Trương Dưỡng Một Cánh Hoa Dù Hồi Ký Hồi Ký Một Cánh Hoa Dù


Đại Đội Trưởng Công Vụ Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù



tải về 1.4 Mb.
trang12/17
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích1.4 Mb.
#27293
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17

12. Đại Đội Trưởng Công Vụ Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù
Đầu năm 1970, tôi gặp Trung úy Thu, sĩ quan ban 4 của Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, trước cùng học khóa Tác Chiến Trong Rừng tại Mã Lai. Anh nói lữ đoàn đang cần chức Đại Đội Trưởng Chỉ Huy Công Vụ. Thu thấy tôi từng làm Đại đội trưởng tác chiến nên bảo về Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù với nó cho vui. Tôi làm đơn vị trưởng có quân trong tay đã quen, sĩ quan tham mưu chỉ một thân một mình thì hơi chán, hơn nữa Đại tá Nam còn độc thân nên cứ tình nguyện đi hành quân hoài. Thấy tôi bằng lòng, Thu về trình với Trung tá Lê Quang Lưỡng.

Thu trước kia ở TĐ5ND làm y tá cho Đại đội 54 của Đại Úy Lê Quang Lưỡng. Thấy anh có bằng cấp, siêng năng, và tánh tình ngay thẳng dễ thương, nên ông cho đi học khóa sĩ quan ở Thủ Đức. Sau khi ra trường, anh được Đại úy Lưỡng kéo về TĐ2ND; vì Thu có tướng lộ xỉ, hai mắt lồi dễ bị chết yểu, nên ông ngầm che chở, cho ở Đại đội Chỉ huy, đỡ nguy hiểm hơn. Nhưng khi Đại úy Lưỡng đi du học ở Mỹ, Thu theo đơn vị ra hành quân và bị pháo kích thủng ruột tại đỉnh cao 1416 tên Ngok Wan ở Dakto, Kontum! Vì vậy khi làm LĐT/LĐ1ND Trung tá Lưỡng cố tình kéo Thu theo. Ông thương Thu ở tánh tình ngay thẳng và làm việc rất năng động. Thu không biết nịnh bợ, anh dám chỉnh (riêng) LĐT nếu ông phạm sai lầm, chính Trung tá Lưỡng thương anh nhất ở điểm dám ăn nói và không ỷ thế làm bậy.

Trong trận Hạ Lào, vì Đại tá Lưỡng ở lại sau để giúp đỡ điều động yểm trợ TĐ2ND và TĐ7ND rút ra an toàn. Lúc ấy địch chỉ có khả năng bắn vói theo máy bay, nên mọi người đều đi đường bộ, chỉ có Thu dám leo lên phi cơ trực thăng để theo bảo vệ chủ mình. Vừa cất cánh chưa được 5 phút, máy bay lập tức bị bắn, phải đáp khẩn cấp xuống gần căn cứ Bravo. Trong khi chờ đợi phi công người Mỹ gọi đồng bạn xuống cứu, Thu cứ lấy mình che chở sợ đạn lạc trúng đại tá Lưỡng. Vị Lữ Đoàn Trưởng thấy anh trong cơn nguy biến mà vẫn một lòng trung thành, lòng ông an ủi và rất thương người sĩ quan thuộc cấp trung cang nghĩa dũng nầy. May thay các phi công Mỹ khác nhận được tín hiệu, nên không đầy 5 phút đã bay tới liều mạng đáp xuống cứu!

Nếu trễ chừng 10 phút thì địch, thấy trực thăng rớt, sẽ tới nơi tìm chiến lợi phẩm; chắc chắn những người trên máy bay nầy sẽ bị bu như kiến gặp viên đường ngon ngọt!

Khi qua Mỹ, Thu ở Atlanta, đứa con trai hay đi tiểu bậy ngoài sân; nên hàng xóm người Mỹ qua nói nhiều lần, anh tức giận lấy roi đánh đứa con trai cưng nhất của mình. Vì nó được nuông chiều quá, nên dạy bảo hoài không nghe. Thật là rủi ro, trong khi đánh, cháu lại né tránh, nên roi trúng nhầm chỗ hiểm, làm cháu chết ngay. Do đó Thu bị cảnh sát bắt giam; vừa hối hận vì lỡ tay đánh đứa con cưng mình chết, vừa không được ở nhà để ngó mặt con lần cuối cùng; tối hôm đó, Thu lấy áo thắt cổ tự vận trong tù! Thật là một thảm cảnh đau lòng!

Khi tôi về làm Đại Đội Trưởng Đại đội Chỉ Huy Công vụ thấy có một số hạ sĩ quan a dua với anh phục vụ của Lữ đoàn trưởng, họ hoành hành lập bè kết đảng (giống như bọn thái giám loạn quyền trong các phim Hồng Kông). Tôi lập tức cho Thượng sĩ Luông làm Thường Vụ thay thế một trung sĩ nhứt. Anh nầy nhờ phe đảng, miệng lưỡi nên lâu nay nắm quyền sinh sát, chỉ huy luôn cả vị thượng sĩ hiền lành có nhiều kinh nghiệm và khả năng. Thế là chúng nó phản đối nói tôi dám “Đảo chánh” và đâm thọc đàm tiếu, rỉ tai gây lung lạc lòng tin của Trung tá Lữ đoàn Trưởng.

Một hôm ông xuống thăm doanh trại đại đội và hỏi:

- Tụi nó đồn anh ăn tiền thằng thủ kho (Trung sĩ Vui) 50 ngàn có đúng không?

Không ngờ có chuyện dựng đứng động trời như vậy, tôi giận đỏ mặt chỉ ngực nói:

- Tôi xuất thân trường VBĐL, Trung tá cứ cho điều tra, nếu có ăn hối lộ của thằng Vui một đồng hoặc một cắc, thì trung tá cứ lột lon, mấy đứa cận vệ của trung tá thuộc quân số Đại đội Công Vụ, nếu tôi sợ họ gièm pha đâm thọc thì không thể nào chỉ huy được.

Trung tá vỗ vai tôi cười giả lã nói:

- Tôi nói chơi với anh thôi, không có gì đâu!

Tôi trình bày rõ với ông, việc nhà kho thiếu hụt nhiều là sự sơ xuất của thủ kho, hậu cư,ù và sĩ quan đại đội trưởng tiền nhiệm, tôi thấy vậy nên tới đại đội cũ lấy về bù đắp. Từ nay kiểm soát thường xuyên nhà kho, nếu có gì sơ sót chính là trung sĩ Vui sẽ chịu trách nhiệm.

Từ đó bọn gièm pha thấy tôi làm việc thẳng thắn, minh bạch, những tên đệ tử cũng sợ tánh cứng cỏi của tôi; chúng mà vi phạm tôi phạt nặng hơn người khác. Vì tôi rất ghét những ai đâm thọc, nịnh bợ xỏ lá. Những người khác sợ đi tác chiến chớ tôi đâu có sợ. Có lần ở trại biên phòng Kàtum, tôi nạt thằng Miên, bạn cùng khóa, trước mặt Trung tá Lê văn Ngọc, Lữ đoàn Phó, ông ta nói đùa:

- Tụi mầy đừng có chọc thằng Dưỡng, nó bị thương ở đầu nên “Mát” đó!

Trung tá Lưỡng là người giỏi về đánh trận (những sĩ quan xuất thân khóa 4 Võ Khoa Thủ Đức như Tướng Trưởng, Tướng Lân, Tướng Hậu, Tướng Điềm, Đại tá Phước, Đại tá Lương,...đều có tài hành binh), ông thích nghiên cứu tình hình địch, bạn rồi dùng mưu lược tấn công bất ngờ, khiến địch không trở tay kịp. Nhiều khi hằng đêm ông ngồi thảo ba, bốn lệnh hành quân, sau cùng ông quyết định chọn kế sách nào thật hữu hiệu cho quân ta thành công mà ít bị thiệt hại nhất. Nhiều năm tác chiến ở TĐ5ND, ông học được kinh nghiệm của các Tiểu Đoàn Trưởng Viên, Nguyễn Chánh Thi, Ngô Xuân Soạn, Hồ Tiêu, và Ngô Quang Trưởng. Nhờ vậy lúc về nắm TĐ2ND, ông giống như diều gặp gió, có cờ tới tay, sẵn sàng thi thố tài năng ấp ủ bấy lâu nay.

Lúc tôi mới về Dù thì ông là Đại úy Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù. Khóa 20 ở đó cũng nhiều, ông đã tận dụng tài năng của Hạnh, Phương, Hòa, Thọ, Điệp, Toàn,...và những sĩ quan giỏi như Bằng, Phú đen, Mạnh,...đưa tiểu đoàn hết thắng chỗ nầy lại chiến thắng chỗ khác, đặc biệt ông đã cho dùng kèn thúc quân mỗi khi xung phong, binh sĩ hăng say chiến đấu, công hiệu hơn thuốc Hùng Binh của VC, khiến tiểu đoàn nổi danh như cồn. Ông và các sĩ quan cũng lên chức nhanh như gió. Trận Mậu Thân ở Huế, trận Hạ Lào, trận Mỏ vẹt, Lưỡi Câu ở Cục R Campuchia, trận An Lộc, Bình Long mùa hè đỏ lửa, Trận Vĩnh Hạnh ở ven đô,.... đã đưa ông lên hàng Tướng lãnh, chỉ huy Sư đoàn Nhảy Dù cho tới ngày mất nước. Cuộc đời binh nghiệp của ông vô cùng gian khổ, nhưng ông rất mưu lược, bình tỉnh, và gan dạ. Nhà văn Phan Nhật Nam đã tặng ông danh hiệu: “Con Beo Gấm Của Chiến Trường”.

Tôi theo LĐ1ND đi Phước Long, đóng chung căn cứ với Lữ Đoàn 2 Không Kỵ Hoa Kỳ tại căn cứ Phước Bình. Trung úy Công Binh Nguyễn Thanh Nhàn, Miên, và tôi đi trước nửa tháng để làm hầm hố, chỗ ngủ kiên cố cho Trung tá Lưỡng, Trung tá Lê Văn Ngọc, Thiếu tá Ninh, các sĩ quan tham mưu, và binh sĩ. Đại đội Công vụ và Công binh cũng lo làm Trung tâm Hành quân. Căn cứ nầy thường bị địch đặt pháo từ Mật khu Bù Gia Mập và núi Bà Rá bắn vào.

Những ngày rảnh rỗi, ba đứa đi tham quan thị xã Phước Long, và được Đại tá Lưu Yểm, Tỉnh trưởng, cho tiền tiêu xài thỏa chí. Ở đây có làng người Thượng, gần con suối chảy qua thị xã, có cầu treo lắt lẻo gập gềnh khó đi, phong cảnh rất nên thơ, ba đứa thường ra suối tắm, nước rất trong và mát mẽ.

Nửa tháng sau bộ chỉ huy Lữ đoàn và các tiểu đoàn tác chiến tổ chức hành quân phối hợp Việt-Mỹ, vào các khu rừng rậm ở xung quanh núi Bà Rá và thị xã Phước Long. Ngày nào địch cũng từ mật khu Bù Gia Mập pháo vào căn cứ, mỗi khi di chuyển đều phải đội nón sắt và mặc áo giáp. Có một trái hỏa tiễn 122 ly rơi ngay trước hầm của tôi nghe tiếng “Ầm” thật lớn, làm lòng ngực như bi nghẹt, chạy ra coi thấy miệng hố vô cùng to lớn! Đường kính gần 2 thước, sâu hơn một thước.

Hạ sĩ nhứt Cổn bị một quả rơi trúng hầm, bay văng banh ống cống nhưng anh không hề hấn gì, thật là kỳ diệu khó tưởng! Lúc đó Trung tá Lưỡng vừa được thăng cấp Đại tá, tôi lấy trực thăng C.N.C về Sàigòn, mua rượu Champagne, Olive, xúc xích, và thịt nguội tại tiệm Đô Chính, cạnh rạp cinéma Eden. Ông tổ chức tiệc rửa lon có mời vị Lữ Đoàn Trưởng và sĩ quan tham mưu của Không Kỵ Hoa Kỳ qua dự.

Vài hôm sau đi phép vợ sanh (Cháu Thành), trước khi về tôi ghé thăm Thiếu tá Tư. Anh có người bạn làm Phó Tỉnh và nhắn ông ta kiếm con đuông Chà Là cho Tổng Thống. Vị phó Tỉnh Vĩnh Bình nghe tôi chuyển lời, hôm sau đã chở lại nhà mấy quài đuông, ông cho riêng tôi một phần. Đại tá Lưỡng cũng rất thích đuông Chà Là, ông ngâm nước mắm cho nhả nhớt dơ, rồi đích thân đứng chiên từng con. Trong khi chiên, Việt Cộng (có lẽ ngửi thấy mùi thơm chăng!) pháo kích rầm rầm, làm ông hoảng hồn, phóng nhanh vào hầm!

Tôi từng theo Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn đóng ở trại biên phòng Thiện Ngôn, phía Bắc tỉnh Tây Ninh. Nơi đây, Lữ Đoàn trực tiếp chỉ huy các tiểu đoàn đánh qua căn cứ an toàn của địch ở bên kia biên giới thuộc Campuchia, tại các đồn điền cao su Snuol, Chup, Damber, Krek. Một hôm, Trung tá Ngọc rủ anh Lạc và tôi, lấy trực thăng chỉ huy của Lữ Đoàn Trưởng, bay qua Chup, ghé vào bộ chỉ huy liên đoàn Biệt Động Quân, xin tiền Miên của ông Liên Đoàn trưởng, bạn của Trung tá. Trực thăng bay qua phi trường Nam Vang, rồi có xe Jeep đưa chúng tôi vô Thành Phố, chạy vòng vòng qua Hoàng Cung, nhà hàng nổi Maxim, và Chợ Lớn Mới rất khang trang. Nhà phố ở đây bề ngang thường rộng hơn nhà phố ở Sàigòn, Chợ Lớn. Tôi mua trái vải, trái nhản, và trái hồng dòn ở trong chợ Mới (tiền do Trung tá Ngọc chia và của Nguyễn văn Tới, Đại đội trưởng 82 cho mấy hôm trước).

Vài tháng sau, Bộ chỉ huy Lữ đoàn tới đóng ở Katum, để trực tiếp chỉ huy các tiểu đoàn Dù đánh qua biên giới, ngay Tổng hành dinh của Trung ương cục Miền Nam. Tại đây, các đơn vị tịch thu hàng ngàn xe đạp thồ do Trung Cộng sản xuất và mấy trăm tấn gạo, cùng nhiều quân dụng quân trang.

Về Sàigòn tôi được đi học khóa Đại đội trưỏng và Miên xử lý Đại Đội Công Vụ. Khi học xong, đại tá Lưỡng muốn tôi làm sĩ quan ban Ba với Phạm Như Đà Lạc, Bảo làm Đại đội trưởng Công Vụ (lúc tôi rời Tiểu đoàn 9, Bảo cũng thế tôi làm Đại đội trưởng 91, Bảo là người lót đường phải không bạn?) Tôi không thích làm tham mưu, sẵn Biệt Đội Tác chiến Điện Tử có lệnh sắp thành lập (nhờ Phúc, Đại đội Phó, cho biết và bảo tôi lên gặp Trung tá Lân, Trưởng Phòng 1). Ông nói về hỏi ý kiến đại tá lữ đoàn trưởng và tôi được toại nguyện.
13. Biệt Đội Trưởng BĐ Tác Chiến Điện Tử
Năm 1970, mỗi Sư Đoàn đều thành lập một Biệt Đội Tác Chiến Điện Tử. Nhằm mục đích gài các thiết bị điện tử (gọi là Sensor) trong khu vực trách nhiệm; để kịp thời phát hiện sự di chuyển, sự xâm nhập của địch; bằng sự gây chấn động (Seismic Device) bởi các bước chân; nhiễu loạn điện từ (Magneticfield); hoặc Nghe được âm thanh (Acoustic Device), Nhìn bằng tia hồng ngoại tuyến (Infa-Red).

Khi địch di chuyển sẽ tạo ra chấn động nhỏ trên mặt đất, vũ khí đi ngang qua máy sẽ gây ra sự nhiễu loạn từ trường, địch nói chuyện hoặc tiếng động gần nơi đặt máy, sẽ được chuyển tín hiệu về đài kiểm báo. Tầm hoạt động trong vòng 25 cây số với ăng ten Định Hướng, nếu đài kiểm báo đặt trên đỉnh núi, thì tầm hoạt động rất xa. Các máy Điện tử như Minicid thường được chôn trên đường xâm nhập, mỗi máy cách nhau khoảng một trăm thước, để thâu nhận tiếng động do bước chân của địch. Có những loại máy được thả xuống từ phi cơ, máy nầy hình dạng giống như trái bom tên là Asid, bề dài khoảng nửa thước, sau đuôi có cần “Ăng ten” màu xanh lá cây. Khi phóng xuống máy sẽ ngập sâu dưới đất chỉ ló đầu antenna lên thôi.

Ở đường mòn Hồ chí Minh, người ta thả máy Asid và những máy phát hiện kim khí đi ngang qua (gây nhiễu loạn từ trường), loại máy nầy hình dạng và màu sắc giống như viên đá nhỏ. Máy Acousboy, Acoustic(?), được treo dấu ngụy trang trên những cành cây, thân cây để thu nhận âm thanh. Hàng rào điện tử Mac Namara dọc theo vùng giới tuyến được thiết bị bằng những loại máy trên.

Có lần tại một vùng địch thường di chuyển, ở phía Tây Đồi 50 (La Sơn) 5 cây số, cách phi trường Phú Bài Huế khoảng 14 cây số về hướng Nam, Đại úy Hà Thúc Mẫn, khóa 20 ĐL, tiểu đoàn phó 4/54, chỉ huy lực lượng Action Force phối hợp với Lữ Đoàn 2/101 Không Kỵ Hoa Kỳ, Mẫn đã tổ chức phục kích bằng mìn định hướng Claymore.

Anh đề nghị toán TCĐT đặt máy điện tử Minicid (sensor) và mìn Claymore dọc theo đường (mà tin tức tình báo nói địch thường hay di chuyển). Khi VC đi ngang qua, đài kiểm báo phát hiện tín hiệu, Mẫn ra lệnh bấm nổ (bằng remote control) hàng loạt mấy chục quả mìn. Ngay sau đó đơn vị đổ bộ bằng 6 trực thăng vào lục soát và thu lượm được thành quả vô cùng rực rỡ, hơn 30 vũ khí đủ loại nằm rải rác dọc theo bãi phục kích bằng mìn định hướng nầy.

BĐ/TCĐT gồm có 11 Sĩ quan, 50 Hạ sĩ quan và 10 binh sĩ.

Biệt Đội trưỡng: Đại úy Trương Dưỡng

Biệt đội Phó : Trung úy Trương Ngọc Ẩn

Các Trưởng Toán TCĐT: Trung úy Lâm Vỹ, Thiếu úy An,

Tường, Tám, Ân, Trốn, Liên, Việt, và chuẩn úy Chinh.

Kế Toán Trưởng: Thượng sĩ Cầu

Thường Vụ : Thượng sĩ nhứt Khánh

Thủ Kho: Trung sĩ Hùng

Thơ ký : Hạ sĩ Nguyễn văn Hòa

Biệt đội trực thuộc Đại tá Nguyễn Thu Lương, Trưởng P3

Sau khi thành lập xong Biệt đội, tôi và 3 Sĩ quan Trưởng toán là An, Ân, và Liên được đi thụ huấn chuyên môn tại Trường Truyền Tin ở Vũng Tàu. Khóa nầy quy tụ hầu hết Biệt đội trưởng của các Sư Đoàn. Mỗi ngày chúng tôi ăn cơm chung với Nghiêm và Vinh “Con” ở doanh trại TĐ6ND.

Có lần nhằm ngày thi cuối khóa, Phạm Cảng, Tiểu đoàn phó Thủy Quân Lục Chiến, là bạn cùng Đại đội F khi còn trong trường Võ Bị Đà Lạt, lấy xe Jeep chở tôi ra Bãi Trước nhậu tôm càng tới gần say hắn mới chịu đưa về lại trường Truyền Tin để thi Tổng Kết cuối khóa. Lúc ấy tôi đã ngà ngà, đầu óc còn nhớ loáng thoáng. Thi xong trở ra cổng, thấy vị Tiểu đoàn phó TQLC (Cảng làm Tiểu Đoàn Trưởng sớm nhất trong 25 bạn cùng khóa ở TQLC) đang ngồi ngủ gục trên tay lái xe Jeep! Cảng chờ tôi ra để chở đi nhậu tiếp.

Lúc ở trường Đà Lạt, mỗi sáng thứ hai chào cờ, tôi đi kiếm, Cảng cầm cờ đại đội. Hai đứa cùng cao 1.72 thước như nhau, có lẽ vì “Cờ kiếm hợp nhất”, nên khi ra trường lâu ngày gặp lại, ý hợp tâm đầu, nhậu hoài không chán. Sau khi qua Mỹ, mặc dù ở xa Florida, Cảng vẫn làm bài luận Anh Văn (essay) nói về sự phấn đấu, khắc phục dầu thể xác bị thương tật của tôi, làm cô giáo Mỹ hỏi thăm lia lịa.

Ngày mãn khóa, tôi lên đọc đôi lời phi lộ, có lẽ vì họ nể nang đơn vị Nhảy Dù, nên cho đậu Thủ khoa của khóa Biệt Đội Tác Chiến Điện Tử đầu tiên nầy. Về Sàigòn, tôi mời mấy anh Biệt Đội Trưởng tới nhà ăn cơm canh chua cá Bông Lau. Mọi người đều tỏ ý khen tài nấu ăn của bà xã.

Biệt đội theo Bộ Tư Lệnh Sư đoàn tới đóng quân ở căn cứ Trảng Lớn, Tây Ninh, để chuẩn bị mở cuộc hành quân quy mô tấn công vào đầu não của Trung Ương Cục Miền Nam tại bên kia biên giới Miên-Việt.

Lúc ấy Lonol nổi dậy cướp chánh quyền. Tại làng Mimốt, lính Khmer tập trung dân Việt Nam giết hại, thanh niên thì đập đầu thả trôi sông, thiếu nữ thì hãm hiếp xong bắt làm người hầu như nô lệ. Có một thanh niên sau khi bị đập đầu, thẩy xuống nước được một lúc thì tỉnh lại. Nhờ làm nghề chài lưới, nên anh lặn rất giỏi; anh dùng hơi tàn cố lội vào bờ bên kia và chạy trốn về biên giới Việt Nam. Gặp lúc TĐ1ND đang hành quân phía Bắc trại biên phòng Kàtum, anh tới xin họ đem quân đi giải cứu mấy ngàn đồng bào, sắp bị lính Khmer “Cáp duồn” sát hại hết! Tiểu đoàn vội báo về BCH/LĐ1ND. Nhằm lúc Trung tướng Đỗ Cao Trí đang họp với Đại tá Lữ Đoàn Trưởng và có sự hiện diện tướng Đống, Đại tá Lương, Trưởng Phòng 3 SĐND. Mọi người đều đề nghị tướng Trí tìm cách cứu giúp đồng bào mình.

Lúc ấy chưa có lệnh qua Miên, nên tướng Trí chỉ thị TĐ2ND lập tức lợi dụng đêm tối, lấy trực thăng của VN tại QĐIII chở quân (vì trực thăng Mỹ không dám thi hành khi chưa có lệnh Tổng Thống của họ). Khi hai đại đội đầu tiên của TĐ2ND vừa đáp xuống sân banh Mimốt, thì Trung tướng Trí cũng đáp trực thăng xuống theo, làm thiếu tá TĐP/TĐ2ND giật mình, sợ ông bị nguy hiểm, nên báo cáo về LĐ1ND.

Tướng Đống thấy Trung tướng Trí vì nóng lòng muốn cứu đồng bào mình mà không nề nguy hiểm, ông vội đốc thúc các đơn vị lên tiếp ứng. Ông cùng Đại tá Lương cũng bay trực thăng tới với tướng Trí tại mặt trận luôn. Lính Khmer là loại ô hợp, chỉ một thời gian ngắn đã bị bắt gọn. Lập tức LĐ1ND cho một Tiểu đoàn tiến từ Thiện Ngôn lên Smac, lo giữ đường cho xe vận tải chở hằng ngàn đồng bào ta về bên nầy biên giới, để tránh bị họ sát hại một cách quá dã man (điều đáng nói là Mimốt cũng gần căn cứ địa an toàn của tướng Trần văn Trà ở cục R, nhưng vì không muốn mất lòng lính Khmer, nên VC nhắm mắt rút đầu để cho đồng bào bị Cáp duồn, miễn sao cho họ được yên thân thôi). Vài tháng sau, Tổng Thống VNCH ra lệnh tấn công qua biên giới Việt Nam-Campuchia phối hợp với Đồng Minh (sau khi đã được Tổng Thống Nixon cho phép).

LD1ND được lệnh nhảy vào giải tỏa Kam Pong Cham, phối hợp với tướng Intam, Tổng Trấn kiêm Tư Lệnh Đệ Nhất Quân Khu, Kiêm Phó Chủ Tịch Quốc Hội. Các tiểu đoàn Dù tung quân ra đánh chiếm Peam Chikong, Pretotung, và Trà Ơn (năm 1970). Có một bà lão kể cho Đại tá Lương nghe là chính tên đầy tớ giúp việc cho bà đã rủ lính Miên tới hãm hiếp con gái và bắt làm người hầu cơm nước, thật là nhục nhã vô cùng!

Giống như cuộc đấu tố ngoài Bắc, trong chiến dịch ngụy tạo là Cải Cách Ruộng Đất, nông dân vùng lên! Các tá điền tố điền chủ, học trò tố thầy. Chính Trường Chinh, Tổng Bí Thư đảng CS đã đích thân đứng ra tố cha mình, để dâng công với đảng!(Đảng viên CS cha mẹ còn tố huống gì người dân xa lạ)

Trận nầy sào huyệt an toàn của Việt Cộng bị phá tan tành; dùng chiến thuật diều hâu di động chớp nhoáng, khiến địch chạy phân tán tứ tung, không nơi trú ẩn, các tiểu đoàn Dù tịch thu rất nhiều chiến lợi phẩm; trong đó có đủ thứ kho chứa quân trang, quân dụng, và hàng ngàn vũ khí, nhiều chưa từng thấy trong cuộc chiến chống du kích tại Miền Nam Việt Nam. Đây là một trận địa chiến quy mô, tập hợp các đơn vị thiện chiến nhứt quân lực Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh.

Sư đoàn chia nhiều mũi dùi, tiến vô vùng địch tại bên kia biên giới. Những mục tiêu quan yếu như Lò gò, Xóm Giữa, Smac,Krek, Snoul, Chup, Mimot, Damber,......lần lượt bị các tiểu đoàn Dù và đơn vị Bạn (BĐQ,BB,...) tấn chiếm. Tin tức tịch thu chiến lợi phẩm được báo về tới tấp. Những vùng lâu nay gọi là bất khả xâm phạm, bây giờ đã trở thành bình địa bởi pháo binh, B-52, Khu trục, và cuối cùng các Tiểu đoàn Nhảy Dù, TQLC, Biệt Động Quân, SĐ25BB vào làm chủ tình hình. Trận nầy mất một vị Tướng có tài đánh trận địa chiến. Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí đã bị tai nạn phi cơ, trực thăng chở ông vừa cất cánh tại phi trường Trảng Lớn, đã bị nổ. Dân chúng ở Mimốt nhớ ơn vị tướng anh hùng, cứu hàng vạn nhân mạng, nên đã tạc tượng thờ tướng Đỗ Cao Trí tại Đồn Điền Mimốt.
14. Trận Hạ Lào
Tôi theo Bộ Tư Lệnh sư đoàn Dù tới Đông Hà, đóng quân nghỉ vài hôm, chờ lãnh tiếp tế. Tại đây tôi gặp mấy thằng bạn cùng khóa như Hoàng xuân Đạm, Nguyễn văn Thao, Nguyễn Thiện Sanh đang làm sĩ quan tham mưu ở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân đoàn I . Nhờ đó mới biết là Sư Đoàn Dù sẽ tham dự cuộc hành quân tên Lam Sơn 719 (tức 1971 tiến quân theo trục Quốc Lộ 9). Mục đích nhằm phá các cơ sở tiếp vận, các kho tàng của quân Bắc Việt vùng phía Đông Thị Trấn Tchépone thuộc Hạ Lào. Bộ Tư Lịnh Tiền Phương SĐND đóng tại phía Bắc Lao Bảo, nằm trên trục lộ kéo dài từ Đông Hà, Khe Sanh, Lao Bảo, và Tchépone (Quốc Lộ 9). Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn ở phía Đông chúng tôi khoảng 1 cây số.

Về tình hình địch, Sư đoàn 308, Sư đoàn 320, Sư đoàn 986 (sau nầy còn thêm nhiều Sư đoàn kéo vào tham chiến), Trung đoàn Chiến Xa, và nhiều tiểu đoàn Pháo binh cùng Hỏa tiễn 122 ly với mức độ tiếp tế đạn dược dư thừa.

Lúc nầy đài V.O.A. và B.B.C. đã nói trước một cách rõ ràng là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ xử dụng các đơn vị Tổng Trừ Bị và SĐ1BB tấn công sang Hạ Lào.

Ngày N-1, Thiếu tá Lạc, Tiểu đoàn trưởng Pháo binh Dù, ngồi trên phi cơ quan sát Hoa Kỳ, bay trên vùng trách nhiệm, thấy những đường đất mới chằng chịt (màu ngà ngà chứ không như bên Khe Sanh, Lao Bảo). Bụi bay mù mịt chứng tỏ có xe đang xử dụng. Anh đếm được 6 đám bụi nhỏ (một hoặc hai xe), nhưng khi máy bay tới gần thì tất cả đã chui vào các lùm cây rậm rạp mất hút, không để lại dấu vết. Bay đến gần Thị Trấn, thấy một cây cầu bắc ngang sông Sépone.

Quan sát kỹ ở độ cao 1000 bộ, anh nhìn rõ không phải là cây cầu, mà là đoàn xe đang băng qua sông. Vì gặp máy bay, chúng đậu sát gần và bất động, trên cao nhìn xuống giống như cây cầu đúc. Địch thường đắp đập đá ngầm (làm cầu ngầm), để xe băng qua sông, vì cầu nổi sẽ bị máy bay oanh tạc ngay.

Tình hình bạn gồm Sư đoàn Nhảy Dù, Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Sư đoàn 1 Bộ Binh, Liên đoàn 12 Biệt Động Quân, các Thiết đoàn 4, 8, 11, 17, Chiến xa (khoảng 200 chiến xa), Liên Đoàn 1 Không Quân, 8 Tiểu đoàn pháo binh, Lữ đoàn 5 Cơ Giới Mỹ (khai hoang Quốc Lộ 9). Sư đoàn TQLC có nhiệm vụ lừa địch giả như chuẩn bị Bắc tiến, kiểu dương Đông kích Tây rồi làm thành phần trừ bị trong giai đoạn đầu.

Theo kế hoạch dự trù thì giai đoạn đầu Sư đoàn Dù, Liên Đoàn Biệt Động Quân, và Liên Đoàn Thiết Giáp thọc mũi nhọn vào thẳng Hạ Lào. Hành quân lập căn cứ hỏa lực từ Quốc Lộ 9 lên về hướng Bắc nhằm nhử địch nhả Tchépone để Sư Đoàn 1 BB nhảy vào thị trấn nầy (vì Phạm Văn Đồng có tuyên bố ai vào Tchépone tức làm chủ vùng Hạ Lào), sau đó TQLC vào án ngữ cho các đơn vị rút ra.

Ngày N, ngày khởi đầu cuộc hành quân, theo lịnh Tổng Thống VNCH, được đài Phát Thanh Sàigòn truyền đi nguyên văn như sau: “Giờ phút nầy tôi cho lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tấn công qua phần đất Lào”. Vừa nghe xong, các đơn vị bắt đầu xuất phát, qua khỏi biên giới chừng 2 cây số, các Tiểu đoàn Dù gặp sự kháng cự mạnh mẽ của địch.

Nhờ pháo binh và chiến xa cùng sự chiến đấu hăng hái của binh sĩ nhảy dù, khoảng 12 giờ trưa TĐ5ND đã tới địa điểm chỉ định để thiết lập và bảo vệ Căn cứ pháo binh Bravo. Các TĐ1ND, TĐ8, và TĐ9 tiếp tục tiến về hướng Tây, mở đường cho Bộ chỉ huy LĐ1ND tới Bản Đông (BanDong) để thiết lập căn cứ hỏa lực A Lưới (Xem bản đồ phối trí đính kèm). Đến 7 giờ tối, đêm đầu tiên, các đơn vị báo cáo như sau:

TĐ8ND do Trung tá Văn Bá Ninh, Tiểu đoàn trưởng, Thiếu tá Phú, Tiểu đoàn Phó, báo cáo khám phá một kho chứa chừng 2000 xe đạp thồ còn mới, một xưởng sửa chữa trong đó có 1000 xe đạp cũ còn xử dụng được. Một kho nhiên liệu khoảng 50 thùng phuy nhớt và 100 phuy dầu cặn, xác nhận đã đụng độ với đơn vị thuộc Sư đoàn 320 (do khai thác tù binh và tử thi).

TĐ1ND do Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Phan, và Thiếu tá TĐP Sáng, đã khám phá một kho quân trang quân dụng, và xác nhận đã đụng độ với đơn vị của Công trường 308 CSBV.

TĐ9ND do Trung tá Trí (vài ngày sau bị thương cùng bác sĩ do trúng hỏa tiễn địch, Trung tá Ngọc xử lý), Tiểu đoàn trưởng, và Thiếu tá Đồng làm Tiểu đoàn Phó, báo cáo gặp một Trung Tâm Huấn Luyện rất quy mô được ngụy trang trong khu rừng giả nhưng khổng lồ.

LĐ3ND do Đại tá Thọ chỉ huy, được trực thăng vận vào vùng hành quân, thuộc phía Bắc LĐIND của Đại tá Lưỡng chừng 5 cây số. TĐ2ND đi đầu chiếm một ngọn đồi trọc lập căn cứ hỏa Lực mang tên là Căn cứ 30, và chĩa súng đại bác yểm trợ cho Bộ chỉ huy Lữ Đoàn cùng 2 tiểu đoàn trực thuộc tiến về hướng Tây, lập căn cứ hỏa lực mang tên là Căn cứ 31.

Các đơn vị Lữ đoàn 3 ND cũng chạm địch khi vừa đáp xuống, ngay ngày đầu họ đã gặt hái nhiều kết quả không thua vì cánh LĐ1ND (Lúc đầu, theo lời Đại tá Lương, Trưởng Phòng Ba SĐND nói, các đơn vị thắng thế dễ dàng và tịch thâu nhiều kho chứa vì địch tưởng ta đổ bộ hoặc tiến quân bằng trục Quốc Lộ 9 để tấn công Thị Trấn Tchépone, nên dàn sẵn 2 sư đoàn 320 và 308 tại Tchepone chờ đợi, vài ngày sau thấy Thị Trấn yên lặng, nên chúng mới tung ra phản công các căn cứ đóng rải rác lẻ tẻ của ta).

BCH/Lữ đoàn 2 ND đóng ở căn cứ hỏa lực Tàbạt, Lao Bảo, Tiểu Đoàn 7 và hai đại đội của TĐ6ND hoạt động phía Bắc căn cứ Alpha và Bravo.

Gần căn cứ Alpha, có địa danh rùng rợn là “Đồi Ma, Suối Máu”. Vì nơi suối máu, Thiếu tá Phan, TĐT/TĐ1ND, đã bị phục kích và hy sinh, Đại úy Triệu bị phỏng cấp 3. Chính nơi đây đã xảy ra nhiều trận đánh đẫm máu giữa quân Dù và CSBV. Đồi ma là một đỉnh cao, từ trên đây có thể quan sát toàn vùng Nam Lào, trên đỉnh có đồn cũ kiên cố do quân Pháp để lại. Địch quân cố thủ đồi nầy để làm đài quan sát, hướng dẫn pháo binh bắn vào những căn cứ hỏa lực và các vị trí trú quân của ta. Các đơn vị Dù nhiều lần muốn thanh toán ổ chốt nầy nhưng vì địa thế quá hiểm trở (chỉ có một sườn hơi thoai thoải, còn 3 mặt đều dốc đứng). Ngay hướng đường đỉnh là những lô cốt kiên cố.

Vì thế Đại tá Lịch phải chỉ Thiếu tá La Tịnh Tường dẫn hai đại đội thanh toán cho bằng được mục tiêu nầy. Tường cho binh sĩ ăn uống trước sáu giờ chiều, rồi lợi dụng trời sáng trăng, ngầm kéo quân đi đến chân đồi. Khoảng 2 giờ khuya, anh cho Hùng “Móm” dẫn Đại Đội 113 dàn quân làm nghi binh tại sườn thoai thoải. Thiếu tá Tường đích thân chỉ huy cánh còn lại (Đại đội 114 của Hùng “Mập”) leo dốc đứng phía sau núi. Khoảng 5 giờ sáng thì Hùng Móm cho binh sĩ khai hỏa nhưng vẫn nằm tại chỗ, địch quân nhào ra lô cốt để bắn xuống dưới sườn đồi. Lúc ấy cánh Hùng Mập đã leo tới đỉnh mà quân CS vẫn không hay. Tường, Hùng, và toàn thể toán cảm tử xông vào các lô cốt thanh toán gọn từng tên một, bắt sống nhiều địch quân và thu nhiều vũ khí, chỉ có một ít địch nhanh chân tẩu thoát.

Các Đơn vị như Đại đội Tổng Hành Dinh, Công Binh, Quân Cảnh, Truyền Tin, Biệt Đội Tác Chiến Điện Tử, Tiểu Đoàn Yểm Trợ,...đóng vòng đai bảo vệ Bộ Tư BTL Sư Đoàn Dù. Các đơn vị trừ bị bố trí theo trục lộ từ Lao Bảo tới Khe Sanh, và tung ra hoạt động sâu đến bên nây biên giới.

Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến sau đó nhảy trực thăng vào hoạt động vùng phía Nam Sư đoàn Dù và yểm trợ Sư đoàn 1 Bộ Binh đổ bộ trực thăng vào lập căn cứ hỏa lực phía Đông Nam Tchépone.

Trung đoàn 3 cho 2 Tiểu đoàn 2 và 4 của thiếu tá Hoàng Mão, K20ĐL và thiếu tá Tôn thất Việt, k16ĐL, nhảy xuống rặng Kurock thiết lập căn cứ hỏa lực bảo vệ cho 2 Tiểu đoàn 1 của Thiếu tá Thuật Xáng, và Tiểu Đoàn 3 của NT Nguyễn Xuân Phong, K10ĐL, vào phía Đông Nam Tchépone. Tiểu đoàn 2 của Hoàng Mão bị tổn thất nặng và được Tiểu đoàn 3 tiếp ứng kịp thời.

Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 2 của Trung tá Giám và Thiếu tá Huỳnh bá An khám phá nhiều ống dẫn dầu và nhiều kho chứa vĩ đại; Tiểu đoàn 3/2 do Trung tá Nguyễn tri Tấn (hậu duệ của Nguyễn Tri Phương) làm Tiểu đoàn trưởng và Thiếu tá Nguyễn văn Tuấn, Tiểu đoàn phó nhảy đầu tiên. Kế tiếp là Tiểu đoàn 2/2 trong đó có Trung tá Huế, K18 ĐL, làm Tiểu đoàn trưởng và Thiếu tá Nguyễn hữu Cước, Khóa 21 ĐL, Tiểu đoàn phó, nhảy trực thăng vào thị trấn Tchépone (lúc đầu dự trù nhảy xuống phi trường nhưng máy bay quan sát thấy địch phục chờ sẵn, nên đổi bãi đáp giờ chót cách phi trường khoảng 2 cây số về phía Nam) phá tan sào huyệt địch, băng qua đường chiếm nhà thờ rồi cấp tốc rút ra hướng Tây Nam và bị địch chận đánh tại rồi Furaton, Trung tá Quế bị thương và bị bắt tại đây. Thiếu tá Cước dẫn 340 người còn lại của Tiểu Đoàn 2/2 băng qua đường 914 (nhánh của Đường mòn Hồ Chí Minh) về vùng an toàn tại căn cứ hỏa lực Delta 1 của Trung đoàn 3, để được trực thăng bóc ra! Riêng Tiểu Đoàn 3/2 sau khi phá hủy nhiều kho tàn của địch, lúc rút ra cũng bị chận đánh. Vì địch đã tập trung nhiều hỏa tập tại đây để chờ đợi quân ta; do đó đơn vị nầy đã bị tổn thất nặng nề gần nguyên một tiểu đoàn. Trận nầy Sư Đoàn 1 BB bị tổn thất khá nhiều, trong đó có vị sĩ quan nổi tiếng là Trung tá Lê Huấn bị hy sinh ngay từ đợt đầu!

Tội nghiệp Liên đoàn 12 Biệt Động Quân nằm tiền đồn phía cực Bắc; vì vậy chỉ chịu đựng được 7 ngày thì Tiểu đoàn 21 do Thiếu tá Hiệp làm Tiểu đoàn trưởng, và Quách Thưởng, Tiểu đoàn phó; cùng Tiểu đoàn 39 do Thiếu tá Khang, TĐT, và Đỗ Đức Chiến làm Tiểu Đoàn Phó bị tràn ngập (overrun). Họ phải rút về căn cứ 31 cho trực thăng bốc ra; riêng Tiểu đoàn 37 của Lại Thế Thiết đóng với BCH Liên đoàn bên nầy biên giới làm lực lượng trừ bị (lẽ ra TĐ39 làm trừ bị, nhưng vì phi cơ đổ lầm nên lãnh đủ dùm cho TĐ37). Thiết và Măng, là bạn cùng khóa 20 Đà Lạt, sau nầy được thăng cấp Trung tá, làm Liên Đoàn Phó Liên Đoàn BĐQ.

Bộ đội Bắc Việt đã ngang nhiên đổ quân bằng xe dưới chân đồi, rồi uống thuốc kích thích tố tên “Hùng Binh” của Trung Cộng chế tạo. Chúng dùng chiến thuật biển người nhào lên không sợ chết, giống như người máy rô bô.

Những ngày kế tiếp, các tiểu đoàn Dù bung ra lục soát, họ liên tiếp khám phá rất nhiều kho tàng, đủ các loại quân dụng và đạn dược, các vật dụng trong kho quân trang còn mới toanh, TĐ1ND sau đó khám phá thấy một kho thực phẩm trong đó có các loại đồ hộp của Nga và Trung Cộng, chưa từng thấy xuất hiện trên chiến trường Miền Nam.

Nhiều Pass B-52 đánh vào các thung lũng (những vùng nghi ngờ địch quân trú đóng), lần nào cũng có tiếng nổ phụ, chứng tỏ đó là kho đạn. Hoặc những cột khói cao, chỉ dấu đánh trúng vào kho nhiên liệu (đặc biệt kho xăng dưới chân đồi 1500, đã cháy liên tục 2 ngày 2 đêm).

Ở Bộ Tư Lệnh SĐND, ngày nào tôi cũng lên phòng Trung Tâm Hành Quân họp, thấy các đơn vị báo cáo chạm địch và xin tản thương liên tục. Địch quân thường bắn hỏa tiễn 122 ly vào đây, có lần vừa đi gần tới Phòng Hành Quân, thì nghe tiếng hú xé gió của hỏa tiễn, tôi vội nằm xuống, thì “Ầm” một tiếng, quả đạn rơi cách chỗ tôi nằm khoảng 5 thước, cát bụi văng dính cùng mình (không biết tại sao hỏa tiễn cứ theo tôi hoài, có lần tôi và Đại úy Công Binh Nguyễn Thanh Nhàn đang đứng ở gần cầu Mỹ Chánh, khi nghe tiếng hú xé gió của hỏa tiễn, tôi nhanh chân phóng vô hầm; Nhàn đứng khơi khơi cười chọc: “Ông thần Dưỡng trốn đâu mất rồi?”. Nhà tôi ở gần phi trường, mỗi lần nghe pháo kích, tôi phản ứng phóng nhanh xuống dưới cầu thang, vợ con tôi đứng cười ngất, có lẽ tại bị thương nhiều phen, trong mình tôi còn nhiều mảnh quá nên giống như gà bị nhát đèn!)

Đến gần hố đạn, thấy cỏ sậy làm giảm độ xuyên phá (chỉ sâu chừng 10 phân), nhưng bề ngang rất rộng, đường kính khoảng 2 thước, rút từ kinh nghiệm nầy nếu dùng cây dừa nhiều chất sơ, có thể cản độ xuyên phá của bom, hỏa tiễn.

Càng ngày trận chiến càng ác liệt, sau khi thấy ta không có ý định vào Tchépone, 2 Sư đoàn Bắc Việt tại đây bắt đầu phản công, địch điều quân tới các căn cứ hỏa lực để mong đè bẹp chúng ta. Chẳng hạn như cánh quân Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù và chi đoàn Thiết giáp bị nguyên một Trung đoàn của Sư đoàn 320 chận đánh tập kích. Cánh quân TĐ1ND sau đó được TĐ7ND của Thiếu tá Ngọc vào tiếp ứng để đương cự với Sư đoàn 308 Bắc Việt. Lúc đó B-52 được xử dụng như máy bay chiến thuật để yểm trợ các cánh quân bạn (vì địch quân tập trung đông quá, khu trục, pháo binh làm không xuể). Nhiều quả bom rơi cách đơn vị bạn chỉ có 500 thước!

Một hôm, trong cuộc họp của Bộ Tư Lệnh, thấy Lữ đoàn III Nhảy Dù đang bị áp lực quá nặng; Trung tướng Dư Quốc Đống ra lệnh tập trung yểm trợ hỏa lực mạnh thêm. Ngoài ra ông còn cho lệnh phái một toán Tác Chiến Điện Tử vào Căn cứ 31, tăng cường cho Đại tá Thọ.

Tôi chỉ định Trung úy Lâm Vỹ, Trưởng toán 1, dẫn binh sĩ chuyên viên và đem máy Sensor theo. Thấy tình hình lúc đó thật sôi động, Căn cứ hỏa lực 31 của Đại tá Thọ như chỉ mành treo chuông. Chẳng lẽ bỏ anh em đi một mình vào tử địa, tôi quyết định theo trực thăng đưa Toán 1 vào đồi 31.

Khi đoàn trực thăng 4 chiếc bay vào vùng Hạ Lào, tôi ngồi trên máy bay nhìn xuống thấy con sông Sépone chạy dài từ Lao Bảo tới Thị Trấn mút tận bờ Tây. Lúc bay ngang qua căn cứ hỏa lực Bravo của TĐ5ND, thấy những khẩu pháo đang tác xạ liên hồi, khoảng 2 phút sau thì tới Bản Đong, Căn cứ hỏa lực A Lưới, trong đó có BCH/LĐIND, nơi thằng bạn cùng khoá Nguyễn Tấn Kiệt đang làm sĩ quan Hành quân.

Các trực thăng bay rất thấp để tránh đạn phòng không, vậy mà chạy cũng không thoát khỏi! Khi vừa tới đồi 31 thì chiếc đi đầu, trong đó có toán của Trung úy Lâm Vỹ bị bắn trúng, nó bay lảo đảo mất thăng bằng, vội đáp khẩn cấp xuống sườn thoai thoải của Căn cứ 31. Trung úy Vỹ bị bắn bể xương đầu gối! Ba chiếc còn lại sợ quá (vì phòng không xung quanh Căn cứ bắn lên như rừng pháo bông), vội bay trở về Bộ Tư Lệnh.

Ngay chiều hôm đó đồi 31 bị tràn ngập, tôi nghe tiếng Nguyễn Quốc Trụ, bạn cùng khóa, gọi Kiệt bên Căn Cứ A Lưới là: “Xe tăng Việt Cộng đang trên hầm chỉ huy, mầy nói pháo binh bắn lên đầu tao, chờ tụi nó xuống tao sẽ tự tử, vĩnh biệt mầy, Kiệt ơi!”. Trụ là em ruột của Thủ Khoa Khóa 18 Đà Lạt, Nguyễn Anh Vũ, Niên trưởng nầy đã hy sinh mấy năm trước, khi đang làm trung đội trưởng ở Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù.

Căn cứ hỏa lực 31 thất thủ, bên trong gồm BCH Lữ đoàn III Nhảy Dù, Tiểu đoàn 3 trừ, BCH TĐ3PB, Pháo đội 33 của “Anh hùng Mũ Đỏ Tên Đương!”. Thấy tên nhiều đơn vị như vậy, nhưng quân số lúc đó đã hao hụt chỉ còn trên 400 người. Đại tá Thọ,Trung tá Châu,...bị bắt. Đại úy Đương tuẫn tiết!

Những Đại Đội Trinh Sát của các đơn vị thường rất thiện chiến, như TS9 do NT Nguyễn Đình Hạnh, K19 ĐL, chỉ huy. Đơn vị gồm đa số lính thuộc Liên Đoàn Phòng vệ Phủ Tổng Thổng (bị đày, có lẽ không chống đảo chánh). Đơn vị nầy xung trận rất dũng mãnh, đôi khi được thả ngay trong lòng địch. Mỗi lần lâm trận, chị Hạnh cũng nhảy theo xung phong ào ào, khiến binh sĩ đại đội Trinh Sát phục sát đất. Nhưng khi thấy xác địch nhiều quá, chị sợ tới mất ngủ.

Sau nầy chị chỉ lãnh phần gác tù binh, và trực tổng đài để binh sĩ rảnh tay truy kích địch. Ở Vùng IV có nhiều “Nữ quân nhân lậu” nầy và đôi khi họ còn chì hơn đức lang quân, chẳng hạn như bà Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn “Cọp Ba Đầu Rằng” BĐQ có thể gan lì giống như Bà Triệu thời xưa.

Đơn vị Trinh Sát Sư Đoàn 9 Bộ Binh của anh Nguyễn Đình Hạnh nổi tiếng sát quân, thường không ai thoát khỏi 6 tháng, riêng đại đội trưởng Hạnh đã bị thương 7 lần và bị giải phẫu hơn chục phen. Nhưng mạng anh rất lớn đã lọt khỏi sổ phong thần. Còn chị lại càng rất chì, đã theo anh hành quân từ ngày chưa cưới, mà vẫn dám tiếp tục theo anh chàng lãng tử bạt mạng nầy tới ngày nay. Hiện anh chị sống tha hương tại thủ phủ Sacramento thuộc tiểu bang California.

Còn các đơn vị Trinh Sát SĐND thì khỏi nói, Út Bạch Lan của Đại Đội 2 Trinh Sát nổi tiếng như cồn, hai đại đội TS1 và TS3 cũng rất là dũng cảm thiện chiến. Chẳng hạn như ĐĐ3 Trinh Sát dưới sự điều động của Đại úy Thanh và Trung úy Bảo đã chiến đấu rất kiên cường khi theo TĐ8ND đi tiếp ứng LĐ3ND, và bị trung đoàn địch phục kích gần chân đồi 31. Binh sĩ toàn đại đội đã dùng lựu đạn để tiêu diệt nhiều chiến xa, họ đã bắn tới hết đạn nhưng vẫn dành 1 viên cuối cùng giống như anh hùng Nguyễn Văn Đương.

Theo lời Vũ Hùng, một chiến sĩ thuộc ĐĐ3TS, kể lại thì cái chết của Đại úy Thanh và Trung úy Bảo cùng nhiều anh em tại gần đồi 31 thật vô cùng dũng cảm, những hình ảnh kiên cường của đồng đội đã ghi đậm vào tâm tư mà 27 năm sau, trên bước đường lưu vong ở Seattle, mỗi lần nghĩ đến anh rất hãnh diện và cảm phục chí can cường bất khuất của đồng đội .

Căn Cứ Hỏa Lực 31 thất thủ là một tin buồn nhất cho Sư đoàn Nhảy Dù chúng tôi từ trước tới nay!

Ngay ngày hôm sau, LĐT/LĐ1ND cho một Tiểu đoàn Dù tới tiếp đón những binh sĩ chạy thoát được từ Căn cứ 31. Thiếu tá Phú, Tiểu đoàn phó TĐ8ND dẫn 2 đại đội tùng thiết, hai chi đoàn Thiết giáp, và ĐĐ3 Trinh Sát đi còn cách Căn cứ 31 khoảng 2 cây số thì bị phục kích bởi quân số đông đảo của Bắc Việt, tưởng chừng sắp sữa bị overrun, nhưng may quá nhờ 2 Pass B-52 đến kịp lúc, bom thả kẹp sát hai bên đường, làm im ngay tiếng súng địch (TĐ1ND và TĐ7ND cũng phải dùng B-52 tương tự để giải vây. Một năm sau, Đại tá Lưỡng cũng lấy kinh nghiệm nầy để giải cứu An Lộc,Bình Long).

Trung úy Vỹ bị thương chân không vô được căn cứ, vừa bò vừa lết xuống chân đồi. Anh đã nhịn ăn uống cả ngày, dùng hơi sức cuối cùng bò lại nơi chiến địa, vừa thấy anh em TĐ8ND, vội la lên cho họ tới cứu, đôi mắt lờ mờ nhìn binh sĩ bạn đến gần, anh kiệt sức, ngất xỉu trên tay họ!

Vỹ kể lại trong đêm đó, sau khi lấy băng cá nhân bó tạm vết thương, anh bị hành sốt, áo quần rách rưới, nên càng lạnh thêm! Lúc đang nằm trốn trong bụi rậm, anh nghe thấy xe địch, thiết giáp và vận tải, chạy qua lại dập dìu, bộ binh địch di chuyển rầm rộ, nói chuyện huênh hoang. Dù quá mệt mỏi, đói khát, Lâm Vỹ cũng cố gắng bò về hướng Nam, nơi BCH/LĐ1ND đang đóng quân tại căn cứ hỏa lực A Lưới. Vỹ nghe rõ tiếng đề ba của pháo đội bắn liên tục suốt đêm, bò được 2 cây số thì trời sáng, anh lo kiếm bụi núp,sợ địch bắt gặp thì coi như đời tàn!

Một tuần sau khi Căn cứ 31 bị thất thủ, địch tập trung dùng chiến thuật tiền pháo hậu binh. Ngày nào chúng cũng bắn vào đồi 30 của TĐ2ND hằng ngàn quả đạn pháo, rồi dùng Thiết giáp và biển người định tràn ngập căn cứ hỏa lực nầy, trong đó có mấy thằng bạn cùng khóa tôi là Hạnh, Phương, Điệp,...cùng Mạnh Thu, Thơm,...hợp sức với các chiến sĩ đồng lòng sát cánh chiến đấu kiên cường, chống đỡ nhiều đợt xung phong biển người của quân chánh quy Bắc Việt. Pháo binh 105 ly của Bành Minh Trí và pháo đội 155 ly của Phạm văn Hy đã quay nòng bắn trực xạ.

Địch quân như đàn kiến bu quanh đồi 30, nhờ bốn pháo đội bắn yểm trợ thật hữu hiệu, những loạt đạn C.V.T. làm đàn kiến im một chút. Trần công Hạnh rà được tần số khu trục Mỹ, điều chỉnh các đợt oanh tạc thật hữu hiệu, làm phi công Mỹ đánh trúng mục tiêu, thầm khen phục anh chàng nào đang bị bao vây mà vẫn còn bình tỉnh tìm cách cựa quậy.

Địch quân hết đợt nầy tới đợt khác dùng biển người nhào lên định overrun như căn cứ 31, nhưng các chiến sĩ can cường TĐ2ND và các pháo đội thề quyết không để cho chúng khuất phục, pháo binh trực xạ bắn cháy nhiều chiếc thiết giáp địch, các binh sĩ dùng lưỡi lê lựu đạn đẩy lui các đợt xung phong. Sau khi cầm cự được hai tuần, BTL Sư Đoàn cho lệnh TĐ2ND để lại vài cảm tử quân cầm cự cho đơn vị lợi dụng đêm tối từ từ rút khỏi đồi 30, chờ khi toán cảm tử rút hết, Lữ đoàn dùng B-52 rải thảm tiêu diệt toàn bộ địch chung quanh Đồi 30 nầy.

Mặc dầu quân số (kể cả pháo binh) trong căn cứ hỏa lực không quá 300 người, mà có thế cầm cự với 2 trung đoàn địch và một trung đoàn Thiết giáp với pháo binh, hỏa tiễn yểm trợ hùng hậu, vậy mà hai tuần lễ tấn công bằng mọi cách, có lúc chiến xa PT76 địch đã vào sát hàng rào; nhưng súng M-72, mìn chống chiến xa, pháo binh trực xạ, và ngay cả lựu đạn tay, đã tiêu diệt các con rùa nầy ngay trước hố chiến đấu của chiến sĩ Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù.

Trong cuộc di tản của TĐ2ND có một chuyện cần kể là khi đang bay thị sát mặt trận, trên trực thăng Trung tá Nguyễn thu Lương, Tham Mưu Phó Hành Quân SĐND, đã vô tình nghe được trong máy tiếng kêu cầu cứu:

- Em là Hạ Sĩ Hứa thuộc TĐ2ND, tụi em còn 6 người với em là 7; tụi em đang ở lưng chừng đồi, em còn súng và hai quả khói, và em có gương soi; vị nào đang bay trên đó nếu nhận được tin xin xuống cứu tụi em!!!

Tiếng kêu cứ lập đi lập lại! Trung tá Lương nói viên cố vấn Mỹ tên Vichy bảo phi công thử bay vòng trở lại coi có phải cầu cứu thật hay địch bắt buộc tù binh dụ máy bay xuống?

Trung tá Lương nói với Hứa:

- Anh nhìn về đồi 30 coi mặt trời hiện đang ở bên trái hay bên phải?

- Dạ bên trái.

Sau khi coi lại giờ giấc, Trung tá Lương tự nói thầm: “Như vậy họ đang ở hướng Tây Nam của đồi 30”.

- Em khoan thả khói, chưa nhận vị trí mà hết khói thì không xuống được .

- Em còn một trái khói màu xanh và một trái màu tím!

- Tôi sẽ bay thấp và thẳng khi nào thấy máy bay đúng hướng thì chiếu gương ngay.

Trực thăng bay qua lại mấy lần, và Hứa bên dưới điều chỉnh:

- Không! Bên trái em .

Trở lại vòng thứ nhì thì nghe Hứa nói:

- Không! Bên phải em .

Lần thứ 3 thì nghe tiếng la mừng rỡ của Hứa:

- Dạ đúng! Đúng! Đang bay thẳng vào mặt tụi em!

Hứa chiếu gương và nói :

- Em đang ở dưới bụng máy bay!

Trung tá Lương nhìn dưới sườn đồi thấy 5, 6 người đang mình trần tay cầm áo phất qua phất lại, ông bảo:

- Thả trái khói xanh!

Hứa làm theo, trực thăng thấy khói bay là sát nhìn kỹ coi có gì khả nghi không? Rồi ông bảo thả khói tím và sẵn sàn chờ trực thăng đáp xuống sẽ phóng nhanh lên. Sau khi bóc lên, Trung tá Lương lấy bi đông nước cho họ uống giải khát; còn Đại tá Vichy vừa đưa bao thuốc thơm vừa đưa ngón tay cái lên ngụ ý khen ngợi toán binh sĩ Dù biết cách thoát hiểm mưu sinh! Còn 7 chiến sĩ TĐ2ND thì mừng rỡ và gật đầu cám ơn mọi người trên máy bay đã không sợ nguy hiểm dám liều đáp xuống vùng sôi động để cứu 7 người !

TĐ1ND do Thiếu tá Nguyễn quang Sáng cho hai đại đội đột kích vào BTL Sư Đoàn 308. Trận đánh xáp lá cà một cách tuyệt vời nầy đã tiêu diệt được viên Tư lệnh Sư đoàn, Thượng tá Nguyễn xuân Rục, với đầy đủ bản đồ và gậy chỉ huy của y.

Trên đường rút về bên nây biên giới, xe thiết giáp chở Thiếu tá Phan, Tiểu đoàn trưởng TĐ1ND, bị bắn B-40, ông đã bị tử thương, Đại úy Triệu bị phỏng nặng (cấp ba), anh phải chịu đau đớn vì giải phẫu ghép da hằng chục lần, vô nhà thương thấy anh treo tay chân, băng bó cùng mình, thật tội nghiệp vô cùng.

Đại úy Nguyễn đức Tâm, đại đội trưởng Đại đội 91 Nhảy Dù được chỉ định dẫn đầu đoàn quân rút lui, anh thấy dọc theo Quốc Lộ 9, địch dàn quân phục kích sẵn, nên bẻ về hướng Nam khoảng 1 cây số, rồi đổi hướng Đông tiến về biên giới, nhờ vậy đưa toàn bộ các đơn vị rút ra an toàn. Riêng chiếc phi cơ chở Đại tá Lưỡng và Đại úy Thu vừa ra khỏi A lưới chừng 5 phút thì bị bắn rớt, may nhờ chiếc trực thăng của Mỹ nhào xuống bốc nhanh lên,nếu chậm chừng 10 phút, có thể vị Lữ đoàn Trưởng tài ba của chúng ta sẽ bị quân Việt Cộng tới bu như kiến (Đại tá Lê quang Lưỡng vì lo cho pháo binh yểm trợ hai Tiểu đoàn Dù rút lui an toàn nên mới kẹt lại sau cùng)

Nếu kỷ thuật tác chiến của những sư đoàn Chánh Qui CSBV khá như sư đoàn Dù và TQLC thì chúng ta sẽ bị thảm hại rất nhiều. Nhưng chúng chỉ quen đánh những trận thư hùng với quân đội Pháp, không có huấn luyện tới trình độ để đương đầu với những đơn vị có khả năng kỷ thuật cao. Nếu 2 tiểu đoàn chính qui Bắc Việt mà gặp một tiểu đoàn Nhảy Dù, TQLC, hoặc BĐQ thì coi như họ bị tiêu ngay.

Trận Hạ Lào, quân VC đã cố gắng dùng biển người và biển lửa, cùng cua sắt để mong đè bẹp ta, nhưng chúng hoàn toàn bị thất vọng. Bằng cớ khi chúng ta rút khỏi Hạ Lào, địch không có lực lượng nào khả dĩ có thể làm tổn thất hoặc rối loạn hàng ngũ ta, lúc đó chúng chỉ có thể bắn vói theo trực thăng để mong gỡ gạc phần nào, mặc dù hai đài phản bội Đồng Minh, VOA và BBC đã cho chúng biết trước.

Chúng ta vào Hạ Lào và chúng ta đã rút ra khỏi Hạ Lào khi nhiệm vụ phá tan căn cứ tiếp liệu hậu cần của địch đã hoàn tất. Hành quân tấn công thì không khó, nhưng hành quân rút lui, trong lúc khó khăn, mà thành công được là điều chắc chắn tinh thần kỷ luật binh sĩ thật cao. Cộng thêm sự gan dạ và tài điều binh của các sĩ quan chỉ huy, một phần cũng nhờ địch quân mất tinh thần và tổn thất quá nặng nề.


Каталог: stories
stories -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
stories -> -
stories -> TỜ khai thông tin của ngưỜi khuyết tật phần I cá nhân ngưỜi khuyết tậT
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO
stories -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ ngh ĩa việt nam ban an toàn giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
stories -> BỘ CÔng thưƠng số: 1057/QĐ-bct cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
stories -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
stories -> Đôi lời Ân tình

tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   9   10   11   12   13   14   15   16   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương