* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Các nhà cải cách cố gắng thay đổi tình trạng sinh sống của những người nghèo khó



tải về 2.16 Mb.
trang26/33
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.16 Mb.
#9902
1   ...   22   23   24   25   26   27   28   29   ...   33

- Các nhà cải cách cố gắng thay đổi tình trạng sinh sống của những người nghèo khó

Nhiều thanh niên cũng như phụ nữ khắp trong đất nước đều muốn rằng cần phải thực hiện một vài điều để cải thiện tình trạng sinh sống này. Những người này gọi là những người cải cách. Khi những người cải cách thấy rằng những tình trạng sinh sống mà họ cho rằng tội lỗi hay phi dân chủ thì họ cố gắng thay đổi hay cải cách. Họ viết sách, báo nói rõ những gì mà họ cho là lầm lẫn, và những gì mà họ cho rằng cần phải sửa đổi. Họ tổ chức những buổi họp và dân chúng tấp nập đến nghe họ nói chuyện, diễn thuyết. Họ soạn thảo những dự luật mới và cố gắng hoạt động để Quốc hội thông qua dự luật này. Những điều kiện sinh sống nào mà các nhà cải cách muốn cải thiện?



- Các nhà cải cách ở miền Bắc cố gắng hoạt động để hủy bỏ chế độ nô lệ

Một nhóm các nhà cải cách miền Bắc cho rằng một người mà làm chủ một người khác thì thật là một điều lầm lẫn và tội lỗi, và họ khẳng định rằng cần phải hủy bỏ chế độ nô lệ. Những người này được gọi là những người chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ.

Một trong những người chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ hăng say nhất là một thanh niên người vùng Tân Anh tên là William Lloyd Garrison. Ông Garrison đi Baltimore thuộc tiểu bang Maryland để trợ lực, quản trị tờ báo chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ. Tại đây, ông đem hết cố gắng ra thuyết phục dân chúng rằng chế độ nô lệ là tội lỗi và lầm lẫn. Tờ báo này không thành công nhưng trong số báo chót, ông Garrison viết: “Khi mà hai triệu đồng bào của tôi còn mang gông cùm xiềng xích nô lệ thì tôi nhất định không thể ngừng viết cũng như không ai có thể đàn áp được tiếng nói của tôi, và tim tôi còn rướm máu…”

Garrison trở về Massachusetts vào ngày mùng một tháng một năm 1831, ông cho xuất bản tờ báo giải phóng. Trong tờ báo này, ông hét lên rằng “Tôi thành thật- tôi không nói mập mờ nước đôi – và người ta sẽ nghe tôi nói”. Những lời lẽ giận dữ của ông Garrison chống lại chế độ nô lệ đã gây căm thù ở miền Bắc cũng như ở miền Nam. Và hậu quả là ông bị dân chúng đánh đập ở ngoài đường phố ở Boston. Dù sao đi nữa, ông vẫn cương quyết chiến đấu chống lại chế độ nô lệ bằng mọi cách qua báo chí, truyền đơn, bạn bè, diễn thuyết và hội thảo.

Một vị lãnh tụ chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ khác là ông Theodore D. Weld, một thanh niên rất đứng đắn, nghiêm nghị, từ nhỏ đã muốn trở thành mục sư. Ông Weld và một số bạn bè đi lang thang từ làng này đến làng khác ở Ohio để giảng thuyết về chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ. Lúc đầu, dân chúng không thích vậy. Người ta chen chúc đến đầy phòng và gây ồn ào dữ dội đến nỗi không ai có thể nghe được ông Weld nói gì. Người ta ném đá và trứng vào ông. Nhưng ông Weld cũng như bạn bè của ông đều không nản lòng như ông Garrison. Họ xuất bản báo chí và thành lập nhiều hội đoàn chống chế độ nô lệ. Trong ít năm, kết quả công trình của các ông Garrison, Weld và những người theo chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ đã trở thành một nhóm người có thế lực hoạt động ở miền Bắc.

Phong trào chống chế độ nô lệ khởi đầu chỉ là một trong nhiều hình thức cải cách. Nhưng sau đó nó đã gây xúc động và mạnh hơn bất kỳ phong trào cải cách nào khác. Trong chương XIX, chúng ta sẽ thấy chính phong trào này đã ảnh hưởng đến cuộc chiến tranh giữa miền Bắc và miền Nam.



- Những nhà cải cách muốn cải thiện đời sống của những người tù tội và bịnh hoạn thần kinh

Vào đầu thế kỷ thứ XIX, dù ai mắc phải tội không đáng kể cũng bị bắt bỏ tù. Những người ở trong tù bị đối xử rất tàn ác. Mãi tới khi mãn hạn tù người ta mới chịu giúp đỡ những người này một chút ít để hoàn thiện và giúp họ trở nên người hữu ích cho xã hội. Tình trạng sinh sống ở trong chốn lao tù thường rất tệ. Nhà tù thì bẩn thỉu, dơ dáy, các tù nhân thì không được ăn uống sạch sẽ, thiếu thuốc men. Họ không phải làm gì, và cũng không có gì để cho họ giải trí. Nhiều thanh niên phụ nữ trẻ tuổi chỉ mắc một lỗi lầm nhỏ nhặt cũng bị bắt nhốt chung với những tội nhân lão luyện. Nhiều người trước kia không quá tệ, nhưng khi mãn hạn tù ra lại trở thành những người quá ư xấu xa tệ hại.

Những người bị bịnh tinh thần cũng bị đối xử khắt khe và tàn ác. Ngày nay, chúng ta cho rằng tình trạng mất trí là một bệnh thần kinh. Chúng ta nghĩ rằng những người bị bệnh thần kinh, mất trí khôn này không có gì đáng trách giống như những người bị bệnh tật về thể xác. Nhưng ngày xưa, tình trạng mất trí bị coi như là một sự ô nhục. Những người bị bịnh mất trí thường bị giam giữ trong một khu vực riêng rất tồi tệ. Đôi khi họ bị xiềng xích. Thân hình họ thì dơ dáy, quần áo tả tơi, không được cho ăn uống đầy đủ. Những người trông coi khu vực này thường chế nhạo họ và đối xử với họ rất tàn nhẫn.

Một số những nhà nhân đạo đã suy nghĩ rất nhiều và chú ý đến nỗi đau khổ của tù nhân và của những người mất trí này. Nổi tiếng nhất trong những người giàu lòng bác ái này là một phụ nữ ở Massachusetts tên là Dorothea Dix. Cô Dix đi diễn thuyết và viết sách báo, nói rõ về tình cảnh khốn khổ của tù nhân và những người bị mắc bịnh mất trí. Nhờ những cố gắng hoạt động của cô mà có nhiều hội đoàn được thành lập để nghiên cứu những biện pháp đối xử với những tù nhân và những người mất trí cho được tốt đẹp hơn. Sự trừng phạt đối với tội nhân trở nên ít tàn ác hơn. Người ta cho xây nhiều nhà thương điên cho những người bị bịnh mất trí. Từ đó, công trình do cô Dix khởi xướng được tiếp tục thực hiện cho đến ngày nay.



- Giúp đỡ những người mù

Ông Samuel Howe cũng là một người rất thích giúp đỡ những người kém may mắn. Tình trạng của những người mù khiến cho ông rất xúc động. Ông ước mong họ phải được dạy dỗ và rèn luyện để cho họ có thể nhờ đó mà kiếm kế sinh nhai, và có thể sống được cuộc đời hữu ích cho đời. Đầu thập niên 1830, ông Howe cổ động gây quỹ để bắt đầu hoạt động cho công việc này. Ông khởi lập viện Perkins cho những người mù ở Boston, và tại viện này có hàng ngàn người mù được săn sóc và huấn luyện về những cách trao đổi. Từ đó, có thêm nhiều tổ chức giúp đỡ người mù.



- Những nhà lãnh tụ tiết độ hoạt động chống uống rượu

Nhiều người cũng chú ý đến bệnh uống rượu. Những nạn nhân của bịnh rượu thường mất công ăn việc làm và nhiều khi họ còn can phạm nhiều tội trạng. Người nghiện rượu thường mang đau khổ lại cho gia đình và bị chính gia đình họ ghét bỏ. Lúc bấy giờ, nhiều hội đoàn tiết độ được thành lập để bài trừ tình trạng tệ hại này. Những hội đoàn này tích cực dạy cho dân chúng hiểu rõ cái hậu quả tai hại của rượu, và cố gắng thuyết phục họ bỏ uống rượu. Một số người chủ trương tiết độ còn đi xa hơn nữa bằng cách tìm cách để các cơ quan lập pháp của các tiểu bang thông qua các đạo luật về bán rượu. Năm 1846, tiểu bang Maine thông qua luật cấm bán rượu và sau đó nhiều tiểu bang cũng theo gương tiểu bang Maine.



- Phụ nữ tranh đấu đòi quyền bình đẳng cũng như nam công dân

Trong số những người tham gia phong trào tiết độ và các phong trào cải cách khác, có nhiều người là phụ nữ. Nhưng các bà thấy rằng dân chúng không chịu nghe theo lời thuyết phục của các bà. Dù rằng càng ngày càng có nhiều thiếu nữ và các bà làm việc trong các xưởng máy và xí nghiệp, nhưng đa số dân chúng vẫn còn cho rằng công việc của các bà là ở trong gia đình. Phụ nữ vẫn còn không được hưởng các quyền tự do như thanh niên. Phụ nữ không thể học cao được và không được phép làm một số lớn công việc. Phụ nữ không được đi bầu. Khi một người phụ nữ có chồng thì người chồng được quyền điều hành tất cả tài sản của người vợ. Khi một người phụ nữ tích cực hoạt động ở các nơi công cộng, hay trình bày tư tưởng của họ với dân chúng thì dân chúng bực bội cằn nhằn.

Khi các bà phụ nữ tham gia phong trào cải cách này hay phong trào cải cách nào khác thì các bà cũng lo tranh đấu cho chính các bà cũng như cho những chị em phụ nữ khác được thêm quyền tự do. Năm 1848, hội nghị tranh đấu cho quyền tự do của phụ nữ nhóm họp tại Seneca Falls, thuộc tiểu bang New York. Đại biểu phái đoàn soạn thảo một bản tuyên ngôn đòi quyền được hưởng tất cả đặc quyền của công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, phải mất nhiều năm nữa phụ nữ Hoa Kỳ mới được hưởng quyền bình đẳng như đàn ông.

VẤN ĐỀ GIÁO DỤC ĐƯỢC ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU

Chúng ta thấy rằng từ thời Tổng thống Andrew Jackson trở về sau, nhiều nhà trí giả thấy rằng có nhiều vấn đề cần phải được cải thiện. Một trong những vấn đề này mà nhiều người hằng quan tâm đến nhiều nhất là vấn đề giáo dục. Vấn đề giáo dục rất quan trọng trong chế độ dân chủ. Vì rằng tất cả mọi người đều có quyền đi bầu và tham dự vào chính quyền thì tất cả mọi người phải biết đọc, biết viết và thông hiểu mọi tin tức cần thiết đối với chính quyền cũng như đối với đời sống hàng ngày.

- Giáo dục công lập từ từ khởi tiến

Vào đầu thế kỷ thứ XIX, người ta rất ít có cơ hội để học hỏi. Điều đó dĩ nhiên là một sự thật, và từ lâu, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề giáo dục và đã không ngừng tìm cách để cải cách. Các bạn còn nhớ là những người mới đến định cư lúc đầu ở đất nước này đã thiết lập nhiều loại trường học. Sau này sắc lệnh Tây Bắc được ban hành, sắc lệnh này định rằng kiến thức rất cần thiết cho một chính quyền tốt và cho hạnh phúc con người. Sắc luật này cũng định rằng trong các lãnh thổ miền Tây Bắc “trường học và các phương tiện giáo dục phải luôn luôn được khuyến khích”. Tại Virginia ông Thomas Jefferson cố gắng khởi lập một hệ thống học đường có thể giúp các con em gia đình nghèo. Tư tưởng về giáo dục của ông Jefferson đã tiến xa và quá nhanh so với thời đại của ông.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân cho nên không có một kế hoạch nào dự trù việc học vấn cho những người học hành tiến bộ. Ở miền Tây, nhiều gia đình phải vật lộn tranh đấu trong hoàn cảnh khó khăn để tạo dựng nhà cửa cho nên họ không có thời giờ để suy nghĩ về vấn đề học hành. Ở miền Nam, chỉ có những người con nhà giàu có mới được đi học nhiều. Như các bạn đã biết ở miền Bắc, đặc biệt là ở miền Tân Anh đã thiết lập được nhiều trường công lập. Nhưng trong thời gian chiến tranh cách mạng và những năm bất ổn sau đó đã gây nhiều hậu quả tai hại cho những trường học này. Các vị phụ huynh có khả năng cho con đi học lại thì lại cho con đi học ở các trường tư thục. Nhiều tiểu bang lại đòi hỏi các phụ huynh phải đóng góp các phí tổn trong việc điều hành các trường học công lập. Các vị phụ huynh nghèo khó chỉ có thể gửi con em đi học ở các trường hoc này nếu họ bằng lòng chấp nhận những lời tuyên thệ của người nghèo khó. Họ phải tuyên bố rằng vì họ quá nghèo nên không thể nào trả được một phần nào chi phí cho việc học con em của họ. Chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy có nhiều người nghèo thà để con em họ không theo học ở các trường này còn hơn là họ phải tuyên thệ như vậy.

Trong thập niên 1830, dân chúng bắt đầu đòi hỏi phải dùng tiền thuế để trang trải cho chi phí về giáo dục. Giai cấp công nhân cho rằng con cái họ phải được học hành. Họ nghĩ rằng việc học hành cũng như việc bầu cử phải được tất cả mọi người tham dự.



- Thiết lập các trường công lập miễn phí

Nhà lãnh tụ tranh đấu hăng say nhất cho việc cải thiện giáo dục là ông Horace Mann. Với tư cách là bộ trưởng giáo dục của tiểu bang Massachusetts, ông Mann khẳng định rằng phải có các trường công lập miễn phí cho tất cả học sinh con nhà giàu cũng như con nhà nghèo. Không phải là tất cả mọi người đều đồng ý với ông Mann. Lúc đầu, những người giàu có nói rằng: “Tại sao chúng ta lại phải đóng thuế để trả chi phí học hành cho con em những người nghèo khó?” Nhưng dần dần về sau ý kiến về vấn đề giáo dục của ông Mann được những người đóng thuế ủng hộ và chấp nhận. Đồng thời, ông Mann cũng cho lập nhiều trường sư phạm để huấn luyện giáo chức. Các nhà lãnh đạo ở các tiểu bang khác cũng cố gắng hoạt động để cải thiện giáo dục trong tiểu bang của họ. Thời gian học được kéo dài hơn, nhiều môn học mới được thêm vào chương trình, đồng thời sách giáo khoa cũng được cải thiện. Vào năm 1850, hầu hết các tiểu bang miền Bắc đều sử dụng tiền thuế để tài trợ cho vấn đề giáo dục bậc tiểu học.

Mục đích chính của công cuộc tranh đấu cho giáo dục miễn phí là nhằm vào bậc tiểu học. Tuy nhiên, cũng vào trong thời kỳ này, nhiều trẻ em cũng được giúp đỡ để tiếp tục đi học thêm. Boston đã thiết lập trường trung học đầu tiên vào năm 1851, và sau đó, các tỉnh khác ở miền Bắc cũng theo gương Boston mà thiết lập các trường trung học. Rồi người ta thành lập thêm đại học. Tại các trường đại học, thay vì chỉ chuẩn bị cho sinh viên trở thành các mục sư thì bây giờ người ta thêm vào chương trình những môn học như môn sử và môn luật. Hơn nữa, các em thiếu nữ cũng thấy rằng họ được dễ dàng hơn trong việc theo đuổi học hành. Trước kia, người ta cho rằng phụ nữ không cần phải học cao hơn bậc tiểu học. Bây giờ các trường tư thục sẵn sàng thu nhận nữ học sinh, và một số trường đại học thâu nhận nữ sinh viên.

CƠ HỘI ĐỌC SÁCH GIA TĂNG

Cũng trong thời kỳ mà trẻ em Hoa Kỳ thấy rằng có thêm nhiều cơ hội để đi học thì những em lớn tuổi hơn lại thấy rằng có nhiều cơ hội để đọc sách báo. Số giờ làm việc trong một ngày của đa số dân miền Bắc cũng như ở miền Nam không còn quá dài nên họ có thêm thời giờ để đọc sách báo. Phương cách sử dụng đèn thắp sáng cũng được hoàn hảo tốt đẹp hơn đã làm cho việc đọc sách báo trong những buổi chiều tối được dễ dàng hơn. Điều quan trọng hơn cả là có nhiều thứ để đọc.

- Các nhà văn Hoa Kỳ tạo nên nền tảng văn chương Hoa Kỳ

Sử gia, văn sĩ Hoa Kỳ bắt đầu viết về lịch sử Hoa Kỳ cũng như về đời sống của người dân Hoa Kỳ. Vì rằng người Hoa Kỳ rất hãnh diện về đời sống của họ, cho nên có rất nhiều người ham đọc những tác phẩm này. Một số trong những tác phẩm đầu tiên do Washington Irving và James Fenimore Cooper viết, cả hai ông đều là người New York. Chuyện “Thung lũng ngũ và Rip Van Winkle” của ông Irving không những là chuyện thích thú mà còn nói lên được đời sống ở vùng thung lũng sông Hudson như thế nào. Cooper viết những chuyện thích thú về người da đỏ và những người sinh sống ở vùng biên cương. Cho tới ngày nay thiếu niên Hoa Kỳ còn đọc chuyện “The last of the Mohicans” và chuyện “Deerslayer”. Một văn sĩ của miền Nam là ông William Gilmore Simms thuộc tiểu bang South Carolina viết rất nhiều tiểu thuyết nói về cách sinh hoạt của dân miền Nam.

Ông Edgar Allan Poe, một người sinh ra và lớn lên ở Virginia, sáng tác những bài thơ buồn và đẹp. Dân chúng ngày nay vẫn còn đọc những bài thơ “The Raven và Annabel Lee”. Ông Poe cũng nổi tiếng viết về những chuyện ngắn định mệnh cũng như các chuyện “The tell Tale Heart” và những chuyện trinh thám đầu tiên như là chuyện “The gold Bug”.

Nhiều văn thi sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ cư ngụ ở gần Boston. Ông Henry Wadsworth Longfellow là một trong những người cư ngụ ở thành phố Boston. Những bài thơ của ông như bài “Hiawatha, Evangeline, Paul Revere’s Ride” (bài thơ này đã trích dẫn một phần ở chương VIII) và bài “ The Courtship of Miles Standish”, đã làm cho độc giả vô cùng thích thú. Ông John Greenlear Whittier không những là tác giả những bài thơ ca tụng vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn có biệt tài khởi động tinh thần chống chế độ nô lệ cũng như chống chiến tranh. Ông được mệnh danh là nhà thơ chủ trương hủy bỏ nô lệ. Nathaniel Hawthorne viết về đời sống thời thuộc địa ở miền Tân Anh. Oliver Wendell Holmes được kể như là người viết những bài hài hước trong đó ông bông đùa, chế nhạo những nhân vật và những biến cố xấu xa trong thời đó. Có lẽ nhà văn nổi tiếng nhất ở vùng Tân Anh là ông Ralph Waldo Emerson. Emerson không viết tiểu thuyết hay truyện ngắn. Ông là một tư tưởng gia phân tách những điều hay điều dở trong đời sống Hoa Kỳ. Ông cho rằng mọi người đều có khả năng để sống một đời sống đáng sống. Ông rất tin tưởng vào tương lai của Hoa Kỳ.



- Việc ấn hành báo chí rẻ tiền

Đầu thập niên năm 1830, đã có nhiều người Hoa Kỳ có thể hiểu biết rõ những gì xảy ra hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng tờ báo lúc đầu giá quá mắc cho nên bán không được nhiều. Năm 1833, nhóm New York Sun cho xuất bản một nhật báo đem bán khắp các góc đường với giá một xu một tờ. Tờ báo này rất thành công khiến cho nhiều tờ báo khác cũng xuất bản hàng ngày và hạ giá xuống còn có một xu. Khi điện tín được sử dụng thì tin tức từ những nơi xa xôi được gửi về rất mau chóng. Người ta lại phát minh ra cách thức ấn loát mới hữu hiệu hơn. Vì những thay đổi này mà một người dân trung bình mỗi ngày có thể mua báo đọc và hiểu biết nhiều tin tức hơn là các vị vua chúa ngày xưa, dù là các ông này có đủ khả năng để cai trị một quốc gia cũng không hiểu biết nhiều bằng người dân trung bình Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Những công cuộc cải tiến và cải cách này cho ta thấy những đặc tính của Hoa Kỳ bắt đầu thay đổi. Dù rằng người Hoa Kỳ còn phải bận rộn trong công việc kiếm kế sinh nhai, nhưng họ cũng dành nhiều thời giờ cho việc khác. Họ có thì giờ đọc sách báo và tìm kiếm trường học cho con em của họ. Người Hoa Kỳ cũng bắt đầu cảm thấy có trách nhiệm đối với những người không được may mắn lại bị đối xử bất công. Họ muốn cứu giúp những người tàn tật, bệnh hoạn và yếu ớt.

*

* *


PHẦN NĂM

CÁC CHÍNH ĐẢNG TRANH ĐẤU ĐỂ GIÀNH QUYỀN KIỂM SOÁT CHÍNH QUYỀN NHƯ THẾ NÀO?
- Hai chính đảng mới phát triển

Song song với những sự thay đổi trong đời sống Hoa Kỳ như vừa mới nói ở trên đây là sự thay đổi trong các đảng phái chính trị. Sau khi ông Monroe lên làm Tổng thống, đảng Liên bang kể như là không còn nữa. Trong thời gian mấy năm sau đó chỉ có một đảng chính trị. Đó là đảng Cộng Hòa Dân chủ, gọi tắt là đảng Cộng Hòa. Tuy nhiên, sau khi ông Monroe rời khỏi chức vụ Tổng thống thì đảng Cộng Hòa Dân chủ bị phân hóa làm hai phái. Trong thời kỳ thập niên 1830, người ta thấy những người bạn và những người ủng hộ ông Andrew Jackson kết hợp thành một nhóm gọi là đảng Dân chủ. Có nhiều người đã từng trước kia ủng hộ ông Thomas Jefferson bây giờ trở thành đảng viên đảng Dân chủ. Đảng này chủ trương giảm hạ thuế nhập cảng, tranh đấu để tăng quyền cho các tiểu bang và chống lại chính phủ trung ương mạnh. Nhiều người miền Nam và nhiều người miền Tây gia nhập đảng Dân chủ.

Những người không thích “Vua Andrew I” (Họ gọi ông Andrew Jackson như vậy) thành lập một chính đảng chống lại ông và chủ trương của ông. Đảng này lúc đầu gọi là đảng Cộng Hòa Quốc gia nhưng sau này người ta gọi là đảng Tự do. Đảng này chủ trương nâng cao thuế mậu dịch và tranh đấu cho chính quyền Liên bang mạnh. Nhiều cựu đảng viên đảng liên bang và những người có cùng chủ trương gia nhập đảng này. Đảng Tự Do rất mạnh ở miền Đông.

- Ông Martin Van Buren lên làm Tổng thống kế tiếp ông Andrew Jackson

Khi gần mãn nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, ông Jackson cho đảng Dân chủ hay ông mong muốn vị Phó Tổng thống của ông là ông Martin Van Buren thuộc tiểu bang New York lên làm Tổng thống kế tiếp ông. Năm 1836, các đảng viên đảng Dân chủ bầu ông Van Buren làm Tổng thống một cách dễ dàng. Mặc dầu ông Van Buren là một chính trị gia giỏi, nhưng thời gian nhiệm kỳ Tổng thống của ông là thời gian bất hạnh. Thật là ít khi xảy ra, nhưng ông đã nhậm chức đúng vào lúc quốc gia đang gặp phải cuộc khủng hoảng về tài chánh. Đất nước đang sống trong khó khăn và lo sợ.



- Quốc gia Hoa Kỳ phồn thịnh vào đầu thập niên 1830

Tại Hoa Kỳ, theo sau thời gian phồn thịnh là thời kỳ khủng hoảng. Tại miền Tây, có một thời có một phong trào mua đất của chính phủ. Nhiều người mua đất đai không có ý định trồng trọt hay canh tác, họ chỉ mua đất để rồi sau này lại bán lại để kiếm lời. Những người buôn bán như vậy gọi là những người đầu cơ. Không có tiền, họ phải đi vay tiền giấy do các nhà ngân hàng miền Tây phát hành để trả tiền đất. Tuy nhiên, có nhiều nhà ngân hàng này mệnh danh là những nhà ngân hàng mèo rừng (Wildcat banks) đã phát hành tiền giấy mà không có đủ vàng bạc để bảo đảm. Vào khi mà mọi sự việc xảy ra đều tốt đẹp, giá đất đai ở miền Tây lên cao, họ kiếm được rất nhiều tiền lời. Ở miền Nam người ta càng ngày càng trồng nhiều bông hơn và như vậy càng ngày họ càng có thể bán được nhiều bông cho các xưởng kỹ nghệ Anh. Thế có nghĩa là miền Nam rất là trù phú và thịnh vượng. Nông dân miền Tây bán được rất nhiều nông phẩm cho miền Nam và cũng trở nên giàu có. Sẵn tiền, dân miền Nam và miền Tây tiêu thụ nhiều hàng hóa kỹ nghệ của miền Đông. Nhiều xí nghiệp mới được thiết lập. Lúc đó, khắp nơi trong toàn quốc đều trở nên sầm uất, trù phú. Ngay cả Anh quốc cũng ảnh hưởng đến sự phồn thịnh này, vì rằng người Hoa Kỳ mua rất nhiều đồ xa xỉ và các loại hàng hóa khác của các thương gia người Anh.



- Sự thịnh vượng chấm dứt vào thời kỳ khủng hoảng trong năm 1837

Thời kỳ thịnh vượng bỗng nhiên chấm dứt, và tiếp theo đó là cuộc khủng hoảng tài chánh. Một trong những nguyên nhân cho cuộc khủng hoảng này là do Tổng thống Jackson trước khi rời tòa Bạch Ốc gây ra. Ông loan báo rằng những người mua đất ở miền Tây của chính phủ liên bang phải trả bằng vàng hay bằng bạc chứ không được trả bằng tiền giấy nữa. Khi những người đầu cơ đất đến các ngân hàng mèo rừng để vay vàng hay bạc thì không vay được. Vì thế cho nên những người đầu cơ đất bắt đầu bán đất đai của họ, và giá đất hạ xuống ghê gớm. Đồng thời, dân chúng trở nên lo sợ khi họ thấy rằng chính phủ không tin tưởng ở tiền giấy do các nhà ngân hàng miền Tây phát hành. Người ta đổ xô đến các nhà ngân hàng để đổi tiền giấy lấy vàng hay bạc. Không bao lâu mối lo sợ này lan tràn sang miền Đông. Khắp mọi nơi ở đâu dân chúng cũng đòi tiền bằng vàng hay bằng bạc. Các nhà ngân hàng miền Tây phải đóng cửa vì họ không thể trả bằng vàng hay bạc cho dân chúng để thâu hồi tiền giấy.



- Thời kỳ khó khăn lan rộng

Các thương gia và các kỹ nghệ gia người Anh phải chịu thiệt hại vì không thể thâu hồi các khoản tiền nợ do các nhà kinh doanh Hoa Kỳ còn thiếu. Các kỹ nghệ gia Hoa Kỳ phải đóng cửa các xí nghiệp vì dân chúng không thể mua hàng hóa của họ được nữa. Xí nghiệp đóng cửa thì công nhân và nhiều người khác mất công ăn việc làm. Các nhà chuyên trồng bông cũng bị thiệt hại nặng nề vì rằng các kỹ nghệ gia người Anh không còn mua bông của họ được nữa. Nông dân miền Tây cũng trở nên nghèo khó, vì rằng miền Nam không còn mua sản phẩm của họ nữa.



- Đảng Whig (Tự Do) bầu ông Harrison và Tyler vào liên danh ứng cử Tổng thống

Nhiều người đã quy trách nhiệm về cuộc khủng hoảng vào năm 1837 cho ông Martin Van Buren bất hạnh, nhất là đảng Whig. Cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 1840, đảng Whig đề cử ông William Henry Harrison, người Ohio, làm ứng cử viên Tổng thống, và ông John Tyler, người Virginia làm ứng cử viên Phó Tổng thống. Lúc đó ông Harrison đã được 67 tuổi, ông đã nổi tiếng khi ông còn là một tướng lãnh trong quân đội. Năm 1811, ông chỉ huy đạo quân đánh bại quân da đỏ tại sông Tippecanoe ở Indiana. Ông cũng đã chiến đấu rất hăng và rất giỏi trong trận chiến tranh 1812. Đảng Whig đề cao thành tích quân sự và biệt hiệu của “Old Tippecanoe”. Đảng này mở một chiến dịch ồn ào với những cuộc diễu hành rầm rộ và hăng say cổ võ trong các cuộc diễn thuyết ở nơi công cộng. Họ hô lớn khẩu hiệu: “Tippecanoe và Tyler nữa”, liền theo đó những tiếng la của họ là những tiếng reo hò chiến thắng của họ trong cuộc bầu cử này.

Ông William Henry Harrison là vị Tổng thống đầu tiên do đảng Whig bầu lên. Ông cũng là vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ chết khi còn tại chức. Vì quá mệt nhọc trong kỳ vận động tranh cử cho nên sau ngày tuyên thệ nhậm chức được một tháng thì ông từ trần. Phó Tổng thống John Tyler lên thay thế. Nhưng ông Tyler lại là người không vững tin vào đường lối chủ trương của đảng Whig. Ông được đề cử vào chức vụ Phó Tổng thống chỉ vì để chiếm phiếu trong đám cử tri miền Nam, nếu không thì dân miền Nam sẽ không dồn phiếu cho ông Harrison. Ông Tyler tranh chấp dữ dội với các lãnh tụ đảng Whig cũng như với Quốc hội.

Sự tranh chấp ở trong đảng Whig gây ra hậu quả tai hại là đảng Whig bị đánh bại trong cuộc bầu cử vào năm 1844. Bốn năm sau đó, ứng cử viên khác của đảng Whig đắc cử Tổng thống, nhưng vào thập niên 1850, đảng này biến mất. Trong khi đó thì đảng Dân chủ vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

*

* *


MỤC VI

HOA KỲ

BÀNH TRƯỚNG LÃNH THỔ VÀ BỊ CHIẾN TRANH TÀN PHÁ
Khi Hoa Kỳ vừa giành được độc lập thì có một số người cho rằng đất nước quá rộng lớn nên không thể nào cùng chung sống dưới một chính quyền trung ương được. Những người này nói rằng dân chúng ở vùng này cách biệt rất xa với dân chúng ở vùng khác, và vì vậy, lối sống của họ cũng khác biệt, cho nên mỗi vùng đều muốn có một chính quyền riêng. Khi bản Hiến pháp Hoa Kỳ được soạn thảo, ông James Madison đã trả lời những sự chống đối này trong tờ báo Liên bang. Ông viết cho đồng bào của ông như sau:

“Xin đồng bào đừng nghe theo những người nói với đồng bào rằng nhân dân Mỹ châu này kết hợp với nhau bằng…quá nhiều lối sống, nên không thể nào chung sống với nhau như những người trong một gia đình; …không thể nào là công dân của cùng một đế quốc đang lên, vĩ đại và đáng kính…Không, thưa đồng bào…dòng máu nhân từ đang chảy trong huyết quản của người dân Hoa Kỳ…kết hợp thành Cộng đồng Quốc gia này, và ghê tởm mọi ý nghĩ cho rằng đồng bào chúng ta lại có thể coi nhau như…thù địch”.

Nhưng rồi người Hoa Kỳ ở miền Bắc và ở miền Nam lại coi nhau như thù địch. Họ mang những ngọn cờ khác nhau và chiến đấu trong cuộc chiến đẫm máu để xóa bỏ chế độ nô lệ và nhất định không để một tiểu bang nào rút lui ra khỏi Cộng đồng liên bang. Mục này sẽ nói về tấn thảm kịch người Hoa Kỳ chiến đấu chống lại người Hoa Kỳ như thế nào.

Chương XVIII sẽ nói về lãnh thổ Hoa Kỳ bành trướng đến vùng bờ biển Thái Bình Dương. Chương XIX chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề nô lệ có nên được chấp nhận ở các vùng lãnh thổ mới hay không để làm cho sự khác biệt giữa hai miền Nam Bắc trở nên hàng đầu ở trong đất nước. Sau kỳ bầu cử vào năm 1860, ông Lincoln đắc cử làm Tổng thống, các tiểu bang miền Nam ly khai và chiến tranh bùng nổ. Chương XX sẽ nói về diễn biến trong cuộc chiến tranh này và chúng ta sẽ tìm hiểu về một vài trận đánh lớn. Trận đánh Gettysburg là khúc quanh của cuộc chiến này. Trong trận này, lực lượng miền Nam của tướng Pickett đã anh dũng chống lại quân sĩ miền Bắc. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu hậu quả của cuộc chiến tranh này và tìm xem đất nước đã cố gắng giải quyết những vấn đề hậu quả của cuộc chiến này gây nên.

Một gia đình mà chia rẽ chống nhau thì gia đình đó sẽ không tồn tại”. Tôi tin rằng chính quyền này không thể nào chịu đựng được mãi mãi cái cảnh một nửa là nô lệ và một nửa là tự do. (Abraham Lincoln)

*

* *




tải về 2.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   22   23   24   25   26   27   28   29   ...   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương