Khoa kinh tế du lịch giáo trình quản trị HỌC



tải về 0.7 Mb.
trang1/9
Chuyển đổi dữ liệu18.09.2017
Kích0.7 Mb.
#33274
  1   2   3   4   5   6   7   8   9

TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÔNG Á

KHOA KINH TẾ - DU LỊCH

GIÁO TRÌNH



QUẢN TRỊ HỌC

(Giáo trình lưu hành nội bộ)



Biên soạn: Ths.Trịnh Đình Hậu

Đà Nẵng, năm 2011



MODULE 1: KHÁI QUÁT VỀ QUẢN TRỊ

Chương 1: Tổng quan về quản trị và nhà quản trị





  1. Khái niệm về quản trị:

    1. Khái niệm về tổ chức:

Các nhà quản trị đều làm việc trong các tổ chức, vì vậy trước khi tìm hiểu về nhà quản trị, chúng ta cần nghiên cứu về thuật ngữ tổ chức.

Một tổ chức là một sự sắp xếp có hệ thống những người được nhóm lại với nhau để đạt được những mục đích nhất định. Các đơn vị kinh doanh, các bệnh viện, trường học, nhà hàng, ban nhạc, các cơ quan nhà nước,….đều là những ví dụ về tổ chức.

Đặc điểm chung của các tổ chức:



  • Thứ nhất, mọi tổ chức đều có những mục đích nhất định và chúng hình thành từ những con người được nhóm gộp lại với nhau theo cách thức nào đó, và mỗi nhóm đều có một cấu trúc và cùng nỗ lực để đạt được các mục đích mà từng cá nhân riêng lẻ hoạt động đơn độc không thể đạt được. Chính sự khác biệt về mục đích của mỗi tổ chức dẫn đến sự khác biệt giữa tổ chức này với tổ chức khác. Ví dụ như mục đích của trường học là nhằm cung cấp kiến thức cho người học, trong khi bệnh viện lại có mục đích là khám chữa bệnh cho cộng đồng.

  • Thứ hai, các tổ chức đều là một tập hợp gồm nhiều thành viên, không có mục tiêu nào có thể đạt được nếu không có con người ra các quyết định để thiết lập mục tiêu và thực hiện một loạt các hành động để hiện thực hóa các mục tiêu đó.

  • Cuối cùng là tất cả các tổ chức đều xây dựng một cấu trúc hệ thống để trên cơ sở đó mà xác định và giới hạn hành vi của các thành viên của nó.

Tóm lại, một tổ chức là một thực thể có mục đích riêng biệt, có nhiều người và được xây dựng theo một cấu trúc có hệ thống.



Hình I – 1: Các đặc điểm chung của tổ chức.

    1. Định nghĩa quản trị:

Một định nghĩa giải thích tương đối rõ nét về quản trị được James Stoner và Stephen Robbins trình bày như sau: “Quản trị là tiến trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát những hoạt động của các thành viên trong tổ chức và sử dụng tất cả các nguồn lực khác của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra”. Từ tiến trình trong định nghĩa này nói lên rằng các công việc hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát phải được thực hiện theo một trình tự nhất định. Khái niệm trên cũng chỉ ra rằng tất cả những nhà quản trị phải thực hiện các hoạt động quản trị nhằm đạt được mục tiêu mong đợi. Những hoạt động này hay còn được gọi là các chức năng quản trị bao gồm:

(1) Hoạch định: Nghĩa là nhà quản trị cần phải xác định trước những mục tiêu và quyết định những cách tốt nhất để đạt được mục tiêu.

(2) Tổ chức: Đây là công việc liên quan đến sự phân bổ và sắp xếp nguồn lực con người và những nguồn lực khác của tổ chức. Mức độ hiệu quả của tổ chức phụ thuộc vào sự phối hợp các nguồn lực để đạt được mục tiêu.

(3) Lãnh đạo: Thuật ngữ này mô tả sự tác động của nhà quản trị đối với các thuộc cấp cũng như sự giao việc cho những người khác làm. Bằng việc thiết lập môi trường làm việc tốt, nhà quản trị có thể giúp các thuộc cấp làm việc hiệu quả hơn.

(4) Kiểm soát: Nghĩa là nhà quản trị cố gắng để đảm bảo rằng tổ chức đang đi đúng mục tiêu đã đề ra. Nếu những hoạt động trong thực tiễn đang có sự lệch lạc thì những nhà quản trị sẽ đưa ra những điều chỉnh cần thiết.

Nhà quản trị:


    1. Định nghĩa nhà quản trị:

Quản trị viên là tên gọi chung để chỉ những người hoàn thành mục tiêu thông qua và bằng người khác, họ là những người thực hiện công việc quản trị. Quản trị viên thực hiện việc lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra việc phân bổ các nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính và thông tin để đạt được các mục tiêu của tổ chức. Chức danh quản trị viên có thể khác nhau tùy thuộc vào phạm vi trách nhiệm, lĩnh vực phụ trách và tính chuyên môn hóa, họ có thể là tổng giám đốc điều hành, chủ tịch, trưởng phòng, quản trị sản phẩm, quản đốc phân xưởng, giám sát viên,…

Người thừa hành là những người trực tiếp thực hiện 1 công việc và không có trách nhiệm về hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra…



    1. Phân loại nhà quản trị:

      1. Theo phạm vi trách nhiệm:

Có nhiều loại quản trị viên và họ thực hiện công việc quản trị theo những cách thức khác nhau. Một trong những sự khác biệt đó chính là phạm vi trách nhiệm của họ. Phạm vi trách nhiệm của nhà quản trị chức năng là tương đối hẹp hơn so với các nhà quản trị tổng quát.

  • Các nhà quản trị chức năng (Functional managers) phụ trách những nhân viên là những chuyên gia trong một lĩnh vực chuyên môn, chẳng hạn như kế toán, nguồn nhân lực, tài chính, marketing hay sản xuất. Họ thường mang chức danh trưởng phòng, họ có thể không trực tiếp thực hiện công việc chuyên môn như những nhân viên, nhưng họ phải kiểm tra công việc của nhân viên.

  • Các nhà quản trị tổng quát (General managers) chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động của một đơn vị, bộ phận phức hợp, chẳng hạn như công ty hay một chi nhánh công ty. Họ có chức danh là giám đốc, tổng giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản trị…họ là người phối hợp, giám sát và chịu trách nhiệm về nhiều chức năng chuyên môn, họ trực tiếp điều phối công việc của nhà quản trị chức năng.

      1. Theo cấp bậc quản trị:

Một cách phân loại rất phổ biến, các nhà quản trị trong tổ chức được phân chia theo từng cấp bậc. Trong tổ chức có quy mô nhỏ thường chỉ có một cấp quản trị - là người thành lập hoặc người chủ hay một giám đốc điều hành. Nhưng ở các tổ chức có quy mô lớn thường có nhiều cấp quản trị với những mục tiêu, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền khác nhau. Vì vậy hoạt động của quản trị viên cấp tác nghiệp là không giống với hoạt động của giám đốc điều hành cho dù họ đều là các quản trị viên.

  • Quản trị cấp tác nghiệp (First-Line Managers)

Nhà quản trị cấp tác nghiệp chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc sản xuất sản phẩm và dịch vụ. Họ có thể là quản trị viên bán hàng, trưởng bộ phận, trưởng ca,…tùy thuộc vào từng tổ chức. Mục tiêu chính của nhà quản trị cấp tác nghiệp là đảm bảo rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của tổ chức được cung cấp cho khách hàng trên cơ sở từng ngày. Quản trị viên tác nghiệp liên kết hoạt động của mỗi bộ phận của toàn bộ tổ chức. Họ thường dành ít thời gian để làm việc với quản trị cấp cao hơn hoặc với nhân viên của tổ chức khác, và dành phần lớn thời gian để làm việc với nhân viện họ phụ trách và với các quản trị viên tác nghiệp khác. Quản trị viên tác nghiệp thường giỏi về chuyên môn (cả kiến thức và kĩ năng) để chỉ dẫn và giám sát các thuộc viên trong công việc hằng ngày. Các nhân viên thường phát triển kiến thức và kĩ năng chuyên môn trước khi trở thành các quản trị viên.

  • Quản trị viên cấp trung (Middle Managers)

Quản trị viên cấp trung là những người nhận các chiến lược và chính sách chung từ quản trị cấp cao rồi triển khai chúng thành các mục tiêu và kế hoạch chi tiết, cụ thể cho các quản trị viên tác nghiệp thực hiện. Nhiều người trở thành quản trị viên cấp trung sau nhiều năm là quản trị viên cấp tác nghiệp, cho dù sự thăng tiến này thường là rất khó khăn và gian khổ. Sự nhấn mạnh hơn vào việc quản trị kết quả thực hiện của nhóm và phân phối các nguồn lực là những khác biệt quan trọng nhất giữa quản trị tác nghiệp và quản trị cấp trung. Ngày nay, ở nhiều tổ chức việc phát triển đội ngũ nhân viên thuộc quyền và giúp họ tiến bộ trong tổ chức là vấn đề thiết yếu để đánh giá sự thành công của nhà quản trị cấp trung. Mục tiêu chính của hầu hết nhà quản trị cấp trung là phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả và quản lí các nhóm làm việc để đạt được mục tiêu chung của tổ chức.

  • Quản trị viên cấp cao (Top Managers)

Điều hành chung một tổ chức là trách nhiệm của quản trị cấp cao. Chức danh của quản trị viên cấp cao thường là giám đốc hoặc phó giảm đốc điều hành, chủ tịch và phó chủ tịch…Quản trị viên cấp cao có nhiệm vụ thiết lập các mục tiêu, chính sách và chiến lược cho toàn bộ tổ chức. Các mục tiêu mà họ thiết lập sẽ triển khai đến các cấp trong tổ chức, thậm chí đến từng nhân viên trong tổ chức. Các giám đốc và chủ tịch công ty thường đại diên cho tổ chức để giải quyết các vấn đề với cộng đồng, các đối tác kinh doanh và trong những thương lượng với chính quyền.

Nhà quản trị cấp cao cần phải có kĩ năng nhận thức vững vàng. Kĩ năng nhận thức cho phép nhà quản trị cấp cao xử lí lượng lớn thông tin cả từ môi trường bên ngoài và bên trong tổ chức và vận dụng những thông tin đó.



    1. Các chức năng quản trị:

      1. Các nguồn lực được sử dụng bởi nhà quản trị:

Nhà quản trị cần sử dụng nguồn lực nhất định để đạt được mục tiêu của mình. Các nguồn lực mà các nhà quản trị sử dụng có thể được phân thành bốn loại: con người, tài chính, cơ sở vật chất và thông tin.

  • Nguồn lực con người:

Nguồn lực con người bao gồm những người cần thiết để hoàn thành công việc. Mục tiêu của nhà quản trị là tác động và thông qua con người để hoàn thành công việc.

  • Nguồn lực tài chính:

Nguồn lực tài chính bao gồm số tiền mà nhà quản trị và tổ chức sử dụng để đạt được mục tiêu của tổ chức.

  • Nguồn lực vật chất:

Nguồn lực vật chất gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình của công ty:

  • Tài sản hữu hình là bất động sản, nguyên vật liệu, văn phòng, nhà máy sản xuất, các thiết bị văn phòng, phương tiện vận chuyển và công nghệ…

  • Tài sản vô hình là tài sản không thấy bằng mắt như uy tín, thương hiệu, lòng trung thành…

  • Nguồn lực thông tin:

Nguồn lực thông tin là những dữ liệu mà nhà quản trị và tổ chức sử dụng để hoàn thành công việc.

      1. Các chức năng quản trị:

Vào năm 1916, trong tác phẩm “Quản trị công nghiệp và quản trị tổng quát”, nhà tư bản công nghiệp người Pháp Henry Fayol cho rằng tất cả nhà quản trị đều thực hiện năm hoạt động quản trị và được xem như là “tiến trình quản trị”, đó là lập kế hoạch, tổ chức, phối hợp, điều khiển và kiểm tra. Vào giữa thập niên 1950, hai giáo sư của trường ULCA là Harold Koontz và Cyril O’Donnell đề nghị một tiến trình bao gồm các chức năng hoạch định, tổ chức, định biên, lãnh đạo và kiểm soát làm cơ sở cho các sách nói về quản trị trong thế kỉ này. Các nhà lí luận và thực hành quản trị tiếp tục nghiên cứu, phát triển và thống nhất ở 4 chức năng quản trị: hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra (xem cụ thể ở hình sau I – 3).



Hình I – 3: Các chức năng quản trị

  • Hoạch định (Planning):

Hoạch định bao gồm việc xác định các mục tiêu của tổ chức và phác họa những cách thức để đạt được chúng. Các nhà quản trị tiến hành việc hoạch định vì ba lí do: (1) thiết lập một định hướng tổng quát cho tương lai của tổ chức, chẳng hạn gia tăng lợi nhuận, mở rộng thị trường hay gia tăng trách nhiệm xã hội; (2) xác định và cam kết về các nguồn lực của tổ chức để hoàn thành mục tiêu; (3) quyết định những công việc cần thực hiện để đạt được mục tiêu.

  • Tổ chức (Organizing)

Sau khi phác thảo xong các kế hoạch, nhà quản trị cần phải làm cho những ý tưởng tương đối vắn tắt này trở thành thực tế. Hiểu biết về tổ chức là yêu cầu vô cùng thiết yếu để thực thi được điều đó. Tổ chức là tiến trình thiết lập một cấu trúc về các mối quan hệ giúp cho mọi người có thể thực hiện các kế hoạch đã đề ra và thỏa mãn các mục tiêu của tổ chức. Thực hiện hiệu quả chức năng tổ chức giúp các nhà quản trị phối hợp tốt hơn các nguồn lực của tổ chức. Sự thành công của tổ chức phụ thuộc phần lớn vào khả năng sử dụng các nguồn lực này một cách hữu hiệu và hiệu quả.

  • Lãnh đạo (Leading)

Sau khi hoàn thành việc lập kế hoạch, thiết kế cơ cấu tổ chức, sắp xếp đội ngũ nhân viên, các nhà quản trị cần thực hiện chức năng lãnh đạo đối với tổ chức. Lãnh đạo bao gồm các hoạt động nhằm thúc đẩy mọi người thực hiện những công việc cần thiết để hoàn thành mục tiêu của tổ chức. Chức năng lãnh đạo không phải được thực hiện sau khi các chức năng hoạch định và tổ chức được hoàn tất, nó còn là một yếu tố then chốt của các chức năng này.

  • Kiểm tra (Controlling)

Tiến trình mà trong đó một cá nhân, nhóm hoặc tổ chức giám sát kết quả thực hiện một cách liên tục và thực hiện các hoạt động điều chỉnh những sai lệch so với mục tiêu (hoặc các hoạt động không theo kế hoạch) gọi là kiểm tra.

Mỗi cấp bậc quản trị trong tổ chức sẽ phân bổ thời gian khác nhau cho các chức năng quản trị. Khi nhà quản trị dịch chuyển lên trên theo hệ thống cấp bậc, họ sẽ thực hiện công việc hoạch định càng nhiều và giám sát, chỉ đạo trực tiếp hơn. Tất cả nhà quản trị, cho dầu ở cấp bậc nào, đều ra quyết định liên quan đến 4 chức năng trong tiến trình quản trị nhưng thời lượng họ dùng cho các hoạt động không nhất thiết phải như nhau. Hơn nữa, nội dung của các hoạt động quản trị cũng thay đổi theo cấp bậc quản trị.

Sự khác biệt này có thể minh họa như sau:



Hình I – 2: Phân phối thời gian cho mỗi chức năng ở các cấp quản trị


    1. Các kĩ năng quản trị:

Công việc của nhà quản trị là phức tạp và đòi hỏi nhiều kĩ năng. Có nhiều quan điểm khác nhau về các kĩ năng này, nhưng nhìn chung thì để quản lí một bộ phận hoặc tổ chức có thể bao gồm 3 loại chủ yếu: kĩ năng nhận thức (conceptual skills), kĩ năng nhân sự (human skills) và kĩ năng chuyên môn (technical skills). Việc vận dụng các kĩ năng này thay đổi theo từng cấp quản trị. Mặc dầu mức độ cần thiết của mỗi kĩ năng là khác nhau ở từng cấp quản trị, nhưng tất cả các nhà quản trị đều phải có chúng để thực thi công việc của mình một cách hiệu quả.

      1. Kĩ năng nhận thức:

Kĩ năng nhận thức là khả năng dựa trên hiểu biết để nhìn nhận tổ chức ở góc độ tổng thể và mối quan hệ giữa các bộ phận. Kĩ năng nhận thức là cần thiết cho tất cả nhà quản trị nhưng đặc biệt quan trọng cho nhà quản trị cấp cao. Khi nhà quản trị di chuyển lên trên theo từng cấp quản trị đòi hỏi họ phải phát triển kĩ năng nhận thức nếu không thì việc thăng tiến của họ sẽ bị giới hạn.

      1. Kĩ năng giao tiếp

Kĩ năng giao tiếp là khả năng của nhà quản trị làm việc với và thông qua người khác và khả năng làm việc một cách hiệu quả như là một thành viên nhóm. Kĩ năng này được minh họa theo cách thức mà nhà quản trị có quan hệ với người khác, bao gồm khả năng động viên, tạo thuận lợi, điều phối, lãnh đạo, truyền thông và giải quyết mâu thuẫn. Nhà quản trị với kĩ năng làm việc với con người cho phép cấp dưới phát biểu ý kiến mà không có sự sợ hãi hoặc bông đùa, và khuyến khích sự tham gia của họ.

      1. Kĩ năng chuyên môn:

Kĩ năng chuyên môn là khả năng am hiểu và thành thạo trong thực hiện các công việc cụ thể. Kĩ năng chuyên môn bao gồm sự tinh thông về các phương pháp, kĩ thuật và thiết bị liên quan đến các chức năng cụ thể như marketing, sản xuất hoặc tài chính. Kĩ năng chuyên môn cũng bao gồm những kiến thức chuyên môn, khả năng phân tích và sử dụng các công cụ và kĩ thuật để giải quyết vấn đề trong một lĩnh vực cụ thể.

Các nhà quản trị ở các cấp khác nhau thì mức độ đòi hỏi những kĩ năng này có sự khác nhau, và điều này được mô tả ở trong hình dưới đây:







  1. Các năng lực quản trị (Managerial Competencies):

Chúng ta đã đề cập đến các cấp quản trị và công việc của nhà quản trị, nhưng làm thế nào để thực hiện chúng một cách hiệu quả thì vẫn cần phải xem xét thêm. Những đòi hỏi về kĩ năng để đảm bảo thực hiện tốt công việc quản trị như đã đề cập ở trên là một hướng tiếp cận có tính truyền thống, mặc dù rất phổ biến nhưng vẫn không đáp ứng với những đòi hỏi và thay đổi của quản trị hiện đại. Vì để thành công, như tất cả các nghề nghiệp khác, bên cạnh kiến thứckĩ năng thì quản trị viên cũng cần phải có những phẩm chất cá nhân nhất định mà những đòi hỏi từ đặc thù công việc quản trị đặt ra. Một hướng tiếp cận vấn đề mang tính tổng hợp hơn đã được Susan E. Jackson, Don Hellriegel và John W. Slocum đề xuất vào đầu những năm 2000 trong tác phẩm “Management: A Competency Based Approach” là tiếp cận theo năng lực quản trị. Khái niệm về năng lực quản trị đã được trình bày ở phần trước và trong phần này sẽ tập trung trình bày một cách chi tiết hơn những năng lực mà các nhà quản trị cần phải có để thành công trong công việc của mình.

Bất kể các tổ chức có những mục tiêu cụ thể khác nhau như thế nào, công việc của nhà quản trị là giúp cho tổ chức đạt được các mục tiêu đó. Và hầu hết các nhà quản trị thành công đều đã phát triển những năng lực cho phép họ thực hiện hiệu quả công việc quản trị ở các cấp khác nhau trong tổ chức. Năng lực được xem là một sự tổng hòa của kiến thức, kĩ năng, hành vi và thái độ góp phần tạo nên tính hiệu quả trong công việc của mỗi người. Năng lực quản trị là tập hợp các kiến thức, kĩ năng, hành vi và thái độ mà một quản trị viên cần có để tạo ra hiệu quả trong các hoạt động quản trị khác nhau và ở các loại tổ chức khác nhau. Có 6 năng lực quản trị chủ yếu:



  • Truyền thông,

  • Hoạch định và điều hành,

  • Làm việc nhóm,

  • Hành động chiến lược,

  • Nhận thức toàn cầu,

  • Tự quản trị.

Bảng I – 1 chỉ ra những khía cạnh quan trọng trong mỗi năng lực quản trị chủ yếu. Trong thực hành, việc nhận thức một năng lực bắt đầu và kết thúc ở đâu là rất khó khăn, và cũng hiếm khi các nhà quản trị chỉ dựa vào một loại năng lực tại một thời điểm, chính vì thế việc chỉ ra nét khác biệt giữa chúng chỉ có giá trị xác định và mô tả mà thôi. Mục đích chính là qua việc nghiên cứu, người đọc có thể hiểu rõ các nhà quản trị đạt được mục tiêu của họ như thế nào và có thể tự mình phát triển các năng lực quản trị cần thiết để gia tăng hiệu quả trong công việc. Hầu hết các năng lực này đều rất hữu ích cho dù chúng ta có thể chẳng bao giờ làm những công việc trên cương vị của một nhà quản trị.

Bảng I – 1: Sáu năng lực quản trị then chốt

Năng lực truyền thông (Communication Competency)

  • Truyền thông không chính thức (Informal communication)

  • Truyền thông chính thức (Formal communication)

  • Thương lượng (Negotiation)

Năng lực hoạch định và điều hành (Planning and Administration Competency)

  • Thu thập, phân tích thông tin và giải quyết vấn đề (Information gathering, analysis and problem solving)

  • Hoạch định và tổ chức thực hiện các dự án (Planning and organizing projects)

  • Quản lí thời gian (Time management)

  • Lập ngân sách và quản trị tài chính (Budgeting and financial management)

Năng lực làm việc nhóm (Teamwork Competency)

  • Thiết kế nhóm (Designing teams)

  • Tạo ra môi trường mang tính hỗ trợ (Creating a supportive environment)

  • Quản trị sự năng động của nhóm (Managing team dynamics)

Năng lực hành động chiến lược (Strategic Action Competency)

  • Hiểu rõ ngành hoạt động (Understanding the industry)

  • Hiểu biết tổ chức (Understanding the organization)

  • Thực hiện các hành động chiến lược (Taking strategic actions)

Năng lực nhận thức toàn cầu (Global Awareness Competency)

  • Có kiến thức và hiểu biết về văn hóa (Cultural knowledge and understanding)

  • Nhạy cảm và khả năng hòa nhập văn hóa (Cultural openness and sensitivity)

Năng lực tự quản lý (Self-Management Competency)

  • Cư xử trung thực và đạo đức (Integrity and ethical conduct)

  • Có cá tính và nghị lực (Personal drive and resilience)

  • Cân bằng giữa yêu cầu của công việc và cuộc sống (Balancing work and life demands)

  • Khả năng tự nhận thức và phát triển (Self-awareness and development)



    1. Năng lực truyền thông

Năng lực truyền thông là khả năng truyền đạt và trao đổi một cách hiệu quả thông tin làm sao để mình và những người khác có thể hiểu rõ. Vì quản trị bao gồm việc thực hiện công việc thông qua người khác nên năng lực truyền thông là rất thiết yếu đối với việc thực hiện hiệu quả công việc quản trị hay nói cách khác, đây là năng lực cơ bản nhất của nhà quản trị. Nó bao gồm:

  • Truyền thông không chính thức:

  • Khuyến khích truyền thông 2 chiều thông qua đặt câu hỏi để có được các thông tin phản hồi, lắng nghe và thiết lập những cuộc trò chuyện thân mật.

  • Hiểu được tình cảm của người khác.

  • Thiết lập các mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ với người khác.

  • Truyền thông chính thức:

  • Thông báo các hoạt động và các sự kiện liên quan đến mọi người giúp họ cập nhật các sự kiện, hoạt động.

  • Tạo ra khả năng thuyết phục, trình bày gây ấn tượng trước công chúng và kiểm soát vấn đề tốt.

  • Viết rõ ràng, súc tích và hiệu quả, sử dụng hiệu quả các nguồn dữ liệu trên máy tính.

  • Thương lượng:

  • Thay mặt nhóm để đàm phán một cách hiệu quả về vai trò và nguồn lực.

  • Rèn luyện kĩ năng phát triển các mối quan hệ và xử lí tốt các quan hệ với cấp trên.

  • Thực hiện các hành động quyết đoán và công bằng với thuộc cấp.

    1. Năng lực hoạch định và điều hành:

Năng lực hoạch định và điều hành bao gồm việc quyết định những nhiệm vụ cần phải thực hiện, xác định rõ xem chúng có thể được thực hiện như thế nào, phân bổ các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ đó và giám sát toàn bộ tiến trình để đoán chắc rằng chúng được thực hiện tốt. Đối với nhiều người, năng lực hoạch định và điều hành thường xuất hiện trong tâm trí của họ trước tiên khi họ nghĩ về các nhà quản trị và công việc quản trị. Nó bao gồm:

Thu thập, phân tích thông tin và giải quyết vấn đề

• Kiểm soát và sử dụng thông tin để xác định rõ các triệu chứng, các vấn đề và phác thảo những giải pháp có thể có.

• Đưa ra quyết định kịp thời.

• Tính toán những rủi ro và tiên liệu kết quả.



Каталог: books -> kinh-doanh-tiep-thi -> quan-tri-hoc
kinh-doanh-tiep-thi -> BÀi giảng quản trị chiến lưỢC Đối tượng: hssv trình độ Đại học, Cao đẳng, tccn ngành đào tạo: Quản trị Kinh doanh
kinh-doanh-tiep-thi -> Ứng dụng mô HÌnh 5 Áp lực cạnh tranh của michael porter trong kinh doanh siêu thị trêN ĐỊa bàn thành phố ĐÀ NẴNG
kinh-doanh-tiep-thi -> Có đáp án Trong quá trình sản xuất dịch vụ các yếu tố nào là đầu vào ngoại trừ
kinh-doanh-tiep-thi -> MỤc lục hình 3 MỤc lục bảng 3
kinh-doanh-tiep-thi -> Giới thiệu công ty: Lịch sử hình thành và phát triển
kinh-doanh-tiep-thi -> ĐẠi học duy tân khoa Ngoại ngữ Bài giảng ĐẠO ĐỨc nghề nghiệP
kinh-doanh-tiep-thi -> TRƯỜng đẠi học kinh tế VÀ quản trị kinh doanh
kinh-doanh-tiep-thi -> Hà nội, 2009 Mục lục Chương Tổng quan về Thương mại điện tử 7
quan-tri-hoc -> Tài liệu – Nghệ thuật lãnh đạo Th. S vương Vĩnh Hiệp nghệ thuật lãnh đẠO

tải về 0.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương