* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Ông Abraham Lincoln là ai?



tải về 2.16 Mb.
trang31/33
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.16 Mb.
#9902
1   ...   25   26   27   28   29   30   31   32   33

- Ông Abraham Lincoln là ai?

Người đắc cử trong kỳ bầu cử 1860 là một trong những người xuất sắc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Sinh trưởng trong sự cực nhọc khó khăn ở vùng biên cương, ông không có những may mắn mà nhiều vị Tổng thống khác có. Vì nghèo túng, ông đã phải xoay sở không biết bao nhiêu nghề để sinh nhai. Trước khi trở thành luật sư, ông đã từng đi phá rừng, đẵn cây, cày ruộng, bổ củi, làm việc cho tàu thuyền chạy trên sông Mississippi, và trông nom cửa tiệm. Vì có ít dịp đi đến trường học để học nên ông tự học trong những giờ nhàn rỗi trong ngày và trong những buổi chiều bên cạnh ánh lửa bập bùng của lò sưởi. Ngay cả thân hình và thể xác của ông cũng bất lợi cho ông – ông cao lêu nghêu, cử chỉ vụng về, giọng nói the thé.

Mặc dầu ông có những trở ngại này, nhưng dân chúng vẫn kính nể ông. Sự thành thật, ý nghĩ trong sáng, tính tình thân mật và tài kể chuyện của ông cũng như sự tín nhiệm ở những người dân tầm thường là những đặc tính khiến cho ông được mọi người quý mến. Ông đã làm việc trong cơ quan lập pháp ở Illinois trải qua nhiều nhiệm kỳ. Năm 1846, ông được dân chúng bầu vào Hạ nghị viện và phục vụ trong một nhiệm kỳ hai năm tại đây.

Khi nhiệm kỳ tại Quốc hội chấm dứt, ông lại trở về hành nghề luật sư. Ông cho rằng ông đã hoàn thành xong sự nghiệp chính trị. Nhưng lòng ưu tư về vấn đề nô lệ đã buộc ông phải trở lại cuộc đời chính trị. Ông không đề nghị can thiệp vào vấn đề nô lệ ở những tiểu bang nào vốn đã có nô lệ. Nhưng ông nhất quyết cho rằng chế độ nô lệ không thể nào tồn tại được ở trong các vùng lãnh thổ thuộc chính quyền trung ương. Niềm tin này đã khiến ông ra ứng cử làm thượng nghị sĩ của tiểu bang Illinois, và phải tham dự tranh luận với ông Douglas.

Mặc dầu ông rất nổi tiếng ở miền Tây, nhưng đối với dân chúng ở miền Đông thì ít người biết đến ông. Đầu năm 1860, ông được mời nói chuyện tại Cooper Union Hall thuộc thành phố Nữu Ước. Tại đây, nhiều người vì tò mò muốn đến xem và nghe nhân vật của miền Tây đang trở thành một nhân vật quan trọng của đảng Cộng hòa. Đối với dân Nữu Ước, ông Lincoln thật là vô cùng thô lỗ và nhà quê. Nhưng khi ông bắt đầu nói thì người ta quên hẳn cái bộ quần áo kỳ lạ và dáng người cao lêu nghêu của ông. Bài diễn văn của ông thật là hoa mỹ và sâu sắc. Cử chỉ của ông thật là trang trọng và lôi cuốn. Lý luận của ông chống lại chế độ nô lệ ở trong các vùng lãnh thổ thật là sâu sắc và trong sáng. Ông kết luận bằng những lời: “Chúng ta hãy tin tưởng rằng quyền tự do làm nên sức mạnh, và trong niềm tin này, khi mà chúng ta đã thấu hiểu thì chúng ta hãy mạnh bạo thi hành sứ mạng của chúng ta”. Khi bài diễn văn chấm dứt, toàn thể thính giả hoan hô vang lên như sấm gào rung chuyển cả đất trời.

Đó là con người mà mùa thu năm 1860 được đắc cử làm Tổng thống thứ 16 của Hiệp Chủng Quốc.

CHIẾN TRANH BÙNG NỔ

- Các tiểu bang miền Nam ly khai

Các tiểu bang miền Nam đã tuyên bố rằng nếu ông Lincoln được bầu làm Tổng thống thì họ không còn muốn ở lại trong Cộng đồng Quốc gia nữa. Thật ra, miền Nam vẫn có quyền hành ở trong Quốc hội và ở trong Tối cao Pháp viện. Nhưng người miền Bắc mà lại là người của đảng Cộng hòa đắc cử Tổng thống thì miền Nam không còn cảm thấy an toàn được nữa. Họ không những sợ cho vấn đề nô lệ mà còn sợ cho cả công việc sinh sống của họ tùy thuộc vào vấn đề nô lệ.

Ngay trước khi ông Lincoln lên làm Tổng thống, các tiểu bang miền Nam đã hăm dọa sẽ rút lui khỏi Cộng đồng Quốc gia. Trước hết là tiểu bang South Carolina ly khai. Sau đó là các tiểu bang Mississippi, Florida, Alabama, rồi Georgia, Louisiana và Texas. Ngày mùng 1 tháng 2 năm 1861, có 7 tiểu bang đã ly khai. Tổng thống Buchanan lúc đó đã gần hết nhiệm kỳ nên không hành động gì hết để ngăn chặn các tiểu bang ly khai này. Ông nói: “Tôi không có quyền gì để hành động cả”.

- Liên minh các tiểu bang Mỹ châu được thành lập

Tháng 2 năm 1861, 7 tiểu bang ly khai gởi đại biểu đến Montgomery, Alabama để thành lập tân chính phủ. Các vị đại biểu này soạn thảo hiến pháp cho Quốc gia mới, đó là liên minh các tiểu bang Mỹ châu (còn được gọi là liên minh). Bản Hiến pháp này rất giống bản Hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng Hiến pháp này định rằng Quốc hội của Liên minh không thể can thiệp vào chế độ nô lệ. Hiến pháp này quy định rằng không đánh thuế mậu dịch vào các hàng hóa nhập cảng. Nhiệm kỳ của Tổng thống là 6 năm thay vì 4 năm, và không được tái cử nữa.



- Ông Jefferson Davis được bầu làm Tổng thống của Liên minh các tiểu bang

Ông Jefferson Davis thuộc tiểu bang Mississippi được bầu làm Tổng thống của chính phủ Liên minh các tiểu bang, và ông Alexander H. Stephens thuộc tiểu bang Georgia được tuyển chọn làm Phó Tổng thống. Ông Jefferson Davis cùng sinh ở tiểu bang Kentucky với ông Abraham Lincoln nhưng lớn hơn một tuổi. Ông Lincoln được song thân đem đi Indiana lập nghiệp rồi di chuyển đi Illinois, trong khi đó, gia đình ông Davis di chuyển xuống Mississippi. Thân phụ ông Davis là một nhà điền chủ có một đồn điền rất lớn và có nhiều nô lệ. Ông Jefferson Davis là người có trình độ văn hóa rất cao lại là người tốt nghiệp trường võ bị West Point. Trong thời chiến tranh với Mễ Tây Cơ, ông là vị sĩ quan ghi được nhiều chiến công xuất sắc, ông cũng đã từng phục vụ tại Hạ viện rồi Thượng viện tại Hoa Kỳ, và cũng đã từng làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh. Khi còn là thượng nghị sĩ tại Thượng viện, ông mạnh mẽ bảo vệ các quyền tự do của miền Nam.

Ông Davis là một người thông minh, nhiều nghị lực và có vẻ của con người chỉ huy. Ông đã ra gánh vác một trách nhiệm khó khăn là lãnh đạo Liên minh trong lúc còn phải tranh đấu gay go để thành lập một Quốc gia độc lập.

- Tổng thống Lincoln hy vọng hòa bình

Khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày mùng 4 tháng 3 năm 1861, ông Abraham Lincoln phải đương đầu với một vấn đề khó khăn. Bây giờ có 2 quốc gia và 2 vị Tổng thống. Ông phải làm gì đây?

Ông không muốn chiến tranh, khi tuyên thệ nhậm chức ông nói: “Giả sử các bạn tiến đến chiến tranh, các bạn cũng không phải chiến đấu mãi mãi. Sau khi cả hai bên cùng bị tổn thất nặng nề, các bạn phải ngưng chiến đấu, thì những vấn đề xưa cũ vẫn còn lại với các bạn”. Vấn đề nô lệ ở miền Nam không nguy hiểm, vì rằng Tổng thống Lincoln hứa rằng ông “Không có ý định, dù trực tiếp hay gián tiếp, can thiệp vào ... vấn đề nô lệ ở các tiểu bang vốn đã có nô lệ”. Ông nói tiếp “Hỡi những đồng bào bất mãn! Chính do nơi tay các bạn chứ không phải do nơi tay chúng tôi, đã tạo nên cuộc nội chiến này. Chính phủ sẽ không tấn công các bạn. Tuy nhiên, Tổng thống Lincoln đã làm sáng tỏ vấn đề khi ông long trọng thề phải “Duy trì , bảo vệ” chính quyền Hiệp Chủng Quốc. Sau hết, ông kêu gọi toàn dân hãy đoàn kết. Ông long trọng nói:

“Chúng ta không phải là kẻ thù mà là bạn. Chúng ta nhất định không phải là kẻ thù. Tiếng vọng huyền bí của trí nhớ bao trùm từ những nấm mồ của các nhà ái quốc cho đến hết thảy mọi trái tim của những người còn sống ở trong khắp đất nước này sẽ trở thành bài ca đồng điệu của toàn thể Quốc gia, và khi xúc động thì chắc chắn sẽ là những thiên thần lộng lẫy trong vũ trụ của chúng ta”.

Như vậy là ông Lincoln đã đứng ra đảm nhậm trách vụ bảo vệ và duy trì đất nước với lòng tin tưởng mãnh liệt vào những gì mà ông cho là đúng. Song lẽ, dù rằng ông đã nói như vậy, nhưng đất nước vẫn còn chia rẽ. Các đồn ải của chính phủ trung ương đã bị quân Liên minh miền Nam chiếm giữ. Luật pháp của chính quyền trung ương không được tôn trọng. Nếu ông Lincoln muốn cứu nguy tổ quốc, ông phải hành động mau lẹ.

- Chiến tranh

Hải cảng Charleston thuộc tiểu bang South Carolina rộng lớn và yên lặng. Dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân, thành phố Charleston nằm mãi tận cùng phía Tây của hải cảng. Phía trong hải cảng này là một hòn đảo, và trên hòn đảo nhỏ bé này là đồn Sumter. Đồn Sumter do quân đội chính quyền trung ương đồn trú. Các nhà lãnh đạo Liên minh miền Nam đòi rằng quân sĩ trung ương phải rời bỏ đồn này. Nhưng vị chỉ huy trưởng của đồn Sumter từ chối. Liền sau đó, thì các nhà lãnh đạo Liên minh miền Nam lại hay tin là Tổng thống Lincoln cho tàu thuyền tiếp tế thực phẩm và các đồ tiếp liệu cho đồn Sumter. Dĩ nhiên là họ sợ rằng sự tăng viện này cũng có thể là lực lượng đổ bộ. Ngày đêm hình như trở nên dài hơn. Dân chúng hồi hộp lo sợ.

Lúc bấy giờ là 4 giờ 30 sáng ngày 12 tháng 4 năm 1861, còn một giờ nữa thì trời mới sáng. Thình lình một ánh lửa lóe lên rồi một tiếng nổ “Bùm” phá tan bầu không khí yên lặng. Từ bốn chung quanh hải cảng, đại pháo của quân liên minh bắt đầu nã vào đồn Sumter. Hòa bình không còn chỗ đứng ở hải cảng Charleston cũng như ở bất cứ nơi nào trong đất nước Hoa Kỳ. Chiến tranh đã thực sự bắt đầu bùng nổ.

*

* *


CHƯƠNG XX

HAI MIỀN NAM BẮC ĐÁNH NHAU RỒI LẠI THỐNG NHẤT

Vào khi cuộc chiến với Mễ Tây Cơ sắp chấm dứt thì nhiều sĩ quan nhóm họp tại một trại đóng quân của Hoa Kỳ gần Mexico City. Trong số những sĩ quan này có hai người trở nên nổi tiếng trong lịch sử Hoa Kỳ. Một người là đại tá, và người kia là một đại úy xốc xếch lôi thôi. Vị đại tá này đã được một vị sĩ quan cho là “một quân nhân giỏi nhất mà tôi chưa hề thấy ở ngoài mặt trận”. Người đó là Robert E. Lee, còn ông đại úy là Ulysses S. Grant.

Mười bảy năm sau, hai người này gặp nhau, nhưng lần này ở trong một căn nhà gạch nhỏ bé ở gần tòa án Appomattox thuộc tiểu bang Virginia. Thời gian đã mang lại nhiều biến đổi. Dù một thời họ là những sĩ quan cùng đơn vị mà bây giờ đột nhiên đối diện với nhau là hai kẻ thù. Ông Lee mặc đồng phục màu xám của quân đội Liên minh các tiểu bang Mỹ châu. Ông Grant trở thành Trung tướng Grant, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, ông Lee trở thành vị tướng Tổng Tư lệnh quân đội Liên minh.

Buổi họp tại căn nhà gạch đánh dấu ngày chấm dứt cuộc chiến đẫm máu giữa hai miền của đất nước. Cuộc chiến tranh này là hậu quả của cuộc tranh chấp giữa hai miền Nam Bắc mà chúng ta đã bàn ở trong chương XIX. Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về những trận đánh lớn và sẽ tìm hiểu xem miền Bắc đã chiến thắng như thế nào. Chúng ta sẽ tìm hiểu xem cuộc chiến tranh đã ảnh hưởng đến cả hai miền Nam Bắc như thế nào, và những gì sẽ xảy ra đối với kế hoạch của Tổng thống Lincoln làm cho Hoa Kỳ một lần nữa là “một quốc gia bất khả phân”. Muốn hiểu biết cuộc chiến tranh này và hậu quả của nó, chúng ta hãy nhớ lại những câu hỏi dưới đây:

1. Đất nước chia rẽ như thế nào và mỗi bên có những lợi điểm nào?

2. Bốn năm dài chiến đấu đã mang lại chiến thắng cho miền Bắc như thế nào?

3. Cuộc chiến đã ảnh hưởng đến đời sống của dân chúng hai miền Nam Bắc ra làm sao?

4. Tổng thống Abraham Lincoln đã dự trù đoàn kết quốc gia như thế nào?

5. Những gì đã xảy ra ở miền Nam vào những năm sau chiến tranh?

*

* *


PHẦN MỘT

ĐẤT NƯỚC CHIA RẼ NHƯ THẾ NÀO VÀ MỖI BÊN

CÓ NHỮNG LỢI ĐIỂM NÀO?
- Chiến tranh chia rẽ đất nước

Vào khi quân đội Liên minh nã súng bắn vào đồn Sumter là khi đất nước bị chia rẽ trầm trọng, thật khó mà có thể hàn gắn lại bằng phương tiện hòa bình. Như các bạn đã thấy, vì nhiều lý do, miền Bắc và miền Nam càng ngày càng cách biệt nhau hơn. Bây giờ thì súng đã nổ. Người Hoa Kỳ phải đương đầu vơi vấn đề trọng đại là liệu rằng Hoa Kỳ vẫn còn là một quốc gia hay sẽ trở thành hai quốc gia?

Cuộc chiến đã không những chia rẽ đất nước mà còn chia rẽ cả bà con lối xóm và cả anh em trong gia đình. Có nhiều người miền Bắc đi xuống miền Nam chiến đấu cho Liên minh và cũng có nhiều người miền Nam chiến đấu cho chính nghĩa của miền Bắc. Đặc biệt là tại các tiểu bang ở vùng biên giới giữa hai miền. Cùng trong lối xóm, kẻ thì đi chiến đấu cho miền Bắc, người thì gia nhập quân đội miền Nam. Điều buồn hơn nữa là chiến tranh còn chia rẽ cả những người trong cùng một gia đình. Ba người anh em của bà Abraham Lincoln, phu nhân của Tổng thống Hoa Kỳ, hy sinh vì Liên minh (miền Nam). Bà con thân thiết của bà vợ của Tổng thống Liên minh (miền Nam) lại chiến đấu cho miền Bắc. Con cái của một vị sĩ quan cao cấp trong hải quân Hoa Kỳ (miền Bắc ) mặc đồng phục xám của quân đội Liên minh.

- Phải chiến đấu cho miền nào?

Người ta lên đường chiến đấu vì nhiều nguyên nhân. Hầu hết nhiều người ở cả hai miền Bắc Nam đi theo chính nghĩa mà bạn bè và anh em lối xóm đã đi theo. Nhiều người ở miền Nam tin tưởng rằng phải có chế độ nô lệ, nên đã đi chiến đấu để bảo vệ chế độ nô lệ. Cũng có nhiều người miền Nam tin chắc rằng lối sống của họ nhờ vào công việc trồng bông vải nên không thể nào sống cùng một quốc gia với các tiểu bang ở miền Bắc chuyên về kỹ nghệ và thương mại. Những người miền Nam này chỉ chiến đấu cho cái quyền tự do ly khai khỏi Cộng đồng Quốc gia để thành lập một quốc gia mới.



Mặt khác, một số người miền Bắc chiến đấu vì rằng họ thù ghét chế độ nô lệ, và hy vọng là chiến tranh sẽ khai tử chế độ nô lệ. Cũng có nhiều người miền Bắc cho rằng cuộc sống trong chế độ dân chủ thì không có vấn đề gì lại khó khăn đến độ không thể giải quyết thỏa đáng được. Họ vững tin rằng Cộng đồng Quốc gia phải mạnh hơn bất kỳ một tiểu bang hay một nhóm các tiểu bang nào khác. Họ chiến đấu để bảo vệ cái chính quyền đã được ông cha tổ tiên họ tạo dựng nên.



- Các tiểu bang nô lệ còn lại chọn hàng ngũ

khi chiến tranh bùng nổ, những tiểu bang nô lệ chưa ly khai buộc phải quyết định gia nhập hàng ngũ miền Bắc hay hàng ngũ miền Nam. Ngay sau khi tiếng súng khai hỏa nã vào đồn Sumter, lại có thêm 4 tiểu bang nữa đứng về phía Liên minh và ly khai. Đó là các tiểu bang Virginia, Arkansas, Tennessee và North Carolina. Nhưng dân chúng sống ở miền Bắc tiểu bang Virginia lại không chịu liên kết với các vùng khác của tiểu bang này để ly khai. Miền này tách rời ra khỏi tiểu bang và thành lập tiểu bang West Virginia, và gia nhập Cộng đồng Quốc gia (Liên bang) vào năm 1863. Bốn tiểu bang nô lệ ở gần miền Bắc nhất Missouri, Kentucky, Maryland, và Delaware- ở lại trong Cộng đồng Quốc gia. Như vậy là ngay khi chiến tranh vừa bùng nổ miền Bắc có 23 tiểu bang, và miền Nam chỉ có 11 tiểu bang.



- Lợi điểm của mỗi bên

Thường thường trong một trận chiến thì bên nào chiếm ưu thế về nhân lực, tài nguyên và tiếp liệu thì bên đó sẽ thắng. Chúng ta hãy so sánh sức mạnh giữa hai miền Nam Bắc.



Miền Bắc có những lợi điểm:

1. Dân số ở miền Bắc đông hơn gấp hai lần dân số ở miền Nam. Miền Bắc có 22 triệu dân, miền Nam chỉ có 9 triệu. Trong số 9 triệu dân miền Nam thì có tới 2/5 là dân da đen và hầu hết những người này là nô lệ. Nô lệ không được kể như là lực lượng chiến đấu. Tuy nhiên, họ có thể làm những công việc trong gia đình để cho thanh niên da trắng lên đường nhập ngũ.

2. Miền Bắc không những có dân số đông hơn miền Nam mà còn có nhiều tài nguyên và quân nhu, quân cụ hơn. Hầu hết các nhà máy kỹ nghệ chế tạo súng đạn, quần áo và các loại đồ trang bị khác đều ở miền Bắc. Miền Bắc có nhiều đường xe lửa hơn để chuyên chở vật liệu chiến cụ và quân sĩ đi chiến đấu. Ngoài ra miền Bắc còn có nhiều phương tiện chuyển vận hơn.

3. Hơn nữa, chính phủ Liên bang đã có sẵn quân đội và Hải quân, trong khi đó thì miền Nam còn phải thiết lập quân đội và hải quân để theo đuổi chiến tranh.



Miền Nam có những lợi điểm:

1. Miền Nam phần lớn chiến đấu ngay tại trong lãnh thổ của họ. Quân sĩ quen với phong thổ và dễ dàng chịu đựng gian khổ để chiến đấu bảo vệ gia đình khi có quân lính tràn vào xâm lăng lãnh thổ của họ.

2. Miền Nam có nhiều tướng tá chỉ huy giỏi đã từ chức trong quân đội Hoa Kỳ để chiến đấu cho Liên minh miền Nam. Ông Robert Lee là một trong những vị tướng tài của miền Nam. Mặc dầu ông Lee thuộc về một gia đình miền Nam cũ, nhưng ông cũng không tin tưởng ở chế độ nô lệ, và ông cũng đã giải phóng hết nô lệ của ông rồi. Đồng thời, ông cũng là người chống lại việc ly khai và chống lại cuộc chiến này. Nhưng ông không thể nào mang vũ khí chống lại tiểu bang Virginia yêu dấu của ông. Cho nên khi tiểu bang này ly khai ông đứng vào hàng ngũ Liên minh. Như vậy là miền Nam đã nắm được vị tướng tài giỏi xuất sắc nhất trong quân đội Hoa Kỳ.

*

* *


PHẦN HAI

BỐN NĂM DÀI CHIẾN ĐẤU ĐÃ MANG LẠI CHIẾN THẮNG CHO MIỀN BẮC NHƯ THẾ NÀO?
Sau vụ tấn công vào đồn Sumter, cả chính phủ trung ương lẫn Liên minh các tiểu bang đều tăng cường quân đội. Tổng thống Lincoln kêu gọi cần phải tuyển thêm 75 ngàn quân tình nguyện. Miền Bắc cho rằng cần phải đoạt chiến thắng mau lẹ. Lý do là lãnh thổ của Liên minh ở ngay bên kia bờ sông Potomac, nghĩa là cách thủ đô miền Bắc có một con sông. Thực ra thủ đô của Liên minh là Richmond, thuộc tiểu bang Virginia cũng chỉ cách thủ đô Washington có hơn một trăm dặm.

- Vụ thất bại tại Bull Run thức tỉnh miền Bắc

Mùa xuân năm 1861, dân chúng miền Bắc bắt đầu kêu gọi phải hành động. Tiếng thét “Tiến vào Richmond” vang động khắp mọi nơi. Mặc dầu quân đội mới của chính phủ trung ương có nhiều quân sĩ mới được tuyển mộ thiếu huấn luyện nhưng vẫn được lệnh, nếu có thể, tiến vào miền Nam đánh chiếm Richmond. Đầu mùa hè năm đó, quân đội miền Bắc vượt sông Potomac tiến vào Virginia. Cuộc tiến quân vào đất địch này thật là một cảnh kỳ lạ. Có nhiều người ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn đi theo để xem quân đội miền Bắc đoạt chiến công. Dân biểu quốc hội, phóng viên nhà báo, những người hiếu kỳ, có cả các bà lịch thiệp đi theo trong các xe ngựa lộng lẫy. Quân sĩ thì không quen với kỷ luật quân đội, thường đi ra ngoài hàng ngũ để hái dâu và kiếm nước uống. Trong khi ấy thì quân đội Liên minh tập trung tại Manassas Junction, trên một con sông nhỏ gọi là Bull Rull. Ở gần địa điểm này, cách Hoa Thịnh Đốn chừng 30 dặm, hai đạo quân của hai miền gặp nhau quần thảo. Lúc đầu, quân đội Liên minh hình như sắp bị đánh bại, nhưng họ vẫn quyết chiến để chờ viện quân Liên minh tới. Sau một vài giờ chiến đấu, hàng ngũ quân đội trung ương tan vỡ và phải rút lui trong hỗn loạn, chạy về thủ đô Hoa Thịnh Đốn.

Trận đánh Bull Run làm cho miền Bắc thất kinh và dân miền Nam càng phấn khởi. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của cả hai miền đều cho rằng cần phải tăng cường quân đội để chuẩn bị cho cuộc chiến trường kỳ.


CHIẾN TRANH NAM BẮC



- Cả hai miền Bắc Nam đều thiết lập những kế hoạch để chiến thắng

Có quân sĩ điêu luyện và đầy đủ quân nhu chiến cụ cũng chưa đủ chiến thắng một trận chiến. Điều cần thiết là phải có một kế hoạch rõ rệt để điều khiển chiến tranh. Kế hoạch này theo ngôn từ quân sự gọi là chiến lược.

Chiến lược của miền Nam tương đối đơn giản:

1. Miền Nam dự định là trường kỳ chiến đấu cho đến khi miền Bắc mệt mỏi vì chiến tranh. Dân miền Bắc có thể nói “Nếu Liên minh các tiểu bang miền Nam muốn thành lập một quốc gia riêng rẽ thì hãy để cho mặc họ. Khó mà có thể cưỡng bách họ trở về với Cộng đồng Quốc gia”.

2. Khi nào thuận tiện, quân đội miền Nam sẽ tràn vào miền Bắc với hy vọng sẽ đạt được nhiều chiến thắng quan trọng.

3. Miền Nam trông cậy vào ngoại viện, đặc biệt nhất là của Anh quốc, vì các nhà máy sợi ở Anh cần bông vải của miền Nam cho nên Liên minh các tiểu bang miền Nam hy vọng rằng trong cuộc chiến này, Anh quốc sẽ đứng về phía họ.

Chiến lược của miền Bắc khác hẳn. Muốn chiến thắng cuộc chiến này, quân đội của miền Bắc phải tràn vào để chinh phục miền Nam.

1. Miền Bắc dự trù kế hoạch chia và đánh chiếm. Phần lớn lãnh thổ của Liên minh các tiểu bang miền Nam nằm ở phía Tây sông Mississippi cho nên miền Bắc dự trù là nắm quyền kiểm soát sông Mississippi. Như vậy thì Liên minh không thể nhận được tiếp liệu từ các tiểu bang nằm ở phía Tây sông Mississippi. Sau khi cắt miền Nam ra làm hai tại sông Mississippi, miền Bắc sẽ cố gắng cắt nửa phần lãnh thổ phía Đông của Liên minh ra làm những vùng nhỏ.

2. Miền Bắc cũng dự trù phong tỏa các hải cảng miền Nam để ngăn chặn không cho chuyên chở hàng hóa ra vào miền Nam. Như vậy sẽ chặn đứng được kế hoạch trao đổi bông vải để đổi lấy các đồ tiếp liệu cho miền Nam.

3. Phải chiếm đóng thủ đô của miền Nam và đồng thời phải đánh tan đạo quân bảo vệ thủ đô này.

Bên nào thi hành hữu hiệu chiến lược của mình thì bên đó sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này. Chúng ta hãy xem sự thể sẽ xảy ra như thế nào.

TÌNH HÌNH CHIẾN CUỘC Ở MIỀN TÂY

Sau trận đánh tại Bull Run vẫn còn những trận giao tranh lớn nhưng không xảy ra ở miền Đông mà lại xảy ra ở miền Tây. Bộ binh và hải quân miền Bắc phối hợp chặt chẽ để nắm quyền kiểm soát sông Mississippi.

- Farragut chiếm đóng New Orleans

Muốn nắm được quyền kiểm soát sông Mississippi, miền Bắc cần phải đánh chiếm các thành phố và các giang cảng ở dọc theo con sông này. Quan trọng nhất trong các thành phố này là thành phố New Orleans nằm ở cửa sông Mississippi. Người được trao cho trách nhiệm cầm quân đi đánh chiếm New Orleans là ông Davis Farragut. Ông Farragut gia nhập hải quân trong thời kỳ chiến tranh 1812, khi ấy ông chỉ là một thanh niên nhỏ tuổi. Bây giờ ông đã 60 tuổi.

Mùa xuân năm 1862, Farragut cho đoàn chiến tàu đi ngược dòng sông Mississippi. Ông liều cho tàu chạy trong làn hỏa pháo của quân đội Liên minh từ các đồn ải hai bên bờ sông bắn ra. Sau đó, ông đánh bại được hạm đội bảo vệ New Orleans và chiếm được thành phố này. Miền hạ lưu sông Mississippi bây giờ hoàn toàn nằm trong tay kiểm soát của quân đội miền Bắc. Sau này, ông Farragut được phong chức đô đốc trong hải quân.

- Tướng Grant đoạt được một vài chiến thắng lúc đầu cho miền Bắc

Trong khi đó, một đạo quân khác của miền Bắc tiến ngược dòng sông Mississippi đi vào các sông Tennessee và sông Cumberland để tấn công các đồn ải của quân đội Liên minh ở xa hơn về phía Bắc. Vị chỉ huy đạo quân này là ông Ulysses S. Grant. Ông Grant tốt nghiệp trường võ bị West Point và đã chiến đấu trong trận chiến với Mễ Tây Cơ, nhưng ông không được nổi danh như ông Robert E. Lee và những người khác. Sau trận chiến với Mễ Tây Cơ, ông xin giải ngũ. Cuộc chiến tranh giữa các tiểu bang này khiến cho ông phải tái ngũ và cũng là cơ hội cho ông chứng tỏ tài điều khiển chiến trận của ông. Là một người khiêm tốn, ông sẵn sàng nghe theo những lời khuyên tốt, dù rằng ông có đủ khả năng để quyết định đúng và mau lẹ. Hơn nữa, ông Grant là người có ý chí sắt đá. Một khi ông đã quyết định hành động thì không bao giờ ông chịu lui bước.

Đầu năm 1862, tướng Grant cho tấn công đồn Henry và đồn Donelson ở miền Tây Tennessee. Nhờ sự trợ lực của các chiến tàu nên ông đã chiếm được cả hai đồn này. khi vị chỉ huy của đồn Donelson xin điều kiện để đầu hàng thì tướng Grant trả lời rằng: “Đầu hàng vô điều kiện ngay tức khắc”. Từ đó, ông Grant có biệt hiệu là “Grant đầu hàng vô điều kiện”. Sau khi chiếm được hai đồn này rồi, ông cho quân quay xuống tiến về phía Nam. Thình lình, đạo quân của ông bị quân đội Liên minh tấn công tại Shiloh ở miền Nam Tennessee. Trong trận kịch chiến này, lúc đầu quân đội Liên minh gần như đã chiến thắng, nhưng khi viện quân chính phủ trung ương tới, tướng Grant buộc quân đội Liên minh phải rút lui.

- Việc chiếm giữ thành phố Vicksburg khiến cho miền Bắc có thể kiểm soát được sông Mississippi

Sang năm 1863, quân đội miền Bắc đã làm chủ được toàn thể sông Mississippi, ngoại trừ một quãng dài chừng 250 dặm nằm giữa Vicksburg và giang cảng Hudson. Công việc chính của tướng Grant bây giờ là tiến chiếm thành phố Vicksburg. Thành phố này nằm trên một dốc đứng ở bên bờ phía Đông sông Mississippi và chung quanh là đầm lầy. Tướng Grant cho rằng không thể tấn chiếm thành phố này bằng một cuộc tấn công trực tiếp, ông chuẩn bị một cuộc bao vây trường kỳ. Chiến tàu của quân đội miền Bắc được lệnh tuần phòng ở dưới sông, và trên bờ có đạo quân canh chừng để cho mọi việc tiếp tế cho quân đội miền Nam không thể nào tới thị trấn này được. Ngày mùng 4 tháng 7 năm 1863, viện chỉ huy Nam quân tại Vicksburg phải đầu hành theo lệnh của tướng Grant. Ít ngày sau, giang cảng Hudson cũng đầu hàng theo.

Bắc quân bây giờ có thể kiểm soát toàn thể sông Mississippi. Một phần trong chiến lược của miền Bắc đã thành công. Lãnh thổ của Liên minh miền Nam đã bị cắt ra làm hai. Tổng thống Lincoln vui mừng loan báo: “Người cha của biển cả lại trở ra biển cả mà không còn phải bực tức nữa”.

CÁC TRẬN ĐÁNH Ở NGOÀI KHƠI




tải về 2.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   25   26   27   28   29   30   31   32   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương