Khoa kinh tế du lịch giáo trình quản trị HỌC


Thương mại điện tử (E-commerce)



tải về 0.7 Mb.
trang4/9
Chuyển đổi dữ liệu18.09.2017
Kích0.7 Mb.
#33274
1   2   3   4   5   6   7   8   9

Thương mại điện tử (E-commerce) là một thuật ngữ hẹp dùng để chỉ các trao đổi kinh doanh hay các giao dịch xảy ra trên mạng. Thương mại điện tử thay thế hoặc nâng cao khả năng trao đổi hàng hoá và tiền tệ cùng với trao đổi thông tin và dữ liệu từ máy tính này đến máy tính khác. Có 3 loại thương mại điện tử: commerce—business-to-consumer, business-to-business, and consumer- to-consumer— được minh hoạ ở hình II-7. Ngày nay, hầu hết hoạt động thương mại điện tử đều xảy ra trên Internet. Những công ty như Gateway, Amazon.com, Expedia.com là các ví dụ cho hình thức business-to-consumer e-commerce (B2C), vì họ bán các sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng qua Internet.

Lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất chính là business-to-business ecommerce (B2B), nó thể hiện các giao dịch điện tử giữa các tổ chức với nhau. Nhiều công ty tổ chức B2B qua hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử riêng (electronic data interchange (EDI)).

Ngày càng nhiều công ty sử dụng công nghệ Web-based vì hệ thống Internet là dễ sử dụng hơn so với EDI và dễ xử lý với một lượng lớn các nhà cung cấp và những người bán lại hơn. Một số công ty áp dụng thương mại điện tử ở mức độ rất cao đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc. Hãng máy tính Dell là người tiên phong sử dụng hệ thống chuỗi cung cấp kỹ thuật số từ đặt hàng đến giao hàng để giữ mối quan hệ với khách hàng, đặt hàng, mua các phụ kiện từ người cung cấp, phối hợp với các đối tác sản xuất khác và vận chuyển sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng.

Lĩnh vực thứ ba của thương mại điện tử là consumer-to-consumer (C2C), cũng tạo ra khả năng kinh doanh trên mạng Internet theo cách là một trung gian giữa những người tiêu dùng với nhau. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về hình thức thương mại điện tử này là việc bán đấu giá qua mạng ở trang Web eBay hoặc QXL. Bán đấu giá trên mạng Internet đã tạo ra một thị trường rộng lớn nơi mà người tiêu dùng có thể mua hoặc bán trực tiếp với người khác.

Với sự gia tăng nhanh chóng của thế giới số, nhiều tổ chức và người lao động xử lí hầu như toàn bộ những thứ vô hình chẳng hạn như ý tưởng và thông tin. Các công ty chẳng hạn như Microsoft hoặc Ipswitch đã phát triển các phần mềm và những ứng dụng Internet phụ thuộc vào trí tuệ của nhân viên hơn là các thao tác của chân tay của họ.

Trong những công ty mà quyền lực của một ý tưởng quyết định sự thành công thì mục tiêu trước hết của các nhà quản trị là gắn kết cho được sự sáng tạo và tri thức vào trong từng người lao động.

Những công nghệ điện tử mới cũng làm cho các tổ chức tự biết phải quản lí như thế nào. Công nghệ cung cấp một khuôn khổ hỗ trợ cho tổ chức tái cấu trúc nơi làm việc.

Chẳng hạn, một cách tiếp cận đối với quản trị thông tin là hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP)), mà trong đó hợp nhất tất cả các chức năng kinh doanh chủ yếu của công ty, như xử lý đơn đặt hàng, thiết kế sản phẩm, mua sắm, tồn kho, chế biến, phân phối, nguồn nhân lực, tiếp nhận các khoản thanh toán, và dự báo nhu cầu tương lai. Vì ERP gắn kết tất cả các hệ thống của công ty nên các nhà quản trị ở bất cứ đâu trong tổ chức cũng có thể nhìn thấy một bức tranh tổng thể về tổ chức và hành động một cách nhanh chóng trên cơ sở thông tin được cập nhật thường xuyên theo từng phút. ERP tạo ra một cách tiếp cận mới về quản trị - một hệ thống quản trị công ty rộng rãi mà trong đó mọi người, từ CEO xuống đến công nhân vận hành thiết bị ở phân xưởng, đều xử lí như nhau đối với những thông tin thiết yếu. Vì vậy ERP cũng hỗ trợ các nỗ lực quản trị để tạo nên đòn bẩy cho tri thức (knowledge) tổ chức.

Peter Drucker đã đưa ra thuật ngữ công việc tri thức (knowledge work) cách đây hơn 40 năm, nhưng chỉ mới trong những năm gần đây các nhà quản trị mới thật sự nhận ra tri thức là một nguồn lực quan trọng của tổ chức nên được quản lí, ngay cả đối với việc quản lí chu chuyển tiền tệ hay nguyên liệu thô. Quản trị tri thức (Knowledge management) đề cập đến những nỗ lực để tìm kiếm, tổ chức và tạo ra một cách hệ thống nguồn vốn tri thức hiện hữu của tổ chức và nuôi dưỡng văn hoá học tập không ngừng và chia sẻ kiến thức đến mức mọi hoạt động của một công ty được xây dựng dựa trên những tri thức sẵn sàng đó. Công nghệ thông tin đóng một vai trò quan trọng qua việc lưu trữ và phổ biến dữ liệu và thông tin trong toàn bộ tổ chức, nhưng công nghệ thông tin chỉ là một phần của một hệ thống quản trị rộng lớn.


  1. Tích hợp các quan điểm quản trị và các năng lực

Trong chương I, chúng ta đã xác định 6 năng lực được xem là hết sức cần thiết đảm bảo mang lại thành công trong tương lai cho một nhà quản trị. Mỗi một trong 5 quan điểm có ý nghĩa đặc biệt đối với ít nhất một trong số các năng lực hoặc hơn.

Quan điểm truyền thống nhằm vào việc xác định các năng lực quản trị giúp tổ chức hiệu quả công việc của người lao động. Mỗi cấp độ quản trị đều xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ cần đạt được trong mỗi thời kỳ nhất định. Cấu trúc của tổ chức chi phối mối quan hệ giữa nhà quản trị và nhân viên. Nó chi phối từ việc hoạch định, tổ chức và bố trí trách nhiệm cho nhân viên, và theo sự chỉ dẫn của nhà quản trị. Người ta nghĩ về người công nhân với tư cách là con người "lí trí" được thúc đẩy và động viên trước hết là do tiền bạc.

Quan điểm hành vi tập trung vào việc phát triển 2 năng lực: truyền thông và làm việc nhóm. Đó là công việc của nhà quản trị đòi hỏi phải có kiến thức xã hội và các xúc cảm tâm l. để phát triển mối quan hệ hoà thuận giữa các công nhân nơi làm việc. Quan điểm này có ý nghĩa đặc biệt trong hành vi của nhân viên bởi sự ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu nhà quản trị truyền đạt tốt cho các nhân viên và thoả mãn các yêu cầu nơi làm việc của họ, tổ chức sẽ đạt hiệu quả.

Quan điểm hệ thống có ý nghĩa quan trọng, các nhà quản trị nên tập trung vào việc làm thế nào đặt các đầu vào, quá trình chuyển hoá, các đầu ra khác nhau có mối quan hệ với mục tiêu của tổ chức. Mọi tổ chức nên có cái nhìn toàn cục không nên nhìn một cách đơn giản là mỗi tổng thể hay bộ phận riêng biệt. Để làm được điều này đòi hỏi các nhà quản trị phải phát triển hệ thống thông tin, tư duy và hành động chiến lược, khả năng nhận thức được tổng thể.

Để phát triển các năng lực này, các nhà quản trị sử dụng mô hình định lượng giúp họ hiểu mối quan hệ phức tạp với các quyết định thích hợp.

Quan điểm ngẫu nhiên rút ra từ mỗi một quan điểm khác và liên quan đến một số điểm khác biệt của các năng lực. Một tổ chức được thiết kế như thế nào phụ thuộc vào môi trường bên ngoài của nó, các kỹ năng của người lao động, và công nghệ sử dụng để chuyển dịch các nguyên liệu thô thành các sản phẩm hoàn tất. Việc sử dụng các nhóm, chẳng hạn, là thử nghiệm năng lực truyền thông và năng lực làm việc nhóm của nhà quản trị.

Quan điểm chất lượng có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng những điều mong đợi của khách hàng đối với giá trị của hàng hoá hay dịch vụ họ nhận được. Các nhà quản trị cấp cao có trách nhiệm đặt hệ thống sản xuất sao cho tạo ra sản phẩm đạt chất lượng đã định trước. Một phương pháp mà nhà quản trị cấp cao thường làm là đạt được sự ủng hộ của nhân viên trước khi đưa TQM vào thực tiễn và thưởng cho nhân viên khi họ đạt mục tiêu chất lượng. Triết lí TQM đòi hỏi sự phối hợp cao trong toàn tổ chức. Trong các tổ chức nhận rõ vai trò chất lượng, làm việc nhóm có ý nghĩa chia sẻ trách nhiệm và ra quyết định. Các nhà quản trị uỷ quyền ra quyết định cho nhân viên, cho phép họ quyết định cho chính họ nhưng chỉ sau khi họ có được sự đào tạo cần thiết. Triết l. kiểm tra chất lượng bằng các công cụ thống kê của Deming không chỉ cung cấp một phương pháp phân tích sự sai lệch của các tiêu chuẩn mà còn cung cấp một phương pháp gia tăng truyền thông giữa các nhân viên.

Trên đây chúng ta đã tìm hiểu khái quát về lịch sử phát triển của tư tưởng quản trị. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để nghiên cứu quản trị nhưng chung quy lại đều nhằm mục đích đưa hoạt động quản trị đạt hiệu quả cao. Một số tác giả khác cũng phải kể thêm như Peter Drucker, người đã tổng kết các trường phái nghiên cứu quản trị trong tác phẩm nổi tiếng " Các chức năng của nhà quản trị" và là người đề xuất việc áp dụng quản trị theo mục tiêu (MBO). MC Gregor trên cơ sở tiếp cận tâm lí xã hội đã đề xuất một cơ cấu lí thuyết để tiến hành công việc quản trị, phân chia con người tương ứng với việc thực hành công việc quản trị (thuyết X và Y); William Ouchi, trên cơ sở nghiên cứu các công ty được quản trị theo kiểu Nhật Bản, đã đưa ra thuyết Z nổi tiếng và Thomas J Peters và Robert H. Waterman dựa trên cách tiếp cận không theo truyền thống, đã tin rằng việc quản trị hữu hiệu là ở sự “tuyệt hảo” trong các quyết định quản trị (Xem:đi tìm sự tuyệt hảo- In search of exellence). v.v...



Sự thành công của các nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc đã góp phần hình thành một khái niệm quản trị mang đặc trưng của triết học Phương Đông mà trong đó sự nhấn mạnh đến các giá trị tập thể, lòng trung thành, sự tự hào dân tộc, đánh giá theo quá trình... được xem là những đặc điểm khác biệt và phản ảnh các giá trị văn hoá Phương Đông. Tuy vậy, những khác biệt này chủ yếu thể hiện ở sự khác biệt trong thực hành quản trị do đặc thù và ảnh hưởng của các giá trị văn hoá hơn là những khác biệt về phương pháp tiếp cận. Vì cho đến giờ, quản trị viên dù ở cấp bậc nào và ở một tổ chức nào thì trọng tâm vẫn là thực thi các chức năng hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra nhằm hoàn thành mục tiêu của tổ chức một cách hiệu quả, và để thực thi các chức năng trên họ phải nỗ lực để phát triển 6 năng lực quản trị như đã đề cập. Vì vậy, sự quản trị có hiệu quả chỉ có thể đạt được trên cơ sở sự áp dụng một cách tổng hợp và sáng tạo các l. thuyết trên trong những cân nhắc thấu đáo các thay đổi của môi trường và sự bền vững của các giá trị văn hoá.

Câu hỏi ôn tập

  1. Mô tả những đóng góp của Taylor đối với trường phái quản trị bằng phương pháp khoa học.

  2. Theo bạn, quan điểm quản trị theo khoa học đúng và chưa đúng ở chỗ nào?

  3. Mô tả những đóng góp của Frank và Lillian Gilbreth đối với trường phái quản trị bằng phương pháp khoa học.

  4. Giải thích rõ “tính khách quan” trong quản trị quan liêu. Vận dụng vào trong lớp học như thế nào?

  5. Weber đã có những đóng góp gì vào các lí thuyết quản trị quan liêu?

  6. Mô tả những nguyên tắc quản trị của Fayol và so sánh với các nguyên tắc của Taylor.

  7. “Con người kinh tế” được đề cập trong nghiên cứu của Taylor như thế nào?

  8. Đặc điểm chung của 3 học giả trong quan điểm hành vi là gì?

  9. Phân tích rõ lí thuyết chấp nhận quyền hành của Barnard?

  10. Mô tả các nghiên cứu ở Hawthorne và đóng góp của nó đối với các hoạt động quản trị?

  11. Đóng góp chủ yếu của quan điểm hệ thống? Việc áp dụng khoa học quản trị và các phương pháp định lượng có phải là nội dung chính của quan điểm này không? Mối liên hệ giữa quan điểm này với các quan điểm trước như thế nào?

  12. Phương pháp định lượng có liên quan và đóng góp gì vào lĩnh vực quản trị như thế nào?

  13. Mục đích, nhiệm vụ và yêu cầu của quản trị chất lượng? Trên góc độ là nhà sản xuất, hãy cho biết phương diện để đánh giá chất lượng sản phẩm.

  14. Bạn biết gì về hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO?

Câu hỏi thảo luận

  1. Các kiểu môi trường làm việc nào đã được Henri Fayol, Mary Parker Follet, Frederick W. Taylor tạo ra?

  2. Có người cho rằng sự thành công của quản trị phần nào là do số mệnh. Cách tiếp cận của quản trị tổng quát có trả lời câu hỏi này không? Giải thích.

  3. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong một tổ chức tự học hỏi hoặc trong tổ chức kiểu truyền thống? Giải thích sự lựa chọn của bạn.

Bài tập tình huống 1 (một nhà quản lí miễn cưỡng - những điều chưa nói về QT/26)

Bài tập tình huống 2 (hình ảnh là tất cả)
Chương 3: Môi trường của tổ chức





  1. Khái niệm về môi trường:

    1. Định nghĩa môi trường:

Các tổ chức đều là những hệ thống mở, hay nói cách khác chúng hoạt động trong một môi trường nhất định, chúng chịu ảnh hưởng bởi môi trường đó và đồng thời các tổ chức cũng tác động lại môi trường. Môi trường của tổ chức được định nghĩa là tất cả các yếu tố, các điều kiện có sự ảnh hưởng và tác động qua lại với tổ chức.





    1. Phân loại môi trường:

Có nhiều cách tiếp cận để nghiên cứu môi trường của tổ chức, ở đây, căn cứ vào mức độ tác động trực tiếp và gián tiếp của các yếu tố môi trường, chúng ta có thể chia môi trường thành 2 loại: môi trường bên ngoàimôi trường bên trong.

  1. Môi trường bên ngoài:

Môi trường bên ngoài bao gồm tất cả các yếu tố tồn tại bên ngoài ranh giới của tổ chức, có ảnh hưởng tiềm tàng đến hoạt động của tổ chức. Và môi trường này được phân chia thành 2 lớp: môi trường vĩ mô (hay còn gọi là môi trường chung) và môi trường vi mô (hay còn gọi là môi trường tác nghiệp).

    1. Môi trường vĩ mô:

Môi trường vĩ mô gồm những yếu tố có ảnh hưởng rộng và không trực tiếp đến tổ chức, cụ thể là môi trường kinh tế, môi trường công nghệ, môi trường văn hóa xã hội, môi trường nhân khẩu, môi trường chính trị - pháp luật, và môi trường toàn cầu. Các yếu tố của môi trường vĩ mô có thể tác động đến tổ chức theo 2 chiều hướng: hoặc là tạo ra những cơ hội cho sự phát triển của tổ chức hoặc gây nên những nguy cơ có thể làm phương hại đến hoạt động của tổ chức.

  1. Môi trường kinh tế:

Môi trường kinh tế chỉ bản chất và định hướng của nền kinh tế trong đó doanh nghiệp hoạt động. Các ảnh hưởng của nền kinh tế đến một tổ chức có thể làm thay đổi khả năng tạo giá trị và thu nhập của nó. 4 nhân tố quan trọng trong môi trường này gồm:

  • Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế: Nếu tỉ lệ tăng trưởng là cao, tức có một sự bùng nổ về chi tiêu của khách hàng, vì thế đem lại khuynh hướng thoải mái hơn về sức ép cạnh tranh trong một ngành. Do đó, đây là điều kiện thuận lợi để tổ chức bành trướng hoạt động và thu lợi nhuận cao hơn. Ngược lại, khi suy giảm kinh tế diễn ra, các tổ chức sẽ hoạt động khó khăn hơn.

  • Mức lãi suất: đây là nhân tố quan trọng khi các tổ chức phải vay mượn tài chính để dùng cho hoạt động kinh doanh của mình.

  • Tỉ giá hối đoái: là tỉ lệ giá trị bằng tiền giữa các quốc gia khác nhau. Tỉ giá hối đoái thay đổi sẽ tác động đến vị thế cạnh tranh của các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau. Ví dụ, khi giá trị của nội tệ thấp so với giá trị của đồng tiền khác, các sản phẩm làm ra trong nước sẽ rẻ tương đối so với các sản phẩm làm ở nước ngoài. Đồng nội tệ giá trị thấp trong khi đó, lại tạo ra cơ hội cho việc tăng doanh số bán ra bên ngoài.

  • Lạm phát: có thể làm giảm tính ổn định của nền kinh tế, làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn, lãi suất cao hơn, và cũng làm ảnh hưởng đến tỉ giá hối đoái. Nếu lạm phát tăng, khiến cho các tổ chức khó dự đoán tình hình kinh tế, do đó gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các đầu tư mới. Việc đầu tư mới cầm chừng, nhỏ giọt càng khiến nền kinh tế trì trệ hơn, do đó đây là mối đe dọa đối với công ty.

  1. Môi trường công nghệ:

Công nghệ là quá trình chuyển hóa làm biến đổi đầu vào của tổ chức thành đầu ra. Vì vậy, công nghệ là những tri thức, công cụ, kĩ thuật và hoạt động được sử dụng để chuyển đổi ý tưởng, thông tin và nguyên liệu thành hàng hóa và dịch vụ cuối cùng. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đóng vai trò quan trọng trong môi trường tổ chức, đặt nền tảng cho hiện tại và tạo sự bứt phá trong tương lai. Ở đây, vai trò của công nghệ được đề cập trên 3 khía cạnh chính: sản xuất, phân phối và chiến lược.

  • Vai trò của công nghệ đối với quá trình sản xuất:

Tiến bộ của công nghệ tạo ra sự thuận lợi trong quá trình thiết kế, tiết kiệm thời gian trong quá trình sản xuất và đưa sản phẩm mới ra thị trường.

Cách sử dụng máy vi tính và phân tích thống kê trong sản xuất cũng làm gia tăng chất lượng sản phẩm. Khi máy móc và quá trình xử lí được hợp nhất với nhau thông qua phương pháp cơ sở dữ liệu và lịch trình chung sẽ đơn giản hóa thủ tục và hạn chế những sai sót thường thấy của con người.



  • Vai trò của công nghệ đối với quá trình phân phối sản phẩm:

Vào cuối thập niên 90, có lẽ sự thay đổi to lớn nhất trong quá trình phân phối là sự hiện diện của mạng Internet toàn cầu cung cấp những đơn đặt hàng, phân phối và bán sản phẩm ngay trên mạng. Mua sắm trên internet đang dần dần thay thế cho cách mua sắm truyền thống ở các cửa hàng bán lẻ.

  • Vai trò của công nghệ đối với chiến lược:

Trong những năm 70, cứ 2 đồng hồ được bán ra thì có 1 cái mang nhãn hiệu Timex. Đến những năm 90, thị phần của công ty này đã sụt giảm 5% và hiện nay các nhãn hiệu đồng hồ như Seiko, Citizen, Pulsar, Accutron và Swatch đang chiếm ưu thế trên thị trường. Tại sao lại xảy ra tình trạng này. Nguyên nhân là do Timex đã không nắm bắt xu thế phát triển của công nghệ là cần chuyển hướng từ cơ khí hóa sang điện tử. Timex vẫn tiếp tục sản xuất đồng hồ dựa trên công nghệ cũ kỹ do đó không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Những tiến bộ trong ngành hóa tinh thể và sản xuất diot bán dẫn đã khiến cho công nghệ mà Timex sử dụng trở nên lạc hậu hơn bao giờ hết. Đồng hồ điện tử tràn ngập khắp mọi nơi và giá của một chiếc đồng hồ giảm đến mức giờ đây ai cũng có thể sắm cho mình một chiếc. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc Timex mất dần đi thị trường của mình. Tương tự như vậy, trong ngành sản xuất ô tô hiện nay, động cơ được chế tạo từ các nguồn vật liệu mới như gốm (ceramic) và sự thay đổi của hệ thống năng lượng hứa hẹn khả năng hoạt động hiệu quả và công suất cao hơn của động cơ đốt trong.

  1. Môi trường văn hóa – xã hội:

Môi trường văn hóa xã hội liên quan đến thái độ xã hội và giá trị văn hóa. Bởi vì các giá trị xã hội và thái độ xã hội tạo nên nền tảng của xã hội, nên nó thường dẫn dắt các thay đổi và các điều kiện của các môi trường còn lại của tổ chức. Sự thay đổi về môi trường văn hóa xã hội có thể tạo ra cơ hội và thách thức cho tổ chức cũng như các nhà quản trị. Chẳng hạn như chúng ta có thể nhận ra rằng một trong những dịch chuyển xã hội phổ biến trong những năm 70, 80 là khuynh hướng ý thức về sức khỏe. Nếu các công ty nhận thức được cơ hội thì sẽ thu được lợi nhuận to lớn. Ví dụ như Pepsi Cola giành được một phần thị trường từ đối thủ cạnh tranh Coca Cola bằng việc giới thiệu một loại cola và nước trái cây kiêng dựa trên cơ sở ban đầu là nước ngọt. Đồng thời khuynh hướng này cũng tạo ra đe dọa cho nhiều ngành, ví dụ như ngành thuốc lá hiện nay đang suy giảm như là một kết quả của việc tăng nhận thức của khách hàng về tác hại của hút thuốc đến sức khỏe.

Một xu hướng quan trọng nữa chính là sự gia tăng nhanh chóng tính đa dạng của lực lượng lao động. Tính đa dạng này thể hiện ở kết cấu lao động tại một nơi làm việc đang trở nên ngày càng đa dạng, gồm nhiều người lao động khác biệt về chủng tộc, quốc tịch, giới tính, trình độ học vấn,…Bên cạnh đó, lực lượng lao động cũng dần được trẻ hóa và số lượng nữ giới ngày một tăng cao. Đây cũng là cơ hội cho những người sử dụng lao động, họ có thể thuê được những người trẻ, năng động, nhanh nhẹn và tham vọng hơn, cũng như thuê được nhân viên nữ, có trình độ và năng lực tương đương nam giới nhưng chỉ yêu cầu mức lương thấp hơn. Nhưng điều này lại là đe dọa đối với những người già và nam giới bởi những người trẻ hơn và nữ giới có thể chiếm giữ vị trí của họ.



  1. Môi trường nhân khẩu:

Phân đoạn nhân khẩu học liên quan đến dân số, cấu trúc tuổi, phân bố địa lí, cộng đồng dân tộc, và phân phối thu nhập.

Sự phân bố dân cư không tập trung có thể là cơ hội và đe dọa, dân số tập trung tại một vùng sẽ mang lại một thị trường rộng lớn hơn, lực lượng lao động dồi dào, các tổ chức dễ chọn được người quản lí giỏi cũng như mở rộng hoạt động của mình. Tuy nhiên, điều này lại dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường, các vấn đề về rác thải, giao thông…



Cấu trúc tuổi già đi ở các nước phát triển do tỉ lệ sinh thấp và tuổi thọ có khuynh hướng tăng, cho thấy cơ hội đối với các ngành dịch vụ chăm sóc người già, dịch vụ bảo hiểm, nhưng lại tạo ra thách thức đối với các tổ chức về nguồn lao động.

  1. Môi trường chính trị - luật pháp:

Thể chế chính trị giữ vai trò định hướng, chi phối toàn bộ các hoạt động trong xã hội, trong đó có hoạt động kinh doanh. Hệ thống luật pháp được xây dựng dựa trên nền tảng của các định hướng chính trị, nhằm quy định những điều mà các thành viên trong xã hội không được làm, là cơ sở để chế tài những hành động vi phạm các mối quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ. Các nhà quản trị và các tổ chức cần nắm vững luật, các văn bản dưới luật và các chính sách, cũng như dự đoán những thay đổi của môi trường chính trị - pháp luật để phát hiện được những cơ hội cho tổ chức mình.

  1. Môi trường toàn cầu:

Khía cạnh quốc tế hay toàn cầu đề cập đến những sự kiện xuất phát từ nước ngoài, tạo ra cơ hội và đe dọa đối với các tổ chức và doanh nghiệp trong nước. Nghiên cứu sự thay đổi trong môi trường này giúp tổ chức phát hiện các đối thủ cạnh tranh, khách hàng và các nhà cung cấp mới cũng như những khuynh hướng về xã hội, công nghệ và kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Ngày nay, mọi công ty đều bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh trên toàn cầu. Chẳng hạn như công ty Dixon Ticonderoga Co., một công ty sản xuất bút chì của Mĩ đã gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh từ nước ngoài, đặc biệt là từ các công ty sản xuất bút chì chi phí thấp ở Trung Quốc. Ngày nay khoảng 50% bút chì bán ở Mĩ là đến từ các quốc gia khác, trong khi đó thập kỉ trước con số này chỉ là 16%.

    1. Môi trường vi mô:

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong nghiên cứu về môi trường vi mô (hay còn gọi là môi trường tác nghiệp), trong giới hạn của giáo trình này, chúng ta sẽ nghiên cứu môi trường vi mô theo mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Micheal Porter. Do đó, đến lúc này, môi trường vi mô sẽ còn được gọi là môi trường ngành và 5 lực lượng cạnh tranh theo Micheal Porter bao gồm: năng lực thương lượng của người mua, năng lực thương lượng của người bán, đối thủ cạnh tranh hiện có trong ngành, đối thủ cạnh tranh tiềm tàng và sản phẩm thay thế. Nói tóm lại, có 5 yếu tố môi trường vi mô mà chúng ta nghiên cứu đó là: khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh hiện tại, đối thủ cạnh tranh tiềm tàng và sản phẩm thay thế. Mối quan hệ giữa các yếu tố này được phản ánh trên mô hình sau:





  1. Khách hàng:

Những cá nhân và tổ chức sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của công ty là khách hàng của công ty. Là người tiêu dùng sản phẩm đầu ra của tổ chức, khách hàng là quan trọng bởi vì họ quyết định sự thành công của tổ chức. Một trong những vấn đề đối với các nhà quản trị hiện nay là Internet mang lại nhiều khả năng cho khách hàng trong việc ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức. Ví dụ các trang than phiền chẳng hạn như Walmart-sucks.com, nơi khách hàng và các hiệp hội thương mại biết nhà bán lẻ lớn nhất quốc gia. Kyle Shannon, tổng giám đốc của công ty tư vấn thương mại điện tử Agency.com, phát biểu “Trong môi trường thông tin mới này, bạn phải nên biết rằng khách hàng biết mọi điều”.

Ở đây, chúng ta không chú ý phân tích đặc điểm của khách hàng mà cố gắng phân tích khía cạnh cạnh tranh của khách hàng. Có nghĩa là coi khách hàng với tư cách như là người cạnh tranh, đó là sự cạnh tranh giữa người mua và người bán.



  • Người mua sẽ có nhiều ưu thế hơn khi họ có các điều kiện sau:

  • Khi số lượng người mua ít.

  • Khi người mua mua một sản lượng lớn và tập trung.

  • Khi người mua chiếm một tỉ trọng lớn trong sản lượng của người bán.

  • Các sản phẩm của người bán không có tính khác biệt và là sản phẩm cơ bản, do đó khách hàng chuyển sang mua sản phẩm của các nhà cung cấp khác.

  • Khách hàng có đủ điều kiện để đe dọa hội nhập về phía sau.

  1. Đối thủ cạnh tranh hiện tại:

Các công ty khác trong cùng ngành hoặc cùng loại kinh doanh cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ như công ty cho khách hàng được xem như là đối thủ cạnh tranh hiện tại của công ty. Mỗi ngành có những vấn đề cạnh tranh cụ thể và các đối thủ cạnh tranh trong ngành sẽ quyết định tính chất và mức độ cạnh tranh trong cùng một ngành. Mức độ cạnh tranh dữ dội phụ thuộc vào mối tương tác giữa các yếu tố như số lượng doanh nghiệp tham gia cạnh tranh, mức độ tăng trưởng của ngành, cơ cấu chi phí cố định và mức độ đa dạng hóa sản phẩm. Các doanh nghiệp cần phân tích đối thủ cạnh tranh để nắm và hiểu được các biện pháp phản ứng và hành động mà họ có thể thông qua.

  1. Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn:

Ở những thị trường hấp dẫn, khả năng sinh lời cao thì trong tương lai gần sẽ xuất hiện các đối thủ mới. Sự xuất hiện các đối thủ cạnh tranh mới trong ngành có thể là yếu tố làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, vì sẽ làm tăng mức độ cạnh tranh. Những ngành có rào cản thâm nhập thấp chẳng hạn như ngành Photocopy hoặc thức ăn nhanh, sự cạnh tranh ở đó rất dữ dội. Hiệu quả theo quy mô, tính khác biệt của sản phẩm, những đòi hỏi về nguồn vốn và các quy định của chính phủ là 4 nhân tố quan trọng nhất có tác động đến việc chuẩn đoán rào cản thâm nhập của tổ chức.

Hiệu quả theo quy mô: hiệu quả đạt được do sản xuất với quy mô lớn và nhờ vậy mà tiết kiệm chi phí, chủ yếu là chi phí cố định. Hiệu quả theo quy mô càng cao thì tính hấp dẫn của ngành càng lớn và do vậy mức độ thu hút những người mới càng cao.

Sự khác biệt sản phẩm: Đó là sự cam kết đem lại cho khách hàng những sản phẩm độc đáo về chất lượng, giá cả, mẫu thiết kế và dịch vụ hậu mãi. Sản phẩm càng khác biệt, khó bắt chước thì đối thủ cạnh tranh tiềm tàng càng khó thâm nhập.

Yêu cầu về vốn: là khoản tài chính cần thiết cho trang thiết bị, nguyên liệu, quảng cáo, R & D và những chi phí khác của một hãng. Yêu cầu vốn càng cao thì rào cản thâm nhập càng lớn.

Các quy định của chính phủ: cũng là một rào cản đối với công ty mới muốn thâm nhập thị trường.

  1. Nhà cung cấp:

Nhà cung cấp là những người cung ứng đầu vào cho tổ chức. Chẳng hạn như một xưởng thép thì cần có quặng sắt, máy móc và nguồn lực tài chính…các công ty lớn chẳng hạn như Johnson&Johnson, Westinghouse, P&G thì thường lệ thuộc nhiều vào nhà cung cấp, khoảng trên 1000 nhà cung cấp. Tuy nhiên cũng có công ty sử dụng ít nhà cung cấp hơn và cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt với họ.

Nhà cung cấp có ưu thế nhất khi:



  • Số lượng nhà cung cấp là ít.

  • Khi sản phẩm thay thế không có sẵn.

  • Khi người mua thể hiện một tỉ trọng nhỏ trong sản lượng của nhà cung cấp.

  • Khi sản phẩm của nhà cung cấp là yếu tố quan trọng đối với khách hàng.

  • Khi sản phẩm của nhà cung cấp có tính khác biệt và được đánh giá cao bởi khách hàng của người mua.

  • Chi phí chuyển đổi các nhà cung cấp là cao.

  • Khi nhà cung cấp có khả năng đe dọa hội nhập về phía trước.

  1. Đe dọa từ sản phẩm thay thế:

Một sản phẩm hay dịch vụ làm thỏa mãn nhu cầu nào đó của khách hàng trên thị trường không phải là duy nhất mà chúng sẽ có sản phẩm thay thế. Nói cách khác, sản phẩm thay thế là những sản phẩm của các nhà sản xuất khác có thể đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách hàng. Chẳng hạn, đối với nhu cầu đi lại, người tiêu dùng có thể lựa chọn xe đạp hoặc xe máy hoặc xe ô tô, chúng là những sản phẩm có thể thay thế nhau.

  1. Môi trường bên trong:

Hoạt động quản trị của nhà quản trị chịu tác động bởi yếu tố văn hóa và môi trường bên ngoài. Nhưng cho dù chịu ảnh hưởng bởi những áp lực này, nhà quản trị không phải là bất lực, họ vẫn có thể tác động đến kết quả của tổ chức, điều này giúp ta phân biệt được ai là nhà quản trị giỏi, ai là nhà quản trị không có năng lực. Trong phần còn lại, chúng ta sẽ nghiên cứu yếu tố văn hóa của tổ chức, xem xét nhà quản trị có thể tác động đến văn hóa như thế nào để ra quyết định kịp thời trong một môi trường luôn thay đổi.

Chúng ta biết rằng mỗi người đều có một tính cách riêng. Tính cách của mỗi người ảnh hưởng đến cách làm việc và giao tiếp với người khác. Mỗi tổ chức cũng vậy, cũng có những tính cách riêng mà chúng ta gọi là văn hóa tổ chức.

Vậy văn hóa tổ chức là gì? Văn hóa tổ chức là hệ thống các giá trị và niềm tin được chia sẻ trong một tổ chức, có ảnh hưởng mạnh đến cách thức hành động của các thành viên trong tổ chức. Nó thể hiện ý thức chung của tổ chức, và nó quy định cách ứng xử của họ.

Mặc dù mỗi tổ chức đều có văn hóa riêng, nhưng không phải nền văn hóa nào cũng có tác động như nhau đối với ứng xử và hành động của nhân viên. Văn hóa mạnh tồn tại ở tổ chức có những giá trị cốt lõi được phát huy mạnh mẽ và chia sẻ rộng rãi. Văn hóa mạnh có tầm ảnh hưởng đến nhân viên mạnh hơn văn hóa yếu. Nếu như càng nhiều nhân viên chấp nhận giá trị cốt lõi của tổ chức và sự cam kết của họ đối với những giá trị đó càng lớn thì văn hóa của tổ chức càng mạnh. Chẳng hạn như ở hãng Sony, hãng tập trung chủ yếu vào việc đổi mới sản phẩm, khen thưởng cho những ý tưởng đổi mới của nhân viên. Kết quả là công ty liên tục phát triển những sản phẩm mới.



  • Đặc trưng của văn hóa:

Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng có 7 khía cạnh phản ánh những yếu tố cơ bản của văn hóa tổ chức. 7 yếu tố này có các mức độ liên tục từ thấp đến cao, sự kết hợp của 7 đặc trưng này theo những cách khác nhau sẽ tạo ra những tổ chức có văn hóa khác nhau. Các yếu tố này được thể hiện trong hình vẽ dưới đây:




  • Tính chấp nhận mạo hiểm cao: một số tổ chức có nét văn hóa đặc trưng là khuyến khích nhân viên mạo hiểm. Có hệ thống khen thưởng cho những người có tính mạo hiểm. Khi ngành ngân hàng của Australia đã được nới lỏng thì một số ngân hàng đã phát triển văn hóa của mình theo đó, khuyến khích nhân viên mạo hiểm hơn trước. Trước đây, họ rất e dè khi cho khách hàng vay những khoản rủi ro, giám đốc phụ trách việc vay tiền của các ngân hàng như Westpac và ANZ sẵn lòng cho vay hơn cho dù mức rủi ro là khá cao. Điều này được khuyến khích bởi hệ thống khen thưởng cho việc tăng doanh số tiền vay. Nhưng ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) thì lại không muốn nhân viên mình mạo hiểm. Một số người cho rằng nhờ nét văn hóa đầy thận trọng này đã giúp cho NAB nổi lên với tư cách là một ngân hàng mạnh hơn so với các đổi thủ khác trong những thập kỉ 90. Tuy nhiên, trong số các đổi thủ đó của NAB thì không ngân hàng được coi là dám mạo hiểm cao.

  • Tính chú trọng đến chi tiết cao: trong loại văn hóa này, tổ chức chủ động tập trung đến các chi tiết cơ bản của doanh nghiệp. Các tổ chức có chất lượng thường có tính cách là tập trung đến từng chi tiết, chẳng hạn tổ chức tên tuổi trong ngành sản xuất các sản phẩm chất lượng cao thường có nét văn hóa là tập trung quan tâm đến từng chi tiết và chất lượng sản phẩm. Honeywell Australia là một doanh nghiệp rất chú trọng đến việc định hướng chất lượng sản phẩm. Đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên nhận chứng chỉ ISO 9000, và vào năm 1997 công ty rất vinh dự nhận được Giải thưởng Chất lượng của Australia, giải thưởng uy tín nhất nước về chất lượng.

  • Tính định hướng kết quả cao: một số doanh nghiệp rất thành công nhờ tập trung vào kết quả hay đầu ra, chẳng hạn như khâu dịch vụ khách hàng. Nét văn hóa này giống như mô hình của cửa hàng bán lẻ Nordstrom ở Bắc Mĩ, chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng này đã phát huy một trong những nét văn hóa mạnh nhất ở khâu dịch vụ khách hàng trong kênh bán lẻ. Nhân viên Nordstrom biết rõ khách hàng cần gì, những yêu cầu và mong muốn từ khách hàng là phương châm hành động của họ.

  • Tính định hướng con người cao: một số doanh nghiệp coi yếu tố con người là yếu tố trung tâm trong văn hóa của họ. Công ty Rivers Footwear & Clothing ở Ballarat, bang Vitoria là một doanh nghiệp có tính định hướng con người cao với cách sắp xếp công việc linh hoạt, đối xử với nhân viên như người nhà trong một môi trường vui vẻ và hòa đồng. Công ty đã cho thiết kế những hình ảnh vui vẻ về công ty và nhân viên mình trên các mẫu catalogue và website của công ty (www.rivers.com.au.).

  • Tính định hướng nhóm cao: ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và các chi nhánh của các hãng lớn xây dựng văn hóa doanh nghiệp xoay quanh khái niệm nhóm. Nhiều hãng luật và các văn phòng nghề nghiệp ngày càng tổ chức hoạt động của họ theo nhóm, họ lập ra các nhóm xử lí các vụ tranh chấp, nhóm xử lí các vấn đề kinh doanh, nhóm xử lí các vấn đề về nhân sự và nhóm phụ trách luật môi trường. Tính định hướng nhóm được thể hiện rõ ở hãng Tasman Pulp và các hoạt động sản xuất ở nhà máy Kawerau của công ty trên đất nước New Zealand. Đây là một công ty được phân cấp và phân quyền rất chặt chẽ vào những năm đầu thập kỉ 90 nhưng sau đó đã thay đổi thành một công ty có tính định hướng nhóm cao dưới sự lãnh đạo của Bruce Landman. Dưới sự lãnh đạo của ông, công ty được chia thành 32 nhóm nhỏ. Mỗi nhóm chịu trách nhiệm điều hành lĩnh vực của mình phụ trách gồm việc kiểm soát số người vắng mặt trong năm, số người nghỉ ốm, gồm cả việc huấn luyện và tuyển dụng.

  • Tính hiếu thắng cao: một số doanh nghiệp đánh giá cao tính hiếu thắng hơn hết. Chẳng hạn tập đoàn Microsoft được xem là tập đoàn siêu háo thắng, đây vừa là một tính tốt cũng vừa là một tính xấu trong tinh thần doanh nghiệp. Sự hiếu thắng của Microsoft được thể hiện trong việc cạnh tranh với đổi thủ để bảo vệ quyền sáng chế và danh sách những người bị kiện ra tòa ngày càng dài thêm (trong đó có cả chính phủ liên bang Hoa Kì) và hiện nay vẫn còn nỗ lực kiểm soát bản quyền trong tập đoàn khổng lồ này.

  • Tính không ổn định cao: có nhiều tổ chức xác định nét văn hóa của họ bằng việc chú trọng mạnh mẽ đến tăng trưởng. Điển hình cho nét văn hóa này là hãng Intel, nhà sản xuất chip máy tính hàng đầu thế giới. Khi nhu cầu về máy tính và phần mềm càng cao và đa dạng, đó là thời điểm Intel nhảy vào kinh doanh. Nhưng công ty không đợi nhà sản xuất máy tính và các nhà phát triển phần mềm hỗ trợ cho công ty mà thay vào đó, Intel nhắm đến mục tiêu trở thành “người lãnh đạo tầm nhìn của ngành công nghiệp máy tính”. Nét văn hóa đặc trưng của hãng là tập trung kích thích khách hàng tiêu dùng bộ vi xử lí của hãng.

  • Nguồn hình thành văn hóa:

Văn hóa tổ chức thường được hình thành bởi nhà sáng lập của tổ chức đó, họ là người đưa ra ý tưởng đầu tiên về văn hóa và những giá trị hình thành nên văn hóa, đồng thời họ xây dựng giá trị văn hóa của doanh nghiệp trong thời gian đầu bằng cách vạch ra kế hoạch xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Ở hầu hết các doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, người sáng lập thường chia sẻ quan điểm với các thành viên trong doanh nghiệp. Chẳng hạn như Anita Roddick, người sáng lập ra công ty Body Shop. Tại công ty này, việc quan tâm đến các yếu tố về môi trường, xã hội và quán triệt những quy tắc đạo đức trong kinh doanh khi làm ăn với người bản xứ ở các nước đang phát triển là những nguyên tắc trung tâm mà Roddick đã đề ra từ những ngày đầu thành lập.

  • Cách duy trì văn hóa:

- Quá trình chọn lựa đảm bảo nhân viên mới có ý thức và suy nghĩ phù hợp với các nhà quản trị cấp cao hoặc những người sáng lập của tổ chức.

- Cách ứng xử của nhà quản trị liên tục được truyền tải đến tất cả các nhân viên đâu là giá trị của tổ chức và hành động nào sẽ được hưởng ứng.

- Việc giúp nhân viên mới hòa nhập vào tổ chức phải gắn liên với việc duy trì văn hóa của tổ chức.


  • Nhân viên tiếp thu văn hóa tổ chức như thế nào?

Văn hóa tổ chức được nhân viên tiếp thu bằng nhiều cách, chúng gồm những cách cơ bản sau:

  • Những câu chuyện về công ty.

  • Các nghi thức

  • Các biểu tượng

  • Ngôn ngữ

  • Tác động của văn hóa đến nhà quản trị:

Văn hóa tạo ra sức ép lên những gì nhà quản trị có thể hoặc không thể làm, nhưng những sức ép này không hoàn toàn rõ ràng, chúng không được viết ra, càng không thể nói ra. Nhưng nó tồn tại trong tổ chức và các nhà quản trị phải tiếp thu nhanh chóng để xác định những gì có thể làm và không nên làm trong tổ chức. Ngoài ra, văn hóa tổ chức còn quyết định hành vi quản trị nào là phù hợp. Ví dụ, khi tổng giám đốc công ty Woolworths là Roger Corbett kiểm tra một cửa hàng của công ty, ông bày tỏ những gì công ty mong đợi ở nhân viên và cũng bày tỏ ông muốn thấy những gì ở cửa hàng. Ông thường đến cửa hàng trong trang phục bình dị với một chiếc áo sơ mi không áo vét khoác ngoài, thương không được báo trước và mọi người thường gọi tên khi giao tiếp với ông là Roger. Ông cố gắng nói chuyện với nhân viên, bắt tay và xem họ làm việc. Khi nào ra về ông cũng nhắc nhở, đại loại như “cần sắp xếp cẩn thận những quả chuối và táo trong khu vực hàng trái cây tươi”. Việc ông đề nghị điều chỉnh giảm giá xuống chút ít, ví dụ từ 4,99 đo xuống 4,98 đô là điều bình thường. Bỏ thời gian để tiến hành những công việc quản lí như vậy là một hoạt động đòi hỏi cao ở tổng giám đốc các công ty lớn ở Australia (điều này giải thích tại sao những cuộc “vi hành” này thường rơi vào những ngày cuối tuần), kiểu quản lí của Corbett có hiệu quả tức thì, ông là tấm gương cho các nhân viên quản lí cửa hàng của Woolworths noi theo. Theo ông, những người quản lí cửa hàng nên đi thực nghiệm chứ không nên ngồi tại văn phòng làm việc. Thành công trong ngành bán lẻ phụ thuộc vào chất lượng, phong cách trưng bày và giá rẻ, điều đó đòi hỏi phải có sự chăm sóc liên tục. Để đưa quan điểm của mình vào công ty, ông thường dẫn các quản lí cửa hàng đi theo khảo sát một số đối thủ của công ty để kiểm tra xem họ đang cạnh tranh như thế nào. Một lần nữa điều đó cho thấy tầm quan trọng của sự quan tâm chi tiết và năng lực cạnh tranh mà Corbett đã áp dụng.

  1. Quản trị trong môi trường toàn cầu:

Hoạt động trong bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu hoá, các nhà quản trị và tổ chức cần chuẩn bị các khả năng để thích ứng với những biến đổi và ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu cũng như sẵn sàng cho những chiến lược kinh doanh trên thị trường quốc tế.

4.1. Những xu hướng của kinh tế toàn cầu

Khi nghiên cứu các đặc điểm của nền kinh tế toàn cầu hoá hiện nay, các nhà kinh tế đã tổng hợp thành một số xu hướng chính sau:

• Cạnh tranh ngày càng gay gắt trên phạm vi toàn cầu

• Chu kỳ sống của sản phẩm ngày càng được rút ngắn

• Tầm quan trọng của hoạt động xuất nhập khẩu được nâng cao

• Công nghệ thông tin mang tính toàn cầu

• Sự xuất hiện của những thị trường mới

• Sự hình thành các tổ chức không biên giới

• Lực lượng lao động toàn cầu

4.2. Chiến lược kinh doanh quốc tế

Phần này sẽ mô tả các chiến lược thường được các tổ chức áp dụng để tiến hành kinh doanh trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp có thể chọn 1 trong 6 chiến lược này và chúng được sắp xếp từ thấp đến cao về mức độ linh động và sự đòi hỏi nguồn lực. Hình III- 3 mô tả các chiến lược kinh doanh quốc tế



Каталог: books -> kinh-doanh-tiep-thi -> quan-tri-hoc
kinh-doanh-tiep-thi -> BÀi giảng quản trị chiến lưỢC Đối tượng: hssv trình độ Đại học, Cao đẳng, tccn ngành đào tạo: Quản trị Kinh doanh
kinh-doanh-tiep-thi -> Ứng dụng mô HÌnh 5 Áp lực cạnh tranh của michael porter trong kinh doanh siêu thị trêN ĐỊa bàn thành phố ĐÀ NẴNG
kinh-doanh-tiep-thi -> Có đáp án Trong quá trình sản xuất dịch vụ các yếu tố nào là đầu vào ngoại trừ
kinh-doanh-tiep-thi -> MỤc lục hình 3 MỤc lục bảng 3
kinh-doanh-tiep-thi -> Giới thiệu công ty: Lịch sử hình thành và phát triển
kinh-doanh-tiep-thi -> ĐẠi học duy tân khoa Ngoại ngữ Bài giảng ĐẠO ĐỨc nghề nghiệP
kinh-doanh-tiep-thi -> TRƯỜng đẠi học kinh tế VÀ quản trị kinh doanh
kinh-doanh-tiep-thi -> Hà nội, 2009 Mục lục Chương Tổng quan về Thương mại điện tử 7
quan-tri-hoc -> Tài liệu – Nghệ thuật lãnh đạo Th. S vương Vĩnh Hiệp nghệ thuật lãnh đẠO

tải về 0.7 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương