Ubnd tỉnh quảng ngãi sở kh – CÔng nghệ & MÔi trưỜngt ubnd huyện lý SƠN



tải về 1.22 Mb.
trang34/36
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.22 Mb.
#30038
1   ...   28   29   30   31   32   33   34   35   36

2/ Các giải pháp bảo tồn :


1/- Vấn đề quan trọng hiện nay là Nhà nước cần phải thay đổi cơ cấu cây trồng hiện tại của Lý Sơn, chuyển dần kinh tế nông nghiệp trồng hành tỏi sang kinh tế khai thác biển bằng cách Nhà nước cho vay vốn để đóng mới tàu thuyền đánh bắt thủy sản xa bờ. Thực tế người dân đảo có truyền thống khai thác biển, kinh tế nông biển luôn mang tính hỗ trợ nhau trong các ngành kinh tế hộ gia đình. Do đó việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế này là phù hợp, không mang tính áp đặt. Đồng thời qua số liệu điều tra đã cho thấy sự phân bố số dân trong cơ cấu kinh tế có sự chênh lệch chẳng hạn nông nghiệp có 85% dân đảo tham gia, trong khi đó ngư nghiệp và dịch vụ buôn bán chỉ có 15% số dân tham gia.

Hiện nay cần cấp thiết chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở huyện đảo Lý Sơn, đây là vấn đề vô cùng quan trọng nhằm bảo vệ môi trường sống của con người, bảo vệ nguồn nước ngầm trong lòng đất, bảo vệ bờ biển không bị sạt lỡ, bảo vệ một kho tàng di sản văn hóa quý giá còn nằm trong lòng đất.

Song song với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế như trên, ngành văn hóa phải có những hành động bảo tồn các di sản văn hóa khảo cổ còn nằm trong lòng đất. Cần thực hiện các biện pháp khảo sát khoanh vùng bảo vệ giới hạn các khu vực đất đai có di tích khảo cổ, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ nghiêm cấm những hình thức đào bới trong lòng đất nhân dân. Đồng thời cần có hình thức tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và tham gia cùng bảo vệ những di sản văn hóa trong lòng đất.

2. Các ngôi nhà cổ trên đảo Lý Sơn là vốn quý trong di sản văn hóa của đảo, khó có ở một nơi nào khác có số lượng nhà cổ nhiều phân bố trên một diện tích không lớn như ở huyện đảo Lý Sơn. Vấn đề thuận lợi là các ngôi nhà cổ này vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn về kiến trúc và không gian sinh hoạt của con người. Những ngôi nhà cổ này là cơ sở tốt để phát triển dịch vụ du lịch tham quan tìm hiểu kiến trúc dân gian truyền thống của người Việt ở vùng Nam Trung Bộ. Nhằm bảo vệ tốt những ngôi nhà cổ này, ngành văn hóa cần phải lập hồ sơ kiểm kê khảo sát, đồng thời tham mưu UBND tỉnh ra quyết định bảo tồn. Đây là việc làm mang tính cấp thiết nếu không một khi kinh tế phát triển nhu cầu xây dựng nhà mới mở rộng không gian, người dân sẽ tự phá hỏng những công trình kiến trúc cũ .

3. Đảo Lý Sơn vốn có truyền thống đóng ghe bầu, đây là một nghề thủ công đặc biệt hình thành sớm ở vùng Nam Trung Bộ, đã cung cấp một lượng ghe bầu khoảng trên 50 chiếc cho hoạt động thương mại trên biển và khai thác thủy sản. Nghề đóng ghe bầu đã bị quân Pháp cấm đoán và huỷ diệt, đến nay không còn nữa. Hiện nay Nhà nước nên chú trọng phục hồi nghề thủ công truyền thống có tính chất đặc biệt này nhằm phát triển ngành nghề giải quyết lao động, tạo cho Lý Sơn có một đội tàu thuyền hùng hậu để đánh bắt xa bờ.

III/- Định hướng bảo tồn văn hóa phi vật thể

1) Thực trạng vốn văn hóa phi vật thể hiện nay ở huyện Lý Sơn:


Do điều kiện sống ít giao lưu với bên ngoài, đến nay nhìn chung những giá trị văn hóa phi vật thể; Phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội ở Lý Sơn hầu như vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. Thể hiện được bản sắc văn hóa riêng đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm vốn văn hóa truyền thống của người Việt ở Quảng Ngãi.

Những phong tục của nhân dân Lý Sơn xưa như phong tục dưng nêu trong ngày tết, chúc tết, cúng gia tiên, kiêng cữ trong ngày tết, phong tục liên quan đến chu kỳ đời người, đến lao động sản xuất như: Lễ động thổ, mở cửa biển, lễ xuống nghề, cúng thần nông, cúng chúa đất Ngu Man Nương đến nay hầu như vẫn được người dân Lý Sơn giữ gìn và coi trọng, duy trì tổ chức trong đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất. Và những phong tục tập quán đó thật sự phát huy tác dụng, có giá trị điều chỉnh thế ứng xử của từng con người trong cộng đồng, cũng như củng cố niềm tin của họ đối với cuộc sống khi phải đối mặt với những gian lao khó nhọc thường ngày. Đặc biệt, khi nghiên cứu văn hóa phi vật thể của Lý Sơn thì hệ thống tín ngưỡng và lễ hội đã được người dân Lý Sơn sáng tạo, gìn giữ và lưu truyền qua bao đời là đặc sắc hơn cả. Hiện nay ở Lý Sơn vẫn còn tục tín ngưỡng thờ Cá Ông, thờ Thiên Yana, thờ thần nông. Đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng cúng việc lề và tế lính Trường Sa đã làm tăng giá trị vốn văn hóa truyền thống của Lý Sơn về tính nhân văn và góp phần nghiên cứu lịch sử chủ quyền của đất nước đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng với tín ngưỡng là một loạt các hoạt động lễ hội như: Lễ tế cá ông, lễ tế tiền hiền (tế đình), lễ hội đua thuyền, hội dồi bóng, đô vật… góp phần bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Việt trên đảo Lý Sơn.

Tuy nhiên qua nhiều biến thiên của lịch sử, nhất là một thời kỳ dài chúng ta quan niệm các phong tục tập quán là tàn dư của chế độ phong kiến. Sinh hoạt lễ hội là hoạt động mê tín dị đoan không phù hợp với cuộc sống mới nên ngăn cản cấm đoán. Vì vậy lăng tẩm đình chùa - nơi thực hiện các nghi thức tín ngưỡng và sinh hoạt lễ hội bị hoang phế, làm mai một và dần dần mất đi nhiều giá trị văn hóa mà nếu biết lưu giữ nó vẫn còn có giá trị đối với đời sống con người.

Hiện nay một số phong tục truyền thống của nhân dân Lý Sơn chỉ còn trong ký ức của nhiều cụ già lớn tuổi như: Lễ mở cửa biển của làng - qua nghiên cứu hình thức tổ chức lễ này như một ngày lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm của làng, hay lễ tế lính Trường Sa. Do điều kiện lịch sử khi đội Hoàng Sa của Triều Nguyễn tan rã, cũng đồng nghĩa với việc "tế sống lính Trường Sa" của Lý Sơn không còn nữa, tuy nhiên sau một thời gian dài nhiều tộc họ có người đi lính Trường Sa vẫn tổ chức tế lễ trong dịp giỗ tộc, nhưng hình thức tế lễ đã khác và đến nay hầu như hình thức tế lễ xưa không còn được tổ chức và chỉ còn trong ký ức của những người cao tuổi.

Cùng với một số phong tục tập quán bị mất đi thì nhiều trò chơi, trò diễn dân gian cũng dần dần bị quên lãng như: Đu quay, đô vật, dồi bóng, nói tuồng trong lễ "nhập yết" tại đình trong lễ tế đình và hội đình làng Lý Hải hằng năm; Hiện nay dù được tự do tín ngưỡng, tổ chức lễ hội nhưng một số phong tục tập quán tốt đẹp và vốn văn hóa truyền thống của Lý Sơn vẫn biểu hiện khả năng bị mai một trong thời gian tới như: Tục dựng nêu ngày tết, sự thất truyền về nhạc cụ cũng như cách thể hiện nhạc bát âm trong tế lễ.

Ngoài ra, bên cạnh những yếu tố tiến bộ của phong tục tập quán, tín ngương, lễ hội cũng tồn tại không ít những yếu tố lạc hậu trong phong tục tập quán, trong cưới xin, ma chay và mê tín dị đoan trong các sinh họat tế lễ như lên đồng, tổ chức tế lễ thường xuyên ở các lăng miếu với nhiều lễ vật, heo, gà… gây tốn kém tiền của và lãng phí thời gian. Đặc biệt việc tổ chức sinh hoạt lễ hội truyền thống như lễ hội đua thuyền của nhân dân 2 xã - lễ hội lớn nhất của người dân Lý Sơn còn bất cập và nặng tính cục bộ ăn thua kết hợp với nạn cá cược đã làm cho những ngày hội đua thuyền ở Lý Sơn phần nào giảm đi giá trị văn hóa truyền thống vốn có của nó.


2)- Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị vốn văn hóa phi vật thể ở huyện Lý Sơn:


Từ thực trạng vốn văn hóa phi vật thể hiện nay ở Lý Sơn và xuất phát từ quan điểm của Đảng, Nhà nước về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc "xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" theo tinh thần Nghị quyết TW Đảng lần thứ V (Khoá VIII), chúng tôi xin đề xuất mấy giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị vốn văn hóa phi vật thể trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lý Sơn hiện nay:

Nâng cao nhận thức giá trị văn hóa cổ truyền (phong tục, tín ngưỡng, lễ hội) trong các cấp chính quyền và nhân dân. Đây là giải pháp quan trọng có tính quyết định trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống cộng đồng dân cư. Thực tế, đã có một thời khi nói đến các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội nhiều người cho là mê tín, đôïc hại cần phải loại bỏ khỏi đời sống mới của nhân dân. Vì vậy ở Lý Sơn, tất cả đền, miếu, đình, chùa bị đóng cửa, cấm đoán, các hoạt động tín ngưỡng của người dân bị coi là mê tín nên nhiều nghi thức tế lễ bị quên lãng, kéo theo nhiều sinh họat hội cũng không thể tồn tại. Việc nâng cao nhận thức cho những người làm công tác quản lý văn hóa ở địa phương thấy được giá trị văn hóa truyền thống của Lý Sơn được kết tinh lại trong các phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội… để kế thừa, chọn lọc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Lý Sơn là rất cần thiết. Mặt khác, tạo điều kịên, khuyến khích nhân dân giữ gìn những thuần phong mỹ tục tốt đẹp, khôi phục và tổ chức các trò diễn dân gian. Đặc biệt là để các nghi thức tế lễ trong tín ngưỡng thờ thần tại các dinh miếu, lễ hội đúng với lễ nghi truyền thống và phù hợp với đời sống văn hóa mới, tránh lai tạp và có hoạt động mê tín dị đoan, tranh giành vai vế trong xóm làng, cục bôï tôïc họ, gây chia rẽ khối đoàn kết và tổn hại đến tình làng nghĩa xóm.

Nâng cao vai trò của tộc họ và khuyến khích mọi người dân gìn giữ và truyền bá những giá trị văn hóa của tộc họ, quê hương cho các thành viên trong cộng đồng. Có thể nói ở Lý Sơn, mối quan hệ gia đình, tộc họ, làng là khá chặt chẽ, mỗi thành viên gắn rất chặt với các mối ràng buộc gia đình, tộc họ. Mối quan hệ này chi phối rất lớn đến sự hình thành nhân cách của từng thành viên trong tộc họ, đặc biệt là nếp gia phong, lễ nghi quy định của từng dòng họ. Chính điều này làm cho mối quan hệ trong các làng xã ở Lý Sơn là mối quan hệ tộc họ - làng. Vì vậy giữ được nếp gia phong là giữ được thuần phong mỹ tục của xóm làng, giữ được những giá trị văn hóa của làng. Hiện nay một số sinh hoạt tế lễ như tế tiền hiền (tế đình), tế lính Trường Sa đều do các tộc tiền hiền đứng ra tổ chức tế lễ, trong đó sinh hoạt tế lính Trường Sa chỉ diễn ra ở tộc họ có người đi lính Trường Sa xưa. Ngoài ra tục cúng việc lề, giỗ họ, thờ cúng tổ tiên cũng chỉ do từng tộc họ quy định cách thức tổ chức thờ phụng, nghi thức tế lễ, thức cúng riêng. Vì vậy muốn bảo tồn được những vốn văn hóa truyền thống phi vật thể ở đảo Lý Sơn cần phải thấy được vai trò to lớn của từng tộc họ. Từ đó có kế hoạch khuyến khích từng tộc họ giữ gìn vốn văn hóa truyền thống của dòng họ để lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Đặc biệt là nghi thức tế lính Trường Sa, tục cúng việc lề và các sinh hoạt mang tính tộc họ riêng.

Qua nghiên cứu, khảo sát loại hình văn hóa phi vật thể ở huyện Lý Sơn, chúng ta thấy nhiều phong tục tập quán, trò diễn dân gian, hình thức sinh hoạt tế lễ đã bị mất đi. Vì vậy, chính quyền địa phương cần sớm có kế hoạch kết hợp với cơ quan quản lý văn hóa, tộc họ sớm khôi phục lại một số lại hình sinh hoạt văn hóa có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Địa phương cần khuyến khích và giúp đỡ về mặt kinh phí để hàng năm các tộc họ có truyền thống tế lính Trường Sa tổ chức tế lễ trang nghiêm và đúng nghi thức như nó đã từng tồn tại. Có thể nói nghi thức tế lính Trường Sa về góc độ văn hóa nó mang đậm tính nhân văn, về góc độ lịch sử nó khẳng định những đóng góp của bao thế hệ người Lý Sơn trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy việc cần thiết có tính cấp bách là khuyến khích, giúp đỡ các tộc họ ghi chép lại một cách đầy đủ và chính xác tên họ, chức tước, sắc phong của những người đi lính Trường Sa xưa, từ đó chính quyền dựng bia tưởng niêm và lập lăng thờ tưởng niệm riêng, và tại đây cũng sẽ là nơi diễn ra lễ tế lính Trường Sa hàng năm để mọi người dân trên đảo biết và tự hào, đồng thời giới thiệu nét văn hóa đặc sắc này cho du khách đến tham quan, nghiên cứu văn hóa trên đảo.

Ngoài ra một số lễ hội, trò diễn nghệ thuật dân gian như lễ hội dồi bòng trong ngày mồng 7 tết, nghệ thuật "diễn xướng" (nói tuồng) trong lễ tế đình làng Lý Hải cũng cần được nhanh chóng khôi phục để tăng thêm sức hấp dẫn trong sinh hoạt lễ hội, vừa giữ gìn được vốn văn hóa truyền thống cho Lý Sơn.

Các cơ quan nghiên cứu văn hóa có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sưu tầm, nghiên cứu và hệ thống hóa các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội trên huyện Lý Sơn. Qua đó phân tích, chắt lọc những giá trị văn hóa cần được gìn giữ và lưu truyền, phổ biến cho các thế hệ nhân dân huyện Lý Sơn. Đồng thời giúp địa phương có biện pháp hướng dẫn nhân dân tổ chức sinh hoạt tế lễ, tổ chức lễ hội đúng với văn hóa truyền thống và quy cũ hơn, tránh lai tạp, giản đơn làm mất đi tính tôn nghiêm và làm phai mờ các giá trị văn hóa tốt đẹp của bao thế hệ người Lý Sơn đã gìn giữ và lưu truyền lại cho con cháu hôm nay. Ở đây sự nâng cao trình độ dân trí và nhận thức cho các chức sắc trong các lăng, miếu, chùa chiền và nhân dân thấy được đâu là giá trị văn hóa tốt đẹp; phong tục hay, tiến bộ phù hợp với đời sống văn hóa mới để tiếp tục gìn giữ và đâu là phong tục lạc hậu, là mê tín di đoan để loại bỏ là điều hết sức quan trọng. Đồng thời đề cao tính tự giác và cổ vũ các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia các hoạt động tế lễ, cũng như các hoạt động sinh hoạt lễ hội, nhất là thế hệ trẻ như một phương thức lưu truyền các giá trị văn hóa của quê hương từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Do đặt thù của văn học dân gian là tồn tại bằng phương thức truyền miệng nên chúng phải chịu nhiều thử thách khắc nghiệt của thời gian. Xã hội càng ngày càng phát triển, đương nhiên phương thức truyền miệng sang tác dân gian sẽ kém hiệu quả. Băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, truyền hình, phát thanh, các ấn phẩm khác... đang là thế mạnh để truyền bá những nguồn văn hóa khác nhau. Vì thế những sáng tác dân gian sẽ dần dần mai một. Đó là điều tất nhiên, khi mà các sinh hoạt dân gian quá thiếu vắng trong cộng đồng làng xã, khi mà tiếng ru cháu, ru con không còn bên vành nôi cánh võng, đó là chưa kể đến chuyện buồn vì các nghị nhân lần lược mang về thế giới bên kia những bài ca, truyện kể mà chưa kịp trao truyền cho con cháu. Văn học dân gian Lý Sơn cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể này theo đúng chủ chương của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chúng tôi có một vài khuyến nghị:

1. Muốn không bị đứt gãy trong việc trao truyền vốn văn học dân gian của huyện đảo Lý Sơn, việc trước tiên là phải làm cho cả cộng đồng người dân ở đây biết yêu quý, biết nâng niu, gìn giữ và phát triển di sản văn hóa quý báu này, tức là phải làm thế nào để đẩy mạnh được quá trình cá thể hóa sản phẩm văn hóa của cộng đồng. Cụ thể là có thể tạo điều kiện để tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt ca hát dân gian, khuyến khích việc sưu tầm trong các cấp học ở nhà trường, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử địa phương, kể chuyện theo hệ thống, khoa học.

2. Các cơ quan chức năng trong và ngoài huyện Lý Sơn cũng cần phải tính đến việc sử dụng các phương tiện hiện đại như ghi âm, quay phim, ghi vào đĩa CD các buổi sinh hoạt dân gian trong gia đình, trong làng xã và đó cũng là cách bảo lưu vốn văn hóa của địa phương mình, đảm bảo tính nguyên hợp, vốn là đặt trưng bản chất của folklore bên cạnh việc xuất bản, in ấn các sáng tác dân gian này. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, in ấn cũng chỉ là lưu giữ hết sức cần thiết, nhưng chính cách làm này lại làm cố định hóa văn bản, mà vốn văn học dân gian là những sáng tác tập thể, chúng càng ngày càng phải được sáng tác thêm. Bởi vậy, cách tốt nhất vẫn là nhân dân Lý Sơn phải tự bảo vệ và phát triển vốn di sản văn hóa của cha ông mình để lại./.





tải về 1.22 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   28   29   30   31   32   33   34   35   36




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương