* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Người Hoa Kỳ nhòm ngó vào California



tải về 2.16 Mb.
trang28/33
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.16 Mb.
#9902
1   ...   25   26   27   28   29   30   31   32   33

- Người Hoa Kỳ nhòm ngó vào California

Vùng đất California cũng thuộc về Mễ Tây Cơ và có nhiều dân đến đây định cư hơn là ở các vùng đất khác trong xứ Mễ Tây Cơ. Khu định cư đầu tiên do các nhà truyền giáo thành lập ở California vào thời kỳ người Tây Ban Nha thống trị xứ Mễ Tây Cơ. Các nhà truyền giáo thành lập 21 trung tâm truyền giáo rải rác từ San Diego chạy dài lên phía Bắc xa hơn San Francisco để truyền giáo trong đám dân da đỏ. Quân sĩ Tây Ban Nha trấn đóng các đồn ải ở gần các trung tâm truyền giáo. Có nhiều người da đỏ đến các trung tâm này sinh sống dưới quyền hướng dẫn của các tu sĩ truyền giáo. Không bao lâu, các thị trấn của người Tây Ban Nha phát triển ở chung quanh các trung tâm truyền giáo. Nhiều người Tây Ban Nha giàu có cũng đến California lập nghiệp. Họ chiếm những khu đất rộng lớn, nuôi ngựa, nuôi súc vật và trồng trọt. Họ có những thổ dân da đỏ làm việc cho họ, và công việc làm ăn của họ tiến hành tốt đẹp. Họ rong ruổi trên lưng những con ngựa tốt đẹp và ăn mặc sang trọng như những ông bà quý tộc ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, họ rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Hẳn các bạn còn nhớ rằng chính quyền Tây Ban Nha chỉ cho phép người Tây Ban Nha định cư ở trong các thuộc địa của họ, và không muốn để cho người Tây Ban Nha giao dịch, buôn bán với các quốc gia khác. khi Mễ Tây Cơ chiếm các vùng đất lãnh thổ của Tây Ban Nha, việc buôn bán, giao dịch với các quốc gia khác được khuyến khích. Người Hoa Kỳ thấy rằng việc buôn bán ở California có thể mang lại cho họ rất nhiều lợi. Nhiều tàu thuyền đi vòng quanh mũi Horn để tiến tới các hải cảng ở California. Cũng có nhiều thương gia khác vượt đường bộ đến California. Lại có nhiều người Hoa Kỳ khác cùng đi với các đoàn thương gia này đến thiết lập các nông trại. Vào năm 1846, số người Hoa Kỳ sinh sống ở California lên đến hàng ngàn. Giống như những người Hoa Kỳ khác, những người Hoa Kỳ đến sinh sống ở California cũng thích sống dưới chính quyền riêng của họ. Người ta bàn tán rất nhiều về việc sát nhập California vào Hiệp chủng quốc. Thực ra, có nhiều người Hoa Kỳ chủ trương muốn sát nhập California và Tân Mễ Tây Cơ vào lãnh thổ Hoa Kỳ dù phải chấp nhận chiến tranh.



- Chiến tranh với Mễ Tây Cơ bùng nổ

Sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ càng trở nên dữ dội hơn. Tình thế như đã rất thuận tiện cho chiến tranh bùng nổ. Cuối năm 1845, Tổng thống Polk gửi một vị đặc sứ đến Mexico City với đề nghị là Hoa Kỳ mua Mễ Tây California và Tân Mễ Tây Cơ. Nhưng chính phủ Mễ Tây Cơ từ chối cả đến việc tiếp kiến vị đặc sứ Hoa Kỳ. Đầu năm 1846, khi hay tin về vụ này, Tổng thống Polk quyết định hành động chống lại Mễ Tây Cơ. Với một đạo quân nhỏ, tướng Zachary Taylor đã bảo vệ được sông Nueces trong nhiều tháng. Bấy giờ Tổng thống Polk hạ lệnh cho tướng Taylor mang quân tới bờ sông Rio Grande. Một đạo quân Mễ Tây Cơ vượt dòng sông này tiến sang tấn công Hoa Kỳ. Khi tin này tới Hoa Thịnh Đốn, Quốc hội thể theo lời đề nghị của Tổng thống Polk tuyên chiến với Mễ Tây Cơ vào đầu tháng 5 năm 1846.



- Hoa Kỳ xâm lăng Mễ Tây Cơ

Cuộc chiến tranh kéo dài 2 năm này là một cuộc chiến tranh một chiều. Tướng Taylor mang quân vượt sông Rio Grande tiến vào miền Bắc Mễ Tây Cơ, và đầu năm 1847, ông đánh bại được đạo quân của Santa Anna ở Buena Vista. Trong khi đó, đạo quân của tướng Winfield Scott từ New Orleans dùng đường biển tiến đến đổ bộ vào Veracruz ở trên bờ biển Mễ Tây Cơ. Từ đó, ông đánh mở đường ngược lên vùng núi nhằm đường tiến vào Mexico City. Khi quân đội của tướng Scott tiến tới tòa lâu đài cổ Chapultepec, và cũng là pháo đài ở gần Mexico City thì ông kêu gọi đồn này phải đầu hàng. Trong đám quân sĩ bảo vệ pháo đài này có chừng 100 sinh viên sĩ quan của trường võ bị quốc gia. Khi vị chỉ huy trưởng pháo đài này cho biết nhất định không đầu hàng, quân Mỹ tấn công mạnh và chiếm được pháo đài Chapultepec. Những sinh viên sĩ quan Mễ này đã anh dũng hy sinh trong công cuộc bảo vệ đồn này và trở thành anh hùng của dân tộc Mễ, giống như những người anh hùng Hoa Kỳ trước kia đã chết đi một cách oanh liệt để bảo vệ thành Alamo. Ngày 14 tháng 9 năm 1847, quân đội Mỹ tiến vào Mexico City. Chiến tranh thực tế chấm dứt.



- Chinh phục California và Tân Mễ Tây Cơ

Trong khi các trận đánh đang diễn ra quyết liệt ở Mễ Tây Cơ thì quân đội Hoa Kỳ chiếm đóng California và Tân Mễ Tây Cơ. Việc này không gặp khó khăn vì rằng:

1. Các vùng này ở xa Mexico Ciyt

2. Chỉ có một số ít quân sĩ Mễ bảo vệ các vùng này.

Ngay khi chiến tranh vừa bùng nổ, đại tá Stephen W. Kearny đem một đạo quân tiến vào Santa Fe. Sau khi chiếm được thành phố này mà không phải đánh một trận nào, một toán trong đạo quân của ông hướng về phía Tây vượt sa mạc tiến vào California. Trong khi đó, những người Hoa Kỳ sinh sống ở California đã chuẩn bị sẵn sàng để lật đổ chính quyền Mễ. Cuộc nổi loạn này được mệnh danh là cuộc cách mạng mang cờ con gấu, vì rằng lúc bấy giờ người Hoa Kỳ mang cờ có hình con gấu xám. Ông John C. Fremont, một sĩ quan trong quân đội Hoa Kỳ ở California, trở thành nhà lãnh đạo nước Cộng hòa cờ con gấu. Ngay khi quân đội của đại tá Kearny tới đây thì cuộc nổi loạn bùng nổ. Sau một vài trận đụng độ với dân Mễ, quân đội của ông chiếm đóng toàn thể California. Cờ con gấu được thay thế bằng cờ sao sọc của Hoa Kỳ (1). Như vậy ngay từ đầu cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ, Hoa Kỳ đã kiểm soát được California và Tân Mễ Tây Cơ.

HOA KỲ CHIẾM HẾT TẤT CẢ MIỀN TÂY NAM



- Chiến tranh đã mang lại cho Hoa Kỳ vùng đất rộng lớn bao la

Tháng 2 năm 1848, chính phủ Mễ Tây Cơ buộc phải cầu hòa. Mễ Tây Cơ buộc lòng phải chấp nhận sông Rio Grande làm ranh giới. Như vậy, có nghĩa là Mễ Tây Cơ nhìn nhận Texas thuộc về Hoa Kỳ (Texas vào lúc đó không những chỉ bao gồm có Texas ngày nay, mà còn choán luôn phần lớn các tiểu bang New Mexico, Colorado, Oklahoma, Wyoming và Arkansas). Theo hòa ước chấm dứt chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ thì Mễ Tây Cơ phải trao cho Hoa Kỳ một vùng đất rộng lớn gọi là “Nhượng địa Mễ Tây Cơ”. Vùng đất này bao gồm các tiểu bang California, Nevada, Utah, phần lớn tiểu bang Arizona, và phần lớn các tiểu bang New Mexico, Wyoming và Colorado. “ Nhượng địa Mễ Tây Cơ”rộng lớn gần bằng nửa lãnh thổ Mễ Tây Cơ. Bù lại Hoa Kỳ phải trả cho Mễ Tây Cơ 15 triệu tiền mặt và trả cho người Hoa Kỳ 3 triệu 250 ngàn mà chính phủ Mễ Tây Cơ còn thiếu của họ.

Không lấy gì làm khó hiểu về việc Mễ Tây Cơ thù ghét người Hoa Kỳ. Họ đã mất đi một vùng đất vô cùng rộng lớn. Mặc dầu ngày nay Mễ Tây Cơ là nước bạn tốt của Hoa Kỳ, nhưng sau cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ, người dân Mễ vẫn còn không thích người Hoa Kỳ trong nhiều năm.

- Hoa Kỳ mua thêm đất của Mễ Tây Cơ

Năm 1853, Hoa Kỳ trả cho Mễ Tây Cơ 10 triệu Mỹ kim để mua giải đất nằm ở phía Nam của vùng mà ngày nay gọi là New Mexico và Arizona. Hoa Kỳ rất cần vùng đất này để làm các đường xa lộ và thiết lộ chạy dài tới vùng duyên hải phía Tây. Vì việc mua đất này do một người Hoa Kỳ tên là Gadsden thu xếp cho nên vùng đất này được gọi là “vùng đất do ông Gadsden mua” (The Gadsden purchase). Như vậy chỉ trong vòng mấy năm, Hoa Kỳ đã chiếm được cả một giải đất rộng mênh mông chạy dài tới biên giới ở miền Tây Nam ngày nay.

*

* *
PHẦN BỐN



VIỆC KHÁM PHÁ RA VÀNG Ở CALIFORNIA ĐƯA ĐẾN VIỆC CALIFORNIA GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG LIÊN BANG
Nhượng địa Mễ Tây Cơ đối với những người ham đi tìm đất định cư quả là một giải đất rộng bao la đang chờ đợi họ. Dân đi lập nghiệp người Hoa Kỳ rất thích vùng đồi núi khô khan chiếm phần lớn miền Tây Nam này. Tuy nhiên, lúc đó họ vẫn chưa nhận thức được giá trị của vùng đất này về phương diện chăn nuôi. Họ cũng không biết vùng này có các mỏ đồng, mỏ vàng và mỏ bạc, cho nên vùng đất này đã bỏ mặc cho người da đỏ trong nhiều năm. Thực sự mãi tới năm 1912 mới có đủ dân số ở New Mexico và Arizona để thành tiểu bang. Câu chuyện về California lại khác hẳn. Ngay khi California được sát nhập vào lãnh thổ Hoa Kỳ, một sự khám phá kỳ thú đã khiến cho dân chúng đổ xô đến vùng này.

- Khám phá ra vàng ở California

Vào thập niên 1840, có một người tên là John Sutter sinh sống ở California, gần thị trấn Sacramento ngày nay. Thuở thiếu thời ông Sutter sống ở Thụy Sĩ. Có sức khỏe và hiếu động, ông hướng về Tân thế giới rồi đi Mỹ châu tìm cơ hội làm giàu. Năm 1839, ông đến định cư ở California và ở đây ông tậu được một khu đất rộng. Như một vương quốc ở chốn hoang vu, ông Sutter cai trị một vùng đất bao la rộng tới hơn ngàn mẫu và có hàng trăm thổ dân da đỏ. Ông trồng lúa mì, bắp và nuôi gia súc cùng với ngựa và cừu.

Vào một buổi chiều mưa đầu năm 1848, ông James Marshall đến thăm ông. Ông James Marshall đang thiết lập một nhà máy cưa cho ông Sutter ở một nơi cách đó vài dặm. Ông Marshall thích thú đến nín thở và yêu cầu được gặp một mình ông Sutter thôi. Dưới đây là một đoạn văn mà ông Sutter ghi lại về chuyện ông Marshall đến thăm ông:

“Tôi ngạc nhiên thấy ông ấy tới. Mới trước đó một ngày, tôi đã gửi tất cả các đồ dùng cho ông ấy rồi. Tôi không thể hiểu được mục đích của cuộc viếng thăm bất ngờ này của ông ta. Tuy nhiên, tôi cũng dẫn ông ta từ văn phòng về phòng riêng của tôi- phòng khách và phòng ngủ của tôi – tôi đóng cửa lại.

Marshall nói: “Ông đóng cửa lại rồi chứ?”

Tôi trả lời: “Không, nếu ông muốn thì tôi sẽ đóng lại”. Ông ta quả là một anh bạn kỳ lạ, và với cung cách này tôi nghĩ rằng ông ta muốn nói với tôi một chuyện bí mật.

Sau đó, ông ta nói với tôi bằng một giọng rành mạch rõ ràng “Chỉ có một mình chúng ta thôi chứ?”

Tôi trả lời: “Chắc chắn là như vậy rồi”.

Ông Marshall lại yêu cầu tôi lấy ra một cái cân.

Tôi nhún vai và nghĩ đến việc chiều lòng ông ta, chính tôi đi kiếm một cái cân. Khi trở lại, tôi quên không khóa cửa lại. Marshall vội moi trong túi quần một cái gói bọc bằng vải trắng. Vừa đúng lúc ông ta mở gói đó ra để chỉ cho tôi một vật gì ở trong đó thì người thư ký của tôi chợt mở cửa đi vào làm một cái gì đó, và hắn cũng không nhận ra chúng tôi đang ở trong phòng này.

Marshall la lên: “Kìa, tôi đã nói với ông là chúng ta không nên để người khác nghe chuyện mà!”. Ông ta chụp lẹ làng cái gói vải đó đút vào trong túi quần của ông ta. Để làm cho ông ta yên lòng, tôi ra lệnh cho người thư ký đến bất ngờ này đi ra và tôi khóa cửa lại, nhưng óc tò mò của tôi nổi dậy.

Ông Marshall lại lôi cái gói ấy ra. Ông ta cẩn thận mở lớp vải ở ngoài ra rồi cầm lên chìa ra trước mặt tôi. Số lượng của gói đó độ chừng một lượng rưỡi (1 ounce ½) bụi vàng- bụi có, vẩy có, và hạt cũng có- những miếng lớn nhất không lớn hơn hạt đậu, và những hạt nhỏ nhất nhỏ hơn cả đầu kim.

Ông Marshall thì thầm: “Tôi cho rằng đó là vàng”. Mắt ông ta sáng lên và long lên sòng sọc, “nhưng những người ở nhà máy cưa cười tôi, và bảo rằng tôi điên”. Tôi xem xét lại kỹ hơn.

Sau đó tôi nói: “Phải rồi, giống như vàng, lại đây chúng ta thử xem…”

Cuộc thí nghiệm cho ta thấy rằng ông Marshall đã khám phá ra vàng.

- Những người đi tìm vàng đổ xô đến California

Không bao lâu, tin khám phá ra vàng lọt ra ngoài. Tin lan truyền ra hàng xóm, rồi lan rộng ra khắp cả California. Vào khoảng năm 1849, tin này lan truyền khắp nước Mỹ rồi khắp thế giới. Hàng ngàn dân phiêu lưu từ bỏ cửa tiệm, nông trại, văn phòng, lũ lượt đổ xô đến California. Trong khi người ta chỉ cần mất vài tuần làm việc ở mỏ vàng là có thể trở nên giàu có thì tại sao người ta lại phải cặm cụi làm việc suốt cả đời chỉ đủ kiếm sống thôi? Khách lạ lũ lượt kéo đến vùng đất của ông John Sutter. Người ta cắm trại trên đồng ruộng của ông ta, dẫm nát cả mùa màng, ăn cắp ngựa và gia súc của ông. Thành phố Sacramento ngày nay được thành lập là nằm trên đất đai của ông Sutter. Khu định cư vào tháng 4 năm 1848 chỉ có 4 căn nhà, thế mà trong một thời gian ngắn đã trở thành một thị trấn gần 10 ngàn dân. Người ta gọi những người đổ xô đến California đi kiếm vàng là những người 49. Những người này không giống những người Hoa Kỳ bình thường đi lập nghiệp. Họ là những người vô gia đình, phiêu lưu đi tìm vàng để làm giàu. Trong đám này, có những quân cờ bạc chuyên nghiệp cùng những tên tội phạm liều mạng, và cũng có những người tử tế.



- Những người đi tìm vàng đến California bằng đường bộ và bằng đường biển (xem hình trang 399)

Những người “49” đến California bằng nhiều đường khác nhau. Nhìn vào bản đồ, các bạn sẽ thấy rằng thị trấn Independence thuộc tiểu bang Missouri là điểm xuất phát cho những người dùng đường bộ. Từ đây người ta có thể dùng con đường mòn xưa cũ để đi Santa Fe, rồi vượt qua các sa mạc ở New Mexico, Arizona và California. Đi con đường này phải mất tới hai tháng, và những người đi theo con đường này phải chịu nóng nực và khát nước vì thiếu nước. Nhiều người “49” đi theo con đường mòn Oregon tới tận Đại Hồ Muối (Great Salt Lake). Từ đó, băng qua các sa mạc và vượt qua các dãy núi ở miền Bắc California. Những người này phải liều mạng ghê gớm, bất chấp cả sự nguy hiểm, như tuyết đổ vào mùa đông ở các vùng núi. Cả hai con đường xuyên lục này đều khó khăn cả. Những người đi tìm vàng cũng có thể dùng đường biển tới California. Con đường an toàn nhất nhưng lại lâu nhất là con đường đi vòng quanh mũi Horn ngược lên phía Bắc tới San Francisco. Vì đi con đường này phải mất từ 6 đến 9 tháng nên nhiều người 49 chọn con đường mau hơn bằng cách đi qua ngã Panama. Đủ mọi loại tàu chứa đầy ních những người chạy từ bờ biển Đại tây dương tới bờ biển phía Đông, eo đất Panama. Từ đây, họ vượt qua eo đất bằng cách băng rừng và lội qua các đầm lầy để đi tới bờ biển Thái bình dương. Nhiều người bị muỗi mòng, sâu bọ cắn đốt đến nỗi bị ngã bệnh hay phải bỏ mình vì bị nhuốm bệnh sốt rét. Những người sống sót lên tàu đi San Francisco.



- Đời sống ở California vào năm 1849 rất thô bạo

Những người đi tìm vàng từ San Francisco đổ xô vào sâu trong nội địa, tới các dòng sông, sườn núi, bất kể nơi nào mà người ta tìm thấy vàng. Họ cắm cọc nhận phần đất, rồi đào sỏi đá đem rửa lấy vàng. Đời sống ở nơi hầm mỏ thật là cơ cực và thô bạo. Người nào chiếm đất của người khác thì bị tòa án khu mỏ xét xử và trừng phạt. Người nào ăn cắp vàng sẽ bị xử giảo. Đánh nhau, trộm cướp, giết người là những chuyện rất thông thường ở trong các khu trại mỏ. Các trại mỏ thường mang những tên kỳ lạ như là Hangtown, Youbet, Red Dog và Ground Hog Glory. Chỉ trong vòng 10 năm, số vàng tìm được ở California lên tới 500 triệu Mỹ kim. Nhiều người đến đây từ năm đầu vào khi có nhiều vàng đã trở nên giàu có. Những người đến trễ gặp nhiều khó khăn thường lại trở về quê cũ. Nhiều người sớm nhận ra rằng họ có thể kiếm tiền bằng cách bán thực phẩm và các đồ cần dùng cho những người đi đào mỏ vàng hơn là đi đào vàng. Những người đi đào vàng mang những bị đựng bụi vàng, và khi họ đi mua đồ họ trả bằng lạng vàng thay vì trả bằng mỹ kim. 50 xu một trái trứng, 1 mỹ kim một cân hành, 50 xu một ổ bánh mì, 100 mỹ kim một đôi giày.

Giải trí chính của những người đào vàng là cờ bạc, uống rượu và đua ngựa. Bạn hãy tưởng tượng là khó khăn biết bao trong việc giữ gìn trật tự ở những nơi mà hàng ngàn người đổ xô đến làm giàu bằng đủ mọi phương cách kể cả phương cách gian trá. Tội ác ở San Francisco thì thật là đặc biệt trầm trọng ghê gớm. Người người từ khắp ngã trên thế giới đi tìm vàng đều ghé nơi đây. San Francisco phát triển mau lẹ. Nhà trọ, khách sạn, phòng trà đều được dựng lên vội vã để cung ứng cho nhu cầu của từng đoàn và từng người đi kiếm vàng. Những quân cờ bạc chuyên nghiệp, những tên tội phạm, những kẻ liều mạng đổ xô tới đây để kiếm mối trong đám những người đi đào vàng. Giết người xảy ra hàng ngày. Để tự vệ, một số những người dân tuân theo luật pháp thành lập ủy ban để giữ trật tự. Họ gọi là ủy ban canh phòng. Nhiều tên tội phạm liều mạng bị bắt đem xử và bị treo cổ. Nhiều tên khác thoát khỏi thành phố trước khi bị bắt.

- California trở thành một tiểu bang

Vào khoảng cuối năm 1849, California đã bành trướng đủ mạnh, và nhân dân California soạn thảo hiến pháp. Tháng 9 năm 1850, California được thâu nhận vào Cộng đồng Liên bang như là một tiểu bang tự do (không chấp nhận chế độ nô lệ). Vì sự di chuyển chậm chạp nên phải mất hơn một tháng sau thì California mới được tin này.

Vào khoảng năm 1860, California có tới 380 ngàn dân, hầu hết dân cư sinh sống ở phía Bắc tiểu bang. Con số này lớn gấp 10 lần dân số trước khi đó 10 năm. San Francisco đã trở thành thị trấn quan trọng với dân số hơn 50 ngàn người. Tới khi vàng không còn có nhiều nữa, nhiều khu trại trở nên hoang vắng và được gọi là thị trấn ma. Nhưng nhiều khu mỏ khác lại phát triển thành những cộng đồng sầm uất: Stockton và Sacramento ở ngay lối vào của các vùng mỏ vàng cho nên phát triển mau chóng. Hangtown được đổi tên thành Placeville và trở thành một khu định cư. Los Angeles và San Diego ở miền Nam không bị ảnh hưởng bởi phong trào đi tìm vàng. Hai thị trấn vẫn còn là những thị trấn nhỏ im lìm trong nhiều năm.

- Đoạn đường xuyên lục nối liền California với miền Đông

California cách xa các vùng đã được định cư ở Hoa Kỳ hàng hai ngàn dặm. Lẽ tự nhiên là những du khách từ duyên hải miền Đông không muốn tốn thời giờ tới nhiều tháng trời để đi đường. Cho nên người ta đã thiết lập những con đường xe thổ mộ chạy dài từ bờ sông Missouri tới các trạm ở California. Quan trọng nhất trong các con đường này là con đường chạy thư xuyên lục dùng để chuyển thư từ và chuyên chở hành khách từ Missouri tới San Francisco.

Những chiếc xe thổ mộ mệnh danh là xe Concord và dùng tới 4 hay 6 ngựa kéo và có thể chở được tới 9 hành khách và 3 túi thơ. Những chiếc xe này liên tục chạy ngày đêm và chỉ ngừng ở lại các trạm bên đường cách nhau chừng 10 đến 15 dặm để đổi ngựa. Cước phí chừng 200 mỹ kim cho một lượt đi cho một hành khác, và phải mất chừng 20 đến 25 ngày mới tới nơi. Đường đi rất nguy hiểm. Đôi khi dân da đỏ tấn công xe, cướp của, cướp ngựa và giết hại hành khách. Nguy hiểm khác đáng sợ nữa là quân cướp đường mai phục xe. Đặc biệt nhất là những xe chuyên chở vàng từ các vùng mỏ vàng mang về. Nhiều hành khách bị những quân liều mạng này cướp đoạt mất nhiều túi vàng. Không hài lòng với đồ cướp được, chúng còn thản nhiên giết hại nạn nhân của chúng.

- Ngựa chạy thư tốc hành

Tuy nhiên, đối với những thư từ quan trọng thì xe thổ mộ quá chậm. Năm 1860, người ta thiết lập hệ thống chạy thư tốc hành. Ngựa chạy tốc hành theo kiểu này chỉ cần mất từ 8 đến 12 ngày để vượt đoạn đường từ Saint Joseph, Missouri, tới Sacramento thuộc tiểu bang California. Người ta phải tuyển lựa rất cẩn thận những người đi ngựa tốc hành này. Những người này cần phải chịu khó và can đảm, vì họ phải băng qua các bãi sa mạc rộng mênh mông vượt qua các rặng núi, phải chịu đựng chống chọi với nhiều loại khí hậu khác nhau, và họ phải chiến đấu chống lại quân cướp đường và người da đỏ. Người chạy thư tốc hành này phải mặc áo bằng da hoẵng, mang súng trường và dao trận để tự vệ. Họ đi những đoạn đường dài hàng trăm dặm, chạy với tốc độ nhanh nhất, lao tới những trạm kế tiếp cách nhau từ 10 đến 15 dặm để đổi ngựa. Tới nơi, họ vội vã chuyển các túi thơ và nhảy sang ngựa mới rồi lại chạy như bay. Thời gian không tới 2 phút là họ đã chuyển xong sang ngựa mới. Người cưỡi ngựa tốc hành giỏi nhất chạy được 120 dặm trong 8 tiếng đồng hồ, dù bị quân da đỏ làm cho bị thương ở dọc đường.

Mark Twain đã đi về miền Tây bằng xe thổ mộ, ông viết đoạn văn dưới đây nói về cảm giác phải rùng mình khi nhìn thấy người cưỡi ngựa tốc hành.

“Ngay từ lúc khởi hành, chúng tôi đã có ý muốn xem người cưỡi ngựa tốc hành. Nhưng dù thế nào đi nữa, tất cả những ngựa tốc hành chạy qua chúng tôi đều nhanh như tia chớp lóe ra trong đêm tối, nên chúng tôi chỉ nghe thấy những tiếng rít, tiếng vèo nhanh như bóng ma ở sa mạc rồi biến đi trước khi chúng tôi có thể thò đầu ra ngoài cửa xe để ngó xem. Nhưng bây giờ chúng tôi có thể hy vọng đi theo nó trong một lúc lâu. Tôi có thể nhìn thấy nó trong ban ngày. Người tài xế la lên: “Hắn tới đây rồi”. Mọi người đều ngoảnh cổ ra và mọi con mắt đều mở rộng nhìn cánh đồng cỏ phẳng lì chạy dài vô tận. Một chấm đen xuất hiện nổi bật lên giữa khung trời, và rõ ràng là nó đang di động. Phải rồi, tôi nghĩ như vậy. Trong vòng một vài giây đồng hồ, chấm đen hiện lên là một con ngựa và một người cưỡi, nhấp nhô chồm lên, lao xuống, rồi lại chồm lên và lao xuống, tiến về phía chúng tôi càng lúc càng gần hơn và gần hơn nữa. Tiếng động của móng ngựa tới tai chúng tôi một cách yếu ớt. Chúng tôi lại nghe thấy tiếng la lớn, tiếng hoan hô ở trên nóc xe của chúng tôi. Một cái vẫy tay của người đi ngựa tốc hành nhưng ông ta lại không nói gì…Người và ngựa vút qua trước mắt chúng tôi nhanh như một luồng gió của trận cuồng phong còn rớt lại”.

Việc sử dụng ngựa tốc hành lâu chừng một năm. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn ngủi này, những người cưỡi ngựa tốc hành đã trở thành những khuôn mặt quyến rũ trong đời sống Hoa Kỳ. Những hành động anh hùng của những người chạy ngựa tốc hành đã được các văn nghệ sĩ nói nhiều đến trong các tác phẩm văn chương cũng như trong điện ảnh và kịch nghệ. Vào khoảng năm 1861, công ty điều hành ngựa tốc hành thực sự không còn hoạt động nữa, nghĩa là đồng thời với đường điện tín đi San Francisco đã được hoàn thành. Tuy nhiên, người ta vẫn còn tiếp tục sử dụng các loại xe thổ mộ để chuyển vận thư từ cho tới khi đường xe lửa xuyên lục đầu tiên được hoàn thành vào năm 1869.

*

* *



PHẦN NĂM

HOA KỲ ĐÃ CHIẾM MỘT PHẦN CỦA XỨ OREGON

NHƯ THẾ NÀO?
Giả thử rằng bản đồ ở trang dưới đây là một trò chơi lắp hình. Trò chơi này gồm có 4 miếng gỗ thay thế cho 4 giai đoạn mà Hoa Kỳ bành trướng lãnh thổ về phía Tây từ vùng đất Louisiana cho đến khi lãnh thổ được mở rộng đến tận bờ biển Thái bình dương. Cho đến chương này, các bạn đã hiểu biết về lịch trình diễn tiến sát nhập thêm 3 miếng gỗ (ba vùng đất). Việc sát nhập Texas, nhượng địa Mễ Tây Cơ và vùng đất do ông Gadsden mua. Miếng gỗ (vùng đất) còn lại gọi là Oregon. Miếng gỗ Oregon vừa khít với trò chơi lắp hình này như thế nào?

- Bốn quốc gia cùng đòi chiếm xứ Oregon

Tất cả vùng đất nằm giữa Alaska và California gọi là xứ Oregon. Giải đất này với những núi non gấm vóc, thung lũng phì nhiêu và chằng chịt sông ngòi có biết bao thú rừng. Vào khoảng đầu thế kỷ thứ XIX có 4 quốc gia đều đòi quyền chiếm vùng đất này.

1. Tây Ban Nha bảo rằng hầu hết Oregon là của họ bởi vì khi trước Balboa khám phá ra Thái bình dương (năm 1513), ông đã tuyên bố rằng tất cả các vùng đất tiếp giáp với Thái bình dương là của Tây Ban Nha. Sau này, các nhà thám hiểm khác của Tây Ban Nha cũng đã đi di lại lại dọc theo xứ Oregon.

2. Anh quốc cũng đòi rằng Oregon là của họ, vì rằng trong chuyến đi vòng quanh thế giới vào năm 1579, Sir Francis Drake đã đi dọc theo duyên hải xứ Oregon. Và quan trọng hơn nữa là các cuộc thám hiểm của các nhà hàng hải người Anh là các ông James Cook và George Vancouver. Nhà hàng hải Cook đã thám hiểm vùng duyên hải xa hơn về phía Bắc tới tận Alaska. Nhà hàng hải Vancouver đã khám phá ra vùng Puget Sound, và đã đi vòng quanh đảo Vancouver. Chính hòn đảo này đã được đặt theo tên ông để tôn vinh ông.



3. Thế kỷ thứ XVIII nước Nga cũng đòi làm chủ xứ Oregon. Một nhà hàng hải Nga tên là Victus Bering đã khám phá ra eo biển này và ông đã dùng ngay tên ông để đặt tên cho eo biển này. Vượt qua eo biển này, ông đòi quyền chiếm Alaska cho nước Nga. Người Nga thiết lập các thuộc địa ở Bắc Mỹ và săn bắn để lấy da thú dọc theo duyên hải Alaska tới tận phía Nam California.

4. Quốc gia thứ tư cũng đòi quyền làm chủ xứ Oregon là Hoa Kỳ. Nhà hàng hải Robert Gray, người đã mang da thú từ Oregon sang Trung Hoa bán, đã đi ngược lên tới cửa sông Columbia. Công cuộc thám hiểm của các ông Lewis và Clark cũng đã đi tới cửa sông Columbia càng khiến cho Hoa Kỳ vững chắc hơn trong việc đòi quyền chiếm xứ Oregon.

- Các công ty buôn bán da thú cạnh tranh mua da thú ở Oregon

Đầu thế kỷ thứ XIX, các thương gia buôn bán da thú người Mỹ và người Anh đều nhận thấy rằng có thể làm giàu trong việc buôn bán da thú ở Oregon. Người Anh đã thiết lập các cơ sở rộng lớn để buôn bán da thú ở các khu vực chung quanh Đại hồ và vịnh Hudson. Công việc buôn bán này do công ty Hudson Bay kiểm soát. Ông John Jacob Astor là một nhân vật chỉ huy trong cơ sở buôn bán của Hoa Kỳ. Ông từ Đức tới Mỹ châu vào thời kỳ sau chiến tranh cách mạng. Astor mơ ước thiết lập một chặng thương điếm từ sông Mississippi tới bờ biển Thái bình dương. Từ các thương điếm này, da thú được chuyển vận tới một thương điếm ở Oregon rồi từ đó được gửi đi Trung Hoa. Astor tổ chức một công ty Hoa Kỳ buôn bán da thú và mướn các thương gia người Gia Nã Đại và Pháp làm việc cho ông. Năm 1811, nhân viên của ông Astor đã thực hiện một chuyến đi khá khó khăn để đi đến bờ biển Thái bình dương. Họ thiết lập một thương điếm để buôn bán da thú ở gần cửa sông Columbia. Thương điếm này gọi là Astoria. Sau khi công ty Hoa Kỳ thiết lập thương điếm ở đây không được bao lâu thì họ khám phá ra rằng người Anh cũng đã thiết lập một thương điếm ở Spokane thuộc tiểu bang Washington ngày nay. Trong một thời gian ngắn, hai công ty Anh Mỹ này tranh chấp nhau trong việc buôn bán da thú ở xứ Oregon. Nhưng trận chiến tranh 1812 đã thiêu hủy kế hoạch của ông Astor. Lúc đó, người Hoa Kỳ bán hết cổ phần cho người Anh.




tải về 2.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   25   26   27   28   29   30   31   32   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương