CHÍnh phủ Số: 62/bc-cp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc Hà Nội, ngày 5 tháng 5 năm 2008 BÁo cáO



tải về 0.56 Mb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu13.07.2016
Kích0.56 Mb.
#1679
  1   2   3   4


CHÍNH PHỦ

---------

Số: 62/BC-CP





CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội, ngày 5 tháng 5 năm 2008



BÁO CÁO

Về việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

----------------


Kính trình: Quốc hội khóa XII.
Thực hiện văn bản số 428/VPQH-TH ngày 10 tháng 3 năm 2008 của Văn phòng Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội “Báo cáo về việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” với những nội dung chính như sau:

I. ĐÁNH GIÁ KHÁI QUÁT VIỆC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG.

Sau khi các Luật chuyên ngành giao thông vận tải (Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam) được Quốc hội ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã ban hành một số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật theo thẩm quyền; đồng thời chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước. Do vậy, đã tạo được sự chuyển biến tích cực về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trong thực hiện còn bộc lộ những tồn tại, yếu kém cần được khắc phục sớm.



1. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành đã cơ bản đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông. Nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục và thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật. Việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông, thúc đẩy sự phát triển ngành giao thông vận tải, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước (xin xem Phụ lục số 1 - Danh mục các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về giao thông).



2. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức thực hiện pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Sau khi có Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24 tháng 2 năm 2003 của Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng đã quan tâm nhiều hơn đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thường xuyên chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Căn cứ vào tình hình phức tạp về TTATGT trong từng giai đoạn, Chính phủ đã ban hành kịp thời 2 Nghị quyết chuyên đề về TTATGT (Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP và Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP); Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Chỉ thị, thường xuyên ban hành Công điện chỉ đạo thực hiện pháp luật về bảo đảm TTATGT.

Bên cạnh việc khẩn trương ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giao thông vận tải thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, chấn chỉnh các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) thực hiện theo từng lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực mang tính xã hội cao như: đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX), kiểm định phương tiện, vận tải khách, quản lý hành lang an toàn giao thông, chất lượng công trình giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ đang nâng cấp, cải tạo.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ký Nghị quyết liên tịch với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kiện toàn Ban An toàn giao thông cấp tỉnh, cấp huyện (Chủ tịch Ủy ban nhân dân trực tiếp làm Trưởng Ban) để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác an toàn giao thông trên địa bàn.

Nhờ sự chỉ đạo thường xuyên, kiên quyết của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong thực hiện pháp luật TTATGT nên đã tạo được sự chuyển biến tích cực về bảo đảm TTATGT, tai nạn giao thông đã được kiềm chế.

3. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính cơ bản, lâu dài nhằm xây dựng nếp sống văn hóa trong giao thông, tạo thói quen tự giác tuân thủ pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Từ khi có Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT từ Trung ương đến địa phương được thực hiện thường xuyên, mạnh mẽ hơn với sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tin - truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội, bước đầu hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân khi tham gia giao thông.

- Nội dung tuyên truyền đã tập trung phổ biến các quy định của Luật, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn pháp luật về TTATGT của các Bộ, ngành, nhất là quy tắc giao thông, đồng thời phản ánh các hoạt động bảo đảm TTATGT, những khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật về TTATGT.

- Hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú như:

+ Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài truyền hình, phát thanh, các báo ở Trung ương và địa phương, các đài truyền thanh cơ sở. Nhiều báo, đài mở chuyên mục và th­ường xuyên có tin, bài về tình hình TTATGT trên địa bàn và trong cả nước, có lực lư­ợng phóng viên chuyên trách, cộng tác viên về chuyên mục ATGT với nhiều hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp, thiết thực, đạt hiệu quả cao.

+ Tổ chức tuyên truyền, vận động thông qua hoạt động của các cơ quan, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phổ biến pháp luật về TTATGT đến được từng hộ gia đình, từng người dân.

+ Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu nội dung các quy định của pháp luật về TTATGT như thi viết, thi vẽ, thi băng hình; triển lãm tranh ảnh, treo Pano, khẩu hiệu, phát áp phích, tờ rơi; tổ chức các buổi ca nhạc, thời trang về ATGT; thi lái xe giỏi; thi điều khiển môtô an toàn; …

+ Công tác tuyên truyền còn được thực hiện trực tiếp thông qua hoạt động cưỡng chế, xử lý nghiêm vi phạm về TTATGT, đây là biện pháp giáo dục hiệu quả, mang tính răn đe cao.

- Chương trình giảng dạy pháp luật về TTATGT đã được đưa vào các cấp học và được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là chương trình của năm học ở tất cả các bậc học từ mầm non đến đại học, nhiều trường tiểu học xây dựng chương trình hướng dẫn học sinh đi lại an toàn.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông ngày càng được xã hội hóa. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ như Ngân hàng Thế giới, Unicef, JICA, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Honda, Toyota, Suzuki, ... quan tâm tài trợ, giúp đỡ cho các hoạt động giáo dục, tuyên truyền pháp luật về TTATGT đường bộ.

Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân khi tham gia giao thông. Nổi bật nhất là việc tuyên truyền đội mũ bảo hiểm năm 2007, đóng góp vào thành công thực hiện chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy.

4. Thống kê, đánh giá, phân tích tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

a) Tai nạn giao thông.

Từ năm 2002 trở về trước, tai nạn giao thông liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Từ năm 2003 trở lại đây, tai nạn giao thông đã giảm trong các năm 2003, 2004 và 2005. Tuy nhiên, việc giảm tai nạn giao thông chưa bền vững, số người chết vì tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, năm 2006 số người chết do tai nạn giao thông lại tăng 10,72% so với năm 2005, năm 2007 số người chết do tai nạn giao thông vẫn tăng 3,2% (xin xem Phụ lục số 2).

Nếu tính theo tiêu chí số người chết/10.000 phương tiện cơ giới đường bộ như thông lệ quốc tế thì số người chết liên tục giảm từ năm 2003 đến 2007: Năm 2002 (năm đầu tiên Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành) là 11,6 người chết/10.000 phương tiện cơ giới đường bộ; năm 2005 là 6,5 người chết/10.000 phương tiện cơ giới đường bộ; năm 2006 là 6,3 người chết/10.000 phương tiện cơ giới đường bộ và năm 2007 giảm xuống còn 5,6 người chết/10.000 phương tiện cơ giới đường bộ.

Năm 2007 xảy ra 14.624 vụ tai nạn giao thông, làm chết 13.150 người và bị thương 10.546 người, so với năm 2006 giảm 77 vụ (giảm 0,5%), tăng 411 người bị chết (tăng 3,2%), giảm 740 người bị thương (giảm 6,5%). Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ chiếm 95,6% số vụ, 97,3% số người bị chết và 97,3% số người bị thương. (xin xem Phụ lục số 3).

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2007 có 35 địa phương giảm số người bị chết và 29 địa phương tăng số người bị chết vì tai nạn giao thông so với năm 2006. Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Đắk Lắk là những địa phương có số người chết tai nạn giao thông cao nhất.

Sau 5 tháng thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí so với 5 tháng trước khi có Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP giảm 220 vụ (-3,8%), giảm 222 người chết (-4,2%), giảm 659 người bị thương (-14.8%); so với 5 tháng cùng kỳ của năm 2006 giảm 638 vụ (-10,2%), giảm 402 người chết (-7,4%) giảm 1.004 người bị thương (-20,9%).

Thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP đã kiềm chế sự gia tăng số người chết vì tai nạn giao thông, từ mức tăng 10,6% số người chết năm 2006 xuống còn 3,2% năm 2007 trong bối cảnh kết cấu hạ tầng tăng cường không nhiều, phương tiện cơ giới đường bộ tăng quá nhanh.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong Quý I năm 2008 cả nước đã xảy ra 3.289 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.052 người và bị thương 2.073 người, so với Quý I năm 2007 giảm 700 vụ (-17,55%), giảm 509 người chết (-14,29%), giảm 1.045 người bị thương (-33,52%). Số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ tính trên 10.000 phương tiện cơ giới đường bộ so với Quý I năm 2007 giảm 0,48 người.



* Nguyên nhân tai nạn giao thông gia tăng năm 2007.

- Những tháng đầu năm 2007, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về TTATGT vẫn chưa tạo được sức mạnh đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Điển hình là dịp Tết Đinh Hợi, các văn bản chỉ đạo đều được ban hành đầy đủ, triển khai từ Trung ương đến ngành, địa phương, nhưng việc tổ chức thực hiện không tốt, giám sát, đôn đốc không thường xuyên vì vậy không kiềm chế được tai nạn giao thông. Riêng tháng 2 năm 2007 (tháng có Tết Đinh Hợi) xảy ra 1.500 vụ tai nạn giao thông làm chết 1.381 người, bị thương 1.301 người, đây là tháng có số người bị chết do tai nạn giao thông nhiều nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

- Ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của ng­ười dân vẫn chuyển biến chậm, vi phạm còn phổ biến, đặc biệt là người điều khiển môtô, xe gắn máy, đội ngũ lái xe khách, xe container, xe liên tỉnh đường dài.

- Phương tiện giao thông cá nhân tăng quá nhanh, năm 2007 đã đăng ký mới 133.505 ôtô và 3.105.322 môtô, so với năm 2006 ôtô tăng 13,7%, môtô tăng 16,6% và là năm có số ôtô, môtô tăng cao nhất từ trước tới nay (xin xem Phụ lục số 4).

- Kết cấu hạ tầng giao thông chư­a phát triển kịp sự gia tăng của phương tiện vì vậy tổ chức giao thông hết sức khó khăn. Việc giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đ­ường, vỉa hè, hành lang bảo vệ công trình giao thông ở nhiều địa ph­ương thực hiện chưa thường xuyên, triệt để, hiệu quả chưa cao; hành lang an toàn hầu hết các tuyến đường đều bị lấn chiếm đã hạn chế tầm nhìn của lái xe.

- Các doanh nghiệp, các hợp tác xã kinh doanh vận tải khách liên tỉnh khoán doanh thu, khoán thời gian quay đầu phương tiện, chưa chú trọng đúng mức các điều kiện bảo đảm an toàn giao thông, dẫn đến xảy ra nhiều tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trên Quốc lộ 1.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đã được tăng cường nhưng chư­a đáp ứng đ­ược yêu cầu. Tuyên truyền ch­ưa đến đ­ược với mọi người dân, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tuyên truyền chưa được chỉ huy thống nhất theo đợt, theo chiến dịch, theo đối tượng nên không tạo được dư luận thật mạnh mẽ, chưa lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm.

Tóm lại, nguyên nhân tai nạn giao thông theo phân tích của cơ quan chức năng cho thấy: Do kỹ thuật an toàn phương tiện xảy ra 0,5% ÷ 0,8% số vụ tai nạn giao thông, do kết cấu hạ tầng xảy ra 1,4% ÷ 1,7% số vụ tai nạn giao thông, còn lại là do người tham gia giao thông gây ra (lái xe ôtô gây ra khoảng 22% số vụ, lái môtô, xe gắn máy gây ra khoảng 75% số vụ).



b) Ùn tắc giao thông.

Tình hình ùn tắc giao thông xảy ra ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng, nhất là từ tháng 9 năm 2007, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân và sự phát triển kinh tế, xã hội. Nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông ở đô thị lớn là do phương tiện giao thông tăng nhanh, kết cấu hạ tầng giao thông chậm được cải thiện, quy hoạch phát triển đô thị không hợp lý, quỹ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh còn thấp chỉ đạt từ 3% ÷ 5% (tỷ lệ phù hợp là 20% ÷ 25%); một số khu vực, tuyến đường tổ chức giao thông chưa hợp lý cộng với ý thức chấp hành quy tắc giao thông của người tham gia giao thông chưa nghiêm; đặc biệt là các công trình xây dựng hạ tầng đô thị kéo dài tiến độ và không có giải pháp quyết liệt trong tổ chức giao thông đô thị (cưỡng chế đi đúng làn đường, phần đường quy định).

Ngoài thiệt hại về người, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông còn gây tổn thất rất lớn về kinh tế cũng như về mặt xã hội như ảnh hướng tới môi trường thu hút đầu tư, về hội nhập quốc tế, về văn hóa trong giao thông.

c) Về an toàn hàng không.

- Trong năm 2007 xảy ra 196 sự cố, nguyên nhân do con người chiếm 10,34%, do khách quan (thời tiết, va đập phải chim) chiếm 16,71%, do sự cố kỹ thuật chiếm 72,95%; sự cố nghiêm trọng chiếm tỷ lệ 0,07%.

- Công tác an ninh hàng không vẫn được giữ vững, không có vụ việc nghiêm trọng nào trong 2 năm 2006 - 2007.

5. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Công tác xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển giao thông ngày càng được quan tâm. Các quy hoạch giao thông đều gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng khu vực và có tính đến yếu tố kết nối giữa các loại hình giao thông. Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020.



a) Đường bộ:

Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ đến 2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó xác định GTVT đường bộ là một bộ phận quan trọng trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần phải được đầu tư, phát triển đi trước một bước; nâng cấp các tuyến Quốc lộ; phát triển hệ thống đường cao tốc, phát triển giao thông đô thị đồng thời với phát triển hệ thống đường tỉnh và giao thông nông thôn; phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phát triển vận tải công cộng ở các đô thị, kiềm chế sự gia tăng phương tiện cá nhân nhất là môtô, xe gắn máy.

Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ. Hệ thống giao thông đường bộ phát triển đã đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa các vùng trong cả nước và với các nước láng giềng, giải quyết kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân tạo điều kiện khai thác các tiềm năng giữa các vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Giao thông đô thị được phát triển, các cửa ngõ thành phố, các tuyến trục chính được mở rộng, các tuyến vành đai được quy hoạch và đầu tư, kể cả các đoạn tuyến quốc lộ qua đô thị cũng được quan tâm đầu tư mở rộng. Các tuyến đường tỉnh được đầu tư, nâng cấp, hệ thống đường huyện, đường xã được cải tạo, xây dựng; chất lượng đường được nâng lên, riêng quốc lộ và đường tỉnh có mặt đường bê tông xi măng, bê tông nhựa chiếm 77,3% tổng chiều dài; giao thông nông thôn được cải thiện đáng kể, từ năm 1999 đến nay đã có thêm 225 xã có đường ôtô đến trung tâm xã.

Công tác quản lý, bảo trì được chú trọng hơn trước, mức đầu tư cho công tác này tuy chưa đáp ứng yêu cầu nhưng từng bước được nâng lên. Hệ thống biển báo, vạch sơn, cọc tiêu, hộ lan, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, cột Km... nhất là trên quốc lộ, đường tỉnh và đường đô thị đã được hoàn chỉnh theo hướng hiện đại, ứng dụng vật liệu mới.

Công tác xử lý các “điểm đen” về kết cấu hạ tầng gây ra tai nạn giao thông đã được chú trọng. Theo thống kê, tính riêng trên quốc lộ: Năm 2005 đã xử lý 227 điểm đen/31 tỷ đồng, năm 2006 đã xử lý 266 điểm đen/ 38,3 tỷ đồng, năm 2007 đã xử lý 258 điểm đen/ 36,2 tỷ đồng.

Công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ những năm gần đây được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện nhiều biện pháp khắc phục tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ. Tuy nhiên, tình hình vi phạm hành lang an toàn đường bộ vẫn diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm về quản lý và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ ngày càng tăng, đặc biệt là các hành vi lấn chiếm xây dựng nhà, công trình trái phép trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ; giao đất, cho thuê đất hành lang an toàn đường bộ để xây dựng công trình không đúng pháp luật; lấn chiếm đất hành lang an toàn đường bộ, san lấp, tôn nền để làm đường đấu nối trái phép vào quốc lộ.



b) Về đường sắt.

Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan bổ sung, chỉnh sửa Đề án Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 để trình Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch phát triển đường sắt được triển khai theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt với các mục tiêu chính là nâng cấp hệ thống hạ tầng hiện có và mở rộng năng lực giao thông đường sắt trên các hành lang Bắc - Nam, Đông - Tây và liên kết mạng đường sắt với các quốc gia liền kề, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị để tham gia vận tải hành khách công cộng, chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ngành đường sắt đã phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp, các ngành trong công tác tổ chức, xử lý và giải tỏa những điểm vi phạm bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt, song tình hình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt vẫn còn nhiều phức tạp, tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt còn xảy ra thường xuyên trên địa bàn các tỉnh, thành có đường sắt chạy qua, hiện có 3.089 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Trên toàn mạng đường sắt có 1510 đường ngang hợp pháp, trong đó có 501 đường ngang có gác chắn; 733 đường ngang không gác chắn phòng vệ bằng biển báo; 276 đường ngang lắp đặt cảnh báo tự động; có 51 vị trí giao cắt lập thể. Trên mạng lưới đường sắt đang tồn tại gần 4.000 đường dân sinh trái phép (có chiều rộng ≥ 3 m) vượt qua đường sắt, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại những đường dân sinh trái phép đó.

c) Về đường thủy nội địa.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Đề án phát triển tổng thể toàn diện giao thông vận tải đường thủy nội địa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thủy nội địa khu vực phía Bắc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng thủy nội địa khu vực phía Nam đến năm 2010. Song song với việc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa toàn quốc, Bộ Giao thông vận tải cũng tăng cường chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa của địa phương. Đến nay đã có 42 địa phương xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển GTVT ĐTNĐ, trong đó 27 quy hoạch đã được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phê duyệt.



d) Về đường hàng không.

Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến 2020 và định hướng 2030. Tính đến hết năm 2007, đã hoàn tất việc phê duyệt quy hoạch tổng thể 17/22 cảng hàng không hiện hữu trên toàn quốc.

Trong năm 2007 không xảy ra các trường hợp xây dựng trái phép, vi phạm tĩnh không sân bay, đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.

đ) Quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển công nghiệp ngành ôtô và xe máy.

Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch và chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Bộ Công thương được Chính phủ giao, đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xe máy giai đoạn 2006 đến 2015 có tính đến 2020, theo đó dự kiến đến năm 2010 có 24 triệu xe máy, năm 2015 có 31 triệu xe máy và đến 2020 có 33 triệu xe máy.



6. Công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông.

Công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện cơ giới đường thủy có nhiều đổi mới, cơ bản phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Các cơ quan chức năng tích cực sửa đổi văn bản, loại bỏ những giấy tờ không cần thiết.



a) Phương tiện cơ giới đường bộ:

Năm 2007, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 01/2007/TT-BCA về quy định tổ chức, đăng ký cấp biển số phương tiện giao thông đường bộ theo hướng cải cách, giảm bớt thủ tục hành chính. Hiện nay có 41 địa phương đã triển khai thực hiện phân cấp đăng ký xe môtô cho Công an cấp huyện; 40 địa phương đã triển khai chọn biển số ngẫu nhiên trên máy vi tính, 15 địa phương bốc thăm chọn biển số;

Năm 2007 đã đăng ký mới 133.505 ôtô và 3.105.322 môtô, so với năm 2006 ôtô tăng 13,7%, môtô tăng 16,6%, nâng tổng số phương tiện cơ giới đường bộ hiện nay là 1.106.617 ôtô và 21.721.282 môtô.

b) Phương tiện thủy nội địa:

Kết quả tổng điều tra phương tiện thủy nội địa tính đến ngày 24 tháng 7 năm 2007 cho biết tổng số phương tiện là 806.577 chiếc. Trong đó: Số phương tiện thuộc diện phải đăng ký theo Luật Giao thông đường thủy nội địa là 515.596 chiếc, đã đăng ký là 44.710 chiếc chiếm 8,7%, phương tiện không thuộc diện phải đăng ký là 290.981 chiếc.



c) Phương tiện giao thông đường sắt:

Hiện nay các quy định về đăng ký phương tiện chỉ áp dụng đối với các phương tiện giao thông đường sắt sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới sau ngày Luật Đường sắt có hiệu lực thi hành. Trong thời gian tới Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu, quy định về đăng ký đối với phương tiện giao thông đường sắt đang khai thác và sử dụng trên đường sắt Quốc gia.



7. Đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, lái tàu, chứng chỉ chuyên môn.

a) Đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Thực hiện quy định của Luật Giao thông đường bộ, công tác quản lý, đào tạo người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ được tăng cường theo hướng ngành giao thông vận tải quản lý thống nhất nội dung, chương trình đào tạo; quy định cụ thể về tiêu chuẩn cơ sở vật chất, kỹ thuật nghiệp vụ cơ sở đào tạo lái xe và trung tâm sát hạch lái xe; nội dung và quy trình sát hạch; các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe phát triển theo hướng xã hội hóa.

Hiện cả nước có 176 cơ sở đào tạo lái xe ôtô và môtô; 369 cơ sở đào tạo lái xe môtô, 41 trung tâm sát hạch lái xe có thiết bị chấm điểm tự động, đáp ứng nhu cầu học lái xe trong cả nước. Từ năm 2002 đến hết năm 2007 đã đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho 16.191.113 người điều khiển môtô, 1.028.441 người lái xe ôtô; nâng tổng số người có giấy phép lái xe môtô lên 20.269.881 người, giấy phép lái xe ôtô lên 1.604.679 người.

Công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ngày càng chặt chẽ, theo hướng tăng cường trách nhiệm, đảm bảo sự thống nhất, công khai, minh bạch; chịu sự giám sát của người học, của dư luận xã hội, của cơ quan nhà nước; thực hiện nối mạng quản lý giấy phép lái xe toàn quốc; từng bước cải cách hành chính theo quy định và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó đã nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Đề án đổi mới quản lý giấy phép lái xe đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt thực hiện trong năm 2008. Nội dung, chương trình, bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông cho người điều khiển xe máy chuyên dùng đã được quy định và hướng dẫn tổ chức thực hiện trên toàn quốc.

Thông qua công tác đào tạo và quản lý người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ đã đào tạo lực lượng lái xe đủ đáp ứng nhu cầu điều khiển phương tiện, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, góp phần đưa Luật GTĐB đi vào cuộc sống một cách sâu rộng.



b) Công tác đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện thủy.

Tổng hợp báo cáo điều tra của 64 tỉnh, thành phố năm 2007, cả nước có 974.399 người tham gia điều khiển phương tiện. Trong đó, số người phải có bằng thuyền trưởng 108.402 người (hiện tại chỉ có 22.314 người có bằng, chiếm 20,6%); số người phải có chứng chỉ lái phương tiện 444.923 người (hiện tại chỉ có 15.384 người có chứng chỉ, chiếm 3,5%); số người phải có giấy chứng nhận học Luật là 421.074 người (hiện tại chỉ có 13.959 người có giấy chứng nhận học Luật, chiếm 3,3%). Hiện nay, ngoài các Trường đào tạo trực thuộc Cục Đường sông Việt Nam, có 22 cơ sở đào tạo thuộc các địa phương đủ đáp ứng việc đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng từ hạng ba trở lên theo yêu cầu của pháp luật và xã hội.



Каталог: content -> vankien -> Lists -> DanhSachVanKien -> Attachments
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010)
Attachments -> Đa dạng sinh họC Ở việt nam
Attachments -> PHẦn I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> BỘ giao thông vận tảI 1/ Cử tri tỉnh Đắk Lắc kiến nghị
Attachments -> QUỐc hội khóa XI uỷ ban về các vấn đề xã hội
Attachments -> QUỐc hội số: CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> 210/bc-btnmt cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> KỲ HỌp thứ TÁm quốc hội khoá XII (20/10/2010 26/11/2010) TẬp hợP Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
Attachments -> Ủy ban thưỜng vụ quốc hội số: 365/bc-ubtvqh12
Attachments -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn số: 1588

tải về 0.56 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương