Ubnd tỉnh quảng ngãi sở kh – CÔng nghệ & MÔi trưỜngt ubnd huyện lý SƠN


CHƯƠNG I: TỔNG QUAN ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN, HÀNH CHÍNH VÀ



tải về 1.22 Mb.
trang2/36
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.22 Mb.
#30038
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   36

CHƯƠNG I:

TỔNG QUAN ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN, HÀNH CHÍNH VÀ

LỊCH SỬ CỦA HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN




1. Địa lý tự nhiên, hành chính của huyện đảo Lý Sơn:


Huyện đảo Lý Sơn ở về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, nằm giữa biển Đông, cách bờ biển khoảng 25 hải lý, gồm 01 đảo lớn Cù lao Ré và 01 đảo Bé cách nhau 1,67 hải lý. Tọa độ địa lý của đảo Lý Sơn trong khoảng 15032'14" đến 15038'14" vĩ độ Bắc và 109005'04" đến 109014'12" kinh Đông. Huyện đảo Lý Sơn có diện tích 9,97km2, dân số 18.521 người, mật độ dân số 1.858 người/km2 (*), gồm 02 xã Lý hải và Lý Vĩnh (Diện tích xã Lý Hải: 5,09 km2, Lý Vĩnh: 4,88 km2), dân số tập trung ở xã Lý Vĩnh là 2.236 người/km2, xã Lý Hải thấp hơn 1.495 người/km2.

Huyện đảo Lý Sơn chịu tác động chung của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, tập trung khoảng 71% lượng mưa cả năm, có năm như năm 1999 lượng mưa đạt cao nhất 4.254,9 mm, gấp đôi so với lượng mưa của các năm trước đó, mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, chịu ảnh hưởng gió Tây Nam nóng và khô. Tuy nhiên ở Lý Sơn số lượng giờ nắng cao, trung bình từ 2.300 giờ đến 2.600 giờ. Nhiệt độ trung bình 26,40C. Sự chênh lệch nhiệt độ trong các năm khá cao như năm 1999 nhiệt độ cao nhất ở tháng 8 là 29,90C, nhưng ở tháng 12 nhiệt độ thấp xuống là 22,20C. Nhìn chung khí hậu ở đảo Lý Sơn ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Tổng lượng bức xạ trên 2000 cal/năm. Độ ẩm không khí trung bình 85%.

Địa hình của khu vực vùng dân cư và canh tác ở phía nam đảo có độ cao 20 - 30 dốc từ 8 - 150 được dân chúng khai thác trồng hành, tỏi.

Hệ thống núi trên đảo gồm 5 ngọn núi trải dài ở bờ biển phía Bắc tựa như bức trường thành che chắn gió mùa Đông Bắc lạnh lẽo vào mùa đông cho dân cư sống ở phía nam đảo. Đó là các núi: Thái Lới, Giếng Tiền, Hòn Vung, Hòn Sỏi, Hòn Tai, trong đó cao nhất là núi Thái Lới 169m. Năm ngọn núi này là núi lửa đã tắt. Một số núi còn lại miệng hình lòng chảo như núi Giếng Tiền, Thái Lới. Vết tích nham thạch phun trào từ núi lửa hiện nay còn vương vãi ở núi Thái Lới, Hòn Tai, khu vực phía Tây và bờ biển phía Đông đảo.

Đất đai là tài nguyên quan trọng của huyện đảo Lý Sơn, trong thời gian qua nguồn tài nguyên này đã thu hút khoảng 62% lao động của huyện và nuôi sống gần 50% số dân huyện đảo.

Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện đảo là 800ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm diện tích 400ha, đất lâm nghiệp 182ha, đất chưa sử dụng 218ha(*). Đất nông nghiệp trên huyện đảo được sử dụng canh tác theo hai dạng: Cây hoa màu hàng năm 383ha bao gồm trồng hành, tỏi, rau, đậu, bắp và cây ăn quả chiếm diện tích 17ha. Diện tích đất lâm nghiệp chủ yếu là rừng trồng chiếm 182ha. Rừng tự nhiên trên huyện đảo đến nay không còn nhưng thời phong kiến trước đây rừng tự nhiên ở Lý Sơn có diện tích lớn, phân bố ở các núi và thềm chân núi. Thời bấy giờ, đảo Lý Sơn có những khu rừng như rừng Cây Minh, rừng Truông, rừng Nhợ, rừng Cây Gạo, rừng Bà Bút, rừng Phật. Để bảo vệ rừng tự nhiên, trong hương ước của hai làng An Vĩnh và An Hải xưa đã quy định lệ làng về việc phạt vạ bằng tiền và đóng gông những người tự ý chặt phá rừng cây ở các núi Hòn Sỏi, Giếng Tiền, Thái Lới, nên các rừng cây ở Lý Sơn được bảo vệ rất tốt. Từ năm 1945 trở đi, hương ước bị bãi bỏ, rừng bị chặt phá, đến nay ở Lý Sơn không còn rừng tự nhiên nữa. Hiện nay, huyện đảo Lý Sơn đang phát triển diện tích rừng trồng phủ xanh đồi trọc với kết quả tương đối khả quan.

Đất đai thổ nhưỡng ở đảo Lý Sơn chủ yếu có hai loại:

- Đất cát biển có diện tích 110ha, chiếm 10% diện tích tự nhiên, phần lớn tập trung ở phía Tây của đảo lớn. Đến nay đại bộ phận diện tích đất cát biển đã được sử dụng làm khu dân cư và cải tạo để sản xuất nông nghiệp.

- Đất nâu đỏ trên đá Bazan: Chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của huyện đảo với 877ha (bằng 83% diện tích tự nhiên). Có khoảng 680ha đất nâu đỏ trên đá Bazan có tầng dày trên 1m và độ dốc dưới 80. Đất Bazan màu mỡ, hàm lượng các chất dinh dưỡng cho cây trồng từ trung bình trở lên, thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp và cây trồng khác, đây là nguồn tài nguyên quan trọng của huyện đảo.

Bãi cát bằng ven biển có diện tích khoảng 42ha, chiếm 4% diện tích đất tự nhiên, phân bố viền quanh đảo và tiếp giáp mặt nước biển. Tuy nhiên hiện nay, diện tích đất cát biển tự nhiên đã thu hẹp và biến mất do nhu cầu trồng hành, tỏi người dân đã khai thác cạn kiệt. Có thể nói thời gian qua việc sử dụng đất ở huyện đảo Lý Sơn chưa thật hợp lý. Chẳng hạn, diện tích đất dành cho nghĩa địa khá lớn và phân tán, diện tích vườn tạp khá nhiều, đặc biệt do nhu cầu trồng hành, tỏi đã khiến cho người dân phải đào sâu dưới lòng đất để lấy cát hoặc khai thác cát ven biển gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, bờ biển bị sạt lở, thu hẹp dần diện tích của đảo.

Trên đảo Lý Sơn trước đây vào thời tiền sơ sử, hẳn đã có nhiều loài thú rừng vì trong các cuộc khai quật tại đảo Lý Sơn các nhà khảo cổ học đã tìm thấy khá nhiều răng nanh, xương của loài lợn rừng và một số xương của các loài thú khác. Điều này chứng tỏ xưa kia trên đảo Lý Sơn tồn tại các vùng rừng rậm, các suối nước ngọt có nhiều loài thú hoang dã sinh sống. Trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá soạn vào giữa thế kỷ XVII đã chép khá rõ là trên núi ở đảo có nhiều sản mộc. Nhưng hiện nay tìm kiếm những cây thân mộc tự nhiên trên núi quả là điều khó khăn. Hiếm hoi còn sót lại một vài loại cây hiện diện từ rất sớm ở các vùng đồi núi của đảo, đó là cây: Bàng biển, dân gian gọi là cây Phong Ba, tên La Tinh là Terminalia catappa. Cây to cao từ 5 - 7m, nhánh mọc ngang thành tầng, thân cây u nần, lá trở đỏ khi khô, quả nhân cứng, chín màu vàng, nướng ăn có vị béo. Đây là loại cây có bộ rễ phát triển chống chọi được sóng gió, bão táp để tồn tại nên có tên là Phong Ba. Có một loại cây đặc biệt khác thuộc họ dứa dại tên La Tinh là Pandanaceac, tên dân gian gọi là cây Xác Máu. Loại cây này mọc hoang dã trên vùng đồi núi, thân xốp lá dài, không có gai, bộ rễ phát triển mạnh bám đất vững chãi, chống chọi được với khô hạn, bão táp và có tuổi thọ cao. Dân gian gọi là cây Xác Máu bởi vì nhựa thân có màu đỏ như máu, nhựa cây dùng để sơn quét ghe, làm chặt các chốt nêm của ghe, ngoài ra nhựa cây còn dùng để nhuộm lưới, dân làng còn lấy nhựa cây đem các nơi bán. Lá cây Xác Máu rất bền chắc dùng xe cuộn làm dây cột buồm trên các ghe bầu. Tại một số đảo của vùng đảo ở Thái Bình Dương người dân dùng nhựa cây xác Máu nấu sôi để quét trên đồ gốm. Trên đảo Lý Sơn còn có các loại cây như: Mù u (Calophyllum Inophyllum), cây keo (chăm biên), cây dừa, cây phi lao.... Thảm thực vật bên dưới có họ Bìm Bìm (Convolulaceae) họ Hòa Bản như cỏ chông (Spinìex littercus), cỏ cạ tử (Sporobolus Virginicus) và nhiều loại thảo dược chữa bệnh như:Ngũ trâu (cây tù tà), Hắc Sửu (bìm bìm hột), Nghĩa Sâm (cây sâm núi), Bạch Tật Lê (cây Ma vương) Hoài Sơn (củ mài)...

Hiện nay, trên đảo Lý Sơn có hai dòng suối cạn chỉ có nước vào mùa mưa đó là suối Chình ở xã Lý Hải và suối Ốc ở xã Lý Vĩnh. Suối Chình bắt nguồn từ thềm chân núi Thái Lới, chảy về phía Nam và phía Bắc đảo Lý Sơn. Suối Ốc bắt nguồn từ chân núi Hòn Sỏi và Giếng Tiền chảy về phía Nam đảo. Đây là hai dòng suối chính trên đảo, hẳn xưa kia suối luôn có nước ngọt nên cư dân thời tiền sử đã sinh sống dọc ven suối và để lại các dấu tích văn hóa cho đến hiện nay.

Trên đảo có một trữ lượng nước ngầm phong phú, người dân đào giếng, khai thác làm nước uống và dùng vào việc tưới cho hành, tỏi bằng máy bơm. Nguyên nhân có được hệ nước ngầm này có thể do kết cấu tầng đất Bazan thấm nước, giữ ẩm rất tốt và tầng đất cát của đảo là nền cát trắng nên nguồn nước nhờ đó thông qua mưa đã được bảo quản rất tốt, cung cấp thường xuyên không bao giờ cạn cho nhu cầu sinh sống của cư dân trên đảo. Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu trồng hành, tỏi, dân chúng đào lấy đi tầng cát trắng vốn là tầng đất cát lọc và giữ nước, việc làm này có thể sẽ dẫn đến sự cạn kiệt và nhiễm mặn của nguồn nước ngọt quý giá trên đảo.

Đảo Lý Sơn gồm một đảo lớn và một đảo bé được bao bọc bởi biển cả mênh mông nên huyện đảo có điều kiện khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên phong phú của biển hơn so với các huyện khác của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là lợi thế phát triển mạnh của đảo. Trong sự kiến tạo địa chất ở hàng triệu năm trước đã đưa lại hệ quả bậc thềm chân đảo chìm sâu trong lòng biển tạo nên các rạng đá ngầm với nhiều hang hốc cùng với hệ san hô trải dài ở phía Bắc và Đông đảo là nơi sinh sống lý tưởng cho các loài thủy tộc. Ngoài ra, xung quanh đảo có các dòng hải lưu chảy từ Tây sang Đông đem lại nguồn phù du phong phú, là thức ăn lý tưởng cho các loài cá. Có thể vì dòng hải lưu này mà trước kia đảo Lý Sơn có nhiều cá voi do theo dòng nước ăn phù du, nên dạt vào bờ và mắc cạn, chết, dân biển tôn xưng là cá Ông nên lập nhiều lăng để an táng và thờ phụng.

Theo tài liệu của Viện Nghiên cứu biển và Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, khu hệ cá của vùng biển miền Trung có thành phần đa dạng với khoảng 600 loài, trong đó các loài có giá trị kinh tế cao và trữ lượng lớn như mực, cá thu, cá ngừ, cá bánh đường, vích, hải sâm, rong biển, san hô và các loại ốc biển... Thực tế trong những thập niên gần đây, ngư dân Lý Sơn khai thác bằng nhiều loại ngư cụ và hủy hoại môi sinh bằng thuốc nổ khiến cho nguồn thủy sản bị cạn kiệt. Tuy nhiên, khoảng thập niên đầu thế kỷ XX trở về trước vùng biển Lý Sơn có nguồn thủy sản rất phong phú. Hương ước làng có quy định về sự đánh bắt cá trích: Từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, đàn cá trích dạt vào các vùng gò ở phía Nam đảo, dân làng vây bắt, việc khai thác đánh bắt cá trích do làng quản lý. Lùi lại thời gian ở tiền sơ sử, vùng bờ biển Lý Sơn là thiên đường của các loài thủy tộc. Con người thời tiền sử đã dùng lưới vây bắt cá, thu nhặt các loại ốc ở bãi gành xung quanh đảo và bắt các loại nhuyễn thể khác như mực, vích... Các nhà khảo cổ tìm thấy tầng cư trú của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh ở Xóm Ốc ken đặc vỏ ốc với bề dày khoảng 1m. Qua nghiên cứu và thống kê theo tên dân gian các loại ốc do cư dân thời tiền sử ở Lý Sơn đã ăn như: Ốc Đụn, Hoa, Cừ, Nhảy, Cay, Tai tượng, Bàn tay,... Điều này chứng tỏ vùng biển Lý Sơn xưa kia rất dồi dào, phong phú các loại thủy sản. Như vậy vấn đề đang được báo động hiện nay là một số chủng loại thủy sản có nguy cơ bị diệt vong, nguồn lợi biển dần cạn kiệt do việc khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch, bảo vệ và đặc biệt là khai thác cá bằng cách đánh thuốc nổ sẽ dẫn đến hủy diệt nguồn thủy sản ven bờ.

Theo các tài liệu điều tra quy hoạch ở Lý Sơn thì nơi đây có tiềm năng lớn trong nuôi trồng thủy sản, như ở vùng triều xã Lý Hải giáp hòn Mù Cu diện tích khoảng 50 ha, kín gió, nồng độ muối 7.300, nhiệt độ nước 26 - 300C. Nước triều cao nhất 2,5m, thấp nhất 1,2m, nền đáy là cát lẫn đá sỏi, san hô, diện tích 250 ha, với điều kiện thủy lý, thủy hóa lý tưởng khả năng tạo thành hồ nuôi các loại cua biển, tôm hùm, cá mú rất thuận lợi.

Trong quá khứ kinh tế của huyện đảo Lý Sơn chưa đóng vai trò nổi bật trong tổng thể kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi, nhưng trong tương lai với vị thế địa lý hải đảo ven bờ nằm trên con đường biển giao lưu giữa khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung với nước ngoài, cách khu công nghiệp Dung Quất 25 hải lý (37,5km) sẽ là động lực tạo nên những ưu thế phát triển lớn của huyện đảo Lý Sơn. Trong truyền thống, đảo Lý Sơn là nơi phát triển mạnh về nghề cá và hiện nay trong chương trình phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi đảo Lý Sơn được xác định là một trong những trung tâm nghề cá lớn của tỉnh.

Vị trí địa lý của huyện đảo Lý Sơn có một vai trò quan trọng trong quốc phòng đối với việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải của quốc gia. Từ đảo Lý Sơn có thể quan sát và khống chế cả vùng biển của miền Trung, đồng thời Lý Sơn là chốt tiền tiêu nằm án ngữ một trong những con đường quan trọng vươn ra biển Đông từ cảng Dung Quất và khu kinh tế mở Chu Lai.

Như vậy, với vị thế địa lý thuận lợi cùng điều kiện tự nhiên sinh thái biển phong phú đa dạng, kinh tế nông nghiệp phát triển chuyên canh, tiềm năng du lịch vô cùng to lớn, hiển nhiên trong thế kỷ XXI, huyện đảo Lý Sơn sẽ có những thành tựu nổi bật và phát triển mạnh nếu như việc hoạch định tổng thể sự phát triển kinh tế, xã hội theo hướng kinh tế mở rộng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, thiết lập và tăng cường các mối quan hệ để huy động tối đa các nguồn hỗ trợ để cùng với nội lực của huyện đẩy nhanh và vững chắc quá trình phát triển, mặt khác đảm nhận vững vàng vị trí quốc phòng chiến lược của huyện đảo.




tải về 1.22 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   36




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương