* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Henry Hudson tìm được một con sông



tải về 2.16 Mb.
trang4/33
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.16 Mb.
#9902
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   33

- Henry Hudson tìm được một con sông

Một nhà hàng hải khác cũng cố gắng tìm một con đường đi Châu Á. Đó là một người Anh tên là Henry Hudson được các thương gia Hòa Lan trả tiền để đi tìm một con đường đi Trung Hoa. Năm 1609, con tàu bán nguyệt của ông tiến về hướng Bắc Âu Châu để đi Châu Á, nhưng con tàu bé nhỏ này gặp phải băng tuyết hiểm nghèo nên ông đành phải cho tàu đổi hướng tiến về hướng Tây vượt đại dương trực chỉ Tân Thế Giới. Ông tới Bắc Mỹ và đi theo bờ biển xuống tới vịnh Chesapeake Bay. Tới đây ông thấy rằng ông không thể nào tới Trung Hoa qua ngã này được. Một lần nữa ông lại cho tàu trở về hướng Bắc. Trên đường đi, ông gặp một con sông mà ngày nay mang tên ông, sông Hudson. Ông tiếp tục cho tàu băng qua vùng biển rộng lớn tiến vào sông này. Nhìn phong cảnh, cây cối thiên nhiên quyến rũ ở hai bên bờ sông, hy vọng của ông càng dâng cao. Có lẽ đây là chuyến đi mà ông hằng ấp ủ. Nhưng càng ngược dòng sông thì dòng sông càng trở nên hẹp hơn và nước không còn mặn nữa. Sau cùng ông nhận ra rằng đây chỉ là một con sông chứ không phải là một thủy lộ xuyên qua Mỹ Châu. Chán nản, ông trở về trong niềm cay đắng thất bại, không tìm ra được con đường đi Trung Hoa.




- Henry Hudson tìm ra một vùng biển rộng lớn

Năm 1610, ông lại khởi hành đi thám hiểm một lần nữa. Chuyến đi này không những ông đã thất bại, mà ông còn bỏ mình nơi miền đất lạ xa xăm. Chuyến đi cuối cùng này, con tàu thám hiểm Discovery của ông trương cờ chính quốc Anh Cát Lợi của ông. Cũng như lần trước, lại một lần nữa, ông cho tàu tiến thẳng về hướng mặt trời lặn để rồi chẳng bao giờ người ta thấy ông trở lại. Giống như Frobisher, ông tiến xa về phía Bắc. Rồi ông và đoàn thám hiểm phải vật lộn với băng tuyết chận cứng lối đi. Ông tin rằng sau eo biển đầy băng tuyết này là giải nước mênh mông chạy dài tới phía Nam và phía Tây.

Suốt cả mùa hè dài, ông và đoàn tùy tùng chèo thuyền vượt vùng biển rộng lớn này để tìm kiếm một con đường đi Châu Á. Khi mùa đông tới, đoàn người phải lên bờ cắm trại dừng chân. Thực phẩm cạn dần, họ chỉ còn một chút ít phó mát và bánh quy. Họ đã trải không biết bao nhiêu gian lao khổ cực, và sau cùng không còn thể nào chịu đựng được nữa, đoàn tùy tùng dưới quyền ông bắt hai cha con ông và những người trung thành với ông cho vào chiếc thuyền nhỏ thả trôi lênh đênh theo dòng nước. Từ đó, không còn ai biết tin tức gì về ông nữa. Sau này người ta chỉ còn thấy có bốn người trong đoàn thám hiểm của ông trở về Anh quốc. Ngày nay cái tên vịnh Hudson còn nhắc nhở chúng ta nhớ đến nhà thám hiểm dũng cảm đã bỏ mình trong vùng biển băng tuyết mà vẫn không tìm ra được một thông lộ như chính ông hằng theo đuổi.



CUỘC THÁM HIỂM SÔNG MISSISSIPPI CỦA MARQUETTE VÀ JOLIET

VÀO NĂM 1673



LA SALLE THÁM HIỂM SÔNG MISSISSIPPI 1682

- Marquette và Joliet thám hiểm sông Mississippi

Như chúng ta đã biết, các nhà hàng hải gan dạ như Verrazano và Frobisher cũng mới chỉ đi tới những miền ven bờ Bắc Mỹ. Các nhà thám hiểm khác như Cartier và Champlain đã ngược các dòng sông đi sâu vào trong lục địa Tân Thế Giới. Khi đó cũng còn nhiều nhà thám hiểm can trường khác phiêu lưu xông xáo đi vào mọi ngã, xuyên qua các vùng hoang vu ở trong đất liền với hy vọng tìm ra một con đường thuận lợi đi xuyên qua Tân Thế Giới.

Sau cái chết của nhà thám hiểm Champlain, nhiều người Pháp khác đi xa hơn Quebec hàng trăm dặm, tiến sâu vào tới vùng Thượng hồ ở đây họ cho lập một ngôi nhà thờ và để lại một vị linh mục để truyền giáo trong đám dân da đỏ. Vị linh mục đó là Jacques Marquette. Nhờ đám dân da đỏ này mà nhà thám hiểm kiêm tu sĩ người Pháp biết được câu chuyện về hồ đại thủy. Hồ đại thủy có thể chảy cạn thông qua một cái hồ lớn hơn. Do nơi câu chuyện hồ đại thủy này mà tin rằng chắc phải có con đường tắt đi tới Châu Á, nơi mà từ trước tới nay biết bao nhiêu người hằng theo đuổi để tìm ra.

Năm 1673, linh mục Marquette cùng với nhà thám hiểm Louis Joliet khởi hành chuyến đi tìm kiếm con đường tắt này. Marquette và Joliet cùng 5 người đồng hành rời hồ Michigan bằng hai chiếc xuồng gỗ. Đoàn người vượt dòng sông Fox, khiêng xuồng chuyển qua sông Wisconsin lênh đênh trôi nổi tới dòng Mississippi. Tới đây họ tin rằng dòng sông này là con đường đi tới Á Châu. Nhưng sau khi đã xuôi dòng vượt hàng trăm dặm tới cửa sông Arkansas, đoàn người mới nhận ra rằng họ vẫn không tìm được con đường mà họ hằng theo đuổi. Họ biết rằng dòng sông Mississippi cuồn cuộn chảy về hướng Nam tới tận vịnh Mễ Tây Cơ. Dòng sông này sẽ chẳng bao giờ đưa họ đến Châu Á được. Buồn rầu, đoàn người ngược dòng sông trở lại rồi quay sang sông Illinois để về hồ Michigan.



- La salle tới cửa sông Mississippi

Khi Joliet trở về Quebec tường thuật về chuyến đi của ông thì ông gặp Robert Cavalier, Sieur de La Salle, dẫn đầu một đoàn người đi thám hiểm. La Salle vốn là con một gia đình giàu có, nhưng ông đã từ bỏ cuộc đời sung túc sang trọng mà liều mình đi thám hiểm vào những vùng hoang vu ở Bắc Mỹ. Ông say mê khi được nghe tin linh mục Marquette và Joliet đã tìm ra vùng “hồ đại thủy”. Tham vọng của La Salle là đòi cho nước Pháp được độc quyền buôn bán da thú quý giá ở vùng Đại hồ và vùng thượng lưu sông Mississippi. Những năm sau đó ông còn ước mong thực hiện một dự định lớn lao hơn. Ông tự hỏi tại sao ông không tìm tới cửa sông Mississippi và đòi cho nước Pháp chiếm hữu cả cái lục địa mênh mông Bắc Mỹ này.

Từ nhiều năm trước khi chuẩn bị khởi hành cuộc thám hiểm đi tìm cửa sông Mississippi, ông vẫn hằng mơ ước chuyến đi này. Chuyến đi đầu tiên của ông thất bại. Sau khi trải qua bao nhiêu gian khổ, ông phải trở về căn cứ trên bờ hồ Ontario, nới chính ông thiết lập khi xưa. Dù vậy, ông cũng không bỏ cuộc. Và bất kể lúc đó là mùa đông, ông và đoàn người vẫn đi thám hiểm. Lần này mọi việc đều tiến hành tốt đẹp. Đoàn thám hiểm dùng xuồng băng qua các hồ Erie, Huron tới cuối hồ Michigan. Tới đây họ đi bộ và dùng xe trượt tuyết kéo xuồng chuyển sang sông Illinois, xuôi theo dòng sông này rồi chuyển sang sông Mississippi. Khi vượt dòng sông này, họ nhận thấy càng đi về phía Nam thời tiết càng ấm áp hơn. Cuối cùng vào tháng tư năm 1682, đoàn người thám hiểm tới vịnh Mễ Tây Cơ. La Salle tuyên bố Pháp hoàng làm chủ vùng đại đồng bằng sông Mississippi chạy dài từ vùng Đại hồ tới vịnh Mễ Tây Cơ.

Điều không may là La Salle đã chết yểu. Đoàn người thám hiểm do chính ông hướng dẫn nổi giận sát hại ông vì ông bắt họ phải chịu đựng quá nhiều cực nhọc gian lao. Tuy nhiên, công cuộc thám hiểm của ông đã để lại những kết quả vô cùng quan trọng. Người Pháp đã tìm ra một thủy lộ ngăn đôi Bắc Mỹ. Họ nhân danh những người thám hiểm đồng hương của họ mà đòi quyền chiếm hữu giải đất mênh mông vĩ đại này.

*

* *
PHẦN BA



CÔNG CUỘC TÌM KIẾM CON ĐƯỜNG TẮT ĐI CHÂU Á ĐƯA ĐẾN VIỆC CHÚ Ý ĐẾN TÂN THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?
- Sự hiểu biết về địa lý châu Mỹ được gia tăng

Mới đầu người Âu Châu không muốn có Châu Mỹ, bởi vì họ muốn tới Viễn Đông và họ đã thăm dò tìm kiếm một con đường tắt thuận tiện xuyên qua hay vòng quanh Tân Thế Giới để đi đến Á Châu. Như chúng ta đã thấy là họ đã thất bại. Tuy nhiên, những công cuộc thám hiểm của họ đã mang lại rất nhiều kết quả lớn lao. Đó là những kiến thức mới chính xác về địa lý. Mỗi nhà thám hiểm mỗi khi đi đâu về đều vẽ những bản đồ và viết các bài tường thuật về những điều mà họ đã nhìn thấy tận mắt.

La Salle tới cửa sông Mississippi đúng 190 năm sau khi Columbus đặt chân lên San Salvador. Trong khoảng thời gian này sự hiểu biết về địa lý của loài người đã mở rộng rất nhiều. Để có cái nhìn rõ ràng hơn về bài này, chúng ta hãy nhìn vào hai bản đồ: bản đồ trang 17 cho ta thấy khi bắt đầu cuộc thám hiểm, người Âu Châu hiểu biết rất ít về địa cầu. Bản đồ trang 48b cũng trong sách này cho ta thấy rõ sự hiểu biết về Bắc và Trung Mỹ vào năm 1700. So sánh hai bản đồ này, chúng ta thấy rằng nhờ công cuộc tìm kiếm con đường tắt đi Châu Á, mà người ta hiểu biết rất nhiều về Tân Thế Giới.

- Đất đai thuộc về người khám phá

Ngoài sự khát khao tìm kiếm con đường tắt đi Châu Á, các nhà thám hiểm còn có một lý do khác thúc đẩy họ phải can đảm gánh chịu biết bao khổ cực hiểm nghèo. Đó là họ muốn cho đất nước họ trở nên hùng mạnh hơn bằng cách chiếm đất ở Tân Thế Giới. Lúc đó gần như có một quy luật là người thám hiểm của quốc gia nào nhìn thấy hay đặt chân lên vùng đất mới trước nhất thì quốc gia đó có quyền chiếm hữu vùng đất mới này. Chẳng hạn như khám phá ra sông Saint Laurence, Cartier đã nhân danh hoàng đế Francis I của nước Pháp mà đòi quyền chiếm hữu tất cả các đất đai vùng phụ cận con sông này. Ông đặt dấu hiệu để báo cho tất cả người qua lại biết rằng vùng đất này là của nước Pháp. Các quốc gia khác cũng gửi những người đi thám hiểm và cũng đòi quyền chiếm hữu đất đai như vậy cả. Cái quy luật “Ai tìm được, người ấy chiếm “finders, keepers” đã được các quốc gia Âu Châu áp dụng để quyết định phân chia đất đai ở Tân Thế Giới. Chúng ta hãy tìm hiểu xem quy luật ấy tiến hành ra sao?



- Những gì thuộc về ai?

Nhìn vào các công cuộc thám hiểm, ta thấy rằng Columbus và Magellan đã chèo thuyền vượt biển dưới ngọn cờ Tây Ban Nha. John Cabot và Martin Frobisher ra đi thi hành sứ mạng cho Anh Quốc. Verrazano, Cartier, Champlain, Marquette, Joliet và La Salle phục vụ cho Pháp quốc. Và Hudson thì thám hiểm cho cả Anh Quốc lẫn Hòa Lan. Nếu Châu Mỹ được phân chia theo công cuộc thám hiểm và quyền đòi chiếm hữu đất đai của các nhân vật trên đây thì mỗi quốc gia Âu Châu này sẽ làm chủ những vùng đất nào vào năm 1700?

Như vậy thì nước Pháp sẽ làm chủ một vùng đất vô cùng rộng lớn bao gồm từ bờ biển phía Bắc Đại Tây Dương chạy dài từ vùng Đại hồ xuôi theo dòng Mississippi tới tận cửa sông này ở vịnh Mễ Tây Cơ. Anh Quốc sẽ chiếm dải đất hẹp dọc theo duyên hải Bắc Đại Tây Dương từ tiểu bang Maine ngày nay tới tận Florida (vào năm 1700, Anh Quốc đã chiếm được vùng đất do Hòa Lan kiểm soát dọc theo sông Hudson) và sẽ đòi được chiếm một vùng rộng lớn chung quanh vịnh Hudson. Tây Ban Nha sẽ làm chủ nhân ông toàn thể phía Nam Bắc Mỹ (quốc gia này cũng lại đòi chiếm hầu hết Nam Mỹ). Chúng ta sẽ bàn tới những công cuộc thám hiểm của người Tây Ban Nha ở chương tới. Bản đồ trang 48b sẽ cho thấy sự phân chia Bắc Mỹ tiến hành theo chiều hướng này.

Các nhà thám hiểm can đảm trên đây đã thăm dò những vùng đất này nhưng vẫn không tìm được một thủy lộ đi tới phương Đông mà họ hằng theo đuổi. Tuy nhiên họ đã hoàn thành được một công trình khác còn quan trọng hơn nhiều. Họ đã làm cho Châu Âu không còn chú ý tới Châu Á nữa mà hướng nhìn về Tân Thế Giới. Họ đã cho các quốc gia Âu Châu thấy rõ cái lục địa vĩ đại để đến lập nghiệp. Người Âu Châu không còn coi Mỹ Châu như là một bức tường thành ngăn chặn đường đi của họ tới phương Đông. Họ bắt đầu chú ý tới Mỹ Châu. Trong các mục tới chúng ta sẽ bàn việc các quốc gia này trở nên thù nghịch vì công cuộc giành giật đất đai và của cải ở Tân Thế Giới.

*

* *



MỤC II

CÁC QUỐC GIA

ÂU CHÂU THIẾT LẬP CÁC THUỘC ĐỊA VÀ GIÀNH GIẬT QUYỀN KIỂM SOÁT TÂN THẾ GIỚI
Người ta thường nói cựu thế giới tìm ra tân thế giới. Đã hàng mấy trăm năm người Âu Châu biết rất ít về địa cầu. Biết bao nhiêu người suốt đời không đi khỏi nơi cha sinh mẹ đẻ của mình được vài dặm đường. Ngay cả các chiến sĩ trong đoàn quân chữ thập là những người đã đi xa mà cũng chỉ hiểu biết có Âu Châu và các vùng lân cận ở châu Phi và châu Á mà thôi. Nhưng tới đầu thế kỷ thứ 16 các nhà thám hiểm gan dạ đã tìm ra cả một thế giới mới ở Tây bán cầu.

Thế giới mới này ra sao? Người ta có thể tìm thấy những tài nguyên và của cải gì ở đây? Những quốc gia nào đã đòi quyền chiếm hữu Tân Thế Giới và đã trở nên giàu có và hùng mạnh? Trước hết, người Âu Châu biết rất ít tin tức và tài liệu về Mỹ Châu để trả lời những câu hỏi trên đây. Tuy nhiên, những câu chuyện do các nhà thám hiểm đi về kể cho họ nghe đã làm khuấy động tư tưởng của họ giống như chúng ta ngày nay lấy làm vô cùng thích thú khi hay tin các phi hành gia phiêu lưu lao mình vào trong không gian xa xăm ngoài tầng không gian.

Mục I đã nói về các nhà hàng hải và thám hiểm can trường ngày càng tìm ra nhiều vùng đất mới hơn ở Tân Thế Giới, nhất là ở Bắc Mỹ. Trong mục II này, chúng ta sẽ bàn tới số người Âu Châu đến Mỹ châu ngày một gia tăng. Thí dụ như chương III sẽ nói về người Tây Ban Nha tới Mỹ châu để chiếm đoạt của cải và quyền hành như thế nào. Kết quả là quốc gia Tây Ban Nha đã thiết lập được một đế quốc hùng mạnh bao gồm hầu hết Mễ Tây Cơ và Nam Mỹ. Đời sống trong lãnh vực đế quốc này trở thành đời sống pha trộn giữa phong tục tập quán của người Tây Ban Nha và của thổ dân da đỏ thuộc địa.

Chương 4 sẽ bàn về các thuộc địa Anh ở Tân Thế Giới vào giai đoạn mới thành lập và vào thời kỳ phát triển. Không giống như người Tây Ban Nha, người Anh đến Tân Thế Giới lập nghiệp là đi tìm nơi để hưởng một đời sống tự do hơn (ở quê nhà).

Chương 5 sẽ nói về đời sống ở 13 thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ.

Cuối cùng chương 6 cũng sẽ bàn về những vùng đất ở Bắc Mỹ mà người Pháp đến lập nghiệp. Chương này cũng sẽ bàn về sự tranh chấp giữa người Pháp và các thuộc địa Anh ngày càng trở nên dữ dội và hậu quả của cuộc tranh chấp này.

Tôi chưa hề thấy quốc gia nào đẹp hơn được, cả một cánh đồng cỏ mênh mông xanh rờn... Hươu nai lảng vảng khắp nẻo đường... Khí trời tươi mát... Và mỗi hòn đá mà chúng tôi nhặt lên nếu nó không giống như vàng thì cũng như bạc”. (SIR WALTER RALEIGH)
CHƯƠNG III

TÂY BAN NHA THIẾT LẬP ĐẠI ĐẾ QUỐC
Con tàu uy nghi tráng lệ treo cờ hoàng bạch Tây Ban Nha vượt Đại Tây Dương tiến về phía Đông. Từ đầu đến cuối tàu chỉ cao hơn mặt nước một chút ít và các lá buồm đều được trang trí bằng những bức tranh lộng lẫy tươi sáng. Trong chòi trên cột buồm, người thủy thủ bồn chồn băn khoăn canh chừng tàu cướp biển. Đây là chiến thuyền quý báu của hạm đội Tây Ban Nha chở đầy những của cải đem về chính quốc. Con tàu chứa đầy những vàng, bạc nén, đầy những trân châu và ngọc lục bảo. Đây quả là phần thưởng quý báu cho bất kỳ quân cướp biển liều lĩnh nào bất chợt nhìn thấy.

Phải chăng những của cải này là của Á Châu? Phải chăng người Tây Ban Nha đã tìm ra được con đường đi Viễn Đông? Con tàu chở đầy những hàng quý giá này đã khởi hành từ các thuộc địa của Tây Ban Nha ở Tân Thế Giới. Và chiếc tàu này chỉ là phần nhỏ của những của cải mà Tây Ban Nha hàng năm chuyên chở từ các thuộc địa về chính quốc.

Chương này chúng ta sẽ bàn về việc Tây Ban Nha thiết lập đại đế quốc ở Tân Thế Giới và quốc gia này đã trở nên giàu có đến nỗi các quốc gia Âu Châu khác phải thèm khát và ganh tỵ. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu về đời sống thuộc địa Tây Ban Nha ở Mỹ châu. Thí dụ như tại sao người Tây Ban Nha lại thiết lập nhiều cơ sở truyền giáo giống như nhà thờ tại các thuộc địa ở Trung và Nam Mỹ. Khi đọc chương này các bạn hãy tìm kiếm những câu trả lời cho các câu hỏi dưới đây:

1. Tây Ban Nha đã thám hiểm và chinh phục được nhiều đất đai ở Tân Thế Giới như thế nào?

2. Đời sống ở thuộc địa Tây Ban Nha tại Mỹ Châu ra sao?

3. Anh Quốc và các quốc gia Âu Châu khác đã đe dọa thế lực của Tây Ban Nha như thế nào?

*

* *
PHẦN MỘT



TÂY BAN NHA ĐÃ THÁM HIỂM VÀ CHINH PHỤC ĐƯỢC NHIỀU ĐẤT ĐAI Ở TÂN THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?
- Tây Ban Nha, quốc gia tiền phong tiến đến Tân Thế Giới

Các bạn còn nhớ Columbus đã khám phá ra vô số quần đảo ở vùng biển Caribbean như các đảo Cuba, Hispaniola, Puerto Rico, và nhiều hòn đảo khác. Mặc dầu ông tìm được rất ít vàng, nhưng ông tin chắc là những đảo mà ông đã tìm ra là ở ngoài khơi Á Châu khiến cho Tây Ban Nha gửi các tàu thuyền chở người và đồ tiếp liệu đến Mỹ châu để lập nghiệp. Ngay sau đó, càng ngày càng có nhiều người đến lập nghiệp và chiếm đất mở mang nông trại và phát triển thành các đồn điền. Các nhà mạo hiểm đã liều lĩnh và các chiến binh nghèo khó cũng đua nhau lũ lượt kéo tới Cuba với hy vọng làm giàu. Họ tìm thấy rất ít vàng ở hòn đảo này. Chỉ có mỗi một cách là mở mang nông trại hay chăn nuôi súc vật mới có thể trở nên giàu có được. Nhưng đối với những người hằng ước ao mau được giàu có lớn thì cách thức kinh doanh này quá chậm đối với họ. Cho nên những người phiêu lưu từ các vùng định cư này lại ra đi thám hiểm Tân Thế Giới. Do đó, các hòn đảo ở vùng biển Caribbean đã trở nên đầu cầu cho các nhà phiêu lưu tiến vào lục địa Mỹ Châu.



- Tân Thế Giới lôi cuốn nhiều người Tây Ban Nha

Nhiều người Tây Ban Nha rất hăng hái đến Tân Thế Giới. Vào thời kỳ này, giới thanh niên thượng lưu ở Tây Ban Nha cũng như những người khác thường “dĩ binh vi nghiệp” (chọn nghề lính). Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ thứ 16, quân đội Tây Ban Nha không phải là luôn luôn lâm chiến, và nhiều quân nhân lại muốn phiêu lưu để được trở nên giàu có. Đối với những người này, những vùng đất xa lạ ở Tân Thế Giới có sức quyến rũ mời đón họ đến. Như vậy sao những nhà quý tộc can đảm của Tây Ban Nha lại không liều mình đi tìm lấy danh thơm và của cải?

Chúng ta nên nhớ rằng người Tây Ban Nha rất mộ đạo. Họ tin rằng họ có bổn phận biến cải những người ngoại đạo theo Thiên Chúa giáo. Như vậy ta thấy rằng Tân Thế Giới không những chỉ là nơi đất hứa cho họ đến làm giàu mà còn là nơi để giúp họ đến thi hành sứ mạng cứu rỗi linh hồn những kẻ ngoại đạo. Cho nên các công tử con các nhà quý tộc, các chiến sĩ dũng cảm, cũng như các tu sĩ can trường của Tây Ban Nha ồ ạt kéo tới Tân Thế Giới để thi hành sứ mạng của giáo hội, đi tìm kiếm vàng cho hoàng đế nước họ, cũng như đi làm giàu cho chính họ.

Vì vậy, đôi khi người ta thường gọi các nhà thám hiểm Tây Ban Nha là những người đi chinh phục. Chúng ta sẽ tìm hiểu về những chuyến đi phiêu lưu của ba nhà thám hiểm Tây Ban Nha mà có lẽ các bạn có thể biết tên họ: Balboa, Cortés và Pizarro.



BALBOA KHÁM PHÁ RA THÁI BÌNH DƯƠNG

Một trong các nhà thám hiểm Tây Ban Nha này là Vasco Nunez de Balboa (gọi tắt là Balboa). Ông là một người cao lớn, kiêu căng tự phụ, và là một tay kiếm tuyệt vời. Ông còn là một chủ đồn điền ở Hispaniola, nhưng dòng máu phiêu lưu đã khiến cho ông không muốn an phận cuộc đời sung sướng. Ông thường được người da đỏ kể cho ông nghe nhiều câu chuyện về những vùng đất đầy những vàng là vàng. Người ta có thể tới vùng đất này (ngày nay gọi là nước Peru) bằng đường biển ở bên kia eo đất Panama. Balboa chụp ngay lấy cơ hội này để tạo lấy tiếng thơm cho chính ông. Ông liền viết thơ trình lên hoàng đế Ferdinand nước Tây Ban Nha, trong đó ông kể rõ về vùng đất này và xin nhà vua giúp đỡ. Dưới đây là một đoạn trong bức thư của ông:

“Trong các vùng sơn cước (ở Peru), các ông tù trưởng chất chứa ở trong nhà không biết bao nhiêu là vàng. Người ta bảo ... rằng các sông ngòi ở vùng sơn cước này chứa đầy những vàng, và rằng họ có biết bao nhiêu là đống kếch sù vàng...và người da đỏ nói rằng cách nơi họ ở ba ngày đường có một đại dương khác (Thái Bình Dương)... Họ nói rằng trong vùng bờ biển này dân chúng rất tử tế, và người ta nói với hạ thần rằng- Đại dương đó rất thuận tiện cho việc lưu thông bằng thuyền, vì biển đó rất yên lặng và không bao giờ có sóng lớn như đại dương ở phía bên này...Người ta còn nói rằng có những viên ngọc lớn, các ông tù trưởng có hàng nhiều thúng vàng như...Điều không có gì bằng là được Chúa xếp đặt cho Hoàng thượng làm chủ tế cõi đất này”.

Lời lẽ trong thư thật là khôn ngoan. Xuyên qua lá thư trên đây, chúng ta thấy rằng Balboa biết rất ít về vùng này, vì hầu hết những câu văn trong bức thơ trên, ông đều bắt đầu bằng chữ “Người ta nói rằng” (they said or it is said). Hoàng đế Tây Ban Nha hình như cũng biết như vậy, cho nên trong lá thư trả lời Balboa, mặc dầu đã hết sức khen ngợi Balboa, nhưng nhà vua đã từ chối không chịu giúp đỡ ông. Nếu Balboa muốn đi đến Peru thì ông phải đi bằng “phương tiện riêng của ông”.

- Balboa vượt eo đất Panama

Vào một ngày tháng chín năm 1513, Balboa cùng với hai trăm người Tây Ban Nha khởi hành đi từ bờ biển phía bên này (Đại tây dương) eo đất Panama. Đoàn người được võ trang bằng cung, nỏ, kiếm và súng ngắn. Đi theo họ có hàng trăm nô lệ da đỏ (dân bản địa). Bản đồ trang 55b cho ta thấy đoạn đường mà họ đi xét ra không lấy gì làm xa lắm, nhưng thật là vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Nào là đầy những rắn độc, đỉa, vắt, muỗi mòng, sâu bọ. Nguy hiểm nhất là thổ dân rất thù nghịch. Những cây dây leo đầm lầy trong rừng nhiệt đới đã khiến cho đoàn người chỉ đi được chừng một hay hai dặm mỗi ngày.

Cuối cùng, Balboa và đoàn người đi tới một dãy núi cao, và từ đó những người da đỏ đi theo hướng dẫn chỉ cho họ nhìn thấy “cái đại dương bên kia” ở về phía Nam. Ngay khi tới đỉnh dãy núi này, Balboa hạ lệnh cho đoàn người dừng lại để chờ. Mình ông leo lên chỗ cao dốc nhất và từ đó ông có thể thấy một giải nước mông mênh, chiếu sáng lung linh. Ông vội vã kêu đoàn người đến để cùng nhìn “cái đại dương mông mênh này”. Chính đoàn người này là những người da trắng đầu tiên từ trên bờ biển Tân Thế Giới nhìn thấy Thái bình dương.

- Balboa tuyên bố Tây Ban Nha làm chủ Thái bình dương

Bốn ngày sau, đoàn người tới tận Thái Bình Dương.Với ngọn cờ Tây Ban Nha phất phới trong gió nhẹ, Balboa vừa rút kiếm vừa bước xuống biển và tuyên bố rằng biển này và các vùng đất bao quanh nó là thuộc của vua nước ông. Ông đặt tên cho vùng biển này là biển Nam, vì nó nằm ngay ở phía Nam đối với nơi mà ông khởi hành chuyến đi (xem bản đồ trang 55b). Mãi tới chuyến đi của Magellan, biển này mới được đặt tên là Thái bình dương, như ngày nay chúng ta thường gọi.

Balboa đem tin khám phá trở về. Ông dự trù một kế hoạch vượt biển Nam (Thái bình dương) để đi tìm vàng. Nhưng vị Thống đốc mới cũng như những người Tây Ban Nha khác ở Panama đã ganh tỵ với ông và ngăn không cho ông thi hành kế hoạch đi tìm vùng đất đầy những vàng mà ông đã viết thư trình lên hoàng đế Tây Ban Nha. Cuối cùng, nhà thám hiểm bất hạnh Balboa bị tố cáo là phản bội và bị xử tử.

HERNANDO CORTÉS CHINH PHỤC MỄ TÂY CƠ

Không phải chỉ có Balboa là người Tây Ban Nha được nghe những câu chuyện về những vùng đất đầy vàng này. Những đi biển đã đặt chân tới vùng bờ biển của lục địa đối diện với Cuba đều kể lại về vùng đất vĩ đại ở phía Bắc và phía Tây (Mễ Tây Cơ), nơi mà người ta tìm thấy rất nhiều vàng, bạc, châu báu. Họ nói rằng có một bộ lạc văn minh người da đỏ gọi là Aztecs sinh sống ở vùng này. Tất cả các bộ lạc kế cận đều phải triều cống hoàng đế của người Aztecs. Vị thống đốc ở Cuba quyết định kiểm soát các câu chuyện này. Ông dự định gửi một đoàn thám hiểm đi vùng đất đầy vàng để biến cải những người da đỏ theo Thiên Chúa giáo, và có lẽ là để đi khám phá cái kho tàng quý báu ở nơi này.

- Cortés đi Mễ Tây Cơ

Viên Thống đốc Cuba chọn một quân nhân đầy tham vọng tên là Hernando Cortés cầm đầu đoàn thám hiểm. Lúc bấy giờ Cortés vào khoảng 33 tuổi. Ông có đôi mắt sáng và phong độ vui vẻ hòa nhã. Vốn là con nhà quý tộc nghèo người Tây Ban Nha, năm 19 tuổi, ông từ giã quê nhà đi Tân Thế Giới lập nghiệp. Ông đã từng phục vụ trong quân đội Tây Ban Nha và đã từng tham dự các chiến dịch dẹp loạn người da đỏ ở Cuba. Sau này ông trở nên một chủ nhân giàu có nhờ khai phá đồn điền. Giống như Balboa, ông rất ham thích phiêu lưu cho nên ông cảm thấy rất hân hoan sung sướng được là người cầm đầu đoàn thám hiểm này.

Cortés rời Cuba vào đầu năm 1519 cùng với 15 chiếc tàu, 600 thủy thủ, vài ba nhà truyền giáo, một số ngựa và một nhóm người nô lệ hay công nhân da đỏ. Hạm đội Tây Ban Nha đổ bộ vào Mễ Tây Cơ, nơi mà ngày nay gọi là thành phố Veracruz, và Cortés chiếm đóng vùng này cho Tây Ban Nha. Tiếp xúc với thổ dân ở vùng này, ông được hiểu rõ hơn về dân Aztecs và hoàng đế Moctezuma của họ.



tải về 2.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương