* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Dân Thiên Chúa Giáo chiến đấu chống lại người Saracens



tải về 2.16 Mb.
trang2/33
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.16 Mb.
#9902
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   33

- Dân Thiên Chúa Giáo chiến đấu chống lại người Saracens

Năm 1095, Giáo hoàng, người cai trị toàn thể giáo hội La Mã, mở một đại hội. Ngài kêu gọi giáo dân hãy chiến đấu chống lại người Saracens để chiếm lại Thánh địa. Bị khích động bởi lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của Ngài, hàng hàng lớp lớp chiến binh Thiên Chúa Giáo được trang bị bằng khiên, rìu, kiếm, búa lên yên dong ruổi tiến về vùng Thánh địa. Đoàn quân viễn chinh này được mệnh danh là "Đoàn quân Thập Tự Giá", có nghĩa là chiến đấu cho Thánh giá, và những chiến binh này được gọi là Thập tự quân. Trên chiến bào của đoàn quân này đều được thêu một chữ thập rất lớn.

Các chiến binh từ khắp nơi ở Âu Châu tiến đến tập trung ở thành Constantinople thành một đạo quân hùng hậu chuẩn bị cho cuộc đệ nhất thánh chiến (xem bản đồ trang 7). Đoàn quân này tiến chiếm Thánh địa Jerusalem vào năm 1099. Tuy nhiên, quân Thiên Chúa giáo đã không giữ vững được THÁNH địa, Nhiều đợt quân khác được gởi tới. Hai bên đã liên tiếp mở các chiến dịch giành giật thánh địa. Cuộc chiến kéo dài tới hai trăm năm, và các trận chiến được mệnh danh là thánh chiến. Cuối cùng quân Thập tự giá thất bại, người Saracens vẫn giữ vững được thánh địa.

- Những cuộc viễn chinh của các đoàn quân chữ Thập đã làm gia tăng việc giao thương

Trong thời gian các đạo quân thánh chiến tiến vào thánh địa, hàng ngàn hàng vạn dân Âu Châu cũng đi theo tiến về vùng đất miền cực đông Địa Trung Hải. Họ trở nên quen thuộc với những hàng hóa hữu dụng và các đồ xa xí phẩm của dân Đông phương mà họ chưa bao giờ thấy ở Âu Châu. Họ thấy rằng những đồ gia vị như : tiêu, đậu khấu, hành, quế, gừng đã làm cho thức ăn thêm vị và ngon miệng hơn. Họ học cách dùng đường để tra nấu làm cho thức ăn thêm vị ngọt. Họ học cách sử dụng xà bông để tắm giặt thường hơn. Họ trầm trồ ca ngợi những đá quý, kim cương, hồng ngọc, ngọc lục bảo, ngọc trai và ngọc xa phia (ngọc trong xanh). Họ cũng nhận thấy ở phương Đông có những loại thuốc để trị bệnh, có thuốc nhuộm như chàm để nhuộm vải, có những nước hoa, dâu thơm phưng phức. Họ khám phá ra biết bao nhiêu thứ quý báu và xinh đẹp như các đồ dùng bằng pha lê và các đồ sứ Trung Hoa thật đẹp mắt, các sản phẩm bằng kim khí như áo giáp, kiếm ..., cùng những hàng lụa, vải, thảm màu sắc rực rỡ và đắt giá.

Những hàng hóa trên đây là làm cho đời sống con người thêm phần thú vị và thoải mái. Khi những chiến binh trong đoàn quân Thập tự này trở về quê hương, họ đem chuyện những hàng hóa của người Đông phương kể lại cho bà con lối xóm nghe. Cố nhiên dân Âu Châu cũng muốn có những sản phẩm xa hoa trên đây. Và không bao lâu họ tìm được cách mua những sản phẩm này qua những thương gia người Ý.

- Thương gia người Ý buôn hàng hóa Đông phương đi Âu Châu

Ngay cả trước khi xảy ra các cuộc viễn chinh của đoàn quân Thập tự, một số thành phố Ý Đại Lợi như Venise và Genca đã giao thương với các nước Đông phương trên bờ Địa Trung Hải. Tới khi xảy ra các cuộc thánh chiến và sau đó thì dân Âu Châu càng ngày càng tiêu thụ hàng hóa Đông phương nhiều hơn. Các thương gia người Ý đã hân hoan đẩy mạnh dịch vụ cung cấp hàng hóa này cho họ. Công việc buôn bán càng ngày càng gia tăng. Các thuyền buôn tấp nập ghé các hải cảng bên bờ phía Đông Địa Trung Hải để bốc dỡ các hàng hóa như len, lụa, da thuộc, thiếc, các đồ gia vị và các đồ trang sức đem về Âu Châu bán.

Thuyền buồm của các thương gia Ý không những chuyển vận hàng hóa Đông phương đến các hải cảng Âu Châu trên bờ Địa Trung Hải, mà còn đi tới các hải cảng Âu Châu dọc trên bờ Đại Tây Dương. Rồi từ đó các thương gia khác lại chuyển vận các hàng hóa này vào trong nội địa Âu Châu qua các ngã giang lộ và đường bộ. Vì thế cho nên từ đó người ta bắt đầu chú ý đến việc sửa sang và cải tiến các đường giao thông (mà trước kia rất ít sử dụng). Chính vì việc buôn bán các hàng hóa trên đây mà các thương gia cần những nơi tiêu thụ hàng hóa. Dần dần những nơi buôn bán này phát triển thành các đô thị hóa, rồi thành các đô thị lớn. Đời sống Âu Châu đã thật sự thay đổi từ đó.

NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA CÁC DU KHÁCH LÀM KHÍCH ĐỘNG NGƯỜI ÂU CHÂU CHÚ Ý TỚI MIỀN VIỄN ĐÔNG

Trong khi việc buôn bán trao đổi hàng hóa Đông phương tiến hành mạnh mẽ thì có nhiều người Âu Châu đi tới các miền đất xa lạ ở Đông phương như các nước Ba Tư, Ấn Độ, Trung Hoa, quần đảo Nam Dương (bây giờ người Âu Châu gọi quần đảo này là quần đảo gia vị). Trong những du khách này, ông Marco Polo là người nổi tiếng nhất.



- Marco Polo nói về những chuyện kỳ thú ở Đông phương

Marco Polo quê ở thành phố Venice, Ý Đại Lợi. Năm 17 tuổi, ông theo cha và chú đi du lịch sang vùng Viễn Đông. Suốt trong hai mươi bốn năm, từ năm 1271 cho đến năm 1295, ông đi gần hết phần lớn các nước Á Châu. Chính ông nhìn thấy tận mắt Thái Bình Dương. Ông đi thăm viếng nhiều nơi mà mãi 600 năm sau mới có người Âu Châu khác đặt chân tới. Những chuyện kỳ thú mà ông Marco Polo đã nhìn thấy và đã được nghe những người khác kể lại ? ông thuật lại rằng có một lần ông thấy một thành phố lớn đến nỗi chung quanh thành phố đó dài tới hàng trăm dặm. Sau này ông còn thấy thành phố khác lớn hơn nữa. (Bất kỳ thời nào, những người đi xa thường có khuynh hướng nói thêm lên những gì họ đã nhìn thấy để cho câu chuyện thêm phần thú vị. Ở đây Marco Polo cũng đã nói thêm lên như vậy, nhưng thật ra câu chuyện của ông có khá nhiều sự thật trong đó). Marco Polo đã ngạc nhiên khi thấy người Trung Hoa đốt than. Ông không biết đó là cái gì cho nên ông đã thuật lại rằng : "Đó là loại đá đen được đào trong núi ra và đốt cháy như gỗ".

Marco Polo thấy rằng người phương Đông có những tấm thảm đẹp nhất thế giới và những thứ lụa vô cùng lộng lẫy, đủ các thứ gia vị, gỗ mun cùng các thứ gỗ tốt khác, vàng, bạc, trân châu, các thứ đá quý, yên ngựa xinh đẹp, võ khí tuyệt hảo. Các bà mang những chiếc vòng xuyến đắt tiền, và đôi khi có những người đàn ông còn mang những chiếc vòng đắt giá hơn. Những đô thị đông phương thật là vô cùng giàu có. Hằng năm có tới hàng ngàn tàu buôn tấp nập ghé vào một đô thị để trao đổi hàng hóa.

Vị chúa tể cai trị Trung Hoa và cả phần lớn Châu Á gọi là "Đại hãn". Marco Polo nói rằng người Âu Châu không thể tưởng tượng được Đại hãn giàu có và quyền thế đến như thế nào. Một trong những lâu đài của ông ta rộng lớn đến nỗi chiều dài của mỗi bức tường thành dài tới một dặm. Phòng ăn trong lâu đài này có thể chứa tới 6.000 thực khách. Trong các trận chiến tranh, Đại hãn đã sử dụng những đạo quân lớn hơn bao giờ hết mà người Âu Châu chưa hề thấy. Một trong những đạo quân của ông ta lớn gấp mười lần đạo quân viễn chinh của đoàn quân Chữ Thập trong lần thánh chiến thứ nhất.

Dưới đây là lời thuật lại của Marco Polo về hệ thống giao thông kỳ lạ của Đại hãn Trung Hoa :

"Từ thành phố Kanbalu có những con đường đi tới các tỉnh khác, và trên mỗi quan lộ này cứ khoảng độ 25 hay 30 dặm ..., lại có một trạm, ở đó có nhà đầy đủ tiện nghi ăn, ở cho du khách tạm dừng chân ... Có những tòa nhà rộng rãi xinh đẹp, trong phòng trang trí đầy đủ, với những tấm lụa cũng như mỗi thứ thích hợp với nhiều hạng người ... Tại mỗi trạm lúc nào cũng có 400 ngựa tốt sẵn sàng cho các sứ giả (người đưa tin) đi, đến để chuyển lệnh của Đại hãn. Tất cả các sứ giả có thể thay ngựa mệt bằng ngựa mới ... Kết quả là ... các vị sứ giả có thể tới triều đình cũng như đi về hay ghé qua các tỉnh đều được tiện lợi dễ dàng nhất. Nói chung, tất cả Đại hãn đã cho thấy rằng sự ưu việt của ông ta hơn tất cả mọi người trong nhân loại này.

Giữa các trạm dừng chân, cứ khoảng ba dặm lại có một làng nhỏ ... những người đi bộ đưa tin hay những người phục dịch cho triều đình đi qua đều có thể tá túc được ở các làng này. Các sứ giả này có mang chuông ở ngang lưng để người ta nhận ra ở từ xa. Mỗi sứ giả chỉ chạy chừng ba dặm, nghĩa là từ làng này đến làng khác ... Những tiếng chuông rung báo hiệu sứ giả tới và có người trong trạm đã túc trực sẵn để thay thế đem tin đi trạm kế. Tại mỗi trạm (cách nhau ba dặm) có một nhân viên túc trực có nhiệm vụ ghi ngày, giờ các vị sứ giả đến và đi,"

- Những câu chuyện của Marco Polo khiến cho người Âu Châu thích đi thăm viếng Viễn Đông

Những câu chuyện kỳ lạ trên đây chỉ là một số ít trong những điều mà Marco Polo đã được nghe và nhìn thấy. Sau khi đi Châu Âu về, ông viết một cuốn sách về chuyện phiêu lưu của ông. Ai đã đọc sách này đều loan truyền cho người khác biết. Khắp Âu Châu ai cũng nói về chuyện kỳ thú mà ông kể trong sách. Khi họ biết rằng những hàng hóa ở Đông phương giá chỉ đáng một phần nào so với giá mà các thương gia ở Ý đã ban cho họ, họ bắt đầu tự hỏi : "Tại sao các người Âu Châu khác lại không đi đến Đông phương như Marco Polo để tìm hiểu thêm về xứ đó ? Tại sao chúng ta không thể tìm một con đường tới đó bằng đường biên chẳng hạn để thâu đoạt những của cải của người Đông phương bằng cách trao đổi hàng hóa của ta cho họ".

NHỮNG PHÁT MINH VÀ CẢI TIẾN GIÚP CHO NGƯỜI TA CÓ THỂ VƯỢT ĐẠI DƯƠNG MỘT CÁCH DỄ DÀNG

Vào thời kỳ mà người Âu Châu nói về việc tìm kiếm một con đường đi Viễn Đông thì cũng là khi Âu Châu đang xảy ra nhiều biến đổi. Như các bạn đã biết, trước khi xảy ra các cuộc thánh chiến, dân Âu Châu ít đi du lịch xa và buôn bán xa. Họ cũng ít đọc và viết sách báo. Chỉ có các tu sĩ và những người chức sắc trong giáo hội mới chú ý đến việc học hành. Họ điều hành các trường học và giữ một số ít sách. Những sách này viết bằng tiếng Latin nên ít người đọc được, và chỉ chứa đựng một số kiến thức của mấy thế kỷ trước. Rất ít kiến thức mới được thêm vào. Nhưng khi người Âu Châu bắt đầu chú ý đến thương mãi và du lịch, thì có thêm nhiều người biết đọc và biết viết cùng học hỏi. Người ta bắt đầu học về văn minh cổ Hy Lạp, La Mã, môn học mà người ta bỏ quên hàng trăm năm trước. Nhiều tiến bộ về khoa học được thực hiện. Họ cũng được học và phát triển nhiều sáng chế cho việc hàng hải được thêm dễ dàng.

- Các nhà hàng hải được trang bị dụng cụ mới

Người Âu Châu đã từng được biết về la bàn. Đối với chúng ta ngày nay, la bàn là một dụng cụ thông thường nhưng đối với người Âu châu thời đó thì la bàn là một thứ mới lạ. Trước hết người ta phải học cách từ hóa một cái kim bằng sắt để kim đó luôn luôn chỉ về phương Bắc. Kim này được đặt trên một cái bảng có ghi phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc rồi được đặt trong một cái hộp nhỏ. Như vậy, người ta có một cái la bàn giống như cái la bàn ngày nay. Khi có một chiếc la bàn trong tay thì nhà hàng hải có thể biết rất rõ con tàu của ông ta đang đi về hướng nào. Nhưng ông ta không những chỉ cần biết phương hướng nào ông đi tới, mà còn cần phải biết nơi nào ông ta muốn tới nữa. Để thực hiện được mục đích đó, người ta chế ra một thứ dụng cụ để đo độ cao thiên thể (Cross staff và Astrolabe). Với loại dụng cụ này, nàh hàng hải có thể nhìn một thiên thể mà xác định được vị trí của ông ta hiện tại cách xa phía Bắc hay phía Nam đường xích đạo là bao nhiêu. Do đó, ông ta có thể ước lượng được rằng ông ta đang ở vĩ độ nào. Cũng vào thời kỳ này, người ta đã biết sử dụng đồng hồ. Người ta làm một cái bảng trên đó có ghi thời giờ và khoảng cách. nhìn vào thiên thể đó lần nữa bằng cách sử dụng bảng trên đây, và đồng hồ của mình, nhà hàng hải có thể biết rõ được ông ta hiện đang ở phía Đông hay phía Tây bao xa. Như vậy ông ta sẽ biết được ông ta hiện ở kinh tuyến nào. Biết được vĩ độ và kinh độ của một nơi, người ta có thể xác định được nơi đó. Dĩ nhiên là việc chèo thuyền vượt biển phần lớn tùy thuộc vào tài năng của các nhà hàng hải. Nhưng nhờ những dụng cụ mới được sáng chế trên đây mà việc chèo thuyền vượt biển được an toàn hơn, và người ta có thể thực hiện được những cuộc viễn hành trên đại dương.

Sau này người ta lại vẽ được các bản đồ và hải đồ. Các nhà hàng hải lại càng dễ dàng thực hiện được những chuyến đi viễn hành của họ.

- Phương pháp mới về ấn loát được sáng chế

Hàng trăm năm trước, người ta chỉ có thể viết được một lần một bản, và phải chép bằng tay từng chữ một rất chậm chạp. Vào giữa thế kỷ XV, người ta sáng chế ra phương pháp mới về ấn loát. Ngày nay chúng ta gọi phương pháp mới này là loại di động. Cứ mỗi mẫu tự trong bộ chữ cái (alphabet) thì lại có nhiều bộ mẫu tự nhỏ, rời, để người ta có thể xếp đi xếp lại thành những dòng chữ khác nhau. Với phương pháp in thô sơ này, người ta có thể in được nhiều bản của một cuốn sách.

Việc sáng chế ra thuật ấn loát này đã giúp cho việc truyền bá những khám phá mới và những câu chuyện về những vùng đất mới lạ lan truyền khắp Âu Châu. Sau năm 1450, nếu người ta đã đi tới một miền đất hay các vùng biển xa lạ nào, người ta thường viết một bài tường thuật nói về chuyến đi và vẽ bản đồ để nói rõ con đường mà họ đã đi qua. Sau đó lại được in thành sách cho du khách sử dụng. Cho nên các bạn có thể hiểu rằng việc sáng chế ra máy in đã khuyến khích việc du lịch và thám hiểm mạnh mẽ như thế nào.

*

* *


PHẦN II

CÁC NHÀ HÀNG HẢI ÂU CHÂU TÌM ĐƯỢC CON ĐƯỜNG

BIỂN ĐI ÂU CHÂU NHƯ THẾ NÀO ?
CÁC THÀNH PHỐ Ý ĐẠI LỢI KIỂM SOÁT VIỆC BUÔN BÁN VỚI PHƯƠNG ĐÔNG

Như chúng ta đã thấy, người Âu Châu đã trở nên quen thuộc với các sản phẩm Đông phương như các đồ gia vị, đường, dầu thơm, lụa .v.v... Các hàng hóa này được các thương gia người Ý chuyển vận tới. Vào thế kỷ thứ 15, các đô thị Ý (đặc biệt là Venise và Genca) buôn bán rất phát đạt với Viễn Đông. Các thương gia người Á Rập đi tới những miền đất xa lạ và mang những hàng hóa này về bán lại cho thương gia người Ý, chứ thực ra các thương gia người Ý không đi tới Viễn Đông. Dưới đây chúng ta tìm hiểu thương gia người Ả Rập đã đi theo những lộ trình quan trọng nào ?




- Việc giao thương với Viễn Đông đi theo ba lộ trình

Nhìn vào bản đồ trên, ta thấy các thương gia Ả Rập đã đi theo ba con đường:



1. Bắc lộ, là con đường dài và rất khó khăn, đi từ Tây Bắc Trung Hoa băng qua đại bình nguyên Châu Á đoạn này mất nửa năm hay hơn) và Hắc Hải tới Địa Trung Hải.

2. Trung lộ, là con đường dùng cả đường biển lẫn đường bộ. Các nhà hàng hải người Ả Rập mang hàng hóa theo hướng Bắc, dọc theo duyên hải Tây Ấn tới vịnh Ba Tư, rồi chuyển hàng hóa lên đường bộ để đưa tới các hải cảng ở phía Đông Địa Trung Hải.

3. Nam lộ, con đường này hầu hết là thủy lộ, từ Trung Hoa tới Ấn Độ luồn theo duyên hải bán đảo Á Rập đi vào Hồng Hải rồi chuyển sang một quãng ngắn đường bộ tới các hải cảng ở Ai Cập. Các thương gia người Ý tới đây mua hàng hóa.

Chúng ta nên nhớ rằng dù là con đường nào đi nữa thì các thương gia Ý cũng đều phải mua hàng hóa Đông phương qua tay các thương gia Á Rập. Vì rằng các đô thị Ý Đại Lợi gần Đông phương hơn, và các thương gia người Ý được người Saracens cho đặc quyền buôn bán các hàng hóa Đông phương trong khi các thương gia của các quốc gia Âu Châu khác không được hưởng đặc quyền này. Nói một cách khác, các đô thị Ý Đại Lợi được đặc quyền buôn bán hàng hóa Đông phương.



- Những người Âu Châu khác ganh tị với người Ý

Các bạn hãy tưởng tượng các quốc gia hàng hải Âu Châu khác ganh tị với các đô thị Ý Đại Lợi như thế nào? Họ thấy rằng nhờ kiểm soát các thương lộ mà các thương gia người Ý ngày càng trở nên giàu có, trong khi đó thì túi tiền của chính họ cứ cạn dần. Lúc bấy giờ người Âu Châu đã sản xuất được một số hàng hóa để trao đổi với người Ý để lấy hàng hóa xa xỉ Đông phương. Nhưng hàng hóa của họ không được đắt giá bằng hàng hóa Đông phương cho nên họ phải trả thêm vàng hay bạc cho thương gia người Ý. Các nước trên không thể cứ tiếp tục nhập cảng nhiều hơn xuất cảng được, giống như một người nào trong chúng ta cứ tiếp tục chi nhiều hơn thâu sẽ bị khánh tận. Còn một lý do khác nữa khiến cho các quốc gia Âu Châu chống lại sự độc quyền buôn bán hàng hóa Đông phương của người Ý. Các bạn còn nhớ là thời Trung cổ, các nhà quý tộc quyền thế gần giống như các vị vua chúa đến nỗi dân chúng không còn giữ được lòng trung thành với tổ quốc của họ. Nhưng tình trạng này đã lần lần thay đổi. Các vua chúa Âu Châu đã lần lần đè bẹp các ông lãnh chúa và làm chúa tể thực sự đất nước thống nhất và hùng mạnh. Đây cũng là lần đầu tiên nhân dân Pháp, Anh, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha hiểu rõ lòng tự hào về đất nước của họ. Vua chúa các quốc gia này cũng thiết tha mong muốn được trở nên giàu có. Cho nên họ sẵn sàng cung cấp tàu thuyền và tiền bạc, cũng như gửi các nhà hàng hải gan dạ đi tìm đường đi tới miền đất xa xôi.



- Người Âu Châu đi tìm những con đường mới đến Đông phương

Một điều kỳ lạ là các nhà hàng hải thuộc các tân quốc gia trên đây đã bắt đầu mơ ước tới những con đường đi tới Ấn Độ và Viễn Đông. Họ nói rằng “Venice và Genoa kiểm soát những con đường quen thuộc đi Châu Á. Tại sao họ lại không tìm một thủy lộ mới để họ có thể chia phần những của cải của Đông phương?” Thực ra có gì ngăn chặn được họ? Bây giờ họ lại có những dụng cụ hàng hải giúp cho việc vượt đại dương được an toàn hơn. Họ đã có những bản đồ và hải đồ để hướng dẫn họ. Xa hơn nữa họ còn mơ ước phiêu lưu và trở nên nổi danh và giàu có. Chính những mơ ước này đã khiến cho người ta cố gắng tiến lên dù gặp phải những thất bại, gian lao, khổ cực.

CÁC NHÀ HÀNG HẢI NGƯỜI BỒ ĐÀO NHA TỚI ẤN ĐỘ BẰNG ĐƯỜNG BIỂN

- Thái tử Henry của Bồ Đào Nha khuyến khích việc thám hiểm

Quốc gia nhỏ bé Bồ Đào Nha là quốc gia đầu tiên đã tìm ra thủy lộ đi Đông phương. Phần lớn các kỳ công khám phá này thuộc về một người trong hoàng tộc Bồ Đào Nha. Đó là thái tử Henry. Thái tử Henry rất thích cuộc đời biển cả. Qua việc thám hiểm bở biển phía Tây Châu Phi, thái tử hy vọng sẽ biến cải được thổ dân vùng duyên hải này theo đạo Gia tô, và thiết lập việc buôn bán trao đổi bằng vàng giữa nước ông với các dân tộc vùng này. Nhưng Henry cũng hy vọng là nếu càng phiêu lưu đi theo bờ biển phía Tây Châu Phi xa hơn nữa tới miền xa lạ, thì người Bồ Đào Nha có thể tìm ra được thủy lộ tới phương Đông. Để thực hiện tham vọng này, thái tử cho thiết lập một trường huấn luyện hàng hải ngay tại mũi cực Tây Nam Âu Châu. Tại đây, ông cho tập trung các nhà hàng hải, các sinh viên hàng hải, các nhà du lịch, và các nhà làm hải đồ và các dụng cụ hàng hải cùng các nhà đóng tàu. Không bao lâu, các tàu biển Bồ Đào Nha là những tàu biển xinh đẹp nhất, và các nhà hàng hải Bồ Đào Nha là những người tài ba nhất. Chính thái tử cũng nổi danh và được ca tụng là “Thái tử Henry của hàng hải”.



- Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha thám hiểm bờ biển phía Tây Châu Phi

Thái tử Henry gửi các tàu thuyền tới tận duyên hải phía Tây Châu Phi để thám hiểm và trao đổi mậu dịch. Ông ra lệnh mỗi vị thuyền trưởng phải xây một cái tháp bằng đá cao 6 bộ ở trên bờ biển để đánh dấu nơi xa nhất mà họ đặt chân tới. Dĩ nhiên vào lúc đó không ai nhận thức được sự rộng lớn và vĩ đại của lục địa Châu Phi. Cho nên phải vô cùng can đảm lắm mới có thể chèo thuyền đi men theo bờ biển phía Tây Châu Phi hướng về phía Nam. Và đi như vậy tưởng chừng như chẳng bao giờ đi hết được vùng bờ biển dài vô tận này. Các nhà hàng hải lúc bấy giờ thường tin những chuyện ghê gớm ở các vùng biển xa lạ mà họ thường được nghe. Nào là những vùng nước xoáy chực sẵn để cuốn vào lòng biển sâu những chiếc tàu bất hạnh nào vô tình đi qua đó. Nào là những con quái vật đang hờm sẵn để tàn phá tàu họ. Nào là chính những ác quỷ đang nằm canh chừng xem người nào dám cả gan chèo thuyền tới vùng biển xa lạ này. Những câu chuyện này đã làm cho các nhà hàng hải thường cho tàu trở về mà không dám tiến đến vùng biển mà người ta thường gọi là “Đại dương của bóng tối”. Tuy nhiên thái tử Henry đã cho lệnh các nhà hàng hải phải tiếp tục cho tàu mạnh tiến, và phải xây các tháp đá ở những nơi càng ngày càng xa hơn về phía Nam trên bờ biển phía Tây Châu Phi.

Đúng vào khi người Bồ Đào Nha thấy rằng dân bản địa Phi Châu hân hoan trao đổi nô lệ và biếu vàng để lấy ngựa, thái tử Henry càng khuyến khích các thương gia Bồ Đào Nha nắm lấy cơ hội này để chuyển hàng tới quốc gia này. Không bao lâu, Bồ Đào Nha thiết lập được con đường thương mại tấp nập dọc theo duyên hải Phi Châu. Tuy nhiên thái tử Henry vẫn chưa hài lòng. Ông vẫn luôn luôn thúc giục các nhà hàng hải tiến về phía Nam. Khi ông mất vào năm 1460, là khi những chiếc tàu của ông đã đi vòng quanh mũi Verde.



- Đi tới Ấn Độ

Sau khi thái tử Henry mất đi rồi thì các nhà hàng hải Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục thám hiểm duyên hải Phi Châu. Sau cùng vào cuối năm 1487, Bartholomew Dias đi vòng quanh mũi cực Nam Phi Châu. Ông tin chắc rằng cứ theo con đường này là có thể đi tới Ấn Độ, và ông vội vã đem tin vui về. Nhận được tin vui này, hoàng đế vui mừng đặt tên cho mũi cực Nam Phi Châu là mũi Hảo Vọng. Sau này, vào năm 1498 một nhà thám hiểm Bồ Đào Nha khác đã minh chứng được rằng nhận xét của Dias là đúng. Nhà thám hiểm này, tên là Vasco Da Gama, đi vòng quanh mũi Hảo Vọng ngược lên duyên hải phía Đông Phi Châu, rồi cho tàu hướng về phía Đông vượt Ấn Độ Dương để đi tới Ấn Độ. Tại đây, ông cho thiết lập một tháp đá đánh dấu ngày hoàn thành công cuộc tìm kiếm được thủy lộ đi đến Đông phương. Cuối cùng ông trở về quê hương với cả một tàu chất đầy hương liệu, lụa và các đồ trang sức quý báu, một bằng cớ chứng minh rằng ông đã thật sự đặt chân lên xứ Ấn Độ.



- Các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đã giúp cho người ta hiểu biết thế giới nhiều hơn

Trước ngày thái tử Henry phát khởi các chuyến đi thám hiểm, người ta hiểu biết rất ít về thế giới. Các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc mở rộng thêm kiến thức địa lý. Mỗi khi các nhà hàng hải đi thám hiểm về, các nhà chuyên môn vẽ bản đồ lại vẽ thêm một phần duyên hải vừa mới thám hiểm được vào bản đồ. Nhờ vậy, mà dân Âu Châu hiểu biết rõ hơn về địa lý thế giới.

BỒ ĐÀO NHA KIỂM SOÁT CON ĐƯỜNG HÀNG HẢI ĐI ẤN ĐỘ

- Nhờ giao thương với Đông phương, Bồ Đào Nha càng trở nên giàu có

Ngay khi đó Bồ Đào Nha nhận thấy rõ giá trị con đường hàng hải đi Đông phương do Da Gama tìm ra. Da Gama đã mang về Bồ một chuyến tàu trị giá gấp 60 lần tổn phí cho cuộc thám hiểm của ông. Bạn hãy tưởng tượng rằng nếu bạn mua một cái gì chỉ đáng một xu và bán lại được 60 xu thì bạn sẽ cảm thấy vui mừng đến bậc nào? Từ nhà vua cho đến các nhà hàng hải và thương gia Bồ đều vui mừng hoan hỷ về tin này. Tàu thuyền đi Đông phương càng gia tăng số lượng. Đồng thời họ thiết lập các thương điểm ở Ấn Độ và gửi quân đi đồn trú bảo vệ. Bồ Đào Nha là chủ nhân ông duy nhất con đường hàng hải đi Ấn Độ mới tìm được này.



- Trung tâm thương mại chuyển từ các đô thị Ý sang Bồ Đào Nha

Vào đầu thế kỷ thứ 16, Libson, thủ đô Bồ Đào Nha trở nên một hải cảng quan trọng bậc nhất ở Âu Châu. Tại các đường phố và quán rượu, các thủy thủ tập nập đi về, ra vào chật ních. Các nhà hàng hải và các thương gia túm tụm quay quần trong các căn phòng yên tĩnh, bàn tính cho cuộc viễn hành sắp tới. Các tàu hàng chất đầy hàng hóa từ Ấn Độ tới tấp tiến vào bến tàu. Đó là những tàu chở đầy những hàng hóa Đông phương có giá trị như hương liệu, đá quý, vải vóc. Tàu thuyền của các quốc gia khác cũng nằm chờ ở Libson để bốc hàng đi các hải cảng khác ở Âu Châu. Như các bạn đã biết, trước kia các đô thị Ý Đại Lợi đã từng là các thương cảng quan trọng của Âu Châu (Venice và Genoa). Vì giá chuyển vận rẻ hơn nên các thương gia Bồ bây giờ có thể bán hàng hóa Đông phương với một giá rẻ hơn so với giá thương gia người Ý bán trước kia. Đó là nguyên do Bồ trở nên giàu có vì buôn bán với Đông phương, một nghiệp vụ mà các đô thị Ý từng chiếm độc quyền.

*

* *
PHẦN BA



TẠI SAO KHA LUÂN BỐ ĐÃ VƯỢT BIỂN TIẾN VỀ

HƯỚNG TÂY, VÀ ÔNG ĐÃ HOÀN THÀNH ĐƯỢC NHỮNG GÌ?
Ngay trước khi Da Gama tới Ấn Độ, các chuyến đi của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha khi trước đã khiến cho người Âu Châu nghĩ rằng rất có thể có những con đường khác đi đến Viễn Đông. Sau hết, đối với các quốc gia Âu Châu, thủy lộ do người Bồ Đào Nha kiểm soát không hơn gì các con đường đi Á Châu do các đô thị Ý kiểm soát. Một số người đã có ý tưởng táo bạo là: Tại sao ta không tìm một thủy lộ đi đến các kho tàn ở Viễn Đông bằng cách vượt biển đi về hướng Tây? Chúng ta biết rằng vào khoảng năm 1000, người Viking đã vượt biển đi về hướng Tây và đã tìm thấy đất liền ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Nhưng người Viking không còn chú ý đến miền đất xa xôi này nữa. Đến cuối thế kỷ thứ 15, rất ít người Âu Châu còn biết đến những cuộc viễn hành của người Viking này nữa.



tải về 2.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương