Trương Dưỡng Một Cánh Hoa Dù Hồi Ký Hồi Ký Một Cánh Hoa Dù


Mặt Trận Tây Ninh (1968-1969)



tải về 1.4 Mb.
trang10/17
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích1.4 Mb.
#27293
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   17

10. Mặt Trận Tây Ninh (1968-1969)
Trong trận chiến tại Việt Nam, vị trí địa dư của vùng bán đảo Đông Dương đã khác hẳn với vị trí vùng bán đảo Triều Tiên. Cả hai quốc gia cùng bị chia cắt, nhưng Nam Hàn nhờ biển bao bọc nên sự xâm nhập và phá hoại không dễ dàng như ở Miền Nam Việt Nam, mà rừng núi trùng điệp chạy dài suốt dãy Trường Sơn là nơi có đường mòn Hồ chí Minh xuyên qua hai lân bang Lào và Khmer.

Hai nước nầy là loại trung lập thiên tả. Lào thì mặc nhiên bất lực, còn Khmer thì công khai dung dưỡng bọn Trung ương cục Miền Nam trên nội địa của họ để làm căn cứ xuất phát các cuộc tấn công vào Miền Nam, rồi sau đó rút về cứ địa an toàn Cam Bốt. Sihanouk đã cho quân đội Bắc Việt và VC trú quân trên lãnh thổ Khmer, khiến quốc gia nầy gần như bị mất chủ quyền. Vì thế dân chúng Căm Bốt vốn dĩ đã từng có mối hận thù truyền kiếp, nay họ nhân cơ hội nầy nổi dậy để chống đối và biểu tình đòi hỏi phải có thái độ dứt khoát đối với việc đóng quân của Cộng Sản.

Cuối cùng họ tổ chức biểu tình rầm rộ với sự ủng hộ của Sư sãi, sinh viên, quân đội,... đột nhập vào sứ quán Cộng Sản Bắc Việt đập đồ, cướp phá, và nổi lửa thiêu sạch hồ sơ giấy tờ. Sihanouk vận động Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa dùng áp lực buộc VC rút quân, nhưng không thành. Vì thế Lon Nol và Quốc Hội đồng thanh truất phế vị Quốc Trưởng đã điều hành quốc gia nầy hơn 15 năm. Chính vì sự dung dưỡng của Sihanouk bấy giờ, nên Bắc Việt mới xử dụng được đất đai của Campuchia làm căn cứ địa để chuyển vận vũ khí, tập trung lực lượng tổ chức các cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân năm 1968. Vì thế chiến trường Tây Ninh trở nên sôi động vào các năm 68,69,70.

Sau khi phản công đẩy lui địch ra khỏi thành phố Sài gòn và vùng Ven Đô, TĐ9ND được chỉ định trấn giữ các trọng điểm trong Sàigòn. Đại đội 91 của tôi đóng ở kho đạn Gò Vấp, Đại đội 94 của anh Tâm trấn giữ khu vực ở kho Năm Khánh Hội. Lúc bấy giờ có một số sĩ quan mới về như Chuẩn úy Tường và Chuẩn úy Phúc làm Trung đội trưởng cho tôi, Lê Mạnh Đường ở ĐĐ90 rồi về ĐĐ92 của Thành Râu. Trạch thuyên chuyển đi Tiểu đoàn 3, Chí “Bệu” đi Tiểu đoàn 6, Bảo bị thương ở vai nên về chỉ huy tân binh ở trại Vương Mộng Hồng.

Các đại đội nghỉ tại đây khoảng nửa tháng thì có tin tức địch đã rút về hướng Tây Ninh, nơi tiếp cận căn cứ địa Trung ương Cục miền Nam (Cục R) của Việt Cộng.

a).Trận Đồn Điền Vên Vên
Tiểu Đoàn được về hậu cứ nghỉ một tháng, rồi được xe GMC chở lên Đồn điền cao su Vên Vên để tăng phái cho Quân Đoàn III. Vừa bố trí quân xong, trực thăng chở Tướng Đống và Tướng Đỗ Cao Trí đáp xuống Bộ chỉ huy Tiểu đoàn.

Tôi thấy tướng Trí cầm cây “Can” chỉ vào bản đồ hành quân như ban lệnh cho Trung tá Nhã, trong khi tướng Đống đứng kế bên chăm chú lắng tai nghe một cách nghiêm cẩn (Tướng Đống rất tôn trọng vị Cựu Tư lệnh Sư Đoàn Dù cũ của mình). Tướng Trí là một sĩ quan kỳ cựu và tài ba trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông từng lãnh đạo Sư Đoàn Nhảy Dùø và Quân Đoàn III gặt hái nhiều thành quả trong các cuộc hành quân quy mô nổi tiếng. Đặc biệt ông đã cho dùng chiến thuật “Diều Hâu”, lưu động và thần tốc, trong mặt trận vùng Tây Ninh và Căm Bốt rất hữu hiệu. Như trận càn quét địch ở kamPong cham, thay vì điều động cả Chiến đoàn dàn quân trận địa, mới có thể kiểm soát bao quát toàn khu vực, ông chỉ cho 2 đại đội đổ bộ bằng trực thăng đánh mục tiêu nầy, rồi bốc lên bỏ vào khu vực khác.

Suốt ngày đơn vị Dù nầy được trực thăng vận đi khắp tỉnh KamPong Cham, giống như diều hâu đáp xuống xớt cá. Khiến các tổ trú ẩn của Việt Cộng trong địa phận nầy không kịp tránh né, không kịp trở tay, đâu đâu cũng báo cáo bị quân Dù tập kích. Do đó địch bị rối loạn hàng ngũ, bỏ chạy tứ tán, làm mồi cho những khẩu đại liên của các trực thăng võ trang.

Trung tướng Đỗ Cao Trí rất có uy quyền, oai phong của một cấp chỉ huy. Một sáng thứ hai nọ, tôi ôm bản đồ theo Đại tá Nguyễn Khoa Nam vào họp hàng tuần tại Phòng Hành Quân của Biệt Khu Thủ Đô (Lúc đó Bộ Chỉ Huy Lữ đoàn III đóng ở hãng Khải Vinh, Phú Lâm, trực thuộc Quân Đoàn III đang hành quân vùng Lê Minh Xuân, bảo vệ Vòng Đai Sàigòn). Tướng Trí chủ tọa buổi họp, người thuyết trình đầu tiên là Trung tướng Nguyễn văn Minh, Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô :

- Kính thưa Trung tướng, thưa quí vị, hôm nay tình hình Biệt Khu Thủ đô...

Sau khi thuyết trình xong, Tướng Trí, vẫn ngồi ở ghế bành, miệng ngặm ống điếu, tay cầm cây “Can”, chỉ thị và hỏi nầy nọ, Tướng Minh nghiêm chỉnh trả lời rành mạch, xong tướng Trí khẽ nghiêng đầu (chứ không nhìn thẳng mặt) qua bên viên tướng Cố Vấn Mỹ, chỉ chỉ này nọ. Trong khi tướng Mỹ cung kính chồm người tới vừa gật gật cái đầu như tỏ ý lắng nghe vừa ghi chú lia lịa. Tôi nhìn cảnh đó thấy ông thật là oai phong chẳng những với người mình mà cả luôn người Mỹ nữa. Tới phiên Đại tá Nam, tôi vội đem bản đồ treo lên bảng, trong khi ông thuyết trình, thì tôi lấy que chỉ theo trên khu vực hành quân của Lữ đoàn. Tôi cố gắng giữ cho đừng khớp vì trong phòng thuyết trình toàn là tướng, tá, chỉ có mình tôi là cấp đại úy nhỏ nhất!

Tướng Trí sau nầy bị tử nạn trực thăng tại phi trường Trảng Lớn, Tây Ninh. Cái chết của ông có nhiều nghi vấn, vì ông chủ trương đánh chiếm Căm Bốt, điều nầy trái với ý của người Mỹ. Họ cho ông quá hiếu chiến, trong khi đó với chiến thuật diều hâu của ông, chỉ cần dùng sư đoàn Dù và TQLC trong một tháng là có thể chiếm được toàn cõi Căm Bốt. Vì ông tức giận họ đã để cho Việt Cộng làm căn cứ an toàn trên đất Khmer, từ đó chúng đưa quân vào phá hoại Miền Nam VN.

Trở lại trận đánh ở đồn điền cao su Vên Vên, Trà Võ. Tiểu đoàn vừa đóng quân xong, ngay đêm đó địch đã pháo kích nhiều quả vào đơn vị, như thách thức đoàn quân Dù. Sáng hôm sau, Đại Đội 91 được chỉ định đi “Tùng thiết” làm mũi dùi tấn công, mục tiêu là một ngôi làng bỏ hoang, chính nơi đây đêm qua địch đã đặt hỏa tiễn 122 ly và súng cối pháo vào vị trí đóng quân của tiểu đoàn. Khi gần tới bờ làng thì bị địch quân bắn ra ào ạt, chúng tôi nhảy nhanh khỏi Thiết vận Xa M-113 tìm các mô đất hoặc dựa theo chiến xa bắn trả lại. Các xạ thủ đại liên trên M-113 bắn quạt vào mục tiêu; sĩ quan tiền sát lập tức điều chỉnh pháo binh; Cố Vấn Mỹ gọi Khu trục và gunship tới bắn dập vào mục tiêu. Sau khi hỏa lực yểm trợ vừa ngưng, chúng tôi cùng chiến xa vừa bắn vừa chạy ào vô mục tiêu. Nhưng có lẽ địch đã kịp thời bổ sung toán trừ bị trám vào chỗ giao thông hào đã bị pháo dập, nên họ vẫn tiếp tục bắn trả mạnh mẽ, khiến chúng tôi phải khựng lại.

Bỗng một chiếc M-113 bị B-40 địch bắn đứt dây xích, tôi đưa Trung đội 2 của Phấn tới bắn yểm trợ cho xạ thủ và tài xế nhảy ra khỏi xe. Địch thật kiên trì, chúng tôi phải dùng mọi hỏa lực yểm trợ mà họ vẫn chưa chịu chém vè. Đánh nhau tới trời ngả bóng, chúng mới lợi dụng đêm tối di tản thương binh và rút lui dưới những loạt mưa pháo bắn rải truy kích của pháo đội Dù. Đêm đó Thiếu úy Phấn la chí choé vì Trung đội anh nằm giữ chiến xa đứt xích, bị pháo cận phòng của ta bắn gần quá, sợ các mảnh văng trúng nguy hiểm cho binh sĩ!

Sáng ra Đại đội tôi thận trọng tiến vào mục tiêu, thấy hầm hố kiên cố của địch thật nhiều! Các lò Hoàng cầm, chõng tre, và những giao thông hào có nắp che, chứng tỏ địch ở đây nhiều cỡ cấp tiểu đoàn, thảo nào hôm qua chúng có đại bác bắn đứt dây xích và coi thường chi đoàn thiết vận xa. Nếu không có hỏa lực hùng hậu của phi pháo thì TĐ9ND với chi đoàn Thiết vận xa phải trầy da tróc vảy và chưa chắc đã đánh bật được địch ra khỏi những hầm hố quá kiên cố nầy. Sau khi lục soát, chúng tôi tịch thu được một số vũ khí và đạn dược do địch lo chém vè thủ thân nên không kịp thu lượm tàn cuộc.

Tiểu đoàn phân bố lục soát xong dừng quân tại đây một đêm. Sáng hôm sau, Thiếu tá Bảo chỉ huy hai Đại đội 91 Dù và Đại đội 92 Dù đi cánh phải, thành phần còn lại do Trung tá Nhã chỉ huy đi cánh trái. Tất cả tiến về các mục tiêu đã chỉ định, nơi nghi ngờ địch đã rút quân về đó. Đại đội 92 của anh Thành đi đầu được khoảng hai cây số đường rừng cao su thì chạm địch lẻ tẻ, Thiếu tá Bảo điều động Đại đội tôi lên chận cánh phải để hốt các tên tẩu thoát do Thành phá ổ.

Bên cánh trái của Trung tá Tiểu đoàn trưởng cũng gặp nhiều chốt cầm chân, có lẽ để cho chủ lực quân của địch kịp thời rút sâu về mật khu an toàn. Họ không ngờ quân Dù của chúng ta dám đuổi chúng tới cùng đường như vậy. Từ lâu nay họ làm chủ khu vực nầy, gây khó dể cho các cuộc hành quân của SĐ25BB, ĐPQ, và Dân Vệ các xã xung quanh.

Đây là lần đầu tiên chạm trán với hỏa lực mạnh và đơn vị thiện chiến, khiến Cộng quân hoang mang, chưa đánh đã lo chạy. Các chốt địch lần lượt được bứng sạch. Tiểu đoàn tiếp tục bung rộng, rồi đóng đồn lập căn cứ, tổ chức các cuộc hành quân tuần thám, đột kích cấp đại đội vào trong những nơi gọi là mật khu an toàn của địch. Các đơn vị chỉ chạm lẻ tẻ, địch thấy chúng tôi ở lì trong vùng nầy nên quyết định bỏ đi. Đem quân về ẩn trú tại mật khu Bời Lời và Dương Minh Châu.

Tiểu đoàn bàn giao khu vực nầy lại cho Địa Phương quân trấn giữ, chúng tôi được đưa vào thị trấn Tây Ninh nghỉ xả hơi, tại đây tôi và các bạn đi tham quan Toà thánh Cao Đài ở trong khu vực chợ Long Hoa. Các Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài, được xây cất hết sức uy nghi tráng lệ. Tôi thấy các tín đồ Cao Đài thờ cả Phật lẫn Chúa, cùng Văn Hào Victor Hugo, và Giáo chủ của họ là Đức Ông Phạm Công Tắc. Họ cũng đặt ra những chức sắc như Lễ Sanh, Thượng Sanh,...

Từ chợ Long Hoa, họ có mở con đường rất rộng hướng về Nam Vang, nơi Giáo Chủ Phạm Công Tắc đã từng sống lưu vong. Chúng tôi đi tới núi Bà Đen, tại đây có lăng mộ của tướng Cao Đài nổi danh thời TT Ngô Đình Diệm, ông đã bị bắn chết tại giữa cầu bắc ngang qua Khánh Hội, mà sau nầy đặt tên cầu Trịnh Minh Thế.
b). Trong Mật Khu Bời Lời

Nghỉ dưỡng quân một tuần lễ, Tiểu đoàn được trực thăng vận vào mật khu Bời Lời, nằm khu vực phía Đông Nam Thị xã Tây Ninh. Đại đội tôi vừa nhảy khỏi máy bay đã bị địch từ trong chòm cây bắn vài tràng AK, một binh sĩ bị trúng đạn tử thương ngay tại chỗ. Cả đơn vị lập tức vừa hô “Xung phong” vừa bắn và chạy vào bờ rừng, khiến địch sợ hãi, trở tay không kịp, kẻ lo chém vè, người nào chần chờ thì giơ tay đầu hàng.

Bây giờ mới lo kiểm điểm lại đơn vị, thì thấy có một tử trận và 5 binh sĩ bị thương. Y tá đại đội băng bó vết thương, tất cả được trực thăng di tản về bệnh viện Đỗ Vinh ở hậu cứ Hoàng Hoa Thám. Chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào mục tiêu, khám phá rất nhiều hầm hố kiên cố, trong đó có Trung Tâm Hành Quân rộng lớn và nằm sâu dưới mặt đất. Đây là nhờ trực thăng đổ bộ chớp nhoáng, nên địch không kịp ra giao thông hào nghênh chiến, chỉ có những tên lính gác và các tên ở gần hướng bãi đổ quân chống trả yếu ớt, do đó chúng tôi chỉ bị tổn thất nhẹ và chiếm được mục tiêu mà không cần phi pháo yểm trợ (chúng tôi lúc đó giống như những con chim diều hâu nhào xuống từ trực thăng để chụp bắt những con cá đang bơi lơ đễnh).

Sau khi thu dọn chiến trường, trực thăng lại đáp xuống bốc chúng tôi thả xuống một khu rừng khác, cách đấy 5 cây số về hướng Bắc. Vì phi cơ quan sát L-19 thấy địch đã chạy về chòm rừng nầy. Lợi dụng địch chưa kịp đào hầm hố, tiểu đoàn cho phi pháo dập trước, rồi nhào trực thăng xuống hốt thêm một mớ. “Chiến thuật Diều hâu” tuy rất mệt nhưng kết quả vô cùng khả quan, địch không kịp trở tay và ta đỡ tốn hao sinh mạng, mà vẫn thu hái được nhiều thành quả không ngờ.

Bốc chỗ nọ, thả xuống chỗ kia, làm suốt một tuần thì mật khu rộng lớn nầy coi như bị các đơn vị Dù cày nát. Tiểu đoàn lại được đưa về Thị Xã dưỡng quân và nhận tiếp tế lương thực, đạn dược, bổ sung quân số, để chuẩn bị cho cuộc hành quân diều hâu kế tiếp vào một mật khu khác. Ra thị xã kỳ nầy, lúc rảnh rỗi chúng tôi thường ra chợ ăn hủ tiếu gà ở Quán Cây Me, đường đi lên Thiện Ngôn. Hủ tiếu tại đây không thua gì phở gà Hiền Vương ở Tân Định. Đặc biệt họ đựng hủ tiếu trong những tô to lớn và thịt gà thật nhiều, nước lèo rất ngon.

Sau đó tiểu đoàn được xe chở vào Quận Khiêm Hạnh, nằm ở hướng Đông Nam của Tỉnh lỵ. Tại đây mỗi ngày các đại đội thay phiên nhau vô tuần tiểu lục soát tại các khu rừng xung quanh quận lỵ, thỉnh thoảng thọc sâu vào mật khu Bời Lời coi chúng có còn dám trở lại lập căn cứ để đưa quân vào phá quấy quận Khiêm Hạnh như trước kia không?



C). Hành Quân Tại Mật Khu Dương Minh Châu
Tại quận Khiêm Hạnh khoảng nửa tháng, Chúng tôi được về Sàigòn nghỉ xả trại một tuần, các sĩ quan vẫn được mời ăn ở nhà hàng Bồng Lai như thường lệ.

Một hôm tôi rủ anh Bảo, Thành, Tâm, Phước, và bác sĩ Thiện vào nhà Chế Ký, chị họ của bà xã, nhà ở gần cầu Chà Và; để cho anh Sây, chồng chế Ký, trổ tài nấu các món ăn tàu với bào ngư, vi cá, và nấm đông cô ngon chẳng thua gì ở nhà hàng. Anh Thành, anh Bảo thích nhất là cách uống trà tàu đặc biệt của anh Sây. Những chun nhỏ, trước khi châm trà, được anh dùng nước sôi tráng nóng. Trà đựng đầy trong một ấm bằng đất đỏ (giống như chun), dùng nước sôi tráng bỏ nước đầu, rồi mới rót vào chun còn nóng, mọi người cầm lên ngửi thấy mùi trà thơm rất đặc biệt (khác với trà ướp Sói Lâm Đồng). Khi mỗi người uống chừng ba chun thì cảm thấy bụng nhẹ nhàng vì đồ ăn dầu mỡ đã bị tiêu hoá hết. Anh Tâm, anh Thiện khoái chí cứ cười mím chi cọp hoài!

Nghỉ tại hậu cứ 1 tháng, tiểu đoàn nhận lệnh ra hành quân tuần tiểu tại vùng Ven Đô, nhằm ngăn ngừa địch xâm nhập phá rối Thủ Đô. Giống như lần trước, khu vực trách nhiệm là Ấp Đồn, Nhị Bình, Tân Thới Nhứt,...thuộc quận Hốc Môn.

Tại đây chỉ có một chuyện đáng nói là đêm hôm nọ khi Trung sĩ Ký đi gọi Binh nhứt Đông thức dậy để canh gác. Khinh binh Đông hôm qua mới lãnh lương, đã cùng với Trung sĩ Trình đi nhậu, vì trong người còn hơi men, nên Đông đưa súng bắn dọa mấy loạt, làm cả đại đội tưởng bị địch tấn công, vội nhào ra hố chiến đấu. Đây không phải là lần đầu, ĐĐ91 nầy cách nay mấy tháng, lúc còn đóng quân ở An Lỗ, Huế. Trung sĩ Trình đã uống say rồi nổ súng bắn dọa vào hướng lều ngủ của vị Đại đội Trưởng tiền nhiệm.

Trình nguyên là họa sĩ, tốt nghiệp trường Mỹ Nghệ, anh là người thông minh, tài giỏi. Nhưng tánh tình rất đặc biệt, hễ mỗi lần lãnh lương là rủ anh em đi nhậu cho sạch hết tiền ngay hôm đó, vì chịu chơi nên anh em trong đại đội rất thích Trình. Do một sự hiểu lầm trong cái chết của Binh nhứt Kỳ, khi đi hành quân vùng rừng núi Trường Sơn, Trình quy trách nhiệm cho đại đội trưởng, nên trong cơn say nghĩ đến bạn Kỳ, anh ria súng bắn bậy. Do đó tôi mới cấp tốc đổi về nhận chức vụ nầy.

Vì sợ kỷ luật bị lỏng lẻo, tôi quyết định thử bắt chước dùng biện pháp kiểu như “Cây gậy và củ cà rốt”. Tôi bảo Thượng sĩ Thường Vụ đại đội, sáng hôm sau đem khinh binh Đông treo giữa sân rồi cho Trung sĩ Ký lấy roi đánh, trước đó tôi có dặn Ký đưa roi cao nhưng đánh nhẹ và vừa đánh vừa xin tha cho Đông, còn tôi thì giả bộ lớn tiếng đòi đưa khinh binh Đông ra Toà án Quân sự. Đông, Trình và binh sĩ trong đại đội thấy tôi là người nổi tiếng thương lính, mà hôm nay lại giận dữ như vậy. Trình đích thân vào xin tha cho Đông và hứa sẽ bảo chúng nó không được bắn bậy nữa. Tôi hỏi :

- Còn Đông, có hứa không?

Đông gật đầu lia lịa:

- Em xin hứa, Trung úy !

Sau đó, Trình được người biết thưởng thức tài, đại đội thường giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng. Anh thấy tôi biết dùng người, nên hăng hái làm việc, và để làm gương tốt, Trình không còn say rượu và la cà các quán trong những ngày lãnh lương nữa. Từ đó Đại đội 91 Nhảy Dù trở nên thái bình, Đông là một khinh binh rất giỏi và can đảm.

Ngựa chứng nếu biết điều khiển sẽ trở thành ngựa giỏi, Trình chẳng những thông minh, nhanh lẹ, có nhiều tài xuất chúng, và rất dũng cảm khi lâm trận. Lúc về hậu cứ, còn giúp bạn anh là Trung sĩ Dậu lo trang trí lại văn phòng đại đội, thật ngăn nắp và mỹ thuật. Nhơn dịp được ăn Tết đầu tiên ở hậu cứ, Trình (không phải tên thật, anh hiện là họa sĩ kiêm văn sĩ nổi tiếng ở Mỹ) lấy giỏ đựng dưa hấu và giấy màu dán thành một đầu lân đẹp không thua gì lân mua ở Chợ Lớn.

Vào những ngày đầu năm, anh cùng các binh sĩ trong đại đội đem lân ra múa tại chợ Bà Quẹo, chợ Tân Việt, và ngay cả nhà tôi nữa. Có được tiền, anh và Dậu ra nhà hàng Thanh Bạch đặt trên 150 khẩu phần, (mỗi hộp có nửa con gà Rôti, bánh Baté Sô, bánh mì Sanwich kèm thịt ham và cheese bên trong), cùng trái cây tráng miệng. Anh cho treo đèn, kết bông giấy tổ chức “Đêm Màu Hồng” dã chiến, mời quan khách gồm Trung tá Nhã, Thiếu tá Bảo, Đại úy Thành, Trung úy Phước, anh chị Tâm, và các sĩ quan cùng đến chung vui với quân nhân trong Đại đội 91 Nhảy Dù.

Mỗi binh sĩ có một hộp Coca, và một hộp khẩu phần bảo đảm ăn no. Ngoài ra còn có văn nghệ “Lính hát cho lính nghe” nữa chứ. Hôm đó nhìn thấy mọi người đều vui vẻ, sau khi cụng với anh Tâm, Thành, và Phước được vài ly Martell, tôi nổi hứng cùng Trình tới Micro song ca bài “Tình Nhớ”. Chị Tâm là ca sĩ giỏi nghe hát cứ ôm bụng cười:

- Ối giời ơi! Anh Dưỡng mà cũng biết hát nữa kìa!

Mọi người đều cười khoái chí, các anh em trong đại đội vỗ tay tán thưởng, khuyến khích, thật là vui quá vui! Đông là người xứ Huế lên trình diễn hai bài ca mà Duy Khánh thường hát ở Đài Phát Thanh Sàigòn nghe cũng hơi giống ca sĩ thứ thiệt! Lần đầu tiên Tiểu Đoàn 9 được ăn Tết tại hậu cứ, các anh em trong đại đội thật vui. Phước cũng bắt chước dựng cây nêu cao như của chúng tôi và cũng tổ chức tiệc tân niên có mời quan khách đầy đủ đến Đại Đội 93 của anh.

Phước người xứ Huế mà tánh tình rất hào phóng, tốt bụng, và rộng rãi. Mỗi lần nghỉ quân ở một làng xã nào, anh thường gọi máy rủ Tâm, Thành, và tôi tới nhậu dã chiến tại chỗ đóng quân của anh. Chúng tôi hay thay phiên hễ ai có món gì thì hú nhau qua lại, để giải sầu trong lúc xa nhà.

Phước là bạn thân của ca sĩ Nhật Trường, hôm sinh nhựt của chị Trường, Phước rủ tôi và anh Tâm tới dự tiệc gia đình, nhậu xong Nhật Trường nhét vào túi Phước 5 ngàn để có tiền dằn túi, đi chơi vòng vòng.

Chúng tôi cũng có đến nhà hàng Ritz để nghe Nhật Trường và Jo Marcel. Khi hát xong, Trường xuống bàn cụng ly, và anh mời chúng tôi đến dự lễ khai trương tiệm bán nhạc “Tiếng Hát Đôi Mươi” tại đường Lê Lợi.

Giống như anh Tâm, Phước cũng rất đẹp trai, hào hoa phong nhã. Hôm dự đám cưới, mọi người đều khen hai vợ chồng thật xứng đôi vừa lứa, trai tài gái sắc, nhưng trớ trêu thay không đầy một tháng sau họ lại tan rã! Tình duyên của Phước, giống như cuộc đời của anh, thật là ngắn ngủi! Anh đã bị hy sinh tại chiến trường Tây Ninh vào năm 1970. Anh Lạc, Phúc và tôi có đến chùa Xá Lợi tiễn đưa Phước ra phi trường Tân Sơn Nhứt, chúng tôi đích thân khiêng linh cữu tới tận phi cơ để chào vĩnh biệt anh, một người bạn tốt, dễ thương! Anh ra đi để lại bao nhiêu tiếc thương cho bạn bè Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù.

Sau ngày mất nước, tôi bị thương tật nằm nhà, Trình, lúc đó là họa sĩ giỏi, cổ thắt cà vạt tay sách cập da, cùng Thượng Sĩ Dậu, cựu kế toán trưởng Đại đội 91, đã đến thăm tôi, thật là an ủi vô cùng.

Ở đây được vài tuần, tiểu đoàn trở lại thị xã Tây Ninh, chờ nhận lương thực sẽ được trực thăng vận vào mật khu Dương Minh Châu, còn gọi là Chiến khu C. Địch quân thường đưa quân từ căn cứ an toàn thuộc khu Mỏ Vẹt bên kia biên giới Căm Bốt, xâm nhập vào lãnh thổ nước ta. Họ đặt bản doanh tại đây, rồi tung quân qua Tây Ninh, Lộc Ninh, Bình Dương,...

Mục tiêu cuối cùng của họ là Thủ Đô Sàigòn. Tin tức tình báo cho biết, hai hôm trước, địch đã từ vùng Mỏ Vẹt tiến quân qua Mật khu Dương minh Châu. Vì thế TĐ9ND được đổ bộ vào đây để truy lùng địch.

Khi chúng tôi tới nơi, bố trí lục soát khắp khu rừng rậm, chỉ thấy dấu vết hầm hố, chứ không gặp sự kháng cự nào của địch. Rừng Dương minh Châu rất rậm, có nhiều muỗi và vắt. Những con vắt tại đây cũng nhiều và to như ở Dakto và Mã Lai! Rừng rậm nhiều gai gốc làm cản trở cuộc tiến quân. Di chuyển tới 7 giờ tối mà vẫn chưa được lệnh dừng quân, đi được thêm nửa giờ, chúng tôi bị chận ngang bởi con suối nước sâu ngập đầu, bề ngang gần 2 thước, binh sĩ vượt qua thật vất vả. Vài ba người bị rớt mất súng và ai nấy đều bị ướt như chuột lột.

Mãi tới 9 giờ đêm, tiểu đoàn mới cho lệnh đóng quân. Tôi chia chỗ cho các trung đội bố trí xong, lập tức trèo lên võng thay bộ đồ khô, kéo vớ cao, xịt thuốc muỗi ở bàn tay, lấy mũ lưới trùm đầu, đợi Hạ sĩ Năm đem chén cơm ngụi tới ăn, thì đồng hồ cũng chỉ 11 giờ khuya, thật là một ngày đầy vất vả! Bảy giờ sáng hôm sau, trong khi tôi lên bộ chỉ huy tiểu đoàn họp để nhận lệnh trong ngày, thì binh sĩ lo nấu nướng, dọn dẹp lều chõng, sẵn sàng xuất phát vào 7:30. Đại đội tôi được chỉ định đi đầu, tìm cách ra khỏi rừng, để về phía Tây sông Vàm Cỏ, vì tin tức cho biết địch đã chuyển về hướng nầy.

Đại đội 91 đi được 2 cây số thì anh thợ hớt tóc bắt được một con kỳ đà khổng lồ dài khoảng 1 thước, Trung tá Nhã nghe tin, gọi tôi bảo anh ta thả nó ra, vì đi hành quân mà gặp con đỏ (mãng) hoặc kỳ đà thì xui lắm.

Anh thợ hớt tóc của đại đội không chịu nghe lệnh, lén dấu kín chờ chiều làm thịt, để có một buổi ăn ngon. Nhưng nghe nói nó cũng đã cựa quậy sút dây và nhảy trốn vào rừng. Đi tới trưa gặp được đường lớn, nối giữa Tây Ninh và Lộc Ninh, nơi đây có xe chờ sẵn, chúng tôi được đưa qua bên kia sông Vàm Cỏ, vì phi cơ quan sát thấy có địch xuất hiện trong vùng nầy.

Vừa qua sông, đi về hướng Nam khoảng 800 thước, đại đội tôi đi đầu và chạm địch mạnh, Thiếu tá Bảo vội đưa Đại đội 92 tiến về hướng Tây để giúp bên cánh phải. Anh Bảo đi sát bên tôi (đại đội nào chạm địch là lập tức anh Bảo tới ngay tuyến đầu liền), phụ báo cáo tình hình về tiểu đoàn. Tôi điều động các trung đội nghênh địch và lo điều chỉnh phi pháo bắn yểm trợ. Lực lượng địch rất mạnh, chúng có phòng không bắn lên máy bay và nả súng cối, hỏa tiễn liên tục vào đơn vị tôi. Vì địa thế hiểm trở và địch bắn trả rất mạnh, các khinh binh không thể xung phong lên chiếm bờ rừng, làm đầu cầu cho đơn vị tiến qua khoảng trống để xông vào mục tiêu, chúng tôi chỉ có phi pháo bắn phủ đầu, để mong địch chịu đựng không nổi, mà rời bỏ địa đạo. Lúc đó Thiếu tá Nguyễn Đình Bảo đang ngồi cách tôi khoảng 20 thước, đột nhiên anh đứng dậy tới chỗ tôi, thì bỗng nghe “Ầm” một tiếng, một quả đạn súng cối (hoặc đạn pháo) rơi đúng ngay chỗ anh vừa ngồi, nhìn thấy anh nhún vai lắc đầu hàm ý như may mắn quá!

Nếu anh trễ chừng 30 giây thì đâu có dịp sau nầy về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, gặt hái nhiều chiến thắng làm vẻ vang Binh Chủng. Nhưng cuối cùng anh đã nằm xuống tại căn cứ Charlie, để lại bao nhiêu thương tiếc cho gia đình, bạn bè đã nhiều phen cùng anh vào sanh ra tử, đồng cam cộng khổ như anh em chúng tôi!

Chiều đến, bỗng nhiên như quỷ thần xui giục, anh thợ hớt tóc nhào lên, vừa bắn vừa hô xung phong chạy ào qua bên kia khoảng đất trống, khiến anh em không ngăn cản kịp. Lập tức anh bị địch bắt trói tại chỗ, đêm đến hai bên đều ngồi dưới hố chiến đấu ghìm nhau, trong khi pháo binh ta liên tục dập đều đặn vào vị trí địch. Từ 8 giờ tới 12 giờ khuya, anh thợ hớt tóc của đại đội cứ kêu cầu cứu, tiếng anh văng vẳng trong đêm tối, nghe thật ai oán, bi thảm vô cùng!

Nhiều khi tôi cầm lòng không được, muốn liều mạng chạy qua tiếp cứu, nhưng anh Bảo nói tụi nó đã gài sẵn đợi mình trúng kế, tới 1 giờ khuya không còn nghe tiếng anh nữa. Có một binh sĩ bắt được đài VC, nghe chúng bêu rêu phóng đại láo khoét rằng đã tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn Dù mang số 9 (có lẽ chúng khai thác anh thợ hớt tóc, làm gia đình binh sĩ ở hậu cứ sợ hết hồn). Suốt đêm tôi trằn trọc không ngủ được vì vô dụng và bất lực không cứu được thuộc cấp của mình!

Sáng lại binh sĩ thụt đại bác 75 ly và bắn đại liên, rồi tôi cho ba khinh binh chọc mũi dùi vào một bờ rừng, thấy không phản ứng, hạ sĩ Võ vội nhào vô một gốc cây, trong bờ rừng, trông ngóng kỹ không có gì động tĩnh, lúc đó cả trung đội của Tường mới bắt đầu xung phong vừa bắn vừa tiến vào mục tiêu. Khi toàn bộ đại đội vào xong, tôi nhìn thấy hầm hố kiên cố của họ mà rợn xương sống, nếu không có pháo binh bắn đuổi và nếu họ không “Nể mặt” binh chủng Nhảy Dù thiện chiến, thì tôi nghĩ, muốn chiếm được mục tiêu nầy phải chịu tổn thất rất nhiều. Trung tá Nhã tới nơi thấy chúng cất nhà sàn, xây địa đạo chằng chịt, hầm chỉ huy hành quân rộng lớn, địch lại có súng phòng không và hỏa tiễn, chứng tỏ quân số cỡ cấp trung đoàn.

Không biết tiểu đoàn báo cáo ra sao, mà chiều hôm đó Trung tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù, đáp trực thăng xuống coi các hầm hố, địa đạo, và lò hoàng cầm (lò nấu cơm không bị khói bay mù mịt như lò thường) của địch nữa. Ông cho lệnh chúng tôi theo dấu chân để truy sát địch. Tiểu đoàn đặt bản doanh tại Bến Gò Nổi và cho các đại đội tổ chức hành quân tuần tiểu lục soát, nếu phát hiện địch thì cho phi pháo dập và tiểu đoàn sẽ đưa trừ bị tới tiếp ứng kịp thời. Đóng đồn ở đây hơn một tháng thì được Tiểu đoàn Dù bạn ra thay thế, chúng tôi được về hậu cứ nghỉ dưỡng quân.


Каталог: stories
stories -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
stories -> -
stories -> TỜ khai thông tin của ngưỜi khuyết tật phần I cá nhân ngưỜi khuyết tậT
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO
stories -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ ngh ĩa việt nam ban an toàn giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
stories -> BỘ CÔng thưƠng số: 1057/QĐ-bct cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
stories -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
stories -> Đôi lời Ân tình

tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương