Chương XXI: VĂn hoá VẬt chất và VĂn hoá tinh thần di sản tự nhiên và văn hoá



tải về 0.74 Mb.
trang3/8
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích0.74 Mb.
#12309
1   2   3   4   5   6   7   8

3.2.1. Bài chòi

Bài chòi là một trò chơi văn nghệ rất tao nhã, có mặt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Quảng Bình. Trò chơi này thường được tổ chức ở các nơi công cộng ( ngã ba đường, góc chợ, hoặc sân đình) vào dịp tết Nguyên Đán, có lúc kéo dài mười ngày, hoặc nửa tháng sau mới kết thúc. Trò chơi có các quy định rất chi tiết từ trang phục, dụng cụ chơi, đến thể lệ chơi, và được mỗi địa phương thêm bớt một ít cho phù hợp phong tục tập quán địa phương mình. Trong một bài báo sưu tầm đăng trên báo Quảng Bình số xuân 2002, tác giả A.T. giới thiệu tổng quát trò chơi này như sau:” Đúng như tên gọi của trò chơi, người tham gia cuộc chơi này ngồi trên chòi cao. Chòi gồm 10 cái, chia làm hai dãy đối diện, mỗi dãy 5 chòi cách nhau 5-7m trên sân cỏ. Chòi cao độ 1,5m, làm bằng tre, che kín xung quanh, trước mặt có rèm, trên có mái, có thang trèo lên chòi. Khoảng giữa hai dãy chòi có một chòi cái để ho tên con bài và điều hành cuộc chơi.

Người ta chơi bài chòi với một bộ bài gồm 30 con( mỗi con dán vào một thẻ tre) có các tên như: nhứt trò, thái tử, trạng hai, trạng ba, ông âm, tám tiền, lá liễu, thẳng cẳng..., chia đều cho 10 chòi, mỗi chòi 3 con. Ở chòi cái cũng có một bộ bài như vậy để trong ống tre gắn trên cái cọc cao quá đầu người hô bài. Trước khi rút một con bài ở ống, người hô bài hát lên một câu hát gì đó, hoặc nói vè, hò khoan. Sau khi rút bài lại tiếp tục hát và hô tên con bài lên. Mỗi khi con bài cái hô lên nhằm vào cái chòi nào, thì chòi đó gõ ba tiếng mõ. Người chạy cờ sẽ đưa tới cho chòi ấy một lá cờ xéo cầm tay. Chòi nào có 3 cờ xéo thì đánh một hồi mõ dài, báo hiệu, xem như xong một ván. Một hội chơi 8 ván. Ai tới 1 ván thì được đổi 3 cờ xéo lấy 1 cờ vuông. Trong một ván cờ được thưởng một hiện vật giá trị bằng giá tiền mua vé của 1 chòi. Cứ được 3 cờ vuông liên tục thì được thưởng thêm 1 phần thưởng đặc biệt về văn học như một câu đối, một bức hoành phi...

Bài chòi thu hút người xem nhiều hơn người chơi, đặc biệt là lôi kéo những “thầy hò”, những nghệ nhân trong vùng tụ tập tới tham gia để hò hát với nhau. Người chơi bài chòi đầu năm cũng mang trong mình ý nguyện cầu may, cầu phúc. Bài chòi đông vui nhất là nhờ ở tài năng biểu diễn văn nghệ có khi ứng tác của người hô bài cái, những câu thơ, câu hò chúc tết, dàn nhạc, cách trang trí chòi. Tất cả hợp thành một phong cách văn hoá thanh lịch, tao nhã, lôi cuốn mọi người.

Trò chơi này còn được gọi là bài ghế khi người chơi không có chòi chỉ ngồi trên ghế giữa bãi cỏ, hoặc trong nhà. Tuy nhiên, cách thức chơi không có gì đổi khác.

3.2.2. Bài chữ

Đây là một trò chơi văn học, khó hơn, thâm trầm hơn trò chơi Bài chòi, nhưng không kém phần thú vị, mỗi khi tết đến xuân về. Người chủ trì trò chơi thường phải là những nhà nho uyên bác, dày dạn kinh nghiệm sống, vì sự thật đây là cuộc thi đối đáp, bình phẩm văn thơ trực tiếp.. Dưới đây, giới thiệu lối chơi bài chữ ở Đồng Hới dựa trên bài viết của tác giả Ngọc Hiên Hiên in trên báo Quảng Bình số 4348: Bài chữ ra đời năm 1930 do hai cụ Nguyễn Đức Diễn và Hoàng Yến ở xã Trung Bính, Bảo Ninh đặt ra. Trò chơi lấy các câu đố 36 con vật trong bộ tướng tinh của nhà phật: khỉ, hạc, rắn, rồng, lợn, mèo, chó, trâu, ếch, rết...Chiều hôm trước, người tổ chức ra một câu đố thơ chữ Hán (hoặc chữ Nôm), lấy con bài có con vật ứng với câu thơ đó cuốn lại trong miếng vải đỏ buộc vào một thanh ngang treo cao len hai cây tre giữa sân chơi. Người chơi mua vé, ghi câu thơ lại ,về nhà suy nghĩ để giải. Ban tổ chức xuất cho người chơi một phiếu nhận tiền và đánh số cùng với phiếu chơi bài để nếu trúng thì đưa đến nhận. Chiều hôm sau, người chơi đến sân chơi để nghe xổ (giải đáp). Giải đáp của người chơi được ghi vào một phiếu có tên, địa chỉ của mình. Khi xổ, người tổ chức đứng lên bục hạ con bài xuống, đọc câu thơ, xướng con vật đó lên, giải thích đáp án rõ ràng. Ai giải đúng sẽ được phần thưởng một đồng ăn 36 đồng vì bộ bài có 36 con. Tuy nhiên, việc giải thích câu thơ chữ Hán không phải lúc nào cũng rõ ràng, thấu đáo, nên có lúc xảy ra sự không thống nhất đáp án dẫn đến sự bình phẩm, phân tích văn chương tại chỗ rất thú vị và hấp dẫn. Có lần, ông Nguyễn Đức Diễn chủ trì, ra một câu:



Khen ai mượn kế liên hoàn

Mượn màu son phấn mà toan hai chồng

Những người có Hán học đều biết câu thơ này chỉ sự tích Vương Tư Đồ dùng con gái nuôi là Điêu Thuyền làm mỹ nhân kế ly gián cha con Đổng Trác, Lã Bố để cứu nguy cho thế lực nhà Hán bị lấn quyền trong truyện Tam quốc chí; và dựa vào sự tích cùng hai chữ liên hoàn trong câu thơ để đoán đó là con nhện. Tuy nhiên, người lao động lại dựa vào việc Điêu Thuyền có hai chồng và giải là con hạc, vì , theo họ, con hạc đứng trên lưng rùa còn đội cây nến tức là chồng lên hai lần, rốt cục, họ đã đúng. Tính bất ngờ và hấp dẫn của bài chữ là ở chỗ đó. Sau khi Bửu Trưng, quan Tuần Vũ Quảng Bình tham gia chơi bàichữ và đánh sai con rắn, ông ta tức giận bắt dẹp bỏ trò chơi bài chữ. Sau đó các cụ lại bày ra trò chơi bài thai, lấy 30 con của bộ bài tới (bài chòi) để đố.



3.2.3. Bài thai

Bài thai có ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Cũng giống như bài chòi, bài thai là trò chơi xuất phát từ bộ bài tơi, cũng mượn giọng hò làm phương tiện diễn xướng như bài chòi. Có người cho rằng lối chơi này mượn gốc từ một kiểu hò gọi là hò thai. Thực chất đây là một sự biến tướng của trò chơi bài chữ.

3.3 MỘT SỐ TRÒ CHƠI TRẺ EM

3.3.1. Cầu đồng roi

Trò chơi này khá phổ biến ở nông thôn Quảng Bình. Tuy nhiên từng địa phương có một số biến tướng về cách chơi và đạo cụ, nên có một số tên gọi khác cùng chỉ một trò chơi này: Sai nương roi, cầu đồng vung, sai nương vung. Thường trò chơi do trẻ em chăn trâu bò chơi ngoài đồng, vào mùa đông. Bề ngoài trò chơi có vẻ thần bí, mang tính chất mê tín dị đoan, nhưng thực chất chỉ là trò chơi giải trí của trẻ em. Trẻ chơi không kể số lượng đứng thành vòng tròn, một em bé bịt kín mắt, tay cầm chiếc roi nhỏ ngồi giữa. Bọn trẻ vừa vỗ tay, vừa hát theo nhịp một bài đồng giao, trong đó có hai câu đầu:



Sai nương ơi hỡi nương roi

Nương đập, nương đòi áp lại mà lên...

Bài hát được hát đi hát lại cho đến khi đứa trẻ ngồi giữa “nhập đồng” vùng dậy đuổi đánh bất kỳ ai đứng quang mình, khiến đám trẻ tháo chạy náo loạn, rất vui vẻ.



3.3.2. Đánh bi

Chơi bi ít nhất phải có hai người trở lên. Bi làm bằng đá vôi mài tròn. Trên mảnh đất bằng phẳng hai đầu cách nhau 3-5m, xoáy hai lỗ tròn đường kính1,5-2cm. Người chơi ngồi xổm từ một lỗ bắn bi về phía lỗ kia, theo thứ tự trước sau. Người chơi, bằng khả năng của mình phải giành quyền đưa bi của mình vào lỗ này, sang lỗ kia trước thì được thắng cuộc. Trong quá trình chơi, người chơi được quyền dùng bi của mình bắn bi đối phương ra xa các lỗ. Ngoài ra còn có kiểu chơi bi không lỗ đơn giản hơn, chỉ cần người này bắn trúng bi người kia thì coi như thắng cuộc.



3.3.3. Đánh khăng

Trò chơi này thanh niên cũng có tham gia, nhưng phổ biến là giành cho trẻ em. Khăng là hai đoạn gỗ tròn bào nhẵn, gồm một mẹ và một con. Mẹ dài khoảng 40-50cm, con bằng 1/3 mẹ. Trên sân chơi bằng đất khoét lỗ dài bằng 1/2 đoạn khăng ngắn. Trò chơi có 2 phe, mỗi phe từ 2-5 người. Các phe giành quyền chơi trước bằng cách dùng khăng mẹ tâng khăng con (gọi là khắc) được nhiều lần nhất. Một người trong phe chơi trước đặt khăng con vào lỗ, cho một đầu gác lên thành lỗ dùng khăng mẹ gõ khăng con bật lên khỏi mặt đất và đánh mạnh cho khăng con bay đi càng xa càng tốt. Phe chơi sau đứng thành hàng đón khăng con. Nếu họ bắt được khăng con đang bay từ trên không, thì toàn đội chơi trước mất quyền chơi và hai đội đổi chỗ tiếp tục chơi. Nếu họ không bắt được, thì nhặt khăng con ném trả về lỗ. Người giữ lỗ dùng khăng mẹ đón đánh khăng con ra xa ( tuy nhiên, nếu người này để khăng con rơi sát lỗ dưới một tầm khăng mẹ thì mất lượt chơi, người khác trong phe vào thay thế), sau đó sẽ dùng khăng mẹ đo khoảng cách từ điểm khăng con rơi đến lỗ. Lần lượt hết người này đến người khác và đội nào có số lượng tầm khăng mẹ nhiều nhất thì thắng cuộc. Trò chơi này rất phổ biến ở Quảng Bình, có nhiều biến thể trong cách chơi cũng như cách tính điểm, tuy nhiên không đáng kể.



3.3.4. Chơi ô ăn quan

Trò chơi chỉ có hai người chơi. Vẽ lên sân chơi hình chữ nhật, trong đó chia đôi hình chữ nhật theo chiều ngang, mỗi bên 8 ô bằng nhau. Trong mỗi ô có 5 hòn sỏi nhỏ, trừ hai ô chéo hai đầu, mỗi ô 10 viên. Người chơi trước bốc một ô bất kỳ, trừ ô có 10 viên, rải xuôi (hoặc ngược đều được) vào các ô kế tiếp nhau , mỗi ô một viên sỏi. Khi hết sỏi thì bốc ô kế tiếp để rải tiếp. Khi rải hêt quân mà ô kế đó không có sỏi, thì người chơi được “ăn” quân ở ô ngay sau ô trống và tiếp tục bốc quân ở ô sau để đi. Người chơi chỉ dừng và nhường quyền chơi cho người kia khi thả viên sỏi cuối cùng trước ô 10 viên, hoặc trước hai ô trống liên tiếp. Cứ như thế hết người này đến người khác thay phiên nhau chơi cho đến khi hết quân trên các ô thì dừng. Người nào có số quân “ăn” nhiều thì thắng. Đây là trò chơi nhẹ nhàng ít nhiều đòi hỏi sự tính toán thông minh, nên được các em ưa thích.



3.3.5. Đánh thẻ

Là trò chơi được trẻ em nữ ưa thích. Trò chơi có các que thẻ dài từ 25-30cm (8-15 que), một quả bồi ( là một quả cà hay một hòn đá tròn có kích thước bằng quả cà). Hai hoặc nhiều người cùng chơi. Người chơi dùng một tay cầm toàn bộ số thẻ và quả bồi rồi tung quả bồi lên, đồng thời rải toàn bộ thẻ xuống đất và dùng tay ấy đón bồi. Sau đó lần lượt tung bồi, nhặt thẻ lần lượt cho đến hết. Nếu để rơi thẻ hoặc không bắt được bồi, thì phải nhường người khác chơi tiếp. Bắt thẻ xong đến phần dùng hai tay múa thẻ. Người chơi tung bồi lên cao và múa được số vòng thẻ nhiều nhất thì sẽ thắng và cuộc chơi tiếp tục lại từ đầu. Trong lúc chơi, các em thường hát bài đồng dao:



Qua cầu Chị tau

Hầu thẻ Rủ nhau

Nẻ bạn Qua cầu

Sang ngón Té xuống ao

Chọn tay Nhào xuống vũng

Ngày giờ Nghe đánh tủm

Giơ chị Túm cái thẻ

Giơ thẻ Nẻ cái thủm

Ả mi Sang tay này

Chuyền tay kia

3.3.6. Chơi ù

Người chơi chia thành hai phe, mỗi bên khoảng 4 đến 5 người. Sân chơi là một bãi đất phẳng không hạn chế kích thước, ở giữa vạch một đường ngang. Vào cuộc chơi, mỗi bên đứng cách xa đường vạch khoảng 5m. Một bên được cử trước một người vừa “ù” không được lấy hơi, vừa tiến sâu sang sân đối phương để bắt người. Nếu chạm được người của đối phương rồi về lại được sân mình mà người ù không phải lấy hơi khác thì coi như người của đối phương bị “chết”. Còn nếu người ù bị đối phương bắt giữ và bị hết hơi tại sân đối phương thì bị bắt làm tù binh và đội đang chơi phải cử người khác “ù” sang cứu. Cuộc chơi cứ thay đổi nhau cho đến khi bên nào bị “chết” hết quân, hoặc bị bắt làm tù binh hết thì bị thua.

4. ÂM NHẠC

Trong kho tàng âm nhạc dân gian Quảng Bình, một bộ phận lớn là do chính các thế hệ người dân Quảng Bình sáng tạo ra, một bộ phận khác do du nhập và cải biến từ các nguồn dân ca các xứ sở khác trong quá trình giao thoa văn hoá lâu dài mà thành. Âm nhac dân gian Quảng Bình được giới thiệu dưới đây không đi sâu vào cấu tứ, khúc thức âm nhạc, mà thông qua một số làn điệu dân ca và các nhạc cụ tiêu biểu cả các dân tộc anh em để hình dung được phương thức sinh hoạt văn nghệ cổ truyền của các thế hệ người dân Quảng Bình trong quá khứ. Trong sinh hoạt âm nhạc cổ truyền ở Quảng Bình, ít thấy xuất hiện các phường hát, gánh hát chuyên nghiệp có thương hiệu. Tuy nhiên, đây đó cũng có những ca nhóm tập thể trong những loại hình cụ thể như: hát Kiều, hát bội, hát sắc bùa, hát nhà trò...và sẽ được giới thiệu ngay trong quá trình giới thiệu các làn điệu dân ca này.



4.1. Dân ca

Ở Quảng Bình có một vốn dân ca rất phong phú. Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An viết năm 1555 đã nói nhiều đến truyền thống hò hát ở Quảng Bình: "Xóm làng đông đúc, (...) tiết hạ bày tiệc tàng quy, tưng bừng hát múa", "Tuy Lộc lắm rượu ngon, Cổ Biêu nhiều con hát", "Lệ Môn phong tục hào hoa, Phan Xá tiếng tăm vạn vật. Trước rèm Dương Xá đãng tử mặc sức múa ca, trong đình Lan Xương, giai nhân ngầm khoe nhan sắc", "Giỏi may Kim Lũ khởi sắc, Chèo cạn (2) Bồ Khê nổi danh"...

Ở vào một vùng đất chịu nhiều sự giao thoa sâu sắc, nên ngoài cái nền bản địa, dân ca Quảng Bình cũng có nhiều dấu vết âm nhạc của Nghệ Tĩnh ở phía Bắc và Trị Thiên phía Nam. Các phẩm chất âm nhạc này hoà quyện vào nhau và được gọt dũa nâng cao theo cách riêng của người bản địa nên đã có được một phẩm chất âm nhạc độc đáo, đậm đà bản sắc bản địa và nhờ đó mà tồn tại đến ngày nay. Về âm nhạc của dân ca Quảng Bình, tiến sỹ viết : "Xét trên góc độ âm nhạc, một nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng người Quảng Bình hò hát theo giọng điệu của người địa phương (ngũ cung đúng: đô, rê, pha, sol, la) gần giống hát giặm Nghệ Tĩnh. Lối hò này thể hiện rõ trong hò nhân nghĩa ở Quảng Bình. Khác với người Trị Thiên hò hát theo ngũ cung hơi nam giọng ai (đô, rê, pha, sol, la)".

Nhận định này phù hợp với ý kiến của những người nghiên cứu văn nghệ dân gian Quảng Bình trên thực địa: "Ở phía Bắc trên các xã từ sông Gianh đến chân đèo Ngang, chúng tôi ghi được rất nhiều bài hát giặm. Nhân dân ở đây vận dụng hình thức hát giặm vào sinh hoạt đối đáp nam nữ, ru con, kể vè. . . Bên cạnh đó, ở những xã sát chân đèo, nhân dân có những điệu hò giã gạo, hò đối đáp nam nữ . . . mà thực chất về mặt âm nhạc, làn điệu . . . gần hết như hát ví Nghệ Tĩnh (...). Tóm lại một số hình thức dân ca ở cực Bắc Bình Trị Thiên, thực chất chính là hát ví".

Trong dân ca Quảng Bình, vượt trội lên là thể loại hò. Hò Quảng Bình phong phú về làn điệu, đa dạng về nội dung , là tiếng lòng da diết của một bộ phận dân tộc Việt Dù ở miền xuôi hay miền núi, dù hò trên cạn hay hò dưới nước, hò Quảng Bình đều mang tính chất thô phát, khoẻ khoắn, hồn nhiên gần với yếu tố nguyên thuỷ của người Việt cổ. So sánh với nhạc điệu trong hò Thừa Thiên, ta sẽ thấy nét khác biệt. Người Trị Thiên hò ru em, hò bài thai, hò mái nhì đều mang nét dịu nhẹ, buồn êm, do ảnh hưởng của nhạc Chàm, và cũng một phần do chịu tác động của văn hoá đất kinh kỳ. Vùng Quảng Bình xa kinh đô, nên tác động kinh kỳ không mạnh mẽ. Hò Quảng Bình, do vậy, vẫn giữ được nét nguyên sơ mộc mạc như khi mới ra đời.

Tuy nhiên, do giao lưu văn hoá, hò Quảng Bình và Trị Thiên có một số làn điệu na ná giống nhau. Trong trường hợp này thì thật khó phân tích về phương diện âm nhạc mà ranh giơi giữa "ngũ cung đúng" và "ngũ cung hơi nam giọng ai" có khi xen lẫn, nhập nhằng. Cần có sự phân tích thật kỹ càng của những nhà chuyên môn âm nhạc mới đưa ra những kết luận khoa học. Ví như hò đưa linh có cả Quảng Bình và Trị Thiên, hò hụi ( hay hò nên ) giữa Quảng Bình và Trị Thiên giống nhau, hò quết vôi ( giã vôi ) hầu như phát sinh ở Quảng Bình trong thời kỳ Đào Duy Từ cho đắp luỹ Thầy và luỹ Trường Dục, sau lan dần vào Trị Thiên. Hò đẩy nôôc ở Trị Thiên chẳng khác gì hò đẩy thuyền ở Quảng Bình trong lối xướng xô. Một số làn điệu hò giữa Quảng Bình và Trị Thiên có những nét giống nhau như vậy cho phép suy đoán có một sự tương quan ảnh hưởng về dân ca ở hai vùng đất. Sự tương quan này đậm nhạt thế nào ;vùng nào chịu tác động nhiều hơn ... câu trả lời xin giành cho các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học (dân tộc nhạc học).

Theo tiêu chí chức năng, các nhà nghiên cứu văn hoá đã xác định được hò Quảng Bình bao gồm ba thể loại chính: hò nghi lễ (sử dụng trong các nghi lễ tâm linh: tế thần, tế tổ nghề, cầu đảo...), hò sinh hoạt vui chơi ( sử dụng trong các sinh hoạt thường ngày và gắn với các trò chơi dân dã), hò lao động sản xuất và nghề nghiệp: ( sử dụng vào các động tác lao động, sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, giải toả nỗi mệt nhọc và làm vui cuộc sống)

Để thấy rõ hơn sự vượt trội của các thể loại hò ở Quảng Bình so với các địa phương khác trong cả nước, dựa theo các tài liệu đã xuất bản, tác giả Tôn Thất Bình ( Vấn đề bảo tồn hò Quảng Bình ) đã lập bảng so sánh sau đây:






Địa điểm
Thể loại

Bắc Bộ

Nghệ Tĩnh

Quảng Bình

Trị Thiên

Nam Trung Bộ

Nam Bộ

Hò nghi lễ

1

1

3

1

0

1

Hò sinh hoạt vui chơi

0

0

2

6

4

0

Hò lao động sản xuất và nghề nghiệp

9

8

25

17

20

23

Cộng

10

9

30

24

24

24

Dưới đây xi n giới thiệu một số làn điệu hò - hát dân ca tiêu biểu ở Quảng Bình



4.1.1. Hò khoan Lệ Thủy

Hò khoan Lệ thuỷ là điệu hò truyền thống nổi tiếng và phổ biến nhất trong vốn dân ca Quảng Bình. Có nhiều tài liệu cho rằng, Hò khoan Lệ Thuỷ, là do Lộc Khê hầu Đào Duy Từ (1572 -1634) sáng tạo ra trong giai đoạn thế kỷ XVI-XVII. Sự thật thì trước khi Đào Duy Từ có mặt ở đây, sách“Ô Châu cận lục” (viết năm 1553) đã ghi nhận vùng đất này “có nhiều con hát”.Như vậy, có thể hiểu rằng tiền thân của Hò khoan Lệ Thuỷ ra đời từ lâu, là sản phẩm do quần chúng - con hát tại chỗ sáng tạo ra, kết hợp với chuỗi dài những tháng ngày tiếp biến, pha trộn của những cư dân Đại Việt từ các địa phương khác nhau ở miền Bắc vào đây để hình thành nên một làn điệu chung Hò khoan Lệ Thuỷ sơ khai ban đầu cho cả một vùng cư dân Lệ Thuỷ lưu truyền. Về sau, khi Đào Duy Từ vào giúp rập chúa Nguyễn đã nâng cao, hoàn thiện điệu Hò khoan Lệ thuỷ có sẵn này, ứng dụng tiết tấu khoẻ, rập ràng và sự cộng cảm lớn của nó vào việc lao động đắp chiến luỹ, một công việc kéo dài nhiều năm, trải dài trên nhiều phần đất tỉnh Quảng Bình và có thể nhờ đó mà Hò khoan Lệ Thuỷ được phổ biến rộng rãi ra toàn tỉnh.

Trong Hò khoan Lệ Thuỷ việc xử lý lời ca đóng vai trò rất quan trọng trong việc cùng với “cung” “hơi” (âm nhạc) để chuyển tải các nội dung, tình cảm và mỹ cảm của người hò đến với công chúng và cả đến với chính mình. Thực chất việc xử lý lời ca trong Hò khoan Lệ Thuỷ là nghệ thuật phổ thơ. Những lời thơ này có thể rút ra từ kho tàng ca dao, dân ca hoặc được các nghệ nhân sáng tạo tại chỗ ngay trong cuộc hò, mà thuật ngữ sinh hoạt hò khoan thường gọi là: Tiệp, đâm bắt, bắt miệng... Hình thức diễn xướng của Hò khoan lệ Thuỷ ban đầu rất đơn giản. Do gắn chặt với lao động, ngay trong lúc chính mình đang trực tiếp làm những công việc nặng nhọc, thậm chí buồn chán, nên Hò khoan Lệ thuỷ, lúc này không cần đến nhạc cụ, trang phục, sân khấu mà chỉ cần đến một vài “bạn” hò cùng lao động là được. Khi Hò khoan Lệ Thuỷ được các thế hệ nghệ nhân dân gian hoàn thiện ,bên cạnh việc vẫn gắn chặt với lao động trực tiếp, nó đã xuất hiện độc lập như một loại hình sinh hoạt văn hoá quần chúng thuần tuý, phục vụ nhu cầu biểu diễn - cảm thụ của đông đảo quần chúng nhân dân tại chỗ. Từ đó về nghệ nhân sáng tạo, trên nền nhân dân là tác giả - diễn viên, nổi lên một lớp người có biệt tài đặt lời và hò hay mà tên tuổi của họ lưu đến tận ngày nay. Về hình thức diễn xướng đã có “sân chơi”, có “diễn viên”, có “công chúng” và vẫn xướng - xô, đối đáp, đã xuất hiện một số nhạc cụ phục vụ buổi diễn: Trống chầu, sênh.

Sau cách mạng tháng Tám và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xuất hiện nhiều lối hò mới như Hò lối Cách mạng và Việt Minh , lối hò địch vận, lối đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ mùa, lối hò chào mừng hoà bình, lối cải cách ruộng đất, lối sửa sai, lối xây dựng tổ đổi công, hợp tác xã, lối tòng quân đánh Mỹ, lối phụ nữ “Ba đảm đang” . . .Tất cả các “lối” hò này, trên thực tế là đưa nội dung thời đại vào hình thức 6 mái hò truyền thống. Điều quan trọng nhất được coi là bước ngoặt của hình thức diễn xướng Hò khoan Lệ thuỷ là Hò khoan đã được sân khấu hoá, đưa lên trình diễn có tích có tuồng trên sân khấu, tham gia nhiều Hội diễn văn nghệ quần chúng thành công.

Nội dung hò khoan Lệ Thuỷ rất phong phú, đa dạng, thường đề cập đến các vấn đề trong xã hội , từ các đề tài lao động, tình yêu, chòng ghẹo, kê kích nhau trên cơ sở sử dụng tri thức bản địa trong cuộc sống lao động - xã hội, trong sách vở thánh hiền để tạo cuộc sống vui trong đêm hò khoan - lao động, thể hiện tài năng ứng đối linh hoạt của trí tuệ dân gian thông qua các lối hò nhân nghĩa, lối hò làm ruộng, chèo thuyền, lối đi ở đầy tớ, lối đánh bạc, đi lính mộ, lối nhị thập tứ hiếu, Tam Quốc, Truyện Kiều, Lưu Bình Dương Lễ, lối hò gễnh hay còn gọi là lối bướm ba, lối đâm bắt . . . Một số thí dụ:

+Hò đâm bắt:



*Gặp anh đây hỏi thiệt anh đây

Đường từ dương gian lên hạ giới hết mấy ngày rứa anh

*Hăm ba (23) đưa ông Táo về trời

Tối bao mươi (30) lại đón . . . rứa khứ hồi 7 ngay (1).

+Hò xấc leo:



*Thân em như hạc đứng sập vàng

Thân anh như chiếu rách . . . trải ngang giữa thềm

*Anh làm cho gió nổi lên

Để manh chiếu rách phủ đè lên hạc vàng

+Hò đấu trí:



*Chừ em giao cho anh một đĩa muống chiên

Anh về thả hồ cho tươi lại . . . xin kết nguyền trăm năm

*Rứa thì em đưa cho anh một ống tre khô

Em trồng cho mau tốt . . . để chẻ lạt rồi sang hồ bó rau.

(1)Ngay : ngày - tiếng địa phương Lệ Thuỷ.
Hò khoan Lệ Thuỷ là tên gọi tổng quát của một tổ hợp 6 mái hò khác nhau: mái chè, mái nện, mái ba, mái nhì, mái duỗi, mái xắp; trong đó mái xắp đóng vai trò quan trọng và do đó rất phổ biến.

Mái là cách gọi ước lệ riêng của từng điệu hò. Trong hò có lớp trốnglớp mái. Lớp trống là lớp chính thức để nói lên nội dung của lớp hò, thuộc về người hò cái ,còn lớp mái là phụ tức là vế xô thuộc về hò con . Các phụ tố đi sau các mái như: Chè, nện, ba, nhì, duỗi, sắp tuy chưa có sở cứ để giải thích ngữ nghĩa của từ nguyên, nhưng chắc chắn đây là những yếu tố quy định sự khác nhau về cấu trúc giai điệu của từng làn điệu (mái) trong 6 mái hò kể trên.

Mái chè: Là điệu hò thường được sử dụng một thời gian ngắn ở đầu buổi hò như một lời giao đãi, mời chào để nhanh chóng chuyển sang mái hò khác. Mái chè thuộc về cung Nam hơi ai(1), có giai điệu buồn, tha thiết. Về danh xưng mái chè, có ý kiến cho rằng là do mục đích làn điệu mời bạn hò uống nước chè xanh vào đầu buổi cho thanh giọng. Tuy nhiên, giả thiết này chưa có sở cứ. Mái chè sử dụng ca dao và ca dao biến thể để làm lời. Số chữ trong mỗi câu hò ở phần hò cái không ổn định, nhờ vào sự đưa đẩy của lời phụ mà kết dính. Do có âm điệu buồn, tha thiết, ngoài ra người ta còn sử dụng mái này trong lúc giải bày tâm trạng, khi chèo thuyền trên sông thanh vắng, hoặc dùng để hò đưa linh. Trong mái chè chỉ thực hiện hai lần xố con bằng một từ ngắn gọn: hố! như một sự ngắt câu, chuyển đoạn, hoặc báo hiệu sự nhấn mạnh tiếp theo của hò cái.

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc thì ca nhạc truyền thống Việt Nam có 2 loại cung: cung Bắc và cung Nam. Cung Bắc là điệu ca của miền Bắc, xây dựng trên âm giai ngũ cung đúng (đô, rê, pha , sol, la), có âm điệu vui tươi, phấn khởi, hồn nhiên, còn cung Nam là những điệu ca của miền Nam có âm điệu mơ buồn thương nhớ xa xôi. Trong cung Nam lại chia ra hai thứ hơi: hơi ai và hơi oán. Hơi ai được xây dựng trên âm giai ngũ cung (đo, rê (non), pha(già), sol, la(non)), có âm điệu thương cảm, vương vấn não nùng.

Mái nện: Là mái hò thường bắt vào ngay sau lời giao đãi, lời chào của mái chè, trong mỗi cuộc hò khoan. Mái nện có tiết tấu nhanh, khoẻ, thuộc về cung Bắc, có giai điệu tươi vui, nhộn nhịp, nên thường dùng trong lúc thực hiện các công việc nặng nhọc : đắp đường, đắp đê, giã vôi, giã gạo . . . với hình thức tập thể để thúc đẩy thi đua, tăng năng suất lao động. Bởi gắn với lao động, công việc gần như diễn ra suốt ngày của cư dân nông nghiệp, bởi có tiết tấu vui tươi, lạc quan nên trong diễn xướng, hò mái nện cũng được ưu tiên nhiều thời gian hơn.

Mái ba:Là mái hò duyên dáng, hấp dẫn, thuộc về cung Bắc, có tiết tấu nhanh, giai điệu khoan thai, là mái hò thường được sử dụng ở vào giai đoạn cao trào của cuộc hò, hoặc phần cuối cuộc hò khi cuộc vui/ buổi lao động gần tàn và người hò/người lao động đã thấm mệt. Vì vậy, các câu hò cái (xướng), thường được cắt vụn ra, nhường cho tập thể xen kẽ xố con bằng những lời xố khoan thai, tạo điều kiện cho người lĩnh xướng nghỉ lấy hơi, trong chặng đường dài của cuộc hò/lao động rất hấp dẫn, nhưng không phải là không nặng nhọc.

Mái nhì: Là mái hò thuộc về cung Nam hơi ai, có âm điệu buồn, nặng nề phù hợp với các công việc chèo thuyền đêm khuya, cày bừa đồng sâu, hoặc xay lúa. Đặc biệt phần xố con của mái nhì khác các mái hò còn lại là có thể không giới hạn trường độ. Các nghệ nhân hò gọi là xố bạn. Thực chất đây là sự “tiếp hơi” của những người xố con đứng kế tiếp nhau lần lượt xố trải dài trên đồng ruộng trong hình thức “cấy bạn”, người này tiếp người khác, thửa ruộng này tiếp thửa ruộng khác cho đến người cuối cùng thì người xướng lại hò tiếp để chờ đợi sự vang vọng kéo dài của lời xố.
Mái duỗi: là mái hò gần gũi với điệu mái nhì, theo đó, cũng nghiêng về cung Nam hơi ai. Mái duỗi cũng được sử dụng trong lao động như mái nhì, là điệu hò sông nước đường trường, hoặc lúc cày cấy nơi ruộng sâu. Điều khác hẳn với các mái hò còn lại trong hò khoan Lệ Thuỷ là mái duỗi chỉ có xướng không có xô, thể hiện sự đơn lẻ, cô độc. Do vậy, ngoài việc sử dụng khi lao động một mình, dân gian còn sử dụng mái hò này trong lúc ngồi ngắm trăng uống rượu cùng bầu bạn, hoặc ông, bà hò cho con cháu nghe, như một sự giải bày trân trọng, sự trình diễn nghệ thuật.

Mái xắp: Là điệu hò chính trong tổ hợp các mái của hò khoan Lệ Thuỷ. Trong 6 mái hò thì Mái xắp được nhiều người yêu thích, hâm mộ bởi “Điệu hò tổng hợp được các đặc trưng của 6 mái, có đủ mọi đề tài, mọi tâm trạng vui buồn của nhân tình thế thái do tính đa dạng của nó trong nét nhạc cũng như trong lối hò”

Mái xắp thuộc về cung Bắc trên nền tảng âm giai ngũ cung đúng (đô, rê, pha, sol, la), có âm điệu vui tươi, thắm thiết, ân tình với tiết tấu rất linh hoạt. Với sự đa dạng và phổ biến ấy của âm nhạc, mái xắp thường xuất hiện ở cao điểm cuộc vui /buổi lao động. Hơn thế nữa, mái xắp, với sự tổng hợp lớn lao của mình, có thể tự đảm nhiệm làm mái hò độc nhất trong suốt cuộc hò, không cần một mái nào tham dự mà cuộc vui không nhàm chán. Theo thống kê của các nhà sưu tầm thì mái xắp là mái hò có tần số xuất hiện nhiều nhất trong tổ hợp hò khoan Lệ Thuỷ. Trong lao động, mái xắp được dùng nhiều khi giã gạo và do đó, có lúc người ta còn gọi mái hò này là hò giã gạo.

Các nhà nghiên cứu dân nhạc chia cung Nam ra thành 2 thứ i”: “hơi aihơi oán. Hơi oánlà làn điệu cải lương của Nam Bộ và nhạc Chàm, còn Hơi ai là một thứ hơi mới được pha trộn từ âm điệu cung Bắc với âm điệu hơi áon, cung Nam.


tải về 0.74 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương