Bến Tre là một trong 13 tỉnh thành của đồng bằng sông Cửu Long được hình thành bởi 3 cù lao lớn: An Hoá, Bảo, Minh do phù sa của bốn nhánh sông Cửu Long (sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên) bồi tụ qua nhiều thế kỷ


Một số dự án khác liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng



tải về 2.07 Mb.
trang7/16
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích2.07 Mb.
#30676
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   16

6. Một số dự án khác liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng

6.1. Dự án thích ứng với Biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái


Năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) xây dựng Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái tại Bến Tre với tổng kinh phí là 146.700 USD, trong đó WWF tài trợ 126.700 USD. Thời gian thực hiện 2 năm (2011 – 2012). Mục tiêu của Dự án là tăng cường khả năng chống chịu các tác động của biến đổi khí hậu ở tỉnh Bến Tre thông qua các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái tự nhiên. Dự án lựa chọn 3 điểm trình diễn khác nhau tại xã Thừa Đức (huyện Bình Đại), An Thuỷ (huyện Ba Tri) và Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) để điều tra, đánh giá sự tổn thương trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái theo các điều kiện hiện tại của từng điểm.

Các hoạt động cụ thể của dự án như xây dựng các mô hình phục hồi rừng ở các khu vực ven biển bị suy thoái và tàn phá do sóng biển, cát tràn… xây dựng các mô hình canh tác bền vững, đa mục tiêu như trồng rừng kết hợp nuôi thuỷ sản (tôm, cá nâu, cua, sò huyết…); xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững. Đồng thời thiết lập khung quản lý phù hợp, có hệ thống giám sát để đánh giá tính hiệu quả của các giải pháp thích ứng đã được thực hiện.

Dự án triển khai thực hiện dự kiến sẽ giúp cho chính quyền và người dân hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng và tầm quan trọng của các hệ sinh thái tự nhiên trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, các mô hình để thử nghiệm các giải pháp thích ứng tại các xã để triển khai nhân rộng sau này, nhất là việc lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch và các dự án của ngành sau này.

6.2. Dự án xây dựng khu bảo tồn sân chim Vàm Hồ (huyện Ba Tri)


Dự án được xây dựng với diện tích 67,7 ha ở khu vực cửa sông Ba Lai với thảm thực vật tự nhiên là chà là, đước, dừa nước, lau, sậy... phân bố trên một hệ thống kênh rạch chằng chịt, đây là những sinh cảnh thích hợp cho các chủng loại cò, vạc... tụ về làm tổ và sinh sản.

Theo kết quả điều tra, hiện có 7 loài chim có số lượng đông nhất. Trong các lùm cây bụi hay gần mé nước còn có các loại chim quốc ngực trắng, trích, cúm núm, chàng nghịch, bìm bịp lớn, bìm bịp nhỏ, thằng chài, chẽo chụt, bông lau, chích choè, chèo bẻo đuôi cờ...

Dự án sẽ phát triển thêm diện tích rừng của khu vực để tạo điều kiện duy trì và phát triển quần thể các loài chim kết hợp với việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển loại hình du lịch sinh thái ở phía ven biển Bến Tre.

6.3. Dự án đầu tư phát triển khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước ở huyện Thạnh Phú


Dự án có quy mô là 3.447,6 ha, ngoài ra có vùng đệm ven biển là 1.808,5 ha và vùng đệm trên đất liền là 1.613,4 ha. Dự án nằm trên địa bàn 3 xã An Điền, Thạnh Phong và Thạnh Hải. Khu vực rừng ngập mặn này là vùng đất ngập nước độc đáo ở cửa sông Cửu Long – nơi đã được ghi nhận là vị trí quan trọng trong thư mục các vùng đất ngập nước của các nước Đông Nam Á. Các đặc điểm của hệ sinh thái đất ngập nước ở Thạnh Phú khá tiêu biểu cho vùng sinh thái cửa sông Cửu Long với những nét khác biệt so với các vùng đất ngập nước ven biển khác ở đồng bằng sông Cửu Long.

Các loài thực vật và thuỷ sinh vật ở đây khá phong phú, gồm nhiều chủng loại đặc trưng của môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn, là nơi phát triển các loài cây tiên phong, ưu thế của hệ thực vật sống trong môi trường nước lợ, có độ mặn thấp.

Rừng ngập mặn ở vùng cửa sông Cửu Long có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì cân bằng sinh thái ở vùng cửa sông (nơi giao lưu giữa đất liền và biển cả). Rừng ngập mặn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, cung cấp nguồn giống động vật và thực vật, bảo vệ bờ biển, hỗ trợ quá trình phát triển bền vững của vùng ven biển, làm sạch môi trường nước, không khí, hạn chế sự lan truyền nước mặn vào sâu trong nội đồng. Sự tồn tại và phát triển của rừng ngập mặn nơi cửa sông Cửu Long có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của tỉnh Bến Tre nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

6.4. Dự án Di tích lịch sử đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam


Trong hai cuộc kháng chiến, rừng ngập mặn Thạnh Phú và Bình Đại là căn cứ địa của tỉnh, của lực lượng vũ trang miền, là đầu cầu tiếp nhận vũ khí chi viện từ Trung ương cho chiến trường Nam Bộ. Riêng rừng Thạnh Phú giữ vị trí đầu cầu tiếp nhận vũ khí của đường Hồ Chí Minh trên biển trong nhiều năm liền.

Ngày 23/12/1995, Bộ Văn hoá – Thông tin đã có Quyết định số 3777-QĐ/BT công nhận khu rừng xã Thạnh Phong là "Di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc Nam" thời kháng chiến chống Mỹ.

Việc xây dựng và thực hiện dự án đầu tư phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên vùng đất ngập nước Thạnh Phú có một ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo vệ một mẫu sinh cảnh độc đáo và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học vùng cửa sông, đồng thời cũng để bảo vệ một khu di tích lịch sử mang đậm tinh thần yêu nước bất khuất của nhân dân một vùng đất kiên cường trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Việc duy trì và bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên vùng đất ngập nước này còn phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch sinh thái.

6.5. Dự án ứng phó với biến đổi khí hậu do Chính phủ Phần Lan tài trợ


Tháng 8 năm 2011, Đại sứ quán Phần Lan phối hợp với Trung tâm Hợp tác phát triển nguồn nhân lực (C&D) ký kết và khởi động dự án hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu ở hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh. Dự án được thực hiện trong 2 năm với tổng kinh phí 160.625 Euro [3].

Dự án thành lập một trung tâm truyền thông cứu hộ cấp cơ sở (đặt tại Bến Tre) và 2 trạm thông tin (đặt tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre và xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh). Các hoạt động chính của dự án gồm nâng cao năng lực hỗ trợ cộng đồng cho các tổ chức phi chính phủ, cải thiện năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích trực tiếp cho 3.000 người dân địa phương của 2 tỉnh.

Trong khuôn khổ dự án, các thành viên tổ chức phi chính phủ đào tạo bằng các lớp huấn luyện cung cấp thông tin, nâng cao năng lực truyền thông để ứng phó với những biến đổi bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, dự án còn đối thoại vận động chính sách về biến đổi khí hậu hỗ trợ người nghèo ở 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.

6.6. Chương trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Bến Tre


Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường và di sản văn hoá, đảm bảo phát triển bền vững và an ninh quốc phòng trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã quyết định phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp từ nay đến năm 2020.

Tổng kinh phí đầu tư cho công tác quản lý, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 62.442,030 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư khẩn cấp từ năm 2010 – 2015 là 26.371,922 tỷ đồng.

Mục tiêu chung của kế hoạch là huy động mọi nguồn lực sẵn có của địa phương, nguồn vốn cấp phát của Chính phủ, vận động và kêu gọi nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài nước.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là đến năm 2015 có trên 80% số dân thuộc các xã, vùng thường xuyên bị thiên tai và đến năm 2020 toàn bộ cộng đồng dân cư được phổ biến kiến thức về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến năm 2015, tỉnh phấn đấu cơ bản hoàn thành di dời dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, sạt lở bờ sông và vùng ven sông rạch…

Cuối năm 2010, tỉnh mở 2 lớp tập huấn công tác phòng, chống lụt bão cho cán bộ cấp huyện, xã (cấp huyện: trưởng, phó ban phòng chống lụt bão và chuyên viên thống kê; cấp xã: chủ tịch UBND và xã đội trưởng), xây dựng phim hướng dẫn nhân dân xây nhà giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, khởi công xây dựng 3 ụ tránh bão cho tàu cá, xây dựng kế hoạch phòng, chống động đất, sóng thần.

Các dự án trên đây có các hoạt động hỗ trợ đắc lực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn của tỉnh. Việc lồng ghép và tăng cường sự phối hợp giữa các dự án sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ rừng, đồng thời cải thiện các nhận thức của cộng đồng và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.



7. Đánh giá kết quả của các hoạt động bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng

Dự án 661 với hình thức giao khoán đã tạo công ăn việc làm cho trên 800 hộ. Người dân được hưởng các chi phí trồng rừng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng theo suất đầu tư nhà nước quy định.

Thông qua công tác tỉa thưa rừng, từ năm 2000 đến 2009 toàn tỉnh đã triển khai cho 150 hộ dân tỉa thưa được 554 ha rừng đước. Vận dụng chính sách hưởng lợi theo Quyết định số 178/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mỗi hộ dân được hưởng lợi đến 90% từ tiền bán sản phẩm cây rừng, bình quân thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/hộ.

Ngoài ra, người dân còn được sử dụng 30 – 40% diện tích đất trống để nuôi thuỷ sản và được hưởng toàn bộ thành quả từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản kết hợp trong rừng, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần hạn chế đốn phá rừng, quản lý bảo vệ rừng tốt hơn.

Tài nguyên rừng của Bến Tre chủ yếu là rừng ngập mặn, trồng với mục đích phòng hộ là chính. Mặc dù diện tích không nhiều nhưng nó có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường như: làm sạch môi trường (nước, không khí); chống xói lở bờ sông, bờ biển; cố định và đẩy nhanh tốc độ bồi tụ, góp phần mở rộng thêm diện tích sản xuất; là nơi cư trú và sinh sản của các loài thuỷ hải sản; giữ cân bằng hệ sinh thái vùng cửa sông, ven biển; hạn chế sự xâm nhập mặn sâu vào đất liền... Từ năm 1998 đến 2009, tỉnh đã tổ chức trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng thêm, đã nâng diện tích rừng của tỉnh lên 3.842 ha, nâng độ che phủ từ 1,2% lên 1,63% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong vùng quy hoạch lâm nghiệp, nâng độ che phủ từ 27% (1998) lên 49% (2009). Thông qua thực hiện dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc quản lý và bảo vệ rừng.

7.1. Những kết quả đạt được

Qua 13 năm thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, tỉnh Bến Tre cơ bản đã hoàn thành các mục tiệu, nhiệm vụ đã đặt ra. Dự án đã làm tăng hiệu quả bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng và phát huy hiệu quả chức năng 3 loại rừng, góp phần ổn định môi trường sinh thái cho khu vực và duy trì một hệ sinh thái đặc trưng của vùng, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhân dân các xã khó khăn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Tổng diện tích rừng trồng mới từ dự án đạt 921 ha thành rừng, diện tích khoanh nuôi đạt 366 ha thành rừng đã góp phần tăng thêm 0,55% độ che phủ trong tỉnh tại thời điểm kết thúc dự án, góp phần nâng diện tích có rừng của tỉnh lên 3.842 ha. Hình thành độ che phủ của rừng trong tỉnh đạt 1,63%, qua đó phát huy vai trò chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân vùng dự án.

Thông qua thực hiện dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc quản lý và bảo vệ rừng.

Công tác trồng rừng phòng hộ ven biển được tiến hành thường xuyên và có hiệu quả, chất lượng rừng trồng ngày càng được nâng cao.

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo ra việc làm cho khoảng 800 hộ gia đình trong việc tham gia các hoạt động của dự án như: trồng, chăm sóc, khoanh nuôi, nhận khoán quản lý bảo vệ rừng... trong suốt thời kỳ 13 năm của dự án. Thông qua công tác tỉa thưa rừng, từ năm 2000 đến 2009 có 150 hộ dân tham gia công tác tỉa thưa rừng đước được 554 ha.

Vận dụng chính sách hưởng lợi theo Quyết định số 178/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mỗi hộ dân được hưởng lợi đến 90% từ tiền bán sản phẩm cây rừng, bình quân thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/hộ. Thông qua công tác tỉa thưa và khai thác rừng đã tạo công ăn việc làm, cung cấp một phần nhu cầu gỗ, củi và góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng.

Nhận thức của cộng đồng dân cư về lợi ích nhiều mặt của rừng ngày càng được nâng cao. Rừng và đất rừng đã được giao khoán, giao quyền sử dụng cho các tổ chức, tập thể, cá nhân và hộ gia đình quản lý bảo vệ và khai thác sử dụng.

7.2. Một số tồn tại

Nhận thức về vai trò, chức năng và giá trị của rừng đối với tính bền vững môi trường còn hạn chế, chưa đánh giá đúng các giá trị môi trường của rừng đem lại trong cộng đồng nên chưa có sự đầu tư đúng mức của các thành phần kinh tế, một số diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp đã giao quyền sử dụng cho hộ gia đình, nhưng hộ gia đình chưa chủ động trong quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Diện tích rừng hàng năm có tăng nhưng không nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như mục tiêu đã đề ra.

Ý thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của một bộ phận dân cư còn kém nên còn xảy ra hiện tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để nuôi tôm, khai thác lâm đặc sản (khai thác sâm đất).

Năng suất, chất lượng rừng thấp do việc ứng dụng các tiến bộ khoa học trong khâu giống, cải tạo rừng…

Tác động của ngành lâm nghiệp trong công tác xoá đói, giảm nghèo còn hạn chế; thu nhập từ nghề rừng còn thấp và không ổn định.



7.3. Nguyên nhân tồn tại

Nhận thức về lợi ích của rừng chưa thật sự đầy đủ, chưa đánh giá đúng các giá trị môi trường của rừng đem lại trong cộng đồng nên chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức của các thành phần kinh tế.

Diện tích đất từng hộ ít (0,5 đến 3 ha) và manh mún; chính sách đầu tư để trồng và quản lý bảo vệ rừng thấp (10 triệu đồng/ha/4 năm; khoán quản lý bảo vệ 100.000 đồng/ha/năm) và lợi nhuận từ việc kinh doanh rừng thấp, chu kỳ kinh doanh cây rừng dài (từ 5 – 10 năm mới có thu hoạch) cho nên không hấp dẫn người dân so với nuôi trồng thuỷ sản.

Công tác giao đất, giao rừng triển khai thực hiện chậm do sự hướng dẫn giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành Tài nguyên – Môi trường có những điểm chưa nhất quán (hiện nay tỉnh đang hoàn chỉnh đề án giao đất giao rừng).

Diện tích quy hoạch để phát triển rừng, nhất là vùng phòng hộ rất xung yếu còn có những vuông tôm mà hiện tại khó có thể vận động người dân trồng rừng phủ kín được; trên đất giồng cát dọc ven biển người dân đang trồng cây màu (dưa hấu, củ sắn) hiệu quả kinh tế cao, nếu trồng rừng phòng hộ phủ kín thì chi phí trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng hàng năm người dân không đủ sống. Mặt khác địa phương cũng không có quỹ đất khác chuyển đổi cho dân để lấy đất trồng rừng.

Do điều kiện vùng quy hoạch lâm nghiệp trải dài dọc ven biển (65 km), địa hình chia cắt bởi nhiều sông rạch nhưng lực lượng quản lý bảo vệ rừng mỏng, cán bộ lâm nghiệp cấp huyện và xã thiếu so với yêu cầu nên cũng gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Công tác khuyến lâm còn hạn chế. Chưa đáp ứng được nhu cầu hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, tuyên truyền giáo dục về rừng.

7.4. Bài học kinh nghiệm

Sự quan tâm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, sự đồng thuận của các thành viên Ban điều hành dự án và Ban quản lý dự án của tỉnh là yếu tố quyết định cho sự thành công trong tổ chức thực hiện.

Công tác tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách để các cấp, các ngành đặc biệt trong cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức tầm quan trọng của rừng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao trách nhiệm để chỉ đạo, tổ chức thực hiện dự án làm cho người dân thấy rõ tác dụng và lợi ích của rừng, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ để tích cực tham gia dự án là hết sức quan trọng.

Cần nghiên cứu cơ chế của chính sách giao khoán đất rừng theo Nghị định 135 hiện nay theo hướng phù hợp với Luật đất đai và đảm bảo tính pháp lý để người dân có thể dùng hợp đồng khoán vay được tiền ngân hàng phục vụ công tác quản lý rừng hoặc có thể mở rộng sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài.

Công tác tổ chức bộ máy quản lý dự án ở cơ sở phải được hình thành đầy đủ theo vùng địa lý, phân công chặt chẽ và theo hướng có từ 2 – 3 cán bộ chuyên trách ở Ban quản lý các cấp nhằm tăng cường trách nhiệm của người quản lý dự án trong việc chỉ đạo thực hiện, kiểm tra giám sát, nghiệm thu thành quả và kể cả việc quản lý, lưu trữ hồ sơ dự án. Uỷ ban nhân dân cấp huyện, xã không nên kiêm nhiệm Ban quản lý dự án cơ sở.

Phải có sự nhất quán ngay từ đầu các quy chuẩn, quy định về hồ sơ thiết kế, mẫu biểu báo cáo đánh giá kết quả thực hiện dự án định kỳ hàng năm nhằm giúp cho việc sơ, tổng kết dự án được nhanh chóng, chính xác, khoa học. Dự án 661 là một dự án lớn, thực hiện trong một thời gian dài nhưng do chưa làm tốt các việc trên nên dẫn đến công tác tổng kết, kiểm chứng, đánh giá kết quả do dự án mang lại sau khi kết thúc gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí và thời gian nhưng tính chính xác lại rất hạn chế.

Kết thúc dự án 661, diện tích rừng trồng phòng hộ, đặc dụng của tỉnh đạt 920,9 ha, rừng phòng hộ giao khoán bảo vệ bình quân 2.513 ha/năm, trên 12 km kênh mương phục vụ dự án, 1 nhà làm việc, 10 trạm bảo vệ rừng, 128 m2 phòng học, 4 km đường lâm nghiệp, 4 km đường điện, 2 cầu, gần 30 ha rừng giống, hệ thống biển báo… được đầu tư xây dựng đã góp phần tích cực vào việc quản lý bảo vệ rừng, cải thiện môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Để bảo vệ những diện tích rừng trồng, rừng bảo vệ sau khi kết thúc dự án 661 thì nhà nước cần quan tâm tiếp tục đầu tư kinh phí chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trong giai đoạn 5 năm kế tiếp nhằm duy trì hệ thống rừng đã được tạo lập từ dự án đồng thời xác lập chủ thể quản lý sử dụng các diện tích rừng này đến hộ gia đình, tổ chức theo đúng pháp lý luật đất đai nhằm thúc đẩy xã hội hoá nghề rừng đối với các diện tích rừng tạo ra từ dự án để người dân an tâm đầu tư công sức, tiền bạc trong việc quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông - lâm kết hợp, có cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi… nhằm bảo vệ, sử dụng rừng có hiệu quả thời kỳ hậu dự án 661.




tải về 2.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương