Tt tin học tự nhiên và CÔng nghệ quốc gia việN ĐỊa chấT



tải về 1.68 Mb.
trang2/64
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.68 Mb.
#19840
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   64

MỞ ĐẦU


Trong những năm gần đây, hiện tượng xói lở - bồi lấp vùng ven biển ở các tỉnh Miền Trung nước ta xảy ra rất mạnh ở nhiều nơi, nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến không bình thường. Riêng trong những tháng cuối năm 1999, mưa - lũ lớn xảy ra liên tục với qui mô và cường độ rất cao, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho các tỉnh ven biển miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi. Đáng lưu ý là các tai biến xói lở - bồi lấp ở tỉnh Quảng Ngãi không chỉ xảy ra trong những điều kiện mưa lũ thất thường, mà ngay cả trong điều kiện bình thường. Các tai biến này đã, đang gây ra những thiệt hại rất to lớn cho tài sản và tính mạng của nhân dân, cũng như của Nhà nước ta và chắc chắn sẽ còn gây ra những thiệt hại to lớn hơn nữa cho tỉnh nếu không có những giải pháp xử lý kịp thời.

Thực hiện các quyết định số 1082/QĐ-UB ngày 14-4-2000 và số 971/QĐ-UB ngày 10-4-2001 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt kế họach nghiên cứu ứng dụng Khoa học Công nghệ năm 2000, 2001 và các Hợp đồng nghiên cứu triển khai số 04-2000/SKHCNMT ký ngày 20-4-2000 và số 02-2001/S.KHCNMT-KT ký ngày 15-4-2001 giữa Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Quảng Ngãi và Viện Địa chất thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia về việc triển khai đề tài “Điều tra đánh giá các tai biến xói lở, bồi lấp vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi và đề xuất các giải pháp xử lý, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, góp phần đẩy mạnh kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trên cơ sở môi trường bền vững” do GS. Nguyễn Trọng Yêm làm chủ nhiệm.

Đề tài thực hiện nhằm các mục tiêu sau:



  1. Đánh giá đúng đắn hiện trạng, qui mô, qui luật diễn biến các hiện tượng xói lở và bồi lấp vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Trên cơ sở đó dự báo phương hướng phát triển của chúng.

  2. Đề xuất các biện pháp chủ động phòng tránh trước mắt và lâu dài, lựa chọn các phương án tổ chức quản lý, khai thác hợp lý vùng ven biển Quảng Ngãi góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên cơ sở giữ gìn môi trường bền vững.

Đề tài được tiến hành trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (năm 2000 - 2001), nghiên cứu tổng quan tình hình xói lở - bồi tụ vùng ven biển Quảng Ngãi và đi sâu vào một số khu vực trọng điểm phía nam của tỉnh là Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ. Giai đoạn 2 (năm 2001- 2002) tiến hành nghiên cứu trên các khu vực đồng bằng thấp ven biển và các cửa sông chính của tỉnh Quảng Ngãi (hình 01).


Hình 01: Sơ đồ vị trí các khu vực nghiên cứu trọng điểm

Các nội dung chính của đề tài đề cập tới là:



  • Điều tra hiện trạng và qui mô các tai biến xói lở, bồi lấp vùng ven biển.

  • Đánh giá các nhân tố động lực nội sinh tham gia quá trình động lực bồi tụ- phá huỷ đới ven biển.

- Đặc điểm mặt đệm (điều kiện địa chất, địa mạo).

- Đặc điểm tân kiến tạo khu vực.



  • Nghiên cứu các nhân tố động lực ngoại sinh trong quá trình động lực xói lở và bồi lấp ven biển.

- Điều kiện thuỷ - thạch động lực ven bờ (sóng, thủy triều, nước dâng, dòng chảy ven bờ, dòng bùn cát...),

- Diễn biến điều kiện khí hậu- thuỷ văn ven biển và cửa sông (bão, gió mùa, mưa - lũ, dao động mực nước, dòng bùn cát sông ngòi...),



  • Đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế- dân sinh và các nguyên nhân khác.

  • Nghiên cứu đề xuất các giải pháp chủ động phòng tránh các tai biến xói lở và bồi lấp vùng bờ biển. Xây dựng và tổng hợp những lớp dữ liệu, thông tin cơ bản làm cơ sở cho việc chủ động lựa chọn các phương án tổ chức khai thác hợp lý.

Phương pháp nghiên cứu:

Kết hợp các phương pháp nghiên cứu khác nhau trong phân tích, đánh giá các nhân tố tự nhiên và hoạt động nhân sinh:

- Tiến hành điều tra thực địa trong dân về tình trạng xói lở - bồi lấp.

- Đo đạc, tính toán các đặc trưng thuỷ- thạch động lực ven bờ.

- Phương pháp địa chất địa mạo.

- Sử dụng công nghệ viễn thám.

- Phương pháp trắc địa.

- Ứng dụng Hệ thông tin địa lý (GIS).

- Các phương pháp tổng hợp khác.

Trong năm 2000 khối lượng công việc chủ yếu tập trung vào khu vực ven biển phía nam tỉnh Quảng Ngãi với vùng nghiên cứu trọng điểm là vùng bờ biển Sa Huỳnh - huyện Đức Phổ, nơi đã và đang diễn ra hiện tượng xói lở - bồi tụ rất mạnh. Trong năm 2001 công việc tập trung nghiên cứu vùng ven biển đồng bằng và các cửa sông chính của tỉnh (cửa Sa Cần, cửa Đại, cửa Lở, cửa Mỹ Á…) là những nơi diễn ra hiện tượng xói lở và bồi lấp mạnh mẽ, nhất là trong điều kiện thời tiết không thuận lợi trong những năm gần đây. Vùng ven biển Sa Huỳnh không chỉ là địa danh nổi tiếng với nghề làm muối và đánh bắt hải sản mà nơi đây là chặng dừng chân của nhiều du khách trên tuyến hành trình bắc - nam với nút giao thông đường sắt - đường bộ hết sức quan trọng chạy tới sát bờ biển. Khu vực ven biển đồng bằng Quảng Ngãi là nơi tập trung dân cư đông đúc, có nhiều ngành nghề kinh tế quan trọng như nông nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ nghề khai thác thuỷ sản xa bờ v.v… Hiện nay, khu vực ven biển Quảng Ngãi đang có những dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh và của Trung ương trong những năm đầu của thế kỷ XXI, như Nhà máy lọc dầu số 1, cụm cảng Dung Quất, thành phố Vạn Tường, bên cạnh khu công nghiệp hoá dầu là Khu kinh tế mở Chu Lai... Vì vậy những biến động về môi trường ven biển do xói lở – bồi lấp có ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án phát triển của Trung ương, của tỉnh và ảnh hưởng trực tiếp trước hết tới đời sống và sản xuất của nhân dân ven biển Quảng Ngãi. Trong thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học này có sự tham gia đông đảo của các cán bộ khoa học thuộc các Viện và các trường đại học: Viện Địa chất, Viện Cơ học (thuộc Trung tâm KHTN và CNQG), Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Thuỷ lợi Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), Viện Khí tượng – Thuỷ văn, Trung tâm Khí tượng – Thuỷ văn biển, Trung tâm dự báo KTTV Quảng Ngãi (thuộc Tổng cục Khí tượng – Thuỷ văn), các Sở, Ban ngành của tỉnh và nhất là sự cộng tác rất có hiệu quả của phòng Quản lý KH-CN thuộc Sở KH- CN- MT Quảng Ngãi.



Báo cáo tổng hợp những kết quả nghiên cứu của đề tài bao gồm phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục và 6 chương được chia làm 3 phần như sau:

  • Phần I - Tình hình xói lở - bồi lấp ven biển tỉnh Quảng Ngãi, gồm 1 chương

Chương I. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và tình hình xói lở - bồi lấp ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Đề cập đến những nét chính điều kiện khí hậu - thủy - hải văn, địa chất - địa mạo; phân bố dân cư, tình hình phát triển kịnh tế vùng ven biển và khái quát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của Trung ương trong năm 2000- 2010. Những biến động môi trường ven biển do tai biến xói lở - bồi lấp gây ra trong khoảng 36 năm gần đây (1965- 2001) và nhất là trong những năm có biến động thời tiết đặc biệt do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino - La Nina (1997- 2000). Trong nghiên cứu đã sử dụng công nghệ GIS và phân tích thông tin viễn thám nhiều thời kỳ, sử dụng phương pháp trắc địa xác định tốc độ biến động địa hình theo chu kỳ mùa khô - mùa mưa lũ, điều tra khảo sát trong nhân dân…

  • Phần II – Các nhân tố động lực gây ra xói lở – bồi lấp và xu hướng phát triển của tai biến, gồm có 4 chương (2,3,4,5):

Chương II- Điều kiện mặt đệm địa chất và hoạt động địa động lực hiện đại. Đề cập đến đặc điểm cấu trúc địa chất, hoạt động tân kiến tạo; lịch sử phát triển địa hình ven biển Quảng Ngãi và những nhân tố nội sinh có ảnh hưởng đến tai biến xói lở - bồi lấp ven biển. Sử dụng phương pháp thăm dò địa chấn tầng nông để xác định cấu trúc địa chất ven biển và độ dày của tầng đất đá trong đới phá huỷ do các nhân tố ngoại sinh. Đánh giá vai trò của yếu tố nền móng địa chất trong quá trình phát triển các kiểu địa hình đồng bằng ven biển, các cửa sông có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển các kiểu địa hình vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi.

Chương III- Đặc điểm địa mạo vùng đồng bằng ven biển và các hoạt động nhân tạo ở Quảng Ngãi. Đề cập đến các kiểu địa hình vùng đồng bằng ven biển và biển nông ven bờ ở Quảng Ngãi; quá trình phát triển của chúng và mối quan hệ với các nhân tố động lực ngoại sinh cũng như hoạt động của con người. Đánh giá và nhấn mạnh tới vai trò của các kiểu địa hình nhân tạo trên nền các kiểu địa hình tự nhiên và chỉ ra rằng các hoạt động địa động lực hiện đại thực chất là quá trình phát triển địa hình tự nhiên, dưới tác động của các nhân tố tự nhiên và nhân tạo. Kiến nghị nên có qui hoạch phát triển các vùng dân cư, các công trình kinh tế- kỹ thuật quan trọng nên nằm xa các vùng vốn nhậy cảm với tai biến thiên nhiên, như đai uốn khúc của sông ngòi, địa hình quá dốc dễ bị đổ lở – trượt lở do tác động của ngoại lực, tránh tạo ra các loại địa hình có khả năng thúc đẩy phát triển các tai biến ở vùng đồng bằng như úng lụt cục bộ, trượt lở ven sông ven biển, ngăn cản dòng chảy lũ, xây dựng nhà ở quá lấn vào các vùng có nguy cơ xảy ra tai biến cao.

Chương IV. Điều kiện khí tượng – khí hậu vùng đồng bằng ven biển và động lực thuỷ văn sông ngòi. Đề cập tới những qui luật chung của các nhân tố động lực khí tượng – khí hậu, những đặc điểm riêng mang tính địa phương do sự chi phối của yếu tố địa hình vùng sườn núi ven biển và sườn cao nguyên Kon Tum, có ảnh hưởng tới chế độ dòng chảy và thuỷ văn sông ngòi ở Quảng Ngãi. Phân tích những đặc điểm chính về động lực dòng chảy sông ngòi Quảng Ngãi ở vùng hạ lưu, những biến động đột biến của chúng trong những năm gần đây do hoạt động mạnh của hiện tượng El Nino (pha khô hạn) sau đó là La Nina (pha nhiều nước) mà đỉnh điểm của biến động khí tượng - thuỷ văn vào năm 1999- 2000 ở miền Trung và mối quan hệ giữa chúng trong việc hình thành các tai biến xói lở – bồi lấp ven biển.

Chương V- Điều kiện thuỷ - thạch động lực vùng biển ven bờ và hoạt động của con người ở vùng ven biển. Đề cập tới đặc điểm điều kiện thuỷ - thạch động lực ven biển Quảng Ngãi; các kết quả đo đạc nghiên cứu thực địa vùng biển ven bờ trong các mùa đặc trưng (thời kỳ hoạt động của hệ thống gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam) vào các năm 2000- 2002. Phân tích và đánh giá vai trò của nhân tố nhân tạo trong các tai biến, trong đó nhấn mạnh đến các dạng địa hình nhân tạo do con người tạo ra ở vùng ven biển và mối liên quan tới các tai biến ở đây.

Trong đánh giá chung về tình hình tai biến, vai trò của các nhân tố động lực nội - ngoại sinh cũng như nhân tạo, đã có những nhận định về qui mô mức độ, qui luật phát triển tai biến xói lở - bồi lấp ven biển Quảng Ngãi trong hơn ba chục năm qua và xu thế phát triển của chúng trong những năm tới; khẳng định để khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do loại thiên tai này gây ra, nhất thiết cần có những biện pháp xử lý thích hợp có hiệu quả.



  • Phần III – Giải pháp khắc phục, gồm 01 chương:

Chương VI: Một số giải pháp công trình và phi công trình trong việc xử lý các tai biến xói lở - bồi lấp ven biển Quảng Ngãi. Đề cập tới nguyên tắc chung về các giải pháp công trình và giải pháp phi công trình; phân tích những ưu điểm và hạn chế của các loại giải pháp. Kiến nghị kết hợp giải pháp công trình và phi công trình nhằm hạn chế những nhược điểm và giảm bớt chi phí lớn trong đầu tư xây dựng. Đề xuất một số giải pháp công trình chỉnh trị tai biến xói lở – bồi lấp cho các khu vực Sa Huỳnh, cửa Đại, cửa Lở, cửa Mỹ Á; tính toán thiết kế sơ bộ và khái toán các chi phí đầu tư. Trong đó, có các phương án công trình liên hợp là kết hợp giữa xây dựng các hệ thống đê chắn sóng, chặn dòng chảy và dòng bùn cát ven bờ, đê giảm sóng từ xa, hệ thống kè lát mái hộ bờ, giải phóng hành lang thoát nước lũ, nạo vét luồng lạch... có tính đến các loại vật liệu và kỹ thuật xây dựng mới hiện nay.

Báo cáo được hoàn thành tại Viện Địa chất - Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia (Nghĩa Đô - Cầu Giấy - Hà Nội) tháng 4/2002, sau khi đã tham khảo các ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, các cán bộ khoa học của tỉnh Quảng Ngãi qua các hội thảo tại Hà Nội và Quảng Ngãi. Ban chủ nhiệm đề tài xin bày tỏ lời cảm ơn tới Sở KHCNMT Quảng Ngãi (cơ quan quản lý), Viện Địa chất (cơ quan chủ trì thực hiện) đã tạo những điều kiện thuận lợi cho tập thể cán bộ tham gia thực hiện đề tài hoàn thành đúng tiến độ các nội dung nghiên cứu đặt ra.





tải về 1.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   64




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương