CHỮ quốc ngữ TẠi bình đỊNH



tải về 0.83 Mb.
trang3/10
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích0.83 Mb.
#9383
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10

đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình. Còn duyên kén cá chọn

canh … là gốc tích từ đây.

Có thể nói không ngoa rằng, chính nhờ tính hài hước, nghịch ngợm pha lẫn sự hóm hỉnh ngắn gọn, dễ hiểu, của các sáng tác trong quần chúng nhân dân được lắng đọng trong ca dao, tục ngữ, dân ca mà ngày nay khi hỏi mọi người còn thích nghe dân ca hay không thì đa số đều vẫn thích.

Phát huy những yếu tố trên, sau này những phong trào trên vẫn được tiếp nối thể hiện qua thơ bút tre và các hậu duệ của họ. Những vân thơ sau tôi chỉ đọc một lần và sau đó nhớ mãi do tính hài hước của nó:



Con trâu đứng giữa ba làng

Dịch ra cái đít lòi ra một làng

Chị em phụ nữ tài ghê

Bắn máy bay Mỹ rơi ngay cửa mình

Trong phong trào diệt ruồi muỗi:

Con ruồi là giống hiểm nguy

Cái chân của nó rất vi trùng nhiều

Thời bao cấp, những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi ngành đường sắt Việt Nam, tàu hoả chạy rất chậm, đã có thơ tặng Tổng cục trưởng Tổng cục đường sắt Hà Tăng Ấn:



Hoan hô đồng chí Hà Tăng

Ấn cho tàu chạy băng băng như … rùa

Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chỉ đạo nông thôn phát động phong trào làm phân bón ruộng lại có thơ:



Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh

Anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng

Và sự kiện Trung tá Phạm Tuân bay lên tàu vũ trụ cùng với Gorbatco của Liên Xô cũng được đi vào thơ dù không chính thống nhưng vẫn được người dân nhớ mãi:



Hoan hô Trung tá Phạm Tuân

Lên tàu vũ trụ một tuần về ngay

Gần đây, có một thời điểm phong trào đánh cầu lông được nở rộ trong toàn dân, lập tức thơ dân gian lại có dịp được mô tả:



Chị em phụ nữ đánh cầu

Lông bay phấp phới trên đầu các ông.

Ngày Quốc tế Phụ nữ có thơ vui về chị em ta:



Nhân ngày mồng 8 tháng 3

Chị em phụ nữ đi vào đi ra

Năm nào cũng đúng ngày này

Chị em phụ nữ đi ra đi vào

Có thể nói, các sáng tác của quần chúng nhân dân dễ đi sâu vào lòng người còn ở chỗ: ngắn gọn, dễ hiểu, đặc biệt là mang tính hài hước cao. Tính hài hước hóm hỉnh này thông qua dòng văn học dân gian không chính thức có thể len lỏi vào quần chúng nhân dân kể cả người ít học thậm chí không biét chữ và nhờ thế nó dễ ăn sâu vào lòng người. Đó cũng chính là lý do vì sao khi được hỏi là anh chị thích Thị Mầu hay Thị Kính thì hầu như đa số người được hỏi trả lời thích Thị Mầu hơn. Có lẽ do cách sống mãnh liệt, thẳng thắn dám thể hiện sự khát khao rất thật của cô ta khiến nhân vật này gần hơn với quần chúng. Sự lan toả của nó, vì thế không chỉ dừng ở một thế hệ mà có thể sự tiếp nối mạch nguồn của nó được trường tồn qua thời gian, tạo ra sức sống bền vững của nó mà có thể không cần đến văn tự.



Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Chất liệu ngồn ngộn của cuộc sống, hơi thở trực tiếp của cuộc sống sẽ tiếp tục cung cấp nguồn cảm hứng cho các sáng tác trong quần chúng nhân dân tiếp tục phát triển. Và đó cũng chính là lợi thế của dòng văn học dân gian, tiếp tục tạo nên sức sống của nó dù hiện nay xã hội  loài người đã bước vào nền kinh tế tri thức  với các công cụ phương tiện hiện đại của nó.

______________

*Tiến sĩ Trần Hồng Lưu, Khoa Lý luận chính trị, Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

71 Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

ĐT 0914112884, email: hongluu2009@gmail.com

----------------------------------------------------------------------------


SỰ BIẾN ĐỔI CỦA CHỮ QUỐC NGỮ TRONG TRUYỆN NGẮN

NAM BỘ TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX
TS. Trần Văn Trọng – Viện Văn học

Truyện ngắn Nam Bộ hình thành và phát triển trong bối cảnh lịch sử, văn hóa có nhiều biến động cho nên ngôn ngữ của thể loại đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện về mặt từ vựng và ngữ pháp. Và nhiệm vụ làm giàu từ ngữ, xây dựng câu văn xuôi theo tinh thần hiện đại, cũng là nhiệm vụ chung của các cây bút truyện ngắn lúc bấy giờ. Họ đã trực tiếp góp phần thúc đẩy quá trình hoàn thiện chữ quốc ngữ; tuy nhiên trong quá trình “lột xác” đó, dấu ấn chữ quốc ngữ mang tính truyền thống còn in đậm trên cả hai bình diện từ ngữ và câu văn xuôi nhưng càng về sau, chất văn học trong ngôn ngữ truyện ngắn đã được các nhà văn sử dụng một cách có nghệ thuật.



1. Từ việc sử dụng chữ quốc ngữ mang tính truyền thống và đậm dấu ấn vùng miền…

Đặt sáng tác truyện ngắn vào tình hình chung cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có thể thấy chữ quốc ngữ sử dụng trong văn chương nói chung và trong truyện ngắn nói riêng đang trong quá trình biến động lớn. Sự vận động của ngôn ngữ Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là từ ngôn ngữ thơ và những câu văn xuôi có vần, có đối (câu văn biền ngẫu) sang ngôn ngữ văn xuôi hiện đại. Do vậy, tất yếu giai đoạn chuyển tiếp của sự vận động ngôn ngữ phải là kiểu thơ văn xuôi đọc lên nghe thánh thót, có nhạc điệu, cân xứng nhịp nhàng. Loại văn xuôi gắn với thơ này hiện diện trên khắp các trang báo, trên những truyện ngắn, tiểu thuyết thời bấy giờ.

Trên Nông cổ mín đàm, ngay từ năm 1901, vẫn sử dụng câu văn biền ngẫu như: “Cuộc thế phân vân, tang điền thương hải, hết lối li loạn rồi, bình định nhơn dân, Tân Trào quản hạt, thiên hạ đều lạc nghiệp an cư” hay “lần lần xuân qua hè lại, thu hết đông sang, tang phục mãn rồi; thì nàng Văn Thị lại sanh đặng một gái nữa” (Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn - số 44-46-48 - tháng 6-7/1902). Những câu biền ngẫu ít ý nhiều lời như thế đọc lên nghe réo rắt, cân đối nhưng nghe rất sáo rỗng. Một số tác phẩm xen kẽ lời bình luận ở đầu hoặc cuối tác phẩm. Truyện mài gươm dạy vợ kết thúc là lời bình luận: “Xem coi có phải là, người làm dâu mà cha mẹ chồng không thương cũng bởi mình không giữ đạo dâu cho đủ chớ như giữ đủ phận dâu con thì có lẽ nào mà mẹ chồng ghét bao giờ. Hùm dữ đâu nỡ ăn thịt con sao?”. Hầu hết các truyện đều kết thúc bằng một lời bình luận hoặc một đoạn thơ mang tính chất giáo huấn: “Cho hay sống thác bời trời/ Quỷ ma nào hại đặng người vậy ru?/ Ở đời lấy đức làm đầu/ Quỷ thần còn kính người đâu chẳng nhường” (Chánh khí bất húy tà mị - Nông cổ mín đàm, số 62-1902). Đấy là dấu vết của văn xuôi trung đại.

Không chỉ trên Nông cổ mín đàm, truyện trên các báo, tạp chí, sách ở giai đoạn sau cũng còn đậm dấu ấn của văn xuôi trung đại: “Tiết đông thiên lạnh lẽo, nước dòng sông trong dẻo như ngần, cuộn cuộn dò lần đưa kiến bèo trôi theo với vịnh” hay “hỡi lằn nước bích kia ơi, mi đưa cánh bèo tả tơi chiềm đấm, thế mà mi đắp ấm đặng chăng, hay là mi băng khoăn vì phận sự, tư lự trối kệ ai” (Nghĩa đen tình đỏ - Hoàng Minh Tự), “Vì tơ nguyệt không xe chỉ thắm thì nàng thà cam chịu gối chích nệm nghiên phòng không hiêu quạnh hơn là đam thân bìm sắng mà cùng kẻ khác cá nước sum vầy trăm năm phối hiệp” (Nặng nghĩa châu trần - Nguyễn Thái Hòa), “Bóng quang âm thấm thoát lật đật đã hai năm, trong hai năm đó biết bao lăm người muốn gieo đào tha lý kết nghĩa tóc tơ song chị với người đã nguyền kết giải đồng tâm, ba năm cũng đợi mấy năm cũng chờ” hay “Chị lén gởi cho người một phong thơ song tin đi thời có tin về vẫn không” (Ai đành phụ nghĩa), “Bóng hồng khuất mặt, khách nhàn du tha thướt trở hài” (Tủi phận thuyền quyên)… Lối viết biền ngẫu trong truyện ngắn [tiểu thuyết] thời gian này, ngoài việc ảnh hưởng từ học vấn và kinh nghiệm của nhà văn đã phản ánh thị hiếu thẩm mĩ của một bộ phận công chúng văn học ở Nam Bộ. Đặng Anh Đào đã chỉ ra nét đặc trưng nổi bật cần chú ý: Sự bảo tồn âm hưởng nghe rất trường tồn. Trong văn học hiện đại Việt Nam, sự bảo tồn này không chỉ thấy qua sáng tác mà ngay cả tác phẩm dịch cũng có hiện tượng thêm thắt nhịp điệu và giai điệu, đặc biệt là đối với thế hệ dịch giả trước những năm 80. Và “đặc trưng trên đã được một số nhà nghiên cứu về phương Đông trong cuốn Lịch sử các nền văn học coi như một hiện tượng thuộc về tiếng nói, nó lưu cữu bảo tồn âm hưởng của nghệ thuật cổ xưa: “Ở phương Đông, một trong những điều kỳ thú được tuổi thanh xuân của các dân tộc hứng khởi, đó là nguồn nuôi dưỡng từ tiếng nói có dấu nhấn của họ; những thứ tiếng ấy còn giữ lại những loại âm nhạc khiến ta nhớ tới bàn tay vỗ và chân dậm dật (…) những thứ ngôn ngữ ấy sống trong nhiều điều kiện điển hình: đó là một quy tắc của cách diễn đạt theo đợt dật” (Dẫn theo Phan Mạnh Hùng)(1).

Mặt khác, những dấu vết của văn chương truyền thống còn thể hiện ở cách đặt tên truyện. Theo khảo sát của chúng tôi, ở thời kỳ đầu nhan đề của truyện trên vẫn tồn tại đậm đặc chữ Hán Việt và câu trúc câu văn xuôi chữ Hán: Chánh khí bất húy tà mị, Đổ vật tư nhơn, Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn, Nghĩa hổ tâm truyền, Kiến ngãi bất vi bi thế sự hề… (Nông cổ mín đàm). Thậm chí trên một tờ báo Công giáo như Nam Kỳ địa phận yếu tố này vẫn xuất hiện ở những năm đầu mới thành lập: Si lung ám á gia hào phú, Thích kỳ dĩ giáo nhơn giả nghịch, Kiến tài ám nhãn, Tùng kỳ đại thể vi đại nhơn

Trong quá trình giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa khác thì sự vay mượn từ vựng, ngữ pháp, nhất là ảnh hưởng của nền văn hóa Đông, Tây là không tránh khỏi. Nhưng trên cơ sở tiếp nhận và sáng tạo, truyện ngắn quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX ngày càng hoàn thiện và vẻ độc đáo riêng của tiếng nói vùng sông nước Nam Bộ. Màu sắc, phong vị của văn xuôi Nam Bộ giai đoạn này là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau của ngôn ngữ, đáng chú ý ở các mặt từ vựng, ngữ âm, cú pháp… Về từ vựng, có nhiều từ ngữ nôm na, mộc mạc được sử dụng trong văn xuôi. Vốn từ ngữ này đều nằm trong hệ thống tiếng Việt toàn dân từ cách xưng hô, dùng biệt ngữ, phương ngữ, thành ngữ, từ láy… Đây là những từ ngữ quen thuộc của người dân Nam Bộ. Trong đó, có những từ ngữ mang tính địa phương đậm nét từ việc miêu tả cảnh vật đến con người ở đây. Có thể nói, văn xuôi Nam Bộ đậm đà màu sắc, phong vị của phương ngữ. So với tiếng Việt chuẩn, có thể ghi nhận một số trường hợp sau đây trong một số tác phẩm tiêu biểu của Trần Khắc Kỷ, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Lê Mai, Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương… Các tác giả này đã sử dụng nhiều từ ngữ có sự đối lập, khác biệt với các phương ngữ khác như: biểu/ bảo, tuốt/ luôn, trộng/ khá lớn, xá/vái chào, dòm, ngó/ xem, bưng/ mang, thiệt/ thật, đương/ đang, ngộ/ đẹp, mắc/ bận, mần/ làm, cẳng/ chân, lóng/ lắng, lụy/ lệ, riết/ nhanh, dè/ ngờ, méc/ mách, hối/ giục, đen trạy/ đen thuiNgoài ra, những biệt ngữ mà người Nam Bộ dùng riêng, phạm vi sử dụng có giới hạn, cũng xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm như: trơ mắt, vảo tai, tức mình, hỏi phăng, ló mặt, chồm hỗm, ốm o, cà nhót, âm hao, dơ cảy, át chất, đặng, dòm, ngó, tuông lụy, sanh rầy, cãi lẽCách xưng hô quen thuộc qua, va, bậu, ảnh, chỉ, ổng, tao, mày, mình…; cách gọi tên theo thứ bậc trong quan hệ gia đình Hai, Ba, Bốn được dùng phổ biến trong văn xuôi. Nó phản ánh được nét mộc mạc, chân chất và tư duy phóng khoáng của người dân Nam Bộ, không nặng về thể chế, quy tắc trong cung cách giao tiếp, ứng xử như ở vùng khác.

Bên cạnh đó, văn xuôi Nam Bộ còn xuất hiện những từ ngữ là từ láy có tư cách ngữ pháp là động từ hay phó từ, thường quen dùng ở miền Nam như: bươn bả, trèo trẹo, tùm lum, chộn rộn, chỏng cẳng, chèo queo, lơn tơn, trân trân, xơn xơn, lật đật, lính quýnh, chưng hửng, lẻo lự, ỉ ôi, tưng tiu, bệu bạo, nằng nằng, bùm xùm, thủng thẳng, rần rần, hốp tốp, tiện tặn, hân hủi, nủng nưởng, quạu quọ, ngập ngưỡng, rỉ rảcó những từ láy rất quen thuộc với từ ngữ toàn dân nhưng cũng có những từ láy giới hạn phạm vi sử dụng. Trong một số trường hợp các cây bút truyện ngắn sử dụng từ và cấu trúc câu văn “rặt” chất Nam Bộ mà phải đặt trong văn cảnh thì mới hiểu được ý nghĩa biểu đạt của chúng như: chị vẫn ngó mông, chị vẫn đứng sựng; lóng này nó trộng cải, liếng láo lắm; lúa thóc có đâu, bỏ câu tới đó; trời tối đem ngửa bàn tay không thấy; thầy năm Nghệ có tánh rắng mắt hay khuấy chơi; dưới chơn đã sẵng hai giây tơ hồng, câu mâu, chừ bự, đỉ đảnh, nủng niểng, oi ỉ, xéo véo, trây trưa, ê hề, ngỏn ngoẻn, cùng quằn, kinh dinh… Những từ này thể hiện tính chất đặc phương ngữ, bởi vì chúng không có những đơn vị tương ứng về âm hay nghĩa ở các phương ngữ khác. Việc sử dụng cách diễn đạt này mang lại hiệu quả nhất định, nó thể hiện sinh động cá tính, tâm lí con người Nam Bộ.

Các nhà văn còn đưa vào tác phẩm nhiều thành ngữ, nhiều cách nói mộc mạc rất riêng của người Nam Bộ như: đi qua đi lại, đi tới đi lui, mầng mầng sợ sợ, một nghi mười ngờ, lời ngon tiếng ngọt, lơ lơ láo láo, ác nhân thất đức, cạ vế kề vai, ngó quanh ngó quất, làm tròng làm trèo, than dài thở vắn, nằm vật nằm dựa, nhạn ngẩn ngơ sa, làm hùm làm hổ, lơ ngơ láo ngáo, bồ luốt bồ lem, nói xeo nói xóc, xăn văn xéo véo… Chẳng hạn để lí giải nguyên nhân đàn ông ngoại tình, họ viết: “Thuở nào ôm đào ấp nguyệt cợt phấn cười son, bây giờ cá đã no rồi mồi ngon khó nhử”, hay “bãi cát đương khô nóng đổ nước vào thì nó hút ngay, bao giờ nó ướt đều, thì không hút nữa chớ gì” (Tủi phận thuyền quyên), đôi khi thì họ lại sử dụng linh hoạt nhiều thành ngữ, tục ngữ Nam Bộ để diễn tả nỗi lòng của người mẹ lo cho hai con gái trong Chọn đá thử vàng: “Bà phủ lo nhiều lắm; cô Vân cô Kiều sắc đẹp đã đành không chỗ nào chê được, có nhiều thầy thấy đẹp muốn cưới song hỏi thăm lại nghe nói mồ côi cha, mẹ tuy có chức bà Phủ song chẳng có quyền, có tiếng mà không có miếng, ruộng không có đất cũng không, cho nên mấy thầy thụt lại mà qua ngã khác kiếm ngã nào có ruộng có đất có vườn mà tới. Lúa thóc có đâu, bỏ câu tới đó”… Đây là lối diễn đạt mà có lẽ chỉ người vùng sông nước Cửu Long mới thường dùng và đi vào truyện của các nhà văn Nam Bộ cũng thật tự nhiên. Đúng như nhận xét của Thanh Lãng: “Đó là lối văn đơn sơ, mộc mạc, dùng hầu toàn chữ Nôm, cách đặt câu có vẻ tục tằn, vắn tắt, không xét gì đền cân xứng, đối chác. Nói tóm lại, nó là thứ văn Việt Nam hơn, dân chúng hơn”(2).



2. … và “tiếng Annam ròng” - khẩu ngữ - đến ngôn ngữ văn chương

Văn học là nghệ thuật ngôn từ nên việc sử dụng loại ngôn từ nào trong hoạt động sáng tác văn học cũng có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó cho thấy ý thức, quan niệm của người cầm bút và đặc trưng thẩm mỹ của đối tượng tiếp nhận. Văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong bước khởi đầu ghi nhận hiện tượng dịch chuyển từ ngôn ngữ văn chương bác học (điển nhã, quy phạm) sang lối văn khẩu ngữ, tiếng Annam ròng, viết như nói. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn nhiều nước Đông Á giai đoạn giao thời. Văn học Trung Quốc cuối thế kỷ XIX cũng có sự dịch chuyển từ hình thức văn ngôn (văn phong ước lệ, tao nhã) sang bạch thoại (ngôn ngữ sinh hoạt thường ngày). Những bộ kỳ thư của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc chính là kết quả của lối văn bạch thoại. Đến thời cận đại sự quan tấm đến bạch thoại càng được nhấn mạnh khi nó được những nhà tư tưởng và những nhà văn hàng đầu cổ súy. Trong 5 điểm mà Yan Fu và Xia Zengyou nêu ra để định chuẩn cho tiểu thuyết hiện đại thì đã có 3 điểm liên quan đến ngôn ngữ: phải là ngôn ngữ đương đại, gần với ngôn ngữ nói, phải đa dạng, phong phú. Lương Khải Siêu đề xướng khẩu hiệu “ngữ văn hợp nhất” (nói viết là một). Và cho đến nay, người ta vẫn lấy Nhật kí người điên (1918) của Lỗ Tấn - truyện ngắn bạch thoại đầu tiên trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc làm cột mốc đánh dấu cho sự ra đời văn học hiện đại Trung Quốc (Dẫn theo Trần Văn Toàn)(3).



Ở Việt Nam thời trung đại, với sự phân cấp về ngôn ngữ, văn xuôi tự sự chủ yếu viết bằng chữ Hán chắc chắn có một khoảng cách khá lớn với ngôn ngữ đời sống, với khẩu ngữ. Các truyện thơ dù viết bằng chữ Nôm, nhưng với đặc thù của thi pháp, khẩu ngữ cũng ít cơ hội để hiện diện. Trong tình hình đó, bộ phận văn xuôi truyện các Thánh viết bằng chữ Nôm của khu vực văn học Công giáo trở thành một trong những nguồn mạch dẫn khẩu ngữ vào văn chương hiện đại. Trên phương diện này, có thể nói vai trò của các nhà văn Nam Bộ, đặc biệt là các nhà văn người Công giáo rất quan trọng. Khi đề cập đến vấn đề này, Nguyễn Huệ Chi đã chỉ ra rằng: “các nhà văn thời kỳ đầu phần lớn là người Công giáo. Chính họ là những người từ trong nền văn xuôi Nôm Công giáo xuất thân nên không bỡ ngỡ với văn xuôi Quốc ngữ”, “nên câu văn viết ‘trơn tuột như lời nói’ cũng là lẽ đương nhiên”. Điều này đã góp phần “xác định một phương diện trong quan niệm nghệ thuật của văn xuôi tự sự buổi đầu” và, đồng thời đưa đến hai thuận lợi lớn: “tạo nên được một cuộc cách mạng chóng vánh trong việc chối bỏ các phép từ chương học cổ truyền” và “càng đáng nói hơn nhiều, là sử dụng tiếng nói nôm na thì dù muốn hay không cũng góp phần giúp văn xuôi tự sự gia nhập vào đời sống thông tục, hay đúng hơn là gia nhập vào cái đang diễn ra hàng ngày trong sinh hoạt xã hội”(4). Nhờ mang nguồn gốc, bản chất thông tục của thể loại, tiểu thuyết và truyện ngắn trở thành thể loại tiên phong của xu hướng này. Có thể nói giữa khẩu ngữ và tính chất thông tục của nó có một sự tương hợp đặc biệt. Sự tương hợp ấy thể hiện rõ trong truyện ngắn Nam Bộ ở chất đời thường sinh động. Ngay từ tác phẩm thai nghén Kiếp phong trần (1882) của Trương Vĩnh Ký, phong cách khẩu ngữ đã xâm nhập vào trong tác phẩm được khai thác “như một chất liệu của ngôn ngữ nghệ thuật”(5). So với câu văn trong Chuyện đời xưa của chính ông trước đó 16 năm: “Và nói và giơ tay ra, dang cánh đánh một vả trên mặt ông huyện xửng vửng” đến câu văn trong Kiếp phong trần đã có những đổi khác, chuẩn xác hơn và trơn tuột hơn: “Con người ta ở đời như trời có ngày có đêm, hết vui tới buồn, buồn rồi lại vui, hết may tới tủi, hết vinh tới nhục…”. Trên con đường tiến tới một thứ ngôn ngữ trong sáng của dân tộc, những nỗ lực của Trương Vĩnh Ký ngày một được hậu thế ghi nhận. Tuy nhiên với Kiếp phong trần, tác giả còn sử dụng nhiều từ Hán Việt, đánh đồng lời nói giữa nhân vật này với nhân vật khác khiến người đọc không thể phân biệt sắc thái giọng điệu của từng nhân vật. Trong buổi đầu câu văn quốc ngữ, những hạn chế như trên là điều không thể tránh khỏi. Nhìn từ phương diện ngôn ngữ, truyện Thầy Larazo Phiền của Nguyễn Trọng Quản là một bước tiến lớn trong việc dùng khẩu ngữ trong sáng tác văn học. Trong tác phẩm này, tác giả không dùng câu văn biền ngẫu bóng bẩy mà thay vào đó là chủ trương “lấy tiếng mọi người hằng nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay, sau là làm cho dân các xưa biết rằng: người Annam sánh trí ngang tài thì cũng chẳng thua ai”. Chủ trương xây dựng câu văn xuôi theo hướng dân chủ hóa ngôn ngữ, đưa ngôn ngữ đời sống vào tác phẩm, làm cho câu văn trở nên giản dị dễ hiểu mà Nguyễn Trọng Quản đề ra là một sự lựa chọn táo bạo vào thời điểm đó. Nó trở thành xu hướng chính trong sáng tác của các nhà văn Nam Bộ sau này.

Đối với những cây bút phía Bắc thì sự quan tâm đến khẩu ngữ muộn hơn rất nhiều. Người tiên phong trong lĩnh vực này là Phạm Duy Tốn với ba tập truyện Tiếu lâm An Nam với bút danh Thọ An, xuất bản lần đầu năm 1912. Trần Văn Toàn đã chỉ ra “Con đường để Phạm Duy Tốn đến với khẩu ngữ là văn học dân gian”(6). Lối hành văn của Phạm Duy Tốn khi kể truyện dân gian đã khiến Nguyễn Công Hoan phải thán phục bởi sự “giản dị, gọn ghẽ, nhất là nhanh nhẹn lạ thường. Cái tính chất Việt Nam của nó còn vượt cả lối văn của nhiều anh em ta viết trong mấy năm nay”(7). Có lẽ vì vậy mà người đọc nhận thấy câu văn và lời văn của Phạm Duy Tốn so với những cây bút đương thời như Nguyễn Bá Học, Mân Châu tỏ ra sinh động hơn hẳn.



Nhìn vào truyện ngắn quốc ngữ giai đoạn giao thời, việc sử dụng lối văn khẩu ngữ không chỉ có ở những tác giả thời kỳ đầu mà còn ở những tác giả ở thời kỳ sau và ngày càng gần hơn với câu văn xuôi mang tính nghệ thuật thể hiện ở các cấp độ từ ngữ và câu văn. Ở cấp độ từ, các nhà văn đã biết phối hợp các tổ hợp từ làm nổi bật lên đối tượng phản ánh. Chẳng hạn khi muốn làm nổi bật lên “nhan sắc” của các nhân vật, họ dùng nhiều cặp tính từ đối lập so sánh rất có duyên: “Cái sắc đẹp của hai cô cái nào cũng đẹp, cô hai Kiều gương mặt tròn cái miệng có duyên song ít hay nói; cô ba Vân cặp mắt hữu tình, hàm răng nhỏ rít, sống mũi cao, phần đẹp, lấn hơn chị, song hơi ốm một chút” (Chọn đá thử vàng); đôi lúc, lại dùng nhiều từ láy làm nổi bật hơn tâm trạng của nhân vật trong truyện: “Trời còn mưa rỉ rả, trong nhà đèn tắc tối thui, đêm khuya không nghe tiếng gì khác hơn là tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà, tiếng người trăn trở và tiếng thở ra” (Xâu chìa khóa). Ở cấp độ câu văn là lối diễn đạt trong sáng không trúc trắc. Chúng ta không khó để bắt gặp trong truyện ngắn quốc ngữ Nam Bộ giai đoạn này những câu văn tả cảnh vừa hiện đại nhưng cũng mang đậm dấu ấn vùng miền như “Đêm nay ngọn gió thổi nã, mây bay vần vũ, trăng đương tỏ bỗng lu phút chúc trời tối đen ngửa bàn tay không thấy, gió bay qua, mưa tuông xuống, mưa càng to gió càng lớn, giữa tiếng ào ào cảnh trời đen mịt, lâu lâu nghe một tiếng sấm vang, một lằng điện chớp” (Trời Phật công bình), khi luận đàm ngôn ngữ cũng rất dí dỏm nhưng không kém phần sắc sảo: “Thầy Mười Trương còn trai trẻ, cặp con mắt của thầy thần tình lợi hại làm thế nào không rõ mà một chút màu gì xanh xanh hay đỏ đỏ là không qua được. Cặp con mắt của thầy ngó ngay vào cặp con mắt nào khác thì cặp con mắt ấy phải xụ mí xuống tức thời” (Gặp người gái đẹp), “Cậu Hai Bạch vừa mang bệnh vừa hết xu thời cô Ba cũng phải ứa nước mắt mà mời cậu Hai ra khỏi nhà! Tội nghiệp! Dẫu là một cậu một công tử ăn xài đúng bực, song trí còn phải thua đàn bà. Nhà cậu mua, xe cậu sắm, mà… là tên của cô Ba đúng” (Con ông Cả)… Mở rộng ngôn ngữ văn học về phía khẩu ngữ để đem lại sức năng động và khả năng tái hiện hiện thực như nó vốn có là một yêu cầu nghệ thuật không đơn giản, bao hàm nhiều cấp độ và chỉ được hoàn thiện trong một thời gian dài. Đúng như nhận định của Trần Văn Toàn: “…một trong những trở ngại của văn tự Hán là tính chất tử ngữ và vì thế ngôn ngữ trong những truyện ngắn và tiểu thuyết chữ Hán dường như thiếu hẳn màu sắc lịch sử cụ thể, nó không mang không khí, hơi thở của cuộc sống đường thời. Khẩu ngữ, trái lại, luôn gắn liền với một không - thời gian xác định bởi lẽ nó gắn liền với cách sử dụng ngôn ngữ của từng hạng người khác nhau trong xã hội ở một thời điểm cụ thể. Nếu như cái thông tục đời thường là thuộc tính gắn liền với khẩu ngữ thì tính lịch sử - cụ thể của nó lại phụ thuộc và tài năng khám phá và khai thác của người cầm bút”(8). Về phương diện này, những đóng góp của các nhà văn Nam Bộ cho quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam thế kỷ XX là không thể chối cãi.

Mặt khác, chính việc sử dùng khẩu ngữ đã giúp các nhà văn [nhất là các cây bút tân học] thập niên 20-30 của thế kỷ XX gần như thoát khỏi tình trạng sử dụng tràn lan từ ngữ, cấu trúc câu Hán Việt. Yếu tố này thể hiện đầu tiên ở cách đặt nhan đề tác phẩm. Khảo sát qua trường hợp tiêu biểu là Trần Quang Nghiệp ở 33 truyện ngắn(9), chúng tôi thấy: về nhan đề của truyện, đa phần đã thuần Việt (Nông nỗi vì đâu, Tấm hình của ai? Lòng người khó viết, Gặp người bạn cũ…); về từ Hán Việt, qua 33 tên truyện chỉ có 4 truyện sử dụng, chiếm 1,2% nhưng đều là những từ tương đối thuần Việt: phụ nghĩa, thuyền quyên, công bình, can đảm.

Nói tóm lại, đặt trong bối cảnh chung cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi ngôn ngữ văn chương tiếng Việt chỉ là những thể nghiệm đầu tiên mới thấy hết ý nghĩa trong những đóng góp của các cây bút truyện ngắn quốc ngữ Nam Bộ giai đoạn này. Họ trực tiếp góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngôn ngữ văn học, đã “đào luyện được nhiều ngọn bút tài tình trong những bạn trí thức của tân học, cựu học mà đem vô cho văn giới, báo giới biết bao nhiêu kiện tướng tinh binh”(10). Tuy nhiên, những hạn chế cũng là điều không tránh khỏi. Khoảng hai thập niên sau, với thế hệ các nhà văn Tân học trẻ tuổi, câu văn xuôi mới tiến gần đến sự hoàn thiện. Mặt khác, các nhà văn Nam Bộ đã góp phần làm phong phú hơn ngôn ngữ văn học dân tộc bằng phong cách ngôn ngữ đậm dấu ấn vùng sông nước Cửu Long. Trong những năm đầu thế kỷ, với công lao khai phá mở đường, các cây bút truyện ngắn Nam Bộ đã có nhiều đóng góp đáng kể trong việc làm giàu cho từ ngữ văn học, góp phần tạo dựng sự hoàn thiện câu văn xuôi ở giai đoạn sau.

--------------------------

(1) Phan Mạnh Hùng (2013): Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến 1932, LATS Ngữ văn, trường ĐHKHXH&NV TP. Hồ Chí Minh, tr.191-192.

(2) Thanh Lãng (1958): Biểu nhất lãm văn học cận đại, Tự do xuất bản, Sài Gòn, tr.78.

(3) (5) (6) (8) Trần Văn Toàn (2009): “Tả thực” với hiện đại hóa văn xuôi quốc ngữ giai đoạn giao thời, LATS Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tr.151, 152, 152-153, 157.

(4) Nguyễn Huệ Chi (2002): “Thử tìm vài đặc điểm của văn xuôi tự sự Quốc ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu”, Tạp chí Văn học, số 5, tr.15.

(7) Nguyễn Công Hoan (1971): Đời viết văn của tôi, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.334.

(9) Chúng tôi khảo sát trong cuốn Trần Quang Nghiệp - Cây bút truyện ngắn xuất sắc Nam Bộ đầu thế kỷ XX, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2013.

(10) Nguyễn Văn Trung (1987): Truyện đầu tiên viết theo lối Tây phương: Truyện “Thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản (bản in ronéo), trường Đại học sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, tr.113.

-------------------------------------------



Địa chỉ: TS. Trần Văn Trọng - Phòng Văn học Việt Nam cận hiện đại – Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam – Số 20 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

ĐT: 0916 983 359 Email: tranvantrong9683@gmail.com


-----------------------------------------------------------------------------

Каталог: files
files -> Sạt-đe rằng: Nầy là lời phán của Đấng có bảy vì thần Đức Chúa Trời và bảy ngôi sao
files -> HƯỚng dẫn càI ĐẶt và SỬ DỤng phần mềm tạo bài giảng e-learning
files -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
files -> ĐẠi học quốc gia hà NỘi trưỜng đẠi học khoa học tự nhiên nguyễn Thị Hương XÂy dựng quy trình quản lý CÁc công trìNH
files -> PHỤ LỤC 2 TỔng hợp danh mục tài liệu tham khảO
files -> BÁo cáo quy hoạch vùng sản xuất vải an toàn tỉnh bắc giang đẾn năM 2020 (Thuộc dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học ) Cơ quan chủ trì
files -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
files -> 1. Mục tiêu đào tạo: Mục tiêu chung

tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương