Trương Dưỡng Một Cánh Hoa Dù Hồi Ký Hồi Ký Một Cánh Hoa Dù


Mặt Trận Thung Lũng Iadrang



tải về 1.4 Mb.
trang6/17
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích1.4 Mb.
#27293
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17

2. Mặt Trận Thung Lũng Iadrang
Từ Tân Quí về hậu cứ, tiểu đoàn được nghỉ dưỡng quân 3 tuần để chuẩn bị cho cuộc hành quân xa tại Vùng II Chiến Thuật. Cặp vợ chồng son lại được tái ngộ, Chúng tôi rất vui mừng, ngày đêm khắng khít bên nhau như không muốn rời xa nửa bước.

Mỗi đêm tôi chở Nhi ra bến tàu hứng gió, vừa nhìn những tàu chiến khổng lồ vừa ăn phá lấu hoặc mía ghim hấp cũng rất thú vị. Thỉnh thoảng tôi đưa nàng đi ăn bò bía ở Công viên Duy Tân, ăn mì vịt tiềm ở La kai, hoặc vô nhà bà chị họ để được anh Sây nấu mấy món ăn Tàu rất ngon.

Những ngày ở Sàigon, Nhi rất muốn được đến đây chơi với người chị nầy. Nhờ vậy việc nhớ nhà cũng được giảm bớt phần nào .

Nhưng thời gian đoàn tụ thật ngắn ngủi, một tháng trôi qua thật nhanh, tôi lại phải cùng tiểu đoàn ra Pleiku để tham dự cuộc hành quân tại thung lũng Iadrang.

Theo tin tức thì một trung đoàn lính Hoa Kỳ đã bị phục kích và tổn thất nặng tại thung lũng xa xăm, núi rừng chằng chịt trong miền biên cảnh của tỉnh Pleiku nầy (phim We Are The Solders nói về trận nầy).

Iadrang là khu rừng rậm hiểm trở, phía Bắc giáp Đức Cơ, phía Nam là rặng Chu Prong, hướng Đông là QL 14, hướng Tây là biên giới Việt Miên. Quân chánh qui Bắc Việt thường xâm nhập theo đường mòn Hồ chí Minh, rồi dấu quân lập chiến khu tại đây, để chỉ đạo các đội quân phá rối Vùng II Chiến thuật. Vì vậy muốn cho dân chúng trong khu vực nầy được sống yên ổn, Quân đoàn đã xin Bộ Tổng Tham Mưu tăng phái một chiến đoàn Dù để chống cự lại đám quân chủ lực của Cộng Sản miền Bắc tại mặt trận mà đã từng gây nhiều tổn thất cho quân đội bạn. Trung tá Nguyễn Khoa Nam, Chiến đoàn trưởng, chỉ huy trực tiếp cuộc hành quân nầy .

TD9ND được máy bay chở ra phi trường Pleiku, rồi từ đó xe vận tải đưa đến Biển Hồ, để chờ đợi tiếp tế lương thực và kiểm điểm vũ khí, đạn dược. Trong ba ngày, bốn tiểu đoàn đã trang bị hoàn tất, họ báo cáo sẵn sàng đợi lịnh xuất phát. Tại Trung Tâm Hành Quân Chiến đoàn, Trung tá Nguyễn Khoa Nam họp ban tham mưu thảo kế hoạch tiến quân. Ông đã khoanh tròn định rõ các mục tiêu, và phân chia ranh giới khu vực hành quân trong thung lũng Iadrang cho từng tiểu đoàn.

Chúng tôi đổ bộ bằng trực thăng vận xuống một bãi trống trong vùng hành quân. Tiểu đoàn chia quân hai cánh, Đại uý Trương Vĩnh Phước chỉ huy hai Đại đội 91 và 92 tấn công mục tiêu bên cánh trái. Tiểu đoàn trưởng đích thân chỉ huy cánh bên phải.

Đại đội 94 đi đầu, tiếp theo là Đại đội 90, bọc hậu có Đại đội 93, tiến chiếm mục tiêu đã chỉ định.

Thiếu tá Huệ ra lệnh Đại đội 94 phải dàn mỏng và đi theo đội hình chân vạc từ từ tiến vào mục tiêu là thung lũng rậm rạp trước mặt, để nếu chạm địch thì Đại uý Phước từ trên sườn núi sẽ đổ quân đánh bọc xuống.

Cánh Thiếu tá Huệ đi khoảng một cây số thì gặp vài tổ kháng cự nhỏ, ĐĐT/ ĐĐ 94 cho lệnh dàn hàng ngang bố trí tại chỗ. Ông điều chỉnh pháo binh bắn vào các ổ địch. Sau khi pháo binh ngưng tác xạ, Trung đội trưởng Trung đội 1 cho binh sĩ đồng loạt bắn xả vào. Rồi 3 khinh binh chạy theo đội hình chân vạc, người nầy bắn yểm trợ cho người kia, chiếm từng gốc cây, và vào tới bờ rừng làm đầu cầu cho cả trung đội tiến vô. Sau đó, Trung đội 1 lại bắn yểm trợ cho Trung đội 2 xung phong chiếm ổ chốt địch kế tiếp. Những chốt nhỏ nầy lần lượt bị tiêu diệt dễ dàng bởi tài điều khiển linh động của các trung đội thiện chiến Dù.

Trong khi đó, bên Đại uý Phước gặp sự kháng cự mạnh mẽ, có lẽ là đài quan sát hay tiền đồn, địch dựa lợi thế từ trên cao, đã bắn một cách dữ dội vào cánh quân trên sườn đồi. Thấy đơn vị mình đang ở trong vị thế hơi bất lợi, Đại úy Phước ra lệnh dàn quân phân tán mỏng, rồi điều chỉnh pháo binh bắn vào ổ địch. Sau khi đạn pháo chấm dứt, ông nói Cố vấn Mỹ xin khu trục và gunship yểm trợ.

Một chập sau thì ba phi tuần gunship được điều động tới nã các đại liên và phi đạn phóng lựu vào mục tiêu. Tiếp theo, 3 chiếc khu trục bay tới bồi thêm những loạt bom nổ và bom napal, khiến địch không thể bắn vào toán quân của Đại uý Phước nữa .

Trong khi đó Đại uý Phước đã cho một đại đội lén bọc lên đỉnh cao, chờ khi chấm dứt phi pháo thì nhào xuống tấn công vào ổ chốt địch. Trung úy Trang, Đại đội trưởng 91 cho đơn vị dàn sẵn, khi khu trục vừa ngưng oanh tạc, anh lập tức ra lệnh tấn công. Toàn bộ đại đội vừa bắn vừa hô xung phong tiến nhanh vào ổ chốt địch. Khi chiếm được mục tiêu, có vài binh sĩ bị thương vì sự chống trả yếu ớt tự vệ của những cán binh ngoan cố đã bị thương kẹt lại, còn phần đông thì đã trốn vì không chịu nổi phi pháo, đã nổ tới tấp vào vị trí của họ.

Sau khi thu dọn chiến trường, đại đội tịch thu được một thượng liên, nhiều súng cá nhân, và bắt sống được 3 tù binh. Tiểu đoàn tiếp tục lên đường tấn chiếm các mục tiêu kế tiếp.

Ngày hôm sau, các tiểu đoàn bạn chạm địch mạnh, chúng tôi được lệnh dừng quân tại chỗ, sẵn sàng tiếp ứng. Đến chiều thì tiếng súng đã ngưng, có lẽ địch thấy các đơn vị Dù quá kiên cường, không thể làm cho chúng tôi bị sa lầy như đơn vị Đồng Minh, nên họ rút êm ra khỏi thung lũng. Vì thế suốt một tuần lễ cả chiến đoàn đều không còn chạm địch.

Mặc dù ngày nào cũng lội trong khu vực rừng rậm âm u, lau sậy cao ngập đầu. Mỗi sáng phải ăn uống nấu nướng xong trước 7 giờ để chuẩn bị sẵn sàng đợi lịnh xuất phát. Các khinh binh dùng dao rừng, dẹp đường cho đơn vị phía sau có lối đi. Việc phá rừng vượt núi nhiều lúc rất gian nan, nhất là mỗi khi gặp rừng lao sậy, ô rô, hay dương xỉ, những khinh binh dẫn đầu đoàn quân phải chịu vất vả vô cùng! Nếu không chạm địch, thì cứ tiếp tục dùng bản đồ, địa bàn, xác định mục tiêu rồi đi mãi cho tới 6 giờ chiều mới dừng quân. Rồi kẻ thì lo kiếm nước nấu cơm, người thì lo đào hầm hố, căng mìn bẫy, đặt lính gác giặc. Còn các “Đề Lô” thì lo điều chỉnh các quả tập cận phòng, lỡ khi địch giữa đêm tấn công bất ngờ, thì pháo đội yểm trợ chỉ dựa vào các hoả tập đó mà tác xạ.

Suốt 7 ngày đi trong rừng rậm, đầy lau sậy cao ngập lút đầu, ít khi thấy được ánh sáng mặt trời, đến nỗi binh nhì Võ Lục phát điên nói tục tỉu bậy bạ :

- Đi cả tuần mà không thấy “L. đ.” của đàn bà.

Ai nấy nghe anh vi von đều cười ngất. Ở đây không có giếng, nên khi đi ngang suối, mọi người đều lo lấy nước đựng đầy bình bi đông và phải dự trữ để buổi chiều khi dừng quân sẽ có nước nấu cơm. Tôi thì lúc nào cũng uống thuốc ngừa sốt rét và nước đun sôi.

Nước ở đây không tốt, có người bảo tại rừng thiêng nước độc, có người bảo tại lính Mỹ giận thua trận nên bỏ vi trùng sốt rét vào nguồn nước. Vì sau khi các tiểu đoàn Dù rút ra ngoài, thì có gần 50% chiến sĩ bị sốt rét rừng, một số người bị chết vì trúng nước quá nặng. Trung sĩ nhứt Cao Ngâm của đại đội chỉ huy đã bị chết vì bịnh nầy. Chàng, Bảo, Lộc, Thành “Râu”..cũng mắc bịnh sốt rét rừng, và bị hậu hoạn sanh biến chứng nhiều năm!

Sau 7 ngày hành quân trong rừng, lương thực dự trữ đã cạn, chúng tôi được lịnh đi ra quận Lệ Thanh để nhận tái tiếp tế. Còn hơn 10 cây số mới tới quận lỵ, nhưng binh sĩ thì đã nhịn đói suốt đêm, nên đi một cách uể oải. Trên đoạn đường dài lê thê, mà đôi vai thì súng đạn ba lô nặng chĩu.

Thỉnh thoảng có anh nổi chứng, đưa súng lên trời, bóp cò bắn loạn xà ngầu. Họ đâu có hiểu tại vì rừng núi chằng chịt làm chậm bước tiến như đã tiên liệu, cho nên việc tiếp tế phải bị trễ nải. Lúc ấy thật là vô kỷ luật, hỗn quan, hỗn quân, không ai dám la rầy binh sĩ hết.

Tôi cũng đang bị đói meo, tinh thần hết sức mệt mỏi. Bỗng anh đệ tử đem đến cho một trái bắp còn nhỏ, trong đó chỉ le que vài hột non xèo. Vậy mà mừng như lượm được vàng, cầm trái bắp từ từ thưởng thức, tôi ăn từ cùi bắp, râu bắp, và luôn cả vỏ bắp, thật là ngọt tuyệt. Các thứ lần lượt trôi vào bao tử, làm giảm bớt cuộc biểu tình của cái dạ dầy, vì nó cứ sôi lình bình, làm suốt đêm không ngủ được! Nếu lúc đó có luôn cây bắp, chắc tôi cũng làm sạch. Đây là lần đầu tiên trong đời bị nếm mùi đói, may mà chỉ có một ngày, một đêm. Tới chiều mọi người đều được tiếp tế đầy đủ.

Ngay tối hôm đó, tôi nhận được công điện về Sàigòn để chuẩn bị đi học Mã Lai. Lúc đang ở phi trường Pleiku chờ phi cơ dân sự về Sàigòn, tôi rất hồi hộp vì tối hôm qua đã phát hiện có rất nhiều người bị bịnh sốt rét rừng. Tôi vừa từ trong đó ra, chẳng biết có sao không nữa? Sợ khi khám sức khỏe, nếu phát hiện có vi trùng sốt rét sẽ bị loại!

Về tới Sàigòn, tôi vội đi khám sức khoẻ, thấy mọi thứ đều tốt, nên rất mừng. Có lẽ tôi nhờ vào nước đã đun sôi và đã uống thuốc ký ninh đều đặn. Tôi yên chí đi chích ngừa, vào ngân khố lãnh Traveler Check, xong mọi thủ tục như giấy thông hành, đo may quân phục dạo phố mùa hè.

Rồi thì cứ tà tà chở bà xã đi đó đây, chờ đến ngày lên đường xuất ngoại. Tội nghiệp các bạn Tiểu đoàn 9 Dù, nhiều người đã bị sốt rét, mà vẫn phải ở lại Vùng II dưỡng bệnh, chỉ có những người nặng mới được đưa về bệnh xá Đỗ Vinh trong trại Hoàng Hoa Thám.

Quân nhân khoẻ mạnh thì vẫn tiếp tục được trực thăng vận, vô rừng Pleime để tìm và tiêu diệt địch. Chờ trên hai tháng mới được về Sàigòn nghỉ quân và tham dự diễn hành ngày Quốc Khánh.



3. Hành Quân Vùng Phù Cát, Sa Huỳnh
Học Mã Lại về nghỉ được 4 ngày phép để chuẩn bị theo tiểu đoàn đi hành quân ở Phù Cát, Bình Định. Lợi dụng dịp nầy, tôi chở Nhi đi chơi khắp phố. Tôi đưa nàng tới Tân Định để thăm người anh, rồi vô Chợ Lớn, nhà Chế Ký, là chị họ của bà xã. Sáng đi ăn phở Tàu Bay, chiều vô Chợ Cũ ăn cháo cá, thỉnh thoảng ra bến tàu hứng mát.

Bốn ngày phép trôi qua rất nhanh, cặp vợ chồng son đành phải đau lòng, đứt ruột chia tay, để mai đây mỗi người đi một ngã. Tôi thì theo tiểu đoàn viễn chinh tận Vùng II Chiến Thuật, còn Nhi thì về Vĩnh Bình để đỡ phần lẻ loi hiu quạnh. Ôi chiến tranh thật là buồn nản, tôi vừa cưới vợ mới vài tháng, hương chưa ấm lửa chưa nồng, mà đã phải lao đầu vào lằn tên mũi đạn, suốt ngày cứ bôn ba trong rừng thiên nước độc, coi sống chết nhẹ tựa lông hồng.

Tiểu Đoàn 9 Dù được máy bay C-130 chở tới phi trường Qui Nhơn, từ đó xe vận tải GMC đưa chúng tôi đến cầu Bà Gi để đóng quân tạm nghỉ đêm. Trong ba ngày ở tại đây, mọi người lo trang bị đầy đủ lương thực đạn dược, để chuẩn bị cho ngày lên đường vào vùng hành quân.

Theo tin tức, khu vực sắp đến là vùng xôi đậu, nơi đây Mặt trận Du Kích Chín Xã đã thao túng hoành hành, trong suốt mấy năm trường, và những ngày vừa qua, có sự xuất hiện của bộ đội chính qui. Khiến Quân đoàn II phải gởi điện khẩn, xin tăng cường đơn vị Tổng Trừ Bị để tảo thanh quân địch.

Ngày 12 tháng 11 năm 1966, năm giờ sáng Tiểu Đoàn 9 được xe GMC chở về ngã Bồng Sơn, qua quận Phù Mỹ, đèo Nhông, đèo Phù Củ ; gần xế trưa xuống xe dàn đội hình băng qua QL1, Tiểu đoàn bắt đầu tiến quân về phía Đông, bên trái có núi Chóp Chài, sườn phải có TĐ6ND và Thiết Vận Xa .

Chúng tôi dừng quân tại làng Bình Dương Đông để đợi tiếp tế 7 ngày lương, chuẩn bị tiến vào vùng hành quân. Tại đây có cô Năm thợ may tánh tình vui vẻ, đã sửa quần áo cho một số binh sĩ. Chợ búa toàn rau cải và củ kiệu tươi, giá cả rất rẻ; binh sĩ mua sắm để đem vào vùng hành quân. Sáng sớm chúng tôi đi lục soát ngôi làng bên cạnh, ngày hôm sau trở về Bình Dương Đông thì hay tin cô Năm thợ may bị Việt Cộng tối về bắt ra chặt đầu xử tử! Với bản án thông đồng với ngụy!?? Tiểu đoàn trưởng nổi giận hỏi sao tụi CS máu lạnh lại có thể nhẫn tâm giết hại dân lành một cách dã man như vậy? Ông cho lệnh an ninh điều tra ai đã chỉ điểm và quyết tâm tiêu diệt toàn bộ đám du kích hèn mạt, chuyên hãm hại những người dân vô tội bằng những ngụy biện chủ thuyết ngoại lai đáng ghét!

Hai ngày sau, chúng tôi xuất phát từ thôn Dương Liễu, thuộc huyện Phù Cát. Dùng cách giống như lùa tôm xúc tép (Tấn công bao vây), Tiểu đoàn cho hai đại đội tiến thẳng vào Đầm Trà Ổ, cạnh bờ biển, để lục soát dọc theo bờ biển từ Vạn Phú qua nhà thờ Chánh Khoan; rồi dàn quân làm tuyến ngăn chận.

Tiểu đoàn trừ chia quân hai ngã, tiến thẳng vào mục tiêu là ngọn Núi Lồi. Các đại đội tiến quân thần tốc, khiến du kích Mặt Trận Chín Xã rối loạn, không kịp trở tay, một phần bị bắt, một phần chém vè chạy ra biển rồi bị túm gọn bởi các đơn vị ở Đầm Trà Ổ.

Khi đi ngang qua thôn Dương Liễu thuộc quận Phù Cát, tôi thấy trong một ngôi nhà tranh, có một thiếu nữ đẹp tuyệt vời: mắt phượng, mày ngài, mũi dọc dừa; tóc cô để dài che phủ đôi bờ vai thon, da trắng bóc, như là đã được tắm bằng nước dừa xiêm hằng ngày (vì thôn nầy trồng dừa nhiều như ở Bến Tre); cô đẹp y như tiên giáng trần. Với cảnh hoang tàn trong thôn xóm vắng vẻ, chung quanh đều âm u tâm tối, khiến tôi liên tưởng tới những hồ ly ngàn năm hóa thân trong truyện Liêu Trai của Bồ Tùng Linh.

Thiếu tá Huệ, Tiểu đoàn trưởng, đã gần bốn mươi mà vẫn còn độc thân, lúc đi ngang qua, cũng đứng ngó ngẩn người một hồi lâu, có lẽ ông đã xúc động trước sắc đẹp dị thường đó. Rồi sợ binh sĩ có người không tự chủ làm bậy hoặc vào nói la cà làm liên lụy như trường nhợp cô Năm thợ may. Ông hạ lệnh các đơn vị trưởng phải đích thân coi chừng bảo vệ cho người trong nhà đó. Đêm ấy, ai cũng mơ tưởng đến nàng tiên giáng trần nầy. Nếu suy nghĩ kỹ lại cũng nên thắc mắc, tại sao trong vùng xôi đậu, dân cư ly tán hết, mà chỉ có một mình cô ta ở lại đây? Tại sao lại ngồi khơi khơi ở trên tấm phản mà không núp vô buồng? Có thể nào cô nàng đã lấy dung nhan mỹ miều để che chở cho một cán bộ gộc (có thể là cấp bộ chính trị trung ương), hay chính cô là nữ hộ lý loại chuyên phục vụ cho cán bộ Cộng Sản cao cấp? Đối với một người hiền từ như Thiếu tá Huệ, ông cho rằng thà tha lầm còn hơn là bắt lầm, nhất là người đẹp, càng phải “Ga lăng”, nhẹ nhàng hơn.

Các dân làng ở dưới chân Núi Lồi đã di tản đi gần hết, chỉ còn lại những người già cả yếu đuối, nhiều người ở đây bị một chứng bịnh kỳ lạ, giống như dịch hạch, có từng chùm mụt nổi ở cổ và háng. Ai nấy đều sợ truyền nhiễm trong các giếng nước, nên phải đun sôi kỹ lưỡng và đôi khi dùng nước dừa để giải lao. Tiểu đoàn trưởng bảo bác sĩ và y tá cố gắng cứu chữa cho những người dân đau khổ nầy!

Một hôm nọ, binh nhì Huy, thuộc khẩu đội đại bác 75 ly, đang đào hố nhỏ ở gần bờ biển để đi đồng. Bỗng có một cậu bé tuổi chừng 15, đang lấp ló nhìn trộm trong một cái chòi nhỏ, Huy tay cầm sẻng, vai mang súng chạy tới hỏi :

- Em nhỏ làm gì mà núp ló ở đây ?

- Em đói quá, mấy ngày không có gì trong bụng, anh cho em xin chút cơm ăn đi !

Huy thấy em mặc áo quần rách rưới, tay chân run rẩy, mặt mày xanh lét, anh tội nghiệp, nhưng trong nồi chỉ còn toàn cơm cháy khét. Huy thấy chú bé ăn ngấu nghiến, không bỏ sót một hột cơm cháy nào hết.

Ăn xong, cậu bé vừa liếm những hạt cơm còn dính trên mấy ngón tay, vừa nói:

- Anh muốn bắt mấy ông du kích không, em chỉ cho?

Mặt Huy sáng lên:

- Thiệt hả ? Để anh dẫn em đi gặp Thiếu uý.

Huy vội đưa em bé đến gặp tôi và nói:

- Thiếu uý, em bé nầy nói sẽ đưa mình đi bắt du kích nằm vùng.

- Đúng không? Sao nó chịu chỉ cho mình vậy ?

- Tại nó đói quá, em đã cho ăn một chén cơm cháy.

Tôi thấy em có vẻ còn đói, nên bảo binh sĩ lấy cơm thêm cho em. Trong khi ăn, tôi hỏi tại sao em đang ở trong vùng nầy mà sao dám chỉ chỗ trú ẩn của họ?

- Nẫu (chúng nó) bắt ba em, lấy búa đập đầu đến chết, em chạy trốn ngoài đồng, bữa đói bữa no, không dám về nhà.

Thì ra vì gia đình em là điền chủ giàu có trong làng, ba em bị đấu tố, và do chính tay tên Chủ tịch Mặt Trận Chín Xã đứng ra tuyên án. Tiểu đoàn trưởng được tin, vội ra lệnh cho Đại đội 92 dẫn ban An ninh đi lùng bắt được tên Chủ tịch và một số du kích địa phương. Điều hú vía là có một tên du kích đã trốn trong hang đá trên đỉnh Núi Lồi, chính nơi đây đêm qua đã đặt Ban chỉ huy Đại đội. Tôi và tổ súng cối đã nằm ngay trên hang đó. Rất may là lúc nào tôi cũng cảnh giác, luôn luôn phân phối người trực gác khẩu súng cối, nên tên du kích không thể hó hé chui ra làm bậy.

Được tin nầy, Trung tá Đào Văn Hùng, Chiến đoàn trưởng, bảo trực thăng chở tên Chủ tịch Mặt trận Chín Xã về Bộ chỉ huy Chiến đoàn. Nhưng giữa đường, hắn ta nhào ra khỏi máy bay tự vận. Trung tá Hùng đem em bé về Sàigòn nhận làm con nuôi, sau nầy em đi lính Dù và là hạ sĩ nhứt trong Biệt Đội Tác Chiến Điện Tử của tôi.

Trung tá Hùng là một sĩ quan nổi tiếng trong Binh chủng Nhảy Dù, ông ta đã từng tham dự các mặt trận Cao Bằng, Điện Biên Phủ,..ở ngoài Bắc; và rất nhiều trận ác chiến ở khắp 4 Vùng Chiến Thuật. Trong khi ai cũng khiếp oai tướng Đống, chỉ có Trung tá Hùng là dám chọc phá ông thôi.

Có lần khi Tướng Đống đang ở trong lều, Trung tá Hùng dám ném lựu đạn khói vô và hô to:

- Sao tối hù, không thấy ai hết vậy ?

Vì tướng Đống nước da hơi đen ngâm, nên ông mới chọc. Nhưng Tướng Đống rất thưởng thức tài đánh giặc (và ba trợn) của ông, nên cũng thương tình bỏ qua!

Trong một cuộc hành quân cấp chiến đoàn, Tiểu Đoàn 9 Nhảy Dù, cùng 2 tiểu đoàn Dù khác, đang hoạt động trong vùng đồi núi mù mịt của dãy Trường sơn. Một buổi tối nọ, các đơn vị đang dừng quân trên các đỉnh đồi cheo leo. Trong khi mọi người đang chập chờn giấc ngủ, vì cả ngày vượt rừng băng núi và chạm địch lẻ tẻ, bỗng ai nấy đều giật mình tỉnh giấc vì tiếng la hét vang rền của ông:

- Tiên sư tụi bây, cứ trốn chui lén lút như con chuột. Các con có giỏi thì hãy ra mặt đánh với các bố nè!

Tiếng nói của ông phát ra, bị các ngọn núi xung quanh làm dội ngược lại, gây nên những luồng âm thanh vang truyền khắp nơi. Nguyên nhân là vì buổi chiều, khi ông được tiếp tế 2 chai rượu Martell, liền ra lệnh dừng quân. Ông ngồi nhâm nhi một hơi hết luôn hai chai, rồi đứng lên chửi bới lung tung. Làm chúng tôi, đang đóng ngoài tiền đồn, sợ địch biết rõ vị trí, pháo kích hoặc tấn công bất ngờ! Chiến thuật kiểu nầy của ông thật là táo bạo, có thể gây tổn thiệt cho thuộc cấp.

Nhưng có lẽ ông biết cả ruột gan của địch, nên đã chiến thắng rất nhiều. Chẳng hạn như trận Mậu Thân Đợt II ở vùng Ven Đô, ông cho lệnh Tiểu Đoàn 7 Dù, dàn hàng ngang lục soát từ Đông qua Tây toàn bộ khu vườn trầu và đồng ruộng mênh mông vùng Nhị Bình, Tân Thới Hiệp; khiến địch thấy lực lượng hùng hậu đi qua thì lo chém vè, dấu mình trong các hầm ngầm hoặc ngậm ống sậy lặn dưới nước. Khi Tiểu đoàn 7 đi qua hết thì họ trồi ra. Nhưng ông đã cho Tiểu Đoàn 2 lục soát ngay từ Nam lên Bắc, Tiểu đoàn 7 đi ngược lại Từ hướng Tây trở lại hướng Đông (kiểu hồi mã thương). Cứ thế cày qua cày lại, mỗi lần bắt được gần chục tên, tới chiều thì hầu như tiểu đoàn chính qui địch hoàn toàn tan rã. Tôi nghe ông vừa nghiến răng vừa nói trong máy:

- Ông nhai, ông nghiền, ông cày nát chúng mầy ra!

Càn quét trong Đầm Trà Ổ hơn một tuần, tiểu đoàn được trực thăng vận qua quận Hoài Nhơn. Ở đây cũng chạm địch lẻ tẻ, nhưng phải băng rừng vượt núi thật là vất vả! Đứng ngọn núi bên đây, tôi vẫn nghe rõ tiếng Đại đội trưởng Nguyễn Đình Bảo đang thúc hối binh sĩ Đại đội 93 từ ngọn núi bên kia:

- Các cậu bảo họ leo nhanh lên, trời sắp tối rồi !

Tối hôm đó bộ chỉ huy tiểu đoàn và một đại đội đóng quân trên một sườn đồi thoai thoải. Còn 3 đại đội khác chiếm các đỉnh xung quanh làm thế ỷ giốc để yểm trợ cho nhau.

Sáng ra Đại uý Phước, Tiểu đoàn phó, vừa chữa bệnh gan từ Sàigòn ra bổ sung đơn vị, mặt ông vàng như nghệ, môi đen thâm, nhưng người ông rất hiền từ, các sĩ quan tiểu đoàn đều mến thương. Mấy hôm liên tiếp tôi thấy anh Bao, phục dịch của ông, đang đi kiếm mót rau rừng chẳng hạn như lá tàu bay, rau má,..cho thầy mình. Sẵn có dư một ít măng non và lá tàu bay, tôi bảo anh Bao đem nấu cho đại úy ăn và căn dặn đừng nói ông biết để tránh tiếng nầy nọ. Đối với thượng cấp, tôi luôn luôn tôn trọng, nhưng không thích nịnh bợ.

Khi tiểu đoàn đóng quân tại một xóm nhỏ gần chân núi huyện Hoài Nhơn. Một buổi chiều nọ, tôi nghe tin một binh sĩ đang bị Trung úy Thành, sĩ quan An Ninh, phạt đánh đòn. Chưa biết lý do gì, nhưng vì nóng ruột lính mình bị người ta đánh, nên tôi tức tốc chạy tới lều của Thiếu tá Huệ phản đối:

- Thưa Thiếu tá tại sao Trung úy Thành đánh lính của tôi?

Ông ta cười hô hố, bước ra khỏi võng và kéo tay tôi vừa dẫn tới chỗ Ban An Ninh vừa nói:

- Dưỡng đi lại đây coi đàn anh dạy lính,

Thành thuộc Khóa 19 ĐL, người xứ Huế, được Thiếu tá Huệ cưng và tín nhiệm nhứt Tiểu đoàn, vì anh ăn nói đàng hoàng, tư cách chững chạc, thường hay bàn chuyện về binh pháp, hành quân tác chiến một cách mạch lạc nên được vị Tiểu đoàn trưởng thương, và đã cho đi học khoá Mã Lai đầu tiên trong tiểu đoàn tân lập nầy.

Thì ra Dũng bị đòn do tội xâm phạm tài sản của dân chúng, nên tôi cứng miệng vì tội lỗi quá đành rành. Thiếu tá Huệ thấy tôi dung túng và dễ dãi với binh sĩ thuộc cấp quá, nên đưa cây roi bảo tập đánh đòn họ, ông nói: “Lính Nhảy Dù thường xuất thân từ những tay anh chị, họ dũng cảm thiện chiến, không sợ tù tội, nhưng chỉ sợ bị hổ ngươi mắc cỡ vì bị phạt đòn”! (giống như em bé ngây thơ chơn chất!).

Quả thật vậy, sau nầy ở Đại đội 92, đơn vị đang đóng quân trong khuôn viên chùa Từ Đàm, gần dốc Nam Giao, dưới chân núi Ngự Bình ở Huế. Binh nhứt Cứ là một khinh binh xuất sắc của tôi, nhưng phải tội ưa trốn ra phố, dọa phạt tù nhiều lần mà cậu ta cũng không sợ. Sau cùng tôi bắt anh đứng vịn gốc cây, chổng mông cho tôi cầm roi đánh đòn giữa ngoài sân nhà của dân chúng. Anh nói:

- Vô nhà hãy đánh Trung uý ơi, ở đây mắc cỡ lắm!

- Anh chỉ mắc cỡ chứ đâu sợ tù, vậy có còn trốn đi phố nữa không?

Cứ lắc đầu, tôi quất anh 5 roi, lẽ dĩ nhiên chỉ dơ cao rồi đánh khẽ. Anh là khinh binh gan lỳ, xuất sắc nhất, được nhiều huy chương và thăng cấp rất nhanh vì lập rất nhiều thành tích. Quả thật sau nầy Cứ chỉ đi phố khi có phép thôi.

Nhiều lần tôi xin ra trung đội tác chiến, nhưng Thiếu tá Huệ bảo mới ra trường còn hăng máu, chưa kinh nghiệm, chờ một thời gian nữa sẽ tính. Tôi với ông không bà con thân thuộc, nhưng đã được quan tâm giúp đỡ nhiều phen. Có lần đang ngồi nói chuyện với anh Thành, bỗng thấy ông sắp đi đến, tôi vội chuồn êm, vì sợ mang tiếng nịnh bợ thượng cấp. Chắc ông nghĩ tôi là người ngay thẳng thật thà không biết nịnh bợ, nên cứ giữ ở lại Đại đội Chỉ Huy và đề nghị cho đi học Mã Lai (sau Thành một khoá) tới hai lần (vì sợ bị lọt sổ). Mãi tới gần một năm sau, khi ông vừa nằm xuống trong một trận đụng độ ác liệt ở vùng Phi Quân Sự, gần cầu Hiền Lương, tôi mới chuyển về Đại đội 92. Tôi lúc nào cũng tưởng nhớ ơn tri ngộ của ông, đã hết lòng nâng đỡ, ngay từ những ngày đầu trong quân ngũ.

Hơn một tháng rưởi, tiểu đoàn đã dẫm nát hết khu rừng núi sình lầy của Đầm Trà Ổ, Núi Lồi, và mật khu Hoài Nhơn. Quân Đoàn II lại cho chúng tôi đổ bộ trực thăng vận xuống vùng nhiều VC ở Sa Huỳnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Địch tại đây thật gan lỳ và hung hăng, chúng tôi chưa kịp nhảy xuống đất là đã bị họ bắn trả xối xả vào các trực thăng chở quân.

Dùng chiến thuật thần tốc, các chiến sĩ Dù vừa nhảy xuống đất đã vội dàn quân vừa bắn vừa la “Xung phong” vang rền cả chiến địa. Vì hỏa lực và sức chiến đấu quá dũng mãnh của các Đại đội Dù, nên địch thấy chống cự không lại, xúm nhau cong lưng chém vè (tháo chạy). Bỏ lại các Cán bộ Chỉ Huy trong hầm Trung Tâm Hành Quân của họ.

Hầm nầy rất lớn, bề ngang 3 thước, bề dài độ 6 thước. Các binh sĩ bao vây xung quanh, kêu gọi đầu hàng. Nhưng họ ngoan cố mở lựu đạn tự tử (Cán bộ cao cấp Cộng Sản ở khu Bình Định, Qui Nhơn đã bị nhồi sọ quá nhiều nên rất cứng đầu). Khi lục soát dưới hầm thì thấy có xác cố vấn Trung Cộng và tên Huyện ủy vùng Bồng Sơn, Tam Quan, cùng nhiều tài liệu chứng tỏ họ là những Cán bộ Chính trị Cao cấp. Chiều hôm đó, sau khi thu dọn chiến trường, toàn bộ tiểu đoàn đóng quân ngay trong làng sôi đậu nầy.

Trong nhà tôi ở, binh sĩ tìm thấy dưới cái lu nước đầy, có một hầm bí mật, trong đó, anh chủ nhà đang ẩn núp. Binh sĩ định bắt hắn, nhưng bà vợ mang bụng bầu vừa khóc vừa van xin nói thấy lính sợ quá nên mới trốn. Tôi vừa nhận được tin bà xã đã có bầu. Có lẽ vì đồng cảnh tương lân, và anh nầy cũng không có súng ống gì làm bằng chứng là du kích, nên tôi cũng bắt chước thiếu tá Huệ là tha lầm hơn bắt lầm. Các binh sĩ thấy bà vợ xanh xao bụng mang dạ chửa nên bảo anh chồng đón xe ra tỉnh ở, đợi cuộc hành quân chấm dứt hãy về cày cấy nuôi vợ con đừng nghe lời đường mật của tụi Tàu Cộng. Sau một tuần hành quân lục soát trong vùng Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, chúng tôi được xe đưa về Tam Quan. Trong khi chờ đợi máy bay vận tải tới phi trường Đệ Đức để chở về Sàigòn.

Lúc đó trung úy Phan Nhật Nam từ đại đội tác chiến, chuyển qua làm quyền Đại đội trưởng Đại đội 90. Anh Nam là người rất vui tánh, thích nói tếu với giọng oang oang khiến mọi người đều cười bể bụng, làm quên hết nỗi vất vả trong mấy tháng hành quân. Nghe nói anh vừa bị thương nặng ở trận Bình Giả, nên phải thay mấy thước ruột non bằng nilon, do đó các bạn bè thường gọi là “Nam Nilon”. Anh Nam có tài ăn nói, hùng biện chinh phục được người nghe, từ ngày anh về, các sĩ quan trong tiểu đoàn rất là vui vẻ, và thường tổ chức những buổi nhậu dã chiến để nghe anh kể chuyện.

Tôi không thích hút thuốc, có lần dừng quân tại một làng, gần chân cầu An Lỗ, anh Lê Văn Mễ gọi sĩ quan các đại đội tới nhậu, sau khi mọi người đều gần ngây ngất, thì anh Mễ bắt đầu ngâm thơ bài “Mòn Mỏi”, rượu vào làm hồn thơ trong lòng trổi dậy, khiến anh ngâm một cách say mê đến đổ lệ. Anh đã xúc động vì ý thơ, mà cũng có thể xúc động vì quá mòn mỏi trong chờ ngày thanh bình, để mọi người trai trẻ như chúng tôi khỏi phải sống cảnh trôi nổi lênh đênh đây đó. Xa vợ, xa con, xa người thân, quyến thuộc, xa bạn bè và nhất là xa Thành phố thân yêu với những ánh đèn màu rực rỡ. Nơi đó có “Đêm Màu Hồng” với tiếng hát cao vút của Thái Thanh, nhà hàng Bồng Lai có ban tam ca Thanh Phong, Duy Mỹ, Phương Đại. Hoặc ở đường Trần Hưng Đạo có vũ trường Ritz với những ca sĩ tài ba như Jo Marcel, Nhật Trường,..

Khi anh Nhật (không phải tên thật) đã thấm rượu đế hơi nhiều, bất chợt đứng lên, rút súng ra chĩa vào đầu tôi, bảo phải hút thuốc, nếu không hút thì nhấp một cái cũng được. Từ nào tới giờ rất sợ mùi thuốc lá, nhất là thấy tàn thuốc trong vũng nước là tôi muốn buồn nôn. Biết anh đã say nên tôi không cự tuyệt thẳng, chỉ đứng dậy từ từ rút lui.

Anh bực tức, nhưng chẳng lẽ ăn hiếp đàn em (anh là niên trưởng của tôi), nên trút cơn giận (của rượu) lên đầu anh bạn cùng khoá 18 ĐL là Mê Linh. Anh Nhật vừa bắn chỉ thiên dọa, vừa rượt anh Mê Linh chạy dọc theo bờ sông An Lỗ! Khiến mọi người đều lo. May là nhờ Thiếu tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn phó, là khoá đàn anh nói giúp, nếu không thì đã bị Trung tá Nhã phạt củ rồi.

Tiểu đoàn đã hành quân trên hai tháng nên được cho về Sàigòn dưỡng quân một tháng. Khi tới nhà thì Nhi cũng từ tỉnh lên (do nhắn tin trước). Mới hai tháng mà tôi coi như hai năm, vì những đêm dài thao thức ngoài chiến địa, lúc nào cũng tưởng nhớ tới nàng. Bây giờ Nhi đã đầy đặn hơn trước, trong bụng đã có mang cục máu chung của hai người. Tôi thầm cám ơn vì nàng sắp cho một đứa con đầu lòng, để nưng niu bồng bế, để nghe tiếng líu lo ríu rít của đứa trẻ, hòng giảm bớt sự căng thẳng, bớt lo nghĩ đến những ngày hành quân đầy gian nan nguy hiểm nầy.



Каталог: stories
stories -> BÀi thuyết trình cách xáC ĐỊnh và chế ĐỘ pháp lý CỦa các vùng biển theo công ưỚc của liên hiệp quốc về luật biển năM 19821
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam
stories -> -
stories -> TỜ khai thông tin của ngưỜi khuyết tật phần I cá nhân ngưỜi khuyết tậT
stories -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạO
stories -> CỘng hoà XÃ HỘi chủ ngh ĩa việt nam ban an toàn giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
stories -> BỘ CÔng thưƠng số: 1057/QĐ-bct cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
stories -> BỘ khoa học và CÔng nghệ
stories -> Đôi lời Ân tình

tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   17




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương