* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Những người tài giỏi tham dự Hội nghị



tải về 2.16 Mb.
trang17/33
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.16 Mb.
#9902
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   33

- Những người tài giỏi tham dự Hội nghị

Tất cả có 55 vị tham dự Hội nghị Philadelphia. Họ là những người nổi tiếng trong tiểu bang của họ. Vào thời kỳ đó không có nhiều trường đại học, ấy thế mà đa số họ là những người đã từng học ở đại học. Phần lớn họ là những nhà lãnh đạo trong cuộc cách mạng (Hoa Kỳ) vừa qua. Và hầu hết là những người sống trong những làng thôn và những thị trấn lâu đời ở gần bờ biển.

Liếc nhìn quanh phòng họp, Washington nhận ra nhiều bộ mặt quen thuộc của các bạn bè và những người quen biết cũ. Một trong những người này là một người bạn cùng quê hương thuộc tiểu bang Virginia, trẻ hơn ông nhiều, nhưng lại là con người mà Washington tham vấn nhiều hơn cả. Đó là ông James Madison, mới 35 tuổi, dáng người mảnh khảnh và thấp. Madison nói năng chậm rãi và khiêm tốn nhưng toàn thể Hội nghị thường chú ý lắng tai nghe từng lời nói của ông, vì ông là người biết rất rõ ràng về tổ chức chính quyền. Ông đã từng đi nghiên cứu các chính quyền của nhiều nước. Ông cũng đã từng là nhân viên của chính phủ tiểu bang Virginia và của Hiệp Chủng Quốc trong suốt thời kỳ cách mạng cũng như thời kỳ hậu cách mạng. Chúng ta ngày nay biết được rất nhiều tin tức về các buổi họp của Hội nghị cũng là nhờ công ghi chép rất cẩn thận của Madison.

- Benjamin Franklin, khôn ngoan, hay bông đùa, là người lớn tuổi nhất trong Hội nghị, vì lúc đó ông đã 81 tuổi. Ông cũng là người đóng góp hữu ích vào Hội nghị. Ông đến Philadelphia để sinh sống vào một buổi sáng chủ nhật lạnh lẽo từ thuở ông mới 17 tuổi. Khi đó, ông là một cậu học nghề nghèo khó mà trước đó đã từ bỏ ông chủ dạy việc ở Boston. Lang thang đi trên đường, quần áo nhuộm đầy bụi, các túi nhét đầy những vớ và áo sơ mi lòi cả ra ngoài. Ông cũng đã từng lang thang ở các đường phố Philadelphia với hai tay cắp hai ổ bánh mì vừa đi vừa ăn

Biết bao điều đã xảy ra với ông từ ngày xa xưa mà ông bỏ chủ dạy nghề ra đi. Ông cố gắng làm nhiều nghề và đều thành công cả. Ta hãy kể ra đây một vài hoạt động của ông. Ông đã từng là văn sĩ, là một nhà xuất bản báo chí, và cũng từng là một nhà sáng chế. Ông cũng đã từng giữ chức vụ trong chính phủ Hiệp chủng quốc phục vụ tại quốc nội cũng như ở quốc ngoại. Năm 1787, ông là Tổng thống mà ngày nay chúng ta gọi là thống đốc tiểu bang Pennsylvania. Trong các buổi họp, ông đi lại chậm rãi, nói những lời khuyên hữu ích và xoa dịu các đại biểu khi họ không đồng ý với nhau về một vấn đề gì, và khuyến khích mọi người bằng những lời lẽ khôn ngoan hay đượm vẻ hài hước.



- Gouverneur Morris, sinh tại Nữu Ước, tham dự Hội nghị với tư cách là đại biểu của Pennsylvania. Thân hình què quặt (vì ông có một chân gỗ và một tay không thể sử dụng được), nhưng ông quả là một người có tâm hồn sắc bén và linh động. Ông là một văn sĩ nổi danh. Những câu văn của ông rất sáng sủa, gọn gàng và quyến rũ. Chính những lời lẽ văn chương của ông đã được sử dụng trong các tài liệu của Hội nghị nói về tân kế hoạch của chính quyền.

NHỮNG KẾ HOẠCH ĐỂ THIẾT LẬP TÂN CHÍNH PHỦ ĐƯỢC TIẾN HÀNH TỐT ĐẸP

Các vị đại biểu nhóm họp ở Philadelphia gồm những người khôn ngoan nhất của đất nước. Như chúng ta đã biết, lúc bấy giờ Hoa Kỳ cần hết tất cả những kinh nghiệm và khôn ngoan của các vị đại biểu để giải quyết biết bao nhiêu là vấn đề khó khăn đang chờ đợi họ.

- Hiến chương Liên bang bị bỏ rơi

Các tiểu bang được yêu cầu gửi đại diện đến họp ở Philadelphia chỉ có một mục đích duy nhất là sửa lại bản Hiến chương Liên bang. Khi các đại biểu phải đồng ý với nhau là phải đi một bước mạnh bạo thì buổi họp lại bắt đầu trở nên khó khăn. Họ quyết định bỏ rơi bản Hiến chương vì nó đã không làm cho nhiều người được hài lòng. Họ quyết định soạn thảo một kế hoạch mới cho chính quyền Trung ương. Kế hoạch này được viết ra trên giấy trắng mực đen được gọi là Hiến pháp. Và hội nghị này được gọi là Hội nghị Lập hiến.

Nhưng các vị đại biểu trong Hội nghị Lập hiến đặt vấn đề là “nếu chúng ta muốn có một chính quyền hoàn toàn mới thay vì cứ phải vá víu lại chính quyền cũ thì chúng ta phải soạn thảo một loại hiến pháp nào?” Gouverneur Morris đã giải đáp được vấn đề trên đây. Gouverneur Morris nói rằng Hội nghị Lập hiến phải thiết lập một chính phủ Trung ương đủ mạnh để tiến hành công việc cho hiệu quả, nhưng không quá mạnh đến nỗi đè bẹp cả chính quyền tiểu bang. Thiết lập một kế hoạch như vậy thật là không dễ dàng gì. Nếu các tiểu bang trao cho chính phủ Trung ương quá nhiều quyền thì chính quyền của các tiểu bang sẽ quá yếu. Mặt khác, nếu các tiểu bang không trao đủ quyền hành cho chính phủ Trung ương để tạo lập quốc gia Hoa Kỳ hùng mạnh thì chính quyền Trung ương cũng sẽ không hơn gì cái chính quyền Trung ương theo Hiến chương Liên bang.

- Virginia đề nghị một kế hoạch thiết lập một chính quyền Trung ương mạnh

Ngay khi Hội nghị vừa nhóm họp, một số đại biểu đệ trình lên Hội nghị một kế hoạch gọi là kế hoạch Virginia. Kế hoạch này được mang tên như vậy vì được các đại biểu của tiểu bang Virginia đề nghị và ủng hộ. Theo kế hoạch này thì chính quyền của Hiệp chủng quốc sẽ được chia ra làm 3 ngành:

1. Quốc hội có nhiệm vụ làm luật.

2. Một cơ quan riêng biệt khác mà người đứng đầu là Tổng thống có nhiệm vụ thi hành những luật do Quốc hội làm ra.

3. Tòa án Hoa Kỳ có nhiệm vụ nhận xét về sự công bằng theo luật pháp.

Theo kế hoạch Virginia thì Quốc hội được chia làm hai viện. Các vị đại biểu thuộc Đệ nhất viện sẽ do dân chúng trực tiếp tuyển chọn. Những tiểu bang ít dân cư như tiểu bang Delaware có thể chỉ có một đại biểu. Những tiểu bang đông dân cư như tiểu bang Virginia có tới mười hay hơn mười đại biểu. Những đại biểu thuộc Đệ nhị viện sẽ do Đệ nhất viện tuyển chọn vào.

Đây là một kế hoạch nhằm thiết lập chính quyền Trung ương dựa trên căn bản nhân dân. Kế hoạch này sẽ thiết lập chính phủ trung ương mạnh hơn nhiều, và làm cho các chính quyền tiểu bang yếu đi hơn.

- New Jersey đệ trình một kế hoạch nhằm thiết lập một chính quyền trung ương yếu hơn

Một số đại biểu trong Hội nghị chống lại kế hoạch Virginia. Có người cho rằng không có gì đảm bảo được rằng các cử tri sẽ tuyển chọn được những người có khả năng vào Quốc hội. Các chính phủ tiểu bang, chứ không phải dân chúng, sẽ tuyển chọn những người có khả năng vào Quốc hội. Nhiều người khác lại cho rằng kế hoạch Virginia sẽ làm cho các tiểu bang mất quá nhiều quyền. Như vậy, chính quyền các tiểu bang sẽ quá yếu, và chính quyền trung ương sẽ quá mạnh (có quá nhiều quyền). Đại biểu của các tiểu bang nhỏ còn chống đối thêm nữa “Các tiểu bang lớn, đông dân cư sẽ có quá nhiều đại biểu trong Quốc hội, và như vậy thì tiếng nói của các tiểu bang nhỏ sẽ rất ít có ảnh hưởng trong việc thông qua các dự luật”. Một đại biểu của tiểu bang nhỏ là New Jersey đệ trình lên Hội nghị một kế hoạch khác. Theo “kế hoạch New Jersey” thì mỗi tiểu bang bất kể lớn hay nhỏ sẽ có một số đại biểu bằng nhau tại Quốc hội. Kế hoạch này sẽ đảm bảo được chính quyền của các tiểu bang vẫn còn mạnh, và các tiểu bang nhỏ sẽ có cùng một số phiếu với các tiểu bang lớn. Tuy nhiên, một số đại biểu tại Hội nghị đã chống lại kế hoạch New Jersey vì:

1. Các đại biểu sẽ do chính quyền tiểu bang chứ không phải do dân chúng tuyển chọn.

2. Đối với dân chúng trong các tiểu bang lớn thì việc cử đại biểu như vậy không được công bằng. Nói một cách khác, tại Quốc hội, các tiểu bang lớn sẽ không có nhiều phiếu hơn các tiểu bang nhỏ.

HIẾN PHÁP ĐƯỢC SOẠN THẢO

- Cuối cùng Hội nghị đã đạt được một thỏa hiệp

Hội nghị bàn cãi các kế hoạch trên đây rất cẩn thận trong nhiều ngày. Đương nhiên là các tiểu bang lớn muốn chấp thuận kế hoạch Virginia. Trái lại, các tiểu bang nhỏ lại thích kế hoạch New Jersey. Đây là mối bất đồng quan điểm lớn nhất mà Hội nghị phải bàn luận nhiều. Hội nghị chỉ có thể thành công được là khi nào đạt được một thỏa hiệp theo đó thì các đại biểu muốn theo kế hoạch Virginia và các đại biểu muốn theo kế hoạch New Jersey đều có thể chấp nhận được. Chỉ có thể đi đến một thỏa hiệp như vậy là khi nào cả hai bên cùng phải nhượng bộ một chút. Như vậy gọi là sự tương nhượng hay thỏa hiệp (compromise). Các đại biểu trong Hội nghị quyết định phải tiến tới một thỏa hiệp như vậy. Một đại biểu nói với Hội nghị rằng ông thà “chôn xương” ở Philadelphia còn hơn là đi về mà không kiến tạo được một cộng đồng quốc gia vững mạnh.

Cuối cùng, mỗi bên đều nhượng bộ một chút và nhờ vậy Hội nghị đã đạt được một thỏa hiệp. Hội nghị đều tán đồng rằng “Quốc hội sẽ có hai viện: Hạ viện và Thượng viện. Tại Hạ viện, con số đại biểu của mỗi tiểu bang sẽ tùy thuộc vào dân số sinh sống trong tiểu bang. Dĩ nhiên là các tiểu bang lớn đông dân cư sẽ có nhiều đại biểu hơn các tiểu bang nhỏ. Tuy nhiên, ở Thượng viện, các tiểu bang dù lớn hay nhỏ cũng đều có một số phiếu bằng nhau. Mỗi tiểu bang sẽ có hai thượng nghị sĩ, như vậy sẽ có hai phiếu. Việc có đại biểu ngang nhau ở Thượng viện sẽ bảo đảm được quyền lợi của các tiểu bang nhỏ, vì mỗi dự luật đều phải được cả hai viện chấp thuận để thông qua. Việc dàn xếp này có nghĩa là việc dàn xếp để cho có số đại diện của cả nhân dân trong các tiểu bang nhỏ cũng như trong các tiểu bang lớn đều được đại diện một cách hợp lý.

Khi các đại biểu tán đồng đại thỏa hiệp này, thì các tiểu bang nhỏ và các tiểu bang lớn đều sẵn sàng cộng tác để hoàn tất việc soạn thảo Hiến pháp.



- Trong Hiến pháp còn có nhiều thỏa hiệp khác

Trong suốt cả mùa hè dài năm đó, các đại biểu trong Hội nghị cặm cụi soạn thảo kế hoạch cho chính quyền. Mỗi khi có những vấn đề khó khăn thì đều được giải quyết bằng những thỏa hiệp. Dưới đây là một vài trường hợp:

1. Như chúng ta đã biết rằng số đại biểu của mỗi tiểu bang tại Hạ viện sẽ tùy thuộc con số dân cư sinh sống trong tiểu bang. Nhưng ở các tiểu bang miền Nam có nhiều dân nô lệ da đen hơn ở các tiểu bang miền Bắc. Như vậy thì những người nô lệ này sẽ được tính như thế nào? Nếu mỗi một người nô lệ được tính như là một cử tri riêng biệt thì tại Hạ viện số phiếu của miền Nam sẽ tăng lên rất nhiều. Hội nghị đã đồng ý trong một thỏa hiệp khác rằng là cứ 5 người nô lệ thì được kể như là 3 cử tri thay vì 5 cử tri.

2. Các đại biểu không đồng ý với nhau về một vấn đề quan trọng khác: Quốc hội có nên có quyền kiểm soát việc ngoại thương không? Các tiểu bang miền Bắc có nhiều người sinh sống bằng nghề thủy vận muốn rằng Quốc hội, chứ không phải các tiểu bang, điều hành việc ngoại thương. Nhưng các tiểu bang miền Nam là những tiểu bang mua nhiều hàng hóa ở Âu châu lại sợ rằng Quốc hội sẽ đánh thuế vào các hàng hóa này, và như vậy họ sẽ mua hàng hóa với giá cao hơn. Miền Nam cũng sợ rằng Quốc hội ngăn chặn việc buôn bán nô lệ cho nên các đại biểu tại Hội nghị lại phải đi đến một thỏa hiệp khác. Quốc hội được quyền điều hành việc ngoại thương và việc buôn bán giữa các tiểu bang, nhưng không có quyền ngăn chặn việc buôn bán nô lệ trong một thời gian là 20 năm nữa.

3. Vẫn còn có một vấn đề khó khăn trầm trọng khác nữa: Phải bầu cử Tổng thống như thế nào? Hiến pháp trao cho Tổng thống một nhiệm vụ rất quan trọng. Nếu Quốc hội tuyển chọn Tổng thống, thì rất có thể Tổng thống sẽ e ngại không dám làm những gì mà Quốc hội không thích vì sợ rằng Quốc hội sẽ không tái tuyển ông nữa. Mặt khác, tại Hội nghị có nhiều đại biểu không tin vào khả năng sáng suốt của dân chúng để tuyển chọn Tổng thống. Cho nên Hội nghị đã đi đến một thỏa hiệp khác nữa. Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ được chọn bởi một nhóm người gọi là đại biểu cử tri hay cử tri đoàn. Mỗi tiểu bang sẽ chọn một số đại biểu cử tri bằng với số thượng nghị sĩ và số dân dân biểu của tiểu bang đó. Nếu không có ứng cử viên Tổng thống nào được hơn nửa số cử tri đoàn đại diện bầu cho thì Hạ viện sẽ quyết định chọn một trong những ứng cử viên được nhiều phiếu hơn làm Tổng thống.

Hiến pháp cũng còn chứa đựng nhiều thỏa hiệp khác nữa. Vì rằng các đại biểu trong Hội nghị đã quyết định kiến tạo một cộng đồng quốc gia tốt đẹp hơn và vững mạnh hơn cộng đồng Liên minh (trong thời chiến tranh cách mạng). Cho nên Hội nghị phải bàn luận từng vấn đề cho đến khi các đại biểu đều cảm thấy đã được giải quyết. Mỗi khi thảo luận đến phần sôi nổi, gay cấn thì Franklin lại kể một câu chuyện vui. Ông kể câu chuyện về một cô gái Pháp trong cuộc tranh luận với cô chị, nói rằng “Tôi không biết sẽ ra sao chị ơi! Chứ tôi không thấy ai cả, chỉ thấy có mình tôi là luôn luôn phải thôi”. Mỗi lần nghe qua câu chuyện hài hước vui vẻ, các đại biểu lại trở lại làm việc.



- Hội nghị hoàn thành sứ mạng

Cuối cùng, Hiến pháp được soạn thảo xong và các đại biểu chuẩn bị ra về. Dù rằng không có ai hoàn toàn hài lòng, nhưng tất cả các đại biểu đều tin rằng họ đã làm hết sức mình để hoàn thành được bản Hiến pháp hoàn hảo hơn hết. Tân chính phủ trung ương sẽ mạnh hơn chính phủ trung ương cũ, bởi vì chính phủ trung ương mới này sẽ được trao cho nhiều quyền hành mà chính phủ trung ương thời Liên minh không có. Đó là quyền đóng thuế, và quyền điều hành việc thương mại giữa các tiểu bang. Đồng thời, các tiểu bang vẫn còn có đủ quyền hành để kiểm soát các công việc địa phương của mình. Nhưng liệu rằng tân chính phủ trung ương có đủ mạnh để đạt được thành công hay không? Hay là tân chính phủ trung ương sẽ quá mạnh? Chỉ có thời gian mới biết được.

Trước khi tan họp ra về, Franklin đứng lên chỉ vào cái hình bán nhật (nửa mặt trời) ở trên ghế ngồi của Washington mà nói rằng “Tôi thường, và rất thường có mặt trong Hội nghị này, nhìn vào cái hình bán nhật kia mà không thể nào nói được đó là mặt trời mọc hay mặt trời lặn. Nhưng bây giờ và sau hết, tôi sung sướng biết rằng đó là mặt trời mọc chứ không phải là mặt trời lặn. Hoàn thành xong công trình (Hiến pháp), ngày 17 tháng 9 năm 1787, các đại biểu chào tạm biệt lẫn nhau và từ biệt Philadelphia ra về.

LIỆU RẰNG HIẾN PHÁP CÓ ĐƯỢC CHẤP THUẬN KHÔNG?



- Hãy để cho dân chúng chọn lựa

Các đại biểu trong Hội nghị Lập hiến đã làm việc trong những ngày tháng dài cực nhọc để viết lên những gì mà họ tin tưởng là một kế hoạch tốt đẹp cho chính phủ. Nhưng chỉ có một cách để biết rõ đồng bào sẽ nghĩ như thế nào về bản Hiến pháp là phải gửi bản Hiến pháp này cho các tiểu bang để phê chuẩn. Ở mỗi tiểu bang, dân chúng sẽ tuyển chọn các đại biểu để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận hình thức mới của chính quyền. Trong khi đó, thì khắp trong nước, tại các gia đình, các quán rượu cũng như ở ngoài đường phố, Hiến pháp là đề tài chính của câu chuyện. Một số người Hoa Kỳ nhiệt liệt ủng hộ tân chính phủ, nhưng cũng có nhiều người khác chống đối.



- Một số người Hoa Kỳ lo ngại Hiến pháp tạo nên chính phủ trung ương mạnh

Những người Hoa Kỳ chống đối Hiến pháp sợ rằng Hiến pháp sẽ tạo nên một chính phủ trung ương quá mạnh. Họ không thể nào quên được rằng chỉ có một vài năm trước đó, họ đã phải chiến đấu trong một cuộc chiến trường kỳ chống lại sự độc tài chuyên chế của một chính quyền trung ương mạnh ở Anh quốc để bảo vệ những quyền tự do quý báu của họ. Bây giờ họ lại thấy rằng Hiến pháp lại tạo nên một chính phủ trung ương mạnh, có quyền đánh thuế dân chúng, có quyền làm luật, và có quyền bắt dân chúng phải tuân theo luật pháp. Những người không thích bản Hiến pháp tự hỏi có cái gì đó ngăn chặn không cho chính phủ trung ương mạnh cướp đoạt mất quyền tự do của họ như chính phủ Anh đã từng tước đoạt quyền tự do của họ trước cuộc cách mạng.



- Jefferson đề nghị bản Dân quyền

Nhưng mối lo sợ này đã được Thomas Jefferson, người viết bản tuyên ngôn độc lập, diễn tả một cách rõ ràng. Jefferson đã không tham dự Hội nghị Lập hiến bởi vì lúc đó ông là đại diện Hoa Kỳ tại Pháp quốc. Khi ông nhận được bản Hiến pháp, ông thấy có rất nhiều điểm thích hợp với ông, nhưng ông cũng nhận thấy trong đó có nhiều nhược điểm lớn lao. Ông viết cho James Madison:

“Tôi thích cái tổ chức chính quyền chia thành ba ngành hành pháp, tư pháp, và lập pháp. Tôi thích Quốc hội được trao quyền đánh thuế, và ...tôi đồng ý là hạ viện phải do dân chúng trực tiếp tuyển chọn...Tôi sẽ nói điều gì tôi không thích. Trước hết không có bản dân quyền nói về...tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, dân chúng được bảo đảm chống lại đạo quân thường trực....và tất cả mọi vấn đề nếu bị xử thì phải được xử bởi một bồi thẩm đoàn bằng luật lệ của đất nước... Để tôi thêm vào bản dân quyền là điều mà nhân dân được trao quyền chống lại bất kỳ chính phủ nào trên địa cầu này....”

- Những người bạn của Hiến pháp mở chiến dịch cổ võ cho việc phê chuẩn Hiến pháp

Để trả lời về sự chống đối như những lời lẽ chống đối của ông Jefferson chẳng hạn, những người bạn của Hiến pháp nói rằng những quyền tự do của dân chúng được hoàn toàn bảo đảm. Họ cho biết rằng Hiến pháp cũng dự liệu rằng không có dự luật nào được thông qua mà lại không có sự đồng ý của đại diện dân ở trong Quốc hội. Họ cũng giảng giải rằng theo những phương cách hiện hành thì cộng đồng quốc gia mới này sẽ tốt đẹp hơn cộng đồng Liên minh trước kia.

Để thuyết phục dân chúng, những người ủng hộ Hiến pháp đi thuyết trình tại các cuộc họp ở khắp nơi trong các tiểu bang. Họ viết bài đăng trong các báo chí và truyền đơn để giảng giải về cộng đồng mới. Những bài báo nổi tiếng nhất là loạt bài mệnh danh là “Những người liên bang” do các ông Madison, Alexander Hamilton và John Jay viết. Những bài báo này cho ta thấy những lời lẽ giải thích rõ ràng về Hiến pháp và được giải thích bằng những lý luận sắc bén bênh vực cho Hiến pháp.

- Hiến pháp được chấp nhận

Dần dần những người ủng hộ Hiến pháp có thêm nhiều người ủng hộ. Trước hết, tiểu bang Delaware chấp nhận Hiến pháp, rồi đến Pennsylvania, và kế đến là New Jersey, Georgia, Connecticut, Massachusetts, Maryland, South Carolina và New Hamsphire. Như vậy là có tất cả chín tiểu bang chấp nhận Hiến pháp. Hội nghị lập hiến đã đồng ý rằng nếu có chín tiểu bang chấp nhận thì phải tổ chức tân chính phủ trung ương dựa theo Hiến pháp.

Tuy nhiên, một vài tiểu bang trên đây phải ủng hộ Hiến pháp chỉ hơn phái không ủng hộ một số ít phiếu thôi. Những người ủng hộ Hiến pháp đã phải hứa rằng họ sẽ thêm vào bản Dân quyền để bảo vệ các quyền tự do của dân chúng. Hai tiểu bang quan trọng vẫn chưa chịu chấp nhận Hiến pháp. Tại Virginia, ông Patrick Henry, xướng ngôn viên hăng say nhiệt thành của thời cách mạng, lại hoạt động chống lại việc chấp nhận bản Hiến pháp. Ông rất e ngại về việc trao cho chính phủ trung ương nhiều quyền hành. Thật vậy, nếu không có Virginia, tân chính phủ trung ương mất đi sự ủng hộ của một tiểu bang rộng lớn và đông dân cư nhất. Và nếu không có New York, tân chính quyền trung ương sẽ bị tách rời ra làm hai phần riêng biệt.

Sau cùng, đại diện nhân dân ở Virginia chấp nhận Hiến pháp bằng một đa số phiếu tỷ lệ 89/97. Tại New York, phe ủng hộ chấp nhận Hiến pháp cũng chỉ hơn phe chống chấp nhận có 3 phiếu (Còn lại hai tiểu bang North Carolina và Rhodes Island mãi tới gần hai năm sau, khi các tiểu bang khác đồng ý thiết lập tân chính phủ trung ương, mới chịu chấp nhận bản Hiến pháp).

Hội nghị đã thu xếp để tân chính phủ trung ương sẽ khởi sự vào mùa xuân năm 1789. Các tiểu bang đều được yêu cầu tổ chức các cuộc bầu cử để tuyển chọn tân Tổng thống và dân biểu quốc hội. Cuối cùng, tân cộng đồng quốc gia hùng mạnh hơn bước vào thời kỳ thử thách.

*

* *



Không có người Hoa Kỳ nào đọc lịch sử Hiến pháp Hoa Kỳ mà lại không nhận thức được rằng nhân dân Hoa Kỳ đã mang ơn những vị tiền bối đã có công soạn thảo bản Hiến pháp này. Những vị tiền bối này thường được gọi là “Những vị cha già sáng lập quốc”, bởi vì do việc soạn thảo bản Hiến pháp Hoa Kỳ, các vị tiền bối trên đây đã kiến tạo được nền tảng của đất nước. Tài liệu đặc biệt này, không những tạo cho nhân dân Hoa Kỳ có được một chính phủ trung ương ổn định và vững mạnh, mà còn bảo vệ được các quyền tự do vô cùng quý báu của người dân chúng.

*

* *



CHƯƠNG XII

TÂN CHÍNH PHỦ TRUNG ƯƠNG KHỞI SỰ HOẠT ĐỘNG VÀ THÀNH CÔNG
Trưa ngày thứ năm 30 tháng 4 năm 1789, đám đông dân chúng tụ tập ở đường Wall Street trong thành phố Nữu Ước. George Washington bước lên hành lang Tòa nhà Liên bang. Ông mặc bộ đồ màu xám, quần ống túm, vớ lụa trắng và đi giày có khóa bạc, với thanh kiếm đeo bên hông. Đầu chải bóng và tóc dài đến gáy.

Khi nhìn thấy dáng người cao với vẻ mặt nghiêm trang ở hành lang, dân chúng ở dưới vỗ tay hoan hô chào mừng vang cả góc trời. George Washington đặt tay trên cuốn Thánh kinh to lớn và nói một cách chậm rãi những lời lẽ dưới đây: “Tôi long trọng thề rằng tôi sẽ thi hành một cách tận tình trung thành nhiệm vụ Tổng thống của Hiệp Chủng Quốc, và sẽ làm hết khả năng của tôi để duy trì, che chở và bảo vệ Hiến pháp Hiệp Chủng Quốc”. Ngay khi ông vừa dứt lời, dân chúng tung hô vang động những khẩu hiệu “Xin Thượng đế ban phước lành cho Washington chúng tôi”, “Tổng thống yêu quý của chúng tôi muôn năm”. Washington quay lại đi vào bên trong để nói với các vị dân biểu trong tân Quốc hội.

Như vậy, theo tân Hiến pháp, Hoa Kỳ đã khởi đầu việc tự trị. Hiến chương liên bang đã được thí nghiệm và đã không được như ý muốn. Bây giờ thì tân Hiến pháp đang trải qua thời kỳ thử thách. Chúng ta, những người dân Hoa Kỳ ngày nay thấy rõ ràng hiến pháp mạnh và trường cửu. Nhưng dân chúng vào năm 1789 đã không biết Hiến pháp sẽ tiến hành tốt đẹp như thế nào? Liệu rằng theo Hiến pháp, tân chính phủ có tốt đẹp hơn cái chính phủ liên minh trước kia hay không? Liệu rằng Hiến pháp sẽ được trường tồn lâu dài hay không? Ở khắp mọi nơi, những nhà trí giả Hoa Kỳ suy nghĩ không biết tương lai của tân chính phủ trung ương sẽ ra sao?

Trong chương này chúng ta sẽ tìm hiểu về tân chính phủ trung ương theo Hiến pháp mới. Chúng ta sẽ tìm hiểu những vấn đề dưới đây:

1. Hiến pháp đã quy định hình thức chính phủ nào

2. Tân chính phủ trung ương giải quyết những vấn đề quan trọng ra sao?

3. Các chính đảng đã khởi sự như thế nào?

*

* *


PHẦN MỘT

HIẾN PHÁP QUY ĐỊNH HÌNH THỨC CHÍNH PHỦ NÀO?
“Chúng tôi, nhân dân Hiệp chủng quốc, muốn kiến tạo một cộng đồng quốc gia hoàn hảo hơn, thiết lập công lý, chuẩn bị cho công cuộc phòng thủ chung, thăng tiến xã hội, bảo đảm an ninh trong nước cũng như bảo đảm các quyền tự do cho chính chúng tôi và cho hậu thế, nên quyết định ban hành bản Hiến pháp này cho quốc gia Hoa Kỳ...”

Những lời lẽ nổi tiếng này mà mọi người dân Hoa Kỳ đều biết đã trở thành phần dẫn nhập của bản Hiến pháp Hoa Kỳ. “Chúng tôi, những người dân...thiết lập Hiến pháp này ....” Con đường dài nào mà nhân dân Hoa Kỳ đã đi theo để tiến đến con đường tự trị! Vào thời kỳ mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chấp nhận chế độ quân chủ thì các tác giả của bản Hiến pháp đã thiết lập một chính quyền dựa trên quyền tự do của dân chúng để điều hành việc nước. Vào thời đại mà các quốc gia khác đều nhân danh nhà vua để ban hành luật pháp thì nhân dân Hoa Kỳ đã chấp nhận việc nhân danh dân chúng để ban hành bản Hiến pháp là luật lệ tối thượng của họ.



- Chính phủ trung ương có những quyền hành quan trọng

Những người kiến tạo tân chính phủ hy vọng rằng tân chính phủ sẽ mang lại được một cộng đồng quốc gia hoàn hảo hơn và bảo đảm được an ninh trong nước. Trong chương XI, chúng ta đã biết rằng chính phủ liên minh đã chẳng thực hiện được ước vọng nào trên đây, bởi vì đó là một chính phủ yếu. Giờ đây các tác giả bản Hiến pháp đã trao cho tân chính phủ trung ương những quyền hành quan trọng mà chính phủ liên minh trước kia không có.



- Các tiểu bang được giữ lại một số quyền hành

Nếu Hiến pháp đã thiết lập chính phủ trung ương mạnh thì các tiểu bang còn được giữ lại những quyền hành nào? Các vị đại biểu trong Hội nghị Lập hiến đã thận trọng phân chia những quyền hành này để cho chính quyền trung ương Hiệp chủng quốc không thể nuốt trôi được các tiểu bang. Các vị đại biểu đã trao cho chính quyền trung ương quyền điều hành tất cả các vấn đề liên quan đến toàn thể quốc gia hay tất cả các tiểu bang. Mặt khác, các tiểu bang còn giữ được quyền điều hành tất cả các công việc không có ảnh hưởng đến các tiểu bang khác. Thực sự, Hiến pháp để lại cho các tiểu bang tất cả các quyền hành nào không được ghi rõ rằng đã trao cho chính phủ trung ương.

Chúng ta hãy xem sự phân chia các quyền hành tiến hành như thế nào. Vì chiến tranh có liên hệ đến các tiểu bang cho nên chính phủ liên bang được trao cho quyền tuyên chiến. Điều này đã ghi rõ trong Hiến pháp. Nhưng mỗi tiểu bang lại có quyền thiết lập những luật lệ riêng áp dụng trong tiểu bang để trừng trị các tội phạm như tội sát nhân hay tội trộm. Vì luật lệ này chỉ ảnh hưởng đến dân chúng trong tiểu bang nơi xảy ra các tội trạng thôi. Các bạn sẽ thấy rằng Hiến pháp không đề cập đến những quyền này của tiểu bang. Tuy nhiên, những quyền này thuộc quyền các tiểu bang vì nó đã không được ghi rõ ràng rằng những quyền này được trao cho chính quyền liên bang.



tải về 2.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương