Tt tin học tự nhiên và CÔng nghệ quốc gia việN ĐỊa chấT


- Đặc điểm các kiểu địa hình nguồn gốc lục địa



tải về 1.68 Mb.
trang23/64
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.68 Mb.
#19840
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   64

3.3 - Đặc điểm các kiểu địa hình nguồn gốc lục địa


Là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển, địa hình trong phạm vi đồng bằng Quảng Ngãi và lân cận khá đa dạng về nguồn gốc cũng như hình thái. Tổng hợp các kết nghiên cứu đã xác định được 37 dạng địa hình có nguồn gốc và tuổi riêng biệt thuộc 5 nhóm nguồn gốc khác nhau.

3.3.1 - Địa hình núi lửa (Nhóm 1)


Nhóm nguồn gốc này chỉ gồm một dạng địa hình là bề mặt bazan sót dạng mặt bàn cao 80 - 200m, tuổi Pliocen - Pleistocen sớm.

Bề mặt được bảo tồn dạng sót với diện tích từ vài trăm m2 đến khoảng 2 km2 trên đỉnh của các núi sót dạng mặt bàn như núi An Điềm, Phô Tinh, Thình Thình, Thiên Ấn và núi Tior. Bề mặt có hình thái tương đối phẳng, được cấu tạo bởi các đá phun trào bazan tuổi Pliocen - Pleistocen sớm. Đá bazan ở đây bị phong hoá laterit mạnh, chính sản phẩm của quá trình này - lớp đá ong với hàm lượng nhôm và sắt cao dày trên 4m phủ kín phần đỉnh đã giúp bảo vệ tính bằng phẳng của bề mặt nguyên sinh khỏi quá trình xói mòn hiện đại. Các đỉnh mặt bàn hơi nghiêng về phía tây phản ánh nguồn cung cấp dung nham nằm ở phía đông của khối bazan Ba Làng An. Do được sót lại sau quá trình pediment hoá hoặc quá trình mài mòn, bề mặt bazan sót dạng mặt bàn thường chuyển tiếp xuống bề mặt thấp hơn bởi sườn đổ lở dốc đứng. Độ cao của các bề mặt bazan và bề mặt đáy dưới chúng giảm dần từ tây sang đông, phù hợp với sự tăng lên của bề dày bazan theo phương này.


3.3.2 - Địa hình do quá trình bóc mòn tổng hợp (Nhóm 2)


Quá trình bóc mòn tổng hợp có quy luật chung là sự giật lùi của sườn và tạo thành ở chân chúng một bề mặt nghiêng thoải tương ứng với mỗi gốc xâm thực cơ sở, sản phẩm của quá trình này là các bề mặt san bằng và bề mặt sườn với các độ cao và độ dốc khác nhau.

a- Nhóm các bề mặt san bằng

Mặc dù địa hình bị phân cắt mạnh, song trong phạm vi vùng núi giáp đồng bằng Quảng Ngãi vẫn tồn tại di tích các bề mặt san bằng thuộc các kiểu pediplen và pediment có tuổi từ Miocen muộn đến Pleistocen . Bề mặt pediplen cao 800 - 1200m có tuổi Miocen muộn, bảo tồn dạng sót trên đỉnh các khối núi Xuân Thu, Chu Lai. Do có lớp vỏ phong hoá ferosialit dày và lượng mưa cao, hoạt động xói mòn, xâm thực xảy ra mạnh theo các đứt gãy kiến tạo trên các bề mặt san bằng đã biến chúng thành địa hình gò đồi thoải. Có thể chọn những mặt bằng đủ điều kiện để xây dựng những khu nghỉ mát cho một khu vực có khí hâụ khô nóng và đang được đô thị hoá cao là Quảng Ngãi.

So với các bề mặt tuổi Miocen, bề mặt san bằng tuổi Pliocen sớm cao 600 - 800m có diện phân bố rộng rãi hơn và các mảnh sót cũng được bảo tồn với diện tích lớn hơn. Ngoài các bề mặt Pediplen tuổi Pliocen sớm tồn tại dạng bậc trên sườn khối núi Chu Lai, tại các khối khác, chúng đều tồn tại dạng bề mặt đỉnh.

Khác với các bề mặt pediplen cổ hơn, pediplen tuổi Pliocen muộn chỉ tồn tại dạng bậc thang trên sườn các khối núi. Hầu hết các bề mặt đều phân bố trên các sườn kéo dài dọc thung lũng lớn như thung lũng sông Trà Bồng, sông Re, sông Vệ với độ cao của bề mặt thay đổi từ 200 - 300m.

Trong giai đoạn Đệ tứ, ứng với mỗi gốc xâm thực cơ sở cũng xảy ra một thời kỳ san bằng địa hình mạnh mẽ, các bề mặt san bằng được thành tạo trong các thời kỳ này thường phân bố dọc các thung lũng sông suối. Do thời gian chưa đủ dài, phần lớn các bề mặt chỉ là các pediment thung lũng, chúng hiện được bảo tồn dạng mảnh sót với độ cao 80 - 120 m, 40 - 60m dọc các thung lũng sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Re, sông Vệ, thung lũng Đèo Xe,...

b- Nhóm các bề mặt sườn


Nằm trong phạm vi của địa khối Kon Tum, vùng núi của khu vực nghiên cứu chịu sự san bằng và đất đá bị phong hoá sâu sắc, đó là quá trình chuẩn bị vật liệu tốt cho hoạt động bóc mòn xảy ra vào đầu các chu kỳ xâm thực mới để tạo nên hàng loạt các sườn dốc có nguồn gốc khác nhau.

Quá trình đổ lở là đặc trưng cho các khu vực địa hình nổi cao được cấu tạo bởi các đá cứng rắn, cấu tạo khối và bị dập vỡ mạnh bởi các khe nứt để tạo các khối đá riêng biệt. Một nhân tố không kém phần quan trọng là sự phân cắt ban đầu của địa hình bởi các máng xâm thực sâu hoặc các khe nứt lớn do đứt gãy. Vùng núi tây Quảng Ngãi là nơi tập trung khá đầy đủ các yếu tố trên và sườn đổ lở cũng là đặc trưng quan trọng của vùng này. Các khối núi có sườn đổ lở phân bố rộng rãi nhất là khối Chu Lai, Đá Lở, Xuân Thu, Núi Cối,…

Sườn bóc mòn tổng hợp được thành tạo do sự giật lùi sườn của quá trình pediment hoá hoặc do tổng hợp các quá trình làm giảm độ dốc sườn để đạt tới trạng thái cân bằng về mặt trọng lực. Quá trình đầu phần lớn đã được hình thành trong giai đoạn Neogen và đầu Đệ tứ, quá trình sau đang xảy ra và khá phổ biến trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm như Quảng Ngãi. Về mặt hình thái, các sườn bóc mòn tổng hợp được chia thành dạng: độ dốc 20 - 450 và > 450. Các dạng hình thái này có mối quan hệ chặt chẽ với thành phần đất đá và tuổi thành tạo của địa hình.

Quá trình xâm thực dọc các thung lũng sông và theo đáy các khe suối nhỏ là đặc trưng cơ bản của qúa trình ngoại sinh trong các vùng nhiệt đới ẩm. Sự chuẩn bị vật liệu bởi hoạt động phong hoá khá mạnh trong phạm vi vùng núi và đồi Quảng Ngãi càng thúc đẩy quá trình này. Hoạt động xâm thực thường được tăng cường dọc các đới dập vỡ kiến tạo để tạo nên những sườn có trắc diện thẳng, dốc trên 45o và kéo dài trên khoảng cách lớn. Sườn xâm thực phát triển trên hầu hết địa hình miền núi. Trên các sườn này, quá trình vận chuyển vật liệu xảy ra mạnh làm lộ trơ đá cứng hoặc tầng phong hoá saprolit. Hoạt động đổ lở thường xảy ra mạnh trên các sườn cắt vào các đá granit hoặc gneis.


3.3.3 - Địa hình do dòng chảy (Nhóm 3)


A. Nhóm địa hình do dòng chảy tạm thời

Các dòng chảy tạm thời phân bố rộng rãi và hoạt động khá mạnh trên cả vùng núi và đồi của tỉnh Quảng Ngãi. Dòng chảy tạm thời tạo ra một số dạng địa hình đáng chú ý sau:

1- Địa hình mương xói và khe rãnh xói.

Địa hình mương và khe rãnh xói có ảnh hưởng lớn tới công tác quy hoạch đô thị. Trong khu vực nghiên cứu, do lượng mưa cao lại tập trung chủ yếu vào mùa mưa nên nước chảy trên các bề mặt thềm và pediment cổ thường tập trung lại theo các trũng nguyên thuỷ, khả năng đào khoét của dòng chảy tăng lên và hình thành nhiều mương xói, khe xói. Dạng địa hình xâm thực do dòng tạm thời này phân bố khá rộng rãi ở khu vực Bình Khương Khương (tây bắc Bình Sơn), chúng được tăng lên đáng kể ở khu vực Vạn Tường, Ba Làng An do địa hình ở đây được cấu tạo bởi đá bazan với lớp vỏ phong hoá dày. Cũng tại các khu vực này, nhiều mương xói đã được phát triển lâu dài tạo nên các máng trũng sâu, đó là dạng địa hình âm kéo dài từ vài trăm mét đến trên một km, rộng 30 - 50 mét, trắc diện dọc tương đối thoải song trắc diện ngang còn dốc 20 - 300. Sự phân bố khá phổ biến dạng địa hình này ở khu vực Vạn Tường, Thình Thình,... một mặt tạo nên sự đa dạng của cảnh quan song cũng sẽ gây nên những khó khăn cho việc quy hoạch và phát triển đô thị.

2- Thềm sông - lũ tích tuổi đầu Pleistocen muộn

Thềm sông - lũ tích được thành tạo tại các khu vực có sự vận chuyển mạnh của vật liệu ở phần cửa các khe suối đổ và thung lũng hoặc trũng thoải và chính các thành tạo này lại bị phân cắt bởi quá trình xâm thực của sông vào giai đoạn sau để tạo thành thềm giả. Đặc trưng của thềm là các bề mặt nghiêng thoải 3 - 10o, kéo dài từ vài trăm mét đến vài km từ chân sườn núi về phía thung lũng, cấu tạo bởi vật liệu thô như cuội tảng lớn, không phân lớp. Dạng địa hình trên phân bố khá rộng rãi ở thung lũng Minh Long, thung lũng Phước Giang,…

3- Bề mặt tích tụ sông - sườn tích - lũ tích tuổi Đệ tứ không phân chia

Các dạng địa hình trũng do quá trình xâm thực, bóc mòn và tích tụ khá phổ biến trong phạm vi vùng núi và đồi Quảng Ngãi. Các bề mặt thường nghiêng thoải từ chân các sườn đồi núi về trung tâm trũng và nghiêng theo chiều dòng chảy và được thành tạo đồng thời với các thềm sông suối. Vật liệu tích tụ được đưa đến từ các sườn kế cận thường có độ mài tròn chọn lọc kém.

4- Bề mặt tích tụ sườn tích - lũ tích

Các bề mặt tích tụ sườn tích - lũ tích phân bố dưới chân các sườn dốc giáp đồng bằng, chúng tạo nên dải vạt gấu sườn tích rộng từ vài chục đến vài trăm mét, nghiêng thoải từ chân sườn về phia đồng bằng. Phụ thuộc thành phần đá gốc trên sườn, trầm tích và địa hình tích tụ có sự khác biệt. Các bề mặt tích tụ dưới chân các sườn đá granit và bazan (chân núi Thiên Ấn, núi Ngang, núi Cối,…) có độ dốc đạt 8 - 120, cấu tạo bởi vật liệu hạt thô với sự ưu thế của các tảng lăn. Chân sườn của các khối núi đá phiến thường hình thành các bề mặt nghiêng thoải, cấu tạo bởi vật liệu hạt nhỏ lẫn nhiều bột sét.


B. Địa hình do dòng chảy thường xuyên

Trong khu vực nghiên cứu, dòng chảy thường xuyên tạo nên ba bậc thềm sông và các thế hệ bãi bồi có tuổi khác nhau.

5- Thềm xâm thực bậc III, cao 40 - 60m, tuổi Pleistocen giữa

Thềm bậc III chỉ được bảo tồn các mảnh sót hẹp ở bờ trái sông Re đoạn gần Sơn Hà và hai bên thung lũng sông Trà Bồng tại Trà Bồng. Thềm có độ cao tương đối đạt 40 - 60m, bị nhiều mương xói và khe suối phân cắt, tạo địa hình đồi thoải. Dấu vết hoạt động dòng chảy còn được bảo tồn trên phần đỉnh các đồi thềm với ít cuội thạch anh, quaczit mài tròn tốt, phủ trên các thành tạo đá trước Kainozoi bị phong hoá laterit mạnh.

6- Thềm xâm thực- tích tụ bậc II, cao 20- 30m, tuổi đầu Pleistocen muộn

So với thềm bậc III, thềm bậc II phân bố rộng rãi hơn dọc các thung lũng sông Re, Trà Bồng, sông Vệ,… Thềm phân bố ở cả hai bờ thung lũng song có bề rộng lớn hơn tại các bờ lồi. Thềm II cũng bị phân cắt mạnh bởi các mương xói và khe suối, tạo địa hình gò đồi với đỉnh rộng, sườn thoải. Trên phần đỉnh gò đồi còn bảo tồn lớp tích tụ với tướng lòng sông hạt thô nằm dưới và tập cát sạn lẫn bột sét tướng bãi bồi ở trên. Trên các thung lũng, thềm bậc II cắt tạo vách vào thềm III và bị thềm sông bậc I cắt vào. Về phía đồng bằng, thềm bậc II chuyển tiếp dần sang thềm mài mòn - tích tụ 20 - 30m.

7- Thềm xâm thực- tích tụ bậc I, cao 8-15m, tuổi cuối Pleistocen muộn

Thềm bậc I có độ cao tương đối 8 - 15m, còn được bảo tồn tốt trên hầu hết các thung lũng sông suối trong diện tích nghiên cứu. Thềm thường phát triển ở cả hai bờ thung lũng, đạt bề rộng khoảng 200 - 500m đến trên 2000m tại các bờ lồi sông Vệ. Bề mặt thềm tương đối phẳng, hơi nghiêng thoải về phía xa dần lòng với sự phổ biến các gờ cao ven lòng cấu tạo bởi cát bột xám vàng phủ trên aluvi tướng bãi bồi hạt mịn hơn. Đây là các diện tích phân bố dân cư đông đúc nhất dọc thung lũng sông.

8- Bãi bồi cao, cao 4 - 8m, tuổi Holocen giữa

Bãi bồi cao phân bố ở phần trung và hạ lưu các thung lũng sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ,… Tại phần trung lưu, bãi bồi cao bảo tồn dạng các đảo nổi cao giữa lòng, trên đoạn hạ lưu, chúng chỉ phân bố ở phần đỉnh các tam giác châu. Tại đỉnh tam giác châu sông Trà Khúc, nhiều bãi bồi cao phân bố dọc các lòng sông cổ cắt vào các thềm biển tuổi Pleistocen. Về hình thái, các bãi bồi cao tương đối phẳng, nghiêng thoải về phía chân bậc thềm. Dọc ranh giới giữa chúng với các bãi bồi thấp thường phân bố gờ cao ven lòng còn đang được bồi hàng năm. Các bãi bồi này còn chịu lũ lụt với mức ngập nước trung bình khoảng 1,5 - 2 mét.

9- Bãi bồi thấp, cao 3 - 4m, tuổi Holocen giữa - muộn

Bãi bồi thấp phân bố chủ yếu ở phần hạ lưu các thung lũng sông suối, các diện tích lớn nhất được theo dõi tại đồng bằng hạ lưu sông Trà Khúc, sông Vệ. Dọc các thung lũng này, bãi bồi có chiều rộng từ 800 - 1000m, kéo dài liên tục ở cả hai bờ sông. Trên diện tích phía đông thị xã Quảng Ngãi, bãi bồi thấp bị chia cắt mạnh bởi các dòng chảy hiện đại, tạo các mảnh sót có hình thái đẳng thước với diện tích khoảng 500 - 1000m2.

Các bãi bồi thấp có hình thái bề mặt dạng gò với độ chênh cao 1- 2 mét, các gò này được thành tạo do sự bồi hoặc xói bề mặt bởi dòng nước vào mùa lũ. Trên bề mặt bãi bồi còn phát triển nhiều dải trũng thoải phân bố cắt chéo hoặc song song với chiều dài bãi, đó là dấu vết các lòng sông cổ chưa được lấp đầy. Địa hình gờ cao ven lòng trên các bãi bồi thấp khá đặc trưng, chúng có bề rộng đạt trên 200m dọc bờ sông Trà Khúc, sông Vệ, nhân dân hiện tập trung khá đông đúc trên dải gờ cao này, mặc dù hàng năm đều phải chịu lũ lụt cao trên 2 mét.

10- Bãi bồi ven lòng, tuổi đầu Holocen muộn

Tại phần hạ lưu các thung lũng Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, sông tự do uốn khúc trên các thành tạo mềm bở, thường xuyên thay đổi dòng chảy. Các lòng sông bị bỏ rơi đã được tích tụ mạnh trầm tích tướng bãi bồi vào các mùa lũ, tạo nên địa hình nổi cao dạng đảo hoặc bãi ven lòng sông. Về mặt địa tầng, cả trầm tích lòng sông và bãi bồi ven lòng đều là các thành tạo hiện đại, chúng chỉ khác nhau về tướng. Các bãi bồi vẫn chưa ổn định, dễ dàng bị cuốn trôi và biến thành lòng sông vào các kỳ mưa lũ, trái lại, một số đoạn lòng sông sau vài mùa mưa lũ lại có thể trở thành bài bồi ven lòng. Việc phân chia này có ý nghĩa quan trọng vì hiện tại, nhiều xóm làng đã được định cư trên các bãi bồi này và không có gì đảm bảo cho sự ổn định và an toàn của họ. Thêm vào đó, các bãi bồi ven lòng vốn là lòng sông không lâu, các trầm tích hạt thô tướng lòng chỉ bị phủ bởi tập hạt nhỏ không dày, chúng cũng là đối tượng cần được đánh giá cho nguồn cát cuội sỏi xây dựng.

11- Lòng sông và bãi cát ven lòng hiện đại

Lòng sông và bãi cát ven lòng hiện đại là các thành tạo thường xuyên ngập nước của thung lũng sông. Trong phạm vi vùng núi, dọc các thung lũng chủ yếu phân bố lòng sông hiện đại, chúng có thể được cấu tạo bởi các trầm tích tướng lòng hoặc trong nhiều trường hợp là các lòng sông lộ trơ đá gốc. Trên dải đồng bằng hạ lưu, ngoài đáy các dòng chảy mùa kiệt, tại bờ lồi các thung lũng còn phân bố các bãi cát nguyên là lòng sông vào mùa mưa lũ. Các bãi cát ven lòng có độ cao giảm dần từ 1,5 - 2m ở phần ven bờ đến 0,5m hoặc ngang đáy ở phần giáp đường trục của thung lũng. Các bãi cát ở hạ lưu sông Trà Khúc có dạng bện thừng điển hình, giữa các bãi cát là bãi cuội và xen giữa chúng là các máng trũng thấp ngập nước. Đây là các diện tích phân bố cát cuội sỏi xây dựng có chất lượng tốt và quy mô lớn của tỉnh Quảng Ngãi.




tải về 1.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   64




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương