* howard b. Wilder robert p. Ludlum harriett mc. Cune brown


- Đời sống ở Jamestown rất là khó khăn cơ cực



tải về 2.16 Mb.
trang7/33
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích2.16 Mb.
#9902
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   33

- Đời sống ở Jamestown rất là khó khăn cơ cực

Những người này quả là vô cùng can đảm khi họ phải rời bỏ quê hương và vượt hàng ba ngàn dặm biển để đến một nơi hoang vu xa lạ lập nghiệp. Biết bao nhiêu gian nan, cực nhọc, hiểm nguy đang chờ đợi họ cho nên họ cần phải can đảm và vững chí kiên gan. Nhiều người lâm bệnh vì uống nước sông, và bị sốt rét vì phải sống trong vùng ngập nước đầy muỗi mòng. Dân da đỏ thù nghịch luôn luôn rình rập ở trong rừng để chờ dịp tấn công họ.

Trong những ngày đầu thực phẩm thì khan hiếm, trong khi đó phần lớn những người đi định cư lại dùng thời giờ để đi đào vàng thay vì phải trồng trọt canh tác. Nhiều người không quen với công việc nặng nhọc. Họ tự cho họ không phải là hạng người lao động bằng chân tay. Vì thế vấn đề thực phẩm của dân đi khai phá định cư này hoàn toàn tùy thuộc vào thịt chim và thú rừng. Đồ tiếp liệu từ Anh quốc thì hiếm hoi và họ chỉ có thể mua được các loại bắp mà người da đỏ sản xuất mang tới. Vào mùa thu đầu tiên, chỉ còn vỏn vẹn một phần ba số người sống sót so với số người lúc đầu mới đặt chân tới.

­- John Smith trở thành vị chỉ huy

Nếu không có nỗ lực của đại úy John Smith thì rất có thể cái làng định cư nhỏ bé này đã bị hủy diệt hoàn toàn trong những năm đầu ấy. Chính đại úy John Smith thấy rõ sự cần thiết phải thiết lập các công sự phòng thủ chống lại người da đỏ. Ông rất cứng rắn trong việc thương thảo với người da đỏ và buộc họ phải tôn trọng thuộc địa mới này. Ông cũng nhấn mạnh rằng mọi người đều phải làm việc và phải dùng bắp để làm thực phẩm, chứ không phải dùng thì giờ để đi đào vàng. Ông đặt ra chính sách “không làm thì không có ăn”. Ngay cả những người lười cũng phải làm, nếu không thì nhịn đói. Nhưng chẳng may vào đầu tháng chín năm 1609, đại úy Smith bị cháy phỏng nặng vì một vụ nổ thuốc súng. Ông phải trở về Anh để điều trị và cũng là để tránh một vài tranh chấp ác liệt với những người đi khai phá định cư. Và rồi ông cũng chẳng bao giờ trở lại Virginia nữa.



- Jamestown được cứu vãn

Sau khi đại úy John Smith ra đi, Jamestown trải qua những ngày đen tối. Mùa đông năm 1609-1610, thực phẩm khan hiếm đến nỗi người ta gọi lúc đó là thời kỳ chết đói. Tới mùa xuân thì chỉ còn lại có 60 người sống sót và họ sẵn sàng bỏ cuộc để trở về Anh quốc. Nhưng ngay khi họ tới cửa sông thì họ gặp một đoàn tàu mang đồ tiếp liệu và chở thêm những người khai phá mới tới. Vô cùng phấn khởi, họ lại trở về làng định cư cũ. Jamestown đã được cứu vãn.



- Jamestown trở nên vững mạnh hơn

May mắn thay những cuộc tranh chấp dữ dội của những năm đầu ở Jamestown không tái diễn. Làng định cư bé nhỏ dần dần trở nên vững mạnh hơn. Dần dần có thêm những người từ Anh quốc đến lập nghiệp. Trong đám những người mới đến này, có những thợ mộc rất khéo và những người buôn bán rất giỏi. Những người định cư vào những năm đầu ở Jamestown hoàn toàn là những đàn ông con trai. Nhưng năm 1619, một chuyến tàu chở phụ nữ Anh tới định cư. Bây giờ thì những đàn ông con trai này có thể lập gia đình.

Một trong những người định cư đầu tiên tên là John Rolfe đã được người da đỏ chỉ cho biết cách sản xuất thuốc lá ngon. Cây thuốc lá này thật xa lạ đối với người Âu châu cho đến khi người da đỏ chỉ cho họ biết. Sau khi đó, khói thuốc này trở nên quen thuộc ở Anh, cho nên dân định cư ở Jamestown thấy dễ dàng bán tất cả thuốc lá mà họ sản xuất được. Sau cùng, thuộc địa này trở nên phồn thịnh và cần nhiều công nhân để trồng thuốc lá. Nhiều công nhân da trắng được du nhập để đáp ứng cho nhu cầu. Cũng vào lúc này, một chiếc tàu Hòa Lan chở đầy những người Negro từ bờ biển Phi châu tới Jamestown. Những người Negro này tỏ ra rất đắc lực trong việc trồng trọt thuốc lá. Những nông trại nhỏ đã biến mất nhường chỗ cho các đồn điền lớn. Thuộc địa được mở mang ra ngoài lãnh vực của Jamestown, và trở thành vùng mà chúng ta biết là Virginia.

- Dân định cư được ban quyền tham kiếm trong chính quyền

Jamestown lúc khởi đầu là một thuộc địa của công ty London, và có một thời, Jamestown được cai trị bởi một nhóm người do công ty này chỉ định. Tuy nhiên, vào năm 1619, khi Jamestown được 12 tuổi thì dân định cư được phép cử đại diện vào cơ quan lập pháp của thuộc địa.

Nhóm người này được gọi là nhân viên viện đại biểu thị xã (House of Burgesses). Dân định cư bấy giờ có thể tham dự vào chính quyền.

Chế độ mà dân chúng có thể chọn người đại diện làm luật cho họ thì gọi là có chính phủ đại diện. Việc thành lập viện đại biểu thị xã vào năm 1619 là một việc rất quan trọng vì nó đã phát khởi một tư tưởng chính phủ đại diện hay chính phủ tự trị ở các thuộc địa Anh quốc.

Jamestown là một làng định cư thành công đầu tiên của Anh trong Hiệp Chủng Quốc ngày nay. Hàng trăm năm kế tiếp theo đó, 12 thuộc địa khác của Anh cũng được thành lập dọc theo bờ biển Đại Tây dương. Để cho câu chuyện về việc thành lập các thuộc địa này trở nên dễ dàng hơn, chúng ta chia những thuộc địa này làm ba nhóm:

1. - Nhóm thuộc địa miền Tân Anh.

2. - Nhóm thuộc địa miền Nam.

3. - Nhóm thuộc địa miền Trung.

*

* *
PHẦN BA



CÁC THUỘC ĐỊA MIỀN TÂN ANH ĐÃ ĐƯỢC THÀNH LẬP

NHƯ THẾ NÀO?
NHIỀU LÀNG ĐỊNH CƯ ĐƯỢC THIẾT LẬP Ở MASSACHUSETTS

Đồng thời với nhóm người lập nghiệp đầu tiên định cư ở Jamestown, một nhóm người Anh khác di chuyển đến thành phố Layden ở Hòa Lan. Những người này là những người dân dã tầm thường gồm những thanh niên phụ nữ đã từng mong mỏi ly khai khỏi giáo hội Anh để được tự do thờ phượng theo ý muốn. Vì lý do trên đây mà người ta gọi họ là những người ly khai. Ở Anh quốc họ bị ngược đãi nên họ trốn sang Hòa Lan. Nhưng ở Hòa Lan họ cũng chẳng được sung sướng gì. Ngôn ngữ, phong tục và dân chúng Hòa Lan tất cả rất xa lạ với họ. Những người Anh lang thang mất quê hương này (về sau người ta gọi là người Pilgrim) không muốn con cái họ quên mất gốc và lề lối của người Anh. Vốn là những người chuyên sống ở đồng quê để canh tác, họ không thích làm việc ở thành phố. Cho nên họ quyết định đi tìm quê hương mới ở Mỹ châu.



- Người Pilgrims đi Mỹ châu

Một số người trong nhóm họ trở về Anh quốc để tiến hành việc thiết lập kế hoạch cho cuộc phiêu lưu mới. Khi đó lại có nhóm người ly khai khác cũng muốn rời bỏ Anh quốc để hợp tác với họ. Là những người nghèo nên họ cần được trợ giúp để trang trải cước phí và các đồ cần dùng. Một công ty mậu dịch đồng ý trợ giúp họ về vấn đề này. Đổi lại, người Pilgrims đồng ý sẽ làm việc cho công ty một thời hạn là 7 năm. Trong thời gian 7 năm này, họ chỉ được hưởng những gì cần thiết cho hàng ngày thôi. Còn ngoài ra tất cả những gì họ sản xuất được đều thuộc về công ty.

Tháng 9 năm 1620, đoàn người Pilgrims từ hải cảng Plymouth Anh quốc bước lên chiếc tàu buồm bé nhỏ Mayflower vượt biển. Tất cả có 102 người. Cơn bão lớn ở ngoài khơi Đại tây dương đã thổi dạt con tàu Mayflower xa hẳn về phía Bắc, nơi mà họ định đi tới định cư. Cuối cùng, vào tháng 11 năm 1620, tàu Mayflower đến bỏ neo ở một nơi an toàn mà ngày nay gọi là Massachusetts. Tuy đến nơi an toàn rồi nhưng họ lại gặp một vấn đề rắc rối. Đó là hiến chương do nhà vua cho phép họ đến lập nghiệp ở vùng đất do công ty London làm chủ ở Virginia. Họ không tới đó mà lại tới vùng đất ngoài phạm vi của công ty London. Họ phải giải quyết ra sao?



- Người Pilgrims thiết lập chính quyền

Trước khi rời tàu Mayflower lên bờ định cư, một số người tập trung trong căn phòng nhỏ bé thảo luận về những gì cần phải làm. Vì chỗ đất mới này không đúng với nơi do nhà vua chỉ định cho họ đến lập nghiệp nên họ quyết định tự đặt ra kế hoạch để điều hành quản trị công việc chung của họ. Sau khi suy nghĩ về cuộc sống mà họ hằng mong mỏi và theo đuổi, họ cùng đi đến một thỏa hiệp, theo đó họ nói:

“Nhân danh Thượng đế, Amen, chúng tôi là những người ký tên dưới đây…đảm trách… một chuyến đi lập nghiệp tại khu đất đầu tiên ở vùng phía Bắc Virginia… long trọng thỏa thuận ban hành… những luật lệ công bằng và bình đẳng…như chúng tôi đã cho rằng là tốt nhất cho quyền lợi chung của cả cộng đồng thuộc địa, theo đó chúng tôi hứa tất cả… sẽ tuân hành”.

Thỏa hiệp quan trọng này về sau được gọi là thỏa hiệp Mayflower. Sau đó, họ bầu lên một vị thống đốc và đặt ra các luật lệ. Sau này, khu định cư ngày càng trở nên rộng lớn, họ bầu các đại biểu vào một hội đồng. Giống như ở Jamestown, chính quyền tự trị khởi đầu ở đây thể hiện rõ đời sống thuộc địa Anh lúc ban đầu.



- Người Pilgrims định cư ở Plymouth

Đoàn người đổ bộ lên vùng bờ biển hoang vắng và đặt tên cho làng định cư của họ là Plymouth. Họ phải sống trong cảnh lo phiền, thiếu thốn và phải đương đầu với biết bao hiểm nguy. Dưới đây ta hãy đọc ít dòng do một trong những người lãnh đạo của họ viết:

“Không một người bạn chào đón. Không một quán trọ để giải trí hay giải khát cho những người sạm nắng phong sương. Không một căn nhà, và đô thị lại càng không có để trú chân hay cầu mong giúp đỡ… Còn về thời tiết thì bây giờ là mùa Đông, mà mùa Đông ở xứ này thì lạnh ghê gớm và thường có những gió bão dữ dội. Đi đến các nơi đã biết rõ cũng là nguy hiểm, và như vậy đi thăm dò một vùng bờ biển xa lạ thì lại càng nguy hiểm hơn. Ngoài những nơi vắng vẻ hoang vu đầy những thú rừng và lũ người man rợ, không còn thấy gì khác hơn nữa. Và còn biết bao nhiêu thứ ghê gớm khác nữa mà họ không biết”.

Trong vài tháng sau đó, hơn một nửa đoàn người ít ỏi này đã lìa đời vì đói lạnh và bệnh tật. Nhưng khi mùa xuân tới, những người còn sống sót quyết định thà ở lại nơi đất mới này còn hơn trở về Anh quốc. Mặc dầu phải gánh chịu những gian khổ, nhưng ở đây có quyền tự trị và được tự do thờ phượng theo ý muốn.

Ngày tháng trôi qua, đời sống ở Plymouth ngày càng trở nên dễ chịu hơn. Những người da đỏ thân hữu chỉ dẫn họ cách săn bắn, đánh cá và trồng bắp. Dưới sự lãnh đạo của Thống đốc William Bradford, cuối cùng họ trả được hết nợ cho nhà buôn London và được quyền chiếm đất để canh tác sinh nhai. Dần dần với thời gian, thuộc địa Plymouth ngày càng trở nên vững mạnh hơn, dù rằng thuộc địa này chẳng bao giờ trở nên rộng lớn.

- Người Thanh giáo đến định cư ở Massachusetts Bay

Chẳng bao lâu vùng định cư Plymouth có một nhóm khác đến định cư ở ngay vùng kế cận. Đó là những người Anh theo đạo Thanh giáo đến định cư ở vùng Massachusetts Bay. Người Thanh giáo không muốn ly khai khỏi giáo hội Anh như những người ly khai (Pilgrims) trước kia đã làm, nhưng họ muốn cải cách hay là thanh lọc giáo hội Anh. Không giống như những người ly khai trước đây vì tôn giáo mà bị chính quyền Anh ngược đãi, hầu hết những người Thanh giáo là những người Anh thuộc thành phần giàu có và giới trung lưu. Một số người vốn đã ở trong công ty mậu dịch Massachusetts Bay. Công ty này được Anh hoàng ban cấp đất đai và một bản chiếu chỉ ban đặc quyền. Họ nói rằng nếu những người ly khai đã thành công trong việc thiết lập làng định cư ở Tân Thế Giới thì họ cũng có thể thành công như người ly khai vậy. Họ tự hỏi tại sao họ không mua hết những cổ phần của những người nào trong công ty mà không đi Mỹ châu để họ có thể đem toàn công ty Massachusetts Bay và bản đặc quyền do nhà vua ban cấp cho để họ vượt Đại Tây dương đến Massachusetts? Và đó là những điều mà họ phải làm.



- Người Thanh giáo tới Boston

Mùa xuân năm 1630, 11 chiếc tàu chở đầy những người đi khai phá giã từ nước Anh tiến về miền Tân Anh. Ông John Wimthrop, một nhân vật Thanh giáo quan trọng, được chọn làm thống đốc của thuộc địa. Vì lúc đó dân Thanh giáo ở Anh bị ngược đãi hơn bao giờ hết nên việc tuyển mộ dân đi khai phá lập nghiệp ở Mỹ châu không gặp khó khăn gì cả. Cho tới gần mùa thu năm đó, tính ra có tới 2000 thanh niên, phụ nữ và trẻ em đến lập nghiệp ở Boston hay ở vùng gần bên.

Trong suốt 10 năm theo đó, mặc dầu có thêm nhiều người đến lập nghiệp, dân Thanh giáo tại đây phải khổ cực vật lộn để mưu sinh trong vùng đất sỏi đá ở miền Tân Anh. Mùa đông ở đây lạnh vô cùng, và nhiều người đã chết vì bệnh tật. Tuy nhiên, họ là những người khỏe mạnh, can đảm, và những người lãnh đạo của họ lại là những người có tài. Chẳng bao lâu họ thiết lập được nhà máy xay, nhà máy cưa và các cơ xưởng sản xuất các đồ nhật dụng. Dân thuộc địa bắt đầu xúc tiến giao thương mạnh mẽ với Anh quốc. Họ mang da thú, cá, gỗ bán đi và mua về những hàng hóa cần thiết.

- Massachusetts Bay và Plymouth hợp nhất

Vì ngay từ lúc mới lập làng định cư, Massachusetts Bay đã có nhiều người hơn làng định cư Plymouth nên sau đó làng định cư Massachusetts đã phát triển mau lẹ hơn nhiều. Năm 1691, hai làng định cư này hợp nhất lại và được gọi là Massachusetts. Từ đó, Plymouth chẳng bao giờ còn được coi như là một trong 13 thuộc địa nữa.



- Người Thanh giáo không chấp nhận tự do tín ngưỡng của người khác

Thật là kỳ lạ khi người Thanh giáo đến Massachusetts là để được tự do thờ phượng theo ý muốn, nhưng lại không để cho người khác hưởng quyền tự do này. Những người không thuộc giáo hội Thanh giáo có thể được sống ở làng định cư Massachusetts Bay nếu họ chịu tuân hành theo những luật lệ khắt khe của người Thanh giáo, nhưng họ không có quyền tham dự chính quyền. Họ phải đóng thuế để đóng góp cho giáo hội Thanh giáo nhưng họ không được phép phê bình hay chỉ trích giáo hội. Như các bạn đã biết, trong đám những người Thanh giáo cũng không có tự do tín ngưỡng thật sự. Tư tưởng tự do tín ngưỡng của người khác hay lòng khoan dung về tôn giáo chưa bao giờ được nghe thấy ở Boston vào cái thuở ban đầu đó.

NHIỀU LÀNG ĐỊNH CƯ KHÁC ĐƯỢC THÀNH LẬP Ở MIỀN TÂN ANH

- Việc thành lập Rhode Island

Luật lệ khắt khe của người Thanh giáo ở Massachusetts Bay đã khiến cho một số người rời bỏ nơi này để đi khởi lập ở những miền định cư khác ở Tân Anh. Thí dụ như ngay sau khi làng định cư Massachusetts Bay được thành lập, một vị mục sư trẻ tên là Roger Williams bắt đầu rao truyền tư tưởng không thích các nhà lãnh đạo Thanh giáo. Ông nói rằng người da trắng không có quyền làm chủ những đất đai mà họ đã khai phá và định cư ngoại trừ họ đã mua những đất đai này của người da đỏ. Ông cũng khẳng định rằng mọi người đều có quyền tự do thờ Chúa theo ý mình muốn.

Các nhà lãnh đạo Thanh giáo thù ghét tư tưởng này ghê gớm đến nỗi họ quyết định gửi trả Roger Williams về Anh quốc. Hay biết được quyết định này của họ, Roger Williams liền trốn khỏi làng định cư Massachusetts Bay vào mùa đông năm 1636. Ông được người da đỏ giúp đỡ và coi ông như người bạn của họ. Ông đi lang thang từ làng này đến làng khác và đi dần về phía Nam cho tới gần bờ biển vịnh Narragansett. Ông cùng với 5 người bạn dừng lại lập nghiệp ở đây, nơi mà ngày nay gọi là thành phố Providence. Nhiều người cũng đến gần đó sinh sống, đúng vào khi làng định cư này trở thành thuộc địa Rhode Island.

Dân ở Rhode Island không đồng ý với nhau về nhiều vấn đề nhưng họ cùng tin tưởng mạnh mẽ rằng mọi người ai cũng có quyền tự do thờ phượng Thượng đế theo ý mình muốn. Lần đầu tiên dân của thuộc địa ở Mỹ châu cho phép người ta được tự do tín ngưỡng. Dần dần tư tưởng tự do tín ngưỡng cũng như tự do tự trị được các thuộc địa khác chấp nhận.



- Dân định cư ở Massachusetts đến lập nghiệp ở Connecticut và New Hamsphire

Không phải chỉ có dân Rhode Island là những người rời bỏ làng định cư ở Massachusetts Bay đi lập nghiệp ở nơi nào mà họ có thể sống cuộc đời tự do và tốt đẹp hơn. Mục sư Thomas Hooker ở Massachusetts Bay cũng có một số tín hữu muốn tự do thờ phượng theo ý muốn. Họ cũng nghĩ rằng họ cũng có thể tìm được một mảnh đất tốt đẹp hơn để canh tác. Cũng vào năm 1636, khi mà Roger Williams khởi sự lập nghiệp ở Providence thì Hooker và các tín hữu của ông rời bỏ Massachusetts. Đoàn người này mang theo gia súc và những đồ vật dụng nào mà họ có thể mang đi được tiến về phía Tây băng qua vùng hoang dã đi tới con sông to lớn tên là Connecticut. Đoàn người của ông Hooker và các người khác từ Massachusetts đến thành lập những làng ở Hartford, Windsor và Wethersfiled. Lại còn một nhóm người khác cũng vì tự do thờ phượng mà đến thành lập một trung tâm mua bán ở New Haven. Sau nhiều năm các làng định cư ở vùng này hợp nhất lại thành một vùng định cư duy nhất mà sau này gọi là thuộc địa Connecticut.

Trong khi đó nhiều người từ Anh quốc tới thành lập nhiều làng định cư nhỏ ở phía Bắc làng định cư Massachusetts Bay. Những người định cư mạo hiểm từ Massachusetts Bay kết hợp với nhóm người từ Anh quốc mới tới khởi đầu việc hình thành thuộc địa New Hamsphire.

*

* *


PHẦN BỐN

NHỮNG THUỘC ĐỊA NÀO Ở MIỀN NAM ĐƯỢC THÀNH LẬP
Cũng trong chương này, trước đây đã nói về một làng định cư ở miền Nam, thuộc địa Virginia. Dưới đây là những thuộc địa miền Nam khác.

Như chúng ta đã biết, các vị Anh hoàng đôi khi ban cấp hàng giải đất rộng lớn cho các nhà quý tộc, và sau này các nhà quý tộc đó đã trở nên chủ nhân ông các vùng đất mênh mông này. Các ông chủ này ít khi đi tới châu Mỹ, nhưng họ vẫn nắm quyền kiểm soát các vùng đất mà nhà vua ban cho họ. Họ thiết lập các khu định cư, chia cắt thành từng mảnh cho những người đến lập nghiệp định cư. Các vùng định cư được thiết lập theo kiểu này về sau được mệnh danh là thuộc địa của các nhà điền chủ (preprietery Colonies). Maryland là thuộc địa đầu tiên trong các thuộc địa của các nhà điền chủ.



- Maryland ban hành quyền tự do tín ngưỡng

Năm 1634 hai chuyến tàu chở đầy những người đi lập nghiệp đổ bộ vào vùng gần cửa sông Potomac. Tại đây, họ thành lập một làng định cư gọi là St. Mary’s. Họ là những người từ Anh quốc đến để định cư ở vùng đất do Anh hoàng ban cấp cho nhà quý tộc Baltimore. Baltimore là một người công giáo nhiệt thành. Ông không những mong muốn kiếm tiền bạc mà còn hy vọng cung cấp nơi nương thân cho những người công giáo hằng mơ ước mong được thờ phượng theo ý muốn. Tuy nhiên như thế không có nghĩa là chỉ có người công giáo mới có thể đến lập nghiệp sinh sống ở thuộc địa này.

Nhiều người đi lập nghiệp kéo đến Maryland sinh sống ngay sau khi thuộc địa Maryland được thành lập. Nhiều thị trấn khác được thành lập trong đó có cả thị trấn Baltimore. Hầu hết dân trong thuộc địa Maryland là các nhà nông. Những người giàu có hơn và những người có công đem những người khác đến định cư ở Maryland đều có thể được hưởng một số ruộng đất rộng lớn. Những người kém may mắn hơn có thể mua những nông trại nhỏ. Ngoài việc phải trả tiền đất, họ phải trả thêm một ít tiền thuế cho vị điền chủ thuộc địa.

Lúc đó, những người công giáo ở thuộc địa này ít hơn so với người thuộc các tôn giáo khác. Năm 1649, nhờ sự khuyến khích của vị điền chủ thuộc địa, một đạo luật được gọi là “luật khoan dung” được thông qua. Đạo luật này khẳng định rằng không một người theo đạo Thiên Chúa nào có thể bị ngược đãi vì tín ngưỡng. Nhờ đạo luật khoan dung này mà cả những người công giáo lẫn người tin lành đều được tự do thờ phượng theo ý muốn. Đạo luật khoan dung là một bước tiến quan trọng khác về tự do tín ngưỡng trong các thuộc địa.



- Các ông chủ thiết lập các thuộc địa Carolinas

Phía Nam thuộc địa Maryland là Virginia, và phía Nam thuộc địa Virginia là một giải đất rộng mênh mông, nơi mà Anh hoàng Charles II đã ban cấp cho một nhóm quý tộc. Họ đặt tên cho vùng đất này theo tên vua Charles II nhưng theo chữ Latin là Carolinas. Vào năm 1670, nhóm người được các vị điền chủ vùng đất này gửi đến để thành lập một làng nhỏ gọi là Charles Town (sau này gọi là Charleston) cũng đặt theo tên Anh hoàng (nhưng bằng chữ Anh). Ngay cả trước những năm thành lập làng định cư này, đã có nhiều người từ Virginia kéo đến định cư ở vùng phía Bắc Carolina.

Lúc đó, thuộc địa này tách ra làm hai. North Carolina bao gồm các làng định cư do những người từ thuộc địa Virginia đến thành lập. South Carolina gồm Charles Town và các làng định cư lân cận (xem bản đồ trang 92). Đặc biệt là South Carolina phát triển nhanh chóng. Đất đai phì nhiêu và khí hậu ấm áp rất thuận lợi cho việc trồng trọt thuốc lá. Về sau, lúa gạo cũng trở nên loại cây mùa quan trọng. Nhờ có các công nhân da trắng cũng như dân nô lệ da đen nên các đồn điền rộng lớn phát triển dễ dàng. Hải cảng Charles Town thuận lợi đã giúp cho việc giao thương với Anh quốc được dễ dàng.

- James Oglethorpe thành lập xứ Georgia

Giữa South Carolina và Florida của Tây Ban Nha là một giải đất rộng lớn từ lâu chưa được khai phá. Sau cùng, có một người tên là James Oglethorpe đến lập một làng định cư ở đây. Thuộc địa này được thành lập vì hai nguyên do chính:

1. Người Anh rất nôn nóng ngăn chặn sự mở rộng các làng định cư của người Tây Ban Nha ở Florida lấn đến vùng Bắc Florida. Đem người Anh đến định cư ở phía Nam Carolina có thể ngăn chặn được người Tây Ban Nha khỏi đến vùng này.

2. Oglethorpe rất quan tâm đến những người bất hạnh hiện đang nằm trong các nhà tù của người Anh chỉ vì họ không thể trả nợ hay vì đã vi phạm những tội lặt vặt không quan trọng. Ông hy vọng sẽ giúp cho những tù nhân bị đối xử tàn nhẫn này một cơ hội lập lại cuộc đời. Ông và một số người khác được Anh hoàng cho thiết lập các làng định cư ở vùng này.

Mãi tới năm 1733 Oglethorpe mới mang được 100 người từ Anh quốc tới lập nghiệp. Họ thiết lập một làng gọi là Savannah. Họ đặt tên cho thuộc địa là Georgia theo tên Anh hoàng George II. Sau đó có nhiều người Anh quốc đến lập nghiệp và định cư tại đây nhưng thuộc địa này vẫn phát triển chậm chạp. Giống như ở Bắc và Nam Carolina, hầu hết thuộc địa Georgia có những nông trại lớn hay các đồn điền.

*

* *
PHẦN NĂM



CÁC THUỘC ĐỊA MIỀN TRUNG ĐƯỢC THÀNH LẬP

NHƯ THẾ NÀO?
Giữa miền Tân Anh và các thuộc địa miền Nam có một nhóm các làng định cư khác cũng đang được phát triển gọi là các thuộc địa miền Trung. Không phải tất cả những thuộc địa này đều được khởi lập như các làng định cư của người Anh cả. Nếu các bạn nhìn vào bản đồ trang 101b các bạn sẽ thấy là lưu vực sông Hudson lúc đầu do người Hòa Lan đến định cư. Chắc các bạn còn nhớ là ông Henry Hudson đã khám phá ra con sông này khi ông dùng thuyền buồm vượt biển đi thám hiểm cho người Hòa Lan, và ông đã tuyên bố Hòa Lan có quyền làm chủ vùng đất này.

- Người Hòa Lan thành lập Tân Hòa Lan

Vào đầu thập niên 1620, người Hòa Lan thiết lập một làng định cư gọi là Tân Amsterdam. Họ đã đổi một số hàng hóa đáng giá 24$ cho người da đỏ để lấy hòn đảo Manhattan. Đồng thời, người Hòa Lan cũng chiếm toàn thể lưu vực sông Hudson, và các làng định cư được mở rộng từ Tân Amsterdam đến tận đồn Fort Orange, nơi mà ngày nay là Albany, thuộc tiểu bang New York. Những trang trại lớn dọc theo sông Hudson được người Hòa Lan phân phát cho các nhà địa chủ (hay patroons) nào đã có công mang theo 50 người đi định cư cùng đến với họ để lập nghiệp. Những lô đất nhỏ thì được phân phát cho những người nào muốn canh tác cho chính họ. Toàn thể thuộc địa được gọi là Tân Hòa Lan. Lúc đó, người Hòa Lan mở rộng quyền kiểm soát về phía Nam tới tận cửa sông Delaware. Tới đây họ chiếm luôn một số làng định cư do người Thụy Điển thiết lập trước kia. Công việc quan trọng nhất của người Hòa Lan lúc bấy giờ là trao đổi lấy da thú của người da đỏ. Không bao lâu Tân Hòa Lan trở thành một thuộc địa trù phú.





NHỮNG NGƯỜI HÒA LAN VÀ THỤY ĐIỂN ĐÒI QUYỀN CHIẾM CÁC VÙNG

THUNG LŨNG SÔNG HUDSON VÀ DELAWARE

- Tân Hòa Lan biến thành New York và New Jersey

Việc người Hòa Lan thành lập Tân Hòa Lan khiến cho người Anh rất băn khoăn. Nhìn vào bản đồ trang 92, các bạn sẽ thấy Tân Hòa Lan (New York) hoàn toàn tách biệt các thuộc địa miền Tân Anh xa rời hẳn các vùng định cư của người Anh ở miền Nam. Chừng nào mà Tân Hòa Lan còn thuộc về người Hòa Lan thì các thuộc địa của người Anh không thể nào kết hợp được với nhau. Vả lại, người Anh cũng rất thèm khát hải cảng vô cùng đẹp với sự giao thương rất là phát đạt ở New Amsterdam. Sự tỵ hiềm giữa Anh quốc và Hòa Lan ở Âu Châu lúc đó lại càng là cái cớ cho người Anh tấn chiếm Tân Hòa Lan .

Lúc bây giờ có một ông già tính tình nóng nảy với một chân bằng gỗ tên là Stuyversant cai trị Tân Hòa Lan. Năm 1664 một hạm đội Anh xuất hiện ở hải cảng New Amsterdam. Stuyversant hăng hái muốn nhảy vào vòng chiến liền, nhưng nhân dân New Amsterdam không ủng hộ ông, cho nên mặc dầu ông ta la ó rối rít ầm lên, thuộc địa này cũng đã đầu hàng không một trận đánh, và Tân Hòa Lan trở thành lãnh địa của người Anh. Quận công York, người anh em của Anh hoàng, được phong cho lãnh địa này. Và vùng đất này được đặt tên theo tên của quận công York, tức là New York. Thị trấn New Amsterdam cũng được đổi thành New York. Vùng đất ở phía Đông sông Delaware thì được quận công ban cho hai nhà quý tộc Anh. Và hai nhà quý tộc đó đặt tên cho vùng đất thuộc địa này là New Jersey.



tải về 2.16 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   33




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương