BỘ giáo dục và ĐÀo tạo bộ y tế viện dinh dưỠng trưƠng hồng sơn hiệu quả can thiệp cộng đỒng bằng bổ sung sớM


Hiệu quả của bổ sung đa vi chất lên tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ mang thai



tải về 1.24 Mb.
trang15/15
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích1.24 Mb.
#27556
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15

4.2.2 Hiệu quả của bổ sung đa vi chất lên tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ mang thai

Cũng tương tự như ở nhóm phụ nữ 18-35 tuổi, bổ sung đa vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai đã không nhận thấy sự thay đổi về các chỉ tiêu nhân trắc.

Cân nặng trung bình của nhóm can thiệp tại điều tra ban đầu là 49,0 kg và nhóm đối chứng là 50,7kg, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm với p<0,001, T test. Ở thời điểm điều tra đánh giá, cân nặng trung bình nhóm can thiệp là 49,2kg, nhóm đối chứng là 50,5kg, vẫn tồn tại sự khác biệt giữa hai nhóm có ý nghĩa thống kê. Chênh lệch cân nặng trước và sau can thiệp của nhóm can thiệp là 0,2kg ở nhóm can thiệp và -0,2kg ở nhóm đối chứng là không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Ở điều tra ban đầu, trung bình chiều cao ở nhóm can thiệp là 150,5cm và nhóm chứng là 150,3cm, sự khác biệt là không có ý nghĩa thống kê. Chiều cao sau can thiệp của hai nhóm lần lượt là 150,3 và 150,4cm cũng không khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm và chiều cao chênh lệch của hai nhóm trước và sau can thiệp cũng không có ý nghĩa thống kê khi so sánh trong từng nhóm và giữa hai nhóm với nhau (p .0,05, T test).

Hiệu quả của bổ sung đa vi chất liều hàng ngày lên nhóm phụ nữ có thai đã thấy được sự tăng lên có ý nghĩa thống kê ở nhóm can thiệp ở tất cả các chỉ số về sinh hóa.

Trung bình nồng độ hemoglobin tăng từ 111,5 lên 117,1 g/l, mức chênh lệch trước và sau can thiệp đạt 5,6g/l có ý nghĩa thống kê với p<0,001 trong khi ở nhóm đối chứng trung bình hàm lượng hemoglobin trước và sau can thiệp là 114,2g/l và 114,5 g/l, sự thay đổi là không có ý nghĩa thống kê. Ở điều tra trước can thiệp không có sự khác biệt giữa 2 nhóm can thiệp và đối chứng về nồng độ hemoglobin, nhưng ở điều tra sau can thiệp thì sự khác biệt là có ý nghĩa thống kê, cao hơn ở nhóm can thiệp một cách có ý nghĩa thống kê với p<0,001, T test và trung bình chênh lệch trước sau giữa hai nhóm cũng có sự khác biệt (5,6g/ l và 0,3g/l) có ý nghĩa thống kê với p <0,001, T test.

Sự thay đổi của trung bình nồng độ hemoglobin một cách rõ rệt trong khi ở nhóm phụ nữ 18-35 tuổi lại không nhận thấy hiệu quả ở chỉ số này có thể đến từ sự khác biệt về tần xuất bổ sung hàng ngày (ở nhóm phụ nữ mang thai) so với hàng tuần (ở nhóm phụ nữ 18-35 tuổi). Vai trò tổng hợp hiệu quả của cả sắt và các vitamin, khoáng chất trong viên đa vi chất đã phát huy cao hơn các tác dụng từ tăng cường hấp thu, tăng cường sử dụng sắt dự trữ và tăng tổng hợp hồng cầu, thể hiện bởi hàm lượng hemoglobin đã tăng đáng kể.

Ở các chỉ số về tình trạng vi chất dinh dưỡng khác cũng đã có những cải thiện tăng lên ở nhóm can thiệp.

Trung bình chỉ số ferritin huyết thanh nhóm đối chứng từ 30,6 μg/L ở điều tra trước can thiệp thì đến điều tra sau can thiệp là 30,0 μg/L, trong khi đó ở nhóm can thiệp nồng độ này tăng từ 30,6 μg/L lên 33,2 μg/L. Ở điều tra trước can thiệp nồng độ ferritin huyết thanh là tương đương giữa hai nhóm, trong khi đó ở điều tra sau can thiệp nhóm can thiệp đã cao hơn so với nhóm đối chứng có ý nghĩa thống kê với p<0,001, T test.

Trung bình nồng độ kẽm huyết thanh cũng diễn biến tương tự với sự tương đương ở điều tra ban đầu giữa hai nhóm (9,87 μg/L ở nhóm can thiệp và 9,96 μg/L ở nhóm đối chứng), sau can thiệp trung bình nồng độ kẽm của nhóm can thiệp cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm chứng (10,95 μg/L ở nhóm can thiệp và 9,10 μg/L ở nhóm đối chứng). Chênh lệch trước và sau can thiệp ở nhóm can thiệp là 1,08 μg/L trong khi ở nhóm đối chứng là -0,86 μg/L, sự chênh lệch này là có ý nghĩa thống kê với p<0,001, T test. Hàm lượng kẽm đã tăng hơn 10% (trung bình hàm lượng kẽm trong huyết thanh tăng từ 9,87 lên 10,95) ở nhóm can thiệp và đó là những lợi ich mà nếu bổ sung sắt thì không có hiệu quả hoặc có hiệu quả rất hạn chế (55).

Với thành phần của viên đa vi chất có bao gồm kẽm thì hiệu quả của việc bổ sung kẽm cho phụ nữ có thai mang lại một số ưu điểm, đặc biệt cho những người có chế độ ăn nghèo kẽm có hoạt tính sinh học cao như gặp ở những người ăn chế độ ăn thực vật hoặc những nơi mọi người ăn nhiều thức ăn có hàm lượng cao phytates như của Việt nam. Vì việc xác định từng cá thể nào đang ở nguy cơ thiếu kẽm rất khó trên diện rộng, người ta khuyến nghị bổ sung kẽm liều thấp (10 mg/ngày) là rất nên tiến hành ở phụ nữ có thai, kể cả những người có chế độ ăn đầy đủ như các nước đã phát triển. Thành phần đa vi chất được sử dụng trong nghiên cứu này là 15mg trong khi nhu cầu của phụ nữ mang thai là từ 11-20mg/ ngày vì thế đã đáp ứng gần như đầy đủ nhu cầu hàng ngày và tăng đáng kể hàm lượng kẽm huyết thanh của nhóm can thiệp.

Trung bình hàm lượng retinol huyết thanh cũng có sự thay đổi rõ rệt ở nhóm can thiệp. Tại điều tra ban đầu, 2 nhóm can thiệp và đối chứng có hàm lượng trung bình lần lượt là 0,79 và 0,78 μmol/L và sự khác biệt là không khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tại thời điểm sau can thiệp, trung bình nồng độ ở nhóm can thiệp tăng lên mức 0,81 μmol/L trong khi ở nhóm đối chứng là 0,77 μmol/L, khác nhau có ý nghĩa thống kê giữa hai nhóm và trong nhóm can thiệp với p<0,001.

Hiệu quả của vitamin A đối với những trường hợp nguy cơ thiếu máu đã được ghi nhận ở nhóm phụ nữ có thai. Panth và cộng sự đã quan sát được sự tăng lên của nồng độ Hb có ý nghĩa thống kê nhưng thoáng qua ở 26-28 tuần thai ở phụ nữ Ấn độ bổ sung 1800 mg RE cộng với 60 mg sắt hàng ngày -1 so sánh với bổ sung sắt đơn độc [84]. Ở Indonesia, phụ nữ có thai 3 tháng giữa bị thiếu máu được bổ sung 2400 mg RE vitamin A, uống sắt, vitamin A cộng với sắt, hoặc nhóm chứng hàng ngày trong 8 tuần [109]. Trung bình nồng độ Hb tăng được 6, 10 và 15 g l-1 theo tỷ lệ thiếu máu giảm được 23%, 62% và 98% trong 3 nhóm điều trị, tương ứng theo thứ tự trên, điều này gợi ý rằng khoảng một phần tư tỷ lệ thiếu máu trong quần thể này có thể được phòng chống chỉ bằng vitamin A đơn độc. Kết hợp vitamin A và sắt tăng các giá trị sắt huyết thanh và transferrin bão hòa và hiệu quả với phòng chống thiếu máu nhiều hơn bổ sung một loại vi chất đơn độc.

Có thể thấy rằng kết quả của nghiên cứu này đã nhận thấy rõ hiệu quả của bổ sung đa vi chất lên các chỉ số thiếu máu và hàm lượng các vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin A. Thông thường hiệu quả này cũng được nhận thấy ở nhiều nghiên cứu thử nghiệm hiệu lực (efficacy study) viên đa vi chất dinh dưỡng, nhưng hiệu quả can thiệp cộng đồng (effectiveness study) đạt được trong nghiên cứu này ở mức tương đương với các thử nghiệm hiệu lực kể trên là điểm đáng lưu ý, một nhận xét bước đầu có thể được đưa ra là nếu can thiệp được tiến hành trong dài hạn thì hiệu quả của can thiệp thực tế trên cộng đồng sẽ tiến đến gần một tiệm cận với các giá trị hiệu lực lý thuyết.

Như vậy có thể thấy với các cộng đồng tồn tại thiếu nhiều loại vi chất dinh dưỡng như các vùng nghiên cứu thì nếu bổ sung viên đa vi chất dài hạn có thể đem lại các hiệu quả tích cực tương đương về cải thiện tình trạng thiếu máu, thiếu sắt và bên cạnh đó chúng ta còn có thể thu được những lợi ích hơn về cải thiện các vi chất dinh dưỡng quan trọng khác như kẽm và vitamin A.

Trong nhiều năm qua, tổ chức y tế thế giới đã đưa ra các khuyến nghị chính thức về việc sử dụng viên sắt/ acid folic như là một giải pháp can thiệp đơn giản và kinh tế trong giảm tỷ lệ thiếu máu ở các nước đang phát triển. Với hàm lượng 60mg sắt nguyên tố trong thành phần, liều bổ sung hàng tuần cho phụ nữ tuổi sinh đẻ đã được áp dụng trong nhiều can thiệp cộng đồng và đã đem lại hiệu quả trong việc tăng nồng độ hemoglobin, hàm lượng ferritin huyết thanh 115. Tuy nhiên câu hỏi về việc giảm liều sắt trong thành phần bổ sung vẫn tiếp tục được đặt ra với những lợi ích về giảm phản ứng phụ, giảm khả năng nhiễm trùng thông qua giảm oxy hóa (ví dụ nồng độ tăng malnodialdehyde (MDA) và gây ức chế cho các hoạt động enzyme oxy hóa [52].

Thực tế, nồng độ sắt tự do cao có thể kích thích tăng sản xuất gốc tự do thông qua các phản ứng Fenton và Haber-Weiss [35] [52]. Do vậy, khi điều trị cho bệnh nhân thiếu sắt, việc kết hợp sắt và các vitamin A, C và E để tăng cường hiệu quả bằng cách bình thường hóa các vấn đề oxy hóa [32].

Xu hướng bổ sung đa vi chất (multi-micronutrients) cho các đối tượng nguy cơ cao đang có xu hướng được xem xét đến, thay vì bổ sung các vi chất đơn lẻ như trước đây. Việc bổ sung đa vi chất theo những cách khác nhau đã được khuyến nghị như một trong những giải pháp thiết thực để giải quyết tình trạng thiếu máu dinh dưỡng hiện nay thường do nguyên nhân thiếu nhiều loại vi chất cùng lúc chứ không phải chỉ thiếu đơn lẻ một vi chất. Bên cạnh đó việc bổ sung đa vi chất trong phòng chống thiếu máu có thể tăng hiệu quả điều trị nhờ kết hợp một số loại vi chất cùng với nhau sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị nhờ tác dụng tương hỗ tích cực của các vi chất với nhau. Nghiên cứu này chưa có điều kiện đánh giá hàm lượng của các vitamin như vitamin C, vitamin B2, folic acid, vitamin B12, Vitamin E... nên chưa thể đánh giá hết được những hiệu quả đầy đủ của bổ sung đa vi chất, tuy nhiên có thể thấy các vitamin này có thể đã có các vai trò phối hợp phản ánh trong những chỉ tiêu quan trọng là hemoglobin, ferritin, kẽm huyết thanh và retinol huyết thanh.

Kết quả của nghiên cứu này cho thấy có thể có hiệu quả ngay cả khi sử dụng đa vi chất với hàm lượng sắt trong thành phần/ viên là 30mg.

Sắt là một trong những vi chất dinh dưỡng có tỷ lệ hấp thu thấp trong khoảng từ 5-15% tùy theo mức độ thiếu trong cơ thể, dạng sắt có trong thực phẩm và các vi chất đi kèm với vai trò tăng cường hay ức chế hấp thu….

Vì vậy có thể lý giải kết quả của và các vi chất đi kèm trong viên đa vi chất dinh dưỡng đã tăng cường tỷ lệ hấp thu sắt và đem lại những hiệu quả cao việc tăng lên nồng độ hemoglobin và ferritin huyết thanh trong kết quả nghiên cứu.

4.3 TÍNH CHẤP NHẬN – KHẢ THI VÀ BỀN VỮNG CỦA BỔ SUNG VIÊN ĐA VI CHẤT DINH DƯỠNG



4.3.1 Hệ thống cung cấp viên đa vi chất dinh dưỡng

Theo dõi về qui trình cấp phát thuốc đa vi chất dinh dưỡng cũng được quan tâm xem xét trong nghiên cứu này. Qui trình hiện nay là viên đa vi chất dinh dưỡng được chuyển trực tiếp từ Viện Dinh Dưỡng đến 28 trung tâm sức khỏe sinh sản các tỉnh miền bắc. Đối với các tỉnh từ Quảng bình trở vào nam thì được chuyển qua các viện khu vực. Trung bình thời gian chuyển thuốc đến các tỉnh là 21-45 ngày tính từ thời điểm bắt đầu duyệt kế hoạch cấp phát đến khi nhận được thuốc tại trung tâm sức khỏe sinh sản tỉnh. Các tỉnh miển bắc nhận trực tiếp nên thời gian ngắn hơn so với các tình nhận thuốc qua các viện khu vực.

Khoảng thời gian tiêu tốn nhiều nhất trong qui trình cung cấp thuốc là quãng thời gian chuyển thuốc từ tỉnh đến huyện với trung bình lên đến 4 tháng. Lý do chủ yếu là các trung tâm sức khỏe sinh sản chậm lên kế hoạch cấp phát, chờ đợi kết hợp các cuộc họp tổng kết…

Với hạn sử dụng thuốc đa vi chất tổng cộng chỉ 2 năm, vì vậy cần rút ngắn thời gian này xuống dưới 2 tháng bằng các qui định cụ thể. Đồng thời cung cấp thuốc từ trung ương sẽ chuyển sang cung cấp 1 lần/ năm thay thế cho phương án 2 lần/ năm như từ trước đến nay để đảm bảo sự sẵn có thuốc tại tuyến tình, nhằm tăng cường sự chủ động của tuyến tỉnh trong điều phối tiến độ cấp phát thuốc cho tuyến dưới. Đây cũng là đề nghị của cán bộ chương trình tuyến tỉnh, tuyến huyện thông qua kết quả của các thảo luận nhóm.

Tổng cộng thời gian cấp phát thuốc từ trung ương về đến y tế thôn bản là 7 tháng. Các công đoạn chuyển thuốc là phù hợp nhưng cần có những rút gọn về thời gian để đảm bảo thời hạn của thuốc còn dài hạn khi đến với cộng đồng.

Một điểm hạn chế của thuốc cung cấp trong nghiên cứu này là viên đa vi chất dinh dưỡng được đóng trong các hộp với số lượng 1000 viên/ hộp. việc này gây sự khó khăn cho vấn đề phân phối, đặc biệt là ở tuyến xã và y tế thôn bản. Để trong từng hộp thì số lượng lớn, không sử dụng hết trong năm với từng thôn bản, nhưng nếu bỏ ra thì gặp không khí thuốc sẽ bị hỏng nhanh. Giải pháp được ứng dụng là đóng vào các túi nilon có kéo ở miệng để tránh không khí lọt vào, tuy nhiên vẫn không tiên so với viên sắt hiện nay đang được đóng trong các vỉ thuốc.



4.3.2 Về tính chấp nhận của cộng đồng đối với bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng:

Số liệu về sử dụng đa vi chất dinh dưỡng đã được thu thập ở 36 xã can thiệp trong 2 năm dựa trên số thuốc cấp phát thực tế, sổ sách cấp phát ở các tuyến và trực tiếp bằng các sổ theo dõi uống thuốc của cộng tác viên với ký nhận của từng đối tượng.

Kết quả cho thấy lượng thuốc được cung cấp khá cao về tỷ lệ ở những quí đầu khi triển khai hoạt dộng, điều này có thể lý giải do sự hào hứng của cộng đồng khi nhận được những can thiệp miễn phí cho sức khỏe.

Ở nhóm phụ nữ mang thai tỷ lệ này cao nhất 3 tháng sau khi hoạt động này bắt đầu khởi động ở cộng đồng (quí 1/ 2007) do các hoạt động đã bắt đầu đi vào nề nếp và người dân đã bắt đầu hiểu về lợi ích của các can thiệp bổ sung đa vi chất dinh dưỡng, tuy nhiên với những giải pháp đi kèm còn hạn chế đặc biệt là các hoạt động giáo dục truyền thông (không có bổ sung gì thêm ngoài các hoạt động thông thường của chương trình Phòng chống suy dinh dưỡng) thì tỷ lệ này có xu hướng giảm xuống và cuối cùng duy trì ở mức khoảng 70% lượng thuốc theo tính toán và tỷ lệ uống đủ thuốc duy trì ở mức 63,8% được duy trì một cách bền vững cho đến thời gian cuối của nghiên cứu.

Ở nhóm phụ nữ tuổi từ 18-35, tỷ lệ sử dụng viên đa vi chất dinh dưỡng hàng tuần cũng đạt tỷ lệ cao trong 2 quí đầu tiên, tuy nhiên tỷ lệ này đã không duy trì được cao mà có xu hướng giảm nhanh và duy trì chỉ ở mức 30-40% trong giai đoạn sau. Tỷ lệ uống viên đa vi chất đầy đủ đạt 30,3%. Các lý do được người dân và cộng tác viên đưa ra là do tâm lý phụ nữ chỉ chú ý đến bổ sung thuốc khi mang thai vì lo ngại cho sức khỏe của mình và mong muốn sức khỏe của thai nhi được tốt hơn. Khi chưa mang thai thì sự quan tâm đến nền tảng sức khỏe không được coi trọng. Một lý do nữa thường được đưa ra và được ghi nhận là khoảng cách uống 1 viên/ tuần là xa nhau, phụ nữ thường quên uống và sau đó bỏ luôn không sử dụng tiếp.

Kết quả của nhiều nghiên cứu đã gợi ý rằng bổ sung sắt đơn thuần làm gia tăng những ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa dạ dày ruột thường hay gặp với trường hợp điều trị sắt đường uống, so sánh với những cách bổ sung sắt khác (như bổ sung sắt kết hợp đa vi chất) với các tác dụng phụ ở dạ dày ruột và các triệu chứng buồn nôn và táo bón [20][98][110] và những tác dụng phụ này không giảm cả với những dạng sắt được kiểm soát phóng thích [110][91].

Phần lớn các nghiên cứu về bổ sung sắt có tỷ lệ bỏ cuộc cao do nhiều lý do, tuy nhiên một trong những lý do thường gặp là do khó chịu khi có các tác dụng phụ. Kết quả theo dõi trong thời gian triển khai ở nhóm can thiệp cho thấy tỷ lệ % phụ nữ mang thai chủ động báo cáo với cộng tác viên về việc xuất hiện những tác dụng phụ là 18,5%, chủ yếu là cảm giác nôn nao. Sau khi nhận được động viên và tư vấn thông thường của cộng tác viên thì phần lớn phụ nữ mang thai lại có thể uống tiếp, chỉ 6,8% bỏ cuộc với lý do khó chiu bởi các tác dụng phụ không mong muốn.

Với nhóm phụ nữ 18-35 tuổi, tỷ lệ báo cáo gặp phải các tác dụng phụ là 23,4%, dấu hiệu chủ yếu được ghi nhận là buồn nôn do mùi thuốc. Do thành phần của viên đa vi chất có các vitamin nhóm B và không có vỏ tẩm đường và chặn mùi nên mùi thuốc khá rõ. Đây là một điểm đáng chú ý trong việc đưa ra các định hướng trong sản xuất hoặc đặt hàng viên đa vi chất trong những năm tới. Tỷ lệ bỏ cuộc do tác dụng phụ là 17,8%

Kết quả của thảo luận nhóm ở nhóm phụ nữ 18-35 tuổi cũng cho thấy rào cản do họ thường đi làm, ít ở nhà như phụ nữ mang thai nên thường bỏ sót hoặc hết thuốc mà chưa được cấp kịp thời.

4.3.3 Chi phí giá thành và hiệu quả của can thiệp bổ sung đa vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ 18-35 tuổi và phụ nữ mang thai

Việc bổ sung đa vi chất cho phụ nữ tuổi 18-35 đã làm chi phí can thiệp dinh dưỡng cho nhóm đối tượng này tăng lên 460% (gấp 4,6 lần) so với chi phí can thiệp dinh dưỡng không có bổ sung đa vi chất dinh dưỡng. Trong khi đó hiệu quả đạt được trong việc giảm tỷ lệ thiếu máu được ghi nhận trong kết quả nghiên cứu này ở phụ nữ tuổi 18-35 là không cao (không hiệu quả ở giảm tỷ lệ thiếu máu và hiệu quả 147% (gấp 1,5 lần) trong hiệu quả tăng nồng độ hemoglobin so với nhóm chứng). Hiệu quả trên giảm tỷ lệ thiếu sắt và tăng nồng độ ferritin đạt 264% (gấp 2,6 lần) và 353% (gấp 3,5 lần), hiệu quả trên giảm tỷ lệ thiếu vitamin A huyết thanh và tăng nồng độ vitamin A huyết thanh đạt 159% (gấp 1,6 lần) và 556% (gấp 5,6 lần), và hiệu quả trên giảm tỷ lệ kẽm huyết thanh thấp và tăng nồng độ kẽm huyết thanh đạt 235% (gấp 2,4 lần) và 234% (gấp 2,3 lần). Như vậy hiệu quả của can thiệp là thấp hơn chi phí giá thành. Lý giải điều này có thể từ một số nguyên nhân: liều can thiệp 1RDA/ tuần là không đủ, tỷ lệ uống thuốc không cao và các can thiệp thực tế đang triển khai trên cộng đồng có mục tiêu hỗ trợ về dinh dưỡng chung cho phụ nữ 18-35 tuổi là không nhiều vì vậy chi phí bổ sung đa vi chất (nếu có) sẽ làm tăng cao chi phí can thiệp cho nhóm đối tượng này.

Khi xét đến kết quả của chi phí/ hiệu quả ở can thiệp cho nhóm phụ nữ 18-35 tuổi (bảng 3.22) cũng đồng thời cho thấy hiệu quả về mặt kinh tế thấp khi so sánh giữa nhóm can thiệp và nhóm chứng ở các chỉ tiêu về tăng nồng độ hemoglobin, ferritin huyết thanh và retinol huyết thanh. Tuy nhiên có 2 điểm đáng lưu ý của can thiệp này trên góc độ kinh tế: thứ nhất là can thiệp này có hiệu quả trên việc tăng lên của nồng độ kẽm huyết thanh trong khi ở nhóm chứng không có hiệu quả. Thứ 2 là nếu đặt can thiệp này vào so sánh giá thành/ hiệu quả ở nhóm phụ nữ mang thai (bảng 3.25) thì can thiệp bổ sung ở phụ nữ 18-35 tuổi có chi phí giá thành/ hiệu quả thấp hơn nhiều ở các chỉ số ferritin huyết thanh, retinol huyết thanh và kẽm huyết thanh.

Như vậy, có thể thấy bổ sung đa vi chất ở phụ nữ 18-35 tuổi chưa cho thấy hiệu quả trên tình trạng thiếu máu nhưng đã cho thấy hiệu quả can thiệp trên việc tăng lên hàm lượng các vi chất trong huyết thanh (bảng 3.14) so với nhóm chứng. Chi phí trên chỉ số hiệu quả cho nhóm đối tượng này còn cao tuy nhiên nếu xét đến vấn đề chi phí giá thành/ hiệu quả thì bổ sung đa vi chất dinh dưỡng sớm cho phụ nữ 18-35 tuổi có giá trị kinh tế/ hiệu quả trong việc tăng cường dự trữ các vi chất dinh dưỡng.

Đối với nhóm phụ nữ mang thai, chi phí cho giá thành can thiệp bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng hàng ngày cho phụ nữ mang thai bằng 265% (gấp 2,65 lần) so với các can thiệp dinh dưỡng chung (không bao gồm bổ sung đa vi chất) trong khi hiệu quả trên giảm tỷ lệ thiếu máu và tăng nồng độ hemoglobin đạt 220% (gấp 2,2 lần), hiệu quả trên dự trữ sắt đạt 349% (gấp 3,5 lần), hiệu quả trên vitamin A 861% (gấp 8,6 lần)và hiệu quả trên giảm thiếu Zn huyết thanh đạt 1395% (gấp 14 lần) so với nhóm chứng.

Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai đạt hiệu quả về các chỉ số vi chất trong huyết thanh (bảng 3.16), đạt được hiệu quả giá thành can thiệp (bảng 3.24) và chi phí hiệu quả (bảng 3.25) so với nhóm chứng thể hiện đây là một can thiệp mạnh và có hiệu quả.



KẾT LUẬN


  1. Về tình trạng dinh dưỡng, thực hành dinh dưỡng của phụ nữ 18-35 tuổi và phụ nữ mang thai tại các xã nghiên cứu

Kết quả điều tra ban đầu từ 1538 phụ nữ 18- 35 tuổi và 609 phụ nữ mang thai tại hai tình Lai Châu và Kon Tum của nghiên cứu này cho thấy:

    1. Trung bình về cân nặng của phụ nữ 18-35 tuổi là 46,8kg, chiều cao trung bình là 149,8cm, trung bình của chỉ số khối cơ thể BMI là 20,8 và trung bình phần trăm mỡ cơ thể là 23,1. Tỷ lệ phụ nữ 18-35 tuổi có cân nặng dưới 45kg là 38,4%, tỷ lệ phụ nữ có chiều cao dưới 145cm là 18,4% và tỷ lệ phụ nữ CED là 11,7%. Tỷ lệ thiếu máu trong nhóm đối tượng 18-35 tuổi là 35,6%. Tỷ lệ ferritin huyết thanh thấp là 23,8%, tỷ lệ retinol huyết thanh thấp là 23,6%, tỷ lệ có hàm lượng kẽm huyết thanh thấp là 49,6%.

    2. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở nhóm phụ nữ mang thai tồn tại với tỷ lệ thiếu máu là 36,9%. Tỷ lệ ferritin huyết thanh thấp là 35,8%, tỷ lệ retinol huyết thanh thấp là 18,5% và tỷ lệ kẽm huyết thanh thấp là 84,6%.

    3. Tồn tại tình trạng thiếu nhiều nhiều loại vi chất dinh dưỡng và các vi chất này có mối liên quan đến nhau và liên quan đến tình trạng thiếu máu.

    4. Kiến thức và thực hành liên quan đến dinh dưỡng của phụ nữ 18-35 tuổi còn nhiều hạn chế thể hiện ở kiến thức về khám thai, tỷ lệ hiểu biết về vai trò của bổ sung viên sắt và viên đa vi chất, tỷ lệ uống viên sắt và viên đa vi chất dinh dưỡng còn thấp, kiến thức và thực hành chế độ ăn, vấn đề ăn kiêng không đúng và chế độ nghỉ ngơi khi mang thai chưa đầy đủ.

  1. Đánh giá về hiệu quả bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng cho thấy:

    1. Bổ sung vi chất dinh dưỡng liều 1 viên/ tuần cho phụ nữ tuổi 18-35 chưa nhận thấy sự thay đổi về nồng độ hemoglobin tại cộng đồng tại nhóm tuổi này, tuy nhiên đã nhận thấy hiệu quả tăng lên trên hàm lượng feritin huyết thanh 2,1μg/L ở nhóm can thiệp so với 0,6 μg/L ở nhóm đối chứng, tăng lên nồng độ kẽm huyết thanh 0,97 μmol/L ở nhóm can thiệp so với -0,72 μmol/L ở nhóm đối chứng và tăng lên nồng độ retinol huyết thanh 0,04 μmol/L so với 0,01 μmol/L ở nhóm đối chứng.

    2. Bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng do mạng lưới y tế hiện hành triển khai đã cải thiện tình trạng thiếu máu, thiếu vi chất dinh dưỡng một cách rõ rệt ở phụ nữ mang thai, thể hiện ở giảm tỷ lệ thiếu máu và tỷ lệ thiếu các vi chất, đồng thời tăng hàm lượng của hemoglobin 5,6g/l ở nhóm can thiệp so với 0,3g/l ở nhóm đối chứng, tăng trung bình nồng độ feritin huyết thanh 2,6 μg/L ở nhóm can thiệp so với -0,6 μg/L ở nhóm đối chứng, tăng nồng độ trung bình kẽm huyết thanh 1,08 μmol/L ở nhóm can thiệp so với -0,86 μmol/L ở nhóm đối chứng và tăng trung bình nồng độ retinol huyết thanh 0,02 μmol/L ở nhóm can thiệp so với -0,01 μmol/L của nhóm đối chứng.

  2. Về chi phí hiệu quả và khả năng duy trì can thiệp tại cộng đồng sau 24 tháng can thiệp:

    1. Tỷ lệ bao phủ viên đa vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai duy trì bền vững ở cộng đồng can thiệp là 70% và ở phụ nữ tuổi 18-35 tuổi ở mức 35%, tỷ lệ phụ nữ mang thai uống đầy đủ là 63,8%, ở phụ nữ 18-35 tuổi là 30,3%.

    2. Tỷ lệ có các tác dụng phụ ở nhóm phụ nữ mang thai là 18,5% và ở nhóm phụ nữ 18-35 tuổi là 23,4%. Tỷ lệ bỏ cuộc do tác dụng phụ ở phụ nữ mang thai là 6,8% và ở nhóm phụ nữ 18-35 tuổi là 17,8%.

    3. Bổ sung đa vi chất dinh dưỡng hàng ngày ở phụ nữ mang thai làm tăng chi phí thêm 156% so với chi phí thông thường cho các hoạt động dinh dưỡng hiện hành, tuy nhiên đã đạt hiệu quả về giảm thiếu máu, giảm tỷ lệ thiếu vi chất và tăng nồng độ vi chất trong máu. Hiệu quả can thiệp là từ 2-10 lần so với nhóm chứng. Trong khi đó bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng hàng tuần cho phụ nữ 18-35 tuổi trong nghiên cứu này đạt được giá thành/ hiệu quả cao trong tăng cường dự trữ vi chất dinh dưỡng.


KHUYẾN NGHỊ

  1. Việc Bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng đại trà cho phụ nữ mang thai ở các vùng khó khăn có một ý nghĩa quan trọng trong cải thiện dinh dưỡng lâu dài, có tính khả thi cao do đó cần được đưa vào chương trình dinh dưỡng thường xuyên trong thời gian tới.

  2. Cần thiết tiến hành các nghiên cứu đánh giá tình trạng thiếu vi chất và các vitamin quan trọng có liên quan đến tình trạng thiếu máu, đặc biệt là các thu thập số liệu ở các vùng nghèo, vùng trọng điểm về dinh dưỡng để làm cơ sở cho các can thiệp về dinh dưỡng trong những năm tới.


TÓM TẮT NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA NGHIÊN CỨU

  1. Đóng góp vào bộ số liệu về thiếu máu và tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng của vùng miển núi, khó khăn.

  2. Đây là một nghiên cứu về hiệu quả can thiệp cộng đồng (effectiveness study), kết quả góp phần đánh giá hiệu quả của can thiệp bổ sung vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai và phụ nữ 18-35 tuổi trên điều kiện thực tế hệ thống y tế hiện hành ở Việt Nam, góp phần vào việc hoạch định giải pháp can thiệp dinh dưỡng ở Việt Nam trong những năm tới.


HẠN CHẾ CỦA NGHIÊN CỨU

Do điều kiện ngân sách và diều kiện triển khai tại miền núi khó khăn nên nghiên cứu mới dừng ở đánh giá tỷ lệ thiếu máu và các thiếu vi chất dinh dưỡng, chưa tiến đến việc xem xét hiệu quả trên cân nặng và tình trạng vi chất của trẻ sơ sinh, cần thiết có những nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới.
Каталог: FileUpload -> Documents
Documents -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
Documents -> HÀ NỘI – 2013 BỘ giáo dụC ĐÀo tạo bộ y tế viện dinh dưỠNG
Documents -> Phụ lục về cấp hạng khách quốc tế
Documents -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam qcvn 01 78: 2011/bnnptnt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thứC Ăn chăn nuôi các chỉ tiêu vệ sinh an toàn và MỨc giới hạn tốI Đa cho phép trong thứC Ăn chăn nuôI
Documents -> TỔng cục dạy nghề
Documents -> BỘ giáo dụC ĐÀo tạo bộ y tế viện dinh dưỠng nguyễn thị thanh hưƠng thực trạng và giải pháP
Documents -> Bé gi¸o dôc vµ ®µo t¹o bé y tÕ ViÖn dinh d­ìng Ph¹m hoµng h­ng HiÖu qu¶ cña truyÒn th ng tÝch cùc ®Õn ®a d¹ng ho¸ b÷a ¨n vµ
Documents -> TỜ khai xác nhận viện trợ HÀng hóA, DỊch vụ trong nưỚC
Documents -> Phụ lục I mẫU ĐƠN ĐỀ nghị ĐĂng ký LƯu hàNH

tải về 1.24 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương