Trương Dưỡng Một Cánh Hoa Dù Hồi Ký Hồi Ký Một Cánh Hoa Dù



tải về 1.4 Mb.
trang14/17
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích1.4 Mb.
#27293
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

b). Xuất Viện Về Nhà.
Sau khi về nhà được một tháng thì có Tý, chồng của cô Tánh, là em họ của bà xã đến thăm. Tý ở Chợ Lớn là tay buôn bán lành nghề, chú chỉ tôi cách sinh lợi là thu mua sắt vụn rồi sẽ đưa người tới chở đi bán cho hãng nấu thép. Lúc đó nhờ mới trúng số nên có tiền mở địa điểm mua sắt vụn tại nhà.

Gia đình binh sĩ nghe tin, vội đem mấy thùng phuy lủng, vỉ sắt mục sét, đồ sắt vụn,... đến cân bán ào ào, chẳng mấy chốc sân bên hông nhà chất cao ngất toàn là sắt phế thải. Tý gọi người đem xe tới chở được vài chuyến thì sắt vụn trong trại gia binh hết sạch, đành phải kiếm nghề khác. Lúc đầu An Ninh định cản trở họ mót sắt vụn ra kiếm thêm chút cháo, may nhờ Thiếu tá Triệu (sau khi chữa hết phỏng về làm Chỉ Huy Tổng Hành Dinh) can thiệp nên tôi cũng kiếm được chút ít (cám ơn nhiều nhe anh Triệu). Lúc đó Đại Úy Võ Tính, sĩ quan truyền tin, cho tôi một cuộn dây và Thiếu tá Ngọc, Tiểu đoàn trưởng TĐ2ND, cho người kéo dây điện thoại xuyên qua doanh trại tiểu đoàn, nhờ vậy tôi ở nhà mà cũng có thể liên lạc được bạn bè. Có một phế binh đã giải ngũ chạy xích lô, thay vì đem xe vào nhà ở trong trại Hoàng Hoa Thám, anh đã đem gởi tại nhà tôi, để buổi chiều cậu em vợ, chở đi vòng vòng giải khuây.

Một hôm tôi đem cán dao đi hàn ở tiệm trên Hương Lộ 14, gần chợ Tân Bình. Bác thợ hàn cũng là chủ nhà, đang hàn mà mắt đỏ ngầu, thỉnh thoảng có vài giọt nước mắt chảy xuống ướt hai gò má. Tôi tò mò hỏi thăm.

Lấy tay vội lau nước mắt, ông nói:

- Tôi đang nhớ đến thằng con đang đánh giặc ở Thường Đức. Mấy đứa bạn của nó về nói ở đó đang đánh lớn lắm, có rất nhiều thương vong! Tôi sợ nó bị điều gì thì cả nhà sẽ khổ lắm!

- Bây giờ thời chiến loạn, ai cũng phải đi linh?

- Nhà tôi mở tiệm hàn; nó là thợ chánh, còn tôi thì mắt đã loà; từ ngày nó đi lính, mọi chuyện điều bế tắc.

- Con bác đi lính gì?

- Nó đi Nhảy Dù.

- Như vậy là tại nó tình nguyện chứ đâu có ai bắt buộc?

- Nó tới tuổi Quân Dịch, nên đăng lính Nhảy Dù vì hậu cứ ở Sàigòn, gần nhà; vả lại nó cũng thích lính Nhảy Dù nữa.

Tôi trả tiền hàn xong, định bảo Cậu Bảy (em vợ) lái xích lô về. Bỗng tôi chợt nghĩ có thể giúp bác thợ hàn được, nên nói bác thử ghi tên họ và số quân, may ra có thể lo được. Ông lão nghe nói mừng rỡ, như gặp tia sáng dưới đường hầm, nhanh chân vô nhà ghi vội vã. Rồi mặt mày hớn hở, hai tay cầm mảnh giấy đưa cho tôi và nói:

- Nhờ ông giúp đỡ xin cho cháu được về Sài gòn tôi thật biết ơn vô cùng!

Tôi cầm mảnh giấy bỏ túi; vài ngày sau đi lên hướng Bà Quẹo, thấy Tướng Lưỡng đang đứng trò chuyện với các sĩ quan đệ tử ở trước sân. Tôi ghé vô chào, ông hỏi thăm đủ điều, có vẻ rất quan tâm, tôi lúc đó rất cảm động, cuối cùng ông hỏi:

- Dưỡng ở nhà có cần gì cứ gọi thằng Nhu (bạn cùng khóa, hiện làm Trưởng Phòng 1).

Sẵn đó tôi xin Sư Đoàn cấp cho một xe Jeep và một tài xế để chở đi đây đó. Tướng Lưỡng là thầy cũ, ông rất thương yêu thuộc cấp, vì vậy vị Tư Lệnh gật đầu chấp thuận mau mắn:

- Tôi sẽ bảo thằng Nhu lo cho.

Sau khi từ giã mọi người, tôi tiếp tục đi lên hướng Bà Quẹo. Hai hôm sau, tôi gọi điện thoại cho Nguyễn Thành Nhu xin đích danh tên Đặng Văn Y, con của bác thợ hàn.

- Mầy yên chí tao sẽ lo cho, cần gì cứ gọi vào đây.

Nhu là thằng bạn tốt, vì bị thương nhiều lần nên được về làm chỗ không nguy hiểm như lúc còn ở đơn vị tác chiến. Sau ngày mất nước nó đã vượt biển tìm tự do, nhưng chẳng may bị mất tích để lại vợ con còn kẹt lại tại quê nhà!

Một tháng sau, binh nhì Y được về Sàigòn, anh dẫn bố lại và mang theo quà định đền ơn; nhưng tôi từ chối. Sau ngày mất nước, Y thấy cổng nhà bị hở hang, sợ trẻ nhỏ hoặc kẻ trộm vô nhà phá phách; bố anh bảo chở giàn máy đến hàn vá thật chắc chắn. Mặc dù không còn liên hệ thầy trò, nhưng Y thỉnh thoảng vẫn đến thăm tôi, thật có tình có nghĩa!

Hết nghề thu mua sắt vụn, bà xã tôi xoay qua nghề bán gạo, anh chị Hiền có lại ủng hộ dùm một bao gạo thơm. Khi còn ở TĐ9NDø, bác sĩ Hiền là người chịu chơi nhứt trong các bác sĩ Dù mà tôi đã gặp. Lúc mới về đơn vị thay thế bác sĩ Thiện, anh đã hòa mình ngay với sĩ quan trong tiểu đoàn; những buổi nhậu của chúng tôi đều có anh tham gia và tửu lượng khá cao, mọi người đều rất mến anh. Khi nghe gia đình tôi mới qua Mỹ, từ California xa xăm anh cũng gởi tiền giúp và chúc tôi sớm ổn định trong những ngày chân ướt chân ráo tại đất khách quê người. Mặc dù bây giờ anh chị đã khá giả, nhưng nghe nói hễ gặp đám TĐ9 cũ như Mễ, Tâm, Thành là cố mời tới nhà nhậu để hồi tưởng lại những ngày cùng ngồi bên nhau uống rượu đế với khô mực, khô cá khoai, và soài sống chấm mắm ruốc!

Bán gạo được vài tháng thì thua lỗ gần hết vốn, vì không có địa thế tốt, tôi lại chuyển qua nghề bán củi bìa. Một hôm đi ngang qua Tổng Tham Mưu, thấy ngôi biệt thự đối diện có những bó ván nẹp chất đầy sân, tôi ghé vào thấy bên trong họ đang đóng thùng để đựng đồ sành, đồ sứ như ghế đôn, chậu, con voi. Tôi hỏi ông quản lý về việc cung cấp ván nẹp, ông Hai ghi địa chỉ và nói khi nào rảnh sẽ tới bàn chi tiết, vì ông nói củi bìa có thể mót cưa thành những miếng nẹp bản nhỏ mà ông đang dùng và giá thành lại rẻ, như vậy hai bên đều có lợi.

Vài ngày sau ông tìm đến nhà, thấy gia cảnh như vậy, nên khuyến khích tôi làm bàn cưa tròn để xẻ củi bìa thành các miếng nẹp theo thước tấc chỉ định, còn phần vạc bỏ thì để bán củi vụn. Tôi hứa với ông Hai sẽ làm một đợt cho coi thử, nhưng không ai rành nghề thợ mộc! Tôi điện thoại nói Phạm Thái Hóa Khối Bổ Sung, cho mượn thợ mộc tới chỉ những cậu trẻ tay ngang mà tôi thuê như “Thợ vịn”, vì đâu biết có làm được lâu dài không mà kiếm thợ giỏi. Hóa, K20ĐL, cho binh nhì Ninh ra giúp vài ngày, chỉ cho Chương và Thanh cưa ván nẹp. Giao hàng đợt đầu tuy không hoàn hảo nhưng bà chủ và ông Hai đều là người phúc hậu, họ nhận hàng và đặt tiếp.

Sau đó tôi đi tới hai chỗ bán đồ sứ ở đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận và đưa hàng mẫu, ở đây chỉ mua thùng chứ không mua ván nẹp. Sau khi thương lượng giá cả xong, tôi về huy động những người lối xóm đang thất nghiệp. Trong đó có anh Bộ, thương binh Dù bị cụt hai chân, và con của Trung sĩ nhứt Lớn, thuộc cấp của tôi, xúm nhau ngồi đóng gia công (làm nhiều ăn nhiều làm ít ăn ít). Rồi từ tay ngang, tôi ngồi trên xe lăn mà vẫn có thể điều động quản lý mọi việc, bà xã tôi lo đếm tiền, phát lương, và nấu ăn.

Bây giờ làm ăn cũng kha khá, từ việc bán củi bìa, nay đã có hai giàn cưa máy chạy ngày đêm; từ việc bán nẹp giờ đây có thể đóng thùng và nhận vô bao bì xuất khẩu. Thợ đóng thùng từ hai người lên mười hai người, ai cũng cố đóng nhanh để chiều nhận nhiều tiền, phụ giúp gia đình được thêm sung túc. Tôi thì lo kiếm cách làm cho sản phẩm ngày càng tốt đẹp, giá thành phải chăng, và nhất là giữ uy tín, giao hàng đúng hẹn. Cái nào vì di chuyển làm bị hư méo, tôi cho đem về đổi ngay. Nhờ vậy các chủ tiệm đồ sứ đều hài lòng; tiền bạc vô ra, các con có dư đủ; làm tôi quên hẳn mình là người tàn phế, tinh thần vợ chồng tôi lúc đó rất sảng khoái và yêu đời.

Nhưng! Ngày Quốc Hận đến, tôi lại bị Gãy gánh giữa đường!
2. Sau Ngày Quốc Hận
a). Tiêu tan sự nghiệp!
Những ngày cuối “Tháng tư đen”, máy bay của tên nội tuyến đã oanh tạc phi trường; vì sợ liên lụy các con, tôi tản cư qua nhà anh Ba ở Tân Định, thế là:

“Sự nghiệp đang công đeo đuổi

“Nay cũng đành gián đoạn giữa đường!

Toàn dân Miền Nam nói chung, gia đình binh sĩ và quân cán chính đang bị chôn vùi trong biển hận. Con xa cha, vợ xa chồng, loài quỷ đỏ đã gieo rắc bao tang thương, bao khổ hận cho mọi người. Công lao sự nghiệp đã gầy dựng, mới làm lại cuộc đời, sau những ngày bi quan tưởng mình đã vứt bỏ như đồ phế thải. Nhưng chỉ một phút bị tụi Cộng Đỏ cướp giựt sạch. Chúng cho đổi tiền, mọi người đều trở thành vô sản. Mọi người đều chỉ còn 200 đồng, của cải bị tịch thu vào “Quĩ chung” (Cộng sản) để cho các tên đầu sỏ từ Bộ Chóp bu tới những đảng viên thuộc loại “Ba Mươi” từ từ xài thỏa thích.

Dân đen bần cố nông thì “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” còn các ngài thì lúc nào cũng nhân sâm bồi bổ, vì thế lũ ngu dốt nầy sống thật dai để hưởng mọi lạc thú. Người nào cũng quá tẩm bổ, nên đa số chết vì bị tai biến mạch máu não; nhìn mặt tên nào cũng chành bành bóng loáng to tròn như trái bong bóng sắp nổ, so với những người nông dân, thợ thuyền gầy ốm thì thật khác xa như hai thái cực.

Họ ngu dốt vô học thức, nhưng dùng bạo quyền như những chúa trùm Mafia sai khiến đàn em là công an, bộ đội, và cảnh sát đàn áp, đè đầu đè cổ dân đen; mà miệng thì cứ lập đi lập lại như con két về lý thuyết ngoại lai của tên Lenin, người đã bị chính dân Nga hạ bệ. Vì Lenin chủ trương buộc bụng bỏ đói dân đen để dễ cai trị (đói quá còn sức đâu mà phản đối, mấy người tù trong những trại gọi là cải tạo đều đã nếm mùi đau khổ nầy). Còn đảng viên là những tên “Ăn như tu, ở như tù, nói chuyện như lãnh tụ, tới chừng về hưu, mới biết mình ngu”; chúng đã lỡ lầm, mà làm hại dân hại nước!

Sau ngày Quốc Hận, người dân miền Nam đa số bị đuổi đi vùng đèo heo hút gió được gọi là Kinh Tế Mới; những vùng đất đai màu mỡ như khu trồng trà và cà phê ở Lâm Đồng thì dành cho dân miền Bắc, bà con thân thuộc đảng phái vào khai khẩn (đúng là phe đảng). Những người thương mãi giàu có thì bị ghép (chụp mũ) là Tư Sản Mại Bản để có cớ tịch thu tài sản (nhà cửa, cơ sở, vàng bạc,...) đem hết về cho bọn đầu não ngoài Bắc xài. Nhà tôi gần khu Bà Quẹo, thấy rõ tận mắt là họ đã tháo gỡ các máy móc của hãng Dệt Vinatex Co., hãng Bột Ngọt Vị Hương Tố, hãng Mì Ba Cua ViFon, máy móc, tủ lạnh, máy lạnh,...tất cả chở hàng đoàn xe đủ loại để đem ra miền Bắc (đúng là giải phóng miền Bắc). Họ đã tiêu diệt một cách êm đẹp những người mà họ từng gọi là “Vừa là Đồng chí vừa là Anh em” như đám Mặt trận Giải Phóng Miền Nam, đám Thành Phần Thứ Ba. Chính tên thiếu tá công an quận Tân Bình đã khóc nức nở vì thấy bọn Đảng viên miền Bắc quá tham lam, tàn bạo vơ vét của cải giống như quân Mông Cổ .

Tên nào tiếc rẻ đòi chia phần thì bị vô tù hoặc quản thúc như Nguyễn Hộ, Dương Quỳnh Hoa, Ngô Công Đức, Chân Tín,...Những tên tham quyền cố vị chịu làm bù nhìn như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh tấn Phát, Nguyễn thị Bình,..thì được cho ngồi chơi xơi nước; để mặc nhân dân miền Nam, đồng bào ruột thịt của họ, bị những tên “Mông Cổ” đè đầu bóc lột .

Đoạn nầy viết hơi gay gắt vì thật sự tôi là người trong cuộc, đã nếm mùi chế độ nầy gần 9 năm, chứng kiến và tiếp xúc với nhiều tên Cộng Sản mà bản chất từ trong xương tủy của họ chỉ có thể nói gọn bốn chữ là “Lừa thầy phản bạn”. Tôi không thích bàn về chính trị, chỉ muốn nói lên sự thật thôi. Một lãnh tụ mà dốt nát thì hại hằng triệu người.

Trong cuốn Hồi Ký của Lý Phục Huy, vị Bác sĩ riêng theo Mao Trạch Đông suốt 22 năm trường. Ông ta kể lại cách mạng “Bước Nhảy Vọt” làm chết trên 30 chục triệu dân đen. Nguyên nhân vì nghe lời báo cáo láo của cán bộ địa phương là có thể xây lò đất luyện kim (luyện thép) tại nhà, và sẽ sản xuất nhảy vọt hơn các lò luyện thép quy mô tối tân của người Anh, thế là Mao Chủ tịch nhà ta cổ động xây lò tại dân gian, khiến nhà nông bỏ trồng trọt mà chuyên lo luyện sắt.

Rồi lũ quan quyền địa phương, muốn lập công thi đua đạt năng xuất, bắt dân chúng lấy cả nồi niêu son chảo ra nấu luôn. Hết củi thì lấy cánh cửa cột nhà ra xài để nộp đủ số chỉ tiêu cho Trung Ương. Họ đã cổ võ, đốc thúc, và hô hào thi đua tăng năng xuất. Bắt dân đen làm ngày đêm không nghỉ, ai chần chừ thì bị gán tội phản động, xét lại,...! Họ còn phát động phong trào diệt chim; nơi nơi đều đồng loạt khua chiên đánh trống, khiến chim không dám đậu, bay hoài tới gãy cánh, rớt xuống đất bị dân chúng bắt xỏ xâu chất thành đống cao như núi. Thế rồi sâu bọ hoành hành, không còn chim ăn sâu nên mùa màng thất thoát, dân chúng chết đói đầy đường!

Nhưng mấy tên Tỉnh ủy thì lên chức như diều (như Hoa Quốc Phong từ Tỉnh ủy lên làm Thủ Tướng), rồi vì lúa gạo không trồng trọt nên dân phải ăn vỏ cây, kết quả chỉ vì một tên ngu dốt mà hại chết hằng chục triệu nhân mạng.

Ở Việt Nam Chủ Tịch Đảng chưa có bằng Tiểu Học, nhưng miệng thì nói thuộc lòng nói trơn tru như con vẹt:

- Tiến nhanh, tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa.... xã hội (đói rách! ). Hoặc là:

- Đỉnh cao trí tuệ của loài...... người (hay loài vật ?)

Thành tích của những người lãnh đạo được đánh giá bằng những năm tù. Ở tù lâu là coi như có công nhiều với cách mạng. Trong Thép Đen có kể lại chuyện một người Cộng sản già 65 tuổi đang bị tù chung với tác giả, ông Tiến có đưa cho tác giả coi tấm hình chụp chung với Phạm văn Đồng, Võ nguyên Giáp, và Hoàng quốc Việt. Đây là hình cắt trong báo đặc san Đỏ xuất bản tại Pháp, có ghi chú: Bác Tiến là chủ nhiệm còn 3 người kia là nhân viên. Sau nầy ông ta thấy đảng Cộng Sản làm hại dân, hại nước, nên đề nghị sửa sai. Thế là ông bị ba tên thuộc cấp gán tội “Thành phần xét lại” và nhốt mười mấy năm mà vẫn chưa thả. Tình nghĩa thầy trò, chủ tớ, bè bạn, anh em,.... của họ là vậy đó!

Sau khi đưa một đống tiền để đổi lấy hai trăm đồng Việt Cộng, như vậy từ nay phải làm gì để sống? Những người mạnh mẽ còn chịu không kham, huống chi gia đình tôi, cháu lớn mới 7 tuổi, mỗi ngày cứ đọc sách giáo khoa tuyên truyền toàn chuyện vót chông diệt ngụy, bắn máy bay, và râu bác dài như.... khiến mỗi lần nghe tới là nổi sùng. Còn Thiện mới một tuổi thì làm gì có tiền mua sữa, đành cho uống nước lạnh pha chút đường mà chúng tôi thường gọi đùa là “Sữa bộ đội”. Uống riết cháu mặt mày xanh lét, me nó thì phải về quê mua heo con lên Sàigòn bán.

Đồ đạc trong nhà tiêu dần, đồng hồ, Honda, ngay cả nhẫn Truyền Thống Võ Bị (của thằng Măng, bạn cùng khóa, tặng cho lúc gặp nhau ở bờ sông Mỹ Chánh) cũng đem ra bán sạch.

Nhà nhà đều sạch, người người đều xẹp, chính sách của họ đã đi “Đúng hướng”, dân miền Nam càng lầm than thì chúng càng khoái chí!

Hết buôn lợn rồi lại lo quấn thuốc lá để 5 giờ sáng leo xe đò Hốc Môn ra Chợ Lớn dành chỗ trải dưới đất bán chui, hôm nào xui xẻo bị bọn “Mafia con”(cảnh sát hay đám cách mạng 30) ra tịch thu thì sữa bộ đội của cháu Thiện chỉ còn nước lã, chứ tiền đâu mà mua đường! Ngày nào cũng ráng ăn bo bo độn khoai mì với nước mắm (tiêu chuẩn gần giống như cơm tù, vì họ chỉ có nước muối thay vì được nước mắm như dân ở ngoài), nhà là nhà tù, người là kẻ tội, cả miền Nam đang sống như tù tội! Bán thuốc lá cũng không xong, tương lai mù mịt, tôi không giúp được gì cho gia đình, lúc nầy tư tưởng đầy bi quan, tinh thần xuống dốc đến cùng cực!!!

Một hôm Dì Sáu từ tỉnh lên thăm, bà là người phúc hậu tử tế, bị đánh tư sản. Chúng ụp vào nhà lấy hết vàng bạc (mấy trăm lượng), vì bà có tiệm bán vàng và cầm đồ và bị kết tội “Tư sản mại bản”,...Dì Sáu thấy tôi ngồi chiếc xe lăn đã mục nát, nệm lót đã rách nên cho tiền mua một chiếc xe khác làm chân (anh bạn Lê Tấn Huỳnh Long, nguyên bác sĩ TQLC, làm ở bệnh viện Quốc Gia Phục Hồi, định cấp cho tôi một chiếc khác, vì trong kho có mấy trăm chiếc; nhưng tên Sáu Châu không chịu, nói để dành chở ra Bắc (cái gì cũng chở về Bắc!). BS Long tức giận từ chức. Anh cũng bị pháo kích trúng xương sống, nhưng phục hồi được chút đỉnh nên đi nạng được. Qua Mỹ anh đã đổ bằng bác sĩ lại, nhưng ngồi lâu sợ lở mông, nên đi làm bất tiện. Khi qua đây anh chị cũng có làm giấy bảo lãnh USCC cho gia đình tôi, không sợ gánh nặng của nợ, thật là tử tế vô cùng).
b) Làm Lại Cuộc Đời .

Thay vì sắm xe lăn, tôi đã mua một chiếc xe lắc bằng tay. Từ ngày mất nước không có ra ngoài, vì xe xích lô và xe Jeep đâu còn nữa! Hôm nay có xe lắc tay, giống như được tháp đôi chân, như chim sổ lòng. Tôi cùng với cháu Thành (lúc đó được 6 tuổi) quyết định đi dạo một chuyến thật xa. Hai cha con hè nhau lắc xe từ nhà, qua ngang Bà Quẹo, theo lộ đá sỏi tới trường đua Phú Thọ; đoạn đường dài gần năm cây số! Tôi muốn đến thăm thằng bạn già Trịnh Xuân Tiểu, cùng học Trần Trung Tiên ở tỉnh. Hai đứa rất thân từ mấy chục năm trước. Tiểu học sĩ quan Hải Quân khóa 14, vì tánh quật cường không chịu khuất phục nội quy kỷ luật, nên phải trở lại khóa 16 mới được ra Thiếu úy thật sự. Tánh nó rất tốt, lúc tôi còn đang ở trọ tại Phú Nhuận, hắn đến rủ cùng đi lựa mua xe gắn máy hiệu Pusch. Sẵn dịp, Tiểu nói mẹ cho tôi mượn tiền mua luôn xe Mobilet loại tự động mới ra đợt đầu; mặc dù lúc đó tôi chỉ là học sinh đâu có tiền để trả nợ (má Tiểu chuyên cho vay lấy lời, nhưng nó đâu có cho tính phân lãi với tôi xu nào!).

Tiểu biết địa chỉ, nên một hôm đi xích lô tới thăm tôi; nó mượn xe lắc tay để về nhà má ở trước rạp hát Trương Minh Giảng (Tiểu bị phục kích trên giang thuyền và trúng đạn bể xương đầu gối). Nhưng mới lắc tới Ngã Tư Bảy Hiền thì bị xỉu, may nhờ những người đi đường đè xuống cạo gió làm nó hoảng sợ mỗi khi nhìn thấy chiếc xe lắc nầy.

Biết xe nầy không ổn, tôi quyết định bán và tự vẽ kiểu cho anh Học, thợ hàn gió đá, cựu hạ sĩ quan Nhảy Dù, làm một chiếc khác với khung được uốn cong bằng ống nước loại thép tốt. Vì thế xe thật vững chắc, có gắn máy PC-50 và sức chịu đựng cao. Với xe có gắn máy, hằng ngày tôi, cháu Thành, và cháu Vinh ra chợ Tân Bình mua bo bo, đổi mì sợi tại các Hợp Tác Xã, hoặc đến hỏi mua từng nhà. Từ đó có đồng tiền vô ra giúp đỡ phần nào cho gia đình, tôi hết tự ti mặc cảm.

Có lần vô Tân Phú mua bo bo, khi đủ bao thì chở ra Chợ Lớn, qua đường Cầu Tre gập ghềnh khó đi. Hôm đó, vì mua được nhiều, tôi hăng hái chạy tới chạy lui vô Chợ Lớn bán hàng nhiều chuyến. Đến 8 giờ tối về tới nhà, tôi mới phát hiện gót chân phỏng sưng to nặng tới thấu xương (thịt gần như bị chín luôn)! Vì đường gồ ghề nên bao bo bo bị tuột ra sau, đẩy gót chân tôi chạm vào ống bô (ống khói) nóng hực cả buổi, mà cứ tỉnh bơ chạy hoài.

Mặc dù không có cảm giác, nhưng lúc đó trong người tôi cảm thấy rất bứt rứt, khó chịu. Có lẽ vì ống bô quá nóng, khiến máu trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng nóng theo; nhưng vì nghĩ đến hôm nay được đắc lợi, lòng cảm thấy phấn khởi, đâu còn để ý đến bản thân mình, miễn sao làm ra tiền nhiều để gia đình được đầy đủ là cảm thấy vui rồi.

Nhờ ngày nào cũng ngâm nước lá me (đâu có tiền mua “Bô Mát” loại tốt như của BS Niệm đã cho!) để làm tái thịt chỗ vết phỏng, nên một năm (tới một năm lận) mới lành hẳn.

Từ đó tôi lấy miếng ván chận chân cho cách biệt với bô xe. Tuy bị phỏng nặng, nhưng vì sinh kế, nên vợ tôi băng bó gót chân kỹ lưỡng và hằng ngày vẫn tiếp tục đi mua bán bo bo như thường lệ.

Có lần bị nhiễm trùng đường tiểu hơi nặng, phải vào nằm phòng cấp cứu tại bệnh viện Trưng Vương; nhưng suốt đêm đó tôi cứ cảm thấy người bứt rứt, trằn trọc không ngủ được. Sáng ra mới biết chân mình đã bị kiến lửa bu đen nghẹt tới không nhìn thấy mười ngón, chúng cắn nát bấy hai bàn chân suốt cả đêm mà cũng không hay biết! Tôi phải xin xuất viện gấp; lại phải ngâm chân bằng nước lá me thêm vài tháng!

Lúc ở bệnh viện Trưng Vương, nằm cạnh giường có một bịnh nhân người vùng Cát Lái, Thủ Đức; ông bị vết mổ làm độc vì chỉ khâu bị đứt, nên phải nhập viện xin giải phẫu lại. Để có tiền mua chỉ may vết thương, con ông là em Toàn phải nhịn ăn tới mặt mày xanh xao, tay chân run rẫy, đi đứng không vững! Toàn cứ nằm co ro, cố ngủ để cho qua cơn đói. Tôi thấy em tới giờ ăn trưa mà sao cứ nằm hoài, nên hỏi thăm thì biết Toàn là đứa con hiếu thảo, vì tiền túi mang theo đóng cho nhà thương hết, mà không thể bỏ cha ở lại một mình; nền đành ráng nhịn ăn đợi bác sĩ giải phẫu may lại vết thương cho cha. Lúc ấy bà xã tôi có đem theo bánh ú cúng mùng 5 tháng 5, tôi lấy chia cho Toàn ăn. Em mừng rỡ, cám ơn rối rít, tay run run lột lá bánh ít bỏ vào miệng ăn ngấu nghiến trông thật ngon lành. Hôm sau vì bị kiến cắn bàn chân nên tôi xin xuất viện, vợ tôi lấy một ít tiền cho Toàn để làm lộ phí. Tuy số tiền và bánh ú nhỏ nhoi gọi là chia sẻ miếng khi đói bằng gói khi no, nhưng nửa tháng sau, Toàn đã dò được tới nhà để cám ơn và báo tin ba Toàn đã qua đời vì nhập viện trễ quá (tại nhà nghèo cần phải xoay tiền nhập viện, thuốc men thiếu nên vết thương làm độc!).

Chính vì nghĩ đến trường hợp nầy, nên khi mới qua Mỹ, mặc dù tôi lãnh trợ cấp SSI và bà xã cùng cháu lớn đi làm nhà hàng, mỗi đêm được $20.00; nhưng cứ vài tháng là chúng tôi gởi về cho những người nghèo ở Việt Nam (mỗi lần $300 chia cho 10 nhà, chính anh Quách Vĩnh Trường, anh Triệu, và Lâm Sanh Kim đã đem phân phối dùm). Có lần anh Triệu cũng được 1 phần là $30, vợ anh dùng làm vốn nhỏ và ra chợ Tân Bình mua bán áo quần cũ; nhưng bị bọn Cách mạng 30 tìm cớ tịch thu, còn nhốt 2 mẹ con vào tù (con anh Triệu mới sanh cần sửa mẹ nên cũng nếm mùi ở tù!!)

Ra ngoài tôi mới biết có rất nhiều cách để làm ra tiền, khi mua bo bo ở một nhà nọ, thấy có một cái máy xay bột (hoặc bo bo) đang trùm kỹ. Tôi hỏi mua với giá rẻ, vì họ muốn trống chỗ nên bán đổ bán tháo cho xong. Khi đem máy về nhà, bà xã nói không có thợ làm sao sử dụng được; tôi trùm mền bỏ đó, chờ thời cơ sẽ có dịp dùng.

Thấy mấy người Tàu từ Kampuchia tị nạn ở xóm Tân Việt gần nhà, hằng ngày họ chở từng bao bo bo đi xay thành bột, bán cho các lò bánh mì thùng phuy. Tôi liền mướn cháu Đại, khoảng 15 tuổi, đứng máy để xay bo bo gia công. May quá, máy nầy xay ra bột nhiễn nên được người ta thích, từ đó máy chạy suốt ngày đêm, bà xã tôi rất phấn khởi.

Từ việc xay gia công, tôi nghĩ ra ý mua bo bo về xay để bán bột trực tiếp cho các lò thùng phuy như lò Tám Cảnh ở Ngã Tư Bảy Hiền, Chú Thanh ở Bà Quẹo. Cháu Vinh phụ trách lo thu mua bo bo và liên lạc với những người Khmer tị nạn như ông Si, thằng Hòa, A hắc,...

Cháu Vinh là con của Thượng Sĩ Luông, Thường Vụ của tôi khi còn ở Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù. Sau ngày mất nước, thấy không ai săn sóc và gia đình đơn chiếc, cháu Hảo đã đi vùng Kinh Tế Mới, ông cho con gái 15 tuổi là cháu Vinh qua phụ vợ tôi mà không đòi hỏi lương bổng (nhưng chúng tôi vẫn trả tiền và tăng dần mỗi khi làm ăn thăng tiến). Thượng sĩ Luông là người rất trung thành, ông đã bị thương lủng mấy khúc ruột rất tội nghiệp. Các con ông người nào cũng ngoan và giỏi.

Một hôm ba của Tiêu Anh, bạn học Trần Trung Tiên, đến chơi. Ông là chủ lò bánh mì ở Trung Chánh, trước kia chuyên cung cấp bánh mì cho Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Ông thấy có máy xay bột nên đưa ý kiến, mua xác khoai mì về xay nhiễn cung cấp cho các lò bánh mì làm bột áo thoa tay.

Thấy thị trường bo bo hơi hạn chế, người Khmer tị nạn cũng làm máy xay gia công. Do đó tôi đi Hố Nai mua xác mì về xay bán cho các lò thùng phuy; Rồi tôi đem mẫu cho các lò bánh mì lớn. Lúc đầu thật khó khăn, vì họ có người bỏ mối sẵn. Nhưng tôi không nản chí, cố gắng tìm xác mì trắng, rồi cứ đi vòng vòng từ các lò Nguyễn Huệ,... ở Phú Nhuận, tới lò Đồng Khánh ở Chợ Lớn. Lúc đầu được một lò, rồi hai, ba, bốn,...dần dần hầu hết các lò ở Sàigòn đều là khách hàng của tôi.

c). Kinh Doanh phát triển.
Vì máy ở nhà quá nhỏ, nên tôi phải vô Cầu Tre bao luôn nhà máy Quốc Doanh của ông Tám, họ lãnh xay ngày đêm mới kịp giao đúng hẹn cho khách hàng. Nhà máy nầy khá lớn, nhưng vì mới nên chỉ có hai người đặt xay gia công.

Anh Hào thì xay xương bò và trấu trộn cám cung cấp cho các tiệm bán thực phẩm gia súc; tôi thì cho chở từng xe vận tải xác mì cung cấp bởi anh Hùng, chủ thầu xác và bột khoai mì ở làng công giáo Hố Nai. Công nhân trong nhà máy ưa nói đùa:

“Xay xác ông Dưỡng xay xương ông Hào”!

Ngày nào tôi cũng chạy theo xe Lam của chú Hoàng đi giao hàng khắp nơi. Còn Cháu Vinh thì đi theo xe ba bánh gắn máy của chú Hiền chở bột áo đi giao vùng khác (hai xe nầy bao chở mối thường xuyên cho tôi). Lúc nầy khách hàng nhiều mà bọn nhà máy quốc doanh làm việc không đàng hoàng, đôi khi sai hẹn, và chúng còn định xay lén dành mối, đâm sau lưng khách hàng mình (vì chủ trương Cộng Sản là bất chấp mọi thủ đoạn, miễn mình có lợi là được rồi). Các nhà máy do người Hoa Kiều ở Chợ lớn thì làm ăn rất có uy tín, nhưng họ đã có khách hàng sẵn nên không nhận thêm của tôi được.

Vì thế để tự xay xác mì tại nhà, tôi vô Chợ Lớn đặt cái máy xay to lớn, đường kính khoảng 8 tấc, mua Motor 25 Ngựa, dùng thùng phuy chẻ và tôn cũ làm vách để ngụy trang (vì làm rùm beng sẽ bị thuế nặng và bên Phường qua làm tiền hoặc gây nhiều khó dễ. Lúc mới mất nước bên Phường có cho Công An qua nhà điều tra đủ thứ, tên nầy thấy tôi còn băng bó đầy mình nên mới để yên).

Nhà tôi có sân rộng, bên cạnh là một lô đất trống (mỗi lô là 8x20 do SĐND cung cấp, trước kia đã mua được 1 lô, chỗ tôi đang ở là xây cất trên lô của Đại úy Vị, đã nói ở Chương Ba). Vợ tôi trồng cây ăn trái như ổi, mít, dừa, mảng cầu, đào lộn hột,..Sau ngày Quốc hận, có lần bên Phường mượn sân trống đặt bàn làm thẻ cử tri; lúc đó tên Mừng, Trưởng Ban An ninh, thấy bà Bảy là cô của hắn đang ở nhà tôi, nên sau nầy dễ chịu không cho người dòm ngó kiểm tra ngầm nữa.

Bà Bảy là chủ nhà cũ của tôi, bà rất thương tụi nầy, sau ngày mất nước bà hay lên thăm và ở chơi vài ngày; chúng tôi thường cho tiền bà tiêu vặt. Lúc nầy hơi khá, con cháu của bà kẹt tiền, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ. Còn bà thượng sĩ Bạc vì mấy đứa con trai đi nghĩa vụ, nên lúc kẹt cũng qua hỏi mượn, chúng tôi không bao giờ do dự; vì họ từng giúp đỡ gia đình tôi nhiều phen. Ở Sàigòn chúng tôi coi gia đình bà Bạc, Bà Bảy, cụ Hoàng, anh Nhàn, Thượng sĩ Luông là những người bà con tốt. Vợ tôi rất nể trọng những người nầy.

Nhà máy xay bột được dựng lên do những tay ngang, bà xã thì lo tráng nền; Tâm, Thành, Thiện, và cháu Vinh phụ trách khiêng và trộn hồ. Nhằm đúng ngày chú Hùng ở Hố Nai tới thâu tiền xác mì, thấy thợ nhà làm lồi lõm nên ngứa mắt; anh xăn quần áo nhào vô phụ tráng nền. Thế là nhà máy cũng xong, điện ba dây thì câu nhờ với chị Hai (vợ của cố Trung tá Vinh, cựu Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Nhảy Dù). Vợ tôi may cái mùng chứa hơi bằng vải kaki trắng to giống như khinh khí cầu, rồi đóng thùng chứa bột bằng ván ép, không thua vì thợ mộc.... mới học nghề! Cháu Vinh, Đại, Nhân, Tâm, và bà xã,...là những công nhân thường trực của “Nhà máy xay bột tư doanh” vừa mới dựng bảng hiệu Phát Lợi và khai trương nầy.

Mọi việc đều êm đẹp, vợ tôi vừa làm thợ mộc, thợ máy, thợ điện, và kiêm luôn thợ nấu ăn cùng quản lý tài chánh. Đàn bà mà, thấy tiền vô như nước, đếm hoài không biết chán, nên làm

việc rất hăng, còn muốn mọc thêm nhiều cánh tay để tăng gia sản xuất. Vì khách hàng tới hối thường xuyên, nhiều khi phải làm suốt đêm để giữ đúng hẹn! Xay bột dính đầy đầu mà cũng ham. Có lần vì mưa dột ướt áo quần; Nhi, đang xay bột, đứng lên vén tóc, thì tay ướt chạm nhằm dây điện, nàng bị giật té cái rầm, ngã nguyên con trên sàn bột, thật nguy hiểm vô cùng!

Tôi thì lo chạy vòng ngoài, lúc đi xa lộ đón mua bột và xác mì, chẳng may xe bị gãy cốt gần rơi bánh sau. Cháu Thành (lúc đó được 8 tuổi) phải hì hục đẩy xe từ bên kia dốc cầu xa lộ. Cầu nầy dài khoảng 1000 thước và dốc rất cao! Tội nghiệp cháu nhỏ tuổi ốm yếu mà phải đẩy chiếc xe cọc cạch nặng nề, tôi thì không thể xuống để xe nhẹ bớt phần nào! Đã vậy lại còn gặp thêm chuyện xui xẻo nữa chứ.

Số là khi Thành đang lo cặm cụi đẩy xe lên dốc, tới gần giữa cầu có cục đá to; tôi vừa lo lách tránh, chưa kịp kêu thì chân cháu đã vấp vào, làm ngón cái bị trúng chảy máu ròng ròng; mà Thành vẫn phải bậm môi, cắn răng nhịn đau tiếp tục đẩy. Vì nếu ngừng thì xe tuột dốc càng nguy hiểm thêm. Lòng tôi lúc ấy đau đớn đứt ruột! Cháu cứ để cho máu chảy và tiếp tục đẩy thêm gần 1 cây số tới phía bên nầy dốc cầu mới có chỗ sửa xe,và kiếm thuốc băng tạm vết thương!!!

Thật là tội nghiệp con hết sức, mới từng ấy tuổi đầu mà đã chịu nhiều đắng cay! Ở cái tuổi đó, đáng lẽ chỉ lo đi học và vui đùa, còn cháu thì phải ngày đêm dầm mưa phơi nắng theo phụ giúp người cha tàn phế trôi nổi đó đây!

Lúc tôi ra ngoài, bên lưng lúc nào cũng dấu một cái bóp nhét đầy tiền. Mỗi lần đi đâu đều có Thành theo phụ đẩy cho máy nổ khi xe khởi hành. Hai bố cháu ăn uống ngoài đường ngoài xá, có bữa đi từ sáng tới chiều tối mới về tới nhà; vì ngồi lâu nên một trái thận bị hư, coi như ngưng hoạt động.

Yên, em trai của Sơn, tốt nghiệp đại học, vì muốn tự chữa bệnh cho mẹ và anh, nên đã đi thụ huấn về châm cứu và bắt mạch định bệnh ngành Đông y. Lúc đó thuốc Tây rất hiếm và rất mắc tiền, chính quyền Cộng Sản toàn cổ động dùng cây cỏ trị bịnh như cây Xuyên Tâm Liên, cây Sống Đời, lá Tía Tô,...

Một hôm Yên đến thăm và thử bắt mạch cho tôi, chú hỏi:

- Anh đã cắt bỏ một quả thận bên trái rồi phải không?

- Anh đâu có giải phẫu thận !

- Như vậy là anh đã bị hư một trái thận rồi!

Yên chỉ tôi cách bắt mạch, lấy ngón tay trỏ rờ vị trí tượng trưng cho mạch thận, trầm sâu dưới cổ tay; nhưng không thấy nhịp đập chút nào hết. Nguyễn Trọng Nhi, bạn cùng khóa, trước ở TĐ8ND, cùng với Bác sĩ Nhiếp, cả hai vừa ra tù, đến thăm và bắt mạch cũng nói y như Yên. Bác sĩ Nhiếp lúc trong tù cũng nghiên cứu về Đông Y Châm Cứu như Nhi, anh và bác sĩ Dũng (bác sĩ chữa bịnh cho gia đình tôi, phòng mạch ở Hương lộ 14) là những bác sĩ Dù tài giỏi và chịu chơi như Bác sĩ Hiền và BS Thiện ở TĐ9ND lúc trước.

Từ đó, mỗi ngày tôi có mời chú Tuyển tới châm cứu, vì thận hư làm chân sưng và lở loét thật khó chịu, tối nằm ngủ chỉ nghiêng được một bên. Tuyển thấy vậy mời ông thầy của chú, đang làm Lương Y cho Quận Tân Bình.

Ông ta đã bắt mạch xong liền nói:

- Tôi bổ một “Đại Thang” lúc uống phải từ từ coi có bị phản ứng không; thuốc nầy rất mắc tiền, anh ráng thử coi?

Tôi gật đầu ưng chịu và đưa tiền (tương đương năm chỉ vàng) để bổ thuốc. Thang thuốc nầy chỉ gồm có hai thứ dược thảo, đó là “Nửa ký” Thục Địa và nửa ký thuốc gì mà tôi không nhớ rõ tên, đem sao thủy thổ; rồi nấu 4 chén còn lại một chén. Khi uống thuốc có lẽ bị ám ảnh sợ phản ứng (vì tôi đã từng bị phản ứng khi chích Pénicilin và uống Ambicilin) nên tim hơi hồi hộp. Uống hết chén thuốc thì người tôi hơi nóng, đầu óc lâng lâng; vài ngày sau rờ thử mạch thận thì thấy nó đập trở lại, chân bớt sưng và vết lở cũng kéo mặt lành dần. Ông thầy bắt mạch hớn hở ra mặt, quả thật là than thuốc hay, nếu Tây Y thì chỉ đợi thay ghép thận thôi, biết mình yếu thận nên tôi cữ ăn mặn và uống nước nhiều. Mỗi lần nước tiểu bị nhiễm trùng là vội uống trụ sinh để tránh hại tới thận.

Bây giờ bán bột áo và bo bo cũng khá, nhưng thấy các lò thùng phuy tiêu thụ bột mì rất nhiều; nên tôi liên lạc với một vài chủ lò để trao đổi bột bo bo với bột mì. Giai đoạn mua bán bột mì lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn, sau nhờ giữ uy tín nên các chủ lò giới thiệu cho nhau nên tôi làm ăn càng ngày càng phát đạt.

Nhớ lại lần đầu muốn mua hai bao bột, 5 giờ khuya, tôi và cháu Vinh chạy lên Phú Nhuận canh lò vừa mở cửa để chồng tiền mua 2 bao bột (mỗi bao giá 2 ngàn đồng tương đương một lượng vàng). Lúc đó bà chủ tăng giá bất ngờ nên thiếu 100 đồng, tôi đòi thế chiếc xe đạp của cháu Vinh đang cỡi để về nhà lấy thêm tiền. Bà chủ lò không chịu, chỉ bán cho một bao, tôi vừa chở bột về vừa tiếc rẻ và tủi hổ; nhưng chỉ nửa năm sau, chính bà chủ đó và nhiều chủ khác dám bán chịu cho tôi mỗi lần một tấn (20 bao tương đương 20 cây vàng!).

Dần dần tôi đã tạo được uy tín, lúc đầu có ông chủ vì kẹt bột dư trong lò lâu ngày chưa đem ra được (các lò thường làm bánh nhỏ hơn chút đỉnh hòng có bột dư bán lén cho các lò thùng phuy, để kiếm chút cháo. Vì lò nào cũng bị quốc doanh, họ tức mình là chủ mà bị nhà nước quản lý, đúng là cướp cạn!). Sắp tới ngày kiểm kho, ông ta đang lính quýnh, thì vừa đúng lúc tôi đến giao bột áo; ông bảo đút xe Lam vô chở đám bột thặng dư đi bán dùm, giá bao nhiêu cũng được. Tôi làm theo, chở bột đem giao cho vựa ở Chợ Vườn Chuối, và đợi vựa bán ra chút đỉnh mới đủ tiền trả tới 20 chục cây lận!

Mãi tới gần 11 giờ đêm tôi mới đi tới nhà, để đem tiền tới giao lại cho chủ lò. Nửa đêm nghe tiếng gõ cửa, ông ta giật mình kinh sợ (Công An thường tới bắt người nửa đêm), chừng thấy hai chú cháu mới an tâm, đếm tiền xong ông ta nói:

- Tại sao anh không để sáng đem lại cũng được?

- Đây là số hàng lớn, tôi sợ ông lo suốt đêm.

Thấy tôi hiểu thấu tâm can, mặt ông vui vẻ và nói:

- Anh làm ăn rất có uy tín, tôi sẽ giới thiệu các chủ lò khác. Vì thấy tôi không bắt chẹt và trả tiền bột cao giá hơn những người khác, nên lần nào có bột dư ông cũng đích thân lái Honda tới nhà gọi; rồi các chủ lò khác nghe tiếng cũng lần lượt đến kiếm (trước kia tôi phải đến từng lò bánh mì, bây giờ thì các chủ lò đích thân đến nhà tôi). Thế là việc bán bột còn thu lợi khá nhanh hơn xay xác mì nữa. Tiền vô ào ào, tháng nào tiêu chuẩn cũng phải sắm một cây vàng. Có tiền thì nghĩ tới đi chui, tôi cho cháu Tâm theo cậu Hai Lâm Ál; người lái tàu là Trịnh xuân Tiểu. Ra khơi được 3 ngày thì gặp bão nên tấp vô và bị tóm ở Hòn Khoai, Cà Mau.

Cháu Tâm trên thuyền cùng với cháu Vũ, con anh Hai Ál, rảnh rỗi ra be thuyền nhìn nước biển và kể lúc ra khơi thì gặp nước màu vàng, màu xanh, màu đen. Rồi đột nhiên thấy ngược lại màu đen, màu xanh, màu vàng, và đụng bờ bị Việt Cộng bắt cả đám, tịch thu hết vàng bạc và đồ quí đem theo. Tội nghiệp Tâm lúc đó mới 10 tuổi đầu mà cũng nếm mùi tù, ăn cơm muối hơn một tháng (con nít ở chế độ Cộng Sản cũng bị tù như thường). Tiểu bị tù vài năm và bị tịch thu nhà cửa! Sau nầy anh Hai Ál làm thêm một chuyến nữa, tôi lại bị mất hơn chục cây mà cũng không xong, thôi đành tìm cách khác.

Lúc ấy nhân dịp năm Quốc tế người tàn tật, có diện cho xuất cảnh chữa bịnh, tôi nhờ anh bạn tốt là cựu Thiếu tá Phòng Ba SĐND tên Lâm sanh Kim nộp đơn thử. Mặt khác vận động bạn bè ngoại quốc nhờ làm giấy bảo lãnh USCC. Tiến hành như vậy giống như là nước lã mà khuấy nên hồ; vì không có ai thân thuộc trong diện tứ thân phụ mẫu đang ở ngoại quốc như những người khác! Nhưng không hiểu sao ý chí tôi tin tưởng và quyết tâm lo vụ nầy một cách tích cực!



Каталог: stories
stories -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
stories -> -
stories -> TỜ khai thông tin của ngưỜi khuyết tật phần I cá nhân ngưỜi khuyết tậT
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO
stories -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ ngh ĩa việt nam ban an toàn giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
stories -> BỘ CÔng thưƠng số: 1057/QĐ-bct cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
stories -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
stories -> Đôi lời Ân tình

tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương