CHỮ quốc ngữ TẠi bình đỊNH


TRƯỜNG THƠ LOẠN BÌNH ĐỊNH



tải về 0.83 Mb.
trang9/10
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.83 Mb.
#9383
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

TRƯỜNG THƠ LOẠN BÌNH ĐỊNH

VỚI SỰ LẠ HÓA CHỮ QUỐC NGỮ

Võ Như Ngọc

Khoa Ngữ Văn - Đại học Quy Nhơn
Ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư duy, là chất liệu duy nhất của văn học. Nó không chỉ là vật liệu, là cái cấu tạo, mà còn là hình tượng. Maiakovsky và Kvaranalx cho rằng: “ngôn ngữ là tướng của đạo quân sức mạnh của con người”, “từ ngữ là hiệp sĩ của đạo quân không thể thay thế được”.

Ngôn ngữ trong tác phẩm trữ tình nói chung và thơ nói riêng “là ngôn ngữ được tổ chức trên cơ sở nhịp điệu, hết sức cô đọng, hàm súc và đặc biệt gợi cảm” (Đinh Trọng Khánh). Theo Matin Heideger, “Tác phẩm thơ không phải là một cái gì khác ngoài sự tạo ra một ngôn ngữ mới”. Chúng ta có thể coi thơ như sự kết tinh trong cách biểu đạt tư tưởng bằng ngôn từ. Những cảm xúc, tâm tình, thế giới tâm hồn nhà thơ đều thể hiện thông qua ngôn từ. “Mỗi nhà thơ khi lựa chọn ngôn ngữ thể hiện cho tư tưởng, tình cảm, ấn tượng, cảm xúc đều in rõ dấu ấn phong cách lên khoảng ngôn ngữ mà anh ta lựa chọn” (Khrapchenco). Nói như Lê Đạt: “Mỗi công dân có một dạng vân tay - Mỗi nhà thơ có một dạng vân chữ - Trộn không lẫn”. Có thể nói, sự lựa chọn ngôn ngữ của thi sĩ được định hướng bởi tư tưởng, quan niệm, tư duy nghệ thuật, phong cách, cá tính riêng. Đặc biệt, trong Thơ mới, ngôn ngữ được thể hiện lạ lẫm và đầy ấn tượng. “Thơ mới là sự sáng tạo ngôn từ về nhiều mặt; nó mở rộng câu thơ, bài thơ; nó đi vào chiều sâu của thơ bằng cấu trúc mới, cú pháp mới, từ ngữ mới, nhịp điệu mới” (Đỗ Đức Hiểu). Chính sự tác động mạnh mẽ của thơ lãng mạn, tượng trưng và siêu thực Pháp đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình “Tây hóa” trong phong trào Thơ mới. Sự đổi mới ngôn từ này không đơn thuần là sự đổi mới về hình thức mà nó xuất phát từ những biến đổi trong cách nhìn nhận, nhận thức cuộc sống của các nhà thơ. Trong sự đa dạng và cách tân của Thơ mới, ngôn ngữ nghệ thuật của Trường thơ Loạn Bình Định có sự lạ hóa và khu biệt nhất định.

Ngôn ngữ thơ Loạn đã duy tân một cách mới mẻ, đa dạng, biến hóa pha chút thần linh, man dại, là thần, là mộng, là thiên tài… Ở đó, tín hiệu ngôn ngữ có tính biểu đạt cao, gây cảm giác mạnh, khiến người đọc rơi vào một trường mê cảm với những liên kết kỳ lạ, đột ngột. Đọc thi phẩm thơ Loạn, người ta có thể nhận thấy sự khắc khoải, điên loạn trong lòng thi nhân, tìm được những hình ảnh ma quái mà thơ Việt trước đây chưa từng có: não trắng, máu cân, sọ người, xương khô, thịt nát, uống máu lan, nhai thịt sống… Những câu thơ kinh dị nhất của phong trào Thơ mới thuộc về các tác giả thơ Loạn: “Ta muốn trông từ đôi mắt mi máu đỏ - Từ đầu mi não trắng rủ nhau tuôn” (Xương khô - Chế Lan Viên); “Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã, - Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa. - Hồn mất xác, hồn sẽ cười nghiêng ngả, - Và kêu rên thảm thiết khắp bao la...” (Hồn lìa khỏi xác - Hàn Mặc Tử), “Gió tiêu sẽ quạt buồn thanh tịnh - Về chốn thôn già viếng mả tôi” (Nấm mồ - Bích Khê)…

Ngôn ngữ trong thơ Loạn là “cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản” (Phan Ngọc), là “Lời truyền đánh điện muôn nơi - Chữ bí mật chứa ngầm hơi chất nổ” (Nàng bước tới... - Bích Khê). Để thực hiện “trò chơi ngôn ngữ”, Trường thơ Loạn phải dùng tưởng tượng của tưởng tượng làm nảy sinh những gì đặc biệt về hình ảnh và ý thơ: “Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng - Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi - Ở trên kia có một người - Ngồi bên sông giặt lụa chơi - Nước hóa thành trăng, trăng hóa nước - Lụa là ướt đẫm cả trăng thơm” (Say trăng - Hàn Mặc Tử). Bích Khê hướng người đọc đến một sự cảm nhận mới mẻ bằng thứ ngôn ngữ đầy ám gợi: “Nàng ở mô! Xiêm áo bỏ đâu đây - Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm” (Tranh lõa thể - Bích Khê). Và đây là những câu thơ làm quay cuồng, điên đảo cả cô hồn, tử khí, xương khô bằng sự lệch chuẩn và phá vỡ cái logic ngôn ngữ thông thường của Chế Lan Viên: “Ta muốn thấy mi kêu gào, mi than thở - Ta muốn nghe mi khóc lóc, mi vang lơn! - Ta muốn trông, từ mắt mi, máu đỏ - Từ đầu mi, não trắng, rủ nhau tuôn!” (Xương khô - Chế Lan Viên)... Các thi nhân tạo ra hệ thống ngôn ngữ vừa độc đáo vừa dị thường, dung chứa sự mơ hồ và quyến rũ, làm ảo hóa cấu trúc bề mặt và bề sâu, đem đến cho ngôn ngữ thơ một sức nặng mới.

Trong Nghệ thuật thi ca, Verlaine khẳng định: “Không gì hơn khúc ca màu xám - Nơi cái mơ hồ cùng cái chính xác - Chung sức liên kết - Ôi sai biệt vi diệu, chỉ mình nó se duyên - Mộng với mơ và sáo với kèn”. Để đưa người đọc đi vào khu rừng kỳ lạ của trí tưởng tượng bay bổng, các thi sĩ thơ Loạn thường dùng hệ thống biểu tượng như: hồn, máu, trăng, ngọc, châu, giai nhân… làm hằng số nghệ thuật đặc trưng, đặt chúng trong sự biến hóa khôn lường, nhưng luôn cùng một tâm thức, một đồng hình và phục sinh cho chúng, để tạo sinh nghĩa: “Hồn là ai? Là ai tôi chẳng biết - Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi - Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười - Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng (Hồn là ai? - Hàn Mặc Tử). Hoặc nhà thơ tạo sự lung linh kỳ lạ bằng cách nhấn mạnh những hình ảnh thị giác, thính giác và xúc giác, kết hợp với ý nghĩa ám thị: “Nhạc khiêu vũ đâu đây lan sóng múa - Tôi tưởng chừng da thịt biến ra thơm - Những đầu lâu đã hết khí xanh rờn - Những xiêm áo bay rờn trong cảnh mộng - Cả địa ngục đi vào trăm lỗ hổng - Bắn tinh ra trộn trạo giữa nguồn hương” (Châu III - Bích Khê). Thi sĩ thơ Loạn dường như không phải người sáng tạo thi ca nữa, mà là người để thể xác của mình giao hòa với cõi hư ảnh, và ghi lại những cảm xúc day dứt về nỗi đau khôn nguôi.

Đề cao trí tưởng tượng nhằm tạo ra những vần thơ lung linh, kỳ ảo, nên đối với các thi sĩ thơ Loạn, thơ nhiều khi như là một sự thách đố. Đây cũng là một trong những đặc tính của thơ tượng trưng. Baudelaire cho rằng: “Trí tưởng tượng là bà chúa của các năng khiếu. Nó là sự phân tích, là sự tổng hợp… Chính trí tưởng tượng đã dạy cho con người cái ý nghĩa tinh thần màu sắc, đường nét của âm thanh và của mùi hương. Từ khởi thủy nó đã tạo ra phép loại suy (analogie), phép ẩn dụ…”. Chủ nghĩa tượng trưng thiên về lối thơ bí ẩn, gợi hơn tả, xem trọng trực giác và vô thức trong sáng tạo. Mallarmé từng nhận định rất sâu sắc: “Gọi tên đối tượng có nghĩa là phá hủy ba phần tư sự hưởng thụ bài thơ… khiêu gợi, đó là ước mơ và mục đích”. Thơ vì vậy, nhiều trường nghĩa, giàu liên tưởng, “ngôn tận ý nhi bất tận”. Liên tưởng vẫn được sử dụng trong văn học xưa nay, và phổ biến trong Thơ mới. Đến thơ Loạn, nó trở nên linh hoạt, lạ lẫm, bất ngờ hơn. Thi nhân luôn mở rộng giác quan để hứng lấy vạn vật và trao cho nó một hình hài cụ thể để thế giới tinh thần và vạn vật trở nên có tâm trạng. Chẳng hạn, các nhà thơ đã miêu tả thiên nhiên bằng những hình dung từ mới mẻ: “gió say mướt”, “ôm ngang lấy gió”, “gió trêu tà áo biếc” (Hàn Mặc Tử). Chế Lan Viên biến dãi ngân hà thành sông, ở đó mỗi vì sao như con cá thủy tinh trong suốt: “Ta để xiêm lên mây, rồi nhẹ bước - Xuống dòng Ngân lòa chói ánh hào quang - Sao tán loạn đua bơi trên mặt nước - Tiếng lao xao dội thấu đến cung Hằng” (Ngủ trong sao - Chế Lan Viên). Bích Khê khi diễn tả cái bí ẩn, vô hình, thường sử dụng ngôn ngữ chỉ màu sắc, gợi hình ảnh thị giác như: “mộng trắng phau” (Mộng trắng phau phau, vót cung nga), mộng xanh (Mộng rất xanh, rất xanh, rất xanh)… Nhà thơ có khả năng cảm nhận được những biến đổi tinh vi của những cái tưởng như mơ hồ, khó nắm bắt, đó có thể là tiếng “hương vỡ”: “Phăng mạch đêm, hương vỡ, ứa ngầm tinh” (Mộng cầm ca), “mắt vỡ”: “hồn ơi! Cặp mắt vỡ men hoa” (Châu I), hay một “mộng nghiêng”: “Đêm nay nửa gối nghiêng nghiêng mộng” (Hồ Xuân Hương), một làn nắng thơm: “Ôi nắng vàng thơm rung rinh điệu ngọc” (Nhạc), một bóng “đêm mềm”: “Nàng ơi tay đêm đang giăng mềm” (Tỳ bà).

Thế giới trong thơ Loạn không phải là thế giới được nhìn thấy mà là thế giới được nhận ra với những điều sâu thẳm và bí ẩn. Không còn sử dụng phương thức kể, thi nhân đã khải thị một thế giới chưa từng biết, đầy huyền diệu và linh động thông qua quyền năng ngôn ngữ. Diễn đạt thế giới thi ca ấy là bất khả đối với ngôn từ của trí năng và là cơ hội cho ngôn từ của sự liên tưởng đầy trực giác và thần cảm: “Có người buồn quá không sao khóc - Làm mùi thanh khí quyện tiên nương - Có người buồn quá không sao khóc - Cười thơm như ngọc dội hương vang - Đây chàng lãng tử buồn rơi lệ - Miệng cứng hào quang chảy tợ vàng” (Sầu lãng tử - Bích Khê). Hàn Mặc Tử ngửi thấy mùi hương trăng tỏa khắp không gian: “Anh đã đón tình em bay phất phới - Như hương trăng đằm thắm cõi không gian” (Sáng láng - Hàn Mặc Tử). Đâu đây, người đọc liên tưởng đến hình ảnh người con gái dịu dàng, nết na nép bên bậu cửa dưới ánh trăng huyền hoặc. Nhìn trăng bằng sự phân thân giữa bến bờ hư - thực, Hàn còn thấy được cái hư ảo, cầm được cái vô lượng và nghe được sự yên lặng vô hình của sắc - không, chung - thủy: “Ta hẵng đưa tay choàng trăng đã - Mơ trăng ta lượm tơ trăng rơi  - Trăng vướng lên cành lên mái tóc cô ơi, - Hãy đứng yên tôi gỡ cho rồi cô đi - Thong thả cô đi  - Trăng tan ra bọt lấy gì tôi thương - Tối nay trăng ở khắp phương - Thảy đều nao nức khóc nường vu qui” (Say trăng - Hàn Mặc Tử). Chế nhìn thấy sự tương giao huyền bí trong vũ trụ và lòng người, tuân theo quy luật cảm nhận bằng trực giác và vô thức: “Hãy lắng nghe nhạc tơ mềm dãy dụa - Trong nhạc trăng vang nỗi khắp cung mây” (Vo lụa - Chế Lan Viên)…

Sự phong phú, đa dạng của đơn vị hình ảnh và ngôn từ trong sáng tác Trường thơ Loạn có điểm xuất phát từ ảnh hưởng của thơ tượng trưng, nhất là Baudelaire và Rimbaud. “Cảm quan tương ứng” của Baudelaire muốn dẫn ta đến chỗ thẳm sâu của tâm hồn, nơi hội tụ của cảm giác, trong giai điệu mơ hồ của tiếng nhạc lòng, được tạo nên từ màu sắc, âm thanh, bóng tối, ánh sáng. Đến Rimbaud, nâng lên thành loạn cảm giác, thành ảo giác ngôn từ, ảo giác hình tượng và ảo giác tâm linh: “Tôi tự hào đã sáng tạo một ngôn từ thơ, có thể xâm nhập tất cả các cảm giác” (Rimbaud). Lối diễn đạt đầy sáng tạo ấy, các thi sĩ thơ Loạn ập vào người đọc cảm giác ngỡ ngàng, thú vị. Những liên tưởng đầy ngạc nhiên và táo bạo trong thơ họ tựa như Baudelaire đã nói: “Trong một số trạng thái tâm hồn hầu như có tính chất siêu nhiên, chiều sâu của cuộc sống bộc lộ hầu như toàn vẹn trong một cảnh tượng bày ra trước mắt con người”. Sáng tạo ngôn từ trong những trường hợp này không phải là tạo ra từ mới, mà cơ bản là làm mới ngôn từ, nhằm đưa lại cho từ một khả năng đặc biệt, qua đó góp phần làm hé lộ thế giới tinh thần bên trong của bản thân sự vật. Chừng như, Trường thơ Loạn đang lấn sân vào nghệ thuật sắp đặt bằng ngôn từ. Nên dù thi nhân có đặt những hiện tượng, tính chất của sự vật, sự việc không hề dính dáng, tương tác nhau nhưng vẫn tạo ra một hiệu ứng thẩm mĩ thông qua mắc xích liên tưởng. Ví như những câu thơ sau của Bích Khê, dường như không có sự sắp đặt của ý nghĩ và câu chữ, thơ là tự nó bật lên từ tâm thức: “Xác là mộng mà tình là tuyệt đích! - Hỡi không gian! Hãy tan ra tiếng địch - Của lòng yêu ca ngợi tuyệt vời cao - Hỡi trần gian! Hãy chết ngột trong sao - Cho chân lý ngời ra như lưỡi kiếm - Cho tình ta xô dồn sang cực điểm - Và hào quang khiêu vũ với hào quang…” (Nàng bước tới… - Bích Khê). Ý tứ giữa các câu thơ có cảm giác chẳng ăn nhập gì với nhau, mỗi câu là một bày tỏ, một khát mong của thi nhân. Song, sự kết hợp tự nhiên của chúng lại tạo nên tiếng nói chung của một tư duy nghệ thuật hiện đại, tung hứng tới tận cùng những khám phá biểu đạt ngôn từ. Nó mở ra bất ngờ và kết thúc cũng thật bất ngờ, khiến người đọc khó đoán định được ý tưởng của người viết.

Thiên về lối diễn đạt những tương quan vô hình, bên trong, mang tính tinh thần của bản thân sự vật, gắn với cảm quan về một thế giới thống nhất, Trường thơ Loạn cho thấy đã tiếp thu nhanh chóng tư duy tượng trưng phương Tây từ các bậc tiền bối như Baudelaire, Rimbaud, Verlaine…, khai phá địa hạt thần kỳ cho thơ, góp phần chinh phục người đọc bao thế hệ.

Bằng cô đơn và nỗi đau thân xác, bằng trí tưởng tượng phong phú, bằng ngòi bút kỳ tài, các thi sĩ đã làm sống dậy trong thơ một thế giới huyền diệu, khéo léo kết hợp giữa ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ tâm linh và ngôn ngữ thi ca để tạo ra lớp ngôn từ mới lạ. Diện mạo ngôn ngữ thơ Loạn này là kết quả của quá trình nhận thức lý thuyết thi pháp học phương Tây, từ trải nghiệm cá nhân trong sáng tạo, cũng như những bất hạnh riêng về thân phận của các thi sĩ. Nó là sản phẩm của một sự khủng hoảng, một khát khao và một nỗ lực duy tân thơ.

Thơ Loạn là trạng thái chót cùng của cái tôi cá nhân đau thương, tuyệt vọng, là một thứ thơ siêu nghiệm. Và trong thi phẩm thơ siêu nghiệm ấy, có những mảng thơ Loạn đi đến độ quá ngưỡng về ngôn từ, gây nên sự khó chịu đối với số ít người. Nhưng phải thừa nhận, sự táo bạo ngôn từ thơ Loạn đã đưa thơ Việt đương thời phát triển lên một trình độ mới. Chính sự bất thường trong tổ chức ngôn ngữ thơ đã đặt giới nghiên cứu văn học lâu nay hướng sự chú ý vào việc giải mã những lệch chuẩn mang giá trị mỹ học của địa hạt thơ độc đáo này. Và đến tận hôm nay, mỗi dòng mỗi chữ trong sáng tác của các thi sĩ ấy dường như vẫn còn cựa quậy với một sức sống mãnh liệt và không bao giờ cũ. V. N. N

VAI TRÒ THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN

CHỮ QUỐC NGỮ CỦA TRƯƠNG VĨNH KÝ

TRƯƠNG SỸ HÙNG

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Ghi nhận những đóng góp của các nhà học giả Việt Nam thuộc lớp đầu tiên của nền văn chương quốc ngữ, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã nhận định: "Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham "đục nước béo cò" như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi." Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) nổi lên là "một nhà bác học trong lĩnh vực quảng bá", giúp việc đắc lực cho chính phủ thuộc địa Nam Kỳ. Song, do tính khách quan của văn bản tác phẩm, khi lịch sử Pháp xâm lùi vào dĩ vãng, thì những sách vở, tài liệu sưu tầm, biên soạn của Trương Vĩnh Ký đã góp phần đẩy chữ quốc ngữ phát triển đến mức hoàn chỉnh, có địa vị trí chính trị, xã hội độc lập như các hình thức chữ viết của các quốc gia khác trên toàn cầu trong lịch sử thế giới hiện đại.

Lịch sử chữ quốc ngữ của Việt Nam còn có thể khảo được khá rõ ngay từ bước đầu hình thành. Vào khoảng cuối thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XIX, chữ quốc ngữ ra đời do nhu cầu truyền giáo. Đây là loại kí tự dùng chữ cái Latinh ghép nối với nhau, để ghi lại tiếng nói của người Việt. Hình thức chữ viết này được các giáo sĩ Dòng Tên - điển hình như hai người Bồ Đào Nha: Gaspard d’Amaral và Antonio Barbosa; hai người Pháp là Alexandre de Rhodes (chữ Hán phiên âm: Đắc Lộ) và Pigneaux de Béhaine (chữ Hán phiên âm: Bá Đa Lộc) thực hiện. Năm 1624 ngay khi đặt chân đến Đà Nẵng (tiếng Pháp ghi là Tourane), Alexandre de Rhodes đã ngạc nhiên khi nghe người bản địa nói chuyện giao tiếp với nhau “như tiếng chim hót”, ông liền nghĩ cách học nói tiếng Việt, và chính ông là người đã hệ thống hóa và phổ biến loại chữ viết La tinh, dễ học, nhớ mặt chữ nhanh hơn so với chữ Hán Nôm. Thành tựu cơ bản của ông được khẳng định là Từ điển An Nam - Lusitan - LatinhPhép giảng tám ngày, xuất bản ở Rôma năm 1651.

Hơn 100 năm sau, Pierre Pegneaux de Béhaine Bá Đa Lộc Bì Nhu hoàn thành Tự vị An Nam - Latinh (1773); kế thừa những thành tựu của Từ điển An Nam - Lusitan - Latinh, nhưng "Số lượng địa danh trong cuốn ra sau nhiều gấp đôi cuốn ra trước (...) ghi thêm nhiều địa danh từ Phú Yên trở vào" (1).



-----------------

(1) Nguyễn Đình Đầu, Thay lời giới thiệu Tự vị An Nam - Latinh, Nxb. Trẻ, 1999

Rồi cũng trải qua thời gian hơn 100 năm sau nữa, Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) với Đại Nam quốc âm tự vị (1895) và gần 20 cuốn sách biên soạn, phiên âm, dịch nghĩa từ chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ như: Chuyện giải buồn (1880 và 1885), Gia lễ (1886), Bác học sơ giai (1887), Ước lược truyện tích nước Nam, 1887, Câu hát góp (1904), Ca trù thể cách (1907), Quan chế (1888), Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1897), Quan âm diễn ca (1903), Trần Sanh diễn ca (1905),Chiêu Quân cống Hồ truyện (1906), Bạch Viên Tôn Các truyện (1906), Văn Doanh diễn ca (1906), Thoại Khanh, Châu Tuấn truyện (1906), Thơ mẹ dạy con (1907), Tống Tử Vưu truyện (1907), Lục súc tranh công..v.v. đã góp phần hoàn thiện cách sử dụng chữ quốc ngữ như một công cụ chính thức trong văn hóa giáo dục.

Nhìn lại sự nghiệp trước tác của Trương Vĩnh Ký với 124 tác phẩm(1) khảo về văn học, lịch sử, địa lý Việt Nam; trong đó có những bộ từ điển và sách dịch thuật... đã mặc nhiên phản ánh sức làm việc miệt mài và những sáng tạo không ngừng của tác giả. Với một số lượng và chất lượng được lịch sử ghi nhận như vậy, Trương Vĩnh Ký là một trong những nhà văn lớn, và là một tác giả tiền phong nổi tiếng của nền văn học chữ quốc ngữ Việt Nam ở vùng đất Nam Kỳ thời sơ khởi. Những cuốn sách giáo trình được biên soạn, ấn loát khi ông dạy ở Trường Thông ngôn, trường Hậu bổ (từ 1866 đến 1868) như: Abrégé de la grammaire annamite (1867) - Tóm lược văn phạm tiếng An Nam, Cours pratique de la langue Annamite (1868) - Giáo trình thực hành tiếng An Nam, Mẹo luật dạy tiếng Pha-lăng-sa (1869), Grand Dictionnaire Annamite-Français - Đại tự điển An Nam-Pháp, Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca (1877), Sách vần quốc ngữ có tác dụng mở đầu kỹ thuật học, chuyển dịch lẫn nhau giữa tiếng Việt và tiếng Pháp, khi chữ quốc ngữ của người Việt đã tương đối chuẩn hóa. Năm 1869, có đoàn sứ thần Tây Ban Nha sang Việt Nam ký thương ước với triều đình Huế. Chính quyền Pháp ở Sài Gòn đã cho Trương Vĩnh Ký đi phiên dịch theo đoàn. Có lẽ là "phần thưởng" sau đợt công cán đạt được nhiều kết quả, Trương Vĩnh Ký được cùng đoàn sang thăm Hồng Kông, Ma Cao, Quảng Đông, Quảng Tây. Năm 1872 Trương Vĩnh Ký được Pháp thăng chức tri huyện hạng nhất; kiêm nhiệm đốc học trường Sư phạm; trực tiếp dạy người Pháp học tiếng phương Đông; kiêm chức thư ký Hội đồng châu thành Chợ Lớn. Ngày 17 tháng 11 năm 1874 Trương Vĩnh Ký được bầu là Ủy viên thượng Hội đồng Giáo dục. và được bình chọn đứng hàng thứ 17 trong 18 "Thập bát văn hào thế giới".

Ngày càng tỏ rõ thái độ ủng hộ việc truyền bá học thuật bằng chữ quốc ngữ, thông qua hệ thống kí tự La tinh đã được Trương Vĩnh Ký trao đổi với Richard Cortembert trong chuyến công du sang Pháp. Trong Manuel des écoles primaires (1876) - Giáo trình cho các trường tiểu học, Trương Vĩnh Ký nêu rõ lợi ích và

--------------------

(1) Nguyễn Sinh Duy, Trương Vĩnh Ký - Cuốn sổ bình sanh , Nxb. Văn học, H, 2004

vai trò của chữ quốc ngữ: "Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này". Thấy được cách viết chữ quốc ngữ đơn giản, dễ học sẽ tạo ra phương tiện giao tiếp có hiệu quả, giúp mọi người tiếp thu những kiến thức mới, có thể xóa nạn mù chữ nhanh, rộng; chỉ cần ba tháng là ai cũng có thể biết đọc và viết. Vả lại, ông cũng là một nhà Hán học danh tiếng, Trương Vĩnh Ký cũng cho rằng, chữ Hán Nôm không còn hữu ích khi người Pháp đã cai trị Nam Kỳ. Viết bằng tiếng Pháp bộ giáo trình dành cho giáo viên, gồm hai phần: 1 - Phép học chữ quốc ngữ, lịch sử An Nam và Tàu. 2 - Các khái niệm khoa học cơ bản; Trương Vĩnh Ký vẫn viết thêm lời hướng dẫn cách tổ chức một buổi lên lớp, cùng với mối quan hệ thầy trò, cách đánh giá khả năng nhận thức của học sinh theo mô hình sư phạm:

"Hễ trò nào mới vô thì phóng vở theo đã ra trước nầy, giao cho nó, cấp cho một trò cũ đã biết mà nhác-biểu chỉ-vẽ cho nó. Phân lớp ra mà dạy cho dễ: Như học-trò đã biết viết, biết đọc thì bắt nó viết mò, bắt đọc một đoạn sách cho lẹ cho xuôi. Viết mò thì lấy những tuồng, văn, thơ, phú mà nói cho nó viết, viết rồi thì thầy coi mà sửa lại cho nó, cho chính câu chính chữ.Còn mỗi bữa học, bát nó kiếm câu hát, câu đối, lời phương ngôn tục ngữ, diêu ngôn vân vân, mà viết ra một đâu câu chẳng hạn, đem tới nộp cho thầy sửa, góp những cái ấy lại, để một nơi Dạy toán thì trước hết dạy bốn phép, cộng, trừ, nhơn, chia, cho rõ. Rồi cứ ra bài đố cho nó mần cho quen. Dạy phép đo cũng vậy (…) Những tập nó học nó viết mỗi bữa học thì thầy sửa rồi đề ngày vô cho nó, cho dễ xét đứa nào trễ-nải, đặng như quan có đòi thì thầy có sẵn mà nộp cho quan."

Và tác giả biên soạn giáo khoa còn khuyến cáo: "Sách nầy là sách rút tóm lại những đều đại-cái người ta phải học, để cho con trẻ mới vô trường, học những đều đại lược mà phá ngu, cho đặng đến sau khi vào trường chung nghe dạy nghe giải rộng các đều ấy thì mau hiểu hơn là một ; hai nữa là để mà tập coi, tập đọc tập viết tiếng Annam trong chữ quốc-ngữ cho trúng tiếng, cho nhằm giọng, phân biệt ra cho rõ-ràng.Khuyên các trò hãy bớt tính ham chơi, mà chuyên việc học-hành, chữ-nghĩa, văn-chương cho được vào đường công-danh với người-ta cho sớm, trước là cho đặng đẹp mặt nở mày cha mẹ, giúp đời dạy dân, sau là cho mình được công thành danh toại, thơm danh, tốt tiếng ở đời."

Mở rộng diện hoạt động dạy chữ quốc ngữ, Trương Vĩnh Ký biên soạn giáo trình L’Alphabet quốc ngữ en treize tableaux avec des exercices de lecture (1887) cho giới quan lại địa phương học cấp tốc. Nội dung sách gồm 13 bảng. Tám bảng đầu dạy học viên cách đọc và viết các nguyên âm và phụ âm cùng với cách sử dụng sáu thanh điệu và cách ghép vần. Các bảng còn lại gồm các bài tập đọc, từ đơn giản đến phức tạp.

Trương Vĩnh Ký là người phiên âm, dịch nghĩa một số sách kinh điển của nền giáo dục Nho giáo từ nguyên bản Hán Nôm ra chữ quốc ngữ như: Tam tự kinh quốc ngữ diễn ca, Tam thiên tự giải âm, Trung dung, Minh tâm bửu giám... một mặt là thử nghiệm khả năng chuyển tải của chữ quốc ngữ, một mặt là bảo tồn di sản giáo dục truyền thống của người Việt đã có từ lâu đời. Với mục đích đưa chữ quốc ngữ vào giảng dạy, đào tạo nguồn tri thức cho hệ thống quản lý hành chính từ làng, xã đến huyện, tỉnh, chính phủ bảo hộ nhanh chóng hối thúc nền Nho học tan rã. Hệ quả là khoa thi Hán học tuyển chọn quan chức của triều đình nhà Nguyễn đã kết thúc năm 1918. Thế là sau gần 300 năm vận hành, các cha cố và các thế lực trong bộ máy cai trị, đã hợp lý hóa được chữ quốc ngữ với nhu cầu ghi âm và thông báo tín hiệu tư duy của người Việt theo một hệ thống kí tự mới. Sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862), chữ quốc ngữ đã trở thành công cụ hành chính, phục vụ cho “chính sách thuộc địa” của thực dân Pháp, bắt đầu từ "xứ Nam Kỳ". Tuy nhiên, nếp cũ, lệ xưa vẫn ăn sâu, chìm đắm trong phong tục tập quán, trong lối sống, cách suy nghĩ, ứng xử văn hóa truyền thống. Là một viên chức làm công ăn lương, Trương Vĩnh Ký dù có "ấp ủ một niềm yêu quê hương xứ sở nhỏ bé của mình từ ấp Cái Mơn", nhưng nội dung tư tưởng và những bộc lộ sâu kín của tác giả qua các ấn phẩm còn lại chưa có biểu hiện tinh thần phản kháng chống chủ nghĩa thực dân, không một lời, một ý kêu gọi đấu tranh giành độc lập chủ quyền.



Trước sau Trương Vĩnh Ký chỉ là một tri thức tân thời, hiểu biết giáo điều về nền quốc học Nho gia, sính ngoại nhờ trí thông minh sắc sảo bẩm sinh về khả năng nắm bắt sinh ngữ, phấn đấu hết mình cho giai cấp thống trị, nhằm đưa lại sự vinh thân phì gia cho cá nhân mình, chưa hội đủ điều kiện đưa ông tới tầm vóc của một nhà bác học có tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam. Đó là điều khẳng định, không cần tranh luận. Song việc sưu tập, tái bản toàn bộ trước tác của Trương Vĩnh Ký nhằm phục vụ nghiên cứu lịch sử văn hóa, giáo dục và báo chí vẫn là cần thiết, vì đó là chứng lí buổi sơ khai của nền văn chương quốc ngữ.

Biết lợi dụng thế mạnh của văn học dân gian, Trương Vĩnh Ký đã sưu tầm, biên soạn lại các tích chuyện truyền khẩu thành sách. Khi chữ quốc ngữ trở thành văn tự chính thức tại Nam Kỳ năm 1882, ông kịp thời cho xuất bản những áng văn xuôi và văn vần rất được dân chúng ưa chuộng như: Chuyện đời xưa (1866), Phép lịch sự Annam (1881), Thơ dạy làm dâu (1882), Thơ mẹ dạy con (1882), Nữ tắc (1882), Thạnh suy bỉ thới phú (1883), Cờ bạc nha phiến (1884), Ngư tiều trường điệu (1884)… Vũ Ngọc Phan đã nhận định: "Hồi đó, ông [Trương Vĩnh Ký] cần phải xuất bản như thế, cốt dùng những chuyện phổ thông làm cái lợi khí cho chữ quốc ngữ được lan rộng trong nhân gian..."(1) Sử dụng thể thơ song thất lục bát để biên dịch Gia huấn ca, mở rộng thành từng cuốn sách mỏng như Nữ tắc, Thơ mẹ dạy con. Đặc biệt, một số tác phẩm truyện thơ Nôm có giá trị bậc nhất nhì trong văn học cận đại Việt Nam, đã được Trương Vĩnh Ký phiên chuyển từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ như: Kim Vân Kiều (1875), Đại Nam quốc sử diễn ca (1875), Lục Vân Tiên truyện... đã gây được dấu ấn đậm trong sự nghiệp văn chương. Bất cượng, chớ cượng làm chi của Trương Vĩnh Ký đều do chính phủ thuộc địa chi phí in ấn và phát hành rộng. Có thể dễ nhận thấy rằng, các công trình biên soạn và khảo cứu của Trương Vĩnh Ký đều được viết theo chỉ lệnh, hoặc gợi ý của nhà cầm quyền thuộc địa lúc bấy giờ.

Nhằm mục đích tìm ra phương pháp truyền đạo hữu hiệu nhất, buổi đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây, nhiều giáo sĩ đã thâm nhập bản địa, học và đọc sách Hán Nôm của người Việt, hiểu lịch sử văn hóa Việt Nam và biên soạn một số sách nghiên cứu truyền thống bản xứ như: Cristophoro Borri với Xứ Đàng Trong (1621), Jean Baptiste Tavarnie với Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài (1681), William Dampier với Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài (1688), John Barrow với Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793)...v.v. song, đó chỉ là những ghi chép sơ sài, bàng quan, chưa nêu được những nét bản chất vấn đề cần và đủ. Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam đầu tiên thông thạo Hán Nôm, Pháp ngữ, chữ Latinh...và giỏi tiếng Việt là đương nhiên, đã đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho nhu cầu cấp thiết của nhà truyền giáo và được người Pháp tôn vinh là bác học. Khi hành trình truyền giáo thay đổi mầu sắc; mục đích tìm hiểu của các giáo sĩ không còn dừng lại ở việc "truyền tin mừng" đến dân chúng, thì con mắt dò xét tình báo của các "nhà khai hóa tiên phong" đã lợi dụng triệt để, mở rộng diện "tìm hiểu" phục vụ cho mục đích đánh chiếm, uy hiếp và đặt bộ máy cai trị. Sau thời điểm ấy, Trương Vĩnh Ký viết Cours d’Histoire annamite - Giáo trình Lịch sử nước An Nam, tập I (1875), tập II (1877) đã nhấn ý trong Lời tựa: “Tôi muốn quí vị đọc bằng tiếng Pháp khá hay và phong phú, sẽ làm quen với lịch sử của nước chúng tôi. Tôi hi vọng thiên ký sự này được hiểu bằng ngôn ngữ mà quí vị đang theo học, sẽ giúp quí vị đi sâu vào tất cả những tinh tế của nó, đồng thời cho phép quí vị chọn lọc một cách thuận lợi cái đặc sắc trong đó.”(1)

Có thể xem sách Voyage au Tonkin en 1876  - Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Ký là một kí sự thu hoạch sau khi thống đốc Nam Kỳ Duperré cử ông ra Bắc tìm hiểu tình hình.“… Sự khốn cùng đang bao trùm dân chúng… đòi hỏi một sự thay đổi và một nền cai trị hữu hiệu… giải thoát một dân tộc đang cảm thấy suy vong.”(2) Trương Vĩnh Ký cũng vẽ ra triển vọng Pháp sẽ thu được những quyền lợi vật chất cụ thể khi chiếm đoạt được xứ này: “… Xứ sở này chẳng thiếu tài nguyên, đất đai mà tôi dám quyết rằng có thể sánh với thổ nhưỡng của nước Pháp… chưa nói tới những tài nguyên khoáng chất bao la, và tôi xin phép nói rằng dân của xứ này đã chết đói trên một chiếc giường đầy vàng…”(3) Trương Vĩnh Ký cũng báo cáo với viên thống đốc Pháp về những điều ông đã từng lên tiếng ủng hộ bằng văn bản, ca ngợi sự bảo hộ của Pháp với một số sĩ phu

-----------------

(1) Taboulet, La geste francaise en Indochine... dẫn theo Nguyễn Sinh Duy, Trương Vĩnh Ký - Cuốn sổ bình sanh , Nxb. Văn học, H, 2004

(2)(3) Trương Vĩnh Ký, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), Bản in nhà hàng C. Gulland et Martinon, Sài Gòn, 1881

Bắc Kỳ: “… Tất cả quý vị đều phải thấy rằng nếu nhà cầm quyền Pháp có ý xâm chiếm xứ này, họ có thể làm việc ấy từ lâu một cách dễ dàng, không phải bàn cãi gì cả. Quí vị phải hiểu rằng quí vị là những kẻ yếu, thật sự quá yếu, cần một sự giúp đỡ của ai đó để gượng dậy… Và tốt hơn chỉ nên tin tưởng vào những bạn đồng minh… dựa vào họ một cách thành thật để đứng lên; phải thẳng thắn, không hậu ý… dang cả hai tay ra với họ…”(1)

Năm sau 1877 Trương Vĩnh Ký trở thành người Việt đầu tiên được cử làm Ủy viên Hội đồng cai trị Sài Gòn. Ngày 17 tháng 5 năm 1883 Viện Hàn Lâm khoa học Pháp tặng danh hiệu viện sĩ cho Trương Vĩnh Ký. Vốn là bạn cũ, nên năm 1886 nghị sĩ, hội viên viện Hàn lâm bác học gia sinh vật học Paul Bert được cử sang Đông Dương làm Khâm sứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ; đã mời Trương Vĩnh Ký ra Huế giúp việc, được vua Đồng Khánh ( 同慶 1864 – 1889) cho sung vào Cơ mật viện Tham tá, Hàn lâm viện thị giảng học sĩ. Ngày 11 tháng 11 năm 1886, Paul Bert chết bệnh đột ngột. Trương Vĩnh Ký bị phe nhóm quan Pháp bỏ rơi, bạc đãi; triều đình Huế nghi kỵ và trù dập nên ông lấy cớ bệnh phổi xin từ chức về dạy học tại trường Hậu Bổ, Thông ngôn cũ và viết sách lại Sài Gòn.

Những dòng chỉ dẫn: “cơ cấu xã hội Việt Nam được tập hợp một cách có phương pháp và hệ thống, đặc biệt rất quan trọng, rất chính xác cũng như rất khích lệ cho những yêu cầu đúng lúc đối với các nhà cai trị.” (1). Những cuốn khác hoặc là đi sâu vào Annam politique et social (Chính trị và xã hội nước An Nam) hoặc chuyên khảo về một vùng đất và con người như: ; Saigon d’autrefois (Sài Gòn xưa) 1882; Saigon d’aujourd’hui, 1885 (Sài Gòn ngày nay) đều miêu tả tỉ mỉ, chi tiết hoàn cảnh kinh tế, xã hội và hướng dẫn các "nhà khai hóa thực dân"đặt ra những chính sách cai trị thích hợp.(3) Quả thật những tác phẩm nghiên cứu, sưu tập và biên soạn của Trương Vĩnh Ký rất hữu ích và vô cùng cần thiết với các nhà cầm quyền đương thời. Những kiến thức cơ bản, sâu rộng về diện mạo kinh tế, chính trị, văn hóa truyền thống của người Việt được đúc rút từ ngàn xưa, nếu không có Trương Vĩnh Ký "dạy bảo" thì điều mà các quan thực dân Pháp không thể có được. Ủy ban nghiên cứu phát triển Canh nông và Kỹ nghệ Nam Kỳ của chính quyền cai trị thực dân Pháp (Comité Agricole et Industriel de la Cochinchine) có chủ đích khai thác Nam Kỳ thuộc địa, Trương Vĩnh Ký làm tập Dư đồ thuyết lược có chất lượng cao hơn, chi tiết kĩ hơn những bản đồ của Dayot, Brun, Taberd… xây dựng từ thế kỷ XVIII, nên được các nhà chức trách đưa vào loại tài liệu mật, sử dụng có hiệu quả. (2)

(1)Thư gửi quyền thống đốc Pháp ở Nam Kỳ, ngày 28.4.1876, dẫn theo Bùi Kha, Sachhiem.net. http:// tongiaovadantoc.com

(2) Jean Bouchot, Petrus Ký, Erudit Cochinchinois, Imprimerie Commerciale, 1925

Jean Bouchot trong P.Ký-nhà thông thái Nam Kỳ (Petrus K - Erudit Cochinchinois, Imprimerie Commerciale, 1925) đã chỉ rõ: “Tất cả những gì ông [Trương Vĩnh Ký] đã dịch từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ, đều không có mục đích nào khác là làm cho người Nam chấp nhận mẫu tự Latinh và giảm bớt dùng chữ Hán.”(1)Và “Trương Vĩnh Ký đã đáp ứng đúng yêu cầu của các vị đô đốc, thống đốc đã từng bày tỏ ý muốn ngay từ lúc Pháp mới chinh phục Nam Kỳ - những điều mà ông Vial - giám đốc nội chính đã xem đó là những trở ngại do chữ Hán gây ra giữa người Pháp và người Nam.” (2) Trong phúc trình lên thống đốc Nam Kỳ Luro đã viết: “Từ lâu tôi đã thỉnh cầu một cách vô hiệu rằng, người ta phải phiên dịch - dưới sự bảo đảm của một hội đồng có đủ năng lực hiểu biết về lịch sử An Nam và những sách triết lý sâu xa của Trung Hoa. Người dân ít nghe tiếng quan thoại, ở trình độ của họ, họ sẽ rất sung sướng có được những cuốn sách dịch bằng ngôn ngữ thường ngày của họ một cách thanh nhã."(3)Jean Bouchot gọi Trương Vĩnh Ký là “nhà bác học lớn”, là một “thiên tài ngôn ngữ học”… là xuất phát từ lợi ích thực tế, do những thành tựu trí tuệ của Trương Vĩnh Ký mang lại cho thực dân Pháp khi lũ quan thầy đội quân xâm lược đang biến Việt Nam thành thuộc địa của mình.

Hồi cố lúc Trương Vĩnh Ký vừa du học trở về quê Cái Mơn (Huỳnh Văn Tòng viết là Cái Mỏng)(4)đúng lúc thực dân Pháp  tấn công Đà Nẵng ngày 1 tháng 9 năm 1858, huy động lực lượng quân sự xâm lược Việt Nam. Việc cấm đạo Thiên Chúa cũng diễn ra gay gắt hơn. Trương Vĩnh Ký đến Sài Gòn, ở nhà giám mục người Pháp Dominique Lefèbre, sau làm thông ngôn cho Jauréguiberry từ ngày 20 tháng 12 năm 1860. Thực dân Pháp chủ trương muốn triệt tiêu mọi ảnh hưởng của các sĩ phu lãnh đạo kháng chiến thì phải thay thế chữ Nho bằng chữ quốc ngữ, chữ quốc ngữ phải nhanh chóng trở thành công cụ đắc lực cho chính sách trực trị, đồng hóa của chúng.(5) Pháp mở trường dạy chữ quốc ngữ, nhưng lúc đầu cũng rất ít người đi học. Một số người đã biết đọc biết viêt thì không có sách in bằng chữ quốc ngữ để đọc. Nhu cầu đọc sách không thể chỉ hạn chế bởi mấy cuốn sách mỏng về thánh tích, phép giảng... vì vậy việc phiên dịch, viết văn, biên soạn sách bằng chữ quốc ngữ đã đặt ra cấp thiết. Đó là bối cảnh chính trị, xã hội ở Nam Kỳ những năm sau Hòa ước Nhâm Tuất 1962. Năm 1863, triều đình Huế cử  Phan Thanh Giản dẫn đầu một phái đoàn sang Pháp đàm phán, xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ; Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn. Đến nước Pháp, Trương Vĩnh Ký kiến diện hoàng đế Napoléon III, được gặp nhiều nhà khoa học thuộc nhiều lãnh vực. Ngoài ra, ông còn được sang thăm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và được yết kiến giáo hoàng tại Rôma.

---------------------

(1)(2)(3) Jean Bouchot, Petrus Ký, Erudit Cochinchinois, Imprimerie Commerciale, 1925

(4) Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Nxb. thành phố Hồ Chí Minh,2000

(5) Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh,1985, tập II

Năm 1865 Trương Vĩnh Ký xin phép ra tờ Gia Định báo in bằng chữ quốc ngữ. Cuối năm 1861 có máy in đầu tiên ở Việt Nam - nhà in Hoàng gia - l’Imprimerie Impériale - được thành lập để đáp ứng mọi công việc in ấn theo nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống đặt ra. Trước hết là in các công báo của chính quyền cai trị thuộc địa. Trừ ra một nhà in của nhà chung thuộc giáo hội Công giáo - l’Imprimerie de la Mission, 1865-1945 - chính phủ cai trị thuộc địa Pháp giữ độc quyền trong lĩnh vực in ấn cho đến ngày 10 tháng 9 năm 1870, khi Sắc lệnh về quyền tự do hoạt động trong lĩnh vực in ấn và nghề bán sách được ban hành. Một số nhà in tư nhân bắt đầu xuất hiện tại Sài Gòn ngay từ năm 1873.

Nghị định cho phép xuất bản tờ Gia Định báo ký ngày 1 tháng 4 năm 1865, chỉ định Ernest Potteaux, một người Pháp hiện đang làm thông ngôn tại Soái phủ Nam Kỳ chịu trách nhiệm, chứ không phải là Trương Vĩnh Ký. Bốn năm sau, ngày 16 tháng 5 năm 1869 Ohier mới ký nghị định, giao chức giám đốc tờ Gia Định báo cho Trương Vĩnh Ký. Thật là một cơ hội rất thuận lợi để Trương Vĩnh Ký phát huy tài dịch thuật, viết văn, hỗ trợ đắc lực cho mục đích phổ biến chữ quốc ngữ. Năm 1888 Trương Vĩnh Ký tự đứng ra xuất bản tạp chí tư nhân Thông loại khóa trình - Miscellanées. Tạp chí sống được chưa đầy hai năm 1888-1889, ra được được 18 số. Như vậy, lịch sử báo chí bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam ghi nhận Trương Vĩnh Ký là "ông tổ nghề báo chí Việt Nam", người đặt nền móng cho sự ra đời của báo chí, từ cấp tỉnh thành đến cấp quốc gia.

Thời độc tôn của báo chí bằng tiếng Pháp do chính phủ phát hành đã cáo chung bởi Sắc lệnh về quyền tự do hoạt động trong lĩnh vực in ấn và nghề bán sách (1870). Sau khi tờ Gia Định báo hiện diện trong đời sống xã hội; từ Nam Kỳ lan dần sự xuất hiện một số tờ báo tư nhân. Có tờ tồn tại một thời gian rất ngắn, chẳng hạn như tờ Phan Yên Báo của Diệp Văn Cương xuất hiện từ năm 1868, mới phát hành chưa được 10 số đã bị đóng cửa sau loạt bài chỉ trích hệ thống khai thác thuộc địa của Pháp với lời lẽ châm biếm: Đòn cân Archimède của tác giả Cuồng Sĩ. Một số tờ báo khác như: Nam Kỳ nhựt trình - Le Journal de Cochinchine (1885), Thông loại khoá trình - Miscellanées (1888), Nông-cổ mín-đàm (1900)...nối nhau xuất hiện sau năm 1881. Trước đây, tất cả các loại hình báo chí đều phải được chính quyền cho phép trước khi phát hành, kèm theo điều kiện là chủ bút tờ báo phải là người có quốc tịch Pháp. Luật tự do báo chí được ban hành ngày 29 tháng 7 năm 1881 và áp dụng tại Nam Kỳ thuộc địa, mọi công dân Pháp từ 18 tuổi có quyền tự do in ấn và phát hành báo chí bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Người tri thức Việt Nam tại Nam Kỳ không được hưởng quy chế này. 17 năm sau, Sắc lệnh báo chí ngày 30 tháng 12 năm 1898 lại qui định cho các tờ báo được in bằng bất kỳ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Pháp, phải được chính phủ cho phép. Trong trường hợp tờ báo nào vi phạm những điều khoản quy định thì bị thu hồi giấy phép. Đạo luật tự do báo chí ( 1881 ) dường như trở thành vô hiệu. Báo chí tiếng Việt gần như vắng bóng trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX.

Quen biết nhau tại Pháp năm 1863-1864, khi Paul Bert sang nhận chức tổng trú sứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ, Trương Vĩnh Ký được mời ra làm việc ở triều đình Huế. Triều đình phong hàm Tham tá đệ tam phẩm cho Trương Vĩnh Ký, trong viện Cơ Mật của Đồng Khánh. Ngày 5 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi và cận thần Tôn Thất Thuyết khởi binh chống Pháp ở Huế không thành, tránh ra Quảng Trị, ban bố Chiếu Cần vương. Trương Vĩnh Ký được chính quyền "bảo hộ" giao nhiệm vụ theo dõi, điều khiển Đồng Khánh và viện Cơ Mật hành động. Trương Vĩnh Ký báo cáo với Paul Bert: “Tôi sẽ trấn áp tất cả các hãnh thần và bao vây nhà vua, tôi sẽ kiếm những người thật sự có khả năng cho viện Cơ mật”,(1) gợi ý cho Paul Bert tổ chức một lực lượng đặc biệt, để triệt phá bọn “phiến loạn"[chỉ đội quân Cần vương - TSH chú thêm] và "Hãy nhanh chóng lập các đoàn lạp binh [thanh niên Công giáo - TSH chú thêm],võ trang cho họ. Ngài không có gì phải quan ngại, bởi vì quân khí do ngài cung cấp, cho mượn, hoặc bán đều thuộc trách nhiệm trực tiếp của nhà vua và chính quyền An Nam. Sau cuộc bạo hành ngày 5 tháng 7, nay họ chỉ còn cách thuần phục nước Pháp.” Trong thư gửi Paul Bert ngày tháng 10 năm 1886 Trương Vĩnh Ký quả quyết: “Bọn phiến loạn không đáng sợ, họ chỉ có những khí giới cổ lỗ của chính quyền An Nam và vài võ khí mới mua lại được của bọn buôn lậu Trung Hoa. Cái chứng cớ phơi bày ra ở Quảng Trị và Quảng Bình, họ đã không thể cắt được dù chỉ một lần đường dây điện thoại. Họ rất dễ bị tiêu mòn và trở lại ngoan ngoãn.” Chính Trương Vĩnh Ký đã nói rõ vai trò gián điệp của mình ở viện Cơ Mật. Sau khi Paul Bert chết, gửi thư đến giám đốc nội vụ Noel Pardon, Trương Vĩnh Ký còn bộc lộ: “Về phần tôi, xâm nhập vào Cơ Mật viện của nhà vua, vai trò của tôi là làm cho nhà vua và triều thần hiểu được các ý tốt của chính phủ Pháp, điều chỉnh chính sách của chính phủ An Nam đi gần với chính sách của nước Pháp.”(2)

Sau khi chiếm được Sài Gòn, thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa. Chính quyền "bảo hộ" muốn sử dụng chữ quốc ngữ như công cụ hữu ích phục vụ chính sách đô hộ. Chữ quốc ngữ trở thành văn bản hành chính, giáo dục, thi cử thay chữ Hán, thì sẽ cắt hẳn mọi liên hệ giữa người dân Nam Kỳ với nền văn minh Trung Hoa, và hết sức thuận lợi với việc phổ biến học thuật Pháp đồng hoá dân bản địa. Đạo luật về tự do báo chí ngày 29 tháng 7 năm 1881 được áp dụng tại Pháp và các thuộc địa, khi đó có Nam Kỳ. Tuy nhiên, đạo luật quy định, chỉ những người mang quốc tịch Pháp và báo chí được viết bằng tiếng Pháp mới được hưởng chế độ. Mọi ấn phẩm bằng bất kỳ ngôn ngữ nào ngoài chữ Pháp vẫn phải xin phép và chịu chế độ kiểm duyệt trước. Trong thư gửi ngày 15 tháng 1 năm 1866 cho thống đốc Sài Gòn, giám đốc nội vụ Paulin Vial có viết:

---------------------

(1) Báo cáo gửi Paul Bert ngày 17 tháng 6 năm 1886

(2) Thư gửi Noel Pardon ngày 19 tháng 1 năm1887



"Từ những ngày đầu người Pháp đã hiểu rằng, chữ Hán còn là một ngăn trở giữa chúng ta và người bản xứ; sự giáo dục bằng thứ chữ tượng hình khó hiểu làm chúng ta rơi tuột hoàn toàn; lối viết này chỉ tổ khó cho việc truyền đạt đến dân chúng những điều tạp sự cần thiết có liên quan tới khung cảnh của nền cai trị mới cũng như cho việc thương mại... Chúng ta bắt buộc phải theo truyền thống nền giáo dục riêng của chúng ta; đó là cách duy nhất khiến chúng ta có thể gần gũi người An Nam thuộc địa hơn, ghi vào tâm não họ những manh mối của nền văn minh Âu châu, đồng thời cô lập họ khỏi ảnh hưởng đối nghịch của các lân quốc của chúng ta."

Trương Vĩnh Ký nhận thức rằng văn học Việt Nam mới có thơ ca với nhiều thể loại khác nhau, chưa có văn xuôi, văn nghị luận, khảo cứu. Dịch thuật là một cách tạo ra văn xuôi, góp phần làm giàu từ vựng tiếng Việt. Vấn đề phiên dịch các tác phẩm Trung Quốc ra thể văn vần chữ quốc ngữ đã được thanh tra bản xứ sự vụ Luro đề cập trong bản báo cáo ngày 6 tháng 1 năm 1873: "Từ lâu, tôi thỉnh cầu một cách vô hiệu rằng người ta phải phiên dịch, dưới sự chăm sóc của một hội đồng có đủ quyền hành, lịch sử nước An Nam và những sách cao quí triết lý của Trung Hoa. Người dân ít nghe tiếng quan thoại, họ sẽ rất sung sướng có được những cuốn sách dịch bằng ngôn ngữ thường ngày của họ một cách thanh nhã. Họ sẽ mua, sẽ đọc những cuốn sách đó. Trong số các thừa sai và viên chức của chúng ta, chúng ta có nhiều người có đủ khả năng để hoàn thành những sách dịch thanh nhã từ tiếng Quan thoại ra tiếng nói hàng ngày."

Rõ ràng là cả chính phủ Pháp và Trương Vĩnh Ký đều tận dụng mọi cơ hội để phổ biến chữ quốc ngữ. Chính quyền Pháp bằng mọi cách huy động những công chức Pháp - Việt tìm cách tách rời dân chúng khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Trương Vĩnh Ký hoàn toàn tin vào chính sách khai hóa của nước Pháp. và cho rằng, công cụ duy nhất để có thể đạt tới trình độ "học thuật châu Âu" chính là chữ quốc ngữ. Trương Vĩnh Ký trăn trở bằng mọi cách để nhanh chóng phổ biến rộng rãi tới các tầng lớp dân chúng. Những cuốn sách in bằng chữ quốc ngữ sớm nhất của Trương Vĩnh Ký được bán với giá rất hợp lý. Những tập dày 7 đến 10 trang chỉ có giá từ 35 đến 50 xu franc, những tập dày hơn 20 trang bán từ 1 đến 2 franc .

Trương Vĩnh Ký Ghi về vương quốc Khơme là bài văn xuôi đầu tiên dài chưa đến 10 trang, in trên tờ Gia Định báo vào năm 1863. Đọc lại những trang viết của Trương Vĩnh Ký vẫn thấy văn phong trong một đoạn miêu tả ở Bắc Kỳ: "Chợ-búa nội cả tỉnh cũng nhiều lắm. Mà chợ lớn có tiếng và đủ đồ hơn hết tại Bắc-kỳ, thì là những chợ kể trong câu ví nầy: Xứ Nam là chợ Bằng Vồi ; xứ bắc Giâu, Khám, xứ Đoài Xuân Canh ; nghĩa là tỉnh Hà-nội, Hưng-yên, Ninh-bình, Nam-định là phía nam, thì có chợ Bằng, chợ Vồi có tiếng hơn hết. Còn bắc là Bắc-ninh, thì có chợ Giâu, chợ Khám ; xứ đoài là trên Sơn-tây thì là chợ Thâm-xuân-canh."(theo nguyên tự, chúng tôi không can thiệp bằng lối viết mới),

Buổi đầu tiếp xúc với người Việt ở Nam Kỳ, các quan "xuất ngoại" của Pháp biết rằng, không phải dễ thay đổi được một đất nước chịu ảnh hưởng lâu đời của Khổng giáo theo đó là sự sùng kính, trung thành sâu sắc của người dân đối với triều đình phong kiến. Một mặt người Pháp tăng cường ảnh hưởng "nước mẹ" tới đời sống và phong tục của cư dân Nam Kỳ. Từng bước thực hành chính sách cai trị các  quan chức Pháp được khuyến khích học chữ Hán, chữ quốc ngữ, nghiên cứu phong tục tập quán, ngôn ngữ và lịch sử Việt Nam nhằm mục đích "khai hóa". Đó là nguyên nhân có rất nhiều tài liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt mang tính chuyên môn cao được các “học giả là viên tướng quân sự dịch và soạn thảo trong kho tàng thư tịch. Mặt khác, chính quyền thuộc địa Pháp đưa chữ quốc ngữ ra khỏi khuôn khổ của siáo hội để phổ biến trong đời sống nhân dân. Ngay từ năm 1864, các trường tiểu học quốc ngữ được thành lập tại không chỉ ở các làng công giáo mà cò mở rộng đến các trung tâm cư dân trong cả vùng.

Từ năm 1882, chữ quốc ngữ chính thức được dùng là văn tự trong giao dịch, giấy tờ hành chính, tư pháp và thương mại của nhà cầm quyền thuộc địa. Chính phủ có chính sách bắt buộc các quan địa phương phải học chữ quốc ngữ. Biết đọc và viết chữ quốc ngữ là một tiêu chỉ để thăng chức, giảm thuế giao thươngNăm 1887, sau chuyến đi công cán cuối cùng ở Bangkok để giải quyết vấn đề giữa Thái Lan và Đông Dương, Trương Vĩnh Ký nghỉ hưu ở Sài Gòn. Dù đã trở về đời sống thường nhật, Pétrus Ký vẫn bị nhiều người tìm cách mỉa mai, xoi mói, gây khó khăn khi nhà nước xét bậc lương vào ngạch giáo sư sinh ngữ Đông Phương. Khi đương chức, Trương Vĩnh Ký được chính quyền "bảo hộ" ưu ái, các tác phẩm của Pétrus Ký đều được nhà cầm quyền Pháp bỏ tiền ra in, để phân phối cho học sinh. Nhưng từ khi nghỉ hưu, về ẩn dật ở Chợ Quán, ông phải bỏ tiền túi in ấn và tự phát hành một số bản thảo còn tồn đọng. Thời buổi khó khăn, sách ế không bán được, tác giả lâm vào cảnh mắc nợ. Rủi thay, đúng lúc trường Thông ngôn đóng cửa, Trương Vĩnh Ký dường như bất lực, cuộc sống túng quẫn, bệnh hoạn liên miên bám riết. Trương Vĩnh Ký qua đời vào ngày 1 tháng 9 năm 1898.

Sinh thời,Trương Vĩnh Ký khi việc nhận lời làm thông ngôn cho Jauréguiberry đã mượn câu cách ngôn Latinh để biện hộ: "Ở với họ mà không theo họ" (Sic vos non vobis). Trong sách Gia Định thất thủ vịnh, Trương Vĩnh Ký vẫn gọi thực dân Pháp là "giặc"; nhưng hành trạng cuộc đời, sự nghiệp văn chương của ông vẫn xóa mờ ý tưởng lóe sạng ấy.

Hai mươi tám năm trước, khi ở độ tuổi sung sức "tam thập nhi lập", ngày 8 tháng 11 năm 1870, Trương Vĩnh Ký đã từng tỏ ra băn khoăn: "Người đời sanh ký tử quy, đàng đi nước bước vắn vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, hể nhập thế cuộc bất khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã, mới chun vô phòng được. Sự sống ở đời tạm nầy, đỏ như hoa nở một hồi sương sa; vạn sự đều chóng qua hết, tan đi như mây như khói. Nên phải liệu sức, tùy phận mà làm vai tuồng mình cho xong...." Ấy thế mà hành trình cuộc đời của ông lại trượt đà quá độ, không có điểm dừng, không tạo được cơ hội trả thù nhà nợ nước.

Bài thơ của Trương Vĩnh Ký sáng tác lúc sắp được Chúa gọi đi vào "cõi Thiên Đàng":

Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai,

Xô đẩy người vô giữa cuộc đời.

Học thức gửi tên con mọt sách,

Công danh rốt cuộc cái quan tài.

Dạo hòn, lũ kiến men chân bước,

Bò xối, con sùng chắt lưỡi hoài!

Cuốn sổ bình sanh công với tội,

Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.(1)

Nói lên nỗi niềm u uất muộn của ông khi sức cùng lực kiệt.

Học giả Pháp tôn vinh Trương Vĩnh Ký là "một nhà bác học duy nhất ở Đông Dương và ở cả nước Trung Hoa hiện đại."(2) Và: ”Ta phải xem đời của cụ Trương Vĩnh Ký là một bài học và một gương tốt cho ta. Một bài học vì ta thấy người dân hoàn toàn Nam Kỳ ấy sánh kịp với các nhà thông thái xứng đáng nhất của Âu châu trong các ngành khoa học.(3)

Đúng như tác giả Hồng Điểu, khi viết bài phê phán thái độ đề cao Trương Vĩnh Ký quá mức trên báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh: "Sau này, những công trình đó trở thành những tài liệu nghiên cứu lịch sử, văn hóa của lớp người đến sau, đó là vấn đề hoàn toàn khác, là sự phát triển khách quan của công cuộc “Trở về cội nguồn” của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước; điều đó hoàn toàn nằm ngoài chủ đích của Trương Vĩnh Ký và các quan thầy của ông. Nếu cần nói thì nên khẳng định một thực tế khác: khi kẻ tay sai phản phúc càng giỏi phục vụ kẻ cướp nước thì tai họa cho nhân dân càng lớn, nếu người dân, người trí thức chân chính Việt Nam không có bản lĩnh “tương kế tựu kế” lấy “gậy của ông đập lại lưng ông”, như các thế hệ nhân sĩ trí thức đầu thế kỷ XX sau này đã làm với chữ Quốc ngữ trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, Minh Tân, Duy Tân… và các tên tuổi lớn Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh… Họ nối tiếp các giá trị tinh thần truyền thống của Dân tộc là Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Khí phách kiên cường bất khuất, xả thân vì nghĩa lớn Giải phóng dân tộc, đặc biệt là Bản lĩnh Trí tuệ Việt Nam… chớ không phải nối tiếp sự nghiệp làm Văn hóa bán nước của Trương Vĩnh Ký.(4)

--------------------

(1) Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký - Con người và sự thật, Ban Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh, 1993

(2)(3) Jean Bouchot, Petrus Ký, Erudit Cochinchinois, Imprimerie Commerciale, 1925

(4) Hồng Điểu, Báo mạng Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh 17 tháng 4 năm 2015

------------------------------------------------------------------------------



Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương