* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Nathan Hale hy sinh vì tổ quốc



tải về 2.16 Mb.
trang14/33
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.16 Mb.
#9902
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   33

- Nathan Hale hy sinh vì tổ quốc

Muốn tìm rõ về kế hoạch của quân Anh, tướng Washington kêu gọi những người tình nguyện đi thành phố Nữu Ước. Một trong những người tình nguyện này là đại úy Nathan Hale mới hai mươi mốt tuổi. Trước khi xảy ra cuộc chiến, người thanh niên trẻ tuổi này là một giáo viên ở Connecticut. Tướng Washington ủy cho Nathan Hale sứ mạng nguy hiểm là đi tìm hiểu kế hoạch của quân Anh. Nathan Hale hóa trang tiến vào thành phố Nữu Ước, nhưng chẳng may bị quân Anh bắt và kết án là gián điệp và bị treo cổ. Đứng trước cái chết, Nathan Hale đã khẳng khái nói lời chót: “Rất tiếc là ta chỉ có một đời để hy sinh cho đất nước”.



- Washington rút về New Jersey

Sau vụ thất thủ Nữu Ước, lại tiếp theo vụ xui xẻo khác. Quân Anh lại tấn chiếm hai đồn ải dọc theo sông Hudson khiến cho Washington tổn thất tới hai ngàn sáu trăm tinh binh cùng một số lớn các súng ống và đồ tiếp liệu. Nếu quân Anh tiếp tục tấn công ngay tức thì vào lúc quân sĩ của Washington nản lòng thì có lẽ người Anh đã dập tắt được cuộc chiến này. Người ta nói rằng tướng Howe đã không muốn tiêu hủy quân đội lục địa, vì ông còn hy vọng là người Mỹ sẽ trở lại trung thành với người Anh. Giờ đây, quân đội lục địa đang nếm thất bại, ông hy vọng người Mỹ sẽ nhượng bước và bỏ cuộc. Đó là một lầm lẫn lớn và cũng là một bài học đắt giá cho tướng Howe.

Mùa thu năm 1776, tướng Washington buộc phải rút lui qua New Jersey về phía Nam. Tướng Howe cho quân truy kích nhưng lại tiến quân rất chậm chạp. Vào cuối năm đó, quân đội lục địa vượt sông Delaware tiến vào Pennsylvania. Đây là những ngày chán nản đối với vị tổng tư lệnh quân đội Mỹ. Nhiều quân sĩ đã tuyệt vọng bỏ về nông trại hay về với công việc cũ. Trước đó,Washington đã hy vọng sẽ tuyển mộ thêm quân ở New Jersey, nhưng chỉ thâu thêm chưa được tới 100 người. Đồng thời với lúc Washington rút về Pennsylvania thì quân Anh tiến tới Philadelphia khiến cho Hội nghị phải bỏ cả nơi họp mà chạy trốn. Chính nghĩa của nhân dân Hoa Kỳ hầu như rơi vào tuyệt vọng. Người ta nói rằng một vài tướng lãnh trong quân đội Anh đã tin chắc rằng cuộc chiến sẽ chấm dứt và họ đã gửi các đồ đạc hành lý xuống tàu để chuẩn bị hồi hương.

- Chiến thắng ở Trenton và Princeton làm nức lòng quân đội lục địa

Tuy nhiên, Washington vẫn còn hy vọng. Trong đêm giáng sinh lạnh giá vào năm 1776, ông và binh sĩ dưới quyền vượt sông Delaware trở về đúng vào khi 1400 quân Đức đồn trú trong đồn Trenton đang chung vui ngày lễ. Quân sĩ ông tấn công bất ngờ và bắt giữ được hàng ngàn tù binh. Sau đó, ông rút lui trở lại vài dặm. Lord Cornwallis được gửi đi liền đó để đuổi bắt Washington. Ông ta nói rằng ông đã lùa “con cáo già” vào nơi khó khăn. Nhưng một lần nữa, nhà lãnh tụ lục địa đã tỏ ra tài ba và gan dạ. Đốt lửa trại sáng để đánh lừa quân Anh, Washington và quân sĩ lẩn vào trong đêm tối. Sáng hôm sau, đại pháo từ xa gầm thét vang dội làm cho Cornwallis bừng tỉnh. Đây là tiếng súng của Washington tấn công 3 trung đoàn quân Anh ở gần Princeton. Washington đánh bại quân thù ở tại Princeton. Những chiến thắng hào hùng tại Trenton và Princeton đã gây niềm phấn khởi trong hàng ngũ quân đội lục địa. Mặc dầu toàn thắng còn xa nhưng dân Hoa Kỳ nhìn về tương lai với nhiều hy vọng hơn.



- Kế hoạch của người Anh để đè bẹp quân Mỹ

Năm 1777, các vị chỉ huy trưởng của quân Anh thiết lập kế hoạch chiếm giữ vùng thung lũng sông Hudson để cô lập miền Tân Anh. Tướng John Burgoyne (người Anh thường gọi là Gentleman John) chỉ huy một đạo quân từ Gia Nã Đại tiến xuống phía Nam qua ngã hồ Champlain tới Albany. Tướng Howe chỉ huy một lực lượng từ thành phố Nữu Ước tiến lên Albany để gặp tướng Burgoyne. Đạo quân thứ ba từ đồn Oswego bên bờ hồ Ontario tiến về phía Đông qua tiểu bang Nữu Ước để kết hợp với hai đạo quân trên tại Albany.

Đây là một kế hoạch rất hay, nhưng lại không tiến hành được như ý muốn. Đạo quân thứ ba từ đồn Oswego chẳng bao giờ tới được Albany. Nửa đường, đạo quân này gặp đạo quân lục địa tại Oriskany, và hai bên đã kịch chiến dữ dội, đánh những trận đánh đẫm máu nhất trong cuộc chiến. Sau trận đánh này, đạo quân thứ ba rút về Oswego. Về phần tướng Howe, thay vì gửi quân tiếp viện cho tướng Burgoyne, thì ông lại hạ lệnh cho quân sĩ của ông ở thành phố Nữu Ước lên chiến tàu rồi tiến vào vịnh Chesapeake. Sau khi đổ bộ, tướng Howe và đạo quân của ông hướng về phía Bắc tiến vào Philadelphia.

- Saratoga là một khúc quanh của cuộc chiến

Còn tướng Burgoyne, ông cho quân tiến về phía Nam tới đồn Ticonderoga. Nhưng quân Anh càng tiến sâu vào nội địa lại càng gặp nhiều khó khăn. Dân Nữu Ước và dân miền Tân Anh ngã cây chặn đường, đốt mùa màng, lùa súc vật đi để lại vườn không nhà trống. Đương đầu với những trở ngại như vậy, tướng Burgoyne phải hạ lệnh cho quân sĩ từ từ tiến. Khi ông gửi 700 lính Đức tiến về phía Đông để nhận tiếp liệu thì bị quân đội lục địa bao vây và đánh bại ở gần Bennington, nơi mà ngày nay thuộc tiểu bang Vermont. Sau cùng, quân của tướng Burgoyne kịch chiến với quân đội lục địa ở gần Saratoga Nữu Ước. Quân Anh bị thảm bại. So với quân đội lục địa, quân Anh quá ít, lại không hy vọng nhận được tiếp viện, tướng Burgoyne đem toàn quân của ông đầu hàng vào ngày 17 tháng 10 năm 1777.

Sự đầu hàng của tướng Burgoyne là một khúc quanh của cuộc chiến. Chiến thắng của quân đội lục địa tại Saratoga cũng như việc bắt sống được tướng Burgoyne và toàn thể quân đội của ông ta làm khích lệ Pháp hoàng gửi viện trợ cho Hoa Kỳ. Không có viện trợ này Hoa Kỳ sẽ không đủ tiền để giữ vững được những đạo quân đang chiến đấu ngoài mặt trận.

- Washington trải qua những mùa đông giá lạnh tại thung lũng sông Forge

Về phần tướng Howe, ông cùng vơi đạo quân của ông tiến vào Philadelphia. Washington cố gắng chặn đứng đạo quân này tại Brandywine và Germantown. Nhưng cả hai nơi này, Washington đều bị thất bại. Tướng Howe chiếm được Philadelphia một cách vẻ vang (xem bản đồ trang 189b).

Mùa Đông năm 1777-1778, đạo quân của tướng Howe dừng lại, trú đóng ở Philadelphia. Đây là thời gian mà đạo quân này được hưởng đầy đủ tiện nghi. Họ được trú đóng trong những căn nhà ấm cúng và có đầy đủ thực phẩm, luôn luôn có tiệc tùng và khiêu vũ. Đối với quân Anh thì mùa Đông này đầy thú vị, ngược lại đối với quân đội lục địa của tướng Washington lại là một cơn ác mộng.

Quân đội của tướng Washington đóng trại ở gần thung lũng sông Forge. Lương thực thiếu thốn, họ phải vội vã dựng lên những túp lều cây thô sơ để chống lại với gió gào, tuyết lạnh của mùa đông. Quần áo rách rưới không đủ che thân. Nhiều quân sĩ không có giày, và chỉ có một số ít có đủ chăn nệm. Tiền tệ của quân đội lục địa thì mất giá đến nỗi nông dân không chịu bán thực phẩm cho họ nữa. Họ bán heo và bò cho quân Anh để lấy vàng và bạc. Trong hoàn cảnh như vậy, một số quân sĩ trong quân đội lục địa đã chán nản bỏ về nhà. Nhiều người lâm bệnh. Nhưng Washington hiểu rõ giá trị chiến thắng ở Saratoga. Ông vẫn tỏ ra bình tĩnh và khích lệ đám binh sĩ đói lạnh của ông. Nam tước người Đức Von Steuben ra công huấn luyện quân đội lục địa trong suốt mùa Đông để chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân tới.








- Không còn xảy ra các trận đánh ở các tiểu bang miền Trung nữa

Trung tuần tháng 6 năm 1778, quân Anh bỏ Philadelphia vượt New Jersey, tiến vào thành phố Nữu Ước. Washington đem quân truy kích, và nếu không có tướng Charles Lee hèn nhát thì chắc có lẽ ông đánh bại được quân Anh ở Monm, thuộc tiểu bang New Jersey. Thay vì tuân theo lệnh của Washington, Lee đã cho quân rút lui. Quân Anh tới được Nữu Ước. Washington cho quân cầm chân quân Anh ở nơi đây cho tới khi chiến tranh chấm dứt. Từ đây cũng không có trận đánh lớn nào diễn ra ở các tiểu bang miền Trung.



- Tên Mỹ gian mưu toan phản bội quê hương

Một biến cố đã xảy ra làm tổn thương đến sự nghiệp của người Hoa Kỳ. Benedict Arnold là một trong những nhà lãnh đạo của các thuộc địa. Từ đầu cuộc chiến, hắn đã chiến đấu rất hăng và xuất sắc. Hắn đã từng tham dự vào vụ tấn công Quebec ngay từ khi khởi đầu cuộc chiến, và cũng từng tham dự nhiều vào trận đánh tại Saratoga khiến cho Burgoyne phải đầu hàng. Arnold là một người có nhiều tham vọng. Hắn cho rằng hắn phải được hưởng nhiều hơn mới xứng đáng với công lao phục vụ của hắn. Thực ra, hắn đã bị chỉ trích và bị đưa ra tòa án binh xử về tội lạm dụng quyền hành của hắn như tiếm quyền Thống đốc quân sự ở Philadelphia. Hơn nữa, Arnold lại mang nợ rất nhiều. Sự cần tiền và lòng tự ái của hắn bị tổn thương khiến cho hắn sa vào cạm bẫy tiền bạc của người Anh. Hắn không những cung cấp cho người Anh những bí mật quân sự, mà còn dùng ảnh hưởng để yêu cầu tướng Washington bổ nhậm hắn làm chỉ huy trưởng đồn Westpoint ở Nữu Ước. Arnold định nộp đồn này cho người Anh.

Âm mưu đầu hàng ở Westpoint bị bại lộ vào năm 1780 do việc bắt được thiếu tá Andre, một sĩ quan người Anh đang mặc cả với Arnold. Andre bị xử tử vì tội gián điệp. Nhưng Arnold đã cố gắng chạy thoát thân được đến phòng tuyến của quân Anh. Cho đến ngày chiến tranh chấm dứt, Arnold chiến đấu dưới ngọn cờ Anh. Về sau, con người bất hạnh này chết ở Anh quốc. Tại Hoa Kỳ, tên Arnold được đồng hóa với tên Mỹ gian (tên phản bội). Ngay cả ở bên Anh, hắn cũng bị mọi người khinh rẻ.

KỊCH CHIẾN DỮ DỘI Ở VÙNG BIÊN CƯƠNG VÀ Ở NGOÀI KHƠI



- George Rogers Clark chiến đấu cho tự do ở miền Tây

Song song với các trận chiến tiến hành ở các tiểu bang miền Trung, ở vùng biên cương về phía Tây cũng có kịch chiến dữ dội. Tuy nhiên, đây là một hình thức chiến đấu khác hẳn với hình thức chiến đấu của quân đội tướng Washington. Ở đây, phần lớn là các cuộc tấn kích của người da đỏ vào các làng định cư tuyệt vọng ở miền biên cương. Đối với người da đỏ, bọn trung thành với quân Anh rỉ tai với lời cảnh cáo rằng: “Nếu quân lục địa chiến thắng trong cuộc chiến này, thì họ sẽ mở rộng các làng định cư càng xa về phía Tây. Như vậy chẳng bao lâu các vùng đất dùng để săn thú của người da đỏ sẽ trở thành những nông trại cuả người da trắng”. Được người Anh trợ giúp, người da đỏ mở các cuộc tấn công dữ dội không những ở vùng phía Tây dãy núi Appalaches, mà ngay cả ở Nữu Ước và Pennsylvania. Có báo cáo nói rằng đại tá Henry Hamilton tư lệnh quân Anh tại Detroit đã treo phần thưởng cho chiến sĩ da đỏ nào mang nộp mảnh da đầu người cho ông.

George Rogers Clark, một thanh niên trẻ, dũng cảm, quyết định chấm dứt các cuộc tấn công của người da đỏ. Thống đốc Virginia cho phép ông dẫn một đạo quân tới vùng biên cương phía Tây. Năm 1778, ông dẫn một lực lượng 200 quân đi theo sông Ohio. Clark tấn công và tấn chiếm bất ngờ những đồn ải của người Anh ở vùng biên cương mà ngày nay là tiểu bang Illinois. Ông chiếm được Vincennes, nơi mà ngày nay thuộc tiểu bang Indiana.

- Clark làm chủ miền Tây

Sự thành công của người thanh niên trẻ này khiến cho đại tá Hamilton lo ngại. Cùng với đồng minh da đỏ, Hamilton đem quân tái chiếm đồn Vincennes, nơi đây lúc đó chỉ có một số ít quân đội lục địa trấn đóng. Mặc dầu viên Tư lệnh người Anh hy vọng Clark sẽ tấn công ông ta, nhưng ông ta vẫn nghĩ rằng cho tới mùa xuân năm 1779 sẽ không có gì xảy ra. Thực ra, vào giữa mùa Đông, một số ít quân đội lục địa tấn công quân Anh ở đồn Vincennes. Vượt qua vùng đầm lầy băng giá ngập nước đến lưng, đoàn người ngoài biên cương đã làm cho Hamilton ngạc nhiên khi tấn chiếm Vincennes một lần nữa. Chiến thắng của Clark giúp cho quân đội lục địa kiểm soát được vùng đất bao la nằm giữa Ngũ đại hồ, sông Ohio và sông Mississippi. Sau chiến công của Clark, mối đe dọa của người da đỏ ở vùng biên cương giảm sụt hẳn.



- Tàu săn Hoa Kỳ rình rập các tàu chuyên chở của đối phương

Trong khi đó thì người Mỹ mở rộng trận chiến ở ngoài khơi cũng như ở trên bờ. Từ các hải cảng ở miền Tân Anh, các tàu đánh cá và tàu buôn được võ trang súng ống và thủy thủ tiến ra chiếm bắt các tàu chuyên chở của địch. Các tàu săn của Mỹ bắt được nhiều tàu buôn của Anh đem về hải cảng. Hàng hóa của các tàu bị bắt được đem bán lấy tiền chia cho các thủy thủ của các tàu buôn tham dự. Sau này, tàu chiến của Anh tuần hành ở ngoài khơi duyên hải để canh chừng tàu săn Mỹ. Do đó, rất ít tàu Mỹ dám đi ra ngoài khơi nữa.



- Hoa Kỳ thiết lập hải quân

Khi còn là dân thuộc địa của Anh quốc, dĩ nhiên là người Mỹ không có Hải quân. Hoa Kỳ lúc bấy giờ hoàn toàn tùy thuộc vào sự bảo vệ của các hạm đội Anh. Bây giờ thì hạm đội hùng mạnh của người Anh không phải là để bảo vệ người Mỹ nữa mà là để chống lại người Mỹ. Vào lúc khởi đầu cuộc chiến, Hội nghị đã bắt đầu thiết lập hải quân. John Paul Jones, một nhà hàng hải người Ai Nhĩ Lan đến định cư ở Virginia vài năm trước khi cuộc chiến bùng nổ, đã khuyên Hội nghị nên đóng những tàu nhỏ nhưng chạy nhanh. Tuy nhiên, suốt trong thời kỳ chiến tranh (cách mạng), hải quân Hoa Kỳ chỉ có chừng 40 chiến tàu. Trước khi cuộc chiến chấm dứt, ngoại trừ 6 chiến tàu ra, còn tất cả hoặc bị quân Anh bắt, hoặc là bị chính thủy thủ đoàn đánh đắm để khỏi bị đối phương chiếm giữ.



- John Paul Jones được Hải Quân Hoa Kỳ kính nể

Mặc dầu còn yếu kém, hải quân Hoa Kỳ cũng ghi được thành tích đáng kể. Trận hải chiến nổi tiếng nhất trong thời kỳ chiến tranh cách mạng là trận đụng độ giữa tàu chiến của Anh và chiến tàu được đóng ở Pháp dưới quyền chỉ huy của John Paul Jones. John hạ lệnh cho chiếc tàu Bonhomme Richard cùng với ba chiến tàu khác tuần hành canh chừng dọc theo duyên hải thuộc Anh. Khi đội thương thuyền của Anh có hai chiến tàu hộ tống tới gần, ông hạ lệnh khai hỏa tấn công vào chiến tàu lớn hơn của địch gọi là Serapis.

Trong trận kịch chiến kéo dài ba tiếng đồng hồ này, chiến tàu Bonhomme bị thiệt hại nặng nề. John cho chiếc tàu của ông chạy gần tàu Serapis hầu như chạm sát đầu nòng đại pháo của địch. Vị chỉ huy của tàu Anh phải kêu lớn lên rằng: “Bạn hạ thấp cờ bạn xuống chưa?”. John đáp lại “Tôi chưa bắt đầu chiến đấu!”. Lời lẽ này đã trở nên nổi tiếng. Sau đó, ông tiếp tục cho nổ súng. Chẳng bao lâu, trên boong tàu Bonhomme Richard, những xác người chết và bị thương nằm la liệt, nhưng chiến tàu Serapis cũng bị tổn thất nặng nề. Khi chiếc cột buồm chính của chiếc tàu này ngã xuống thì viên tư lệnh người Anh mới đầu hàng John.

John Paul Jones đã chứng tỏ rằng Hoa Kỳ có thể chiến đấu ở ngoài khơi cũng như ở trên bộ. Mặc dầu, sau này ông sinh sống ở Âu châu, nhưng sau khi ông mất đi, thi hài ông được mang về Hoa Kỳ mai táng. Hiện nay ông được chôn trong một ngôi mộ danh dự trong hải quân học viện ở Annapolis.

CHIẾN TRANH Ở MIỀN NAM MANG LẠI CHIẾN THẮNG CHO HOA KỲ

­- Người Anh thay đổi kế hoạch

Sau ba năm chiến đấu, người Anh phải đương đầu với một vấn đề khó khăn. Những trận đánh ở các tiểu bang miền Trung đã không giúp cho họ đánh bại được quân lục địa như hồi năm 1775. Năm 1778, nước Pháp nhảy vào vòng chiến khiến cho Anh quốc lại phải chống thêm một cường quốc thù địch. Hy vọng nhận được trợ giúp của số đông những người trung thành với Anh quốc, người Anh chuyển chiến tranh xuống các tiểu bang miền Nam. Từ cuối năm 1778 cho đến khi chiến tranh chấm dứt, hầu như các trận đánh chỉ xảy ra ở miền Nam thôi.



- Quân đội Anh và quân đội Mỹ quần thảo ở miền Nam

Lúc đầu, hình như người Anh đã quyết định một cách khôn khéo. Những chiến thắng của họ đã giúp họ làm chủ Georgia và hầu hết Nam Carolina. Chỉ có một số ít nhóm quân đội lục địa can đảm mà cũng giữ vững được cuộc chiến. Dưới sự hướng dẫn của những vị chỉ huy dũng cảm như Francis Marion (biệt danh là “Con cáo ở đầm lầy”), những nhóm quân sĩ này ẩn náu trong các vùng đầm lầy và thỉnh thoảng lén đến tấn kích vào các toán quân nhỏ của người Anh.

Sau cùng, quân Mỹ có thể chận được quân Anh ở miền Nam. Cuối năm 1780, tướng Anh là Cornwallis chỉ huy một đạo quân tiến đánh North Carolina. Tuy nhiên, một phần đạo quân này bị đánh bại bởi cánh quân của dân vùng biên cương tại khu núi King ở vùng biên giới giữa Bắc và Nam Carolina. Sau đó, Washington gửi vị tướng tài ba nhất là Nathanael Greene xuống chỉ huy quân đội ở miền Nam. Quân Mỹ thắng một trận lớn ở Cowpens ở Nam Carolina. Vì gặp khó khăn trong việc tiếp tế đồ tiếp liệu, tướng Cornwallis buộc phải bỏ Bắc Carolina, hạ lệnh cho quân rút lui ra vùng duyên hải.

- Sự nghiệp của quân đội lục địa hầu như rơi vào tuyệt vọng

Dù rằng đã ngăn chặn tướng Cornwallis không chiếm được Bắc Carolina, người Mỹ cũng cảm thấy chán nản trong tiến trình cuộc chiến. Như các bạn đã biết, Washington đã dùng phần lớn quân đội để cầm chân quân Anh ở New York. Bây giờ là mùa xuân, quân đội lục địa đã liên tiếp chiến đấu trong 6 năm trường mà chiến thắng hình như còn quá xa vời. Quân sĩ không yên lòng phục vụ và phải chịu cảnh thiếu thốn lương thực cũng như các đồ tiếp liệu. Ngay cả đến Washington cũng cảm thấy chán nản và lo ngại tưởng chừng như ngày tàn đã ló dạng. Tuy nhiên, Cornwallis đã quyết định một nước cờ sai lầm khiến cho Washington có cơ hội tấn công đè bẹp quân Anh.



- Cornwallis bị mắc bẫy

Cornwallis hạ lệnh cho quân sĩ hướng về phía Bắc tiến vào Virginia, nơi đây được bảo vệ bởi một số ít quân đội lục địa dưới quyền chỉ huy của tướng Lafayette. Cornwallis khoe khoang một cách hợm hĩnh rằng “Cậu trai này không thể thoát khỏi tay tôi”. Nhưng lực lượng của “cậu trai” Lafayette không đủ mạnh để đương đầu với quân đội Anh nên đã tìm cách lẩn tránh. Cornwallis bắt đầu tăng cường ở Yorktown, một vị trí nằm trên bán đảo chạy dài tới vịnh Chesapeake. Tại đây, ông hy vọng nhận được thêm tiếp viện và tiếp liệu từ New York gửi tới bằng đường biển. Đây là một lầm lẫn trầm trọng. Chiến tàu lớn của Pháp từ West Indies tiến đến chận đứng cửa vào vịnh Chesapeake. Một hạm đội Anh đến giải vây cho tướng Cornwallis nhưng bị đẩy lui.

Trong khi đó, tướng Washington quyết định một nước liều. Bỏ New York, ông hạ lệnh cho quân sĩ liên kết với hàng ngàn quân Pháp mở cuộc hành quân chớp nhoáng đánh mạnh vào Virginia. Chừng mười sáu ngàn quân lục địa và quân Pháp tiến gần tới Yorktown bao vây đạo quân của Cornwallis.

- Cornwallis đầu hàng

Mặc dầu quân Anh liều chết chiến đấu, nhưng họ cũng biết rõ là sự nghiệp của họ đã vô vọng. Ba bề, bốn bên bị vây kín, Cornwallis cùng toàn thể đạo quân của ông phải đầu hàng vào ngày 19 tháng 10 năm 1781.

Theo chứng nhân tại chỗ, vào khoảng 12 giờ, liên quân (Mỹ và Pháp) sắp xếp hàng ngũ chỉnh tề để tiến thành hai hàng dài hơn một dặm. Quân Mỹ đi hàng bên phải, và quân Pháp đi hàng bên trái. Đi đầu hàng bên phải là vị chỉ huy quân đội Mỹ, bên cạnh có những vị phụ tá đi theo. Đi đầu hàng bên trái là Bá tước Rochambeau và bộ tham mưu của ông ta. Quân đội Pháp mặc đồng phục trông thật là uy nghi hùng dũng. Nhạc quân hành trỗi lên trong khi nhịp bước có tác dụng làm say mê nhất. Quân đội Mỹ dù không mặc đồng phục và quần áo cũng không được gọn gàng nhưng cũng biểu diễn được dáng điệu hào hùng của quân nhân, và mọi nét mặt đều sáng lên trong niềm hân hoan vui sướng.

Giữa hai đạo quân của đoàn quân chiến thắng, quân Anh tiến ra đầu hàng, dàn nhạc trỗi lên bản “Thế giới đảo lộn”. Chiến thắng tại Yorktown có nghĩa là chiến tranh chấm dứt.

Bạn có thể tưởng tượng được niềm hân hoan vui sướng của nhân dân các thuộc địa vào sau khi Cornwallis đầu hàng. Lửa mừng lên cao tới tận trời xanh, chuông nhà thờ rung vang inh ỏi và người người cầu nguyện trong lễ Tạ Ơn đã giành được độc lập.

- Nền độc lập của Hoa Kỳ được công nhận

Mặc dầu chiến tranh ở Mỹ châu đã chấm dứt vào năm 1781, nhưng mãi tới năm 1783, thỏa hiệp hòa bình mới được ký kết. Theo hòa ước này, Anh quốc nhìn nhận Hoa Kỳ là một quốc gia độc lập. Lãnh thổ của Tân quốc gia này chạy dài từ Canada tới Florida, và từ bờ biển Đại tây dương tới Mississippi. Tuy nhiên, sông Mississippi sẽ được mở rộng cho việc buôn bán của cả hai nước Anh và Hoa Kỳ. Ngư phủ Hoa Kỳ được phép đánh cá ở ngoài khơi Newfoundland và ở cửa sông Saint Laurence. Trong một thỏa hiệp riêng biệt khác, Anh quốc sẽ trao trả Florida cho Tây Ban Nha (xem bản đồ trang 189b để biết về Bắc Mỹ vào năm 1783).

Anh hoàng George III chua chát nói rằng xem hành động bất lương của người Mỹ thì đây “không phải là tội lỗi cuối cùng”, rằng người Mỹ đã từ bỏ đế quốc Anh. Về phần người Mỹ thì ý kiến Anh hoàng George không còn quan trọng đối với họ nữa. Họ đã giành được độc lập, tự do và đã thiết lập được quốc gia mới.

*

* *



CHƯƠNG X

TINH THẦN ĐỘC LẬP ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIA NÃ ĐẠI,

TRUNG VÀ NAM MỸ
“Tôi thề trước…linh hồn tổ tiên, thề với danh dự và quê hương rằng ngày nào mà chưa đập tan được xiềng xích áp bức, thì tôi nhất định không thể ngồi yên khoanh tay bình thản được”. Người nói những lời lẽ quan trọng này không phải là một dân thuộc địa Anh tự hứa để ủng hộ cách mạng Hoa Kỳ, mà là của một nhà ái quốc của thuộc địa Venezuela ở Nam Mỹ. Như các bạn đã biết, cuộc cách mạng của 13 thuộc địa ở Hoa Kỳ chỉ là một trong những tiếng súng làm rung chuyển và tách rời Tân thế giới ra khỏi Cựu thế giới. Hậu quả của những tiếng súng này là nhiều Tân quốc gia được thành lập tại Tây bán cầu. Năm 1825, các thuộc địa Tây Ban Nha phải dùng đến lưỡi kiếm đẫm máu để cắt đứt liên hệ với mẫu quốc. Ba Tây không còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha nữa, mà đã trở thành một quốc gia độc lập. Trong tất cả các quốc gia Âu châu thiết lập đế quốc ở Mỹ châu, chỉ có Anh quốc là còn giữ được một thuộc địa rộng lớn là Gia Nã Đại. Nhưng dù sao thì Gia Nã Đại cũng không tranh đấu đòi độc lập mà chỉ đòi cho được hưởng quyền tự trị.

Điều quan trọng đối với người Hoa Kỳ là nên biết một vài điều về các quốc gia láng giềng cùng ở Tây bán cầu này. Chương này sẽ bàn về những gì xảy ra ở Gia Nã Đại cũng như ở Trung và Nam Mỹ vào thời kỳ sau cuộc cách mạng Hoa Kỳ. Chương này cũng sẽ nói về việc Gia Nã Đại đã tiến hành cuộc cách mạng “hòa bình” như thế nào, và các thuộc địa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã giành được độc lập ra làm sao. Để có thể theo dõi những điểm quan trọng trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu những câu hỏi dưới đây:

1. Cuộc cách mạng Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến Gia Nã Đại như thế nào?

2. Gia Nã Đại đã giành được chính quyền tự trị qua cuộc cách mạng hòa bình như thế nào?

3. Các thuộc địa Tây Ban Nha đã giành được độc lập ra sao?

4. Ba Tây đã được độc lập như thế nào?

*

* *


PHẦN MỘT

CUỘC CÁCH MẠNG HOA KỲ ĐÃ ẢNH HƯỞNG ĐẾN

GIA NÃ ĐẠI NHƯ THẾ NÀO?
Trước khi chúng ta có thể hiểu được cuộc cách mạng Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến Gia Nã Đại như thế nào, chúng ta hãy nhớ lại vào năm 1763. Đây là năm Anh quốc đã đánh bại đối phương để chiếm được Tân Pháp.

- Chính phủ Anh cố gắng thâu phục lòng tin tưởng của dân chúng ở Tân Pháp

Dân chúng ở Tân Pháp vào năm 1763 nêu lên nhiều thắc mắc: “Bây giờ thì những gì đang và sẽ xảy ra cho chúng ta?” Nhà cầm quyền mới sẽ bắt chúng ta không được sử dụng ngôn ngữ của chúng ta nữa? Họ cũng không cho chúng ta được hành đạo theo tôn giáo của chúng ta nữa? Mặc dầu theo các điều khoản trong thỏa hiệp đầu hàng là dân chúng ở vùng Tân Pháp vẫn có quyền duy trì ngôn ngữ và tôn giáo của họ, nhưng có nhiều mối lo ngại cho rằng thỏa hiệp này sẽ không được thi hành. Dân thuộc địa Pháp tự hỏi “Liệu rằng đất đai trong làng xóm của chúng ta có bị cướp đoạt để phân phối cho người Anh không?”

Dân thuộc địa người Pháp cảm thấy thoải mái khi hay tin rằng chính phủ Anh không có ý định buộc người Pháp nói tiếng Anh và cũng không có ý định bắt buộc họ sống theo tập quán của người Anh. Như chúng ta đã biết, vào lúc này, các thuộc địa mới bắt đầu nói đến tự do, định nghĩa về các quyền lợi (căn bản). Anh quốc biết rằng nếu dân định cư người Pháp cho rằng tân chính quyền sai quấy thì họ sẽ sẵn sàng nghe theo những lời lẽ nguy hiểm của những dân thuộc địa Anh ở phía Nam. Cho nên Anh quốc vẫn tiếp tục duy trì hình thức chính quyền mà dân thuộc địa đã từng quen thuộc. Chính phủ Anh cũng hứa rằng dân thuộc địa người Pháp vẫn có quyền thờ phượng theo giáo hội Công giáo, và vẫn được duy trì đất đai của họ. Anh quốc hy vọng rằng bằng cách đối xử tử tế, Anh quốc sẽ chiếm được lòng tin và lòng trung thành của dân Gia Nã Đại gốc Pháp.



tải về 2.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương