CỤc phòNG, chống hiv/aids báo cáo kết quả nghiên cứU ĐỀ TÀi cấp cơ SỞ



tải về 1.53 Mb.
trang1/7
Chuyển đổi dữ liệu26.03.2018
Kích1.53 Mb.
#36640
  1   2   3   4   5   6   7
CỤC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

BÁO CÁO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI CẤP CƠ SỞ

Tên đề tài:

ĐIỀU TRA BAN ĐẦU BỆNH NHÂN ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TẠI MỘT SỐ TỈNH MIỀN NÚI PHÍA BẮC VIỆT NAM NĂM 2014

Chủ nhiệm đề tài: TS. Phạm Đức Mạnh

Đồng chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Lê Thị Hương

Cơ quan thực hiện đề tài: Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội

Cơ quan quản lý đề tài: Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Mã số đề tài:

Hà Nội, 12/2014

ĐẶT VẤN ĐỀ


Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng thuốc Methadone là việc sử dụng thuốc, kết hợp với liệu pháp tư vấn và hành vi để điều trị toàn diện cho người sử dụng ma túy (SDMT) . Trên thế giới, nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều trị bằng Methadone có hiệu quả trong việc làm giảm sử dụng heroin , , , ,, dự phòng lây nhiễm HIV , , tăng tuân thủ điều trị ARV và giảm tỷ lệ tử vong cho những bệnh nhân tham gia điều trị Methadone .

Tại nước ta, chương trình điều trị bằng Methadone được triển khai thí điểm tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh từ năm 2008. Cho đến nay chương trình đã được triển khai rộng rãi tại 32 tỉnh, thành phố. Một số nghiên cứu tại Việt Nam chỉ ra rằng chương trình điều trị Methadone có hiệu quả trong việc làm giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV [6], cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe cho những người nghiện ma tuý được điều trị thay thế bằng Methadone , [31],.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, để liệu pháp điều trị Methadone mang lại lợi ích tối đa, độ bao phủ của chương trình cần đạt được mức tối thiểu là 20% đến 30% [10]. Tại Việt Nam, khi tỷ lệ này vượt mức 40% thì dịch HIV ở nhóm người nghiện chích ma túy (NCMT) sẽ được khống chế và giảm [6]. Tuy nhiên, cho đến nay tại Việt Nam mới chỉ điều trị được khoảng 25.000 người sử dụng ma túy (SDMT) tại 41 tỉnh thành phố trong cả nước. Trong thời gian qua việc điều trị Methadone gặp khó khăn tại một số địa phương do thuốc từ nguồn viện trợ và được nhập khẩu nên không chủ động nguồn thuốc, giá thành cao và việc triển khai chương trình còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực đầu tư, viện trợ , , . Chương trình còn gặp khó khăn do thiếu nhân lực thực hiện và thủ tục hành chính còn phức tạp . Những khó khăn này sẽ ảnh hưởng tới độ bao phủ và tính bền vững của chương trình tại Việt Nam trong tương lai, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi như miền núi phía Bắc.

Các tỉnh miền núi phía Bắc thường có điều kiện kinh tế, địa lý khó khăn nên tỷ lệ người nghiện chích ma túy còn cao, khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe còn nhiều bất cập. Hơn nữa, các tỉnh miền núi phía Bắc thường có đường biên giới dài; tình hình vận chuyển, buôn bán và sử dụng ma túy trên địa bàn diễn ra hết sức phức tạp và khó kiểm soát làm cho công tác điều trị bằng Methadone gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, hiện nay lại có ít các nghiên cứu về chương trình điều trị bằng Methadone, đặc biệt là ở các vùng miền núi của cả nước nói chung và các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng. Chính vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu: “Điều tra ban đầu về bệnh nhân mới điều trị bằng thuốc Methadone trong dự phòng HIV tại một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam năm 2014”. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở đánh giá hiệu quả chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng thuốc Methadone trong tương lai tại các tỉnh miền núi thuộc vùng này, với các mục tiêu cụ thể như sau:

1. Mô tả kiến thức và hành vi phòng chống HIV/AIDS của bệnh nhân mới điều trị bằng thuốc Methadone tại một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt nam năm 2014.

2. Mô tả tình trạng sức khoẻ và chất lượng cuộc sống có liên quan tới sức khoẻ của bệnh nhân mới bắt đầu tham gia điều trị bằng thuốc Methadone tại một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam năm 2014.


CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN

1.1. Các khái niệm cơ bản về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone và HIV/AIDS:

1.1.1. Các khái niệm cơ bản về điều trị nghiện CDTP bằng thuốc Methadone:


Chất ma tuý là các chất gây nghiện được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.
Chất dạng thuốc phiện (opiats, opioid) là tên gọi chung cho nhiều chất như thuốc phiện, morphine, heroin, methadone, buprenorphine, LAAM… có biểu hiện lâm sàng tương tự và tác động vào cùng điểm tiếp nhận tương tự ở não.
Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma tuý và bị lệ thuộc vào các chất này.
Dung nạp là tình trạng đáp ứng của cơ thể với một chất, được biểu hiện bằng sức chịu đựng của cơ thể ở liều lượng nhất định của chất đó. Khả năng dung nạp phụ thuộc vào cơ địa và tình trạng của cơ thể. Khi khả năng dung nạp thay đổi, cần thiết phải thay đổi liều lượng của chất đã sử dụng để đạt được cùng một hiệu quả.
Hội chứng cai là trạng thái phản ứng của cơ thể khi cắt hoặc giảm chất ma tuý đang sử dụng ở những người nghiện ma tuý. Biểu hiện lâm sàng của hội chứng cai khác nhau phụ thuộc vào loại ma tuý đang sử dụng.
Cai nghiện là ngừng sử dụng hoặc giảm đáng kể chất ma túy mà người nghiện thường sử dụng (nghiện) dẫn đến việc xuất hiện hội chứng cai và vì vậy người bệnh cần phải được điều trị.
Nhiễm độc hệ thần kinh trung ương cấp là một tình trạng bệnh lý liên quan tới việc sử dụng một chất gây nghiện với liều lượng vượt quá khả năng dung nạp của người bệnh, dẫn tới sự biến đổi bất thường về ý thức, hành vi, cũng như các hoạt động tâm thần khác của người sử dụng. Tình trạng nhiễm độc này rất khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào chất gây nghiện sử dụng, liều lượng, tình huống sử dụng, đường sử dụng và độ dung nạp với CDTP của người sử dụng.
Quá liều là tình trạng sử dụng một lượng chất ma túy lớn hơn khả năng dung nạp của cơ thể ở thời điểm đó, đe dọa tới tính mạng của người sử dụng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Sử dụng chất gây nghiện hợp pháp là việc sử dụng chất gây nghiện được pháp luật cho phép, vì mục đích chữa bệnh, theo chỉ định chuyên môn.
Lạm dụng chất gây nghiện là việc sử dụng chất gây nghiện không đúng chỉ định chuyên môn, quá liều qui định, và (hoặc) thời gian cho phép.
Kê đơn methadone là việc thầy thuốc cho y lệnh điều trị methadone trong hồ sơ bệnh án.
Cơ sở điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc methadone trong hướng dẫn này gọi tắt là cơ sở điều trị methadone.

1.1.2. Các kiến thức cơ bản liên quan đến HIV/AIDS.

1.1.2.1.Định nghĩa về HIV và AIDS.


Theo qui định tại Điều 2 của Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS): HIV (Human Immunodeficiency Virus) là loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome) là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và dẫn đến chết người [2].

Hiện nay, nhờ sự phát triển, tiến bộ của khoa học, kỹ thuật mà HIV/AIDS đã được hiểu sâu sắc và rõ ràng hơn. Theo đó, HIV (Human Immunodeficiency Virus) là virus suy giảm miễn dịch ở người, có khả năng gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS), một tình trạng làm hệ miễn dịch của con người bị suy giảm cấp tiến, tạo điều kiện cho những nhiễm trùng cơ hội và ung thư phát triển mạnh làm đe dọa đến mạng sống của người bị nhiễm . AIDS là viết tắt của Tiếng Anh (Acquered Immuno Deficiency Syndrome) có nghĩa là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, viết tắt theo tiếng Pháp là SIDA (Syndrome de Immuno Deficience Acquise), dùng để chỉ giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV/AIDS. Ở giai đoạn này hệ thống miễn dịch của cơ thể đã suy yếu nên người nhiễm HIV dễ dàng mắc bệnh như ung thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân hay suy kiệt, nặng dần dẫn đến cái chết .


1.1.2.2. Các thời kỳ, giai đoạn và triệu chứng biểu hiện của nhiễm HIV


Hiện nay, người nhiễm HIV được chia ra làm 4 thời kỳ mắc bệnh .

- Thời kỳ cửa sổ (phơi nhiễm): Thời kỳ này rất dễ lây lan cho người khác vì số lượng virus trong máu rất cao, nhưng chưa có kháng thể. Người bệnh thường bị sốt, viêm họng, nổi hạch, nhức đầu, khó chịu, phát ban. Do không có triệu chứng đặc hiệu nên thầy thuốc thường hay chuẩn đoán chung là nhiễm siêu vi. Vì vậy, nếu sau khi quan hệ tình dục không an toàn (hay một sự cố nào gây nghi ngờ nhiễm HIV), bệnh nhân cần xét nghiệm máu (kỹ thuật PCR) tìm ARN của HIV. Kháng thể kháng HIV xuất hiện trong máu muộn hơn, sau 6 tuần (thông thường là 3 tháng) mới xét nghiệm tìm kháng thể.

- Thời kỳ nhiễm không triệu chứng: Số lượng tế bào T4 giảm, nhưng lượng T4 không giống nhau ở mỗi người và sự giảm lượng T4 cũng không tỉ lệ thuận với mức độ nặng của bệnh. Lượng kháng nguyên tăng lên phản ánh sự nhân lên của virus mà hệ thống miễn dịch của cơ thể không khống chế được.

- Thời kỳ nhiễm có triệu chứng, giai đoạn sớm: Việc chuyển giai đoạn thể hiện qua các triệu chứng: sốt, vã mồ hôi về đêm, tiêu chảy mãn tính (do HIV xâm nhập tế bào ở niêm mạc ruột), nổi hạch và đau đầu. Có thể có sarcome Kaposi xuất hiện sớm. Bắt đầu mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như: nhiễm nấm Candida albicans ở niêm mạc miệng, nhiễm khuẩn hô hấp, viêm nha chu.

- Thời kỳ nhiễm có triệu chứng, giai đoạn muộn: Số lượng tế bào T4 ngày càng giảm thì khả năng mắc bệnh cơ hội ngày càng tăng. Khi T4 còn 200 tế bào/µL máu thì dễ bị viêm phổi và viêm màng não do Toxoplasma gondii, khi còn 100 tế bào/µL máu thì dễ bị nhiễm nhiều loại: Mycobacterium tuberculosis, nấm Candida albicans ở thực quản, viêm phổi do Herpes virus và nhiều loại khác.

1.1.2.3. Các con đường lây truyền HIV/AIDS chủ yếu trong cộng đồng.


Vì HIV có nhiều trong máu, tinh dịch, âm đạo của người bị nhiễm nên HIV chủ yếu lây qua 3 con đường chính:

-Qua hoạt động tình dục: đây được coi là phương thức lây truyền HIV quan trọng và phổ biến nhất trên thế giới. Khoảng 70-80% tổng số người nhiễm HIV trên toàn cầu là bị lây nhiễm qua con đường này. Quan hê tình dục sẽ gia tăng lây nhiễm lên rất nhiều nếu một bên có bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Liên quan chặt chẽ với lây truyền HIV qua con đường này là cách thức và số lần hành vi tình dục, như không dùng bao cao su, tình dục quá độ và tình dục với quá nhiều bạn tình.

-Qua đường máu: đầu tiên phải kể đến tiêm chích ma túy. Tiêm chích ma túy làm lây truyền HIV gặp ở rất nhiều nơi trên thế giới. Số người tiêm chích ma túy bị nhiễm HIV rất cao (chiếm 10-50% hoặc cao hơn nữa trong tổng số người nhiễm HIV). Ngoài ra, truyền máu và các chế phẩm của máu đóng vai trò quan trọng trong lây truyền HIV nếu các ngân hàng máu không thực hiện nghiêm túc việc truyền máu an toàn. Cán bộ y tế tiếp xúc trực tiếp với máu nhiễm HIV và vật sắc nhọn đâm vào da có thể bị nhiễm tới 0,5%.

- Mẹ bị nhiễm HIV truyền cho con lúc mang thai hoặc sinh nở: Phụ nữ nhiễm virus HIV nếu sinh con sẽ có khả nǎng khoảng 30% là con nhiễm HIV theo mẹ, có nghĩa là cứ 100 bà mẹ nhiễm HIV sinh con thì có khoảng 30 trẻ bị nhiễm. Virus HIV có thể lây sang trẻ qua nhau thai khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh, và một số nhỏ lây qua sữa mẹ khi mẹ cho bé bú. Trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV thường không sống được quá ba nǎm.


1.2. Một số đặc điểm dịch tễ học và tình hình nhiễm HIV tại Việt Nam


Theo thống kê của Bộ Y tế vào tháng 4/2010, tổng số trường hợp nhiễm HIV còn sống là 164.788, số người mắc AIDS còn sống khoảng 37.498.tổng số trường hợp đã chết do AIDS: 45.564. Trong số đó, có 85% là nam, 57% do tiêm chích ma túy. Báo cáo cho thấy, đa số người nhiễm HIV/AIDS mới được phát hiện ở lứa tuổi còn trẻ (nhóm tuổi từ 20-39 chiếm tới 90%). Khoảng 5% PNBD có xét nghiệm HIV dương tính. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới ước lượng rằng ở Việt Nam có tới hơn 80% trường hợp nhiễm HIV không được báo cáo và 77% là lây truyền qua đường tình dục .

Theo báo cáo “Tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2013 và định hướng kế hoạch năm 2014”, tính đến hết 30/11/2013, tức là sau khoảng hơn 3 năm so với thống kê của Bộ Y tế vào 4/2010, các con số liên quan đến HIV đã có sự tăng lên khá lớn. Số lũy tích các trường hợp báo cáo hiện nhiễm HIV là 216.254 trường hợp, số bệnh nhân AIDS là 66.533 và đã có 68.977 trường hợp tử vong do AIDS. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2013, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 11.567 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 5.493 bệnh nhân AIDS và 2.097 người tử vong do AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV toàn quốc theo báo cáo giám sát là 248/100.000 dân. Điện Biên vẫn là tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV trên 100.000 dân cao nhất cả nước (1029), tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh (682), thứ 3 là Thái Nguyên (632). So sánh tỷ lệ nhiễm HIV/100.000 dân theo khu vực thì thấy tỷ lệ tại miền Đông Nam Bộ cao nhất cả nước (408/100.000), khu vực miền núi phía Bắc đứng thứ hai với 357/100.000 dân mắc HIV.





Biểu đồ 1.1: số phát hiện HIV/AIDS-tử vong qua các năm và so sánh tỷ lệ nhiễm HIV/100.000 dân của cả nước và các khu vực.

Phân bố người nhiễm HIV theo giới: tỷ lệ nam giới nhiễm HIV chiếm 67,5%, cao hơn gấp 2 lần so với nữ giới, nữ giới chiếm 32,5%, không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, theo dõi qua các năm tỷ lệ nhiễm HIV tăng dần trong nhóm nữ giới.





Biểu đồ 1.2: Phân bố người nhiễm HIV theo giới và năm

Phân bố nhiễm HIV mới phát hiện trong năm 2013 chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm tuổi từ 20-39, chiếm tới 79% tổng số người nhiễm. So sánh qua các năm, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm tuổi từ 30-39 có xu hướng tăng dần. vào cuối năm 2012, tỷ lệ người nhiễm HIV ở nhóm tuổi 30-39 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 44,6% và trong năm 2013 tỷ lệ này là 45,1% trong khi tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm 20-29 tuổi có xu hướng giảm, đến cuối năm 2012 tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm 20-29 tuổi chiếm 35,1% và trong năm 2013 tỷ lệ là 32,9%. Cùng với đó tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm 40-49 tuổi cũng có xu hướng tăng chậm đến hết năm 2012 tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm này là 12,2% và trong năm 2013 tỷ lệ là 13,7%





Biểu đồ 1.3: phân bố tỷ lệ nhiễm HIV theo nhóm tuổi và năm .

Nếu xem xét phân bố người lây nhiễm HIV theo đường truyền thì tỷ lệ người nhiễm HIV được phát hiện lây truyền qua đường tình dục ngày càng gia tăng trong khi lây truyền qua đường máu có xu hướng giảm. Trong năm 2013, số người lây truyền qua đường tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất 45% tiếp đến số lây truyền qua đường máu chiếm 42,4%, tỷ lệ nhiễm HIV lây truyền từ mẹ sang con 2,4%, vẫn có 10,1% tỷ lệ người nhiễm HIV không rõ đường lây truyền.

Theo kết quả có được từ Hệ thống giám sát trọng điểm (GSTĐ) HIV (được triển khai từ năm 1994 tại 10 tỉnh/thành phố. Hệ thống này đã được mở rộng, tới năm 2013 có 41 tỉnh/thành phố tham gia, chương trình GSTĐ được thực hiện trên nhóm phụ nữ bán dâm (PNBD), người tiêm chích ma túy (TCMT), nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), bệnh nhân nam mắc STI, bệnh nhân lao, phụ nữ mang thai và thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự) cho thấy rằng: Chiều hướng nhiễm HIV trong nhóm NCMT giảm dần qua các năm. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam NCMT tại khu vực miền Bắc có xu hướng giảm dần qua các năm nhưng vẫn cao hơn so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Ở nhóm phụ nữ bán dâm, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong năm 2013 là 2,6% (giảm 0,1% so với năm 2012). Tỷ lệ này tại khu vực miền Bắc mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Phân tích chiều hướng nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm qua các năm cho thấy tỷ lệ tăng lên nhanh chóng từ 0,6% năm 1994 lên 5,9% năm 2012. Trong giai đoạn 2002 đến 2010, tỷ lệ có sự biến động không ổn định, tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ này có xu hướng giảm dần. Ngoài ra, tuy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới vẫn ở mức thấp so với các đối tượng còn lại nhưng lại đang có xu hướng tăng nhẹ.

Vậy nhìn chung, tình hình lây nhiễm HIV trong nước ta vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề phức tạp, đồng thời cũng đang nổi lên những vấn đề mới cần giải quyết.



Каталог: bitstream -> VAAC 360
VAAC 360 -> ĐÁnh giá chất lưỢng của máY ĐẾm tế BÀo t cd4 – pima lê Chí Thanh, Vũ Xuân Thịnh, Khưu Văn Nghĩa Trần Tôn, Trương Thị Xuân Liên
VAAC 360 -> Đào Việt Tuấn Trung tâm Phòng, chống hiv/aids hải Phòng
VAAC 360 -> CỤc phòNG, chống hiv/aids
VAAC 360 -> XÂy dựng phưƠng pháp in-house đo tải lưỢng VI rút hiv- 1 BẰng kỹ thuật real time rt-pcr nguyễn Thùy Linh *,, Dunford, Linda*,, Dean, Jonathan*,, Nguyễn Thị Lan Anh *,, Carr, Michael *,, Coughlan, Suzie*,, Connell, Jeff *, Nguyễn Trần Hiển
VAAC 360 -> DỰ BÁo nhu cầu và ngân sách sử DỤng thuốc arv tại việt nam (2011 2015)
VAAC 360 -> Danh sách bài báO ĐĂng trên kỷ YẾu hội nghị khoa học quốc gia lần thứ IV
VAAC 360 -> Trung tâm phòNG, chống hiv/aids thanh hóa báo cáo kết quả nghiên cứU ĐỀ TÀi cấp cơ SỞ

tải về 1.53 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương