CHỮ quốc ngữ TẠi bình đỊNH


THƯƠNG CẢNG NƯỚC MẶN THẾ KỶ XVII



tải về 0.83 Mb.
trang4/10
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.83 Mb.
#9383
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

THƯƠNG CẢNG NƯỚC MẶN THẾ KỶ XVII
TS. Đinh Văn Hạnh
1.1. Cách đây gần 30 năm chúng tôi có dịp khảo sát, nghiên cứu đô thị Nước Mặn - Gò Bồi. Hồi đó, đường sá đi lại khá khó khăn, mất nhiều thời gian, nhưng chúng tôi vẫn không đi đường bộ qua huyện lỵ Tuy Phước mà đã đến Nước Mặn vài lần bằng hai con đường: 1) Từ thành phố Quy Nhơn đi ghe ra cửa Thị Nại về Nhơn Lý, rồi đi bộ ven biển ra Kẻ Thử (Cát Tiến), đi thuyền nhỏ lên Gò Bồi - Nước Mặn; 2) Từ Quy Nhơn chúng tôi đi ghe dọc đầm Thị Nại để đến Nước Mặn. Cửa Kẻ Thử trước đây được che chắn bởi núi Bà ở phía bắc và đảo Triều Châu (chứ không phải bán đảo như bây giờ) ở phía nam. Kẻ Thử là cửa biển giữ vị trí vô cùng quan trọng trong việc hình thành thành Thi Nại (là tên gọi rút gọn từ Thi Lỵ Bì Nại được phiên âm từ tiếng Champa Crĩvinaya, hay Tân Châu theo cách gọi của sử Trung Hoa); kinh thành Vijaya (Đồ Bàn) và thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông của vương quốc Champa hồi cuối thế kỷ 13 (11-1282), và đối với sự ra đời, phát triển của cảng thị Nước Mặn khi người Việt định cư, làm ăn sinh sống trên vùng đất này… Đối với chúng tôi, đầm Thị Nại, những dòng sông đổ nước về đây trước khi ra biển bằng hai cửa phía bắc và phía nam Triều Châu là không gian văn hoá lịch sử đặc trưng và độc đáo của vùng đất Bình Định suốt hơn 10 thế kỷ, trong đó đô thị Nước Mặn là một điểm sáng nổi bật của thế kỷ 17, 18…

1.2. Cửa Kẻ Thử ngày nay đã là một trảng cát nối với ruộng đồng nhà cửa, dẫu dưới chân núi Bà còn khá nhiều bia mộ, hoặc có khi người dân đào trúng mỏ neo của ghe thuyền khi làm giếng… liên tưởng một thời cửa biển vào ra buôn bán tấp nập. Còn Nước Mặn trên phần đất Phước Quang và Phước Hoà (huyện Tuy Phước) hiện thời không còn mấy dấu tích của một cảng thị từng thu hút các nhà truyền giáo và thương nhân bốn phương. Thật khó hình dung được Nước Mặn từng là một cảng thị thuyền ghe tập nập, phố phường đô hội… Christofle Borri, một linh mục đến Đàng Trong từ năm 1618 đã nhận xét Đàng Trong bấy giờ có hơn 60 cửa biển, sầm uất nhất là Hội An, quan trọng thứ nhì là Cửa Hàn và Nước Mặn… Francisco de Pina một giáo sĩ người Bồ Đào Nha sống ở Nước Mặn năm 1618 được cho là người châu Âu đầu tiên thành thạo tiếng Việt. Linh mục Dòng Tên João Rozi, trong một bản báo cáo về hoạt động các cư sở năm 1621, cũng đã giải thích “Nuocman” bằng lối chữ phiên âm tiếng Việt của các giáo sĩ. Francesco Buzomi, ngày 20-5-1622, đã viết một bức thư tại Nước Mặn gửi cho gửi cho Bề trên Cả Dòng Tên đã viết “Thienchu” (Thiên Chủ). Gaspar Luis với tập tài liệu viết đúng vào ngày tết Dương lịch 1-1-1626 tại Nước Mặn sau khi đã ở đây một thời gian để học tiếng Việt. Cũng năm này, Antoni de Fontes trong bản tường trình của mình cũng đã viết Nước Mặn là “Núocmam”; Qui Nhơn là “Quinhin” v.v…

Rõ ràng từ đầu thế kỷ 17 đã có một cảng thị Nước Mặn thu hút nhiều thương nhân, giáo sĩ tới đây. Và chính họ đã để lại những dòng tư liệu quý giá cho chúng ta không chỉ biết về một thương cảng đã gần như “biến mất” sau đó hơn trăm năm mà còn giúp chúng ta biết về những chữ quốc ngữ thời kỳ đầu hình thành đã được viết ra ở đâu và như thế nào… 

2.1. Theo các công trình nghiên cứu của người Pháp và những bài ký sự của các thương nhân, giáo sỹ thì tên gọi Nước Mặn xuất hiện vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII. Năm 1653, khi sang Việt Nam truyền đạo, A. Rhode có vẽ bản đồ về khu vực Thị Nại. Trên bản đồ đó ông đã đề “Nehot Man”, theo cách giải thích của Pierre - Yres Mangin trong Les Portugais sur les côtes du Vietnam et du Campà (XVIe, XVIIe, XVIIIe, Sièdes) thì “Nehot Man” có ý nghĩa là “Nước Mặn” (cảng Nước Mặn).

Cũng cần nói thêm rằng không gian Nước Mặn không chỉ nằm trong phạm vi của xã Phước Quang và một phần của xã Phước Hòa như nhân dân địa phương ngày nay vẫn gọi. Sự ảnh hưởng và phát triển của nó đã làm người ta cho rằng Nước Mặn bao gồm cả Thị Nại và gọi luôn đầm này là Nước Mặn. Thực ra thì giới hạn trên lãnh thổ của nó là vùng Phước Quang, là thương cảng và thị trấn sầm uất, phồn thịnh ở đây từ nửa đầu thế kỷ XVII cho đến nửa đầu thế kỷ XVIII.

Trên thực tế “Nước Mặn” là tên gọi dân gian để chỉ một vùng đất chua mặn bên đầm nước cũng rất mặn khi người Việt đến đây cư trú, làm ăn, sinh sống. Ở một chừng mực tương đối nào đó không gian Nước Mặn còn bao gồm cả Gò Bồi vốn được thay thế khi Nước Mặn bị bồi lấp (thế kỷ XVIII). Nhưng trong thời kỳ Nước Mặn phồn thịnh thì tên gọi Gò Bồi (với tư cách là một thị tứ thay thế) chưa xuất hiện, hoặc chỉ là một địa vực nhỏ trong không gian Nước Mặn.

2.2. Theo dòng người di cư vào Đàng Trong làm ăn sinh sống từ sau khi đất kinh thành Vijaya thuộc về người Việt, những người đầu tiên trong số họ đã đến Nước Mặn mở mang, khai phá đất đai, làm ăn sinh sống. Những cứ liệu còn lại để khẳng định một thời gian cụ thể nào đó của người Việt sớm nhất đến đây tụ cư lập làng ngày nay không còn. Căn cứ vào những gì đã cố gắng khả dĩ có được chúng ta có thể hình dung một cách tương đối thời gian những người Việt đầu tiên đến đây.

Địa vực Nước Mặn ngày xưa thuộc hai làng: Lạc Hòa, Vĩnh An (Phước Quang) và một phần nhỏ phía bắc Phước Hòa ngày nay. Chúng trải dài theo hướng  Bắc - Nam bên đầm Thị Nại, căn cứ trên thực địa chúng ta có thể xác định được chiều dài của nó gần 2km và chiều rộng trung bình không quá 1,2km. Sông Âm Phủ với các nhánh sông Cây Đa, Cầu Ngói đã chảy qua địa phận Lạc Hòa, Vĩnh An trước khi đổ về Thị Nại. Điều kiện đó rất thuận lợi cho việc buôn bán, trao đổi sau này.

Từ đầu thế kỷ XVII, Nước Mặn đã là nơi đông vui nhộn nhịp, thu hút các giáo sĩ phương Tây về đây truyền đạo. Năm 1618, thời Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1634), quan Tuần vũ phủ Quy Nhơn mời giáo sĩ Francesco Boznmi, người Ý bấy giờ đang ở cửa Hàn Đà Nẵng vào giảng đạo ở Nước Mặn. Quan đã cất một ngôi nhà gỗ ở đây để làm nhà giảng đạo. Ba năm sau, 1621 giáo sĩ A. Rhodes cũng đã đến đây để làm phần việc của một người truyền giáo và giảng đạo. Cùng trong khoảng thời gian ấy, Christofle Borri nhiều lần đến Nước Mặn. Ở thị trấn này ông đã tìm hiểu phong tục tập quán và sinh hoạt của người Việt, chuẩn bị đầy đủ cứ liệu để viết một quyển sách về văn hóa của xứ sở Đàng Trong giàu có mà họ đang thèm muốn.

Như vậy, đầu thế kỷ XVII, Nước Mặn không chỉ là nơi đã có người Việt sinh sống mà làng xóm của họ đã rất tấp nập nhộn nhịp và đủ sức để cuốn hút nhiều nhà truyền đạo phương Tây. Thời gian mà người đầu tiên đến đây cũng không thể trước thế kỷ XV, vì lúc đó đây là đất “hai thành” của Champa (cách gọi của Đại Nam nhất thống chí). Vậy thì những làng xóm đầu tiên tại Nước Mặn có khoảng thời gian nào trong thế kỷ XVI?

Ở Nước Mặn, bên cạnh các dòng họ Võ, Nguyễn, Đào, Trần, Huỳnh, Phan… của người Việt còn có rất nhiều dòng họ của người Hoa cũng đến đây sinh sống từ rất sớm như: Lý, Lâm, Văn, Ngụy, Khổng, Vương… mà nhiều nhất là họ Ngụy. Không có những căn cứ chính xác chúng ta không thể biết rõ họ nào của người Việt là “ngụ cư”, nhưng chúng ta cũng có thể khẳng định được rằng người Hoa không thể đến đây trước người Việt. Vì nhiều lý do khác nhau mà một cuốn gia phả trọn vẹn trong các dòng họ ấy có thể còn lại đã không có được. Riêng đối với họ Ngụy của người Hoa còn bản “Tông đồ”. Tông đồ này chỉ ghi một phái của họ Ngụy được tách ra từ đời thứ bảy chứ không ghi trọn vẹn tất cả các đời của họ Ngụy (từ đời đầu tiên), khi đến đây. Ngoài những căn cứ khác tờ Tông đồ ghi người đầu tiên của phái này là “Ông cố Ngụy Thoại và bà cố Nguyễn Thị An sinh hạ được…”. Cách ghi “ông cố, bà cố” đã nói lên rằng người ghi không phải là thủy tổ của dòng họ Ngụy ở đây. Họ này có mộ thủy tổ ở cánh đồng An Hòa (Vĩnh An). Ông Ngụy Giảng (71 tuổi) và nhiều người khác cho biết: Hàng năm cả dòng họ Ngụy vẫn tảo mộ ở đó, kể cả những người không có tên trong “Tông đồ”. Điều đó càng chứng tỏ nó chỉ là Tông đồ của một phái trong rất nhiều phái của họ này được tách ra đã 7-8 đời. Những người họ Ngụy còn cho biết, gia phả của họ mới vừa bị cháy trong chiến tranh, khi ấy đã ghi đến đời thứ 11. Ông cố Ngụy Thoại là đời thứ 6, ở một mức độ tương đối chúng ta có thể biết được rằng, người Hoa đến đây từ rất sớm (13 đời), tức là khoảng cuối thế kỷ XVI…

Không có những chứng cớ rõ ràng hoặc chỉ căn cứ vào trí nhớ từ những cái vừa bị cháy (gia phả) những người thuộc các dòng họ người Việt, như họ Đào, Phan… đều tự cho rằng thủy tổ của họ đã từ Nghệ An ra đi. Nếu điều đó đúng và những số liệu trên đây không sai thì có thể thủy tổ của họ là những người đã vào nam theo Nguyễn Hoàng, cũng có thể trong số họ là những người của đoàn quân “Nghĩa Dũng Thanh Nghệ”. Đó là chưa nói đến khả năng họ còn đến đây sớm hơn, trước năm 1558 sau năm 1471. Vì trong khoảng thời gian này phủ Hoài Nhân cũng đã hình thành và dĩ nhiên không thể không có người Việt sinh sống, nhất là với một địa bàn có nhiều thuận lợi (bên đầm nước có hệ thống sông ngòi chằng chịt và thương cảng cũ - Thi Nại, của vương quốc Champa) như Nước Mặn.

Điều mà chúng ta có thể khẳng định được là sự sầm uất của nó được ghi lại khi các giáo sĩ phương Tây đến đây đầu thế kỷ XVII. Sự phồn thịnh ấy cũng chỉ có thể có được sau một thời gian mở mang, khai phá lâu dài và đang ở trong một giai đoạn mà mức độ đi lên của nó đủ sức hấp dẫn các giáo sĩ đến đây truyền đạo…

2.3. Đầu thế kỷ XVII, Nước Mặn đã xuất hiện với tư cách là một điểm hội tụ buôn bán đáng lưu ý. Chúng ta sẽ thấy rõ điều đó trong quá trình hình thành của thương cảng này.

Các nhà chép sử biên niên và nhất là những thương nhân nước ngoài đã hết lời ca ngợi sự phồn vinh, giàu có của xứ Đàng Trong. Sự giàu có ấy chỉ có thể có được nhờ bàn tay khai thác của con người trong điều kiện thiên nhiên và hoàn cảnh xã hội cho phép. Và, không phải bao giờ con người cũng tận dụng được hết khả năng của tự nhiên. Đó là điều dễ hiểu mà ngày nay ai cũng biết.

Không có những cứ liệu cụ thể, nhưng chắc chắn khi đến đất mới, những người Nước Mặn đã sống chủ yếu bằng nghề nông. Thời điểm tụ cư phần nào đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Mặt khác, sống bên sông nước hẳn là trong buổi đầu những người Nước Mặn đã biết tận dụng điều kiện của tự nhiên. Cũng có thể là họ đến sinh sống ở đây vì đã không quên mang theo một phần nghề nghiệp truyền thống địa phương cũ trước lúc ra đi. Nhưng trong thời gian mới đến, họ không thể không sống bằng nghề nông, đang được xem là căn bản của xã hội bấy giờ.

Nằm ở trung tâm phủ Hoài Nhơn, phủ giàu có của xứ Đàng Trong như Phan Huy Chú đã từng viết: “Tài vật cả phủ này đại khái cũng dồi dào, cũng như Tư Nghĩa và Thăng Hoa được coi là đất giàu có, có nhiều sản vật như trầm hương, tốc hương, tê giác, vàng, bạc, đồi mồi, cẩm hào, sáp ong, đường, mật, dầu, sơn, hạt cau, hồ tiêu, cá, muối và các thứ cây gỗ, tất cả đều là những sản vật cực tốt, thóc lúa không biết bao mà kể, ngựa sản sinh nơi hang núi, từng bầy kể cả hàng trăm, ngàn con. Người địa phương đi chợ cỡi ngựa là sự thường”, đã cho phép Nước Mặn phát triển cùng với xu hướng chung của mảnh đất giàu có, trù phú này. Sản phẩm của phủ Hoài Nhơn vừa nhiều, vừa đủ các chủng loại, đặc biệt có phương tiện để vận chuyển sản vật đến các đầu mối...

Không có một truyền thống lâu dài thì đất Hoài Nhơn không thể có nghề thủ công phát triển như sau này người ta đã ca ngợi các sản phẩm đó của phủ Qui Nhơn trong thế kỷ XVII, XVIII. Vàng (Kim Sơn, Ân Nghĩa), sắt (Mỹ Đức) đều là những nguyên liệu cần thiết cho hoạt động thủ công, mỹ nghệ. Người ta “truyền rằng dưới triều Hậu Lê, vàng ở Kim Sơn đã góp một phần lớn trong việc đúc người vàng để cống cho Trung Quốc”. Điều đó đã nói lên rằng nghề khai thác, luyện, đúc kim loại quý đã xuất hiện sớm ở đây.

Đầu thế kỷ XVII thương cảng Hội An đã vào giai đoạn phát triển. Nó đã thu hút các nguồn hàng hóa khắp nơi trong xứ về đây để trao đổi, buôn bán với người nước ngoài. Bên cạnh đó, thị trường nội địa bấy giờ do nhu cầu đã phát triển. Chính thương cảng Hội An cũng góp phần tạo ra hệ thống chân rết, tạo ra những đầu mối bán buôn, trung chuyển, cung cấp hàng hoá cho mình…

Đất Nước Mặn, bên thành Thị Nại và bến cũ Champa, một vương quốc vốn có truyền thống thương nghiệp rõ ràng đã sẵn có những điều kiện cho thương mãi phát triển. Trong hoàn cảnh cư dân mới đến khai phá, mở mang, ban đầu do nhu cầu trao đổi tự nhiên, chợ Nước Mặn được hình thành. Chợ nằm bên sông Âm Phủ, trước đầm Thị Nại có mạng lưới sông ngòi chằng chịt trong đất liền chảy qua. Điều kiện đó đã tạo khả năng vươn dài thu góp hàng hóa mà nhân dân cần trao đổi hội tụ về đây. Nằm ở trung tâm phủ lỵ, lại có điều kiện thiên nhiên thuận lợi, không giống như những nơi khác, Nước Mặn đã nhanh chóng trở thành trung tâm giao lưu hàng hóa.

Từ cuối thế kỷ XVI, kinh hàng hóa của xứ Đàng Trong nói chung và phủ Quy Nhơn nói riêng đã được xem là một đối tượng của sản xuất. Hàng hóa ấy là sản phẩm của nền tiểu thủ công mới ra đời nhưng đã sớm đi vào con đường phát triển. Thương cảng Hội An hình thành đã cuốn hút sự chú ý của giới thương nhân ngoại quốc. Do nhu cầu rất lớn của thương trường này, nhiều thị trường nội địa đã nhanh chóng thành điểm gom hàng của địa phương để vận chuyển tới Hội An. Và, Nước Mặn trở thành một trung tâm như thế. Mặt khác, Nước Mặn lại ở trên một thương trường và vốn là bến cảng lớn của vương quốc Champa, cho nên bên cạnh những điều kiện ấy, thì cơ sở hạ tầng có sẵn.

Khi các hàng hóa từ khắp nơi trong xứ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Quy Nhơn đều chở về Hội An (như Lê Quý Đôn đã viết) thì chắc chắn rằng Nước Mặn đã là điểm hội tụ sản vật của phủ Quy Nhơn, để rồi từ đó vận chuyển ra Hội An. Điều kiện của Nước Mặn đã cho phép nó làm được như vậy. Cùng với sức phát triển và nhu cầu hàng hóa của thị trường Đàng Trong, nhất là Hội An, quá trình trao đổi buôn bán ở Nước Mặn nhờ đó mà cũng được thúc đẩy hơn.

Ưu thế của Nước Mặn là khả năng thu hút các sản vật (như trầm hương, tê giác, các thứ gỗ thơm, gỗ quý...) nông sản (đường, đậu các loại), đặc biệt là các ngư phẩm đã chế biến (như cá khô, nước mắm, đồi mồi...) và hàng thủ công (như tơ lụa, đồ gỗ, đồ gốm) để vận chuyển đi các nơi.

Theo Đại Nam nhất thống chí, phủ Quy Nhơn chứ không phải Bình Định sau này có đến 63 chợ lớn nhỏ, điều đó cũng chứng tỏ thị trường nội địa đã phát triển. Chợ Nước Mặn ở thôn Lạc Hòa nằm bên sông Âm Phủ, Cây Đa và bờ đầm Cầu Ngói, dài gần 200 mét, rộng 50 mét vừa là trung tâm của khu vực Nước Mặn vừa là đầu mối giao thông và cửa ngõ của phủ Quy Nhơn. Bên chợ Nước Mặn là bến thuyền, ghe khắp nơi trong ngoài phủ về đây buôn bán. Bến nằm ở phía Đông chợ, trên địa phận cầu Ngói. Ngày nay nhánh sông này đã bị bồi cạn, chỉ còn là một vùng đất trũng, những dấu vết ngày xưa của nó vẫn còn, nhưng mờ nhạt. Tại một khúc sông cụt người ta đã đào được mỏ neo (1986). Cách bố trí, xây dựng những ngôi nhà phố, thu mua và cung cấp hàng hoá hay những mẫu chuyện về sự nhóm họp đông vui hơn của chợ phiên Nước Mặn vào ngày năm và ngày mười (tức 5, 10, 15, 20, 25 và 30) vẫn còn lưu truyền trong dân gian…

Người Hoa sống xen kẽ với người Việt ven bến thuyền và chợ Nước Mặn (làng Lạc Hòa).

Từ một cái chợ buôn bán trao đổi tự nhiên theo nhu cầu địa phương đến một trung tâm buôn bán lớn rất thuận tiện của phủ là quá trình hình thành của một thương cảng Nước Mặn.

2.4. Từ đầu thế kỷ XVII, nhiều giáo sĩ và thương nhân phương Tây đã đến Nước Mặn. Có sự “quan tâm” ấy một phần do lời mời của quan Tuần vũ Quy Nhơn, nhưng phần khác, quan trọng hơn là do Nước Mặn đã có sức hấp dẫn đối với họ. Đó là sự hấp dẫn của một thời đông dân, đô hội và phồn thịnh. Khi đến đây, Alexandre de Rhods, Ch. Boreri, Francessco Buzomi... ít nhiều đã nhắc đến thương cảng sầm uất này trong tư liệu của mình, có khi chỉ là một bản đồ xác định vị trí. Nhưng tất cả những cái đó, bên cạnh những chứng cứ khác, cho phép chúng ta nhận rõ được thời điểm phát triển của thương cảng Nước Mặn... Những năm cuối của nửa đầu thế kỷ XVII, Nước Mặn đã bắt đầu đi vào giai đoạn phát triển. Giai đoạn của “Cảng Nước Mặn” và “Thị trấn Nước Mặn” như thương nhân nước ngoài đã gọi.

Do sự bồi đắp mạnh mẽ của các dòng sông (sau khi cửa Kẻ Thử bị lấp), ngày nay dấu vết bến cảng Nước Mặn không còn. Nhưng căn cứ vào vị trí chợ, dấu tích khuôn viên và thành nhà, cách bố trí hội quán, thương quán, khu vực cư trú cũng như sự lưu truyền trong dân gian, chúng ta có thể xác định vị trí của thương bến nằm ở phía Đông chợ, bên “bờ cầu Ngói”. Gọi là “bờ cầu Ngói” nhưng ngày nay ở đây không có bến cũng chẳng có cầu. Theo sự lưu truyền trong nhân dân thì trước đây, ở đó có cầu Ngói. Nó là cầu để ghe thuyền cập bến dỡ hàng hóa lên buôn bán ở chợ và ngược lại.

Phía trên bến là chợ, nơi diễn ra các cuộc buôn bán, trao đổi thường nhật và đặc biệt đô hội trong những ngày phiên. Hàng hóa khắp nơi trong phủ được ghe, sông, xe ngựa chở về tề tựu ở đây. Qua cách bố trí, xây dựng nhà cửa hai bên mà các dấu tích xưa nhất như khuôn viên, thành nhà xây dựng bằng các chất liệu: gạch lớn, cát và mật đường, còn lại chúng ta có thể xác định được kích thước của chợ Nước Mặn (200 x 50m). Thực ra, nó đã vượt quá khả năng của một cái chợ. Vì lưu lượng hàng hóa, mật độ ghe thuyền tập trung buôn bán và tổ chức cư trú của thương nhân đã có sự ổn định với quy mô lớn hơn.

Thương nhân bao gồm hai bộ phận, một bộ phận cư trú tại Nước Mặn, mua hàng trong nội địa và bán hàng cho bộ phận thứ hai từ nơi khác đến Nước Mặn mua bán hàng hóa. Cũng có khi thương nhân ở Nước Mặn vừa gom hàng trong phủ vừa chuyển đi bán các nơi khác. Thương nhân Nước Mặn vừa có người Việt, vừa có người Hoa. Họ sống xen kẽ nhau trong làng Lạc Hòa và nhiều nhất là hai bên chợ, bến cảng. Mặc dù sống chung trên một vùng đất không rộng nhưng người Hoa có đơn vị chính quyền riêng. Sau này họ vào làng Minh Hương nhưng trong thời kỳ ấy họ nằm trong trang (hoặc thuộc). Ở Nước Mặn thương nhân Hoa kiều khá đông. Họ thuộc các dòng họ Ngụy, Vương, Lâm, Khổng... Từ Quảng Châu, Phúc Kiến và một số ở Hải Nam đến đây buôn bán, trao đổi. Theo P. Yves Mangnin thì giữa thế kỷ XVII thương nhân và những người “hướng đạo sinh” Bồ Đào Nha đã đến buôn bán, giảng đạo ở Nước Mặn. Họ kể lại rằng: đó chính là sông Pullucambir, ở đó người ta có thể tránh rét trong mùa đông và là nơi mà các tàu chiến có thể đi vào. Borri lần đầu tiên đến đây đã suy nghĩ về mối quan hệ giữa hai địa danh: Quygnin đó chỉ là cách gọi của người Bồ, của Pullucambir. Theo A. Rhods thì nó có tên là: “Nehotman” có nghĩa là Nước Mặn một tên khác của cảng này...  thỉnh thoảng người ta lại tìm gặp một số người Bồ Đào Nha sau này chỉ rõ là “Vhincheo” hay “Quyncheo” chính tên gọi theo tiếng Trung Hoa (tác giả) là tên gốc của cảng”...

Điều đó cho chúng ta thấy rằng thời kỳ này thương nhân Bồ Đào Nha và lái buôn Trung Hoa đã đến Nước Mặn. Và, bấy giờ người ta đã gọi đó là cảng (cảng Nước Mặn hay Chincheo). Dưới con mắt họ cảng Nước Mặn là một nơi trú ẩn tốt, thậm chí còn thích hợp cho một căn cứ hải quân.

Có thể khi đến Nước Mặn lái buôn Trung Quốc và phương Tây cũng mua bán các thứ hàng giống như những nơi khác ở Đàng Trong. Nhưng chắc chắn rằng họ không thể không mua những đặc sản có tiếng trên thương trường bấy giờ của phủ Quy Nhơn (mà các nhà chép sử đã ca ngợi): như trầm Thị Nại, trầm Khánh Nguyên, nước mắm, vây cá, đồi mồi, tôm khô, hột vịt lộn, sáp ong, cẩm hoa...

Thời gian buôn bán Nước Mặn của người nước ngoài có thể diễn ra như những nơi khác, mà như John White đã nói rõ là “buôn bán đường biển với Cochinchine (tức Đàng Trong) phải chịu điều kiện của gió mùa”. “Đến mùa xuân nhờ thuận gió Đông - Bắc tất cả thuyền Trung Quốc mới tới Nam được, lại đến mùa hè nhờ gió Nam, họ mới trở về phương Bắc, nếu chờ gió mùa thu kéo dài từ mùa Thu đến mùa Đông, mà không về thì gọi là “lưu đông” hoặc “áp đông”. Điều kiện để “lưu đông” hoặc “áp đông” ở Nước Mặn cũng rất tốt, nhất là khi họ có hội quán ở đây.

Buôn bán, trao đổi đã diễn ra trên bến Nước Mặn làm cho vùng này trở nên sầm uất, phồn thịnh. Nhà cửa, phố xá mọc lên hai bên bến thương trường. Khi đến Nước Mặn, A. Rhods gọi nó là thành phố và đã ghi như thế vào bản đồ. Có lẽ ông đã căn cứ vào mức độ sầm uất và phố xá nhà cửa bến thương bến Nước Mặn để cho rằng đây là thành phố. Dù sao thì điều đó cũng được ghi nhận như một bằng chứng của sự phát triển.

Cuối thế kỷ XVII, Nước Mặn cũng chịu chung số phận với Nam Hà về sự vắng bóng (hay ít tấp nập như trước) của thương nhân phương Tây. Nhưng không phải vì thế mà Nước Mặn không còn có thương nhân đến buôn bán. Những hội quán của lái buôn Hoa kiều được xây dựng trong thời kỳ này đã chứng tỏ điều tỏ. Ở Nước Mặn hiện nay còn lại dấu tích của hội quán. Nhân dân địa phương quen gọi là “Chùa Ông” và “Chùa Bà”. Những người cùng tỉnh ra đi thì lập nên một hội quán và gọi là Bang theo tên tỉnh. Đứng đầu Bang là Bang trưởng, dưới Bang trưởng được gọi là Phó Bang trưởng (Má Chín), người có nhiệm vụ thông ngôn và bắt mối, định giá, chọn hàng với các thương lái khi có ghe thuyền của Bang mình chở hàng đến hoặc chuẩn bị nhổ neo…

Do bị chiến tranh tàn phá và thời gian xây dựng đã quá lâu, rất khó xác định Nước Mặn từng có bao nhiêu hội quán. Năm 1986, chúng tôi đã xác định ở Nước Mặn chỉ còn là hai hội quán là hai ngôi nhà đã hư hỏng nặng. Theo các vị cao niên thì trước năm 1964, nó vẫn còn nguyên, người ta vẫn đọc được những chữ trên bia, hoành phi ghi rõ năm lập Hội quán vào đầu niên hiệu Càn Long (1735). Tại chùa Bà (Thiên Hậu Thánh Mẫu) hiện nay còn lại một lư hương bằng gang ghi rõ niên hiệu và năm lập cũng như thương gia đã tặng nó cho Hội quán:

“Cung Thiên Hậu Thánh Mẫu, người con chịu ơn dày là Vương Hiệp Lợi kính tặng. Mùa đông tháng 11 Gia Khánh năm Đinh Tỵ (tức là 1797). Làm tại lò đúc Vạn Minh (Trung Quốc)”.

Năm chế tạo ghi trên lư hương chỉ giúp chúng ta doán định được thời gian có từ trước đó của Hội quán, và như lư hương đã ghi rõ, nó là vật tặng của lái buôn Trung Quốc. Hai Hội quán (Quảng Đông Hội quán và Hải Nam Hội quán) được xây dựng bên cảng Nước Mặn, cách trung tâm buôn bán (tức chợ Nước Mặn) không xa. Những hình ảnh vẽ trên tường nhà, khắc trong các bức phù điêu cho chúng ta một hình ảnh về loại phương tiện vượt biển thời bấy giờ. Đó là loại thuyền buồm cỡ lớn, chạy bằng sức gió thông qua hệ thống hai hoặc ba buồm, tùy theo trọng tải. Về các thuế lệ hàng hóa xuất nhập cảng có thể đã được tuần vũ Quy Nhơn thực hiện như những thương cảng khác ở xứ Đàng Trong. Từ thế kỷ XVII chúa Nguyễn đặt thuế thương chính chỉ khoảng 3 hay 4% đối với giá hàng. Và, tàu đến, tàu đi cũng phải trình quan xuống khám…

Tỉ lệ phần trăm ấy cũng chưa phải là quá cao so với số tiền lãi (400%) mà thương nhân nước ngoài kiếm được như họ đã từng nói...

Buôn bán bên thương cảng phát triển, nhiều nhà cửa, tiệm, hiệu, phường hội, hội quán mọc lên làm cho Nước Mặn trở nên sầm uất, phồn thịnh. Thị trấn Nước Mặn đã được ra đời trên cơ sở đó.

2.5. Căn cứ vào những tài liệu của các giáo sĩ phương Tây thì từ nửa đầu thế kỷ XVII thị trấn Nước Mặn đã ra đời. Nó ra đời trên cơ sở của kinh tế thương nghiệp, của tình hình buôn bán trên thương cảng bấy giờ.

Theo Alexandre de Rhodes (ông đến vào nửa đầu thế kỷ XVII) thì Nước Mặn là một thành phố có nhiều khu buôn bán phồn thịnh dân cư đông đúc, thuyền bè đi lại tấp nập. Một thời chúa Nguyễn đã cho các giáo sĩ đạo Thiên Chúa (Buzomi, P. Dipina, Cristoforo Borri) đến xây dựng nền tảng công giáo ở đây. Nhà thờ Nước Mặn - nhà thờ sớm nhất ở phủ Quy Nhơn được xây dựng ở phía Tây thị trấn này từ đầu thế kỷ XVII.

Căn cứ trên dấu vết còn lại, chúng ta có thể xác định được cương vực phố xá Nước Mặn. Nó kéo dài từ bờ cầu Ngói đến phía Đông sông Cây Đa. Giữa hai dãy nhà còn lại đoạn thành, móng nền là chợ và các tiệm, hiệu, nơi diễn ra buôn bán và trao đổi.

Các vết tích nhà cửa còn lại chỉ là những đoạn thành dài và móng nhà, hoặc bức tường đã bị sập một nửa. Chúng được xây dựng bằng đá ong và gạch lớn với chất gắn là mật đường và cát hoặc đường, vôi cát. Đá ong có nhiều kích thước khác nhau, có những viên lớn dùng để làm móng thành có thể tích 35 x 71 x 18cm. Gạch cũng vậy, kích thước không giống nhau, nhưng viên nhỏ nhất cũng là 6 x 16,5 x 31cm, cũng có viên lớn đến 6 x 18,5 x 40cm… Theo dấu vết và hướng chạy của các đoạn thành cũ, chúng ta có thể xác định được cách bố trí, xây dựng nhà cửa xưa của thị trấn Nước Mặn là chạy dọc theo hai bên chợ.

Dân gian truyền lại rằng, ngày xưa hai bên chợ là hai dãy phố dài, có nhiều cửa hiệu của người Minh Hương và người Việt. Ở đó họ bán các hàng hóa và cũng mua những hàng ấy thứ ấy khi lái buôn nước ngoài mang đến. Người ta còn truyền lại rằng, ngày xưa dòng họ Ngụy buôn bán giàu có nhất, đặc biệt là hiệu của ông Khách Sáu (tương truyền còn gọi ông là Khách Bạc) vì ông là người giàu có nhất vùng.

Gần bên chợ Nước Mặn, sát với bờ cầu Ngói là hai Hội quán. Thực ra nó là hai tổ chức thương mãi của những người cùng quê hương đi làm ăn, buôn bán xa. Bên cạnh hội quán còn có nhà khách và nhà kho chứa hàng. Các thương nhân lưu lại mua sắm hàng hóa, đợi dịp thuyền đến để chở đi cho thuận tiện và nhanh chóng. Hiện nay chúng chỉ còn lại dấu tích nền nhà và những đoạn tường đổ nát. Cho đến năm 1964, các hội quán ở đây mới bị hư hỏng thực sự do chiến tranh tàn phá. Nhưng trước đó, từ khi buôn bán không còn sầm uất, thậm chí không còn sự buôn bán với bên ngoài, hai hội quán này vẫn được giữ nguyên, và trở thành nơi thờ cúng theo phong tục của người Minh Hương cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều người ở làng Minh Hương có một số lượng đất tư khá lớn. Các cụ già người Hoa còn sống đến ngày nay cho biết, ít nhất trong số họ cũng có 30 mẫu. Tương truyền rằng, khi không còn buôn bán được nữa, các thương nhân ở làng Minh Hương đã mua đất cho làm mướn. Số diện tích ấy được truyền lại nối tiếp đời này qua đời khác cho đến mãi sau này. Vì thế họ mới có nhiều đất như vậy.

Làng Minh Hương của người Hoa ở Nước Mặn không có cương vực rõ ràng. Vì họ không cùng chung một tổ chức chính quyền với người Việt. Họ sống thành từng nhóm theo địa phương ra đi, trong tổ chức riêng, được gọi là “làng”. Trên thực tế họ đã mua đất của Vĩnh An và Lạc Hòa để sinh sống, lập hiệu và buôn bán. Người Minh Hương cũng nằm trong tổ chức của hai bang Quảng Đông và Hải Nam (hai bang có hai hội quán, hai tổ chức thương mại).

Có thể do cảng nằm bên cạnh nên tổ chức thị trấn và tổ chức bến cảng chỉ là một. Chúng ta không có đủ căn cứ để nói rõ cách tổ chức chính quyền và buôn bán của nó. Nhưng trên một câu đối còn lại ở chùa Bà, có ghi rõ người tặng là:

“Chánh cửu phẩm đốc công Lâm Cự Hải phụng lập, Phó đốc công thành lập Lưu Thanh Nghị”.

Như thế, người Minh Hương cũng được Chúa phong phẩm hàm và giữ chức quan trọng trong vận hành của thương cảng. Hơn nữa, một người đốc công có phẩm là Chánh cửu phẩm và dưới đốc công lại có phó đốc công cũng phần nào chứng tỏ sự tổ chức khá chặt chẽ của thương cảng.

Theo lời kể của các cụ già nhất làng thì xưa kia nhà cửa phố xá ở Nước Mặn, được xây bằng gạch, đá ong và lợp lá. Nhân dân quen gọi là nhà mái lá. Căn cứ vào những dấu tích tường, thành còn lại của những dãy nhà xưa chạy dọc hai bên chợ Nước Mặn, chúng ta khẳng định được là các nhà đó được xây bằng gạch lớn và đá ong. Còn về mái lá, hiện nay không còn. Nhưng có lẽ điều đã lưu truyền trong nhân dân là đúng và phù hợp với hoàn cảnh tự nhiên ở đây. Nhân dân còn cho biết rằng, ngày xưa khi làm ăn thịnh vượng ông bà họ đã lấy gạch tháp Champa về xây. Trên thực tế ở Nước Mặn không có tháp đồ nào. So sánh kích thước gạch xây móng hoặc những đoạn tường còn lại, chúng tôi thấy kích thước tương tự với những viên gạch ở thành Biu Lâm/ Bình Lâm (hay Thị Nại). Có thể trước đây khi thành Thị Nại chưa bị vùi lấp thì những người Nước Mặn đã lấy gạch ở đây về xây nhà, dựng phố xá. Thứ gạch ấy dân gian vẫn quen gọi là “gạch Chiêm” (kích thước lớn hơn gạch bình thường 6 x 18,5 x 40cm). Khu vực sầm uất nhất của Nước Mặn có lẽ được giới hạn từ cầu tàu Bờ Ngói đến sông Cây Đa (về chiều dài) và từ bờ sông Âm Phủ đến gần làng Ông Cọp cách khu mộ táng của các thương nhân giàu có bấy giờ chừng 1km. Trung tâm thị trấn là chợ Nước Mặn, xung quanh chợ là hội quán và nhà cửa ken dày. Hệ thống dấu tích tường, thành còn lại là sự lưu truyền trong dân gian cho chúng ta biết được như vậy.

3.1. Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước một bộ phận cư dân Nước Mặn vẫn sống bằng nghề truyền thống của họ xưa kia, đó là nghề rèn, đúc và làm đồ gốm. Họ làm những chiếc bình, lọ, những đồ vật bằng gốm rất xinh xắn và đẹp mắt. Họ nói đó là nghề gia truyền. Nếu quả thật như vậy thì trước đây ông bà của họ đã là những thợ làm những thứ hàng có tiếng như các giáo sĩ và thương nhân phương Tây ca ngợi.

Với một số lượng nhà thờ rất lớn (11 cái) được xây dựng từ đầu thế kỷ XVII ở Nước Mặn và các vùng lân cận thị trấn, chắc chắn rằng các giáo sĩ phương Tây đã ở lại đây lâu ngày. Nhà cửa, cấu trúc phố xá, bến, chợ, tiệm hiệu, hội quán trên một diện tích vừa phải cho phép chúng ta thừa nhận điều mà các giáo sĩ, thương gia trước đây đã nói: “Nước Mặn là một nơi sầm uất, đã một thời buôn bán thịnh vượng”. Nhưngcái thời thịnh vượng ấy không dài, thương cảng Nước Mặn chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của điều kiện tự nhiên, nhất là vào cuối nửa đầu thế kỷ XVIII, độ bồi của các sông đã lớn, quá trình lấp cửa Kẻ Thử được bắt đầu. Thương cảng Nước Mặn không còn có được ưu thế giao thương như trước nữa. Tình hình buôn bán, trao đổi ở đây hẳn là đã lắng xuống. Sự phát triển của thương nghiệp chưa đủ làm đô thị ra đời thì cũng chính sự teo đi ấy làm cho thị trấn ra đời đã không kịp vươn lên nữa. A. Rhods gọi Nước Mặn là thành phố, cũng có khi gọi là “Cảng Nước Mặn”. Nhưng các giáo sĩ khác và các nhà sử học sau này nếu nhắc đến thì cũng gọi là thị trấn Nước Mặn. Căn cứ trên những gì còn lại, diện tích và các cấu trúc hoạt động kinh tế của thương cảng, chúng ta thấy, nếu so sánh nó với một nơi khác cùng thời kỳ được gọi là phố cảng thì kém xa về cả diện tích lẫn cấu trúc, xây dựng nhà cửa và số hội quán. Hơn nữa, nó chỉ là trung tâm buôn bán của một phủ, một điểm tụ hàng để chở về một trung tâm khác có không gian lớn hơn. Sau này, một số lái buôn nước ngoài, nhất là Trung Quốc có đến buôn bán trực tiếp với Nước Mặn. Nhưng sau thời kỳ đó không lâu, Nước Mặn đã bắt đầu thể hiện yếu thế tự nhiên của mình. Mặt khác, từ nửa sau thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII thương nhân phương Tây cũng không còn đi lại Đàng Trong tấp nập như trước nữa. Thị trường của họ đối với Nước Mặn đã thu nhỏ. Trừ thương nhân nước ngoài là Trung Quốc còn buôn bán cho đến mãi sau này, còn những thương nhân các nước khác hầu như không còn đến Nước Mặn nữa. Điều kiện tự nhiên đã buộc một thương cảng như Nước Mặn phải giữ một vai trò khác. Chính vì vậy mà thị trấn đã không phát triển lên thành đô thị.

3.2. Về  thương cảng Nước Mặn, do quá trình phong hóa ở đây đã diễn ra dữ dội nên những dấu vết còn lại rất ít. Mặt khác, có thể nó đã không có được một bến cảng như các thương cảng khác, nhưng không thể vì thế mà chúng ta lại gắn cho nó một tên gọi thấp hơn vị trí của nó trước đây. Nhất là vai trò ấy, tên gọi ấy đã được những người đương thời, các giáo sĩ và thương nhân nước ngoài dùng đến: thương cảng Nước Mặn.

3.3. 400 trăm năm đã trôi qua, những dấu vết của một thương cảng nổi tiếng một thời không chỉ đối với Bình Định mà cả Đàng Trong gần như không còn gì. Câu thành ngữ “bãi bể nương dâu” của người Việt thật quá đúng và nhiều cảm xúc lịch sử trong trường hợp cảng thị Nước Mặn. Việc phục dựng một di tích nào đó cũng không phải dễ dàng khi dấu vết còn lại quá ít ỏi, mờ nhạt, nhưng việc xây dựng một công trình văn hoá vừa tầm, mang tính biểu tượng, ghi dấu một thời của thương cảng Nước Mặn gắn với sự ra đời của chữ Quốc ngữ là một việc tỉnh Bình Định nên làm sớm…

-------------------------------------------------------------------------



Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương