CHỮ quốc ngữ TẠi bình đỊNH


IV. Trần Đức Hoà và Francisco de Pina



tải về 0.83 Mb.
trang8/10
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.83 Mb.
#9383
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

IV. Trần Đức Hoà và Francisco de Pina

Thứ chữ Việt la tinh hoá được khởi tạo ra từ hânh động văn hoá tự nguyện, vô tư, xuất phát từ yêu thương, hữu nghị của các nhà truyền giáo Dòng Tên nhiều thế hệ nhiều quốc tịch Bồ Đào Nha, Italia, Pháp, Tây Ban Nha… dù phải trải qua một quá trình phát triển rất ngoằn nghèo, phức tạp, có lúc bị lãng quên, bị kỳ thị, có lúc lại bị lợi dụng cho những mục tiêu nô dịch, thực dân, nhưng cuối cùng đã được các thế hệ người Việt Nam nhận ra chân giá trị, trân trọng chung tay, tiếp sức, bồi đắp, hoàn thiện, kỳ công xây dựng trở thành một Quốc ngữ đầy sức mạnh của đất nước Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do ngày hôm qua và trong sự nghiệp đổi mới phát triển, giao lưu hội nhập hôm nay.

Chắc chắn, cách đây 4 thế kỷ, khi âm thầm mày mò ghi âm những tiếng Việt đầu tiên bằng mẫu tự la tinh tại Nước Mặn, Bình Định, dù lãng mạn đến mấy, Pina cũng không thể tưởng tượng một tương lai huy hoàng như thế cho thứ chữ viết mới ông đang nỗ lực khai phá.

Chữ Nhật latinh hoá, chữ Hoa latinh hoá do các tiền bối của Pina dày công thực hiện không được tiếp nhận mặn mà tại các quốc gia chúng hướng đến, sau này đã lặng lẽ chết yểu trên các trang sách trong các bảo tàng. Ấy thế mà, thứ chữ Việt la tinh hoá sinh sau đẻ muộn mà Pina, Borri, Bozumi, Amaral, Barbosa, Rhodes gieo hạt…lại đã nảy sinh tươi tốt, đơm hoa kết trái rực rỡ trên đất nước ta, một đất nước mà tất cả các sáng tạo văn hoá tốt đẹp, không phân biệt đến từ bất kỳ ai, từ phương trời nào, đều được trân trọng tiếp nhận để làm giàu cho gia tài văn hoá của mình như lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Đó là hành trình thật kỳ diệu của Quốc ngữ Việt Nam, bắt đầu từ tấm lòng của Trần Đức Hoà và nhiệt huyết của Francisco de Pina, những năm đầu thế kỷ 17, tại Nước Mặn, Bình Định.

Tài liệu tham khảo chính:


  1. Lịch sử chữ Quốc ngữ  - Đỗ Quang Chính, Ra khơi, Sài Gòn, 1972.

  2. Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ Quốc ngữ - Roland Jacques, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số 7/8/2015.

  3. Christophoro Borri, Tường trình về Khu Truyền giáo Đàng Trong - 1631. NXB Thăng Long. (Bản dịch của Nguyễn Khắc Xuyên).

  4. Quan Trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hoà với việc hình thành chữ Quốc ngữ - Nguyễn Thanh Quang, tạp chí Văn hiến Việt Nam, số 11/2015.


-------------------------------------------------------------------------------

BÀN VỀ CÁCH ĐỌC CÁC YẾU TỐ VIẾT TẮT

PGS.TS. Trịnh Sâm

Tóm tắt

Nói đến các yếu tố viết tắt (tắt tố) là đề cập đến ngôn ngữ viết. Thế nhưng trong giao tiếp, không ít trường hợp chúng lại được thể hiện bằng ngôn ngữ nói, nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hiện nay cách đọc tắt tố, trên bình diện lý thuyết cũng như thực tiễn, là rất khác nhau. Bài viết dựa vào sự phân biệt: Ký tự, tên con chữ quốc ngữ, âm đọc tương ứng, thử đề xuất cách đọc nhất quán cho cả hệ thống tắt tố ngoại lai cũng như thuần Việt.

1. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, viết tắt, nói tắt là một hiện tượng xuất hiện khá phổ biến, nhất là từ khi đất nước nước đổi mới và hội nhập. Điều này cũng dễ hiểu vì giao tiếp hiện đại bị chi phối bởi nếp sống công nghiệp. Nói cụ thể, dù nói hay viết, giao tiếp hiện đại cũng bị chi phối bởi nguyên lý bằng một hình thức tối thiểu, phải chuyển tải một thông tin tối đa, phù hợp với tính tiết kiệm của ngôn ngữ.

Nghiên cứu về hiện tượng này đã có khá nhiều bài viết: Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Quang Hồng, Dương Kỳ Đức, Phạm Văn Tình, Mai Xuân Huy…. Các tác giả trên đã kiến giải cách định danh tắt, đã tiến hành phân loại, mô tả về cấu tạo về nguồn gốc và bàn luận về một số vấn đề hữu quan. Nhìn chung, mặc dù hiện tượng viết tắt, nói tắt có tính quy ước của toàn xã hội nhưng do tính phức tạp về cả cấu trúc cả chức năng, lại liên quan đến nhiều nội dung không chỉ ngôn ngữ học, nên các kiến giải cụ thể khó có được tiếng nói thống nhất, có thể xuất phát từ những mục đích nghiên cứu riêng, nhưng tất cả đều góp phần khắc hoạ một hiện tượng ngôn ngữ có ý nghĩa xã hội rộng lớn, trong đó có một số ý kiến khá phân tán về việc quy phạm. Riêng Lý Toàn Thắng và Nguyễn Thu Quỳnh, thông qua việc tìm hiểu cách thức viết tắt trong ngôn ngữ sinh viên đã khái quát được một số quy tắc chung.

Thông qua việc quan sát cách đọc tắt tố có nguồn gốc thuần Việt và ngoại lai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bài viết này biện giải và thử đề xuất một giải pháp cụ thể, góp phần vào công việc chuẩn hoá tiếng Việt ở một địa hạt tuy nhỏ nhưng có sức tác động lớn đến giao tiếp xã hội.

2. Có thể nói, xét từ nhiều phương diện, tắt tố trong tiếng Việt hiện đại rất đa dạng, có thể có nhiều cách phân loại khác nhau. Bài viết chỉ tập trung chú ý đến một số cách phân loại có liên quan đến chủ đích của bài viết.

2.1. Không kể nội sinh hay ngoại nhập, thuần tuý về mặt ngôn ngữ, xét về nguồn gốc, tắt tố có thể lược quy thành ba dạng thức:

a. Hoàn toàn thuần Việt như: HĐND (Hội ĐồngNhân Dân), UBND (Uỷ Ban Nhân Dân), BHYT (Bảo Hiểm Y Tế), BHXH (Bảo Hiểm Xã Hội).

b. Hoàn toàn vay mượn như: BBC (British Broadcasting Corporation),WTO (World Trade Organization), KBS (Korean Broadcasting System).

c. Kết hợp cả (a) và (b) như Vinamilk (VINA milk), VINAREN (Việt Nam research and education network), LV TOUR (Lửa Việt tour).

2.2. Về cấu tạo, tắt tố có thể phân thành hai dạng chính:

a. Chỉ có phụ âm: VTV, ATK, GDP, TPP

b. Kết hợp cả phụ âm và nguyên âm: FAHASA, FAPhim, KOREN, NATO, RFI

3. Đối với tắt tố, theo chúng tôi cần phân biệt các dạng thức sau: (i) ký tự (grapheme), (ii) tên con chữ quốc ngữ và (iii) cách đọc.

Tiếng Việt là hệ chữ viết La Tinh nhưng cách đọc tên con chữ có khác. Về chữ cái nguyên âm, ngoại trừ Y (I dài, I cà rếch), không có khác biệt về tên con chữ và cách đọc, tức đọc theo nguyên âm mà chúng biểu thị như: A(a), Ă(á), Â(ớ), E(e), Ê(ê), I(i), O(o), Ô(ô), Ơ( ơ), U(u), Ư(ư).

Còn đối với các chữ cái phụ âm, tuy đọc theo âm tiết trong đó có mặt phụ âm mà chúng biểu thị kèm theo nguyên âm, thường là nguyên âm [ơ] và ở đây sự phân chia ba hệ thống ký tự, tên con chữ , cách đọc, nhìn chung là rõ ràng: B(bê)[bờ], C(xê)[cờ], D(dê)[dờ], Đ(đê)[đờ], G(giê)[gờ], H(hát)[hờ], K(ca)[kờ], L(el)[lờ], M(em)[mờ], N(en)[nờ], P(pê)[pờ], Q(cu, quy)[cờ, quờ], R(er)[rờ], S(ét)[sờ], T(tê)[tờ], V(vê)[vờ], X(ich)[xờ].

3.1. Như đã nói, tắt tố xuất hiện trước hết bằng chữ viết, người ta tiếp nhận các ký tự bằng thị giác, còn khi nói hoặc đọc lên, ngoài trừ nguyên âm do đặc trưng âm học là tiếng thanh, dễ nghe nên có thể tên gọi của chúng, trong khi phụ âm thì ngược lại, do vậy phải âm tiết hoá chúng thì mới phù hợp với trí nhớ ngắn hạn và người tiếp nhận mới nghe ra được. Do khối lượng tắt tố trong giao tiếp hiện đại là vô cùng lớn, lại có nguồn gốc từ nhiều ngôn ngữ khác nhau, thật khó lòng đọc theo hệ thống ngữ âm nguyên ngữ một cách nhất quán. Vả lạ, thực tế cho thấy, ngay cả một tắt tố cụ thể, thường cũng có nhiều cách đọc rất khác nhau. Sở dĩ có hiện tượng này là vì, tuỳ theo thói quen, phổ biến nhất là đọc qua hệ thống ngữ âm tiếng Anh, có khi tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức v.v...

Hiển nhiên, nếu tắt tố là chữ quốc ngữ (tiếng Việt) thì việc đọc nhìn chung là đơn giản. Nhưng như đã thấy, còn có nhiều tắt tố vay mượn với nhiều nguồn gốc rất phức tạp. Theo chúng tôi, đối với hiện tượng sau thì phải Việt hoá tối đa. Nói cụ thể, đọc các tắt tố theo tên gọi con chữ quốc ngữ, không đọc theo tên con chữ ngoại lai, cũng như cũng không lấy âm làm yếu tố đại diện. Ví du, HIV, đọc là [hát i vê], không đọc [eit ai vi] hay [hờ i vờ]. Để góp phần làm rõ cơ sở khoa học, việc đọc theo tiêu chí bản địa cần chú ý đến các nguyên tắc sau:


  • Cách đọc không quá xa lạ với hệ thống con chữ quốc ngữ.

  • Bảo đảm được tính khu biệt về ngữ âm

  • Âm tiết hoá ký tự và thể hiện mối quan hệ âm – chữ một cách nhất quán.

3.2. Sau đây là những trường hợp khái quát.

a. Đối với các trường hợp ở (a), mục 2.1, tuy hoàn toàn là tắt tố tiếng Việt nhưng chủ yếu là phục vụ cho tính tiết kiệm văn tự, trước các ký tự này khi đọc thì người ta đọc nguyên dạng không đọc các tắt tố, Ví dụ: PTCS = [Phổ thông Cơ sở], TPHCM = [Thành phố Hồ Chí Minh], CTTNHH [Công ty Trách nhiệm Hữu hạn].

Tuy nhiên, trong tiếng Việt không phải tất cả tắt tố đều thuộc dạng này, mà có khi phải đọc các khối tắt trong các văn bản hành chính, hoặc các tên gọi các chữ cái, như TTg [tê tê giê], TU[tê u], QĐ[quy đê], KT[ca tê], CV[xê vê]…,(các nước) G8 [giê 8], (lớp)5B[bê], khu G[giê] ATK[a tê ca], VAC[vê a xê], (tam giác) ABC[a bê xê].

b. Đối với loại (b), tiểu mục 2.1, đọc Việt hoá hoàn toàn: Đài BBC [bê bê xê], CNN[xê en en], TPP[tê pê pê], TV[tê vê]

c. Đối với loại (c), tiểu mục 2.1, trước hết, các tắt tố là quốc ngữ đương nhiên là đọc theo hệ chữ cái quốc ngữ, còn yếu tố ngoại lai: (i) nếu là tắt tố thì Việt hoá như VINAREN(vi na ren), (ii) nếu nguyên dạng thì đọc theo nguyên ngữ như LVTOUR(el vê tur). Cần thấy, chủ trương đọc theo nguyên ngữ chỉ có ý nghĩa tương đối, vì không thể nào biết hết được hệ thống ngữ âm tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, cho nên có thể chấp nhận cả lưỡng khả: Anh ngữ hoá và Pháp ngữ hoá.

Về các trường hợp ở 2.2, với (a) không kể thuần Việt hay vay mượn, tất cả đều đọc theo cách âm tiết hoá như: VTV[vê tê vê], với( b) đọc nối các tắt tố bình thường, nếu cấu tạo tổ hợp tắt tố không quá xa với cấu trúc âm tiết tiếng Việt như KOREN[kô ren], OPEC [ô péc] FAHASA[pha ha sa], BECAMEX[bê ca met] còn nếu tổ hợp tắt tố có cấu tạo xa lạ với cấu trúc âm tiết tiếng Việt thì đọc rời từng tắt tố OEEC[ô e e xê], CEO [xê e ô], CIA [xê i a].

4. Bên trên, bài viết đã đề cập đến một số nguyên lý có tính khái quát và đã biện giải một số trường hợp tương đối đơn giản, không có vấn đề hoặc ít vấn đề. Thực tế việc phát âm tắt tố trên các phương tiện truyền thông, đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể hơn.

4.1. Trong nhiều ngôn ngữ, Y là con chữ phụ âm nhưng trong tiếng Việt là con chữ nguyên âm. Sự đối lập về cách định danh I ngắn/ I dài, rõ ràng có giá trị sử dụng, chủ yếu về chính tả. Tuy nhiên về cách đọc lại không như thế. Là một yếu tố trong hệ thống tắt tố, khi hành chức Y sẽ chịu áp lực của cả hệ thống, do vậy nên đọc tên con chữ của tắt tố như đẫ nói, ví dụ: CVBYT [xê vê bê i cà rếch tê], YMCA (young mens Christian association) [i cà rếch em xê a).

4.2. Về con chữ tắt tố nguyên âm E, hiện có đến ba cách đọc khác nhau [e],[ê],[ơ], theo chúng tôi nên đọc theo quốc ngữ [e] như: EU [e u], EMS [e em et], CEPT[xê e pê tê], E mail [e mei].

4.3. Về con chữ nguyên âm O, theo quan sát của chúng tôi, hầu như không tồn tại cách đọc đúng tên gọi nguyên âm này mà thường chuyển thành [ô] hay [ou], trong đó [ô] là áp đảo. Theo chú ý của chúng tôi, trong 11 lần đọc tắt tố này trong chương trinh thời sự lúc 19 giờ của VTV1, có đến 8 lần đọc [ô].Tôn trọng thói quen này, chúng tôi đề nghị cách đọc [ô], như: OECD[ô e xê đê], ODA[ ô đê a], COC [xê ô xê], DOC[ đê ô xê].

4.4. Về con chữ phụ âm D, nhất loạt chuyển thành [đ], như CD [xê đê], DVD[đê vê đê].

4.5. Về con chữ phụ âm Q, để nhất quán lẽ ra nên đọc [cu], nhưng rõ ràng âm này có liên quan đến mỹ cảm ngôn ngữ, nhất là trong các văn bản hành chính, Q viết tắt của chữ QĐ (quyết định), chữ Q (quyền) trong Q Hiệu Trưởng, từ đây có cách nói không hay kiểu như chưa cắt [cu], vẫn còn [cu]. Có lẽ cách đọc con chữ phụ âm G trong phương ngữ Bắc cũng nằm trong trường hợp này, trước hết là khó đọc và thường được đọc[dê, ghê]. Có lẽ, để tránh sự liên tưởng đến các nghĩa xấu, các xướng ngôn viên phát thanh, truyền hình thường lấy cách đọc âm[gờ] thay cho cách đọc con chữ[ giê]. Trở lại với Q, nên đọc [quy], IQ [i quy], IQIYT [i quy i i cà rêch tê].

4.6. Về các con chữ không có trong tiếng Việt W, J, Z, F, vấn đề ở đây là không phải nhập hay không nhập các con chữ ngoại lai này mà thực tế là chúng đã tồn tại trong các tổ hợp tắt tố, xuất hiện khá phổ biến trong giao tiếp tiếng Việt hiện đại.

Chúng tôi đề nghị đọc W[vê kép], WTO[vê kép tê ô], WC[vê kép xê]; J[ji], JHS[ji hat et], JMM[ji em em]; Z[dét], ZN[dét en]; F[ep], FIVB[ep I vê bê], FIFA[fi fa], IMF[I em ep].

4.7. So với hệ thống chữ viết La Tinh, hệ thống chữ viết quốc ngữ đã hình thành nên những thế đối lập sau: I/Y, E/ Ê, U/Ư, O/ Ô, D/ Đ. Một số giải pháp nêu trên có liên quan đến chúng, do vậy cần thiết phải tiếp tục thuyết minh thêm.

- Giữ nguyên thế đối lập I/Y

- Nhập E/Ê thành một và lấy cách đọc E làm đại diện, thực tế các tắt tố Ê xuất hiện không nhiều,

- Tình hình cặp đối lập U/ Ư có phức tạp hơn. Trước đây trong văn bản hành chính W thường được dùng để thay cho Ư, ví dụ TW. Hiện nay xuất hiện lưỡng khả dùng cả U lẫn Ư, ví dụ BTGTƯ và TGTU, theo chúng tôi nên chọn chọn cách đọc U làm yếu tố đại diện. Vả lại tắt tố Ư xuất hiện không nhiều.

- Cặp đối lập O/Ô, lấy cách đọc O làm đại diện, tương tự như các trường hợp trên, tắt tố Ô xuất hiện không nhiều.

- Nhập D/Đ thành một, lấy yếu tố D đọc là [đê] làm đại diện.



5. Sơ kết

Một số giải pháp về cách đọc các tắt tố bên trên chưa phải đã phản ảnh đầy đủ về bức tranh nói tắt, viết tắt trong tiếng Việt. Rõ ràng hai hình thức viết tắt và nói tắt rất khác nhau, hình thức trước được cố định bằng văn tự - thị giác, hình thức sau được thể hiện bằng âm thanh – thính giác. Tuy hình thức sau là một hiện tượng nhỏ nhưng lại có tầm tác động lớn đến giao tiếp xã hội. Chúng ta không thể bỏ mặc chúng, lại càng không thể can thiệp thô bạo, vì cũng giống như một số vấn đề ngôn ngữ trong Việt ngữ học, cách đọc các tắt tố còn bị chi phối bởi thói quen và cả yêu cầu thực tiễn của cuộc sống.Trong nhận thức của chúng tôi, đề tài này cần phải triển khai sâu hơn, các giải pháp cần uyển chuyển hơn, trong đó, các trường hợp chưa ổn định, chưa cho thấy xu thế phát triển rõ rệt, nhiều khi phải chấp nhận giải pháp đa khả. Bởi như ai nấy đều biết, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, là sản phẩm không chỉ của quá khứ, hiện tại mà còn là của tương lai, có những hiện tượng sai của hôm nay nhưng được dùng nhiều, dùng lâu ngày, sẽ trở thành đúng.



TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Hội Ngôn ngữ hoc Việt Nam, Nói tắt và viết tắt từ ngữ trong văn bản tiếng Việt, (Đề tài khoa học cấp Bộ Nói Tắt và viết tắt trong tiếng Việt: Hiện trạng và giải pháp), Hà Nội, 2002.

2. Lý Toàn Thắng và Nguyễn Thu Quỳnh, Tìm hiểu cách thức viết tắt các từ ngữ tiếng Việt (Nghiên cứu trường hợp ngôn ngữ của sinh viên), tài liệu vi tính, không rõ năm.

3. Nguyễn Quang Hồng, Bàn về tên gọi các chữ cái, T/c Ngôn ngữ & Đời sống số 3 (41), 1999.

4. Trịnh Sâm, Vấn đề hợp lý/ bất hợp lý trong hệ thống chữ viết quốc ngữ (Khảo sát hệ thống chữ viết thể hiện âm đầu), Hội nghị chữ Quốc ngữ, Phú Yên, 2015.

---------------------------------------------------------------------------



TRỞ LẠI CÂU CHUYỆN

CHÍNH TẢ CHỮ QUỐC NGỮ
Lý Toàn Thắng

(GSTSKH, Viện Từ điển học và Bách khoa thư)
Ba mươi ba năm trước, năm 1984, chúng tôi có viết bài  nói về công việc dạy học chính tả nói chung và chính tả tiếng Việt nói riêng, dựa trên những lí luận của một phân ngành trong ngôn ngữ học là “tự pháp học” (graphemics/graphematics) chuyên sâu nghiên cứu về  ‘các hệ thống chữ viết’ và ‘mối quan hệ giữa chữ viết với lời nói’. Nay chúng tôi muốn trở lại câu chuyện đó, nhân có Hội nghị bàn về “chữ Quốc ngữ” họp ở tỉnh Bình Định sắp tới.

Cái lí lẽ quan trọng nhất mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây, trong báo cáo này, là nếu chúng ta muốn việc dạy và học chính tả chữ Quốc ngữ đạt kết quả tốt thì cần phải tìm hiểu về “tự pháp”, bởi vì:

a)  Chữ viết ra đời là để ghi lại hệ thống ngữ âm của tiếng nói; cho nên không thể nào viết đúng chính tả nếu như lại không biết các quy tắc phiên chuyển từ âm sang chữ (cái). Thực tế là trên thế giới không có một thứ chữ viết nào đạt được sự tương ứng lí tưởng “một-đối-một” giữa một ‘tự vị’ (grapheme- đơn vị chữ cái) và một ‘âm vị’ (phoneme- đơn vị ngữ âm). Do vậy mà luôn luôn sinh ra những bất hợp lí trong chính tả, và để giải thích những chỗ bất hợp lí này thì phải trở về với “tự pháp”.

b) Thêm nữa, riêng đối với việc dạy và học tiếng mẹ đẻ, sự hiểu biết về “tự pháp”  lại càng quan trọng, bởi vì học sinh trước khi học viết một từ nào đó thì nói chung các em đã có sẵn trong đầu óc mình hình ảnh âm thanh về từ đó. Thí dụ, khi viết một từ có nghĩa là (con) "cua" trong tiếng Việt, thì vấn đề đặt ra với các em học sinh, nói một cách đơn giản, sẽ là các em phải lựa chọn một cách phiên chuyển âm-chữ nào đó: cua, hay kua, hay qua!

Trên đại thể, từ góc nhìn ‘chính tả’ thì có lẽ đáng quan tâm trước tiên là vấn đề “tương ứng âm - chữ” trong câu chuyện “tự pháp”.

Tình hình chữ Việt (chữ Quốc ngữ) về phương diện này như sau: bên cạnh một số chữ cái lí tưởng bảo đảm được tương ứng một đối một giữa âm và chữ (như các chữ: b, đ, l, â, v.v.) thì có nhiều chữ cái vi phạm sự tương ứng này, tạo nên sự “bất hợp lí” trong chính tả của chữ Quốc ngữ. Cụ thể là:

a) Dùng nhiều chữ cái (đơn hoặc kép) khác nhau để biểu thị cùng một âm; gồm 12 trường hợp:

- ggh : gỗ - ghế

- ngngh : ngô - nghe

- c, k q : cá - kẻ - que

- dgi : da - gia (phương ngữ Bắc)

- iy : mi (mắt) - (nước) Mỹ  (nguyên âm-chính âm “i”)

- iy : mai  - may (bán nguyên âm-chung âm “-j”)

- uo : báo - báu (bán nguyên âm-chung âm “-w”)

- uo : hoan - huân (bán nguyên âm-giới âm “-w-”)

- aă : hãy - hắn

- iêia : miến - mía

- uôua : muốn - múa

- ươưa : mượn - mưa

Đối với những chữ loại này, vấn đề là phải tìm ra các quy tắc chính tả khi nào, chẳng hạn, thì viết g- (gà, gỗ...) khi nào thì viết gh- (ghềnh, ghi ...).

b) Dùng cùng một chữ cái (đơn hoặc kép) giống nhau, nhưng biểu thị nhiều âm khác nhau; gồm 4 trường hợp:

- a  biểu thị vừa nguyên âm “a dài” vừa nguyên âm “a ngắn” (ă) : tai - tay

- o  biểu thị vừa nguyên âm “o”  vừa bán nguyên âm “w”: ho - hoa - hao

- u  biểu thị vừa nguyên âm “u” vừa bán nguyên âm “w” : tu - tuần - tầu

- y  và  i  biểu thị vừa nguyên âm “i” vừa bán nguyên âm “j” : thi – thai;

Mỹ - mấy

Đối với những chữ cái loại này, vấn đề cũng là phải tìm ra các quy tắc chính tả, chẳng hạn tuy cùng viết là o nhưng khi nào thì có giá trị âm thanh là “o” trong: ho, hót, ... và khi nào thì lại có giá trị âm thanh là “w” như trong: hoà, héo,…

c) Ngoài ra, trong chính tả chữ Quốc ngữ còn có hiện tượng “ghép” hai (hay ba) chữ lại để biểu thị một âm, có 9 chữ cái kép sau: ch, gh, gi, kh, ng (ngh), nh, ph, th, tr. Đây là một biện pháp để đối phó với tình trạng không đủ chữ cái đơn.

Trong quan niệm của chúng tôi, khi nói về các quy tắc chính tả cần có một cách tiếp cận khác - đó là:  xây dựng các quy tắc chính tả theo đường hướng các quy tắc tự pháp ‘tương quan âm - chữ. Đi theo hướng này (theo những nghiên cứu còn chưa thật thấu đáo của chúng tôi) có thể nêu lên hai quy tắc tự pháp cơ bản của chữ Quốc ngữ tiếng Việt là: quy tắc “Tiến”và quy tắc “Lùi” (cộng với một quy tắc Phụ về các thành phần của tiếng-âm tiết).

Sau đây, ta hãy xem lần lượt từng quy tắc một.

1. Quy tắc ‘Tiến’ : là quy tắc viết hay đọc một chữ cái nào đó dựa theo chữ cái đi sau nó. Thí dụ, đối với haihay : ta đọc chữ a ở giữa khác nhau, tuỳ theo đi sau nó là chữ i (ngắn) hay y (dài). Trong tự pháp chữ Việt, quy tắc ‘Tiến’ là chủ yếu. Hãy xem một vài thí dụ:

a) Trường hợp các “cặp” chữ cái: c - k - q, g - gh, ng - ngh.  Những chữ cái này được dùng phân biệt với nhau tùy theo chữ cái đi sau chúng là:                                

+ các chữ ghi nguyên âm-chính âm: i, e, ê, iê (ia); khi đó có thể là:

- k: ki (kí), keo, kia, kiêu,...

- gh: ghi, ghế, ghép, ...

- ngh: nghi, nghệt, nghiêng,…

+ các chữ ghi nguyên âm-chính âm:  ư, ơ, â, a, ă, ươ (ưa), u, ô, o, uô (ua); khi đó có thể là:

- c: cứ, cời, cắt, cường,...

- g: gừ, gân, gương,...

- ng: ngờ, ngứa, nguội,…

+ chữ cái ghi bán nguyên âm: u, o; khi đó có thể là:

- q: quý, quân, …(chỉ trước u)

- ng : ngoan; nguấy,… (trước cả o và u)

b) Trường hợp các chữ cái  ia - iê, ưa - ươ, ua - uô. Những chữ cái này được dùng phân biệt với nhau tùy theo chữ cái đi sau chúng là:    

+ các chữ ghi chung âm     

- : tiến, yếu

  - ươ: ướt, hương

    - : uốn, suốt

+ hoặc không có chữ ghi chung âm ở sau (nghĩa là chúng đứng cuối từ):

- ia: ỉa, miá

   - ưa: ưa, sữa

- ua: ủa, cua

c) Trường hợp hai chữ cái a - ă, để ghi nguyên âm-chính âm “ă” (a ngắn):

    + a dùng trước hai chữ ghi bán nguyên âm-âm cuối u, y: au, tay

    + ă dùng trước các chữ ghi âm cuối khác: ăn, sắc, nắng

d) Trường hợp hai chữ cái u - o, để ghi bán nguyên âm-âm đệm “w”:

    - o dùng trước các chữ ghi nguyên âm-chính âm a, ă, e: hoa, xoăn, toé.

    - u dùng trước các chữ ghi nguyên âm-chính âm khác: luỹ, huế, khuất.

2. Quy tắc ‘Lùi’ : là quy tắc viết hay đọc một chữ cái nào đó dựa theo chữ cái đi trước nó. Thí dụ, bao, beobêu : ta đọc hai chữ o và u ở cuối giống như nhau là vì: khi đi trước chữ  o  là chữ a  hay chữ e  thì chữ o phải đọc giống như chữ u (ghi bán nguyên âm  “w” trong: bêu). Trong tự pháp chữ Việt, quy tắc ‘Lùi’ là thứ yếu, ít dùng hơn hẳn quy tắc ‘Tiến’, chỉ áp dụng cho một vài trường hợp, thí dụ:

a) Trường hợp i - y ghi bán nguyên âm cuối /j/. Những chữ cái này được dùng phân biệt với nhau tùy theo chữ cái đi trước chúng là:                                

+ các chữ â, a ghi nguyên âm “ơ” ngắn và “a” ngắn; khi đó sẽ dùng -y : ấy, quấy, ay, may

+ các trường hợp còn lại khác; khi đó sẽ dùng  -i : ơi, tải, mũi, cuối.

b) Trường hợp ou ghi bán nguyên âm cuối /w/. Những chữ cái này được dùng phân biệt với nhau tùy theo chữ cái đi trước chúng là:                                

+ các chữ ghi nguyên âm a, e; khi đó sẽ dùng -o :  thạo, chèo.

+ các trường hợp còn lại khác; khi đó sẽ dùng -u :  êu, nghịu, trầu.

Ngoại lệ: khi chữ a ghi âm "a ngắn" thì không viết o mà viết u: kháu, cháu.

3. Ngoài hai quy tắc tự pháp cơ bản trên,  chữ  Quốc ngữ còn có Quy tắc ‘Phụ’, tức là quy tắc về thành phần của tiếng (âm tiết), hay quy tắc vị trí ở trong từ. Quy tắc này dùng để viết hay đọc một số chữ cái ghi nguyên âm ở vị trí âm chính của âm tiết; nó chỉ có tính chất bổ trợ cho hai quy tắc TiếnLùi nói trên, và chỉ áp dụng cho một vài trường hợp - thí dụ như trường hợp  4 cặp chữ kép: iê- yê- ia- ya. Cách dùng 4 cặp này như sau:

+ Viết khi trước đó không có chữ ghi thủy âm (âm đầu), nghĩa là khi nó đứng đầu từ: yếu, yên. ; hoặc viết khi trước nó có chữ ghi giới âm (âm đệm) u và sau nó có chữ cái ghi chung âm (âm cuối), nghĩa là nó đứng giữa từ như: uyên,  quyền.

+ Viết ya khi sau nó không có chữ cái ghi chung âm, nghĩa là nó đứng cuối từ: khuya, xuya.

+ Viết khi trước và sau nó có cả chữ cái ghi thủy âm và chung âm, nghĩa là khi nó đứng giữa từ: biến, miết.

+ Viết ia khi sau nó không có chữ cái ghi chung âm, nghĩa là khi nó đứng một mình hay đứng cuối từ: ỉa, chia.

4. Có một điều thú vị – đó là cần chú ý phân biệt các cách dùng (tương ứng với các quy tắc chính tả) khác nhau của cùng một chữ cái; thí dụ trường hợp hai chữ cái ou:

+ khi hai chữ o, u biểu thị bán nguyên âm đệm “-w-” thì là  theo quy tắc ‘Tiến’;

+ còn khi chúng biểu thị bán nguyên âm cuối /-w/ thì lại là theo quy tắc ‘Lùi’.

Có một điều thú vị khác – đó là trường hợp đồng thời áp dụng cả hai quy tắc ‘Tiến’ và ‘Lùi’ như trường hợp hai chữ cái iy ghi nguyên âm /i/. Cụ thể là:

+ theo quy tắc Tiến, viết i  khi sau nó có các chữ ghi chung âm: ít, dìu, tỉnh.

+ theo quy tắc Lùi, viết y  khi trước  nó có chữ  u ghi bán nguyên âm-giới âm “w”: thủy, nguy; tuyết.



Ngoại lệ: Nếu không có chữ ghi chung âm ở cuối từ thì có thể tuỳ tiện: ký/kí.

Cuối cùng, phải nói đến những trường hợp không nêu riêng được thành một quy tắc Tiến hay Lùi, vì ở đây đồng thời tác động nhiều nhân tố khác nhau, như trường hợp “i” ngắn và “y” dài sau đây:

a) ủi, húi, lụi, tủi, thụi...

b) ủy, huý, luỵ, tủy, thuỵ...

Xét về mặt âm thì hai loạt này khác hẳn nhau:

+ nếu ở loạt (a) chữ u ghi nguyên âm-chính âm “u”  và chữ i ghi bán nguyên âm cuối “-j”;

+ thì ở loạt (b) chữ u lại ghi bán nguyên âm đệm “-w-“ và chữ y ghi nguyên âm-chính âm “i” như trong uỷ /wi/.

Tuy nhiên xét về mặt chữ thì hai loạt này viết giống nhau ở chữ u, chỉ khác nhau ở iy; nghĩa là, i  và  y  ở đây có hai tác dụng:

+ một mặt, chúng phân biệt với nhau: chữ i (ngắn) biểu thị bán nguyên âm cuối “j”: ủi, còn chữ y (dài) biểu thị nguyên âm-chính âm “i”: ủy;

+ và mặt khác, chúng còn giúp phân biệt hai cách đọc chữ u khác nhau: nguyên âm “u” (ủi) và bán nguyên âm “w”(ủy) .

Đây là cái căn nguyên gây nên sự phức tạp trong quy tắc chính tả của loại tủi - tuỷ này…
-------------------------------------------------------------------------


Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương