Trương Dưỡng Một Cánh Hoa Dù Hồi Ký Hồi Ký Một Cánh Hoa Dù


d). Giải vây trại Bến Sỏi



tải về 1.4 Mb.
trang11/17
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích1.4 Mb.
#27293
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17

d). Giải vây trại Bến Sỏi

Về tới Sàigòn, Đại úy Vị, vừa chuyển đến tiểu đoàn mấy tháng, nay lại đổi đi làm Liên đoàn trưởng Địa phương quân. Tôi nói anh bán lại miếng đất ở Cổng C, do Sư Đoàn cấp cho những sĩ quan thâm niên trên 10 năm. Anh Vị bảo:

__ Bán gì, mầy dẫn tụi tao đi nhậu một chầu là xong.

Thế là ngay trong buổi chiều hôm đó, chúng tôi (Bảo, Tâm, Thành, Phước, Vị, Dưỡng,..) đưa nhau ra Chợ Cũ, vào quán Nam Việt, thưởng thức món Dê Hà Nàm. Ăn xong, tất cả kéo đi tắm hơi tại đường Bùi Hữu Nghĩa, Chợ Lớn.

Ở hậu cứ được một tháng, tiểu đoàn lại di chuyển lên Tây Ninh (Sư đoàn Dù lúc đó có 8 Tiểu Đoàn tác chiến và ba Tiểu đoàn Pháo binh, sau nầy có thêm TĐ11ND, và 3 đại đội Trinh Sát. Cuối cùng còn thành lập cấp tốc thêm Lữ đoàn IV. Các đơn vị thay phiên nhau ra vùng I, Vùng II, và Vùng III, thường cứ đi hành quân 2 tháng thì về Sàigòn 1, 2 tháng tùy theo tình hình). Mấy ngày nay địch tung quân tấn công và bao vây trại Lực lượng Đặc Biệt Bến Sỏi. Tiểu Đoàn 8 Dù của Trung tá Thọ (người sau nầy bị bắt tại căn cứ 31 ở Hạ Lào), hôm qua vừa đổ bộ trực thăng xuống tiếp viện, thì địch phục kích sẵn tại bãi đáp, và bị tổn thất nặng (trên 100 vừa chết và bị thương!).

Chúng tôi được lịnh cấp tốc nhảy vào tiếp ứng Tiểu đoàn 8, và giải vây trại bến Sỏi. Bãi đổ trực thăng là đồng trống (bãi đổ của Tiểu đoàn 8 xung quanh toàn lau sậy), ở mặt phía Tây chòm nhà thuộc khu Bến Sỏi. ĐĐ 91 nhảy xuống đầu tiên, vừa rời khỏi trực thăng chúng tôi đồng loạt hô xung phong, vừa bắn vừa chạy vào làng (dân chúng đã bỏ nhà khi địch đến). Thật may, không có ai thủ mặt nầy, chúng đang bận cầm cự với Tiểu Đoàn 8 ở mặt phía Đông, sát bờ sông Vàm Cỏ, và một số đang bám vào xung quanh trại Bến Sỏi.

Địch quân không ngờ chúng tôi được điều động tăng viện nhanh như vậy, nên thu dọn rút chạy. Các Trung đội tiếp tục tiến nhanh về hướng trại lính, chúng tôi truy quét xung quanh, thấy có những nồi cơm còn đang nấu chưa chín. Tới cạnh bờ Tây Bắc của Trại thì gặp địch kháng cự, binh sĩ dùng hỏa lực hùng hậu bắn trả. Thấy tiếng súng địch thưa thớt, Tường, Phấn, Trọng, và Trứ cho từng tổ bắn yểm trợ, chiếm từng nhà một, vì trong làng khó đánh, cần cẩn thận tối đa để tránh thương vong.

Mãi tới chiều mới bắt tay được với anh em Biệt Kích trong trại Bến Sỏi, tôi thấy anh Trưởng Trại đang ngồi ngã ngửa trên ghế cao coi chúng tôi đánh giặc. Có lẽ vì trại quá kiên cố và thường bị bao vây, lúc nào cũng có các đơn vị Nhảy Dù thiện chiến đến cứu thì làm sao anh ta chẳng yên tâm được. Sau khi bắt tay xong, chúng tôi chuẩn bị kiếm chút gì bỏ bụng, bây giờ mới biết đói. Cả ngày cứ lo đánh giặc đâu nghĩ tới bao tử còn trống rỗng. Nhưng vì lệnh tiếp viện khẩn cấp (cứu binh như cứu lửa), binh sĩ đâu kịp nhận tiếp tế lương thực, may còn có nồi cháo trắng của địch, Hạ sĩ Năm nhanh tay múc cho tôi một chén cháo của VC để lại, binh sĩ cũng lục lạo kiếm gì bỏ bụng cho qua đêm nay, vì ngày mai sẽ có tiếp tế.

Đang chuẩn bị cởi giày nằm nghỉ, thì tiểu đoàn lại truyền lệnh chuẩn bị di chuyển đêm. Lúc đó vào khoảng 11 giờ khuya, tất cả bắt đầu xuất phát, Đại đội tôi được lệnh dẫn đầu (lại đi đầu, giữa đêm khuya dễ bị phục kích, nguy hiểm lắm! Không biết tại Đại đội mang số 1 hay tại tôi có khả năng địa hình?). Tôi tức giận vì cả ngày đánh nhau mệt mỏi và đói meo do chưa kịp tiếp tế, chỉ một chén cháo mà thấm vào đâu, nếu địch bỏ độc vào cháo thì kẹt rồi (vì thấy lửa còn đang cháy dưới nồi, chắc họ không kịp bỏ độc, nếu có thuốc)! Định nằm ngủ cho quên đói, bây giờ lại phải đi đêm khuya, vào chỗ vô cùng nguy hiểm, nơi Tiểu Đoàn 8 vừa bị địch độn thổ phục kích trong bãi sậy hôm qua! Tôi cho Trung đội 1 của Tường đi đầu, vì khinh binh Võ rất giỏi địa bàn, anh sẽ dùng vạch lân tinh để định hướng đêm. Tôi phải lên đi kế bên Võ để kiểm soát phụ hướng đi, chúng tôi đi quẹo qua lại theo đồng trống, không dám vô sát bìa rừng, sợ địch phục quân ở trong đó. Anh Bảo đi mút đàng sau, cứ gọi máy hỏi nầy nọ, tôi chỉ bấm ống liên hợp hoặc thổi gió như để trả lời. Suốt 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đi trong lặng lẽ, sợ gây tiếng động, lỡ bị địch biết rồi từ hai bên rừng cây bắn ra thì thật là nguy hiểm.

Lúc nầy ai nấy đều quá kiệt sức, chỉ cần một trung đội địch, là có thể làm điêu đứng cả tiểu đoàn quá uể oải nầy rồi! Sau khi băng qua con suối, thì đồng hồ đã chỉ 4 giờ sáng, nơi đây cách mục tiêu khoảng 1 cây số, có lẽ Tiểu đoàn trưởng cũng đã quá đừ, nên cho lệnh dừng quân. Tôi mệt quá không thèm nghĩ đến bố trí phòng thủ hay canh gác gì hết, nằm đại xuống đất ngủ một cách say sưa.

Vừa chợp mắt chưa được 15 phút, bỗng nghe tiếng súng nổ dưới bờ suối, thì ra Thượng sĩ Sơn Bum đã dẫn toán An ninh xuống lấy nước và gặp mấy tên VC cũng đang tới bờ suối, hai bên đụng nhau, anh Bum lấy được vài cây súng địch, có lẽ tại địch không may, bất ngờ gặp phải vị thượng sĩ già, kinh nghiệm từ chiến trường Điện Biên ngoài Bắc.

Đến 7 giờ sáng (nếu ở nhà thì chắc ngủ bù tới trưa) tiểu đoàn chuẩn bị đi tiếp ra hướng Bến Gò Nổi, Đại đội tôi bọc hậu, đi tới xế chiều, Trung tá Nhã gọi tôi qua máy truyền tin:

- Duy Tân đây Sơn Thủy!

- Duy Tân tôi nghe Đích thân.

- Tôi để dành cho anh nón sắt nước ở trên miệng giếng.

- Duy Tân nhận rõ, cám ơn đích thân.

Đi được một đoạn đường, thấy cái giếng, bên trên có một nón nhựa, tôi mừng quá thầm cám ơn vị Tiểu đoàn trưởng tốt bụng; biết tôi bị khát nước từ đêm qua tới giờ, vội chạy tới giếng, định bưng nón nhựa lên uống thì giựt mình khựng lại, vì ở trong đó là nước sình đục ngầu; nhìn xuống giếng thì toàn đất sình không! Nhưng khát quá nên cũng hớp đại, binh sĩ mỗi người uống một hớp đỡ khát. Có người lấy nước dưới hố bom, khi uống xong nhìn kỹ thấy có xác chết sình ở sâu dưới đáy, nên ói ra mật xanh mà cũng còn thấy gớm.

Tới 4 giờ chiều thì đến bến Gò Nổi, Trung sĩ Phượng chở tiếp tế bằng tàu thủy. Đặc biệt kỳ nầy mỗi đại đội được một cây nước đá, lúc đang khát mà ngậm được cục nước đá thì thật là mát thấu ruột gan. Sau khi nhận tiếp tế và các binh sĩ nấu ăn xong, Đại đội 91 qua nằm tiền đồn bên kia con rạch nhỏ, phía Bắc và cách bộ chỉ huy Tiểu đoàn khoảng 2 cây số, ĐĐ92ND thì nằm tiền đồn hướng Tây, ĐĐ93ND ở hướng Nam, ĐĐ90ND, và ĐĐ94ND thì đóng tại bến Gò Nổi .

Vị trí đóng quân của tôi là một đám rừng rậm, gần chỗ Tiểu đoàn 8 Dù bị phục kích hôm qua. Vì đây là nơi hung hiểm, nên tôi đích thân phân chia phòng thủ, kiểm soát các vị trí đại liên, dặn các trung đội gài mìn claymore, mìn chiếu sáng, và bẫy lựu đạn. Rồi cùng với sĩ quan tiền sát điều chỉnh các hỏa tập cận phòng.

Đang bận rộn thì viên Trung úy cố vấn đại đội tới hỏi: “Tại sao tôi đóng quá rộng (quá phân tán) như vậy?” Thấy anh ta chết nhát muốn đóng dồn cục cho đỡ sợ, sống chết mặc bây, miễn sao bảo vệ cho mình an toàn; cứ trông mong ngày tháng hết hạn mau để rút về nước tránh nguy hiểm.

Tôi tức giận bảo nó: “Mầy mới ra trường chưa kinh nghiệm chiến trận, về bảo thầy mầy qua học tao nè”. Hắn thấy tôi giận dữ, một phần vì sợ đi theo đại đội nằm tiền đồn nguy hiểm, nên báo về Cố Vấn Trưởng ở Bộ chỉ huy Tiểu đoàn, sáng hôm sau anh ta được rút về ở chung với Tiểu đoàn.

Nửa tháng sau, Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn vào đóng ở Trảng Lớn, Đại đội tôi đi nằm tiền đồn sâu trong Quận Thanh Điền, gần Bến Gò Nổi, phía Đông sông Vàm Cỏ. Binh sĩ biết khu nầy đầy VC (Việt Cộng), họ bắt chước địch, ai nấy đều đào hố chiến đấu có nắp che chở mảnh B-40. Đêm đó chúng tôi bị địch bắn B-40, Ak-47,... vào vị trí đóng quân, mọi người ra hố chống trả mãnh liệt, tiểu đoàn cho bắn soi sáng khắp vùng, sĩ quan Tiền sát gọi pháo binh bắn các hỏa tập cận phòng. Cũng may nhờ hầm có nắp che nên chỉ một vài binh sĩ bị thương. Trong đó khinh binh Võ bị viên đạn xuyên ngực khá nặng, sau khi địch thấy chúng tôi phòng thủ kiên trì, lại bị pháo binh bắn hiệu quả quá, chúng rút lui qua bên kia sông.

Tôi gọi tiểu đoàn xin trực thăng tản thương, nhưng nghe tiếng anh Bảo nói trong máy:

- Mầy đuổi Mỹ, bây giờ năn nỉ nó cho máy bay đi ?

- Chết bỏ, tôi không năn nỉ ai hết!

Khoảng 1 giờ khuya, Thiếu tá Bảo đích thân theo trực thăng vào bốc thương binh ra. Gặp mặt tôi, anh cự nự:

- Mầy cứng đầu làm liên lụy tới tao đây nè!

Tôi mỉm cười :

- Xin lỗi đích thân! Tôi đâu có muốn như vây.

Cố Vấn Mỹ, chỉ một vài người có đầu óc bảo thủ, lo an toàn cho bản thân mình, như anh Trung úy vừa nói trên. Đa số người khác đều biết hòa mình với chúng ta, chẳng hạn như Trung úy Smith ở trận vườn trầu vùng Ven Đô. Các anh Sanchez, Sinkovitz, và Takata là những người rất tốt. Sinkovitz mỗi lúc dừng quân trong xóm, thường nói tôi mời các sĩ quan Trung Đội Trưởng tới nhậu. Anh bỏ tiền mua rượu đế, tôi lo đồ nhậu, thật là vui vẻ, nhưng khi chạm địch thì anh tự động xin máy bay tới yểm trợ thật kịp thờ, anh ta đã bị thương nhiều lần. Lúc về hậu cứ, hắn thường rủ Thượng Sĩ Sơn Bum đi nhậu mút mùa.

Takata là người Mỹ gốc Nhật, sinh trưởng ở Hawaii, anh đi quân đội lâu năm leo lên tới cấp bậc Thượng sĩ Nhứt, lúc mới về làm Cố Vấn Biệt Đội Tác chiến Điện Tử (Sensor Detachment), anh đã giúp đỡ rất nhiều. Vì Sư đoàn Dù ủy nhiệm cho tôi đứng ra tổ chức đơn vị nầy, mọi vật dụng đều thiếu thốn. Takata cứ theo hỏi có cần gì không anh sẽ giúp đỡ, tôi nói cần văn phòng phẩm, nhưng anh hỏi cá nhân tôi cần gì, chẳng hạn Tivi, Radio, đồ trong PX,...Thấy tôi cứ lắc đầu từ chối, anh thắc mắc nói khi làm cố vấn các nơi khác, đơn vị trưởng thường nhờ mua đồ lắm, sao tôi không chịu đòi hỏi gì hết vậy. Tôi nói tao cũng rất thích, nhưng vì thể diện dân tộc, không muốn người Mỹ coi thường người Việt Nam, nếu mầy có tốt thì kiếm gì giúp đỡ cho gia đình binh sĩ đi.

Tôi chỉ vui miệng nói chơi, tại vì hắn cứ theo hỏi hoài. Thấy anh cười chúm chím bỏ đi, tôi vội lên Phòng 4 để nộp bản nhu cầu cần thiết về vũ khí, quân dụng, và quân trang của đơn vị tân lập cho Trung tá Huy. Bất ngờ ngày hôm sau, Takata đã lên căn cứ Long Bình ở Biên hòa chở về mấy xe GMC tủ sắt và giường sắt, mọi gia đình quân nhân trong biệt đội đều có. Thấy tôi, anh ta cứ cười mím chi cọp như còn dấu một điều bí mật gì. Khi về nhà mới biết anh đã lén chở ra cho tôi một giường sắt và một tủ sắt như các anh em binh sĩ trong Biệt đội.

Anh có mời tôi lại nhà chơi, thấy chị là người gốc Hoa Kiều, dân Cần Thơ, có học thức, tánh tình hiền lành, ăn nói lễ phép, săn sóc chồng con giống như người Nhựt. Anh là Cố Vấn mà đi đâu cũng hỏi qua tôi, nhằm lễ Giáng Sinh, Takata mua mấy két bia, tôi mua vài con vịt, lấy trực thăng đem lên cho toán coi đài kiểm báo trên đỉnh núi Bà Đen.

Nhân dịp Thanksgiving, anh có rủ tôi và Thiếu úy Tường đến dự lễ của người Mỹ gốc Hawaii tại một Vila rộng lớn ở góc đường Trần Quí Cáp và Trương Minh Giảng, Sàigòn. Họ tổ chức theo tục lệ của người dân bản xứ, những cục than đá to được nung đỏ, nhét vào bụng các con heo đã làm sạch, họ đem chôn heo dưới hầm sâu, rồi lấy lá chuối đậy lên, trước khi lấp đất, heo được phủ kín bằng vải lều. Đúng 12 giờ trưa hôm sau, tức ngày lễ Tạ Ơn, Takata kéo tôi và Tường cùng mọi người cổ đeo vòng hoa, quây quần xung quanh hầm, choàng vai nhau vừa cầu nguyện, ca hát, và nhảy múa, giống như dân tộc Thượng. Sau đó họ cuốc đất và kéo lều vải, lá chuối ra. Heo bị than đá làm chín rục, giống như thịt hầm. Takata đưa cho tôi một dĩa thịt heo mềm, nóng bốc hơi, đụng vào muốn phỏng môi. Thức ăn, rượu, nước ngọt, bom, nho,...thì tự do.

Một hôm nọ, tôi theo máy bay của Thiếu tá Nguyễn Đình Bảo đi thả các máy Sensor ở vùng Damber bên Cam Bốt; trực thăng bị phòng không bắn trúng mấy viên đạn. Takata đang ở trại B-16 hết sức lo lắng và bồn chồn. Lúc máy bay vừa đáp xuống, anh đã chờ sẵn tại phi đạo và vội chạy tới ôm xiết chặt, tỏ ý mừng tôi vừa thoát hiểm, thật là có tình có nghĩa.

Takata rất dễ dãi, có lần ra thăm toán Tác Chiến Điện Tử của Thiếu úy Chinh trên căn cứ Charlie ở Tân Cảnh; chiều về Kontum tôi dẫn anh tới nhà thằng bạn học cũ tên Sủng để ăn món bún nước lèo; vậy mà hắn cũng ăn ngon lành và tối thay vì vô trại ngủ, anh đã cùng tôi nghỉ đêm tại đây nữa chứ! Sủng “Lùn” là thằng bạn thân cùng quê Vĩnh Bình, nó kinh doanh nổi tiếng và giao thiệp rộng rãi tại thị trấn Kontum nầy.

Có lần hắn dẫn tôi và Trung úy Duối, sĩ quan Quân Cảnh 204 Sư Đoàn Nhảy Dù, cùng 2 anh Trưởng Ty vô một buông Thượng nhậu rượu cần với 2 người con vị Tù Trưởng. Người con trai thì hát và đờn Tây Ban Cầm rất hay, giống như Chế Linh; còn cô con gái tên Nhân thì có nét đẹp tuyệt trần, mủi cao, đôi mắt bồ câu đen huyền. Tuy là dân tộc Thượng nhưng cô có nước da trắng mịn màng và đôi bàn tay thon đẹp, giống như sơn nữ Phà Ca hoặc Châu Pha trong các bài hát mà Phương Hồng Quế thường trình diễn. Cô Nhân học lớp Đệ Nhị trường Dòng và nói tiếng Pháp như người Tây rặc. Ngoài nét đẹp sắc sảo, cô còn hát và uống rượu cần rất hay; tánh tình cô thật thà chất phát. Lúc rượu vào và ngà say, Duối và các anh trưởng ty méo mó tay chân khiến cô ta bực mình nói :

- Ông trưởng ty nầy xấu quá! Anh nầy dễ ghét quá!

Cô thấy tôi đàng hoàng nên cứ lại ngồi gần kề sát bên và cứ bảo tôi phụ uống phần rượu của cô (mỗi người tới phiên thì phải núp hết một “Can” bằng ống hút dài tới đáy bình rượu cần). Vì đang hứng chí và được người đẹp nhờ vả, nên tôi cũng tỏ vẻ “Ga lăng”, sẵn sàng “Chở” luôn phần của nàng sơn nử tên Nhân mỹ miều nầy. Rượu cần làm bằng bo bo, vị ngọt nhưng say ngầm; khiến tôi khi về trại tối đó bị say suốt đêm, trong giấc mơ thấy mình cùng nàng sơn nữ đang bay lơ lửng trên mấy tầng mây xanh, vân du khắp non bồng nhược thủy!

Sau khi mất nước, ở Hawaii, Takata tìm kiếm tôi khắp nơi, mãi tới đầu năm nay, nhờ anh Hà cho biết mới liên lạc được, (tôi cũng có hỏi anh Bùi Đức Lạc và nhiều người khác để tìm Takata). Được tin tôi, anh mừng hớn hở, vội gởi quà đặc sản Hawaii. Mặc dù bị suyển nặng, đi đâu cũng mang theo bình dưỡng khí, vậy mà anh cũng định đi xa thăm tôi và gởi cho trước quà kỷ niệm. Trong đó có Poncho Light mà ngày xưa tôi đi hành quân lúc nào cũng mang theo, và mũ Dù cùng nhiều đặc sản Hawaii, anh thật là người chí tình, bây giờ anh đã hưu trí.

Những ngày đóng quân trong căn cứ B-16 ở Tây Ninh, khi nào rảnh rỗi, Nhan thường rủ tôi, Tới, và Minh đi nghe bản nhạc “Qua Cơn Me”â mà 4 đứa đều thích, tại quán cà phê phía sau lưng Tòa Hành Chánh tỉnh.

Trở lại chuyện hành quân, tiểu đoàn hoạt động vùng Tây Ninh được hai tháng thì về nghỉ ở Hậu cứ. Lúc nầy vào cuối năm 1968, nhân dịp lễ Quốc Khánh 1-11-68, anh Thiện, anh Tâm và tôi được thăng cấp Đại úy Đặc Cách. Phấn được thăng lên Trung úy, Trứ thăng cấp Thiếu úy.


e). Mặt trận rừng Long Giang
Nghỉ ở hậu cứ hơn 3 tuần lễ, tiểu đoàn ra Ven Đô một tháng, rồi đi hành quân tại Huế hai tháng trong các vùng Phú Thứ, Hương Điền, Quảng Điền,... chúng tôi chỉ chạm địch lẻ tẻ không đáng kể.

Sau khi về trại Hoàng Hoa Thám nghỉ quân 1 tháng, tiểu đoàn lại chuẩn bị ra quân vùng Tây Ninh. Căn cứ địa của Bắc Việt càng ngày càng bành trướng, có tới 400 ngàn địch thường xuyên trú đóng trên lãnh thổ Căm Bốt. Khiến chánh quyền Lon Nol bị dân chúng nổi lên chống đối. Ông ta cầu cứu Mỹ can thiệp giúp đỡ. Tổng thống Nixon lên đài giãi thích với dân chúng là “Miền Bắc đã tập trung các lực lượng chính quy tại các khu căn cứ có tính cách bất khả xâm phạm ở Căm Bốt, để mở các cuộc tấn công vào lực lượng Hoa Kỳ và Đồng Minh...... Tôi thà làm Tổng Thống một nhiệm kỳ, còn hơn là làm Tổng Thống hai nhiệm kỳ để nhìn thấy sự thất trận đầu tiên của Hoa Kỳ trong vòng 190 năm lịch sử này”.

Rồi ông ta cho lịnh oanh tạc B-52 và mở các cuộc hành quân phối hợp Việt-Mỹ vào Cục R ở trên lãnh thổ Căm Bốt. Nhằm mục đích thanh toán Bộ Chỉ Huy đầu não, đã điều hành tất cả mọi hoạt động quân sự của Cộng sản tại miền Nam Việt Nam. Vì thế quân Việt Cộng như kiến bị động ổ, chạy tràn lan qua các vùng rừng rậm ở Tây Ninh và Bình Long.

Lúc chúng tôi đến thị xã Tây Ninh, thì Tiểu Đoàn 9 được lịnh đi tuần tiểu lục soát địch tại đồn điền cao su ở hướng Đông làng Long Hoa. Đại đội 91 có nhiệm vụ bảo vệ pháo binh. Họ đang yểm trợ Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù hành quân trong đồn điền cao su Bến Đá, phía Đông Bắc quận Khiêm Hạnh. Chiều hôm đó Tiểu đoàn 1 chạm khá nặng, địch quân làm chòi canh trên ngọn cây và bắn tỉa vào các khinh binh, đại đội của Phạm Thái Hóa, bạn cùng khóa, bị chúng cắt làm đôi. Lúc đó Trung tá Phạm Hi Mai, tiểu đoàn trưởng, đang ở pháo đội, gọi máy điều động các đại đội khác lên tiếp ứng; tôi nghe trong máy tiếng Hóa la:

- Tụi nó đông lắm, cứ cho bắn pháo ngay trên đầu chúng tôi, mau lên!

Các đại đội nhanh lẹ tiến lên cố chọc thủng vòng vây, tới mờ tối thì bắt tay được cánh quân của Hóa. Sáng hôm sau, Tiểu đoàn 9 vào Bến Đá tăng cường, cùng Tiểu đoàn 1 tràn lên đánh đuổi địch ra khỏi khu vực. Tiểu Đoàn 1 rút ra thị trấn, chúng tôi tiếp tục truy kích địch tại vùng Bến đá. Hai ngày sau, không còn tung tích địch, Tiểu Đoàn 9 bọc về đồn điền cao su gần Long Hoa và đóng quân lập căn cứ tuần thám tại khu vực nầy. Đại Đội tôi hành quân lục soát và chạm du kích lẻ tẻ tại khu vườn cao su gần bờ làng. Tối đó chúng tôi vào xóm nghỉ, Bộ chỉ huy đại đội vô tình đóng đúng ngay nhà một người đàn em, K21 ĐL.

Trong Long Hoa, nhà được chia từng lô, đường xá chằng chịt, cây cối rậm rạp, rất dễ bị lạc. Chúng tôi có đụng du kích khi họ vào làng nầy phá rối (đạo Cao Đài cũng chống Cộng như Thiên Chúa). Khi đóng quân xong, các sĩ quan trong đại đội cùng họp nhau nhậu rượu đế với Sinkovitz, anh nầy có tật ngủ mặc nguyên đồ trận, không mùng mền gì hết, vì con người khổng lồ nầy toàn mùi rượu, chắc muỗi hút máu sẽ bị say luôn. Sinkovitz rất gan lỳ, khi chạm địch anh gọi máy bay tới rất nhanh.

Khi hoạt động xong khu vực Long Hoa, tiểu đoàn được điều động qua bên kia sông Vàm Cỏ Đông, bộ chỉ huy lập căn cứ ở Bến Gò Nổi, các đại đội tổ chức tuần tiểu về hướng Tây, Nam, và Bắc; còn hướng Đông giáp với bờ sông.

Một hôm Thiếu tá Bảo chỉ huy hai Đại đội 91 và 92 của tôi và anh Thành, vào lục soát rừng Long Giang, ở phía Tây và cách Gò Nổi độ 5 cây số (phía Tây của Rừng nầy chừng 10 cây số, bên kia biên giới Miên-Việt, là nơi VC đặt căn cứ an toàn do Tướng VC Trần Văn Trà chỉ huy, đây còn gọi là Cục R, căn cứ nầy chạy dài từ Nam lên Bắc, qua Kiến Tường, Lò Gò, Xóm Giữa, Thiện Ngôn, có tên là Lưởi Câu, Mỏ Vẹt) .

Rừng Long Giang bỏ hoang lâu ngày nên cây mây và gai gốc chằng chịt, các khinh binh chỉ phá độc đạo, đi hàng một, Đại đội tôi đi một mạch từ Đông qua Tây không gặp gì hết, Đại đội 92 bên cánh phải của tôi, gần bìa rừng nên chạm địch (vì địch đào hố sát bờ rừng phía Bắc), hai bên bắn nhau dữ dội, một chập sau có tin anh Thành bị thương. Tôi được lịnh bọc lại để nghênh chiến cho Đại đội 92 tìm cách rút ra.

Sau khi ĐĐ92ND rút ra xong, chúng tôi dàn ngang ngoài bờ rừng, nả súng bắn vào điểm đóng quân của địch. Cầm cự một lúc, tôi nghĩ rừng nầy đầy cây mây và gai gốc, dù phi pháo bắn vào, chỉ chạm nổ trên ngọn, địch quân có thân cây và nắp hầm che chở kiên cố, rất khó đánh bật họ ra. Tôi cho lịnh đeo mặt nạ và dùng súng phóng lựu bắn hơi cay, Thiếu úy Trứ, Trọng, và Phấn cho bày “Thùng cà rem” E8 (binh sĩ thường gọi là “Ơ quít”) và đồng loạt phóng vào mục tiêu. Địch bị động ổ nên bắn bậy bạ để rút chạy, lúc đó tôi đang đứng ở một chòm cây, vì hơi cay nhiều quá nên cởi nón sắt ra chuẩn bị đeo mặt nạ.

Bỗng nghe “Ầm” một tiếng, đầu như bị ai cầm búa tạ đập một cái rầm, cả thân hình tôi té nằm úp xuống đất. Đưa tay rờ đầu, thấy máu chảy dài từ bàn tay tới cùi chỏ, thì ra địch đã bắn B-40 trúng ngọn cây, hai mảnh bay tới ghim trúng vào đầu, sức hơi phụt mạnh của đạn làm cho tôi té nguyên con.

Nghe tôi bị trúng đầu, Tiểu đoàn lập tức đem trực thăng C34 tới bốc chở thẳng về bệnh Viện Đỗ Vinh, trong trại Hoàng Hoa Thám SĐND, Hạ sĩ Năm nhanh nhẹn nhảy theo để chăm lo cho tôi. Tội nghiệp đêm đó Bác sĩ Thiện thức suốt đêm, cứ cách một giờ tới canh chừng, vì anh sợ bị nứt giáp sọ, hoặc chấn thương não bộ (Thiếu tá Công Tiểu đoàn 1 pháo binh Dù bị lật xe trúng đầu ở Phong Điền, Huế; gần chỗ tôi và Miên bị tai nạn, anh Công tưởng bị nhẹ nên vẫn trực làm việc như thường, sáng hôm sau chết vì giáp sọ bị nứt!)

Lúc đó Chú Út tiệm Phước An Nguyên đang ở SàiGòn, vô tình biết được tin tôi bị thương, và nghe nói tới trúng đầu ai cũng tưởng nặng lắm. Ông vội về Vĩnh Bình báo cho má tôi và bà xã biết. Khi gặp vợ tôi, bà bụng đánh lô tô mà miệng thì cứ nói cho nàng yên tâm:

- Không có sao đâu, bị chút xíu hà!

Hai người đàn bà, kẻ lo sợ cho con, người lo sợ cho chồng, tay run run, tim hồi hộp, xách khăn gói vội vã ra đón chuyến xe chiều cấp tốc lên Sàigòn. Tới nơi gặp hạ sĩ Năm đang ở nhà một mình và nói:

- Đại úy vừa mới đi chơi.

Cả hai thở phì ra, như trút hết mọi lo âu, suốt 4 giờ ngồi xe mà lòng họ lúc nào cũng bồn chồn, đầu óc cứ nghĩ vẫn vơ. Khi tôi về nhà nghe nói hai người xuống sở Chăn Nuôi ở Ngã Tư Bảy Hiền. Mặc dù đầu băng bó tùm lum và đau nhức kêu tăng tăng, nhưng thương mẹ và nhớ vợ quá, nên cũng ráng chạy đi rước họ về nhà. Một tháng sau Bác sĩ Thiện đích thân lấy mảnh ra, vì chỉ chích thuốc tê xung quanh vết thương, nên tôi nghe tiếng cây dao rạch cái “Rẹt”, rồi tiếng cây kềm kéo qua kéo lại kêu “Rạo rạo”, khi tìm đúng mảnh, liền nhổ ra cái “Bựt”! Thấy mảnh thứ nhứt vừa lấy ra, hai tay tôi buông thòng xuống, anh Thiện giựt mình hỏi tôi có sao không? Anh thấy máu da đầu ra nhiều quá vì thời gian dò tìm mảnh hơi lâu, nên vội may lại, để chừa một mảnh tháng sau mổ tiếp.

Người phụ trách mổ lần thứ nhì là Bác sĩ Trần Đông A. Rút kinh nghiệm kỳ trước, Bác sĩ A lấy kim tìm mảnh đạn, rồi để cây kim làm dấu, anh rạch một đường, lẹ tay đút cái kềm ngay chỗ cây kim, giựt mạnh cả kim lẫn mảnh ra luôn, xong may vết thương lại, hành động thật mau lẹ và hiệu quả.

11. Về Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù (Trận Gò Nổi)

Mọi người trong gia đình thấy tôi từ Tết Mậu Thân tới giờ, chưa đầy 3 năm, mà đã bị thương nhiều chỗ (lỗ tai, bắp đùi, nhiều mảnh lựu đạn còn trong lưng, và 2 mảnh B-40 ghim trên đầu). Họ khuyên tôi làm đơn về đơn vị nào bớt nguy hiểm, để gia đình cứ phập phòng lo sợ mỗi khi đi hành quân.

Riêng tôi cũng hơi mệt mỏi, nhìn lại mười sáu bạn cùng khóa đã bổ sung về TĐ9ND, chỉ mới 5 năm chiến đấu, mà đã mất đi sáu đứa (Phương, Chàng, Lộc, Hổ, Đại, Thành), những người còn sống ai cũng bị lãnh thẹo ít nhất vài lần. Ôi chiến tranh thật là tàn khốc! Tôi cầm đơn vô văn phòng Trung tá Nhã, đọc xong ông nhìn tôi hồi lâu, rồi nói:

- Mầy định đi bỏ tao hả Dưỡng?

Thấy ông có cử chỉ bịn rịn, tôi muốn lấy đơn trở lại ngay, vì gần 5 năm sống ở đây, chung quanh toàn bạn cùng hoạn nạn, tôi thật tình không nỡ rời xa những bạn tốt: Thành, Tâm, Bảo, BS Thiện, Hiền,..Nơi đó có những cấp chỉ huy khả kính như: Trung tá Nhã, Thiếu tá Nguyễn Đình Bảo.

Hòe, Trọng, Tường, Trứ, Phấn, Minh, Dậu, Trường, Quảng, Cứ, Tám, Học, Ngọc, Nhường, Lương, Ninh, Võ, Thiện, Hồi, Năm, Nhàn,..là những quân nhân tài giỏi, rất dũng cảm khi lâm trận. Lúc nào tôi cũng thương mến các anh em tốt trong Đại đội 90, 91, 92 Nhảy Dù, đã giúp tôi gặt hái được nhiều thành tích trong quân ngũ, thăng cấp đặc cách nhanh chóng.

Nhìn tôi đứng ngẩn người, Trung tá Nhã như đọc thấu tâm trạng, nhưng trước kia ông đã giữ không cho tôi đi làm Quận Trưởng, chẳng lẽ bây giờ ông lại nỡ từ chối người thuộc cấp đã nhiều lần vào sanh ra tử cho ông. Cuối cùng ông đặt bút ký, mà gương mặt buồn, làm lòng tôi bồi hồi xao xuyến, thương mến, và kính phục lòng rộng rãi của vị chỉ huy tốt bụng!

Sư đoàn chấp thuận đơn thỉnh nguyện và thuyên chuyển về Bộ chỉ huy Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù. Tôi được cử làm Sĩ quan Phụ tá hành quân; nhưng không khí ở đây hơi khác, anh đại úy Trưởng ban Ba tánh tình khó khăn, không đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau như các sĩ quan trong Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù. Vì vậy tôi nói với Đại tá Nguyễn Khoa Nam, xin về lại Tiểu đoàn cũ.

Đại tá Lữ đoàn trưởng biết tôi rất nhiều, qua hai lần trực tiếp gắn huy chương. Ông muốn giữ lại nên cho tôi làm Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Hành Quân (không có trong cấp số Lữ Đoàn); trực tiếp báo cáo và nhận lệnh của ông, không qua Trưởng ban Ba và Tham Mưu Trưởng. Hầu hết những sĩ quan khác trong Lữ đoàn như Đại úy Phích, Vinh, Trường, Trung úy Chính và Phan Xuân Hiệp, thấy tôi thẳng tính, không nịnh bợ. Họ mến thương và từ đó tôi có thêm được nhiều bạn tốt mới. Bộ chỉ huy Lữ đoàn đang đóng tại hãng Khải Vinh, nên đơn vị Hoa Kỳ ở trong Đài Phát Tuyến Phú Lâm mời Đại tá Nam tới tham quan. Khi ông và tôi mới vào cổng thì còi hụ hú lên, mọi nhân viên và quân nhân canh phòng đều mang súng đạn mũ sắt chạy ra hố chiến đấu tập báo động giả cho đại tá coi.

Họ đưa vào phòng phát tuyến để cho Đại tá Nam thử nói chuyện trực tiếp với nhân viên bên Hoa Kỳ. Tôi thấy mặt ông rất vui và thích thú vì lần đầu tiên được nói máy vô tuyến có tầm xa một nửa quả địa cầu như vậy. Tôi hay theo ông đi thăm các tiểu đoàn hành quân trực thuộc bằng trực thăng hoặc bằng xe Jeep. Ông ít khi nói máy và ban chỉ thị lẻ tẻ, nên thường ủy quyền cho tôi trực tiếp làm việc với các Tiểu đoàn.

Có lần Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù bị địch tấn công tại căn cứ Bến Gò Nổi, lúc đó Trung tâm hành quân của Lữ đoàn 3 đặt tại Toà Hành Chánh tỉnh Tây Ninh. Khoảng 1 giờ khuya, Đại Úy Nguyễn Văn Triệu, Ban 3 tiểu đoàn, báo cáo địch quân từ Cục R bên kia biên giới, đã cho đơn vị chánh qui hùng hậu tấn công và đã chọc thủng tuyến phòng thủ vào sâu tới BCH.

Họ đã lợi dụng khoảng trống của tuyến giữa hai đại đội của Ngoạc Lùn và Hóa Đen nên chọc mũi dùi vào đó, chúng thấy đống ba lô chất chung quanh khẩu súng cối (Ngoạc đã cho xếp ba lô tại đây để đưa đại đội đi tuần tiểu đêm bằng tàu thủy trên sông Vàm Cỏ, Ngoạc bị trúng mảnh B-40 từ trên bờ bắn vào đùi nên được trực thăng tới bốc tản thương trong đêm).

Bộ đội Cộng sản xuất thân từ bần cố nông, thấy chiến lợi phẩm là nhào lên giành giựt những chiếc ba lô đựng quân trang quân dụng. Anh Triệu thấy một tên đeo 4 sao (có lẽ là Thượng tá), rút súng K-54 bắn chỉ thiên bảo:

- Các Đồng Chí phải lo đánh giặc, đừng có giành giựt chiến lợi phẩm!

Lúc ấy binh sĩ Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù đang núp dưới hố thấy vậy, vội ném lựu đạn tiêu diệt toàn bộ. Vì địch vào lẫn lộn, nên binh sĩ được lệnh núp kỹ dưới hầm, thấy ai không đội nón sắt là bắn. Đại úy Triệu xin soi sáng và pháo binh bắn các hỏa tập cận phòng. Tôi nghe trong máy Triệu la hoảng:

- Nó sắp tới hầm chỉ huy của tao rồi, mầy cứ cho pháo binh bắn lên đầu tao luôn đi, mau lên!!!

Hai mươi phút sau, máy bay C-130 từ Sàigòn lên thả trái sáng. Đánh nhau tới gần 3 giờ khuya thì Tiểu đoàn 1 Dù, nhờ soi sáng, nên binh sĩ từ dưới hố bắn tỉa từng tên một, dẹp sạch địch trong căn cứ. Các mìn claymore, bãi lựu đạn, pháo binh, khu trục, và Gunship lần lượt đẩy lui địch ở vòng ngoài. Đại đội của Minh đánh xáp lá cà rất ngoạn mục, Hóa đã trám lại lỗ hổng bằng cách dùng lựu đạn thanh toán khu vực trách nhiệm và nhào vào hố phòng thủ xả đạn bắn chận các đợt xung phong biển người của bộ đội chánh qui Bắc Việt. Đại đội chỉ huy nhảy ra trám chỗ trống nơi tuyến phòng thủ của đại đội Ngoạc.

Ngay từ lúc Tiểu đoàn 1 báo cáo bị địch tràn ngập (overrun), Đại tá Nam đã có mặt tại Trung tâm Hành quân để canh chừng nhắc nhở tôi điều động hỏa lực yểm trợ. Suốt đêm chỉ có tôi với ông ngồi theo dõi diễn biến trận phản công anh dũng của Tiểu đoàn số 1 kỳ cựu và thiện chiến của sư đoàn Nhảy Dù, còn binh sĩ truyền tin thì ngủ gật tại chỗ.

Những Đại đội trưởng tài giỏi như Minh, Nam Râu, Ngoạc Lùn, Hóa Đen đều là những người sĩ quan từng xông pha chiến đấu trong trận mạc, lập nhiều chiến công hiển hách và có rất nhiều huy chương anh dũng bội tinh. Vì thế mặc dù bị địch tấn công bất ngờ, họ cũng vẫn bình tỉnh điều động binh sĩ chống trả một cách thứ tự không hoảng hốt, không sợ sệt.

Các quân nhân TĐ1ND thật là anh dũng thiện chiến đáng khen. Đặc biệt nhất là La Tịnh Tường, cách nay vài tháng, anh đã điều động đơn vị dùng lựu đạn đánh xáp lá cà, tiêu diệt gọn một đại đội địch ở Cầu Khởi. Ba tháng trước, Tiểu Đoàn 1 cũng vừa cùng Tiểu Đoàn 9 phối hợp với chi đoàn thiết vận xa 1/10 của Đào Đàn, đánh dẹp đơn vị chủ lực địch tại Bến Đá (lúc đó tôi còn là Đại đội trưởng Đại đội 91 Nhảy Dù).

Sáng ra Tiểu đoàn 1 Dù thu dọn chiến trường, tịch thu được hơn một trăm ba mươi súng đủ loại, đơn vị cũng bị hy sinh 4 chiến sĩ và bị thương hơn mười người. Chuẩn tướng Hinh,Tư lệnh phó Sư đoàn 25 Bộ binh từ trên trực thăng quan sát thấy có nhiều súng ống địch bỏ rải rác bên ngoài xa, có lẽ do phi pháo bắn truy kích.

Trung tướng Đống hết lời khen ngợi Đại tá Nam và Trung tá Mai cùng toàn thể binh sĩ TĐ1ND tại căn cứ B-16. Có rất nhiều tưởng thưởng cho Tiểu đoàn 1, trong đó Phạm Thái Hóa được lên Đại úy. Thiếu tá Tường và các Đại úy Minh, Nam, Triệu được Bảo Quốc huân chương, còn anh Nhỏ thì được thăng chức thiếu tá đặc cách mặt trận.

Đại Úy Triệu có kể lại việc anh suýt chết vì bị nội tuyến. TĐ1ND có một binh sĩ trẻ tuổi khờ dại, lúc về phép tại quê nhà, bị VC móc nối. Chúng lừa gạt anh lính trẻ nầy là hãy tìm cách lập công lớn cho cách mạng sẽ được lên chức sĩ quan khỏi cần phải đi quân trường cực khổ. Anh lính trẻ, có nhiều bà con đi theo du kích, nghe nói được lên chức mau nên hỏi:

- Thế nào mới gọi là lập công lớn?

Tên Việt Cộng nằm vùng nói:

- Anh giết chết vài sĩ quan Dù, thì coi như có công .

Anh lính, nhiều tham vọng nầy, còn thắc mắc:

- Nếu tôi lập công thì ai chấm công?

Tên nằm vùng nói gạt:

- Anh đừng lo, ở đó chúng tôi đã cài nhiều người lắm!

- Khi thành công rồi làm sao mới gặp mấy người bên anh?

Thấy cá sắp mắc câu, tên VC nói:

- Khi nào ra trận, nếu gặp người bên chúng tôi thì cứ đứng dậy dơ tay la lớn nói tôi xin đầu hàng, rồi anh được tiếp nhận, chừng đó anh khai là đã có công với cách mạng. Lập tức họ sẽ cho anh làm sĩ quan, rất oai phong, tha hồ về làng hãnh diện với bà con, xóm giềng!

Chuyện thật vô lý như vậy mà anh lính trẻ dại thuộc dân miền quê ít học trong vùng xôi đậu nầy cũng tin thiệt! Một hôm, anh ta thấy Đại úy Triệu cùng Thượng sĩ Chiêm ra ngoài vòng rào kẽm gai để kiểm soát mìn bẫy. Hắn lén đến chỗ để cục pin (con cóc) và bấm nổ mìn định hướng claymore, nơi anh Triệu đang đi. Rất may số Triệu còn đỏ, vì mìn đặt hơi nghiên lên nên các mảnh claymore chỉ bay ngang qua đầu, vừa lúc Trung tá Mai đi tới thấy hắn đang thực hiện âm mưu. Trung tá Tiểu đoàn trưởng đá nó vài đá và nói:

- Mầy bấm mìn làm gì, có Đại úy Triệu đang ở ngoài, bộ muốn hại chết người hả con!

- Dạ em định thử cục Pin!

Thực sự lúc đó Trung tá Mai đâu có ngờ hắn đang định âm mưu, ông tưởng hắn chỉ vô ý thôi. Nhưng tên nầy sợ bị nghi ngờ, nên tìm cách chuồn sớm. Một hôm tổ hắn ba người được lịnh đi nằm tiền đồn ở Cầu Khởi, nửa đêm thấy có mấy tên du kích đi tới, hắn nhớ lời tên nằm vùng căn dặn, nên vội đứng lên hai tay dơ cao, miệng la lớn:

- Tôi xin hàng, tôi xin hàng!

Mấy tên du kích thấy động, giật mình ria súng bắn tên ngu dại, dễ tin lời xúi bậy nầy, chết không kịp ngáp. Hai đồng đội tưởng tên nầy nhát gan, định can nhưng không kịp, nhờ phản ứng nhanh, họ bắn ào ạt vào đám du kích. Kết quả hạ được hai tên, số còn lại chạy hoảng vô rừng mất dạng. Sáng ra nghe kể lại, Tr/tá Mai và Triệu mới vỡ lẽ, biết hắn đúng là nội tuyến!

Lúc đó Chỉ huy Hậu Cứ Lữ đoàn 3 Dù là Đại úy Thành, bạn cùng Khóa 20. Thành đẹp trai, khuôn mặt giống hệt như tài tử điện ảnh Hồng Kông Châu Nhuận Phát; vì bị thương tay cà quẹo cà quơ nên mới làm việc nhẹ và an toàn nầy.

Hắn có cô vợ vì rất trẻ nên nhỏng nhẻo vô cùng. Mỗi khi về Sàigòn, Thành rủ tôi và Bảo (cũng quẹo tay và chỉ huy hậu cứ Lữ đoàn 1) qua trạm Y tế của Mỹ ở khu Không Quân, trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Thành nói với anh Y tá người Hoa kỳ là 3 đứa bị bịnh ....(!), cần thuốc Trụ sinh để chữa trị. Anh Y tá thấy 3 chàng đại úy trẻ tuổi, mặt mày sáng sủa nên tin thiệt, liền lấy cho mấy hộp trụ sinh. Thành đem thuốc ra bán cho Thượng sĩ Doanh nhà ở Tân Việt. Có tiền 3 đứa kéo nhau đi tìm quán nhậu thỏa thích. Thành có nhiều cách kiếm tiền để đi chơi, lúc thì khai bịnh, khi thì lấy súng K-54 đổi, nhờ vậy chúng tôi có tiền đi nhậu lai rai hoài. Năm 1971, Bảo về sở Cảnh Sát Đô Thành, còn Thành thì về làm Cảnh Sát Trưởng Phú Quốc. Nhưng chẳng may đám buôn lậu bị Cảnh sát Đặc Biệt ở Trung Ương bắt, chúng cho là Thành phản phé báo cáo, nên đã tổ chức ám sát!


Каталог: stories
stories -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
stories -> -
stories -> TỜ khai thông tin của ngưỜi khuyết tật phần I cá nhân ngưỜi khuyết tậT
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO
stories -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ ngh ĩa việt nam ban an toàn giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
stories -> BỘ CÔng thưƠng số: 1057/QĐ-bct cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
stories -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
stories -> Đôi lời Ân tình

tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương