CHỮ quốc ngữ TẠi bình đỊNH


VAI TRÒ CỦA CHỮ QUỐC NGỮ ĐỐI VỚI VĂN XUÔI TỰ SỰ NAM BỘ



tải về 0.83 Mb.
trang10/10
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.83 Mb.
#9383
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

VAI TRÒ CỦA CHỮ QUỐC NGỮ ĐỐI VỚI VĂN XUÔI TỰ SỰ NAM BỘ

CUỐI THẾ KỈ XIX – ĐẦU THẾ KỈ XX
PGS.TS. Nguyễn Văn Nở

Chữ Quốc ngữ, chữ viết dùng kí tự Latinh, ghi lời ăn tiếng nói người Việt, đã ra đời từ thế kỉ XVII. Đó là kết quả sáng tạo tập thể của các giáo sĩ Bồ Ðào Nha, Ý, Pháp ... trong đó công lao lớn nhất thuộc về linh mục Alexandre de Rhodes. Khi mới hình thành, nó chỉ được sử dụng trong phạm vi nhà thờ, với mục đích truyền đạo đến người bình dân. Cuối thế kỉ XIX, sau khi chiếm vùng đất Nam bộ, người Pháp đã mang chữ Quốc ngữ ra phổ biến, nhằm mục đích đẩy lùi Hán học, tấn công vào lực lượng nhà Nho, phá hủy các giá giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, chuẩn bị cho kế hoạch thống trị lâu dài trên đất nước ta. Vì thế, chữ Quốc ngữ, trong buổi đầu phổ biến, đã gặp sự phản ứng mạnh mẽ của các nhà Nho, cũng như những người Việt Nam yêu nước. Nó bị xem là thứ chữ của quân xâm lược.

Sang đầu thế kỉ XX, những sĩ phu yêu nước trong phong trào Duy Tân nhận thấy ưu điểm của chữ Quốc ngữ, đã cổ động sử dụng chữ Quốc ngữ. Tác giả Văn minh tân đọc sách từng viết: “Phàm người trong nước đi học nên lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên, để cho trong thời gian vài ba tháng đàn bà, trẻ con đều biết chữ... Ðó thực là bước đầu tiên trong việc mở mang trí khôn vậy. Nhà Nho, đối tượng bài bác chữ Quốc ngữ quyết liệt nhất, trước kia, giờ đã thấy được tiện ích và vai trò của chữ Quốc ngữ. Họ thừa nhận nó là chữ ta, kêu gọi mọi người đón nhận chữ Quốc ngữ vì những lợi ích thiết thực:

Trước hết phải học ngay chữ Quốc ngữ

Khỏi đôi đường tiếng chữ khác nhau

Chữ ta, ta đã thuộc làu,

Nói ra nên tiếng, viết câu nên bài.

(Nguyễn Phan Lãng)

Chính nhà Nho nâng địa vị chữ Quốc ngữ lên cực cao, xem việc học chữ Quốc ngữ là điều quan trọng, cấp bách, cần bàn tính thực hiện ngay:

Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước

Phải đem ra tính trước dân ta

Về phía nhân dân, lúc về sau, cũng đã nhận ra việc học chữ Quốc ngữ có nhiều lợi ích. Con em của họ nếu biết chữ sẽ có cuộc sống ổn định, tốt đẹp. Lại còn có cơ hội phát triển, tiến thân bằng con đường đi du học. Bởi học chữ Quốc ngữ tiến đến học được tiếng Pháp. Từ đó họ không còn thái độ phản ứng lại chữ Quốc ngữ như ban đầu. Bấy giờ, thực dân Pháp không cần ban nghị định cưỡng bức học chữ Quốc ngữ, người Việt vẫn cho con em mình đi học.

Tuy nhiên, cũng phải đến sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khi Hán học mất địa vị chính thống và trong xã hội đã hình thành những yêu cầu mới, những thành phần công chúng mới thì chữ Quốc ngữ mới được xem là thứ chữ của dân tộc. Việc đổi mới chữ viết đã mang nhiều ý nghĩa lớn, nó không chỉ tạo điều kiện dễ dàng trong việc học, viết, đọc mà còn cung cấp phương tiện hiện đại cho nền văn học mới.  “Dấu hiệu hiện đại hóa văn học là sử dụng Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ là dấu hiệu nhưng cũng là nhân tố tích cực đẩy nhanh quá trình và góp phần hoàn tất quá trình hiện đại hóa văn học2, Mã Giang Lân từng khẳng định như thế.

Người đầu tiên, có công lao lớn trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ, tạo điều kiện để chữ Quốc ngữ được phát huy tối đa vai trò của nó đối với văn học là Trương Vĩnh Kí. Bên cạnh ông còn có Huỳnh Tịnh Của.



Chính sự ra đời của chữ Quốc ngữ đã tạo nên nhân tố thuận lợi, tích cực nhất để hình thành văn xuôi tự sự ở Nam bộ, thể loại tiêu biểu của văn học thời kì hiện đại. Có thể nhận biết vai trò lớn lao của chữ Quốc ngữ đối với sự hình thành và phát triển của văn xuôi nói chung và văn xuôi tự sự nói riêng, ở Nam bộ, qua nhiều biểu hiện. Có những biểu hiện có thể nhận diện trực tiếp nhưng cũng có những biểu hiện ẩn khuất, phải công tâm ghi nhận mới có thể bao quát tất cả. Từ những góc nhìn sau, chúng ta sẽ phát hiện nhiều đóng góp đáng ghi nhận của chữ Quốc ngữ, trong những năm đầu hình thành văn xuôi tự sự Nam bộ.

1. Chữ Quốc ngữ đưa văn học đến gần với công chúng bình dân

1.1 Ở thời kì văn học trung đại, văn học của nhà Nho là do nhà Nho sáng tác nên và nhà Nho cũng độc quyền tiếp nhận. Quần chúng nhân dân lao động không thể bước vào địa hạt văn học của nhà Nho. Bởi một trở lực rất lớn: nó là những sáng tác bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Mà mấy ai trong giới bình dân được biết thứ chữ cầu kì phức tạp, cấu tạo bằng 214 bộ khó nhớ, dễ quên ấy. Chính chữ Quốc ngữ đã đưa các sáng tác nổi tiếng của nhà Nho đến với công chúng bình dân, thông qua hoạt động phiêm âm. Việc phiên âm truyện thơ Nôm, truyện văn xuôi chữ Hán ra chữ Quốc ngữ là một bước chuyển tiếp tất yếu từ văn học cũ sang văn học mới. Nó vừa có tác dụng bảo tồn nền văn học Hán Nôm, vừa đặt nền móng cho văn học Quốc ngữ. Công chúng bình dân biết đến văn học nhà Nho không chỉ là vấn đề thưởng thức thuần túy, mà còn làm thay đổi lực lượng công chúng cho văn học thời kì này. Đây cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình hiện đại hóa văn học. Nó là bước khởi động đầu tiên, tạo tiền đề cho sự hình thành của văn xuôi Quốc ngữ ở Nam bộ. Bởi nó xây dựng nên lực lượng công chúng mới, đông đảo, có cả giới bình dân. Về sau này đã có những nhu cầu thị hiếu mới, đặt ra những đòi hỏi thiết thực, thúc đẩy văn học phải đáp ứng mới, phải đổi thay để phát triển. Nói tóm lại, chữ Quốc ngữ đã góp phần mở rộng lực lượng công chúng tiếp nhận cho văn học Việt Nam, trong đó có Nam bộ, vào những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Chữ Quốc ngữ đã xóa bỏ ngăn cách giữa tác giả nhà Nho với công chúng bình dân; đưa tiếng nói của nhà Nho đến người lao động; mang tư tưởng, tình cảm của những trí thức phong kiến đi vào cuộc sống bình dị, dân dã.

Công việc phiên âm các tác phẩm truyện thơ Nôm, phiên dịch truyện văn xuôi chữ Hán ra chữ Quốc ngữ được một số học giả quan tâm và đã bỏ nhiều công sức cho việc này. Trong số đó, tiêu biểu nhất là Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của... Ở giai đoạn phôi thai, có nhiều truyện thơ Nôm lần lượt được phiên âm ra chữ Quốc ngữ. Điều đáng ngạc nhiên, đi tiên phong trong việc phiên âm lại là một người Pháp: Janneaus, phiên âm Lục Vân Tiên năm 1873. Tiếp theo, Trương Vĩnh Kí phiên âm Kim Vân Kiều (1878), Phan Trần (1889), Lục Vân Tiên (1889).

Sau Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của cũng góp phần vào việc phiên âm. Ông đã phiên âm các truyện: Chiêu Quân cống Hồ (1906), Thoại Khanh Châu Tuấn (1906), Bạch Viên Tôn Các (1906). Về truyện văn xuôi chữ Hán, một số truyện trong Truyền kỳ mạn lục được Trần Đại Học dịch và đăng trên Gia Định báo (1891).

1.2. Tiếp theo công việc phiên âm là hoạt động dịch thuật. Các học giả Nam bộ từ những năm cuối thế kỉ XIX, nhất là đầu thế kỉ XX đã tích cực dịch hàng loạt tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc. Với công cụ chữ Quốc ngữ, họ đã say sưa biến những tinh hoa văn hóa nước ngoài trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn cho độc giả đương thời, trong đó có đông đảo công chúng bình dân. Một phong trào dịch và đọc truyện Tàu hình thành ở Nam bộ trong giai đoạn này.

Người dịch tác phẩm văn học Trung Quốc ra chữ Quốc ngữ đầu tiên là Huỳnh Tịnh Của. Trong Chuyện giải buồn (1885) của Huỳnh Tịnh Của có 112 truyện, phần nhiều được dịch từ các tác phẩm văn học Trung Quốc.

Truyện Tàu đầu tiên, có dung lượng lớn, được dịch một cách hoàn chỉnh là Tam quốc chí tục dịch, đăng trên Nông cổ mín đàm ( 01-8-1901), do Canavaggio, một chủ đồn điền và thương gia người Pháp dịch. Sau Tam quốc chí, Nông cổ mín đàm còn lần lượt đăng các truyện dịch Liêu trai chí dị, Kim cổ kì quan, Bao công kì án… Đội ngũ dịch truyện Tàu thời đó có Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư, Đinh Văn Đẩu, Trần Hữu Quang, Huỳnh Trí Phú… Trong số này, Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương được đánh giá là “những tay dịch thuật trứ danh của Nam kì”. Chỉ riêng Trần Phong Sắc đã dịch 29 bộ truyện Tàu.

Dịch truyện Tàu ra chữ Quốc ngữ trước hết làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của công chúng Nam bộ, ở thời điểm văn học Việt Nam chưa có những sáng tác mới, kịp thời đáp ứng thị hiếu mới của họ. Nhưng sâu xa hơn, nó có tác động không ít vào đời sống văn hóa, tinh thần của người Nam bộ đương thời. Dẫn dắt họ đi vào cách cảm, cách nghĩ, cách sống không chỉ bó hẹp sau lũy tre làng, với tầm nhìn giới hạn trong những thửa ruộng, bên cạnh con trâu, cái cày. Nhờ công cụ chữ Quốc ngữ, người Nam bộ được biết nhiều hơn, được học hỏi nhiều hơn từ các thành tựu văn học Trung Quốc. Đây là bước chuyển tiếp để xây dựng nền tảng cho văn xuôi Quốc ngữ. Ngoài ra, dịch truyện Tàu còn gây nên phản ứng, thể hiện tinh thần dân tộc. Chính phản ứng này là động cơ thúc đẩy việc sáng tác những tiểu thuyết văn xuôi Quốc ngữ, viết về đề tài lịch sử nước nhà hay thế sự.

1.3. Đặc biệt hơn, dịch thuật còn tạo điều kiện cho công chúng bình dân tiếp nhận được những thành tựu mới của văn học hiện đại phương Tây. Chữ Quốc ngữ như một bà mai tốt bụng, làm nên mối quan hệ giữa công chúng người Việt với văn học phương Tây rất xa lạ, ở tận trời Âu. Cũng chính sự thâm nhập của các giá trị mới từ những tác phẩm hiện đại phương Tây này đã đưa văn học Việt Nam nhanh chóng đi vào thời kì hiện đại hóa. Công chúng từ đây sẽ không thấy ngỡ ngàng trước hiện thực đời thường được phô diễn trong văn chương, nhờ đọc Tấn trò đời, Những người khốn khổ… sẽ không còn thái độ phản ứng quyết liệt trước cái tôi được bộc lộ công khai, bởi người ta đã làm quen với nó từ nhiều tác phẩm lãng mạn của văn học Pháp, Anh,... Ngay cả người cầm bút cũng nhận ra, đến lúc này phải dứt khoát “Phá cách, vứt điệu luật”, nếu không sẽ lập tức bị thời đại bỏ qua “khó cho thiên hạ đến bao giờ”. Văn học phương Tây là chất xúc tác mạnh nhất, hình thành văn học hiện đại, trước hết là văn xuôi Nam bộ. Nếu không có sự góp mặt của chữ Quốc ngữ, làm sao chất xúc tác này phát huy được tác dụng một cách hiệu quả như thế.

Tiểu thuyết phương Tây, đặc biệt là tiểu thuyết Pháp đã được dịch khá sớm ở Nam bộ. Từ năm 1884, Trương Minh Kí đã dịch cuốn Truyện Phansa diễn ra quốc ngữ, cuốn Riche et Pauvre (Phú bần truyện diễn ca), cuốn Les aventures de Telemaque của Fenelon (dịch năm 1887), Truyện Robinson (dịch và đăng ở Gia Định báo năm 1886). Cuối thế kỉ XIX còn có Trần Nguyên Hanh dịch Les conseils du Père Vincent ( Gia huấn của lão Vincent).

Đầu thế kỉ XX, số lượng bản dịch tiểu thuyết phương Tây xuất hiện nhiều hơn. Trần Chánh Chiếu dịch Le Comte de Monte Cristo của A. Dumas cha, với nhan đề Tiền căn báo hậu (1907); Les trois mousquetaires (Ba người lính ngự lâm pháo thủ), (1914). Lê Hoằng Mưu dịch cả truyện Mỹ, Nga sang tiếng Pháp.

Tóm lại, chữ Quốc ngữ trước hết có vai trò tích cực trong hoạt động phiên âm, dịch thuật. Đã góp phần chuẩn bị tâm lí tiếp nhận mới, cách tiếp nhận mới, thông qua việc đưa công chúng đông đảo đến với những thành tựu từ nước ngoài vào. Đổi mới không có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ. Chữ Quốc ngữ là anh giao liên cần mẫn, chuyển tải các giá trị văn học truyền thống đến với con người thời hiện đại. Sự có mặt của chữ Quốc ngữ làm đông đảo thêm lực lượng công chúng tiếp nhận văn học trong giai đoan này. Với những bước chuẩn bị tưởng chừng như đơn giản ấy, văn xuôi Nam bộ lại có được bệ phóng vững chắc, để lao thẳng đến chân trời của văn học hiện đại, làm nên nhiều thành tựu rực rỡ, ngay từ buổi bình minh của văn học hiện đại.



  1. Chữ Quốc ngữ với vai trò sáng tạo mới trong buổi bình minh của văn xuôi tự sự hiện đại ở Nam bộ

Nam bộ là vùng đất mới. Vì thế nơi đây chưa có bề dày văn hóa như miền Bắc ngàn năm văn vật. Thế nhưng, sớm nắm bắt được công cụ mới – chữ Quốc ngữ, Nam bộ đã nhanh chóng làm nên những giá trị văn chương mang tính đột phá, tạo bước chuyển mình bất ngờ, đưa văn xuôi Nam bộ vào giai đoạn khởi động, hiện đại hóa ngay từ cuối thê kỉ XIX. Năm 1887, Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, tác phẩm văn xuôi Quốc ngữ đầu tiên ra đời. Đây là một tác phẩm chứa đựng bao nhiêu điều mới mẻ, từ nội dung đến hình thức nghệ thuật. Đó chính là những hạt giống đầu tiên ươm mầm cho tiểu thuyết hiện đại. “Từ hạt mầm đầu tiên ấy, tiểu thuyết Việt Nam đã không ngừng đâm cành, trổ lộc, tạo nên một giai đoạn hưng thịnh của tiểu thuyết hiện đại”.3

Sang đầu thế kỉ XX, chữ Quốc ngữ với tư cách là một phương tiện hiện đại, đẩy nhanh sự phát triển của văn xuôi tự sự ở Nam bộ, với hai thể loại tiêu biểu: truyện ngắn và tiểu thuyết. Nam bộ thời này được xem là đất của tiểu thuyết. Nhưng không chỉ có tiểu thuyết mà các thể loại khác, thuộc loại hình tự sự đều phát triển nhanh chóng cả số lượng và chất lượng. Lực lượng sáng tác bằng chữ Quốc ngữ ở Nam bộ rất hùng hậu đã cho thấy chữ Quốc ngữ mang đến người cầm bút nhiều phấn khởi, hứng thú, khiến họ say mê tung hoành trên trường văn, trận bút, tạo ra những thành tựu thật ấn tượng trong lịch sử văn học nước nhà. Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Bửu Đình, Phú Đức, Tân Dân Tử, Sơn Vương, Trần Quang Nghiệp... sức viết đều rất dồi dào, ít có cây bút Bắc bộ nào sánh được. Chữ Quốc ngữ đã giúp họ nhanh chóng khẳng định chỗ đứng trên văn đàn, sớm khắc sâu tên tuổi vào đời sống tâm hồn của công chúng bình dân.

Chỉ trong vòng khoảng 30 năm đầu thế kỉ XX, tiểu thuyết và truyện ngắn ở Nam bộ đã trở nên đa dạng về tiểu loại, phong phú về đề tài, phát triển về số lượng. Không chỉ đạt kết quả về diện, văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam bộ đã thể hiện rõ cái chất trong nó. Khai thác ưu thế của chữ Quốc ngữ, các nhà văn Nam bộ đã làm nên nhiều nét mới đáng ghi nhận, đóng góp tích cực cho quá trình hiện đại hóa văn học hồi đầu thế kỉ XX.

2.1 Chữ Quốc ngữ diễn đạt thành công nhất chi tiết vụn vặt của đời thường, làm nên tính sinh động, cụ thể khi thể hiện những gì vốn có của cuộc đời hiện tại. Sống giữa xã hội có nhiều bất công, người nghèo luôn chịu nhiều mất mát thiệt thòi. Để có được hạnh phúc đơn sơ, đáng có, đôi khi người nông dân phải đánh đổi bằng hạnh phúc quý giá của đời người. Chi tiết nhờ Thị Lựu có mối quan hệ bất chính với Hương hào Hội mà Trần Văn Sửu có được đất để làm ruộng đã nói lên nỗi cay đắng tủi nhục của một thân phận làm chồng mà quá nghèo khổ. Hồ Biểu Chánh đã khéo léo dùng câu nói đùa của Hương tuần Tam: “Phải thí ruộng nhỏ mới có ruộng lớn chớ” (Cha con nghĩa nặng) để diễn tả số kiếp của người nông dân thật thà, chất phác như Trần Văn Sửu. Cái nghèo thật cay nghiệt! Nó không chỉ mang nỗi nhọc nhằn, cơ cực đến với con người mà còn vô tình làm hạ thấp giá trị của con người. Chỉ có ngôn ngữ được thể hiện qua phương tiện chữ Quốc ngữ, gần gũi mà đa nghĩa (thí ruộng nhỏ mới có ruộng lớn), mới có thể diễn tả được tất cả sự xót xa, cay đắng mà người nghèo phải gánh chịu. Cuộc mưu sinh của người bần cố nông với quá nhiều phức tạp, được gợi lên từ lời văn thật sống động .

Trong văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam bộ giai đoạn này, hoàn cảnh nghèo khổ cùng quẫn của người nông dân được thể hiện một cách cụ thể, rõ nét nhất: “Lê Văn Đó đi tối ngày mà không có ai mướn làm việc chi hết. Lúc trời chạng vạng tối nó trở về nhà, hai chơn mỏi rụng, bụng đói xếp ve, lỗ tai lùng bùng, cặp mắt cháng váng” (Ngọn cỏ gió đùa – Hồ Biểu Chánh). Vì chỉ nghĩ đến người thân đang rất cần được cứu đói, dường như anh ta không còn nhớ đến thân mình. Khi đã hoàn toàn bế tắc, không có cách cứu người thân, anh ta mới nhận ra mình cũng đã hai chân mõi rụng, cảm thấy bụng đói xếp ve, lỗ tai lùng bùng, cặp mắt cháng váng. Chữ Quốc ngữ đã chứng tỏ là một công cụ đa năng và độc đáo. Nó đâu chỉ ghi lời, mà còn biểu thị được mọi sắc thái tình cảm, diễn tả thấm thía, cụ thể trạng thái, hoàn cảnh của con người. Nắm chắc công cụ này trong tay, các tác giả Nam bộ đã thành công trong việc tái hiện chân thật, sinh động, cụ thể hiện thực cuộc sống đời thường trong xã hội đương thời. Điều mà trước kia các nhà Nho chưa làm được, khi vẫn còn chuyên tâm với cây bút lông.

Chữ Quốc ngữ tạo nên những câu văn dễ hiểu, tự nhiên, đồng thời biểu đạt và gợi tả đặc sắc, xóa bỏ được khoảng cách giữa con người ngoài đời và con người trong văn chương. Qua văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam bộ giai đoạn này, công chúng đã nhận ra mình trong đó. Bất kể loại người nào, từ tầng lớp cao sang quyền thế đến hạng lao động nghèo khó đều có mặt trong những tiểu thuyết hay truyện ngắn Quốc ngữ. Họ được tái hiện một cách tự nhiên như thật, qua ngôn từ, bằng câu văn Quốc ngữ gần gũi, có khi trơn tuột như lời nói thường: Kim Sa chừng 15 – 16 tuổi, áo xăn ngang, quần vo tới đầu gối, mặt tròn, da trắng, chơn mày vòng nguyệt, mình mẩy ướt loi ngoi, sau lưng vắt nọc cấy, đầu đội nón lá buôn, tay túm một khăn gạo, xơn xơn đi vào…” (Mạng nhà nghèo, Nguyễn Bửu Mọc, tr 398).

Tái hiện chân dung cuộc sống còn phải gợi lên được cảnh. Cái nền mà trên đó con người hoạt động, xúc cảm, có khi phải chịu những tác động nhất định. Không gian nghệ thuật được miêu tả bằng chữ Quốc ngữ đã chi tiết càng cụ thể hơn. Nó mang màu sắc, âm thanh và hơi thở của cuộc đời thật. Trong văn xuôi tự sự Quốc ngữ, nó không còn là vũ trụ bao la, mang ý nghĩa triết lí, mà là cảnh của sinh hoạt đời thường, đi từ đồng quê ra đến thành thị. Bao quát bên ngoài xã hội và về tận trong từng gia đình nhỏ bé. Chữ Quốc ngữ diễn tả được tiếng nói của từng địa phương, cách phát ngôn cửa miệng, tạo nên hệ thống từ địa phương và từ khẩu ngữ. Khai thác thành công vốn từ này, văn xuôi tự sự Nam bộ đã phác họa nên những cảnh rất sống động: “Mười giờ rưỡi bữa thứ sáu, chuyến xe đêm Sài Gòn - Nha Trang lướt gió tuôn mưa, lăn trên hai con đường sắt. Cửa đóng chặt, ngọn đèn lu, khách trong xe tựa hồ đã mệt, người dựa gối cúi đầu, người nghiêng mình nghẻo cổ. Trước đầu xe, anh coi máy chụm lửa thêm, cho xe chạy vụt qua một quãng cảnh rừng rậm cao ngất trời.” (Trời Phật công bình, Trần Quang Nghiệp)

Có khi còn gợi lên được đặc điểm của vùng miền, ở từng thời điểm nhất định: “Đồng trống minh mông, xa xa cách chừng vài dặm hú thì có một cái nhà tranh” (Chúa tàu Kim Qui, Hồ Biểu Chánh), hay “. . .Ngó tứ phía thì thấy tay trái rừng giăng mịch mịch, bên tay phải bưng trải minh mông; cách xa xa mới thấy một chòm nhà; mà hễ có nhà thì mới có ruộng vườn chút đỉnh” (Ngọn cỏ gió đùa, Hồ Biểu Chánh)

2.2. Văn dĩ tải đạo, đó là quan niệm sáng tác của nhà Nho. Những tác giả hiện đại ở đầu thế kỉ XX, đã dựa vào chữ Quốc ngữ để cải biến nội dung mang tính truyền thống này, khiến nó xưa nhưng vẫn không lạc hậu. Thông qua lời lẽ, câu văn Quốc ngữ, cái khô khan, giáo điều của những chuẩn mực đạo đức: trung, hiếu, tiết, nghĩa theo tư tưởng phong kiến, được nhào nặn thành lối sống trọng nghĩa tình, trọng nhân cách, trọng lẽ phải, rất gần gũi và thực tế. Chính yếu tố này đã làm nên thành công đáng kể cho văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam bộ. Nó là lí do vì sao độc giả Nam bộ đón nhận tiểu thuyết hay truyện ngắn giai đoạn này một cách nồng nhiệt. Chữ Quốc ngữ đã mang bài học đạo lí ở đời trong văn chương Nam bộ về tận xóm làng nông thôn; cảm hóa được cả người trí thức tân học khó tính chốn thị thành. Tiêu biểu nhất là những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, không chỉ tạo được tầm đón nhận rộng lớn đương thời, mà còn có cả sức sống lâu bền đến tận ngày nay. Sự cảm hóa ở đây vừa tế nhị, vừa sâu sắc. Bởi trong các tác phẩm đều khắc họa nên những hình ảnh tiêu biểu, những tấm gương đạo lí ngời sáng để người đọc ngưỡng mộ và học tập. Đạo lí đó có gốc rễ từ Nho giáo, có sự kế thừa truyền thống trong văn học dân gian và sự nối tiếp đạo lí của Lục Vân Tiên. Qua những câu chuyện mà các tác giả dựng lên trong tác phẩm đã chứng minh chỉ có cái thiện mới tồn tại vững vàng, mặc dù nó phải đối mặt với nhiều thử thách. Những ai biết sống cho cái thiện và dám đấu tranh để bảo vệ cái thiện sẽ được hạnh phúc, được đền bù thỏa đáng. Cũng có trường hợp người hiền hoặc tốt bụng nhưng phải đón nhận bất hạnh hay thiệt thòi lớn lao, như trường hợp của Kim Sa (Mạng nhà nghèo), Thu Hà (Khóc thầm), hay vợ thầy Phiền (Truyện thầy Lazarô Phiền). Có thể hiểu họ là nạn nhân của sự bất công, của việc phạm tội hay của sự độc ác từ con người tạo ra. Càng suy ngẫm người ta càng thấy cần phải hướng thiện để tránh những bi kịch đáng tiếc trong cuộc đời. Cái tinh tế của những bài học đạo lí trong văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam bộ là ở đó. Tất cả những vấn đề mang nhiều ý nghĩa sâu sắc như trên được thể hiện thành công trong văn xuôi tự sự Nam bộ là nhờ vào công cụ chữ Quốc ngữ.

2.3. Sau khi chiếm được Nam bộ, từ cuối thế kỉ XIX, thực dân Pháp đã đưa văn hóa phương Tây vào vùng đất mới này. Nam bộ sớm chịu ảnh hưởng văn hóa, văn học phương Tây. Lối sống tự do, cách nghĩ cho mình theo đó nhanh chóng hình thành. Vì thế cái tôi xuất hiện trong văn học Nam bộ ngay từ lúc tư tưởng phong kiến hãy còn mạnh lắm. Nó phải đối mặt với sự phản kích của nhà Nho, chịu sự duyệt xét lại của người trí thức tân học. Vượt lên tất cả mọi cản trở, với phương tiện thể hiện mới mẻ, đầy thuận lợi, chữ Quốc ngữ, cái tôi đã xuất hiện công khai trong văn xuôi tự sự Nam bộ, qua tác phẩm của một số nhà văn tiêu biểu như Nguyễn Trọng Quản, Lê Hoằng Mưu. Sự xuất hiện của cái tôi một cách công khai, trong văn học giai đoạn này được xem là nhân tố mới đáng kể. Một bước hiện đại hóa trong nội dung của tiểu thuyết hay truyện ngắn. Bởi trong văn chương của nhà Nho, cái tôi không được phép bộc lộ. Văn học trung đại là văn học mang tính phi ngã. Viết về mình, thể hiện sống cho mình, lên tiếng đòi quyền lợi vì mình, đều bị xem là tội đồ của Khổng Mạnh. Thơ Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương đều bị xếp vào hiện tượng nổi loạn.

Sử dụng chữ Quốc ngữ, các nhà văn Nam bộ có được nhiều từ ngữ sinh động, xác hợp để viết nên câu văn tự nhiên, dễ hiểu mà sâu sắc, diễn tả thành công thế giới nội tâm nhân vật, khai thác tối đa những diễn biến tâm lí phức tạp của cái tôi cá nhân trong từng nhân vật. Để cuối cùng có được câu trả lời, mang ý nghĩa thiết thực cho con người ở thời đại đương thời: nên hay không nên sống cho cái tôi vào lúc này?

Trong Truyện thầy Lazarô Phiền, Nguyễn Trọng Quản xây dựng nhân vật Phiền bắt đầu có biểu hiện tự ý thức về cái tôi cá nhân. Cái tôi cá nhân nhận thức nỗi đau của đời mình: ”Thầy ôi! Thầy nghe tôi thì thầy biết tôi thế nào? Sanh ra khỏi lòng mẹ thì đã chịu cực cho đến lớn. Tưởng khi có trí khôn thì được sung sướng một ít mà cũng không được, số phận tôi phải chịu khốn nạn cho đến trọn đời mà thôi” (tr 26). Phiền là nhân vật có sự vận động đổi thay về tính cách. Từ chỗ hiền lành, đức độ trở nên độc ác một cách lạnh lùng, rồi lại quay về với bản chất lương thiện, biết ăn năn, hối hận trước tội lỗi. Nguyễn Trọng Quản miêu tả thành công tâm lí Phiền, tâm lí một kẻ ghen tuông mù quáng, cố chấp. Tác giả rất hiểu tâm trạng của Phiền, biết rằng giết bạn là một việc ác, không nên làm, khi làm cũng cảm thấy chợn nhưng lòng oán hận đã lên cao, khiến Phiền bất chấp tất cả, đánh đổi tất cả để đạt được mục đích trả thù. Đối với vợ cũng vậy, cảm giác bị phản bội làm mất hết tình yêu dành cho vợ, Phiền chí quyết trừng phạt vợ để thỏa mãn cơn giận. Trước lúc hành động, chắc chắn Phiền đã nghĩ rằng sẽ rất hả hê khi mục đích đạt được. Thế nhưng, kết quả chỉ có nuối tiếc, ân hận, dằn vặt và đau khổ. Tác giả đã miêu tả đúng nỗi đau và sự ân hận của một con người đã đối xử tệ bạc với một người mà chỉ thấy thể hiện sự đáng yêu, đáng quý. Nhìn cảnh người vợ bị thuốc độc hành hạ đau đớn, nghe những lời nói chân tình, nhân hậu, hiền lành của vợ, Phiền:”đau đớn như lưỡi gươm đâm thấu vào lòng”(tr39). Nhờ nếm trải cuộc đời, con người cố chấp ở Phiền thay đổi hẳn. Về sau trở nên bao dung, rộng lượng, sẵn sàng tha thứ cho vợ: ”Dầu tội nó thế nào thì tôi cũng quên rồi.” Thể hiện những giằng xé nội tâm nhân vật như thế, đến khi có chữ Quốc ngữ nhà văn mới đạt được thành công đáng kể. Công lao ấy thuộc về tác giả Nam bộ. Sáng tạo nghệ thuật trên vùng đất phổ biến chữ Quốc ngữ trước tiên, nhà văn Nam bộ đã có cơ hội đi tiên phong trong đổi mới.

Đâu chỉ có Nguyễn Trọng Quản, Lê Hoằng Mưu cũng đã khéo léo sử dụng chữ Quốc ngữ để làm nên nét mới đầy táo bạo trong tác phẩm Người bán ngọc. Ra đời sau Truyện thầy Lazarô Phiền khá lâu, Người bán ngọc không chỉ để cái tôi tự nhiên xuất hiện, với nguyên hình hài vóc dáng, mà còn đặt bên cạnh vấn đề tình dục. Một điều không chỉ nhà Nho mà người của xã hội hiện đại cũng thấy ngơ ngác. Nhân vật Hồ Phu nhân trong Người bán ngọc chỉ biết sống cho mình, thỏa mãn những ham muốn của một cái tôi nhơ nhuốc. Cái tôi của người đàn bà không tiết hạnh, thiếu lễ đức, đã từng bước một chủ động dẫn dắt kẻ háo sắc, si tình Tô Thường Hậu đi vào cõi hoan lạc. So với Hồ phu nhân, Tô Thường Hậu có nhiều điểm khác hẳn. Anh ta yêu chân tình, mãnh liệt đến mức si tình. Tình yêu cuồng nhiệt, đắm đuối dành cho Hồ phu nhân, khiến anh ta không còn biết sợ là gì. Bất chấp đạo lí, pháp luật, sức mạnh cường quyền, thậm chí quên cả nguy hại tính mạng để được gần gũi Hồ phu nhân. Tuy nhiên, cái tôi trong con người anh ta luôn có sự giằng co quyết liệt giữa lí trí và tình cảm, giữa đam mê sắc dục và danh dự của đời người. Chữ tình và sự ham muốn đời sống tình dục đã quá mạnh trong anh ta. Nó lấn át tất cả, nó đẩy lùi lí trí, nó chiếm lĩnh con tim, nó thống trị tâm hồn, biến anh ta thành kẻ chỉ còn biết sống vì thú hoan lạc tội lỗi. Lê Hoằng Mưu đã táo bạo để cho cái tôi tự do, sống cho chính mình, vì những ham muốn sắc dục. Cái tôi trong Tô Thường Hậu đã đẩy anh ta vào vị trí liều thân, sống tạm, hưởng vội, chẳng cần lo lắng cho tương lai.

Thể hiện vấn đề mang nhiều phức tạp, Lê Hoằng Mưu không giấu được quan điểm của mình. Ông không phản đối tình yêu tự do, lãng mạn vì nó có những nét đẹp nhất định, nó chống lại sự khắt khe, phi lí của lễ giáo phong kiến, nó đem lại cho con người những thỏa mãn rất nhân văn. Tuy nhiên, tự do mà quá buông thả, lãng mạn mà tiến đến ủy mị sẽ khiến con người tự giết chết tương lai, hủy hoại hạnh phúc. Dù không trực tiếp nói ra, thông qua hình tượng nhân vật và sự kiện trong tác phẩm, Lê Hoằng Mưu như đã khẳng định không thể để cho cái tôi cá nhân đi quá xa chuẩn mực đạo đức truyền thống.


Tóm lại, chữ Quốc ngữ, chứa đựng trong nó bao yếu tố thuận lợi. Được cấu tạo từ 24 chữ cái, kết hợp cùng 6 thanh, chữ Quốc ngữ trở nên linh động, đa nghĩa, nhiều khả năng biểu đạt. Có được công cụ tiện ích này, các nhà văn Nam bộ đã có được cơ hội để sáng tạo, để đổi mới. Văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam bộ đi vào con đường hiện đại hóa cũng là góp phần đưa nền văn học Việt Nam hòa nhập chung vào quỹ đạo của văn học thế giới.

Chữ Quốc ngữ được hình thành từ công lao các giáo sĩ phương Tây. Nhưng nó chứa đựng trong đó cái hồn của nước Việt. Bởi nó ghi lời ăn tiếng nói người Việt. Trải qua gần hai thế kỉ sử dụng rộng rãi, người Việt đã bồi đắp, gọt giũa để nó ngày thêm trong sáng. Vì thế, người Việt có quyền tự hào nó là ngôn ngữ của dân tộc. Chữ Quốc ngữ không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa giao tiếp của người Việt, nó còn là công cụ phục vụ đắc lực cho văn học. Qua nghệ thuật sáng tạo điêu luyện và tinh tế của nhà văn, nhà thơ, chữ Quốc ngữ được ánh lên lấp lánh như những viên ngọc quý, làm nên các giá trị văn chương bất hủ. Công lao đó trước hết thuộc về các tác giả Nam bộ, thể hiện từ các tác phẩm văn xuôi tự sự ra đời vào những năm cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.

---------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO



  1. Mã Giang Lân (2000), Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900-1945, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.

  2. Bằng Giang (1998), Văn học Quốc ngữ ở Nam kì 1865- 1930, Nxb Trẻ.

  3. Huỳnh Thị Lan Phương - Nguyễn Văn Nở (2011), Vấn đề xác định thể loại Truyện thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, T/c Nghiên cứu Văn học số 4, tr 61 – 78

  4. Huỳnh Thị Lan Phương - Nguyễn Văn Nở (2009), Tính giao thời – Nét đặc trưng của văn học giai đoạn 1900 – 1930 trên tiến trình hiện đại hoá văn học Việt Nam, T/c Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Xã hội & phát triển vùng Nam bộ số 12, tr 179- 195.

  5. Bùi Đức Tịnh(2002), Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết & Thơ mới, Nxb TPHCM.

---------------------



Địa chỉ tác giả:

Nguyễn Văn Nở

Khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ

ĐT: 0919080763



Email: nvno@ctu.edu.vn


1


2 Quá trình hiện đại hóa VHVN 1900-1945, NXB Văn hóa thông tin HN, 2000, tr 108

3 T/C Văn học số 4-2001, tr 65

Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương