* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


PHẦN NĂM NHỮNG GÌ ĐÃ XẢY RA Ở MIỀN NAM SAU CHIẾN TRANH?



tải về 2.16 Mb.
trang33/33
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.16 Mb.
#9902
1   ...   25   26   27   28   29   30   31   32   33

PHẦN NĂM

NHỮNG GÌ ĐÃ XẢY RA Ở MIỀN NAM SAU CHIẾN TRANH?

MIỀN NAM ĐƯƠNG ĐẦU VỚI THỜI KỲ KHÓ KHĂN



- Dấu vết tàn phá của chiến tranh ở miền Nam

Bây giờ là lúc chập tối ở trong một đồn điền tại Virginia vào cuối năm 1865. Mấy năm trước chiến tranh, giờ này ở đây là một nơi vui nhộn, thanh lịch, sống động. Trong ánh đèn lấp lánh, các ông bà thanh lịch mang sang trọng ngồi bên những chiếc bàn đầy những thực phẩm ngon lành, lại có những nô lệ da đen phục dịch. Nhưng đêm hôm nay, một bầu không khí mờ nhạt bao trùm trong gia đình này. thay vì có những gia nô cầm đèn cầy bằng bạc, có đồ chén đũa đắt tiền và các món ăn ngon lành như thời kỳ trước chiến tranh, thì lại chỉ có một vài món ăn tầm thường để trên bàn. Chỉ có một người gia nhân với đôi vai xuôi xuống và mái tóc đã bạc muối tiêu lại càng làm cho hắn già hơn tuổi, đi đi lại lại trong phòng. Tại bàn ăn, còn lại những chiếc ghế trống, không có người ngồi, là những gì gợi cho biết rằng những người con của gia đình này đã bỏ mình cho cuộc chiến vừa qua. Ông bà chủ đồn điền thì giờ đây cũng ăn bữa cơm đạm bạc với người bạn lối xóm. Trên mặt họ còn lại những vết nhăn ưu tư, và quần áo của họ thì xác xơ tơi tả. Họ nói chuyện trong niềm đau đớn thất vọng. Nào là bị mất hết nô lệ, đồng ruộng bị tàn phá, nào là nông súc và nông cụ bị thiêu hủy. Họ đặt ra câu hỏi: “Chúng ta sẽ như thế nào? Làm thế nào để chúng ta tái thiết miền Nam yêu dấu của chúng ta?”



- Những vấn đề phải giải quyết

Khắp trong miền Nam, thanh niên, phụ nữ đều đặt ra cùng một câu hỏi là phải giải quyết bao nhiêu vấn đề:

1. Người miền Nam hiểu rằng dầu sao thì họ cũng phải tái thiết miền Nam, sửa chữa những gì đã bị chiến tranh tàn phá, và phải trở lại cuộc sống của thời bình.

2. Một trong những vấn đề quan trọng là phải giải quyết vấn đề quan hệ liên lạc giữa các tiểu bang ly khai với chính quyền trung ương. Họ sẽ phải làm thế nào để lại trở về với Cộng đồng Quốc gia. Liệu rằng các tiểu bang này có được đối xử một cách rộng lượng hay là lại bị trừng phạt như là kẻ thù bị bại trận.

3. Vấn đề khác nữa là phải thiết lập các chính quyền tiểu bang. Những người trước kia đã chiến đấu chống lại miền Bắc có được phép đi bầu không? Và họ có được phép làm việc tại các công sở không? Nếu không, thì ai sẽ là những người điều khiển và làm việc trong các chính quyền tiểu bang.

4. Vấn đề trầm trọng khác nữa là vấn đề giải phóng nô lệ. Tự do quả là một điều mới lạ đối với họ (nô lệ). Họ vốn quen với lối sống được ông chủ phát lương thực và quần áo cho họ. Bây giờ họ được tự do. Nhiều người không nhà, không cửa, và cũng không có tiền dính túi, đi lang thang trong các đồng quê. Ai sẽ săn sóc họ? Trong thời kỳ còn chiến tranh, chính quyền miền Bắc đã cho thiết lập “Văn phòng trông coi những người được giải phóng”. Nhưng cơ quan này đã không được chuẩn bị để trông coi một số lớn người da đen không biết làm gì vào khi chiến tranh chấm dứt, và họ sẽ được giải phóng.

QUỐC HỘI CHỐNG LẠI TỔNG THỐNG JOHNSON VÀ ĐẢM TRÁCH CÔNG CUỘC TÁI THIẾT MIỀN NAM

- Kế hoạch của Tổng thống Johnson bị bác bỏ

Dân chúng miền Nam thấy rằng mối lo sợ của họ đã trở thành sự thật vào khi Quốc hội nhóm họp vào tháng chạp năm 1865. Sau khi Tổng thống Lincoln chết đi thì trách vụ nặng nề khó khăn được trao cho ông Andrew Johnson, nguyên là Phó Tổng thống. Tổng thống Johnson khởi sự thi hành kế hoạch hào hiệp tái thiết miền Nam của Tổng thống Lincoln để lại. Nhưng Quốc hội lại chặn đứng kế hoạch này. Nhiều dân biểu quốc hội thuộc đảng Cộng hòa vẫn còn căm giận miền Nam. Họ cho rằng cần phải trừng phạt dân miền Nam về tội nổi loạn chống lại quốc gia. Họ muốn rằng những người da đen vừa được giải phóng sẽ không còn bị tước đoạt mất các quyền tự do. Làm như vậy là họ hy vọng những người da đen sẽ là những người bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa. Sự bất đồng chính kiến giữa Tổng thống Johnson và Quốc hội đưa đến sự tranh chấp dữ dội. Cuối cùng Quốc hội tự ý tiến hành kế hoạch riêng của Quốc hội để tái thiết miền Nam.



- Quốc hội thông qua tu chính án thứ 14

Năm 1866, Quốc hội chấp thuận tu chính án số 14, theo đó thì khi có đủ túc số tiểu bang chấp thuận thì tu chính án này sẽ thành một phần của Hiến pháp. Tu chính án này xác nhận quyền công dân của người da đen bằng những lời tuyên bố: “Mọi người sinh ra hay được nhập tịch là công dân Hoa Kỳ…đều là công dân Hoa Kỳ. Đồng thời tu chính án này cũng quy định rằng các viên chức của các chính quyền trước kia đã đứng về phía chính quyền Liên minh chống lại chính quyền Quốc gia thì sẽ không được quyền làm việc tại các công sở cho tới khi nào được Quốc hội miễn xá. Mục đích của tu chính án này là không cho các nhà lãnh đạo của Liên minh cũ được tham dự vào chính quyền, và cũng là để bảo vệ quyền lợi của những người da đen vừa mới được giải phóng.



- Quốc hội thông qua đạo luật tái thiết

Vì chỉ có một tiểu bang trong các tiểu bang Liên minh- Tennessee – chấp thuận tu chính án thứ 14, cho nên Quốc hội quyết định dùng biện pháp mạnh, bằng cách cho thông qua đạo luật tái thiết 1867. theo đạo luật này thì chính quyền của 10 tiểu bang không chấp nhận tu chính án thứ 14 bị dẹp bỏ, và các tiểu bang này sẽ bị chia ra thành những khu quân sự, mỗi khu được đặt dưới quyền cai trị của một chính quyền quân sự. Trong khi chờ đợi thành lập chính quyền thân hữu với Quốc hội, quân đội Liên bang sẽ đảm nhiệm công việc duy trì trật tự. Quốc hội cũng quyết định rằng những người da trắng ở miền Nam trước kia đã chiến đấu chống lại đất nước sẽ không được đi bầu. Tuy nhiên, dân da đen sẽ được bảo đảm quyền đi bầu và quyền được làm việc tại các cơ quan công quyền. Chỉ khi nào các tiểu bang đã ly khai trước kia thỏa mãn những điều kiện dưới đây thì mới được thâu nhận lại vào Cộng đồng Quốc gia. Những điều kiện đó là:

1. Hiến pháp mới của các tiểu bang này phải được Quốc hội chấp thuận.

2. Chính quyền mới của các tiểu bang này phải chấp thuận tu chính án thứ 14.



- Ban hành tu chính án thứ 15

Đồng thời, Quốc hội cũng cho thông qua tu chính án thứ 15 với mục đích là bảo vệ dân da đen được hữu hiệu hơn. Tu chính án thứ 15 định rằng không có công dân nào lại không được đi bầu chỉ vì khác biệt chủng tộc, khác biệt màu da hay vì đã một lần họ đã là nô lệ.



- Những người phiêu lưu ích kỷ nắm quyền kiểm soát chính quyền các tiểu bang

Nhờ đạo luật tái thiết này mà nhiều người chỉ mới mấy năm trước kia còn là nô lệ mà bây giờ đã có thể đi bầu và làm việc tại các cơ quan công quyền. Trong đám người này có những người không biết đọc, biết viết, và cũng không thể hiểu được các công việc làm của chính quyền. Họ dễ dàng trở thành nạn nhân của bọn người da trắng ích kỷ muốn nắm quyền kiểm soát chính quyền mới ở các tiểu bang miền Nam. Những người da trắng này được người miền Nam gọi là carpetbaggers và scalawags. Những người carpetbaggers là những người ở miền Bắc muốn thi hành những kế hoạch tái thiết của Quốc hội. Nhiều người thấy rằng đây là cơ hội cho họ lợi dụng miền Nam để làm giàu một cách mau chóng. Vì rằng họ hăm hở đi xuống miền Nam và chỉ vội vã gói ghém được ít hành lý trong một cái bị gọi là “carpetbag” cho nên người ta gọi họ là carpetbaggers. Mặt khác scalawags (có nghĩa là tên vô lại) là những người da trắng ở miền Nam đã chủ trương chống lại việc ly khai, hay là những người cho rằng kế hoạch tốt nhất là cộng tác với miền Bắc. Nhiều người carpetbaggers và scalawags thích làm giàu và nắm quyền hành trong tay hơn là muốn tái thiết cho miền Nam.



- Chính quyền carpetbag thực hiện công cuộc tái thiết

Những người carpetbaggers và scalawags đã nắm được quyền điều hành các chính quyền của các tiểu bang như thế nào? họ kết hợp với những người da đen để thành lập đảng Cộng hòa ở miền Nam bằng cách hứa hẹn tiền bạc hoặc quyền hành để cho người da đen bầu họ vào các cơ quan công quyền ở các tiểu bang. Dân da đen, những người scalawags và những người carpetbaggers nắm quyền kiểm soát các cơ quan lập pháp ở các tiểu bang. Chính các chính quyền carpetbaggers thi hành các thi hành các điều khoản của các đạo luật tái thiết. Vào khoảng năm 1870, một lần nữa, hầu hết các tiểu bang miền Nam đã ly khai lại được thâu nhận vào Cộng đồng Quốc gia.

Dưới quyền thao túng của những người carpetbaggers và scalawags, cơ quan lập pháp của các tiểu bang bỏ phiếu chấp thuận những ngân khoản khổng lồ để xây công ốc, trường học, đường xá và các đường xe lửa. Miền Nam đã bị chiến tranh tàn phá nên rất cần phải thiết lập các công trình kiến thiết trên đây, nhưng họ đã tiêu tiền phí tổn một cách điên rồ. Chẳng hạn như việc xây tòa nhà lập pháp cho tiểu bang South Carolina, người ta đã cho dùng những tấm kính nhập cảng từ Pháp với giá 650 Mỹ kim, những chiếc ghế giá tới 60 Mỹ kim, những chiếc đồng hồ giá tới 600, và những cái ống nhổ nhập cảng từ Trung Hoa giá tới 60 Mỹ kim. Cơ quan lập pháp của các tiểu bang của các chính quyền carpetbaggers đã bỏ phiếu đánh thuế nặng để lấy tiền chi tiêu. Gánh nặng thuế khóa này phần lớn giáng lên đầu lên cổ những địa chủ da trắng giàu có ở miền Nam. Nhiều địa chủ đã phải bán đất đai vì không thể trả được thuế.

- Dân da trắng ở miền Nam phản ứng lại

Trước hết, hình như là người da trắng miền Nam không có cách nào để thoát khỏi hay làm nhẹ được gánh nặng của chính quyền tồi tệ như vậy. Hầu hết các lãnh tụ của họ không được phép làm việc tại các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, dần dần họ thành lập những hội đoàn bí mật. Tổ chức Ku Klux Klan là một trong những hội đoàn hăng say nhất. Mục đích của tổ chức là để dọa những người da đen khiến cho họ không dám bầu hay ủng hộ chính quyền carpetbag. Hội viên của tổ chức Ku Klux Klan đội mũ trùm đầu và áo dài trắng trông như bóng ma, đi lang thang khắp đồng quê trong giữa đêm khuya và làm đủ mọi cách cho dân da màu khiếp sợ. Và nếu những lời cảnh cáo của họ không đủ để làm cho dân da đen sợ hãi thì họ sẽ dùng bạo lực. Tổ chức Ku Klux Klan đã thành công trong việc đe dọa dân da đen rất nhiều khiến cho Quốc hội phải gửi quân đội Liên bang đến để dẹp tan tổ chức này.

DÂN DA TRẮNG Ở MIỀN NAM TRỞ LẠI NẮM QUYỀN KIỂM SOÁT CHÍNH QUYỀN

- Công cuộc tái thiết chấm dứt ở miền Nam

Dần dần dân da trắng ở miền Nam chiếm lại được nhiều quyền hành. Trong khi còn chiến tranh, có những người chỉ còn là những đứa trẻ con thì bây giờ đã tới tuổi 21. vì rằng những người này trước kia đã không chiến đấu chống lại chính phủ Liên bang nên họ được phép đi bầu và được làm việc trong các cơ quan công quyền. Đồng thời vào năm 1872, Quốc hội lại cho thông qua một đạo luật nhằm phục hồi quyền đi bầu của tất cả mọi người, trừ một thiểu số cựu lãnh tụ của Liên minh miền Nam. Dần dần chính quyền Carpetbaggers cũng chấm dứt, và những người da trắng ở miền Nam lại chiếm được quyền kiểm soát các chính quyền tiểu bang miền Nam. Năm 1877, quân đội Liên bang đồn trú trong tiểu bang chót ở miền Nam được lệnh rút ra khỏi.

Người miền Nam lại cho rằng cần phải ngăn chặn không cho dân da đen đi bầu. Họ tìm cách tránh né tu chính án thứ 15. Họ thông qua nhiều luật lệ đòi hỏi mọi cử tri phải cư ngụ tại một chỗ trong nhiều năm, và phải trả thuế mới được hợp lệ đi bầu. Một vài tiểu bang đòi rằng các cử tri phải biết đọc, biết viết để diễn giảng Hiến pháp liên bang. Tất cả những luật lệ này là nhằm tước đoạt quyền đi bầu của những người da đen.

- Miền Nam trở thành địa phương nòng cốt ủng hộ đảng Dân chủ

Dân chúng miền Nam cho rằng khó có thể tha thứ cho Quốc hội được về việc bắt họ phải chịu đựng cơ cực khổ nhục do chính quyền Carpetbaggers gây nên. Hầu hết những dân biểu quốc hội chủ trương dùng biện pháp mạnh đối với miền Nam là thuộc đảng Cộng hòa. Cho nên dân miền Nam quy trách nhiệm cho đảng Cộng hòa về những xáo trộn khó khăn của họ, và họ trở thành những người nhiệt thành ủng hộ đảng Dân chủ. Trong các cuộc bầu cử, các tiểu bang miền Nam dồn phiếu rất nhiều cho các ứng cử viên của đảng Dân chủ. Khi người ta nói đến “miền Nam vững mạnh” có nghĩa là miền Nam được kể như là chắc chắn sẽ bầu cho đảng Dân chủ. (Tuy nhiên trong những kỳ bầu cử gần đây, việc này không còn xảy ra đúng như vậy nữa).

 “MIỀN NAM MỚI” PHÁT TRIỂN SAU CHIẾN TRANH

Thời gian trôi qua, dần dần dân miền Nam trùng tu sửa chữa những gì đã đổ vỡ do chiến tranh gây nên. Đô thị được tái thiết, đường xe lửa được trùng tu, công việc doanh thương buôn bán được phát triển. Đồng thời, sau chiến tranh, còn có những thay đổi khác ở miền Nam nữa.



- Các đồn điền lớn bắt đầu biến mất

Có một sự thay đổi rõ rệt là sự xóa bỏ hệ thống đồn điền cũ. Các ông chủ các đồn điền rộng lớn không còn có đủ tiền và cũng không có đủ nhân công nô lệ để khai thác đồn điền như hồi trước chiến tranh. Phần vì hầu hết các người nô lệ da đen đã được giải phóng cũng không muốn ở lại làm việc lãnh lương ở các đồn điền nữa. Thật ra là họ muốn khởi lập cuộc đời mới. Vì thiếu nhân công và phải đóng thuế cao, cho nên có nhiều ông chủ buộc lòng phải bán đi phần lớn các ruộng đất. Hầu hết, những ruộng đất được chia cắt ra thành những lô nhỏ vài ba mẫu để bán. Hậu quả là các đồn điền rộng lớn trở thành nhỏ bé đi trong khi số nông trại nho nhỏ rời rạc lại càng tăng lên nhiều.



- Chế độ cho cấy rẽ trở nên thông dụng

Thay vì đem ruộng đất bán đi thì có nhiều ông chủ đồn điền lại cho tá điền mướn đất. Có những tá điền phải trả tiền mướn ruộng đất bằng tiền mặt hay bằng hoa màu tương đương với số tiền mướn. Nhưng cũng có nhiều tá điền là dân da trắng nghèo hay dân da đen chỉ biết đem sức lao động ra làm ruộng chứ không có tiền mua sắm nông cụ cần thiết. Họ trở thành những người lãnh canh hay cấy rẻ. Các ông địa chủ cung cấp cho họ thực phẩm, hạt giống, nông cụ và một căn nhà. Người lãnh canh phải chia cho ông chủ một phần hoa lợi. Tỷ lệ phân chia thay đổi từ 1/3 đến 2/3. Nhiều người lãnh canh chỉ sống nhờ vào phần hoa lợi thôi. Thường thì họ phải mang nợ các ông chủ về các khoản tiền thực phẩm và các đồ dùng.



- Miền Nam trồng thêm nhiều cây mùa mới

Không phải chỉ có đồn điền là biến mất, mà còn có sự thay đổi trong việc trồng cấy các cây mùa nữa. Bông vải vẫn còn là nông sản chính. Người ta vẫn còn tiếp tục trồng thuốc lá, lúa gạo và mía. Vì việc chuyển vận đã được cải thiện cho nông dân thấy rằng họ có thể kiếm được nhiều tiền bằng cách trồng cây ăn trái và các loại cây khác như là các loại rau, nhất là các loại cây này lại thích hợp với khí hậu và đất đai ở miền Nam. Nhiều nông dân ở miền Nam bây giờ còn trồng đậu phộng, hồ đào, các loại cây rau và các loại cây ăn trái như đào, cam, chanh,bưởi và dưa hấu. Nhiều người khác thì lại nuôi bò.



- Kỹ nghệ bắt đầu phát triển ở miền Nam

Trước khi xảy ra chiến tranh thì hầu hết dân miền Nam sinh sống bằng nghề làm ruộng. Sau chiến tranh, nông nghiệp vẫn còn là nghề chính, nhưng người ta bắt đầu thích làm nghề kinh doanh buôn bán và kỹ nghệ. Miền Nam có nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác. Vì rằng việc sử dụng nô lệ để trồng bông vải hình như có nhiều lợi hơn, cho nên từ trước tới giờ người ta chỉ chú ý đến việc trồng bông vải thôi. Thí đụ như có nhiều khu rừng có thể sản xuất được rất nhiều gỗ. Miền Nam có nhiều mỏ sắt, mỏ than và mỏ dầu rất cần thiết cho kỹ nghệ. Miền Nam lại có bông vải và nhiều nhân công rất thuận lợi cho các nhà máy dệt.

Miền Nam đã được phát triển từ hồi chiến tranh cho nên khác biệt rất xa với “Vùng đất trồng bông”. Ngày nay hệ thống đường xá, đường xe lửa và các đường hàng không tỏa ra bao trùm kín cả miền Nam. Ít nhất có tới 1/3 tổng số sản lượng gỗ tại Hoa Kỳ là do miền Nam sản xuất. Số lớn than đá và sắt đang được khai thác ở vùng này. Birmingham thuộc tiểu bang Alabama trở thành trung tâm sản xuất thép, và đã trở thành cái tên “Pittsburg” của miền Nam. Những giếng dầu và các máy dầu đang hoạt động ở nhiều nơi trong các tiểu bang Texas, Louisiana và Arkansas. Các thị trấn kỹ nghệ được phát triển ở trong vùng này đã lôi cuốn công nhân vào các nhà máy biến chế bông vải, thuốc lá và hạt bông. Các nhà máy kỹ nghệ mới vẫn tiếp tục bành trướng ở miền Nam. Các hải cảng như New Orleans ở Louisiana, Houston và Galveston ở Texas; Mobile ở Alabama và Norfolk ở Virginia là những trung tâm thương mại nhộn nhịp.

Qua ít năm sau, những hận thù do chiến tranh và thời tái thiết gây ra đã mờ dần trong trí nhớ người dân. Dân chúng miền Nam đã chiến đấu cho những gì mà họ cho là phải. Chính nghĩa của họ đã bị đánh bại. Dù cho có những bất công của thời kỳ tái thiết thì dân chúng miền Nam cũng dần dần trở lại trung thành với Cộng đồng đất nước. Đôi khi có những dị biệt, nhưng ngày nay người miền Nam và người miền Bắc - tất cả là người Hoa Kỳ đều đoàn kết và trung thành với đất nước.



*


1() Quân Mỹ nhận lệnh tấn chiếm đồi Bunker, nhưng thật ra họ cố thủ trên đồi Breed’s gần đó. Mặc dầu trận đánh diễn ra ở trên đồi Breed’s nhưng người ta vẫn gọi trận đánh này là trận đánh ở đồi Bunker.

1() Các bạn thường quen với cái tên Gia Nã Đại. Chúng tôi dùng danh xưng “Bắc Mỹ thuộc Anh”. Thật ra toàn thể vùng này mãi đến năm 1867 mới gọi là “Gia Nã Đại”.

1 Con số các vị thẩm phán Tối cao Pháp viện đã thay đổi nhiều lần. Ngày nay, kể cả chủ tịch Tối cao Pháp viện có tất cả là 9 vị thẩm phán.

1 Đảng của ông Jefferson có tên dài là “Cộng Hòa Dân Chủ”. Sau đó được rút gọn là đảng “Cộng Hòa”. Chúng ta không nên nhầm lẫn với đảng Cộng hòa ngày nay. Thực ra đảng Cộng hòa thời bấy giờ là tiền thân của đảng Dân chủ ngày nay.

1 Năm 1813, quân Mỹ tràn vào Thượng Gia Nã Đại đốt phá các cong thự trong thành phố thủ đô, nơi mà ngày nay gọi là Toronto. Quân Anh đốt phá điện Capitol và Tòa Bạch Ốc để trả thù.

1 Chúng ta dùng từ ngữ Đông Bắc tiện hơn là từ ngữ Tân Anh vì các tiểu bang New York, Pennsylvania và New Jersey ở dọc theo duyên hải Đại tây dương ở miền Trung cũng bị ảnh hưởng trong sự phát triển thương mại này.

1() Chúng ta muốn nói miền Nam cũ là những thuộc địa miền Nam, và là những tiểu bang trong 13 tiểu bang đầu tiên: Maryland, Virginia, North và South Carolina và Georgia.

2() Năm 1808, Quốc hội thông qua một đạo luật định rằng từ đây sẽ không được du nhập nô lệ vào Hoa Kỳ nữa. Nhưng cũng vào thời kỳ này, số sinh của nô lệ lại gia tăng mau chóng. Dù rằng các tiểu bang miền Bắc đã hủy bỏ chế độ nô lệ, nhưng vẫn không có luật lệ nào cấm mua bán nô lệ cả.


1() Thành phố Cleaverland được viết lại như thế này “Cleverland”. Không ai biết chắc là làm thế nào và tại sao người ta lại bỏ đi một chữ “a”. Chuyện rằng, một ông chủ tờ báo đã bỏ chữ “a” này đi để làm cho ngắn cái tên này, và cũng là làm cho tựa đề của ông ở trên tờ báo được đẹp hơn.

1() Chúng ta nên nhớ rằng vào thời kỳ Hoa Kỳ mới lập quốc, vì đất đai rẻ cho nên người ta dễ dàng có đất, vì thế mà những điều kiện bầu cử này cũng không quá khó khăn.

1( ) Để ghi nhớ nước Cộng hòa có mang cờ con gấu ngắn ngủi, ngày nay ở California, các cột cờ đều mang hai lá cờ: Cờ Hoa Kỳ ở trên và cờ có hình con gấu ở dưới.

1() Miền Nam đặt tên lại chiếc tàu Virginia là Merrimac.

1() Bản tuyên ngôn giải phóng nô lệ được ban hành vào thời kỳ chiến tranh dưới thời Tổng thống Lincoln. Bản tuyên ngôn này không áp dụng cho những dân nô lệ ở trong các tiều bang nô lệ không ly khai. Năm 1865, bản tu chính án thứ 13 mới mãi mãi xóa bỏ chế độ nô lệ trong toàn thể lãnh thổ Hoa Kỳ.





tải về 2.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   25   26   27   28   29   30   31   32   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương