* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Anh quốc và Hoa Kỳ cùng làm chủ xứ Oregon



tải về 2.16 Mb.
trang29/33
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.16 Mb.
#9902
1   ...   25   26   27   28   29   30   31   32   33

- Anh quốc và Hoa Kỳ cùng làm chủ xứ Oregon

Sau trận chiến tranh 1812, cả Anh quốc và Hoa Kỳ đều mạnh mẽ đòi quyền làm chủ xứ Oregon, không bên nào chịu nhượng bộ bên nào. Năm 1818, hai nước cùng đồng ý là cùng chiếm xứ Oregon, thế có nghĩa là hai nước cùng làm chủ xứ Oregon. Liền theo đó, cả Tây Ban Nha lẫn nước Nga đều từ bỏ quyền làm chủ xứ Oregon. Tây Ban Nha đồng ý là không đòi làm chủ các vùng đất nằm ở phía Bắc vĩ tuyến 42, trong khi đó, Nga cũng không đòi chiếm đất đai ở phía Nam vĩ tuyến 54o40. Như vậy, Anh và Hoa Kỳ được tự do tiến hành kế hoạch cùng chiếm xứ Oregon.



- Người Anh đến định cư lập nghiệp ở xứ Oregon trước nhất

Kể từ năm 1818 cho đến 20 năm sau đó không có nhiều người đến xứ Oregon lập nghiệp. Chỉ có một số người buôn bán da thú, những người gan dạ khác ở miền Đông liều vượt quãng đường dài nguy hiểm băng qua các miền đại đồng bằng và núi đồi ở miền Tây. Về phía người Anh, phần lớn do công ty Hudson Bay kiểm soát. Công việc buôn bán da thú ở Oregon đã mang lại cho họ rất nhiều lời. Vào lúc này, xứ Oregon cũng không có một chính quyền bình thường. Trong đồn Vancouver có tiến sĩ John Mc Loughlin là một người Gia Nã Đại được công ty Hudson Bay mướn giữ chức vụ thống đốc. Ông Mc Loughlin là một người tốt, đối xử tử tế với dân da đỏ và sẵn sàng tiếp đón niềm nở những người Hoa Kỳ đến xứ Oregon. Ông tin rằng dân chúng ở Oregon sẽ không trông cậy vào việc buôn bán da thú để làm kế sinh nhai, mà họ sẽ trồng trọt chăn nuôi. Không bao lâu người ta trồng mùa ở những cánh đồng phì nhiêu ở chung quanh đồn Vancouver, và nhiều nông trại được khởi lập ở trong khắp xứ Oregon.



- Người Hoa Kỳ tìm hiểu về xứ Oregon

Mãi đến cuối thập niên 1830 tin tức về miền đất màu mỡ phì nhiêu ở miền Tây Bắc Thái bình dương mới lôi cuốn người Hoa Kỳ. Các tin tức này đã được các nhà truyền giáo truyền đi. Họ là những người đến Oregon truyền giáo trong đám dân da đỏ. Trong đám các nhà truyền giáo này có các ông Henry Spalding và tiến sĩ Marcus Whitman. Năm 1836, hai nhà truyền giáo này cùng với các bà vợ đi đến đồn Vancouver. Ở đây họ được ông John Mc Loughlin đón tiếp niềm nở. Các bà Marcus Whitman và Eliza Spalding là những người phụ nữ da trắng đầu tiên vượt các dãy núi miền Tây để đi đến vùng Tây Bắc.

Ông bà Whitman khởi lập một trung tâm truyền giáo ở Walla gần bờ sông Columbia. Trong suốt 11 năm trời họ đã cố gắng làm việc giúp đỡ dân da đỏ ở vùng này. Sau cùng vợ chồng ông Whitman bị giết hại bởi một số người da đỏ vì họ hiểu lầm công việc làm của gia đình ông. Tuy nhiên, trước khi xảy ra thảm trạng này, vợ chồng ông Whitman cũng đã viết thư gửi về miền Đông trong đó ông nói rõ về vùng đất màu mỡ phì nhiêu này, tả rõ khí hậu, rừng cây và việc đánh cá hồi ở xứ Oregon.

- Người Hoa Kỳ đi theo đường mòn Oregon

Những lá thư và tin tức của gia đình ông Whitman cũng như của những người khác đi tới miền Đông ngay sau khi cuộc khủng hoảng tài chánh vừa phát khởi vào năm 1837 là lúc mà nhiều người bị mất công ăn việc làm và rất chán nản. Liền sau đó, có những toa xe thổ mộ cuồn cuộn tiến về miền Tây. Con đường mà những người đi lập nghiệp này sử dụng là con đường mòn Oregon nổi tiếng. Những người đi lập nghiệp tập trung ở một vài thị trấn ở dọc sông Mississippi như là Independence, St. Joseph hay Omaha. Tại đây, họ kết hợp thành từng đoàn xe để cùng đi và cùng tự vệ chống lại dân da đỏ. Khi cỏ mùa xuân đã cao để cho ngựa và bò của họ có để ăn thì họ bắt đầu khởi hành. Chúng ta hãy cố gắng tưởng tượng đoàn xe lữ hành của đoàn người đi lập nghiệp này như thế nào. Có những người cưỡi ngựa đi trước đoàn xe khá xa để điều nghiên xem đường đi có an toàn hay không. Ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng sớm cho đến tối đoàn toa xe che bạt rồi ngựa, rồi bò và các gia súc khác kéo lê trên con đường hướng về miền Tây dài hàng hai ngàn dặm. Đêm đến, các toa xe quây lại thành vòng tròn để đề phòng quân da đỏ đến tấn công. Nếu mọi việc đều tiến hành tốt đẹp, đoàn xe sẽ tới Oregon trước khi tuyết mùa đông đổ xuống dãy núi đá Rockies. Nếu không, họ sẽ không thể nào vượt được các vùng núi có tuyết phủ vào mùa đông. Từ chân rặng núi này, đoàn người phải trèo các dốc đứng để đi đến ngọn đèo ở phía Nam. Họ phải tìm đường để đi băng qua dãy núi Rockies sừng sững như những bức tường thành cao chót vót. Sang phía Tây dãy núi này, họ sẽ còn gặp con sông Green, và từ đây họ đi đến sông Snake. Theo sông Snake, họ đi về phía Bắc và phía Tây, và sau cùng, họ tới sông Columbia xứ Oregon.



- Chia đôi xứ Oregon

Vào đầu thập niên 1840, có tới hàng vạn người Hoa Kỳ đi tới Oregon lập nghiệp. Họ trồng trọt và lập nên những làng xóm nhỏ. Nhưng những người dân đi lập nghiệp này không hài lòng về việc cả Anh quốc lẫn Hoa Kỳ cùng làm chủ xứ Oregon. Giống như những người Hoa Kỳ định cư ở Texas và ở California, họ mong muốn có một chính quyền riêng của họ, và ở Oregon phải là một phần lãnh thổ của Hoa Kỳ. Không bao lâu, cả hai chính phủ Anh và Hoa Kỳ đều nhận thấy rằng kế hoạch đồng quản trị xứ Oregon không còn tiến hành tốt đẹp nữa.

Nhiều người Hoa Kỳ khẳng định rằng Hoa Kỳ phải chiếm toàn bộ xứ Oregon, giống như họ đã la lối ầm ĩ đòi sát nhập Texas cùng toàn thể vùng Tây Nam vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Người chiếm kỷ lục về việc đòi Hoa Kỳ phải chiếm toàn bộ xứ Oregon là ông James K. Polk. Khi ra tranh cử Tổng thống vào năm 1844, ông nhiệt liệt ủng hộ cả hai ý nguyện này. Khẩu hiệu được mọi người nêu lên là “chiếm toàn bộ xứ Oregon hay là nhất định không” “Năm mươi bốn, bốn mươi (vĩ tuyến 54o40) hay là phải chiến đấu” đã nói lên tinh thần hăng say của dân chúng muốn chiếm xứ Oregon. Sau khi đắc cử, Tổng thống Polk khởi sự việc chiếm hữu xứ Oregon và miền Tây Nam. Vì có nhiều người Hoa Kỳ dồn dập kéo đến Oregon lập nghiệp cho nên việc buôn bán da thú của người Anh không còn mang lại cho họ được nhiều lời như trước nữa. Chính phủ Anh cũng nhận thức được điều này nên họ sẵn sàng chấp nhận một thỏa hiệp với người Hoa Kỳ chứ không chịu từ bỏ toàn bộ xứ Oregon. Hoa Kỳ cũng sẵn sàng chấp nhận một thỏa hiệp với Anh. Đầu năm 1846, cuộc tranh chấp giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ hầu như có thể đưa tới chiến tranh. Vào lúc này, Tổng thống Polk mà liều đi đến chiến tranh với Anh quốc thì thật là chẳng khôn ngoan chút nào. Cho nên, tháng 6 năm 1846, hai chính phủ Anh và Hoa Kỳ cùng ký kết một thỏa hiệp. Theo thỏa hiệp này thì xứ Oregon được chia thành hai phần. Mỗi phần được trao cho một quốc gia. Đường ranh giới của hai phần này là vĩ tuyến 49. Đường biên giới giữa Hoa Kỳ và Gia Nã Đại trước đây đã được định là vĩ tuyến chạy ngang từ Đại hồ đến rặng núi đá Rockies. Thỏa hiệp năm 1846 chỉ là mở rộng đường biên giới này đến Thái bình dương.

Vùng đất ở vùng Tây Bắc nằm dưới vĩ tuyến 49 được Quốc hội quy định là thổ Oregon. Dân số ở vùng này tiếp tục gia tăng, và năm 1849, một phần của lãnh thổ này được thâu nhận vào Cộng đồng Liên bang với danh nghĩa là tiểu bang Oregon. Phần lãnh thổ còn lại gọi là Washington. Mấy năm sau đó, tiểu bang Washington và Idaho được thành lập.

Trong chương này các bạn đã học về:

1. Việc chiếm được miền Đông và miền Tây Florida của Tây Ban Nha.

2. Texas gia nhập Cộng đồng Liên bang.

3. Chiến tranh với Mễ Tây Cơ để chiếm thêm đất California và vùng Tây Nam.

4. Miền Đông Bắc giáp Thái bình dương thuộc về lãnh thổ Hoa Kỳ.

Cuộc Tây tiến của dân đi lập nghiệp người Hoa Kỳ khởi đầu từ thuở “miền Tây” chỉ cách bờ biển Đại tây dương có vài dặm ở sâu trong nội địa cho đến khi cái “miền Tây” này chạy tới Thái bình dương. Lãnh thổ Hoa Kỳ ngày nay vươn ra chiếm trọn chiều ngang Bắc Mỹ dài tới 2800 dặm, từ Đại tây dương tới Thái bình dương.


CHƯƠNG XIX

CHIẾN TRANH GIỮA MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM
Trong tất cả các loại chiến tranh thì cuộc chiến tranh giữa những người cùng một dân tộc, cùng một quốc gia là bi đát hơn cả. Và thường thì người ta cảm thấy đau đớn não nề chua chát nhất. Dân trong một nước đánh nhau, giết hại lẫn nhau, người cùng trong một tỉnh thù nghịch chém giết lẫn nhau. Đôi khi có người trong cùng một gia đình lại chiến đấu trong cả hai hàng ngũ đối nghịch nhau. Trong những năm từ 1861 đến năm 1865, Hoa Kỳ bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh như vậy. Lúc đó, chiến tranh bùng nổ giữa miền Bắc và miền Nam, cuộc chiến tranh này còn gọi là trận chiến tranh giữa các tiểu bang hay cuộc nội chiến. Trận đánh đầu tiên của cuộc chiến xảy ra ở đồn Sumter thuộc tiểu bang South Carolina.

Trận chiến tranh bi đát này bộc phát và bành trướng ra ngoài hoàn cảnh và điều kiện đã nói ở trong các chương trước đây trong sách này. Như các bạn đã biết, hai miền Nam Bắc đã phát triển những lối sinh sống khác biệt nhau. Rất nhiều người miền Bắc sinh nhai bằng nghề buôn bán, thủy vận và sản xuất hàng hóa kỹ nghệ. Về phần miền nam thì dân chúng sinh nhai bằng nghề trồng trọt, đặc biệt là họ trồng rất nhiều bông vải. Vì sự khác biệt về lối sinh sống cho nên hai miền thường không đồng ý với nhau về những vấn đề quan trọng như vấn đề thuế mậu dịch và vấn đề ngoại thương. Mỗi khi có những vấn đề như vậy được nêu lên ở Quốc hội là hai miền Nam Bắc thường chống đối nhau. Trong một quốc gia rộng lớn như Hoa Kỳ thì sự bất đồng chính kiến với nhau là một việc hoàn toàn tự nhiên,và những vấn đề bất đồng ý kiến với nhau như vậy thường thì có thể giải quyết với nhau một cách êm đẹp.

Tuy nhiên, vào thời kỳ tiền bán thế kỷ thứ XIX, sự bất đồng chính kiến về vấn đề nô lệ đã làm cho miền Bắc và miền Nam phải phân ly tách rời nhau. Hẳn các bạn còn nhớ các tiểu bang miền Bắc đã từ bỏ chế độ nô lệ vì rằng chế độ nô lệ không còn cần thiết và thích hợp ở đây. Ngược lại, các tiểu bang miền Nam vẫn còn duy trì chế độ nô lệ, vì rằng dân miền Nam rất cần nô lệ để trông coi làm lụng trong các đồn điền trồng bông của họ. Đúng ra, sự bất đồng chính kiến về vấn đề nô lệ vào lúc nào đó nếu không xảy ra một biến chuyển khác thì vẫn có thể giải quyết ổn thỏa với nhau được. Sự bành trướng lãnh thổ về phía Tây một cách mau chóng, một lần nữa lại gây ra sự tranh chấp giữa miền Bắc và miền Nam về vấn đề cho phép hay không cho phép duy trì chế độ nô lệ ở các tiểu bang mới được thiết lập ở miền Tây. Trong nhiều năm, sự tranh chấp này đã được giải quyết bằng nhiều thỏa hiệp, trong đó mỗi miền nhượng bộ một ít. Nhưng lúc này là lúc mà sự tranh chấp dữ dội đến nỗi không còn thể nào giải quyết bằng một thỏa hiệp nào nữa. Đất nước dần dần rơi vào vực thẳm chiến tranh.

Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu về chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc đã xảy ra như thế nào. Dưới đây là những câu hỏi có thể giúp các bạn hiểu biết về những biến cố đưa đến cuộc nội chiến này.

1. Trong nhiều năm, miền Bắc và miền Nam đã giải quyết những dị biệt như thế nào?

2. Hai miền Nam Bắc đã tiến dần đến chiến tranh ra làm sao?

3. Những biến cố nào đã trực tiếp đưa đến chiến tranh giữa miền Bắc và miền Nam?

*

* *


PHẦN MỘT

TRONG NHIỀU NĂM, MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM ĐÃ GIẢI QUYẾT NHỮNG DỊ BIỆT NHƯ THẾ NÀO?
Trong chương trước, các bạn đã được biết, Hoa Kỳ đã chiếm từng vùng đất một dần dần cho tới khi lãnh thổ vươn ra bao trùm kín cả vùng đồng bằng và miền núi ở bên bờ Thái bình dương. Dân chúng ở cả hai miền Nam Bắc đều tiến đến vùng đất mới này để lập nghiệp. Dĩ nhiên là khi đi lập nghiệp, họ mang theo tất cả những cách sinh sống và lối suy tư cố hữu cuả họ. Dần dần các làng định cư được khởi lập, và sau đó có những tiểu bang mới được thành hình. Cả hai miền Nam Bắc đều thấy rằng số phiếu của dân miền Tây ở trong Quốc hội rất là quan trọng. Liệu rằng những phiếu này sẽ làm thêm sức mạnh cho miền Bắc hay miền Nam? Liệu rằng những dân biểu của miền Tây ở Quốc hội sẽ ủng hộ hay chống đối chế độ nô lệ? Cả hai miền đều cảm thấy rằng họ cần phải có phiếu của các tiểu bang mới ở miền Tây này.

MỘT THỎA HIỆP ĐÃ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ NÔ LỆ Ở LOUISIANA



- Việc thu nhận tiểu bang Missouri khởi đầu cho việc tranh chấp về vấn đề nô lệ

Vùng đất đầu tiên được sát nhập vào lãnh thổ Hoa Kỳ là vùng đất Louisiana do Tổng thống Jefferson mua, và tiểu bang đầu tiên được thành lập ở trong vùng đất mới mua này là tiểu bang Louisiana. Ở đây không có vấn đề tranh chấp về vấn đề nô lệ. Tiểu bang Louisiana rõ ràng là ở tận cùng miền Nam, và chế độ nô lệ đã có ở đây ngay từ những ngày đầu. Cho nên khi tiểu bang Louisiana được thâu nhận vào Cộng đồng Liên bang thì tiểu bang này là tiểu bang chấp nhận chế độ nô lệ. Tuy nhiên, năm 1819, khi Missouri xin gia nhập vào Cộng đồng Liên bang thì xảy ra việc tranh chấp dữ dội giữa miền Bắc và miền Nam. Missouri cũng là một phần đất của lãnh thổ Louisiana do Tổng thống Jefferson mua trước kia, nhưng tiểu bang này nằm xa hơn về phía Bắc chứ không như tiểu bang Louisiana ở xa hẳn về phía Nam.

Nhiều người có nô lệ đã đến định cư lập nghiệp ở Missouri. Khi Missouri nộp đơn xin phép để trở thành một tiểu bang thì dân chúng ở đây lại muốn rằng tiểu bang của họ phải được duy trì chế độ nô lệ. Nhưng khi đơn xin gia nhập vào Cộng đồng Liên bang đưa đến Quốc hội thì một số dân biểu của các tiểu bang miền Bắc yêu cầu rằng chỉ khi nào Missouri giải phóng hết nô lệ thì Quốc hội mới thu nhận Missouri vào cộng đồng liên bang. Lời yêu cầu này khiến cho dân miền Nam sợ rằng nếu chế độ nô lệ bị cấm ở tiểu bang Missouri thì rất có thể nô lệ cũng sẽ bị cấm ở những tiểu bang khác nếu được thành lập ở trong vùng lãnh thổ Louisiana do Tổng thống Jefferson mua trước kia. Miền Nam nêu lên thắc mắc là tại sao người miền Bắc không có nô lệ lại được phép đi miền Tây định cư và được thành lập các tiểu bang ở đây, trong khi đó thì người miền Nam có mang theo nô lệ lại bị cấm?

- Thỏa hiệp Missouri giải quyết vụ tranh chấp về nô lệ này

Khi vụ tranh chấp gay cấn này đi đến hồi quyết liệt thì lại xảy ra một điều may mắn. Maine vốn là một phần của tiểu bang Massachusetts nộp đơn xin gia nhập Cộng đồng Liên bang như là một tiểu bang riêng biệt. Dân chúng ở tiểu bang Maine không cần hay đúng hơn là không muốn duy trì chế độ nô lệ. Có một lúc người ta đã nói: “Đây là một cơ hội để giải quyết vụ tranh chấp gay cấn về tiểu bang Missouri”. Năm 1820, Quốc hội đạt được một thỏa hiệp mệnh danh là “Thỏa hiệp Missouri” hay còn gọi là “Thoả hiệp 1820” .

Theo thỏa hiệp này thì:

1. Missouri sẽ gia nhập Cộng đồng Liên bang như là một tiểu bang duy trì chế độ nô lệ.

2. Maine sẽ là một tiểu bang tự do (không chấp nhận chế độ nô lệ)

3. Hai miền Nam Bắc đồng thỏa thuận rằng sẽ dùng một đường ranh giới để giải quyết vấn đề tranh chấp về chế độ nô lệ ở trong các phần đất còn lại trong lãnh thổ Louisiana do Tổng thống Jefferson mua trước kia. Đường ranh này là đường biên giới ở phía Nam của tiểu bang Missouri cắt ngang lãnh thổ Louisiana chạy thẳng về phía Tây. Trong tương lai, trong phần lãnh thổ Louisiana, mỗi tiểu bang được thành lập nếu nằm ở phía Bắc lằn ranh này thì sẽ là tiểu bang tự do (không châp nhận chế độ nô lệ), nếu nằm ở phía Nam lằn ranh này thì sẽ được duy trì chế độ nô lệ.

Thỏa hiệp này coi như là êm đẹp. Miền Nam đã thỏa mãn được những gì họ mong muốn – duy trì chế độ nô lệ ở Missouri - miền Bắc có thể tin cậy vào số phiếu của tiểu bang Maine ở Quốc hội để giữ quân bình số phiếu khi tiểu bang Missouri đứng về phía miền Nam. Cả hai bên đều cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm, vì rằng Quốc hội đã thông qua một đạo luật để giải quyết vấn đề nô lệ ở trong phần lãnh thổ Louisiana mới tậu được. Miền Bắc đặc biệt đã hài lòng vì Quốc hội đã giữ địa vị của mình mà lấy quyền quyết định vấn đề nô lệ trong phần đất còn lại sẽ trở thành các tiểu bang sau này.

- Vụ tranh chấp này đã gây ra cảm nghĩ chua chát và đắng cay

Dù rằng cuộc tranh chấp này đã chấm dứt bằng thỏa hiệp Missouri, nhưng nó vẫn còn gây nên những chua chát và đắng cay trong lòng người. Nhìn vào tương lai, nhiều người sợ rằng sau này sẽ có những tranh chấp khác nữa về vấn đề nô lệ và những vụ tranh chấp sau này còn có thể nguy hiểm hơn cả cuộc tranh chấp vừa mới giải quyết xong. Ông Thomas Jefferson đã viết lên nỗi lo sợ này trong một đoạn văn: “Đây là vấn đề nhất thời giống như tiếng chuông kêu cứu hỏa trong đêm khuya, nó đã đánh thức mọi người dậy, và ai cũng khiếp sợ”. Ông còn viết thêm rằng “Trong những ngày giờ đen tối nhất của thời chiến tranh cách mạng ông cũng không lo sợ cho tổ quốc như vậy”

MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM TRANH LUẬN VỀ CÁC QUYỀN TỰ DO CỦA CÁC TIỂU BANG

Việc tranh luận về việc thu nhận Missouri vào Cộng đồng Liên bang đã khiến cho người miền Nam nhận thức được mối lo sợ về lối sống của họ. Việc trồng bông vải đã làm cho đất đai ở miền Nam trở nên cằn cỗi. Dân miền Nam sợ rằng sẽ có một ngày họ sẽ không có thêm những đất mới để trồng bông. Họ cũng cảm thấy lo sợ vì những đạo luật về thuế mậu dịch sẽ làm cho giá cả các hàng hóa lên cao. Vì rằng miền Nam mua rất nhiều hàng hóa kỹ nghệ của Anh quốc, và ngược lại Anh quốc cũng mua rất nhiều bông vải của miền Nam cho nên nâng cao thuế mậu dịch có nghĩa là nền thịnh vượng của miền Nam bị đe dọa. Dân miền Nam trung thành với Cộng đồng quốc gia Hoa Kỳ, nhưng họ cũng bắt đầu tự hỏi: “Có cách nào mà chúng ta vẫn ở lại êm đẹp ở trong cộng đồng mà những điều kiện cần thiết cho lối sinh sống của chúng ta vẫn còn được bảo đảm?”.



- Ý niệm về quyền tự do của các tiểu bang phát triển ở miền Nam

Hình như các nhà lãnh đạo miền Nam muốn có một cách là ở lại trong Cộng Đồng Quốc Gia mà vẫn bảo vệ được quyền lợi của miền Nam. Hẳn các bạn còn nhớ rằng Hiến pháp Hoa Kỳ đã phân chia quyền hành cho chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang. Chính quyền liên bang chỉ có những quyền hành nào đã được ghi rõ trong Hiến pháp. Còn tất cả những quyền hành khác là thuộc về các tiểu bang. Người miền Nam cho rằng họ có thể duy trì được lối sinh sống của họ bằng cách khẳng định rằng chính quyền liên bang không được can thiệp vào tất cả các vấn đề không được Hiến pháp trao quyền cho chính quyền liên bang. Tư tưởng này là nền tảng cho điều mà người ta gọi là chủ nghĩa “quyền tự do của các tiểu bang”.



- Dân miền Nam bảo vệ quyền tự đo của các tiểu bang

Ông John Calhoun ở South Carolina là một người bảo vệ hăng say nhất các quyền tự do của các tiểu bang. Các bạn đã có dịp đọc qua về đoạn văn ông viết trong lời phản kháng mạnh mẽ để chống lại đạo luật nâng cao thuế mậu dịch vào năm 1828. Trong bản tuyên cáo phản kháng này, ông Calhoun tuyên bố rằng Quốc hội không có quyền đánh thuế mậu dịch cao theo đó mà một phần của đất nước phải gánh chịu thiệt hại. Ông nói lên tiếng nói bênh vực cho người miền Nam. Ông phản đối rằng thuế mậu dịch là “bất hợp hiến, áp bức và bất công”.

Một trong những cuộc tranh luận nổi tiếng nhất ở Thượng viện Hoa Kỳ xảy ra vào năm 1830 là vụ tranh luận về các quyền tự do của các tiểu bang. Cuộc tranh luận này kéo dài gần 2 tuần lễ. Vì lúc bấy giờ ông Calhoun là Phó Tổng thống nên ông không tham dự cuộc tranh luận này. Nhưng thượng nghị sĩ Robert Y. Hayne cũng là người của tiểu bang South Carolina, rất hăng say tranh luận, bênh vực cho miền Nam. Ông lý luận rằng khi chấp nhận Hiến pháp, các tiểu bang chỉ trao chính quyền trung ương một số quyền hành thôi. Ông tuyên bố rằng bất kỳ tiểu bang nào cũng có quyền hành động chống lại các đạo luật do Quốc hội thông qua, nếu tiểu bang đó thấy rằng các đạo luật này vi hiến.

- Ông Daniel Webster biện luận cho chính quyền trung ương mạnh

Thượng nghị sĩ Daniel Webster của tiểu bang Massachusetts đáp lại bài diễn văn của thượng nghị sĩ Hayne. Ông Webster là một người lùn, nhưng chiếc đầu to lớn và cặp mắt “sáng rực như hai cục than cháy trong đêm tối” của ông đã làm cho cái vẻ bề ngoài của ông lại càng thêm phần uy nghi oai vệ. Ngày nào có ý định đọc bài diễn văn, ông mặc bộ đồ lớn màu da bò và chiếc áo choàng kiểu xưa có nút bằng đồng. Lối ăn mặc này rất thịnh hành vào thời cách mạng, và cũng làm cho cái vẻ bề ngoài của ông càng thích hợp với hoàn cảnh. Ông không đồng ý với quan điểm của miền Nam về quyền tự do của các tiểu bang. Ông lên tiếng bênh vực cho những người Hoa Kỳ cho rằng nếu muốn Cộng đồng Liên bang tồn tại thì chính quyền liên bang phải có nhiều quyền hành hơn các tiểu bang.

Vào ngày mà ông Daniel Webster bắt đầu đáp lại bài diễn văn của ông Hayne, các hành lang của Thượng viện đông chật ních những người đến nghe ông nói. Khi đứng lên, ông Webster bắt đầu nói với giọng nói trầm trầm và sang sảng. Ông nói, nếu mọi tiểu bang đều khẳng định cái quyền tự do để quyết định xem một đạo luật có hợp hiến hay không thì những gì sẽ xảy ra? Câu trả lời của ông là Hoa Kỳ sẽ tan rã thành từng tiểu bang riêng rẽ hay là thành từng một nhóm của một vài tiểu bang. Ông viện dẫn những câu văn dài hoa mỹ của những bài diễn văn thời đó, ông đưa ra những lời lẽ rất khích động để biện hộ cho cộng đồng liên bang, và ông chấm dứt bài diễn văn của ông bằng những lời lẽ vô cùng cảm động:

“Vừa rồi khi tôi quay lại nhìn mặt trời, tôi thấy trời không chiếu sáng trên những mảnh vụn đã một thời ở trong tập thể (cộng đồng liên bang), trời sẽ không soi sáng lên những tiểu bang hiếu chiến, bất hòa, ly khai, trời sẽ không soi sáng lên những mảnh đất mà ở đây đầy rẫy những hận thù trong cảnh nồi da xáo thịt, tắm máu anh em. Hãy để cho tia sáng mong manh lóe lên một phần để nhìn màu cờ huy hoàng của đất nước đã từng vang danh khắp địa cầu và còn tiến cao hơn nữa. Nhưng vào khi mà những chiến công cuồn cuộn dâng lên trong ánh sáng rực rỡ của ngày xưa thì nhất định sẽ không có một lằn sọc nào trong quốc kỳ bị xóa bỏ hay bị làm ô uế, và nhất định cũng không có một ngôi sao nào trong quốc kỳ bị che lấp. Quốc kỳ đang mang những câu châm ngôn không giống như những câu hỏi đáng thương như “tất cả giá trị của nó đáng là bao nhiêu?”. Và cũng không phải như những lời lẽ lường gạt điên rồ như “Tự do trước và đoàn kết sau”mà là ở đâu đâu cũng tỏa ra ánh sáng sống động đốt sáng lòng người trong mọi gia đình và bao trùm hết cả bốn bể năm châu cuồn cuộn tung bay trong mọi làn gió ở thế gian này, và là tình cảm khác rất quý báu đối với những con tim của người dân đất nước Hoa Kỳ. Đó là tự do và đoàn kết ngày nay và mãi mãi, chỉ là một mà không thể nào tách rời chia rẽ được”.

Cuộc tranh luận giữa hai nghị sĩ Webster và Hayne chỉ là một trong hàng loạt cuộc tranh luận về quyền tự do của các tiểu bang. Các tiểu bang miền Nam mạnh mẽ tin tưởng vào quyền tự do của các tiểu bang đến độ họ bắt đầu đòi đến quyền tự do rút khỏi Cộng đồng quốc gia. Và cuối cùng đến khi họ hành động, chúng ta sẽ thấy rằng sẽ xảy ra thảm họa chiến tranh giữa các tiểu bang.

NHỮNG TRANH CHẤP MỚI ĐƯA ĐẾN THỎA HIỆP 1850

Theo thỏa hiệp Missouri thì mỗi vùng trong lãnh thổ Hoa Kỳ đều được ghi rõ là “tự do” (đã giải phóng nô lệ) hay là “nô lệ” (còn duy trì chế độ nô lệ). Tuy nhiên, những vùng đất mới được sát nhập vào lãnh thổ chắc chắn lại xảy ra tranh chấp. Các bạn đã đọc qua chương XVIII và thấy rằng đã có những bất đồng chính kiến với nhau về vấn đề thâu nhận Texas như là một tiểu bang duy trì chế độ nô lệ.

- Cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ đưa đến một vụ tranh chấp mới về chế độ nô lệ

Cuộc chiến với Mễ Tây Cơ bùng nổ vào năm 1846 cho ta thấy rõ rằng Hoa Kỳ có thể chiếm một vùng đất vô cùng rộng lớn. Đã có một lần, người ta nêu lên câu hỏi là” Những vùng đất mới này sẽ là những vùng đất duy trì chế độ nô lệ hay giải phóng nô lệ”. Ngay khi chiến tranh bùng nổ, ông Davis Wilmot, dân biểu của tiểu bang Pennsylvania đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Ông Wilmot là người rất ghét chế độ nô lệ. Ông đề nghị với Quốc hội là hãy thỏa thuận với nhau trước rằng chế độ nô lệ sẽ không được du nhập vào bất kỳ phần đất nào trong những vùng đất sẽ chiếm được của Mễ Tây Cơ. Đề nghị này gọi là điều khoản Wilmot và được đưa ra Quốc hội nhiều lần, nhưng đều bị đánh bại cả. Đại biểu các tiểu bang miền Bắc ghét chế độ nô lệ bỏ phiếu ủng hộ đề nghị này. Nhưng các đại biểu miền Nam thì bỏ phiếu chống lại.



- Người miền Nam trở nên lo ngại]

Khi trận chiến với Mễ Tây Cơ chấm dứt vào năm 1848, cuộc tranh luận do ông Wilmot khởi xướng trở nên quyết liệt hơn. Khắp trong nước, ở đâu người ta cũng bàn về vấn đề nô lệ ở trong các vùng đất vừa mới chiếm được của Mễ Tây Cơ. Người miền Nam sợ rằng người miền Bắc có thể ngăn chặn không cho họ mang nô lệ vào các vùng đất mới này. Để hiểu rõ nỗi lo sợ của họ, chúng ta hãy lắng tai nghe cuộc nói chuyện xảy ra vào thời đó của một điền chủ giàu có ở miền Nam với ông bạn láng giềng. Ta hãy gọi hai người này là ông A và ông B đang ngồi nói chuyện với nhau trong phòng khách.

Ông A bắt đầu nói: “Tôi không thể nào lại không lo cho tương lai được. Không biết những gì sẽ xảy ra nếu các tiểu bang miền Bắc, nơi mà có quá nhiều người theo chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ, sẽ cố gắng ngăn chặn chúng ta mang nô lệ vào các vùng đất ở miền Tây, hay là họ sẽ cố gắng can thiệp vào lối sinh sống ở miền Nam”.

Ông B nói: “Tôi cũng đã nghĩ như vậy. Tôi cảm thấy vô cùng lo ngại rằng miền Bắc sẽ cố gắng hoạt động để quốc hội chống lại việc duy trì chế độ nô lệ”

Ông A hỏi lại: “Dịp nào khiến cho ông nghĩ rằng chính quyền liên bang có thể làm như vậy?”



tải về 2.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   25   26   27   28   29   30   31   32   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương