BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh dưƠng kim thế nguyên thủ TỤc phá SẢn các tổ chức tín dụng theo pháp luật việt nam



tải về 119.64 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích119.64 Kb.
#173
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
DƯƠNG KIM THẾ NGUYÊN

THỦ TỤC PHÁ SẢN

CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC

Chuyên ngành: LUẬT KINH TẾ Mã số 62.38.50.01

Người hướng dẫn khoa học: PGS TS PHẠM DUY NGHĨA

TP. HỒ CHÍ MINH, NĂM 2015

Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại Học Luật TP.HCM

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. PHẠM DUY NGHĨA

Phản biện 1:………………………………………………….

Phản biện 2:………………………………………………….

Phản biện 3:………………………………………………….

Luận án sẽ được bảo vệ trước hội đồng chấm Luận án cấp Trường họp tại phòng…....Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, số 2 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, vào hồi………..….giờ…………phút, ngày………tháng……….năm………………..

Có thể tìm hiểu Luận án tại thư viện Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, số 2 Nguyễn Tất Thành, Quận 4 hoặc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh




PHẦN MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu


Các Tổ chức tín dụng (TCTD) là những doanh nghiệp kinh doanh ngân hàng. Trong điều kiện kinh tế thị trường, TCTD phải đối mặt với cạnh tranh, rủi ro, phá sản như bất kỳ doanh nghiệp nào khác. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý tình trạng khó khăn của các TCTD ở Việt Nam gần đây, cơ quan quản lý Nhà nước không ủng hộ áp dụng phá sản đối với các TCTD yếu kém. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” khẳng định “không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn trong hoạt động ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước”. Trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 21/8/2012 về vấn đề kiểm soát rủi ro, xử lý nợ xấu hiệu quả… Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, một lần nữa nhắc lại chủ trương của Chính phủ là “không để ngân hàng nào bị phá sản trong giai đoạn này”.

Việc Chính phủ Việt Nam có chính sách như vừa trình bày ở trên liệu có đi ngược lại với quy luật thị trường? Ở các nước, việc giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán đối với các tổ chức tài chính trung gian như thế này sẽ được thực hiện như thế nào? Đó là bối cảnh chính sách và pháp luật đã thúc đẩy tác giả lựa chọn đề tài “Thủ tục phá sản các TCTD theo pháp luật Việt Nam” để thực thực hiện đề tài Luận án tiến sĩ luật học.

2. Mục đích nghiên cứu


Mục đích của Luận án là làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của tính đặc thù về thủ tục phá sản áp dụng đối với TCTD; hệ thống hóa và phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục phá sản đối với các TCTD; từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật về thủ tục phá sản các TCTD ở Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu


Các quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán doanh nghiệp nói chung và thủ tục giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán các TCTD nói riêng là đối tượng nghiên cứu chính của Luận án. Ngoài ra, các quy định về thủ tục giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán các TCTD của ba quốc gia được sử dụng trong nghiên cứu so sánh luật học (Hoa Kỳ, Anh, Nga) cũng là đối tượng nghiên cứu của Luận án.

Phạm vi nghiên cứu Luận án là các quy định nhằm can thiệp, xử lý khi TCTD có dấu hiệu mất khả năng thanh toán. Về không gian nghiên cứu là các TCTD hoạt động tại Việt Nam, không nghiên cứu việc phá sản đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam mất khả năng thanh toán hay giải quyết các vấn đề liên quan đến chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam khi ngân hàng nước ngoài đó bị phá sản tại nước ngoài. Khi đề xuất các định hướng và giải pháp cho việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam, Luận án đề xuất các giải pháp với tầm nhìn dự kiến cho đến năm 2020.


4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của Luận án


Về khoa học, Luận án góp phần cũng cố và hoàn thiện cơ sở lý luận xây dựng các quy định riêng về phá sản các TCTD và cơ sở lý luận cho việc hoàn thiện thủ tục phá sản các TCTD ở Việt Nam. Từ những kết quả nghiên cứu này sẽ tạo cơ sở lý luận cho cơ quan lập pháp, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan trong việc xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật về xử lý phá sản đối với các TCTD.

Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu của Luận án chỉ ra những hạn chế trong thủ tục phá sản các TCTD ở Việt Nam, từ đó kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Kết quả nghiên cứu Luận án là nguồn tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu và giảng dạy pháp luật về phá sản nói chung và pháp luật về phá sản ngân hàng nói riêng tại các cơ sở đào tạo Luật và kinh tế.

5. Tính mới của Luận án


Thứ nhất: Luận án đã xây dựng và bổ sung vào hệ thống lý luận của khoa học luật phá sản và phá sản TCTD bao gồm: (1) khái niệm thủ tục phá sản, khái niệm phá sản TCTD, (2) phân tích và chứng minh dưới khía cạnh khoa học tính chất đặc thù của các TCTD và sự cần thiết phải thiết lập các quy định đặc thù về phá sản TCTD.

Thứ hai: Bằng việc phân tích kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện pháp luật ở một số quốc gia về xử lý các TCTD mất khả năng thanh toán, luận án đã phát hiện được những nguyên tắc phổ quát khi xây dựng pháp luật về phá sản các TCTD.

Thứ ba: Với việc hệ thống hóa pháp luật đầy đủ và phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến giải quyết các TCTD bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, mất khả năng chỉ trả, Luận án đã chỉ rõ các điểm hạn chế trong pháp luật Việt Nam trong việc áp dụng giải quyết phá sản các TCTD trên thực tế.

Thứ tư: Luận án đã xác định các luận cứ khoa học, đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện của Việt Nam để hoàn thiện pháp luật Việt Nam về phá sản các TCTD nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho xử lý hợp lý các TCTD bị lâm vào tình trạng phá sản. Luận án phân tích và đề xuất các điều kiện để đảm bảo thi hành pháp luật về phá sản các TCTD.

6. Kết cấu của Luận án


Ngoài phần lời nói đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, các công trình công bố liên quan đến nội dung của Luận án và phụ lục, nội dung của Luận án được kết cấu gồm bốn chương:

Chương 1: Tổng quan về những vấn đề nghiên cứu của Luận án.

Chương 2: Những vấn đề lý luận về phá sản TCTD

Chương 3: Các quy định của pháp luật Việt Nam về giải quyết phá sản các TCTD



Chương 4: Hoàn thiện pháp luật Việt Nam về thủ tục phá sản các TCTD.

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN

1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài


Một số công trình nghiên cứu liên quan đến thủ tục phá sản các TCTD đã được công bố ở nước ngoài như bài viết "Are banks special?" (Các ngân hàng là đặc biệt?) của Gerald Corrigan, “Bank failure, systemic risk, and bank regulation” (Sự thất bại của ngân hàng, rủi ro hệ thống và các điều tiết về ngân hàng) của George G. Kaufman, cuốn sách “The myth of too big to fail” (Huyền thoại về quá lớn để sụp đổ) của Imad A. Mosa, Bài viết “Insolvency – why a special regime for banks?” (Mất khả năng thanh toán – tại sao cần một chế độ đặc biệt cho các ngân hàng) của Eva Hüpkes…

1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam


Đến nay chỉ có một số rất ít các công trình như : bài “Định hướng xây dựng luật phá sản các TCTD” của Nguyễn Văn Vân (2002), luận văn thạc sĩ “Những quy định đặc thù trong việc giải quyết phá sản TCTD” của Cao Đăng Vinh (2009), bài viết “Hoàn thiện pháp luật về giải quyết phá sản ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán” của Lê Thị Thu Thủy (2014).

1.1.3. Đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu


- Các học giả có sự thống nhất trong việc cần thiết phải xây dựng thủ tục xử lý phá sản các TCTD với cơ chế đặc thù so với thủ tục xử lý phá sản các công ty thương mại thông thường nhưng chưa thống nhất được liệu cơ chế giải quyết riêng biệt cho các TCTD như thế nào là tốt nhất.

- Trong bối cảnh hoạt động ngân hàng ngày càng thể hiện tính toàn cầu, nhiều ngân hàng đa quốc gia phát triển và có mạng lưới rộng khắp ở các nước, nhu cầu về việc xử lý phá sản ở các nước có xu hướng xích lại gần nhau. Việc tìm kiếm một giải pháp xử lý phá sản có tính chất dung hòa giữa hệ thống pháp luật thuộc các nước khác nhau ngày càng trở nên cần thiết.

- Các công trình nghiên cứu về thủ tục xử lý phá sản các TCTD ở Việt Nam đã được thực hiện cách đây khá lâu, đã lạc hậu và không còn giá trị cập nhật. Tình hình hiện tại ở Việt Nam đã có những thay đổi đặt ra yêu cầu cần thiết phải nghiên cứu hoàn thiện thủ tục phá sản các TCTD.

- Ở cấp độ tiến sĩ, chưa có một công trình nghiên cứu nào nghiên cứu một cách hệ thống vấn đề thủ tục phá sản các TCTD, thực tiễn lập pháp và thực hiện pháp luật về thủ tục phá sản các TCTD để từ đó hoàn thiện pháp luật Việt Nam về thủ tục phá sản các TCTD.

1.2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.2.1. Cơ sở lý thuyết

1.2.1.1. Câu hỏi nghiên cứu:


Đề tài “Thủ tục phá sản các TCTD theo pháp luật Việt Nam” được tiến hành để trả lời cho câu hỏi: “Những quy định về giải quyết phá sản đối với TCTD hiện hành tại Việt Nam có những hạn chế, bất cập gì, có phù hợp với nhu cầu giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán của các TCTD hay không?”. Luận án xác định cần làm rõ câu trả lời cho các câu hỏi nhỏ sau đây:

Thứ nhất: TCTD có những đặc điểm gì khác biệt so với các doanh nghiệp thông thường? Phải chăng do xuất phát từ những điểm khác biệt này mà việc giải quyết phá sản các TCTD cần thiết được tiến hành theo một thủ tục đặc biệt?

Thứ hai: Thủ tục đặc biệt trong phá sản TCTD cần phải được tiến hành như thế nào? Do cơ quan nào tiến hành? Bắt đầu từ khi nào? Diễn tiến ra sao và kết thúc như thế nào?

Thứ ba: Làm thế nào để thủ tục phá sản các TCTD có thể tiến hành mà bảo đảm dung hòa các lợi ích của các chủ thể (đặc biệt là lợi ích người gửi tiền tại TCTD), bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định tài chính và ổn định nền kinh tế vĩ mô.

1.2.1.2. Lý thuyết nghiên cứu


Dựa trên cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin về Nhà nước và pháp luật, các tri thức khoa học thuộc các ngành kinh tế tài chính, ngân hàng…. Các lý thuyết, học thuyết liên quan đến luật phá sản, giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán và phá sản các TCTD như lý thuyết về chính sách phá sản (bankruptcy-policy Theory), học thuyết về chia sẻ rủi ro (Risk-Sharing Theory), học thuyết về người cho vay cuối cùng (lender of last resort), quá lớn để không bị phá sản (too big to fail)…

1.2.1.3. Các giả thuyết nghiên cứu


Luận án dựa vào các giả thuyết khoa học sau đây:

Thứ nhất: TCTD là các các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nghề đặc biệt, song trong điều kiện của nền kinh tế thị trường buộc chúng phải chịu sự tác động của môi trường cạnh tranh và vì thế có thể bị phá sản.

Thứ hai: vì TCTD có đặc thù, sự phá sản TCTD có tác động tiêu cực lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều giai tầng trong xã hội, sự can thiệp thận trọng và chuyên nghiệp của Nhà nước là cần thiết.

Thứ ba: các quốc gia phát triển đã có hệ thống tài chính phát triển, có kinh nghiệm lập pháp và thực tiễn trong giải quyết phá sản TCTD, những kinh nghiệm này cần được tham khảo để hoàn thiện pháp luật về thủ tục phá sản các TCTD ở Việt Nam.

Thứ tư: Chính phủ Việt Nam, NHNN Việt Nam đã nhận biết và ban hành chính sách riêng để ngăn ngừa, kiểm soát tình trạng mất khả năng thanh toán của các TCTD. Các chính sách và pháp luật này cần được đánh giá và kiến nghị hoàn thiện.

1.2.1.4. Kết quả nghiên cứu


- Hệ thống hóa lý luận về phá sản, phá sản TCTD và pháp luật về phá sản TCTD; phân tích, đánh giá và nhận xét để xây dựng và bổ sung vào hệ thống lý luận của khoa học luật phá sản và phá sản TCTD.

- Kinh nghiệm giải quyết phá sản các TCTD tại ba quốc gia tiêu biểu là Hoa Kỳ, vương quốc Anh và Liên bang Nga được Luận án phân tích, khái quát hóa thành các nguyên tắc phổ quát giải quyết phá sản các TCTD.

- Luận án đã góp phần khẳng định rằng thủ tục phá sản không luôn luôn chỉ bao gồm thủ tục tư pháp. Luận án đã làm rõ thủ tục hành chính, một khi được thực hiện hiệu quả thì không cần tới vai trò thanh lý TCTD được thực hiện bởi tòa án.

- Luận án đã làm rõ nhu cầu cần thiết phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thủ tục phá sản các TCTD, chỉ ra tính khả thi của các quy định, những bất hợp lý và những điểm chưa phù hợp của pháp luật về thủ tục phá sản các TCTD từ đó đưa ra được những kiến nghị cụ thể sửa đổi các quy định của pháp luật nhằm hoàn thiện pháp luật về phá sản các TCTD.

1.2.2. Phương pháp nghiên cứu


- Phương pháp hệ thống hóa các luận điểm khoa học

- Phương pháp phân tích và giải thích pháp luật, phân tích và tổng hợp

- Phương pháp so sánh luật học,

- Phương pháp điều tra xã hội học,

- Phương pháp phỏng vấn sâu (phỏng vấn chuyên gia, có chuẩn bị trước nội dung).

Kết luận chương 1


CHƯƠNG 2 : NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁP LUẬT PHÁ SẢN TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ KINH NGHIỆM LẬP PHÁP VỀ PHÁ SẢN TỔ CHỨC TÍN DỤNG Ở MỘT SỐ NƯỚC

2.1. TỔ CHỨC TÍN DỤNG VỚI TÍNH CHẤT LÀ DOANH NGHIỆP KINH DOANH TRONG NGÀNH ĐẶC BIỆT

2.1.1. Khái niệm tổ chức tín dụng


Việc xác định một tổ chức kinh doanh được xem là TCTD phổ biến hiện nay là thông qua hoạt động của các tổ chức này - hoạt động ngân hàng. Luật Các TCTD năm 2010 quy định “TCTD là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng”.

.1.2. Các đặc trưng của tổ chức tín dụng


- TCTD là một doanh nghiệp kinh doanh, chỉ được tổ chức dưới một số hình thức pháp lý nhất định

- Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh chính, thường xuyên, liên tục và mang tính nghề nghiệp của các TCTD

- Hoạt động kinh doanh của các TCTD là hoạt động kinh doanh tiềm ẩn nhiều loại rủi ro

2.1.3. Các loại tổ chức tín dụng


Tùy theo tiêu chí phân loại, TCTD được phân chia thành nhiều loại khác nhau. Nếu dựa theo tiêu chí lĩnh vực hoạt động thì TCTD được phân loại thành ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

2.2 KHÁI NIỆM CHUNG VỀ PHÁ SẢN VÀ PHÁ SẢN CÁC TCTD

2.2.1. Khái niệm phá sản và thủ tục phá sản

2.2.1.1. Khái niệm phá sản


Khái niệm “phá sản” có thể được hiểu : (1) là tình trạng một tổ chức kinh doanh bị mất khả năng thanh toán và bị cơ quan Nhà nước (thông thường là tòa án) ra quyết định tuyên bố phá sản, hoặc (2) là thủ tục pháp lý liên quan đến một tổ chức kinh doanh để giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán của tổ chức đó. Trong Luận án này, phá sản được hiểu dưới nghĩa là một thủ tục pháp lý được quy định bởi pháp luật phá sản và pháp luật có liên quan nhằm giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

2.2.1.2 Khái niệm mất khả năng thanh toán

2.2.1.3 Khái niệm thủ tục phá sản


Thủ tục phá sản được hiểu là trình tự từng bước tiến hành giải quyết việc phá sản theo quy định của pháp luật. Thủ tục phá sản không nhất thiết buộc phải giao cho tòa án phụ trách. Đối với tổ chức tín dụng, việc giải quyết phá sản có thể bao gồm nhiều thủ tục hành chính.

2.2.1.4 Bản chất của thủ tục phá sản


Tiếp cận dưới góc độ chủ nợ, thủ tục phá sản có bản chất là một thủ tục đòi nợ tập thể. Tiếp cận dưới góc độ thanh toán nợ, thủ tục phá sản là một thủ tục giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán

2.2.2. Khái niệm phá sản các TCTD và triết lý để thiết lập các quy định đặc thù về phá sản các tổ chức tín dụng

2.2.2.1 Khái niệm phá sản TCTD


Phá sản TCTD là một thủ tục pháp lý nhằm giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán, mất khả năng chi trả của một TCTD.

2.2.2.2 Triết lý cho việc thiết lập các quy định đặc thù về phá sản các tổ chức tín dụng


Một là, TCTD là những doanh nghiệp kinh doanh dựa trên sự tín nhiệm, vì thế thủ tục phá sản các TCTD phải hạn chế đến mức thấp nhất sự giảm sút niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng

Hai là, Tổ chức tín dụng là trung tâm trung chuyển vốn, giữ vai trò quan trọng bật nhất trong hệ thống tài chính quốc gia và là trung tâm của hệ thống thanh toán, vì thế thủ tục phá sản phải hạn chế đến mức thấp nhất sự tác động tiêu cực đến hệ thống tài chính, hệ thống thanh toán

Ba là, Tính chất hợp tác và liên kết ở mức độ rất cao của các TCTD vì thế thủ tục phá sản TCTD phải hạn chế thấp nhất tác động đến sự khủng hoảng hệ thống, đe dọa đến sự ổn định của hệ thống các TCTD

Bốn là, Tính chất đặc thù trong quan hệ giữa các TCTD với con nợ và quan hệ giữa các TCTD với chủ nợ, vì thế thủ tục phá sản TCTD cần sự can thiệp, hỗ trợ chủ động và tích cực từ các cơ quan quản lý ngân hàng, tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Năm là, TCTD thông thường là những tổ chức kinh tế có có tính đại chúng và có quy mô lớn vì thế thủ tục phá sản TCTD cần phải được tiến hành thận trọng, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động xấu đến các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế

2.2.3. Những nội dung có tính đặc thù cần được quy định trong pháp luật phá sản tổ chức tín dụng


2.2.3.1 Cần xây dựng các thiết chế phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ phá sản TCTD và thiết lập các giải pháp hạn chế phá sản các TCTD

2.2.3.2. Quy định đặc thù về căn cứ tiến hành thủ tục phá sản TCTD

2.2.3.3. Quy định về thời điểm ngừng thanh toán của TCTD khi TCTD bị lâm vào tình trạng phá sản

2.2.3.4 Quy định về các biện pháp can thiệp đa dạng trong thủ tục giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán của TCTD, trong đó ưu tiên các giải pháp sáp nhập, mua lại các TCTD bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán

2.2.3.5. Quy định đặc thù về sự tham gia của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán và phá sản TCTD

2.3 KINH NGHIỆM PHÁP LUẬT VỀ THỦ TỤC PHÁ SẢN TỔ CHỨC TÍN DỤNG Ở MỘT SỐ QUỐC GIA


Luận án tìm hiểu pháp luật về phá sản ngân hàng, tại Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Liên bang Nga và đi đến các nhận xét (1) Các nước này đều quan niệm rằng việc có một thủ tục phá sản riêng áp dụng cho các TCTD là cần thiết, (2) các nước đều thiết lập một thủ tục đặc thù để giải quyết phá sản các TCTD, đặc biệt, các thủ tục xử lý nhằm hạn chế phá sản các TCTD được ưu tiên áp dụng, (3) các biện pháp thực hiện trước khi áp dụng thủ tục phá sản được tiến hành theo cơ chế thực thi riêng, bởi các cơ quan chuyên trách quản lý ngành ngân hàng như NHTW, Tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Kết luận chương 2


Chương 3 : THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ THỦ TỤC PHÁ SẢN TỔ CHỨC TÍN DỤNG

3.1 KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT VỚI TÍNH CHẤT LÀ THỦ TỤC PHỤC HỒI ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG MẤT KHẢ NĂNG THANH TOÁN, MẤT KHẢ NĂNG CHI TRẢ

3.1.1 Thủ tục kiểm soát đặc biệt đối với TCTD có nguy cơ mất khả năng thanh toán, mất khả năng chi trả

3.1.1.1 Kiểm soát đặc biệt với tính chất là một bộ phận cấu thành của thủ tục phá sản các TCTD

3.1.1.2 Nhận xét về các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về thủ tục kiểm soát đặc biệt


- Pháp luật chưa xây dựng được căn cứ để NHNN xem xét áp dụng quy chế kiểm soát đặc biệt đối với TCTD có vấn đề. Cụ thể là chưa có quy định rõ ràng là các yếu tố để căn cứ vào đó NHNN ra quyết định mà trao quyền đánh giá đó cho Thống đốc NHNN căn cứ vào kết quả thanh tra, giám sát của NHNN và theo đề nghị của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc nơi TCTD đặt trụ sở chính

- Quy định chưa rõ ràng, minh bạch trong hình thức và căn cứ áp dụng các hình thức kiểm soát đặc biệt.

- Quyền của NHNN trong hoạt động kiểm soát đặc biệt Trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt thể hiện sự can thiệp của Nhà nước bằng biện pháp hành chính mạnh mẽ. Ban kiểm soát đặc biệt được trao quyền can thiệp rất sâu vào tổ chức nhân sự và quản lý điều hành TCTD.

- Khi quy định về thời hạn kiểm soát đặc biệt, gia hạn và chấm dứt kiểm soát đặc biệt, pháp luật Việt Nam chưa cá biệt hóa thời hạn cho từng những trường hợp cần sự can thiệp bằng biện pháp kiểm soát đặc biệt. …


3.1.2 Các biện pháp phục hồi mất khả năng thanh toán, mất khả năng chi trả khác đối với TCTD

3.1.2.1. Cho vay đặc biệt với tính chất là biện pháp xử lý tình trạng mất khả năng thanh toán, mất khả năng chi trả của TCTD


Pháp luật Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt với các nội dung : (1) Trường hợp cho vay đặc biệt và chủ thể cho vay (2) Lãi suất trong cho vay đặc biệt (3) sử dụng tiền vay, thời hạn vay và việc hoàn trả tiền vay đã được luận án đánh giá.

3.1.2.2 Góp vốn, mua cổ phần bắt buộc với tính chất là biện pháp xử lý tình trạng mất khả năng thanh toán, mất khả năng chi trả của TCTD


Góp vốn, mua cổ phần bắt buộc là biện pháp xử lý áp dụng đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, được quy định tại Luật các TCTD 2010 và Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg với Thẩm quyền quyết định việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc là Ngân hàng Nhà nước, theo các điều kiện áp dụng biện phápvà với hình thức cụ thể. Việc thoái vốn của các TCTD tham gia góp vốn, mua cổ phần cũng được quy định.


3.2 CÁC QUY ĐỊNH ĐẶC THÙ TRONG THỦ TỤC PHÁ SẢN TỔ CHỨC TÍN DỤNG TẠI TÒA ÁN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

3.2.1 Quy định đặc thù về nộp đơn và thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản các TCTD tại tòa án.


Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD không đơn thuần xuất phát từ việc TCTD đó mất khả năng thanh toán mà phải từ các điều kiện ràng buộc nhất định, điều kiện để toà án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD là đặc thù với so với doanh nghiệp thông thường, quy định tại Điều 99 Luật Phá sản 2014.

Quy định hiện hành vẫn còn một số hạn chế: (1) Quy định về dấu hiệu mất khả năng thanh toán vẫn còn đơn giản, (2) Luật đã chưa có quy định rõ về việc công bố thông tin, trách nhiệm công bố tin và quyền tiếp cận thông tin khi TCTD đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán. Chính điều này đã ảnh hưởng việc thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các chủ thể này.


3.2.2 Quy định đặc thù về một số loại chủ thể có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD


Luật Phá sản 2014 cụ thể hóa các chủ thể có quyền nộp đơn và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản song chưa giải quyết triệt để, có thể gây khó khăn trong khi áp dụng trong thực tiễn về quyền nộp đơn của TCTD về thời điểm phát sinh nghĩa vụ nộp đơn của chủ thể nộp đơn là TCTD, của chủ nợ, về vấn đề chủ nợ đặc biệt của TCTD phát sinh sau khi TCTD bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán

3.2.3 Quy định đặc thù về thủ tục rút gọn cho phá sản TCTD


Đối với TCTD, khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán, thì TCTD có thể được NHNN áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt. Chính vì vậy, thủ tục phá sản đối với TCTD tại tòa án chỉ bao gồm thủ tục thanh lý mà không có thủ tục phục hồi. Hạn chế của Luật Phá sản 2014 là việc áp dụng thống nhất một thủ tục rút gọn cho tất cả các. Các TCTD có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hạn chế, chỉ giới hạn trong một số lĩnh vực hoạt động nhất định như các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô chắc chắn sẽ không nên và không thực sự cần thiết phải trải qua quá nhiều sự kiểm soát chặt chẽ và xử lý phá sản theo thủ tục phức tạp như các ngân hàng thương mại.

3.2.4 Quy định đặc thù về quản lý tài sản phá sản, bảo toàn tài sản và thứ tự thanh toán tài sản của TCTD


Một là : về chủ thể quản lý tài sản.

Hai là: những đặc thù trong quy định về bảo toàn tài sản

Ba là: về vấn đề xử lý tài sản nhận ủy thác, nhận giữ hộ khi tổ chức tín dụng bị tuyên bố phá sản và thanh lý tài sản phá sản

Bốn là : quy định đặc thù về thứ tự ưu tiên thanh toán khi phá sản TCTD

Kết luận chương 3


Chương 4

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ THỦ TỤC PHÁ SẢN TỔ CHỨC TÍN DỤNG



4.1. NHỮNG YÊU CẦU CỦA VIỆC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THỦ TỤC PHÁ SẢN TỔ CHỨC TÍN DỤNG TẠI VIỆT NAM

4.1.1 Pháp luật về thủ tục phá sản TCTD phải thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển thị trường tiền tệ

4.1.2 Hoàn thiện pháp luật về thủ tục phá sản các TCTD phải gắn với việc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”

4.1.3 Pháp luật về xử lý phá sản các TCTD phải đồng bộ với các pháp luật có liên quan

4.2 KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THỦ TỤC PHÁ SẢN TỔ CHỨC TÍN DỤNG Ở VIỆT NAM

4.2.1 Hoàn thiện mô hình và cấu trúc của pháp luật về thủ tục phá sản TCTD

4.2.1.1 Mô hình pháp luật về thủ tục phá sản các TCTD tại Việt Nam


Cần thiết kế một văn bản pháp luật chuyên ngành về phá sản TCTD với đầy đủ các nội dung: (1) can thiệp của Nhà nước đối với TCTD có nguy cơ mất khả năng thanh toán, mất khả năng chi trả bằng thủ tục kiểm soát đặc biệt; (2) Các quy định về thủ tục thanh lý và thanh toán phá sản đối vói các TCTD đã qua kiểm soát đặc biệt nhưng không thành công hoặc không thể kiểm soát đặc biệt.

4.2.2 Hoàn thiện các quy định liên quan đến thủ tục áp dụng các biện pháp can thiệp đối với TCTD mất khả năng thanh toán nhằm hạn chế phá sản.

4.2.2.1 Hoàn thiện các quy định về thủ tục kiểm soát đặc biệt


- Cần xác định cụ thể các tiêu chí giúp NHNN dễ dàng hơn trong việc xem xét ra quyết định, TCTD có cơ sở để đánh giá tính đúng đắn của quyết định kiểm soát đặc biệt đã được cơ quan Nhà nước áp dụng với Ngân hàng của mình.

- Cần bổ sung các quy định về giám sát hoạt động của các thành viên Ban kiểm soát và bảo đảm quyền khiếu nại đối các hành động gây thiệt hại cho TCTD của các thành viên Ban kiểm soát.

- Cần bổ sung quy định rõ ràng các chế tài áp dụng đối với các chủ thể có nghĩa vụ thông báo của TCTD.

4.2.2.2 Hoàn thiện các quy định về cho vay đặc biệt


Cần quy định lãi suất cao hơn cho các khoản cho vay đặc biệt để giải quyết sự cố.

Cần lưu ý vấn đề nguồn vốn để NHNN cho vay đặc biệt và khả năng gây ra lạm phát.


4.2.3 Hoàn thiện các quy định về thủ tục xử lý phá sản tại tòa án

4.2.3.1 Về đối tượng TCTD được áp dụng thủ tục xử lý phá sản theo thủ tục tư pháp rút gọn dành cho TCTD


Cần xác định rõ các đối tượng TCTD được áp dụng các quy định đặc thù về giải quyết phá sản theo hướng loại trừ những đối tượng không áp dụng các quy định này bao gồm, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và các tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

4.2.3.2 Về điều kiện xác định tình trạng mất khả năng thanh toán


Kiến nghị sửa đổi quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014 như sau:

“1. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là:

a. Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

b. Doanh nghiệp, hợp tác xã có giá trị tài sản nhỏ hơn tổng số nợ đến hạn”


4.2.3.3 Về quy định đảm bảo thực hiện được quyền nộp đơn của chủ nợ và người lao động.


Cần quy định rõ nghĩa vụ công bố thông tin đối với thông tin về “NHNN Việt Nam đã có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt”.

4.2.3.4 Bổ sung các chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục giải quyết phá sản các TCTD


Bổ sung thêm đối tượng có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản TCTD là NHNN và Tổ chức BHTG

4.2.3.5 Về xác định tài sản của các TCTD bị phá sản

4.2.3.6 Về xử lý tài sản của các TCTD bị phá sản


Cần quy định về ưu tiên lựa chọn phương thức thanh lý tài sản. Cụ thể nên quy định như sau: “Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản khi thực hiện thanh lý tài sản phá sản của TCTD phải lựa chọn phương thức thanh lý tài sản theo thứ tự ưu tiên như sau:

(1) Chuyển giao toàn bộ TCTD dưới hình thức bán đấu giá cho một TCTD khác.

(2) Chuyển giao toàn bộ TCTD dưới hình thức bán đấu giá cho một chủ thể kinh doanh khác có khả năng chuyển sang thực hiện các hoạt động ngân hàng.

(3) Chuyển giao toàn bộ TCTD dưới hình thức bán đấu giá cho chủ thể kinh doanh khác không hoạt động ngân hàng.

(4) Chuyển giao toàn bộ TCTD dưới hình thức bán trực tiếp cho chủ thể kinh doanh khác không hoạt động ngân hàng.

(5) Bán đấu giá từng tài sản riêng lẻ của TCTD.

(6) Bán trực tiếp từng tài sản riêng lẻ của TCTD.”

4.2.3.7. Về thứ tự ưu tiên thanh toán tài sản của các TCTD bị phá sản


Cần quy định lại thứ tự ưu tiên thanh toán khi TCTD bị tuyên bố phá sản như sau:

1. Các chi phí phá sản.

2. Các khoản nợ lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động.

3. Các khoản nợ cho các chủ nợ ưu tiên (bao gồm tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe do TCTD gây ra hoặc phải chịu trách nhiệm theo quy định của phá luật dân sự, tiền gửi của cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác).

4. Các khoản nợ cho các chủ nợ thông thường (nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ1, khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ).

5. Các khoản nợ cho các chủ nợ không được ưu tiên (khoản tiền tổ chức BHTG phải trả cho người gửi tiền tại TCTD theo quy định của pháp luật về BHTG và hướng dẫn của NHNN Việt Nam).

6. Sau khi đã thanh toán xong cho các khoản nợ trên thì phần tài sản còn lại thuộc về chủ sở hữu của TCTD.

4.3 CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐẢM BẢO THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ THỦ TỤC PHÁ SẢN TỔ CHỨC TÍN DỤNG Ở VIỆT NAM


4.3.1 Điều kiện về nhận thức của cộng đồng đối với pháp luật phá sản

4.3.1.1 Phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho cộng đồng được thực hiện thường xuyên và đầy đủ

4.3.1.2 Tâm lý thiếu thiện cảm và cách nhìn e ngại đối với vấn đề phá sản đã được hình thành lâu nay trong cộng đồng người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan thực hiện pháp luật phải được giải tỏa

4.3.2 Năng lực giải quyết phá sản của đội ngũ cán bộ tham gia xử lý phá sản được bảo đảm

4.3.3 Đội ngũ quản tài viên và doanh nghiệp quản lý tài sản hình thành và phát triển

4.3.4 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo tiểm tiền gửi Việt Nam chủ động trong các hoạt động giám sát, hỗ trợ.

Kết luận chương 4

KẾT LUẬN

1.Trong nền kinh tế thị trường, TCTD là những doanh nghiệp kinh doanh song chính ngành nghề kinh doanh đặc biệt. Nhà nước cần có biện pháp can thiệp để xử lý một cách chuyên nghiệp, thận trọng khi TCTD bị lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

2. Các quốc gia tiên tiến, có nền kinh tế thị trường phát triển đã nghiên cứu và xây dựng hệ thống pháp luật nhằm hạn chế xảy ra phá sản các TCTD và xử lý những vụ việc phá sản các TCTD bằng những biện pháp khác nhau hướng tới sự ổn định của hệ thống các TCTD và nền kinh tế.

3. Sự can thiệp sớm của NHTW hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý ngân hàng đối với các TCTD có nguy cơ mất khả năng thanh toán bằng những biện pháp nhằm hạn chế xảy ra phá sản các TCTD. Việc tuyên bố phá sản các TCTD tại tòa án chỉ được tiến hành sau khi cơ quan quản lý ngân hàng rút giấy phép hoạt động ngân hàng hoặc chấm dứt áp dụng thủ tục phục hồi.

4. Luận án đã phân tích thực trạng khung pháp lý về thủ tục phá sản TCTD ở Việt Nam, việc thiết lập các quy định về thủ tục phá sản các TCTD từ việc thực hiện các hỗ trợ, can thiệp của cơ quan quản lý các TCTD và từ đó chỉ ra những hạn chế trong hệ thống pháp luật Việt Nam về vấn đề này.

5. Luận án đã phân tích các yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật về thủ tục phá sản các TCTD và đồng thời chỉ ra một số nội dung cần hoàn thiện pháp luật về phá sản các TCTD ở Việt Nam như: hướng xây dựng văn bản pháp luật; sửa khái niệm lâm vào tình trạng phá sản bằng khái niệm lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán; hoàn thiện các quy định về kiểm soát đặc biệt, hoàn thiện các quy định về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, hoàn thiện các quy định về thanh lý và tuyên bố phá sản các TCTD.

6. Kết quả nghiên cứu của Luận án đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về thủ tục phá sản các TCTD với tính chất là một thủ tục đặc thù so với việc phá sản các doanh nghiệp thông thường, từ đó đã có những phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật Việt Nam trong tương quan so sánh với luật nước ngoài và đưa ra các kiển nghị có ý nghĩa trong việc hoàn thiện pháp luật về phá sản các TCTD tại Việt Nam.

7. Để tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu về chủ đề này, do giới hạn của Luận án chưa có đủ điều kiện để nghiên cứu, Luận án này đề xuất hai khía cạnh cần được tiếp tục nghiên cứu thêm như sau:



Một là: do tính không công khai của các thông tin về hoạt động ngân hàng nên tác giả Luận án không thể tiếp cận đến các thông tin gốc. Phần nhiều các thông tin được thu thập qua báo chí, qua phỏng vấn trực tiếp của tác giả Luận án với các đối tượng có liên quan và qua quan sát của tác giả. Việc phỏng vấn, quan sát mặc dù được thực hiện chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh, khu vực kinh tế năng động nhất của cả nước và tập trung rất nhiều các ngân hàng cũng như những chuyên gia có uy tín cao nhưng cũng không phản ánh được tình hình chung của các nước. Chính vì thế việc đánh giá hiệu quả và tác động của các chính sách từ phía NHNN cần được kiểm chứng nếu có cơ hội trong tương lai.

Hai là: Luận án đã không đặt vấn đề nghiên cứu khía cạnh quốc tế và việc phá sản các Ngân hàng đa quốc gia, những tác động và cách thức xử lý phá sản như thế nào nếu Ngân hàng đa quốc gia bị phá sản mà có chi nhánh hoặc ngân hàng con tại Việt Nam.

NHỮNG CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ





  1. Dương Kim Thế Nguyên (2014), Biện pháp kiểm soát đặc biệt với việc xử lý các TCTD mất khả năng thanh toán, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 3/2014, Trang 43-51.

  2. Dương Kim Thế Nguyên (2014), Giải quyết phá sản ngân hàng thương mại theo pháp luật một số nước, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 7/2014, Trang 60-66.

  3. Dương Kim Thế Nguyên (2014), Quy định đặc thù trong phá sản các TCTD, Tạp chí luật học số 6/2014, Trang 33-39, 47.

  4. Dương Kim Thế Nguyên (2014), Cơ sở của các quy định riêng về phá sản các TCTD, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 5/2014, trang 23-31.

  5. Dương Kim Thế Nguyên (2014), Quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản các TCTD, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 1/2014, trang 44-51.

  6. Dương Kim Thế Nguyên (2014), Quản tài viên trong Luật Phá sản các nước – kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí toà án nhân dân số 6 tháng 3/2014, Trang 43-51, 84.

  7. Dương Kim Thế Nguyên (2014), Kiểm soát đặc biệt trong phòng ngừa tình trạng mất khả năng thanh toán của các TCTD, Tạp chí Quản lý Nhà nước số 223 tháng 8/2014, trang 70-74.



1 Không bao gồm tiền gửi của cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác

Каталог: hcmulaw -> images -> stories -> dhluat -> saudaihoc -> NCS
dhluat -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập-Tự do-Hạnh phúc
dhluat -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
dhluat -> Học vị tiến sĩ và học hàm ở các đại học Úc và Mỹ Phần 1
dhluat -> BỘ giáo dục và ĐÀo tạo trưỜng đẠi học luật tp. HỒ chí minh kỷ YẾu hội thảo khoa học thờI ĐIỂm giao kếT
dhluat -> TRƯỜng đh luật tp. Hcm cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam khoa luật hành chính độc lập Tự do Hạnh phúc
dhluat -> M mẫu 2 Ẫu bản kê khai tài sảN, thu nhập bổ sung
dhluat -> LỜi mở ĐẦu tính cấp thiết củA ĐỀ TÀI
saudaihoc -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam trưỜng đẠi học luật tp. Hcm độc lập – Tự do – Hạnh phúc

tải về 119.64 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương