A – kiến thức chung: những vấN ĐỀ CƠ BẢn về CÔng nghiệp hóA, hiệN ĐẠi hóa nông nghiệP, NÔng thôn và TỔ chứC, hoạT ĐỘng của hệ thống chính trị Ở XÃ Chuyên đề 1: những vấN ĐỀ CƠ BẢn về CÔng nghiệp hóA, hiệN ĐẠi hóa nông nghiệP, NÔng thôN



tải về 2.2 Mb.
trang17/22
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích2.2 Mb.
#36699
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân 2003.

- Quyết định 77/2006/QĐ-TTg ngày 12/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND xã, phường, thị trấn.

- Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg ban hành Quy định chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

- Học viện Hành chính, Kỹ năng, nghiệp vụ quản lý hành chính nhà nước, NXB KH và KT, Tập 3, 2009.

- Lưu Kiếm Thanh, Nghiệp vụ hành chính văn phòng, NXB Thống kê, 2009.

- Nguyễn Văn Thâm, Điều hành công sở hành chính nhà nước, NXB KH và KT, 2009.
Chuyên đề 16:

KỸ NĂNG THUYẾT TRÌNH
I. Khái niệm và vai trò của thuyết trình trong quản lý hành chính ở xã

1. Khái niệm thuyết trình

* Hiểu theo nghĩa rộng, thuyết trình là một dạng hoạt động của con người, nhằm trình bày, giải thích, thuyết minh một vấn đề, chủ yếu bằng lời nói, sao cho người khác hiểu, đồng thuận, tự điều chỉnh nhận thức, hành vi hoặc thực hiện, làm theo. Hiểu theo cách này, bất cứ ai cũng có thể là người thuyết trình và thuyết trình là hoạt động bình thường của mọi người.

* Hiểu theo nghĩa hẹp, thuyết trình là hoạt động diễn thuyết trước đám đông. Người thuyết trình thường là các chính trị gia, các nhà khoa học, các chuyên gia về từng lĩnh vực. Người nghe thường là đông đảo công chúng/ hoặc những người cùng chí hướng, cùng chuyên môn.

Từ hai cách hiểu trên đây, có thể thấy trong quá trình hoạt động và công tác, các cán bộ xã phải thường xuyên thực hiện hoạt động thuyết trình. Nếu theo nghĩa rộng, thuyết trình là hoạt động thường xuyên, diễn ra hàng ngày của cán bộ xã, ví dụ như: trình bày một ý tưởng hay biện pháp quản lý; giải thích pháp luật cho người dân; thuyết minh kế hoạch, báo cáo công tác trước cấp trên…Nếu hiểu theo nghĩa hẹp thì thuyết trình của cán bộ xã là một hoạt động có tổ chức, mà tại đó, người cán bộ xã phải nói trước đám đông (trước những người dân hoặc trước đông đảo cán bộ, nhân dân trong xã); trình bày một vấn đề, hoặc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đông đảo nhân dân…

Qua những phân tích trên ta có thể hiểu, kỹ năng thuyết trình:

- Là quy trình và các phương pháp nhằm giúp cho hoạt động thuyết trình đạt hiệu quả cao.

- Kỹ năng thuyết trình là một trong những kỹ năng được sử dụng phổ biến trong cuộc sống và công việc, đặc biệt là đối với cán bộ xã.

- Kỹ năng thuyết trình là một trong những kỹ năng cơ bản cần thiết đối với cán bộ hành chính văn phòng; những người quản lý, lãnh đạo; những người hoạt động xã hội hoặc có quan hệ nhiều với công chúng, đặc biệt là cán bộ chính quyền xã.



2. Vai trò của thuyết trình

Kỹ năng thuyết trình sẽ giúp cán bộ xã:

- Thể hiện, truyền đạt được những quan điểm, chủ trương, biện pháp của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức cấp trên đến đối tượng thực hiện là cán bộ và nhân dân trong xã.

- Thuyết phục được lãnh đạo, cấp dưới và đồng nghiệp hiểu, ủng hộ hoặc thực hiện những ý tưởng, kế hoạch do mình đề xuất.

- Giải thích, hướng dẫn, thuyết phục, thương lượng thành công với đối tác, khách hàng và đại diện các cơ quan, tổ chức đến giao dịch, hợp tác với địa phương.

- Nâng cao chất lượng công tác, nâng cao uy tín của cá nhân và cơ quan.



3. Các loại thuyết trình

Trong quá trình hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) xã, cán bộ xã thường xuyên phải thực hiện hoạt động giao tiếp, trong đó có thuyết trình. Vì thế, kỹ năng thuyết trình sẽ được cán bộ xã vận dụng trong các tình huống thuyết trình cụ thể sau đây:

- Phát biểu ý kiến ngắn trước tập thể hoặc thể hiện chính kiến khi tranh luận, thảo luận các vấn đề trong công việc.

- Phát biểu, diễn thuyết trong các cuộc họp, hội nghị, lễ hội.

- Trình bày ý tưởng và kế hoạch công tác với cấp trên; giao và yêu cầu cấp dưới thực hiện nhiệm vụ; trao đổi công việc với đồng nghiệp.

- Giải thích, hướng dẫn cho người dân và khách đến giao dịch; liên hệ công tác; giải quyết chế độ chính sách có liên quan.

- Phổ biến văn bản và hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân dân địa phương.

- Nói chuyện thời sự, nói chuyện chuyên đề.

- Đàm phán, thương lượng với đối tác hoặc đại diện các cơ quan, tổ chức có quan hệ hợp tác với địa phương...



II. Các bước thuyết trình trước công chúng

Muốn thực hiện một thuyết trình có hiệu quả, các cán bộ xã cần nắm vững những yêu cầu cơ bản sau:



* Yêu cầu về nội dung

- Thứ nhất, thông tin thuyết trình phải đúng mục đích, đúng chủ đề, đúng trọng tâm, đáp ứng đúng mong muốn của người nghe. Yêu cầu này đòi hỏi người cán bộ xã khi thực hiện một hoạt động thuyết trình phải xác định: mình sẽ nói về vấn đề gì? Nói cho ai? Nói ở đâu? Trong hoàn cảnh nào? Và vấn đề mình định nói có phải là vấn đề mà người nghe quan tâm hay không?

Ví dụ: Khi đến dự các cuộc họp của các thôn hoặc tổ chức đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Hội Nông dân… Chủ tịch xã thường được mời phát biểu ý kiến. Để đạt được yêu cầu trên, Chủ tịch xã phải xác định đối tượng người nghe là khác nhau, mong đợi của họ cũng khác nhau, nên nội dung bài phát biểu cũng phải khác nhau. Người dân ở từng thôn cần biết những quyết sách của chính quyền xã liên quan đến đời sống; thanh niên mong muốn được chính quyền xã tin tưởng và giao nhiều nhiệm vụ, tạo điều kiện cho các phong trào; cựu chiến binh mong được chính quyền tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp…Nếu xác định đúng, Chủ tịch xã sẽ biết chọn lọc và đưa vào bài phát biểu của mình những thông tin phù hợp với người nghe.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tình trạng cán bộ xã chuẩn bị sẵn một bài phát biểu mẫu, rồi đến cuộc họp nào cũng mang ra đọc, nội dung đều là các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội nói chung, tuy không sai, nhưng không phù hợp với các đối tượng người nghe khác nhau.



- Thứ hai, thông tin thuyết trình cần chính xác, rõ ràng, có độ tin cậy cao.
Đây là một yêu cầu quan trọng, vì nó tạo uy tín và niềm tin của người nghe đối với cán bộ xã. Muốn vậy, trước khi định nói hoặc cung cấp thông tin gì cho người nghe khi thuyết trình, cán bộ xã phải chuẩn bị và chọn lọc những thông tin có căn cứ, cơ sở, nguồn gốc rõ ràng (Căn cứ vào văn bản pháp lý, căn cứ vào tình hình thực tiễn, căn cứ vào báo cáo của cấp dưới hoặc qua phản ảnh của người dân). Trong trường hợp cán bộ xã sử dụng những thông tin chưa rõ nguồn, độ tin cậy không cao thì cần nói rõ để người nghe cẩn thận khi sử dụng.

Ví dụ:


+ Khi giải thích cho người dân về chế độ, chính sách, cán bộ xã cần nêu rõ các quy định tại văn bản cụ thể (tên văn bản, số, ký hiệu, ngày tháng, tác giả, số điều khoản liên quan), còn hiệu lực, không nên nói chung chung là theo quy định của Nhà nước hiện nay.

+ Trong trường hợp cán bộ xã nghe các thông tin phản hồi của người dân, nhưng chưa xác minh thì cũng nên nói rõ và khẳng định là sẽ kiểm tra để làm rõ vấn đề rồi thông báo lại cho nhân dân.



- Thứ ba, thông tin thuyết trình cần có tính mới: Yêu cầu này đòi hỏi cán bộ xã biết chọn lọc các thông tin liên quan thiết thực, nhưng người nghe chưa biết (ví dụ: một chính sách mới ban hành có lợi cho người dân); hoặc thuyết phục người nghe nên có cách nhìn nhận vấn đề, cách nghĩ khác theo xu hướng tiến bộ (ví dụ: nên thay đổi quan niệm trọng nam, khinh nữ; vai trò của nam giới trong việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch…); cung cấp cách lý giải khác về một vấn đề; hệ thống, tổng kết những vấn đề rời lẻ thành những vấn đề, hiện tượng có tính quy luật (ví dụ: nêu một số thái độ không phù hợp của người dân khi lên làm việc tại UBND xã và kết luận là những hành vi đó không phù hợp, cần thay đổi…); cung cấp thông tin rộng hơn cho người nghe (ví dụ: thông báo tình hình thời sự trong nước và quốc tế, những kinh nghiệm làm ăn tốt của các xã khác…)

* Yêu cầu về phương pháp thể hiện

Để một hoạt động thuyết trình đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc chuẩn bị nội dung, vấn đề phương pháp thể hiện thuyết trình đóng vai trò hết sức quan trọng.

- Yêu cầu chung: các phương pháp được sử dụng khi thuyết trình phải đa dạng. Hay nói cách khác, khi thuyết trình, cán bộ xã phải sử dụng nhiều phương pháp khác nhau; các phương pháp được sử dụng phải phù hợp với mục đích và hoàn cảnh diễn ra thuyết trình và việc vận dụng phải linh hoạt.

- Một số phương pháp cơ bản cần chú ý vận dụng khi thuyết trình như:

+ Cách thể hiện thái độ với người nghe qua cử chỉ, hành vi.

+ Cách sử dụng ngôn ngữ để truyền tải nội dung.

+ Cách sử dụng các phương tiện trợ giúp.

+ Cách chọn trang phục khi thuyết trình.

Những phương pháp này sẽ được trình bày cụ thể ở phần sau.

* Yêu cầu về hiệu quả

Một hoạt động thuyết trình được coi là có hiệu quả nếu đạt được mục đích, mục tiêu mà người thuyết trình mong muốn, với những mức độ khác nhau. Thông thường, hiệu quả của một hoạt động thuyết trình được đánh giá ở 3 mức độ:

- Người nghe hiểu được những thông tin mà người thuyết trình cung cấp, truyền tải.

- Người nghe không chỉ hiểu mà còn tỏ thái độ đồng thuận với các vấn đề, các quan điểm, các biện pháp mà người thuyết trình đưa ra hoặc đề xuất.

- Người nghe không chỉ đồng thuận mà còn ủng hộ, thực hiện và làm theo.

Trong thực tế, không phải mọi hoạt động thuyết trình đều phải đạt được cả 3 mức độ nói trên. Có những trường hợp chỉ cần người nghe hiểu được vấn đề (ví dụ: người dân hiểu được những khó khăn mà chính quyền đang phải đối mặt và giải quyết); có trường hợp người nghe đồng thuận (đồng ý với chính quyền là vì khó khăn như vậy, nên tạm gác một vấn đề nào đó chưa thể giải quyết ngay), nhưng cũng có thể chưa đồng thuận (tuy khó khăn, nhưng dân đòi hỏi chính quyền xã vẫn phải có biện pháp giải quyết). Nếu chưa đồng thuận thì cán bộ xã cần có các hoạt động thuyết trình tiếp theo để người dân thay đổi dần nhận thức. Mức độ cao nhất là người dân hiểu, đồng thuận và ủng hộ, làm theo các yêu cầu mà cán bộ xã đưa ra.

Ví dụ: Sau khi nghe cán bộ xã thuyết trình về việc mở rộng và bê tông hóa đường liên thôn, người dân các thôn đều hiểu đây là việc làm cần thiết, có lợi cho mọi người; đồng thuận với phương án mà cán bộ xã đưa ra là do khó khăn chung, nên Nhà nước và nhân dân cùng làm; người dân tình nguyện góp tiền và sẵn sàng cho phép lấy đất vườn nhà để xã mở đường chung.

Muốn thuyết trình có hiệu quả cần tuân thủ các yêu cầu trên, để trở thành người có kỹ năng thuyết trình tốt, các cán bộ xã cần nắm vững quy trình thực hiện một hoạt động thuyết trình và phương pháp thuyết trình. Cho dù hoạt động thuyết trình ở dạng đơn giản (giải thích, thuyết phục người khác) hay phức tạp (phát biểu trước cuộc họp hoặc lễ hội; phổ biến một chủ trương lớn đến nhân dân trong xã…), cán bộ xã vẫn phải tuân thủ quy trình (các bước) sau đây:

1. Chuẩn bị thuyết trình

Gồm các công việc sau đây:

- Xác định mục đích, mục tiêu của hoạt động thuyết trình

- Xác định đối tượng và hoàn cảnh thuyết trình

- Chuẩn bị nội dung thuyết trình

- Chuẩn bị địa điểm thuyết trình

- Chuẩn bị phần minh họa và công cụ trợ giúp cho nội dung thuyết trình

- Chuẩn bị tâm lý và biện pháp ứng phó với tình huống bất ngờ

Tuy nhiên, không phải mọi hoạt động thuyết trình đều phải chuẩn bị đầy đủ các vấn đề trên. Nếu là hoạt động trình bày, thuyết phục người khác trong quá trình giải quyết công việc thì có thể lược bớt một số vấn đề cần chuẩn bị như địa điểm (vì làm việc tại trụ sở HĐND, UBND xã) hoặc công cụ trợ giúp (như âm thanh, ánh sáng, máy chiếu…) Nhưng nếu cán bộ xã chuẩn bị trình bày báo cáo hoặc một đề án trước HĐND xã thì phải chuẩn bị tất cả các vấn đề trên. Ngay cả khi một cán bộ phụ nữ xuống các thôn và gia đình hội viên để thuyết phục và vận động họ không sinh con thứ ba, người cán bộ vẫn phải xác định rõ mục đích và mục tiêu cần đạt được (người dân hiểu, đồng thuận và thực hiện); xác định đối tượng và hoàn cảnh gia đình từng hộ cụ thể để có cách vận động phù hợp; chuẩn bị các vấn đề cần trao đổi; chọn thời điểm thích hợp; chuẩn bị tranh, ảnh, tờ rơi để minh họa; chuẩn bị ứng phó với tình huống bất ngờ như người dân phản ứng gay gắt, lăng mạ cán bộ, thậm chí có thể đuổi cán bộ ra khỏi nhà…

Nếu được chuẩn bị tốt, các hoạt động thuyết trình đã đảm bảo được 50% thành công.

2. Thực hiện thuyết trình

Sau khi đã chuẩn bị tốt, người cán bộ xã sẽ thực hiện các hoạt động thuyết trình. Ở bước này, người thuyết trình phải áp dụng rất nhiều phương pháp và cách thức khác nhau, gồm:

* Phương pháp (cách) mở đầu

- Tự giới thiệu mình (đối với những người nghe chưa quen biết). Nếu là cán bộ xã nói chuyện với dân và đã được giới thiệu trước thì không nên giới thiệu lại mà nên thay bằng lời chào thân thiện.



- Có thể mở đầu bằng một câu chuyện (chuyện cổ tích, chuyện đời thường...).

- Có thể dẫn lời một lãnh tụ hoặc cán bộ cấp trên, một danh nhân nào đó có liên quan đến vấn đề sẽ thuyết trình; có thể dẫn tục ngữ, ca dao có nội dung gần gũi với vấn đề định nói...



Ví dụ: Để vận động nhân dân trong xã hưởng ứng Tết trồng cây, cán bộ xã có thể dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

- Có thể đặt một số câu hỏi xoay quanh vấn đề.

- Có thể nêu một tình huống gợi sự chú ý của người nghe.

* Phương pháp (cách) triển khai các vấn đề

- Giới thiệu khái quát bố cục chung (các vấn đề chính), sau đó trình bày từng vấn đề cụ thể theo một trật tự nhất định.

- Thông thường, để thuyết phục người nghe, một vấn đề cần triển khai các ý sau: vấn đề này được hiểu là gì? (giải thích từ ngữ, làm rõ vấn đề); tại sao cần thực hiện (nêu mục đích và ý nghĩa)? Cần làm thế nào (phương pháp, cách thức?).

- Khi trình bày các vấn đề cần dẫn dắt người nghe để họ có thể tiếp nhận thông tin từ mức độ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao; đồng thời người thuyết trình có thể áp dụng linh hoạt các cách lập luận như: quy nạp, diễn dịch, phân tích, tổng hợp, so sánh...).Lời lẽ phải rõ ràng, sáng ý, giữa các ý phải có mối liên hệ chặt chẽ và logic.



Ví dụ: Để vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cán bộ xã có thể lập luận như sau: Từ xưa đến nay, trên đồng đất của xã ta đều trồng một loại cây chính là lúa. Theo mùa, theo vụ, chúng ta cứ cấy rồi gặt, gặt rồi lại cày bừa và lại cấy. Chính vì vậy chúng ta không bao giờ nghĩ đến việc thay cây lúa bằng cây trồng khác. Trong khi đó, cách chúng ta chỉ vài cây số, có những xã đã thay việc trồng lúa trên những vùng đất cao (có năng suất thấp) bằng việc trồng hoa. Và kết quả thu được đã mang lại nguồn lợi gấp đôi trồng lúa. Vậy xã ta có nên học tập kinh nghiệm của xã bạn không?

- Một số phương pháp cụ thể cần tham khảo và áp dụng khi triển khai các vấn đề cần trình bày để thuyết phục người nghe:

+ Hãy nói một cách giản dị và tự nhiên. Các từ và câu càng đơn giản bao nhiêu thì người nghe càng dễ hiểu và dễ nắm bắt bấy nhiêu.

Ví dụ: Thưa bà con trong thôn! Hôm nay chúng tôi xin trao đổi và hướng dẫn bà con một số biện pháp để phòng chống sâu bệnh cho cây trồng.

+ Sử dụng thường xuyên cách so sánh, đối chiếu, ví von.



Ví dụ: Khi hòa giải mâu thuẫn giữa các gia đình, có thể nói: Các cụ xưa có câu “ Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, hai bác nhà ở cạnh nhau, những khi “tối lửa, tắt đèn” phải dựa vào nhau, giúp đỡ nhau. Vì vậy, chuyện xích mích này chỉ là chuyện nhỏ, hai nhà nên bỏ qua, nối lại tình nghĩa xóm giềng vốn có.

+ Dùng nhiều hình ảnh để gây ấn tượng và thuyết phục người nghe.

Ví dụ: Nếu chúng ta quyết tâm, tôi tin rằng chỉ sau 2 năm nữa thôi, trên vùng đất đồi khô cằn của xã ta sẽ là những vườn vải sai trĩu quả.

+ Dùng sơ đồ, bảng thống kê, hình vẽ (nếu có thể được).

+ Lựa chọn cách lập luận và diễn giải phù hợp với trình độ hiểu biết của số đông người nghe.

+ Kể một chuyện lạ (hay chuyện vui) có liên hệ với đời sống hàng ngày của người nghe, nhưng phải gắn kết với chủ đề đang nói.

+ Làm cho các con số trở nên “biết nói”, đổi những con số trở thành những vật có thể thấy được.

+ Tuỳ từng trường hợp mà áp dụng: khen trước chê sau (nếu muốn chê) và chê trước khen sau (nếu muốn khen). Có khi chê để mà khen và khen để mà chê.

- Những vấn đề cần tránh khi trình bày:

+ Lấy một trường hợp cá biệt để khái quát thành cái phổ biến.

+ Nhầm lẫn nguyên nhân với kết quả, nguyên nhân với điều kiện, nguyên nhân với nguyên cớ, khả năng và hiện thực, bản chất với hiện tượng, nội dung với hình thức, cái tất nhiên với cái ngẫu nhiên...

+ Nói ý trước mâu thuẫn với ý sau.

+ Không nên dùng những câu quá dài, những mệnh đề phức tạp.

+ Không dùng những điển tích mà nhiều người chưa quen.

+ Tránh dùng danh từ chuyên môn quá hẹp và những từ mới chưa thông dụng. Nếu bắt buộc phải dùng các loại từ trên thì nên giảng cho người nghe hiểu nghĩa.

+ Không nói cầu kỳ, hoa mỹ, song cũng không được quá sỗ sàng, thoải mái.

* Phương pháp (cách) kết thúc

Trong khi thuyết trình, cán bộ xã có thể áp dụng những kiểu kết thức thông dụng sau đây:

+ Tóm tắt lại các ý chính trong lời giải thích, bài phát biểu hoặc báo cáo một cách ngắn gọn nhưng không thiếu.

+ Kết thúc bằng cách gửi tới người nghe những lời khuyên mang tính tâm lý, bằng triết lý của cuộc sống đời thường, dễ gây ấn tượng.

+ Khuyến khích người nghe hành động.

+ Đặt một vài câu hỏi, nêu một số vấn đề để người nghe tiếp tục suy nghĩ, tự tìm câu trả lời.

+ Chúc người nghe sức khỏe và đạt được những gì mà họ mong đợi.

Trong quá trình thực hiện thuyết trình, cán bộ xã còn phải kết hợp với các phương pháp khác như: cử chỉ, hành vi, giọng nói, giao lưu và đối thoại với người nghe, sử dụng các công cụ và phương pháp hỗ trợ…

* Phương pháp thể hiện phong cách và hình ảnh cá nhân khi thuyết trình

- Về tư thế, tác phong

Nếu nói trước đám đông, cán bộ xã cần đứng vững trên sàn hoặc bám nhẹ vào bục. Tránh tối đa dồn hết cả trọng lượng lên một bên chân, hoặc đứng vắt chéo chân. Hình ảnh này sẽ tạo ấn tượng về một con người bấp bênh và mọi người sẽ cho rằng người nói không được tự tin. Nếu phát biểu trước bục, cán bộ xã không nên dựa người hoặc tỳ tay quá chặt vào bục, hoặc khuỳnh tay tỏ vẻ uy quyền. Khi lên diễn đàn cần bước khoan thai, đầu hơi ngẩng lên, ngực hướng về phía trước, sau đó nhìn xuống đám đông, mỉm cười và cúi chào người nghe. Cán bộ xã nên học tập và tham khảo phong cách của các diễn giả có tài, các nhà hùng biện nổi tiếng và tạo phong cách riêng của cá nhân. Khi thuyết trình, cán bộ xã cần chú ý tránh những tật xấu như: đưa tay gãi đầu, xỏ tay vào túi quần, sửa kính.



- Về thái độ và cử chỉ

Ngôn ngữ cơ thể có vai trò rất quan trọng trong hoạt động thuyết trình. Thái độ của người thuyết trình được thể hiện qua nét mặt, ánh mắt và nụ cười. Không ai thích nghe một bài thuyết trình mà diễn giả cứ đứng im một chỗ và dán mắt đọc một bài diễn văn đã được chuẩn bị từ trước. Ngoài ra, hãy tận dụng ánh mắt. Người nói nên lướt ánh mắt của mình vào những người ở hàng ghế đầu, hàng ghế giữa và hàng ghế cuối. Phải nhìn thẳng vào người nghe để nói với họ, tránh nhìn xuống nền, nhìn lên trần nhà hoặc nhìn ra ngoài cửa...; Các động tác tay, chân phải phù hợp, điệu bộ phải tự nhiên, tuỳ thuộc vào cảm xúc chân thực của người nói (vui, buồn, giận...). Để tạo được phong cách riêng, mỗi người phải biết tham khảo người khác, nhưng không nên bắt chước ai.



- Về giọng nói và cách nói: Trong khi nói, là người thuyết trình, cán bộ xã tránh nói đều đều, cần lúc mạnh, lúc nhẹ, lúc nhanh, lúc chậm; có thể nghỉ một chút, trước và sau các ý quan trọng; Khi thuyết trình nên nói chậm, phát âm rõ, biểu lộ cảm xúc hợp lí với những điều đang trình bày. Người thuyết trình phải cố gắng nói đủ lớn để người ngồi xa nhất cũng có thể nghe thấy. Khi nói phải lựa chọn từ ngữ cho phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh. Muốn có vốn từ phong phú, cán bộ xã cần thuộc nhiều danh ngôn, thành ngữ, tục ngữ, ca dao để khi cần có thể huy động được ngay; Sưu tầm các từ đồng nghĩa, phản nghĩa; Chọn lọc các thành ngữ, tục ngữ ngắn gọn (“không thầy đố mày làm nên”, “học thầy không tày học bạn”, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”...); Cần tránh các lỗi thông thường như: nói ngọng, nói lắp, nói những câu vô nghĩa, không hiểu rõ nghĩa của từ cũng dùng, thêm không đúng chỗ, hành văn theo tư duy ngôn ngữ nước ngoài, thêm những trợ từ vào đầu mỗi câu (“tức là”, “nói chung”...).

- Quan tâm và giao lưu với người nghe: Trong khi khi trình bày hãy thiết lập mối liên hệ với thính giả; Quan sát thái độ của người nghe trước, trong và sau khi thuyết trình; Quan sát dáng ngồi, ánh mắt, vẻ mặt của người nghe; Phân tích các câu hỏi, thắc mắc của người nghe; Tìm cách khai thác thông tin phản hồi khi giải lao, ngoài hành lang, sau buổi thuyết trình. Để thể hiện sự quan tâm đến phản ứng của người nghe, cán bộ thuyết trình cần có những biểu hiện cụ thể như: mỉm cười, khẽ gật đầu, vẻ mặt tự nhiên, không mệt mỏi... Trong khi nói, người trình bày có thể dừng lại và mời một vài thính giả bày tỏ ý kiến về vấn đề mình đang nói để người nghe cảm thấy họ được tôn trọng, lắng nghe, được đóng góp vào chủ đề đang bàn luận. Đây là cách tiếp cận tốt hơn nhiều so với việc bỏ qua những phản ứng kể cả với phản ứng tiêu cực của người nghe.

- Giải quyết các thắc mắc của người nghe: Những người nghe có thể đặt câu hỏi với người trình bày, những câu hỏi này chủ yếu để người nghe khẳng định lại những hiểu biết của mình. Để giải đáp, người trình bày cần đưa ra thêm nhiều thông tin cụ thể hơn là việc nhắc lại những điều đã nói. Điều quan trọng là nên giải quyết thắc mắc từ quan điểm thực tế của mỗi cá nhân.

- Lựa chọn trang phục phù hợp: Nếu phát biểu khai mạc, chào mừng các sự kiện lớn và lễ hội, cán bộ xã cần mặc lễ phục (mùa hè: sơ mi trắng và quần sẫm, mùa đông mặc comple, đeo cà vạt); Nếu xuống dự và phát biểu với người dân, cán bộ xã nên mặc thường phục, thoải mái nhưng không luộm thuộm. Khi thuyết trình trước đông người, cán bộ xã cần tránh mặc trang phục quá cũ, nhàu nhĩ hoặc màu sắc quá sặc sỡ và chói mắt.

- Sử dụng những thiết bị hỗ trợ như âm thanh, hình ảnh hay đạo cụ nếu cần thiết. Nhưng nếu sử dụng, cần nắm chắc cách sử dụng. Nếu người thuyết trình sử dụng phương pháp trình chiếu (Power Point), cần chọn kiểu chữ dễ nhìn, cỡ chữ to và không nên quá nhiều chữ trên một trang trình chiếu hoặc sử dụng quá nhiều hình ảnh động, âm thanh hay màu sắc loè loẹt không phù hợp với chủ đề.

3. Kết thúc thuyết trình (đánh giá)

Đây cũng là một bước quan trọng, nhằm giúp người thuyết trình tự đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm cho những lần thuyết trình sau. Một hoạt động thuyết trình dù đơn giản hay phức tạp đều cần được đánh giá trên những vấn đề sau:



- Đánh giá mức độ nội dung thông tin đã truyền đạt.

- Đánh giá thời gian thuyết trình (đúng giờ hay quá giờ cho phép).

- Đánh giá phương pháp thuyết trình.

- Đánh giá sự phản hồi của người nghe qua kết quả thực hành, thảo luận; qua ý kiến nhận xét trong phiếu khảo sát hoặc qua tình cảm của người nghe dành cho người thuyết trình trước, trong và sau khi kết thúc.

- Xác định các vấn đề cần khắc phục và cải tiến: thông qua kết quả đánh giá, cán bộ xã cần xác định những vấn đề cần chỉnh sửa về nội dung; những phương pháp cần đổi mới và cải tiến (ví dụ: Bổ sung phương tiện hỗ trợ; Rèn, luyện giọng nói, tác phong); Rèn, luyện tâm lý; Chấp nhận sai sót hoặc thất bại tạm thời để khắc phục trong những lần sau.

Trên đây là những kiến thức và kỹ năng cơ bản mà cán bộ cấp xã cần nắm vững và vận dụng linh hoạt trong hoạt động thuyết trình. Trước khi thực hiện một hoạt động thuyết trình (đặc biệt là nói trước đám đông), mỗi cán bộ xã cần chuẩn bị những nội dung hoặc các vấn đề mà bản thân phải thường xuyên thuyết trình với cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp và với người dân, với khách đến giao dịch hoặc phối hợp công tác. Trở thành người có kỹ năng thuyết trình hiệu quả, các cán bộ xã sẽ góp phần quan trọng trong việc thuyết phục người dân trong xã ủng hộ chính quyền, hăng hái thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương./.


Каталог: Uploads -> Tai lieu
Uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
Uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
Uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
Uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
Uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
Uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1
Tai lieu -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo tài liệu bồi dưỠNG giáo viên cốt cáN
Tai lieu -> Ủy ban nhân dân thành phố ĐÀ NẴng cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 2.2 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   14   15   16   17   18   19   20   21   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương