc cáng xanh (Truyện )1941

- Toả sáng đôi bờ (Tập thơ)-1959

- Người con gái sông Gianh (Tập thơ)-1966

- Từ đất này (Tâp thơ)-1971

- Mùa thu lớn (Tuỳ bút- Hồi ký)-1978

- Nữ diễn viên Miền nam (Kịch bản sân khấu cải lương)

- Ngàn thu vọng mãi (Kịch dân ca)

- Xuân Vỹ Dạ (Kịch nói)

- Anh Trỗi (Kịch nói)

- Nửa đêm sực tỉnh (Hồi ký)-1989

- 10 kịch bản sân khấu khác đã được dàn dựng
+ Lưu Lượng (?-?) Tự là Di Hậu, người làng Cao Lao hạ, phủ Quảng Trạch ( nay là xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Ông đậu Hương tiến năm Minh Mạng thứ mười sáu (1835) và đến năm 1848 giữ chức Án sát tỉnh Thanh Hoá, cải thọ Hồng lô Tự Khanh, biện lý Hình bộ, sung Phó sứ đi Yên kinh và lần thăng Hộ bộ Tả thị lang, kiêm Quản thông chính ty ấn triệu.

Năm 1857, ông lãnh chức Tuần Vũ Hưng Yên. Về sau ông được cải thọ Lại bộ Tả tham tri, sung Cơ mật viện sự vụ và qua đời tại nhiệm sở. Không rõ năm sinh, năm mất của ông.

Ông sở trường về ngâm vịnh, sinh thời ông nổi tiếng về thi văn. Tác phẩm chưa tìm được.
+ Lê Lượng (1831 - )

Tên cũ là Lê Minh, người xã Thạch Bàn, huyện Phong Đăng ( nay là huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình). Sinh năm Tân Mão (1831), thi đỗ Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1858) ; đỗ Phó Bảng khoa Ât Sửu (1865) niên hiệuTự Đức thứ mười tám, năm 35 tuổi. Làm quan, từng giữ chức Bố Chánh

+ Lê Đa Năng (? - ? )

Người xã An Chế, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Ông thi đậu Đệ nhị giáp Tiến sỹ chế khoa Ất sửu, niên hiệu Chính Trị thứ tám đời Lê Anh Tông (1565). Làm quan đến chức Giám sát Ngự sử thì qua đời. Không rõ năm sinh, năm mất của ông.

+ Nguyễn Hàm Ninh ( 1808 - 1868)

Tự: Thuận Chi, hiệu:Thuận Trai, biệt hiệu: Nhâm Sơn lão nhân, sinh 11-2-1808, quê: làng Phù Kinh (Phù Hoá, Tuyên Hoá), quán: làng Trung Ái , tổng Thuận Phong, huyện Bình Chánh (nay là thôn Trung Thuần, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch).

Xuất thân bần hàn, tuy vậy, thuở thiếu thời ông vẫn được học hành đầy đủ, văn hay chữ tốt. Năm 21 tuổi ông đỗ tú tài. Ba năm sau, ông thi đỗ Giải nguyên trường Thừa Thiên (năm 1831) và được bổ làm quan Hậu bổ, ở Nghệ An. Về sau được cử gữ chức Tri huyện huyện Lục Ngạn (Hà Bắc). Năm 1833, cha mất, ông xin nghỉ về quê cư tang cha. Sau đó, ông được giao chức Quốc học đốc thư tại kinh đô Phú Xuân và lần lượt được thăng các chức: Viên ngoại bộ Hình, Lang trung bộ Lễ, Thự Án sát tỉnh Khánh Hoà , mặc dù trải qua bao lần bãi chức (1840), cách chức (1846) do bồng bột, hoặc do tính tình cương trực, ngay thẳng, thường xuyên đả kích thói xu nịnh, đạo đức giả, nên bị kẻ xấu dèm pha.

Năm 1847, Tự Đức lên ngôi, đường quan hoạn không mấy hanh thông, ông có ý cáo quan về vườn. Tuy nhiên, phải sau sự kiện bài thơ Xỉ khiết thiệt (Răng cắn lưỡi) do ông sáng tác khiến ông bị triều đình khiển trách nặng, ông lấy cớ cáo bệnh xin về (1848):


Sinh ngã chi sơ, nhữ vị sinh

Nhữ sinh chi hậu, ngã vị huynh

Trân tu tằng kỷ đồng cam khổ

Hà nãi tương vong cốt nhục tình?
(Lúc tớ sinh ra chú chửa sinh

Chú sinh sau tớ, tớ là anh

Bao lâu ngọt đắng cùng san sẻ

Ruột thịt sao quên mất mối tình?)
Giai thoại kể rằng đó là bài thơ ám chỉ mối bất hoà "anh cắn em" một cách đau lòng giữa Hồng Bảo và Hồng Nhậm, nên ông đã bị trách phạt.

Cáo quan về vườn, ông sống trong cảnh thanh bần vừa làm nông, bốc thuốc, làm thơ. Ông mất ngày 15-12 năm Đinh Mão (1868), phần mộ toạ lạc ở phần đất thuộc xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Trong 15 năm tại nhiệm và hơn 20 năm về vườn, Nguyễn Hàm Ninh đã để lại một gia tài văn chương không nhỏ, tuy nhiên cũng đã thất lạc đi nhiều. Hiện nay, còn lại khoảng 200 bài thơ chữ Hán trong hai tập Tĩnh Trai thi tập ,Tĩnh văn thi tập , bài Phản thúc ước dài 111 câu và một số bài ca trù bằng chữ Nôm được lưu trữ tại thư viện Hán Nôm.

Thơ văn Nguyễn Hàm Ninh toát lên một tinh thần yêu nước thiết tha, một tấm lòng thương dân nồng cháy, một sự khảng khái quyết liệt, trong sáng và cả một tấm lòng bình dị, yên bần, nhưng không hề cam chịu:



Mạc hiềm địa tịch khai hoa vãn

Do thắng uỳ thân tiêu ngại trung

(Chớ nề đất hẹp ra hoa muộn



Hơn bỏ quên mình giữa cỏ hôi)

Nghệ thuật thơ Cao Bá Quát đã từng được nhà thơ Miên Thẩm, chủ soái Tao đàn không ngớt lời ca ngợi và Cao Bá Quát lại cho rằng: Dục tương thi sự cánh tham khanh (muốn theo việc thơ phải nhờ đến anh.)

Con người ông và thơ ca ông đã hoà quyện làm một. Ông xứng đáng là một nhân cách đáng trân trọng và do vậy ông sẽ sống mãi trong lòng quê hương.
+ Hà Văn Quan (1826-1888)

Ông còn có tên: Hà Văn Trù, Hà Văn Quý, Hiệu: Vĩnh Xuyên, Tự: Tử Thạch. Ông sinh năm 1826 (có tài liệu cho rằng ông sinh ngày 4 tháng 8 năm Đinh Hợi , nhằm ngày19-8-1827) tại làng Vĩnh Tuy, tổng Long Đại, phủ Phong Lộc (Nay là huyện Quảng Ninh), tỉnh Quảng Bình. Cha ông là tú tài Hà Văn Nhàn đỗ khoa Tân Tỵ, triều Minh Mạng. Tiền bối của dòng họ Hà Văn ở làng Vĩnh Tuy là ông Hà Văn Thiền quê ở làng Kim Sơn, phủ Ninh Bình, làm quan dưới triều nhà Trần. Được bổ đi hành hạt ở miền trung, Hà Văn Thiền đưa cả gia đình vào định cư luôn ở đây, tính đến nay đã hơn 10 đời.

Thủa nhỏ, Hà văn Quan rất chăm học và học giỏi, thường đứng nhất trường. Nhờ có năng lực học tập tốt, cộng với đức tính chăm chỉ, con đường khoa cử của ông tương đối dễ dàng. Ông thi đỗ Tú tài khoa Mậu Thân, năm Thiệu Trị thứ 7(1848), đỗ cử nhân khoa ất mão(1855). Mười năm sau đó, năm Tự Đức thứ 18, tại khoa thi Hội năm ất sửu (1865), ông thi đỗ Phó bảng, được phong Nội các kiểm thảo.

Trong cuộc đời làm quan, nhờ tài năng xử lý công việc, đức tính ôn hoà và đặc biệt là chất lượng các bản tấu của ông về các vấn đề ngoại giao, binh bị, hậu cần, triều chính...,ông được Nhà vua đánh giá là vị quan chăm chỉ biết lo nước, yên dân. Nhờ những công lao đó mà Hà Văn Quan được triều đình lần lượt giao cho nhiều chức vụ quan trọng cho đến chức Thự Thượng thư Hình bộ sung cơ mật viện đại thần.

Năm Tự Đức thứ 26 (1873), trong khi đương chức Gia thị giảng học sỹ, Hà Văn Quan được sung phó sứ, đi Yên Kinh (Bấc Kinh ngày nay). Trong những tháng ngày đi sứ căng thẳng và vất vả, ông vẫn dành thì giờ viết một cuốn sách có tên Yên hành nha ngữ thi cảo . Cuốn sách nay đã thất truyền, nhưng được ông Trần Văn Giáp nhắc đến trong cuốn Lược truyện các tác gia Việt Nam do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Theo ông Giáp thì Yên hành...là một quyển văn mặc dù nó có tên là thi cảo(?). Chưa ai biết được cuốn văn này viết gì, nhưng người đời và đặc biệt là hậu duệ của ông, những người đã có dịp nhìn thấy khi nó được đưa về làng đồ rằng đó là những áng văn quý giá về cảnh và tình mà Hà Văn Quan ghi chép được trên đường đi sứ. Ngoài việc viết ra tác phẩm Yên hành nha ngữ thi cảo, khi đi sứ về, Hà Văn Quan còn sưu tập và dâng vua tự Đức 12 gói lớn phong kín trong giấy ngũ sắc, mà dân chúng cho đó là những đài sách, nên ông mới được dân gian mệnh danh là Ông quan 12 đài sách.

Ngày 5 tháng 4 năm Mậu tý (tức 15-5-1888) Thượng thư Hình bộ Hà Văn Quan mất tại chức, do lâm trọng bệnh, hưởng thọ 62 tuổi. Cảm kích trước công lao của ông, Nhà vua ban tiền, lụa, cho đội chưởng vệ hộ tống thi hài ông về an táng tại quê. Phần mộ của ông hiện ở nghĩa trang dòng họ Hà Văn tại làng Vĩnh Tuy, chính nơi chôn rau cắt rốn của ông.

+ Nguyễn Quang (1842- ? )

Người xã Lộc Long, huyện Phong Lộc ( nay là huyện Quảng Ninh), Quảng Bình. Sinh năm Nhâm dần (1842), mất năm nào không rõ, thi đỗ Cử nhân khoa Canh Ngọ (1870): đỗ Phó Bảng khoa Đinh Sửu (1877) niên hiệuTự Đức thứ ba mươi, năm 36 tuổi.

Làm quan, từng giữ chức Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám. sau chuyển làm Đốc học.

+ Phạm Xuân Quế (?-?)

Không rõ năm sinh, năm mất. Quê: Lũ Phong, Quảng Phong, Quảng Trạch Quảng Bình.Sau khi đỗ Tú tài ( không rõ năm nào), quan địa phương sát hạch loại Ưu nên cống lên Quốc Tử Giám. Từ ngạch Giám sinh dự hội thí, trong ba kỳ thi cộng được 11 phân, nhưng trong bài có một câu thiếu cẩn thận, nên bị chỉ lấy đỗ Phó bảng khoa Tân sửu năm thiệu Trị thứ nhất(1841).

Làm quan Lang trung, giữ chức Sử quán toản tu. Bị bệnh mất ở Bình Thuận. Tác phẩm chính:

- Tham gia biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục

+ Phạm Nhật Tân (1811- ?)

Người làng La Hà, tổng Thuận Thị, huyện Minh Chính, phủ Quảng Trạch ( nay là xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Sinh năm Tân Tỵ (1821), năm mất không rõ. Năm Mậu thân (1848), 28 tuổi thi đỗ Cử nhân; đến năm Tân Hợi (1851) niên hiệu Tự Đức thứ tư, thi đỗ Tiến sỹ, lúc ông 31 tuổi.

Không rõ hành trạng, chỉ biết ông làm quan đến chức Chưởng ấn.



+ Đặng Văn Thái (1811- ? )

Người làng Cao lao, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sinh năm Tân Mùi (1811), không rõ năm mất. Thi đỗ Cử nhân khoa Tân sửu (1841); đỗ Phó bảng khoa Quý Mão (1843) niên hiệu Thiệu Trị thứ ba, năm ông 33 tuổi.

Không rõ hành trạng chỉ biết ông làm quan từng giữ chức Đồng Tri phủ.

+ Lê Doãn Thành (1830- ? )

Tên cũ là Tế, người xã Tiền Thiệp, huyện Phong Lộc (nay là huyện Quảng Ninh), tỉnh Quảng Bình. Sinh năm Canh Dần (1830), mất năm nào không rõ. Thi đỗ Cử nhân khoa Đinh Mão (1867); đỗ Phó bảng khoa Mậu Thìn (1868) niên hiệu Tự Đức thứ hai mươi mốt, năm ông 39 tuổi.

Không rõ hành trạng, làm quan, từng giữ chức Án sát.

+ Nguyễn Quốc Thành (1822- ? )

Ông người phường Lộc Điền thượng, tổng Lũ Đăng, huyện Bình Chính, phủ Quảng Trạch ( nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Sinh năm Nhâm Ngọ (1822), mất năm nào không rõ . Năm Bính Ngọ (1846), 25 tuổi ông thi đỗ Cử nhân, năm Tân Hợi (1851), niên hiệu Tự Đức thứ tư thi đỗ Tiến sỹ khi ông 30 tuổi.

Làm quan đến chức Tri phủ.

+Trần Doãn Thăng (1824 - ? )

Người làngThổ Ngoạ, huyện Bình Chánh ( nay là huyện Quảng Trạch), tỉnh Quảng Bình. Sinh năm Giáp Thân (1824) , mất năm nào không rõ. Thi đỗ Cử nhân khoa Đinh Mùi (1847); đỗ Phó bảng khoa Quý sửu( 1853) niên hiệu Tự Đức thứ sáu, năm ông 30 tuổi.

Làm quan, từng giữ chức Án sát Bình Thuận.

+ Nguyễn Duy Thắng (1872 - 1923 )

Người làng Lý Hoà, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Là cháu nội Tiến sỹ Nguyễn Duy Cần. Sinh năm Nhâm Thân (1872), là Ấm sinh ở Quốc Tử Giám , thi đỗ Tú tài, Cử nhân khoa nào không rõ; đỗ Phó bảng khoa Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái thứ mười, lú ông 27 tuổi.

Làm quan đến chức Tả Trực Kỳ Chưởng Ấn. Mất trong ngày mùng 2 tết năm Khải Định thứ tám (1923), lúc tại chức.



+ Nguyễn Duy Thiệu (1886 - 1944 )

Ngưỡi làng Lý Hoà huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Là cháu nội của Tiến sỹ Nguyễn Duy Huân, con trai Cử nhân Nguyễn Duy Miễn, em Phó bảng Nguyễn Duy Thắng, Cử nhân Nguyễn Duy Cần, Tiến sỹ Nguyễn Duy Tích và Hoàng Giáp Nguyễn Duy Phồn. Sinh năm Bính Tuất (1886), là Ấm sinh ở Quốc Tử Giám, được thưởng hàm Điển tịch, thi đỗ Phó bảng khoa Canh Tuất (1910), niên hiệu Duy Tân thứ tư. năm 25 tuổi .Sau đỗ thụ hàm Thừa chỉ , theo học trường Hậu bổ.

Bổ Tri huyện Tuyên Hoá, rồi Tạm Phái Bộ Lễ, sau thăng Chủ sự Viên Ngoại, Lang Trung Bộ Công. Cuối cùng làm Kinh Kỳ Đạo Chưởng Ấn, thăng hàm Thị Lang. Ông mất vào cuối năm1944 tại quê nhà.

+ Trần Văn Thống (1871- )

Ông người xã La Hà, tổng Thuận Thị, huyện Tuyên Chính, phủ Quảng Trạch ( nay là xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình). Sinh năm Tân Mùi (1871), mất năm nào không rõ.

Năm Tân Mão (1891) , 24 tuổi ông đỗ Cử nhân, được bổ làm Hành Tẩu ở Bộ Công. Đỗ Tiến sỹ khoa Tân sửu( 1901), niên hiệu Thành Thái thứ mười ba, năm 31 tuổi.

Làm quan trải nhiều tỉnh, sau thăng Bố Chính và Án sát tỉnh Hà Tĩnh, cuối cùng bổ Tuần Vũ tỉnh Quảng Trị, về hưu thăng hàm Thượng Thư.

+ Hoàng Thụy (1848- ? )

Người xã Phú Nhuận, huyện Phong Lộc ( nay là huyện Quảng Ninh), tỉnh Quảng Bình. Sinh năm Mậu Thân(1889), mất năm nào không rõ. Thi đỗ Cử nhân khoa Mậu Tý (1888); đỗ Phó bảng khoa Kỷ sửu (1889), niên hiệu Thành Thái thứ nhất, năm 42 tuổi.

Làm quan đến chức Tri phủ Triệu Phong, về hưu thăng Quang Lộc tự khanh.

+ Nguyễn Tích (1833- ? )

Ông có tên cũ là Nguyễn Thuần, người xã Tuy Lộc, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Sinh năm Quý Tỵ (1833), mất năm nào không rõ. Thi đỗ Cử nhân khoa Tân Dậu (1861), đỗ Phó bảng khoa Ất sửu (1865), niên hiêu Tự Đức thứ mười tám, năm ông 33 tuổi.

Từng làm quan đến chức Lang Trung, sung chức Tán Tương Quân vụ, bị tử trận ở Hải Ninh.

+ Nguyễn Duy Tích (1879-?)

Ông người làng Lý Hoà, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sinh năm Kỷ Mão (1879), mất năm nào không rõ. Là em của Phó bảng Nguyễn Duy Thắng, anh của Phó bảng Nguyễn Duy Thiệu. Năm Canh Tý (1900) 22 tuổi ông thi đỗ Cử nhân; thi đỗ Tiến sỹ khoaTân Sửu ( 1901), niên hiệu Thành Thái thứ mười ba, năm ông23 tuổi.

Làm quan Tri phủ Triệu Phong, Quảng Trị; Án sát, rồi Bố chánh Thanh Hoá; Thủ hiến Bình Định; Tham tri Bộ binh. Mất tại chức năm mới hơn 40 tuổi, truy tặng hàm Thượng thư.

+ Nguyễn Ngọc Toản (1887- ? )

Ông người làng Đơn Sa, tổng Thuận Bài, huyện Bình Chính phủ Quảng Trạch ( nay là huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) Sinh năm Mậu Tý (1888), mất năm nào không rõ. Năm Nhâm tý, 25 tuổi, ông thi đỗ Cử nhân, sau đó được nhập ngạch Hàn Lâm Viện thụ hàm Điển tịch, rồi theo học ở trường Hởu bổ. Thi đỗ Tiến sỹ khoa Bính Thìn (1916), niên hiệu Khải Định thứ nhất, khi ông 29 tuổi.

Làm quan, bổ Tri phủ Diên Khánh, sau đổi ra Tri phủ Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, rồi mất tại lỵ sở.

+ Nguyễn Trạch (1548- ? )

Ông người xã Trung Hoà, châu Bố Chính (nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), 33 tuổi đỗ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Quang Hưng thứ ba (1580) đời Lê Thế Tông.

Làm quan đến chức Hiến sát sứ. Ông mất năm nào không rõ.

+ Hồ Văn Trị (1815- ? )

Ông người thôn Quy Đức, thuộc Hà Bạc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh năm Ất Hợi (1815), mất năm nào không rõ. Năm Canh Tý (1840), 26 tuổi ông thi đỗ Cử nhân; thi đốTiến sỹ khoa Tân Sửu (1841), niên hiệuThiệu Trị thứ nhất, năm ông27 tuổi.

Không rõ hành trang, chỉ biết ông ra làm quan, từng giữ chức Tri phủ.

+Võ Khắc Triển (1883-1996)

Quê: xã Mỹ lộc, tổng mỹ Lộc, huyện Phong Phú, phủ Quảng Ninh ( nay là xã An thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình). Sinh năm Quý Mùi (1883), mất năm 1996, tại Hà Nội. Đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ mùi (1919), niên hiệu Khải Định thứ tư, năm ông 37 tuổi. Là vị Tiến sỹ cuối cùng của Việt Nam. Làm quan đến chức Án sát. Trong kháng chiến chống Pháp làm Chủ tịch Uỷ ban Liên Việt huyện Lệ Thuỷ. Hoà bình lập lại, công tác ở Viện văn học, Viện triết học (tại Hà Nội). Làm thơ, dịch thuật Hán Nôm. Tác phẩm chính:

- Các bài thơ: Cảm tác, May áo tiễn con ra trận, Kiên trì chính nghĩa, Kết nghĩa Hà Nội-Huế- Sài Gòn. Mừng thọ 80 tuổi.

- Dịch thuật: Hoàng y giáo tôn

- Tập thơ chữ hán của Nguyễn Du

- Nhiều tác phẩm, tài liệu Hán Nôm khác

+Nguyễn Cửu Trường (1807 - ? )

Ông người Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, (nay thuộc huyện Hà Trung), tỉnh Thanh Hoá; trú quán tại xã Hoàng Công (Hoàng Giang) , tổng Thuỷ Liên, huyện Lệ Thuỷ, phủ Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình. Ông sinh năm Đinh Mão (1807), mất năm nào không rõ. Là Giám sinh trường Quốc Tử Giám, năm Mậu Tuất (1838) ông thi đỗ Hội nguyên, rồi thi đỗ Đình nguyên ở kỳ thi đình sau đó.


Ban đầu nhập ngạch Hàn Lâm Viện Tu soạn, bổ làm tri phủ Kiến Xương, sau đó được chuyển về Kinh làm Viên ngoại lang sung Hành tẩu tại Cơ mật viện. Năm Tân Sửu (1844), Thiệu Trị nguyên niên, ông được thăng Hàn Lâm viện Thị độc Học sỹ, sung làm việc tại Nội Các. Năm Giáp Thìn (1844) Thiêyụ Trị thứ tư, ông được phục hàm Thị giảng Học sỹ, sung làm việc ở Nội Các. Đến năm Bính Ngọ (1846) Thiệu Trị thứ sáu, được bổ làm Bố Chính Hà Nội. Sau đó ông được về Kinh làm Thị lang ở bộ Lại, nhưng vẫn sung làm việc ở Nội Các . Năm Mậu Thân (1848)Tự Đức nguyên niên, sung làm Giảng quan ở Kinh diên, đặc cách hưởng lương quan nhị phẩm.

Ông giỏi văn chương, trên 10 năm làm việc ở Nội Các, được mấy triều vua rất chiếu cố. Năm Nhâm Tý (1852), khi bbổ ông đi làm Tuần Phủ ở Biên Hoà, vua Tự Đức cho vào chầu và ban cho Ngự Chế thi (tạm dịch):



Hoàng Các(1) từng nhạy bút

Thanh phiên(2) từng nêu danh

Gió xuân mang ân trạch

Mưa ngọt thấm biên đình

Nợ nước quyên thân bệnh

Yêu dân sống sạch thân

Chỉ cầu đời phẳng lặng

Hôm sớm tựa Bồng dinh

Năm Quý Sửu (1853) Tự Đức thứ sáu, vì đau mắt, ông được chuẩn cho về quê an dưỡng. Sau mất tại quê nhà.

+ Đoàn Chí Tuân (1855-1897)

Ông còn có tên: Đoàn Đức Mậu, hiệu: Bạch Xỉ. Ông sinh năm 1855 tại làng Hoà Ninh, xã Quảng Hoà, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, kháng chiến chống ngoại xâm. Ông cụ thân sinh Đoàn Chí Tuân là Đoàn Chí Thông- một người nổi tiếng có tinh thần yêu nước ở địa phương; trong lúc triều đình nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp, ông Thông tụ họp những người cùng chí hướng ở địa phương bàn bạc, đàm đạo về tình cảnh nước mất nhà tan, chờ thời. Ông nội Đoàn Chí Tuân là Đoàn Chí Nguyện, từng cầm đầu nhân dân làng Hoà Ninh tham gia phong trào Tây Sơn kháng chiến chống quân Thanh. Truyền thống yêu nước ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời Đoàn Chí Tuân-Bạch Xỉ về sau.

Thuở nhỏ, Đoàn Chí Tuân là cậu bé hiếu động và học giỏi. Ông rất nổi tiếng về văn thơ, ứnh đối ngay từ thuở thiếu thời. Giai thoại kể rằng, lúc ông 12 tuổi, có người ra cho ông câu đối: Hoàn quân dĩ đãi tướng quân (cho ông về là để đãi ông), ông bèn đối lại ngay không một chút do dự: Sinh tử tất vi thái tử ( sinh con ra tức là đẻ hoàng tử ra.); đây không chỉ là tài năng ứng đối mà còn bộc lộ một khí phách ngang tàng của một người không lún chịu trước sự đớn hèn, bạo ngược. Không phải đợi đến lúc này, mà khi ông lên 5, lên 6 , trong lúc ấu học ông đã bộc lộ sự thông minh khiến nhiều người nể trọng. Tuy nhiên, do bản tính hiếu động, cương trực; lại gặp phải cảnh đất nước ngoài hoạ xâm lăng của người Tàu, lại bị thực dân Pháp nhòm ngó, ông bỏ học nuôi ý chí kháng chiến. Năm ông lên 17 tuổi (1873), thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ, triều đình đi hết nhân nhượng này đến nhân nhượng khác, cắt 6 tỉnh Nam kỳ cho người Pháp, Đoàn Chí Tuân bỏ làng ra đi tìm người cùng chí hướng. Lúc này phong trào Bình tây, sát tả đang lan rộng khắp nơi.

Thất bại đầu tiên của ông là vào năm 1885, khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, xuất bôn kháng chiến, Đoàn Chí Tuân nghênh đón xa giá nhà vua, ngỏ ý phò vua cứu nước và can gián chỉ bình tây không sát tả trong phong trào Bình tây sát tả, nhưng không được chấp thuận. Ông bè trở về quê tổ chức nghĩa binh, thu hút hơn 500 người trong làng và trong vùng, trui rèn vũ khí, luyện võ, tập trận, chia thành ba đạo, chờ thời. Về sau, đích thân Đoàn Chí Tuân thống lĩnh một đạo quân khoảng 250 người gia nhập nghĩa quân của Hoàng Phúc, và làm mưu sỹ cùng Hoàng Phúc kháng chiến chống Pháp suốt 4 năm trời (1885-1888) ở tây nam Quảng Bình, lập được nhiều chiến công vang dội, thanh thế ngày càng được khuếch trương.

Cuối năm 1888, vua Hàm Nghi bị giặc Pháp bắt, phong trào Bình tây sát tả bị chìm trong biển máu. Các thủ lĩnh kháng chiến ở Quảng Bình như Tôn Thất Đàm, Lê Trực, Cao Thượng Chí, Đề Phú, Đề Chích, Đề Én người tự tử, kẻ sống ẩn dật đợi thời cơ hoặc bỏ về quê làm ăn. Nghĩa quân Quảng Bình tan rã. Riêng Đoàn Chí Tuân là không chịu buông xuôi. Ông lại về quê tập hợp lại lực lựơng, dung nạp quân sỹ của các thủ lĩnh khác kéo ra Hương Khê (Hà Tĩnh) đầu quân cho nghĩa quân của cụ Phan Đình Phùng và được chọn làm tướng bên cạnh danh tướng Hoàng Cao Thắng và nhiều danh tướng khác. Do Nhà vua kháng chiến Hàm Nghi bị bắt, muốn có một vị minh quân như vậy để tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến trong cả nước, Đoàn Chí Tuân đề nghị cụ Phan Bội Châu lên ngôi, nhưng không được nghĩa quân và cả cụ Phan đồng tình. Rốt cục họ Đoàn lại bị cụ Phan nghi kỵ. Bất mãn, Đoàn Chí Tuân bí mật kéo quân lập căn cứ kháng chiến mới dọc miền rừng núi giáp giới giữa hai tỉnh Hà Tĩnh- Quảng Bình. Tại đây, ông tự quyết định lên ngôi xưng vua đặt niên hiệu Long Đức Hoàng Đế, kêu gọi bình tây, bỏ sát tả ; kêu gọi đoàn kết lương giáo, một tư tưởng đoàn kết dân tộc rất tiến bộ mà từ lâu ông có dịp trình tấu nhà vua nhưng không được chấp thuận. Tại căn cứ kháng chiến mới, với cương vị của một ông vua tự phong, ông tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt của mình thêm 8 năm nữa thì phải chịu thất bại. Rạng sáng ngày 12-10 năm Bính Thân (1896) ông bị người Pháp bắt tại căn cứ địa trong khi đang lên cơn sốt rét nặng. Do không chịu cung khai, ông bị địch tra tấn dã man và thủ tiêu mất xác, nên ông không có phần mộ riêng cho mình . Con cháu và dòng họ Đoàn sau này đã lập cho ông một miếu thờ có ba chữ Tam Thiên Môn nằm khiêm tốn ở quê nhà.
Ngoài 12 năm kháng chiến sôi động với nhiều chiến công oanh liệt, Đoàn Chí Tuân còn để lại 7 bài thơ Nôm, 2 bài thơ chữ Hán, 2 bài phú chữ Nôm ,1 bài hịch chữ Hán, trong đó có các bài thơ đáng lưu ý: Tự thuật, Tặng Phan công Đình Phùng, Đề gươm, Không lấy vợ, Quét nhà, Từ chối vào kinh...Thơ ông tuy không bóng bẩy, mượt mà, hàm xúc, nhưng bù lại có khẩu khí, dung dị, chân chất; phản ánh tình cảm, tư tưởng, chí hướng của một người một đời cầm gươm đánh giặc, phản ánh tư tưởng thời đại nên đã được người đời sau tuyển chọn vào Hợp tuyển thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ 19 (1859-1900) :

Lọt lò tạo hoá bấy lâu nay

Ba thước gươm thiên nắm ở tay

Nhúng xuống sông Âu loè ánh tuyết

Mài ngang đá Việt đứt làn mây

Ra tay bể Bắc kinh hồn Bắc

Thử thép non Tây vựa (vỡ) mặt Tây

Tấm lòng soi tỏ vì non nước

Ai biết cho không cũng mặc rày.

(Bài Đề gươm)

+ Lê Chí Tuân (1871-? )

Ông người xã Lâm Xuân, tổng Thuận Thị, huyện Tuyên Chính, phủ Quảng Trạch, (nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Sinh năm Tân Mùi (1871), mất năm nào không rõ.

Năm Tân Mão (1891), 21 tuổi ông thi đỗ Tú tài; đến năm Đinh Dậu (1897) cũng chỉ thi đỗ Tú tài, rồi làm Ấm sinh theo học ở trường Quốc Tử Giám. Đến khoa Đinh Mùi (1907), niên hiệu Thành Thái thứ 19 đỗ Tiến sỹ năm ông 37 tuổi.

Không rõ hành trạng, chỉ biết ông từng làm Thị lang bộ Binh.

+ Nguyễn Phạm Tuân (1842-1897)

Ông sinh năm Nhâm Dần (1842), tự là Tử Trai, sau đổi là Dưỡng Tăng, hiệu là Minh Phong. Quê: làng Kiên Bính, tổngVõ xá, phủ Quảng Ninh, (nay là thị xã Đồng Hới), Quảng Bình. Năm Quý Dậu (1873) đỗ cử nhân, năm Mậu Dần (1878) được bổ làm Hành tẩu bộ Lễ. Với lòng thương dân, ông đem hết tâm sức tìm phương sách giúp dân thoát khỏi nạn đói, được triều đình khen thưởng, thăng làm Biên Tu và cử làm Tri huyện Bố Trạch, hai năm sau đổi làm Tri huyện Tuyên Hoá, và năm Giáp Thân (1884) thăng bổ Tri phủ Đức Thọ.

Hay tin Kinh đô Huế lọt vào tay giặc, ông treo ấn từ quan, tham gia phong trào Cần vương. Tháng 10-1885, ông gặp vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết tại Tuyên Hoá, được giao phụ trách cơ quan Cần Vương Trung ương- đóng ở xóm Thác đài, làng Cổ Liêm huyện Tuyên Hoá- trung tâm lãnh đạo phong trào nơi các lãnh tụ phong trào Cần vưong khắp toàn quốc hướng về để dựng cờ chống Pháp.


Ngày 4-9-1887 giặc Pháp đánh vào đại bản doanh, cùng đồng đội, ông đánh giáp lá cà với địch , nhưng do lâm bệnh,yếu sức, ông bị địch bắt. Tại nơi giam cầm, ông bình tĩnh dũng cảm nêu cao khí tiết thủ lĩnh nghĩa quân, không khai báo mặc dù chúng sử dụng nhiều thủ đoạn mua chuộc. Cuối cùng, ngày10-4-1897 ông tự vẫn để bảo toàn khí tiết trước sự bất lực của kẻ thù. Cuộc đời ông có sáng tác nhiều ,tác phẩm còn lại một bài: Đề nghĩa vương miếu (Thơ)

+ Đào Duy Từ (1572-1634)

Quê: xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn , tỉnh Thanh Hoá. Họ Đào không sinh ra tại Quảng Bình, không cư trú hẳn tại Quảng Bình, song từ lâu ông đã được các thế hệ nhân dân Quảng Bình tôn phong là danh nhân địa phương bởi những thành quả to lớn mà ông để lại trên mảnh đất này trong 8 năm làm quan cho chúa Nguyễn: xây dựng luỹ Đào Duy Từ hùng vĩ và đồ sộ! Mùa thu, năm ất Sửu (1625), do bất đắc chí tại quê nhà, Đào Duy Từ vào Quảng Trị (huyện Võ Xương), rồi vào Bình Định (huyện Hoài Nhơn) xin đi ở chăn trâu cho nhà giàu, chờ thời tìm minh chủ, lúc ông đã 53 tuổi. Sở dĩ phải có một cuộc ra đi oái oăm ấy là vì mặc dù thông minh, học giỏi, có tài, nhưng do ông xuất thân từ một gia đình nghệ sỹ hát tuồng(1), một đẳng cấp mà đương thời cho là "xướng ca vô loài", nên không được chế độ bất công của nhà Trịnh ở Đàng Ngoài trọng dụng.

Những năm tháng đi ở làm thuê, họ Đào không ngừng nuôi chí xuất xử . Với tài năng sáng tạo, ông sáng tác nên bài phú Ngoạ long cương vãn và đêm ngày ngâm xướng, tự ví mình như Khổng Minh tái thế, nhưng bị quên lãng. Tài năng của Đào Duy Từ vọng đến tai Khám lý Hoài Nhơn Trần Đức Hoài Vào làm quan xứ Đàng trong năm 1627. Thiết kế và thi công luỹ Đào Duy Từ ở Đồng Hới, Quảng Bình. Theo truyền ngôn, được tôn phong là ông tổ nghề tuồng.

Tác phẩm chính:

- Ngoạ long cương phú.



- Hổ trướng khu cơ.

( Cha Đào Duy Từ là đội trưởng đội nữ nhạc dưới triều Lê Anh Tông (1557-1573), mẹ là cô đào nổi tiếng trong vùng.

+ Hàn Mặc Tử (1912 - 1940)

Tên thật là Nguyễn Trọng Trí, tên thánh là Phêrô Phanxicô, sinh ngày 22-9-1912 tại làng Lệ Mỹ, Thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ông là một Nhà thơ- Nhà văn hoá nổi tiếng. Nhà thơ Quách Tấn từng giới thiệu về ông như sau:

" Thân vóc gầy yếu.Tính tình hiền hậu. Thích giao du và rất hiếu học. Tổ tiên vốn họ Phạm, gốc ở Thanh Hoá. Ông cố tên là Phạm Chương liên can đến quốc sự, gia đình bị truy nã nên người con là Phạm Bồi phải đổi vào Thừa Thiên rồi đổi họ Nguyễn theo mẫu tánh. Ông Nguyễn Văn Toản, thân sinh Hàn Mặc Tử là con trưởng nam của cụ Phạm Bồi. Hàn Mặc Tử ra đời lúc thân sinh làm chủ sự sở thương chánh Nhật Lệ thị xã Đồng Hới- Quảng Bình. Lớn lên, Tử theo thân sinh đi nhiều nơi và theo học ở các trường tiểu học Sa Kỳ (1920), Quy Nhơn, Bồng Sơn (1921-1923), Sa Kỳ (1924)... Đến năm 1926, thân sinh Tử bị bệnh nằm nhà thương Huế và mất, thọ 45 tuổi. Từ theo bà thân sinh vào ở Quy Nhơn. Bà thân Tử cho Tử học trường Bellerin Huế. Năm 1930, Từ thôi học về Quy Nhơn cùng bà thân. Bà là một bậc từ mẫu đã hy sinh tận tuỵ cho đàn con, nhất là Tử. Và Tử đã chịu ảnh hưởng của bà rất nhiều về mặt tinh thần. Bà mất năm 1951 tại Gò Bồi, thọ 51 tuổi. Tử có tất cả 6 anh chị em: người anhh cả là Nguyễn Bá Nhân, hiệu Mộng Châu (...). Mộng Châu là một nhà thơ Đường luật lành nghề. Chính nhờ anh mà đường học vấn của Tử được tiếp tục sau khi thân sinh Tử qua đời, và cũng nhờ anh dìu dắt mà Tử vững bước vào làng thơ. Năm 15 tuổi, Từ đã họa bài thơ của Mộng Châu. Lúc hoạ bài này, Tử ký là Minh Duệ thị, sau đổi là Phong Trần. Rồi đổi là Lệ Thanh, lấy chữ đầu của sinh quán (Lệ Mỹ) và chữ đầu của chánh quán (Thanh Tân). Lại đổi là Hàn Mạc Tử, hàn mạc là bức rèm lạnh. Sau cùng mới lấy hiệu Hàn Mặc Tử là anh hàng bút mực..." ( Theo Vĩnh Nguyên-Nguyễn Tú: Danh nhân văn hoá Quảng Bình tập I, Nxb Thuận Hoá-1993).

Hàn Mặc Tử có tài từ rất sớm.Thi tài của ông đang độ chín thì không may ông lâm bệnh phong (hủi) phải vào ở tại trại phong Quy Hoà (Quy Nhơn) và tạ thế tại đó trưa ngày 11-11-1940. Tuy nhiên, trong thời gian lâm trọng bệnh, ông không nhắm mắt buông xuôi mà đã dũng cảm vượt qua bất hạnh để viết nên những trang thơ mà theo Chế Lan Viên là "ngời chói", "từ thời đại Anh đi thẳng vào thời đại lớn, rồi hôm nay từ thời đại lớn ấy về với thời đại chúng ta", và nhờ đó mà Hàn Mặc Tử trở thành " một đỉnh cao, loà chói trong văn học của thế kỷ, thậm chí qua các thế kỷ". Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm:Lệ Thanh thi tập (tập thơ), Gái quê (tập thơ), Nắng xuân (giai phẩm), Đau thương (tập thơ), Xuân như ý (tập thơ), Thượngthanh khí (tập thơ), Cẩm châu duyên (tập thơ), Duyên kỳ ngộ (kịch), Quần tiên hội (kịch), Chơi giữa mùa trăng (Thơ văn xuôi).

Dưới đây là một bài thơ của ông:
Đây thôn Vỹ.

Sao anh không về chơi thôn Vỹ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bên sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

+ Tạ Kim Vực (1805- )

Người xã La Hà, huyện Bình Chánh (nay là huyện Quảng Trạch), tỉnh Quảng Bình. Ông sinh năm Ất Sửu (1805), mất năm nào không rõ, thi đỗ Cử nhân khoa Đinh Dậu (1837), thi đỗ Phó Bảng khoa Mậu Tuất (1838), niên hiệu Minh Mạng thứ chín, năm ông 34 tuổi.

Làm quan, từng giữ chức Bố Chánh tỉnh Hải Dương.

+ Trương Xán (1228-? )

Ông sinh năm 1228, người xã Hoành Bồ, huyện Hoành Sơn, sau đổi thành châu Bố Chính ( nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Năm 29 tuổi thi đỗ Trạng nguyên trại, khoa thi Thái học sinh, năm Bính Thìn( 1256), niên hiệu Nguyên Phong thứ sáu đời Trần Thái Tông.

Làm quan đến chức Thị lang, hàm Tự Khanh. Không rõ năm mất của ông.

+ Vũ Xuân Xán (1821- ? )

Ông người làng Hoà Luật, huyện Lệ Thuỷ, phủ Quảng Ninh ( nay là xã Hưng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ), tỉnh Quảng Bình. Sinh năm Tân Tỵ (1821), mất năm nào không rõ.

Nam Đinh Mùi (1847) , 27 tuổi thi đỗ cử nhân, năm sau, khoa Mậu Thân (1848), niên hiệu Tự Đức thứ nhất đỗTiến sỹ năm ông28 tuổi.

Không rõ hành trạng, chỉ biết ông từng được phong hàm Thái Thường Tự Thiếu Khanh sung làm việc tại Nội Các. Sau khi mất , ông được tặng hàm Thị Lang.



tải về 0.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương