UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII


Cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị



tải về 3.4 Mb.
trang25/43
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích3.4 Mb.
#1536
1   ...   21   22   23   24   25   26   27   28   ...   43

23. Cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị:

Đề nghị cho phép thực hiện các chương trình khuyến mại giảm giá dài hơn thời hạn quy định hiện nay (tối đa 45 ngày/chương trình và tổng thời gian khuyến mại giảm giá cho 01 sản phẩm, nhãn nhiệu hàng hoá dịch vụ không quá 90 ngày/năm)


Trả lời: (tại công văn số 8407/BCT-KH ngày 26/8/2009)

Việc quy định “Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 (bốn mười lăm) ngày” theo như khoản 4 Điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại là nhằm mục đích hạn chế việc thương nhân lợi dụng các hình thức khuyến mại giảm giá để bán phá giá hàng hóa, dịch vụ của mình trên thị trường để thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Việc thay đổi quy định này có tác động rất lớn tới quyền lợi người tiêu dùng và trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của thương nhân, vì vậy Bộ Công Thương cần phải tham khảo ý kiến của các cơ quan, ban, ngành cũng như ý kiến của đông đảo thương nhân để có thêm cơ sở xem xét, trong trường hợp thấy cần thiết, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định này.

24. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị:

1. Đề nghị Chính phủ quan tâm, đầu tư, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố ven biển phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế biển nhất là công nghiệp đóng tầu, để tiến tới Việt Nam có thể tự đóng tầu quân sự, hải quân phục vụ bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển.

2. Một số doanh nghiệp ngành giấy kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, có biện pháp giải quyết sớm việc ngành giấy hiện nay đang tồn kho hàng triệu tấn giấy nhưng giấy giá rẻ vẫn được nhập khẩu rất nhiều vào Việt Nam.

Trả lời: (tại Công văn số 8198/BCT-KH ngày 20/8/2009)

Vấn đề thứ nhất 

Trong giai đoạn 1999-2008, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam với nòng cốt là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đã được Nhà nước hỗ trợ bằng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt, cụ thể như sau:

- Theo Quyết định số 117/2000/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính cho các dự án đóng tàu biển của ngành đóng tàu biển Việt Nam, các sản phẩm tàu biển của cơ sở đóng tàu được miễn thuế xuất khẩu và miễn thuế nhập khẩu đối với các loại máy móc, trang thiết bị, phương tiện vận tải (nằm trong dây chuyền công nghệ) để tạo tài sản cố định và nguyên vật liệu, bán thành phẩm phục vụ cho việc đóng tàu mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn quy định. Nhà nước cấp vốn ngân sách để thực hiện các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để các đơn vị được vay tín dụng ưu đãi cho các hạng mục xây lắp nhà xưởng, mua thiết bị. Các đơn vị mua tàu cũng được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước (bằng 85% tổng mức đầu tư). Không cho phép mua tàu nước ngoài nếu trong nước đã đóng mới được.

- Theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điềm, Danh mục các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn 2009-2015, các dự án đầu tư đóng mới tàu biển cỡ lớn (80.000 tấn trở lên), đầu tư ụ nổi để sữa chữa tàu biển trên 50.000 tấn, đầu tư công nghiệp hỗ trợ đóng tàu (sản xuất thép, động cơ, hộp số, cụm truyền động, cầu trục…) được vay tín dụng ưu đãi của Nhà nước (đến 85% vốn cố định), các đơn vị mua tàu và sử dụng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sản xuất trong nước cũng được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước (bằng 70% tổng mức đầu tư). Ngoài ra, còn nhiều chính sách ưu đãi khác như: hỗ trợ Ngân sách Nhà nước cho các hạng mục chuyển giao công nghệ, mua phần mềm thiết kế, đào tạo nguồn nhân lực, thuê chuyên gia nước ngoài, đầu tư phòng thí nghiệm trọng điểm…

Đến nay, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã trình một số dự án trọng điểm lên Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm để được xem xét, quyết định chính sách ưu đãi theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg như Dự án đầu tư ụ nổi 14.000T tại Nhà máy đóng tàu Nam Triệu, Phà Rừng; Dự án sản xuất động cơ diesel tại Phà Rừng và đang hoàn thiện để trình một số dự án khác tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng…

Trên cơ sở những định hướng phát triển và cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chỉ trong vòng 6 năm gần đây, ngành đóng tàu Việt Nam từ việc chỉ sửa chữa tàu thủy đã có thể chủ động trong việc đóng mới tàu chở dầu đến 115.000 tấn, chủ động thiết kế tàu đến 70.000 tấn, có khả năng nội địa hóa đóng mới ụ nổi 14.000 tấn đến 100%, đã nhận nhiều hợp đồng đóng tàu cho các nước, năm 2008 đã xuất khẩu sang Achentina, khu vực EU với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra các đơn vị đã đóng mới một số tàu thăm dò, tàu cao tốc trong lĩnh vực quân sự, Công ty Sông Thu thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đang dự kiến đầu tư mở rộng Nhà máy tại Đà Nẵng (tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng) để nâng cao năng lực đóng mới và sửa chữa tàu quân sự, tàu cao tốc, tàu dịch vụ.

Có thể nói, trong thời gian qua, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành chức năng đã và đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp có liên quan đến ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nuớc để ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam phát triển bền vững.

Vấn đề thứ hai

Tổng nhu cầu tiêu thụ giấy của nước ta trong năm 2009 khoảng 2,2 triệu tấn; trong đó sản xuất trong nước khoảng 1,2 triệu tấn, còn lại là nhập khẩu khoảng 950 ngàn đến 1 triệu tấn. Do tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới tác động tới kinh tế nước ta nên tình hình sản xuất công nghiệp nói chung và ngành giấy nói riêng gặp khó khăn. Sản lượng giấy toàn ngành 7 tháng đầu năm 2009 mới đạt 965 nghìn tấn các loại, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm trước và lượng giấy nhập khẩu 7 tháng là 547 nghìn tấn (trị giá khoảng 399 triệu USD) bằng 95.1% về lượng và 86,6% về trị giá so với cùng kỳ 2008. Bắt đầu từ tháng 7 mức tiêu thụ giấy đã tăng đáng kể, nhất là sản phẩm giấy viết, đạt 90% kế hoạch tiêu thụ, làm cho lượng giấy tồn kho đầu năm 2009 từ 70 nghìn tấn đã giảm còn khoảng 40 nghìn tấn.

Là một ngành sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, quy mô còn nhỏ, trong bối cảnh các nước có công nghiệp giấy phát triển đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sang các nước, nên để ổn định sản xuất cho ngành, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều biện pháp hỗ trợ như :

- Về thuế suất thuế nhập khẩu giấy: Từ năm 2008, trước tình hình giá giấy thế giới tăng cao, thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, Bộ Tài chính đã công bố giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng giấy tại các Quyết định số 71/2008/QĐ-BTC và Quyết định số 73/2008/QĐ-BTC.

Ngày 30 tháng 12 năm 2008, trước nguy cơ tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho tăng lại thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng giấy in báo, in viết và sách từ 20% và 25% lên 29% theo cam kết WTO và tăng thuế CEPT từ 3% lên 5% cho giấy in báo và từ 0% lên 5% cho giấy in viết. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 28/2009/TT-BTC ngày 10 tháng 2 năm 2009 điều chỉnh thuế suất thuế MFN theo kiến nghị của Bộ Công Thương.

- Về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng giấy: Ngày 16 tháng 4 năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2009/QĐ-TTg giảm thuế VAT của giấy từ 10% xuống 5% thực hiện từ 1/5 - 31/12/2009.

Nhìn chung, các biện pháp hỗ trợ và điều chỉnh thuế suất kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ngành thời gian qua đã mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trong nước với hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp sản xuất giấy cần tiếp tục cơ cấu lại sản phẩm, tăng cường các biện pháp tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh đầu tư vùng nguyên liệu trong nước, tận dụng nguồn phế liệu giấy...



25. Cử tri thành phố Cần Thơ, Kiên Giang kiến nghị:

Công tác xuất, nhập khẩu cũng như việc xác định số lượng, chất lượng gạo cần xuất khẩu phải do Bộ Công Thương đảm nhiệm và quyết định. Cơ chế và sự điều hành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam với các doanh nghiệp ở địa phương cần thống nhất về biện pháp thực hiện công tác xuất khẩu gạo. Vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ yếu là cùng các Bộ, ngành, Chính quyền các địa phương cân đối lương thực quốc gia, chỉ đạo tốt việc tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm người sản xuất có lãi, không can thiệp vào từng hợp đồng của doanh nghiệp.

Trả lời: (tại Công văn số 8196, 8202/BCT-KH ngày 20/8/2009)

Tại văn bản số 215/TTg-KTTH ngày 10 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành xuất khẩu gạo năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam để triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, chủ trì cùng các cơ quan hữu quan và Tổ Công tác điều hành xuất khẩu gạo theo dõi tình hình kinh doanh, thị trường lúa gạo trong và ngoài nước; giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam vai trò điều phối trong hoạt động xuất khẩu gạo, bao gồm tăng cường công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu, hướng dẫn khung giá và tổ chức đăng ký các hợp đồng xuất khẩu linh hoạt đối với các hợp đồng thương mại.

Việc phân công trách nhiệm như trên được thực hiện theo nguyên tắc tăng cường quản lý nhà nước thông qua hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế định hướng và giám sát thực hiện; nâng cao và phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng trong hoạt động xuất khẩu, hỗ trợ nâng cao năng lực tự điều hành, điều tiết của các doanh nghiệp thành viên trong các Hiệp hội ngành hàng theo các mục tiêu vĩ mô của Nhà nước đề ra, để đảm bảo lợi ích của các thành viên và lợi ích cộng đồng.

Để các mục tiêu của công tác điều hành xuất khẩu gạo được đảm bảo hài hòa, theo Bộ Công Thương, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các Bộ, ngành hữu quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Lương thực Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động cụ thể. Đồng thời, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, là đơn vị được phân giao điều phối hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp cần hoàn thiện các quy chế, quy trình tác nghiệp, tăng cường tham vấn với các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình điều tiết, điều phối xuất khẩu gạo, đặc biệt trước khi ban hành các quyết định có thể tác động ảnh hưởng tới các nhóm lợi ích, dễ gây ý kiến trái chiều.

Về phía Bộ Công Thương đang tích cực triển khai xây dựng Dự thảo Nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu gạo, tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương, thể chế hóa các thực tiễn điều tiết, điều phối hoạt động xuất khẩu gạo theo hướng đảm bảo tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu lúa gạo

Với những nỗ lực này, Bộ Công Thương mong muốn đem lại hiệu quả cao hơn cho công tác xuất khẩu gạo, góp phần đảm bảo các mục tiêu của công tác điều hành xuất khẩu gạo được thực hiện bền vững và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người nông dân, các doanh nghiệp cũng như cử tri cả nước.



26. Cử tri tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Long kiến nghị:

Đề nghị nhập khẩu các loại hàng hoá trong nước thiếu hoặc không có, các loại hàng hoá trong nước đã có nên hạn chế việc nhập khẩu sẽ dẫn đến cạnh tranh giá (đẩy giá các mặt hàng sản xuất trong nước xuống thấp)

Trả lời: (tại Công văn số 8195, 8197/BCT-KH ngày 20/8/2009)

Trong những năm vừa qua, chính sách, cơ chế điều hành hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu được duy trì theo hướng khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sản xuất, xuất khẩu, điều tiết, kiểm soát nhập khẩu nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, kiềm chế nhập siêu, tiết kiệm tiêu dùng…Chủ trương này được triển khai thông qua các chính sách đầu tư, tài chính, tín dụng... tổng thể, đồng bộ và phù hợp với các nguyên tắc hội nhập khu vực, cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Theo đó, việc cản trở tự do hóa, hạn chế thương mại quốc tế, phân biệt đối xử (ví dụ cấm nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu, đưa ra các yêu cầu khác nhau về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước v.v …) đều bị coi là vi phạm nguyên tắc hội nhập, sẽ gặp phải sự phản ứng hoặc động thái đối xử tương tự của các quốc gia có quyền lợi liên quan (các nước nhập khẩu hàng hóa của nước ta hoặc xuất khẩu hàng hóa vào nước ta). Việc bảo hộ sản xuất trong nước, vì vậy, được thực hiện chủ yếu thông qua biện pháp thuế quan: các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, được duy trì thuế suất thuế nhập khẩu ở mức khá cao, việc giảm thuế được thực hiện phù hợp với lộ trình và mức thuế trần đã cam kết …

Do đó, để duy trì, ổn định và phát triển bền vững, các doanh nghiệp trong nước cần nghiên cứu thị trường để đầu tư, phát triển những ngành sản xuất thực sự có thế mạnh, có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu bằng chất lượng và giá thành. Trong điều kiện hiện nay, ngoài chiến lược phát triển sản xuất hiệu quả, chính sách quản lý phù hợp của Nhà nước, nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp thì việc nâng cao ý thức tiết kiệm, bài trừ tư tưởng, thói quen “sính ngoại” v.v… của người tiêu dùng cũng là những biện pháp thiết thực để phát triển sản xuất trong nước.

27. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị:

Cử tri phản ánh, các chợ của miền núi đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc chưa được xây dựng còn dùng các nhà tạm, lều quán; đề nghị Bộ nghiên cứu có Chương trình đầu tư xây dựng chợ văn hoá miền núi cho bà con các dân tộc vùng cao giao lưu buôn bán tiêu thụ sản phẩm và giao lưu văn hoá.

Trả lời: (tại Công văn số 8406/BCT-KH ngày 26/8/2009)

1. Về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước:

Trong những năm qua, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt là đầu tư phát triển mạng lưới chợ trên toàn quốc đã được Đảng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo thông qua các chủ trương, chính sách quan trọng như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; Nghị định số 02/2003/ NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Quyết định số 559/2004/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển chợ đến năm 2010.

Riêng về hỗ trợ đầu tư hạ tầng chợ nói chung và chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa nói riêng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương tiếp tục cân đối, bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng thương mại từ ngân sách Trung ương năm 2008 và những năm tiếp theo để tạo điều kiện phát triển ngành thương mại đủ khả năng hội nhập kinh tế quốc tế (công văn số 6515/VPCP-KTTH ngày 12 tháng 11 năm 2007).

2. Về đầu tư phát triển chợ:

Từ khi có Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý chợ của các địa phương đã đạt được những thành tích đáng kể. Giai đoạn 2003-2007, ngân sách trung ương đã hỗ trợ 319,3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng chợ ở 45 tỉnh. Đến nay, cả nước đã xây mới 1.449 chợ, cải tạo nâng cấp được 1.874 chợ. Trong đó khoảng 97% số chợ đưa vào sử dụng đạt hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, cung ứng vật tư cho sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tính chung trên các địa bàn, tỷ trọng hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm trên 40%.

Có được kết quả trên, bên cạnh việc huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tại địa phương, đã có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước (bao gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương). Tuy nhiên, số chợ kiên cố và bán kiên cố chủ yếu tập trung ở địa bàn thành thị. Cả nước hiện còn khoảng 36,1% số chợ trong tình trạng lều lán, thậm chí có nơi đến 21% số chợ còn họp ngoài trời.

Nhìn chung từ năm 2003, việc đầu tư hỗ trợ hạ tầng chợ hàng năm đã được chú ý, bước đầu cải thiện được một phần kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực trong lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, do nhu cầu lớn nhưng nguồn ngân sách hạn hẹp, nhằm giảm bớt các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, đồng thời tăng cường phân cấp cho các địa phương theo chủ trương chung về cải cách hành chính, tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc lựa chọn dự án và bố trí vốn đầu tư, vừa phù hợp với thực tế, vừa đạt hiệu quả cao hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ: bắt đầu từ năm 2008, việc đầu tư hạ tầng chợ sẽ do các tỉnh bố trí trên cơ sở nguồn vốn thuộc cân đối ngân sách địa phương (công văn số 9053/BKH-TM&DV ngày 10 tháng 12 năm 2007), không bố trí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương như trước đây nữa; Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 07 tháng 10 năm 2008 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 08 tháng 10 năm 2008 về tình hình đầu tư phát triển năm 2008 và kế hoạch đầu tư phát triển năm 2009, các mục hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ cũng không được ghi vào.

Việc ngừng nguồn vốn trực tiếp hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng chợ đã làm nhiều tỉnh, nhất là tỉnh nghèo, nguồn ngân sách còn eo hẹp, thu không đủ chi, nhiều việc cấp bách, bức xúc cần ưu tiên giải quyết, gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư để phát triển hệ thống chợ trên địa bàn. Nhiều tỉnh đã kiến nghị với các Bộ, ngành trung ương nên duy trì nguồn kinh phí riêng để hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ như trước năm 2008.

Trước yêu cầu thiết thực của các tỉnh, nhất là các tỉnh khó khăn, Bộ Công Thương đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tính toán và cân đối nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, cố gắng dành cho năm 2009 một khoản để hỗ trợ phát triển riêng với các chợ nông thôn, miền núi, nơi kinh tế còn khó khăn. Trước hết, ưu tiên các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ như Nghị quyết số 26-NQ-TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã nêu: “Tập trung nguồn lực và tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ chiến lược về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt quan tâm tới miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, các hải đảo, vùng bãi ngang. Nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số”. Đây là những chợ phục vụ thiết thực đời sống hàng ngày của nhân dân, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa và góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của những tỉnh còn nghèo (công văn số 9963/ BCT-TTTN ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Bộ Công Thương).

Đồng ý với kiến nghị trên của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tính toán, cân đối nguồn vốn từ ngân sách Trung ương năm 2009 để hỗ trợ phát triển chợ nông thôn, miền núi của các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn. Trước mắt, ưu tiên đối với các tỉnh khu vực phía Bắc, Tây nguyên và Tây Nam Bộ theo đúng Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2006 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân (công văn số 6886/VPCP-KTHT ngày 15 tháng 10 năm 2008).

Ngày 20 tháng 11 năm 2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục có ý kiến chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thực hiện việc hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chợ (công văn số 7997/VPCP-KTTH).

Tuy nhiên, đến nay Bộ Công Thương chưa nhận được thông tin gì về việc phối hợp thực thi nhiệm vụ nêu trên.

3. Về đầu tư phát triển chợ ở tỉnh Lào Cai:

Hiện nay, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2006-2010 xét đến 2020 theo Quyết định số 1843/QĐ-UBND ngày 3 tháng 8 năm 2007.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, trên địa bàn tỉnh có 71 chợ. Trong đó có 12 chợ ở địa bàn thành thị, 59 chợ ở địa bàn nông thôn; không có chợ loại I, 11 chợ loại II, còn lại là chợ loại III; năm 2008 cải tạo, nâng cấp được 2 chợ loại II và 8 chợ loại III; số chợ hoạt động không hiệu quả là 15 chợ bằng khoảng 21,13% tổng số chợ hiện có.

Căn cứ Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc, tỉnh Lào Cai dự kiến trong giai đoạn 2007-2010 sẽ được bố trí vốn từ ngân sách Trung ương để phát triển chợ trên địa bàn tỉnh là 122,6 tỷ đồng. Trong đó, chợ biên giới, cửa khẩu và chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu là 87,6 tỷ đồng; chợ đầu mối nông sản là 30 tỷ đồng; chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ loại 1 là 15 tỷ đồng.

Cho đến nay, Lào Cai mới có 01 chợ (chợ Bắc Hà, huyện Bắc Hà) đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng số vốn được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2005-2008 là 5,04 tỷ đồng. Năm 2008, Lào Cai có tổng số vốn đầu tư cho chợ là 14,815 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách Trung ương là 8.308,3 triệu đồng, bằng khoảng 6,77% trên tổng số 122,6 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương dự kiến cho giai đoạn 2007-2010, từ ngân sách địa phương 3,417 tỷ đồng, còn lại trên 3 tỷ đồng từ doanh nghiệp và hộ kinh doanh đóng góp. Riêng năm 2009 và năm 2010, Bộ Kế hoạch và đầu tư chưa thông báo kế hoạch bố trí vốn.

Về chợ biên giới, cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay có 32 chợ, trong đó 12 chợ được nâng cấp, mở rộng (09 chợ xây dựng bán kiên cố, 02 chợ là lán tạm và chỉ có duy nhất 01 chợ được xây dựng kiên cố).

Như vậy có thể thấy, việc xây dựng phát triển chợ biên giới, cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu nói riêng và hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung vẫn chưa được đầu tư đúng mức về quy mô và diện tích cũng như để đáp ứng trình độ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Việc xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ là chủ trương đúng của Chính phủ nhưng việc thực hiện còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương. Đối với các địa bàn có điều kiện khó khăn và đặc biệt khó khăn không có khả năng xã hội hóa đầu tư thì việc hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước là rất cần thiết. Do vậy, Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP trình Chính phủ phê duyệt, trong đó liên quan tới việc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ (bao gồm vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn viện trợ không hoàn lại) qui định như sau:

- Về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chợ: đối với chợ đầu mối chuyên doanh hoặc chợ tổng hợp bán buôn hàng nông sản, thực phẩm để tiêu thụ hàng hóa ở các vùng sản xuất tập trung về nông sản, lâm sản, thủy sản, mức hỗ trợ không quá 30% tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chợ; chợ trung tâm các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, mức hỗ trợ không quá 80% tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chợ; chợ trung tâm các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ là 100% tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của chợ.

- Về hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ: đối với chợ dân sinh xã, chợ biên giới thuộc địa bàn của các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, mức hỗ trợ không qúa 80% tổng số vốn đầu tư xây dựng chợ; đối với các chợ dân sinh xã, chợ biên giới của các huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ là 100% tổng số vốn đầu tư xây dựng chợ.

- Hỗ trợ ưu tiên theo thứ tự: chợ loại III, chợ tạm hoặc chợ có cơ sở vật chất-kỹ thuật xuống cấp nghiêm trọng nhưng đang hoạt động có hiệu quả; chợ xây mới tại những nơi có nhu cầu cấp thiết để phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân và phục vụ sản xuất hướng tới xuất khẩu.

Đối với phát triển chợ của Lào Cai:

- Chú trọng phát triển các loại hình chợ, đặc biệt là chợ đầu mối bán buôn hàng nông sản. Mặc dù quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ và quy mô tiêu dùng tập trung còn chưa cao, nhưng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội khá nhanh, việc quan tâm phát triển các chợ đầu mối nông sản trong giai đoạn hiện nay là phù hợp và đúng với xu thế phát triển các loại hình thương mại hiện đại đang được quan tâm hiện nay.

- Từng bước chuyển hoá chợ ở khu vực đô thị thành các loại hình thương mại tiên tiến hơn như các khu trung tâm thương mại, các trung tâm mua sắm (Shopping center), các siêu thị tổng hợp và chuyên doanh, cửa hàng bách hoá tổng hợp (Department store), các đường phố thương mại kết hợp truyền thống với hiện đại, cửa hàng tiện lợi,...

Đồng thời chú trọng củng cố và phát triển mạng lưới chợ ở nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ dân sinh phù hợp với khả năng sản xuất và tiêu dùng.

- Cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hoá trong đầu tư xây dựng và quản lý chợ, trên cơ sở Nhà nước đầu tư trước và thu hút người dân cùng làm. Nguồn vốn đầu tư bao gồm: vốn của doanh nghiệp, cá nhân - nguồn vốn cơ bản; vốn vay tín dụng - nguồn vốn quan trọng và vốn đầu tư phát triển của Nhà nước - nguồn vốn "mồi".

- Do kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ mỗi năm từ Trung ương có hạn, lại được bố trí từ rất nhiều nguồn khác nhau, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai nên giao Sở Công Thương làm đầu mối quản lý và tổ chức thực hiện.

Việc đầu tư xây dựng nâng cấp các chợ trung tâm xã cần cân nhắc ưu tiên các chợ đang hoạt động hiệu quả nhưng vẫn đang là chợ tạm, cơ sở vật chất quá yếu kém. Bên cạnh đó, cần khắc phục nhanh tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, kém chất lượng.

- Cần chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ quản lý chợ, phát triển lực lượng này thông qua tăng cường đào tạo, phổ biến kiến thức và kỹ năng kinh doanh chợ, kiến thức về pháp luật...


Каталог: UserControls -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
files -> II. Các kiến nghị về chính sách đối với giáo viên
files -> BÁo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học
files -> ĐỀ ÁN ĐỔi mới cơ chế TÀi chính giáo dục giai đOẠN 2009-2014

tải về 3.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   21   22   23   24   25   26   27   28   ...   43




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương