CHỮ quốc ngữ TẠi bình đỊNH



tải về 0.83 Mb.
trang5/10
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.83 Mb.
#9383
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

NHỮNG NGƯỜI VIỆT CÓ MẶT

TRONG BUỔI ĐẦU HÌNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ LATIN
Nguyễn Hữu Hiếu

Bảng tóm tắt:

A. de Rhodes không phải là người duy nhứt sáng chế ra chữ quốc ngữ Latin. Chẳng những thế, ông ta cũng không phải là người châu Âu đầu tiên soạn từ điển về tiếng Việt vì trước ông ta đã có một số giáo sĩ làm việc này.

Có thể nói công trình sáng tạo chữ quốc ngữ La tinh là một công trình tổng hợp có tính chất tập thể quốc tế, trong đó A. de Rhodes là người đã tiếp thu, thừa kế, sắp đặt lại cho hoàn chỉnh tất cả các thành tựu của các nhà truyền giáo tiền phong hay đồng thời, dựa trên những trợ giúp vô cùng quý giá, không thể thiếu được của người Việt, chẳng những là tín đồ đạo Thiên chúa mà còn cả giới nho sĩ, tu sĩ Phật giáo… các mà các nhà truyền giáo phương Tây có dịp tiếp xúc gần gũi, cụ thể là các nhân vật Raphael Rhodes, Y Nhã, Igesico Văn Tín, Bento Thịên, Philip Bỉnh…

Đến nay, ngoại trừ Philip Bỉnh, tiểu sử các nhân vật khác còn lại chúng ta không rõ lắm; tuy nhiên căn cứ vào bút tích của họ để lại, chúng ta thấy họ là những người Việt có công lớn trong buổi đầu hình thành chữ quốc ngữ La-tinh.


Nội dung:

Dù thế nào đi chăng nữa, A.de Rhodes cũng là một trong những giáo sĩ phương Tây góp phần sáng tạo ra chữ quốc ngữ Latin. Quyển Tự điển Việt Bồ La của ông là tập hợp thành tựu của nhiều chuyên khảo về tiếng Vịêt trước năm 1651 và công sức khác của nhiều người; trong đó, có không ít người Vịêt từ người bình dân đến nhà nho, giáo dân, thầy giảng, kẻ giảng, các cậu (tập sinh), ông bỏ (trợ giảng) người Việt...Rất tiếc là người Việt ta không có thói quen ghi chép và lưu giữ giấy tờ, nên qua thời gian không còn gì để lưu lại về sau.

Tuy vậy, dựa vào tài liệu ở các kho lưu trữ của một số Hội Truyền giáo phương Tây, người ta cũng sưu tầm được một số bút tích hiếm hoi tiếng Việt viết bằng mẫu tự La tinh trong giai đoạn này của người Việt.

Nếu không có sự hợp tác người bản xứ, các giáo sĩ phương Tây không thể nào đẩy nhanh quá trình hình thành chữ quốc ngữ Latin. Nhưng sự hợp tác của người Việt trong việc sáng tạo này nằm ngoài mục đích truyền đạo của các giáo sĩ với mục đích lớn hơn, sâu xa hơn. Xuất phát từ ý thức, ý chí, tinh thần dân tộc, người Việt muốn có một thứ chữ viết riêng để ghi chép, diễn đạt tâm tư, tình cảm, nguỵên vọng...một cách chính xác, trung thực, dễ hiểu. Tiếng Việt viết bằng mẫu tự La tinh ngày nay là một công cụ ngôn ngữ đủ sức diễn đạt trong bất kỳ ngành khoa học nào như mọi ngôn ngữ khác của các dân tộc tiên tiến khác trên thế giới; điều này hoàn toàn nằm ngoài mong muốn của các giáo sĩ phương Tây hồi thế kỷ XVII. Sự phát triển của chữ quốc ngữ La tinh ngày nay đã minh chứng điều đó.

Trên cơ sở tư liệu hiếm hoi về người Việt có công góp phần sáng tạo chữ quốc ngữ Latin, chúng tôi xin giới thiệu một số nhân vật có tư liệu liên quan:

Đến nay chưa rõ Lm. Francisco de Pina (1585-1625) học với ai và học như thế nào để trở thành nhà truyền giáo phương Tây giỏi tiếng Việt ở Đàng Trong vào thời điểm 1620-1625. Trong khi hành lễ hoặc giao tiếp với giáo dân, ông nói tiếng Đàng Trong rất thông thạo và tự nhiên1. Ông là thầy dạy tiếng Việt của A.de Rhodes và Antonitô de Fontes và có thể ông là tác giả quyển sách giáo lý đầu tiên bằng chữ Nôm. Ông đến Đàng Trong năm 1617, sống ở Hội An. Năm sau cùng Buzomi và Borri vào Nước Mặn. Trong một thư viết vào đầu năm 1622 gởi về Lisbon (Bồ) tường trình về công vịêc truyền giáo và đặc biệt công việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ La tinh ở Dinh Chiêm (Quảng Nam), trong thư có đoạn:

Về việc học ngôn ngữ, thì Dinh Chiêm là nơi tốt nhất, vì dinh trấn thủ đóng nơi này; người ta nói năng rất chuẩn và có nhiều thanh niên học trò qui tụ về, nên những ai bắt đầu học ngôn ngữ thì tìm được sự giúp đở nới các học trò ấy...Ngôn ngữ này có cung điệu giống như cung nhạc, cần phải biết xướng thanh đúng điệu trước đã, sau mới học các âm qua bảng chữ cái...

Về phần tôi, tôi đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và các thanh (cung điệu) của ngôn ngữ này; tôi hịên đang bắt tay vào học ngữ pháp...2

Bấy giờ dinh trấn Thanh Chiêm là trung tâm giao dịch thương mại và văn hóa của Đàng Trong, nơi tập trung nhiều nhiều trí thức, khoa bảng. Một thế hệ nho sĩ và các nhà hoạt động tôn giáo đang hướng về những cái mới từ Tây phương mang đến: khoa học và triết học, thần học.Việc tiếp nhận đức tin của họ giúp đở rất nhiều cho công việc truyền giáo.  Họ phiên dịch kinh nguyện, trình bày giáo lý, sáng tác thơ văn, truyền bá chân lý. Ngược lại, họ cũng tiếp thu những kiến thức khoa học mới về thiên văn, địa lý, kiến trúc, hội họa phương tây qua các Ki tô hữu Bồ Đào Nha và các nhà truyền giáo uyên bác như C. Borri, F. de Pina…

Như vậy, rõ ràng sở dĩ Lm. F. de Pina giỏi tiếng Việt là do ông chịu khó học từ những người dân ở Dinh Chiêm, nơi mà ông cho rằng họ nói rất chuẩn, nhứt là lớp nho sĩ ở đây. Riêng A.de Rhodes, theo hồi ức của ông, thì ông học tiếng Việt với một thiếu niên mà ông đặt tên cho câu ta là Raphael Rhodes.

1- Raphael Rhodes:

Ngoài Francisco de Pina, A.de Rhodes còn học tiếng với một cậu bé Việt 13 tuổi. Có điều làm mọi người ngạc nhiên là không biết hai người dùng ngôn ngữ gì khi trao đổi, vì khi đó A.de Rhodes chưa biết tiếng Việt và em bé chắc cũng chưa biết ngôn ngữ phương Tây nào. Chỉ biết lúc bấy giờ ở Đàng Trong có nhiều thương nhân người Bồ và nhà truyền giáo đa phần cũng là người Bồ, riêng ở Hội An lại có nhiều người Hoa và Nhựt. Có thể, lúc đầu thông qua người Hoa hoặc người Nhựt, mà em bé và A.de Rhodes giao tiếp được. Với sự giúp đở của em bé, qua ba tuần, ông phân biệt được các thứ thanh tiếng Việt và cách phát âm của mỗi tiếng. Em bé này rất thông minh, trong khi hướng dẫn A.de Rhodes học tiếng Việt, em học được tiếng Bồ (?) và biết giúp Thánh lễ (tiếng Latin), nên ông rất thán phục, dẫn dụ em vào đạo.

Đến nay chưa rõ họ tên và quê quán của cậu bé này. Chỉ biết khi vào đạo, được A.de Rhodes đặt cho tên thánh Raphael, ghép với tên ông thành Raphael Rhodes. Nhờ khả năng ngôn ngữ đặc biệt, Raphael nhanh chóng trở thành người giúp đở đắc lực cho các linh mục giảng dạy giáo lý, dần dần trở thành kẻ giảng (sau thầy giảng một bậc). Vào năm 1642, Raphael theo linh mục J.M. de Leria cùng hai thầy giảng khác đến Vạn Tượng (Lào) truyền đạo. Đến năm 1666 Raphael trở thành một thương nhân giàu có, đặt trụ sở kinh doanh ở Thăng Long và Phố Hiến vẫn còn là một cán bộ đặc biệt của Giáo đoàn Đàng Ngoài3. Gần đây, trên mạng vietnamnet có viết: ”...Nhóm nghiên cứu đang đang tập trung nghiên cứu để một ngày gần đây chứng minh giả thiết cho rằng, những nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha đã tiếp thu bộ chữ cổ của người Việt, và có công La tinh hóa nó, để ra được chữ Quốc ngữ. Chính trong cuốn “Từ điển Việt Bồ La”, Alexandre de Rodes đã viết: “Đối với tôi, người dạy tài tình nhất là một thiếu niên bản xứ. Trong vòng 3 tuần, anh ta đã hướng dẫn cho tôi tất cả các thanh của ngôn ngữ ấy và cách đọc các từ”. Theo thầy Xuyền thì “cách đọc các từ” đó nhiều khả năng là thứ chữ Việt cổ !” 4. Kết luận này, e ra quá vội vã, phải hết sức cẩn trọng. Vì theo nhận xét của Lê Văn Siêu: “...nếu có chữ (Việt cổ), thì chữ cũng thuộc loại ngoằn ngoèo và phần nào tượng hình, chớ không thể là biến thái của những nét chữ nửa Tàu nửa Tây được”5.

2- Y Nhã :

Trong những lần A.de Rhodes sang Đàng Trong6, là lúc ông học hỏi thêm tiếng Việt và đánh dấu cho đúng chữ quốc ngữ. Đối tượng ông nhắm tới là các nhà nho trong dân gian, các thầy giảng ở các xóm đạo. Trong đó có thầy giảng Y Nhã. Y Nhã, chưa rõ tên thật, đỗ sinh đồ, tinh thông Nho học, được bổ dụng làm quan trong dinh Tổng trấn Nguyễn Phúc Khê con bà Minh Đức Vương Thái Phi tại Kim Long, thời chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635 – 1648). Sau đó, vì dám lên tiếng can ngăn thái độ lộng quyền của Tống Thị, một ái thiếp của chúa Nguyễn Phúc Lan, nên từ quan và tham gia đội ngũ thầy giảng, đã giúp A.de Rhodes tích cực trong việc nói và viết Việt. Theo lời kể của A.de Rhodes vào tháng 3/1644, khi ông trở lại Đà Nẳng, tại đây quan địa phương có tổ chức một cuộc thảo luận với mục đích làm cho các thầy giảng không còn hăng say truyền đạo, giáo dân chán đạo. Có đông người đến dự, trong đó có nhiều nhà nho, nhà sư tiếng tăm trong vùng. Người ta vận dụng nhiều lý lẽ rút ra từ kinh Phật, sách của Khổng tử, Lão tử... để bài xích đạo Thiên chúa. Nhưng thầy giảng Y Nhã với khả năng Nho học của mình và giáo lý đạo Thiên chúa cùng lý luận chặt chẽ áp đảo được họ.1 Sau lễ Giáng sinh năm 1644, A.de Rhodes bị bắt cùng 9 thầy giảng. A.de Rhodes bị trục xuất khỏi Đàng Trong, còn 9 thầy giảng, hai người bị xử tử hình, trong đó có Y Nhã, bảy người kia bị chặt một ngón tay 8.



3- Igesico Văn Tín:

Trong một bức thư của thầy giảng Igesico Văn Tín đề ngày 12/9/1659, thư gồm hai trang, còn lưu trữ tại Văn khố Dòng Tên-La Mã. Theo linh mục Đỗ Quang Chính (trong “Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659”), đến nay chưa rõ lai lịch của thầy giảng này; đáng lưu ý là trong thư, tác giả có nhắc đến địa danh Kẻ Vó (Đàng Ngoài), nơi linh mục Marini, người nhận thư, đã ở khá lâu. Có thể là Văn Tín là người ở Đàng Ngoài. Nguyên văn phần cuối thư như sau:

Viết lại theo chữ quốc ngữ ngày nay:

...lên rừng mà người đi tìm chẳng đựơc, lại trở lại đấy, giờ là Văn Hương Chu. Người [Boym] có [viết]thư cho Thầy cả mà xin xuống Kẽ Chợ. Thầy cả liền dõi lệnh chúa, Đức chúa có cho xuống chăng, song le Đức chúa chẳng cho. Người [Boym]ở đấy độc nước, phải liệt, mà lại có thư cho Thời cả. Bấy giờ Thầy đi thăm ông già Hán, ông ấy cũng chẳng cho. Đoạn cắt hai người lên thăm trên ấy, chẳng hay người đã sinh thì khỏi. Lòng Thời cả tiếc cùng thương lắm. Ấy là bấy nhiêu. Đức Chúa Trời trả công cho Thầy đời này và đời sau. Mười hai tháng chín Đức Chúa Jêsu ra đời một nghìn sáu trăm năm mười chín”.



Tôi là Igesico Văn Tín

Đoạn cuối trong thư ngày 12/9/1659 gửi cho LM. Marini của Igesico Văn Tín

4- Bento Thịên

Tài liệu viết tay của Bento Thịên còn lưu trữ tại Văn khố Dòng Tên-La Mã, gồm một bức thư (ngày 25/10/1659 ) gởi cho linh mục Marini và một tập tài liệu lịch sử Annam. Về lai lịch của Bento đến nay cũng chưa rõ, nhưng được linh mục G. D’amaral nhắc đến nhiều lần trong ghi chép của mình. Bức thư này đã được giáo sư Hoàng Xuân Hản giới thiệu trên tạp chí Đại Học số 10, tháng 7/1959. Ở đây chúng tôi chỉ trích phần cuối thư để so sánh bước phát triển của chữ quốc ngữ đến thời điểm này.

Nguyên văn như sau:

Đoạn cuối trong thư ngày 25/10/1659 gửi cho LM. Marini của Bento Thiện

Viết lại theo chữ quốc ngữ ngày nay:

....Ơn Đức Chúa Trời trả công cho Thầy đời đời. Bấy nhiêu lời tôi chép tháng mười Igreja, mà thư này thì ngày lễ Bà thánh Daria cùng ông thánh Chrisanto tử vì đạo. Tôi lạy ơn Thầy là Cha thì thương đến con cùng. Tôi xin Chúa chớ quên làm chi.

Từ Đức Chúa Trời ra đời đến rày một ngàn sáu trăm năm mươi chín năm.

Bento Thiện tôi tá nhà Thày.

Sau nữa, Manoel Văn Hán gởi lời lạy ơn Thầy nghìn trùng, đã được đội ơn Thầy lắm, chẳng có quên nghĩa Thầy đâu, đã được ơn Thầy lắm cho sự nọ sự kia. Tôi cũng mong lại sang cùng Thầy cả Miguel, song le lại chẳng đi, còn ở Annam cùng Thầy cả Onofre”.

Còn tập tài liệu lịch sử gồm 12 trang viết trên khổ giấy (20 x 29) cm, không ghi tên tài liệu và cả tên tác giả. Song, trong thư (1659) gởi cho linh mục Marini, Bento Thiện có nhắc đến tài liệu này. Trên trang đầu tài liệu chỉ ghi “ I a via”. Tài liệu có hai phần. Phần một chép lại đại cương lịch sử chánh trị Vịêt Nam từ thời Hùng Vương đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh một cách khái quát. Phần hai, tác giả trình bày tương đối chi tiết hơn về tình hình xã hội, phong tục tập quán, địa lý hành chánh 9. Trong khuôn khổ bài báo này chúng tôi chỉ giới thiệu trang đầu tài liệu:

Để tiện theo dõi, chúng tôi viết lại theo kiểu chữ ngày nay, một đoạn của trang đầu:

Nước Ngô trước hết mới có Vua trị vì là Phục Hi, Vua thứ hai là Thần Nông. Con vua Thần Nông sang trị vì nước Anam, liền sanh ra Vua Kinh Dương Vương. Trước hết lấy vợ là nàng Thần Long, liền sanh ra vua Lạc Long Quân. Lạc Long Quân trị vì, lấy vợ là Âu Cơ, có thai đẻ ra một cái bao có một trăm trứng, nở ra một trăm con trai. Mà Vua Long Quân là Thủy Tinh ở dưới biển, liền chia con ra: Năm mươi con về cha ở dưới biển, mà năm mươi con về mẹ trên núi; đều (?) thì làm Chua trị vì mọi nơi.



Lại truyền dõi đến đời Vua Hùng vương, trị nước Anam được mười tám đời, cũng là một tên Hùng Vương. Sau hết sinh ra được một con gái, tên là Mỵ Chu. Một nhà Sơn Tinh, một nhà Thủy tinh, hai nhà đến hỏi làm vợ, thì vua cha là Hùng Vương nói rằng: ai có của đến đây trước, thì vua Hùng vương liền gả cho. Nhà Sơn Tinh là vua Ba Vì đem của đến trước, thì vua Hùng Vương liền gả cho. Bấy giờ liền đem về núi Ba Vì khỏi. Đến sang ngày nhà Thủy Tinh mới đến, thấy chẳng còn thì tức giận lắm; hễ là mọi năm thì làm lụt gọi là dơng nước đánh mà đánh nhau”.


Tập tài liệu này cùng với bức thư của Bento Thiện cho chúng ta thấy đến giữa thế kỷ XVII, chữ quốc ngữ La tinh từng bước hoàn thiện và người Việt đóng vai trò ngày càng quan trọng, vì chỉ có người Việt mới có đủ các tố chất Vịêt khi dùng mẫu tự La tinh ghi lại tiếng nói của mình. Riêng tập tài liệu này chẵng những có giá trị đặc biệt về phương dịên lịch sữ ngôn ngữ mà còn giúp chúng ta hiểu hơn bộ mặt xã hội Việt Nam thời đó. So với Văn Tín, cách viết của Bento Thiện tiến bộ hơn.

Bảng đối chiếu cách viết tiếng Vịêt bằng chữ quốc ngữ La tinh

giữa Igesico Văn Tín, Bento Thiện


Chữ ngày nay

Văn Tín

Bento Thiện

người đi

ngườy di

ngườy di

lại trở lại đấy

lạy blở lạy dấi

lạy mlở lạy dấi

khỏi lòng

khỏy lòũ

khỏi lõu

chúa trời trả công

chúa blờy tlả côũ

chúa glời blả côũ

Thày cả

Thời cả

Thời cả

nghìn trùng

nghìn trùũ,

nghìn trùng

đời này

dờy nài

dờy nài

mười chín

mươy chính

mười chín

mười hai tháng chín

mườy hay thánh chính

mườy hai tháng chín

song le

soũ le

soũ le

bấy nhiêu lời tôi chép

bấi nhieu blờy tôy chép

bấi nhieu mlờy tôy chép



5- Philip Bỉnh:

Ông người thôn Địa Linh, xã Ngải Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, tỉnh Hải Dương, sanh năm 1759, theo đạo Thiên chúa có tên thánh là Felippe do Rasario; được các giáo sĩ Dòng Tên (người Bồ Đào Nha) nuôi dạy, sau đó được thụ phong linh mục vào năm 1793, đảm nhiệm chức “giữ việc”, quản lý tài chánh của giáo hội. Ngay từ năm 1773, Dòng Tên bị giáo hoàng giải thể, nhưng Philip Bỉnh vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với các giáo sĩ thuộc dòng tu này, và còn đứng ra bảo vệ các đạo hữu và xứ đạo có liên quan. Nên ông trở thành người có mâu thuẩn gay gắt với giáo hội La Mã. Vì thế, ông phải tìm cách gặp vua Bồ, được coi là người bảo trợ các tín đồ Thiên chúa giáo Phương Đông, đề nghị nhà vua can thiệp để Toà Thánh La Mã bãi lệnh đóng cửa Dòng Tên. Ông cùng một số giáo sĩ Dòng Tên trốn đến Ma cao, rồi từ đó quá giang tàu buôn Bồ Đào Nha đến Marid vào tháng 7/1796 và cư ngụ luôn ở đây đến khi qua đời năm 1832 10. Tại đây ông đã viết tới 21 bộ sách bằng chữ quốc ngữ Latin.

Chuyến phiêu lưu dài 6 tháng trên biển của ông và đồng sự được ông ghi chép bằng chữ quốc ngữ La tinh tại Lisbon năm 1822 dưới dạng du ký, có tên “Sách sổ sang chép các việc”. Quyển sách này đã được linh mục Thanh Lãng biên soạn và giới thiệu, Viện Đại học Đà Lạt xuất bản năm 1968, dày 626 trang. Bên cạnh quyển du ký này, ông còn biên dịch nhiều tác phẩm khác. Năm 1817, trích dịch Chuyến viễn du (Perigrina cão) của Fernão Mendes Pinto. Ngoài ra còn phải kể đến bốn quyển tự điển Bồ-Việt, Việt Bồ dưới dạng sao chép, mô phỏng và một số bản chép tay miêu tả xã hội Việt Nam ở hai thế kỷ XVII, XVIII, như các quyển “Cuyển nhật trình kim thư khất chính chúa giáo” (1797), “Truyện Anam Đàng Ngoài cuyển nhất “ “Truyện Anam đàng trong cuyển nhị” (1822).

Về cách ký âm, cách viết tiếng Việt trong khối tác phẩm đồ sộ của ông đã tiến một bước rất xa so với cách viết trong thế kỷ xviii, gần với cách viết chữ quốc ngữ ngày nay. Cách viết liền theo kiểu đa âm của ngôn ngữ phương Tây coi như biến mất. Đương nhiên vẫn còn đậm những từ Hán Việt phối hợp với từ cổ thuần Việt.

Cụ thể ông viết, như: cuyển (quyển), vuối (với), con blai (con trai), cuân lính (quân lính), cuần áo (quần áo), phát lang (phát lương), kẻ liệt (người bệnh, người đau ốm), cả tiếng (nói to, to tiếng, ồn ào), ở lặng (im lặng, trật tự), lục súc (gia súc, súc vật, vật nuôi), nhà Vương (nhà vua, nhà nước), chúa mình (chủ mình, người chủ), blồng tỉa (trồng tỉa) v.v…

Về cách diễn đạt, cách đặt câu vẫn còn nhiều từ đệm, từ lóng, từ phủ định kiểu cổ và thường là câu đơn ngắn gọn, như:

- "Thói nước người bổn đạo cho nam nữ cùng ngồi vuối Vít-vồ cùng Thầy Cả mà thói Anam là thói lịch sự, cho đến nỗi có nhà thì vợ chồng cũng chẳng ngồi ăn cơm vuối nhau, vì cha thì ngồi vuối các con blai, mà mẹ thì ngồi vuối các con gái"…           

- "Con trẻ nước người có phép tắc, đứa nào nói cả tiếng thì mẹ nó lấy ngón tay để lên miệng mình, nghĩa là đừng nói thì nó liền ở lặng".

- "Làm tiệc mà chẳng có thịt bò con, gà nướng thời chẳng gọi là tiệc trọng thể, cũng như xứ Bắc làm ma mà chẳng có thịt chó thì chẳng gọi là đám ma lớn"...

- "Thói phương Tây không uống nước lã, chè thì bỏ đường vào mới uống được. Chè Ðại Minh là chè quý... Ðể muôi vào trong chén có nghĩa là chẳng muốn uống nữa... Ăn rau sống, khoai lang củ tròn tròn, chim thì không mổ ruột, giết lợn ăn cả năm, jambon và dồi chẳng sánh nem chạo của ta”…11

So với quyển từ điển Annamite-Latin (Dictionarium Anamitico Latinum) do Pigneau de Béhaine biên soạn năm 1773, được Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838, chữ quốc ngữ của Philip Bỉnh đã đạt đến “trình độ” đủ để diễn đạt trên lãnh vực văn chương và khoa học. Riêng thiên du ký “ Sách sổ sang chép các việc” đã trở thành “di sản văn học độc đáo”, đồng thời còn là một “tiên triệu” của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. 12

Bên cạnh công trình nghiên cứu của linh mục Thanh Lãng về Philip Bỉnh, được Viện Đại học Đà Lạt xuất bản năm 1968 và gần đây nhà Việt Nam học người Nga, N. I. Niculi đã nhận xét: “Tác phẩm của ông nặng về những thông tin thường nhật. Nhưng cũng không vì thế mà mất đi ý nghĩa văn chương, những nét lãng mạn trữ tình trong nội dung của nó” và xác định: “Liệt vào danh sách các sáng tác về các chuyến viễn du, phải kể thêm cuốn Sách sổ sang chép các việc của Philip Bỉnh… Theo tôi hiểu, hiện tượng đặc biệt của Philip Bỉnh không đơn thuần là một cái gì đó ngẫu nhiên, tách rời và kỳ quặc. Nó nằm ngoài phạm vi hiện tượng cá biệt và lóe lên một cái gì quan trọng trong lịch sử văn hóa thế giới… Philip Bỉnh, với tư cách là nhân vật trong cuốn sách của mình, cuốn sách có tính chất tư liệu, hiện thực, nhưng đồng thời cũng trải qua quá trình chỉnh lý văn học, thông qua quan điểm, chính kiến, thị hiếu của tác giả, đã vượt ra khỏi phạm vi địa lý của đất nước quê hương…13

Căn cứ vào các quan điểm trên, những nhận định trước đây cho rằng Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Paulus Của... là người mở đầu cho văn xuôi quốc ngữ Việt Nam cần phải xem xét lại.

Như vậy rõ ràng A. de Rhodes không phải là người duy nhứt sáng chế ra chữ quốc ngữ Latin. Chẳng những thế, ông ta cũng không phải là người châu Âu đầu tiên soạn từ điển về tiếng Việt vì trước ông ta đã có hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là G. de Amaral và A. Barbosa, cùng các công lao liên quan của nhiều người khác, quan trọng nhứt là Francisco de Pina . Có thể nói công trình sáng tạo chữ quốc ngữ La tinh là một công trình tổng hợp có tính chất tập thể quốc tế, trong đó A. de Rhodes là người đã tiếp thu, thừa kế, sắp đặt lại cho hoàn chỉnh tất cả các thành tựu của các nhà truyền giáo tiền phong hay đồng thời, dựa trên những trợ giúp quý giá, không thể thiếu được của các tín đồ đạo Thiên chúa người Việt, kể cả giới nho sĩ mà các nhà truyền giáo có dịp tiếp xúc gần gũi...

Chính vì những điều trên đây mà ở trong Nam, trước 1975, linh mục Thanh Lãng đã khẳng định:

"Giáo sĩ A. de Rhodes không những không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ mà cũng không phải là một trong các ông tổ của chữ quốc ngữ". Và "Sở dĩ A. de Rhodes về sau này được lịch sử nhắc nhở đến nhiều, có lẽ không phải vì ông đã có công kiện toàn chữ quốc ngữ cho bằng ông đã để lại hai quyển sách 14 được coi như tài liệu duy nhất về chữ quốc ngữ"15.

Các bậc thức giả khác như Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Nguyễn Khắc Xuyên, Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Võ Long Tê đều khẳng định “chữ quốc ngữ là một công cuộc chung của nhiều người" 16 . Trong đó, phải đề cập đến công lao của người Việt; nhưng người Việt góp phần vào sự sáng tạo này không cùng một mục đích với các giáo sĩ phương Tây.
Chú thích:

1 Christophe Borri (1631): Relation de la Cochinchine, Lille, tr.152.

2 Trần Duy Nhiên ((2002): Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1632, Roland Jácquas, Ns Công giáo và Dân tộc số 90 tháng 6-2002, tr.95-105.

3 Đỗ Quang Chính (1972): Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620-1659), Sài Gòn, tr.79-81

4 http://vietnamnet.vn/psks/2008/03/771652/

5Lê Văn Siêu (1972):Việt Nam văn minh sử lược sử, Bộ Giáo Dục-Trung tâm học liệu, tr. 92

6 Bốn lần từ tháng 2/1640 đến tháng 7/1645.

7 Phan Du (1971): Mộng kinh sư, Cảo Thơm, Sài Gòn.

8 Lê Văn Siêu (1972):Việt Nam văn minh sử lược sử, Sđd, tr.910

9 Đỗ Quang Chính (1972): Sđd, tr. 107-129

10 Bùi Thị Thiên Thai (2004): Philipphê Bỉnh, trong sách Từ điển văn học (Bộ mới). NXB Thế giới, H., tr.1410-1411.

11 Nguyễn Hữu Sơn (2007): Nghiên cứu Văn học, số 4-2007, tr.21-38

12 Bùi Thị Thiên Thai (2004): Sđd, tr.1410-1411.

13 N. I. Niculin (1999): Những sáng tác về các chuyến viễn du (Trần Hồng Vân dịch), trong sách Những vấn đề của lý luận và lịch sử văn học. Viện Văn học XB, H., tr.82-104.

14 Tức quyển “Từ điển Việt-Bồ-La” và “Phép giảng tám ngày “.

15 Dẫn theo Địa chí văn hóa Thành phố  Hồ Chí Minh, t.II, TPHCM, 1988, tr.136-137

16 Đắc Lộ trong lịch sử hình thành chữ quốc ngữ", Báo Công giáo và dân tộc, số 798, ngày 17/3/1991, tr.14).

Tài liệu tham khảo:

-Christophe Borri (1631): Relation de la Cochinchine, Lille.

-Đỗ Quang Chính (1972): Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620-1659), Sài Gòn.

-Lê Văn Siêu (1972):Việt Nam văn minh sử lược sử, Bộ Giáo Dục-Trung tâm học liệu.

- Phan Du (1971): Mộng kinh sư, Cảo Thơm, Sài Gòn.

-Bùi Thị Thiên Thai (2004): Philipphê Bỉnh, trong sách Từ điển văn học (Bộ mới). NXB Thế giới, H.

- Nguyễn Hữu Sơn (2007): Nghiên cứu Văn học, số 4-2007, tr.21-38

- N. I. Niculin (1999): Những sáng tác về các chuyến viễn du (Trần Hồng Vân dịch), trong sách Những vấn đề của lý luận và lịch sử văn học. Viện Văn học XB, H.

- Địa chí văn hóa Thành phố  Hồ Chí Minh, t.II, TPHCM, 1988.

-Báo Công giáo và dân tộc, số 798, ngày 17/3/1991. Bài Đắc Lộ trong lịch sử hình thành chữ quốc ngữ",

-http://vietnamnet.vn/psks/2008/03/771652/

-Trần Duy Nhiên ((2002): Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1632, Roland Jácquas, Ns Công giáo và Dân tộc số 90 tháng 6-2002



Địa chỉ liên lạc:

ThS.Nguyễn Hữu Hiếu,

Phó Chủ tịch Hội KHLS Đồng Tháp

Số 5, Phạm Hữu Lầu, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Dđ: 0913141423.

Email: nguyenhuuhieushdt.@gmail.com




Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương