Ubnd tỉnh quảng ngãi sở kh – CÔng nghệ & MÔi trưỜngt ubnd huyện lý SƠN



tải về 1.22 Mb.
trang3/36
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích1.22 Mb.
#30038
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   36

2. Lịch sử hình thành đảo Lý Sơn :


Có thể vài chục triệu năm trước đây, đảo Lý Sơn được hình thành do sự kiến tạo địa chấn với sự phun trào nham thạch của núi lửa. Hiện nay trên Đảo có 5 hòn núi đều là núi lửa đã phun trào: Núi Thái Lới, núi Giếng Tiền, Hòn Vung, Hòn Tai, Hòn Sỏi. Sự tắt đi của núi lửa đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như: Giếng Tiền, Thái Lới, Chùa Hang, Hang Câu, Hang Cò... Núi lửa đã trải trên bề mặt Đảo ở phía Nam một lớp đất Bazan màu mỡ tươi tốt thích hợp cho cây trồng, đồng thời còn tạo nên những rạng đá ngầm là điều kiện tốt cho các loài thủy tộc sinh sống.

Hiện nay theo kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ học đã cho biết cách đây khoảng 3000 năm, cư dân thời tiền sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã cư trú trên Đảo Lý Sơn. Họ sống quần cư dọc theo hai dòng suối nước ngọt cổ đó là suối Ốc và suối Chình (nay đã bị bồi lấp) kinh tế chủ yếu của họ là khai thác biển, món ăn truyền thống là sò ốc và cá. Họ đã để lại trong khu cư trú một lớp vỏ ốc có chiều dày khoảng trên 1,5 m. Đồng thời cư dân cổ xóm Ốc còn canh tác nông nghiệp phản ánh qua các di vật cuốc đá, rìu đá, chày nghiền, bàn nghiền... tìm thấy trong tầng cư trú đã chứng minh điều đó. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh đảo Lý Sơn đã tiếp thu các yếu tố văn hóa bên ngoài theo bình diện không gian và thời gian với văn hóa tiền Sa Huỳnh Long Thạnh, Bình Châu giai đoạn sớm và văn hóa Hán ở giai đoạn muộn để thành tạo nên dạng văn hóa hải đảo đặc sắc.

Kế tục văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa Chămpa phát triển từ những thế kỷ đầu công nguyên. Cư dân Chămpa sinh sống trên đảo bằng kinh tế khai thác biển và trồng rau củ, cây hoa màu của dân Chămpa đã để lại một số di tích như miếu Con Bò, Chùa Hang, dinh Bà Trời (Thiên Ya Na), các giếng vuông.

Cư dân Việt đến khai khẩn làng mạc trên đảo vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Họ là những ngư dân vùng An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn gồm 15 ông tiền hiền của 15 dòng họ lớn di cư ra đảo phân chia khu vực cư trú ở phía đông và phía tây đảo Lý Sơn. Có 7 vị Tiền hiền gồm các dòng họ: Phạm Khắc, Phạm Quang, Võ Xuân, Võ Văn, Lê, Nguyễn, Đặng, đã đến khai phá vùng phía tây đảo Lý Sơn để lập nên xã Lý Vĩnh mà trước đây thời Nguyễn gọi là phường An Vĩnh. 8 vị Tiền hiền gồm các dòng họ: Nguyễn, Dương, Trương, Trần, Võ, Nguyễn Đình, Nguyễn Văn, Lê đã đến khai phá một vùng đất rộng lớn phì nhiêu ở thềm phía Nam núi Thái Lới lập nên xã Lý Hải mà trước đây thời Nguyễn gọi là phường An Hải. Trong buổi đầu ấy, người Việt trong công cuộc khai phá lập làng gặp không ít khó khăn về thời tiết khí hậu và nạn giặc Tàu Ô. Đến nay, một số di tích còn lưu lại đã phản ánh sự chống chọi kiên cường với giặc Tàu Ô để bảo vệ đảo của người dân Lý Sơn: đó là miếu Nàng Roi, chùa Hang, sự tích đánh giặc Tàu Ô của ông Nguyễn Văn Tuất... Thường để phòng ngừa giặc Tàu Ô mỗi gia đình đều có một hầm bí mật chôn giấu của cải ở trên núi, mục đích khi giặc Tàu Ô đến cướp phá chúng không lấy đi được những gì của người dân ở đây. Ngoài ra những nhà giàu có đã lập nên những nhà lá mái gồm ba lớp cửa bàn khoa cùng rầm thượng rầm hạ để cất giấu của cải.

Người Việt đảo Lý Sơn đã xác lập một nền tảng văn hóa vững chãi với thiết chế làng xã bền chặt dựa trên một hương ước được mọi thành viên trong làng thống nhất xây dựng và thực hiện rất có hiệu quả. Thực tế sự xác lập văn hóa Việt trên đảo Lý Sơn không sớm lắm xong rõ ràng nó đã phát triển vững chãi và bám rễ bền chặt phát triển đa dạng phong phú đậm đà bản sắc. Văn hóa Việt đảo Lý Sơn thành tạo từ hai nguồn hợp cơ bản là văn hóa Việt vùng đồng bằng Bắc bộ và văn hóa Biển - Hải đảo của miền Trung; rộng hơn đó là sự dung hợp giữa hai yếu tố văn hóa Nam Á và văn hóa Nam Đảo (Malayopolynesiens) cùng phát triển song song, giao thoa và bổ sung, quyện chặt thành một văn hóa truyền thống của đảo. Mỗi dạng thức văn hóa đều xuất phát từ nền kinh tế truyền thống tương hỗ, đó là kinh tế nông nghiệp trồng hoa màu và kinh tế biển khai thác hải sản. Kinh tế nông nghiệp trồng hoa màu được thiết lập quần cư theo mô hình Làng, đứng đầu là ông Cả Làng, nơi sinh hoạt cộng đồng và tế tự là Đình làng. Kinh tế khai thác biển được thiết lập trên cơ sở tổ chức Vạn, đứng đầu là Chủ Vạn, nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng là các Lăng Vạn. Đảo Lý Sơn có hai làng là An Vĩnh và An Hải; hai Vạn là Vĩnh Thạnh và An Phú.

Như vậy có thể phác họa mô hình như sau:


Văn hóa Việt Lý Sơn


Nông



Chài



Làng An Vĩnh

Làng An Hải

Vạn Vĩnh Thịnh

Vạn An Sơn





Tế lăng Cá Ông


Tế đình của làng




Tế dinh của xóm



Tế dinh Thiên Y A Na




Tế miễu của lân (chòm)

Ghi chú: Mối quan hệ trực tiếp

Có sự tham gia

Tham gia trực tiếp

Đảo Lý Sơn có tên gọi nguyên gốc là Cù Lao Ré. Chữ Cù Lao được Việt hóa từ chữ Pulau của ngôn ngữ Malayo-Polynésien do người Chàm gọi, có nghĩa là đảo. Do vậy các đảo ven bờ của duyên hải Việt Nam đều gọi là Cù Lao chẳng hạn như Cù Lao Chàm. Cù Lao Ré, Cù Lao Xanh, Cù Lao Thu. Người pháp phiên âm chữ Pulau thành Poulo và gọi Cù Lao Ré là Poulo canton.

Thư tịch Trung Hoa chép về đảo Lý Sơn với tên gọi là Ngoại La Sơn. Trong tài liệu Doanh Nhai Thắng Lãm của Mã Hoan đời Minh chép về cuộc đi sứ của Trịnh Hòa xuống vùng Đông Nam Á, Ấn Độ, Ba Tư. Trong đoạn viết về sự trở về Bắc Kinh của đoàn quân này như sau: “Ngày 13/6/1433 lại đến Chiêm Thành (Qui Nhơn) nghỉ ở đó cho tới ngày 17/ 6/1433 lại lên đường và đến ngày 19/6/1433 đã đến Wai Lo Shan (Ngoại La Sơn) tức Cù Lao Ré. Đây là tư liệu thư tịch của Trung Hoa sớm nhất viết liên quan đến đảo Lý Sơn.

Sau cuộc bình Chiêm Thành năm 1471 của Vua Lê Thánh Tông, ranh giới Đại Việt được mở rộng đến núi Thạch Bi (Phú Yên); những chi tiết thâu lượm được về đất Phương Nam trong cuộc chinh chiến đã giúp cho những người sau soạn thành bản đồ. Đến nay, tài liệu bản đồ sớm nhất về vùng đất Phương Nam được biết đến là bản đồ trong Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư của một nho sinh là Đỗ Bá, có thể tài liệu này được viết trong khoảng thời gian năm 1630 đến 1653, gồm có 4 quyển. Trong quyển 1 có một bản đồ vẽ vùng phủ Quảng Nghĩa và phủ Thăng Hoa trong đó đã gọi Cù Lao Ré là Du Trường Sơn; Đỗ Bá đã cẩn thận ghi chú cụ thể địa điểm đảo ở ngoài cửa Sa Kỳ (Quảng Nghĩa) nguyên văn: “... Sa Kỳ hải môn ngoại hữu nhất sơn, sơn thượng đa sản mộc, danh Du Trường, hữu tuần...” có nghĩa: Ở phía ngoài cửa biển Sa Kỳ có một núi, trên núi có nhiều sản mộc, tên là núi Du Trường, có đặt quan Tuần sát. Trên bản đồ Đỗ Bá vẽ vị trí của Du Trường Sơn nằm phía ngoài cửa Đại và cửa Tiểu của sông Trà Khúc và sông Vệ - đó là đảo Lý Sơn hiện nay.

Trong tài liệu Etude sur un portulan AnNamte du Xve siecle, H.Dumoutier vẽ lại bản đồ này gọi đảo Lý Sơn là Hải Du Trường Sơn (xem phụ lục bản đồ).

Thời các Chuá Nguyễn đảo Lý Sơn gọi là Cù Lao Ré gồm hai phường An Hải và An Vĩnh. Đến thời Gia Long (1808), đặt Cù Lao Ré là tổng Lý Sơn, gồm hai xã An Vĩnh và An Hải trực thuộc phủ Bình Sơn.

Thời thuộc Pháp năm 1931 đổi Tổng Lý Sơn thành đồn Lý Sơn trực thuộc Tuần Vũ Quảng Ngãi và phường An Vĩnh đổi thành xã Vĩnh Long và phường An Hải đổi thành xã Hải Yến, đồng thời thiết lập đồn Bang Tá để cai trị. Đồn Bang Tá có 12 lính trang bị như lính Khố Xanh được quyền bắt người, bảo vệ bộ máy cai trị.

Sau khi Cách Mạng tháng 8 năm 1945, đảo Lý Sơn gọi là tổng Trần Thành, đổi tên xã Hải Yến thành xã Dương Sạ, giữ nguyên xã Vĩnh Long. Năm 1946, UBHC tỉnh Quảng Ngãi đổi tên tổng Trần Thành thành xã Lý Sơn, đổi xã Dương Sạ thành thôn Hải Yến, xã Vĩnh Long thành thôn Vĩnh Long. Năm 1951 thực dân Pháp chiếm đóng đảo Lý Sơn, sáp nhập đảo Lý Sơn vào địa giới hành chính của thị xã Đà Nẵng. Từ năm 1954 - 1975 chính quyền Sài Gòn đặt đảo Lý Sơn làm 2 xã là Bình Vĩnh và Bình Yến (An Vĩnh đổi thành Bình Vĩnh, An Hải đổi thành Bình Yến) thuộc quận Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi.

Sau năm 1975, đảo Lý Sơn vẫn bao gồm hai xã là Bình Vĩnh và Bình Yến thuộc huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 01/01/1993 huyện đảo Lý Sơn thành lập theo quyết định 337 của Thủ Tướng chính phủ, gồm 2 xã Lý Vĩnh và xã Lý Hải (Bình Vĩnh gọi là Lý Vĩnh, Bình Yến gọi là Lý Hải). Hiện nay xã Lý Vĩnh gồm 3 thôn là thôn Đông và thôn Tây và thôn Bắc (tức Hòn Bé), xã Lý Hải gồm có 5 thôn gọi là thôn Đồng Hộ, thôn Đông, thôn Trung Hòa, thôn Trung Yên, thôn Tây.

Lịch sử đảo Lý Sơn còn gắn liền với các khối cộng đồng cư dân đã sinh sống khác và giữ đảo từ hàng nghìn năm trở lại đây.

Ba lớp cư dân Sa Huỳnh - Chăm pa - Việt đã gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của đảo Lý Sơn, họ đã bảo vệ chủ quyền đảo và để lại nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy mà chúng tôi sẽ trình bày cụ thể ở các chương sau.

Lịch sử đảo Lý Sơn gắn liền với quá trình bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa. Đời chúa Nguyễn đã phiên đặt định kỳ hàng năm những ngư dân trên đảo Lý Sơn đi thuyền ra khơi đến đảo Hoàng Sa (Vạn Lý Hoàng Sa) dân gian gọi là Bãi Cát Vàng để khai thác sản vật, thâu lượm hàng hóa đem về nộp cho triều đình. Theo “Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư” của Đỗ Bá viết ở thế kỷ XVII, họ Nguyễn (Chúa Nguyễn - NV) mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền, súng đạn. Phủ biên Tạp Lục của Lê Qúy Đôn năm 1776 đã ghi chép cụ thể hơn về việc chúa Nguyễn phiên đặt những tráng dân ở Lý Sơn lập thành đội Hoàng Sa, định kỳ hàng năm đến đảo Hoàng Sa khai thác sản vật và hàng hóa. Nguyên văn chữ Hán được dịch như sau: “Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh (Lý Sơn - ND) sung vào, hàng năm luân phiên, lấy tháng giêng nhận chỉ thị sai dịch ra đó, mỗi người trong đội Hoàng Sa được cấp phát 6 tháng lương, họ chèo 5 chiếc thuyền ra ngoài biển, ba ngày ba đêm mới đến đảo Hoàng Sa, ở lại tha hồ bắt chim, cá để làm đồ ăn. Họ lượm được những vật trôi dạt như: Kiếm, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, ngà voi, sáp vàng, đồ sứ, hải sâm, các loại ốc đẹp. Đến kỳ tháng 8, thuyền trở về vào cửa Yêu Môn (cửa Thuận An) rồi tới thành Phú Xuân trình nộp các vật hạng đã lượm nhặt được, người ta cân, định hạng các sản vật rồi mới cho đội này bán riêng những con ốc đẹp, hải sâm, đồi mồi cùng nhiều vật biển khác. Sau đó lãnh văn bằng trở về. Những vật hạng lượm được ngoài biển có khi nhiều, khi ít không nhất định, cũng có lần họ ra đi rồi trở về không.

Tôi (Lê Qúy Đôn - ND) từng tra khảo sổ biên của các đội thuyền Đức Hầu ngày trước như sau:

Năm Nhâm Ngọ (tức năm 1702) đội Hoàng Sa lượm đươc bạc 30 thoi.

Năm Giáp Thân (1704) lượm được thiếc 5.100 cân.

Năm Aát Dậu (1705) lượm được bạc 126 thoi.

Còn từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Qúy Tỵ (1713) tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy cân đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần họ chỉ lượm được mấy khối thiếc, mấy cái bát đá và hai khẩu súng đồng. Họ Nguyễn có thiết lập thêm đội quân Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, lấy người thôn Tứ Chính (ở gần biển) thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn lấy người ở Cảnh Dương (sát cửa biển Ròn) “Đội Bắc Hải chèo thuyền ra cù lao Côn Lôn ở giữa Bắc Hải, hoặc đến xứ Cồn Tự thuộc vùng Hà Tiên để tìm kiếm lượm nhặt những hạng đại một, hải ba, đồn ngư, lực quý ngư hải sâm.

Nhà nước sai chức các đội Hoàng Sa kiếm lãnh quản đốc đội Bắc Hải này, vì chẳng qua họ chỉ lấy được những hải vật, còn như vàng bạc và các của cải quý báu khác thì ít khi họ tìm được” (Phủ biên tạp lục, quyển 2 từ tờ 82b - 85a).

Trong Đại Nam thực lục tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn năm 1822 ở quyển 10 đã chép về sự bảo vệ chủ quyền trên đảo Hoàng Sa của đội Hoàng Sa ở Lý Sơn như sau: “Hồi quốc sơ (đời chúa Nguyễn) đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người lấy dân xã An vĩnh (Lý Sơn - ND) sung vào, hàng năm cứ tháng 3 cưỡi thuyền ra đảo, 3 ngày đêm thì tới nơi, thu lượm hóa vật đến tháng 8 trở về nộp. Lại có đội Bắc Hải mộ dân thôn Từ Chính, Bình Cố hoặc xã Cảnh Dương sung vào, được lệnh cưỡi thuyền nhỏ ra các đảo Côn Lôn ở Bắc Hải thu lượm hoá vật, cũng do đội Hoàng Sa cai quản luôn” (Đại Nam thực tiền biên, 9.10)

Trong Đại Nam thực lục chính biên khắc in năm 1848 có chép: “Tháng giêng, năm Ất Hợi (1815) sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình...” ) Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, 9.52) “Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816) Vua ra lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình” (Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất ký, 9.52).

Đến thời Minh Mạng, triều Nguyễn có lực lượng thủy quân khá hùng mạnh nên thay thế đội Hoàng Sa cai quản vùng biển Hoàng Sa và các đảo ven bờ của Việt Nam. Đội Hoàng Sa không còn thấy ghi trong sử sách nữa. Theo Đại Nam nhất thống chí, đội Hoàng Sa được tái lập ở đầu triều Gia Long, đến cuối triều Gia Long đội Hoàng Sa bị bãi bỏ (ĐNNTC, 9.6). Triều đình nhà Nguyễn đã giải thể đội Hoàng Sa vì lực lượng thủy quân Việt Nam đã vươn ra biển Đông để bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên đảo Hoàng Sa. Như năm Minh Mạng thứ 16 (1835) đã sai quan thuyền đem gạch đá ra đảo để xây dựng chùa (ĐNNTC, 9.6).

Như vậy từ thời các chúa Nguyễn đến thời Gia Long, đội Hoàng Sa trong 3 thế kỷ XVII, XVII, XIX đã làm nhiệm vụ lịch sử thật đặc biệt là khai thác hải vật cùng hàng hóa trên đảo Hoàng Sa, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa.

Các chúa Nguyễn và triều Nguyễn Gia Long tuyển lính Hoàng Sa theo cách khoán cho mỗi dòng họ, gia đình một số lượng người đi lính tương ứng theo nguyên tắc để người con trưởng ở nhà lo việc tế tự còn các con thứ trong gia đình và dòng họ phải đi lính Hoàng Sa, mỗi năm một lần luân phiên nhau. Những người lính Hoàng Sa được triều đình chúa Nguyễn ưu đãi một số khoản như sau: miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt như tiền qua đồn tuần, qua đò. (Lê Qúy Đôn - Phủ biên tạp lục, 9.2). Đến thời Gia Long, những người đi lính Hoàng Sa ngoài việc miễn sưu thuế, họ còn được miễn thuế nông nghiệp. Ở Lý Sơn, thuế nông nghiệp được tính trên dầu phộng, thời Gia Long một người trong một năm phải nộp 1 nồi ba cho nhà nước, ngòai ra còn nộp thêm 3 gáo dừa đầy, trong đó 1 gáo cho đình làng để thắp đèn và 2 gáo nộp cho chính quyền phong kiến địa phương để cho việc trả lương bổng.

Lính Hoàng Sa khi ra đi đem theo lương thực, nước uống trong 6 tháng (t2 - t8). Ngoài ra mỗi người được cấp phát cho 1 chiếc chiếu và 3 sợi mây dài, mục đích nếu chết thì lấy chiếu bó xác đem về đất liền chôn hoặc thả xuống biển cho xác trôi về đảo.

Người đứng đầu chỉ huy đội Hoàng Sa gọi là cai đội. Theo phủ biên tạp lục, cai đội Hoàng Sa kiêm lãnh quản đốc đội Bắc Hải hoạt động trên vùng biển phía nam. Do vậy cai đội của đội Hoàng Sa và Bắc hải là người mưu lược, có tài đi biển, có vai trò quan trọng đối với triều đình. Đảo Lý Sơn có hai vị cai đội nổi tiếng đó là cai đội Võ Văn Khiết dưới thời các chúa Nguyễn trải 2 đời Vua chỉ huy đội Hoàng Sa và Bắc Hải, lập nhiều công trạng được Vua Gia Long sắc phong Thượng Đẳng Thần. Hiện miếu thờ ở xã Lý Vĩnh gọi là miếu Ông Thắm. Cai đội Phạm Quang Ảnh, lãnh đội Hoàng Sa dưới triều Gia Long, lập nhiều công trạng, khi chết được Vua ban sắc phong tặng Thượng Đẳng Thần, hiện nay mộ ông ở khu vực đối diện UBND huyện Lý Sơn.

Các nhân vật Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết và đội Hoàng Sa đã đi vào lịch sử bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa. Hai ông là vị nhân thần thường được ghi trong các văn tế của đình miếu ở Lý Sơn.

Những người lính Hoàng Sa đi ra quần đảo Hoàng Sa bằng những phương tiện ghe bầu mảnh mai nhỏ nhoi trước giông bão nên luôn gặp rủi ro, có khi họ vĩnh viễn nằm lại trong lòng đại dương và thực tế từ lâu trên đảo đã có những câu ca phản ảnh điều đó.

Mãn mùa tu hú kêu thanh

Cá Chuồn đã vãn sao anh chưa về.

Hoặc:


Hoàng Sa đi có về không

Lệnh Vua sai phải quyết lòng ra đi.

Hiện nay Âm Linh Tự là nơi thờ chung của những người đi lính Hoàng Sa bị tử nạn trên biển. Theo ghi chép trong phổ ý gia phả của các dòng họ có người đi lính Hoàng Sa thì đã có rất nhiều người lính ra đi không trở lại. Do vậy để cho người lính yên tâm ra đi, chính quyền phong kiến thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn Gia Long đã thực hiện lễ Khao thế lính Hoàng Sa trước khi những người lính lên thuyền ra đảo Hoàng Sa. Nguyên nhân lễ Khao thế lính Hoàng Sa có truyền thuyết dân gian cho rằng: Oan hồn của những người lính đã chết trên biển hiển linh đòi triều đình phải cúng thế lính. Trong lễ tế Khao thế lính Hoàng Sa người ta làm một chiếc ghe bầu giả, đáy ghe làm bằng bè chuối, thân ghe sử dụng tre để làm khung sau đó cắt giấy điều dán kín. Về hình thức đây là chiếc ghe bầu hoàn chỉnh có nhiều khoang, buồng lái, cột buồm, dây buồm, mũi và đuôi ghe. Trên chiếc ghe này, người ta cắm một lá cờ ngũ hành làm bằng giấy điều và 5 lá cờ đuôi nheo theo 5 màu; ở phần khoang lái người ta cắt giấy bốn hình nhân (trước kia hình nhân độn rơm) đặt ở bốn góc của chiếc ghe. Trong lễ tế chiếc ghe bầu giả được đặt bên tả cỗ bàn cúng, hai bên có trống chiêng và hai hàng cờ ngũ hành đuôi nheo. Tất cả lễ cúng diễn ra ở sân trước nhà. Diễn trình của lễ như sau: Đầu tiên vị trưởng tộc cáo tế tổ tiên ở trong nhà, sau đó bái lạy cỗ bàn cúng ngoài sân. Khởi đầu của lễ Khao thế, thầy phù thủy đọc văn tế, tiếp đến ông tộc trường đọc văn tế cúng. Trong buổi lễ có nhạc bát âm xướng tấu và có sự hiện diện của các vị chức sắc trong làng. Kết thúc lễ tế là lễ rước ghe bầu tế lính Hoàng Sa ra nơi bến ghe. Tại đây sau khi thầy phù thủy vái tạ tứ phương, chiếc ghe được đem thả xuống nước, một người dân chài dìu ghe ra khơi để cho ghe trôi về biển Đông. Như vậy có nghĩa là sinh mạng và tàu thuyền của những người lính trong đội Hoàng Sa đã được hiến tế cho thần linh và những người lính Hoàng Sa yên tâm ra đi.




tải về 1.22 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   36




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương