VỚi sắt acid folic lên tình trạng dinh dưỠng của phụ NỮ mang thai và TĂng trưỞng của trẻ


Tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ mang thai



tải về 2.51 Mb.
trang2/11
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích2.51 Mb.
#38780
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11

Tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ mang thai

  1. Nhân trắc của phụ nữ mang thai


Chỉ số nhân trắc trước khi mang thai của phụ nữ có vai trò rất quan trọng đến kết quả sinh đẻ. Trong đó hai chỉ số là chiều cao và BMI được đặc biệt quan tâm. Chỉ số khối BMI của cơ thể thấp dưới 18,5 kg/m2 phản ánh tình trạng thiếu năng lượng trường diễn của người mẹ và là một trong những nguy cơ cho sự phát triển của bào thai và trẻ sinh ra nhẹ cân. Chỉ số BMI cao trên 30 kg/m2 ở những phụ nữ béo phì cũng mang lại nguy cơ cho những bất lợi về sức khỏe trong thời gian mang thai như tiểu đường, nhiễm độc thai nghén. Chiều cao của những phụ nữ <150 cm là một nguy cơ sinh con nhẹ cân [40],[45].

Ở PNMT và cho con bú dưới 6 tháng tuổi, chỉ số khối BMI của cơ thể thường không tương ứng với tình trạng dinh dưỡng. Vì thế chu vi vòng cánh tay (MUAC) được sử dụng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho các chương trình bổ sung thực phẩm ở cộng đồng. Chu vi vòng cánh tay của phụ nữ có thai < 23 cm được xem là tăng nguy cơ sinh trẻ có cân nặng sơ sinh thấp [40].

Tính theo tỷ lệ phần trăm cân nặng, mức tăng cân của phụ nữ trong thời kỳ có thai nên đạt trung bình 15 - 25% cân nặng trước khi có thai, tương đương với 10 - 12 kg. Trong đó phụ nữ có BMI trước khi mang thai cao(> 25 kg/m2) thì chỉ nên tăng khoảng 15 %, còn phụ nữ có BMI trước khi mang thai thấp (< 18,5 kg/m2) thì nên tăng khoảng 25 %, phụ nữ có BMI bình thường nên tăng khoảng 20% [40], [46].

Như vậy, tổng số cân nặng trong toàn bộ quá trình mang thai vào khoảng 11 kg, được phân bố như sau: 3 tháng đầu tăng 1 kg hoặc không tăng, 3 tháng giữa tăng 4 - 5 kg, 3 tháng cuối tăng 5 - 6 kg. Số cân nặng của PNMT ở giai đoạn cuối thai kỳ chuẩn được chia ra cho các con số chi tiết: tử cung: 1 kg, ngực: 0,7kg, nước: 2,5kg, chất béo lưu trữ để chuẩn bị cho quá trình sinh con và cho con bú: 2,5kg, nhau thai: 0,7kg, nước ối: 1kg, máu và dịch: 1,5kg, trẻ: 3 đến 4kg [40],[47],[45],[46].

Khi tăng cân quá nhiều trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến cân nặng trẻ sơ sinh quá cao (> 4 kg), gây ra những khó khăn trong cuộc đẻ: chuyển dạ kéo dài, đẻ khó, ngạt, chấn thương hoặc liên quan đến một số bệnh lý như đái đường thai kỳ, béo phì, tăng huyết áp, tim mạch. Vì vậy, PNMT cần nhận đủ năng lượng trong thời kỳ mang thai nhưng không nên quá mức, nhất là những thực phẩm giàu chất béo và đường [46].

Sự ảnh hưởng của tình trạng dinh dưỡng của người mẹ với dinh dưỡng của trẻ đã nêu trong nhiều nghiên cứu. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đỗ Huy tại Hải Phòng (2004) cho thấy nếu bà mẹ có chiều cao dưới 150cm sẽ có nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân cao gấp 4,46 lần so với các bà mẹ có chiều cao từ 150 cm trở lên (p<0,05) [48]. Nghiên cứu tại 4 xã miền núi tỉnh Bắc Giang cũng đã khẳng định mối liên quan giữa cân nặng của mẹ trước khi mang thai và chiều dài sơ sinh của trẻ. Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa chiều cao mẹ và mức tăng cân trong 9 tháng mang thai .
      1. Thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai


Hàng năm, thiếu VCDD ảnh hưởng tới hơn 20 triệu PNMT, gây ra 20% số ca tử vong thai sản, 600.000 tử vong sơ sinh, làm suy giảm thể chất, trí thông minh của 18 triệu trẻ em sinh ra bởi PNMT thiếu VCDD [2] và nhất là tiềm năng phát triển chiều cao của trẻ [9],[49].

PNMT ở các nước đang phát triển là nhóm có nguy cơ thiếu nhiều vi chất như sắt, acid folic, iod, kẽm, vitamin A, riboflavin, B6 và B12 [50]. Nepal một nghiên cứu trên 1165 phụ nữ mang thai ở 3 tháng đầu thai kỳ cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A (7%), E (25%), D (14%), B2 (33%), B6 (40%), B12 (28%), acid folic (12%), kẽm (61%) [51]. Ở Ấn Độ một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phụ nữ mang thai thiếu kẽm, đồng, magiê, sắt, acid folic và iod tương ứng là 73,5 %, 2,7 %, 43,6 %, 73,4 %, 26,3 %, và 6,4 %. Tỉ lệ thiếu hai, ba, bốn và năm vi chất dinh dưỡng đồng thời cao nhất lần lượt là kẽm và sắt (54,9 %), kẽm, magiê và sắt (25,6 %), kẽm, magiê, sắt và acid folic (9,3 %) và kẽm, magiê, sắt, acid folic và iod (0,8 %) [52]. Các kết quả nghiên cứu ở Châu Á đã ghi nhận rằng thiếu kẽm ở phụ nữ chiếm tỷ lệ rất cao: 45 % phụ nữ mang thai 3 tháng cuối ở Trung Quốc [53], 55 % phụ nữ mang thai 3 tháng giữa ở Bangladesh [54].

Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy thiếu VCDD ở PNMT vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng [4]. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2014-2015, tỷ lệ thiếu máu PNMT toàn quốc là 32,8% trong đó 54,3% là do thiếu sắt; tỷ lệ thiếu kẽm ở PNMT trên toàn quốc đặc biệt cao ở mức 80,3%, và ở miền núi là 87%, ở nông thôn là 80,1%, ở thành phố là 70,8% [3]. Các vi chất khác như vitamin D, vitmin A, folate, vitamin B12, selen cũng được đề cập đến sự thiếu hụt đáng kể ở các nghiên cứu khác nhau [4],[5],[6],[7]. Nghiên cứu trên PNMT ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin D là 22,4 % [6]. Tỷ lệ thiếu acid folic là 13,8 %. Theo khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh tại địa bàn thành phố có 72,8 % phụ nữ mang thai bị thiếu iốt, 39,6 % thiếu kẽm và 28 % phụ nữ đang cho con bú thiếu vitamin A [7].


      1. Thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai


TMDD là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng Hemoglobin (Hb) trong máu xuống thấp hơn bình thường do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu, bất kể do nguyên nhân gì [13]. Tình trạng này dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể và làm ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể, làm gia tăng nguy cơ tử vong bà mẹ và làm giảm sự phát triển, tăng trưởng của trẻ em sơ sinh [55].

Theo thống kê của WHO (2011), tỷ lệ thiếu máu ở PNMT toàn cầu là 38,2%, ảnh hưởng đến 34,2 triệu PNMT, nặng nhất là ở các nước đang phát triển [56]. Tại Việt Nam, tỷ lệ thiếu máu PNMT toàn quốc là 32,8% trong đó 54,3% là do thiếu sắt [3]. Tuy vậy có những nghiên cứu ở một số vùng cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ không cao như ở Hải Dương với 9,3% [57], ở Lai Châu với 10% [58].

Nguyên nhân chính gây thiếu máu dinh dưỡng là thiếu sắt, bên cạnh đó sự thiếu hụt một số VCDD quan trọng trong hấp thu, chuyển hóa, tương tác với sắt như folic acid, kẽm, B12, vitamin A, C, E, riboflavin [13]. Các nhân tố nguy cơ chính của thiếu máu do thiếu sắt bao gồm lượng sắt trong khẩu phần thấp; hấp thụ sắt kém từ chế độ ăn nhiều các hợp chất phytate hoặc phenolic; nhu cầu sắt tăng cao như thời kỳ mang thai [13]. Thiếu máu còn gây ra bởi bệnh tật như bệnh suy tủy xương, thiếu máu hình liềm, sốt rét, mất máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ), hoặc do nhiễm giun sán gây chảy máu kéo dài [59]. Trong thời gian mang thai, có hiện tượng tăng cả khối lượng hồng cầu và thể tích huyết tương để đáp ứng nhu cầu phát triển tử cung và thai nhi. Tuy vậy, thể tích huyết tương tăng lên nhiều hơn tăng khối hồng cầu dẫn tới việc giảm nồng độ Hb trong máu.

PNMT bị TMDD có nguy cơ mức tăng cân thấp, tai biến sản khoa, đẻ non, sảy thai, và đẻ con nhỏ, yếu, đặc biệt với phụ nữ mang thai bị thiếu máu nặng (Hb<40 g/l) có tỷ lệ chết chu sinh một cách đáng kể [60]. Số bà mẹ bị tử vong do thiếu máu chiếm tới 20% trong số các nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng năm [32]. Những trẻ bị thiếu máu trong thời kỳ bào thai khi ra đời có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai, thiếu máu thiếu sắt, giảm phát triển về chiều cao, cân nặng và chức năng của hệ thống miễn dịch [32].



Ngưỡng đánh giá TMDD cho cá thể PNMT và trẻ dưới 5 tuổi là 110g/l [13]. Đánh giá tình trạng thiếu máu quần thể dựa trên tỷ lệ lệ thiếu máu: Bình thường: < 5%; Thiếu máu nhẹ: 5-19,9%; Thiếu máu trung bình: 20-39,9%; Thiếu máu nặng: ≥ 40% [13].
      1. Thay đổi cơ thể trong thời kỳ mang thai


Quá trình mang thai kéo dài khoảng 9 tháng, thường được chia làm 3 thời kỳ (3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối) kèm theo những thay đổi về cơ thể và chế độ ăn, uống, sinh hoạt có thể làm ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của PNMT và có thể nhầm với tác dụng phụ của vi chất bổ sung.

Nấc, táo bón, ợ chua, ợ nóng hay gặp ở PNMT. Nấc là do cơ hoành co bóp mạnh, liên tục gây ra. Táo bón là do rau thai có thể bài tiết ra một loại hormon này khiến độ co bóp của ruột giảm, ăn quá ít chất xơ, uống không đủ nước, vận động ít, tử cung phát triển ép trực tràng, khiến thức ăn trong ruột chuyển động rất chậm, lượng nước bị ruột hấp thu nhiều, kết quả phân bị khô, rắn. Khi táo bón nhiều chất thải cơ thể không thể bài tiết ra ngoài có thể mang lại hậu quả chán ăn, mất thăng bằng chức năng dạ dày [47],[61].

Nhiều phụ nữ khi mới mang thai trở nên không thích ăn một số loại thức ăn và rất sợ khi ngửi phải mùi thức ăn này, đặc biệt là trong khoảng 3 tháng đầu. Điều này có thể ảnh hưởng nhiều đến tình trạng dinh dưỡng nếu PNMT sợ thịt cá. Ngược lại, nhiều PNMT thích ăn một số món như bánh kẹo ngọt, dưa, táo, trứng, thịt, sữa. Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone khi mang thai, đồng thời đó cũng là cách cơ thể đòi hỏi bổ sung thêm các loại dưỡng chất để nuôi bào thai [47],[61].

Bắt đầu vào kì giữa của giai đoạn thai nghén, một số PNMT cảm thấy bụng bị chướng khi đi lại nhiều. Tới thời kì cuối của giai đoạn mang thai, tử cung phình to ép vào dạ dày, làm giảm sự co bóp của dạ dày, từ đó gây trở ngại cho hoạt động tiêu hóa, khiến chức năng tiêu hóa giảm sút, cũng xuất hiện hiện tượng chướng bụng. Ngoài ra, táo bón cũng gây cảm giác chướng bụng [47],[61].

PNMT thở nhanh hơn bình thường để cung cấp đủ ô xy cho sự phát triển của thai nhi nên đôi khi xảy ra hiện tượng hụt hơi, thường kèm theo nhịp tim nhanh. Từ tháng thứ 3, dưới tác động của hóc môn progesterone lên mạch máu làm huyết áp giảm, PNMT có thể cảm thấy mệt mỏi [47],[61].

Các thay đổi khác như: bốc hỏa, mất ngủ, tiểu nhiều, rạn da, chuột rút, phù chân do áp lực từ trọng lượng cơ thể tăng nhiều hay hiện tượng lông và tóc mọc nhanh hơn, nhiệt độ cơ thể cao cũng hay gặp [47],[61]. Những thay đổi này có thể nhầm với tác dụng phụ của vi chất thử nghiệm.
    1. Tăng trưởng của trẻ đến 12 tháng tuổi


Thời gian từ ngày đầu thụ thai tới khi trẻ được 12 tháng tuổi được coi là thời gian hết sức quý báu đối với sự phát triển về thể chất và trí tuệ lâu dài của trẻ. Thời kỳ này có thể chia làm hai giai đoạn: phát triển của bào thai trong tử cung tới khi sinh và giai đoạn phát triển sau sinh đến 12 tháng tuổi.
      1. Phát triển của bào thai và trẻ sơ sinh


Bào thai phát triển trong tử cung người mẹ khoảng 9 tháng. Tuổi thai thường được ước tính bằng số tuần, bắt đầu từ ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng của PNMT và ngày này không phải là ngày chính xác thụ thai. Tuổi thai và thời điểm thụ thai thực sự chênh nhau từ 1 đến 3 tuần. Thai bình thường đủ tháng nằm trong khoảng 39 tuần + 2 tuần. Trước 37 tuần gọi là thiếu tháng, sau 41 tuần là thai già tháng [62] .

Sự tăng trưởng bào thai trong tử cung được xác định bởi kích thước và trọng lượng ước tính của siêu âm. Ở 12 tuần tuổi, thai nhi có chiều dài khoảng 5,3 cm và cân nặng khoảng 14g. Ở 16 tuần tuổi, thai nhi có chiều dài khoảng 11,6 cm nặng khoảng 99 g. Thai nhi đạt tốc độ phát triển chiều dài nhanh nhất vào tuần thứ 20 tới tuần 24 nặng khoảng 500g, dài khoảng 39cm. Tốc độ tăng trưởng cân nặng nhanh nhất vào tuần thứ 30 đến tuần 36, trung bình dài 47cm nặng 2,7kg [62]. Do vậy, trẻ sơ sinh có cân nặng thấp hoặc ngắn về chiều dài hoặc cả hai trường hợp có thể phụ thuộc vào thời điểm thiếu dinh dưỡng của người mẹ trong thời gian mang thai [62] .



Suy dinh dưỡng bào thai (IUGR)

Hiện nay theo quy định của WHO (2006), suy dinh dưỡng bào thai được đánh giá dựa vào cân nặng, chiều dài và vòng đầu sau so với tuổi thai [63]. Nếu chỉ giảm cân nặng là suy dinh dưỡng bào thai nhẹ; giảm cân nặng và chiều dài là suy dinh dưỡng bào thai vừa; giảm cả cân nặng, chiều dài, vòng đầu là suy dinh dưỡng bào thai nặng

Hậu quả của suy dinh dưỡng bào thai ảnh hưởng lâu dài đến thể chất, sức khỏe, và sự phát triển trí tuệ của trẻ sau này [64], [65]. Đặc biệt là ảnh hưởng đến chức năng và phát triển của bộ não. Về kích thước, bộ não của trẻ suy dinh dưỡng bào thai có thể không khác biệt với trẻ bình thường nhưng số lượng tế bào, số lượng ADN giảm hơn bình thường. Trong đó số lượng ADN là rất quan trọng vì phản ánh tỷ lệ giữa số lượng tế bào não và số lượng tế bào đệm trong não và quyết định sự phát triển trí tuệ của trẻ sau này [66].

Nhẹ cân so với tuổi thai (SGA):

Nhẹ cân so với tuổi thai (NCSVTT) là thai nhi hoặc trẻ sơ sinh ít phát triển hơn bình thường ở cùng giới tính và tuổi thai, thường được quy định là trẻ có trọng lượng dưới bách phân vị thứ 10 so với quần thể chuẩn ở cùng tuổi thai [67],[68]. Nhẹ cân so với tuổi thai không đồng nghĩa với sơ sinh nhẹ cân. Ví dụ tuổi thai mang thai 35 tuần, trọng lượng 2250g là phù hợp với tuổi thai nhưng lại là nhẹ cân sơ sinh. Một phần ba trẻ sơ sinh nhẹ cân đồng thời là trẻ nhẹ cân so với tuổi thai.

Tỷ lệ trẻ nhẹ cân so với tuổi thai ở các nước phát triển là 8,1%, và ở các nước đang phát triển là 30%. Trẻ nhẹ cân so với tuổi thai có nguy cơ chậm phát triển, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cao hơn. Gần đây một số nghiên cứu cho thấy có sự liên quan giữa thiếu vi chất trong đó có vitamin D ở PNMT với nhẹ cân so với tuổi thai [67],[69].

Hiện nay chưa có chuẩn thống nhất cho NCSVT, một số quốc gia đang có những nghiên cứu đề xuất, điều chỉnh chuẩn như ở Indonesia [70], Brazil [71], Hàn Quốc [72]. WHO và nhiều tổ chức khác đang tiến hành nghiên cứu và thí điểm các thang đo khác nhau trong đó có nghiên cứu INTERGROWTH-21st ở 8 quốc gia, tuyển chọn 20.486 đối tượng nghiên cứu từ 59.137 PNMT từ năm 2009 đến 2013 đã có kết quả công bố trên tạp chí Lancet 2014 [73]. Hiện tại, đã có nghiên cứu áp dụng thí điểm và nhận xét về tiêu chuẩn này ở Canada và một số nước [74].



Sơ sinh nhẹ cân

Trẻ sơ sinh có cân nặng trung bình trong khoảng từ 2500g đến 4000g; đây là ngưỡng được các nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ học áp dụng. Trẻ sơ sinh nhẹ cân (SSNC) là trẻ đẻ ra có cân nặng lúc sinh dưới 2500 gam và bất kể tuổi thai nào [75]. Trẻ dưới 2500g được coi là sơ sinh nhẹ cân (SSNC), và trên 4000g được coi là sơ sinh nặng cân. Sơ sinh nhẹ cân và sơ sinh nặng cân đều có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ sau này [76].

Sơ sinh nhẹ cân do hai nguyên nhân chính là sinh non ( tuổi thai < 37 tuần) và bào thai chậm phát triển trong tử cung [75],[76]. Sinh non do nhiều nguyên nhân như: mẹ cao huyết áp, nhiễm khuẩn cấp tính, đa thai, lao động nặng, stress và có nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân. Trẻ sơ sinh nhẹ cân do chậm phát triển bào thai là trẻ có cân nặng sơ sinh dưới 2500 g và có tuổi thai > 37 tuần. Trẻ sơ sinh nhẹ cân do chậm phát triển bào thai thường gặp ở các nước đang phát triển [75],[76]. Sự phát triển của bào thai chịu ảnh hưởng của 3 yếu tố chính là môi trường, di truyền và tình trạng dinh dưỡng của người mẹ, trong đó dinh dưỡng được coi là yếu tố quan trọng nhất, là nguy cơ, đóng góp 60 % cho biến động về cân nặng sơ sinh [76].

Sơ sinh nhẹ cân có sự khác biệt về nguyên nhân giữa các nước đang phát triển so với các nước phát triển. Ở các nước đang phát triển, nguyên nhân trẻ sơ sinh nhẹ cân chủ yếu là do thiếu dinh dưỡng, mức tăng cân thấp trong thời gian mang thai, chiều cao thấp và nhẹ cân trước khi mang thai và do mắc bệnh như nhiễm khuẩn, sốt rét. Trong khi đó ở các nước phát triển, nguyên nhân trẻ sơ sinh nhẹ cân lại tập trung vào bệnh mạn tính, sau đến mức tăng cân thấp và các yếu tố khác [76].

Một số yếu tố liên quan của người mẹ với sơ sinh nhẹ cân như cân nặng trước khi mang thai, mức tăng cân trong thời kỳ mang thai, chiều cao trước khi mang thai, chỉ số BMI trước khi mang thai, bệnh sốt rét, nhiễm khuẩn cấp tính, khẩu phần ăn, lao động, tiêu hao năng lượng, tình trạng thiếu các vi chất dinh dưỡng, thiếu máu [76][77],[78],[51].

Theo thống kê của WHO mỗi năm có khoảng 30 triệu trẻ sơ sinh nhẹ cân được sinh ra, chiếm 23,8% tổng số ca đẻ sống trên toàn thế giới. Trọng lượng sơ sinh thấp là một trong những yếu tố chính quyết định tỷ lệ tử vong, bệnh tật và tàn tật ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và cũng có ảnh hưởng lâu dài đến kết cục sức khoẻ trong cuộc sống người trưởng thành. Việc này dẫn đến chi phí đáng kể cho ngành y tế và gây ra gánh nặng lớn cho xã hội [79].

Phần lớn những đứa trẻ sơ sinh nhẹ cân này sinh ra ở các nước đang phát triển, trong đó các nước Nam Á chiếm tỷ lệ cao nhất. Tỷ lệ SSNC ở vùng Cận Sahara là 73 %, ở Trung và Bắc Phi là 82 %, Nam Á là 77 %, Đông Nam Á và Thái Bình Dương là 40 %, Mỹ La tinh 20% và Đông Âu 25 % [79]. Ở Châu Âu, tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân khác nhau ở từng nước, 3,6 % ở Thuỵ Điển, 10,8 % ở Hungari, trong số trẻ sơ sinh nhẹ cân, số đẻ non chiếm 43 % ở Anh, 76 % ở Phần Lan. Ở Châu Á, tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân cao nhất là 43% tại Bombay - Ấn Độ và thấp nhất là 4,7 % tại Nhật Bản [75], [79].

Ở Việt nam tỷ lệ sơ sinh nhẹ cân dao động theo kết quả các điều tra khác nhau. Điều tra năm 2010 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ trẻ đẻ nhẹ cân là 7,27 % [80] . Qua điều tra tại 8 tỉnh do Viện Dinh dưỡng tiến hành năm 2000, tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân là 13,8% [5]. Những nghiên cứu tại các vùng khác nhau như ở Hải Phòng của Nguyễn Đỗ Huy (2004) là 11,6% [48]; của Đinh Phương Hoa (2010) là 12,8% [81]; tại Viện Bảo vệ Bà mẹ trẻ em của Phan Bích Nga (2012) là 11,8% [82]; ở Bình Dương của Văn Quang Tân (2012) là 9,7% [83]. Có một số lý do có thể giải thích cho sự khác biệt về kết quả đó là kỹ thuật cân đo, trang thiết bị, người ghi chép, người trả lời phỏng vấn khác nhau [84]. Đặc biệt gần đây báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho rằng tỷ lệ sơ sinh nhẹ cân không giảm mà lại có xu hướng tăng lên [85] .


      1. Tăng trưởng của trẻ sau sinh đến 12 tháng tuổi


Để đánh giá sự tăng trưởng về thể chất thường dựa vào các chỉ số cân nặng, chiều dài, vòng đầu, vòng ngực, vòng cánh tay. Đánh giá SDD trẻ em đơn giản nhất là dùng biểu đồ tăng trưởng đánh giá cân nặng của trẻ theo độ tuổi. Trẻ suy dinh dưỡng nếu đường phát triển cân nặng theo tuổi nằm bên dưới đường chuẩn của biểu đồ [63].

Đánh giá dinh dưỡng toàn diện cho trẻ cần có ít nhất 3 chỉ số: cân nặng theo tuổi, chiều dài theo tuổi, cân nặng theo chiều dài. Z-score các chỉ số này được so sánh với quần thể tham khảo được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo áp dụng năm 2006 (trẻ em dưới 5 tuổi) [63]. Chuẩn dinh dưỡng này cao hơn chuẩn Việt Nam và một số nước áp dụng trước đây và có sự khác biệt với chuẩn của Trung Quốc, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) [86],[87]. Một số chỉ số nhân trắc khác cũng được dùng để phát hiện đánh giá suy dinh dưỡng như số đo vòng đầu, vòng cánh tay ít được áp dụng hơn do kết quả phụ thuộc vào cách đo, kỹ năng thực hành của người điều tra [87].

Đánh giá mức độ SDD: Ở tất cả các loại suy dinh dưỡng kể trên, khi có một chỉ số có Z-score <-2SD là suy dinh dưỡng vừa, <-3SD là suy dinh dưỡng nặng. Chỉ số Z sore cân nặng trên tuổi <-2SD là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Chỉ số Z-score chiều dài trên tuổi <-2SD là suy dinh dưỡng thể thấp còi. Chỉ số Z sore cân nặng trên chiều dài <-2SD là suy dinh dưỡng thể gày còm. Chỉ số Z-score cân nặng so với tuổi và Z-score BMI so với tuổi >2SD là thừa cân, >3SD là béo phì.

Tăng trưởng về cân nặng

Cân nặng trung bình của trẻ sơ sinh đủ tháng lúc mới đẻ là 3000g. Con trai thường lớn hơn con gái, con dạ thường nặng hơn con so. Sau đẻ do có mất cân sinh lý 10% (khoảng 150-300g) trong tuần đầu và đạt được cân nặng ban đầu vào ngày thứ 10 sau đẻ. Cân nặng của trẻ tăng nhanh trong 6 tháng đầu, cân nặng tăng gấp đôi khi trẻ được 4-5 tháng và cuối năm cân nặng tăng gấp 3 lúc đẻ [63].

Nghiên cứu của Nguyễn Đỗ Huy (2004) cho thấy mức tăng cân giảm dần theo tháng tuổi, cao hơn trong 2 tháng đầu và thấp hơn từ tháng 4 so với mức tăng cân này của quần thể tham khảo NCHS: Mức tăng cân của trẻ em giảm dần theo tháng tuổi, mức tăng cân đạt cao nhất vào tháng thứ nhất (1428 g), thấp nhất vào tháng thứ 12 (140g). Sau 4 tháng tuổi, trẻ tăng trung bình được 3695g, sau 1 năm tuổi trẻ tăng được 5602g (tăng 190 % so với cân nặng sơ sinh) [48].

Tăng trưởng về chiều dài

Chiều dài trung bình của trẻ sơ sinh là 48-50cm. Trong năm đầu chiều dài của trẻ tăng rất nhanh nhất là những tháng đầu sau đẻ. 3 tháng đầu mỗi tháng tăng lên 3-3,5cm. 3 tháng tiếp theo mỗi tháng tăng 2cm. 6 tháng cuối mỗi tháng tăng 1-1,5cm. Lúc 12 tháng chiều dài đạt từ 70-75cm [63].

Nghiên cứu của Nguyễn Đỗ Huy (2004) cho thấy mức tăng chiều dài giảm dần theo tháng tuổi, cao hơn trong 2 tháng đầu và thấp hơn từ tháng 4 so với mức tăng chiều dài này của quần thể tham khảo: Mức tăng chiều dài chung cho cả hai nhóm cao nhất vào tháng 1 (5,36 cm), thấp nhất vào tháng 12(0,92 cm). Sau 4 tháng tuổi, trẻ cao lên được 14,06 cm, sau 1 năm trẻ cao lên được 24,8 cm (tăng 50 % so với chiều dài sơ sinh) [48].

Tăng trưởng vòng đầu, vòng cánh tay

Vòng đầu của trẻ sơ sinh trung bình 33-35cm, lúc 1 tuổi là 45cm. Vòng cánh tay lúc 1 tháng tuổi khoảng 11cm. Với trẻ đẻ thiếu tháng có thể đánh giá phát triển thể chất dựa theo biểu đồ tăng trưởng Fenton, tính theo tuổi điều chỉnh của trẻ [88]. Nghiên cứu của Nguyễn Đỗ Huy (2004) cho thấy mức tăng vòng đầu giảm dần theo tháng tuổi: Mức tăng trưởng vòng đầu cao nhất vào tháng 1 (3,25cm), thấp nhất vào tháng 10 (0,31cm). Sau 4 tháng tuổi, trẻ tăng vòng đầu lên được 7,04 cm, sau 1 năm trẻ tăng vòng đầu lên 11,6 cm (tăng 34% so với vòng đầu sơ sinh). Vòng đầu trẻ 1 tuổi trung bình là 44,5 cm (bằng 1,3 lần vòng đầu sơ sinh) (trai: 44,9 cm; gái: 44,2 cm) (p>0,05) [48].



Nghiên cứu chiều dọc trong vòng 3 năm (1987-1989) của 41 trẻ sơ sinh đủ tháng cân nặng > 2500 g đẻ tại nhà hộ sinh Đống đa, Hà Nội [89]cho thấy: Cân nặng của trẻ tăng nhanh trong 3 tháng đầu và tương đương với đường chuẩn của WHO nhưng sau đó tăng chậm lại và thấp dưới đường chuẩn của WHO. Chiều dài theo tuổi ngay từ lúc đẻ đều thấp (cả ở nam và nữ) nhưng sau đó cũng tăng nhanh trong 3 tháng đầu và cao hơn so với đường chuẩn của WHO nhưng sau tăng chậm lại và thấp dưới đường chuẩn của WHO. Đến 9-12 tháng tuổi, mức tăng chiều dài của trẻ nam chỉ đạt 76% theo tiêu chuẩn của WHO, và trẻ gái chỉ đạt 82% so với chuẩn. Nghiên cứu chiều dọc trên hai nhóm trẻ đẻ đủ tháng, có cân nặng sơ sinh Lê Thị Hợp [90] cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng dần theo tuổi, đến 12 tháng tuổi có hơn 20% trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi .

    1. Каталог: FileUpload -> Documents -> 2017
      Documents -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam qcvn 01 78: 2011/bnnptnt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thứC Ăn chăn nuôi các chỉ tiêu vệ sinh an toàn và MỨc giới hạn tốI Đa cho phép trong thứC Ăn chăn nuôI
      Documents -> TỔng cục dạy nghề
      Documents -> BỘ giáo dụC ĐÀo tạo bộ y tế viện dinh dưỠng nguyễn thị thanh hưƠng thực trạng và giải pháP
      Documents -> Bé gi¸o dôc vµ ®µo t¹o bé y tÕ ViÖn dinh d­ìng Ph¹m hoµng h­ng HiÖu qu¶ cña truyÒn th ng tÝch cùc ®Õn ®a d¹ng ho¸ b÷a ¨n vµ
      Documents -> TỜ khai xác nhận viện trợ HÀng hóA, DỊch vụ trong nưỚC
      Documents -> Phụ lục I mẫU ĐƠN ĐỀ nghị ĐĂng ký LƯu hàNH
      2017 -> ĐỂ CẢi thiện tình trạng thiếu máu của phụ NỮ CÓ thai luậN Án tiến sỹ dinh dưỠNG
      2017 -> TỚi tình trạng dinh dưỠNG, thiếu máu của phụ NỮ CÓ thai và trẻ 24 tuần tuổi luậN Án tiến sĩ dinh dưỠNG

      tải về 2.51 Mb.

      Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương