UỶ ban thưỜng vụ quốc hội ban dân nguyện kỳ HỌp thứ SÁU quốc hội khoá XII



tải về 3.4 Mb.
trang22/43
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích3.4 Mb.
#1536
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   43

17. Cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị:

Hiện nay Quốc lộ 54 đoạn đường đi qua tỉnh Vĩnh Long xuống cấp, hư nặng gây ra nhiều tai nạn giao thông. Đề nghị Bộ GTVT sớm mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 54.

Trả lời: (tại Công văn số 6215/BGTVT-KHĐT)

Dự án cải tạo nâng cấp QL54 từ Km32+00 - Km85+00 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đi qua hai huyện Bình Tân, Bình Minh đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 227/QĐ-BGTVT ngày 25/01/1999 với quy mô IV đồng bằng và giao cho Sở GTVT Vĩnh Long làm chủ đầu tư. Đến nay, phần đường và 8 cầu đã cơ bản hoàn thành, đang làm thủ tục bàn giao và quyết toán; Phần bổ sung gồm 5 cầu (Cái Dầu, Cây Điệp, Vĩnh Xuân, Rạch Chanh, Thông Lưu) và cầu Trà Ôn đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành năm 2010.

Các cầu Công Số 2, Phù Ly, Thuận Thới, Cái Vồn Nhỏ, Thành Lợi trên QL54 sử dụng vốn vay JBIC (thuộc Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia - giai đoạn 1). Cầu Phù Ly đã khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2010; các cầu còn lại đang triển khai thu tục đấu thầu.

Đối với đoạn qua Khu đô thị Bình Minh và Tân Quới, Bộ GTVT đã có văn bản số 5073/BGTVT-KHĐT ngày 24/8/2006 chấp nhận điều chỉnh dự án Cải tạo nâng cấp QL54 đoạn qua tỉnh Vĩnh Long với nội dung: Điều chỉnh mở rộng đoạn qua đô thị Bình Minh và Tân Quới theo quy mô phù hợp với quy hoạch của tỉnh Vĩnh Long (Có phân kỳ đầu tư). Hiện nay, Bộ GTVT đang thẩm định hồ sơ điều chỉnh dự án. Sau khi xác định rõ mức vốn, UBND tỉnh Vĩnh Long và Bộ GTVT phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn cho dự án.



18. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị:

Đề nghị đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội-Móng Cái, tuyến đường cao tốc Quảng Ninh-Hải Phòng- Ninh Bình và đầu tư các tuyến đường giao thông ven biển Móng Cái-Hạ Long- Hải Phòng- Ninh Bình để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa và du lịch của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ với Trung Quốc. Tình trạng đường 18 hiện nay đã quá tải do lưu lượng xe ngày càng tăng, đặc biệt là xe container đi lại khó khăn thường xuyên xảy ra tai nạn và ách tắc giao thông, đề nghị đẩy mạnh tiến độ đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên-Hạ Long và cảng biển Hải Hà để việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và đường sắt thay cho đường bộ giảm bớt lưu lượng xe quá tải trên đường 18 như hiện nay.

Trả lời: (tại Công văn số 6010/BGTVT-KHĐT)

- Tuyến đường ô tô cao tốc từ Nội Bài - Móng Cái bao gồm đoạn Nội Bài - Hạ Long và Hạ Long - Móng Cái thuộc hệ thống đường bộ cao tốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1734/QĐ-TTg ngày 1/12/2008. Hiện nay, tuyến Nội Bài - Hạ Long đã được Bộ GTVT phê duyệt đề xuất dự án theo hình thức BOT, Nhà đầu tư đang triển khai lập dự án với quy mô đường cao tốc 4-6 làn xe để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo; tuyến Hạ Long - Móng Cái đã được Bộ GTVT giao Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) lập dự án với quy mô 4-6 làn xe, dự kiến vay vốn ADB thực hiện đầu tư.

- Việc kết nối giao thông giữa 3 tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình được thực hiện thông qua QL10 hiện nay đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách trong khu vực. Tuyến đường cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với quy mô 4 làn xe, chiều dài 160 km, dự kiến đầu tư sau năm 2020 (nếu có nhu cầu sẽ nghiên cứu đầu tư sớm hơn).

- Về tuyến đường giao thông ven biển Móng Cái - Hạ Long - Ninh Bình đã được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch chi tiết cho tuyến đường bộ ven biển, đang trình Chính phủ xem xét. Sau khi quy hoạch đã được phê duyệt, sẽ giao cho tỉnh chủ trì triển khai đầu tư dự án phù hợp với nhu cầu và nguồn vốn có thể huy động.

- Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang được Bộ GTVT triển khai thực hiện đầu tư, TMĐT là :7639 tỷ đồng, tuy nhiên tiến độ thi công rất chậm do công tác GPMB rất khó khăn nên đề nghị tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ GPMB để có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công.

- Cảng biển Hải Hà là cảng biển chuyên dung phục vụ khu công nghiệp, do doanh nghiệp đầu tư nên đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, đôn đốc quá trình thực hiện đầu tư cảng Hải Hà.

Đồng thời để đáp ứng nhu cầu lưu lượng giao thông tăng trên QL18, Bộ GTVT đã triển khai đầu tư xây dựng QL18 đoạn Mông Dương - Móng Cái theo quy mô đường cấp III, tổng mức đầu tư 1294 tỷ đồng, khởi công tháng 10/2008, hoàn thành năm 2011; đoạn Cửa Ông - Mông Dương, quy mô đường cấp III, TMĐT 231 tỷ đồng, dự kiến khởi công tháng 9/2009, hoàn thành năm 2011.

19. Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị:

a) Đề nghị nghiên cứu hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp đường ĐT610B (Gò Nổi - Điện Bàn); có giải pháp xử lý đường chui qua đường sắt tại xã Điện Quang (Điện Bàn) thường bị ngập nước, ách tắc giao thông khi có lũ lụt.

b) Đề nghị Bộ khi xem xét thông qua việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng- Dung Quất, cần nghiên cứu sâu hơn đến yếu tố dòng chảy vào mùa lũ, tránh tình trạng gây ngập úng vùng Trung, Thượng lưu.

c) Đường ô tô đến trung tâm xã miền núi đang được đầu tư xây dựng nhưng theo thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật không bảo đảm, mặt đường không được cứng hóa bằng bê tông, hệ thống nước bất cập … dễ hư hỏng, sạt lở trong mùa mưa, không bảo đảm giao thông thông suốt bốn mùa. Đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để việc bố trí đầu tư xây dựng hợp lý.

Trả lời:

a) Về cải tạo, nâng cấp đường ĐT610B (Tại Công văn số 6262/BGTVT- KHĐT)

Bộ GTVT thống nhất ý kiến với cử tri tỉnh Quảng Ninh về việc cần phải có giải pháp xử lý đường ĐT610B đoạn chui qua đường sắt tại xã Điện Quang huyện Điện Bàn. Tuy nhiên đây là tuyến đường do địa phương quản lý và đầu tư nên Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét chỉ đạo chủ đầu tư nghiên cứu giải pháp thiết kế hợp lý tránh được ách tắc giao thông như kiến nghị của cử tri.

Về hỗ trợ vốn đầu tư: đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

b) Về xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã (tại Công văn số 6040/BGTVT-KHCN và 6262/BGTVT-KHĐT)

1. Theo Nghị định số 186/2004/CP ngay 05/11/2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng và Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thì thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng công trình, quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường địa phương (trong đó có đường giao thông nông thôn) do các đia phương chịu trách nhiệm thực hiện.

2. Về phía Bộ GTVT có trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật (trong đó có tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn ) để các địa phương căn cứ để triển khai thực hiện tại các tuyến đường do mình quản lý.

Bộ GTVT đã xây dựng và thông qua Bộ KHCN để ban hành tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 4054 : 2005 Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế. Ngoài ra, trước khi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được ban hành, Bộ GTVT đã ban hành một số tiêu chuẩn có liên quan đến đường giao thông nông thôn:

- Tiêu chuẩn nganh 22 TCN 210-92: Đường giao thông nông thôn - Tiêu chuẩn thiết kế;

- Tiêu chuẩn ngành 22TCN 270-2001: Tiêu chuẩn kỹ thuật thi công và nghiệm thu mặt đường đá dăm thấm nhập nhựa;

- Tiêu chuẩn ngành 22TCN 271-2001: Tiêu chuẩn kỹ thuật thi công và nghiệm thu mặt đường láng nhựa;

- Tiêu chuẩn ngành 22TCN 223-95: Áo đường cứng ô tô - Tiêu chuẩn thiết kế;

- Tiêu chuẩn ngành 22TCN 211-06: Áo đường mềm - các yêu cầu và chỉ dẫn thiết kế.

Và còn nhiều tiêu chuẩn ngành có liên quan khác.

Đường giao thông nông thôn ở Việt Nam hiện nay được sử dụng rất nhiều loại mặt đường khác như đường đá dăm láng nhựa, mặt đường bê tông xi măng, mặt đường đất gia công xi măng hoặc vôi, mặt đường đá dăm nước, mặt đường gạch, đá lát….

3. Tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn 22TCN 210-92 có quy định:

- Tại điều 1.3: Đường nối từ huyện tới xã và liên xã là những đường có xe cơ giới qua lại thường xuyên hoặc có tầm quan trọng đối với huyện, xã đòi hỏi có chất lượng cao nên khi thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với đường cấp VI trong TCVN 4054 : 85 (nay là TCVN 4054: 2005) do nhà nước quản lý (Bộ GTVT và Sở Giao thông). Khuyến khích các địa phương khi có điều kiện đầu tư thì nên làm đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao.

4. Về nội dung kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT có ý kiến như sau:

Kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng hoặc rải nhựa chỉ là một bộ phận của tuyến đường, việc thiết kế hệ thống thoát nước, xử lý ổn định mái ta luy dương và âm và các công trình kỹ thuật trên tuyến không phụ thuộc vào kết cấu mặt đường. Do vậy, nếu áp dụng tiêu chuẩn thiết kế phù hợp, thi công đảm bao theo các yêu cầu kỹ thuật và các công tác bảo trì phù hợp thì không chỉ có mặt đường bê tông xi măng mà các loại mặt đường khác như mặt đường nhựa, mặt đường gia cố chất vô cơ…cũng sẽ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho giao thông thông suốt bốn mùa, để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bộ GTVT cũng thống nhất ý kiến của cử tri tỉnh Quảng Nam về việc cần có thiết kế hợp lý đối với đường ô tô đến trung tâm xã miền núi để công trình bền vững, thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân trong suốt bốn mùa. Những tuyến đường này do địa phương quản lý và đầu tư nên đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan ở địa phương trong việc khảo sát, thiết kế sao cho phù hợp, đảm bảo khai thác công trình có hiệu quả đáp ứng việc đi lại của nhân dân.



20. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị:

Hiện nay, hầm chui dân sinh qua đường 1A mới (đoạn qua xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm) có kích thước nhỏ hơn so với đường trục chính, tạo thành nút thắt làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Đề nghị chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục (cử tri huyện Gia Lâm).

Trả lời: (Tại Công văn số 6007/BGTVT-CĐBVN )

Quốc lộ 1 (QL.1 mới ) đoạn từ Km152 - Km160+772 (qua địa bàn huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) có 9 vị trí đường dân sinh cắt ngang, tại các vị trí này bố trí xây dựng cống hộp hình chữ nhật, kết cấu BTCT, cụ thể:

Tại các vị trí đường ra đồng, hoặc đường làng có: 06 vị trí xây dựng công chui với bề rộng từ 3m-3,5m chiều cao từ 2,5m-3m.

Tại các vị trí đường xã hoặc liên xã: 03 vị trí xây dựng cống chui với bề rộng từ 4m-6,4m chiều cao 4m-4,5m.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy:

Cống chui dân sinh ở Km155+296,5 có kích thước (BxH) =4m x 4m phục vụ cho đường liên xã Phù Đổng - Ninh Hiệp - Trung Mầu, đường này trước đây có bề rộng mặt đường Bm = 3m-3,5m kết cấu đá dăm nhựa. Hiện nay địa phương đang triển khai thi công nâng cấp tuyến đường này với quy mô mặt đường 7m.

Công chui dân sinh tại Km155+830 có kích thước (BxH) = 6,4m x 4,5m phục vụ cho đường liên xã Phù Đổng - Dương Hà - Trung Mầu, đường liên xã này có bề rộng mặt đường Bm = 3,5m-5m, kết cấu bê tông nhựa, hiện nay việc đi lại qua công chui này vẫn diễn ra bình thường.

Cống chui dân sinh Km156+530 có kích thước (BxH) = 6m x 4,5m phục vụ cho đường vào xã, có bề rộng mặt đường 3,5m - 5m, kết cấu đá dăm nhựa, hiệm nay việc đi lại qua cống chui này vẫn diễn ra bình thường.

Như vậy, kiến nghị của cử tri huyện Gia Lâm về việc công chui dân sinh qua QL.1 “có kích thước nhỏ hơn đường trục chính tạo thành nút thắt làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân” là đề cập đến công chui dân sinh tại Km155+296,5 mà đường bị thắt hẹp bắt nguồn từ việc địa phương mở rộng mặt đường liên xã.

Các công chui dân sinh nêu trên đã được xây dựng và khai thác gần 10 năm, từ trước đến nay vẫn phù hợp với kích thước đường liên xã cũ, và tổ chức giao thông vẫn bình thường, không ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nay do địa phương mở rộng đường liên xã dẫn đến bề rộng cống chui nhỏ hơn bề rộng đường mới sau cải tạo. Khi lập dự án mở rộng đường liên xã của huyện Gia Lâm liên quan đến cống chui qua QL.1, chủ đầu tư không tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý như Bộ GTVT, Cục ĐBVN, Khu quản lý đường bộ II (cơ quan quản lý trực tiếp quản lý tuyến QL.1 này), để thống nhất các vấn đề liên quan, đặc biệt là các cống chui dân sinh qua QL.1.

Vì vậy, để giải quyết các bất cập nêu trên đề nghị chính quyền địa phương cho cắm biển báo số 203a “đường bị hẹp”, biển báo số 117 “hạn chế chiều cao” trên đường liên xã cả hai bên trước khi vào cống chui; mặt khác cần có phương án phân luồng giao thông tại khu vực cống chui dân sinh cho phù hợp.

21. Cử tri tỉnh Bắc Ninh kiến nghị:

Đề nghị kiểm tra giám sát thường xuyên việc chấp hành quy chế đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe. Hiện nay nhiều cơ sở đào tạo lái xe không chấp hành đúng quy chuẩn đào tạo nghề như không có bãi tập xe cố định thường xuyên thay đổi bãi tập do tận dụng khu đất trống, phương tiện, thời gian tập không bảo đảm, có học viên chỉ có mặt tại buổi sát hạch vẫn được cấp bằng…

Trả lời:

Đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát thực hiện. Hàng năm, có xây dựng các kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo sát hạch trên toàn quốc. Qua công tác kiểm tra, những sai phạm về công tác đào tạo sát hạch lái xe đã được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đào tạo, sát hạch luôn được quan tâm và từng bước hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới. Thực hiện Luật giao thông đường bộ năm 2008, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 07/2009/TT-BGTVT ngày 19 tháng 6 năm 2009 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thay thế cho Quyết định số 54/2007/QĐ-BGTVT, Quyết định số 55/2007/QĐ-BGTVT và Quyết định số 56/2007/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2007. Theo đó, những vấn đề bất cập, vướng mắc trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe đã được cụ thể, rõ ràng và minh bạch hơn.

Trong 06 tháng đầu năm 2009, Bộ GTVT đã tiến hành kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại 11 Sở GTVT và đã kiểm tra một số cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe. Qua kiểm tra, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe có những tồn tại, thiếu sót khẩn trương khắc phục để đảm bảo chất lượng đào tạo theo lưu lượng của giấy phép đào tạo lái xe đã được cấp. Bộ GTVT đã giao cho Cục ĐBVN có văn bản đình chỉ tuyển sinh đào tạo ô tô đối với trường Trung cấp nghê GTVT Thanh Hóa trong thời gian 3 tháng để củng cố công tác tuyển sinh, bố trí kế hoạch giảng day cho đội ngũ giáo viên, đăng kiểm phương tiện xe tập lái, xe dùng để sát hạch và xin giấy phép xe tập lái cho các xe tập lái. Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo cho Sở GTVT tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với các cơ sở đào tạo lái xe để đảm bảo chất lượng đào tạo, quản lý về lưu lượng đào tạo, giáo viên giảng dạy,xe tập lái phục vụ dạy thực hành, tiêu chuẩn học viên dự sát hạch cấp giấy phép lái xe. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý của Bộ và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Về việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ở tỉnh Bắc Ninh, Bộ GTVT đac chỉ đạo Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh trong việc chấp hành các quy định về đào tạo và sát hạch xe cơ giới. Qua kết quả kiểm tra, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 cơ sở đào tạo lái xe đều đã được cấp phép hoạt động. Trong 6 cơ sở đào tạo có 1 cơ sỏ sẽ phải dừng đào tạo (Trường trung cấp nghề số 1 Bộ Quốc Phòng) do bị Quân khu I thu hồi nhà xưởng, sân bãi; còn 5 cơ sở đào tạo khác đang hoạt động bình thường và đảm bảo các quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

Việc một số giao viên giảng dạy không đúng nơi quy định, tận dụng khu đất trống để giảng day, Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời, yêu cầu các cơ sở đào tạo phải quản lý chặt chẽ đội ngũ giáo viên dạy thực hành và xe dạy lái; tuyệt đối không để tình trạng xe tập lái hoạt động không đúng nơi quy định.

Ý kiến cử tri phản ánh có hiện tượng học viên chỉ có mặt dự sát hạch vẫn được cấp bằng, Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh đã tiếp thu ý kiến, đồng thời chỉ đạo kiểm tra hồ sơ một số trường hợp không theo học đầy đủ thời gian, hồ sơ dự sát hạch không hợp lệ, Sở GTVT đã xử lý 12 trường hợp xóa tên và chỉ đạo cơ sở đào tạo kiểm tra xử lý cán bộ theo dõi có liên quan.



22. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị:

Đề nghị triển khai thực hiện đúng tiến độ các công trình giao thông trọng điểm như Quốc lộ 3 mới, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ và các tuyến đường sắt đường bộ đã nêu trong Nghị quyết trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để Thái Nguyên có điều kiện thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội.

Trả lời: ( Tại Công văn số 6009/BGTVT-KHĐT)

Những năm qua, Bộ GTVT đã quan tâm và ưu tiên đầu tư hoàn thành một số dự án nhằm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và kinh tế xã hội cho tỉnh Thái Nguyên như: Quốc lộ 1B, dài 45km, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi; Quốc lộ 37 đoạn Cầu Ca - Phố Hương; dài 23km, tiêu chuẩn đường cấp IV; tuyến tránh TP Thái Nguyên, dài 14km, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng; dự án nâng cấp tỉnh lộ ADB và dự án giao thông nông thôn WB3 với chiều dài khoảng 60km.

Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục triển khai đầu tư một số dự án đường bộ nhằm đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hàng khách đối ngoại và tạo điều kiện thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên. Tình hình triển khai cụ thể như sau:

- Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đã được Bộ GTVT phê duyệt dự án, quy mô cao tốc 4-6 làn xe, chiều dài 61,3 km, TMĐT 8104 tỷ đồng. Dự kiến khởi công dự án vào tháng 9/2009, hoàn thành 2013 (công trình bị chậm so với dự kiến do đấu thầu không thành công và GPMB chậm).

- Quốc lộ 3 cũ đoạn qua địa phận Thái Nguyên đã được Bộ GTVT giao cho Sở GTVT Thái Nguyên triển khai lập dự án cải tạo nâng cấp theo quy mô đường cấp III, kinh phí 900 tỷ đồng, dự kiến phê duyệt dự án quí IV/2009.

Về đường sắt, trên địa phận tỉnh Thái Nguyên có tuyến Đông Anh - Thái Nguyên, dài 75km, các năm qua, Bộ GTVT đã đầu tư cho công tác duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn chạy tầu. Ngoài ra, các tuyến Lưu Xá - Kép, Thái Nguyên - Tuyên Quang - Yên Bái đã được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch tổng thể ngành đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để nghiên cứu đầu tư vào thời điểm thích hợp.



23. Cử tri thành phố Cần Thơ kiến nghị:

Khi làm đường giao thông ở các đô thị, đề nghị không nên sử dụng cống tròn như từ trước đến nay mà nên thiết kế cống vuông, bởi loại cống này ngoài chức năng thoát nước còn có tác dụng phục vụ rất tốt trong lĩnh vực quốc phòng an ninh trong trường hợp đất nước có chiến tranh. Toàn bộ hệ thống dây điện, cáp quang.. cũng nên “ngầm hóa”, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.

Trả lời: (Tại Công văn số 6119/BGTVT-KHCN)

1. Qua các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên thực tế do công nghệ chế tạo các loại ống tròn đơn giản, sản xuất hàng loạt tại nhà máy và dễ kiểm soát chất lượng hơn, nên giá thành các loại cống thoát nước tiết diện hộp có kích thước < 1,5m thường đắt hơn cống tròn có cùng diện tích thoát nước khoảng 30%-40%, trường hợp kích thước lớn hơn thì giá thành còn có thể cao hơn.

Việc sử dụng cống tròn hay cống vuông (cống hộp) cho công trình giao thông ở các đô thị do đơn vị tư vấn tính toán thiết kế đề xuật cho phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật và yêu cầu thoát nước cụ thể của các dự án.

Đối với những tuyến cống thoát nước có yêu cầu kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng an ninh thì cần có quy định riêng trong nhiệm vụ thiết kế để tư vấn thực hiện.

2. Việc cử tri kiến nghị toàn bộ hệ thống dây điện, cáp quang… cũng nên “ngầm hóa”, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị là cần thiết. Vấn đề nay đang được hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện. Tuy nhiên do cơ sở hạ tầng tại các đô thị ở nước ta hiện nay còn bất cập và kinh phí cho việc “ngầm hóa” lớn, nên cần xin lộ trình để thực hiện.

24. Cử tri các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Long, Nghệ An kiến nghị:

Cần tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông trong các trường học, tăng hình phạt (chế tài) đối với những người có hành vi cố ý vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Đề nghị đẩy nhanh tiến độ, tăng cường công tác kiểm tra về an toàn kỹ thuật đối với công trình giao thông.

Trả lời: (Tại Công văn số 5835/BGTVT-ATGT, 5834/BGTVT-ATGT, 5833/BGTVT-ATGT, 5832/BGTVT-ATGT)

1. Tăng cường các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông:

Năm 2007, để tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn an toàn giao thông, Bộ GTVT với sự phối họp của các Bộ, ngành có liên quan đã tham mưu đề xuất trình Chính phủ thông qua Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông với 8 nhóm giải pháp chính:

Một là: đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của đa số người tham gia giao thông.

Hai là: kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tăng cường và nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật. Coi đây là một biện pháp quan trọng,vừa cưỡng chế thi hành pháp luật, vừa có tính giáo dục răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Ba là: nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung xóa các điểm đen, giải tỏa lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Bốn là: tăng cường quản lý chất lượng an toàn kỹ thuật của phương tiện vận tải như: nâng cao chất lượng công tác kiểm định, kiên quyết loại bỏ xe hết niên hạn sử dụng, xe tự chế…

Năm là: nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe và công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Sáu là: giảm thiếu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra như: bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy từ ngày 15/12/2007; xây dựng các trạm sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông dọc các quốc lộ…

Bẩy là: nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Tám là: phân công trách nhiệm thực hiện các giải pháp cho các Bộ, ngành, địa phương, lộ trình, thời gian thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm chính và phối hợp thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, tổng kết việc thực hiện.

- Nhờ việc thực hiện quyết liệt 8 nhóm giải pháp nêu trên, đặc biệt là việc thực hiện thành công giải pháp bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy; kết hợp với tăng cường cưỡng chế, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT thì tình hình TNGT năm 2008 đã giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí, cụ thể: giảm 1.835 vụ tai nạn giao thông (giảm 12,52%), giảm 1.564 người chết (giảm 11,89%), giảm 2.487 người bị thương (giảm 23,57%) so với năm 2007.

- Bẩy tháng đầu năm 2009, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn ổn định, tai nạn giao thông tiếp tục giảm, cụ thể: xảy ra 7.192 vụ, làm chết 6.729 người, bị thương 4.540 người; so với 7 tháng đầu năm 2008 giảm 302 vụ (-4,03%), giảm 115 người chết (-1,68%), giảm 355 người bị thương (-7,25%).

Kết quả trên cho thấy, các giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông đang thực hiện đã phát huy hiệu quả.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông trong các trường học:

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT cho người tham gia giao thông nói chung và cho học sinh, sinh viên trong các trường học nói riêng luôn được đặc biệt coi trọng vì nguyên nhân chính gây ra trên 80% các vụ TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông còn yếu kém.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy trong các nhà trường từ năm 2002 theo quy định tại điều 6 của Luật giao thông đường bộ 2001 và tiếp đó là các Luật giao thông đường thủy nội địa, Luật đường sắt.

Đến nay, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong trường học không ngừng được đổi mới và phát triển phù hợp với từng ngành học, cấp học; nhận thức về pháp luật an toàn giao thông của học sinh, sinh viên từ cấp tiểu học được không ngừng nâng cao. Hiện nay, Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan đang tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm bảo đảm trực quan, sinh động kết hợp với biên soạn, chỉnh lý giáo trình giảng dạy pháp luật về an toàn giao thông phù hợp với các quy định mới hiện hành và để địa phương vận dụng vào điều kiện đặc thù của từng vùng.

Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong năm 2009 tiếp tục được nâng cao lên mức độ mới là thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông” đang được triển khai thực hiện trên cả nước từ trung tuần tháng 8 năm 2009.

3. Tăng chế tài xử phạt đối với những người có hành vi cố ý vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng:

Thực hiện Luật giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2009; hiện nay, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an, và các Bộ, ngành có liên quan đã dự thảo trình Chính phủ Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; theo đó để tăng cường tính răn đe, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, dự thảo Nghị định mới đã quy định tăng khung tiền phạt với mức tăng từ 50% đến 200% so với quy định hiện hành.

Các biện pháp cưỡng chế khác như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn và vĩnh viễn; tạm giữ phương tiện để ngăn chặn vi phạm hành chính cũng được điều chỉnh áp dụng cho hầu hết các hành vi vi phạm nguy hiểm, có nguy cơ gây TNGT cao và hậu quả nghiêm trọng.

4. Đẩy nhanh tiến độ, tăng cường công tác kiểm tra về an toàn kỹ thuật đối với công trình giao thông:

- Về tiến độ các công trình giao thông đặc biệt là một số công trình trọng điểm vừa qua tiến độ giải ngân có chậm lại như công trình đường Láng - Hòa Lạc; nâng cấp cải tạo Quốc lộ 32, Quốc lộ 51, Cầu Giẽ - Ninh Bình…mà nguyên nhân chủ yếu là do công tác GPMB, tái định cư; ngoài ra còn một số dự án BOT khác đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư tiến độ triển khai còn chậm. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đã chỉ đạo chặt chẽ các chủ đầu tư, phối hợp với chính quyền các địa phương và các nhà thầu để tháo gỡ nên đến nay, tiến độ và chất lượng quyết toán đã được cải thiện, đáp ứng yêu cầu thực tế trong thi công.

- Về tăng cường công tác kiểm tra về an toàn kỹ thuật đối với công trình giao thông: công tác này luôn được quan tâm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy trình, quy phạm, quy chuẩn từ bước lập dự án, thiết kế và thi công xây dựng theo đúng quy định hiện hành. Gần đây, hầu hết các công trình giao thông trước khi đưa vào khai thác, sử dụng đều phải qua khâu thẩm định an toàn giao thông. Bên cạnh đó,nhằm đảm bảo sự giám sát, chỉ đạo sát sao của Chính phủ đối với chất lượng và tiến độ thi công các công trình trọng điểm, thì vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải có Văn phòng thường trực đặt tại Bộ GTVT để thúc đẩy và điều phối công tác này./.


Каталог: UserControls -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập Tự do Hạnh phúc
files -> Phụ lục số 1 danh mục các văn bản hưỚng dẫn thi hành pháp luật về giao thôNG
files -> PHỤ LỤC 1 KẾt quả XỬ LÝ ĐƠN, thư CỦa uỷ ban tư pháp từ sau kỳ HỌp thứ SÁU ĐẾn truớc kỳ HỌp thứ BẢy quốc hội khóa XII
files -> Phần I các bộ, ngàNH, CƠ quan thuộc chính phủ trả LỜi cáC Ý kiếN, kiến nghị CỦa cử tri
files -> II. Các kiến nghị về chính sách đối với giáo viên
files -> BÁo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học
files -> ĐỀ ÁN ĐỔi mới cơ chế TÀi chính giáo dục giai đOẠN 2009-2014

tải về 3.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   43




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương