Trương Dưỡng Một Cánh Hoa Dù Hồi Ký Hồi Ký Một Cánh Hoa Dù


d). Kinh Doanh Thu Hẹp Lo Thủ Tục Xuất Ngoại



tải về 1.4 Mb.
trang15/17
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích1.4 Mb.
#27293
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

d). Kinh Doanh Thu Hẹp Lo Thủ Tục Xuất Ngoại
Lúc ấy gia đình Dì Sáu cũng được đi diện đoàn tụ (con lãnh cha mẹ)ï. Vợ tôi có nhờ bà kêu mấy em họ ở Mỹ làm cho giấy USCC, khoảng một năm sau thì tôi được một lượt tới 3 giấy USCC của Tuấn Anh, con bà Dì; Hồng Nhàn, bạn học trước ở Đại đội Tiếp Liệu Dù; và Lê Tấn Huỳnh Long, Bác sĩ TQLC (đã mòn mỏi trông đợi gần 2 năm, bây giờ lại có một lúc ba người sẵn lòng bảo lãnh, khiến mọi người trong nhà đều mừng rỡ, hy vọng một ngày mai trời sẽ ngó lại. Giống như những lần trước, từ nguồn tuyệt vọng, gia đình tôi cũng đã tìm được những điều mỹ mãn ngoài tầm tưởng tượng).

Bấy giờ có một số sĩ quan ở tù được thả về, Lã quý Trang (3 năm), Nguyễn Thanh Nhàn (5 năm), Bác sĩ Tường, rồi tới Nguyễn văn Khen, Nguyễn Hiền Triết, Phạm Thái Hóa, Nguyễn văn Triệu, Ngô văn Nhị (em rể tôi), và đại tá Nguyễn thu Lương,...Những người sau nầy tù từ 8, 9 năm trở lên; như anh sáu Lương đã bị biệt giam và bị hăm dọa lên án tử hình nhiều lần vì tánh khẳng khái, bất khuất mà các bạn tù chung đều khâm phục, thương mến. Bạn cùng khóa Trần Phi Cơ kể lúc ở trong tù tại trại K3, anh rất phục hai cử chỉ hào hùng của 2 sĩ quan Dù : Thiếu úy Quỳnh lúc đẩy xe đất vô bị tên cán bộ Việt Cộng rầy nói sao chở ít quá. Lập tức anh Quỳnh hất ngã xe đất và vạch ngực ra nói:

- Cho ăn bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, nếu không bằng lòng thì bắn đi!

Còn đại úy Dù tên Minh “Đen” khi học tập, cán bộ bảo anh tố chửi Mỹ xâm lược; thì anh dám đứng lên nói:

- Chúng tôi thấy Mỹ qua giúp miền Nam cũng giống các anh qua Campuchia.

Hai anh đều bị cùm 6 ngày. Còn Đỗ Ngọc Nuôi, Khóa 20 ĐL, ở trong tù mà dám tổ chức chống phá VC, anh đã cùng nhiều người, trong đó có anh sĩ quan truyền tin, đã lợi dụng sửa Radio cho cán bộ Việt Cộng. Rồi bảo họ mua các điện trở, tụ điện, transistors,...nói là để sửa radio, nhưng anh đã tự chế ra máy thu thanh, và bắt liên lạc được các đơn vị kháng chiến bên ngoài. Cuối cùng bị bại lộ, anh SQ truyền tin bị tử hình và Nuôi bị 16 năm tù. Tội nghiệp chị Nuôi, vì nghe lời tán bùi tai của SVSQ lanh lợi Đỗ ngọc Nuôi khi còn ở Đà Lạt, nên phải lo cho ông chồng tù tội: Một năm ở Quân Lao vì vụ Tour D’Ivor và 16 năm tù tập trung của CS, cùng nuôi dưỡng 6 đứa con nên người, thật đáng khâm phục.

Anh Võ văn Huệ, bạn cùng khóa, lúc ở tù tại Đà Nẳng, tên cán bộ hỏi:

- Ở trận Thường Đức lính bận đồ rằn ri là lính gì mà sao hăng quá vậy? Họ cứ xung phong nhào lên, không sợ chết thiệt là gan quá chừng !

- Họ là lính Nhảy Dù đó.

Khi những người bạn vừa ra tù tới chơi, tôi thường bảo bà xã nấu bò nhúng giấm, hoặc bò tái để như bù đấp tượng trưng phần nào những ngày thiếu thốn ở trong tù. Riêng Nhị vừa về là lo đi chui và bị bắt nhốt tại Bến Giá Trà Vinh hơn một năm, đến khi bị ung thư ruột già mới được thả về chừng một tháng thì chết, bỏ lại 4 đứa con còn nhỏ dại và vợ là em gái duy nhất của tôi phải chịu cảnh gà mái nuôi con, trong xã hội :

Nước trong leo lẻo cá đớp cá!

Trời nắng chan chan người trói người!

Anh Triệu thường đến thăm tôi, mỗi lần tới ưa dẫn theo đứa con trai út mà anh thương yêu nhứt, nhưng một thời gian sau anh bị trắc trở gia đình, cuối cùng người tốt hiền lành như anh mà trời cũng khiến cho chịu thêm nhiều phiền não! Chị đã ôm thuyền khác, con theo mẹ khiến anh lâm cảnh bơ vơ! Ôi Quốc hận đã gây bao cảnh tù tội, ly tán cho nhiều chiến sĩ anh hùng đã dùng hết tuổi xuân để bảo vệ nền tự do, nhưng bất thành đành phải ôm hận triền miên!

Lúc còn đi kiếm mối bán bột, tôi có qua khu cư xá Lữ Gia và gặp anh bạn cùng khóa Quách Vĩnh Trường. Anh nầy có một quá khứ rất hào hùng. Hôm đó, đơn vị đang tập họp chuẩn bị hành quân, bỗng bị một tên nội tuyến ném lựu đạn vào hàng quân. Thay vì lo nhảy tránh, Trường muốn cứu binh sĩ thuộc cấp, nên vội nhào tới để cầm trái lựu đạn quăng ra xa; nhưng vừa tung ra khỏi tay thì lựu đạn nổ, cả thân mình hứng chịu đầy mảnh. Binh sĩ an toàn nhưng anh trả một giá rất đắt: một chân một tay bị cưa, bàn tay còn lại bị mất vài ngón, mặt anh bị xẹo phải chịu đựng nhiều lần giải phẫu mới giữ được mạng sống.

Điều anh tự hào và hãnh diện là cái miệng còn nguyên vẹn, nhờ đó mới nẩy sinh ra tình sử chẳng thua gì chuyện tình “Romeo And Juliet”. Tuy cơ thể tật nguyền nhưng anh vẫn ngày hai bữa cắp sách đến trường Luật. Có một lần trên xe bus, một cô nữ sinh viên mỹ miều duyên dáng dễ thương. Thấy anh không có chỗ ngồi, người lắc lư không vững, nên cô đứng dậy nhường ghế, chừng xuống xe mới biết hai người cùng học chung trường Luật (mỗi lớp thường cả ngàn sinh viên nên ít biết mặt nhau). Trường cám ơn rối rít, cô Kiều thì cảm thấy làm được điều thiện nên tinh thần cũng thoải mái! Hôm khác cô đi xe đạp tới ngang trạm xe bus, thấy Trường đang bước lên xe và bị trợt chân té (có thể anh thấy cô Kiều liền giả bộ té, đúng không Trường?); cô chạy tới đỡ dậy. Từ đó hằng ngày cô lấy xe tới chở Trường đi học, vừa ngồi xe vừa trổ tài miệng lưỡi thực tập hùng biện của con nhà Luật; khiến cô Kiều xiêu lòng, cuộc tình càng ngày càng sinh sôi nẩy nở. Các em cô Kiều cũng đều tốt nghiệp Đại Học, họ là những người trí thức nên cũng ủng hộ và tán thành cuộc tình duyên mà đã chống lại ý của ba má họ, là người giàu có nổi tiếng ở Long An. Ông bà đều phản đối, nhưng thiểu số phục tùng đa số và phục luôn tài hùng biện của hai nhà cử nhân Luật.

Mấy chục mảnh lựu đạn tránh cái miệng của Trường, để giúp anh yêu đời và với tài thuyết phục ấy còn làm hàng chục chủ lò bánh mì thùng phuy ủng hộ mua bột áo của vợ chồng Trường. Chị một chiếc xe đạp, anh một chiếc xe đạp cải tiến (có hai bánh phía sau), mỗi ngày hai luật gia “Lao động vinh quang” từ sáng tới chiều!

Mỗi khi tới nhà tôi, cháu Vinh liền mau lẹ dọn cơm để tranh thủ nghe chú Trường vừa ăn vừa trổ tài hùng biện; còn chị Trường thì cứ cười hả hả (ý bảo anh Trường nói vừa vừa thôi, coi chừng lộ tẩy!). Hai người có một cháu trai khôi ngô tuấn tú mà ba của Trường rất hãnh diện, đi đâu cũng đều tuyên bố là “Cháu đích tôn của bác và vợ chánh thức của thằng Trường”; làm bạn bè cùng khóa nghe một cách thích thú, thật vui vẻ vô cùng. Khi qua tới Mỹ, anh chị vẫn cố gắng vươn lên, hằng ngày cấp sách vô trường Đại học. Hơn 2 năm sau, chị Kiều lấy được ngành Kế Toán, còn Trường thì tốt nghiệp ngành Hội Họa với số điểm ưu hạng, được thầy cô mến phục người có tài và chí đáng khen. Chị Trường cũng là một người dâu con hiếu thảo, hết lòng phục vụ ba chồng bị mù lòa và tăng áp huyết. Báo chí ca tụng chị là “Quan Âm Bồ Tát” cứu độ Trường và gương tốt cho mọi phụ nữ Việt Nam.

Bán bột mì một thời gian thì các chủ lò xuất ngoại dần, nên việc thu nhập chỉ còn một phần nhỏ, chúng tôi lại có thêm nghề mới: làm bột năng. Mua khoai mì từ Hố Nai, Tây Ninh,...Vợ tôi mướn người lột vỏ, xay nhuyễn, bỏ vô bồng bột (bao vải), nhúng vào thau nước nhồi cho bột hòa tan trong nước. Còn bã mì thì đổ ra thùng bán cho heo ăn, hoặc phơi khô xay nhuyễn làm bột áo. Sáng ra đổ bỏ nước, lấy muỗng vớt lớp bột vàng (bột mủ) để riêng, còn lại bột trắng tinh thì đổ ra phơi. Lúc trời mưa, tôi sợ bột bị ướt thường la oé lên để mấy đứa bưng các nia bột vô nhà. Nhờ làm nghề nầy tôi có thể nhìn mây đoán được trời sẽ mưa hay không!

Tôi cũng làm đại lý thâu mua bột năng của bạn hàng từ Tây Ninh và Hố Nai. Các bạn hàng thật khôn lanh, lúc bột hiếm phải ra bến xe đón giành mua. Lúc vô mùa bột ối động, họ đổ đại vô nhà mỗi ngày hàng tấn; làm tôi phải lo tìm mối tiêu thụ trong Chợ Lớn, hoặc tới các lò làm bún tàu, bột bán,..ở Cầu Tre. Nếu để lâu bột sẽ bị nổi mốc, coi như lỗ vốn. Tôi cũng cho xay bột năng nhiễn và vô bao từng 10 ký lô, hằng ngày có ông Si, chú Biện đem xe đạp tới chở giao cho các sạp tạp hóa ở chợ, lò làm bánh Da Lợn, hoặc các hãng dệt để họ hồ bột.

Ông Si là người Khmer gốc Hoa Kiều, lúc ở Miên ông đã nghe lời ngọt ngào của tụi du kích, nên có ủng hộ tiền của. Tới khi cướp được miền Nam, vợ chồng tới gặp, chúng làm bộ như xa lạ. Ông và những người Khmer tị nạn chửi rủa Việt Cộng vô ơn bội nghĩa! Ông người ốm yếu (vì tiết giảm để có ăn lâu dài) nhưng nhờ là người Tàu, làm ăn đàng hoàng nên cũng bỏ bột được nhiều mối. Ông lấy hàng trước chờ thu được tiền mới đưa tôi.

Một hôm, vào năm 1982, ông và gia đình định trở về Miên để tìm đường đi chui qua đường Thái Lan. Họ là dân bản xứ biết tiếng Khmer, nên cứ sống như dân du mục, đi dần tới gần biên giới. Rồi một ngày đẹp trời, cả gia đình bắt đầu thực hiện kế hoạch. Họ ngày đêm băng rừng lội suối chạy vượt biên giới qua Thái Lan. Trước khi ra đi, bà vợ ngần ngại không muốn cho ông qua từ giả chúng tôi; vì còn kẹt một số bột chưa thâu tiền được để trả cho tôi. Nhưng ông là người khẳng khái, tín nghĩa, chẳng lẽ bỏ đi không từ giả người đã đem công ăn việc làm cho mình bấy lâu nay. Cuối cùng ông Si quyết định nói cho biết (thật ra nếu không nói tôi cũng thông hiểu vì vượt biên quan hệ tới nhiều sinh mạng,cần phải giữ bí mật tối đa).

Vợ tôi làm tiệc tiễn đưa, trước khi đi ông ôm cứng tôi như cảm động không muốn rời, rồi nhét vào túi cho tôi một cọc tiền như để trả nợ; nhưng vợ chồng tôi không lấy, vì biết ông rất cần số tiền nầy. Ông Si quả thật là một người biết trọng chữ tín, mấy năm trước, đang ở California, ông viết thơ về Việt Nam cho những người Khmer còn kẹt lại và hỏi thăm được số điện thoại. Ông mừng quá, vội gọi tôi và nói muốn qua thăm, vài hôm sau ông bà mua ngay vé máy bay. Khi gặp tôi, mừng rỡ như tìm lại được bạn cố tri, bây giờ ông mập mạp giống xì thẩu (ông chủ) như lúc còn bán tạp hóa ở Campuchia.

Sau ngày 30/4/75 khoảng hai năm, anh cận vệ cũ của tôi lúc còn ở Đại đội 91 Nhảy Dù là Nguyễn văn Năm, từ vùng Kinh Tế Mới xa xăm về thăm tôi. Thầy trò lâu ngày gặp nhau mừng mừng tủi tủi, Năm kể lại sinh hoạt của gia đình và anh em Tiểu đoàn 9 ở vùng kinh tế mới trong thời gian qua. Năm và một vài bạn đã rủ nhau vô rừng cưa cây, cắt ra từng khúc để đun thành than, rồi dùng xe đạp thồ (chở) mỗi người trên trăm ký; vừa đạp trên đường nhựa, vừa dắt bộ trên đường đê để tránh trạm kiểm soát; đoạn đường dài từ Tây Ninh tới sàigòn (gần 100 cây số!). Đứa con trai đầu của Năm mới 12 tuổi mà cũng theo cha chở than đem lên Sàigòn, trên một khoảng đường thật xa xăm, vất vả và đầy nguy hiểm. Nguy hiểm vì du kích thường chận đường tịch thu bắt bớ hăm dọa đánh đập giống như những tên cướp cạn.

Lúc bấy giờ chẳng khác nào chế độ sứ quân thời xưa, du kích mỗi làng xã thường sách súng ra đường đón xe đò cướp bóc, xét chận lấy những đồ bạn hàng dấu (đem về Sàigòn bán chui) như thịt heo, gà, vịt, gạo,...để đưa về cho vợ con chúng và chia nhau nhậu nhẹt hả hê! Mặc cho những người dân vì muốn kiếm tiền nuôi sống gia đình, nên phải độn đồ lậu vào đùi, vào bụng giả đàn bà có thai, nhưng không qua được những tay cướp bóc chuyên nghiệp lừa dân phản bạn nầy.

Chỉ vì muốn bảo vệ 2 bao than xương máu, nên khi đi gặp du kích gọi lại bất ngờ, Năm biết tránh không khỏi, cũng ráng chạy trong tuyệt vọng, để mong giữ được gia tài sống chết vô cùng cần thiết cho vợ yếu con thơ, đang chờ tiền để mua thuốc men và sữa cho đứa bé sơ sinh nhỏ dại. Lúc đó dù biết không chạy nhanh bằng đạn bay, nhưng anh đã quẩn trí, chỉ nghĩ đến vợ con, nếu không có tiền thì họ sẽ nguy khốn, anh không còn nghĩ tới bản thân mình nữa, chỉ cần họ được bình an thì anh có chết cũng không màng!

Rồi một viên đạn thù xuyên qua vai anh, do tên du kích cướp cạn chỉ vì bao than mà coi sinh mạng người dân như cỏ rác! Sau hơn một tháng trị thương, gia đình bị sạch vốn; vợ anh là con của Trung sĩ Chu cũng là thuộc cấp cũ của tôi, đã khuyên Năm bỏ nghề nguy hiểm nầy và thử lên Sàigòn kiếm tôi cầu cứu. Nhưng Năm ngần ngại vì ông thầy mình đang bệnh tật, dưới chế độ cướp bóc nầy không biết có tồn tại được hay không. Sẵn dịp còn yếu chưa làm gì được, anh định đi thăm xếp cũ một chuyến, còn việc nhờ cậy chắc không có hy vọng gì.

Cha con dùng hai chiếc xe đạp, đem theo mấy củ khoai mì, khoai lang, và cặp gà định đem lên Sài gòn cứu đói thầy mình. Năm không ngờ tôi như vậy mà cũng còn kiếm ăn được, suốt hai ngày ăn uống chuyện trò mà không dám mở miệng, cuối cùng anh bạo dạn nói:

- Anh Tư, tôi muốn mượn anh chị 150 ngàn (lúc đó tương đương nửa lượng vàng) để làm vốn buôn bán, nếu anh kẹt vốn thì để tôi xoay sở cách khác.

Gia đình tôi lúc đó cũng mới bắt đầu kiếm ăn được, mặc dù chưa có dư nhiều, nhưng ở chung lâu ngày, biết Năm là người tự trọng, cần cù chịu khó; chỉ vì hoàn cảnh đặc biệt mới mở miệng nhờ mình, ở thời buổi khó khăn chung của cả dân chúng miền Nam, và của gia đình binh sĩ trong chế độ cũ nói riêng.

Tôi bàn với bà xã nhín chút tiền cho anh mượn, vợ tôi bằng lòng, Năm vô cùng mừng rỡ. Chỉ một năm sau, anh đã hoàn trả đủ số tiền và còn đem cho tôi một quài chuối to lớn, do chính tay anh trồng được. Bây giờ vợ Năm buôn bán gạo lẻ ở chợ trong khu kinh tế mới, Năm lo trồng trọt và thỉnh thoảng ra chợ Gò Dầu Hạ chở gạo và hàng tạp hóa về cho vợ bán. Mỗi khi đi Sàigòn, Năm đều ghé nhà thăm, tôi thường theo dõi và rất hài lòng vì với sự chịu khó cần cù, gia đình anh mỗi ngày mỗi ổn định hơn.

Sau khi nộp đơn xin xuất ngoại chữa bệnh,khoảng hai năm thì được gọi bổ túc hồ sơ, tôi và cháu Thành tới Nguyển Du, vì bục tam cấp cao nên họ cho Thành (mới 10 tuổi) vô đại diện. Chúng bảo tôi về làm tờ tường trình bản thân. Trong một trang giấy đầy tôi cố viết các năm học từ bậc Tiểu học, tên đường, và nói bị động viên tới Đại úy rồi bị pháo kích về làm việc hậu cần (danh từ VC). Tôi dấu chuyện tình nguyện vào Võ Bị Đà Lạt, và cấp bậc thực thụ, vì hồ sơ từ Thiếu tá trở lên sẽ ra ngoài Bắc. Chúng bắt khai lại lần thứ nhì, tôi chỉ thêm phần học các trường võ thuật và các việc buôn bán nhỏ. Họ kêu tới kêu lui nhiều lần ý muốn làm khó dễ đủ điều, nhưng tôi vẫn kiên trì; rồi họ bác đơn, tôi khiếu nại. Chúng làm khó dễ, bảo chỉ cho một mình tôi đi chữa bệnh thôi. Tôi ưng chịu, VC không ngờ tôi quá quyết tâm.

Quách Vĩnh Trường và tôi qua sở Ngoại Vụ khiếu nại, ở đây gặp cô thơ ký (có lẽ là nhân viên chế độ cũ) rất tử tế và nhân hậu, lúc nào cũng ưu tiên cho người tàn phế. Thấy tôi và Trường đến đưa đơn khiếu nại, cô từ trong phòng bước ra ngoài nhận đơn và vui vẻ trả lời những câu thắc mắc của hai đứa. Một tháng sau chỗ làm thủ tục xuất cảnh thông báo gia đình tôi đã được chấp thuận và đợi ngày gọi đi phỏng vấn.

Khi ngồi ở văn phòng đợi phái đoàn Hoa kỳ kêu vào, các cô thơ ký coi hồ sơ nói:

- Chú không ở diện tứ thân phụ mẩu trực thuộc (vì người bảo lãnh là em bạn dì bên vợ!), chắc không đi được đâu!

Vợ chồng tôi nghe vậy thì vô cùng chán nản! (kể cả ông Dượng bên Mỹ cũng bảo đừng bán nhà, chắc không hy vọng đâu!) Lúc vào bên trong, sau khi hỏi lung tung, viên Trưởng Phái Đoàn Phỏng vấn Mỹ lật danh sách hồ sơ lớn bằng cái bàn, tìm luôn hai cuốn cũng không thấy tên trong sổ. Ông ta lắc đầu, nhân dịp cô thông dịch ra ngoài lấy đồ gì đó, nhanh tay tôi đưa cho ông tờ tường trình về thành tích 12 năm ở quân ngũ, trong đó có ghi hai huy chương Mỹ và huy chương Việt Nam như Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, chiến thương bội tinh, nhành dương liễu, sao vàng, sao bạc,...cùng hình ảnh sĩ quan Cố Vấn Hoa Kỳ mà Đại tá Nguyễn Thu Lương đã cho tôi. Đọc xong, ông bảo chúng tôi ra ngoài, chờ gọi về Thái Lan kêu họ dùng “Số quân”, hỏi ban hồ sơ ở Mỹ coi tôi có những huy chương Hoa Kỳ như đã ghi trong tờ giấy mà tôi vừa mới đưa không? Chừng một tiếng đồng hồ sau ông gọi trở vô và hỏi:

- Anh bị thương lật xe có được quy trách công vụ không?

- Thưa có!

Rồi tôi đưa ông ta tờ copy giấy chứng thực (khi hành quân dù bị tai nạn cũng được quy trách công vụ). Chắc ông ta đã nhận được điện thoại xác nhận cái huy chương rất cao quý của họ tức Commandation With “V” Devive kèm nhành lá liễu mà Cố Vấn Trưởng TĐ9ND đã gắn cho tôi trong trận chiến vùng Ven Đô (đối với người Mỹ, Tướng Collin Power có ngôi sao bạc họ đã cho là anh hùng rồi, còn Việt Nam thì rất nhiều người có huy chương cao quí vì họ đã ngày đêm chạm trán với địch trong nhiều năm trường). Ông đích thân đứng dậy bắt tay và rót trà mời tôi, uống ly nước trà mà lòng tôi cảm thấy mát dạ làm sao, vì từ đây tương lai ba đứa con tôi sẽ sáng sủa, bản thân tôi sẽ không còn nghe những luận điệu điêu ngoa trên đài truyền thanh, truyền hình, và nhất là những cô búi tóc Phường thỉnh thoảng cứ lại nhà dạy đời, nói móc họng:

- Hai chân anh không đi được chứ đầu óc còn vướng nhiều tư tưởng Mỹ Ngụy lắm!

Khi đi khám sức khỏe bác sĩ thấy phim quang tuyến có nhiều mảnh đạn còn trong mình tôi, ông ta hỏi:

- Trong nầy có nhiều mảnh đạn, lúc trước anh đã đi quân đội phải không?

Tôi sợ bị làm khó dễ nên nói dối:

- Đây là những mảnh bị pháo kích từ Tết Mậu Thân!

Nhìn tướng tôi một lúc, ông ta hỏi gằn:

- Anh cứ nói thiệt tình đi.

- Phải, lúc trước tôi có đi lính.

- Lính gì, nhìn tướng anh có vẻ không phải lính trơn?

- Tôi là cựu Thiếu tá Nhảy Dù.

- Như vậy mới được chứ, anh đừng lo tôi sẽ phê tốt cho.

- Cám ơn Bác sĩ!

Sở nhà đất nói sĩ quan Dù nhiều nợ máu không được bán, tôi đành ký giấy hiến nhà và phải đưa cho chúng một ngàn đồng; mới có giấy xác thực để không bị khó dễ tại phi trường! Trong khi diện ưu tiên cao như chồng vợ thì đợi tới 4 tháng, còn tôi được xếp vào diện “Nhân đạo đặc biệt”, chỉ một tháng là đã có chuyến bay! Khi đã biết chắc ngày lên đường, tôi bao một chiếc Taxi quen chở cả nhà về quê thăm gia đình hai họ.

Một tuần lễ thăm quê mẹ lần chót ở Vĩnh Bình; bà con, bạn bè thay phiên đãi tiệc tiễn đưa, trong số bạn thân, có anh Nguyễn Thành Chiến “Vừa là tri kỷ vừa là tri âm”. Lúc còn học Đệ Thất trường tỉnh, Trần Trung Tiên, thấy Chiến mồ côi cha mẹ sớm, ngày nào cũng đem cơm theo từ quê đạp xe tới trường, đoạn đường dài 9 cây số dưới trời nắng chan chan.

Lúc đó ảnh hưởng Pháp, các trường đều dạy 2 buổi. Tôi bảo anh mỗi ngày tới nhà nghỉ trưa và cùng nấu cơm nóng ăn với tôi. Vì má tôi có sạp bán guốc ở chợ, nên hai đứa phụ trách nấu ăn, Chiến lãnh phần làm cá, lột tép, rửa rau; còn tôi nấu cơm và nêm nếm (chơi gác bạn rồi!) Mỗi lần nấu xong tôi nếm tới no bụng luôn!

Chiến tánh tình hiền lành và tốt bụng, bạn bè ai cũng thương mến. Sau khi xong Đệ Nhứt Cấp, Chiến vào Sư Phạm còn tôi lên Sàigòn ở nhà trọ để tiếp tục học. Lúc mới ra trường làm thầy giáo với lương chỉ 4 ngàn đồng một tháng, vậy mà anh cũng tự động gởi cho tôi 1 ngàn/tháng. Má tôi cho 1500$/tháng mà tiền trọ chỉ có 800$/tháng, nên tôi lúc ấy cũng không thua kém vì anh Thống, công tử Bạc Liêu, ở trọ chung nhà. Trong đám cùng ở trọ, đứa nào cũng trượt một vài keo mới lấy được mảnh bằng Tú Tài Toàn Phần, còn tôi vì thấy má buôn bán cực khổ và tấm thạnh tình của Chiến, nên ráng học và thi keo nào trúng keo nấy.

Sau nầy Chiến bị Động Viên đi khóa Hạ Sĩ quan ở Quang Trung, tôi có chở bà xã, đang mang bụng bầu to lớn, lên thăm Chiến, nhưng vì đợi chờ lâu quá, vợ tôi xỉu nên phải đi về. Lúc đó tôi có gởi tiền lại cho Chiến, anh nhận được vài lần rồi bảo ngưng. Sau ngày mất nước, Chiến làm ăn thất bại, lên nhà tôi mượn một lượng vàng làm vốn buôn bán, bà xã rất sẵn lòng vì nghe tôi thường kể về người bạn tâm giao nầy. Vài năm sau Chiến làm ăn được, vội đem 5 chỉ tới trả nợ trước, phần còn lại sẽ trả sau. Chúng tôi nói phần nầy khỏi đưa nữa, vì lúc trước còn nợ bạn thanh toán chưa hết.

Chiến từng viết trong lưu bút ca ngợi tôi tốt với bạn bè, nhưng sự thực so với anh thì tôi còn thua rất xa. Tôi rất quý bạn bè, trên quảng đường đời, gặp rất nhiều bạn tốt, nếu mình vì mọi người thì mọi người cũng vì mình. Đó là phương châm mà tôi hằng noi theo để cư xử với bè bạn và mọi người xung quanh.

Ở Trà vinh một tuần lễ, gia đình tôi đi cúng mộ Ba tôi và Má vợ; rồi nhiều bà con và bạn bè cùng đưa lên Sàigòn. Nhạc gia cho một cặp dê, bà con hai bên đem nào là cua, tôm, gà, vịt,...và đích thân hai tay nấu ăn giỏi là Cô Hai Néo và anh Hai Sang đứng bếp nấu đãi bạn bè lối xóm hơn một trăm người. Trong đó có anh Sáu Lương, anh Triệu, cò Thu, anh Nhàn, ông cụ Hiếu,... Bà tổ trưởng hỏi sao không mời những người bên Phường, tôi mỉm cười ngụ ý cho bà biết là:

Đồ ăn ngon

Chỗ ngồi ăn ngon

“Người ngồi ăn không ngon”

.....Không ngon!!!

(Tản Đà)


Những tên bị nhiễm chủ thuyết lừa thầy phản bạn, đã hùa nhau hành hạ các chiến hữu của mình mà lại mời họ dự tiệc tiễn hành ư ? Như vậy thì cari dê, rượu dê, heo quay, ếch sào lăn, tôm càng, và cua rang muối,...sẽ làm cho bà con, bạn bè, xóm giềng,.. nuốt không trôi khi bị ngồi ăn chung với họ.

Sáng hôm sau ba xe bus mà tôi đã thuê đến chở bà con, lối xóm, bạn bè (trong đó dĩ nhiên có Chiến) để đưa tiễn gia đình tôi ra phi trường. Bà cụ nhà đối diện, má của cựu Trung tá Tôn thất Hiếu Truyền Tin SĐND, và bà Sáu đã ôm vợ tôi khóc một cách ngon lành. Mười bốn năm ở đây, chúng tôi đã gây được thiện cảm với bà con lối xóm, lúc làm ăn phát đạt, chúng tôi thường giúp đỡ những người bị khó khăn.

Như trường hợp anh Trịnh Hữu Ân, khi ở tù về, phải chạy ăn thật vất vả để nuôi vợ con, dù mệt nhọc cực khổ, nhưng ngày nào anh cũng không quên mua quà bánh về cho các con. Vì những ngày đói khổ ở trong tù, mỗi khi chán nản, anh thường nghĩ đến Tí Chị, Đức, Tí Em, Tí Hon. Vì chúng là niềm an ủi mà anh đã hết lòng yêu mến trong suốt cuộc đời đầy bảo táp, phong ba nầy! Tôi thấy nhạc gia anh già yếu nên thường giúp tiền cho ông bồi bổ, những người xóm giềng kẹt tiền thì chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ. Ông cụ Tôn Thất Hoàng rất thương gia đình tôi; mỗi lần đi thâu tiền về trễ, ông thường đứng trước cửa trông ngóng vì xe tôi ưa hư vặt (chạy tới gãy cốt xe mấy lần, thật nguy hiểm!). Cụ đích thân qua sửa dùm, mặc dù tuổi đã trên bảy mươi mà vẫn còn mạnh mẽ.

Lúc từ giả mọi người, từ trong phòng kiếng tôi thấy một bàn tay thiếu ngón đang cố nhón lên vẫy chào; biết đó là bạn thân Quách V Trường, khiến tôi ứa nước mắt, nguyện khi tới Mỹ, sẽ lòng dùng hết khả năng vận động giúp bạn toại chí (tôi thường tin tưởng quyết tâm của mình, hễ mà hứa thì phải cố gắng làm cho được). Ngồi trên máy bay mà tôi vẫn còn liên tưởng đến ngày nào hai đứa cùng dầm mưa đứng trước Sở Ngoại Vụ, Nguyễn Du, và Nguyễn Trải. Trường đã chịu bao nhiêu gian khổ, gánh nhiều nỗi đắng cay! Có những buổi trưa hè nắng gắt, hoặc những ngày mưa gió bão bùng, anh phải cầm đơn chầu chực bọn cầm quyền để mưu cầu một tờ giấy xuất cảnh.

Khi tôi bắt đầu nộp đơn thì Trường đã có giấy nầy, anh đã mòn mỏi trông chờ ba đứa em ruột ở Pháp và Mỹ. Chờ tới dài cổ, mà chẳng có một tia sáng ở cuối đường hầm. Nhìn bàn tay thân thương của anh, tôi có quyết tâm tự nhủ: “Yên chí đi Trường, hãy tin tưởng thằng bạn nầy, có thể làm lai chuyển lòng nguội lạnh của các đứa em. Hơn bốn năm qua, đã không đáp ứng lời kêu gọi của người anh đang kẹt lại quê nhà”!

Lòng đã quyết, tâm chẳng sờn, gót chẳng lui! Người ta chỉ sợ lòng người ngại núi e sông! Nhưng khi núi sông đã không còn là chướng ngại nữa, em gái của Trường sau khi nghe tôi trổ tài thuyết phục (nhờ ảnh hưởng nhà hùng biện của Trường), bằng lòng làm giấy bảo lãnh.

Thế là khi núi sông không còn là những chướng ngại nữa thì Trường và vợ con không khác gì con chim xổ lồng, tung cánh giữa sự đùm bọc, che chở của thân quyến và bạn bè!

Đối với một người lính, cuộc chiến đấu bằng súng đạn mới chỉ là một phần đời. Khi đã đánh trận thì không ai đám bảo đảm sinh mạng mình an toàn trước viên đạn thù, hoặc ít nhất cũng bị thương tật. Trường hợp những người lính bị thương tật như Nguyễn Văn Tuân, Trường, Sơn, Lạc, Linh, và tôi, thì cuộc chiến đấu chính bản thân mình, với sự tuyệt vọng ở tinh thần, niềm đau đớn nơi thể xác,..sẽ là phần đời thứ hai, khó khăn hơn và cam go hơn mọi người khác rất nhiều!



Chương 5
Những Ngày Trên Đất Mỹ
1. Bước Đầu Tha Hương.
Chiếc máy bay của hãng hàng không Air France vừa cất cánh, tôi cố nhìn qua cửa kiếng ngó lại Quê hương lần chót: kìa đám nhà tôi, nhà thằng Nhàn, và nhà Cụ Hiếu ở Cổng C, trại Hoàng Hoa Thám, mà lúc trước mỗi lần mang dù lên bãi nhảy, tôi thường liếc mắt nhìn xuống cho tới quen thuộc luôn. Giờ đây vĩnh viễn xa nó, bỏ lại biết bao nhiêu bạn bè thân thuộc, những kỷ niệm êm đẹp từ thuở học trò, và bao cơn ác mộng khi sống dưới chế độ Cộng Sản!

Phi cơ cất cánh hơn 15 phút mà tôi vẫn còn lo sợ hảo huyền, có thể nào họ gọi quay trở lại vì mình còn thiếu giấy tờ nầy nọ không? Suốt 9 năm sống với bọn vô thần, tôi cũng như những người dân khác lúc nào cũng lo sợ phập phồng. Tới khi phi cơ đáp xuống phi trường Thái Lan thì tôi mới yên chí là mình đã được tự do hoàn toàn, được thoát khỏi cảnh địa ngục đen tối; tia sáng cuối đường hầm đang lóe lên phía trước!

Tôi hít một hơi thật dài khoan khoái và bắt đầu quan sát xung quanh; thấy xứ nầy chỉ cách nước ta vài tiếng đường bay, mà sao họ phồn thịnh và văn minh xa hơn Việt Nam nhiều quá vậy? Họ có xa lộ cao tốc, xe cộ đầy phố; người phu quét đường, những cô y tá cũng có xe hơi làm phương tiện di chuyển đó đây. Sau khi làm thủ tục, họ chở tôi và cháu Tâm cùng những người già yếu bệnh tật đi tới một Bệnh Viện cách Phi trường khoảng 1 giờ xe. Ngồi trên chiếc Bus sạch sẻ đầy tiện nghi, thấy tài xế chạy trên xa lộ nhanh vùn vụt và cứ giữ theo lề trái, khác với hệ thống giao thông ở Việt Nam. Tôi sợ hãi, cứ nhắm mắt không dám ngó, tưởng xe sắp đụng đến nơi!

Ở bệnh viện vài ngày thì phái đoàn Mỹ đến làm thủ tục bổ túc hồ sơ, đặc biệt họ có trả lại các hình ảnh quân đội quí báu mà trước kia tôi đã gởi qua Thái Lan theo đường bưu điện. Thực đơn Thái Lan thường để thêm nước cốt dừa và ớt, ăn rất ngon, vì trước kia ở Huế tôi đã quen ăn ớt trấy với món tôm chua, thịt luộc, và trái vả. Nhưng lúc đó tôi bị trở ngại về đường đại tiện, chỉ có vô mà không đường thoát thì thật khổ sở vô cùng!(vì thường khi hai ba ngày vợ tôi giúp rửa ruột một lần), bây giờ đã gần một tuần mà không ra được cục “Thuốc tể” nào, nên bụng lình bình no hơi không muốn ăn gì hết! Hai hôm sau, phi cơ vận tải phản lực 747 đưa gia đình đến San Francisco. Tại đây tôi vô cùng ngạc nhiên vì phi trường quá to lớn vĩ đại, máy bay lên xuống liên tục, ngoài đường xe cộ đông nghẹt. So với Thái Lan thì xứ Mỹ còn phồn vinh gấp bội. Chúng tôi giống như chú mán về thành, gặp gì cũng muốn nhìn. Phái đoàn đại diện ICM chở mọi người về nghỉ đêm tại Motel, riêng gia đình tôi đợi sáng đổi máy bay đi Florida, nơi Tuấn Anh, con bà Dì, là người đứng tên bảo lãnh. Tối hôm đó Tâm, Thành, và Thiện mở TV coi chương trình hoạt họa suốt đêm, nhất là Thiện thích coi hoạt họa và comic tới bây giờ hai mươi mấy tuổi đầu mà vẫn còn đam mê!

Khi đến phi trường Fort Lauderdale ở Florida thì được gia đình Dì Sáu ra đón, Tuấn Việt chở chúng tôi về tới nhà, nhìn đồng hồ đã điểm 11 giờ đêm. Dượng Sáu biết ngồi máy bay lâu mệt nên đãi ăn cháo gà cho nhẹ bụng, mọi người đều hết lòng chỉ dẫn. Nhất là Mợ Dõng thấy tôi ngồi cặm cụi viết hết lá thơ nầy tới lá thơ khác vì còn quyến luyến bạn bè thân thuộc, nên mua tem để sẵn thật nhiều. Việt và Dõng chở đi làm thủ tục xin trợ cấp và khám sức khỏe, ai nấy đều tận tình giúp đỡ cho gia đình tôi trong lúc khó khăn của thuở ban đầu trên xứ lạ quê người nầy.

Nghe tin tôi đến Mỹ, ngay hôm sau, hai anh Lý Hải Vinh và Phạm Ngọc Thạnh, Khóa 22 ĐL, đã sách xe chạy ngược từ West Palm Beach tới North Lauderdale, để chở tôi lên Orlando họp mặt cựu sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt tại nhà anh Vàng Huy Liễu, cùng khóa với Vinh và Thạnh. Tại đây Niên Trưởng Long và bạn cùng khóa Nguyễn văn Hơn đã đề nghị hội viên giúp đỡ để gia đình tôi được sớm ổn định trong giai đoạn đầu. Hai hôm sau, Việt chở cả gia đình xuống Miami để lãnh tiền USCC cho mỗi đầu người 300 đô, tôi hỏi anh đại diện hội Thiện Nguyện về vụ bảo lãnh. Anh Hồ Kim Sanh nói muốn lãnh bao nhiêu người cũng được, ngoài tứ thân phụ mẩu, như vợ chồng, mẹ cha, anh em, con cái, những người khác phải là quân nhân (sĩ quan tù cải tạo).

Ngay đêm đó, tôi tranh thủ điền các mẫu USCC cho thân nhân và bạn bè như Lâm Sanh Kim, Nguyễn văn Triệu, Vũ văn Luông, hơn 40 người,...và điền sẵn mẫu bảo lãnh cho Quách Vĩnh Trường, chờ vận động giải thích cho em rể Trường. Tôi đã copy các giấy tờ chứng nhận lãnh trợ cấp gởi cho em gái ruột của Trường hiện đang ở Delaware, một Tiểu bang thuộc miền Bắc nước Mỹ. Tôi rất thông cảm họ, vì ít ai dám lãnh của nợ (lúc còn tại Việt Nam tôi rất ao ước và chờ đợi tới 2 năm mới được tờ USCC nầy để bổ túc hồ sơ). Trường đã có giấy xuất cảnh đi Pháp, nhưng đứa em bên đó đổi ý, nên khi có giấy USCC, anh xin chuyển cảnh và qua được mau vì khỏi cần làm lại từ đầu. Khi Kim và Triệu gần qua, vì tôi không tự lái xe được, nên đùn về California cho anh Bùi Đức Lạc, Chủ tịch Hội Gia Đình Mũ Đỏ. Anh Lạc là người rất tốt, khi nghe tôi qua anh đã giúp đỡ, những hồ sơ bảo lãnh tôi nhờ, anh đều sốt sắng nhận lời (có rất nhiều người miệng cứ ba hoa nói chính trị nầy nọ, nhưng nghe tới giúp đỡ hoặc bảo lãnh người khác thì co cổ rút đầu!). Anh giúp đỡ rất nhiều người, một phần cũng nhờ sự ủng hộ của chị Lạc.

Sau khi có đủ tiền đóng tháng đầu tháng cuối cho Apartment, tôi quyết định tự mướn nhà, vì không muốn lợi dụng lòng tốt của anh Các quá lâu, mong trả lại nếp sống riêng tư của người chiến hữu Không quân tốt bụng nầy.

Ngoài ra anh Tòng nghe gia đình tôi vì lãnh sớm tiền USCC nên bị cúp trợ cấp An Sinh Xã Hội (Welfare và Food Stamps) ba tháng đầu. Anh đã vận động các đồng hương giúp đỡ tiền nhà mấy tháng đầu. Một tuần sau, ở Miami cộng đồng có tổ chức ngày Quốc Hận, gia đình Dượng Sáu chở tôi đi dự. Sẵn dịp ban tổ chức mời tôi lên khán đài cho anh Cường phỏng vấn về tình trạng ở quê nhà. Ở nhà Dì Sáu được hai tuần thì anh Dương Văn Các chia cho hai căn phòng với giá tượng trưng thật rẻ, khoảng 1 tháng sau tôi mua được chiếc xe cũ hiệu Dodge, đời 1976 (tôi qua Mỹ ngày 14/4/84). Tâm lúc đó 16 tuổi nên cùng me nó tập lái xe, thỉnh thoảng tôi lên ngồi ghế trưởng xa cho họ tập dượt . Bà xã tôi hơi nhát gan, mỗi khi thấy xe cảnh sát là quýnh lên muốn lái xe leo lề luôn. Hai tháng sau cả hai đều có bằng lái. Lúc đầu đi học Anh Văn, có ông Mỹ ở gần nhà anh Các, mỗi đêm tới đưa rước đi học tại trường Middle School ở Margate.

Ba tháng sau, nhờ Đệ, em của Thạnh, ghi tên học trường nghề cho vợ chồng tôi và cháu Tâm vào buổi tối. Thành, 14 tuổi, và Thiện, 12 tuổi, mỗi buổi sáng có xe bus đưa tới Pompano Beach học ở trường Middle School; còn Tâm thì học High school.

Lúc đó tôi lật sổ điện thoại hỏi việc làm tại nhà hàng Tàu thì gặp bà chủ tên Nữ, có chồng là anh Minh, biết là đồng hương vừa mới qua, nên mời tới đãi ăn cơm tôm hùm rang muối, rồi mới cho vợ tôi làm; hằng ngày chị đích thân đưa rước, anh chị thật là người tử tế và phúc hậu. Còn cháu Tâm cũng được chủ nhà hàng Wangfu cho làm bus boy.

Những ngày đầu vợ tôi hơi tủi thân khóc thầm, vì dù sao ở Việt Nam từng là bà chủ, tiền bạc vô ra như nước (mấy năm gần đi, VC quá khôn ngoan quỷ quyệt, nắm gọn tất cả nên không làm ăn gì được, chúng tôi cứ bán vàng ra xài gần tiêu vốn, chỉ còn một ít mua được mấy bộ sơn mài đem qua Mỹ). Tôi làm cha làm chồng mà ngày nào cũng ngồi xe lăn nhìn cảnh vợ yếu con thơ đi làm đêm khuya cực khổ! Lòng cảm thấy khó chịu vô cùng!

Sau ba tháng học xong lớp Assembly tại trường Florida Atlantic Vocational, chúng tôi tiếp tục học lớp Technician. Bà xã học nghề Upholstery (may đóng ghế salon), tôi và cháu Tâm thì học lớp Electronic Industrial (Tâm học lớp nầy cũng được tính vào chương trình High School).

Lúc đầu coi một trang của cuốn DC test book, tôi phải cặm cụi tra tự điển, rồi lấy viết chì ghi hết ba phần tư tờ giấy. Thầy giảng thầy nghe, tôi ngồi như phỗng đá, như đờn khảy tai trâu, không hiểu gì hết; vì họ nói quá nhanh, toàn danh từ chuyên môn. Nhờ ngày nào cũng tra tự điển và ghi chú, dần dần những chữ đã tra hai ba lần thì thuộc; ban đầu mỗi ngày chỉ coi được một trang sách. Rồi tăng lên hai trang, ba trang,...sau hai tháng thì tôi có thể đọc được 10 trang. Bây giờ thì mỗi trang chỉ cần tra tự điển chừng năm mười chữ, tôi thường căn cứ những thí dụ trong bài giảng hoặc trong các sách họ, để tập làm exercises, experiments, và home works. Tâm còn trẻ nên hấp thụ nhanh hơn cha, trong khi cháu đi làm đêm, tôi ở nhà soạn bài, để sáng vô trường tôi giảng lại những gì đã biết, còn Tâm thì nghe hiểu được lời thầy giảng và hỏi thêm bạn Mỹ cùng lớp rồi nói lại cho tôi.

Hai cha con biết mình còn thua kém về sinh ngữ, nên cố gắng siêng năng sao cho theo kịp bạn học. Hai tháng đầu học xong cuốn DC (Điện một chiều). Tuy ở Việt Nam có học qua, nhưng ngành điện tử ngày càng phát triển, Transistor từ dạng vacuum tub (bóng đèn chân không) bây giờ thì chế bằng chất bán dẫn như silicon. Tiếp theo là điện hai chiều AC (Alternative Current); phần nầy tương đối khó hơn dòng điện một chiều. Nó giải thích tại sao điện xoay chiều mà có thể đi qua hai cực bằng kim loại bị ngăn cách bởi khoảng không cực nhỏ như Capacitor (Tụ điện). Dựa theo “Nguyên lý hai cực cùng tên đẩy nhau”, khi điện tích âm (electrons) trong đầu kim loại của Tụ điện bị đẩy qua cực bên kia và lập tức được điện dương hút đưa tới dây dẫn điện, và cứ thế lập lại từng chu kỳ, thế là ta có dòng điện chạy liên tục.

Trong khi đó bà xã học bên lớp bọc nệm, gặp ông thầy tốt bụng và học trò siêng năng cùng khéo tay, nên chỗ nào không hiểu thì ông ra dấu (vì có nhiều học trò Nam Mỹ cũng kém Anh ngữ). Học được hơn sáu tháng thì ông giới thiệu cho đi làm, coi như thực tập, khi đủ giờ nhà trường sẽ phát bằng Technician về ngành Upholstery.

Mỗi buổi trưa chúng tôi ra xe ăn cơm (mang theo), tôi tranh thủ vừa nằm vừa ăn, vì ngồi lâu không đi đứng dãn gân cho máu chạy điều hoà như người thường, nên máu dồn rất khó chịu. Hai mẹ con nhường cho tôi nguyên băng sau để ngã lưng, cả ba vừa nghỉ vừa tranh thủ lấy bài ra học.

Tới môn thứ ba là Semiconductor, lúc nầy hai cha con tôi đã thuộc nhiều từ ngữ Anh văn, mỗi ngày có thể đọc được vài chục trang. Đầu óc tôi cứng ngắc, nên phải đọc đi đọc lại nhiều lần gần thuộc luôn, để từ từ (chứ không nhanh lẹ như tuổi trẻ) nhớ lại và dùng tới khi cần. Trong những ngày theo lớp điện tử, ông thầy có đề nghị nhà trường cắt cử một cô giáo dạy thêm, Văn phạm Anh Văn và nghe thính thị Anh ngữ, mỗi ngày một giờ. Nhờ vậy sau nầy lên Đại học chúng tôi bớt bỡ ngỡ về các lớp Essay (cách đặt câu và tập làm Văn). Khoảng sáu tháng thì xong quyển thứ tư là Communication, lúc nầy thực tập rất nhiều, mỗi lần học hết sách thì ông thầy cho thi test, nếu trên điểm trung bình thì mới được học cuốn tiếp.

Học hết môn thứ năm là Microprocessor, giáo sư thấy điểm test của tôi càng ngày càng cao, không biết ông báo cáo thế nào mà một hôm nọ có phóng viên truyền hình tới lớp học quay phim và phỏng vấn. Hôm sau trên đài số 10 có chiếu cuộc thâu ảnh nầy. Thầy thấy chúng tôi siêng năng tiến bộ vượt bực, nên mấy môn sau, ông tặng sách còn mới tinh, nhờ đó tiết kiệm được một ít tiền.

Sau khi học xong cuốn Linear systems, Digital, và Communication thì được dự lễ phát bằng. Ông thầy đích thân đưa tôi lên khán đài nhận văn bằng, trong danh sách tốt nghiệp có đánh dấu cho tôi hạng Danh Dự. Gia đình tôi đã chụp chung hình với người thầy tốt bụng, lúc nào cũng nâng đỡ khuyến khích tôi trong giai đoạn khó khăn mò mẫm Anh ngữ từ những ngày đầu!

Sau khi lãnh bằng Technician ở trường Vocational, tôi và Tâm theo danh sách các hãng điện mà thầy đã copy cho, chúng tôi thức dậy sớm khởi hành từ 7 giờ sáng, chạy xe vòng vòng ghé hỏi vài hãng điện nhưng chưa có kết quả, đến trưa thì tới hãng Computer Product. Họ phỏng vấn Tâm tại chỗ và nói lương bắt đầu là $4.50/giờ, chờ đủ hai tháng sẽ cho lên $6/hr. Vì cần việc làm nên Tâm nhận chịu. Còn tôi họ chê handicap (tôi nghĩ vậy thôi) nên không ai ngó tới.

Lúc nầy thì Thành và Thiện vì học nhảy theo tuổi nên hơi chới với trong 6 tháng đầu; nhưng rồi giống như cuộc chạy đua, hai đứa đã rượt kịp toán cuối cùng (Điểm D), và tăng vận tốc dần lên bắt gần kịp toán thứ nhì (điểm B). Qua năm sau, ba đứa nói tiếng Anh trôi chảy, và bắt đầu có nhiều điểm A. Thành thì nhảy lớp và học bốn năm thì tốt nghiệp, nên điểm B nhiều hơn A, không có điểm C hoặc D. Còn Thiện nhờ có thời gian, nó đã lấy mấy lớp Honors và Advances nên tốt nghiệp High school top ten percent.


Каталог: stories
stories -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
stories -> -
stories -> TỜ khai thông tin của ngưỜi khuyết tật phần I cá nhân ngưỜi khuyết tậT
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO
stories -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ ngh ĩa việt nam ban an toàn giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
stories -> BỘ CÔng thưƠng số: 1057/QĐ-bct cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
stories -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
stories -> Đôi lời Ân tình

tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương